Việt Nam Cộng Hòa - Bài Học Nào Chấn Hưng Đất Nước

Việt Nam Cộng Hòa - Bài Học Nào Chấn Hưng Đất Nước?

Trần Văn Xẻn

http://sachhiem.net/LICHSU/TR/TranVanXen_05.php

12-Nov-2018

Cho đến những ngày cuối cùng của chế độ, VNCH cũng chỉ là con cờ nằm “trong tay” Mỹ, như Kissinger đã khẳng định trong mật điện gửi cho Đại sứ Martin ngày 26 tháng 4, 1975: "Bất cứ điều đình nào cũng phải là giữa Hoa kỳ và phía Bắc Việt chứ không phải giữa Sài gòn và Hà Nội" (Trần Văn Xẻn)

 

Có người hỏi tôi, vì tôi đã từng sống dưới cả hai chế độ - Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, chế độ nào tốt hơn trong việc phát triển đất nước và mang lại hạnh phúc cho người dân? Tôi trả lời: “Tôi không quan tâm đến việc chọn lựa chế độ, vì chế độ nào cũng có ưu - khuyết điểm, tôi chỉ quan tâm đến việc góp phần xây dựng đất nước mà thôi”. Có người không hài lòng với chế độ xã hội chủ nghĩa ngày nay và mơ tưởng tới chế độ VNCH ngày xưa. Nhưng, vẫn có người cho rằng việc chọn lựa chế độ VNCH không phải là một phương án tốt.

Bài viết này không nhằm mục đích so sánh sự tốt xấu giữa hai chế độ, mà chỉ phân tích tại sao VNCH chưa đem lại niềm tin cho một số người để chọn làm chế độ mẫu mực, cho dù họ không thích chủ nghĩa xã hội. Tuy VNCH đã đem lại hạnh phúc cho một tầng lớp dân chúng miền Nam, nhưng vẫn chưa đem lại hạnh phúc cho những tầng lớp khác. Vì lý do đó, chúng ta thử tìm hiểu để bổ khuyết những gì VNCH chưa thể đem lại cho dân chúng miền Nam. Từ đó, chúng ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm để tránh phải những sai phạm tương tự cho xã hội hiện nay, trên tinh thần xây dựng, chứ không phải để bêu xấu hay căm thù một chế độ.  

Khi phân tích, với uy tín cá nhân, với đạo đức làm người, với trách nhiệm của một công dân nước Việt, tôi hết sức khách quan trong quá trình nghiên cứu tài liệu của cả 2 bên, chủ yếu là của những nhân vật cao cấp trong chính phủ VNCH và của các sử gia uy tín trên thế giới. Chỉ mong sao người Việt nhận chân được sự thật, không còn hận thù lẫn nhau, cùng bắt tay nhau xây dựng đất nước, để giữ gìn bờ cõi, để mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và để đất nước Việt Nam tự hào sánh vai cùng năm châu bốn bể.

Hãy thảo luận 10 điều căn bản của một đất nước:

  • Chính nghĩa
  • Độc lập - tự chủ
  • Tham nhũng - buôn lậu
  • Độc tài
  • Đảo chính
  • Dân chủ - Nhân quyền
  • Tôn giáo
  • Biểu tình
  • Quân dịch
  •  Giáo dục

1) Chính nghĩa:

Một quy luật đặc thù của lịch sử Việt Nam: HỄ ĐÃ PHI DÂN TỘC THÌ THẾ NÀO CŨNG PHẢN DÂN TỘC. Trước năm 1955, nước Việt Nam có danh hiệu là “Quốc Gia Việt Nam” với cựu hoàng Bảo Đại làm Quốc trưởng. Sau hiệp định Geneve 1954, Ngô Đình Diệm được Vatican và Mỹ đưa lên (Hồng y Francis Spellman, Thượng Nghị sĩ Mike Mansfield, và Ngoại trưởng John Foster Dulles.) Năm 1951, Tại New York, Hồng Y Spellman giới thiệu ông quan - tự lưu vong - Ngô Đình Diệm với chính giới Mỹ, gồm thượng nghị sĩ Michael Mansfield, thẩm phán tối cao pháp viện William O. Douglas, trùm CIA Allen Dulles, cha con Joseph Kennedy, tất cả là tín đồ công giáo. Năm 1954, CIA gửi Edward Landsdale qua Saigon hóa phép “trưng cầu dân ý” truất phế Bảo Đại - ủng hộ thủ tướng Ngô Đình Diệm. Landsdale đề nghị tỷ lệ đắc cử là 70%, ông Diệm không đồng ý, đòi phải đạt được 92.2%, con số cao hơn cả số cử tri ghi danh. [1]) nâng đỡ đưa về miền Nam Việt Nam để lên nắm chính quyền với mục đích xóa bỏ hiệp định Geneve – nhiều sử gia cho rằng việc này xảy ra là vì Hoa Kỳ muốn bảo vệ quyền lợi nước Mỹ chứ không vì tự do, hạnh phúc cho miền Nam [2][3]. Diệm đổi tên nước thành “Việt Nam Cộng Hòa” vào năm 1955. Với ý định nắm lấy quyền lực vĩnh viễn, Diệm không chịu thi hành hiệp định Geneve vì biết chắc rằng mình sẽ thất cử nếu có tổng tuyển cử, sự lo sợ của Diệm được Leo Cherne ghi nhận trong báo Look ngày 19-1-1955 rằng: “Nếu tổ chức đầu phiếu hôm nay thì phần lớn người Việt (miền Nam) sẽ bỏ cho Cộng sản … Chúng ta biết làm được gì?” [4]. Sự việc này cũng được linh mục Trần Tam Tỉnh nhận định trong tác phẩm Thập Giá và Lưỡi Gươm: Foster Dulles, Tổng Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, đã viết trong một mật điệp gửi cho phụ tá của ông, ngày 7-7-54, đang tham dự thương nghị Geneve như sau: “Chẳng còn hồ nghi về việc các cuộc bầu cử có thể thống nhất đất nước Việt Nam dưới quyền của Hồ Chí Minh” (Pentagon Papers 46) và tổng thống Eisenhower của Mỹ cũng đã chẳng cả quyết sau này rằng: “Nếu bầu cử xảy ra theo như Hiệp định Geneve đã tiên liệu thì 80% dân chúng miền Nam sẽ bỏ phiếu cho Hồ Chí Minh” [4]. Việc bội ước hiệp định Geneve đã khơi mào cho cuộc chiến cốt nhục tương tàn trong suốt 20 năm và sự bất ổn của miền nam vì lý do tôn giáo (Diệm đàn áp Phật giáo).

Vì vậy, có người cho rằng danh xưng “Việt Nam Cộng Hòa” đi đôi với sự bội ước, nô lệ, và đàn áp tôn giáo (ngoại trừ Thiên Chúa Giáo). Sự nô lệ vào Pháp của gia đình Ngô Đình Diệm được Ngô Đình Thục khẳng định trong một tâm thư gửi Toàn Quyền Pháp - Decoux: “… với tư cách là người con của một gia đình mà thân phụ tôi đã phục vụ nước Pháp ngay từ khi Pháp mới đến Annam, và đã nhiều lần đưa mạng sống cho nước Pháp trong các cuộc hành quân mà cha tôi cầm đầu, dưới quyền Nguyễn Thân, chống lại các kẻ nổi loạn do Phan Đình Phùng chỉ huy, tại Nghệ An và Hà Tịnh (… et comme membre d’une famille dont le père a servi la France dès sa première venue en Annam et a exposé maintes fois sa vie pour elle dans les expéditions memées, comme lieutenant de Nguyễn Thân, contre les rebelles commandés par Phan Đình Phùng à Nghệ An et Hà Tịnh)”, “…thân phụ tôi là Ngô Đình Khả đã từng được vinh dự phục vụ nước Pháp dù sinh mạng bị hiểm nguy (…mon père Ngô Đình Khả a eu l’honneur de rendre à la France au péril de sa vie …)” [5]. Riêng Diệm cũng không hề thua kém cha mình, sau khi được Mỹ đưa về nắm quyền, đã từng tuyên bố: “Biên giới của Mỹ không ngừng ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, mà kéo dài, ở Đông Nam Á, tới sông Bến Hải, ở vĩ tuyến 17 của Việt Nam, hình thành một biên giới của “thế giới tự do”, cái mà chúng ta đều trân quý” [6]. Có phải qua câu nói này, Diệm đã thừa nhận sẽ dâng miền Nam Việt Nam cho Mỹ để minh chứng cho lòng cúc cung tận tụy của Diệm với Mỹ, hay là để trả ơn vì Mỹ đã chọn Diệm?

Ngoại trừ Thiên Chúa Giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thẳng tay chèn ép các đạo Cao Đài, Hòa Hảo và Phật Giáo. Sự kiện đàn áp Phật Giáo của gia đình họ Ngô, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của chế độ độc tài gia đình trị, được ghi nhận trong Điện văn từ Tòa Lãnh sự tại Huế gửi về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 9-5-1963 - lúc 3 giờ chiều: Đại Lễ Phật Đản tại Huế ngày 8 tháng 5 đã trở thành một cuộc biểu tình lớn ở Đài Phát Thanh Huế. Lúc 22:45, khoảng 3.000 người tụ tập và bị canh gác bởi 8 xe thiết giáp, một đại đội Dân vệ, một đại đội thiếu quân số của Quân đội VNCH, xe bọc sắt của cảnh sát (At 2245 hours estimated 3,000 crowd assembled and guarded by 8 armored cars, one Company CG, one Company minus ARVN, police armored cars …) [7]. Thiệt hại trong ngày 8-5-1963 tại Huế được ghi nhận là 9 người chết và 14 người bị thương (Subsequent accounts of the May 8 incident in Hue have generally listed the casualties as nine killed and fourteen wounded.) [8]. Có 2 người trong số bị giết là trẻ em, chết vì bị xe thiết giáp cán chết (Two of those killed, both children, died from being crushed by armored vehicles.) [9]. Sự đàn áp Phật Giáo càng leo thang khốc liệt qua việc ông Ngô Đình Nhu chỉ huy Lực Lượng Đặc Biệt và cảnh sát dã chiến tổng tấn công các chùa đêm 20-8 rạng ngày 21-8-1963, bắt giam hơn 1.400 Tăng Ni Phật Tử. Sự việc này đã làm cho:

- Mỹ bất mãn vì ông Diệm không hòa giải với Phật Giáo,

- Quân đội VNCH bất mãn vì bị dân chúng đổ tội tấn công các chùa,

- Tướng Lê Văn Kim, Bộ Trưởng Nguyễn Đình Thuần và Chánh Văn Phòng Phủ Tổng Thống Võ Văn Hải đều nói với Mỹ là cần loại ông bà Nhu ra khỏi chính phủ,

- Bộ Trưởng Ngoại Giao Vũ Văn Mẫu từ chức Ngoại Trưởng, và cạo đầu như một nhà sư để phản đối tấn công chùa,

- Thân phụ bà Nhu là LS Trần Văn Chương từ chức Đại sứ VN ở Hoa Kỳ, thân mẫu bà Nhu là bà Thân Thị Nam Trân từ chức Quan sát viên VNCH ở Liên Hiệp Quốc để phản đối chế độ ông Diệm,

- Ông Cabot Lodge tới VN, nhận chức Đại sứ Mỹ tại VN, tiến hành kế hoạch đảo chánh, muốn giữ ông Diệm trong khi loại trừ ông bà Nhu.

Như thế, việc đàn áp Phật giáo đã phá hủy chính sách Hoa Kỳ và ghi dấu sự khởi đầu của việc kết thúc chế độ của ông Diệm (effectively destroying an American policy and marking the beginning of the end of the Diem regime.) [10].

Ngoài ra, khi phân tích lý do tại sao VNCH sụp đổ, trong khi Nam Hàn vẫn tồn tại, cho dù VNCH nhận được viện trợ từ Hoa Kỳ nhiều hơn. Theo thống kê chưa đầy đủ, Mỹ đã chi 920 tỷ USD (thời giá lúc đó) cho chiến tranh Việt Nam so với 341 tỷ trong thế chiến 2 và 54 tỷ trong chiến tranh với Triều Tiên. Nếu tính theo thời giá hiện nay thì đây là một khoản chi phí khổng lồ [11]. Ông Trần Bình Nam, cựu dân biểu và là thiếu tá quân lực VNCH, đưa ra nhận xét: “Có hai khác biệt căn bản: Nam Hàn có lãnh đạo tốt, trong khi VNCH không có. Các tướng lãnh của VNCH đều là sản phẩm của nền thống trị cuối mùa của Pháp để lại” [12].  Đa số các tướng lãnh này đều xuất thân từ trường sĩ quan do Pháp đào tạo để phục vụ quyền lợi Pháp, cho nên phần đông không có tinh thần dân tộc, không thật sự yêu nước mà chỉ mong cầu danh lợi, thậm chí còn giúp Pháp chống lại người Việt yêu nước. Điển hình là Tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh Vùng 2 Chiến thuật của VNCH. Ông gia nhập quân đội Quốc gia Việt Nam - đội quân làm tay sai cho Pháp để trấn áp các lực lượng kháng chiến chống Pháp. Ngày 14 tháng 3 năm 1954, ông được cử làm Đại đội trưởng Đại đội 1 của Tiểu đoàn 5. Ngày 25 tháng 4, ông được Pháp đặc cách thăng cấp Đại úy tại mặt trận, do chiến tích của Đại đội ông chỉ huy, đạt được trong nhiệm vụ tái chiếm cứ điểm trọng yếu đồi Elianne trong trận Điện Biên Phủ (Theo "Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ: 24 giờ cuối cùng" - Bernard B. Fall, Vũ Trấn Thủ dịch) [13]. Trong khi các thanh niên yêu nước đang tìm cách đánh đuổi thực dân Pháp, thì các tướng lãnh này lại can tâm đứng về phe Pháp, chống lại những người chấp nhận hy sinh xương máu để giành lại độc lập cho dân tộc Việt Nam – một hành động coi như phản quốc đối với quan niệm nhiều người.

Đến thời Nguyễn Văn Thiệu, chính nghĩa của VNCH càng bị mất thêm theo bước chân của đội quân viễn chinh Hoa Kỳ, khi chính thức đổ bộ vào Đà Nẵng vào ngày 8/3/1965, bắt đầu cuộc tham chiến trực tiếp tại VN với danh xưng “đồng minh”. Tổng cộng, trong năm 1965 quân số của Mỹ tại Việt Nam đã lên tới con số 184.000. Chi phí quốc phòng của Hoa Kỳ chi tiêu ở Việt Nam trong năm này cũng lên tới 20 tỷ USD. Điều này khiến chiến tranh Việt Nam leo thang liên tục trong nhiều năm sau đó và quân số Mỹ đồn trú tại VN cũng tăng cao kỷ lục, lên tới 550.000 quân vào năm 1969 [14]. Cuộc chiến VN kéo dài, đã làm cho số người Mỹ ủng hộ cuộc chiến đã giảm dần khi cuộc chiến diễn ra. Trong suốt những năm 1960 và đầu thập niên 1970. William L. Lunch và Peter W. Sperlich đã sưu tầm ý kiến công chúng để đánh giá mức độ ủng hộ cuộc chiến từ năm 1965–1971. Những người tham gia cuộc trưng cầu ý kiến được hỏi: "In view of developments since we entered the fighting in Vietnam, do you think the U.S. made a mistake sending troops to fight in Vietnam?" ("Theo như sự leo thang từ khi chúng ta tham chiến ở Việt Nam, bạn có nghĩ nước Mỹ đã phạm sai lầm khi gửi quân đến Việt Nam?"). Họ đã ghi lại kết quả sau: [15]

Tỉ lệ người Mỹ ủng hộ cuộc chiến tại Việt Nam (%)

Năm

65

66

67

68

69

70

71

Tháng

8

3

5

9

11

2

5

7

10

12

2

4

8

11

2

10

2

4

5

1

5

%

52

59

49

48

51

52

50

48

44

48

42

40

35

37

39

32

33

34

36

31

28

Qua bảng số liệu trên cho thấy, người dân Hoa Kỳ đã quay lưng lại với cuộc chiến tại VN. Đầu năm 1966, dân chúng Mỹ ủng hộ cuộc chiến VN chiếm tỉ lệ cao nhất (59%), sau đó giảm dần đến tháng 5/1972 chỉ còn 28%. Thế nên nhiều cuộc biểu tình phản đối chiến tranh VN đã xảy ra nhiều nơi trên nước Mỹ, ngày 21/10/1967 có ít nhất 100.000 người tham gia, khoảng 50.000 người biểu tình sau đó hướng về phía Lầu Năm Góc, trong đoàn biểu tình có một thanh niên đã cắm những bông hoa vào những khẩu súng trường đang nhắm vào đầu anh ta. Tờ Guardian (Anh) đánh giá vụ việc xảy ra tại cơ quan đầu não quân đội Mỹ năm 1967 đã trở thành dấu mốc cho sự thay đổi từ những cuộc biểu tình phản chiến đơn thuần trở thành kháng cự số đông. Nửa triệu người đã diễu hành tại Washington trong năm 1969 phản đối chiến tranh [16].

Lý do quan trọng nhất mà Hoa kỳ nhảy vào một cuộc chiến là quyền lợi của Hoa kỳ. Những mục tiêu khác như bảo vệ nhân dân, tranh thủ nền độc lập, hay xây dựng dân chủ (cho VNCH hay Iraq, hay Afghanitan) thì chỉ là thứ yếu. Năm 1965, trước khi cho TQLC đổ bộ vào Đà Nẵng, trong một cuộc họp mật và cao cấp tại Washington, D.C. vào tháng 1, 1965, Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara và thứ trưởng McNaughton đã nói toạc ra là mục liêu của Mỹ "không phải là để giúp một nước bạn thắng, là để ngăn chặn Trung Cộng" (New York Times, The Pentagon Papers, trang 309). Về việc đưa quân vào Việt nam, trong buổi họp ngày 24 tháng 3, 1965, McNaughton còn tính toán rõ ràng về mục đích của Mỹ theo phần trăm như sau:

- 70% là để tránh một sự thất bại làm bẽ mặt cho Mỹ;

- 20% để giữ Miền Nam khỏi rơi vào tay Trung Cộng; và

- 10% để cho nhân dân Miền Nam được tự do, hạnh phúc (New York Times, The Pentagon Papers, trang 432).

Sự có mặt đông đảo của quân nhân Mỹ tại VN khiến người ta nghĩ ngay tới một đội quân xâm lược, nhất là khi đội quân này vào Việt Nam mà không có sự đồng ý của dân chúng miền Nam. Mỹ đã liên tục thay đổi cấp lãnh đạo miền Nam trong khoảng 1964-1965 để tìm ra người đồng ý cho Mỹ đổ quân vào miền Nam, đó là vị tướng háo danh Nguyễn Khánh (Do chủ trương đưa quân Mỹ vào tham chiến ở Việt Nam và lời tuyên bố "Quân đội là cha quốc gia!" [17][18], uy tín của Nguyễn Khánh càng lúc càng xuống thấp và ngày càng mất lòng dân.

Mười năm sau, cũng vào tháng 3, Mỹ lại có kế hoạch đưa TQLC vào. Nhưng lần này không phải vào Đà Nẵng mà là vào Sài gòn. Không phải vào để tham chiến mà là vào để đưa quân nhân Mỹ rút đi. Kế hoạch rút lui của Mỹ đòi hỏi phải có tới ba chứ không phải hai sư đoàn  - mỗi sư đoàn 18,000 người - cùng với oanh tạc cơ bao phủ vòm trời để yểm trợ. Tại sao lại như vậy? Vì vào thời điểm này, ngoài quân đội Bắc Việt, Mỹ còn lo ngại hơn nữa là phải chạm súng với chính quân lực VNCH! [19]. Trong cùng một mật điện (ngày 17 tháng 4), Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn, ông Martin, cũng báo động về Washington: "Có một điều tôi đoan chắc tuyệt đối (deadly certain) là nếu đưa quân đội Hoa kỳ ào ạt vào đây trong điều kiện hiện nay thì họ sẽ phải chiến đấu với quân đội miền Nam để tìm đường tháo chạy" [20] và Kissinger, cũng đã báo cáo rằng, một quan chức Sài gòn có nói với ông: "Nếu các Ngài rút người Mỹ ra và bỏ rơi chúng tôi trong hoạn nạn, các Ngài có thể sẽ phải đánh nhau với một sư đoàn quân đội Miền Nam để có lối ra". Thế nên, Nguyễn Tiến Hưng - Phụ tá Tổng thống Thiệu, Tổng trưởng Kế hoạch của VNCH, là người điều hợp viện trợ trên bình diện kinh tế toàn quốc, làm việc trực tiếp với Tổng thống Thiệu trong những ngày tháng cuối cùng, giáo sư bộ môn kinh tế học tại Đại học Howard, thủ đô Washington D.C. của Hoa Kỳ - đã chua xót thốt lên: Ôi chao, sao lại có thể ê chề đến như vậy? Ăn ngủ với nhau đã vài chục năm, lúc ra đi lại bắn nhau hay sao? [19].

Dựa vào các diễn biến trên chiến trường, chính phủ Hoa Kỳ đã trù liệu đến khả năng có đụng độ quân sự với quân đội VNCH trong quá trình di tản những người Mỹ cuối cùng rời khỏi miền Nam Việt Nam. Tại sao quân đội Hoa Kỳ lo sợ phải đụng độ với quân lực VNCH trong quá trình rút quân khỏi miền Nam? Có phải chính phủ Hoa Kỳ đã sớm nhận thấy sự yếu kém, sự lệ thuộc, sự bám víu của quân đội VNCH vào quân đội Hoa Kỳ, và quan trọng hơn cả là quân lực VNCH thiếu tinh thần chiến đấu nếu không có Hoa Kỳ?

Thậm chí, Kissinger từng nguyền rủa: "Sao chúng không chết phứt cho rồi?" Ông ta rên lên trong xe, "Điều tệ hại nhất có thể xảy ra là chúng cứ sống dai dẳng hoài ". (“Why don’t these people die fast?" He moaned in the car. "The worst thing that could happen would be for them to linger on") [21]. Kissinger còn nói với Chu Ân Lai: "Lập trường của chúng tôi là sẽ không duy trì bất cứ Chính phủ nào ở miền Nam cả, và nếu như Chính phủ miền Nam không được nhiều người ưa chuộng như Ngài nghĩ, thì khi quân đội chúng tôi rút đi càng nhanh, nó sẽ bị lật đổ càng lẹ. Và nếu nó bị lật đổ sau khi chúng tôi rút, chúng tôi cũng sẽ không can thiệp nữa" (The New York Times, 28-2-2002).

Có phải miền Nam sụp đổ vì tinh thần dựa dẫm vào Mỹ và quan trọng hơn hết là thiếu ý chí chiến đấu? Như lời Kissinger đã bình luận về cuộc chiến Việt nam, trong một buổi nói chuyện tại Hiệp Hội Nhật Bản ở New York sau ngày miền Nam sụp đổ (16-8-1975): "Những cố gắng từ bên ngoài vào cũng chỉ có thể là bổ túc chứ không thể tạo ra được những cố gắng và ý chí chiến đấu cho người trong nước" [22]. Về chính trị, các bình luận gia thường nêu lên những yếu kém, khuyết điểm của lãnh đạo và nhân dân Miền Nam: Lãnh đạo thì độc tài, thiếu khả năng, quá tin vào Mỹ, tham nhũng, có khi còn xa hoa quá mức. Nhân dân thì chia rẽ, một phần thì thờ ơ, chống đối, chán chường một cuộc chiến dài lê thê [23].

Vì những lý do kể trên, nhiều người không thể tin tưởng vào chế độ VNCH và cuối cùng thì chính phủ Mỹ cũng đã bỏ rơi VNCH không thương tiếc khi cần, như Henry Kissinger đã từng cố vấn cho TT. Nixon: “Thưa Tổng thống, chúng ta chỉ cần tìm ra một công thức nào đó để làm cho yên bề mọi chuyện trong một hay hai năm, rồi sau đó thì Việt Nam sẽ trở thành một bãi hoang vu.” (‘Tâm Tư Tổng Thống Thiệu,’ Chương 15). Chế độ VNCH bị mất tín nhiệm nghiêm trọng trong mọi tầng lớp xã hội, từ thường dân cho đến giới chức chính khách, chẳng thế mà tướng Đỗ Mậu, (từng là Phó thủ tướng VNCH) đã phải cay đắng nhận xét về Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu như sau: “ … Người thì muốn nối dài biên giới Hoa Kỳ từ Alaska đến sông Bến Hải, người thì đào nhiệm bỏ ngũ khi Hoa Kỳ ngưng viện trợ ‘chống Cộng’…” [24].

Như vậy, liệu một thể chế có được gọi là chính nghĩa, khi “Tổng thống” thực chất chỉ là bù nhìn, tay sai cho ngoại bang (Pháp và Mỹ), quân đội thiếu ý chí chiến đấu, nếu không muốn nói là đánh thuê cho Mỹ. Thế cho nên, VNCH mất đi chính nghĩa, không được đa số ủng hộ, dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng vào năm 1975, như Nguyễn Tiến Hưng đã sửng sốt nhận định: “Sao lẹ vậy?” (trong lời mở đầu của quyển sách Khi Đồng Minh Tháo Chạy): “Ngày 10 tháng ba, 1975 Quân đội Bắc Việt đánh chiếm Ban Mê Thuộc. Đến ngày 30-4 đã tiến vào Sài gon. Tốc độ như vũ bão, vỏn vẹn chỉ có 52 ngày? Không lẽ một cuộc chiến kéo dài tới hai mươi năm, đến khi kết thúc lại nhanh như vậy?”. Theo các sử gia quốc tế, sự độc lập và thống nhất của đất nước, sự ủng hộ của đa số nhân dân đã trở thành yếu tố quyết định giúp những người Cộng sản thắng lợi chứ không phải nhờ vào hệ tư tưởng hay ưu thế quân sự.[25][26][27][28]) (Xin xem bài “Nguyên nhân cuộc chiến Việt Nam 1955-1975” [2][3]).

Nói tóm lại, VNCH thiếu chính nghĩa vì VNCH là chế độ do Mỹ dựng lên để thực hiện chính sách của Mỹ ở VN: Ngăn cản không cho Việt Nam thống nhất - dù sự thống nhất đó được tiến hành theo lối phổ thông đầu phiếu tự do và trong sạch. Đây là một quyết định hết sức sai lầm của chính phủ Mỹ thời bấy giờ: Bất chấp thủ đoạn để giành lấy thị trường Đông Nam Á.

Phóng lao rồi phải theo lao, từ quyết định sai lầm đó, Mỹ phải đem hơn 500.000 quân vào bảo vệ miền Nam với kết quả 58.000 quân nhân Mỹ và hàng triệu người Việt đã hy sinh. Và, đúng theo luật nhân quả: Gieo gió gặt bão, Mỹ bị thua trận và rút quân về nước, trả lại sự thống nhất cho dân tộc Việt Nam. Đây là một bài học cho các thế hệ sau này: không làm tay sai cho ngoại bang để trục lợi cho bản thân hay phe nhóm, vì như vậy sẽ mất đi chính nghĩa.

2) Độc lập - tự chủ:

VNCH chưa bao giờ cho thấy sự độc lập - tự chủ của mình đối với ngoại bang. Tiền thân của VNCH là Quốc Gia Việt Nam thì lệ thuộc Pháp, còn VNCH thì lệ thuộc Mỹ, dựa vào Mỹ để sinh tồn. Trong suốt thời kỳ chiến tranh 1955-1975, Mỹ áp đặt VNCH trên mọi lĩnh vực, từ quân sự, chính trị, đến kinh tế. Sự lệ thuộc gần như tuyệt đối này được Nguyễn Văn Thiệu khẳng định với Phó Tổng thống Hoa Kỳ Humphrey, khi ông vừa đắc cử tổng thống của nền Đệ nhị Cộng hoà vào năm 1967: " … chúng tôi còn cần phải có sự hiện diện của Hoa kỳ với mức độ hiện tại", khi Humphrey thông báo về ý định giảm viện trợ cho miền Nam: "Thêm vài năm nữa với cùng một mức độ viện trợ quân sự và kinh tế như hiện nay thì chắc không thể có !" [29].

Trong một bài viết gửi cho BBC từ Mỹ ngày 10/8/2014 với tiêu đề “Từ Watergate đến sụp đổ Sài Gòn”, Nguyễn Tiến Hưng - Cựu Tổng trưởng Kinh tế của VNCH, đề cập đến Giáo sư Warren Nutter, cựu Phụ tá Tổng Trưởng Quốc Phòng, đặc trách phần tài chính của chương trình Việt Nam Hoá than phiền: "Không có nhân vật cao cấp nào trong chính phủ để ý đến vấn đề Việt Nam nữa!". Chỉ vài ngày, sau khi TT. Ford viết bức thư cho TT. Thiệu cho biết: Ủy Ban Chuẩn Chi Thượng Viện đã cắt thêm nữa: Từ mức quân viện cho Tài khóa 1973 là 2.2 tỷ đô la, bây giờ (1974) cắt xuống còn 700 triệu. Điều chỉnh theo lạm phát thật cao lúc ấy thì mãi lực của số tiền này chẳng còn bao nhiêu. Thực là tin sét đánh cho Bộ Tổng Tham Mưu VNCH. Đối với TT. Thiệu một chút hy vọng khi nhận được thư đầu tiên của vị Tân Tổng thống Mỹ đã tan biến đi như mây khói [30].

Mỹ đã đổ vào Việt Nam một kinh phí khá lớn để duy trì cuộc chiến, 2.2 tỷ đô la cho năm tài khóa 1973. Việc này tạo nên hiện tượng “phồn vinh giả tạo” khiến một số người lầm tưởng trước 1975, VNCH phồn vinh hơn các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Worldbank trong Bảng A1. Annual Growth Rate of GNP per Capita, by Region and Country, 1950-1975 (trang 79) cho thấy:

Tỉ lệ tăng trưởng hàng năm của Tổng sản phẩm quốc gia (GNP: Gross National Product) Việt Nam giai đoạn 1950 - 1975 chỉ có 0,5%, chỉ cao hơn chút ít so với Lào (0,3%) và Campuchia (- 1,4%), nhưng thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực: Thua Indonesia 4 lần (2.0%), thua cả Thái Lan 7 lần (3,6%), thua xa Hàn Quốc đến 10 lần (5,1%) [31].  

Table Al. Annual Growth Rate of GNP per Capita, by Region and Country, 1950-1975

Region and country

GNP per capita

(1974 U.S.A dollas)

Annual growth rate (percent)

1950

1975

1950-1960

1960-1975

1970-1975

1950-1975

Indonesia

103

69

1,6

1,4

3,6

2,0

Khmer Republic

112

80

1,7

0,8

 - 12,1

 - 1,4

Korea, Republic of

146

504

2,6

6,4

8.3

5,1

Lao People's Democratic Republic

62

68

 -0,5

1,5

 - 0,5

0,3

Malaysia

350

665

0,8

3,9

4,3

2,6

Philippines

168

340

3,2

2,1

3,5

2,8

Thailand

132

319

2,6

5,0

3,6

3,6

Vietnam

143

163

1,7

n.a

n.a

0,5

     Ghi chú: n.a: not available

Thật ra, vì hoàn cảnh chiến tranh trong giai đoạn đó, “nội lực kinh tế’ của cả hai miền Nam Bắc rất èo uột, với lượng nông sản, lâm sản và thủy sản khiêm tốn mỗi năm. Miền Nam nhờ có nguồn viện trợ của Mỹ nên có vẻ phồn vinh hơn miền Bắc về lĩnh vực kinh tế. Viện trợ hậu hỉ của Hoa Kỳ cho miền Nam, đã nhanh chóng hình thành nên tâm lý dựa dẫm vào Mỹ, tâm lý này được Nguyễn Tiến Hưng - Cựu Tổng trưởng Kinh tế của VNCH mô tả: “Nhìn lại giữa thập niên 1960, ta thấy cái tâm lý này nó đã mau bén rễ. Nền kinh tế Việt Nam bé nhó, hậu tiến, sản xuất căn bản là nông nghiệp. Khi quân đội Mỹ ào ạt kéo sang, nhu cầu quốc phòng, tiêu dùng, xây dựng hạ tầng cơ sở nhảy vọt. Mà sản xuất nội địa còn yếu kém, căn bản chỉ là gạo thóc. Để tránh tình trạng khan hiếm, lạm phát phi mã thì chỉ còn cách nhập hàng hoá từ ngoài vào. Nhưng lại nhập quá nhiều và quá nhanh. Tài trợ nhập hàng hoá gồm bốn nguồn: viện trợ nhập cảng (CIP)(Capital Improvement Projects có nghĩa là những dự án chính) + viện trợ thực phẩm phụng sự hoà bình + viện trợ dự án + số đô la phía Mỹ mua tiền Việt Nam. Tổng số này đang từ 162 triệu năm 1964 tăng lên tới 830 triệu năm 1966, cao hơn năm lần. Tiền bạc dồi dào, cứ thế mà xài. Chi tiêu công cũng như tư có bề thả lỏng.”. Khi chiến tranh leo thang, kinh tế miền Nam khó phát triển, nhiều lãnh vực lại còn tụt hậu, cung ứng cho nhu cầu của nhân dân từ ăn, ở, mặc, y tế, giáo dục, tới vận chuyển, xây cất, phần rất quan trọng được đáp ứng từ "viện trợ Mỹ". Vì lệ thuộc vào viện trợ quá nhiều như vậy, nền kinh tế miền Nam tất phải gắn liền với những gì xảy ra cho nền kinh tế Mỹ. Nếu kinh tế Mỹ khó khăn là sẽ có áp lực giảm viện trợ cho miền Nam [32].

Vì thế cho nên, sau khi Mỹ cắt viện trợ và rút đi thì miền Nam trở lại tình trạng èo uột cố hữu của mình và sụp đổ nhanh chóng từ vật chất đến tinh thần, từ kinh tế đến quân sự. Khi Mỹ giảm viện trợ xuống còn 1,1 tỷ đô la vào năm 1974, nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa lâm vào cuộc khủng hoảng với lạm phát ở mức 200% [33].

Sự lệ thuộc toàn diện của VNCH vào Hoa Kỳ được Nguyễn Văn Thiệu thú nhận, khi thố lộ với Nguyễn Tiến Hưng vào đầu hè 1974: "… Thoạt tiên ở Midway (họp với Nixon năm 1969), họ nói với tôi là Mỹ sẽ rút vài ngàn quân, nhưng còn duy trì nửa triệu quân chiến đấu ở Việt nam; sau đó, họ rút thêm quân, và nói sẽ trang bị cho quân đội Việt Nam cộng hoà để đền bù sự triệt thoái này. Đến năm 1972, khi triệt thoái tiến nhanh hơn, họ nói với tôi "Đừng có lo, chúng tôi sẽ đóng lại một lực lượng nhỏ (residual force) là Mỹ sẽ tăng cường yểm trợ bằng không lực. Đến khi họ rút lui toàn bộ, cả lục quân lẫn không quân, họ hứa sẽ tăng viện trợ và tiếp tục duy trì sự có mặt của Đệ thất hạm đội cùng các căn cứ không quân ở Thai Lan để yểm trợ khi cần. Bây giờ, anh nói với tôi viện trợ Mỹ bị cắt 60 phần trăm. Vậy ta còn gì nữa?" [34].

Tới cuối năm 1974 thì đạn dược và xăng nhớt đã cạn kiệt. Theo dự tính của Bộ Tổng Tham Mưu VNCH: Dự trữ đạn dược tồn kho chỉ còn cung ứng được từ 30 tới 45 ngày. Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng kết luận rằng: “Nếu tình hình chiến sự cứ tiếp tục xảy ra theo cùng một nhịp độ thì: Số đạn tồn kho sẽ hết vào tháng 6/1975 nếu không nhận được thêm viện trợ.” [30]. Hoàng Đức Nhã, cựu bí thư của tổng thống Thiệu cho rằng thất bại của Sài Gòn vào mùa Xuân năm 1975 thực ra "đã được định đoạt" từ khi người đồng minh Hoa Kỳ không còn giữ cam kết hậu thuẫn cho chính quyền VNCH như đã hứa hẹn từ trước nữa: "Lúc năm 1975, quân đội không còn phương tiện để chống Cộng sản Bắc Việt nữa là vì Hoa Kỳ không còn giữ lời hứa theo Hiệp định Paris là 'đổi một lấy một', tức là mình mất một cây súng thì Hoa Kỳ cho một cây súng, thiếu một viên đạn, Hoa Kỳ cấp một viên đạn." [35].

Ba mươi năm sau ngày thống nhất, Nguyễn Tiến Hưng đã băn khoăn bộc bạch: “Như vậy, ta có thể đặt câu hỏi quan trọng về phương diện lịch sử, là: Nếu như không có biến cố 30-4-1975 thì tới tháng Sáu, cho già lắm là tháng Tám hay tháng Chín, quân lực Việt nam cộng hoà sẽ lấy gì mà chiến đấu? Đã đến lúc phải giải ngũ?” [32].

Thật là thảm họa cho VNCH, cho dù Mỹ đã bỏ rơi miền Nam, nhưng số tiền Mỹ đã đổ vào, nhằm tăng cường nỗ lực chiến tranh cho miền Nam vẫn được xem là món nợ. - món nợ mà miền Nam không thể trả, nên cả nước phải trả vài thập niên sau đó. Năm 1997, Hoa Kỳ buộc Việt Nam phải trả 140 triệu đô la (số tiền mà VNCH đã vay của Mỹ trước 1975) cho việc xây dựng hệ thống đường sắt và hệ thống nước và một nhà máy điện cho Sài Gòn - thủ đô trước đây của miền Nam Việt Nam, bây giờ gọi là thành phố Hồ Chí Minh; trong đó có 12 triệu USD cho các khoản vay chưa trả trong chương trình "Thực phẩm phụng sự Hòa bình", để đạt được thỏa thuận thương mại rộng rãi với Washington (… now worth about $140 million, incurred by the Saigon Government before it fell to North Vietnamese forces in 1975. Many of those debts were incurred to bolster the South's war effort, including the country's main railroad and water system, and a major power plant for Saigon, the former South Vietnamese capital, now called Ho Chi Minh City.” … “Vietnam balked at repaying $12 million in outstanding loans for the ''Food for Peace'' program, …”). Việt Nam sẽ có 20 năm để hoàn trả các khoản vay đã được cấp cho miền Nam [36]. Món nợ này được Nguyễn Tiến Hưng xác nhận trong quyển ‘Khi Đồng Minh Tháo Chạy’ (chương 8 phần III, Tin sét đánh): Quốc hội Mỹ bắt thay đổi ngân khoản viện trợ trong chương trình "Thực phẩm phụng sự hoà bình" (Food For Peace hay PL 480) từ "cho không" sang "cho vay". Rồi ông cũng đã chua xót mà thốt lên: “Nhìn vào viễn ảnh kinh tế, tài chính và quân sự Miền Nam cuối năm 1974 như nhìn vào chân trời tím. Những đám mây đen đặc đang ùn ùn kéo tới báo hiệu cho một cơn bão tố từ xa xa. Và như vậy, ta có thể đặt thêm một câu hỏi khác: từ năm 1976 Việt Nam cộng hoà sẽ lấy tiền đâu trả lương cho quân đội và cảnh sát? Sau 30 năm, tôi cũng chưa tìm ra được câu trả lời. Khi không còn tiền trả lương, chắc chỉ còn một giải pháp là giải ngũ? Trên thực tế, năm 1974 đã là năm quyết định số mệnh cho Miền Nam rồi vậy” [32].

Trong những ngày tháng 4 - 1974, chính quyền Thiệu đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng khi tình hình tiếp liệu trở nên nguy ngập, Thiệu nhờ cậy Đại sứ Martin, đồng thời yêu cầu các phái đoàn Quốc hội VNCH sang cầu viện tại Washington. Đầu tháng 5 - 1974, Tổng thống Thiệu cử Đại tướng Viên đi Mỹ cầu viện. Ông Viên mang theo một danh sách nhu cầu cấp bách về quân dụng cho VNCH: Trọng pháo 105 ly và 155 ly, đạn dược, dụng cụ truyền tin, và ngân khoản để duy trì khả năng chiến đấu [37]. Trong tài liệu báo cáo do tướng Murray cùng với Bộ Tổng tham mưu trình lên, phân tích ảnh hưởng của các mức quân viện tới khả năng chiến đấu, phân chia theo từng quân, binh chủng, tóm tắt như sau:

- Nếu mức độ quân viện là 1,4 tỷ thì có thể giữ được tất cả những khu đông dân cư của cả bốn Vùng Chiến Thuật;

- Nếu là 1,1 tỷ thì Quân khu 1 phải bỏ;

- Nếu là 900 triệu thì khó lòng giữ được QK I và II, hoặc khó đương đầu với cuộc tổng tấn công của Bắc Việt;

- Nếu là 750 triệu thì chỉ có thể phòng thủ vài khu vực chọn lọc, và khó điều đình được với Bắc Việt;

- Nếu quân viện dưới 600 triệu thì Chính phủ Việt nam cộng hoà chỉ còn giữ được Sài gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long. [38]

Cuối 1974 và đầu 1975, ông Thiệu tiếp đón một số nghị sĩ, dân biểu Mỹ, để yêu cầu họ khuyến cáo cho Quốc hội Mỹ nương tay. Ông Thiệu chỉ luôn luôn biện luận trên căn bản là hai nước đã chiến đấu với nhau trong hai mươi năm và đã có tới năm Tổng thống Mỹ ủng hộ Việt nam cộng hoà [37]. Sau khi những nổ lực cầu cứu của ông Thiệu với chính phủ Hoa Kỳ đều rơi vào vô vọng! Ý niệm đi “vay viện trợ” (lấy cả vàng trong ngân khố ra “thế chân”) được bàn luận trong một phiên họp giữa ông Thiệu với dân biểu Steven Symms (Cộng hoà, Idaho), Đại sứ Martin vào ngày 5/3/975. Ông Thiệu dự tính khoản vay Hoa Kỳ 03 tỷ USD trong 03 năm được "thế chân" bằng những tài nguyên sau:

- Tiềm năng dầu lửa;

- Tiềm năng xuất cảng gạo;

- Khoản tiền của vua Haled hứa cho vay; và số vàng dự trữ của Ngân hàng Quốc Gia - khoảng  120 triệu USD.[39]

Tuy nhiên, mọi thứ đều quá muộn! Sau này, khi lên truyền hình đọc bài diễn văn từ chức vào ngày 22 - 4 - 1975, ông Thiệu còn nhắc lại rằng: "Vào những ngày vô cùng khó khăn năm 1968, áp lực của Mỹ đè lên chúng ta không phải là nhỏ”. Trước đó, ông Thiệu đã lo ngại về đảo chính sau khi Nixon đắc cử cũng không hẳn là không có lý do. Tác giả Seymour Hersh trong cuốn "The Price of power", sau khi đúc kết các tài liệu về vụ này cho hay rằng sau cuộc bầu cử 1968, chính ông Kissinger đã báo động cho phía Nixon về mưu đồ của Clark Clifford và cảnh cáo: "Nếu ông Thiệu chịu chung một số phận với ông Diệm thì tất cả các dân tộc trên thế giới sẽ nghĩ rằng làm kẻ thù của Mỹ có thể là nguy hiểm, chứ làm bạn với Mỹ chắc chắn là chết" [40].

Điểm lại thời VNCH, trên 75% ngân sách Quốc phòng (trả lương cho quân đội) là do viện trợ từ Hoa Kỳ. Rồi toàn bộ quân trang, quân dụng, từ khẩu súng, viên đạn, lít xăng, tới xe tăng, đại bác, máy bay, cái gì cũng có nhãn hiệu MDAP (Military Detense Assitance Program) của Mỹ. Về mặt kinh tế, khi chiến tranh leo thang, sản xuất trong nước không phát triển được, lại còn tụt hậu, cung ứng cho nhu cầu của nhân dân phải dựa vào đô la của Mỹ để nhập cảng. Những sản phẩm cho nhu cầu từ ăn, ở, mặc, tới vận chuyển, một tỷ lệ rất quan trọng được đáp ứng từ "viện trợ Mỹ":

- Về ăn chẳng hạn, nông dân cần đô la để nhập phân bón và thuốc sát trùng mới sản xuất được thực phẩm. Vẫn không đủ, còn phải nhập thêm hàng mấy trăm ngàn tấn gạo mỗi năm.

- Chỗ ở? Cần nhập vật liệu như xi măng, sắt thép, tôn, thì mới xây cất được.

- Nhu cầu mặc? Miền Nam vẫn phải nhập cảng máy móc, bông gòn để sản xuất ra vải; cũng không đủ, còn phải nhập thêm vải.

- Về vận chuyển, giao thông: Cần nhập xe buýt, xe vận tải, xe Honda, xăng nhớt; nhập rồi mỗi năm lại còn đòi hỏi phụ tùng thay thế.

Đó là chưa nói tới những nhu cầu khác như y tế, giáo dục, giải trí. Cũng chưa kể là từng khối lượng lớn hàng hoá (như đồ hộp, radiô, TV, tủ lạnh, rượu mạnh, thuốc lá, quần áo) đã được chuyển ra bằng cách này hay cách khác, từ hệ thống tiếp liệu "PX" của Mỹ, đặc biệt là từ căn cứ Long Bình. [23]

Như vậy, về vật chất, sự lệ thuộc đã hầu như là toàn diện. Tình trạng này lại còn dẫn tới sự lệ thuộc về tinh thần và tâm lý. Nếu Mỹ còn giúp, thì các nhà lãnh đạo và dân, quân Miền Nam còn chịu đựng, chiến đấu. Nếu có dấu hiệu là họ bắt đầu bỏ, thì tinh thần bắt đầu sa sút. Tới lúc bỏ thật là sụp đổ. [23]

Cho đến những ngày cuối cùng của chế độ, VNCH cũng chỉ là con cờ nằm “trong tay” Mỹ, như Kissinger đã khẳng định trong mật điện gửi cho Đại sứ Martin ngày 26 tháng 4, 1975: "Bất cứ điều đình nào cũng phải là giữa Hoa kỳ và phía Bắc Việt chứ không phải giữa Sài gòn và Hà Nội". Ông còn thêm rằng "bất cứ cuộc thảo luận nào cũng phải được diễn ra tại Paris" và như kết luận của Nguyễn Tiến Hưng: “… tôi vẫn khẳng định rằng sự lệ thuộc vào Hoa kỳ gần như hoàn toàn, cả về vật chất lẫn tâm lý đã là yếu tố quyết định” và “Ngày nay ta có thể đặt lại câu hỏi: thế thì, bắt đầu từ năm 1976 (SH-1956) chính phủ VNCH lấy tiền đâu mà trả lương cho quân đội, cảnh sát?” [23].

Vậy mà ngày nay, khi đã ra hải ngoại, vẫn còn một số người bám víu vào Mỹ, họ luôn trông chờ ở chính phủ Mỹ một chiếc đũa thần mà quên rằng Mỹ có cả “củ cà rốt lẫn cây gậy”. Ở Hoa Kỳ, nơi nào có treo cờ VNCH thì kế bên luôn có lá cờ Mỹ. Kể cả lúc biểu tình, khi vẫy cờ VNCH thì cũng vẫy luôn cờ Mỹ. Khi chào cờ, luôn hát quốc ca Mỹ cùng với quốc ca VNCH. Có người cho rằng đây là nguyên tắc phải có khi sống lưu vong (treo 2 lá cờ song song và hát 2 quốc ca một lúc), nhưng cũng có người nhìn thấy ở đây sự yếu kém và lệ thuộc vào Mỹ của VNCH: Chưa bao giờ có độc lập và tự chủ kể từ ngày thành lập chế độ.

Qua bài học VNCH đã đánh mất sự độc lập và tự chủ, các thế hệ hiện tại và tương lai hãy cẩn trọng hơn đối với ngoại bang, đặc biệt là đối với Trung quốc, để Việt Nam có thể tự làm chủ vận mệnh đất nước mình.

3) Tham nhũng - buôn lậu:

Tham nhũng dường như nằm sâu trong huyết quản người Việt từ rất lâu, thời nào cũng có, chỉ khác nhau ở mức độ nặng nhẹ tùy thuộc vào sản lượng quốc gia ở mỗi thời kỳ. Thời VNCH, tham nhũng tràn lan khắp nơi trong mọi giới (công chức và quân đội).

Vào năm 1956, vụ buôn lậu hàng ngàn tấn gạo ra Bắc Việt do chính hai người em của Tổng thống Ngô Đình Diệm, là bà Cả Lễ và ông Ngô Đình Cẩn cầm đầu, bị Tòa đại sứ Mỹ phát giác. Ông Diệm và gia đình tìm người gánh tội và xử nhẹ (án treo) cho người này (ông Bùi Quang Sơn, Phó Tỉnh trưởng Quảng Nam) [41]. Việc ông Diệm khống chế và xử dụng luật pháp quốc gia như một dụng cụ riêng để bênh vực gia đình, lúc ông vừa mới lên cầm quyền, đã làm cho niềm hy vọng của quần chúng về một miền Nam dân chủ, tự do, công bằng bắt đầu tan thành mây khói. Ngoài hai người em của Diệm, người anh cả là Ngô Đình Thục cũng là một tay buôn lậu và tham nhũng khét tiếng. Lúc Ngô Đình Thục đang là Giám mục Giáo phận Vĩnh Long, ông Thục bắt Tỉnh trưởng lấy đất, lấy vật liệu, lấy công quỹ của Tỉnh Vĩnh Long xây 50 căn nhà để ông cho thuê. [41]. Tại Sài Gòn, Tổng giám mục Ngô Đình Thục có thương xá Tax trên đường Nguyễn Huệ, một trung tâm thương mại nổi tiếng nhất thời Ngô Đình Diệm, nhà sách Xuân Thu đồ sộ ở đường Tự Do, một cư xá cho thuê ở đường Trần Hưng Đạo, và một ngôi biệt thự sang trọng ở bên kia bờ sông Thị Nghè đối diện với Sở Thú (Thảo Cầm Viên) [41]. Trong việc độc quyền tham nhũng của Tổng giám mục Ngô Đình Thục và cố vấn Ngô Đình Nhu, có lẽ phải kể đến việc độc quyền khai thác gỗ ở Long Khánh và những khu rừng dọc tuyến đường Sài Gòn - Đà Lạt là thương vụ béo bở nhất. Ông Thục và vợ chồng ông Nhu đã cho cấp dưới đóng thuế cho Việt Cộng  để việc làm ăn (khai thác gỗ) được trôi chảy [41]. 

Từ năm 1950 cho đến tháng 4 năm 1975, việc buôn bán ma túy đều do các chính quyền Bảo Đại, chế độ cha cố Ngô Đình Diệm, chính quyền của Tướng Nguyễn Cao Kỳ và chính quyền quân phiệt Da-tô Nguyễn Văn Thiệu chủ trương, bất kể là sản phẩm này có tác dụng làm nguy hại gì cho nòi giống, dân tộc và tiền đồ của đất nước [42].

Dưới chế độ Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu quyết định tái lập việc buôn bán nha phiến để lấy tiền, ở Chợ Lớn có tới 2.500 tiệm hút thuốc phiện họat động công khai. Để có thể cung ứng thuốc phiện đầy đủ cho khách hàng tiêu thụ, Ngô Đình Nhu thiết lập hai hệ thống đường bay khứ hồi từ vùng sản xuất thuốc phiện sống ở Lào về miền Nam Việt Nam. Hệ thống đường bay chính, là thuê mướn mấy phi cơ nhỏ của hãng Hàng Không Lào, giao cho Bonaventure “Rock” Francisci, người Corse, điều khiển. Dù là tối thiểu có đến 4 chiếc phi cơ nhỏ chuyển vận thuốc phiện lậu từ Lào về miền Nam Việt Nam, nhưng chỉ có một mình cá nhân Francisci trực tiếp nói chuyện và thương lượng với Ngô Đình Nhu. Theo Trung Tá Lucien Conein, một cựu viên chức cao cấp CIA ở Sàigòn, mối liên hệ giữa Ngô Đình Nhu và Francisci về dịch vụ bất chính này khởi đầu vào năm 1958. Sau khi Nhu bảo đảm an toàn cho việc đem thuốc phiện về Sàigòn. Hàng ngày, Francisci dùng đoàn máy bay Beechtcrafts hai động cơ chuyển vận món hàng này về  miền Nam Việt Nam. Ngoài ra, Ngô Đình Nhu còn phái nhân viên tình báo đến Lào với nhiệm vụ là chuyển vận thuốc phiện sống về miền Nam Việt Nam bằng phi cơ của Không Lực Việt Nam. Chính vì vậy mà sử gia Alfred McCoy mới gọi chế độ cha cố Ngô Đình Diệm là “Triều Đại Diệm và Băng Đảng Ăn Cướp Ngô Đình Nhu” (Diem Dynasty and the Nhu Bandits” (Alfred McCoy, The Politics of Heroin in Southeast Asia (New York: Harper & Row Publishers, 1972, p. 159) [42].

Dưới thời TT. Thiệu cầm quyền, tệ nạn tham những, thối nát trong quân đội đã lan tràn vào cả giới quân y. Quân y sĩ cũng thi đua ăn bẩn: Bán chứng chỉ giải ngũ, chứng chỉ miễn dịch vì lý do sức khỏe, chia chác với sĩ quan quản lý, và nhà thầu cung cấp thực phẩm, can dự trong các vụ ăn chận khẩu phần gạo của thương bệnh binh [43]. Khi được TT. Nguyễn Văn Thiệu ủy nhiệm điều tra tham nhũng, phó tổng thống Trần Văn Hương, sau một thời gian điều tra, đã phải thốt lên: “Nếu trừ hết tham nhũng thì không còn ai làm việc” [44].  Ngoài ra, nhà báo người Mỹ William J. Lederer, trong chuyến điều tra năm 1968, đã nhận xét rằng: Kẻ thù tồi tệ nhất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam chính là nạn tham nhũng, nhưng Hoa Kỳ không thể loại bỏ chúng vì sợ làm tổn hại đến những kẻ chủ mưu tham nhũng Việt Nam. Hàng tỷ USD viện trợ của Mỹ đã bị tham ô rồi bán ra chợ đen. Ông đã chứng kiến những kho hàng lậu đầy ắp vũ khí quân dụng, có tới cả 1.000 khẩu súng trường, bao gồm cả loại M16 hiện đại. Quy mô buôn lậu lên tới hàng tỷ USD, với sự tham gia của đủ thành phần: quan chức Việt Nam Cộng hòa, thương nhân Mỹ và Đài Loan, binh lính Mỹ, Hàn Quốc, Philippines... Ngay cả Mặt trận Dân tộc Giải phóng cũng tận dụng nạn tham nhũng của đối phương để mua vũ khí Mỹ đánh lại chính quân Mỹ. William J. Lederer nhận xét: "Tôi đã thấy Hoa Kỳ sẽ bị đánh bại như thế nào - không phải chỉ bằng sức mạnh của đối phương, mà còn bởi chính những sai lầm của mình, sự bất lực của chính mình" [45].

Nhiều vụ tham nhũng và buôn lậu dưới thời Nguyễn Văn Thiệu, trong đó đình đám nhất là vụ “Còi hụ Long An”. Năm 1974, một đoàn công voa được xe còi hụ hộ tống chỡ hàng lậu từ Mỹ Tho về Saigon bị chận bắt ở Long An.  Cựu Thượng Sĩ Quân Cảnh Dương Văn Hảo, nhân chứng và đồng thời là nạn nhân chính, đã bị toà án Quân Sự Mặt Trận vùng 3, do trung tá Phùng Bá Tú thuộc Nha Quân Pháp, ngồi thế chánh thẩm, kết tội “lũng đoạn kinh tế quốc gia trong thời chiến” để xử tội tử hình khiếm diện. Đến khi ông ra đầu thú, bản án giảm xuống còn chung thân khổ sai lưu đày Côn Đảo. Ông Hảo kể: “Mục đích của ổng (Nguyễn Văn Thiệu) là để đánh lạc hướng dư luận về các vụ buôn lậu khổng lồ gồm toàn các hàng quốc cấm, trong đó có cả cần sa, thuốc phiện và bạch phiến đang do thân nhân, chị em nhà vợ của ông và của tướng Đặng Văn Quang chủ trương và ăn chia. Chúng tôi chỉ là những con dê tế thần đã bị đem ra xử làm gương để che đậy tội ác của những kẻ cầm quyền cao cấp vậy thôi!” [46]. Vụ việc bị đổ bể, người ta biết được kẻ chủ mưu là phu nhân thủ tướng Trần Thiện Khiêm, phu nhân Tướng Đặng Văn Quang (cố vấn tổng thống), một số tướng tá dưới quyền. Các quân nhân có công trong vụ bắt bớ này đều bị giáng chức hay thuyên chuyển [47]. Dưới thời đệ nhị VNCH, bà Mai Anh (vợ Nguyễn Văn Thiệu) lập ra nhiều quỹ, trung tâm bảo trợ xã hội. Sau này, người ta mới biết được rằng, những quỹ, trung tâm đó là những tấm bình phong cho các hoạt động buôn lậu của bà và đàn em [48], nói cách khác đó là những nơi hợp pháp dùng để “rửa tiền” cho những hoạt động phi pháp của những người trong gia đình tổng thống Thiệu.

Nạn tham nhũng tệ hại nhất của quân lực VNCH trong chiến tranh, là sự ăn bẩn trong giới chức sĩ quan đối với tiền bồi thường của Hoa Kỳ cho những thiệt hại về người và tài sản của những nạn nhân chiến tranh. Theo điều tra của ký giả William J. Lederer, số tiền mà Hoa Kỳ bồi thường thiệt hại cho nạn nhân tị nạn chiến tranh vì nhà cửa của họ bị phá hủy bởi bom Mỹ hoặc pháo binh Mỹ, đều rơi vào tay các sĩ quan VNCH [45].

Ông mĩa mai: Khi tôi phỏng vấn khoảng 100 người Việt Nam ở hai khu vực tách biệt rộng rãi của miền Nam Việt Nam, tôi không thể tìm thấy một trường hợp nào, mà một gia đình Việt Nam đã thực sự nhận được tiền. Theo ý kiến ​​chung của họ, đã đi lang thang vào túi của các quan chức Việt Nam. Ngay cả khi một người nào đó vô tình bị thương hoặc bị giết, Hoa Kỳ trả tiền cho nạn nhân hoặc tiền đền bù cho gia đình, nhưng một người phụ nữ Việt Nam nói với tôi: “Ồ, mọi người đều biết, rằng người Mỹ đang đưa tiền cho các quan chức, nhưng nó không bao giờ đến được với mọi người.” và bà ta nói tiếp "Anh trai tôi là một nhân viên quân đội nói rằng, bất cứ khi nào các sĩ quan cần tiền, họ đến Mỹ với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại, nó rất đơn giản - họ viết tên của một thành phố trong đó một quả lựu đạn lớn hoặc một quả bom rơi, và cung cấp một danh sách với tên của những người bị giết hoặc bị thương”. Ông còn cho biết thêm: "Đôi khi người Mỹ gửi một thông dịch viên đến để điều tra vụ án, nhưng thông dịch viên đã nhận tiền hối lộ từ các quan chức Việt Nam, nên đã xác nhận đúng [45]. Thật là tệ hại, khi sự sung túc của một số sĩ quan VNCH có được là nhờ vào việc ăn chận tiền bồi thường thiệt hại của Hoa Kỳ cho các nạn nhân chiến tranh!

Tham nhũng có thể giết chết một chế độ và làm suy kiệt nền kinh tế quốc gia. Tham nhũng thời nào cũng có cho dù ở bất cứ chế độ nào. Nếu muốn diệt trừ tham nhũng thì chúng ta cứ lên tiếng và thẳng thắn tìm mọi cách loại trừ ngay bây giờ, chớ đừng hoài vọng có một chế độ hoàn toàn trong sạch.

4) Độc tài:

Thời VNCH, tuy mang tiếng là có thể chế đa đảng, nhưng chỉ có đảng phái của chính phủ mới có thực quyền, các đảng phái khác chỉ hữu danh vô thực (không có tiếng nói) [46] [47]. Đảng phái của Nguyễn Văn Thiệu là đảng Dân Chủ; đảng của Ngô Đình Diệm là đảng Cần Lao. Cơ sở đảng Cần Lao từ trung ương đến địa phương đều nằm dưới quyền lãnh đạo hoặc cố vấn của các Giám mục, các Linh mục. Đảng Cần Lao độc quyền chống Cộng và độc quyền trị nước nên các đảng quốc gia khác như Việt Nam Quốc Dân đảng, Duy Dân, Đại Việt, Dân Xã, … đều bị đán áp vì việc “chống Cộng” đã có Cần Lao lo rồi [48]. Ai gia nhập các đảng phái của chính quyền mới có nhiều quyền lợi, dễ thăng quan tiến chức và nắm được các chức vụ chủ chốt trong các cơ quan chính quyền, đặc biệt là các cơ quan an ninh và quân đội [49].

Trong Hồi ký của Trung Tướng Trần Văn Đôn Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng QĐVNCH/1963, Tổng Tư Lệnh QĐVNCH kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng/1963-1964, Thượng Nghị Sĩ VNCH/1967, Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng Chính quyền VNCH 1974 – 1975 có viết: Ông Ngô Đình Nhu muốn cho đảng Cần Lao Nhân Vị là đảng duy nhất của quốc gia. Đảng Cần Lao Nhân Vị đang từ là một lý thuyết chống Cộng đã biến thành một phương tiện để được vào hàng ngũ những người nắm chánh quyền. Cần Lao Nhân Vị kiểm soát luôn Quân Đội qua Đại Tá Lê Quang Tung, chỉ huy trưởng Lực Lượng Đặc Biệt dưới quyền trực tiếp của Ngô Đình Nhu. Cán bộ Cần Lao kiểm soát tất cả các tổ chức kinh tế của chính phủ. Cần Lao có một Lữ đoàn quan sát viên và liên lạc viên: Nửa dân sự, nửa quân sự gồm 35.000 đảng viên trực thuộc thẳng Ngô Đình Nhu. Cảnh sát bí mật, thường được gọi là Mật vụ hoạt động song song với các cơ quan tương đương chính quyền, nhưng cán bộ Cần Lao không báo cáo theo hệ thống chính quyền mà báo cáo thẳng với trung ương nên không ai biết người có trách nhiệm [50].

Ông David Dellinger (Luật sư thuộc đảng Cộng hòa, ông còn là bạn của Tổng thống Calvin Coolidge.) đã nhận xét về sự độc tài của ông Diệm: Ngay từ lúc đầu ông Diệm đã có khuynh hướng toàn trị và gia đình trị. “Khuynh hướng toàn trị” của ông Diệm đã đưa đến việc thành lập một đảng chính trị riêng tư, đảng Cần Lao, một đảng duy nhất. Đảng Cần Lao cũng phục vụ như là mật vụ, dập theo khuôn mẫu của Nhật Bản trong Thế chiến II – mà ông Diệm đã nghiên cứu kỹ chi tiết. Như chúng ta đã thấy, đảng này đã giết hại 90.000 người đối lập và cầm tù 800.000 trong đó có nhiều người bị tra tấn (From the very beginning Diem displayed that tendency toward autocracy and family rule … Diem's "tendency toward autocracy" led to the formation of a private political party, the Can Lao, which was the only party. The Can Lao also served as a secret police, modeled after the system the Japanese used in Vietnam during WWII - which Diem had studied in detail. It also produced, as we have seen, the death of 90,000 opponents and the imprisonment of another 800,000, with many of them tortured...) [51].

Ngô Đình Diệm thích thú trong việc đàn áp những đối lập chính trị mà ông ta đã bắt giữ lên tới 40.000 người. Đầu năm 1959, ông Diệm hợp thức hóa sự tàn bạo của mình bằng sự thiết lập những tòa án quân sự để xử những đối lập chính trị và xử tử hình trong vòng ba ngày. Những tòa án này bắt giữ, điều tra, và tuyên án những kẻ phạm tội. Tệ hơn cả, ông ta dẹp bỏ cấp lãnh đạo trong các làng mạc và thay thế họ bằng những người của Diệm. Ông ta đã trở thành một nhà độc tài (He was an enthusiast when it came to repressing his political opponents, of whom he arrested upwards of 40,000, In early 1959, Diem legalized his brutality by creating special military courts to try political opponents and to pass sentences of death in no more than three days. These courts made the arrests, conducted the inquiries, and sentenced the guilty …Worst of all, he destroyed the leadership in the villages and replaced it with his own appointees. He had become a dictator.)[52].

Sự độc tài của ông Diệm được ông Bernard Newman, Sử gia người Anh (tác giả của hơn 100 công trình nghiên cứu và sáng tác) miêu tả: Bất kể hiến pháp viết như thế nào, ông Diệm cai trị như là một nhà độc tài. Triết lý chính trị của ông ta dẫn xuất từ một nhóm Công giáo Pháp, những người đã đặt ra thuyết Nhân Vị, và tới năm 1963 ông ta là một nhà độc tài hoàn toàn, chỉ nghe những thân nhân trong gia đình. (Whatever the constitution might say, Diem ruled as a virtual dictator. His political philosophy was derived from a group of French Catholics, who formulated a doctrine known as Personalism. ... and by 1963 he was the complete dictator, seeking advice only from his immediate relatives.) [53].

Cả hai tổng thống VNCH đều độc tài và tham quyền cố vị, muốn giữ hoài cương vị tổng thống, bất kể luật pháp quốc gia. Tổng thống Ngô Đình Diệm vừa độc tài, vừa áp đặt chế độ gia đình trị, nếu không bị lật đổ thì sẽ làm mọi thủ đoạn để ở lại cương vị suốt đời, như Ferdinand Marcos, tổng thống của Phi Luật Tân [54].  Sự độc tài của Ngô Đình Diệm cũng được ký giả người Úc Denis Warner mô tả: “Trong nhiều năm, cái chế độ bạo ngược chuyên chế mà Tây phương đồng minh với ở Saigon (chế độ Ngô Đình Diệm) thì còn tệ hơn là cái chế độ mà Tây phương đang chiến đấu để chống (chế độ Cộng sản)”. Ông Diệm và gia đình ông ta đã giết hoặc lưu đày tất cả những khả thể đối lập. Ông Diệm đã “mất đi sự tin cậy và trung thành của dân chúng” như Bộ Trưởng McNamara đã nhận định ngày 26 tháng 3, 1964. (The Australian writer Denis Warner wrote that "the tyranny the West allied with in Saigon was in many years worse than the tyranny it was fighting against." Diem and his family had murdered or exiled all potential opposition. Diem had "lost the confidence and loyalty of his people," as Secretary McNamara put it on March 26, 1964.) [55].

Dòng họ Ngô Đình tiến tới sự áp đặt trên miền Nam Việt Nam cái tôn giáo Công giáo ngoại lai của họ, đảng Công giáo bảo thủ từ ngoài Bắc vào và từ vùng quê hương của họ ở miền Trung. Ông Diệm và gia đình bổ nhiệm những sĩ quan chỉ huy đơn vị, những nhân viên hành chánh và cảnh sát bằng những người Công giáo, từ miền Bắc và từ miền Trung, được ông ta tin cậy. Nông dân ở miền đồng bằng sông Cửu Long thấy mình bị cai trị bởi những tỉnh trưởng, hạt trưởng, bởi những viên chức hành chánh ngoại lai và thường là cao ngạo và tham nhũng. (The Ngo Dinhs proceeded to impose on South Vietnam what amounted to their own alien sect of Catholics, Northern Tories, and Central Vietnamese from their home region. Diem and his family filled the officer corps of the army and the civil administration and the police with Catholics, Northerners, and Central Vietnamese they trusted. The peasants of the Mekong delta found themselves being governed by province and district chiefs, and by civil servants on the province and district administrative staffs, who were outsiders and usually haughty and corrupt men.) [56].

Riêng Nguyễn Văn Thiệu thì tìm cách loại trừ các đối thủ chính trị nặng ký như Nguyễn Cao Kỳ, Dương Văn Minh ra khỏi các cuộc tranh cử tổng thống bằng cách này hay cách khác, như áp lực quốc hội sửa đổi hiến pháp để loại bỏ các đối thủ chính trị ra khỏi vòng tranh cử tổng thống năm 1971 [48][57]. Việc này người ta gọi là “độc diễn” vì chỉ một mình Thiệu được phép ra tranh cử cho nên đương nhiên đắc cử, mà lại đắc cử với con số gian lận 94% [58]. Năm 1975, sau 2 nhiệm kỳ, đáng lẽ phải rút lui theo hiến pháp, Thiệu một lần nữa sửa đổi hiến pháp, để bản thân tiếp tục tranh cử thì miền nam thất thủ [57].

Việc này cho thấy, tuy mang tiếng đa đảng, nhưng VNCH thực sự là độc đảng - chỉ có đảng phái của nhà cầm quyền, cho nên không hề có tự do, dân chủ trong sinh hoạt chính trị như các quốc gia khác, mà chỉ có độc tài, độc đoán, tham quyền, cố vị của các tổng thống không thực sự do dân bầu qua các cuộc bầu cử trá hình và gian lận.

Độc tài làm suy yếu sự phát triển một quốc gia vì không phát huy được sự đóng góp tích cực của tất cả người tài trong nước. Nước ngoài thường nói: “Two is better than one” (hai người cộng tác thì sẽ khá hơn một người). Qua sự thất bại của VNCH vì nạn độc tài, các thế hệ hiện tại và tương lai nên tạo nên cơ hội cho mọi người được góp phần vào việc hoạch định đường lối và phát triển quốc gia.

5) Đảo chính:

Để thay đổi chế độ, đảo chính là phương cách hành xử không văn minh, chỉ xảy ra ở các quốc gia dân trí kém, nơi nhà lãnh đạo và người dân không biết tôn trọng pháp luật, tự ý làm những việc sai trái - trái pháp luật, trái đạo đức, để trở thành những nhà lãnh đạo độc tài, tham quyền cố vị (như hai vị tổng thống VNCH), hoặc trở thành những vị tướng đầy tham vọng khi có quyền hành trong tay (các tướng lãnh đảo chính). Đó là bối cảnh của VNCH trước và sau 1963.

Trước 1963, miền Nam có một vị tổng thống do ngoại bang áp đặt. Vị tổng thống này trở thành cao ngạo, độc ác, độc tài, cực kỳ kỳ thị tôn giáo vì muốn biến miền Nam thành một quốc gia Thiên Chúa giáo. Đó là tổng thống Ngô Đình Diệm (NĐD), như Nigel Cawthorne, tác giả tập sử biên niên với tựa đề là Tyrants: History's 100 Most Evil Despots and Dictators (Những Bạo chúa: 100 kẻ Bạo ngược độc ác và Độc tài nhất trong Lịch sử) đã mô tả về NĐD như sau: Ngô Đình Diệm- Tổng thống Nam Việt Nam - Đang sống lưu vong, ông ta trở về làm Thủ tướng trong chính quyền Bảo Đại ở Nam Việt Nam. Năm 1955, ông ta lật đổ Bảo Đại trong một cuộc bầu cử gian lận [59] [1], tuyên bố thành lập nền Cộng hòa và tự phong làm Tổng thống, đàn áp dã man những người bất đồng chính kiến chính trị và thành phần tôn giáo và bổ nhiệm thành viên gia đình vào những vai trò quan trọng, đàn áp tàn bạo thành phần đảo chánh hụt, giết hàng trăm Phật tử trên cơ sở những tín đồ nầy giúp đở cho Cộng sản miền Bắc (Ngo Dinh Diem – President of South Vietnam – From exile he returns as Prime minister in Bao Dais government in South Vietnam. 1955 Ousts Bao Dai in fixed election; declares himself a republic & names himself president. Ruthlessly repressed political dissenters * religious factions, and installed members of his family in important jobs. Responds to failed coup with brutal repression, killing hundreds of Buddhists on the grounds they are aiding the Communist North) [59].

Vị tổng thống này đã bị các tướng lãnh dưới trướng đảo chánh hai lần và bị giết chết trong lần đảo chánh ngày 1-11-1963 [60]. Có một điểm ít người biết hoặc không muốn đề cập đến là Ngô Đình Nhu cũng đã từng có ý định lật đổ ông anh Ngô Đình Diệm để làm tổng thống VNCH: Vào năm 1963, ông Nhu đã lên kế hoạch thực hiện một cuộc phản đảo chánh giả, đặt tên là Bravo 2, dùng Lực lượng Đặc biệt và vài đơn vị trung thành để chống lại cuộc đảo chánh thật (cũng đang trong quá trình hình thành và được ông Nhu ký hiệu là Bravo 1) của các Tướng lãnh để cuối cùng sẽ vừa vô hiệu hóa các Tướng lãnh vừa đưa ông Nhu lên thay thế ông Diệm làm Tổng thống [61].

Nhà văn nhà giáo Doãn Quốc Sỹ, đã nói về cái chết của hai ông Diệm - Nhu như sau: “Bảo là người Mỹ đã giết Diệm. Không! Diệm đã chết trong lòng dân tộc từ lâu. Mỹ chỉ đến lượm xác sống của y.” [62]. Sau đảo chính, đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge đã gọi các tướng lĩnh nổi dậy đến văn phòng của mình để chúc mừng họ và gửi điện tín cho Tổng thống Kennedy để thông báo rằng với sự ra đi của Diệm và Nhu, triển vọng cho một cuộc chiến tranh ngắn hơn của Mỹ ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể (U.S. Ambassador Henry Cabot Lodge called the insurgent generals to his office to congratulate them and cabled Kennedy that the prospects for a shorter war had greatly improved with the demise of Diem and Nhu.)[63].

Sau ngày 1-11-1963, đại úy phi công Huỳnh Minh Đường tiết lộ, ngày 5-10-1963, Phủ Tổng Thống chỉ thị cho cấp trên của ông, trao cho ông một bức mật thư dặn khi nào máy bay cất cánh hãy mở ra đọc. Khi bay lên xong, ông mở ra thì đó là lịnh phải ném bom chiếc tàu HQ 401 (do Hạm trưởng HQ Đại úy Nguyễn Văn Hớn và Hạm phó HQ Trung uý Lê Thành Uyển chỉ huy, chở 216 tù nhân chánh trị, đang trên đường ra Phú Quốc). Thi hành xong sẽ được thưởng MỘT TRIỆU đồng và thăng một cấp. Nhưng khi ông bay hai vòng trên đầu chiến hạm thấy chở toàn tù chính trị, ông biết ngay đó là các anh em Nhảy Dù và các nhà chính trị vừa bị kêu án trong vụ đảo chính hụt 11-11-1960, nên ông quyết định không ném bom. Trở về thì cũng chết nên ông quyết định bay thẳng qua Nam Vang xin tị nạn [64].

Sau cuộc đảo chính 1963, các tướng lãnh tranh quyền, tiếp tục tiến hành đảo chính lẫn nhau trong suốt nhiều năm sau đó [65]. Do Trần Văn Hương không thể thành lập một chính phủ hiệu quả, nên vào ngày 27/01, Hội đồng Quân lực đã lật đổ ông trong một cuộc đảo chính không đổ máu và đưa tướng Nguyễn Khánh lên nắm quyền. Tuy nhiên, Khánh tiếp tục bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính vào ngày 18/02 do Đại tá Không Quân Nguyễn Cao Kỳ cùng Thiếu tướng Lục Quân Nguyễn Văn Thiệu dẫn đầu. Một chính phủ dân sự ngắn ngủi dưới thời Tiến sĩ Phan Huy Quát đã được thành lập, nhưng cũng chỉ tồn tại đến ngày 12/06/1965. Sau đó, Thiệu và Kỳ đã thành lập một chính phủ mới với Thiệu làm Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia và Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương (Thủ tướng). Năm 1967, Thiệu và Kỳ đắc cử trở thành Tổng thống và phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (Huong was unable to put together a viable government and, on January 27, the Armed Forces Council overthrew him in a bloodless coup and installed Gen. Nguyen Khanh in power. Khanh was ousted by yet another coup on February 18, led by Air Commodore Nguyen Cao Ky and Maj. Gen. Nguyen Van Thieu. A short-lived civilian government under Dr. Phan Huy Quat was installed, but it lasted only until June 12, 1965. At that time, Thieu and Ky formed a new government with Thieu as the chief of state and Ky as the prime minister. Thieu and Ky would be elected as president and vice-president in general elections held in 1967) [66]. Người có nhiều mưu mô nhất là Nguyễn Văn Thiệu đã tiếm quyền và trở thành tổng thống thứ nhì của chế độ. Vị tổng thống này cũng đã trở thành nhà độc tài, gian lận bầu cử để giữ mãi ghế lãnh đạo của mình dưới sự bảo hộ của Mỹ. Đó là lý do tại sao VNCH không thể trưởng thành và ổn định chính trị.

Qua bài học bất ổn chính trị và xã hội sau các cuộc đảo chính thời VNCH, các thế hệ hiện tại và tương lai hãy thượng tôn pháp luật mà tránh sử dụng vũ lực để đoạt lấy chính quyền. Chúng ta nên noi gương các quốc gia văn minh trên thế giới: Luôn chọn nguyên thủ quốc gia qua các cuộc phổ thông đầu phiếu hoặc trưng cầu dân ý - không bao giờ đảo chính.  

6) Dân chủ - Nhân quyền:

Trước 1975, qua các triều đại chính phủ VNCH, dân chủ và nhân quyền luôn bị vi phạm [67].

Trong Hồi ký, Bác Sĩ Erich WULFF, người đã chứng kiến biến cố tại đài phát thanh Huế đêm 8/5/1963, tường trình sự kiện này trước Uỷ ban điều tra đàn áp Phật giáo Việt Nam của Liên Hiệp quốc vào tháng 9/1963, nhận định: Sự khước từ công nhận tổ chức chính thức của một tôn giáo quy tụ đa số quần chúng, việc bắt giam toàn bộ thành phần lãnh đạo Phật giáo, việc sử dụng những chất độc hóa học để đàn áp các cuộc biểu tình bất bạo động của thanh niên. Tất cả những biện pháp đàn áp và khủng bố này có thể bị xem là vi phạm các nhân quyền căn bản về tự do tín ngưởng và tôn giáo được ghi trong Hiến chương LHQ [68]. Sau khi chính quyền ông Diệm tấn công chùa chiền đêm 20 tháng 8 năm 1963, các quốc gia đồng minh với Việt Nam đã phản ứng:

- Ngày 28-8, Chủ tịch “Hội nghị Tranh đấu cho Tự do Văn hoá”, Denis Rougemont (Pháp) tuyên bố: “Hội nghị phản đối kịch liệt chánh phủ Việt Nam đã chà đạp những quyền căn bản của người Phật giáo”.

- Ngày 22-8-1963, Thủ tướng Thái Lan, Sarit Thanarat đòi đưa vấn đề Việt Nam ra trước Liên Hiệp Quốc.

- Ngày 27-8: Cao Mên (Kampuchia) đoạn giao với Việt Nam và hợp với Tích Lan đem vấn đề đàn áp Phật giáo của chính quyền Diệm ra trước Liên Hiệp Quốc.

- Ngày 12-9-1963, Ông U Thant - Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, đã họp báo và tuyên bố như một tiên đoán: “Tình hình tại Việt Nam mỗi ngày thêm trầm trọng. Những đức tính cần thiết của dân chủ, ví dụ trách nhiệm thay đổi chánh phủ theo thủ tục hiến pháp không cần bạo động, và điều động công quyền với phương pháp thuyết phục không cần võ lực, đối với Việt Nam hiện nay đều hoàn toàn xa lạ …” [69].

Tức giận vì nhạc phụ là luật sư Trần Văn Chương từ chức Đại sứ VN ở Hoa Kỳ, nhạc mẫu là bà Thân Thị Nam Trân từ chức Quan sát viên VNCH ở Liên Hiệp Quốc để phản đối chế độ ông Diệm, ông Nhu đã trả lời trong cuộc phỏng vấn của Tuần báo L’Expresso tại Ý vào ngày 3/10/1963, nhà báo Gambino tường thuật: He said that if his father-in-law, former Ambassador Chuong, were to “come to Saigon, I will have his head cut off. I will hang him in the center of a square and to let him dangle there. My wife will make the knot on the rope because she is proud of being a Vietnamese and she is a good patriot” (Ông Nhu nói rằng nếu vị Bố vợ của ông ta, cựu Đại sứ Trần Văn Chương, mà “về Sài Gòn, tôi sẽ cho cắt đầu ông ta. Tôi sẽ treo cổ ông ta giữa một quảng trường và để cho xác ông ta treo lủng lẳng ở đó. Vợ tôi sẽ buộc nút giây thòng lọng vì vợ tôi hãnh diện là một người Việt Nam và vì vợ tôi là một người yêu nước tốt lành”) [70]. Khi cha vợ trở thành đối lập chính trị, ông Nhu còn công khai đòi "cắt đầu, treo cổ", thì không lạ gì việc Nhu đã để cho những thủ hạ mật vụ Cần Lao tàn ác như Lê Quang Tung, Dương Văn Hiếu, Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn Hay, Khưu Văn Hai, Trần Bửu Liêm, xem mạng người như cỏ rác, xây những nhà tù biệt giam vô luật pháp như P42, thiết lập danh sách người Mỹ sẽ bị ám sát để hù dọa nạn nhân, ra lệnh cho Đại úy Phi công Huỳnh Minh Đường thả bom đánh chìm chiến hạm HQ 401 đang chở tù nhân quân sự và chính trị trên đường ra Côn Đảo, gài bẫy thành viên Phái đoàn Điều tra Liên Hiệp Quốc cùng gái mại dâm chụp hình làm chantage, và xuống tay thủ tiêu (dao đâm, súng bắn, nhét vào bao bố thả trôi sông, …) những người yêu nước như: Vũ Tam Anh, Tạ Chí Diệp, Hồ Hán Sơn, Ung Bảo Toàn, Trương Tử An, Nguyễn Tấn Quê …. Như thế thì dân chủ ở đâu, tự do ở đâu trong cái gọi là nền Đệ Nhất Cộng hòa - Nhân vị Duy linh? [71].

George C. Herring, Tiến sĩ Sử học tại University of Virginia. Ông là Giáo sư Danh dự về Lịch sử tại đại học University of Kentucky và giáo sư thỉnh giảng tại Trường Võ bị West Point. Là một chuyên gia về lịch sử bang giao quốc tế của Mỹ, ông chủ yếu đặt trọng tâm các nghiên cứu vào chủ đề Việt Nam, nhận xét: “Để làm vui lòng các cố vấn Mỹ, thỉnh thoảng ông Diệm cũng nói trên đầu môi chót lưỡi về dân chủ, nhưng trong thực hành ông ta nắm lấy những quyền lực tuyệt đối. Đích thân ông ngự trị ngành hành pháp của chính phủ, dành cho ông ta và anh em, mà ông ta đã đưa ba người vào nắm ba chức trong nội các có sáu bộ, mọi quyền quyết định (To please his American advisors, Diem occasionally paid lip-service to democracy, but in actual practice he assumed absolute powers. He personally dominated the executive branch of government, reserving to himself and his brothers, three of whom were appointed to a cabinet of six, all power of decision-making.”) [72].

Bàn về dân chủ, ông Trần Bình Nam, cựu Thiếu tá Hải Quân VNCH và là cựu dân biểu VNCH nhiệm kỳ 1971-1975, đưa ra nhận xét: “Cho đến đầu thập niên 1970 Việt Nam chưa bao giờ là một nước dân chủ. Thời gian 1946-1954 với chính phủ Bảo Đại, bên trên là một Ủy viên toàn quyền người Pháp. Chỉ là một chính quyền đô hộ Pháp với cái vỏ quốc gia của cựu hoàng Bảo Đại. Dưới chính thể ông Ngô Đình Diệm, VNCH chỉ là một nước dân chủ trên giấy tờ. Và qua đệ nhị Cộng Hòa với hai nhiệm kỳ của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng vậy. Hiến pháp 1967 dân chủ hơn Hiến Pháp đệ nhất Cộng Hòa nhưng chỉ là hình thức” [67]. Ngoài ra, ông còn tuyên bố: “Miền Nam Việt Nam thiếu truyền thống dân chủ, lãnh tụ bất tài, và các chính trị gia - theo Thiệu hay chống Thiệu - đều thiếu khả năng” [67].

Về tự do ngôn luận cũng bị giới hạn, báo chí bị đục bỏ, tịch thu, thậm chí phải đóng cửa vì dám nói lên sự thật trái ý chính quyền. Báo chí chỉ trích chính phủ bị đóng cửa ngay (Newspapers which criticized the government were promptly shut down ...) [72]. Ông Diệm hăng say đóng cửa những nhà báo không ủng hộ ông ta (... Diem closed newspapers that did not support him with the requisite fervor.) [52]. Nam Việt Nam, thay vì đối đầu với chế độ toàn trị của miền Bắc bằng những bằng chứng về tự do, lại rơi vào một chế độ độc tài bất hiệu lực: Dẹp bỏ báo chí, kiểm duyệt chặt chẽ, lưu đầy bằng lệnh của chính quyền thay vì phải được xét xử ở tòa án. (The South, instead of confronting the totalitarian North with the evidence of freedom, has slipped into an inefficient dictatorship: newspapers suppressed, strict censorship, men exiled by administrative order and not by judgement of the courts.) [73]. Cho tới năm 1963, mật vụ của ông Diệm đã bắt giữ hoặc đẩy vào tay những  kẻ thù hầu như mọi người quốc gia có tên tuổi đã chiến đấu cho tự do của đất nước trong 20 năm trước. Ông ta và gia đình đã đàn áp mọi đối lập, chất đầy nhà tù, bịt miệng báo chí, gian lận bầu cử, và bám vào quyền lực (By 1963 Diem's secret police had picked up or pushed into the arms of his enemies nearly every prominent nationalist who had fought for the freedom of his country during the previous 20 years. He and his familly suppressed all opposition, filled the jails, muzzled the press, rigged the elections, and clung to all power) [74].

Năm 1972 chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã áp dụng Sắc luật 007 cho báo chí, với quy định số tiền phải ký quỹ rất lớn làm nhiều báo không có tiền ký quỹ đành phải đóng cửa. Theo điều luật này, tờ báo nào bị tịch thu lần thứ hai do có bài vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng thì sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Điều này được xem như dùng "bàn tay sắt" đối với giới báo chí. Nhiều tờ báo bị đóng cửa, chủ báo bị phạt, bị tịch thu tiền ký quỹ, một số người còn bị tù. Có khoảng 70% người làm báo bị thất nghiệp. Ngày 8 tháng 9 năm 1974, một cuộc họp liên tịch đã được hội chủ báo tổ chức, với ba đoàn thể ký giả tham dự là: Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, Hội ái hữu ký giả Việt NamNghiệp đoàn ký giả Việt Nam. Cuộc họp đã bầu ra Ủy ban đấu tranh đòi tự do báo chí do ông Nguyễn Văn Binh, dân biểu đối lập, đại diện báo Đại Dân Tộc làm chủ tịch. Nhiệm vụ trước hết của Ủy ban này là chống lại việc thi hành luật 007 [75].

Nếu VNCH chưa thực sự đem lại dân chủ và nhân quyền cho dân chúng miền Nam thì các thế hệ hiện tại và tương lai nên thực hiện điều đó cho cả nước. Cho dù ở bất cứ chế độ nào, dân chủ và nhân quyền của người dân phải được tuyệt đối tôn trọng.

7) Tôn giáo:

Vào thời đệ nhất cộng hòa của chính quyền Ngô Đình Diệm, Phật giáo và các tôn giáo khác bị kỳ thị và đàn áp hết sức trầm trọng. Trong phần mở đầu của Hiến pháp 26/10/1956, đã có một đoạn phản chiếu của một sự thiên vị Thiên Chúa giáo khá rõ rệt như sau: “…dân tộc ta sẵn sàng tiếp nhận các trào lưu tư tưởng tiến bộ để hoàn thành sứ mệnh trước Đấng Tạo Hóa ...” việc đề cập đến sứ mạng trước Đấng Tạo Hóa, có phải là trước Đức Chúa trời trong Thiên Chúa giáo, mà không hề đề cập tới các tôn giáo khác [76]. Thêm vào đó, trong bài diển văn đọc tại Tiểu Vương cung Thánh đường La Vang, Quảng Trị năm 1960, Phêrô Máctino Ngô Đình Thục đã nguyện: “Chúng con hết lòng thành kính hiến dâng Giáo Hội và tổ quốc Việt Nam cho Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội” [77]. Thế nên, những người di cư từ Bắc vào Nam năm 1954, nếu là người Công giáo thì được ưu đãi tối đa, trong khi những người theo đạo Phật bị bỏ rơi không thương tiếc. Thiên chúa giáo Việt Nam phát triển do chính sách kỳ thị Phật Giáo một cách có hệ thống của ông Ngô Đình Diệm. Không giống như những Chùa Phật Giáo, nhà thờ Công giáo được đặc quyền sở hữu tài sản đất đai, cũng như trong thời Pháp thuộc [52].Thế nên, các Phật tử di cư phải khai là Công giáo để nhận được sự giúp đỡ của chính phủ. Sự kiện này đã được Nguyễn Hiến Lê đề cập đến trong hồi ký của mình (trang 121, tập II). Ông kể lại: “Diệm-Nhu theo chính sách ba-Đ: Đảng (Cần Lao), Đạo (Công giáo) và Địa phương (miền Trung). Chỉ công chức nào có đủ ba Đ mới được tin dùng, cho nên con số tín đồ Công giáo tăng vọt lên, nhất là ở miền Trung; có giáo đường làm lễ rửa tội hằng trăm người một lúc.” [78]. Trong tất cả những năm cầm quyền, Ngô Đình Diệm chỉ có một đồng minh ở thôn quê, đó là những người Thiên chúa giáo, đặc biệt nhất là những người di cư từ ngoài Bắc vào [79]. Ngay từ đầu, ông Diệm dùng trong bộ máy hành chánh phần lớn là những người Công giáo, và thiên vị các làng Công giáo đối với phần còn lại của quốc gia. Những giới chức của ông Diệm, làm việc chặt chẽ với các linh mục, đem phần lớn viện trợ Mỹ cho các làng Thiên chúa giáo, và phần lớn những nông sản. Họ cho những người Thiên chúa giáo quyền khai thác lâm sản và độc quyền sản xuất loại hàng hóa nông sản mới do các kỹ thuật gia Mỹ đưa vào giúp. “Theo đạo có gạo mà ăn” là một câu tục ngữ khi xưa của người Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. Dưới thời ông Diệm, người dân Việt đã phải theo cái lệnh này. Đặc biệt ở miền Trung, hàng ngàn người, trong vài trường hợp hầu như toàn thể khu định cư, theo đạo … (... In all the years of his reign Ngo Dinh Diem found only one ally in the countryside, and that was the Catholics, most particularly the northern refugees. From the beginning he staffed his administration heavily with Catholics and favored the Catholic villages over all the rest. The Diemist officials, working closely with the priests, saw to it that the Catholic villages took the bulk of US relief aid, the bulk of agricultural credit.The Diemist officials, working closely with the priests, saw to it that the Catholic villages took the bulk of US relief aid, the bulk of agricultural credit. They gave the Catholics the right to take lumber from the national reserves and monopoly rights over the production of the new cash crops introduced by the American aid technicians. "Turn Catholic and have rice to eat", went the old Vietnamese saying under the French regime. Under Diem the South Vietnamese continued to follow the injunction. In Central Vietnam particularly, thousands of people, in some cases virtually whole settlements, turned Catholics ...") [79].

Dưới chế độ độc tài, gia đình trị và theo chính sách ba - Đ, sẽ không có gì ngạc nhiên khi chính Đức Cha Giải Tội (Father-Confessor) của ông Diệm cho biết, hàng ngàn sĩ quan quân lực VNCH đã cải đạo để theo Thiên Chúa Giáo, bởi vì họ xem đây là cách để tiến thân dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Tiến sĩ Wesley Fishel, Giáo sư Đại học Michigan State University (GS Fisehl là bạn thân của Tổng Thống Ngô Đình Diệm khi sống lưu vong ở Hoa Kỳ các năm đầu 1950s), cũng tiết lộ ông cũng đã biết rằng có 3 Bộ Trưởng đã cải đạo theo Thiên Chúa Giáo, trong đó có ông Thuần (Bộ Trưởng Nguyễn Đình Thuần). Fishel cho biết thêm, một Thiếu Tá mà ông đã quen trước đó kể với Fishel về việc ông cải đạo theo Thiên Chúa Giáo và đã bi hài nói rằng đây là cách để tiến thân trong chế độ Diệm [80].

Vì muốn được làm Hồng Y, vào mùa xuân 1963, chuẩn bị lễ kỷ niệm 25 năm thụ phong Giám mục sắp đến, Ngô Đình Thục đã xin với Vatican lên chức Hồng Y vì “80% dân chúng trong giáo phận Huế là giáo dân Ki tô”. Vatican bèn gửi một phái đoàn điều tra tới miền Trung vào đầu tháng 5/1963. Mặc dù cờ Ki tô giáo nửa vàng, nửa trắng giăng mắc khắp nơi trong thời gian phái đoàn ở Việt Nam, đại biểu Vatican cũng ghi nhận Phật tử đang chuẩn bị cờ ngũ sắc, biểu ngữ và cổng chào mừng đón Phật đản 2507. Bởi thế phái đoàn Vatican kết luận sơ khởi rằng chỉ có 20% dân miền Trung theo đạo Ki tô mà không phải 80% như Thục báo cáo. Ðể che dấu sự thực, Thục ngầm ra lệnh cho viên chức địa phương cấm treo cờ hay tuần hành rước lễ Phật Ðản [81]. Theo Tướng Lê Văn Nghiêm, Ngô Đình Thục từng tuyên bố với những người tín cẩn rằng: “Cần phải hạ Phật giáo bằng mọi phương tiện, nếu không Phật giáo sẽ mạnh hơn Ki tô,” và “ngay cả đời sống giáo dân sẽ bị đe dọa.” [82]. Vì Phật giáo bị cấm treo cờ vào ngày Phật Đản, cấm hội họp, nên đã đưa đến phong trào biểu tình khắp miền Nam. Cao trào của việc phản đối đáp áp Phật Giáo là tử vì đạo qua các cuộc tự thiêu, dẫn đến sự suy vong của nền đệ nhất cộng hòa. Xin xem bài “Hồ Sơ Tối Mật của Bộ Quốc Phòng Mỹ về cuộc đàn áp Phật giáo của Ngô Đình Diệm” trong chú thích 83 và 84 [83][84]. Suốt 2 chế độ VNCH đều do người Thiên Chúa Giáo lãnh đạo (Cả ông Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu đều là người theo đạo Thiên Chúa giáo).  

Tôn giáo là đời sống tinh thần của mọi người. Nếu VNCH (đệ nhất cộng hòa) đã vi phạm trắng trợn tự do tôn giáo của người dân thì các thế hệ hiện tại và tương lai nên tuyệt đối tôn trọng tự do tôn giáo để mang lại hạnh phúc cho toàn dân.

8) Biểu tình:

Biểu tình thường dẫn đến bạo động; nếu có sự đụng độ giữa lực lượng công an/cảnh sát với người tham dự biểu tình. Dưới thời VNCH, biểu tình thường bị chính quyền đàn áp hết sức dã man nên có nhiều thương vong.

Dười chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963, vì bị cấm treo cờ và tuần hành rước lễ Phật Ðản, nên xảy ra xung đột dẫn đến biểu tình. Tối ngày 8/5/1963 (15/4 âm lịch), một biến cố đẫm máu đột ngột xảy ra. Giữa lúc hàng ngàn Phật tử tụ họp trước Ðài phát thanh Huế vào khoảng 8 giờ tối để nghe chương trình phát thanh đặc biệt Phật Ðản, một nhóm thanh niên Ki-tô giật cờ Phật Giáo tại một cổng chào, rồi xông tới đập phá lễ đài. Bạo động bùng nổ! Thiếu tá Ðặng Sỹ, Phó Tỉnh trưởng Nội An, dẫn Cảnh Sát, và lực lượng an ninh (Biệt đội Ngô Ðình Khôi) gồm 8 tuần thám xa [blinder] của Ðịa Phương Quân, 1 đại đội ÐPQ, 1 đại đội trừ Bộ Binh, đến tái lập trật tự. Sau khi đám đông không chịu giải tán, Sỹ cho lệnh dùng lựu đạn cay, vòi rồng phun nước, và rồi nổ súng. Ða số binh sĩ không tuân lệnh, chỉ có đơn vị riêng của Sỹ thẳng tay đàn áp. Xe tuần thám chạy ngang dọc giữa đám đông. Dân chúng hoảng hốt tranh nhau bỏ chạy tứ phía. 9 người chết (kể cả 2 trẻ em bị tuần thám xa cán), và 14 bị thương [85].

Ðây là một hành động có thể bị truy tố về tội ác chiến tranh [war crime] và tội ác chống lại nhân quyền [crime against Human rights] của Sỹ; và các cấp chỉ huy, kể cả Ngô Ðình Diệm, phải liên đới trách nhiệm [85].

Ngày 10/5, khoảng 5,000 - 6,000 Phật tử, tăng ni qui tụ tại chùa Từ Ðàm, biểu tình bất bạo động và Phật tử tiếp tục treo cờ. Ngày 2/6, Phật tử Quảng Trị biểu tình, chính quyền đàn áp bằng lựu đạn cay. Giao thông với Huế bị cắt đứt. Chiều 3/6, tại Huế, khoảng 500 thanh niên tụ họp trước Tòa Ðại Biểu Trung Phần. Quân đội “dàn chào” bằng lưỡi lê và lựu đạn cay. Các nẻo đường dẫn đến chùa bị phong tỏa bằng kẽm gai. Phật tử biểu tình ngồi. Binh sĩ dùng lựu đạn cay giải tán. Trong khi đó, sư Trí Quang đã tuyệt thực nhiều ngày, sức khoẻ suy giảm. Ðại tá Trí ra lệnh giới nghiêm. Khoảng 18g30, quân đội lại tấn công mạnh Phật tử biểu tình tại chợ Bến Ngự. Dùng cả chất hóa học (blister gas), khiến 67 nạn nhân bị nôn mửa, lưu lại vết bỏng trên da [85].

Chỉ trong vòng ba hôm sau ngày đánh úp các chùa, phong trào sinh viên và học sinh đã làm rung động thủ đô Sài Gòn. Ngày 25.08.1963 ba trăm sinh viên học sinh tổ chức biểu tình tại Công trường Diên Hồng phía trước chợ Bến Thành. Cuộc biểu tình này đã được tổ chức một cách tài tình bởi vì trong tình trạng giới nghiêm, khắp nơi tại thủ đô đều có các đơn vị võ trang canh gác, nhất là tại trung tâm Sài Gòn. Cảnh sát bắn cả vào đám biểu tình. Một em nữ sinh tên Quách Thị Trang bị trúng đạn tử thương. Một số sinh viên trốn thoát được. Một số bị thương. Khoảng 200 người bị bắt giữ. Tử thi Quách Thị Trang bị mang đi mất. Ngay chiều hôm đó chính quyền đô thành ra thông cáo rằng các lực lượng an ninh đã được lệnh nổ súng vào bất cứ đám đông nào tụ họp ngoài công lộ mà không xin phép trước [86].

Ngày 07-09-1963, học sinh các trường trung học công lập Gia Long, Trưng Vương và Võ Trường Toản tổ chức mít tinh bãi khóa ngay tại sân trường của họ. Học sinh các trường Trưng Vương và Võ Trường Toản định tổ chức biểu tình diễn hành, nhưng vừa ra khỏi cổng trường họ bị cảnh sát đàn áp và khoảng ba trăm học sinh của hai trường bị bắt giữ. Trường Kỹ Thuật Cao Thắng, trường Mỹ Thuật Gia Ðịnh và các trường trung học Chu Văn An, Hồ Ngọc Cẩn liên tiếp đứng dậy. Trường Chu Văn An là một trưòng nam sinh, nổi tiếng là tranh đấu ác liệt nhất với cảnh sát. Trong ba trường đi tiên phong cho phong trào bãi khóa và tranh đấu của học sinh có tới hai trường nữ trung học: đó là Trưng Vương và Gia Long. Số học sinh các trường trung học tại sài Gòn bị bắt giữ lên tới hai ngàn. Tại các tỉnh, học sinh các trường công lập và tư thục cũng đứng lên tranh đấu tương tự [86].

Năm 1964, sau khi lật đổ Hương, Nguyễn Khánh tuyên bố "tình trạng khẩn cấp" và đưa ra sắc luật 18-64 cấm biểu tình, đình công, hội họp; bóp nghẹt báo chí, hạn chế hoạt động nghiệp đoàn. Để phản đối, ngày 21/9 công nhân các ngành dệt, vận tải, điện nước, xăng dầu, xích lô, tắc xi, xe buýt, cảng... xuống đường tỏ thái độ phản đối Nguyễn Khánh [87].

Khi chính quyền Sài Gòn ra nghị định đổi cơ cấu lãnh đạo của Đại học Y khoa thành Trung tâm Y-Nha -Dược trực thuộc Phủ Thủ tướng Chính phủ VNCH và không còn nằm trong hệ thống Viện Đại học Sài Gòn. Sinh viên Y khoa phản đối chính sách này của chính quyền Sài Gòn. Trong ngày bàn giao Khoa trưởng, sinh viên Y khoa biểu tình ngồi chặn trước cửa văn phòng Khoa trưởng. Tổng Giám đốc cảnh sát Quốc gia là Nguyễn Ngọc Loan đã đích thân dẫn cảnh sát đến để đàn áp sinh viên [88].

Phong trào chống xâm phạm tự trị đại học nổ ra ở Đại học Y khoa rồi lan ra Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học và các trường khác. Việc quân đội chiếm đóng các phòng cao ốc và bao vây Trường Đại học Văn khoa bằng hàng rào thép gai làm đông đảo sinh viên đòi chính phủ phải giải thích trước dư luận quốc tế và quốc nội. Đầu tháng 3-1971, sinh viên Hạ Đình Nguyên bị cảnh sát bắt ngay trong khuôn viên Trường Đại học Văn khoa, đã tạo nên không khí sôi sục trong sinh viên. Giáo sư Khoa trưởng Văn khoa đã lên tiếng chính thức đề nghị cơ quan an ninh trả tự do cho học trò mình. Khẩu hiệu bích chương phản đối chính quyền đã được đưa ra. Phong trào không chỉ mở rộng tổ chức xuống cơ sở các trường đại học ở Sài Gòn mà mở rộng đến Huế, Cần Thơ, Đà Lạt… tạo thành một lực lượng chống lại mọi sự đàn áp, bắt bớ của chính quyền Sài Gòn [88].

Ngày 10 tháng 10 năm 1974, cuộc biểu tình của các nghiệp đoàn ký giả ở Sài Gòn diễn ra với tên gọi “Ký giả ăn mày”. Nón lá, bị, gậy (các vật dụng của ăn mày) được chuẩn bị sẵn, các khẩu hiệu làm sẵn đeo trên ngực, kẻ trên nón lá dòng chữ "10-10-1974, ngày ký giả đi ăn mày". Trước quảng trường bao quanh Câu lạc bộ báo chí, cảnh sát tổ chức một hàng rào mạnh chặn ngang đường Lê Lợi, nhằm ngăn cản đoàn biểu tình. Đi đầu đoàn biểu tình là Ban tổ chức với biểu ngữ: "10-10-1974, ngày báo chí đi ăn mày". Cùng với đoàn ký giả đi ăn mày còn có các khẩu hiệu khác: "Yêu cầu Tổng thống Thiệu từ chức". "Tự do ngôn luận, tự do báo chí", "Đả đảo Luật 007", "Luật 007 làm báo chí phải đi ăn mày", v.v... Nhiều người bị đánh đập bằng dùi cui, trong đó nặng nhất là dân biểu bác sĩ Đinh Xuân Dũng [75].

Biểu tình là cách thể hiện ý kiến của người dân. Nếu VNCH đã phạm sai lầm là đàn áp biểu tình vô cùng quyết liệt thì các thế hệ hiện tại và tương lai nên có những quy định về quyền tự do hội họp và quyền biểu tình. Hãy lắng nghe nguyện vọng của người dân một cách thành khẩn.

9) Quân dịch:

Chế độ quân dịch thời VNCH vô cùng bất công – người nghèo và người không có cơ hội ăn học phải đi ra trận tuyến, trong khi người giàu và người có điều kiện ăn học thì có cơ hội miễn dịch và sống an toàn ở hậu phương. Để hợp pháp hóa chính sách quân sự học đưòng là biến các trường đại học trở thành nơi cung cấp binh lính cho quân đội, Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã ban hành các Sắc lệnh động viên và “Tổng động viên”, trong đó: Học sinh đến 19 tuổi không đậu đại học sẽ bị sung lính, những sinh viên nào không lên lớp được cũng bị gọi nhập ngũ. Sinh viên và học sinh đang đi học bị buộc phải tham gia vào các tổ chức quân đội của chính quyền Sài Gòn và được sử dụng như một lực lượng quân đội dự bị phục vụ cho cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam. Sinh viên tham gia đấu tranh chống chính phủ bị bắt sẽ gọi vào quân đội mà không cần lý do [88]. Sắc lệnh động viên và Tổng động viên thời VNCH đã phát sinh nhiều bất công, nhũng nhiểu, tạo cơ hội tham nhũng cho các sĩ quan, công chức. Nhiều gia đình giàu có làm khai sinh giả giảm tuổi cho con trai đến tuổi quân dịch, để trốn lính. Người đi lính thì có thể đút lót để làm lính ma, lính kiểng, làm quân cảnh, cảnh sát, các phòng tham mưu, các văn phòng để được an toàn ở hậu phương.  Cực đoan hơn, họ có thể hủy hoại một phần thân thể như chặt ngón trỏ bóp cò, hay tự làm cho mình bị thương tật để không phải đi quân dịch ... Ngoài ra, nạn “con ông cháu cha” cũng tràn lan khắp nơi trong quân đội.  Trong khi một số thanh niên ra chiến trường chiến đấu thì những người trốn lính, lính kiểng, lính ma, con ông cháu cha lại nhởn nhơ ăn chơi ở thành phố. Đây là vấn đề khiến nhiều quân nhân (trong đó có tôi) rất bất mãn suốt thời gian trong quân ngũ. Đó cũng là lý do khiến tinh thần chiến đấu của các binh sĩ VNCH xuống thấp vì sự bất công này.

Nói về tinh thần chiến đấu của binh sĩ VNCH, ký giả Alan Dawson nhận xét: Đội quân này trang bị vũ khí tốt hơn bất kỳ nước châu Á nào khác, có nhiều máy bay chiến đấu, có nhiều đạn dược, xăng dầu, quân cụ, xe cộ và lương thực hơn hầu hết các quân đội trên thế giới. Nó chỉ thiếu mỗi một điều thôi. Một người Mỹ nói với một binh sĩ Sài Gòn rằng: “Chúng tôi đã cho anh mọi thứ anh cần, trừ sự dũng cảm. Chỉ tại anh không có thứ ấy” [89]. Ngày 12/11/1968, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Clark Clifford công khai cảnh cáo Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rằng: "...Chỉ cần Quân lực Việt Nam Cộng hòa có được nửa lá gan của người cộng sản, thì ngày hôm nay quân đội Hoa Kỳ có thể duyệt binh ở Hà Nội rồi, Quân đội của các ông chỉ biết bắn giết dân thường, bám theo sau và rút chạy trước, tướng lĩnh thì tham nhũng và giỏi nhảy đầm." [90]. Theo thiển ý, những lời nhận xét của người Mỹ và thế giới về quân đội VNCH chưa hoàn toàn đúng, vì vẫn còn một thiểu số trong các đơn vị thiện chiến như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến có tinh thần chiến đấu rất cao, không thua kém người anh em bên kia chiến tuyến.

Sự bất công trong chế độ quân dịch của VNCH đã làm suy giảm nghiêm trọng tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Các thế hệ hiện tại và tương lai nên tránh sự bất công này bằng cách áp dụng chế độ quân dịch đồng đều lên mọi công dân, không phân biệt quan, dân, sang, hèn. Có như vậy mới huy động được hết tiềm năng chiến đấu của quân, dân trong nước.

10) Giáo dục:

Trước năm 1954, Pháp đô hộ VN nên áp đặt cả nền giáo dục, giáo dục đại học chủ yếu nằm trong tay người Pháp và dùng ngôn ngữ là tiếng Pháp. Sau 1954, người Pháp chuyển quản tự trị đại học cho chính quyền Sài Gòn, do vậy yêu cầu phải chuyển từ tiếng Pháp sang tiếng Việt được đặt ra. Tuy nhiên, trên thực tế việc chuyển ngữ gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng của văn hóa, giáo dục Pháp quá nặng. Năm 1954, tiếng Việt được dùng đầu tiên ở đệ thất-trung học và đến năm 1956 chương trình học bằng tiếng Việt được áp dụng tại Trường Đại học Luật khoa và Viện Đại học Huế năm 1957 [88]. Đến năm 1961, việc chuyển ngữ ở bậc đại học chỉ được Bộ Giáo dục chính quyền Sài Gòn khuyến cáo chứ chưa có chính sách phải thực hiện triệt để “chúng tôi chưa thể thực hiện việc chuyển ngữ bằng tiếng Việt trong niên khóa 1961-1962 mà phải mất thời gian nữa… việc chuyển ngữ là vấn đề quan trọng, chúng tôi chưa thể áp dụng trước khi có một sự thống nhất danh từ khoa học” [91] . Bên cạnh đó, có nhiều cuộc biểu tình của sinh viên học sinh phản đối nền giáo dục theo Pháp. Cuối năm 1966 đầu năm 1967, phong trào đòi dạy tiếng Việt ở bậc đại học bùng nổ. Ở Đại học Y khoa, 500 sinh viên tổ chức hội thảo chủ trương phản đối dạy bằng tiếng ngoại quốc, nêu khẩu hiệu “Dân tộc Việt học tiếng Việt”. Phong trào này được sinh viên Đại học Sư phạm và Đại học Khoa học hưởng ứng, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, biểu tình. Phong trào nhanh chóng lan rộng sang nhiều trường đại học và cả trường phổ thông trong thành phố và các trường ở các đô thị khác ở miền Nam và được sự ủng hộ của nhiều nhân sĩ, trí thức. Các lực lượng trên đã tập hợp lại thành một mặt trận chống lại nền giáo dục thực dân mới ở đại học. Đầu năm 1967, tại Trường Đại học Sư phạm, ủy ban thanh niên, học sinh, sinh viên đòi chuyển ngữ Việt ở đại học được thành lập do Hồ Hữu Nhựt làm Chủ tịch. Thông qua tờ báo“Chuyển ngữ”, phong trào ngày càng thu hút được sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trí thức Sài Gòn. Tại Trường Đại học Khoa học, giáo sư Lê Văn Thới đã cùng nhiều cán bộ giảng dạy khác soạn thảo cuốn “Từ điển Danh từ Khoa học”, làm cơ sở cho việc giảng dạy bằng tiếng Việt ở đại học [88].

Bàn về giáo dục, tôi không so sánh hai nền giáo dục trước và sau 1975, mà chỉ kể lại tình trạng của tôi về nền giáo dục thời tôi đi học (thập niên 1960). Thời đó, học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 được miễn phí, nhưng từ lớp 6 trở lên thì có vấn đề. Chính vì vấn đề này mà có nhiều học sinh phải bỏ học vì gia đình nghèo, do không có tiền đóng học phí để học trường tư (nếu thi rớt vào trường công lập). Những gia đình khá giả cũng phải chịu gánh nặng của học phí trường tư, nếu muốn con mình được tiếp tục học từ lớp 6 cho hết lớp 12. Có thể nói 90% học sinh lớp 5 bị đánh rớt. Chỉ có khoảng 10% trúng tuyển được vào trường công lập nên khỏi đóng học phí. VNCH đã không làm tròn trách nhiệm trong việc nâng cao giáo dục người miền Nam lúc đó. Tại sao chỉ có 10% học sinh lớp 5 được ưu đãi để tiếp tục việc học của mình, trong khi 90% còn lại bị chế độ “đánh rớt” phải về quê chăn vịt, nếu không có tiền đóng học phí, để được vào học trong các trường tư thục? Tôi và năm người bạn trong xóm cùng thi rớt vào lớp 6 trường công; ba trong số đó phải bỏ học giữa chừng - khoảng lớp 8 - vì nhà nghèo không thể tiếp tục việc học, hai đứa còn lại học hết lớp 10; chỉ một đứa có đủ điều kiện học hết lớp 12. Việc này cho thấy đây là một khuyết điểm lớn của nền giáo dục VNCH vì đã loại bỏ nhiều nhân tài cho đất nước. Có những người lúc nhỏ học kém nhưng khi lớn lên lại học rất giỏi! Các nước tiên tiến trên thế giới không có kỳ thi vô lý này. Nếu ngày nay vẫn còn kỳ thi lớp 5 lên lớp 6, hay bất cứ kỳ thi nào làm cản trở bước tiến của học sinh thì bộ Giáo dục nên hủy bỏ.

Tệ nạn thứ hai của nền giáo dục VNCH là tính đố kỵ với học sinh nhảy lớp. Khi lớn lên, vì học trễ nên sắp bị động viên nhập ngũ, tôi bèn học nhảy, bỏ lớp đệ tam (lớp 10) học lên đệ nhị (lớp 11). Cuối năm, đơn xin thi tú tài 1 của tôi bị bác vì lý do học nhảy. Người bác đơn tôi là ông Võ Vĩnh Khiêm, hiệu trưởng trường trung học Thoại Ngọc Hầu Long Xuyên vào năm 1969. Không hiểu sao một hiệu trưởng của một trường trung học trong tỉnh lại có thẩm quyền bác đơn dự thi tú tài của thí sinh? Tại sao không cho học sinh đi thi nếu như họ có đủ khả năng? Làm như vậy, chế độ đã giết chết những mầm non có thể đóng góp cho sự phát triển của đất nước về sau. Các nước tiên tiến luôn khuyến khích học sinh học nhảy để phát huy hết khả năng học sinh của họ. Hiệu trưởng Võ Vĩnh Khiêm đã để lại trong tâm khảm tôi một vết thương không bao giờ lành. Nói tóm lại, việc học của tôi suốt đời bị khốn đốn vì nền giáo dục thiếu quán triệt của VNCH.

Để tránh những khuyết điểm tương tự của nền giáo dục của VNCH, các thế hệ hiện tại và tương lai nên cải tổ giáo dục làm sao để đào tạo thật nhiều nhân tài cho đất nước. 

Tóm lại, qua sự phân tích 10 điều căn bản kể trên, ngày nay, tuy có bức xúc với chế độ hiện nay trong một số trường hợp tham nhũng, bè phái …, nhiều người vẫn không muốn trở lại thời VNCH. Đó cũng là lý do tại sao một số người, khi bị trục xuất ra khỏi Việt Nam vì bất đồng chính kiến với chính quyền trong nước, lại không chịu đứng dưới lá cờ VNCH khi đến Hoa Kỳ [92] [93] [94] [95]. Nói cách khác, dù không thích chế độ hiện tại nhưng không có nghĩa là đặt niềm tin vào chế độ VNCH. Như lời bộc bạch của một tài xế taxi: “Mấy ổng làm được lắm, chưa chắc VNCH mình làm được như vậy, tôi rất hài lòng với cuộc sống hiện nay”. Đó là những gì tôi được nghe trong chuyến về thăm quê hương năm 2015, từ chính miệng một cựu quân nhân sư đoàn 21 Bộ binh VNCH, khi được hỏi: “Anh nghĩ sao về chế độ XHCN hiện nay?

Theo thiển ý, thay vì ước mơ hay tranh đấu để trở lại thời VNCH đầy bất công và bất trắc, chúng ta có thể hướng tới một thời nào đó khá hơn nếu chúng ta không vừa ý với thời hiện tại. Thời nào đó khá hơn có thể là kết quả của sự khắc phục những tiêu cực của thời hiện tại bằng cách góp ý với chính quyền và người dân trong nước (một cách bất bạo động), hoặc cùng sáng tạo một mô hình ý thức hệ nào đó có thể phát triển đất nước hữu hiệu hơn?

Trần Văn Xẻn

_________________

Notes:

1. http://vietsciences.free.fr/.... Joseph Buttinger, Vietnam: A Political History. New York: Frederick A. Praeger, 1968.

2. http://sachhiem.net/LICHSU/TR/TranVanXen.php

3. https://youtu.be/X_Qn0pPZ6TU

4. GIÁO HỘI TRONG CƠN BÃO BÙNG - Linh mục Trần Tam Tĩnh

5. Bùi Kha,  Ngô Đình Diệm - Bảy nguyên nhân Thất bại. 1963 – 2013: Năm Mươi Năm Nhìn Lại, tập hai, chương tám, trang 441, 442, 443. Nhà Xuất bản Thiện Tri Thức Publications P.O. Box 4805 Garden Grove, CA.92842-4805 – USA

6. Jacques Dalloz, The War in Indochina 1945-1954

7. 112. Telegram From the Consulate at Hue to the Department of State

8. United States-Vietnam Relations, 1945-1967, Book 3, page 5; Hilsman, To Move a Nation, tr. 468; Mecklin, Mission in Torment, page 153.

9. Điện văn A-20 từ Huế, ngày 3 tháng 6-1963; Bộ Ngoại Giao, Central Files, SOC 14-1 S VIET.

10. Chiến dịch tổng tấn công các chùa đêm 20-8-1963 và các hệ quả (THE PAGODA RAIDS AND REPERCUSSIONS). Hồ Sơ Mật Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ về Cuộc Chiến VN Giải Mật Ngày 13-6-2011

11. https://vn.sputniknews.com/... Vì sao Mỹ thua trận trong chiến tranh Việt Nam?

12. Trần Bình Nam, Nhìn Lại Kinh Nghiệm Đối Lập Thời VNCH, BBC News, https://www.bbc.com/...

13. Bernard B. Fall, https://vi.wikipedia.org/wiki/... Phạm Văn Phú

14. https://baomoi.com... Vật vã lính Mỹ ngày đầu tham chiến ở Việt Nam

15. Lunch, W. & Sperlich, P. (1979).The Western Political Quarterly. 32(1). pp. 21–44 (https://vi.wikipedia.org/wiki/ Phong_trào_phản_chiến_trong_Chiến_tranh_Việt_Nam)

16. http://vietnamnet.vn/vn... Nhìn lại cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam ở Mỹ

17. Hoành Linh Đỗ Mậu, Việt Nam máu lửa quê hương tôi. Chương XVIII: Ba năm xáo trộn

18.  Đặng Văn Nhâm, Bí Mật Hậu Trường Chính trị Miền Nam 1954-1975. Quyển 3 (2001)

19.  Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng minh tháo chạy, P4 - Chương 15: Vào để giúp… Ra lại bắn nhau?

20. Mật điện của Đại sứ Martin ngày 26 tháng 4, 1975: N.T. Hưng and J. Schecter, The Palace File, trang 341.

21. Ron Nessen, It sure looks different from the inside, trang 98. (Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng minh tháo chạy. P3 - Chương 13. "Sao chúng không chết phứt cho rồi!")

22. Guenter Lewy, America in Vietnam, trang 441.

23. Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng minh tháo chạy. P5 - Chương 19 - Tại sao sụp đổ

24. Đỗ Mậu, Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, NXB Hương Quê (ở Mỹ) - 1986 và NXB Văn Nghệ (ở Mỹ), tái bản năm 1993.

25. Mitchell K.Hall, The Vietnam War, Pearson Education, 2007, p. 3.

26. Michael Bibby, The Vietnam War and Postmodernity, Univ of Massachusetts Press, 2000, p. 202.

27. James Stuart Olson, Historical Dictionary of the 1970s, Published 1999, Greenwood Press, p. 350

28. Frances FitzGerald, Fire in the Lake - The Vietnamese and the Americans in Vietnam, Vintage Books, 1972, p.549.

29. Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng minh tháo chạy, Phần I - Chương 1: Làm sao thoát khỏi vũng lầy.

30. https://www.bbc.com/vietnamese/forum/2014/08/140810_nguyentienhung_nixon_2

31. http://documents.worldbank.org/curated/en/187411468161372611/pdf/multi0page.pdf

32. Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng Minh Tháo Chạy, phần II, chương 5: Thân phận tiểu quốc.

33. Andrew A. Wiest, The Vietnam War, 1956-1975, 2002, Osprey Publishing, tr. 80

34. Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng Minh Tháo Chạy, phần 3, chương 8: Bải cát sa lầy.

35. https://www.bbc.com/ ...Từ Watergate đến sụp đổ Sài Gòn

36. DAVID E. SANGER 11 tháng 3, 1997. Hanoi Agrees to Pay Saigon's Debts to U.S. https://www.nytimes.com/... Hanoi Agrees to Pay Saigon's Debts to U.S.

37. Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng Minh Tháo Chạy, phần 3, chương 8: Cái nhục của kẻ đi cầu xin.

38. Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng minh tháo chạy, P3 - Chương 9: Nhát gươm đao phủ. P. 174.

39. Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng minh tháo chạy, P3 - Chương 12: Hãy giúp chúng tôi. P. 227.

40. Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng Minh Tháo Chạy, phần I, chương 1: Vắt chanh bỏ vỏ.

41. http://sachhiem.net/HOANHLINH/VNML13.php

42. Phạm Trọng Luật, Chế độ Ngô Đình Diệm và vấn đề buôn bán nha phiến. 1963 – 2013 NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI, tập một, chương hai, trang 204. Nhà Xuất bản Thiện Tri Thức Publications P.O. Box 4805 Garden Grove, CA.92842-4805 – USA

43. http://www.daichung.com/77/05_quan_y.shtm

44. https://vietbao.com/... Hậu Quả Bài Trừ Tham Nhũng Nhớ Ông Già Gân Nam Kỳ Trần Văn Hương

45. http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-45949919.html

46. https://groups.google.com/forum/... ĐẶNG VĂN NHÂM -TRỰC TIẾP VỚI THƯỢNG SĨ Q.C. DƯƠNG VĂN HẢO, NHÂN CHỨNG ĐỒNG THỜI LÀ NẠN NHÂN CHÍNH TRONG VỤ BUÔN LẬU “ CÒI HỤ LONG AN”

47. http://www.ivietnamese.com/forums/showthread.php?t=357433

48. https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Văn_Thiệu/ Mục: Trở thành Tổng thống

46. http://sachhiem.net/LICHSU/TR/TQD04.php

47. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/.. Việt Nam Cộng Hòa – Đảng Chính Trị

48. Nguyễn Hy Thần, Danh từ “Công giáo”: Chữ và nghĩa. 1963 – 2013 NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI, tập một, chương hai, trang 154. Nhà Xuất bản Thiện Tri Thức Publications P.O. Box 4805 Garden Grove, CA.92842-4805 – USA

49. https://vi.m.wikipedia.org/... Đảng Cần lao Nhân vị

50. Trần Văn Đôn, Đảng Cần Lao và các Tổ chức ngoại vi. 1963 – 2013 NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI, tập một, chương hai, trang 174. Nhà Xuất bản Thiện Tri Thức Publications P.O. Box 4805 Garden Grove, CA.92842-4805 – USA

51. David Dellinger, "Vietnam Revisited", trang 35.

52. Loren Baritz, Ballantine Books "Backfire: Vietnam - The Myths That Made Us Fight, the Illusions That Help Us Lose, The Legacy That Haunts Us Today". New York 1985, trang 83-85.

53. Bernard Newman "Background to Vietnam". Signet Books, New York 1965, trang 117.

54. https://www.biography.com/people/ferdinand-marcos-9398625

55. Robert McAfee Brown, Abraham J. Heschel & Michael Novak, "Vietnam: Crisis of Conscience" . Associated Press, New York 1967, trang 30.

56. "A Bright Shining Lie" của Neil Sheehan, Vintage Books, New York 1989, trang 143.

57. https://bienxua.wordpress.com/... Một góc khác của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu

58. Frances FitzGerald, p. 528

59. Nigel Cawthorne, Tên “Ngô Đình Diệm” trong danh sách 100 kẻ bạo ngược độc ác và độc tài nhất trong lịch sử nhân loại. 1963 – 2013 NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI, tập ba, chương tám, trang 520. Nhà Xuất bản Thiện Tri Thức Publications P.O. Box 4805 Garden Grove, CA.92842-4805 – USA

60. https://vi.wikipedia.org/wiki/... Đảo chính Việt Nam Cộng hòa 1963

61. https://thuvienhoasen.org/... NGÔ ĐÌNH NHU MUỐN THAY THẾ ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM

62. Người Việt Đáng Yêu, (Lời Mở Đầu) Nhà xuất bản Sáng Tạo, Sài Gòn, 1965. Đăng lại trên Tạp chí Việt Nam Hải Ngoại số 8 ngày 15-9-1977, San Diego, Hoa Kỳ.

63. https://www.history.com/this-day-in-history/diem-murdered-during-coup

64. Võ Văn Sáu, Một điển hình tàn ác của nhà Ngô. 1963 – 2013 NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI, tập một, chương hai, trang 297. Nhà Xuất bản Thiện Tri Thức Publications P.O. Box 4805 Garden Grove, CA.92842-4805 – USA

65. https://vi.wikipedia.org/wiki/... Cuộc chỉnh lý tại Việt Nam Cộng hòa 1964

66. https://www.history.com/... 1965 Demonstrations erupt in Saigon and Hue

67. Trần Bình Nam, Nhìn Lại Kinh Nghiệm Đối Lập Thời VNCH, BBC News, https://www.bbc.com/vietnamese/forum/2012/06/120614_opposition_rvn_comment

68. Erich Wulff, Tường trình tại Liên Hiệp Quốc (9/1963). 1963 – 2013 NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI, tập ba, chương sáu, trang 200. Nhà Xuất bản Thiện Tri Thức Publications P.O. Box 4805 Garden Grove, CA.92842-4805 – USA

69. Lý Nguyên Diệu, Quy luật của tháng tám định mệnh. 1963 – 2013 NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI, tập ba, chương tám, trang 550, 551, 552. Nhà Xuất bản Thiện Tri Thức Publications P.O. Box 4805 Garden Grove, CA.92842-4805 – USA

70. FRUS (Foreign Relations of the United States) của Bộ Ngoại Giao Mỹ, 1961-1963, Tập IV, dưới đề mục 186, tiểu mục 652.2.b, trang 386.

71. Nguyễn Kha, “Vua Lê” Ngô Đình Diệm  và “Chúa Trịnh” Ngô Đình Nhu. Hồ sơ mật 1963 từ các nguồn tài liệu của chính phủ Mỹ, trang 234.

72. George C. Herring, John Wiley & Sons, "America's Longest War", New York 1979, trang 62-65. Ông George C. Herring là Tiến sĩ Sử học tại University of Virginia. Ông là Giáo sư Danh dự về Lịch sử tại đại học University of Kentucky và giáo sư thỉnh giảng tại Trường Võ bị West Point. Là một chuyên gia về lịch sử bang giao quốc tế của Mỹ, ông chủ yếu đặt trọng tâm các nghiên cứu vào chủ đế Việt Nam. Ông được giải thưởng Robert Ferrell 2008 của “Hội các nhà Sử học về Bang giao Quốc tế của Hoa Kỳ” (SHAFR).

73. John Cooney, "The American Pope", A Dell Book, New York 1984, trang 309-312. Ông John Cooney là một Phóng viên báo Wall Street Journal, cũng là một trong 4 người đã từng trách nhiệm viết Tự truyện cho Hồng y Mỹ Francis Spellman, vị giáo chức Công giáo La Mã đở đầu cho ông Ngô Đình Diệm thâm nhập vào chính giới Mỹ và sau đó là Tổng Tuyên úy của Quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam.

74. Dennis Bloodworth; Farrar, Straus & Giroux, "An Eye For The Dragon". New York 1970, trang 209. Ông Dennis Bloodworth là Thông tín viên Viễn Đông của tạp chí Anh The Observer, ông là một chuyên gia về châu Á trong nhiều thập kỷ (1930-1970). Từ 1954 đến 1973, ông đặc biệt theo dõi tình hình Đông Dương, và cho ra đời tác phẩm An Eye for the Dragon: South-East Asia.

75. https://vi.wikipedia.org/... Ký giả đi ăn mày

76. Nguyễn Kha, Chế độ NĐD, chế độ Ngược lòng dân và Phản thời đại. 1963 – 2013 NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI, tập ba, chương tám, trang 417. Nhà Xuất bản Thiện Tri Thức Publications P.O. Box 4805 Garden Grove, CA.92842-4805 – USA

77. Nguyễn Kha, Chế độ NĐD, chế độ Ngược lòng dân và Phản thời đại. 1963 – 2013 NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI, tập ba, chương tám, trang 436. Nhà Xuất bản Thiện Tri Thức Publications P.O. Box 4805 Garden Grove, CA.92842-4805 – USA

78. Trần Lâm, Kiêu dân Công giáo thời Ngô Đình Diệm. 1963 – 2013 NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI, tập một, chương hai, trang 139. Nhà Xuất bản Thiện Tri Thức Publications P.O. Box 4805 Garden Grove, CA.92842-4805 – USA

79. Frances Fitzgerald, Vintage Books, "Fire In The Lake", New York 1985, trang 134-139. Bà Frances FitzGerald là nhà báo (The New Yorker, Foreign Policy, …), nhà nghiên cứu, khôi nguyên hai giải thưởng báo chí Pulitzer và U.S. National Book Award in Contemporary Affairs. Bà từng là Phó Chủ tịch của tổ chức Văn bút Quốc tế PEN International.

80. Hồ sơ mật 1963 từ các nguồn tài liệu của chính phủ Mỹ, trang 128.

81. Chính Ðạo, Tôn Giáo & Chính Trị: Phật Giáo, 1963-1967 (Houston: Văn Hóa, 1994).

82. Archives du Ministère des Affaires Etrangères [AMAE] (Paris), Cambodge-Laos-Vietnam [CLV], Sud Vietnam [SV], 17:7073

83. http://sachhiem.net/SACHNGOAI/snT/TranVanXen.php.

84. http://xenvantran.wordpress.com/

85. Chính Đạo, MÙA PHẬT ÐẢN ÐẪM MÁU. 1963 – 2013 Năm mươi năm nhìn lại, Tập III, Chương Sáu, Kim cương bất hoại - Hoa sen trong biển lửa, trang 34-36-41-42.

86. Nguyễn Lang, Sinh viên và học sinh đứng dậy. 1963 – 2013 Năm mươi năm nhìn lại, Tập III, Chương Sáu, Kim cương bất hoại - Hoa sen trong biển lửa, trang 138-139.

87. http://tphcm.chinhphu.vn/.. Sài Gòn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc

88. https://nghiencuulichsu.com/2016.. Một số phong trào đấu tranh của sinh viên Miền Nam Việt Nam (1954-1975)

89. Alan Dawson, 55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ - Cao Minh trích dịch. Nhà xuất bản Sự thật 1990. Chương 2: Mở màn

90. https://vi.wikipedia.org/wiki/... Quân lực Việt Nam Cộng hòa

91. Công báo Việt Nam Cộng hòa, trích Nghị định số 922 GD/NĐ tổ chức kỳ thi phổ thông, tiếng Việt ở bậc sơ đẳng và trung đẳng tại vùng Cao nguyên miền Nam và ấn định thành phần giám khảo những kỳ thi này, số 52 ra ngày 10-11-1956, Bản lưu tại Thư viện Viện Sử học, tr.2803.

92. http://www.danchimviet.info/... Nguyễn Văn Hải- Điếu Cày: Mười năm nhìn lại một chặng đường/

93. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/witne-tlk-ab-svn-flag-dcay-10292014135647. html

94. http://khoahoc-kythuat.blogspot.com/2014/10/... RE: VẤN ĐỀ ĐIẾU CÀY TỪ CHỐI CẦM CỜ VNCH

95. https://baovecovang2012.wordpress.com/2014/11/10/.. Điếu Cày Nguyễn Văn Hải KHÔNG BAO GIỜ ĐỨNG DƯỚI LÁ CỜ VÀNG! (Hàn Giang Trần Lệ Tuyền)

Trần Văn Xẻn

Trang Thời Sự