Hữu Tướng, Phi Tướng, Bản Thể, Thực Tại, Tính Không, Giải Thoát

Hữu Tướng, Phi Tướng, Bản Thể, Thực Tại, Tính Không, Giải Thoát

Trần Ngẫu Hồ

Link http://sachhiem.net/TONGIAO/tgTR/TranNgauHo_02.php

07-Aug-2017

LTS: Do nhu cầu trả lời vài thắc mắc của bạn đọc, đây là bài tác giả viết thêm để bổ túc cho bài trước, có tựa: Phật Giáo Chưa Bao Giờ Có Ảo Tưởng, Ảo Giác, Nói Chi Tới Thời Thượng - Phật Giáo Sẽ Giúp Mở Cửa Bản Thể Như Thế Nào? đã đăng trước đây. Xin mời đọc. (SH)

Bài viết mang tựa: “Phật Giáo Chưa Bao Giờ Có Ảo Tưởng, Ảo Giác, Nói Chi Tới Thời Thượng” được phản hồi với khá nhiều đồng cảm, tuy nhiên cũng có vài độc giả chưa hiểu rõ, và yêu cầu tôi giải thích thêm.  Để làm sáng tỏ hơn, tôi xin được viết thêm bài này để giải thích rõ hơn nữa về Bản Thể và Thực Tại, đó là hai chủ đề chính của Khoa Học và cũng của Phật Giáo nữa. Ngoài hai chủ đề này, những chủ đề bên cạnh cũng rất quan trọng, mà thật sự thì chúng có liên hệ đến nhau, mở được một, thì sẽ mở được tất cả. Những vấn đề mà nếu không thấu triệt được xuyên suốt, sẽ không thấy chúng có sự liên hệ đến nhau.

Đã đảm đang, thì phải giải thích được nó một cách đơn giản cho người khác hiểu, không giải thích được nó một cách đơn giản và viện cớ nó khó hiểu, chỉ vì không hiểu rõ, hiểu sâu về nó, thể nhập vào nó. Hiểu mơ hồ, hay  chỉ hiểu từ sự giải thích cũng mơ hồ, chính vì vậy mà ta tỏ ra lấn cấn và ngập ngừng, rồi mâu thuẫn, khiến cho người đọc càng khó hiểu.

Đi vào giải thích phi hữu, anh phải có trí tuệ từ phi hữu, trí tuệ phi hữu là trí tuệ từ thiền định. Muốn giải thích Tánh Không, anh phải kiến tánh, muốn nói về thiền thì anh phải thực hiện thiền định, tới trạng thái rỗng lặng, đạt được khinh an (tức Lạc: một trong 4 tánh của Niết Bàn, Đại Định Vô Sanh - Thường, Lạc, Ngã, Tịnh). Với kiến tánh, anh mới thấy được người khác sai hay đúng khi họ viết về tánh, về Không. Còn bằng không, những điều anh viết ra do đọc ở đó đây vài điều, kia vài giòng mà ghép vào, thì chỉ là hí luận và làm người đọc mơ hồ, hoang mang thêm mà thôi.

Nhưng tánh là gì? Và kiến tánh là gì? Tại sao lại phải kiến tánh? Tôi sẽ lần lượt giải thích những điều này một cách thứ tự qua những trang sau. Tuy nhiên tôi chỉ trình bày những điều mình thấy trong tâm mình, nếu có những thiếu sót, mong được học hỏi thêm từ các bậc thức giả.

Trong kinh nghiệm đi tìm giá trị của Phật Pháp, có hai sự kiện làm tôi nhớ nhiều nhất và tôi cũng nghĩ là đáng nhắc tới nhất.

Sự kiện thứ nhất là sự kiện ngài Lục Tổ Huệ Năng, một người không biết viết, không biết đọc, mà lại được làm truyền nhân để làm tổ thứ 6 ở Trung Quốc, sau này thiền tông trở thành hưng thịnh ở các quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Đại Hàn, và Nhật Bản, từ sau câu chuyện của Lục Tổ trở đi.

Tới đời Đường Duệ Tông, ngài hai lần được mời về làm Quốc Sư, nhưng ngài đều từ chối, Quốc Sư là thầy của Trời, của Người (Vua, Quan thời xưa là Trời, con của Trời? Vua là Trời ở kinh đô lớn, Quan là Trời ở địa phương). Những Tiến Sỹ, Thám Hoa, Bảng Nhỡn cho chí tới Vua Quan, muốn hiểu rõ về đạo lý phải tới hỏi han Quốc Sư. Sự kiện này cho thấy, chúng ta không nên xem thường những người ít học hơn trong xã hội, nhiều khi trong cái thầm lặng, thản nhiên, là trí tuệ đáng bậc thầy của đời. Nhiều chữ (trí thức, bằng cấp, chuyên môn cao, cộng với cái ngã lớn), nhiều khi lại là trở ngại (sở tri chướng) cho  con đường hướng tới tâm rỗng lặng hồn nhiên.

Sự kiện thứ hai, là ý nghĩa của  hai câu trong kinh Kim Cang:

“Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng,
  Nhược kiến chư tuớng, phi tướng, ắt kiến như lai”.

Hai câu này đã được giải thích nhiều bởi các giảng sư, nhưng mỗi lần trở lại, lại thấy nó mới, đây là hai câu quan trọng nối kết giữa hữu và vô, triển khai nó thì thấy sự sự chung quanh mình nó rõ lắm.

Tôi xin giải thích theo cái thấy mới như sau: (tuy nhiên vẫn không khác ý chính của câu kinh):

Thấy được cái tướng nơi không hiện tướng - tức cái phi tướng, tức thấu triệt được cái vĩnh cửu, vô cùng (tức Đại Định Vô Sanh hay Như Lai), thì bắt đầu từ cái đầu mối phi tướng này, chúng ta sẽ giải trình được tất cả.

Bài trước tôi viết:/* updated 6 Sep 2017*/ Cái không (cái hư không, chân không, tánh (tính) không, này chính là Bản thể và trong Tánh Không hàm chứa Bản Thể, nhưng xin đưọc nhấn mạnh là chúng ta nên phân biệt tánh không, tướng không, chân không, thể không và xử dung những từ này đúng ngữ cảnh để khỏi gây sự khó hiểu cho độc giả, tôi sẽ giải thích rõ. Vì độc giả đã nhiều lần nghe : Vạn vật đồng nhất thể, chứ chưa hề nghe: Vạn vật đồng nhất tánh bao giờ, dẫu tánh thì cũng đồng một thể rỗng lặng với bản thể. Nhưng trước hết, chúng ta hãy làm hiển lộ cái phi tướng đầu mối này.

Thí dụ, một người đang ngồi trưóc một cái  bàn gỗ để mà nói chuyện với đám đông thính giả, hữu tướng của cái bàn như thế nào thì khỏi cần giải thích rồi, vì ai ai cũng thấy rõ rồi. Và bây giờ chúng ta đặt câu hỏi:

Cái phi tướng của cái bàn là gì và ở đâu? Kinh có nói rõ là có tướng thì có phi tướng mà?

Nếu cứ nói tới cái phi tướng mà không nêu rõ được cái phi tướng, và không chỉ ra được nó dùng để làm gì? Thì nhắc tới phi tướng làm chi?

Vậy thì, phi tướng là chỗ không hiện cái tướng, nhưng ở chỗ không hiện tướng đó, nó vẫn giúp ích cho chủ thể. Trong trường hợp cái bàn đang dùng đó, thì cái chỗ không, trong giới hạn của mặt bàn và trong gậm bàn là cái phi tướng của cái bàn, không thể chỗ nào khác được, đúng không? Vì trong gậm bàn, ta đưa được cả nửa người vào trong đó, có thể kê gác chân lên cái gối đặt trong gậm bàn cũng được. Còn cái mặt bàn thì ta có thể đặt computer, trưng hoa, chống tay, để micro phone v.v...

Vậy thì, rõ ràng chỗ không, trong giới hạn của cái bàn, gậm bàn, mặt bàn chính là cái phi tướng của cái bàn. Phi tướng của cái bàn cũng không gì có thể hủy diệt được.

Chúng ta đánh dấu 4 chỗ chân bàn, và đặt cho cái bàn này là bàn A, xong ta lấy lửa, đốt cả cái bàn (hữu tướng và phi tướng) cho cháy nhiều giờ tiêu đi. Và để chắc chắn cả hữu tướng và phi tướng đều bị hủy diệt, ta lấy đất nhiều hơn khối lượng và tướng không của cái bàn, chôn luôn cả hai cho 10 năm. Sau thời gian này, ta phá “mộ” của bàn A ra và đặt một cái bàn B giống như cái bàn A (tạm xem như bàn A luân hồi), đặt 4 chân bàn B đúng vào chỗ của bàn A của 10 năm trước, thì chúng ta thấy, phi tướng của bàn A vẫn ở đó, và phi tướng của bàn A vẫn xử dụng được như bàn A xưa kia còn hiện hữu.

Theo cái cách đi tìm cái phi tướng này, thì có lẽ dễ mường tượng hơn khi ta nghĩ về phi tướng của một căn nhà bị cháy, rồi lại được xây lại. Như vậy, phi tướng căn nhà không bị hủy diệt nó rõ ràng hơn cả.

Phi tướng (tức tướng không, cái không) của cái bàn A, một tĩnh vật, là vĩnh cửu. Vậy thì phi tướng của tất cả các vật khác cũng đều vĩnh cửu như vậy.

Bây giờ, chúng ta thử tìm xem cái phi tướng (tướng không) của một con người là gì? ở chỗ nào? Như bài trước, chúng ta đã chỉ ra cái tướng không của con người, bài này ta sẽ làm rõ hơn cái tướng không này:

Từ ngoài vào trong ta đều dựa vào cái tướng không này: Chỗ tiêu, chỗ tiểu, cho tới các lỗ tai, mắt,  mũi, miệng và cả 84 ngàn lỗ chân lông đều phải không, chỉ một chỗ nào đó mà chẳng không thì là rắc rối ngay.

Bên ngoài đã thế, bên trong ta thì cũng vẫn phải thế, phải là Không thôi: Từ ruột gan, tới bao tử, tim, phổi, kinh mạch mà chẳng không sao ta sống nổi?

Tận cùng của những tế bào, là những DNA, đơn vị sau cùng của cơ thể thì cũng là không. Tóm lại, phân tách cho cùng kỳ lý, thì con người cũng chỉ là không (chân không).  Cái sống của chủ thể X, nương theo cái Không này mà tồn tại, thì cả cái Không và cái sống của X trong đó là tướng Không (Phi tướng) của X vậy.

Tướng không của cái bàn A là vĩnh cửu, vậy tướng không (phi tướng) của con người X, Y, Z cũng phải vĩnh cửu như thế thôi.

Thế nên Kinh (Kim Cang) nói: “Kiến Như Lai, phi Như Lai, ắt kiến Như Lai”. Phi Như Lai là tướng Không của Như Lai. Nghĩa là, thấy Phật mà thấy được cái chỗ không Phật (tức phi Phật), mới là thấy được Phật thật, Phật vĩnh cửu vậy.

Vậy một lần nữa, ta kết luận, Cái không (tướng không của tất cả, cái phi tướng) chính là Bản Thể của vạn vật, trong đó dĩ nhiên có con người chúng ta. Vì nó là cái không tan hoại, lại là cái có trong tất cả vạn vật và con người chúng ta, thì nó, cái Không đó, phải là Bản Thể thôi.

Tôi sẽ giải trình rõ hơn cái không, Bản Thể, Tánh (Tính) Không này ở những trang sau.

Như vậy, vạn vật và chúng ta đều có cái Bản Thể vĩnh cửu,  và cái sống của chúng ta cũng nương theo cái Bản Thể này mà tồn tại, chúng ta đang nương sống trong nó. Nhưng chúng ta không bao giờ biết điều này, mà ngược lại, chúng ta lại luôn luôn và chỉ hướng cái tâm của chúng ta vào cái hữu tướng (tướng có – cái hiện tướng), luôn luôn chăm sóc cho hữu tướng là cái thân xác hữu hình, tìm đủ mọi cách để giữ cho thân xác được trẻ mãi không già, cơ thể hơi bất thường là đi bác sĩ, khi nó biến hoại thì buồn rầu, lo lắng.

Khi thân xác qua đời, chúng ta làm đám ma rình rang, xây mộ cho đẹp đẽ, cao sang, lưu giữ hình ảnh hữu tướng trong chỗ trang trọng, và tưởng nhớ ngày qua đời, cầu xin người quá cố giúp cho người sống v.v…

Như vậy, cái tướng không (phi hữu) của ta không tan hoại, vĩnh cửu, nhưng vì cái thức chạy theo,  sống theo hữu tướng, của cả người sống lẫn người chết, tất cả đều giống như nhau, như thế thì cả một thế giới nhân loại sống trong hữu tướng, lưu luyến cái hữu tướng, bám theo hữu tướng, đều phải luân hồi là chuyện đuơng nhiên. Luân hồi là một thực tế, là trình tự không thể tránh được của con người,  khi con người còn sống theo hữu tướng, dẫu con người có thích hay không.

Vì xác thân hữu hình (hữu tướng) sẽ biến hoại, nên nó là giả hữu.

Vì luân hồi trong vô minh là khổ đau, nên Phật Giáo xuất hiện, chỉ cho mọi người thấy cái thật tướng chính là vô tướng, và chỉ khi nào con người sống trong thật tướng (Phi tướng), trong Bản Thể thì con người mới được vĩnh cửu. Sống trong Bản Thể vĩnh cửu là Giải Thoát, là mục tiêu chân thực sau cùng của Phật Giáo.

Nhưng từ vô thỉ tới nay, con người đã chạy theo, sống trong cái hữu tướng, và đã quá quen thuộc với cái tâm tính đó, nên con người quên hẳn mình có cái vĩnh cửu này. Nay muốn sống thường xuyên trong cái vĩnh cửu thì phải tập, chứ không ai trong một sớm, một chiều lại có thể quen thuộc sống trong cái không thật hữu đó được, sự tập để trở thành quen thuộc, thành quán tính thì gọi đó là Tính hay Tánh.

Tánh hay Tính như vậy chỉ xuất hiện sau khi một hữu thể đã quen thuộc với nó mà thôi.

Sống trong Cái Không (Phi tướng) chỉ có thể bằng Tâm Không, mà không thể bằng Hữu Tâm, tức Tâm sinh diệt được (tới, rồi tan, chẳng hạn nóng giận, rồi hết nóng giận; ý niệm tới, rồi tan biến …), Tâm Không là Tâm Thiền, không rời Thiền, là Tâm Giác Trí Vô Sanh, Vô Niệm, rỗng lặng hồn nhiên, vô hoại.

Vậy, Bản Thể là Cái Không, Cái Không là tướng, không tan hoại của Bản Thể. Bản Thể là cái căn bản của tất cả chúng ta và vạn vật.

Thấu triệt được Cái Không, thì thấu hiểu được Tánh Không, hay Tính Không.
Tánh Không , hay Tính Không là Tự Thể, là một tầng cấp tột cùng nguyên sơ,  sau nỗ lực buông bỏ tất cả mọi sinh diệt trên Thân và Tâm của tất cả con người trên Địa Cầu này.

Thấy rõ được điều này và cần phải thực hiện những trình tự để sống trong Thể Không, thì gọi là Kiến Tánh Không, chữ hay gọi tắt là Kiến Tánh, hay gọi là Kiến Tánh Vô Sanh cũng đúng.

Trong cuốn “Tuyên Ngôn Về Thể Trạng Vũ Trụ Tiền Big Bang” (TNVTTVTTBB),  tôi đã giải thích thực tại là trạng thái hiện tiền, ngay lúc này, phi thời gian, phi tướng, phi biến hoại, chính là trạng thái không rời thiền, là trạng thái của Đại Định Vô Sanh vậy. Quý độc giả nào quan tâm tới đề tài này và muốn có một sách để đọc, xin liên lạc về email: thetrangvutru@yahoo.com .

Tất cả những chủ đề nêu trên như: Hữu Tướng, Phi tướng, Bản Thể, Thực Tại, Tánh Không, Kiến Tánh, Chân Không (cái Không chân thật), Giải Thoát, Niết Bàn đều ra từ một thể duy nhất đó là Đại Định Vô Sanh, hay còn gọi là  thể tâm rỗng lặng, hồn nhiên, Tâm Không, Tâm Chân Như -  tâm không rời thiền định. Tất cả những từ này cũng chỉ chung một ý nghĩa - Tánh Không, Chân Không, Cái Không, Tướng Không chẳng khác nhau, nhưng phải được dùng đúng với ngữ cảnh.

Như vậy, Vũ Trụ Thực Hữu, Phi Hữu, hay còn gọi là Vũ Trụ Đại Định và Vũ Trụ Sinh Diệt, khởi đầu bằng những Big Bang, có liên hệ tuyến tính, và  nó cũng liên hệ với tất cả những chủ đề nêu trên như hai mặt của 1 đồng tiền.

Thế nên, trong TNVTTVTTBB, đã có kết luận: “Cuối cùng chỉ còn lại một sự thật này: chỉ có cái bất sinh diệt (vô sanh) và cái sinh sinh, diệt diệt mà thôi”.

Cái sống thật sự, là cái sống trầm mặc, với phi tướng, phi hữu, thực hữu, không sanh diệt, không rời thiền định. Nên vĩnh cửu.

Còn cái sống trong hữu tướng thì trôi lăn, biến hoại, luân hồi nên là không thật.

Nên ta gọi Bản Thể chính là Tâm rỗng lặng cũng đúng, Vũ Trụ trước tất cả các sinh diệt hay Big Bang đã là một thể rỗng lặng, hồn nhiên, bây giờ và mãi mãi nó là vậy. Chẳng những vậy, thế giới chúng ta đang sống đây cũng cùng một thể tâm rỗng lặng, ai không thấy điều này, chỉ vì không thấy được phi tướng trong các tướng. Cái thể  Tâm rỗng lặng này tiềm ẩn trong vạn vật và chúng ta, hòa lẫn trong từng phân tử, tế bào, quán chiếu sâu sẽ thấy thực tế này. Thế nên ta phải kiến tánh.

Bởi vậy nên nói là 2 Vũ Trụ (Vũ Trụ sinh diệt từ Big Bang và Vũ Trụ bất sinh diệt trước Big Bang) chỉ để cho những người ít tiếp xúc với Thiền dễ hiểu, nhưng thật sự là 2 trạng thái thì đúng nhất. Trạng thái sinh sinh, diệt diệt và trạng thái bất sinh diệt (vô sanh) mà thôi.

Như vậy, Bản Thể, Thực Tại, Phi Tướng, Tính Không, Chân Không, Kiến Tánh, Giải Thoát, Luân Hồi  đã được giải trình một cách đơn giản và rõ ràng, hy vọng độc giả nào đọc đều có thể hiểu một cách dễ dàng.

Xin được trích một đoạn trong một bài viết của Tiến Sỹ Nguyễn Tường Bách: “Khi Vật Lý gõ cửa Bản Thể học”:

http://tapchivanhoaphatgiao.com/nghien-cuu/khi-vat-ly-go-cua-ban-the-hoc.html

<Trích> “Lấy ví dụ, cái bàn này là một hạt hạ nguyên tử, nó không nằm yên. Khi nào chúng ta nhìn nó thì nó mới xuất hiện, nếu chúng ta nhìn nơi khác thì nó không có mặt. Nếu dùng thước để đo, ban đầu chúng ta đo, nó dài 3m, nhưng sau đó, chúng ta đo lại thì chỉ còn 2,5m, lần sau nữa thì lại 3,5m. nó xuất hiện có vẻ ngẫu nhiên, không tuân thủ theo quyết định luận của Newton.

Dĩ nhiên, tính ngẫu nhiên này chỉ xuất hiện trong mức độ nhỏ nhất của vật chất. Mức độ này rất nhỏ, chúng ta không thể tưởng tượng được, mức độ đó phải được cộng thêm với 17 con số 0 nữa mới thành một centimet. Đó là mức độ nhỏ nhiệm nhất của vật chất, với mức độ đó, người ta hy vọng nếu khám phá được quy luật vật chất thì sẽ khám phá được thế giới, bởi nó là viên gạch cuối cùng của ngôi nhà vụ trụ, nhưng người ta không ngờ đến mức đó, hành tung của vật chất lại không như chúng ta chờ đợi. Do đó hàng loạt vấn đề triết học được đặt ra về tự tính của thế giới. Heisenberg nói: cái thiên nhiên, cái nature dường như xuất hiện theo cách chúng ta hỏi nó. Bởi vì khi thì nó xuất hiện theo dạng từng hạt, lúc thì xuất hiện theo dạng sóng, về mô hình, hai dạng này không tương thích với nhau. Nhưng nếu chúng ta mở một thí nghiệm khảo sát hạt thì nó có vai trò của hạt thật. Nhưng nếu chúng ta đo để xem vật chất có phải là sóng hay không thì nó cũng là sóng thật. Thiên nhiên là gì thì chưa biết, nhưng dường như nó trả lời theo cách mà chúng ta hỏi nó. Thế thì ý thức con người có ảnh hưởng gì lên thiên nhiên?

Ngày trước, người ta nói thực tại là gì không biết, nhưng nó luôn tồn tại độc lập, không bị ý thức con người ảnh hưởng lên nó. Con người dù có chết đi nữa thì thực tại vẫn là thực tại. Nhưng bây giờ, ở hạ nguyên tử thì ý thức xem ra có thể tác động lên được. Dường như thực tại là cái gì đó “nói chuyện” với ý thức, và có những nhà khoa học đi xa hơn, họ nêu lên vấn đề: phải chăng khi ý thức khảo sát thực tại thì chính lúc đó ý thức “tạo tác” ra thực tại, phải chăng thực tại là một sản phẩm do ý thức bày ra. Cho nên ngày nay mối quan hệ giữa thực tại và ý thức đã được đặt ra<Hết Trích>.

Xem ra sự giải trình của tôi không hẹn mà gặp, cũng phù hợp với sự tường trình trong bài viết của Tiến Sĩ Nguyễn Tường Bách (T/S NTB), khi tôi chứng minh Vũ Trụ là một Đại Định rỗng lặng, hay một thể Tâm Rỗng Lặng. Tận cùng của vật chất là không, như lời giảng của Phật Thích Ca cho ông Anan đã được trình bày trong bài trước đây: "Phật Giáo Sẽ Giúp Mở Cửa Bản Thể Như Thế Nào?"

Nhưng vì Khoa Học chỉ tiếp cận tới cái “lân hư”, biến hiện theo tâm sinh diệt, nên đã vội cho nó là hạt hay là sóng, Phật Giáo cũng đã khẳng định chỉ vì tâm sinh diệt khởi niệm mà thế giới hữu vi hành hoạt, đúng với thực tế trong bản báo cáo khoa học vật lý luận trình như nêu trên của T/S NTB, khi ngừng khởi niệm về nó, tìm nó, thì nó là không. Đó là những kết quả khách quan, không phải là “duy tâm” như một số tác giả đã viết (xin được không nêu tên). Tôi đã viết kỹ về sự ảnh hưởng của tâm sinh diệt trên sự đi tìm trong bài trước (xin xem link trên).

Vậy việc đặt ra sự bất đồng giữa duy tâm, duy vật thiết nghĩ không cần thiết nữa.

Trong TNVTTVTTBB, tôi đã chứng minh rõ vũ trụ là tâm rỗng lặng, là một đại định qua sự giải trình tâm thành tựu của đức Phật Thích Ca và Phật Ma Ha Ca Diếp là tâm rỗng lặng hồn nhiên, tâm này đồng Bản Thể với Vũ Trụ trước Big Bang (BB), hay nói rõ hơn Vũ Trụ trước BB là một thể rỗng lặng có tính chất như một Đại Định, thể vô sinh của tâm, bây giờ nó vẫn vậy, và mãi mãi nó vẫn vậy. Vũ Trụ thành lập không phải từ không có gì, mà từ thể Tâm rỗng lặng, trong thể Tâm rỗng lặng đó có hàm chứa Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Muốn thấu hiểu 4 đại luợng này, phải có công phu từ Thiền Định, thiền tới trạng thái rỗng lặng được vài tiếng thì cũng đã có thể hiểu được những điều tôi nêu trong TNVTTVTTBB, sẽ thông cảm, nhận được Vũ Trụ Big Bang được thành lập bởi sư chặp vào nhau của 2 cung Lạc đào thải ra từ Đại Lạc trong thể Tâm rỗng lặng trong Vũ Trụ Đại Định.

Phương trình hàm số sóng của các khoa học gia Quintin Smith, Leonard Mlodinow cho rằng thế giới ra từ những điển nhỏ hơn cả nguyên tử nhiều lần (10-33), đó là cơ sở của lý thuyết dây. Không biết là những nhà Khoa Học có cho biết những dây này là từ đâu ra chăng? Nhưng thông tin này khiến tôi càng vững tin Vũ Trụ Big Bang đã thành hình từ những cung bậc ra từ đại lượng Lạc trong Vũ Trụ Đại Định (như đã được giải trình trong TNVTTVTTBB ở các chương 5 và 6).

Những ông viện sỹ, khoa học gia, vật lý gia nếu không có thiền định thì cũng khó mà hiểu điều này.

Trong TNVTTVTTBB trang 173, viết: “Khi thiếu trí tuệ từ Đại Định Vô Sanh những nhà lãnh đạo hoặc trí thức (tức những Viện Sĩ, Khoa Học Gia, Vật Lý Gia) cũng vẫn  là những chúng sinh bất toàn”.

Trong một lần gặp gỡ một người bạn quen, từ Việt Nam sang du lịch ở Mỹ, anh nói: “Nhà báo Hoàng Anh Sướng (HAS) cho tôi biết nếu ở lâu được trong thiền thì sẽ hạnh phúc, hoan lạc vô cùng, tôi (người bạn) trả lời, anh nói trong thiền lâu sẽ hạnh phúc vậy không có cái thực phẩm thì có hạnh phúc không?”

Vì thời gian ít ỏi nên tôi chỉ có thể trả lời vắn tắt cho người bạn mà thôi, nay tôi (TNH) xin trả lời đầy đủ cho anh bạn về thiền như sau:

Đúng vậy, ông nhà báo HAS nói chính xác đấy anh bạn ạ, khi anh ở được trong thiền thì anh sẽ an lạc, thư thái, nhẹ nhàng triền miên. Và đặc biệt anh không cảm thấy cần nhu cầu vật chất như lúc thường, vì các cơ quan trong cơ thể lúc đấy hoạt động rất tối thiểu, cần rất ít năng lượng (nên không cần thực phẩm, do đó, có thể ngồi hàng nhiều giờ mà vẫn thoải mái, không cảm thấy đói, mệt), nhịp tim cũng chậm lại, ngay cả phổi của anh cũng có những khoảnh khắc ngưng hoạt động, hoặc thở rất nhẹ, nhưng tâm của anh hoàn toàn tỉnh thức, biết rõ ràng chung quanh, thậm chí anh có thể cảm nhận được nhịp tim đập; có một nguồn năng lượng êm dịu lan tỏa khắp thân thể, và sự đau đớn ở đâu trong cơ thể sẽ được nguồn năng lượng vô hình đó tự động lan tới chữa trị, khắp người lúc nào cũng trong sự an lạc, nhẹ nhàng, bình an, mà tôi đã ví như ngồi thả tâm nghe một bản giao hưởng với nhiều âm thanh từ các nhạc cụ trầm bổng hòa xướng một cách êm dịu, nhẹ nhàng cùng một lúc.

Mục đích của con người là có được hạnh phúc, thoát khỏi mọi khổ đau. Vậy thì, nếu cả ngày mà anh ở được trong thiền định, thì còn gì hạnh phúc hơn? Dục lạc, thực phẩm nào cho bằng? Một trong những cái khổ, cái bệnh cũng từ do ăn uống ra mà. Trong tác phẩm: “Đường Mây Qua Xứ Hoa” có tường thuật thiền sư Hư Vân nhập đại định trong vòng một tháng, (tới nỗi mấy củ khoai lang luộc trong nồi trước khi nhập định lên mốc trắng), không cần ăn uống, tiêu, tiểu gì cả.

Vạn vật và cả chúng ta đều tiềm ẩn cái rỗng lặng này, tức là cái Bản Thể rỗng lặng này, nó chính là cái Không, không xuất hiện khi các nhà Khoa Học không tìm, là cái Không mà  Phật giảng cho ngài Anan, (tức Chân Không), là cái Không trong (của) Bản Thể, cái Không trong Bản Thể chính là Chân Không – Cái Không Chân Thật.

Cái Không Bản Thể, chẳng khác Chân Không, nếu nó khác là có 2 cái Không chăng?

Tôi đã nêu lên và giải trình cặn kẽ. Không thâm nhập được vào cái Không này thì sẽ khó thấy được Bản Thể, không thấy (kiến) được Bản Thể mà giải trình Bản Thể thì sẽ lẩn quẩn, mơ hồ.

Muốn thể nhập được vào Không, phải Kiến Tánh. Có câu chuyện thiền như sau:

Một thiền sư, hỏi ngài Triệu Châu: “Phật là gì?”, ngài Triệu Châu trả lời: “Càn thỉ quyết” (Càn thỉ quyết có nghĩa là Que cứt khô). Hãy giải trình (trình pháp) công án này, trình pháp đúng lý đạo là Kiến Tánh đấy. Tại sao ngài Triệu Châu, một vị tổ, mà lại khinh mạn Phật như vậy? Lý đạo gì mà ngài ngài Triệu Châu muốn nêu ở đây? Không giải trình được công án này mà tìm cách giải Phi (Không) tướng thì quả là phí công, vô ích.

Phải thâm nhập vào Đạo (kiến tánh Không, kiến tánh vô sanh), còn bằng không nếu chỉ giải trình cái Không bằng đọc được vài giòng ở đây, ở kia thì chỉ mãi mãi trong lẩn quẩn, mơ hồ mà thôi.

Trần Ngẫu Hồ

 

_______________

Bài liên hệ:

- Phật Giáo Chưa Bao Giờ Có Ảo Tưởng, Ảo Giác, Nói Chi Tới Thời Thượng - Phật Giáo Sẽ Giúp Mở Cửa Bản Thể Như Thế Nào? (Trần Ngẫu Hồ)

Link http://sachhiem.net

Trang Thời Sự