icon
< http://sachhiem.net/printemail.php?id=2576 >

Thư làm quen với anh Quý Long - Máy tính đã mở ra cho tôi một phương trởi cao rộng.

LTS: Xin gới thiệu một lá thư làm quen rất chân thật và không kém phần hấp dẫn. Trang nhà xin chia sẻ niềm vui này với tác giả Trần Tiên Long. (SH)
_________________
Subject: RE:_Thư_làm_quen
From: "qtran"
Date: Thu, May 10, 2018 7:28 pm
To: "Anh Huynh"

Kính anh Huynh Anh,

Vừa nhận được thư anh, đọc một mạch rồi hồi âm ngay. Xin cám ơn anh về những dòng tâm sự rất nồng nàn này. Chúng ta có chung một hoàn cảnh là đã bị nhồi sọ ngay từ thủa bé, bây giờ may mắn mới nhận ra, nhưng những người thân yêu xung quanh chúng ta vẫn chưa mở mắt, nên chúng ta dễ đồng thanh tương ứng với nhau hơn.

Đời chóng qua chóng hết, chúng ta chỉ có thể làm được những gì trong giới hạn của khả năng và hoàn cảnh. Thôi thì cứ phải chấp nhận sống chung. Tôi đang trải nghiệm những khó khăn này từ bao lâu nay, giống như anh vậy. Nhưng chúng ta đâu còn có sự lựa chọn nào khác nếu còn muốn là một người ngay thẳng và lương thiện với chính lương tâm của mình. Đâu cần phải tin Chúa hay tin Phật, chúng ta cũng có thể sống tốt lành mà!

Tôi rất hân hạnh được anh xem như một người bạn để có thể cùng nhau trao đổi và học hỏi thêm. Tôi cũng có chơi guitare một thời gian, chuyên đánh những bài classique của Carulli. Bây giờ thì đã bỏ nghề rồi, lâu lắm không đụng đến cây đàn.

Ít hàng tâm sự. Cầu mong anh vượt qua được mọi khó khăn và sống vui với mọi nghịch cảnh!

Thân kính,

Trần Tiên Long

Tái bút: Xin phép anh được chuyển thư này tới BBT của Sachhiem.net để họ tùy nghi. Những thắc mắc sau này của anh, nếu có, và những bài trả lời của tôi có thể còn có người khác muốn đọc.
_______________________________

From: Anh Huynh
Sent: Thursday, May 10, 2018 9:23 AM
To: qtran@ec.rr.com
Subject: Thư làm quen

Anh Quý Long kính mến.

Tôi mới đọc bài của anh Trong sachhiemnet được gần một tháng nay. Đọc bài anh, tôi thấy yêu thích anh ngay.

Chắc là vì tôi tự thấy mình có điều gì đó hơi giống anh, Chỉ khác là kiếp này tôi quá mỏng phước hơn anh thôi. Tôi thấy như mình cũng đồng thanh với anh, nên nghĩ rằng có đồng thanh thì mới có tương ứng. Vì tương ứng nên chỉ mới đọc bài anh là tôi đã tâm đắc ngay, tợ như đọc bài của Charlie Nguyễn, Huỳnh Bất Hoặc, Trần Trọng Sỹ. Đó là những vị mà tôi cảm thấy như mình được đồng thanh với họ, cho dù trên Giao Điểm, Đông Dương Thời Báo và Sách hiếm còn biết bao nhân vật có thể còn đa văn quảng học hơn, nhưng đọc họ, tôi không thấy có sức hút mấy.

Tôi cũng là người Công Giáo nòi, cha tôi làm ông biện trong giáo xứ Tân Hương, Kon Tum, ông tin Chúa chết bỏ, nên lúc nhỏ tôi cũng theo ông đọc kinh, xem lễ hàng ngày và cũng tin mến Chúa chí chết: có khi, đi chăn bò về chiều tối, tôi ghé lại sông tắm, chỉ có một mình, sợ lắm! Nhưng nhớ đến Abraham đã định giết tế Isaac cho đẹp lòng Chúa, nên tôi cũng thầm nguyện rằng, nếu ý Chúa muốn cho ma giang bắt chết con để được đẹp lòng Chúa, thì con xin vui lòng. Thế là hết sợ ngay.

Mẹ tôi chết lúc tôi được 8 tháng tuổi. Năm 61, khi tôi đủ mười tuổi thì cha chết. Chị tôi tiếp tục thay cha nuôi tôi. Tôi tiếp tục học trường La San Kon Tum đến năm 69, vừa xong lớp đệ tứ thì cũng vừa đủ tuổi lính.

Lúc còn đi học, tôi thường được xếp hạng gần chót lớp. Đã học giở rồi mà còn hay ý kiến, thắc mắc, lại đôi khi còn dám tỏ ra không đồng ý với thầy nữa. Bị đòn ớn, nên tôi cũng hay trốn học. Tuy không muốn học, nhưng tôi lại ham đọc sách, mặc dù vào thời đó, nhà tôi và hàng xóm tôi chẳng nhà nào có mấy sách để đọc.

Tôi đi hạ sĩ quan, họ cho tôi vào ngành truyền tin và đưa xuống Vĩnh Long, làm việc ở đó cho đến năm 74 thì chuyển tôi về Plei Ku, đến 75 thì cũng chạy về Sài Gòn trước khi kịp giải phóng. Trong thời gian đi lính, tôi như lạc vào kho tàng sách. Ôi! Tha hồ mà mê say. Tuy vậy, tôi cũng chỉ đọc lung tung, bạ gì đọc nấy chứ chưa có phương hướng gì. Nhưng có yêu Nguyễn Duy Cần và nhạc sĩ Hoàng Bửu, tôi cũng yêu guitare nữa.

Sau giải phóng, tôi về lại Kon Tum và làm nông cho đến giờ. Làm nông mà không có miếng đất của riêng mình, cứ đi thuê đất của người để làm. Không có vốn, chỉ trông vào sức trâu của mình, nên làm cả đời cũng chỉ thu hoạch được hai quả chật vật mà thôi. Trong thời gian này, nếu có đọc, cũng chỉ đọc ba cuốn sách kỹ thuật trồng trọt vì nhu cầu sản xuất chứ không có sách triết, tôn giáo hay lịch sử gì cả.

Đến năm 2011, tròn 60 tuổi, tuy chưa hết chật vật, nhưng tôi cũng tự cho phép mình nghỉ hưu một phần: làm ít, nghỉ nhiều, vì lúc này mình cuốc như gãi đất gà bươi thôi.

Một người bạn vừa mua cho con một máy tính đời mới, bạn cho tôi cái máy tính cũ của con anh. Tôi bắt đầu mày mò học xử dụng máy tính nhưng dốt quá nên học sao mà khó khăn ghê, trong khi mấy đứa con nít nó bấm như máy, còn mình già đầu rồi mà chỉ đâu quên đó, tay chân lóng cóng, cứ sợ bấm trật: máy hư thì chết cha! Nên tôi chỉ chú tâm học những gì mình cần dùng thôi.

Quả không uổng công tôi: bấy lâu nay mơ ước máy tính. Máy tính đã mở ra cho tôi một phương trởi cao rộng. Tôi như người trước nay chỉ mở hí hí một mắt, tới nay mới được Chúa Giê su xức nước miếng cho mắt mở rộng ra. Khi mắt đã mở ra, tôi liền đi tìm Chúa để cám ơn thì gặp nhằm ông Phật Thích Ca. Thấy Thích Ca lạ hoắc, tôi liền chú ý nhin kỹ, tìm hiểu xem ông ra sao. Tìm hiểu rồi, tôi mới biết đây chính là người mà mình đã cả đời bỏ công tìm kiếm, tới nay mới có duyên được gặp. Ôi! Thích Ca dễ thương làm sao, chắc người dễ thương nhất thế gian kể từ khai thiên lập địa đến giờ là đây.

Tôi chăm chỉ mày mò tìm học. Mới mở lòng mở trí được một tí, tôi hăng hái đi lung tung, gặp ai cũng cố thuyết pháp cho họ, rủ họ cùng theo học Phật với mình, thậm chí còn thuyết pháp cho hai họ của tôi nữa, mà quên rằng cả hai bên nhà tôi đều là Công Giáo hách xịt. Lúc đó vợ tôi vừa ghét tôi, lại vừa sợ tôi điên nữa! Chưa kể mẹ vợ tôi, anh em vợ, anh em tôi và các cháu của tôi, tất cả, chẳng có ai ưa tôi lúc đó.

Ngoài ra, tôi còn bày đặt tranh cãi về Phật học với ai biết về Phật nữa chớ! Tuy cãi thì cãi dữ lắm, nhưng học tiếp thì học cũng dữ, nên một thời gian sau tôi mới hiểu được rằng, Phật pháp đâu phải học để cãi, mà để thực hành. Thế mà mãi tới 2015, tôi mới bắt đầu chập chững “đi tu”. Tôi tu tại gia, không có thầy bà nào chỉ dạy cả, miễn là tự mình thấy mình có tiến bộ là được rồi. Hiện nay tôi đang sống một mình ở cuối làng Thượng tên gọi là Đak Mút, xã Đak Mar, huyện Đak Hà của tỉnh Kon Tum.

Trước kia, có lúc tôi muốn mình là Phật tử. Nhưng nay thì tôi quyết định mình sẽ không là tín đồ của bất cứ đạo giáo nào đã có. Tôi tin vững vàng là phải có Chúa, chúa của tôi là thượng đế của Spinoza và của tự nhiên thần đạo. (tự nhiên thần đạo là tôi mới biết nhờ đọc bài của anh). Thượng đế của tôi là thượng đế của Trung Chính Đạo, một thứ đạo mà tôi đã tự nghĩ ra và luôn cố gắng giữ gìn theo nó.

Người tôi yêu thích là bất cứ người nào mà khi đọc bài của họ, tôi thấy như con mắt mình nó sáng ra, tinh tường hơn, như kính hiển vi soi rọi vào một ý tưởng, một khái niệm nào đó mà trước kia mình chưa thấy được những góc cạnh tinh mật của nó, bây giờ đọc bài của người này, mình mới thấy ra. Anh Quý Long, đối với tôi, anh là một trong số rất ít này.

Dù tôi chỉ mới đọc được một ít trong số những bài của anh có đăng trên trang sách hiếm, nhưng tôi biết chắc là tôi còn cần phải đọc cho hết. Tôi đọc hơi chậm, vì có những đoạn tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần, để cho cái lập luận đó nó thấm vào trong tôi. Tôi phục lối lập luận của anh: vững chắc nhưng mềm mại chứ không cứng sắt mà rõ ràng, xác đáng, khó ai cãi được, kể cả những kẻ chỉ chuyên môn muốn phá đám cũng chẳng làm gì được, đành câm miệng.

Thư đầu tiên, tôi chỉ có ý muốn được làm quen với anh nếu anh không thấy có vướng bận gì và sẵn lòng. Để tôi còn học hỏi thêm nhiều ở anh trong những giải đáp tôi sẽ thắc mắc mà không biết nhờ hỏi ai.

Kính Mến.