Nhật Ký Biển Đông: Truyền Thông và Bạo Lực

Nhật Ký Biển Đông: Truyền Thông và Bạo Lực

Đào Văn Bình

http://sachhiem.net/DAOVB/CT/DaovBinh120.php

23-Oct-2018

Trên thế giới có hai quốc gia mà không ai dám đụng tới sợi lông chân, đó là Ả Rập Sê-út và Do Thái. Ai đụng tới Do Thái, Mỹ đánh chết liền. Ai đụng tới Ả Rập Sê-út, đô-la và dầu hỏa đè chết liền. ...
... Để rồi chúng ta xem lý tưởng nhân quyền thắng hay đô-la thắng. Nếu đô-la thắng thì mọi tuyên bố ồn ào về nhân quyền chỉ là đạo đức giả. Nếu Hoa Kỳ và Âu Châu đồng loạt ban hành lệnh cấm vận Ả Rập Sê-út thì đó mới thật sự Tây Phương sống chết với lý tưởng nhân quyền.

(ĐVB)

Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Mười ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:

A. Tình hình Hoa Kỳ:

- Yahoo News ngày 2/10/2018: “Một bà mẹ 34 tuổi bị bắt giam vì đã để đứa con 10 tuổi xâm trổ vào thân hình bởi một nhà xâm trổ dưới 18 tuổi vì bà mẹ quá mệt mỏi với việc thằng bé cứ nằng nặc đòi bôi mực. Một đài truyền hình địa phương cho biết bà mẹ bị kết tội tiểu hình vì đã đặt trẻ nhỏ vào tình trạng hiểm nguy và thiếu vệ sinh.”

Ở Mỹ sao nhiều chuyện điên khùng quá? Giữa chuyện thằng bé đòi bôi mực và xâm trổ vào thân hình cái nào ít hại hơn? Thế mới hay dù ở nước đại văn minh nhưng chưa chắc đã biết giáo dục con cái. Chúng ta thường ca ngợi và thán phục lối giáo dục của Tây Phương và khinh thường lối giáo dục của các nước chậm tiến. Thế nhưng nhiều bà mẹ quê lại giáo dục con cái nên người. Trong khi ở thành thị, nhà giàu có, quyền thế mà con cái hư hỏng. Bà mẹ của Mạnh Tử có học hành gì đâu mà giáo dục Mạnh Tử nên người? Bà lựa chọn nơi ở tốt nhất cho con. Không nói dối con dù là nói đùa. Thấy con bỏ học, đang dệt cửi mà dám chặt đứt tấm vải - phương tiện mưu sinh của cả gia đình để dạy con. Bà mẹ Mạnh Tử là “bậc Mẫu Giáo” của mọi thời đại. Chúng ta đừng mù quáng vì muốn “thoát Trung” mà không thấy những cái hay đẹp của dân tộc Trung Hoa. Cũng như chúng ta ghi nhớ những tội ác tày trời của Thực Dân Pháp đã gây ra cho dân tộc Việt Nam, nhưng không vì thế mà chúng ta phủ nhận những cái hay cái đẹp của nền văn hóa Pháp cũng như những thành tựu của họ trong các lãnh vực tư tưởng, nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc, hội họa, y khoa v.v…

- Washington Post ngày 13/10/2018: “Một giáo sư đã từng 30 năm tiên đoán trúng phóc kết quả của các cuộc bầu cử tổng thống nói rằng Ô. Trump có thể hướng tới thắng lợi năm 2020 một lần nữa.”

B. Tình hình thế giới:

- Yahoo News ngày 2/10/2018: “Một viên chức cao cấp của Nam Triều Tiên cho biết Bắc Triều Tiên có khoảng từ 20 tới 60 quả bom và đầu đạn nguyên tử.” Còn bộ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên đã nói tại diễn đàn LHQ rằng họ không bao giờ hủy bỏ vũ khí nguyên tử khi họ không tin tưởng vào Hoa Kỳ.

- Reuters ngày 2/9/2018: “Viên chức quản trị giải Nobel nói rằng một vài hành động của bà San Suu Kyi là đáng tiếc nhưng giải Nobel Hòa Bình của bà sẽ không bị thu hồi.” Giải đã cấp rồi, nay có thu hồi thì cũng thế. Thà không thu hồi lại hay hơn.

- AP (Hague) ngày 3/10/2018: “Tòa án cao nhất của LHQ ngày hôm nay đã ra lệnh cho Hoa Kỳ phải tháo bỏ lệnh trừng phạt Ba Tư bao gồm những lãnh vực như hàng hóa nhập cảng nhân đạo và những sản phẩm, dịch vụ liên quan đến sự an toàn của ngành hàng không dân sự." Phán quyết của Tòa Án Quốc Tế (International Court of Justice) có hiệu lực pháp lý nhưng cần chờ xem bộ tham mưu của Tổng Thống Donald Trump có tuân thủ hay không. Vào Tháng Năm, Ô. Trump đã khôi phục lại những cấm vận ngặt nghèo sau khi rút lui khỏi thỏa hiệp hạt nhân ký kết với Ba Tư và năm cường quốc khác. Ba Tư đã thách thức lệnh cấm vận này và nộp đơn khiếu nại tại Tòa Án Quốc Tế vào Tháng Bảy. Đài truyền hình Ba Tư quảng bá ầm ĩ quyết định này của tòa án bằng cách chạy một hàng chữ trên màn hình “Chiến thắng của Tehran đối với Hoa Thịnh Đốn do phán quyết của Tòa Hague”. Chắc Hoa Kỳ sẽ khiếu nại phán quyết này trong phiên tòa sắp tới.” Ngay sau quyết định của Tòa Án Quốc Tế, Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Mike Pompeo tuyên bố Hoa Kỳ rút lui khỏi thỏa hiệp thân hữu Ba Tư-Hoa Kỳ ký năm 1955 quy định hai bên đồng ý để Tòa Án Quốc Tế phân xử những tranh chấp.

- AFP ngày 6/10/2018: “Cảnh Sát Quốc Tế đã yêu cầu một sự giải thích chính thức từ Trung Quốc về nơi ở của viên chức của tổ chức Interpol sau khi có báo cáo là ông ta đã bị giữ để tra hỏi khi trở lại quê nhà tại Bắc Kinh. Hoa Lục tiếp tục giữ im lặng về sự biến mất của Meng Hongwei (Mạnh Hoành Vĩ) mà người ta còn nhìn thấy ông ta ở trụ sở của Interpol ở Lyon (Pháp) trước khi lên máy bay đi Trung Quốc. Bà vợ của ông Meng Hongwei đã trình báo về việc mất tích của chồng. Cảnh sát Pháp đang điều tra vụ này.”

Chủ tịch Interpol, Meng Hongwei, bay và đến Trung Quốc, nhưng không rõ sau đó ông ở đâu, chính quyền Pháp cho biết. Arny Nytimes.com

Theo Reuters, Bắc Kinh chính thức cho biết Ô. Meng Hongwei đang bị điều tra vì nhận hối lộ và Ô. Meng Hongwei đã xin từ nhiệm chức vụ giám đốc Interpol.

- Reuters ngày 7/10/2018: “Bà Rara - vợ Thủ Tướng Do Thái Netanyahu phải ra hầu tòa vào ngày hôm nay trong một phiên nghị án đầu tiên về việc bà đã lạm dụng ngân quỹ quốc gia để mua đồ ăn của nhà hàng. Theo như cáo trạng, bà Sara Netanyahu cùng với một vài viên chức chính phủ đã gian lận của chính phủ hơn 100,000 Mỹ Kim cho những bữa ăn do nhà hàng cung cấp trái với luật định là khi đã có đầu bếp thì không được dùng món ăn ở nhà hàng.” Cùng lúc đó thì đệ nhất phu nhân Mã Lai- bà Najib Razak cũng đã bị bắt vì tội rửa tiền, bòn rút khoảng từ 4.5 tới 10 tỉ Mỹ Kim tẩu tán đi mười quốc gia khiến việc thu hồi vô cùng khó khăn.

Ôi các “bà lớn”! Chồng làm thủ tướng, bà trở thành “siêu thủ tướng”. Chồng làm tổng thống bà trở thành “siêu tổng thống”. Ai dám cãi bà? Cãi ông còn sống. Cãi bà, chết là cái chắc. Thế nhưng khi chồng rớt đài thì vào tù, thân bại danh liệt. Muôn đời là như vậy. Cho nên một nước muốn luật lệ công minh thì phải có một bộ phận thuộc Giám Sát Viện theo dõi việc làm ăn, buôn bán, hùn hạp của các “bà lớn”.

- The Telegraph ngày 12/10/2018:“Tòa án của Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh phóng thích một mục sư Tin Lành Andrew Brunson người Hoa Kỳ mà sự giam giữ đã đưa tới việc xói mòn bang giao giữa Hoa Kỳ và một đồng minh của NATO và cũng khiến nền kinh tế của Thổ khốn đốn. Trên diễn đàn Twitter, Tổng Thống Donald Trump hoan nghênh quyết định này.” Vào ngày 13/10/2018, mục sư Brunson đã gặp Tổng Thống Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc.

C. Chiến Tranh Lạnh Mới:

- Reuters ngày 3/10/2018: “Hoa Kỳ vừa cảnh báo Ấn Độ về kế hoạch mua hệ thống hỏa tiễn phòng không S-400 của Nga khi Tổng Thống Putin viếng Tân Delhi vào tuần này và nói răng việc mua bán này dính vào việc trừng phạt bởi luật pháp Hoa Kỳ. Ấn Độ muốn hệ thống hỏa tiễn này vừa để ngăn chặn Trung Quốc, vừa đạt lợi thế hơn đối thủ truyền kiếp Hồi Quốc vì loại hỏa tiễn này có thể theo dõi và bắn hạ phi cơ tàng hình ở tầm chưa từng có.” Theo Sputnik News “Hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400" Triumph" cho Ấn Độ là vụ giao kèo lớn nhất trong suốt lịch sử hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Nga và Ấn Độ, đồng thời lớn nhất trong lịch sử hoạt động của tập đoàn Rosoboronexport.”

https://www.reuters.com/article/us-india-russia/india-risks-us-sanctions-with-5-billion-purchase-of-russian-missiles-idUSKCN1MD18K

Không biết Mỹ có ban hành lệnh trừng phạt một số viên chức quốc phòng Ấn Độ vì đã mua vũ khí của Nga hay không? Nếu Mỹ làm thế thì chỉ đẩy Ấn Độ hợp tác hơn nữa với Nga mà thôi trong lúc Mỹ rất cần Ấn Độ trong sách lược Thái Bình-Ấn Độ Dương.

- Reuters ngày 8/10/2018:“Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã gặp Ngoại Trưởng Vương Nghị của Trung Quốc tại Bắc Kinh trong chuyến công du bốn nước Á Châu giữa lúc căng thẳng giữa hai quốc gia gia tăng. Hai bên đều đưa ra những khiếu nại trong không khí lạnh nhạt. Ô. Vương Nghị yêu cầu Mỹ ngưng chỉ trích các chính sách của Hoa Lục, ngưng bán vũ khí và thăm viếng Đài Loan và hành động tăng thuế nhập cảng là đánh vào lòng tin cậy giữa hai bên.”

Như thế là những cuộc gặp gỡ mà Ô. Trump nói là ngoại hạng (outstanding) như cháu nội Ô. Trump hát nhạc Tàu cho Ô. Tập Cận Bình nghe tại Mar-a-Lago Florida, rồi Ô. Trump dùng yến tiệc tại Tử Cấm Thành…nay biến đâu mất và chỉ còn lại những đối đầu căng thẳng. Biến đổi và vô thường đến nhanh như chớp mắt trong cái thế giới Ta Bà đầy Tham-Sân-Si- Mạn- Nghi- Ác Kiến này

D. Tình hình Trung Đông:

- AFP ngày 2/10/2018: Nga vừa gửi hệ thống hỏa tiễn S-300 tới Syria theo đúng với những biện pháp an ninh sau khi một máy bay quân sự của Nga bị bắn rơi bởi một hỏa tiễn của Syria thời Sô-viết.”

Khi Syria được trang bị hệ thống hỏa tiễn này, nếu Anh, Pháp, Hoa Kỳ muốn bắn phá Syria từ các khu trục hạm hay HKMH thì phải coi chừng, kể cả các máy bay của Do Thái.

E. Tình hình Biển Đông:

- AP ngày 2/10/2018: “Một khu trục hạm của Hoa Lục đã hung hăng tiến đến gần chiến hạm Decatur của Hoa Kỳ tại Bãi Đá Ga-ven (Gaven Reefs) thuộc Hoàng Sa sau khi tàu này tiến vào bên trong 12 hải lý và yêu cầu tàu này phải rời khu vực. Hai tàu chỉ cách nhau khoảng 30 thước khiến tàu chiến Mỹ phải lách qua hướng khác để tránh đụng chạm. Phát ngôn viên của Hạm Đội 7 Hoa Kỳ nói rằng cuộc đối đầu như thế đã làm căng thẳng giữa hai bên gia tăng. Trong khi đó Thủ Tướng Mahathir Mohamad của Mã Lai nói với BBC rằng lập trường của chúng tôi là không có tàu chiến của mọi quốc gia ở Biển Đông. Nếu các quốc gia đưa tàu chiến vào đây sẽ làm tình hình căng thẳng, xung đột và đưa tới chiến tranh. Trung Quốc có quyền muốn đi đâu thì đi nhưng xin đừng ngăn cản các tàu đi qua Eo Biển Malacca và Biển Đông.

https://apnews.com/d3d9c8cc8f2e4d16ad54ea240725dbaa

- Sputnik News ngày 12/10/2018: “Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam hôm nay có cuộc gặp song phương với Tổng Thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte bên lề hội nghị thường niên Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và Ngân Hàng Thế Giới (WB) tại Bali, Indonesia. Tổng thống Duterte khẳng định Philippines luôn coi Việt Nam là nước bạn bè thân thiết, mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược và đề nghị tăng cường trao đổi các phái đoàn cấp cao. Hai lãnh đạo đã trao đổi về các lĩnh vực hợp tác quan trọng như quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, giáo dục, hợp tác biển, năng lượng. Hai bên nhất trí sớm hoàn thiện Chương Trình Hành Động Việt-Phi giai đoạn 2018- 2023, khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác về các vấn đề trên biển, tạo điều kiện cho ngư dân hai nước đánh cá hợp pháp, an toàn và lâu dài.”

- AP ngày 14/10/2018:“Bằng việc thực hiện chuyến công du thứ hai thật hiếm có tới Việt Nam, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Jim Mattis cho mọi người thấy cường độ mạnh mẽ của bộ tham mưu của Ô. Trump trong việc đối đầu với sức mạnh quân sự của Hoa Lục – bằng cách tạo quan hệ nồng ấm với những quốc gia nhỏ trong vùng và hy vọng họ chia xẻ với Hoa Kỳ về ý định (quân sự) của Hoa Lục. Cuộc thăm viếng vào hôm Thứ Ba 16/10/2018 tại Sài Gòn cho thấy bang giao Việt-Mỹ tiến xa như thế nào kể từ những năm xáo trộn vì cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Ba tháng sau cuộc thăm viếng trước khi HKMH Carl Vinson ghé Đà Nẵng, và cuộc thăm viếng đầu tiên của KHMH này đã cho Hoa Lục thấy Hoa Kỳ gia tăng mối liên hệ với các quốc gia trong vùng để làm đối trọng với sức mạnh quân sự mỗi lúc mỗi gia tăng của Bắc Kinh.”

https://www.pbs.org/newshour/world/mattis-pushes-closer-ties-to-vietnam-amid-tension-with-china

Dĩ nhiên chúng ta không thể biết hai bên thỏa thuận những gì. Nhưng điều mà chúng ta có thể phỏng đoán được và cũng thật rõ ràng là Hoa Kỳ muốn một Việt Nam ổn định về chính trị và mạnh lên về kinh tế để cùng Hoa Kỳ đối phó với Bắc Kinh. Sự hợp tác toàn diện đã có (Comprehensive Partnership) nhưng sự hợp tác tiến xa hơn nữa về quân sự thì chúng ta phải chờ xem. Thế nhưng tôi vẫn cho rằng Việt Nam sẽ hợp tác quân sự với Hoa Kỳ mức độ không đe dọa nền an ninh của Trung Quốc ngoại trừ Hoa Lục lộ ý định tấn công Việt Nam. Nếu Việt Nam trở thành “đồng minh” quân sự của Mỹ thì Việt Nam sẽ trở thành một “Ukraina thứ hai”.

F. Nhận Định:

Theo tờ Telegraph ngày 9/10/2018: Sau vụ ký giả mất tích đầy bí ẩn tại Tòa Lãnh Sự Saudi Arabia tại Thổ Nhĩ Kỳ, “Ả Rập Sê-út vừa đồng ý để cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ lục soát bên trong tòa lãnh sự tại Istanbul sau khi tấm hình ký giả Khashoggi đang bước vào tòa lãnh sự trước khi ông mất tích xuất hiện. Dù không tuyên bố công khai, nhưng trong riêng tư, các viên chức Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ ký giả này đã bị giết rồi chặt thân thể ra thành khúc tại bên trong tòa lãnh sự.” Theo Reuters ngày 13/10/2018, một tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ loan tin dường như các điều tra viên cho rằng ký giả Khashoggi đã thu lại cuộc tra tấn và giết hại chính mình qua chiếc máy điện tử đeo tay (Apple Watch). Theo AP ngày 14/10/2018 , Vua Salman đã điện đàm với Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và cám ơn Thổ đã đồng ý để thành lập toán điều tra chung.

ký giả Khashoggi. Ảnh CNN

Vụ ám sát ngày vô cùng tinh vi, giống như vụ đánh độc chất Kim Jong Nam tại phi trường Mã Lai trước đây. Cũng theo The Telegraph, “Một phi cơ chở theo chín người đáp xuống Istanbul vào ngày 2/10/2018. Những người này thuê phòng tại một khách sạn gần tòa lãnh sự và ra đi vào ngày 5/1/2018 và tất cả những người này đều ra phi trường vào cùng ngày để đi Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Còn chiếc máy bay thứ hai chở theo sáu người cũng đến vào chiều hôm đó. Những người này đi thẳng vào tòa lãnh sự và tối hôm đó khởi hành đi Ai Cập. Cả hai chuyến bay nói trên cuối cùng trở về Yiyadh- thủ đô Ả Rập Sê-út.” Theo AP ngày 10/10/2018, báo chí Thổ phổ biến hình ảnh của 15 người thuộc đội ám sát của Ả Rập Sê-út đã tiến hành cuộc thanh toán ghê gớm này. Cho đến giờ này Ả Rập Sê-út hoàn toan giữ im lặng và cũng không cho biết ký giả Khashoggi hiện đang ở đâu. Có lẽ chuyện thanh toán ly kỳ này sẽ được Hollywood đưa lên màn ảnh với loại phim hoạt vụ (action movie). Ký giả Khashoggi cư trú tại Hoa Kỳ, là cộng tác viên của tờ Washington Post, thường xuyên viết bài chỉ trích vương quyền Ả Rập Sê-út nhất là Thái Tử Mohammed bin Salman và ngày nay đưa đến hậu quả thảm khốc.

Có một sự thực phũ phàng là không lãnh đạo nào ưa thích truyền thông, kể cả lãnh đạo Hoa Kỳ. Dưới thời Tổng Thống Johnson và Nixon, nhiều phóng viên nổi tiếng của Mỹ đã bị chụp mũ cộng sản vì loan tin trung thực về cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Bêu riếu người ta trên báo chí, truyền hình, đài phát thanh, diễn đàn… làm người ta đau đớn. Do đó ai bị lăng mạ đều hận trong lòng và rắp tâm trả thù. Trong các nghiệp của chúng sinh, Khẩu Nghiệp là nặng nhất, tác hại nhiều nhất và độc hiểm nhất. Cho nên người có đạo đức, mở miệng nói ra điều gì, viết cái gì phải hết sức thận trọng.

Chuyện sát hại báo chí đã có từ lâu và xảy ra khắp nơi trên thế giới. Tại Miền Nam trước 1975 có vụ ám sát nhà báo Từ Chung, bắn vào miệng nhà báo Chu Tử. Ở hải ngoại có vụ ám sát các nhà báo Lê Triết và ký giả Đạm Phong, đánh tàn phế nhà văn Duyên Anh.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/11/151113_terror_little_saigon_audience

Phim tài liệu “Terror in Little Saigon”, cáo buộc Mặt trận Hoàng Cơ Minh dính líu năm vụ giết nhà báo hồi thập niên 1980, gây xôn xao trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Ảnh BBC.com

Báo chí trung thực có. Điều đó rất cần cho sinh hoạt dân chủ của quốc gia. Nhưng báo chí cũng gian trá, bịa đặt tin tức, tống tiền và thiên vị hoặc làm tay sai, gián điệp cho ngoại bang. Chính vì thế mà Ô. Trump nói rằng “truyền thông là kẻ thù của người dân”. Cho nên, để sống an toàn và đúng tư cách, báo chí phải công bằng, tức có khen có chê. Báo chí hoặc ký giả không thể cứ nhè những cái xấu, cái sai của người ta ra mà nói , trong khi làm ngơ những gì người ta làm đúng. Tướng Prayut-chan-Ocha – thủ tướng Thái Lan nói rằng chúng tôi không bắt quý vị khen ngợi chính quyền nhưng cần quý vị công bình, tức phải nói lên cả hai mặt, cái đúng, cái sai của chính quyền. Làm báo, làm truyền thông ai cũng làm được nhưng làm đúng lương tâm rất khó.

Tổng Thống Donald Trump bày tỏ lo âu về vụ này và nói chuyện với giới chức cao cấp nhất của Ả Rập Sê-út, ra lệnh cho viên chức Mỹ điều tra. Thế nhưng Ô. Trump nói rằng thật điên khùng nếu hủy bỏ thỏa hiệp bán vũ khí cho Ả Rập Sê-út và bộ trưởng thương mại Mỹ cũng không hủy bỏ cuộc họp của các nhà đầu tư tại Ả Rập Sê-út. Hôm nay 15/10/2018, Ô. Trump tuyên bố sẽ gửi Bộ Trưởng Ngoại Giao Mike Pompeo tới gặp Vua Salman có lẽ để giàn xếp. Vua Salman cũng đã ra lệnh tiến hành cuộc điều tra nội bộ nhưng nói với Tổng Thống Donald Trump là ông không biết gì về vụ này.

Tổng thư ký LHQ cũng đã lên tiếng yêu cầu Ả Rập Sê-út làm sáng tỏ và Anh, Pháp, Đức xem vụ này là thật nghiêm trọng. Chắc chắn Mỹ không thể vì mạng sống của một ông ký giả mà đánh mất một đồng minh thân cận nhất tại Trung Đông. Nếu Mỹ lơ đi thì LHQ và Âu Châu cũng êm ru. Cách đây ít lâu Gia Nã Đại khốn đốn vì những biện pháp trả đũa của Ả Rập Sê-út khi Gia Nã Đại lên tiếng đòi thả ngay một phụ nữ hoạt động nhân quyền.

Theo tôi, với sức mạnh tài chính khổng lồ của Ả Rập Sê-út nội vụ ồn ào lên rồi chìm xuồng. Trên thế giới có hai quốc gia mà không ai dám đụng tới sợi lông chân, đó là Ả Rập Sê-út và Do Thái. Ai đụng tới Do Thái, Mỹ đánh chết liền. Ai đụng tới Ả Rập Sê-út, đô-la và dầu hỏa đè chết liền. Chẳng sợ Liên Hiệp Quốc, chẳng sợ Mỹ, chẳng sợ Âu Châu, ngày 14/10/2018 Ả Rập Sê-út ra tuyên bố, “Vương quốc kiên quyết bác bỏ mọi đe dọa cho dù là cấm vận, áp lực chính trị hay tiếp tục vu cáo của các quốc gia khác áp đặt sau khi Tổng Thống Donald Trump cảnh báo một hậu quả nghiêm trọng sau vụ mất tích của một nhà báo người Ả Rập Sê-út. Và Ả Rập Sê-út sẽ trả đũa mạnh hơn bất cứ biện pháp trừng phạt nào - vì nền kinh tế của chúng tôi có ảnh hưởng và là sự sống còn của kinh tế toàn cầu.” Theo AP, thị trường chứng khoán đã mất 500 điểm và giá dầu thô lên tới 72 Mỹ Kim một thùng.

Để rồi chúng ta xem lý tưởng nhân quyền thắng hay đô-la thắng. Nếu đô-la thắng thì mọi tuyên bố ồn ào về nhân quyền chỉ là đạo đức giả. Nếu Hoa Kỳ và Âu Châu đồng loạt ban hành lệnh cấm vận Ả Rập Sê-út thì đó mới thật sự Tây Phương sống chết với lý tưởng nhân quyền.

Đào Văn Bình

(California ngày 15/10/2018)