From: Duy Khuong
To: sachhiem@sachhiem.net
Sent: Thursday, December 03, 2009 11:42 AM
Subject: Thư của một đảng viên trẻ, kính nhờ Toà soạn đăng tải và gửi đến bác Trần Chung Ngọc

 

Cháu chào bác,

Cháu đã viết một email cho bác, nhưng có lẽ với thói quen xoá email của người lạ, bác đã không đọc thư cháu. Trong thư đó cũng không có nội dung gì, chỉ là cháu bày tỏ niềm vui mừng khi đọc bài của bác. Cháu hi vọng lá thư này sẽ được bác đọc.

Thưa bác, cháu là Đảng viên trẻ, rất trẻ, mới tròn 20 tuổi, và mới chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng cộng sản gần một tháng. Tuy nhiên, những gì cháu đã nghiên cứu, suy ngẫm thì cũng vừa đủ để hiểu ra lẽ phải. Cháu mong bác bỏ thời gian quý báu đọc một số ý kiến của cháu.

1. Về việc người Việt ở hải ngoại: Cháu rất cảm ơn bác, vì nhờ có bác cháu đã có thêm niềm tin rằng số người vẫn thường mang cờ vàng biểu tình khi có một lãnh đạo Nhà nước sang thăm viếng nước Mỹ chỉ là thiểu số. Những người có lương tâm, có trái tim và khối óc mới là số nhiều.

2. Về vấn đề tôn giáo, cháu không hiểu nhiều (cháu còn quá trẻ, và hoàn toàn vô thần); song cháu hiểu những điều bác nói.

Song nếu đứng từ phía góc độ Nhà nước, để "tuyên chiến" với Thiên chúa giáo là điều không nên chút nào, nó sẽ xáo trộn rất nhiều thứ và tạo nên cơ hội để bên ngoài "chọc ngoáy" vào nôịo bộ đất nước. Thực sự thì tại Việt Nam, ai muốn theo đạo giáo nào cũng được, miễn là họ đừng phạm pháp và đừng chống lại đất nước. Bản thân cháu không theo đạo nào, nhưng cháu nghĩ tôn giáo, khởi nguyên của nó là để giúp con người hướng thiện, bất kỳ hình thức nào lợi dụng tôn giáo để mưu cầu chính trị cũng là điều trái với khởi nguyên tốt đẹp đó. Ông Giêsu, hẳn cũng là một người bình thường, mang những tư tưởng tốt đẹp đến với con người, nhưng việc người ta lợi dụng ông, tạo ra một hệ thống nhà thờ để qua đó "giúp con chiên tiếp cận với Thiên chúa" là điều ông không mong muốn. Việc hệ thống nhà thờ đó làm gí khác ngoài việc giúp con chiên gần Chúa hơn thì bác đã nói rất nhiều rồi.

3. Vấn đề chủ nghĩa cộng sản, cháu hi vọng bác bình tâm đọc lời của một người cộng sản trẻ tuổi như cháu nói tiếp. Chúng cháu không bị nhồi sọ đâu, mà hoàn toàn có quyền nhìn nhận khách quan về hệ thống lý luận mà Nhà nước coi là kim chỉ nam này. Đây là điều cốt yếu cháu muốn giãi bày nên sẽ hơi dài dòng một chút.

- Thứ nhất: Sự lầm lẫn phổ biến nhất giữa CNCS (SH chú thích: CNCS=Chủ nghĩa Cộng Sản) và cách thức đạt CNCS là vô cùng tai hại. Nhiều người nói, VN nghèo hèn vì là nước cộng sản. Cháu xin đính chính, chưa có nước nào là nước cộng sản trên thế giới này, kể cả Liên Xô trước đây.

Cháu không hề muốn nhắc lại lý luận, song xét về bản chất, điều Marx muốn nói đến khi đưa ra ý niệm về xã hội cộng sản đó đơn giản là "a better society". Nghĩa là nó phải nhân đạo hơn, giàu có hơn, cân bằng hơn, và nói chung là ưu việt hơn xã hội TBCN (ở thời Mác). Trong thời đại đó, người ta mơ ước đến một xã hội trong đó người lao động được làm chủ, con người được tự do sáng tạo, được thoát ly khỏi đau khổ, bất công... Nói cách khác xã hội cộng sản là một cái đích mà chưa có nước nào đạt đến. Việt Nam cũng vậy, chúng ta đang hướng đến xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tự do, ấm no, hạn phúc - những đặc điểm cơ bản của CNCS- chứ chưa hề có CNCS. Nếu đã đạt đến CNCS rồi thì cháu và bác sẽ không còn phải lo lắng gì nữa, đằng này đất nước còn đang bộn bề, sao có thể gọi là nước VN cộng sản. Ngay cả tên nước cũng chỉ có nghĩa là Nước cộng hoà hướng đến XHCN thôi, chứ đó vẫn là cái đích để phấn đấu.

Cái mà người ta gọi là chế độ cộng sản - chế độ mà theo bác đã bị khai tử - thực chất chỉ là một mô hình để hiện thực hoá CNXH, CNCS. Trong khoa học, để hoàn thành kết quả cuối cùng, phải thử hết cách này cách khác, mô hình này, con đường khác. Để đạt đến một xã hội tốt đẹp như vậy, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã đưa ra nhiều mô hình, nhiều chính sách, nhưng phổ biến và lâu dài nhất là mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp. Nó ra sao và xấu tốt thế nào thì bác đã hiểu. Xong đó không phải một xã hội XHCN, vì mô hình này có nhiều khiếm khuyết, không giúp đạt tới cái đích "a better society" như Marx mong muốn. Nó đã không còn tồn tại nữa, thì cũng không nên đem nó ra để chế giễu nữa, sứ mệnh của nó trong thời chiến đã hết, và hiện nay cần mô hình khác để giúp đất nước mau chóng đạt đến CNXH, CNCS (cháu xin nhắc lại - nghĩa là- đạt đến một xã hội tốt đẹp hơn). Đã là thế kỷ 21, cách tiếp cận về CNCS, CNXH đã đổi mới, vì bản thân chủ nghĩa này mang tính cách mạng, bất kỳ sự gò bó, giáo điều nào đều trái với tính cách mạng của nó.

- Thứ 2: Tiến lên CNCS có phải tất yếu? Cháu xin nói là có, hoàn toàn như vậy.

Tất nhiên bác phải giúp cháu gạt ra khỏi đầu những người còn hằn thù CNCS rằng: CNCS chân chính không phải là xã hội tù túng gò bó như những năm 1980 tại VN. Đơn giản, đó là một xã hội công bằng, bình đẳng, giàu mạnh, phúc lợi xã hội đầy đủ. Ai dám nói xu hướng chung của thế giới không phải là tiến đến một xã hội như vậy. Còn "quốc tế cộng sản", nay hiểu theo nghĩa một thế giới đại đồng cùng nhau phát triển, phải chăng đang dẫn rõ nét. HẲn sẽ có người nói, những bản chất tốt đẹp đó chỉ có ở CNTB. Nhưng tại sao lại khiên cưỡng ở cái tên như vậy? Khi Mác viết bộ Tư Bản là đầu TK 19, hiện nay đã gần 2 thế kỷ. CNTB ngày đó và bây giờ hoàn toàn khác nhau! Mác nói, CNTB sẽ phải có những biến đổi, Lênin thì hơi vội vàng nói CNTB đang giãy chết. Nhưng thực ra Lênin đúng, vì cái chủ nghĩa tư bản bất nhân, bất công của TK 19 đã cáo chung, và nó buộc phải tiến hoá theo quy luật chung của XH. Các nước tư bản ngày nay, trải qua hàng trăm năm đã có một nề kinh tế mạnh, đảm bảo cuộc sống và nhân quyền của con người. Gạt bỏ đi tên gọi của nó, những đặc trưng này chính là đặc trưng ban đầu của một xã hội mà Mác mong ước. Nếu bác hiểu thoáng như vậy, có thể nói các nước Bắc Âu gần CNCS hơn là Việt Nam, vì ở đó các đặc trưng của một xã hội tốt đẹp rõ ràng hơn. Quan trọng nhất trong cách nhìn nhận là gạt bỏ đi hình ảnh đã in hằn trong mỗi chúng ta rằng CNCS = kế hoạch hoá, tập trung + hà khắc + thiếu tính sáng tạo...

3. Về việc bác nói ngày nay không còn Việt cộng nữa: Điều này vừa đúng vừa không đúng.

 Nếu VC là những người đã từng đứng bên kia chiến tuyến, và đã có lúc họ mắc sai lầm, thì có thể nói VC đó không còn nữa. Nhưng thế hệ những người cộng sản mới, như cháu, sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những cái tốt đẹp của thế hệ trước, loại bỏ những quan niệm, cách làm không hợp thời, hợp lòng người nữa. Xây dựng CNXH, chính là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước, xây dựng đất nước giàu mạnh văn minh, bằng con đường phù hợp nhất. Cháu sẽ có dịp nói thêm về con đường này, nếu bác có quan tâm. Nhưng trước hết, cháu khẳng định, những người có lý tưởng cộng sản chân chính sẽ không  bao giờ hết. Và cháu tin rằng, những ai có tinh thần xây dựng đất nước như vậy, đều là một chiến sỹ cộng sản thực sự. Chúng ta là người cộng sản bằng bản chất, chứ không bằng cái tên - cái tên tự nó có thể gợi nên hiểu lầm. Và cháu nghĩ, nếu bác cũng mong muốn xây dựng đất nước, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh thì bác đích thực là "đồng chí" của cháu.

Chúc bác mạnh khoẻ,

Mong hồi âm của bác

 

Kính thư,

Khương Duy

 

----------------- thư hồi đáp ---------------------


From: Toasoan
To: Duy Khuong
Sent: Sunday, December 06, 2009 8:02 AM 7:15 AM
Subject: Re: Thư của một đảng viên trẻ, kính nhờ Toà soạn đăng tải và gửi đến bác Trần Chung Ngọc

Gửi cháu Duy Khương,

Tòa soạn đã chuyển thư cho bác Ngọc, và đăng thư của cháu.

Riêng tòa soạn, thay mặt BBT sachhiem.net, xin phép được có vài dòng hồi đáp các mục trong thư như sau.

Mục số 1: Không có gì để nói.

Mục số 3: Quan niệm về chủ nghĩa - Ý kiến của em,  không nằm trong chủ trương chính yếu của sachhiem.net, tòa soạn xin nhường lại cho những nhà chuyên môn.

Mục số 2: liên hệ đến một phần chủ trương về tôn giáo của BBT, xin được tóm tắt ý kiến như sau.

Đạo Chúa, hay các đạo Ki-tô phát xuất từ những hoàn cảnh chính trị lịch sử Âu châu một cách đặc biệt, cho nên mang nặng sắc thái chính trị của nó cũng rất đặc biệt. Đối với chúng tôi, các đạo Chúa hoàn toàn khác hẳn các khái niệm tôn giáo bình thường của người Á đông chúng ta. 

Công việc của chúng tôi chỉ là nghiên cứu và trình bày những tài liệu liên quan đến lịch sử nước nhà. Chẳng may, đạo Ki-tô lại đóng vai chính trong các giai đoạn lịch sử đó. Vì tất cả những việc nhúng tay của đạo Ki-tô vào chiến tranh đều được che đậy dưới các chiêu bài nhân đạo, tôn giáo, văn hóa và xã hội, cho nên nhiều người vẫn còn cho rằng đạo Ki-tô cũng là một trong các tôn giáo khác mà thôi. 

Thật ra đạo Ki-tô vốn là một thế lực thực dân xâm  lược nguy hiểm nhất, lại được che giấu bằng danh xưng tôn giáo. Cháu nên đọc thật nhiều những bài viết của các tác giả trong website, nhất là của giáo sư Trần Chung Ngọc và Nguyễn Mạnh Quang sẽ hiểu được điều này. Nhân đây chúng tôi khuyên các bạn trẻ trong nước nên tìm hiểu kỹ về lịch sử Công giáo và tự mình đọc cuốn Thánh Kinh.

Việc làm của chúng tôi không hề đại diện cho bất cứ tổ chức nào, và càng không liên hệ đến chính sách của nhà nước Việt Nam.  Tuy nhiên, chúng tôi cần sự ủng hộ của nhà nước "cung cấp và phổ biến" những tài liệu của sự thật mà mọi người công dân nước ta cần được biết.

Cho phổ biến những tài liệu của chúng tôi là cho chúng tôi được tự do ngôn luận, được quyền bình đẳng với  những người đi truyền đạo trong nước, hoàn toàn không phải là "khai chiến" với tôn giáo nào cả.  Truyền bá những điều bị thế lực Vatican che giấu, chỉ là công việc giống như người dân của các nước Âu Mỹ đang làm, và đã làm từ nhiều năm qua. Tại sao chúng tôi không được cái quyền đó?

Những quốc gia Âu châu phải vất vả bao nhiêu giai đoạn tranh đấu để ngày nay có thể được viết lên và nói lên những sự thật quan trọng mà chúng tôi chỉ có thể chia xẻ một phần rất nhỏ bé đến cho những người cùng  nói tiếng Việt với mình.

Chúng tôi chỉ là những cá nhân riêng rẻ, gặp nhau trong một lý tưởng, và có lập trường giống nhau nhờ đọc được rất nhiều tài liệu nghiên cứu. Chủ ý của chúng tôi là:

1- giải hoặc (hóa giải sự mê hoặc) nói chung, đặc biệt chống lại sự lấn lướt của thế lực Kitô giáo đang dùng những miếng mồi vật chất để câu nhử và mê hoặc dân ta khiến cho họ trở thành những người vong bản, gây nguy hại cho tương lai đất nước. 

2- hun đúc tinh thần dân tộc đã bị những chính quyền bảo hộ ngày trước và chính quyền miền Nam làm cho dân ta bạc nhược vì mang tinh thần nô lệ cho ngoại quốc, và truyền lại cho con cháu trong và ngoài nước. Có lẽ người trong nước chưa có cơ hội thấy đuợc những hệ lụy đó ảnh hưởng đến những suy tư, quan niệm, ý tưởng của những người đó, và đã bộc lộ bằng nhiều hành động hết sức trơ trẽn và tệ hại ở ngoại quốc như thế nào.

Chính chúng tôi trước khi đọc được những tài liệu quí, hoặc chưa quan sát và kinh nghiệm ở xứ người có lẽ cũng chưa biết được sự trầm trọng của vấn đề đến mức nào. Do đó chúng tôi rất thiết tha mong muốn cho người trong nước cũng được quyền biết những tài liệu mà chúng tôi đúc kết được sau rất nhiều, rất nhiều năm nghiên cứu. Xét ra những kiến thức đó rất cần thiết cho mọi người Việt Nam như đã nói trên.

 

Vài hàng chia xẻ cùng cháu.

 

Trân trọng

 

Các Emails khác