HUYỀN THOẠI “CỨU RỖI”

(The “Salvation” Myth)

tác giả: Linh Mục James Kavanaugh

người dịch: Trần Chung Ngọc

http://sachhiem.net/TCN/TCNtg/TCN148_HMD.php

12 tháng 3, 2008

Vài Lời Nói Đầu Của Người Dịch:

Linh mục James Kavanaugh là một nhân vật đặc biệt trong giáo hội Ca Tô Rô Ma. Đặc biệt vì ông thuộc một số ít ỏi hiếm hoi trong giáo hội Ca Tô còn biết tôn trọng sự thật, coi nặng vấn đề lương tâm và lương thiện trí thức. Không như tuyệt đại đa số các chức sắc trong giáo hội, những người đã biết rõ sự thật về cấu trúc toàn trị của giáo hội cũng như những huyền thoại mê tín vẫn được tiếp tục duy trì trong giáo hội, nhưng không dám nói ra viện cớ là để tránh gây xúc động trong khối tín đồ, thực ra chỉ là để bám víu vào quyền lực vật chất và tinh thần trên khối tín đồ thấp kém, Linh mục Kavanaugh chủ trương giải phóng tín đồ ra khỏi những huyền thoại của Ki Tô Giáo, bằng cách vạch trần những sự thật về cấu trúc và những huyền thoại trong Ca Tô Giáo, để cho họ có thể thoát ra khỏi vòng nô lệ của giáo hội, trở thành một con người đích thực là một con người tự do, có nhân phẩm.

Cuốn sách nổi tiếng và bán chạy nhất của Linh mục James Kavanaugh là cuốn Một Linh Mục Hiện Đại Nhìn Vào Cái Giáo Hội Đã Lỗi Thời Của Mình (A Modern Priest Looks At His Outdated Church) trong đó ông thẳng thắn phê bình những giáo luật của giáo hội, phân tích con người Ca Tô qua các vấn đề như nhân vị, cưới hỏi và ly dị, ngừa thai v..v.. Ông viết rất thành thực và thẳng thắn đến độ một phê bình gia đã kết luận: nếu ông ta viết cuốn này cách đây vài trăm năm thì ông đã bị đưa lên dàn hỏa thiêu sống. 90% hồi ứng của các độc giả ở trong Ca Tô Giáo và Tin Lành tán thán công trình của ông. Kết quả là ông được mời đi thuyết trình ở nhiều đại học, được mời lên nhiều đài truyền hình và phát thanh để phổ biến những tư tưởng của ông cho đại chúng.

Một cuốn sách nổi tiếng khác của Linh mục James Kavanaugh là cuốn Sự Sinh Ra Của Thiên Chúa (The Birth of God). Huyền thoại “cứu rỗi” (The Salvation Myth)) là một chương trong cuốn đó, Chương 5, từ trang 88 đến trang 102. Vì chương này hơi dài nên tôi đã lược bớt một số đoạn nói về những ý tưởng trong Ki Tô Giáo tương đồng với những ý tưởng trong các nền văn hóa khác như Ai Cập, Ấn Độ, Ba Tư v..v.. Qua bản dịch này, tôi hi vọng quý độc giả có thể thấy rõ những tư tưởng sắc bén nhưng không thiếu vẻ ý nhị và châm biếm trong tư tưởng của Linh mục James Kavanaugh về cốt tủy đức tin của người Ki Tô: Sự “cứu rỗi” của Giê-su.

Người Ki Tô gọi Thần của họ là God. Trong Ki Tô Giáo có God-the-Father, nghĩa là Thần Gia –vê của dân Do Thái, và God-the-Son, nghĩa là Giê-su. Vì vậy trong bài dịch này tôi dịch God-the-Father (hoặc God trống không) là “Chúa Cha” và God-the-Son, hay Giê-su, là “Chúa Con” cho nó được chính xác. Những danh từ như Thượng-đế hay Thiên-Chúa đều không thích hợp.


Huyền Thoại “Cứu Rỗi”

(The Salvation Myth)


Linh Mục James Kavanaugh

Một trong những huyền thoại trong cuốn Kinh của Ki Tô Giáo khiến chúng ta đặc biệt quan tâm là huyền thoại “cứu rỗi” (The salvation myth). Đây chính là cốt tủy của đức tin vào cuốn Kinh này, và huyền thoại này coi con người như là đầy tội lỗi, bị thống trị bởi tội lỗi (guilt-ridden) trước Chúa Cha (God). Con người sinh ra trong tội lỗi, làm mồi cho hàng ngàn cám dỗ dơ dáy đẩy con người lìa xa Chúa Cha (God) của họ. Con người phải đối diện với và không tránh khỏi được sự chết. Chỉ có Chúa Cha (God) của họ mới cứu được họ.

Huyền thoại “cứu rỗi” bắt nguồn từ sự kiện là con người ý thức được có sự xấu ác ở trên đời. Không thấy lý do nào cho sự đau ốm và chết, sự giết chóc giữa con người với con người, trộm cướp, hận thù v..v.., các triết gia trong mọi nền văn hóa đã tìm cách giải thích chúng. Một vài nền văn hóa, thí dụ như Ba Tư, mô tả hai nguyên lý về sáng tạo: một nguyên lý là thần của ánh sáng hay của các điều thiện, và nguyên lý sáng tạo kia là thần của sự tối tăm hay của những điều ác [Đây chính là huyền thoại Zoroaster: Zoroaster là tên Hi Lạp của nhà tiên tri Ba Tư Zarathustra, sống ở Ba Tư vào khoảng 1500 năm trước Tây Lịch (TTL) hay trước thời đại chung hay công nguyên (common era: C.E. TCN]. Con người có trong bản thân những hạt giống của cả hai thần; sự hiện hữu của con người là một cuộc chiến thường xuyên giữa hai lực thiện và ác đối nhau. Dân Babylon cổ xưa tin rằng con rắn đã lấy đi cây bất tử từ vị anh hùng Gilgamesh của họ, do đó để lại cho con người sự ác và vô minh. Dân Do Thái dùng chung huyền thoại về con rắn với đôi chút thay đổi trong chuyện sáng thế và mô tả Adam bị cám dỗ bởi con rắn xảo quyệt. [Chúng ta nên nhớ nguồn gốc của Ki Tô Giáo là Do Thái giáo. TCN]

Nhưng trong sự hiểu biết về sự ác của người Do Thái – KiTô, con người không chỉ bị cám dỗ mà con sa ngã. Sự ác ngự trị trong tâm con người. Ngay cả những vấn đề vệ sinh, đau ốm cũng được coi như là những bằng chứng của sự dơ dáy của con người. Người phụ nữ sau khi sinh nở bị coi là “dơ dáy” và bắt buộc phải đến đền thờ để làm cho sạch. Mọi vấn đề vật chất xảy ra cho con người như bị bỏng, bệnh ngoài da, mẩn da, rụng tóc v..v.. đều phải đưa đến cho các linh mục xem xét. Một vài con vật được coi như là không sạch, thí dụ, con heo, ăn thịt heo làm cho con người dơ dáy. Và trong truyền thống Ki Tô Giáo, tông đồ Phao Lồ (Paul) nói: “Mỗi khi tôi muốn làm một việc tốt thì một điều xấu ác nào đó lại tới, khiến cho con người của tôi tuân theo một luật khác chống với luật ở trong lý trí của tôi”. Trong thế kỷ 4, Augustine viết trong cuốn Confession về sự bất lực của ông ta trước sự xấu ác. Luther, trong thế kỷ 16, mô tả con người của ông ta là một “khối xác thịt đọa đầy” (a damned mass), và Calvin cho rằng sự ác nằm ngay trong những sự lạc thú của con người (human pleasure).

Đó là con người trong truyền thống Do Thái – Ki Tô. Yếu ớt và tội lỗi, hắn ta không thể tìm thấy sự bình an trong tâm hồn. Hắn cần sự cứu vớt qua sự giúp đỡ của Chúa Cha (God).

Từ thời sơ khai, sự cứu rỗi của con người đến từ những cuộc hi sinh hay tế thần. Tế thần là giết chết một nạn nhân để ghi nhận sự ngự trị của Thần, đấng làm chủ của mọi sự sống [Theo định nghĩa này thì Thần làm chủ của mọi sự sống tương đương với Chúa Cha (God) của Ki Tô Giáo. TCN]

Lễ tiết tế thần khác nhau tùy nơi. Có cuộc tế thần bằng cách thiêu sống một con vật, hoặc một cuộc dâng lễ hòa bình (peace offering) trong đó một phần con vật được trả lại cho người tế thần. Điều này có nghĩa là vật tế thần đã được sự chấp nhận của thần. Có cuộc tế chuộc tội trong đó con người đặt tay lên con vật để chuyển tội lỗi của mình vào con vật. Điểm chính trong các cuộc tế thần là phải làm đổ máu con vật. Và con người được “cứu” (saved) qua những cuộc tế thần đầy máu me đó.

Được cứu có nhiều nghĩa. Nó có nghĩa là con người nay được làm bạn của thần, được thần chấp nhận và đáng sống. Thường thường thì sự cứu đó chỉ là tạm thời.

Đối với người Do Thái, điều này có nghĩa là họ được tự do là thành viên của một cộng đồng tôn giáo và được tự do cầu nguyện với số còn lại trong cộng đồng của những người “tốt”. Họ sẽ được sống lâu trên trái đất và sau đó được bình an sau khi chết.

Đối với người Ki Tô giáo, “cứu rỗi” có nghĩa là được sống trong ân sủng của Chúa Cha (God), là họ có thể làm những việc giống Chúa Cha (God-like works) giữa loài người, là họ sẽ tránh được những hành hạ, dằn vặt vĩnh viễn dưới một hỏa ngục, và được hưởng hạnh phúc trên thiên đường.

Hi sinh tế thần, chìa khóa của sự “cứu rỗi”, giải thích quan điểm của Ki Tô Giáo về sự kiện Giê-su bị đóng đinh trên thập giá như là một cái chết hi sinh tế thần. Điều này cũng là tự nhiên vì Ki Tô Giáo bắt nguồn từ Do Thái Giáo. Người Ki Tô thấy có một sự tương đồng đặc biệt giữa cái chết của Giê-su và cái chết của con chiên (cừu) mà người Do Thái giết khi họ thoát ra khỏi vòng nô lệ của Ai Cập trong cuộc “vượt qua”.

Đêm trước ngày chạy trốn khỏi Ai Cập, dân Do Thái được lệnh chọn một con chiên. Con chiên này phải là một con còn non dưới một năm, tinh khiết, và máu con vật phải được rảy trên ngưỡng cửa mỗi nhà để cho thiên thần [theo lệnh của Chúa Cha (God) lòng lành. TCN] đã giết những đứa con đầu lòng trong mỗi gia đình Ai Cập, sẽ để yên cho những đứa con đầu lòng vô nhiễm trong các gia đình Do Thái. [Theo Tân Ước thì vì sự sinh ra của Giê-su mà Herod đã ra lệnh giết mọi đứa con đầu lòng dưới 2 tuổi trong các gia đình ở Jerusalem. TCN] Chính máu của con chiên đã cứu người Do Thái và đứa con đầu lòng trong mỗi gia đình là thuộc về Chúa Cha (God), đấng đã cứu hắn.

Giê-su đã trở thành con chiên mới của sự “vượt qua” từ chết tới sống trong biểu tượng của Ki Tô Giáo. Ông ta trở thành “cứu tinh” (Saviour) của dân Do Thái [Giống như những con chiên tế thần là cứu tinh của mỗi gia đình Do Thái. TCN] Ông ta là một con chiên toàn bích mà máu của ông ta sẽ cầm giữ sự giận dữ của Chúa Cha (God). Ông ta cũng phải tinh khiết (without blemish) giống như con chiên còn non, và không sinh ra trong tội lỗi mà từ một nữ trinh. Giê-su cũng phải là đứa con đầu lòng, đứa con đặc biệt thuộc về Chúa Cha (God). Bằng cái chết đổ máu trên thập giá, người Ki Tô tuyên bố rằng ông ta đã mở con đường sống vĩnh cửu cho con người. Con người không còn là tù nhân của bản năng và những ham muốn thấp hèn của mình, không còn là nô lệ của sự yếu ớt và ham muốn xác thịt tội lỗi. Vì vậy, John the Baptist đã gọi Giê-su là “con chiên của Chúa Cha ((the lamb of God) đã lấy đi tội lỗi của thế giới”. [Nhưng đó chỉ là sự mê tín hoang đường của người Do Thái trong thời bán khai, vì hiện nay tội lỗi còn tràn ngập trên thế giới. TCN]

Tuy nhiên, sự hi sinh của Giê-su là sự hi sinh hoàn toàn, sự hi sinh cuối cùng, chấm dứt mọi sự hi sinh bất toàn khác. Trong thư viết cho dân Iphesie, Phao Lồ (Paul) viết: ”Lành thay Chúa Cha của Chúa chúng ta là Giê-su Ki Tô.. trong Người, bằng máu của Người, chúng ta có được sự tự do, sự tha thứ những tội lỗi của chúng ta” (Blessed be God the Father of our Lord Jesus Christ.. in Whom, through his blood, we gain our freedom, the forgiveness of our sins).

Huyền thoại Ki Tô về sự “cứu rỗi” còn khẳng định là con người không thể được cứu rỗi nếu không có cái chết của đấng Ki Tô. Con người không chỉ sinh ra một cách bất toàn và trong tội lỗi, mà đã phạm vô số tội trong đời và thường xuyên cần phải lấy lại tình thương của Chúa Cha (God). Tự mình, con người thật là vô vọng vì có một bức tường ngăn cách vĩ đại đứng chắn giữa hắn ta và Chúa Cha (God). Qua nhiều thế kỷ với những cuộc hi sinh không toàn bích, hắn không thể vượt qua được bức tường đó. Rồi Giê-su tới và sự hi sinh hoàn toàn (perfect sacrifice) đã tới, và con người được cứu bởi cái “máu cứu chuộc” (redeemer’s blood) đã đổ ra.

Đối với một tín đồ Ki Tô được nuôi nấng trong thế giới hi sinh của Do Thái, luận cứ này có một ý nghĩa nào đó. Ngay cả đối với người La Mã đã đọc những truyền thuyết về nhân vật Decius xông vào giữa đám quân thù như là một hành động hi sinh anh dũng, luận cứ này có một ý nghĩa nào đó. Đối với bất cứ người nào trong thế giới cổ xưa và đứng trước Chúa Cha (God) như là một nạn nhân không có khả năng và tự lực, tin rằng mình là một con người tội lỗi vô vọng và coi Chúa Cha (God) như là một đấng không thể tới gần được và là một phán quan nóng giận, cái chết hi sinh của Giê-su là một huyền thoại có đôi chút giá trị.

Nhưng đối với con người hiện đại. chuyện hi sinh của Giê-su chẳng có ý nghĩa gì mấy, trừ khi hắn đã bị reo rắc sự sợ hãi và bị tẩy não từ khi mới sinh ra đời (But to modern man, it makes far less sense unless he has been suitably frightened and brainwashed from birth). Đối với tôi (Linh mục James Kavanaugh), đó là một huyền thoại “cứu rỗi” của thời bán khai, miêu tả một người cha giận dữ, chỉ nguôi được cơn giận bằng cái chết đầy máu me của chính con mình. Đó là một chuyện độc ác không thể tưởng tượng được của thời bán khai (It is a primitive tale of unbelievable cruelty).

Tôi chấp nhận sự kiện là Giê-su đã chết, và ngay cả đã bị đóng đinh trên thập giá. Nhưng tôi không thể chấp nhận cái huyền thoại là cái chết của ông ta là để chuộc tội cho tôi. Huyền thoại “cứu rỗi” trong Tân Ước chỉ là một cách diễn giải. Đó là một huyền thoại của thời bán khai, bản chất của nó giống như những huyền thoại của các dân tộc bán khai ở khắp nơi, nhưng nó hoang đường và ác độc hơn hầu hết các huyền thoại khác (But it is more unbelievable and more cruel than most myths).

Tôi không muốn được “cứu rỗi” hay rửa sạch tội lỗi trong máu của bất cứ ai. Tôi được cứu khỏi cái gì? Tôi cũng không chấp nhận huyền thoại về một Thần Cha đòi hỏi đối xử với con của mình là Giê-su bằng một loại công lý vô tình cảm và đòi hỏi hắn phải chết để chuộc tội cho tôi. Cái huyền thoại này cũng chẳng có gì hấp dẫn hơn vì ông ta đã vinh quang làm cho con ông ta sống lại. Tôi không thể yêu một ông Cha như vậy và cũng chẳng có gì cần phải biết ơn một đứa con như vậy. Tôi không yêu cầu ông ta phải chịu đau khổ vì tôi và ngay cả muốn ông ta làm như vậy.

Trong quá khứ, con người đã có những nghi vấn và muốn thoát ra ra khỏi sự “cứu rỗi” của Chúa Cha (God). Nhưng Chúa Cha (God) này đã có sự hậu thuẫn to lớn của lịch sử và của định chế tôn giáo vĩ đại. Ông ta đã mời gọi được các bậc trí thức để phục vụ cho ông ta, xây dựng ông ta thành một hệ thống vĩ đại. Ông ta có những giáo sĩ biến ông ta thành một huyền nhiệm ngoài mọi thắc mắc. Ông ta có những thương gia bao quanh ông ta với những tượng đài hùng vĩ và làm cho ông ta trở thành một phần của một nền văn hóa. Ông ta cũng có những người hiến thân cho ông ta, mô tả ông ta cho những đứa trẻ ngây thơ và đe dọa người lớn. Ông ta đã ngự trị trên con người bằng cách gây cho họ một mặc cảm tội lỗi và sự sợ hãi.

Huyền thoại “cứu rỗi” trở thành tinh vi hơn. Phao Lồ (Paul) nhấn mạnh là người Ki Tô chia xẻ trong sự chết và sống lại của Giê-su trong lễ rửa. Trong thư viết cho người La Mã, ông ta viết: “Khi chúng ta chịu lễ rửa trong Giê-su Ki Tô, chúng ta được rửa trong cái chết của ông ta; nói cách khác, chúng ta đi vào mồ với ông ta và hiệp với ông ta trong sự chết, và khi Giê-su được cứu ra khỏi sự chết bởi sự vinh quang của Chúa Cha (by the glory of God), chúng ta cũng có một đời sống mới. [Tưởng chúng ta cũng nên biết, trong thời đại này, không một người nào có đầu óc còn có thể tin được sự sống lại của thân xác Giê-su. TCN].

Cái chết chuộc tội của Giê-su đã trở thành một cái thùng chứa “cứu rỗi” khổng lồ (a giant container of salvation) từ đó các bậc thiêng liêng, gọi là linh mục hay mục sư, có thể lấy ra những giọt máu “cứu rỗi” để thanh tẩy con người. Ngày xưa, Môi-se (Moses) có thể rảy máu của một con bò trên người Do Thái để thanh tẩy họ. Ngày nay, một linh mục có thể đổ nước trên đầu của đứa trẻ để tẩy sạch nó khỏi “cái tội đã sinh ra làm người” qua quyền năng của máu Giê-su. Lễ “rửa tội”, một dạng tẩy sạch trước thời Ki Tô, đã trở thành một lễ tiết kết nạp để thay thế cái lễ tiết “cắt bì” bán khai của dân Do Thái [Theo Giao Ước của Chúa Cha với Abraham, ông tổ của dân Do Thái, thì mọi đứa trẻ sinh ra được 8 ngày đếu phải cắt bì, nghĩa là hớt đi miếng da đầu của dương vật. TCN]. Cái nước đổ lên đầu đứa trẻ [và người lớn tân tòng. TCN] thần khí của Giê-su Ki Tô. Cái gọi là “Thánh Linh” [hay Chúa Thánh Thần. TCN] đó ngự trị trong người hắn và làm cho hắn được Chúa Cha (God) chấp nhận.

Gần đây, đã có sự thảo luận lại giá trị của lễ rửa tội cho trẻ sơ sinh. Karl Barth [Một nhà thần học Tin Lành Thụy sĩ nổi tiếng. TCN], vẫn thường tin vào lễ rửa tội cho con nít, đã tuyên bố trước thế giới của thế kỷ 20 là, ông ta không tìm thấy trong Thánh Kinh điều nào nói về phải rửa tội cho con nít. Điều đáng thương là ông ta không ý thức được rằng lễ rửa tội thực sự không cần thiết chút nào, và toàn thể cái lễ tiết đó không thể không đặt trong quan điểm như là một lễ tiết kết nạp bán khai và cổ lỗ.

Tôi có thể hiểu được là con người tiếp tục mang con đi rửa tội vì họ tôn trọng một lễ tiết chấp nhận họ vào truyền thống Ki Tô Giáo. Tôi không thể hiểu là tại sao một người còn coi trọng một “bí tích” lỗi thời, tin rằng nó có tác dụng rửa sạch tội lỗi của họ với máu của Giê-su và cung cấp cho họ bước đầu tiên trong huyền thoại “cứu rỗi”.

Dần dà, trong lịch sử Ki Tô Giáo, mọi lễ tiết tôn giáo đều liên hệ đến cái chết của Giê-su. Ông linh mục có thể tha tội trong lễ xưng tội vì ông ta có thể lấy được máu của Giê-su qua cái lễ tiết này. Bí tích hôn phối được biết là sẽ cung cấp cho cặp vợ chồng thêm sức mạnh, đặc biệt vì đã được kết hợp trong máu Chúa. Dầu xức trước khi qua đời là dầu đã được ban quyền năng biến nước và dầu thành “nước Thánh” (holy water) và “dầu thánh” (holy oil) từ máu Chúa. Đặc biệt là lễ Misa, đặt trọng tâm xung quanh cái chết hi sinh của Chúa. Nó không còn là một bữa ăn cùng nhau giữa các bạn bè, bữa ăn cuối cùng của Giê-su khi ông ta còn sống. Nó biến thành sự “hi sinh không có máu đổ” (unbloody sacrifice) của Chúa trên thập giá, được lập lại suốt ngày ở nơi này hay nơi khác trên thế giới những gì đã xảy ra ở đồi sọ [nơi Giê-su bị dóng đinh. TCN]. Trong lễ này, con người được phép ăn thịt và uống máu Chúa trong bánh và rượu của lễ tiết.

Trong huyền thoại “cứu rỗi”, khái niệm về Giê-su phải là Chúa như Chúa Cha đưọc đưa ra, vì chỉ có chính Chúa mới có thể lấy lại tình thương của Chúa đối với con người. Phao Lồ (Paul) có vẻ như không chấp nhận Giê-su là Chúa như Chúa Cha khi ông ta viết: Chúa Cha đã làm cho Chúa Con từ chết trở lại sống.” Trong 4 tác giả viết Phúc Âm chỉ có Giăng (John) là người cho rằng Giê su chính là Chúa như Chúa Cha.

Sau nhiều thế kỷ tranh cãi thần học, lập trường Ca Tô trở thành: Giê-su là đấng Thần-Người (God-Man) duy nhất và có cùng bản chất như Chúa Cha. Khi tín lý đó được giáo hội chấp nhận, thật là dễ dàng trở lại Kinh của Ki Tô Giáo để “khám phá” ra (discover) những điều nói về tư cách thần linh của Giê-su.

Tín lý này được dùng làm hậu thuẫn cho huyền thoại “cứu rỗi” vì vai trò Thần-Người có thể đau khổ như người và có đủ quyền năng như Thần để làm nguôi cơn giận của Chúa Cha. Giê-su đã trở thành một nạn nhân toàn hảo trong một huyền thoại tinh vi.

Vai trò thứ ba trong thuyết Chúa Ba Ngôi (Trinity), Thánh Linh, cũng nhập cuộc. Hắn ta có nhiệm vụ gồm hai mặt (twofold mission). Một mặt là ngự trị trong tâm hồn của người đã được “cứu” và mặt kia là chỉ đạo công cuộc “cứu rỗi” trong giáo hội. Bằng cái chết của Giê-su, Thánh Linh được thả lỏng (unleashed) trong thế giới để vào ngự trị trong linh hồn của những người đã được “rửa tội” trong máu của Giê-su. Hắn là Thần khí nối Chúa Cha với Chúa Con, và sự hiện diện của hắn trong linh hồn con người là để kết hợp con người với Ba Ngôi huyền nhiệm. Hắn ta là “linh khí của sự thành thật và chân lý”, ban cho con người sự khôn ngoan và hướng dẫn giáo hoàng và các giám mục trong nhiệm vụ chỉ đạo giáo hội. [Giáo hội giải thích cho tín đồ như vậy nhưng điều khó hiểu là Ki Tô Giáo lại là tôn giáo gây nhiều tác hại nhất cho nhân loại, và trong các chức sắc trong giáo hội, từ giáo hoàng trở xuống tới các hồng y, tổng giám mục, giám mục, linh mục v..v.., một số không nhỏ đã có những hành động phi luân, giết người độc ác, gian dối, loạn dâm v..v.. kéo dài cho tới ngày nay. Vậy bản chất của Thánh Linh là gì? TCN]

Nhưng bất kể là những huyền thoại đó trở thành phức tạp như thế nào, bất kể là những lý thuyết thần học thâm thúy được thêm vào đó bởi những bộ óc vĩ đại của giáo hội, như Augustine và Thomas Aquinas, là như thế nào, con người vẫn là những nạn nhân không có khả năng tự lực, không thể được “cứu” nếu không có máu của Giê-su. Hắn luôn luôn phải được tiếp thêm cho đầy người cái Thánh Linh đó, chỉ có cái Thánh Linh đó con người mới có thể có tình thương. Khi chịu lễ rửa tội, Thánh Linh đã đến với con người với tràn trề quà cáp. Khi chịu lễ thêm sức, Thánh Linh lại mang lại thêm nghị lực. Khi xưng tội, Thánh Linh lại trở lại ngự trị trong tâm hồn đã được thanh tẩy bởi máu của Giê-su. Hắn ta lại nhận được Thánh Linh khi được linh mục làm lễ hôn phối, khi được phong chức linh mục, và khi được xức dầu lúc sắp chết.

Nhưng cái Thánh Linh này rất khó tính và thất thường. Hắn ta không tới khi những lời lẽ trong lễ rửa tội đọc không đúng, nếu một cuộc hôn phối không được giáo hội chấp thuận, nếu dầu xức không được bôi lên da. Hắn không tới nếu ông linh mục không đọc đúng những lời tha tội, hoặc nếu ông giám mục không đọc đúng những lời trong lễ phong chức linh mục.

Nhưng tôi thì tôi không tin vào cái “linh khí hoạt đầu” (chameleon spirit) này. Hắn ta là một phần của huyền thoại “cứu rỗi”, một huyền thoại đã làm cho con người trở thành một nạn nhân bất lực trong một huyền thoại mà nội dung thuộc thời bán khai. Tôi tin rằng hắn ta là một trò tiểu xảo lịch sử có mục đích ép buộc con người bám víi vào cái giáo phái riêng biệt của mình, và làm cho con người công chính trở thành con người sợ hãi. Hắn là cách để con người tự trách về những sai lầm của mình về cái gì đó ở ngoài con người, là công cụ để giáo hội ép buộc con người vào niềm tin “cứu rỗi nằm trong bàn tay của giáo hội.” Tôi không tin là hắn ta đã hướng dẫn giáo hoàng và các giám mục trong những quyết định của họ, hay là hắn mang lại sự “cứu rỗi” cho con người. Chính là tâm linh của con người đã mang lại sự “cứu rỗi” cho chính họ. Cũng vậy, tôi không tin vào thuộc tính thần linh của Giê-su. Con người đã biến Giê-su thành Chúa Con chỉ với mục đích làm như là huyền thoại “cứu rỗi” là có thật.

Có thể có một sự “cứu rỗi” mà con người cần, nhưng không phải là sự “cứu rỗi” đến từ huyền thoại về cái chết và sống lại của Giê-su. Đó chính là sự quan tâm của con người đối với con người. Sự “cứu rỗi” này không thể nào có được chừng nào mà con người còn tin vào những Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Linh cho phép họ được tự do và được làm người. Đó là sự “cứu rỗi” ngày nay con người có thể thực hiện khi con người có thể nhìn ngoài sự hẹp hòi của giáo hội, của quốc gia, gia đình, của đấng cứu thế cho riêng mình, và là một thành viên của cái “làng toàn cầu”. Chỉ có con người mới cứu được con người; chỉ có con người mới sẽ cứu được con người. Hắn ta sẽ không tin ở những ông tổng thống hứa hẹn hòa bình nhưng lại lao đầu vào chiến tranh, hoặc tin ở các ông linh mục, mục sư, hứa hẹn một sự “cứu rỗi” cho họ vì họ có tội. Họ sẽ tin cậy ở chính họ. Họ có thể nhìn ngoài những huyền thoại “cứu rỗi” và nhìn thẳng vào con người.