Tra Tấn, Kiểu Mỹ

Tra Tấn, Kiểu Mỹ-

Chuồng Cọp tại Việt Nam

Don Luce /Hoài Nam chuyển ngữ

http://sachhiem.net/SACHNGOAI/H/HoaiNam01.php

25-May-2017

LTS: Đây là bài dịch trực tiếp từ bài báo nhan đề: "Torture, American Style - The Tiger Cages of Viet Nam" của Don Luce đăng trên www.historiansagainstwar.org. Nhà báo Don Luce đã giúp Tom Harkin, một nhân viên phụ tá phái đoàn nghị sĩ Mỹ, cùng nhau khám phá ra nhà tù Chuồng Cọp ở Côn Sơn. Don Luce cũng viết quyển Vietnam: The Unheard Voices (Việt Nam: những tiếng nói chưa được ai nghe.) Vậy mời bạn đọc để "nghe." Đây là một trong những người Mỹ thực sự là bạn chân thành nhất của chúng ta. (SH)

Cảnh người tù trong một xà lim chuồng cọp - Ảnh: T.Tuấn

Người bạn thân nhất của tôi bị tra tấn đến chết vào năm 1970. Nguyễn ngọc Phương là một người hiền lành nhưng chán ghét chiến tranh và sự tàn phá của nó gây ra cho đất nước mình. Anh bị bắt bởi cảnh sát Sài Gòn - dưới sự đỡ đầu của Mỹ - tại một trong những cuộc biểu tình chống chính phủ. Sau ba ngày bị thẩm vấn và tra tấn liên tục, anh qua đời. Một trong số những người đàn ông bị tù chung với Phương cho biết: "Anh đã bị tra tấn bởi cảnh sát Việt Nam Cộng hòa nhưng người Mỹ lại còn hậu thuẫn và cung cấp thêm nhiều ngón nghề nữa."

Có lẽ đây là sự khác biệt lớn nhất giữa Việt Nam và Abu Ghraib. Ở Việt Nam, Hoa Kỳ chủ yếu dạy và trả luơng cho cảnh sát và quân đội Sài Gòn để theo lệnh của họ. Tại Abu Ghraib và Iraq, quân đội Hoa Kỳ tự thực hiện việc tra tấn. Tuy nhiên, có rất nhiều người Việt Nam đã bị tra tấn bởi người Mỹ trước khi chuyển họ cho chính quyền Sài Gòn và bị đưa vào tù. Báo cáo về những người bị tình nghi là Việt Cộng bị ném ra khỏi máy bay trực thăng, những nông dân bị trói chặt vào cột dưới cái nắng như thiêu đốt, và những thanh niên đã bị quân đội Hoa Kỳ xử tử đều được các người lính và ký giả Hoa Kỳ đúc kết lại rõ ràng.

Hoa Kỳ đã trả lương cho những kẻ tra tấn, dạy cho họ các phương pháp mới, và chuyển kẻ tình nghi cho cảnh sát. Các cấp thẩm quyền Hoa Kỳ đều biết rằng có sự tra tấn.

Chuồng Cọp

Năm 1970, Tổng thống Nixon đã gửi một phái đoàn gồm mười nghị sĩ đến Việt Nam để điều tra về sự bình định. Một phần trong nhiệm vụ của họ bao gồm một chuyến viếng thăm nhà tù ở Nam Việt như là một cách để được phép đến thăm nơi giam giữ tù binh Mỹ ở miền Bắc Việt nam.

Tom Harkin, lúc đó là phụ tá phái đoàn nghị sĩ, đã thuyết phục hai nghị sĩ điều tra những câu chuyện về tra tấn ở Chuồng Cọp ngoài khơi bờ biển Việt Nam (người Pháp xây dựng chúng vào năm 1939 để giam giữ các đối thủ chính trị, tương tự như nhà tù ở Guinea - thuộc Pháp, nổi tiếng trong phim Papillion, với các ngôi sao điện ảnh như Steve McQueen và Dustin Hoffman). Vị dân cử Hoa kỳ đòi hỏi máy bay cho chuyến đi dài 200 dặm đến đảo Côn Sơn. Tôi được yêu cầu đi theo làm thông dịch viên và chuyên viên về các nhà tù ở Việt Nam. Lúc đó tôi đang làm việc cho Hội đồng Tôn Giáo Toàn Cầu.

Trên đường đi, Frank Walton, cố vấn về vấn đề tù nhân của Mỹ, đã mô tả Côn Sơn giống như "một Trại Giải Trí của Hướng Đạo." Đó là, ông nói, "nhà tù lớn nhất trong Thế giới Tự do".

Chúng tôi đã nhìn thấy một cảnh rất khác biệt khi đến nhà tù. Sử dụng các bản đồ do cựu tù nhân Chuồng Cọp vẽ, chúng tôi chuyển hướng đã dự tính ​​mà vội vã đi xuống lối đi hẹp giữa hai trại giam. Chúng tôi tìm thấy cánh cửa nhỏ bé dẫn đến các chuồng giữa các bức tường nhà tù. Một người bảo vệ bên trong nghe thấy tiếng động ở bên ngoài và mở cửa. Chúng tôi bước vào.

Khuôn mặt của những tù nhân trong những cái chuồng bên dưới vẫn còn khắc sâu trong tâm trí tôi: người đàn ông với ba ngón tay bị cắt đứt; Người đàn ông (sắp chết) từ tỉnh Quảng Trị có sọ bị vỡ ra; và một vị tu sĩ Phật giáo từ Huế đã nói hằn học về sự đàn áp các Phật tử. Tôi nhớ rõ mùi hôi thối từ bệnh tiêu chảy và các vết lở loét, nơi những chiếc cùm đã cắt vào mắt cá chân của các tù nhân. "Donnez-moi de l'eau" (tiếng Pháp, nghĩa là "Cho tôi nước"), họ van xin. Họ đã khiến chúng tôi chạy đôn đáo giữa các xà lim để kiểm tra sức khoẻ của các tù nhân khác và họ tiếp tục đòi nước.

Các bức ảnh mà Harkin chụp được, hiện nay là Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ từ Iowa, đã được in trên tạp chí Life (17 tháng 7 năm 1970). Cuộc phản kháng quốc tế dẫn đến việc di chuyển 180 người đàn ông và 300 phụ nữ từ các Chuồng. Một số đã được chuyển đến nhà tù khác. Một số khác đã được gửi đến các bệnh viện tâm thần.

Grace Paley mô tả cuộc đời tù nhân của một trong số 300 phụ nữ bị tống giam vào Chuồng Cọp trong cuốn sách năm 1998 của cô: "Như Tôi Đã Nghĩ."

Trong tù, Thiều thị Tạo bị đánh vào đầu bằng dùi cui. Đầu cô bị khóa giữa hai thanh thép. Nước bị ép xuống cổ họng. Cô bị treo lơ lửng trên mặt đất. Sau đó, vào ngày 20 tháng 11 năm 1968, cô được chuyển đến Tổng nha Cảnh sát. Linh mục Chân Tín, trong lời kêu gọi quốc tế quan tâm về trường hợp của cô, viết rằng: "cô ta còn bị đánh đập và bị quay điện nữa". "Cô ấy đã trở nên điên loạn", Linh mục Tín viết, "không thể ngủ được trong mười lăm ngày, tưởng mình là một con chó được nuông chiều, chỉ có thể ăn bánh mì và sữa. Không được cho những thứ này, cô ấy từ chối ăn và trở nên quá yếu đuối, không thể nói được. Khi gió thổi, cô ấy như muốn bay.

Cuối năm 1969, Tạo đã được đưa sang Chuồng Cọp tại Côn đảo. Cô ấy đã ở đó trong một năm và chuyển đến Nhà thương điên Biên Hòa. Trong nhiều ngày, cô bị treo lên cái móc sắt. Xương sống của cô ấy đã bị hư hỏng bởi kiểu tra tấn này và đến nay cô vẫn phải đeo niềng cổ.

"Ông đã cứu sống chúng tôi," Tạo viết lại sau này. "Tôi vẫn còn nhớ giọng nói ngoại quốc xa lạ khi ông đến. Trong chuồng, chúng tôi không biết còn có những sự nhục nhã mới mẻ nào đem đến cho chúng tôi nữa. Nhưng một người nước ngoài (theo tôi nghĩ) nói tiếng Việt với giọng hơi nặng, bảo với chúng tôi rằng đây là một cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ. Chúng tôi đã cầu mong có cuộc điều tra như vậy và đây là cơ hội để nói lên những cuộc tra tấn. Chúng tôi van xin nước và thức ăn. Chúng tôi sắp chết, các ông biết không!"

Thời gian ấy, Tạo là một học sinh trung học 16 tuổi. Cô bị tống vào Chuồng Cọp vì không chịu chào cờ. "Con này cứng đầu lắm!", tên quản đốc trại giam nói. Người tù lâu đời nhất trong chuồng là bà Sáu. Bà bị mù bởi loại vôi ăn da, được ném vào tù nhân như một biện pháp kỷ luật. "Tôi là một người Cộng sản," bà nói. "Nhưng những người khác chỉ là những sinh viên học sinh đi biểu tình, các Phật tử và nhiều nhà văn".

Ngày nay, sau những cái chuồng chiều dài gần 3 thước và bề ngang 1 mét rưỡi là nghĩa trang của 20.000 người chết trong nhà tù Côn đảo. Hầu hết các ngôi mộ đều không được đánh dấu. Các tù nhân ở Côn Sơn thậm chí còn không có bảng số tù nữa. Khi những người sống sót quay lại chốn cũ, họ mang hoa, cầu nguyện và nhẹ nhàng cất lên những bài hát đã được thì thầm trong các Chuồng Cọp cách đây 35 năm.

Ngay sau khi sự việc được phơi bày trên tạp chí Life của Mỹ, thượng nghị sĩ Philip Crane (đảng Cộng hòa, bang Illinois) đã đến thăm Côn Sơn và tuyên bố "Chuồng Cọp sạch hơn ngôi nhà trung bình của người Việt Nam". Ông không thể hiểu tại sao ngay cả những tờ báo Việt Nam thân Mỹ nhất lại lên án ông mạnh mẽ và thậm chí còn gợi ý rằng những lời nhận xét của ông đúng là kỳ thị.

Tương tự với các sự kiện hiện nay ở Iraq và cái gọi là Chiến tranh chống Khủng bố, năm 1971, Bộ Hải quân đã ký hợp đồng với công ty Raymond, Morrison, Knutson-Brown Root và Jones để xây dựng những Chuồng Cọp mới, thậm chí còn nhỏ hơn so với những cái ban đầu. Số tiền để làm chuồng mới, đến từ chương trình Thực phẩm cho Hòa bình của Hoa Kỳ. Mỉa mai thay, một phần của tập đoàn xây dựng, Brown và Root, ngày nay là công ty con của Halliburton đã xây dựng "các xà lim cô lập" ở Guantánamo, Cuba để giam giữ các nghi phạm ở Afghanistan và Iraq. (Để xem bản sao hợp đồng này, hãy đọc "Những Con tin của Chiến tranh" viết bởi Holmes Brown và Don Luce.)

Chính sách Hoa kỳ tại Việt Nam và Iraq

Tra tấn chắc chắn là một phần không thể thiếu trong chính sách của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Chúng ta trả tiền công việc đó thông qua chương trình "An toàn Công cộng" của chúng ta. Các cố vấn của chúng ta đã dạy "những phương pháp tốt hơn" và thường xuyên có mặt để giúp đỡ với "những gợi ý" trong quá trình tra tấn. Nhưng như một chính sách chung, quân lính của chúng ta đã giao những tù nhân của họ cho cảnh sát Việt Nam để tra tấn. Cũng giống như các nhà hoạch định chính sách của Mỹ ở Iraq, Hoa Kỳ đã khai triển lý lẽ để tuyên bố rằng các tù nhân chúng ta không nằm trong Công Ước Geneva (các giới chức thẩm quyền Hoa-kỳ cho biết những người mà họ giam giữ đều là "tù hình sự").

Những cựu tù nhân Chuồng Cọp bây giờ ở đâu?

Trong khoảng 35 năm tôi đã theo dõi cuộc sống của những tù nhân Chuồng Cọp mà hiện họ vẫn còn sống. Nhiều người làm việc rất khá. Lợi kinh doanh ngành thêu. Tạo là một kỹ sư nông nghiệp và đang điều hành một trại nuôi tôm lớn. Lập là một quan chức cao cấp trong Cục Du Lịch. Tân phụ trách công ty thiết kế nội thất và Thiều là một luật sư xuất sắc. Tất cả họ đều là những kẻ nhắc nhở rằng những người bị cầm tù vì lý do chính trị trong chiến tranh thường là những nhà lãnh đạo quốc gia thời hậu chiến. Những người tù trong Chuồng Cọp cũng có mối liên hệ đặc biệt với những người Mỹ đã làm việc rất tận tâm cho sự tự do của họ.

Lời cuối:

"Tôi đọc vài cuốn sách nói về những người sống sót ở Auschwitz và Dachau", một cựu tù nhân Chuồng Cọp nói với tôi. "Họ giống như chúng tôi, mỗi người đều có một ký ức đặc biệt về người nào đó đã đến đó vì họ đúng vào giây phút quan trọng. Ai đấy đã cho họ một mẩu bánh mì hoặc vài giọt nước. Những khoảnh khắc của sự tử tế đã in dấu trong tâm trí của chúng tôi. Chúng tôi không có cách nào mà quên ông Harkin và nhóm của ông ấy được!"

torture american style, tiger cages ò vietnam

Don Luce làm việc tại Việt Nam với Cơ quan Thiện nguyện Quốc tế và Hội đồng Tôn Giáo Toàn Cầu từ năm 1958 đến năm 1971. Năm 1970, ông tiết lộ Chuồng Cọp trên đảo Côn Sơn cho phái đoàn quốc hội Mỹ. Hiện nay ông đang làm việc tại thành phố Niagara Falls (bang Nữu Ước) với bệnh nhân tâm thần, bếp ăn từ thiện, và nơi cư ngụ cho những người bị bệnh Liệt kháng (Aids). Có thể liên lạc với ông tại số 716-285-3403 x 2226.

Source: Nguồn: http://www.historiansagainstwar.org/resources/torture/luce.html

_____________________

Bài đọc thêm:

- Gặp Tom Harkin, người Mỹ phát hiện "chuồng cọp" Côn Đảo (Tom Harkin) (Tuổi Trẻ 08.05.2009)

- Lời kể kinh hoàng của người Mỹ về “chuồng cọp” Côn Đảo, 12/12/2014 (T.B - theo Historiansagainstwar.org - Kiến Thức)

Video:

- Thượng nghị sĩ Tom Harkin và nhà báo Don Luce kể về Nhà tù Côn Đảo [Phần 1]

- Thượng nghị sĩ Tom Harkin và nhà báo Don Luce kể về Nhà tù Côn Đảo [Phần 2]

- Thượng nghị sĩ Tom Harkin và nhà báo Don Luce kể về Nhà tù Côn Đảo [Phần 3]

Trang Thời Sự