Nhân Ngày Thế Giới Chống Vũ Khí Hạt Nhân

Nhân Ngày Thế Giới Chống Vũ Khí Hạt Nhân

Thảm Họa Hiroshima, Nagasaki Và Bài Học Về Thủ Đoạn Chính Trị Quân Sự Tàn Bạo Của Mỹ

FB Nguyễn Thị Lý

http://sachhiem.net/THOISU_CT/FB/NguyenThiLy.php

06-Aug-2018

Lúc 8 giờ 15 phút sáng ngày 6-8-1945, chiếc máy bay ném bom chiến lược B-29 mang mật hiệu chuyến bay “Enola Gay” do viên thiếu tá cơ trưởng Paul Warfield Tibbets Jr. thuộc Liên đoàn không quân chiến lược 509 Mỹ điều khiển đã ném quả bom nguyên tử chứa 60 kg Uranium 235 mang mật danh “Little Boy” xuống thành phố Hiroshima, phía Nam đảo Honshu, Nhật Bản. Vụ nổ của quả bom có sức công phá 15 kiloton, (tương đương sức nổ của 15.000 tấn TNT) đã tàn phá hầu hết thành phố Hiroshima. 166.000 người đã chết trong vụ tấn công bằng vũ khí nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại.

Hồi 11 giờ 01 phút sáng ngày 9-8-1945, chiếc máy bay ném bom chiến tược B-29 mang mật hiệu chuyết bay “Bock’s Car” do viên thiếu tá cơ trưởng Charles W. Sweeney cũng thuộc Liên đoàn không quân chiến lược 509 Mỹ điều khiển đã ném quả bom nguyên tử chứa 6,4 kg Plutonium 239 mang mật danh “Fat Man” xuống thành phố Nagasaki, phía Tây đảo Kyushu, Nhật Bản. Vụ nổ có công suất 21 kiloton (tương đương sức nổ của 21.000 tấn TNT) cũng đã tàn phá hầu hết thành phố Nagasaki. 80.000 người đã chết ngay tức khắc khi quả bom phát nổ với nhiệt độ ở tâm lõi vụ nổ lên đến 3.871 độ C và sức gió trong bán kinh 3,2km quanh tâm nổ lên đến 1.000 km/h.

Những đám mây hình nấm của hai vụ nổ nguyên tử ở Hiroshima (trái) và Nagasaki (phải)

Đến ngày 15-8-1945, Thiên hoàng Chiêu Hòa (Hirohito) tuyên bố chấp nhận các điều kiện của quân đồng minh về việc Đế quốc Nhật Bản đầu hàng không điều kiện. Giới truyền thông Mỹ và phương Tây đã lập tức khuếch trương hai tội ác chống nhân loại của người Mỹ và coi đó như nguyên nhân trực tiếp duy nhất buộc Đế quốc Nhật Bản phải đầu hàng, chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai tại Thái Bình Dương. Nhiều năm sau, giới sử gia Mỹ và phương Tây vẫn lặp đi lặp lại luân điệu này.

Vậy, thực sự điều gì đã buộc Đế quốc Nhật bản phải tuyên bố đầu hàng vào ngày 15-8-1945 ?

1- Nhân tố Liên Xô trong tại Mặt trận Thái Bình Dương.

Trở lại trước Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô là nước xã hội chủ nghĩa duy nhất trên thế giới có tiềm lực quân sự quốc phòng đủ sức bảo vệ chính mình và bảo vệ cho đồng minh Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ. Tuy nhiên, trước các mối đe dọa bị xâm lược từ nước Đức Quốc xã ở phía Tây và đế quốc Nhật Bản ở phía Đông, Liên Xô đã chủ trương hòa hoãn, tránh chiến tranh, cố gắng giữ môi trường hòa bình để tiếp tục có thời gian xây dựng đất nước.

Ngày 30-9-1938, tại thành phố Munchen (Đức), Thủ tướng Anh Arthur Neville Chamberlain, Thủ tướng Pháp Édouard Daladier đã ký kết với Adolf Hitler (Quốc trưởng nước Đức Quốc xã) và Benito Mussolini (Quốc trưởng nước Ý phát xít) bản Hiệp ước Munchen. Bản hiệp ước tội lỗi này đã mở đường cho phát xít Đức thôn tính Tiệp Khắc để đổi lấy một cam kết không rõ ràng về việc các nước phát xít Đức và Ý sẽ không tấn công Pháp. Bất bình vì việc các nước phương Tây “bán đứng mình”, ngoại trưởng Tiệp Khắc khi đó là Krofta đã tuyên bố thẳng thừng: “Chúng tôi đã bị thúc ép mà lâm vào hoàn cảnh này. Bây giờ mọi việc đều đã chấm dứt; hôm nay đến phiên chúng tôi, ngày mai sẽ đến phiên những người khác”.

Liên Xô đánh giá Hiệp ước Munchen là lá bài chính trị “mượn dao giết người” của Anh và Pháp. Bản hiệp ước đã hướng bộ máy phát xít Đức chĩa mũi dùi sang phía Đông, đưa chiến tranh đến sát biên giới Liên Xô. Chỉ một năm sau khi hiệp ước Munchen được ký, ngày 1-9-1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan, một đồng minh của Anh và Pháp, mở đầu Chiến tranh thế giới thứ hai ở Châu Âu. Các đòng minh Anh, Pháp của Ba Lan đã không hề có một hành động quân sự đáng kể nào để giúp Ba Lan. Và đến mùa hè năm 1940, đến lượt nước Pháp bị phát xít Đức tấn công đúng như tiên đoán của ngoại trưởng Tiệp Khắc Krofta. Mặc dù có lực lượng trội hơn nhưng quân đội Pháp vẫn tan rã chỉ sau 45 ngày giao chiến. Khoảng 400.000 tàn quân đồng minh Anh, Pháp bị quân phát xít Đức bao vậy tại cảng Dunkerque, (Pháp) và xuống tàu tháo chạy sang Anh.

Tháng 5-1939, 3 sư đoàn bộ binh, 2 sư đoàn xe tăng và 6 trung đoàn pháo binh của đạo quân Quan Đông (Nhật Bản) được không quân yểm trợ tấn công xâm lược vùng biên giới Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ ở khu vực sống Khankhyn Gol. Tháng 8-1939, Quân đội Liên Xô phản công, đánh bại các lực lượng Nhật Bản, khôi phục đường biên giới giữa Mông Cổ và Mãn Châu Quốc (nhà nước bù nhìn của Phổ Nghi do Nhật Bản dựng lên).

Nguy cơ bị xâm lược từ phía Nhật Bản đến với Liên Xô từ phía Đông cũng tương đương với nguy cơ Liên Xô bị phát xít Đức tấn công từ phía Tây. Trong khi đó, mọi cố gắng hợp tác quân sự với anh và Pháp để bảo vệ Ba Lan của Liên Xô đều bị Anh, Pháp và chính Ba Lan phá hoại. Hội nghị quân sự ba bên tại Moskva tháng 8-1939 thất bại. Để tránh thế bất lợi phải tiếp nhận chiến tranh ở hai đầu đất nước có khoảng cách lên đến hơn 10.000 km, ngày 23-8-1939, Liên Xô ký với Đức Quốc xã bản Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau nhằm có thêm thời gian để củng cố tiềm lực quốc phòng.

Ngày 22-6-1941, phát xít Đức xé bỏ Hiệp ước không xâm lược ký kết với Liên Xô, sử dụng hơn 190 sư đoàn, trong đó có 4 tập đoàn quân xe tăng tấn công xâm lược Liên Xô trên toàn bộ chính diện dài hơn 2.500 km từ biển Baltic tới Biển Đen. Mặc dù đã huy động hơn 150 sư đoàn (hơn 20 tập đoàn quân) để đối phó với phát xít Đức nhưng Liên Xô vẫn phải để lại vùng Viễn Đông hơn 20 sư đoàn đề phòng Nhật Bản tấn công.

Tháng 9-1941, 7 tập đoàn quân phát xít Đức (trong đó có 3 tập đoàn quân xe tăng) đã tiến tới chân thành Moskva, có nơi chỉ còn cách trung tâm thành phố hơn 20 km. Cũng lại để tránh thế “hai đầu thọ địch” , ngày 14-4-1941, Liên Xô ký với Nhật Bản “Hiệp ước trung lập” cũng với tinh thần không xâm lược lẫn nhau tương tự như Hiệp ước Xô-Đức. Tuy nhiên, chỉ đến khi nhận được tin tình báo chắc chắn rằng Nhật Bản sẽ không tấn công xâm lược Liên Xô trước khi Moskva thất thủ, Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô mới có thể rút tử Viễn Đông về phía Bắc Moskva Tập đoàn quân xung kích 1 và Tập đoàn quân 20, kèm theo đó là điều các tập đoàn quân 10 và 50 từ Đông Ural về phía Nam Moskva. Các tập đoàn quân này cũng với 8 tập đoàn quân đang phòng thủ Moskva đã tiến hành chiến dịch phản công Đông-Xuân 1941-1942, đẩy lùi quân đội Đức Quốc xã ra xa Moskva về phía Tây từ 100 đến 250 km.

2- Tác động của việc Liên Xô tuyên chiến tới các kế hoạch quân sự - chính trị của chính quyền đế quốc Nhật Bản.

Hiệp ước trung lập Xô-Nhật tồn tại đến ngày 5-8-1945 về lý thuyết. Tuy nhiên, trên thực tế, Hiệp ước này đã bị Nhật Bản vi phạm vào cuối năm 1941 khi Nhật Bản tham gia Hiệp ước ba bên cùng với Đức Quốc xã và phát xít Ý, hình thành liên minh quân sự chống Liên Xô.

Thực hiện các cam kết tại các Hội nghị tam cường chống phát xít tại Yalta (Liên Xô) ngày 11-2-1945, ngày 10-4-1945, Bộ Ngoại giao Liên Xô đã gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo rằng phía Liên Xô sẽ không gia hạn Hiệp ước Trung lập tới sau ngày 13-4-1946. Thực hiện thỏa thuận tam cường tại Posdamm (Đức) ngày 2-8-1945, ngày 5-8-1945, phía Liên Xô gửi công hàm cho phía Nhật Bản nêu rõ việc Nhật Bản đã vi phạm Điều 2 Hiệp ước Trung lập Xô Nhật, đã không đứng trung lập khi Liên Xô tuyên chiến với nước Đức Quốc xã sau khi Đức Quốc xã tấn công Liên Xô. Vì lý do đó, Liên Xô tuyên bố bãi bỏ Hiệp ước Trung lập với Nhật Bản và tuyên bố tình trạng chiến tranh giữa hai nước.

https://baomoi.com/goc-anh-doc-ve-cttg-2-cua-nhiep-anh-gia-lien-xo/c/21941488.epi

Sau khi Hồng quân Liên Xô đánh chiếm Berlin ngày 2-5-1945, chế độ quốc xã Đức do Adolf Hitler cầm đầu sụp đổ hoàn toàn, đế quốc Nhật bản ở trong tình thế tuyệt vọng. Quân đội Nhật Bản khi đó còn 4,1 triệu quân nhưng có đến 2,3 triệu đang đóng rải rác tại miền Trung và miền Nam Trung Quốc, Đông Dương và Triều Tiên. Trong đó có đạo quân Quan Đông đang đóng tại Mãn Châu đông tới 1 triệu người. Số quân để phòng thủ các đảo của Nhật Bản chỉ còn lại khoảng 1,8 triệu.

Đế quốc Nhật Bản vẫn nuôi hy vọng đề nghị Liên Xô, nước duy nhất trong khối đồng minh chống phát xít có Hiệp ước trung lập với Nhật Bản, đứng ra là trung gian đàm phán hòa bình giữa Nhật Bản với các nước Anh, Mỹ và Trung Hoa Dân quốc. Điều mà bộ máy chiến tranh Nhật Bản hy vọng tránh được một sự đầu hàng không điều kiện. Điều mà người Nhật khi đó vẫn coi là một sự nhục nhã ghê gớm. Tại cuộc họp của Hội đồng quân sự tối cao Nhật Bản ngày 11-6-1945, Phó Tổng Tham mưu Lục quân Kawabe nói: “Duy trì tuyệt đối hòa bình trong quan hệ của chúng ta với Liên Xô là hết sức quan trọng nếu muốn tiếp tục cuộc chiến”.

Thủ tướng Kantaro Suzzuki và Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Nhật Bản, đại tướng Korechika Anami đã trình lên Thiên Hoàng Chiêu Hòa kế hoạch phòng thủ Nhật Bản, trong đó nêu rõ rằng cần dùng hải quân và lực lượng đồn trú trên các đảo xa như Iwo Jima, Shaipan, Okinawa…, đánh tiêu hao các lực lượng Mỹ, rút quân đội ở Đông Dương và Nam Trung Quốc về Nhật Bản qua ngả Triêu Tiên để tăng cường phòng thủ. Trong trường hợp không thể giữ được các đảo Nhật Bản thì có thể dời sang Mãn Châu và Triều Tiên (Đế quốc Nhật Bản tuyên bố sáp nhập các vùng này vào lãnh thổ Nhật từ năm 1931), dựa vào địa thế ba mặt núi, một mặt sông của bồn địa Mãn Châu cũng như nền công nghiệp phát triển tại đây để tiếp tục phòng thủ.

Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được công hàm tuyên bố tình trạng chiến tranh của Liên Xô với Nhật Bản, mọi kế hoạch kéo dài chiến tranh của chính quyền Thủ tướng Nhật Kantaro Suzuki và Bộ trưởng chiến tranh Korechika Anami đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Sau 4 tháng chuẩn bị cả về kế hoạch tác chiến, binh lực và phương tiện chiến tranh, ngày 8-8-1945, các phương diện quân Zabaikan, Viễn Đông 1 và Viễn Đông 2 của quân đội Liên Xô dưới sự chỉ huy của nguyên soái Aleksandr Mikhailovich Vasilevsky đồng loạt tấn công từ ba hướng vào đạo quân Quan Đông của Nhật Bản ở Mãn Châu. Tham gia phối hợp tác chiến còn có Quân đoàn kỵ binh Mông Cổ (nằm trong thành phần Cụm kỵ binh - cơ giới Liên Xô) do Nguyên soái Mông Cổ Khorloogiin Choibalsan chỉ huy.

Từ ngày 8-8-1945 đến ngày 2-9-1945, Quân đội Liên Xô đã đánh tan đạo quân Quan Đông của Nhật Bản cùng các đội quân tay sai của De Wang (Quận vương Tuy Viễn) và của Mãn Châu Quốc (nhà nước bù nhìn tay sai Nhật Bản). Toàn bộ 1.217.000 sĩ quan và binh lính của đạo quân này bị loại khỏi vòng chiến đấu, trong đó có 594.276 người bị bắt làm tù binh (có 148 sĩ quan cấp tướng). Toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh gồm 861 máy bay, 372 xe tăng, 1.434 khẩu pháo, 379 đầu máy xe lửa, 9.129 xe quân sự, rất nhiều kho tàng lương thực, thực phẩm, thiết bị quân sự và quân nhu các loại bị Hồng quân Liên Xô thu giữ (sau này, được bàn giao cho Hồng quân Trung Quốc). Quân đội Liên Xô giải phóng toàn bộ khu vực Mãn Châu và Bắc Triều Tiên (đến vĩ tuyến 38).

3- Vì sao Mỹ vội vã ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản ?

Tại Hội nghị tam cường đồng minh chống phát xít tại Cung điện Livadia, Yalta (Liên Xô) từ ngày 4 đến 11-2-1945, đại diện Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ trình bày các số liệu cho thấy đế quốc Nhật Bản chỉ có thể đầu hàng sớm nhất vào năm 1947, còn để tiêu diệt hoàn toàn Quân đội Nhật Bản thì Quân đội Mỹ sẽ phải hy sinh đến hơn một triệu quân nhân. Do đó, vấn đề quân đội Liên Xô tham chiến chống phát xít Nhật là một trong các vấn đề hệ trọng được bàn đến nhiều nhất tại Hội nghị này.

Hai quả bom nguyên tử của Mỹ thả xuống Hiroshima ngày 6-8-1945 và Nagasaki ngày 9-8-1945

Phía Liên Xô đã chấp nhận đề nghị của Anh, Mỹ và trong thỏa thuận Yalta ký ngày 11-2-1945 có đoạn: “Các nhà lãnh đạo ba cường quốc Liên Xô, Mỹ, Anh thỏa thuận rằng từ hai đến ba tháng sau khi nước Đức đầu hàng và chiến tranh ở châu Âu kết thúc, thì Liên Xô sẽ đứng về phía các nước Đồng minh để tham chiến chống Nhật Bản”. Và trên thực tế, Liên Xô đã không nuốt lời hứa khi mở chiến dịch tấn công vào Mãn Châu đúng 3 tháng sau khi phát xít Đức đầu hàng.

Thất bại của Đạo quân Quan Đông, đạo quân mạnh nhất của Lục quân Nhật Bản trên thực tế đã đặt dấu chấm hết cho kế hoạch kéo dài chiến tranh của Đế quốc Nhật Bản. Với Hạm đội Thái Bình Dương được tăng cường một số lực lượng từ Hạm đội Biển Bắc được triển khai tại các cảng Nguyên Sơn, Hàm Hưng (Triều Tiên), Đại Liên, Lữ Thuận (Trung Quốc), Quân đội Liên Xô có thể đổ bộ lên Hokaido và Honshu trong một thời gian ngắn.

Ta hãy xem 2 quả bom nguyên tử của người Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagazaki trong các ngày 6 và 9-8-1945 gây tổn thất ra sao cho Quân đội đế quốc Nhật Bản. Tại Hiroshima ngày 6-8-1945, quả bom nguyên tử thứ nhất đã gây ra cái chết của 166.000 người (khoảng ½ dân số Hiroshima lúc đó), trong số đó chỉ có hơn 10.000 quân nhân. Số còn lại là thường dân. Trong số thường dân ấy, có gần 20.000 người Triều Tiên bị đế quốc Nhật Bản cưỡng bức sang Nhật làm việc trong các công xưởng. Tại Nagasaki ngày 9-8-1945, trong số hơn 90.000 người chết do quả bom nguyên tử thứ hai gây ra chỉ có hơn 9.000 quân nhân, số còn lại là dân thường. Cho đến hiện nay, vẫn còn khoảng 266.000 người Nhật chịu ảnh hưởng của hai vụ ném bom nguyên tử này. Người Nhật gọi họ là các “”Hibakusha”.

Hiroshima trước vụ ném bom nguyên tử

Hiroshima tháng 4, 1946, sau vụ ném bom nguyên tử

Mặc dù tướng Carl Andrew Spaatz, Tư lệnh Tập đoàn không quân chiến lược số 8 của Mỹ báo cáo rằng ở Hiroshima không có người Mỹ, không có các trại tù binh. Nhưng trến thực tế, đã có tới 2.000 công dân Mỹ gốc Nhật Bản bị giết trong vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima, kèm theo khoảng 1.000 người Mỹ khác bị thương. Họ là những người Mỹ đến Nhật Bản học tập và làm ăn nhưng đã không thể quay về Mỹ khi chiến tranh nổ ra ngày 7-12-1941. Ở Nagasaki cũng có 8 tù binh Anh bị thiệt mạng trong vụ ném bom nguyên tử ngày 9-8-1945. Về thiệt hại vật chất quân sự của Nhật Bản, 2 vụ ném bom nguyên tử nói trên chỉ tiêu diệt được Sở chỉ huy Tập đoàn quân 2, Sở chỉ huy Sư đoàn 5, căn cứ hải quân Nagasaki và hơn 50 khu kho hậu cần các loại.

Nói trắng ra, các vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki ngày 6 và ngày 9-8-1945 là các hành động quân sự nhưng lại nhằm vào thường dân. Nạn nhân chủ yếu của hai cuộc ném bom này là thường dân và các công trình dân sự. Đây là một hành vi trái đạo đức, một hành vi gây tội ác chiến tranh. Đúng như quan điểm của nhà sử học Bruce Cunnings của Đại học Chicago khi ông tuyên bố: “Các vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, với cái nhìn bao dung nhất, là không cần thiết; với cái nhìn nghiêm khắc nhất, là hành vi diệt chủng”.

Còn Tổ chức nhà thờ liên bang của Mỹ trong một văn kiện có tên gọi “Chiến tranh nguyên tử và niềm tin Thiên chúa” đã tuyên bố: “Là những người Thiên chúa Hoa Kỳ, chúng ta hối tiếc về sự lạm dụng thiếu trách nhiệm vũ khí nguyên tử. Chúng ta đều đồng cảm rằng, trên nguyên tắc, dù là sự nhìn nhận của bất kỳ người nào đối với chiến tranh, việc ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki là không thể biện hộ được về mặt đạo đức”.

Nhiều người cho rằng chính hiệu ứng tâm lý sợ hãi sau hai vụ ném bom nguyên tử đã buộc chính quyền đế quốc Nhật phải đầu hàng. Tuy nhiên, ý kiến của các nhà quân sự cũng như các nhà sử học của Mỹ và phương Tây đã cho thấy điều ngược lại.

Thống chế Dwigth David Eisenhower đã viết trong cuốn hồi ký: “The White House Years” (Những năm ở Nhà trắng): “Năm 1945, Bộ trưởng Chiến tranh Stimpson, khi đó đến thăm tổng hành dinh của tôi ở Đức, thông báo cho tôi rằng chính phủ chúng ta đang chuẩn bị thả bom nguyên tử xuống Nhật. Tôi là một trong những người cảm thấy rằng có những lý do vững vàng để nghi vấn sự sáng suốt của hành động đó. Trong khi ông ta kể về những sự việc liên quan, tôi cảm thấy chán ngán và đã nói với ông ta về những sự hoài nghi của tôi: Thứ nhất, tôi tin rằng Nhật Bản thực sự đã bị đánh bại và việc ném bom là không hoàn toàn cần thiết. Và thứ hai, tôi cho rằng việc sử dụng vũ khí đó là không bắt buộc nhằm hạn chế thương vong cho lính Mỹ bởi đất nước chúng ta nên tránh một ý tưởng làm thế giới rúng động bằng cách sử dụng vũ khí đó”.

Đô đốc Chester W. Nimitz, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương cho rằng: “Nhật Bản trước đó đã đề nghị hòa bình. Từ quan điểm quân sự thuần túy, bom nguyên tử không có vai trò quyết định đánh bại nước Nhật”

Đô đốc William D. Leahy đánh giá: “Việc sử dụng bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki không hỗ trợ về mặt vật chất cho cuộc chiến của chúng ta với nước Nhật. Người Nhật đã thực sự bại trận và sẵn sàng đầu hàng”.

Bản thân cựu Thủ tướng Anh Churchill trong tác phẩm “The Second World War” (Chiến tranh thế giới thứ hai) cũng cho rằng: “Sẽ sai lầm nếu cho rằng số phận của Nhật Bản là do những quả bom nguyên tử quyết định”.

Còn sử gia Nhật Bản Tsuyoshi Hasegawa đã kết luận: “Những quả bom đó không phải là lý do chủ yếu cho sự đầu hàng của chúng ta. Lý do chính là những chiến thắng nhanh chóng và to lớn của quân đội Liên Xô ở Mãn Châu”.

VẬY MÀ CHO ĐẾN HIỆN NAY, VẪN NHIỀU KẺ CỨ NHAI ĐI NHAI LẠI RẰNG CHÍNH HAI QUẢ BOM NGUYÊN TỬ CỦA MỸ ĐÃ BUỘC ĐẾ QUỐC NHẬT BẢN PHẢI ĐẦU HÀNG.

Đặng Văn Thành

một nạn nhân của bom nguyên tử ở Hiroshima (trái) - Nạn nhân của bom nguyên tử ở Nagasaki (phải)

Atom Bomb Dome, chứng tích vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima - Công viên Hòa Bình ở Nagasaki

 

Nguồn https://www.facebook.com/coauduoinuoc/posts/506681463117236?notif_id=1533651772470041&notif_t=notify_me

Trang Thời Sự