Tài liệu - Tướng Westmoreland định dùng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh Việt Nam

Tài liệu - Tướng Westmoreland định dùng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh Việt Nam

By David E. Sanger

http://sachhiem.net/SACHNGOAI/SH/SH26.php

10-Oct-2018

WASHINGTON — Trong giai đoạn đen tối nhất của Chiến tranh Việt Nam, vị chỉ huy hàng đầu của quân đội Mỹ đã mở một kế hoạch vào năm 1968 nhằm chuyển vũ khí hạt nhân tới miền Nam Việt Nam, nhưng bị Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson ngăn cản. Tờ New York Times dẫn nguồn tài liệu giải mật mới đây cho hay. 

Các tài liệu này đã tiết lộ quá trình chuẩn bị cho một kế hoạch bí mật của Tướng William C. Westmoreland,  nhằm đưa vũ khí hạt nhân vào tầm tay nếu lực lượng Mỹ bị thất thế tại Khe Sanh, một trong những trận đánh ác liệt nhất của cuộc chiến. 

Tướng William C. Westmoreland là người chịu trách nhiệm chỉ huy các hoạt động quân sự Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam từ 1964-1968.

Chiến dịch mật Fracture Jaw 

Với sự chấp thuận của tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương, Tướng Westmoreland đã đưa ra một chiến dịch bí mật, tên là Fracture Jaw, bao gồm việc chuyển vũ khí hạt nhân vào miền Nam Việt Nam để có thể sử dụng nhanh chóng để chống lại quân Bắc Việt. Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng Thống Mỹ Johnson là Walt W. Rostow, đã thông báo cho tổng thống trong một bản ghi nhớ của Tòa Bạch Ốc.

Tổng thống bác bỏ kế hoạch, và ra lệnh hủy bỏ, theo Tom Johnson, lúc đó là phụ tá đặc biệt cho tổng thống và là người ghi chép tại các cuộc họp về vấn đề này tại phòng ăn gia đình trên tầng hai của Tòa Bạch Ốc.

Cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc, Walt W. Rostow, thông báo cho Tổng thống Lyndon B. Johnson về kế hoạch di chuyển vũ khí hạt nhân vào miền Nam Việt Nam cùng ngày mà Tướng William C. Westmoreland đã nói với chỉ huy Mỹ ở Thái Bình Dương rằng ông đã chấp thuận hành động.

"Khi ông ấy (TT Johnson) biết rằng kế hoạch đã được chuẩn bị thi hành, ông cực kỳ khó chịu và quyết liệt ra lệnh hủy bỏ ngay, thông qua Rostow, và trực tiếp đến Westmoreland," ông Tom Johnson cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Ông nói rằng tổng thống lo sợ "một cuộc chiến tranh lan rộng", trong đó người Trung Quốc sẽ tham gia vào cuộc xung đột, như họ đã có ở Hàn Quốc vào năm 1950.

"TT. Johnson không bao giờ hoàn toàn tin tưởng tướng lĩnh của mình", ông Tom Johnson nói, người không có liên quan đến tổng thống. "Ông ấy rất ngưỡng mộ Tướng Westmoreland, nhưng ông ấy không muốn các tướng lĩnh của mình điều hành chiến tranh."

Nếu vũ khí đó được sử dụng, nó sẽ tăng thêm nỗi kinh hoàng vào một trong những năm xáo trộn và bạo lực nhất trong lịch sử cận đại của Mỹ. Vài tuần sau đó, TT. Johnson công bố sẽ không ra tái tranh cử. Tiến sĩ Martin Luther King Jr. và Tổng Thống Robert F. Kennedy bị ám sát ngay sau đó.

Câu chuyện về việc Hoa Kỳ xuýt dùng vũ khí hạt nhân ở Việt Nam, 23 năm sau vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki buộc Nhật Bản đầu hàng, được kể trong quyển "Tổng thống của chiến tranh", một cuốn sách sắp xuất bản của Michael Beschloss, sử gia chuyên viết về tổng thống.

"Chắc chắn TT Johnson đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng trong việc tiến hành chiến tranh Việt Nam", ông Beschloss, người đã tìm thấy tài liệu trong quá trình nghiên cứu cuốn sách của ông, cho biết. "Nhưng chúng ta phải cảm ơn ông vì đã đảm bảo rằng trong cuộc xung đột bi thảm vào đầu năm 1968 không có cơ hội đưa đến hạt nhân."

Các tài liệu mới - một số đã được giải mật một cách lặng lẽ hai năm trước đây - cho thấy chiều hướng đó.

Với trận chiến Khe Sanh bên góc trời, TT Johnson nhấn mạnh các vị tư lệnh của ông đảm bảo rằng Hoa Kỳ không bị thất bại xấu hổ - điều có thể chứng minh là một thảm họa chính trị và một sự sỉ nhục cá nhân.

Các lực lượng Bắc Việt đang sử dụng mọi thứ họ có để chống lại hai trung đoàn của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và một số lượng tương đối nhỏ của quân đội miền Nam Việt Nam.

Trong khi công khai bày tỏ sự tin tưởng vào kết quả của trận chiến tại Khe Sanh, Tướng Westmoreland cũng đã tổ chức riêng một buổi họp ở Okinawa để lên kế hoạch di chuyển vũ khí hạt nhân vào miền Nam - và làm sao chúng có thể được sử dụng để chống lại các lực lượng Bắc Việt.

"Tôi đã chấp thuận kế hoạch Fracture Jaw," Tướng Westmoreland đã viết cho Đô Đốc Ulysses S. Grant Sharp Jr., Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương, ngày 10 tháng 2 năm 1968.

Kế hoạch “Fracture Jaw” để di chuyển vũ khí hạt nhân vào miền Nam Việt Nam sẽ được triển khai ngày 10 tháng 2 năm 1968, thông báo của Tướng Willam C. Westmoreland, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Việt Nam.

Kế hoạch không được tồn tại lâu. Ngày hôm đó, ông Rostow đã gửi một bản ghi nhớ “riêng” cho tổng thống, cảnh báo thứ hai của ông trong một tuần về kế hoạch sắp xảy ra.

Hai ngày sau, Đô đốc Sharp đã gửi lệnh “ngừng tất cả kế hoạch Fracture Jaw” và đặt tất cả các tài liệu quy hoạch, “bao gồm các thông điệp và thư từ liên quan đến nó, dưới sự bảo mật tích cực”.

“Ngừng tất cả các kế hoạch Fracture Jaw,” chỉ huy các cuộc hành quân của Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô Đốc Ulysses S. Grant Sharp Jr., ra lệnh trong một điện văn vắn tắt ngày 12 tháng 2 năm 1968. “Bảo mật hành động này và hành động trước đây thật chặt chẽ.

Sự việc này đã vọng trở lại trong thời hiện đại. Mới 14 tháng trước đây, Tổng thống Trump đang đe doạ việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống Triều Tiên - không giống như Bắc Việt vào thời điểm đó, là một nước đã sở hữu riêng kho vũ khí hạt nhân nhỏ.

Đã có những khoảnh khắc khác, khi các tổng thống phải cân nhắc, hoặc nói dối về việc sử dụng vũ khí nguyên tử. Nổi tiếng nhất là cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào năm 1962, xung đột hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Liên Xô sắp xảy ra gần đây nhất.

Và trước khi bị Tổng thống Harry S. Truman sa thải năm 1951, Tướng Douglas MacArthur đã dò xét với cấp trên của ông về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh Triều Tiên. Truman lo sợ rằng chiến lược hung hăng của MacArthur sẽ mở ra một cuộc chiến tranh lớn hơn với Trung Quốc, nhưng tại một thời điểm đã di chuyển các đầu đạn nguyên tử đến các căn cứ ở Thái Bình Dương, mặc dù không phải nhắm vào Hàn Quốc.

Nhưng tài liệu cho thấy, trường hợp của Khe Sanh thì khác.

"Ở Hàn Quốc, MacArthur đã không yêu cầu trực tiếp di chuyển vũ khí hạt nhân vào chiến trường gần như ngay lập tức", khi thấy rằng Hàn Quốc có thể rơi vào cuộc xâm lược của Bắc Hàn vào năm 1950, ông Beschloss nói. “Nhưng ở Việt Nam, Westmoreland đã gây áp lực lên tổng thống để làm y như vậy.

Mức độ nghiêm trọng của cuộc thảo luận đó được tiết lộ trong một đoạn điện văn dài về trận chiến Khe Sanh mà Tướng Westmoreland gửi đến Tham mưu trưởng liên quân, tướng Earle Wheeler, vào ngày 3/2/1968.

"Nếu tình hình trong khu vực DMZ thay đổi đáng kể, chúng ta nên chuẩn bị đem vào vũ khí có hiệu quả cao hơn để chống lại lực lượng đông người", Tướng Westmoreland viết trong một điện văn đã được giải mật vào năm 2014, nhưng không được tiết lộ cho đến khi ông Beschloss trích dẫn nó trong cuốn sách sắp ra mắt.

"Trong những trường hợp như vậy, tôi hình dung rằng vũ khí hạt nhân chiến thuật hay vũ khí hóa học sẽ là những chọn lựa tích cực."

Trong vòng bốn ngày, Đô đốc Sharp, chỉ huy Thái Bình Dương, đã viết rằng ông "đã được thông báo về kế hoạch dự phòng cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở khu Khe Sanh / DMZ do các thành viên của đội ngũ nhân viên của chúng tôi soạn thảo tuần trước tại Okinawa.''

Ông tuyên bố "khái niệm nghe được" với một số thay đổi nhỏ, và yêu cầu một kế hoạch đầy đủ chuyển đến ông ta "thật nhanh để có thể đưa ra các kế hoạch hỗ trợ cần thiết."

Ba ngày sau, tướng Westmoreland trả lời lại rằng ông đã chấp thuận kế hoạch. Tại Tòa Bạch Ốc, ông Rostow lưu ý với tổng thống: “Không có vũ khí hạt nhân ở miền Nam Việt Nam. Phải cần thẩm quyền tổng thống để đặt chúng ở đó.

Thông báo đó dẫn đến cơn thịnh nộ của tổng thống, và trong vài ngày Đô đốc Sharp, từng có lần rất háo hức muốn triển khai kế hoạch, đã phải ra lệnh ngưng tiến hành.

"Ngừng tất cả kế hoạch Fracture Jaw" ông ra lệnh ngày 12 tháng 2 năm 1968, điện cho tướng Westmoreland với bản sao gửi cho Tham Mưu Trưởng. "Nói lại cho tất cả nhân viên nào có can dự vào việc chuẩn bị của kế hoạch này rằng không thể tiết lộ nội dung của kế hoạch hoặc kiến thức về kế hoạch đó đang được tiến hành hoặc bị tạm ngưng".

Không ai trong số này được Thủy Quân Lục Chiến Mỹ và những người lính khác đang bị giam tại Khe Sanh biết đến.

Tôi không nhớ bất kỳ cuộc thảo luận nào về vũ khí nguyên tử trên mặt đất ở Khe Sanh,” Lewis M. Simons, lúc đó là một phóng viên của Associated Press của quân đội, và sau đó là một phóng viên đoạt giải Pulitzer làm việc tại The Washington Post và báo Knight Ridder.

Cuốn sách của ông Beschloss, sẽ được nhà xuất bản Crown công bố vào thứ ba, khảo sát những thách thức mà các tổng thống từ Thomas Jefferson tới George W. Bush phải đối mặt. Nó cũng tiết lộ rằng cùng lúc cuộc tranh luận hạt nhân đang diễn ra, các thượng nghị sĩ đã nổi giận khi phát hiện ra rằng tổng thống và các phụ tá của ông đã lừa dối họ về diễn biến của cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, J. William Fulbright, đảng Dân chủ bang Arkansas, nói với các thượng nghị sĩ của ông rằng "đơn giản là chúng tôi đã nói dối," và nói dối có nghĩa là Hoa Kỳ đã mất "một hình thức dân chủ," theo bản sao của ông Beschloss, người đóng góp thường xuyên cho tờ New York Times.

Thậm chí còn có cuộc thảo luận về khả năng luận tội tổng thống về những lời dối trá đó. Cuộc thảo luận đó đã bị chấm dứt bởi quyết định của TT. Johnson, được công bố sau mùa xuân đó, không phải để tìm cách tái tranh cử.

Nguồn https://www.nytimes.com/2018/10/06/world/asia/vietnam-war-nuclear-weapons.html, Oct. 6, 2018

U.S. General Considered Nuclear Response in Vietnam War, Cables Show

By David E. Sanger

______________

Bài đọc thêm:

- Hồ sơ mật: Mỹ từng nhiều lần muốn ném bom nguyên tử Việt Nam, báo Dân Trí ngày 24/04/2015. Xem Phụ Lục A

- Những âm mưu 'hạt nhân' suýt vận vào Việt Nam, báo Đất Việt ngày 04/11/11 11:50. Xem Phụ Lục B

và đầy đủ các âm mưu của Vatican, Mỹ, Pháp dùng bom nguyên tử để giải vây ĐBP qua cuốn "Vietnam Why Did We Go" của Avro Manhattan, bản dịch của Trần Thanh Lưu:

- Fatima Hóa của Phương Tây- Vì Sao Chúng Ta Đã Đi Việt Nam ? -CHƯƠNG 3. Xem Phụ Lục C

- Giáo Hoàng Ban Phép Cho Một Cuộc Chiến Phòng Ngừa. Vì Sao Chúng Ta Đã Đi Việt Nam ? -CHƯƠNG 4. Xem Phụ Lục D

- Âm Mưu bí mật giữa Pius-Spellman-Dulles. Vì Sao Chúng Ta Đã Đi Việt Nam ? -CHƯƠNG 9. Xem Phụ Lục E

 


PHỤ LỤC A:

Hồ sơ mật: Mỹ từng nhiều lần muốn ném bom nguyên tử Việt Nam

(báo Dân Trí)

Dân trí Trước thất bại rõ ràng trên chiến trường Việt Nam sau tết Mậu Thân, ngày 27/10/1969, 18 máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ, mang theo vũ khí nguyên tử được lệnh xuất kích hướng về phương Đông, trong nhiệm vụ tối mật nhằm cứu vãn thể diện của Mỹ trên bàn đàm phán.

Và đây không phải lần đầu tiên vũ khí nguyên tử được giới chức Mỹ nhắc tới trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam.

Vài tuần trước khi hạ lệnh leo thang ném bom miền Bắc, trong cuộc điện đàm với cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger ngày 25/4/1972, Tổng thống Nixon một lần nữa yêu cầu nghiên cứu giải pháp dùng bom nguyên tử, để buộc Việt Nam phải nhượng bộ trên bàn đàm phán, mở ra lối thoát danh dự cho Mỹ trong cuộc chiến. 

Hồ sơ mật: Mỹ từng nhiều lần muốn ném bom nguyên tử Việt Nam

Tổng thống Mỹ Richard Nixon (trái) từng ra lệnh cho cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger (phải) dùng bom nguyên tử tại Việt Nam

Trong những đoạn băng ghi âm được Cơ quan lưu trữ quốc gia Mỹ giải mật 30 năm sau đó, Nixon đã đề nghị Kissinger cân nhắc sử dụng bom nguyên tử, sau khi vị cố vấn đưa ra một loạt lựa chọn để leo thang chiến tranh tại miền Bắc, gồm ném bom các nhà máy điện và bến cảng.

“Tôi thích dùng bom nguyên tử hơn”, Nixon nói.

“Việc đó, theo tôi, là quá nhiều”, Kissinger đáp lại.

“Bom nguyên tử. Nó khiến ông bận tâm sao?”, Nixon hỏi lại. “Tôi chỉ muốn ông nghĩ đến những chuyện lớn”.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 1985 khi đã không còn là Tổng thống, Nixon thừa nhận đã tính tới “giải pháp hạt nhân”.

Trước đó, ngay từ năm 1959 và 1968, không quân Mỹ từng hai lần đề xuất ném bom nguyên tử xuống Việt Nam, các hồ sơ được giải mật khẳng định.

Năm 1959, Tham mưu trưởng không quân Mỹ, Tướng Thomas D White, đã lựa chọn vài mục tiêu tại miền Bắc để yêu cầu ném bom nguyên tử. Tuy nhiên, đề xuất này bị các quan chức quân sự khác của Mỹ bác bỏ.

“White muốn đánh gục quân giải phóng và các tuyến đường tiếp tế của họ bằng cách tấn công vào những mục tiêu được chọn ở miền Bắc Việt Nam, bằng vũ khí thông thường hoặc hạt nhân”, một hồ sơ khẳng định.

“Mặc dù báo cáo của White đề nghị sẽ cảnh cáo giới chức miền Bắc Việt Nam trước khi tấn công, các quan chức khác đã bác bỏ việc này, có thể do vũ khí hạt nhân được đề cập đến. 7 tháng sau, đề xuất này bị rút lại”, báo cáo viết. 

Pháo đài bay B-52 của Mỹ có khả năng mang bom hạt nhân (Ảnh: Internet)

Pháo đài bay B-52 của Mỹ có khả năng mang bom hạt nhân (Ảnh: Internet)

Đến năm 1968, sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của quân giải phóng vào các căn cứ Mỹ tại miền Trung, Tướng William Westmoreland, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Việt Nam cũng đã đề xuất sử dụng “vũ khí hạt nhân hoặc hóa học” để giúp giải vây cho các căn cứ Mỹ.

“Cuối tháng Giêng, tướng Westmoreland đã cảnh báo rằng nếu tình hình gần DMZ (khu phi quân sự) và tại Khe Sanh xấu đi nghiêm trọng, vũ khí hạt nhân hoặc hóa học có thể phải được sử dụng”, một báo cáo dài 106 trang, có tiêu đề “Không quân tại Đông Nam Á: Hướng tới việc ngừng ném bom, 1968”, từng được gắn nhãn “tối mật” viết.

“Việc này đã khiến (tham mưu trưởng không quân) tướng McConnell hối thúc Bộ tổng tham mưu cho phép yêu cầu Bộ tư lệnh Thái Bình Dương chuẩn bị một kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân cấp thấp, để ngăn chặn tổn thất ghê gớm cho các căn cứ của lính thủy đánh bộ Mỹ”, báo cáo khẳng định. Dù vậy đề xuất này sau đó cũng bị bác bỏ.

Việt Nam không nhượng bộ trước đe dọa bom nguyên tử

Ngày 27/10/1969, 18 máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ, mang theo vũ khí nguyên tử được lệnh xuất kích hướng về phía Đông, đích đến là Mátxcơva nhưng mục tiêu thực sự là gây sức ép để lãnh đạo Liên Xô dừng những hậu thuẫn trên chiến trường, khiến Hà Nội phải nhượng bộ trên bàn đàm phán hòa bình tại Paris.

Trước đó, theo tờ Wired, trên bàn đàm phán năm 1969 tại Paris, phái đoàn Việt Nam cũng tuyên bố sẽ ngồi đó mà không nhân nhượng “cho đến khi cái ghế này mục ra” cũng không.

Kế hoạch được triển khai trong bối cảnh Nixon vừa đắc cử Tổng thống tháng 1/1969, với ưu tiên hàng đầu là chấm dứt cuộc chiến tại Việt Nam càng nhanh càng tốt, với các điều khoản có lợi nhất có thể cho Mỹ

Sau nhiều cân nhắc, đến giữa năm 1969, Nixon và Henry Kissinger tin rằng, một chiến lược kết hợp ngoại giao quốc tế với những đe dọa và hành động vũ lực có thể khiến chính phủ miền Bắc Việt Nam phải nhượng bộ trên bàn đàm phán.

Tại nhiều cuộc gặp trong các tháng 7 và 8 năm đó, bộ đôi trên cùng các phụ tá đã phát đi những cảnh báo nhắm tới lãnh đạo tại Mátxcơva và Hà Nội rằng, nếu tới 1/11, chính quyền miền Bắc không chấp thuận nhượng bộ theo các điều khoản của Mỹ, Nixon sẽ thực hiện “các biện pháp gây hậu quả lớn”.

Trong trường hợp chiêu “võ mồm” này thất bại, bước hai sẽ được triển khai bao gồm hành động leo thang quan sự, bằng các chiến dịch tấn công đa dạng nhắm vào miền Bắc.

Một kế hoạch quân sự mang mật danh “Duck Hook” được vạch ra, trong đó một nhóm chuyên viên đặc trách được giao nhiệm vụ đánh giá những lựa chọn quân sự. “Tôi không tin rằng một chính phủ nhỏ bé như Bắc Việt Nam lại không có điểm yếu”, Kissinger nói.

“Nhiệm vụ của nhóm này là nghiên cứu lựa chọn về một đòn quyết định, dữ dội nhắm vào Bắc Việt Nam”. Tổng thống, Kissinger nói với các thành viên trong nhóm, muốn một “kế hoạch quân sự được thiết kế để tạo ra tác động lớn nhất vào năng lực quân sự của đối phương”, để “nhanh chóng kết thúc” cuộc chiến.

Pháo đài bay B-52 của Mỹ có khả năng mang bom hạt nhân (Ảnh: Internet)

Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Lê Đức Thọ (trái) trong một lần gặp Kissinger tại Paris năm 1973 (Ảnh: AFP)

Là một trong những chiến dịch quân sự bí mật lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, kế hoạch này bao gồm một loạt các chuyến bay huấn luyện nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, cảnh báo mặt đất của Bộ chỉ huy không quân chiến lược, tăng cường các hoạt động của hải quân, giám sát chặt các tàu của Liên Xô trên đường tới miền Bắc Việt Nam, và “phô trương sức mạnh” của các “pháo đài bay” B-52 mang vũ khí hạt nhân.

Thế nhưng cuối cùng kế hoạch đồ sộ được chuẩn bị kỹ lưỡng này của Washington đã không thể khiến Liên Xô cũng như Việt Nam nhượng bộ trước thời hạn 1/11 mà Mỹ đưa ra.

Theo báo giới Mỹ, các nhà lãnh đạo tại Hà Nội biết khả năng chính quyền Nixon có thể bỏ bom nguyên tử xuống miền Bắc, nhưng vẫn không lùi bước.

Tại một cuộc đàm phán ở Paris, ngày 4/12/1972, trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, ông Lê Đức Thọ tuyên bố với Kissinger rằng: “Chúng tôi đôi lúc nghĩ rằng các ông có thể dùng vũ khí nguyên tử bởi trong cuộc kháng chiến chống Pháp, phó Tổng thống Nixon đã đề xuất sử dụng vũ khí nguyên tử…

Nếu chúng tôi không đạt được mục tiêu trong đời mình, con cháu chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh…Chúng tôi đã phải chịu hàng chục triệu quả bom và đạn pháo. Chúng tương đương với 600 quả bom nguyên tử… Sự thật đơn giản đó là chúng tôi sẽ không chấp nhận và cam chịu làm nô lệ. Do đó những đe dọa và việc phá vỡ lời hứa của các ông, theo chúng tôi, không phải một cách nghiêm túc để tiến hành đàm phán”, ông Lê Đức Thọ nói.

Thanh Tùng

Theo NYtimes, Atimes, Wired

 


PHỤ LỤC B:

Những âm mưu 'hạt nhân' suýt vận vào Việt Nam

(báo Đất Việt)

 (Quốc phòng) - (ĐVO) Trong thời gian tại nhiệm của Geogre Bush, chính quyền của ông đã nhiều lần cân nhắc tới “lựa chọn hạt nhân” nhằm chống lại cũng như răn đe những cở sở hạt nhân của Iran, nhưng đã gặp phải sự phản đối của dư luận, báo chí cũng như nhiều chỉ huy quân đội cấp cao của Mỹ.Tuy nhiên, những "mưu đồ hạt nhân" này không phải không có tiền lệ. Ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, các quan chức Mỹ đã thử tìm cách để có thể sử dụng được vũ khí hạt nhân, nhằm đe doạ chính quyền Liên Xô cũng như là một vũ khí chiến lược trong giải quyết xung đột với tên gọi “nền ngoại giao hạt nhân”.Theo lịch sử Nhà Trắng và đặc biệt là những tài liệu giải mật về giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Richard M. Nixon, giới chức cấp cao của Mỹ đã nhiều lần có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm thay đổi cục diện và kết thúc chiến tranh sớm chiến tranh ở Việt Nam, tuy nhiên tất cả đều bất thành. Năm 1953 Giới quân sự Mỹ, trong đó đứng đầu là đô đốc Arthur Radford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân.

Những người lính Pháp ở Điện Biên Phủ đã không kịp nhận sự trợ giúp "nguyên tử" từ phía đồng minh Mỹ, dẫn đến thất bại cay đắng năm 1954.

Tuy nhiên, do vấp phải sự phản đối từ chính phủ Anh mà Mỹ hủy kế hoạch. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ John Fuster Dulles còn muốn tặng riêng Pháp 2 quả bom hạt nhân để có thể tự tay giải quyết vấn đề tại Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên, lúc này tình thế ở Việt Nam đã ngã ngũ với chiến thắng của quân và dân Việt Nam.

Năm 1959

Chỉ huy Không Quân Mỹ, tướng Thomas D White đã lựa chọn một vài mục tiêu khả dĩ ở miền Bắc Việt Nam để tiến hành ném bom hạt nhân.

Theo một tài liệu giải mật, tướng White muốn “làm tê liệt Quân đội Việt nam và các tuyến đường tiếp tế bằng cách tấn công vào một  số mục tiêu, bằng cả vũ khí thông thường và hạt nhân”. 

Theo đề xuất, Tướng White muốn các lãnh đạo bật đèn xanh để gửi một phi đội máy bay ném bom phản lực chiến lược B-47 Stratojet tới căn cứ Không quân Clark ở Philippines, làm bàn đạp san phẳng khu vực trú ẩn của bộ đội Việt Nam như rừng rậm nhiệt đới, các tuyến đường vận lương, khu vực đá vôi và đồi núi... Nhưng 7 tháng sau, đề xuất này đã bị các quan chức quân sự khác phản đối và đi vào dĩ vãng.

Năm 1964

Hai đối thủ: Lyndon Jonhson (ảnh trái) và Barry Goldwater (ảnh phải) trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 1964.

Trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng, thượng nghĩ sĩ Barry Goldwater của Đảng Cộng hòa, đã chủ trương tích cực đưa ra ý kiến về sử dụng vũ khí hạt nhân  ở Việt Nam. Tuy nhiên, quan điểm này bị chỉ trích mạnh mẽ và cũng là nguyên nhân thua cuộc trong cuộc chạy đua đó. Tổng thống trúng cử lúc đó, ông Lyndon B. Johnson đã nổi tiếng với chiến dịch vận động có tên “Daisy Ad”, một video với mục tiêu chống đối lại dự định hạt nhân của đối thủ Goldwater, mang ý nghĩa “Nếu bầu cho Goldwater là bầu cho một cuộc chiến hạt nhân”. Bản thân Thượng nghị sĩ Goldwater, ngay sau đó cũng tráo trở trong tuyên bố của mình. Ban đầu, ông thể hiện rõ mong muốn sử dụng vũ khí hạt nhân ở miền Bắc Việt Nam nhằm “xóa đi lớp ngụy trang của kẻ thù” và “cắt đứt mọi liên lạc về đường bộ, đường sắt, cầu cảng mang tiếp tế từ những người cộng sản Trung Quốc”. Tuy nhiên, trong cơn bão chỉ trích sau đó, ông lại phủ nhận “chưa bao giờ muốn sử dụng vũ khí hạt nhân  nếu vũ khí thông thường có thể làm được việc đó” và “chỉ lặp lại gợi ý từ những quan chức quân sự cao cấp.”

Giai đoạn 1967-1972

Ngay trước cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, lực lượng cách mạng Việt Nam đã tấn công Mỹ tại nhiều điểm chiến lược. Đặc biệt, tại chiến trường Khe Sanh, bộ đội Việt Nam đã bao vây liên tục khoảng 6.000 lính thủy đánh bộ Mỹ, tạo nên áp lực lớn cho giới chức cầm quyền của Mỹ. Theo tài liệu mật công bố, vào cuối tháng 1/1968, Tướng Westmoreland đã cảnh báo “tình hình ở Khe Sanh ngày càng trở nên tồi tệ, có thể phải dùng đến vũ khí hạt nhân hoặc hóa học”. Ông nhận xét, việc sử dụng chiến thuật vũ khí hạt nhân ở Khe Sanh sẽ hợp lý và khôn ngoan vì đây là khu vực không người ở, số lượng thương vong thấp. Trong  khi đó, cũng giống như việc ném bom Nhật Bản hay răn đe Triều Tiên bằng bom hạt nhân, đã góp phần chấm dứt chiến tranh, thì việc sử dụng bom hạt nhân sức công phá yếu ở Việt Nam, cũng sẽ có tác dụng tương tự. Tuy nhiên, do bị rò rỉ thông tin về kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân mà nó bị bác bỏ. Thủ tướng Anh bấy giờ, Harold Wilson đã phát biểu: “Quả thật là điên rồ nếu lại sử dụng bom hạt nhân. Nó không chỉ đem lại hậu quả không hay ho cho chính vị thế của Mỹ mà còn có thể khởi đầu cho việc leo thang chiến tranh trên toàn thế giới”.

Tình hình căng thẳng của lính Mỹ tại Khe Sanh là căn cứ để Tướng Westmoreland đề xuất sử dụng vũ khí hạt nhân công suất thấp.

Tổng thống Mỹ, Johnson cũng đã phản ứng kịch liệt với vấn đề  này nhằm xoa dịu dư luận trong nước đang cực kỳ bức xúc: “Trong suốt 7 năm qua, tôi chưa hề nhận được yêu cầu nào về triển khai vũ khí hạt nhân, do đó tôi muốn chấm dứt ngay lập tức những tranh cãi về nó”. Rốt cuộc, tướng Westmoreland được giao nhiệm vụ giải cứu bằng vũ khí thông thường đối với mặt trận Khe Sanh. Những pháo đài bay B-52 của Mỹ đã dội hơn 100.000 tấn bom xuống vùng giao tranh chỉ 8 km2 giữa hai bên, biến cuộc tấn công trở thành đợt dội bom dày đặc nhất trong lịch sử thế giới.

Tuy nhiên, giai đoạn Việt Nam bị đe dọa nhiều nhất chính là từ thời điểm Richard Nixon đắc cử Tổng thống Mỹ vào đầu năm 1969.  Với sự nôn nóng cũng như mục tiêu hàng đầu khi đắc cử là sớm kết thúc chiến tranh tại Việt Nam, vị tổng thống này nhiều lần đề xuất cũng như bật đèn xanh về vấn đề nhạy cảm: sử dụng vũ khí hạt nhân. Các nhà hoạch định chính sách hiểu rằng, mức độ phá hoại của vũ khí hạt nhân không cân xứng với mong muốn của họ với xung đột tại chiến trường Việt Nam, sự dè chừng đối với mối nguy hiểm nếu làm bùng phát xung đột cục bộ trở thành chiến tranh toàn cầu, đặc biệt với Liên Xô. Sự cân nhắc giữa ý kiến của Quốc hội, đồng minh và cộng đồng thế giới, sự đánh giá khả năng phòng bị trước sự trả  thù của đối tượng bị tấn công hạt nhân. Tuy nhiên, bỏ qua những tối kỵ này, Nixon cùng cố vấn cấp cao Kissinger, tướng Wheeler và Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird hoạch định Chiến dịch Duck Hook quy mô và hoành tráng nhất (theo dự kiến) nhằm tạo ra một bước ngoặt nhanh chóng trên chiến trường, với các cuộc tấn công quy mô làm choáng váng chính phủ cách mạng Việt Nam, tạo thuận lợi trong đàm phán Paris cũng như kết thúc chiến tranh.

Điểm nhấn trong kế hoạch là phương án tấn công chủ chốt cuối cùng trong chuỗi 5 phương án với tên gọi “chiến tranh leo thang”, thông qua sử dụng vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học. Theo đó, đường mòn Hồ Chí Minh sẽ là mục tiêu tối thượng của bom hạt nhân, vì đây là  con đường chuyển quân và tiếp tế chủ chốt từ Bắc vào Nam. Ngoài ra, các tuyến đường sắt mà Việt Nam nhận tiếp tế từ Liên Xô và Trung Quốc cũng thuộc phạm vi tấn công của vũ khí hạt nhân. Các điểm chủ chốt về quân đội và kinh tế quanh Hà Nội, cảng Hải Phòng cũng là mục tiêu lựa chọn được nêu trong chiến dịch.

Tổng thống Nixon và Cố vấn an ninh Kissinger trong Căn Phòng Bầu Dục bàn luận về kế hoạch với chiến tranh Việt Nam.

Tuy nhiên, vấp phải sự chống đối mạnh mẽ của dư luận với các phong trào phản đối chiến tranh của cả trong và ngoài nước, cộng với lo ngại về ảnh hưởng ngược chiều của chiến dịch và đặc biệt là sự phản đối của hai trụ cột là Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird và Ngoại trưởng William P. Rogers, Tổng thống Nixon buộc từ bỏ ý định với chiến dịch Duck Hook.Tuy nhiên, Tổng thống Nixon vẫn nung nấu kế hoạch muốn ném bom hạt nhân xuống miền bắc Việt Nam. Trong cuộc nói chuyện được ghi âm lại và công bố vào năm 2002, ngày 25/04/1972 thảo luận về chiến dịch Linebacker của quân đội Mỹ với quân đội miền Bắc Việt Nam, Nixon đã lại đề cập mong muốn sử dụng bom hạt nhân” như một  đòn nặng nề, không chỉ phá hủy sức mạnh mà còn là một đòn tâm lý nặng nề lên chính quyền Hà Nội và cộng đồng các nước XHCN. Tuy nhiên, đề xuất này bị Henry Kissinger và các cố vấn ngăn lại.

Năm 1975

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, James Schlesinger đề nghị Tổng thống Ford sử dụng bom hạt nhân để ngăn chặn bước tiến của Quân đội Việt Nam ở chiến trường miền Nam, nhưng tổng thống Ford từ chối. Schlesinger là người nổi tiếng với chủ trương về học thuyết vũ khí hạt nhân mới, ủng hộ ý kiến về “phá hủy mang tính đảm bảo” (MAD) như là biện pháp răn đe cuối cùng đối với chiến tranh với khối Liên Xô. Theo ông, thay vì chỉ có 2 lựa chọn, hoặc là không có chiến tranh, hoặc sự phá hủy toàn cầu, Mỹ có thể chọn lấy một vài mục tiêu như cơ sở quân sự để làm điểm tấn công hạt nhân, phá hủy hệ thống cơ sở vật chất của các nước XHCN. Dù vậy, chủ trương của Schlesinger bị khước từ nhưng có những ảnh hưởng nhất định tới những thỏa thuận giữa Mỹ và các nước XHCN, đặc biệt là Hiệp định hạn chế vũ khí tiến công chiến lược (SALT II). Như vậy, các lí do chính đã khiến Mỹ từ bỏ mọi dự tính, kế hoạch về sử dụng vũ khí hạt nhân tại Việt Nam trong suốt thời kỳ chiến tranh, bao gồm:

- Chính quyền Mỹ và các quan chức cấp cao nhận ra việc Mỹ đang tiêu tốn quá nhiều sức lực vào cuộc chiến tranh Việt Nam trong khi đồng thời phải giữ gìn sức mạnh tại các khu vực khác như Triều Tiên. Họ không muốn sa lầy và tiêu tốn thêm những khoản chi phí khổng lồ cho chiến trường này.

- Thứ hai, việc sử dụng vũ khí có sức tàn phá khủng khiếp có thể tác động tới các nước láng giềng, khiến cuộc chiến tranh có thể mở rộng và động chạm tới Trung Quốc hay các quốc gia ở Tây Thái Bình Dương khác, đặc biệt là Đài Loan, Philippines, Hàn Quốc, nơi Mỹ đặt các cơ sở  quân sự. Nó cũng sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến với chủ nghĩa Cộng sản trên toàn thế giới.

 


PHỤ LỤC C:

Fatima Hóa của Phương Tây

Các bước khơi mào tôn giáo và ý thức hệ dẫn đến cuộc chiến Việt Nam.

(link)


“Cuộc chiến tranh lạnh” như một bước dẫn đến “chiến tranh nóng”     Hoa Kỳ và Vatican chuẩn bị sẳn sàng cho “NGÀY ẤY” – Điều-kiện hóa dân Ca-tô cho “cuộc chiến tranh nóng” sắp đến  Thông điệp  của Đức Mẹ Fatima  Cải đạo nước Nga Soviet theo Giáo Hội Ca-tô  Ẩn ý chính trị của việc sùng bái Fatima  Giáo hoàng và Đức Mẹ khuyến khích quân tình nguyện cho mặt trận Nga.


  

Trước khi đi vào những sự kiện theo thời gian mà rốt ráo đã dẫn đến việc dính líu của Hoa Kỳ vào  cuộc chiến ở Việt Nam, thiết nghĩ cũng nên xem qua xu thế ý thức hệ của những năm trước lúc bộc phát; nếu không thì không thể hiểu chính xác những vấn đề cơ bản.

Sau Thế chiến II, Hoa Kỳ và Vatican đã kết ước thành một liên minh hổ tương, như chúng tôi đã nói đến, chủ yếu là để ngăn chận chủ nghĩa Cộng sản Nga  ở châu Âu và châu Á. Tính hiếu chiến của sách lược hổn hợp này cộng với sự quyết tâm của nước Nga Soviet là cấy chủ nghĩa cộng sản ở bất kỳ nơi nào nó có thể, đã sản sinh ra điều mà ta gọi là “Chiến tranh lạnh”. Theo cái nhìn của nhiều phe thì Chiến tranh lạnh là bước khơi mào cho một cuộc chiến tranh nóng, trong trường hợp này, sự bộc phát Thế chiến thứ III.

Điều này không phải là phỏng đoán hay tưởng tượng, mà là một triễn vọng dựa trên những yếu tố cụ thể về quân sự và chính trị. Hoa Kỳ và Vatican đã hoạt động tích cực trong lĩnh vực riêng của mình, chuẩn bị cho “Ngày Ấy.” Trong khi Hoa Kỳ bận rộn chuẩn bị quân sự thì Vatican bận rộn chuẩn bị về tôn giáo. Điều này bao gồm sự động viên niềm tin tôn giáo, và nguy hiểm hơn, sự đẩy mạnh chủ nghĩa xúc động tôn giáo.

Vatican là một trung tâm ghê gớm về ngoại giao và ý thức hệ bởi dưới tay nó có cả một guồng máy tôn giáo của Giáo hội. Trong thời chiến tranh lạnh, nó đã sử dụng guồng máy này nhuần nhuyễn mà không một giáo hội (tôn giáo) nào khác sánh nổi.

Giáo hoàng Pius XII là kẻ cả tin vào sự không thể tránh khỏi, và dĩ nhiên “tính cần thiết,” của Thế chiến thứ III. Vì mục tiêu ấy mà ông ta đã hoạt động không ngừng trong mặt ngoại giao, chủ yếu với Hoa Kỳ, với sự hợp tác của bộ phận Ca-tô vận động hành lang ở Washington, D.C. Dù chúng tôi có nói đến ở vài nơi sự vận động ám muội của bộ phận này, nhưng chúng ta nên chú tâm vào một nhân vật tôn giáo mà Giáo hoàng Pius XII và một số chính khách Mỹ đã thực hiện trong lĩnh vực thuần tôn giáo cốt để chuẩn bị đặc biệt cho Thế chiến III.

Điều này có thể làm được bởi Giáo hoàng Pius XII, cho đến nay, đã thành công trong việc điều-kiện-hóa hằng triệu dân Ca-tô, cả ở châu Âu và Hoa Kỳ chấp nhận tính bất khả tránh của một cuộc chiến tranh như thế, hầu như là một cuộc thánh chiến khích động từ Thiên chúa. Ông ta biện hộ điều ấy cho là chính Đức Mẹ Đồng Trinh đã trở thành đồng minh của ông ta. Vì trong thảm trạng ở Việt Nam, Vatican đã dùng chủ nghĩa xúc động tôn giáo của Đức Mẹ Fatima cho các mục tiêu chính trị, chúng ta phải xem qua quá trình của sự sùng bái này.

Đức Mẹ Fatima đã hiện ra lần đầu trước ba đứa trẻ thất học ở Fatima, một vùng hẻo lánh của xứ Bồ đấo Nha vào năm định mệnh 1917, năm có cuộc cách mạng Nga.

Giáo hoàng Pius XII (1939-58) là một nhà ngoại giao tài giỏi, một chính trị gia xảo quyệt và một thập tự quân ngoan đạo. Những đặc tính này đã làm ông ta thành một trong những nhân vật lỗi lạc trong thời đại chúng ta. Ông đã biến Giáo Hội Ca-tô thành một công cụ chính trị toàn cầu. Hơn cả những người ngoài nước Đức, ông đã giúp Hitler cầm quyền. Nguồn ám ảnh nổi bật của ông là chủ nghĩa Cộng sản và ông đã trở thành kẻ xúi giục Chiến tranh lạnh. Ông là cái trục tôn giáo mà cuộc thánh chiến của Ca-tô chống lại chủ nghĩa Cộng sản quay quanh. Hồng Y Spellman, như là phát ngôn viên của ông ở Hoa Kỳ, đã ảnh hưởng sâu rộng đến chính khách Mỹ và dư luận quần chúng, đã cho viên ngoại trưởng chống-Nga John Foster Dulles một lời giải thích thần bí. Qua Spellman, Giáo hoàng Pius XII đã mưu toan lèo lái quân lực Hoa Kỳ chống chủ nghĩa cộng sản ở Triều Tiên và Việt Nam, và hoàn toàn “im lặng” khi vào năm 1954, quân đội Hoa Kỳ tính dùng vũ khí hạt nhân ngay lúc ban đầu của cuộc chiến Việt Nam.

Sự hiện ra của Bà còn kèm theo vài phép lạ:

Mặt trời trở nên nhợt nhạt, nó quay quanh nó ba lần, tựa như một cái vòng xe Catherine … [LND: Dùng trong việc đốt pháo bông] Cứ hết một vòng quay nó nhảy ra khỏi quỉ đạo và tiến đến dân chúng theo lối đi hình chữ chi, dừng lại, rồi trở về vị trí bình thường cũ.

Việc này kéo dài khoảng 12 phút và đã được một nhóm dân đông đảo gần bầy trẻ chứng kiến. [1]

Có điều là Giáo hội Ca-tô đã chẳng thèm để ý đến hai ngàn triệu dân khác trên thế giới chẳng hề biết đến chuyện mặt trời rúng động, quay cuồng rồi nhảy ra khỏi quỉ đạo.

Ngược lại, quần chúng Ca-tô được bảo phải tin rằng mặt trời đã thực sự di động theo “hình chữ chi” ngay khi Đức Mẹ hiện ra; như là chứng cớ chân thật của sự có mặt của Bà, và dĩ nhiên “thông điệp của Bà.

Thông điệp của Đức Mẹ Đồng Trinh đã khiến Giáo Hoàng thực hiện lễ “dâng hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm,” tiếp theo là “dâng hiến nước Nga.” Bà đã báo trước rằng “Nước Nga sẽ được cải đạo,” “Đức Thánh Cha sẽ dâng hiến nước Nga cho ta.”  Nhưng Bà cảnh cáo, nếu việc này không thành thì “những sai lầm của nước Nga sẽ lan tràn khắp thế giới, gây nên chiến tranh và khủng bố…. những nước khác sẽ bị hủy diệt …” Tuy thế cuối cùng thì Đức Mẹ Đồng Trinh hứa hẹn bằng lời an ủi rằng Giáo Hội Ca-tô sẽ chiến thắng, sau đó “Đức Thánh Cha sẽ hiến dâng nước Nga cho ta. Rồi nước Nga sẽ được cải đạo và một giai đoạn hòa bình sẽ được ban cho thế giới.”

Những câu dẫn nói trên là từ những thông điệp đầy thẩm quyền của chính Mẹ Đồng Trinh Mary, như đã được một trong những đứa trẻ kể lại và  Giáo hội Ca-tô đã hồ hởi chấp nhận như là một sự khải huyền chân thật của “Mẹ của Chúa.” [2]   

Trong vòng vài năm, sự sùng bái Fatima đã gia tăng đáng kể. Số người hành hương được nhân lên từ 60 vào ngày 13 tháng 6, năm 1917 đến 60 ngàn vào tháng 10 cùng năm. Từ 144 ngàn trong năm 1923, đến 588 ngàn vào năm 1928. Tống số trong 6 năm lên đến hai triệu người. [3]

Vatican nghiêm túc tin tưởng vào lời hứa (của Đức Mẹ). Đức Ông Pacelli, Giáo hoàng Pius XII trong tương lai, bấy giờ là trợ tá lão thành bên sau giáo hoàng Pius XI, bảo trợ một sách lược ủng hộ chủ nghĩa Phát-Xít  tại Ý và rồi Quốc Xã tại Đức, để giúp làm cho lời tiên tri thành sự thật. Đúng ra, ông ta đã trở thành công cụ chính giúp Hitler nắm được quyền lực. Ông ta đã kêu gọi Đảng Ca-tô Đức bầu cho Hitler vào cuộc tổng tuyển cử cuối vào năm 1933. [4] Ý tưởng cơ bản thực đơn giản. Chủ nghĩa Phát-Xít và Quốc Xã ngoài việc đập tan các đảng Cộng sản ở châu Âu cuối cùng sẽ đập tan Cộng sản Nga.

Vào năm 1929, Giáo hoàng Pius XI đã ký một Điều Ước (concordat) và Hiệp Ước Lateran với Mussolini và đã gọi ông ta là “kẻ đã được Thương đế sai xuống.”  Năm 1933, Hitler được bầu làm Thủ tướng nước Đức. Năm 1936, Franco khởi đầu cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Khoảng 1938 thì hai-phần-ba châu Âu đã bị Phát-Xít-hóa và những tiếng động âm ỉ của đê nhị thế chiến đã dần được nghe rõ khắp nơi. (xin mời xem http://www.sachhiem.net/TONGIAO/Suutam2.php  Để biết thêm về liên minh giữa Vatican và Đức Quốc xã Naxi trước và trong Đệ nhị Thế chiến - Chú thích của sachhiem.net)

Cùng lúc thì châu Âu cũng đã bị Fatima-hóa. Sự sùng bái Fatima, coi trọng lời hứa của Đức Mẹ Đồng Trinh về việc cải đạo nước Nga, đã được Vatican đanh trống thổi kèn rùm beng. Năm 1938, một đặc sứ của giáo hoàng được gởi đến Fatima, và tức khắc nửa triệu người hành hương được bảo rằng Đức Mẹ Đồng Trinh đã tiết lộ ba điều bí mật cho mấy đứa trẻ. Vì thế vào tháng 6 cùng năm, một đứa bé còn sống sót – đã theo lời khuyên của Cha nghe xưng tội, lúc nào cũng tiếp xúc với bề trên và như thế với Vatican – đã tiết lộ nội dung của hai trong ba điều bí mật:

1. Điều đầu tiên là một quang cảnh Địa ngục (có cái gì hơi giống với thế giới hiện đại).

2. Điều thứ hai là đúng chóc vào trọng điểm: một sự lập lại rằng nước Nga Soviet sẽ được cải đạo theo Giáo Hội Ca-tô.

3. Điều thứ ba đã được niêm phong trong một bì thư và giới chức tòa thánh cất giử, chỉ được tiết lộ vào năm 1960.

Sự lập lại đầy kịch tính của một sự tiết lộ điều bí mật thứ hai về nước Nga Soviet lập tức mang một ý nghĩa to lớn về chính trị và tôn giáo. Thời điểm của việc “tiết lộ” thật là khéo chọn. Những nhà độc tài Phát-Xít cũng đang nói cùng giọng điệu: Hủy diệt nước Nga Soviet.

Năm sau, 1939, đệ nhị thế chiến bộc phát. năm 1940 nước Pháp bị đánh bại. Toàn châu Âu trở thành Phát-Xít. Năm 1941, Hitler xâm lăng Nga. Lời tiên đoán của đức Mẹ Đồng Trinh rốt cuộc đã sắp được hoàn thành. Tại Vatican mọi người đều vui mừng vì bây giờ Pacelli đã trở thành giáo hoàng dưới danh hiệu Pius XII (từ năm 1939).

Pius XII khuyến khích dân Ca-tô tình nguyện cho mặt trận Nga. Dân Ca-tô – hầu hết đều sùng tín Đức Mẹ Fatima – tham gia vào quân đội Quốc Xã, từ Ý, Pháp, Ái Nhĩ Lan, Bỉ, Hòa Lan, Nam Mỹ Latin, Hoa Kỳ và Bồ đào Nha. Tây ban Nha gởi một Sư đoàn Xanh Ca-tô.

Tháng 10, 1941 trong khi quân đội Quốc Xã tiến dần đến Moscow, Pius XII đang hiệu triệu giáo dân Bồ, thúc họ nên cầu nguyện cho một sự chóng hiện thực lời hứa của Đức Mẹ Fatima.  Năm sau, 1942, sau khi Hitler tuyên bố nước Nga Cộng sản đã bị đánh bại “dứt điểm”, Pius XII, trong một Thông Điệp Hân Hoan, hoàn thành phần đầu của giáo lệnh Đức Mẹ và “dâng hiến thế giới cho trái tim vô nhiễm của Bà.” 

“Sự hiện ra (của Bà) ở Fatima mở ra một thời đại mới.”    Hồng Y Cerejeira đã viết trong cùng năm. “Đó là điều báo trước những gì mà Trái tim Vô Nhiễm của Mary chuẩn bị cho thế giới.” Thời đại mới, vào năm 1942 là cả lục địa châu Âu bị Quốc Xã hoá với nước Nga hầu như bị xoá khỏi bản đồ, Nhật bản chiếm một nửa châu Á và chủ nghĩa Phát-Xít thế giới đang ở cực điểm khắp nơi.

Đế quốc Phát-Xít biến mất với sự sụp đổ của Hitler. Vào năm 1945, Đệ nhị Thế chiến chấm dứt. Và trước sự ngạc nhiên đầy phiền muộn của Giáo Hoàng Pius XII, nước Nga Soviet lại trổi dậy thành nước hùng mạnh thứ hai trên thế giới.

xem phiên bản Anh ngữ


Ghi chú:

[1] Mô tả của Cha Giòng Tên, H.S. De Caires, được Giám Mục ở Dublin cho phép, 1946.

[2] Mô tả của Cha Giòng Tên, H.S. De Caires, được Giám Mục ở Dublin cho phép, 1946. “Fatima,” Hội Sự Thật Ca-tô xứ Ái Nhĩ Lan, 1950.

[3] Xem “Fatima,” Hội Sự Thật Ca-tô xứ Ái Nhĩ Lan, 1950.

[4] Nhiều chi tiết về vai trò của Đặc sứ Giáo hoàng Pacelli trong việc giúp Hitler giành quyền lực, xem cuốn “Va


tican trong nền chính trị thế giới “ (The Vatican in World Politics) của cùng tác giả, 444 trang, Horizon Press, New York. 1949.

Ghi chú của Nhà xuất bản:

Ngày 31 tháng 10, năm 1917 cũng là ngày kỷ niệm lần thứ 400 khai sinh Phong Trào Cải Cách Giáo Hội Ca-tô (the Reformation), [LND: đã đưa đến sự thành lập Phản thệ giáo ở thế kỷ 16.]  Có thể là một lễ hội tưng bừng đã bị phá nát bởi Đệ Nhất Thế Chiến.

Tác giả: Avro Manhattan

Người Dịch: Trần Thanh Lưu

 


PHỤ LỤC D:

Giáo Hoàng Ban Phép Cho Một Cuộc Chiến Phòng Ngừa

Bộ trưởng Hải Quân Hoa Kỳ, Cận thần bí mật của Giáo Hoàng, chuẩn bị cho Chiến tranh Thế giới thứ III.


Vương miện nặng 1200 grams vàng - Đức Mẹ xuất hiện 15 lần trước một nữ tu ở Phi Luật Tân Dòng Tên ở Mỹ và những cánh hoa hồng mầu nhiệm   Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhảy từ một cửa sổ tầng 16   Hồng Y Spellman, Thượng nghị sĩ McCarthy và Bộ trưởng Hải quân Mỹ   Diễn văn ở Boston kêu gọi một cuộc "chiến tranh nguyên tử phòng ngừa" của Mỹ.


(link nguồn)

Với sự bại trận của quân đội Quốc Xã và việc Hitler tự tử, sự nhiệt tâm sùng bái Fatima đã bị khựng lại bỗng đột ngột được hồi sinh. Trong tháng mười, năm 1945, Vatican ra lệnh cho tổ chức những cuộc hành hương khổng lồ đến linh địa.

Năm sau, 1946, Đức Mẹ đã được làm lễ đội vương miện trước hơn nửa triệu kẻ hành hương. Vương miện cân nặng 1200 grams vàng, đính 313 viên ngọc, 1250 đá quý và 1400 kim cương. Giáo hoàng Pius XII từ Vatican đã hiệu triệu tín đồ hành hương qua đài phát thanh, nói rằng các lời hứa của Đức Mẹ sẽ được hoàn thành. Ông cảnh báo "Hãy sẵn sàng!". "Không thể có kẻ lừng khừng. Không bao giờ được lùi bước. Hãy xếp hàng lên đường như những thập tự quân!" [1]

Năm 1947, Chiến tranh Lạnh bắt đầu. Lòng thù ghét Cộng sản Nga đã được đẩy mạnh, cầm đầu bởi Vatican; nó đã tiến hành một cuộc “hành hương” rước tượng Đức Mẹ quanh thế giới với “thông điệp" của bà. Bà đã được gửi đến hết nước này qua nước nọ để dấy động sự khinh miệt chống Nga. Toàn bộ các chính phủ đón tiếp bà. Trong vòng vài năm, cùng lúc với Chiến tranh Lạnh leo thang, tượng bà đã đi qua Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ và châu Úc, đã viếng năm mươi ba quốc gia. Sự chia rẽ Đông-Tây tiếp tục mở rộng.

Năm 1948, cuộc chạy đua hạt nhân kinh hoàng giữa Mỹ và Nga bắt đầu. Năm 1949, để tăng cường mặt trận chống Nga, Pius XII phạt vạ tuyệt thông với bất kỳ cử tri nào ủng hộ Cộng Sản. Và ngay sau đó những nhà thần học Mỹ bảo rằng Hoa Kỳ mang sứ mệnh khi sử dụng bom nguyên tử. [2]

Năm 1950 tiếp theo, “tượng hành hương” của Đức Mẹ Fatima, đã bắt đầu du lịch từ 1947, chính vào năm khởi đầu Chiến tranh Lạnh, đã được gửi bằng máy bay, có Cha Arthur Brassard đi kèm, đến. . . Moscow với chỉ thị trực tiếp của Giáo hoàng Pius XII. Tại đấy, với sự chấp thuận nồng hậu của Đô đốc Kirk, Đại sứ Hoa Kỳ, bà đã được long trọng đặt trong nhà thờ của ngoại giao đoàn nước ngoài. Vì lý do cụ thể gì? "Để chờ việc giải phóng Nga Soviet gần kề."

Chưa hài lòng với việc này, chính Đức Mẹ lại xuất hiện mười lăm lần nữa cho một nữ tu ở Phi Luật Tân. Bà lặp lại lời cảnh báo chống cộng sản của bà, rồi ngay sau đó một trận mưa cánh hoa hồng rơi trên chân của nữ tu. Một tu sĩ dòng tên Mỹ đã mang những cánh hoa hồng kỳ diệu ấy về Hoa Kỳ để làm sống lại nhiệt tình của dân Ca tô cuồng tín, cầm đầu bởi Thương nghị sĩ gian ác McCarthy và nhiều kẻ ủng hộ y. [3]

Những kẻ hiếu chiến Mỹ, dẫn dắt bởi đám Ca-tô nổi danh, khi đó đã hăng say chuẩn bị cho một cuộc đối đầu hạt nhân với Nga. Giới chóp bu Ca-tô trong các vị trí trách nhiệm nhất đã không bàn đến chuyện gì khác. Ngày 6 tháng tám, 1949, Bộ trưởng tư pháp Ca-tô MacGrath đã diễn thuyết trước "đội quân xung kích" Ca-tô Hoa Kỳ - mang danh là những Hiệp sĩ của Columbus – tại đại hội của họ ở Portland, Oregon. Ông thúc giục giáo dân Ca-tô "hãy vùng lên và khoác thiết bào của chiến sĩ Giáo Hội trong trận chiến bảo vệ Ki-tô giáo.” (Ki-tô giáo hay Cơ đốc giáo, tất nhiên, có nghĩa là Giáo Hội Công Giáo.) Ông tiếp tục khuyến khích "một cuộc tấn công táo bạo."

Rước tượng Fatima. Sự sùng bái Fatima bắt nguồn từ sự xuất hiện cho là của Mẹ Đồng Trinh (MĐT) trước mặt ba đứa trẻ bệnh hoạn ở Fatima, Bồ Đào Nha, trong năm 1917. Với sự ra đời của Nga Bolshevik và thế giới cộng sản, sự sùng bái liền được chuyển thành một cuộc thánh chiến ý thức hệ. Nó đã được Pius XII, Hồng y SpellmanJohn Foster Dulles sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến ý thức chống Nga. Tượng MĐT đã được gửi hành hương toàn cầu, đến các thủ đô trên thế giới để khơi dậy nhiệt tình tôn giáo. Một trong những thủ đô bà đến viếng lại chính là Moscow, dưới sự bảo trợ che đậy của các tòa đại sứ phương tây dẫn đầu bởi Hoa Kỳ.

Nữ tu Lucia, người tự cho là đã từng nhìn thấy và nói chuyện với MĐT tại Fatima, Bồ Đào Nha trong thời gian Đức Bà xuất hiện ở đấy vào năm 1917. Chỉ có một mình cô trong số ba đứa trẻ đã nhìn thấy MĐT. Cô đã trở thành một nữ tu trong dòng kín Carmelite ở Coimbra.

Trong cùng năm đó một tín đồ Ca-tô khác, một trong những nhân vật nắm chức vụ quan trọng của chính quyền Hoa Kỳ, James Forrestal, một thánh-chiến-quân chống cộng ở trong và ngoài nước, đã giúp Giáo hoàng Pius XII giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử tại Ý bằng cách gửi tiền Mỹ, cộng thêm tiền túi riêng của mình. James Forrestal, người đã rất thường xuyên liên hệ với Vatican và với Hồng y Spellman, hiểu rõ hơn bất kỳ người nào khác về những gì xảy ra trong một số thành phần giáo dân Ca-tô và Mỹ. Lý do đơn giản: chính ông là Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ.

Một ngày, khi nghe tiếng một phi cơ dân sự bay trên đầu, ông nhào tới trên một con đường ở Hoa-Thịnh-Đốn hô lên một lời tiên báo hầu như định mệnh: "Người Nga đã xâm lăng nước chúng ta!" ông la lên. Sau đó, bất kể các lời bảo đảm của Pius XII rằng người Nga có thể bị đánh bại với sự giúp đỡ của Mẹ Đồng Trinh, tín đồ Ca-tô James Forrestal, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã nhảy từ một cửa sổ trên tầng thứ 16 của một tòa nhà ở thủ đô Mỹ, hét to rằng người Nga nên bị tiêu diệt trước khi quá muộn. [4]

Năm sau một con chiên cuồng tín Ca-tô khác được bổ nhiệm vào chức vụ quan trọng. Francis Matthews đã được đề cử làm Bộ trưởng Hải quân Mỹ. Vào buổi sáng tuyên thệ nhậm chức (tháng sáu, 1949), Matthews, ông cùng vợ và tất cả 6 đứa con của họ đồng khẩn thiết làm lễ rước bánh và rượu thánh trong nhà nguyện của căn cứ Hải quân ở Washington, D.C.

Vài tháng sau đó (tháng mười, 1949) Hồng y Spellman đã được Giáo hoàng cho triệu đến Rome để bàn việc, và ông ta đã lại được tiếp riêng trong nhiều giờ. Mặc dù đã có nhiều điều phong thanh nhưng bí mật vẫn được giữ kín.

Điều kỳ lạ là tín đồ Ca-tô mới, Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ, ngay sau đó đã bắt đầu những tiếp xúc tích cực bất thường với giáo dân Ca-tô Mỹ nổi tiếng khác. Trong số này có Cha Walsh, thuộc dòng tên, Viện Phó trường Đại học Georgetown;

James Forrestal, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, một người Mỹ trung kiên và vị tha, là một trong những nạn nhân bi thảm của Chiến tranh Lạnh đã được gài ở bậc cao nhất. Tính bất khoan nhượng tàn nhẫn của Stalin và sự khiếp sợ cộng sản của phương Tây đã được khéo léo khai thác bởi Giáo hoàng Pope Pius XII.

Ông ta đã thực hiện điều này bằng việc tận dụng tôn giáo và không ngần ngại đẩy mạnh sự sùng bái Fatima. Lời tiên tri cao tột của sự sùng bái này là: Chính thống giáo của Nga sẽ trở thành Ca-tô. Việc hoàn thành lời tiên tri này mang ẩn ý phương Tây xâm lăng quân sự và chiếm đóng nước Nga.

Forrestal, đã được Vatican thuyết trình tỉ mỉ về mối đe dọa của Cộng sản, đến nổi tin rằng một cuộc đương đầu vũ khí hạt nhân giữa Nga và Hoa Kỳ không thể nào tránh khỏi. Ông đã chết vào tháng năm, 1949 khi ông nhảy từ một cửa sổ tầng 16 của Bệnh viện Hải quân Bethseda.

Người kế vị ông tiếp tục với nổi ám ảnh về chủ nghĩa Cộng sản của Forrestal, và còn đi xa hơn là đòi có “một cuộc chiến tranh nguyên tử phòng ngừa cho Mỹ." Tuy việc can thiệp của Mỹ trong vùng Đông Nam Á không trực tiếp dính líu vào vụ việc này nhưng nó giúp làm gia tăng sự xung đột ý thức hệ ở đấy và do đó, leo thang quân sự của khu vực ấy.

Hồng y Spellman, cùng với thủ lãnh Hội Cựu chiến binh Mỹ; các lãnh đạo của cựu chiến sĩ Ca-tô và với Thượng nghị sĩ McCarthy, tên thượng nghị sĩ gian ác, dựa trên sự tư vấn của một tu sĩ Ca-tô, bắt đầu chiến dịch bỉ ổi làm tê liệt một nửa Hoa Kỳ trong vài năm tới. Báo chí Ca-tô bắt đầu một chiến dịch tâm lý chiến toàn quốc. Một lần nữa lại gợi ý công khai về một cuộc chiến tranh nguyên tử cấp tốc.

Cao điểm của tất cả các hoạt động này là một bài diễn văn ở Boston vào ngày 25 tháng tám, 1950 bởi ông F. Matthews. Bộ trưởng Ca-tô cáo già của Hải quân Hoa Kỳ, phát ngôn viên của một số lực lượng trong nước và ở Vatican, kêu gọi Hoa Kỳ phát động một  cuộc tấn công Nga Soviet, để người Mỹ thành "kẻ xâm lăng đầu tiên cho nền hòa bình." "Là những kẻ phát động một cuộc chiến tranh xâm lược," ông thêm, "nó sẽ chiến thắng cho chúng ta một danh vị đáng hãnh diện và ưa chuộng: chúng ta sẽ trở thành những kẻ xâm lược cho nền hòa bình." Lời phát biểu đã tạo ra một khích động ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Pháp tuyên bố rằng họ "sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc chiến tranh xâm lăng nào... vì một cuộc chiến tranh phòng ngừa sẽ không giải phóng cái gì mà chỉ mang lại những tàn phá và những nghĩa địa cho nền văn minh của chúng ta." [5] Nước Anh còn gửi một kháng thư gay gắt hơn.

Trong khi mọi người trên thế giới rùng mình trước lời đề nghị quái gở thì George Craig của Hội Cựu chiến binh Mỹ lại tuyên bố (tháng tám, 1950) rằng, vâng, "Hoa Kỳ nên khởi đầu Chiến tranh Thế giới thứ III với các điều khoản riêng của chúng ta " và nên sẵn sàng khi có tín hiệu ban ra để "các pháo đài bay của chúng ta tung cánh về hướng Moscow."

Chuyện hô hào cho một "cuộc chiến tranh nguyên tử phòng ngừa" đã được một tín đồ Ca-tô xướng lên lần đầu như vậy không phải thuần là sự trùng hợp. Ông Matthews, thủ lĩnh của một binh chủng quan trọng nhất của quân lực Mỹ, binh chủng Hải quân Mỹ, công cụ chiến tranh trên biển lớn nhất thế giới, đã trở thành cái loa của ông chủ tinh thần của y là Giáo hoàng Pius XII.

Tín đồ Ca-tô cáo già Matthews không chỉ là tên thường xuyên hôn nhẫn của các chức sắc Ca-tô tại Mỹ, y lại là một trong những nhà quảng bá tích cực của đạo Công giáo hành hoạt tại Mỹ. Bên cạnh đó, ông bộ trưởng Ca-tô này của Hải quân Hoa Kỳ là Chủ tịch của tổ chức Quốc gia Phục vụ Cộng đồng Ca-tô (National Catholic Community Service) và, còn tai hại hơn lại là Hiệp sĩ Tối cao của nhóm Hiệp sĩ Columbus, [6] đội quân xung kích của thế lực Ca-tô tại Hoa Kỳ. Và sau cùng nhưng không kém phần quan trọng, là một bí thư riêng của Giáo hoàng Pius XII. Các chức sắc Ca-tô, báo chí Ca-tô, các Hiệp sĩ của Columbus - tất cả đều hỗ trợ các vận động của Matthews về một cuộc chiến tranh nguyên tử phòng ngừa.

Cha Walsh, tu sĩ dòng tên, giới chức Ca-tô thẩm quyền cao nhất ở Mỹ và là một cựu đặc vụ của Vatican ở Nga (1925), nói với dân Mỹ rằng, "Tổng thống Truman biện minh được về mặt đạo đức khi dùng các biện pháp tương xứng với mối nguy cơ." Trong đó, tất nhiên, ám chỉ việc sử dụng bom nguyên tử. [7] Khi Hoa Kỳ đã tiên phong trong việc sản xuất bom khinh khí, chính Thượng nghị sĩ Brian MacMahon chủ tịch của Ủy Ban Nguyên tử, đã khiếp đãm trước viễn tượng chắc chắn rằng 50 triệu người bị tàn sát với loại vũ khí ghê rợn như thế. [8]

Thế mà dân Ca-tô lại chấp thuận việc sử dụng nó. Cha Connel tuyên bố rằng việc sử dụng bom khinh khí của Hoa Kỳ là hợp lẽ, bởi vì "Cộng sản có thể sử dụng lực lượng vũ trang to lớn của họ... để làm suy yếu những kẻ bảo vệ nhân quyền." Hô hào cho một cuộc chiến nguyên tử phòng ngừa bởi một Hiệp sĩ tối cao của nhóm Hiệp sĩ của Columbus – như ông Matthews – có vẻ thực kinh khủng nhưng khi ta nhớ rằng đối với một số nhà lãnh đạo Ca-tô hoặc, thậm chí ít hơn, với Vatican, diễn văn chiến tranh của ông bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ chẳng làm họ ngạc nhiên tí nào. Ví sao vậy?  Đơn giản là Ông Matthews đã tiết lộ nội dung của bài diễn văn Boston cho các chóp bu Ca-tô vài ngày trước khi nó được tung ra, mà nhân vật chính trong các chóp bu này là thủ lãnh hệ thống chức sắc Ca-tô ở Hoa Kỳ, Hồng y Spellman.

Nên nhớ rằng Hồng y Spellman đã luôn có liên hệ cá nhân với Giáo hoàng Pius XII, và là bạn thân cũng như cố vấn riêng trong các vấn đề chính trị từ Thế Chiến thứ hai. Hơn nữa, Hồng y Spellman còn là nhà tham vấn và bạn riêng của hầu hết các nhà lãnh đạo quân sự có ảnh hưởng của Mỹ. Vì vậy, chuyện gì quan trọng được biết đến ở "Tiểu Vatican" tại New York, nơi cư trú của Hồng y Spellman thường được gọi như thế, thì ngay lập tức Vatican ở Rome đã biết, và ngược lại.

Từ lâu Giáo hoàng Pius XII đã được thông báo đầy đủ về toàn bộ tiến trình trước cuộc nói chuyện của Matthews ở Boston. Thực vậy, bằng chứng cho thấy ông (Giáo hoàng) đã là một trong những kẻ chủ mưu âm thầm. Việc thăm viếng Giáo hoàng liên tục vào thời gian này của các cấp cao lãnh đạo quân đội Mỹ (năm lần trong một ngày), rồi các cuộc gặp gở bí mật thường xuyên với Hồng y Spellman, những lần tiếp xúc không chính thức với các Hiệp sĩ của Columbus - tất cả chỉ ra rằng Pius XII đã biết rất rõ những gì đã xảy ra. [9]

Vài năm sau, trong một bài nói chuyện thánh chiến đầy thù hận được phát sóng cùng lúc với hai mươi bảy ngôn ngữ chính của thế giới qua các đài phát thanh lớn, Pius XII lập lại "nền đạo đức... của một cuộc chiến phòng vệ" (có nghĩa là, cuộc chiến tranh nguyên tử và khinh khí), kêu gọi cho - như tờ London Times mô tả nó một cách chán chường, "điều hầu như dẫn đến một cuộc thánh chiến cho Nước Chúa" và những gì tờ Manchester Guardian đã huỵch toẹt gọi là "lời chúc thánh của Giáo hoàng cho một cuộc chiến phòng ngừa." [10]

 

[Hết Chương 4]

xem phiên bản Anh ngữ


Ghi chú:

1. Pius Xll, trong một lần phát thanh cho dân hành hương đến Fatima, 13 tháng 5, 1946.

2. Cha Edmund Walsh, Viện phó Đại học Georgetown.

3. Cha Ray Goggin, Dòng Tên, Xem Báo chí Phi-luật-tân vào giai đoạn ấy. Còn thêm "The Universe," 21 tháng 4, 1950.

4. Bệnh viện Hải quân Bethesda, Tháng 5, 1949.

 5. The Times, London, 28 tháng 8, 1951.

6. Tài sản tính riêng tại Hoa Kỳ vào những năm 60s định giá là hơn 200 triệu đô-la.

7. Washington Star, và được in lại thành sách bởi Cha Walsh trong Total Empire, Bruce, 1951. Chương về "Atom Bombs and the Christian Conscience." (Bom nguyên tử và Lương tâm Công giáo)

8. The Times, London, 2 tháng 2, 1951.

9. Xem cuốn VATICAN' IMPERIALISM IN THE 20th CENTURY của tác giả, Lyle Stuart, New York, 1966. Chương: "Papal Promotion of Contemporary Religious Superstitions for Political Purposes." (Cổ vũ của Giáo hoàng về các mê tín tôn giáo đương thời cho các mục tiêu chính trị.”)

10. Xem The Times, London, 24 tháng 12, 1956. Và The New York Times, Manchester Guardian, 27 tháng 12, 1956; 7 tháng 1, 1957.

Tác giả: Avro Manhattan

Người Dịch: Trần Thanh Lưu

 


PHỤ LỤC E:

Âm Mưu bí mật giữa Pius-Spellman-Dulles

 Dân nộp thuế ở Mỹ tài trợ cho một “Chế độ độc tài Ca-tô” ở Nam Việt Nam.


Việc chuẩn bị cho một cộng đồng Ca-tô to lớn ở Nam Việt Nam Việc thiết lập một mô hình nhà nước Ca-tô Ban vận động hành lang Ca-tô Hoa Kỳ bắt đầu vắt sữa tiền thuế ở Hoa Kỳ để giúp đỡ Diệm 40 triệu đô la để định cư giáo dân đến từ miền Bắc Việt Nam Viên chức chính phủ và giáo sĩ Ca-tô Viện trợ Mỹ, “chỉ giành riêng cho giáo dân” Đơn vị lưu động Ca-tô để bảo vệ Nước Chúa Một đội dân quân nông thôn Ca-tô Ca-tô hóa nhanh chóng Nam Việt Nam Giáo dân Ca-tô ở trên cao Cải đạo để được đề bạt nhanh chóng Lem nhem viện trợ Mỹ cho Việt Nam Phật tử bị dụ vào đạo Ca-tô Một tướng hàng đầu Hoa Kỳ trở thành một giáo dân Ca-tô Phân biệt đối xử với dân phi Ca-tô Việc tăng cường giáo dân từ miền Bắc cộng sản.

(link nguồn)

Những mục tiêu tối hậu của chiến dịch, ngoài nhữngđiều đã được mô tả, gồm hai phần: (1) Tạo ra một cộng đồng Ca-tô đoàn kết thuần nhấtđể Diệm vàMỹ có thể dựa vào mà đẩy mạnh cuộc chiến tranh chống lạimiền Bắc và những đơn vị du kích quân địa phương. (2) Dựng lênmộtnước Ca-tô toàn trị, để từ đó Vatican có thể vận hành được bộ máy tôn giáo nhiều nhánh của mình tại ChâuÁ.

Là đồng minh chính của Vatican, Hoa Kỳ hỗ trợ cả hai mục tiêu trên, vào thời ấy xem như là những công cụ cần thiết, nhờ đó nó có thể thực hiện chiến lược chính của nó. Vào giai đoạn này, mục đích của Hoa Kỳ là: dứt điểm nhanh cuộc chiến ở Việt nam, dẫn đến hòa bình và ổn địnhtrong tương lai cho toàn khuvực.

Trong khi ấy, đối với Vatican, dưới những điều khoản chính trị và quân sự thì những mục tiêu này đáng được hỗ trợ, tuy vậy, về lâu về dài với chính sách tôn giáo toàn cầu thì bên sau và xa nó vẫn có một mưu đồ quan trọng hơn nhiều. Mưu đồ ấy có thể được tóm gọn là thiếtlập một nước Ca-tô kiểu mẫu ngay chính giữa lòng Đông NamÁ.Sự thành lập của nó buộc phải có một chính quyền Ca-tô toàn trị, khởi hứng từ một nòng cốt giáo dân Ca-tô, phải là 100% tin cậy được về mặt tôn giáo và ý thức hệ, mà họ chẳng thèm đếm xĩa gì đến việc là họ phải cai trị đại đa số dân theo Phật Giáo. Để đạt được mục tiêu này, việc cần thiết trước hết là phải vô hiệu hóa những đối tượng có thể gây trở ngại cho mưu đồ này; thứ đến là trừ khử những kẻ hoạt động chống đối; và cuối cùng là loại bỏ bất cứ ai hay bất cứ cái gì không chịu chấp nhận việc Ca-tô hóa miền Nam Việt Nam.

Mưu đồ này là con đẻ của Giáo Hoàng Pius XII, đã được Hồng Y Spellman ủng hộ, và được John Foster Dulles tiếp tay. Nó đã được chấp thuận bởi bọn chính trị gia hổn tạp trong đám đầu xõ vận động hành lang Ca-tô ở Washington, không kể đến một số thành phần nhất định của CIA, mà nhiều người trong số họ không phải là giáo dân Ca-tô. Nó cũng được chấp nhận bởi một số nhà chiến lược chính trị ở Ngũ Giác Đài, mà quan tâm chính của họ là mưu đồ đó phải phục vụ những mục tiêu chiến lược của Mỹ, theo đó thì muốn gì cũng được.

Chiến dịch tái định cư được tiến hành sốt sắng. Những cơ quan đủ loại được lập nên cho mục đích đó. Chính phủ Diệm đẻ ra thêm chúng mỗi ngày. Những cơ quan có hiệu quả cao nhất là do chính phủ Mỹ lo liệu, hay đúng hơn là bởi dân Mỹ nộp thuế mà đa số là dân Tin Lành. Lập tức tiền của Mỹ được đổ vào. Mỹ trao gấp 40 triệu đô-la để tái định cư dân Ca-tô. Điều này có nghĩa là mỗi giáo dân rời Bắc Việt được đài thọ 89 đô-la bởi Tin Lành Mỹ để tăng cường bộ máy Ca-tô của chính quyền Diệm. Ở đây, phải nhớ rằng, thu nhập trung bình của một người dân Phật Giáo ở nước này chỉ có 85 đô-la một năm.

Hồng y Spellman, một trong những người có khả năng nhất trong các hồng y Mỹ. Ông là một người điều hành tài chính khéo léo và một chính trị gia xông xáo. Ông đã trở thành một trong những kẻ xúi giục gây Chiến Tranh Lạnh vì ông tin rằng chủ nghĩa Bôn-xê-vích, hiện thân ở nước Nga Sô Viết, có bản chất quỉ quái và phải được ngăn chận hay nếu được thì tiêu diệt luôn. Ông là một người bạn thân của của Giáo Hoàng Pius XII từ những ngày mà Pius còn là Papal Nuncio ở Đức và đã giúp Đức Quốc Xã thành lập một chính quyền hợp pháp vào tháng Giêng, 1933. Pius XII dùng Spellman như một phát ngôn nhân cho Vatican ở Mỹ để ảnh hưởng những chính trị gia, doanh nhân, các nhà lãnh đạo quân sự, và nhóm vận động hành lang Ca-tô. Ông tích cực trong việc thuyết phục nước Mỹ chọn Diệm và ủng hộ Diệm làm tổng thống Nam Việt Nam. Ông được phong làm Thống lĩnh Tuyên Úy (Vicar General) của Các Lực Lượng Vũ Trang Mỹ và gọi những người lính Mỹ tham chiến hải ngoại là "Lính Chúa" trong những chuyến viếng thăm thường xuyên đến tuyến đầu của cuộc chiến Việt Nam. Ông tin rằng cuộc chiến đó là một cuộc chiến chính nghĩa để cứu nền văn minh Ki-tô.

Dân nộp thuế Mỹ hỗ trợ giáo dân Ca-tô trong hơn hai năm. Ngoài chuyện đổ vào hàng triệu đô-la, họ còn gởi hàng triệu tấn thực phẩm, dụng cụ nông nghiệp thặng dư, xe cộ và nhiểu loại vật phẩm khác, mọi thứ đều được thanh toán bởi "Chương Trình Cứu Trợ" Mỹ. Nguồn tiếp tế dồi dào không ngừng này của Mỹ được phân phối và từ đó điều khiển luôn bởi "Công tác Cứu Trợ Công Giáo", một bộ phận trong guồng máy của Diệm. Chính quyền và hệ thống giáo phẩm của Ca-tô làm việc ăn khớp với nhau tay trong tay.

Công chức chính phủ phải tham khảo các giáo sĩ Ca-tô về chuyện hàng cứu trợ Mỹ hoặc tiền sẽ được chuyển đi chỗ nào, hoặc cho ai. Kết quả là dân Ca-tô được mọi thứ, trong khi những người ngoài Ca-tô nếu may mắn thì được một bữa ăn hay vài xu.

Hồng y Spellman và Giáo hoàng Pius XII.

Pius luôn luôn có ảnh hưởng sâuđến Hồng y Francis Spellman, Tổng giám mục New York. Ông ta được cất nhắc lên Hồng y trong tháng hai, 1946. Cả hai kiên quyết đề xướng Chiến Tranh Lạnh, không bao giờ kết áncác kế hoạch xử dụng bom nguyên tử của Hoa Kỳ, ngay cả sau khi Tổng thống Truman tuyên bố "xem ra Chiến tranh Thế giới III đang gần kề."

Pius XII tiếp tục hỗ trợcuộc vận động hành lang Hoa Kỳ kêu gọi "một chiến tranh nguyên tử phòng ngừa." Vào năm 1954 khi Quân đội Mỹ lập kế hoạchtấn công hạt nhân bộ đội Việt nam, đang bao vâylính Pháp ở Điện Biên Phủ, chính Vaticanđã hỗ trợ cho cuộc vận động hành langtán thành đề nghị ấy. Dưới thời Eisenhower, khianhem nhàDulles, Spellman và Pius XII giúp hình thành những sách lược củaHoa Kỳ, quân đội Mỹ định thả từ một đến sáu quả bom 31-kiloton lên những lực lượng Việt nam. Những qủa bom này có sức mạnhba lần hơn quả bom ném xuốngHiroshima.Âm mưusử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Việt nam đượcbạch hóatrongcuốn đầu tiên củaloạt 17 cuốnlịch sử chính thức về Chiến tranh Việt nam được xuất bản vào 1984 bởi Phòng Quân sử Lục Quân Hoa Kỳ.

Thực tương phản với những cộng đồng Ca-tô được lĩnh phần lớn đồ viện trợ Mỹ thì những cá nhân hay làng Phật Giáo trên thực tế đã bị bõ qua, cho dù họ đã từ miền Bắc vào hay là người địa phương miền Nam. Kết quả là viện trợ Mỹ, thực phẩm, chuyên viên và những trợ giúp tổng quát hầu hết giành cho riêng người Ca-tô. Để lấy lòng quan chức Quĩ Cứu Trợ Mỹ, thành phần này đã tự tổ chức thành những nhóm dân quân "để chiến đấu chống Cộng Sản và những kẻ ủng hộ họ", ám chỉ người Phật Giáo.

Những nhóm vũ trang Ca-tô này lại được khuyến khích bởi nhân viên Mỹ với sự trợ giúp của những giám mục Ca-tô Việt Nam. Những giám mục này xúi giục và che chở cho vô số những nhóm tự vệ Ca-tô địa phương. Bọn họ trở thành "Những Đơn Vị Ca-tô Cơ Động, Bảo Vệ Nước Chúa" - có nghĩa là bảo vệ Giáo Hội Ca-tô. Họ mọc lên khắp nơi và sau đó được mang danh là "Hãi Yến".

Thêm vào đó, Diệm quan tâm đến việc dân Ca-tô di cư mới phải được đưa vào những vị trí quan trọng trong chính quyền, quân đội chính qui, cảnh sát, từ vị trí cao nhất cho đến cấp tỉnh và quận. Thành ra không mấy chốc, nhiều viên chức và sĩ quan phi-Ca-tô đều bị thay thế hoặc giáng chức, nếu không phải là bị sa thải luôn. Việc Ca-tô hóa bộ máy chính quyền đã được xúc tiến trong thời gian kỷ lục, phải nhớ rằng có sự ủng hộ tích cực của Mỹ.

Mỹ đứng đằng sau chiến dịch bè phái cục bộ khó tin này biểu lộ qua việc chính phái bộ Mỹ đã dựng lên Sở Mật Thám Việt Nam. Đơn vị bán quân sự công khai này được hỗ trợ bởi đám dân quân Ca-tô nông thôn có hơn 40.000 người.

Mọi tầng lớp trong tân chính quyền của Diệm đều được trám bởi giáo dân Ca-tô. Để chắc chắn rằng chỉ có người Ca-tô nắm những vị trí trọng yếu, Diệm dẹp bỏ truyền thống dân chủ làng xã có hàng 500 năm là người trưởng làng phải được dân làng bầu lên và thay thế bằng những giáo dân Ca-tô mới di cư từ bắc vào. Chiêu bài riêng của ông ta là: "Đặt những viên chức Công Giáo vào những vị trí nhạy bén. Họ có thể tin tưởng được."

Để thêm sức nặng vào cấu trúc phản dân chủ đó, Diệm giao nhiệm vụ cho các giáo sĩ Ca-tô cai quản đất do Giáo Hội sở hữu, điều này có nghĩa là trong gần như mỗi làng, giáo sĩ Ca-tô trở thành hầu như một công chức, với quyền lực tôn giáo, quản lý và sức mạnh chính trị. Bên cạnh đó, Diệm thúc đẩy viện trợ của chính phủ cho đủ loại tổ chức Ca-tô. Ông ta còn trợ cấp thêm cho những đơn vị Ca-tô vì những công tác tốt. Bọn cảnh vệ hay các nhóm dân quân, cộng thêm những đơn vị quân đội được huy động để xây dựng và sửa chữa những công trình Ca-tô. Chương trình tuyên truyền Ca-tô được truyền trên đài phát thanh quốc gia. Người Ca-tô được nhanh chóng thăng chức lên những vị trí cao nhất trong quân đội và hệ thống hành chánh. Những giám mục được tiếp đãi như những bộ truởng chính phủ trong những lễ lạc công cộng.

Kết quả to lớn của sự thiên vị trắng trợn cho bất cứ cái gì hay bất cứ ai là người Ca-tô này là nhiều người quyết định theo đạo Ca-tô. Hơn 33.000 người trở thành giáo dân vào cuối năm 1954. Các viên chức trong chính quyền quốc gia hay địa phương đã cải đạo, để không bị ảnh hưởng đến sự nghiệp. Những người có tham vọng cũng làm như vậy. Những kẻ khác sau khi theo đạo mới biết rằng người Ca-tô được thực phẩm, quần áo và tiền bạc tốt nhất, còn thấy rằng ngay cả khi Mỹ gửi cứu trợ thực phẩm cho toàn dân Việt Nam, chỉ có người Ca-tô chắc chắn nhận được trợ giúp, người Phật Giáo thường là không được gì cả.

Sự ưu ái ác ôn này cuối cùng đã bị bộc lộ ở Mỹ và họ nhận ra rằng tất cả những viện trợ được gửi đến Nam Việt Nam, hầu hết được phân phối bởi "Công tác Cứu Trợ Công Giáo" suốt hai năm, đã được cố ý dùng để lôi kéo người Phật tử cải đạo theo Ca-tô. Với chứng cớ sai phạm trong việc xử dụng viện trợ Mỹ, các viên chức Mỹ cuối cùng đã từ chối gửi thêm viện trợ cho Công Tác Cứu Trợ Công Giáo.

Nhóm đầu xỏ bên Ca-tô và bên đám quân nhân ở Nam Việt Nam và trong nước Mỹ liền tạo áp lực lên Quốc Hội Mỹ đến mức quyết định trên bị dẹp. Mặc dù các cố gắng của họ để giấu giếm vụ bê bối đó vì sợ phản ứng của người Tin Lành Mỹ, thế nhưng cũng bị lộ ra rằng hàng trăm ngàn tấn thực phẩm được Mỹ gởi sang cho khoảng 700.000 người - "thuộc mọi thành phần" chỉ được chia cho 270.000 cá nhân.

Một ông tướng Mỹ tham gia trong việc yêu cầu thực phẩm phải được đưa cho Công tác Cứu Trợ Công Giáo, không ai khác hơn là Tướng William Westmoreland. Lạ lùng là, chính ông tướng đầu đàn này đã cải đạo theo Giáo hội Ca-tô La Mã trong khi tiến hành hoạt động quân sự ở Nam Việt Nam, một nạn nhân điển hình của chiến dịch truyền giáo Ca-tô của Diệm. Người ta còn biết rằng trong khi người Ca-tô lĩnh được thực phẩm hoàn toàn miễn phí, người Phật Giáo phải trả tiền mua. Việc này không chỉ được áp dụng với nguồn viện trợ có nguồn gốc từ những tổ chức Ca-tô Mỹ mà còn cho những nguồn viện trợ từ chính phủ Mỹ để cứu trợ tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo.

Kết quả của những việc kỳ thị cố ý này là hàng ngàn cá nhân, hoặc gia đình và trong nhiều trường hợp nguyên cả mấy làng, trở thành người Ca-tô, được xúi giục bởi hàng giáo phẩm Ca-tô hoặc bởi chính quyền Diệm. Nhiều người cải đạo không những để giữ công ăn việc làm, mà còn để tránh bị chuyển dời, hay còn gọi là tái định cư. Tái định cư thường dẫn đến việc mất nhà, hay mất đất. Nếu bị dời đi chỗ khác, họ phải bỏ lại tất cả những tài sản, hoặc các quan hệ xã hội, gia đình hay tôn giáo.

Mục tiêu chính của Diệm là một mục tiêu cơ bản nhắm đến sách lược ngắn và dài hạn. Ông ta muốn củng cố mạnh mẻ những cộng đồng Ca-tô (sẳn có) với những cộng đồng Ca-tô mới thêm vào, biến chúng thành những trung tâm tin cậy được để từ đó xúc tiến những mục tiêu tôn giáo cũng như chính trị của ông ta.

Ghi thêm của Nhà Xuất Bản:

Hồng Y Spellman được gọi là Hồng Y “Túi Tiền” ở Vatican và ở tổng hành dinh tại thành phố New York Nhà thờ St. Patrick trên đại lộ số 5 - vốn được mệnh danh là “Đại lộ Comeonwealth” (LND: Xin lưu ý lối chơi chữ ở đây, không phải Commonwealth (thịnh vượng chung) mà “Của cải Nhào vô”.

 

xem phiên bản Anh ngữ

Tác giả: Avro Manhattan

Người Dịch: Trần Thanh Lưu

 

Trang Thời Sự