icon
< http://sachhiem.net/printemail.php?id=16 >

Phản bác những ai nói rằng thời ông Ngô Đình Diệm "không có đàn áp Phật giáo"

From: Tran Quang Dieu
Sent: Monday, November 14, 2011 9:32 PM
Subject: Phản bác những ai nói rằng thời ông Ngô Đình Diệm "không có đàn áp Phật giáo":
Đại đức Thích Thanh Tuệ tự thiêu tại Thừa Thiên


Như mọi người chúng ta đã biết, ông Ngô đình Diệm, ngoại trừ ông cố của ông là cụ cố Dinh được ông nội Ngô đình Niệm mang gởi "lư hương bát nước" vào chùa rồi "rửa tội" tân tòng theo Thiên Chúa giáo La mã kể từ khi thực dân Pháp xâm lăng Việt Nam, thì cả ông nội của ông Diệm là cụ Ngô đình Niệm lẫn phụ thân Ngô đình Khả đều được các ông "cố đạo" người Pháp tiến dẫn cho sang Mã Lai Á đi tu để làm Giáo sĩ. Nhưng hai ông đều ra đời lập gia đình, rồi cũng được thực dân Pháp đưa vô làm quan trong triều nhà Nguyễn kể từ khi quân đội Pháp đã thiết lập hẳn nền đô hộ tại Việt Nam, và buộc triều đình nhà Nguyễn phải làm gì?

Chúng ta đọc đoạn này để biết:

"Qua năm 1889, sau khi Hàm Nghi (tại vị: 1884-1888) bị bắt, đày qua Alger (Algérie), và Thành Thái (1889-1907) lên thay Đồng Khánh (1885-1889). Pháp thực hiện một cuộc cải tổ khác. Tháng 3/1889, Toàn quyền Richaud ép buộc Phủ Phụ chính phải ký một qui ước (Protocole), đồng ý từ nay bất cứ một quyết định nào của Phủ Phụ chính cũng phải được Pháp phê chuẩn." (Vũ Ngự Chiêu, Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, Thiên Mệnh Đại Pháp, 1884-1945, tập 2, Văn Hoá, USA, 2000, tr 396).


Phủ Phụ chính của triều đình có quyền quyết định theo di chúc vua trước, hỗ trợ cho mọi buổi lễ đăng quang của một vì vua. Nhưng, số phận mất nước, không còn quyền, cho nên Phủ Phụ chính muốn đưa ai lên ngôi vua thì phải có sự đồng ý của Toàn quyền Pháp.

Như vậy, một ông vua cũng phải được sự đồng ý của Pháp. Thế thì những ông quan "3 đời" như Ngô đình Niệm, Ngô đình Khả và Ngô đình Diệm đã làm gì cho Pháp để có những người ghi lại lịch sử phải thốt lên là "tam đại Việt gian"? Chỗ này, chúng ta giao quyền cho các sử gia và lịch sử.

Ngoài ông nội và cha, thì bản thân ông Ngô đình Diệm cũng là người đã từng tu ở trong những nhà thờ Thiên Chúa giáo La mã, mà rồi phần đông dân chúng miền Nam hồi đó ai cũng đã biết. Vậy mà, khi lên làm lãnh tụ toàn quyền quốc gia, anh em ông lại vì "sứ mệnh tông đồ" mà lại có thể âm mưu lên kế hoạch san diệt (san bằng và tiêu diệt) hết mọi tôn giáo khác của dân tộc, để rồi gây nên bao nỗi thảm thương thì thử hỏi có một người VN nào còn có thể nhún nhường cam chịu được cảnh tượng nhục nhã như thế hay không?

Những ai đã từng là nô bộc, tiếp tay cho một "chính sách" bạo tàn với nước với dân, thì lẽ ra họ phải biết ăn năn... Nhưng không: những bàn tay đã từng gây tang tóc, tội ác trước đây, chắc chắn có người đã qua đời, có người đang ở trong nước, và có người đang ở hải ngoại. Trong họ, phải có người đã có lúc phải ân hận... rồi mặc nhiên lui vào bóng tối của mọi sự đời, "không còn muốn dính vấp đến những chuyện thị phi" (câu của ông Vĩnh Phúc). Nhưng, cũng có những người vẫn muốn nỗ lực bóp méo, xuyện tạc trong nhiều vấn đề để nhằm thoái thác phần nào trách nhiệm độc tôn, khủng bố và hung bạo của một chế độ mà một thời họ là những người đã nhúng tay tiếp lực vô đó.

Muốn làm điều đó, những người đã từng nhúng tay tiếp sức, họ làm gì lên những nạn nhân lẫn những quân nhân đã từng vì sự sinh tồn, đã đưa đến những sự chống đối bất bạo động, và một bên là quân sự để lật đổ chế độ ông Diệm?

Muốn làm điều đó (chạy tội), người ta phải vin vào cái bung xung CS để mới có thể phủ đầu thiên hạ, mạt sát các tướng lãnh, những quân nhân cầm súng lật đổ chế độ; và xuyên tạc nạn nhân (PG) một cách hợm hĩnh, vô lối rằng sao lại phải biểu tình chống đối để "chế độ Đệ Nhất VNCH sụp đổ cho nên miền Nam mới mất". Trong khi ai mà không biết rằng: đố kẻ nào có thể không thất bại, nếu Hoa Kỳ rút lại tất cả các ngân khoản viện trợ để rồi bỏ rơi như sự thực lịch sử đã cho thấy.

Mang các tướng lãnh làm đảo chánh ra mạ lỵ, đem ông sư này, ông sư nọ ra chửi là CS hoặc tiếp tay cho CS thì chạy tội được cho nhà Ngô?

Không đâu! Hoa kỳ đưa ông Ngô Đình Diệm về làm Đệ Nhất. CIA hỗ trợ cho ông Nguyễn Văn Thiệu để ông mới có thể làm được Đệ Nhị. Vậy rồi, Hoa kỳ phủi tay cho nên miền Nam mới mất. Rồi gì nữa? Hoa kỳ cấm vận 19 năm (1975 - 1994) nhưng không chịu tiếp tục bằng cách nào đấy cho CSVN sụp đổ, Hoa kỳ lẫn Vatican lại quay ngược bắt tay bang giao, quan hệ làm ăn, hữu nghị từ ngoại giao, kinh tế cho đến quân sự v.v...

Vậy, lẽ ra, nếu muốn chửi thì phải đè đầu Vatican và Hoa Kỳ ra chửi chứ sao lại chửi các tướng lãnh đảo chánh và Phật giáo?

Ngày 15.11.2011

Trần Quang Diệu

________________________________________


Đại đức Thích Thanh Tuệ tự thiêu tại Thừa thiên


(Nhằm phản bác những ai nói rằng thời ông Ngô Đình Diệm "không có đàn áp Phật giáo")


"Trong khi khắp nơi, Phật giáo đồ đem tất cả mọi phương tiện riêng của mình ra để cương quyết chống lại những hành động tàn bạo của chính quyền, như tự thiêu, chặt tay, và cả ngàn buổi tuyệt thực và mấy vạn người trên toàn cõi Trung, Nam, thì bà Ngô đình Nhu lại huênh hoang lên tiếng đòi "hành động thẳng tay" với Phật giáo. Rồi bà ta phỉ báng Phật giáo là "phản quốc một cách đê tiện"! Còn gì căm phẫn đối với Phật giáo đồ bằng những lời thóa mạ, vu khống nhuốc nhơ đó? Mặc dù các vị lãnh đạo Phật giáo luôn luôn khuyên nhủ Phật giáo đồ rằng: "Không nên chấp những lời vu khoát của một con người không có chức vụ gì chánh thức trong chánh phủ, nghĩa là lời nói đó không thể hiện ở một chánh sách chính thức".

Nhưng, Phật giáo đồ vẫn căm tức con người "ưa can thiệp một cách vô trách nhiệm vào công việc nhà nước".

Tuy rằng Thượng tọa Thích Tâm Châu đã viết thư kháng nghị với Tổng thống Ngô đình Diệm về những lời hỗn hào của em dâu ông, trong đó có đoạn, lời lẽ rất mạnh như:

"Nhiều đế quốc đã bị sụp đổ, bao nhiêu chế độ đã bị lật nhào chỉ vì luật pháp, quyền hành bị lạm dụng và nhất là chỉ vì đàn bà được phép can thiệp vào công việc nhà nước..." (khi mình không có trách nhiệm gì chính thức).

Nhưng, thói nào tật ấy, người đàn đà lắm lời sát cánh bên ông Diệm vẫn tự do lộng hành khuynh loát quốc sự, khắp nơi, những cuộc bắt giam, tra tấn tàn ác vẫn diễn ra. Vì thế một làn sóng tử đạo dâng lên. Tại Sài gòn cảnh sát được huy động sẵn sàng, sau khi được tin có một vị sư trẻ tuổi chuẩn bị tự thiêu. Ở Huế, sinh viên Phật tử dự định đứng ra tổ chức một cuộc biểu tình đại quy mô nhằm ngày Tổng Giám mục Ngô đình Thục diễn thuyết về "Thái độ của người Thiên Chúa giáo đối với năm nguyện vọng của Phật giáo". Trong cuộc biểu tình ấy sẽ có một vụ tự thiêu của một sinh viên Phật tử.

Nhưng cuộc biểu tình phải đình hoãn vì các vị lãnh đạo Phật giáo nhận thấy có nhiều sinh viên Phật tử khác cũng muốn thực hiện nguyện vọng tự thiêu. Các vị tuyên bố:

"Lúc nầy chưa cần có một sự phản đối đại quy mô như vậy".

Thực ra, Ủ ban Liên phái lo ngại một làn sóng tử đạo dâng lên và tràn lan khắp nơi vì đã đến lúc Phật giáo đồ cảm thấy bị nhục nhã chua cay, họ không muốn gì hơn là lao đầu vào một cuộc bạo động và tự sát. Nhưng các vị trong Ủy ban Liên phái là những người cầm cân nẩy mực trên phương diện đạo lý. Bạo động, trái với giáo lý và nhất là viễn ảnh của các vị không bao giờ cho phép Phật giáo đồ làm như vậy.

Tuy có lời kêu gọi hạn chế tự thiêu của Ủy ban Liên phái, nhưng tự thiêu vẫn diễn ra, mà lại diễn ra tại miền Trung, nơi Phật giáo đồ bị ngược đãi, bị bạo hành nhiều nhất.

Cuộc tự thiêu thứ ba nầy xảy ra tại chùa Phước Duy thuộc núi Thiên mụ, tỉnh Thừa thiên. Chùa Phước Duyên nằm trên sông Bạch yến, cách thành phố Huế 6 cây số. Nơi nầy, trong khoảng ba tháng nay đã có nhiều cuộc biểu tình của Tăng, Ni, Phật tử, nhưng cuộc biểu tình nầy vừa nhóm lên đã bị đàn áp và dập tắt ngay.

Khác với Hòa thượng Thích quảng Đức và Đại đức Nguyên Hương tự thiêu tại những nơi đô hội, náo nhiệt. Thầy Thích Thanh Tuệ tức Bùi huy Chương 17 tuổi lại tự thiêu tại một miền núi hẻo lánh. Bởi vậy, khi mọi người biết được thì chính quyền địa phương đã huy động nhân viên công lực ào ạt tới bao vây chùa Phước Duyên để giành thi hài hầu làm mất tông tích. Một cuộc xô xát đã xảy ra giữa Phật giáo đồ đòi đưa thi hài Đại đức Thích Thanh Tuệ về chùa Từ Đàm để làm lễ cầu siêu và khâm liệm. Chính quyền địa phương nhất định không cho, họ lo sợ đám tang này sẽ gây xúc động cho quần chúng và sẽ khơi nguồn cho những cuộc biểu tình có thể xảy ra. Vì thế chính quyền nhất quyết che đậy cuộc tự thiêu này bằng cách thẳng tay đàn áp Phật giáo đồ đã tới túc trực tại chùa Phước Duyên khi hay tin Đại đức Thích Thanh Tuệ thiêu thân. Kết quả cuộc đàn áp này là 25 Phật tử bị thương, trong số đó có 5 người bị thương khá nặng phải đem vào bệnh viện điều trị.

Ngay chiều hôm Đại đức Thích Thanh Tuệ thiêu thân, 13-8-63, từ Huế, Thượng tọa Thích Trí Thủ đã đánh điện vào Sài gòn yêu cầu Ủy ban Liên phái can thiệp với chính phủ Ngô đình Diệm để chánh quyền địa phương trao trả thi hài Đại đức Thích Thanh Tuệ cho Phật giáo đồ mang về chùa Từ Đàm làm lễ an táng.

Nhưng, lời yêu cầu của Phật giáo không có hiệu quả, thi hài Đại đức Thích Thanh Tuệ không những không được trả lại mà cũng không biết chính quyền đã đem chôn lén ở nơi nào.

Sau khi Đại đức Thích Thanh Tuệ tự thiêu được ít ngày, người ta có tìm được di bút của Đại đức viết trước khi tự thiêu vài giờ như sau:

KÍNH GỞI ỦY BAN LIÊN PHÁI BẢO VỆ PHẬT GIÁO

Nhờ quý Ban đệ trình đến ông Ngô đình Diệm, vị Tổng thống Thiên chúa giáo tại Sài gòn.

Tôi tăng học sinh Thích Thanh Tuệ 17 tuổi kính gửi đến Ông những nguyện vọng trước khi tôi về cõi Phật.

1. Hãy chấm dứt mọi tình trạng khủng bố và áp bức Phật giáo đồ và thả tất cả những Phật tử bị giam kể từ ngày mồng 8 tháng 5 năm 1963 đến nay.

2. Hãy giải quyết thỏa đáng gấp những nguyện vọng của Phật giáo đồ đã nêu ra trong các biểu ngữ.

3. Triệt để không cho bà Ngô đình Nhu lên đài phát thanh tiếng nói Việt Nam Cộng hòa để nhục mạ Phật giáo và báng bổ cố Hòa thượng Thích Quảng Đức, vì như vậy không làm giảm giá trị của Phật giáo, mà trái lại gây sự căm phẫn trong quần chúng.

Chúng tôi xem bà Ngô đình Nhu là Đề bà đạt đa (người luôn luôn tìm cách hại Phật Thích Ca - tqd) hồi Phật còn tại thế.

Kính

Ký tên THÍCH THANH TUỆ"

Phần chữ màu xanh này do TQD viết dẫn:

Đại đức Thích Thanh Tuệ còn để lại 3 lá thư khác: Một cho "toàn thể Tăng, Ni và Tín đồ Phật giáo trong toàn cõi Việt Nam"; Một cho "hai thầy và toàn thể Phật tử chùa Phước Duyên" và; Một cho gia đình.

Ở đây, hai trong 3 lá thư trên, ngắn, giản dị, với lời lẽ mộc mạc rất là cảm động, như sau:


"Trước khi về cõi Phật, tôi kính cẩn chào quý Thầy và quý Đạo hữu ở lại được mạnh giỏi để phụng sự đạo pháp noi gương vô úy của cố Hòa thượng Thích quảng Đức."

Thư gởi cho gia đình, cho chúng ta thấy hình như Thầy Thích Thanh Tuệ mồ côi cha mẹ, và được ông cậu, hoặc chú, bác... nuôi nấng trước khi đi tu (?):

"1giờ sáng ngày 24-6 âm lịch (13-8-1963)

Kính thư cậu, hai anh, ba chị em con và các cháu,

Thưa cậu,

Con đã ý thức được sự tồn vong của Đạo pháp, con hy sinh bản thân con để làm tròn phận sự người xuất gia, cái chết là một lẽ dĩ nhiên của tất cả mọi người và sinh vật, Cậu không nên buồn.

Con chết đi cậu phải đương đầu với mọi đe dọa, nhưng cậu đừng sợ, đừng xiêu lòng khi họ dùng nhiều mánh lới khác mà Cậu phải hy sinh hoàn toàn cho Phật giáo dù cho bản thân tứ đại của cậu phải bị diệt vong.

Lần cuối con kính lời đến gia đình con, quí Bác, Chú, Thím, Cô, Dì, Mợ và quí Anh Chị Em hàng thúc bá nội ngoại xa gần lời chào vĩnh biệt trước khi về cõi Phật.

Kính,
Con BÙI HUY CHƯƠNG
THÍCH THANH TUỆ"


(Công cuộc tranh đấu của PHẬT GIÁO VIỆT NAM by Quốc Tuệ. In lần thứ nhất tại Sài gòn năm 1964; In lần thứ hai tại Pháp quốc năm 1987, từ trang 345 đến 350)

Trích nguyên văn!


Trần Quang Diệu