CHUYỆN NGƯỜI, CHUYỆN TA

CHUYỆN NGƯỜI, CHUYỆN TA

Nguyễn Văn Thịnh

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_17.php

25-Jun-2017

...Trước hết chúng tung tin Việt Nam Cộng Hòa trước đây là một thực thể chính trị được nhiều nước trong cộng đồng thế giới công nhận. Rồi chúng sẽ lấn tới bước nữa vu cáo Miền Bắc đã xâm lược Miền Nam là vi phạm luật pháp quốc tế. Cùng với sự nhào nặn ra những tổ chức phục quốc cả ở ngoài nước và trong nước, chúng sẽ đưa ra cái nội dung hòa hợp, hòa giải theo ý chúng nhằm trước mắt là xóa nhòa ý nghĩa thắng lợi của cách mạng Việt Nam, sau là phủ định nhà nước Việt Nam hiện hữu, tiến tới thành lập một Quốc gia Việt Nam hổ lốn, sẽ gây hỗn loạn xã hội khó lường! (NVT)

CHUYỆN TA:

Ngày 26/5/2017, ông Bob Kerrey, lẳng lặng về nước, rời bỏ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Tín thác, tương tự như Hội đồng Quản trị của Đại học Fulbright Việt Nam. Trước đó một năm, sau 40 giờ đến thăm đất nước Việt Nam, khi ra đi, Tổng Thống Mỹ Barack Obama không quên để lại một món quà: “Chúng tôi rất hào hứng khi mùa thu này Đại học Fulbright (FUV) sẽ khai trương ở TP.HCM, trường đại học độc lập phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam, nơi sẽ có tự do học thuật hoàn toàn và học bổng cho sinh viên khó khăn”.

Cái máu vọng ngoại đã thành “cố tật quốc nô” không chỉ có ở người Việt mình nên bà Viện trưởng “Viện nghiên cứu phát triển xã hội Việt Nam” vội sướng cuồng lên, coi ông như “một thần tượng mà từ nay người Việt Nam luôn luôn hướng đến, mơ ước và mong mỏi rằng một ngày nào đó mình sẽ có những thần tượng như thế ở đất nước này!”. Thế mà chỉ một năm sau, thương gia Donal Trump kế vị ngôi Tổng Thống, quyết xóa đi bằng hết những gì gọi là thành tựu của người tiền nhiệm! Mới chỉ trong 100 ngày “trăng mật” của vị Tân Tổng Thống, nhiều công trình mà người tiền nhiệm lao tâm khổ tứ lắm suốt gần chục năm trời mới gây dựng được đã bị xóa toẹt đi. Hay dở thế nào chưa biết.

Nhưng dù tệ hại đến đâu, cùng lắm thì lịch sử Hoa Kỳ lại ghi danh thêm một ông Tổng Thống sớm chấm dứt nhiệm kỳ, chớ đừng có ai vội nổi cơn điên nghĩ rằng Hợp chúng quốc Hoa Kỳ sẽ đổ xụp cái rầm giống như Liên bang xô viết! Đó là điều tạo nên sự vĩ đại của nước Mỹ. Nhưng cũng đừng dại vơ vào cái mô hình Mỹ để mang họa vào thân trừ mấy kẻ cuồng nếu không muốn nói rằng ngu! Người Mỹ dùng cái bả nhân quyền như thứ vũ khí bất khả chiến thắng để chinh phục toàn cầu và cũng không ít người sùng bái, cổ súy, tán tụng, coi đó là mục tiêu đi tới của một xã hội văn minh! Qua sự kiện Barac Obama – hậu duệ của vị Mục sư Luther King khả kính, giúp người ta tỉnh ra nhận chân cả mặt phải lẫn mặt trái của nhân quyền và cũng là cốt lõi của văn hóa Mỹ.

Tôn Nữ Thị Ninh

Bà Tôn Nữ Thị Ninh. VNnet

Chuyện ông Bob Kerry cũng vậy. Chẳng cần nhắc lại nửa thế kỷ trước đây ông ta đã làm gì để người càng nhức nỗi đau, người càng đắng nỗi buồn. Cốt lõi của nhân quyền là công lý và công bằng, đơn giản vậy thôi. Bà Tôn Nữ Thị Ninh truy ra nguồn gốc 20 triệu USD vốn ban đầu cho việc xây dựng FUV thực tế là món tiền chính quyền Sài Gòn nợ chính quyền Hoa Kỳ trước 1975 cho chương trình học bổng từ Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), trước sức ép của Chính phủ Hoa Kỳ mà nhà nước CHXHCN Việt Nam đành nén lòng tự tôn, nhằm tiếp tục cải thiện mối quan hệ kinh tế giữa hai nước, nhận trả phía Mỹ theo thông lệ quốc tế, chứ không phải do Bob Kerrey có công gây được quỹ đặc biệt này!

Tìm hiểu qua dư luận mới thấy chuyện này thật lạ vì giữa người trong cuộc và người ngoài cuộc có cái nhìn ngược hẳn với nhau.

Theo nhà báo Thu Uyên: “Chúng tôi tìm mỏi mắt, chưa thấy một người Mỹ hay giáo sư Việt tại Mỹ nào trong phạm vi quen biết lại ủng hộ việc đưa Bob Kerrey lên giữ chức vị cao nhất trong FUV ở Việt Nam vào thời điểm này”. Nêu ra vài ví dụ:

- PGS. Jonathan London: “Đó là một quyết định phải nói là vô trách nhiệm. Muốn thành lập một đại học mới ở Việt Nam thì ít nhất phải nhạy cảm với lịch sử của hai nước”.

- TS. Mark Ashwill, chuyên gia giáo dục, sống và làm việc lâu năm tại Việt Nam, trả lời báo điện tử Trí Thức Trẻ ngày 3/6: “Đây là một nỗi hổ thẹn”!

- Shawn McHale, GS Quan hệ Quốc tế danh tiếng của George Washington University: “Một người Mỹ muốn đền bù sau khi giết những dân thường Việt Nam, tôi hoàn toàn ủng hộ. Sửa sai là điều tốt. Nhưng họ nên đóng vai trò khác hơn là chủ tịch Hội đồng Tín thác hay HĐQT của trường”.

- Chuck Searcy, cựu binh Mỹ nhiều năm tham gia các dự án rà phá bom mìn còn sót lại tại VN: “Kerrey phải rút khỏi vị trí này. Câu hỏi duy nhất là liệu ông ta có thể rút lui với sự tự trọng, thể hiện sự hiểu biết và cảm thông với người Việt Nam hay là chúng ta phải chịu những khoảnh khắc khó xử nữa của sự chối bỏ, ngạo mạn từ phía những người Mỹ chúng tôi”.

- GS Mỹ gốc Việt Nguyễn Thanh Việt, người vừa đoạt giải Pulitzer: “Lẽ nào những người phụ trách FUV không thể tìm được ai khác có đủ khả năng lãnh đạo trường. Việc Việt Nam cần tiến về phía trước và Mỹ muốn đặt quá khứ lại phía sau không nhất thiết phải xoay quanh một con người”.

- Billy Kelly, cựu binh thường xuyên trở lại Việt Nam làm các dự án từ thiện và năm nào cũng quay về Mỹ Lai với 504 bông hồng (dù không hề có liên quan tới vụ thảm sát): “Tôi có thể nói gì đây... Ai đã đề xuất Kerrey? Chắc chắn là phải từ phía Mỹ rồi! Ai ở phía Việt Nam đồng ý với đề xuất này? Tại sao lại vậy? Tôi không thể tin nổi là ông ta có gan trở lại Việt Nam và Sài Gòn nơi “câu chuyện của ông ta” được trưng bày ngay tại Bảo tàng chứng tích Chiến tranh!”

Trong khi ngay tại Việt Nam lại có những tiếng nói rất trái ngược nhau:

Không ít vị chức sắc trong giới văn hóa hoặc người “phương diện quốc gia” sẵn sàng giơ hai tay nâng ông Bob lên đặt ngồi chễm chệ trên ghế ấy:

- Điển hình là nhà văn Nguyên Ngọc, Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Châu Trinh nói ra những điều ghê tởm: Bob Kerrey chỉ là nạn nhân của chiến thuật “tát nước để bắt cá” mà quân đội Mỹ buộc phải làm vì “Muốn đánh bật Việt cộng ra khỏi dân thường thì không thể không giết dân, đàn bà và trẻ con”! Vậy nên Bob là con người “vĩ đại”, “nhân văn”, “tuyệt đẹp”! Đấy là cách một nhà văn hóa Việt Nam từng quá nửa đời là Giải phóng quân trả ơn đồng bào “đã từng cho những người lính Việt cộng nấp để họ có thể cùng chết với chúng tôi”!

- Giáo sư Tiến sỹ Chu Hảo thì nghĩ rằng: “Ông (BK) tuyệt đối không nên rút lui vào lúc này, không phải chỉ vì lợi ích riêng của FUV mà những người quyết định lựa chọn ông đã cân nhắc, mà còn vì một điều gì đó cao cả hơn trong quan hệ giữa hai dân tộc chúng ta”. Bởi vì theo ông Hảo mà bất hảo thì: “Cuộc chiến tranh tàn khốc và đau đớn ấy thực chất là cuộc chiến tranh gì? Là “Ý thức hệ ủy nhiệm”, “xâm lược” hay “giải phóng”? Đối với Việt Nam và Hoa Kỳ thì cái thất bại nhất mà nhân dân cả hai phía đều gánh chịu phải chăng là nỗi ám ảnh của cuộc chiến tranh: nó quằn quại và không rứt ra được”! Giá như ông Chu Đình Xương, nhà cách mạng tiền bối được nhân dân Bắc Giang kính trọng còn hiện diện trên cõi đời này để cậu con cưng có chứng nhân tin cẩn nhất nói ra sự thật vì sao thế hệ ông đã dấn thân vào con đường đầy chông gai ấy!

- Ông Dương Trung Quốc: Cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam là thuộc về quá khứ, chúng ta không bao giờ quên nó nhưng cũng không nên đào sâu những mất mát, đau thương mà nhân dân hai nước đã và đang gánh chịu. Chiến tranh Việt Nam đã lấy đi sinh mạng của hơn 58.000 người Hoa Kỳ và gần một triệu người dân Việt Nam là quá khứ không thể thay đổi được! Nếu trong tư duy của chúng ta vẫn còn luẩn quẩn suy nghĩ tội ác chiến tranh trong quá khứ là từ phía bên này hay bên kia thì rất khó có sự hòa giải giữa Việt Nam và Hoa Kỳ! Ngài nghị sỹ họ Dương, đại biểu cho cả triệu dân một tỉnh phía Nam có 20 năm chịu đựng sự tàn khốc của chiến tranh, tưởng ông lỡ miệng nói ra câu: “Thế hệ chúng ta mất gốc hoàn toàn” (*), mà xem ra thì ông nói thật! Ông Nghị Phước biết được hẳn chẳng ngại gì thêm một cái “đại” nữa vào “tứ đại” mà ông ta đã tặng cho quý ngài nghị sỹ đồng khóa với mình!

- GS. Nguyễn Minh Thuyết, nhận việc chăm sóc và bảo vệ quyền lợi cho trẻ em, thường có tiếng nói ấn tượng mỗi khi đăng đàn trong Quốc hội: “Theo tôi, việc bổ nhiệm một cựu Thượng nghị sĩ, cựu ứng cử viên Tổng thống làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam chứng tỏ phía Mỹ rất coi trọng sự hợp tác, coi trọng vai trò của cơ sở giáo dục đại học này”. Dân tình khỏi lo sao được khi tương lai con cháu mình vào tay các ông nhào nặn!

- Ông Đinh La Thăng, nhà chính trị bạo phát bạo tàn quen thói bốc đồng: “Vượt lên thù hận, chúng ta sẽ chỉ càng cho thấy chúng ta mạnh mẽ và cao lớn về tầm vóc văn hóa”.   Dân tộc Việt Nam luôn “biết thân mình biết phận mình thế thôi”, chứ đâu có ham “đo cao so nặng” với kẻ này người khác.

Ngược lại, trong nhân dân cả nước, số đông người có tâm lý bình thường đều phẫn nộ, coi đây là một sự kiện nhẫn tâm, bất nhẫn. Chuyện này đã phủ bóng đen lên FUV. Như xã luận trên New York Times ngày 23/6/2016 viết: “Người Mỹ cần biết từ tốn khi nghĩ rằng đã hiểu biết văn hóa nước khác”. Các vị lãnh trọng trách quốc gia mà không thấu lòng dân thì sao hiểu được lòng “người”. Nếu ông Bob qua làm kinh doanh hoặc từ thiện thì nhân dân ta rất vui lòng hợp tác. Nhưng để ông ta qua đây làm thầy thì dù bất cứ dưới hình thức nào cũng không chấp nhận.

Người Mỹ có thiện tâm thiện chí thật không? Đây là cú hồi mã thương cực kỳ nguy hiểm! Đa phần giới trí thức không mang trọng trách xã hội kể cả những trí thức đang sống ở nước ngoài mà lòng luôn hướng về quê hương tổ quốc, cũng như giới phụ huynh bình dân không mang tham vọng, chỉ mong con em lớn lên tự lực tự cường trong một xã hội văn minh ổn định, đều không thể tưởng tượng cảnh hàng trăm hàng ngàn sinh viên Việt Nam tại FUV với lòng tôn kính sẽ gọi một biểu tượng của quá khứ đen tối như Bob Kerry là “Thầy” theo phong tục Á Đông, đặc biệt lại là ở Việt Nam. Chẳng ai không muốn có một quan hệ Việt - Mỹ được phát triển bình đẳng, lành mạnh, công bằng cho cả hai bên. Tiếng nói của các cựu chiến binh luôn tỏ ra tỉnh táo: Việt Nam không thể quan hệ tốt với Mỹ nếu phía Mỹ không tốt với Việt Nam. Dùng trường đại học để đào tạo ra một thứ “nô lệ hạng sang”, một cách tuyển dụng tay sai bản địa mà nhiều thế hệ người Việt ta từng biết. Có Bob Kerrey hay không thì nó vẫn là một cơ sở của Diễn Biến Hòa Bình. Nó là con dao hai lưỡi! Thực tế là sản phẩm đã ra rồi! Chất lượng chờ xem. Hãy lắng nghe lời tâm tình của một cô gái trẻ:“Nếu như là em, để sám hối em đã phải đến tận nơi để tạ lỗi với dân Thạnh Phong, sẽ góp sức sao cho xã bớt nghèo, sẽ giúp xây nhà trẻ, trường học, trạm xá, chợ búa cho cái nơi khốn khổ ấy, dù chẳng ai hay biết! Dù người ta không ca ngợi sự hối lỗi của em! Dù sẽ có những người không thể tha thứ cho em!”. Dù sao kết thúc chuyện này là điều hợp lòng dân. Mừng là cái hồn cốt Việt còn giữ được. Đúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Độc lập – Chủ quyền là “dĩ bất biến”, là “lửa thử vàng” với người Việt Nam mọi thời.

CHUYỆN NGƯỜI:

Trong bài phát biểu nhân “Ngày tưởng niệm (06/6 hàng năm) những người lính Hàn Quốc đã hy sinh cuộc sống của họ vì lợi ích quê hương”, Tân tổng thống Moon Jae-in nói thẳng ra rằng: “Nền kinh tế Hàn Quốc đã tồn tại được là nhờ vào sự cống hiến và hy sinh của những người lính tham gia chiến tranh Việt Nam”! Nghĩa là Đại Hàn Dân Quốc không cần giấu việc đã nhận tiền để cho lính qua Việt Nam giết người thuê cho Mỹ! Cụ thể từ 1965 đến 1973, có khoảng 300.000 lính Đại Hàn tham chiến ở Nam Trung Bộ. Hai sư "Ngựa trắng" và "Cọp đen" đã gây ra 43 vụ thảm sát đẫm máu, trong đó có ít nhất 13 vụ giết trên 100 người, có vụ trên 400 người (Bình Hòa – Bình Sơn – Quảng Ngãi), có vụ cả ngàn người (Bình An – Tây Sơn – Bình Định đầu năm 1966). Tổng cộng khoảng 9.000 (con số không thể chính xác) người dân Việt Nam vô tội, đa phần là người già, phụ nữ và trẻ em mọi lứa tuổi bị chết dưới tay lũ lính đâm thuê chém mướn Đại Hàn (theo điều tra của tiến sĩ lịch sử Ku Su-jeong). Đổi lại, mỗi năm Đại Hàn Dân Quốc được nhận khoảng 1 – 1,5 tỷ đô la Mỹ tiền boa (viện trợ), chưa kể các lợi ích kinh tế khác lớn hơn nhiều do làm hậu cần cho đội quân Mỹ khổng lồ sang hủy diệt Việt Nam. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng làm nên sự phát triển vượt bậc của Nam Hàn trong thập kỷ 1960-1970. Nhưng với hơn 5.000 mạng lính và hơn 12.000 thương phế binh luôn làm khuấy động xã hội ngoài vết nhơ lịch sử Hàn Quốc không thể nào gột sạch!

Ảnh từ bài: Hồi ức ghê rợn của một chiến binh Đại Hàn ở miền Nam Việt Nam

Thế nhưng tác giả cuốn sách “Bên thắng cuộc” lại rêu rao trên công luận là có một người bạn Hàn Quốc nói với y rằng: Tao không cần biết Việt Nam kháng chiến thắng lợi được những gì? Mà tao chỉ biết chúng mày đã đuổi đi hai nền văn minh nhân loại! “Đức San hô” khoái lắm như vớ được cái roi quất vào đít cộng sản Việt Nam! Đầu tháng sáu, ngồi trên ghế chủ trì cuộc hội thảo bá láp về chủ đề “xã hội dân sự với dân chủ”, “San hô” hí hửng đưa ra câu hỏi tưởng như một cú bồi chí mạng: “Tại sao mở đầu Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, Hồ Chí Minh dẫn câu trong Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ mà không viện ra được một câu từ nguồn nào khác?” rồi vênh váo giơ cao cả hai tay cắt ngang lời anh bạn trẻ đang phát biểu, ý rằng dân chủ Mỹ thì khỏi phải bàn!

Nhân đây, người viết mạn phép anh bạn trẻ nêu ra mấy ý:

Một là, tên khốn người Hàn kia chắc hẳn cùng hội cùng thuyền với “Đức San hô”. Ngươi nên làm một điều gì tử tế cùng với nhiều người Hàn lương thiện đang thức tỉnh tìm đến Việt Nam gột rửa nỗi nhục quốc sỷ mà lũ "cứu tinh của Đại Hàn Dân Quốc” là cha ông ngươi đã gây ra trong những năm nước non này gặp nạn! Việt Nam đã “nghiêm khắc nhắc nhở” qua đường ngoại giao, đó là thể tình giữ mối bang giao hòa hiếu. Dân chúng Hàn Quốc dù đang cưỡi trên lưng “con rồng kinh tế” nghĩ gì khi hơn thế kỷ nay, đất nước Cao Ly vẫn bị chia đôi trong khi cái họa chiến tranh hủy diệt vẫn rình rập trực chờ, thậm chí không ít người nghĩ trên bán đảo Đông Bắc Á có hai quốc gia láng giềng Hàn Quốc và Triều Tiên luôn đối chọi nhau?!

Hai là cái mà mấy anh gọi là “nền văn minh nhân loại” cần phải hiểu tận tường. Pháp rồi Mỹ đã gây ra bao nhiêu tội ác trên đất nước này nhưng khi kêu gọi nhân dân Việt Nam đứng lên kháng chiến giành độc lập quốc gia và chủ quyền dân tộc, chưa bao giờ Cụ Hồ hay Đảng Cộng sản nhồi nhét vào đầu dân chúng và đảng viên của họ cái tư tưởng bài ngoại cực đoan. Họ phân biệt rất rõ đâu là thực dân đế quốc, đâu là văn minh tiến bộ. Bại tướng Decastrie nói: “Tôi cũng thấy vinh dự được làm tù binh của một quân đội như quân đội Việt Nam”. Nhiều phi công Mỹ như John Mc.Caine, John Kerry, Peter Peterson... sau hàng chục năm ngồi trong “khách sạn Hilton” Hà Nội, trở về nước dù trên cương vị xã hội cao ngất đã là những nhân tố tích cực trong việc hàn gắn quan hệ với Việt Nam.

Thực dân Pháp văn minh như thế nào, hẳn thế hệ ông nội Bùi Văn San còn lưu truyền cho con cháu. Đế quốc Mỹ văn minh như thế nào, ở Việt Nam các nhân chứng sống còn đầy và dấu tích của nó vẫn còn rỏ máu trên những Bảo tàng di tích chiến tranh, những Bia căm thù ở đâu cũng có, ghi lại các cuộc tàn sát điển hình man rợ và hàng ngàn nghĩa trang trên khắp cả nước với hàng triệu liệt sỹ đang ngày ngày đêm đêm nhắc nhở con cháu đời sau phải trân quý và bảo vệ tổ quốc mình. Với thằng nhóc Hàn kia, chỉ cần vài gõ trên computer sẽ biết hơn nửa thế kỷ trước, đất nước và nhân dân Cao Ly đã nếm mùi vị văn minh Mỹ thế nào? Và chính văn minh Mỹ đã đẻ ra và nuôi dưỡng mấy thế hệ lính Đại Hàn tàn bạo hung ác vô nhân nhất trong đám lâu la của Mỹ sang đánh hôi ở Việt Nam!

Ba là: Cụ Hồ xuất dương là để tìm đường cứu nước. Cụ viết báo là để tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân với đồng bào của Cụ và với những người cần lao trên toàn thế giới. Qua đó thức tỉnh đồng bào trong nước và kết đoàn nhân dân các nước chống thực dân đế quốc. Cho nên khi đến thăm tượng Thần tự do, người thanh niên đi tìm chân lý viết: “Ánh sáng trên đầu thần Tự Do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần Tự Do thì người da đen đang bị chà đạp; số phận người phụ nữ bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?”. Ở phương tây, hẳn nhà cách mạng trẻ đã đọc Tuyên ngôn độc lập Mỹ và dư biết đó là sự tổng hợp các nguyên tắc cơ bản về quyền tự do của con người, thể hiện sự tiếp cận nền chính trị Khai sáng của Anh, Pháp qua những khái niệm được truyền bá trên toàn lục địa. Nhưng Nguyễn Ái Quốc đâu có lạ gì nước Pháp: Đó là một xứ sở kỳ lạ. Nó đã sản sinh ra những tư tưởng tuyệt diệu nhưng khi xuất cảng, chẳng bao giờ nước Pháp cho đưa ra những tư tưởng đó”. Đến khi đọc “Luận cương các dân tộc thuộc địa” của Lê Nin thì Người bật reo lên: “Đây là cái cần cho chúng ta”!

Ngồi trên gác hai ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang Hà Nội, chỉ có mấy ngày để viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong bối cảnh thế giới, trong nước cực kỳ khẩn trương và đặc biệt. Văn hóa Đông Tây kim cổ Cụ Hồ chứa đầy một bụng. Cụ Tây Hồ thiên kinh vạn quyển, tuy chẳng hợp ý với chàng trai thông minh, chí lớn, quyết liệt dấn thân vì đại nghiệp nhưng vẫn một lòng nể trọng tri thức của anh. Chẳng thiếu gì điều hay ý lạ, tư tưởng tân tiến văn minh để trích dẫn nhưng phải hợp cảnh, hợp tình. Các Mác, Lê Nin chưa hợp lúc này. Trước mắt là thằng Tàu, thằng Pháp và nhất là thằng Mỹ đang lên. Nhà hoạt động quốc tế lão luyện biết Pháp và Mỹ đều cùng một giuộc nhưng Mỹ trước sau sẽ  vô cùng lợi hại cho cách mạng thế giới cũng như cách mạng Việt Nam (**). Con mắt đại bàng của nhà cách mạng từng trải là ở đấy. Cụ nhờ một nhân viên tin tưởng trong phái bộ Hoa Kỳ quen biết từ lúc ở chiến khu tìm và chuyển gấp cho Cụ nguyên bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ. Tất nhiên là Cụ phải đọc kỹ và  trích dẫn mấy câu: “Tất cả mọi người (chứ không phải một số men chỉ những người đàn ông da trắng có quyền sở hữu - NV) đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đó là lời kêu gọi mà cũng là lời cảnh cáo: Cách mạng Việt Nam cũng đi theo con đường như cách mạng Mỹ. Người Mỹ có trách nhiệm phải ủng hộ và không có lý do gì để chống lại chúng tôi. Khi Pháp gây ra tình hình căng thẳng, Cụ Hồ lại ký Hiệp định sơ bộ 6 tháng 3. Ai cũng hoang mang về việc bỗng dưng mở đường cho quân Pháp quay đầu trở lại. Trong một buổi họp Quốc hội, Người giải thích: “Các vị quên lịch sử đất nước ta rồi sao? Nếu quân Tưởng ở lại thì chúng nó sẽ ở lại hàng ngàn năm!”, lúc đó mọi người mới sáng mắt ra! Ngay khi tiếng súng tái xâm lăng của Pháp lan trên toàn cõi, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cụ Hồ gửi thư cho Tổng Thống Truman yêu cầu can thiệp và hỗ trợ nền độc lập của nước Việt Nam hợp pháp. Nhưng người Mỹ lờ đi! Không thể nói gì hơn là Mỹ đầu têu làm mất ổn định thế giới ngay sau Thế chiến II vừa kết thúc. Tự do, dân chủ gì đâu! 

Nhà nho khoa bảng, nhà báo lừng danh, chí sỹ  Huỳnh Thúc Kháng, ở cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, nói lời chí lý với đồng bào cả nước: “Hồ Chí Minh tiên sinh là bậc yêu nước đại chí sỹ, là nhà lịch nghiệm cách mạng đại chuyên gia, chân đi khắp năm châu, mắt trông xa vạn dặm. Nói về bằng cấp thì ông Hồ không là Tiến sỹ, Phó Bảng gì cả. Nhưng nói về tri thức và sự nghiệp cách mạng thì chắc chắn lớp chúng ta cũng như lớp trước chúng ta không ai bì kịp. Tôi đã vào loại sáng nhưng cụ Hồ lại sáng hơn tôi nhiều. Cụ Hồ rất vì đại nghĩa, là một tay cao cờ, dưới lại có đội ngũ những người giúp việc tài năng, thông minh lắm, giỏi giang lắm, tin tưởng lắm, nhất định sẽ đưa dân tộc ta đến toàn thắng”.     

Con người như “San hô” không để mất thì giờ tìm hiểu những chuyện đại loại như thế và cũng chẳng cần đọc hết bản Tuyên Ngôn độc lập do Jefferson đứng đầu một nhóm năm người soạn thảo và công bố ngày 04/7/1776. Câu trích dẫn trên ở Phần thứ nhất, nêu lên những nguyên tắc về chính quyền. Chỉ dưới đó mấy dòng, lại giải thích rõ ra: “Khi một hình thức chính quyền nào đó có khuynh hướng phá đổ các mục tiêu này, nhân dân có quyền thay đổi hình thức đó hay phế bỏ và thiết lập một chính quyền mới theo các nguyên tắc và bằng cách tổ chức các quyền hành theo những hình thức thấy là thích hợp nhất để đảm bảo An ninh và Hạnh phúc của nhân dân”. Suy ra là không thể chế xã hội nào ràng buộc được ý muốn của nhân dân.

Nghệ Tĩnh là xứ “cá gỗ”, “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, nghèo truyền kiếp xưa nay,  nhưng giờ đây thay đổi đến không ngờ. Đường làng láng nhựa rộng thênh thang. Người nhà quê ở biệt thự, đi xe ô tô đời mới không là chuyện lạ, giỗ tết như ngày lễ hội mở tiệc  tưng bừng... Đấy! Máu xương của bao nhiêu người ngã xuống đã giải phóng cho xứ sở này, cho cả nước này, ngày ngày một hiển hiện dần ra. Nhưng chẳng ai ngu ngơ cho rằng được thế là thỏa mãn. Tự do dân chủ là chuyện dài muôn thuở. Mình ta không thể quyết được, còn phải nhìn kẻ trước người sau. Nhưng ổn định xã hội là điều bức thiết. Không ai có quyền nhân danh sự ổn định để trì níu xã hội. Nhưng cũng không cho phép kẻ nào được quyền không dưng khuấy động xã hội lên để đục nước béo cò.

Tên Hàn Quốc nào đó theo chân cha ông y làm việc đâm thuê chém mướn nuôi thân, nuôi nhà, nuôi nước. Nhưng y đâm chém người xa lạ khác máu tanh lòng, không cùng chủng tộc, chỉ là tên lưu manh mạt hạng! Vẫn còn hơn “Đức San hô” vô ơn bạc nghĩa, dùng ngòi bút răng lưỡi làm dao, cuốc cào, loa miệng đâm chém bà con mình, kinh động vong linh liệt sỹ, đầu trò đám dân chủ cuội phá rối sự bình yên đất nước! Vậy mà vẫn nghênh ngang trơ tráo giữa quê hương xứ sở! Kiểu dân chủ đó không bền!

TỪ CHUYỆN NGƯỜI XEM LẠI CHUYỆN TA:

Mới đây, tại New Orleans, tượng tướng Robert E. Lee – người chỉ huy quân đội Hợp bang miền Nam ly khai trong cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ nửa sau thế kỷ XIX, đã bị hạ bệ. Chuyện quá khứ của người ta nhưng lại làm không ít người Việt chạnh lòng nhớ hoài cái biểu tượng ông tướng thất trận đứng hiên ngang giữa quảng trường trên bệ cao 16mét, đêm ngày kiêu hãnh trước những dòng người qua lại dưới chân ngước lên ngắm mình.

Bức tượng Tổng tư lệnh Robert E. Lee bị đưa ra khỏi công viên Lee Circle ở New Orleans ngày thứ Sáu 19/5/2017. Ảnh NYpost.com

Bởi vì lâu nay người ta cứ lấy đó làm tấm gương sáng văn minh của lịch sử Mỹ để chê bai lên án những người thắng cuộc đối xử vô nhân với những người thua cuộc trong cuộc chiến tranh lâu dài, khốc liệt ở Việt Nam.

Các tượng đài tướng lãnh miền Nam bị hạ trong đêm . Xem video "New Orleans Removes 4 Confederate Monuments", MON, APR 24, 2017

Chuyện đã qua gần nửa thế kỷ nhưng những người thiện tâm dù ở bên này hay bên kia, đang sống trong lòng quê hương hay nơi góc biển chân trời nào, nghĩ lại một thời lịch sử đều cảm thấy vừa rất hào hùng vừa lắm đau thương. Vinh quang tới đâu cũng không thể mài ra mà ăn được, phải tự mình khởi nghiệp mới mong một tương lai sáng sủa. Đau thương, theo năm tháng, với người này có thể phai nhạt dần đi, nhưng với người kia cứ bị dày vò nhức nhói uất hận mãi không nguôi. Thôi thì buồn vui mỗi người tự tạo cho mình. Có điều là nhiều người nhìn nước Mỹ qua những tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo nên một cuộc sống văn minh, qua cách tạo ra một xã hội trong đó ranh giới tự do của mỗi cá thể được nới rộng hơn, khiến người ta cảm thấy thoải mái không làm vướng bận cuộc sống đời thường. Đó là những điều dẫn gọi nhiều người cả ở nơi cùng trời cuối đất. Nhưng chẳng mấy ai tìm hiểu sâu lịch sử Hoa Kỳ để nhận chân văn hóa Mỹ. Một số người gọi là trí thức, đọc một ít sách, biết một số chuyện, lượm lặt sự lạ điều hay đem phóng đại lên đưa ra ngợi ca quảng bá chỉ nhằm thực hiện ý đồ riêng. Nhân chuyện này, trong khuôn khổ giới hạn, người viết xin nêu ra vài ý:

Thứ nhất: 

Cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất non sông vừa qua của nhân dân Việt Nam khởi đầu từ khi quân Pháp chiếm lục tỉnh Nam kỳ tới ngày toàn thắng, kéo dài hơn một trăm năm, là một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bản chất khác hẳn cuộc nội chiến của Hoa Kỳ. Đó là truyền thống yêu nước, thế hệ sau tiếp thế hệ trước hướng tới một mục tiêu duy nhất. Thể hiện đồng nhất qua tuyên bố của các nhà lãnh đạo cuộc kháng chiến trước nhân dân cả nước sau ngày 30 tháng Tư: “Đây là thắng lợi của toàn thể nhân dân Việt Nam. Kẻ thua là thế lực ngoại bang xâm lược và bè lũ tay sai chống lại lợi ích của dân tộc và tổ quốc”! Đó là cơ sở để mỗi người Việt Nam tự xác định chỗ đứng cho mình.

Bốn năm chiến tranh (1861-1865), Hoa Kỳ chịu nhiều tổn thất to lớn về mọi mặt: 550.000 người chết, đất nước tan hoang ở cả hai miền Nam Bắc, dân tình phân tán cả thế kỷ mới dần hàn gắn lại. Nhưng điều chủ yếu đã đạt được là “gia đình Liên Bang trên thực tế không còn bị chia rẽ nữa”, là nền tảng căn bản và với nguồn tài nguyên phong phú, bản chất năng động sáng tạo của một hợp chúng quốc, Liên bang Mỹ mau chóng vượt lên vị trí hàng đầu thế giới.

Việc hạ bệ bức tượng lịch sử tướng Lee mang ý nghĩa: Đã đến lúc người Mỹ bày tỏ thái độ đoạn tuyệt vĩnh viễn với sự chia cắt phân ly đất nước sau thời gian chờ đợi lâu dài. Người Việt đồng cảm với nhân dân Mỹ.

Thứ hai:

Người ta chỉ khai thác vài hình ảnh đặc thù mang tính văn chương như: Nào là khi tướng Lee từ phòng họp đi ra, lên ngựa rảo qua, các sỹ quan và binh lính miền Bắc đứng quanh đều đồng ngả nón chào kính vị tướng trong quân đội Hợp bang miền Nam bại trận; Nào là Tướng Grant ra lệnh ngưng ngay tức khắc những biểu lộ vui mừng của binh sỹ miền Bắc thắng trận vì “Chúng ta không được phép reo mừng trên chiến bại của họ”, để giữ sự toàn vẹn tình cảm giữa những người cùng trong một cộng đồng dân tộc Hoa Kỳ; Nào là “Tướng Lee và các sỹ quan binh lính của miền Nam thua trận đã không bị giam giữ như tù binh chiến tranh”; Nào là “Những binh sỹ chết trận của cả hai phe thắng bại đều được chôn xen kẽ trong cùng một khu mộ, nơi có tấm bia ghi rõ “Nơi đây là chỗ nằm xuống của tất cả những người vì nước Mỹ”... Coi đó là tấm gương mã thượng giữa người thắng với kẻ thua. Trong khi người ta ra sức khai thác những góc độ tiêu cực khiếm khuyết của thời hậu chiến để xuyên tạc, kích động chủ trương “hòa hợp dân tộc, người trong một nước phải thương nhau cùng” của chính phủ Việt Nam thống nhất. Họ cố tình lờ đi ý nghĩa nhân văn lớn nhất chỉ có được ở một cuộc chiến tranh giải phóng chính nghĩa do một Đảng cách mạng chân chính lãnh đạo là không hề có dấu vết của một cuộc tắm máu trả thù, điều mà các thế lực chống đối luôn reo rắc hoang mang và mong đợi. Đừng quên đây là một cuộc chiến tranh giải phóng pha màu sắc ý thức hệ quyết liệt nhất, tàn khốc nhất, lâu dài nhất, với một thời hậu chiến cực kỳ phức tạp, gian khổ, dằng dai, tưởng chừng không lối thoát.

Người viết tìm đọc sách sử Hoa Kỳ, ghi nhận được rằng: Tướng sỹ dưới quyền tướng Lee không có ai bị xử tử, song tất cả phải trải qua giam giữ trong khoảng 2-4 năm cho tới khi một đạo luật ân xá được thông qua vào tháng 5/1866. Và phải thêm 6 năm sau đó, những tù binh này mới được trao lại quyền công dân theo đạo luật năm 1872. Cần nhớ luật ân xá này không áp dụng với 500 chỉ huy quân sự cao cấp của Hợp bang miền Nam. Những “đồng bào nổi loạn” ở miền Nam vẫn bị tước quyền bàu cử và những người Cộng hòa cấp tiến vẫn bằng mọi cách khống chế những kẻ chiến bại ngoan cố và dùng cả vũ lực khi cần! Chính người dân Mỹ ở cả 2 bên cũng nhận thấy phải mất thời gian 40-50 năm, người Mỹ mới hàn gắn được những tổn thất lịch sử quá lớn do chiến tranh gây ra để chung nhịp thở và đồng bước song hành. Đặc biệt một trăm năm sau (1968), hậu duệ những người Phi nô lệ mới hoàn toàn được hưởng mọi quyền công dân bình đẳng với người da trắng đúng lúc nước Mỹ đang rất cần có lính quân dịch đưa sang Việt Nam! Và thêm 20 năm nữa (1988) với những người cầm đầu phe ly khai mới được ân xá về tội lỗi của họ. Tính ra phải mất 152 năm sau ngày kết thúc chiến tranh (1865 – 2017), biểu tương cuối cùng của miền Nam nước Mỹ chủ động ly khai gây ra cuộc nội chiến Nam Bắc, đã bị người Mỹ vĩnh viễn xóa đi  để khỏi ai còn vương vấn đến một thời lịch sử đen tối nữa!

Người Việt Nam thấm nhuần tư tưởng nhà Phật: “Lấy oán trả oán, oán ấy trùng trùng. Lấy ân trả oán, oán ấy tiêu vong”. Đại sứ Mỹ Ted Osius khá rành người Việt cả về góc độ văn hóa và chính trị, rất có lý khi ông nhận xét: “Không cóđâu hướng tới tương lai và tha thứ  hơn Việt Nam”.

Thứ ba:

Trước sự thật là một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, có chủ quyền dân tộc, vượt qua nhiều trở ngại chông gai đang từng bước đi lên. Trước sự ủng hộ và niềm tin của bạn bè thế giới, các thế lực thù địch bên ngoài kết hợp với bọn cơ hội, phản bội trong nước càng ra sức chống phá và bày ra những mưu toan nham hiểm. Gần đây chúng mưu toan dựng dậy cái chính thể Việt Nam cộng hòa trước đây đã là một thây ma thối rữa, giờ tân trang phục chế hà hơi tiếp sức cho nó để thành một con rối quấy phá sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam phát triển, giữ vững chủ quyền dân tộc, bảo vệ vững chắc biên cương lãnh thổ, hòa nhập vào thế giới tiến bộ văn minh. Trước hết chúng tung tin Việt Nam Cộng Hòa trước đây là một thực thể chính trị được nhiều nước trong cộng đồng thế giới công nhận. Rồi chúng sẽ lấn tới bước nữa vu cáo Miền Bắc đã xâm lược Miền Nam là vi phạm luật pháp quốc tế. Cùng với sự nhào nặn ra những tổ chức phục quốc cả ở ngoài nước và trong nước, chúng sẽ đưa ra cái nội dung hòa hợp, hòa giải theo ý chúng nhằm trước mắt là xóa nhòa ý nghĩa thắng lợi của cách mạng Việt Nam, sau là phủ định nhà nước Việt Nam hiện hữu, tiến tới thành lập một Quốc gia Việt Nam hổ lốn, sẽ gây hỗn loạn xã hội khó lường!

Đáng buồn là nhiều nhà sử học trụ cột, dưới chiêu bài “đổi mới nhận thức sử học” nếu không là đầu têu thì cũng đồng tình. Cái chính thể Sài Gòn 30 năm (1945–1975) khác gì cái “Nam kỳ quốc” (1945–1949) đều do ngoại bang cụ thể là Pháp, Mỹ nặn ra.

Không người Việt Nam yêu nước nào chấp nhận lời rao bán nước của Ngô Đình Diệm: “Biên giới của Hoa Kỳ kéo dài từ Alasca tới vĩ tuyến 17”! Ngay những người đứng đầu chính quyền và quân đội của cái gọi là nền Đệ nhị cộng hòa sau đó, khi đã mất sạch, họ cũng tự nhận là tay sai của ngoại bang. Điều này, khi cần, Bộ Ngoại giao, các nhà lập pháp và Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ có tiếng nói cuối cùng.

Người viết trích giới thiệu một phần bài viết “Ý nghĩa cuộc chiến tranh Việt Nam 1954–1975” của Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang, chủ mạng Sách hiếm (Nguồn http://sachhiem.net/NMQ/NMQ037.php) giúp bạn đọc làm căn cứ:

Tại Hội Nghị Geneva 1954, chỉ có hai phái đoàn của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Pháp trực tiếp bàn luận với nhau, chứ phái đoàn của chính quyền bù nhìn Bảo Đại (gọi là phái đoàn của chính quyền Quốc Gia) không được tham dự vào các cuộc bàn thảo của hai thế lực này.

Không có một điều khoản nào trong Hiệp định Genève chia hai miền Nam Bắc ra làm hai:

Điều khoản 1 (Article 1) nói về sự thiết lập “một đường ranh giới quân sự tạm thời” (A provisional military demarcation line) [Vĩ tuyến 17] để quân đội hai bên rút quân về: Lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam ở phía Bắc, và lực lượng Liên Hiệp Pháp (French Union) ở phía Nam làn ranh giới.

Điều khoản 8 ấn định quyền kiểm soát hành chánh ở phía Bắc Vĩ Tuyến 17 thuộc Việt Minh và ở phía Nam thuộc Pháp (Civil administration in the regroupment zone to the North of the 17th parallel was to be in the hands of the Vietminh, and the area to the South of the parallel was to be in the hands of the French)

Điều khoản 14, đoạn (a) [Article 14, Paragraph (a)] viết rõ: “Trong khi chờ đợi cuộc Tổng Tuyển Cử để Thống Nhất Việt Nam, quyền hành chánh dân sự trong mỗi vùng rút quân nằm trong tay các phe có quân đội rút quân (nghĩa là Pháp và Việt Minh) theo tinh thần của bản Thỏa Hiệp.”  (Pending the general elections which will bring about the Unification of Vietnam, the conduct of civil administration in each regrouping zone shall be in the hands of the party whose forces are to be regrouped there in virtue of the present Agreement).

Điều khoản 14, đoạn (c) viết:  “Mỗi phe sẽ tự kiềm chế để không có bất cứ hành động  trả thù hay kỳ thị nào đối với những cá nhân hay tổ chức vì những hoạt động trong khi có cuộc tranh chấp quân sự, và phải bảo đảm quyền tự do dân chủ của họ.” (Each party undertakes to refrain from any reprisals  or discrimination against persons or organizations on account of their activities during the  hostilities and to guarantee their democratic liberies)

Bản “Tuyên Ngôn...” gồm 13 đoạn, liên quan đến cả Cambod và Lào, có một đoạn đáng để ý:

Đoạn (6) [Paragraph (6)] nguyên văn như sau:

“Hội Nghị nhận thức rằng mục đích chính yếu của Thỏa Hiệp về Việt Nam là dàn xếp những vấn đề quân sự trên quan điểm chấm dứt những đối nghịch quân sự và rằng ĐƯỜNG RANH GIỚI QUÂN SỰ LÀ TẠM THỜI VÀ KHÔNG THỂ DIỄN GIẢI BẤT CỨ BẰNG CÁCH NÀO ĐÓ LÀ MỘT BIÊN GIỚI PHÂN ĐỊNH VỀ CHÍNH TRỊ HAY  ĐẤT ĐAI .  Hội Nghị bày tỏ sự tin tưởng là thi hành những điều khoản trong bản Tuyên Ngôn này và trong Thỏa Hiệp ngưng chiến sẽ tạo nên căn bản cần thiết để trong tương lai gần đạt tới một sự dàn xếp chính trị ở Việt Nam”

Nói rằng miền Bắc xâm lăng miền Nam là xuyên tạc lịch sử. Sự thực rõ ràng là:

a.- Miền Nam là một phần lãnh thổ của tổ quốc Việt Nam,

b.- Chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa dưới quyền lãnh đạo của Chủ Tịch Hồ Chí Minh với thủ đô là Hà Nội là chính quyền hợp tình với dân tộc và đất nước, hợp lý với tất cả mọi thành phần trong xã hội, và hợp pháp được toàn thể nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới đều công nhận. Công pháp quốc tế cũng đã công nhận thực trạng chính trị này của chính quyền Hà Nội. Do đó, chính quyền Hà Nội có quyền đem quân trú đóng ở bất kỳ nơi nào trên toàn lãnh thổ Việt Nam kể cả miền Nam vĩ tuyến 17 để phục vụ cho nhu cầu quốc phòng của đất nước. Việc này không khác gì việc làm của chính quyền Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Lincoln (1861 – 1865) đã di chuyển và đem quân trú đóng trong các tiểu bang miền Nam trong thời Chiến Tranh Nam Bắc Hoa Kỳ (1861-1865) sau khi ông nói “Hỡi những đồng bào bất mãn! Chính do nơi tay các bạn chứ không phải do nơi tay chúng tôi, đã tạo nên cuộc nội chiến này”.

19 năm sau hội nghị Geneva, ngay sau khi Hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam được ký kết, người cùng với ông Lê Đức Thọ chủ trì thiết kế nội dung Hiệp định là ông Henry Kissinger, sang thăm Việt Nam. Tại Bảo tàng lịch sử quốc gia Hà Nội, được xem và nghe dịch bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt mà người Việt Nam coi như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên, trưng bày trang trọng, ông ta nói vui: “Đây là Khoản một, Điều một của Hiệp định!”. Nghĩa là từ tháng Tám năm 1945, nhân dân ta giành lại được nước, thành lập quốc gia độc lập, chưa có chủ thể chính trị chính thống nào thừa nhận sự phân ly lãnh thổ của nước Việt Nam thống nhất.

KẾT LUẬN:

Lão tử nói: “Người hiểu biết chưa hẳn là người học rộng. Kẻ học rộng chưa hẳn là người hiểu biết”. Người học rộng được hiểu là người có bằng cấp cao, bằng cấp càng cao chứng tỏ sự học càng rộng. Người hiểu biết được hiểu là người thấu hiểu nhân tình thế sự, ứng biến hợp lòng người, thuận đạo trời, làm việc gì dù khó mấy cũng trôi chảy nhẹ nhàng. Đạo trời chỉ làm việc lợi mà không làm việc hại. Ai muốn nổi mình lên sẽ tự làm mình chìm xuống. Ai muốn người biết mình sẽ không tự biết mình là ai. Vốn học và sự hiểu biết không hẳn lúc nào cũng là điều thuận.

Giá như công tác cán bộ hiện nay ngoài những quy trình quy chế quy định chung chung, biết xem xét vận dụng nhuần nhuyễn những lời dạy của người xưa hẳn không là điều vô ích.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 20 tháng 6 năm 2017

____________________

* Ngày 29/1/2011, Giáo sư Vũ Đình Hòe – vị Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của nền cộng hòa dân chủ Việt Nam ra đi ở tuổi tròn trăm. Với lòng tiếc thương bậc lão thành trí giả khả kính, nhà báo Hương Giang của báo điện tử Vietnamnet làm cuộc phỏng vấn nhỏ nhà nghiên cứu sử Dương Trung Quốc và được trả lời như vậy.

** Một tháng trước khi Pháp đánh chiếm Sài Gòn, ngày 24/8/1945, Tổng thống Mỹ Truman tuyên bố: “Trong mọi trường hợp, đối với Đông Dương, chính phủ của tôi không chống lại việc chính quyền và quân đội Pháp quay trở lại xứ ấy” (Hồi ức chiến tranh (Mémoires de guerre), tập III, trang 249-250 của Charles de Gaulle, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp sau Thế chiến II).