icon
< http://sachhiem.net/printemail.php?id=2137 >

Lá thư đầu tiên gửi BBT SH - Những năm học rước lễ của cháu.

Subject: Thư thứ nhất: Những năm học rước lễ của cháu.
From: Nguyễn Thanh Tín
Date: Fri, April 28, 2017 9:22 am
To: sachhiem@sachhiem.net

Kính gửi các cô chú trong ban biên tập SH.

Cháu tên là Nguyễn Thanh Tín. Cháu sinh ra tại một làng quê ở Vĩnh Long. Cháu hiện là sinh viên khoa y tại Đại học Y Dược Cần Thơ nên văn phong của cháu không hay cho lắm. Nếu cháu sai xin các cô chú chỉ dạy và rộng lòng tha thứ.

Gia đình bên ngoại của cháu theo đạo lâu đời rồi còn gia đình bên nội thì không theo đạo. Có lẽ vì thế nên gia đình cháu hay bất hòa, cha mẹ cháu hay cãi nhau.

Hồi nhỏ, do sức ép của mẹ cháu nên cháu bị đi học giáo lý tại nhà thờ trong xã. Đó là khoảng thời gian mà cháu cảm thấy vất vả, gian khổ.

Cháu nhớ hồi năm rước lễ, cháu học hai buổi trong ngày: Buổi sáng vô để trả bài (chủ yếu học các câu Hỏi -Thưa trong sách Giáo lý công giáo, kinh nguyện), buổi chiều nghe các dì giảng bài và sau đó đọc kinh cầu nguyện (hoặc tham dự thánh lễ).

Cháu là người hay tò mò và ham nghiên cứu. Hồi đó, cháu hay đặt câu hỏi về tín lý và các bí tích, chẳng hạn:
1) Tại sao 1 thiên chúa lại có ba ngôi?
2) Phép rửa tội là một trong 7 bí tích do chúa sáng lập. Người lớn mới vào đạo thì làm phép này để thanh tẩy tội lỗi trước đó. Vậy trẻ con mới sinh sao phải chịu phép này? Nó đâu có tội, người ta nói "trẻ em như tờ giấy trắng" mà.
3) Chúa tạo dựng trời đất trong 7 ngày. Vậy tại sao trong ngành địa chất học, các nhà khảo cổ học lại tìm được những mẫu hóa thạch có niên đại hàng triệu, thậm chí hàng tỉ năm ?
..v..v...

Thế nhưng cháu lại nhận được những câu quát mắng: "Học thì lo học, hỏi nhiều để làm gì?". "Hỏi nữa không cho mày rước lễ bây giờ."

Nhiều lúc cháu không hiểu, tại sao phải bắt một đứa nhỏ 7, 8 tuổi như cháu phải học nhiều kinh mà cháu không sử dụng (như kinh Cầu các Thánh, kinh cầu Đức bà Maria,...). Một số kiến thức giáo lý lại lỗi thời, lạc hậu không áp dụng vào thực tế...

Cháu sợ học giáo lý lắm. Hồi đó nếu không thuộc bài thì các dì la mắng, (có thể) đánh đòn cháu và báo cho mẹ cháu hay nữa.

Thật sự, hồi đó cháu cố gắng học để mau chóng được rước lễ mà ra khỏi sự học khốn khổ này. (Cháu không hiểu sao mà khi linh mục làm phép để biến bánh và rượu thành mình và máu Chúa nhưng khi rước lễ thì bánh vẫn có vị của những cái bánh bình thường).

Nhiều lúc các dì dạy và nói: "Các con may mắn vì được dân chúa chọn. Các con ráng học và giữ đạo cho tốt để sau này chết lên Thiên Đàng. Còn bỏ đạo thì sa Hỏa Ngục chịu khổ đời đời". "Được lời lãi thế gian mà linh hồn không được cứu rỗi thì có ích chi?".

Càng về sau cháu càng nảy sinh ra nhiều thắc mắc hơn nữa. Nhất là trong kinh thánh, cháu thấy có nhiều mâu thuẫn quá. Nhất là Tân Ước, lời nói và hành động của chúa Giê- su lại khác xa với những gì chúa dạy. Có một thời gian cháu nghĩ chúa bị lợi dụng cho một mưu đồ nào đó?

Không chỉ học tập, nhiều lúc tụi cháu còn bị lao động vất vả trong nhà thờ. Các dì còn bảo: "Đó là việc tông đồ...", "Các con sống tốt, học tập tốt để giới thiệu Chúa đến cho nhiều người xung quanh."

Cháu có tư tưởng khác với những người xung quanh. Một số người bảo cháu sau này nên làm linh mục đi! Họ cho rằng, làm linh mục sướng lắm, có quyền thế nữa... Còn cháu nghĩ rằng, linh mục gánh vác trọng trách cho xã hội, phải là người gương mẫu. Họ chê cháu ngây thơ quá!!!

Dù thế nào đi chăng nữa thì cháu luôn nhớ ơn các dì và các cha vì ít ra họ dạy các bài học về đạo làm người.

Cháu cảm thấy tiếc nuối cho quãng đời học giáo lý rước lễ của cháu. Nhiều lúc cháu mơ ước được như những đứa bên lương: được thả diều, đá bóng, được học kĩ năng sống,... nhất là không cần học giáo lý theo kiểu nhồi nhét, giáo điều.

Thư hơi dài, cháu xin phép ngừng bút. Cháu xin chân thành cảm ơn cảm ơn các cô chú đã dành thời gian quý báu đọc thư này. Có nhiều điều cháu tiếp tục kể, cháu xin phép các cô chú cho cháu viết lá thư kế tiếp.

Thanh Tín