Phản biện luận cứ về Nguyễn Trường Tộ trong "Lý do Nhật đổi mới thành công còn VN thì không?" - phỏng vấn TS Bùi Trân Phượng của TuanVietnamNet

Phản biện luận cứ về Nguyễn Trường Tộ trong

"Lý do Nhật đổi mới thành công còn VN thì không?" - phỏng vấn TS Bùi Trân Phượng của TuanVietnamNet

Nguyễn Đăng Lâm

http://sachhiem.net/DOITHOAI/NgDLam.php

05-Mar-2014

 

LTS (SH): Có lẽ trong một bài phỏng vấn ngắn ngủi, Tiến sĩ Bùi Trân Phượng không thể chứng minh được những gì bà tuyên bố. Nhưng cũng chính vì thế, ý muốn "làm sáng tỏ thêm nhân vật Nguyễn Trường Tộ" của báo Tuần Việt Nam không thể thực hiện. Quan điểm về Nguyễn Trường Tộ được xác lập qua bài phỏng vấn vội vả này có vẻ rất chủ quan, nên cần được soi sáng lại. Và sau đây là bài phản biện của một độc giả với nhiều dữ kiện khách quan. Chúng tôi tin rằng quan điểm có giá trị phải dựa trên những dữ kiện, càng nhiều càng tốt, và giá trị của dữ kiện hoàn toàn độc lập với, nếu không muốn nói là cao hơn các giá trị ngoài da như chức vụ (tiến sĩ,...), lập trường (hòa giải,...) hay xu hướng (xét lại,..) của tác giả. Khuynh hướng "xét lại" đã sinh ra nhiều bài ca ngợi Nguyễn Trường Tộ tương tự nhau bất chấp đã có những bài phản biện bất khả phủ bác. Xin mời xem một bài điển hình như "Xét Lại Huyền Thoại "Nguyễn Trường Tộ" (Sachhiem giới thiệu)

Bài phỏng vấn TS Bùi Trân Phượng sẽ được trình bày lại sau đây với những đoạn lõm vào, theo sau là phản biện có tên Nguyễn Đăng Lâm (NDL) đi đầu (SH)

PS: Nhân đây, xin nhắc lại bài "Lại Vẫn Là Huyền Thoại “Nguyễn Trường Tộ” , GS Trần Chung Ngọc trình bày: "Có hai nhân vật cùng thời với Nguyễn Trường Tộ nhưng vượt trội Nguyễn Trường Tộ về nhiều phương diện, từ đạo đức cá nhân, lòng yêu dân yêu nước, cho đến những tư tưởng canh tân và những hoạt động thiết thực cho đất nước, nhưng tiếc thay, vì hoàn cảnh đất nước thời bấy giờ, cũng không thể thực hiện được. Đó là Phạm Phú Thứ, và Nguyễn Lộ Trạch, đặc biệt là Phạm Phú Thứ, sinh trước Nguyễn Trường Tộ 9 năm. Công nghiệp của Phạm Phú Thứ thật là vĩ đại nhưng lại được ít người nhắc tới, trong khi người ta cứ tiếp tụng ca tụng ồn ào và huênh hoang những điều không thực về Nguyễn Trường Tộ." Cuối cùng, ông đưa ra kết luận "Hãy vinh danh Phạm Phú Thứ thay vì Nguyễn Trường Tộ" (TCN)

Sau đây là bài phỏng vấn TS Bùi Trân Phượng trên TuanVietnamNet đăng lại từng phần có làm dấu gạch đứng, kèm theo phản biện của tác giả Nguyễn Đăng Lâm cho mỗi phần đó. Xin kính mời (SH)


Lý do Nhật đổi mới thành công còn VN thì không?

http://m.vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/159645/ly-do-nhat-doi-moi-thanh-cong-con-vn-thi-khong-.html

http://imgs.vietnamnet.vn/logo/tuanvietnam.gif Sự tiến bộ của Nguyễn Trường Tộ cũng như sự cầu thị của vua Tự Đức và các đại thần là điều kiện cần nhưng chưa đủ để VN canh tân như Nhật Bản.

LTS: Nhằm góp phần làm sáng tỏ thêm nhân vật Nguyễn Trường Tộ cũng như lý giải vì sao cùng thời đại ông, nước Nhật canh tân thành công còn VN lại thất bại, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với TS. Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen TP.HCM. TS. Phượng từng bảo vệ luận văn cao học về Nguyễn Trường Tộ và tiến sĩ lịch sử tại Pháp.

Con người của hành động

Thưa TS Phượng, từ những nghiên cứu của mình, bà đánh giá đâu là đặc điểm nổi bật ở Nguyễn Trường Tộ, khiến ông khác biệt và tiến bộ hơn những nhà Nho cùng thời?

Nguyễn Trường Tộ là nhà Nho thực tế nhất mà tôi từng biết, ông không chỉ là người nêu ý tưởng mà còn là con người hành động. Ông đã dành phần lớn cuộc đời mình, dù ngắn ngủi, để thực hiện các ý tưởng của mình. Ông hành động liên tục, mạnh mẽ, không được việc này thì làm việc khác, gần như không ngừng nghỉ.

Ví dụ, ngay từ thời chiến tranh Việt - Pháp chưa xảy ra, ông đã nghiên cứu tình hình thế giới, đã thấy trước VN trong cái thế có thể bị xâm lược như nhiều dân tộc khác đã bị trước đó bởi sự phát triển của Tây Âu. Nguyễn Trường Tộ đã đặt vấn đề với triều đình: "Tại sao một nhúm nhỏ các quốc gia có thể đi khắp cùng thế giới, đi tới đâu cũng thắng người ta, nó chiếm đất, cai trị người ta?".

Để trả lời cho được câu hỏi, Nguyễn Trường Tộ đã đọc rất nhiều sách, đi rất nhiều nơi, gặp nhiều người, nghiên cứu cách đương đầu (nhưng đều thất bại) của từng nước là nạn nhân của phương Tây. Ông tìm ra, sớm hơn những người cùng thời vài chục năm, căn nguyên nằm ở sức mạnh KHKT của phương Tây. Vì thế, muốn đương đầu với họ, chúng ta cũng phải có được sức mạnh đó.

Không chỉ am tường nhiều lĩnh vực, Nguyễn Trường Tộ còn biết làm nhiều công việc, trong nhiều lĩnh vực và làm đến nơi đến chốn.

NDL: Đoạn nầy bà Phượng muốn nói đến bài tấu “Thiên Hạ Đại Thế Luận” của Nguyễn Trường Tộ viết khoảng tháng 3-4 năm1863, nhưng bà không biết hậu ý của NTT muốn nói gì. Bà nên đọc đoạn sử sau đây để tránh nói thiếu sử sách, “Nguyễn Trường Tộ viết:

“"Nay các nước phương Tây đã bao chiếm từ Tây Nam cho đến Đông Bắc, ... ở đâu thuận với họ thì phúc, chỗ nào trái với họ thì họa, ai hòa với họ thì được yên, ...".

Từ đó, Nguyễn Trường Tộ dõng dạc khuyên dân Đại Nam:

“"Huống hồ nước Đại Nam ta là một nước nhỏ bé, tại sao lại muốn trái đạo trời mà làm những việc thiên hạ khó làm được".

"Quân ta mới nghe thân thế họ đã phách lạc hồn xiêu rồi... ”

“... Nếu họ dùng súng trường từ xa bắn suốt tới, thì quân ta chưa xáp trận mà gươm giáo đã tan tành. Khi họ đến gần thì dùng lưỡi lê xung phong một người đương được cả 100 người, xông lên như nước chảy xiết. Lúc ngừng lại thì như núi dựng, xông vào chẳng qua cũng như chuồn chuồn lay cột đá mà thôi"… rồi ông khuyên nên cho lính nghỉ ngơi để Pháp giữ bờ cõi cho mình… (Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo”. Nhà xb TP Hồ Chí Minh, 1988. Tr. 107-111).

Trong lúc đó quân Pháp đang ở thế nguy khốn:

Trước tình hình nguy ngập như trên, ngày 8/4/1859, một chỉ thị khác của Bộ Hải quân và Thuộc địa gởi cho Đô đốc R. de Genouilly như sau:

"Vì thế, Hoàng thượng tin cậy ở kinh nghiệm và sự sáng suốt của Ông trong mọi quyết định, với lực lượng dưới quyền Ông điều khiển, có nên theo đuổi việc thiết lập nền bảo hộ trên Vương quốc An Nam không; hay chỉ nên cưỡng bức chính phủ họ, nhờ vào việc chiếm đóng Đà Nẵng và nhiều cứ điểm khác mà Ông đã chiếm hay sẽ chiếm được. Cùng với việc phong tỏa một hay nhiều cảng ở Nam Kỳ để đi đến sự ký kết một hiệp ước trên nền tảng kế hoạch 25/11/1857; hay cuối cùng là chúng ta đành bỏ các vị trí mà chúng ta chiếm đóng và từ bỏ hẳn mọi mưu toan rõ ràng ngoài tầm các phương tiện hoạt động mà Ông có" (Chỉ thị của Thượng thư Bộ Hải quân và Thuộc địa 8/4/1859, Thư khố Quốc gia, tài sản hải quân, BB4 1045. CHT, Sđd, tr. 118-119) và (Bùi Kha “Nguyễn Trường Tộ và Vấn Đề Canh Tân”, nxb Văn Học, HN. 30.3.2011. Tr. 52. Như thế, phải chăng NTT bi thảm hóa tình hình của quân dân ta để cứu nguy quân Pháp đang kiệt quệ muốn bỏ về nước. Bà nên xem thêm Bùi Kha, sđd, các trang 53-58] để tránh việc phát biểu sai nhầm.

Ông vẽ thiết kế và chỉ huy thi công chủng viện lớn ở Sài Gòn

NDL: Xây nhà thờ: Nguyễn Trường Tộ xây được hai nhà thờ. Một là xây Nhà Chung Xã Đoài. Hai, xây tu viện Phao Lô ở Sài Gòn. Lúc này có phần khác, nhưng thời buổi Pháp chiếm Đại Nam, có thể nói đây là hai nơi trú ẩn cho những gián điệp để xâm lăng nước ta. Một trong những người trú ngụ tại Nhà Chung Xã Đoài, do Nguyễn Trường Tộ xây cất, là Giám mục Ngô Gia Hậu tức là Gauthier (người Pháp), thầy của Nguyễn Trường Tộ, là người luôn luôn sát cánh với Nguyễn Trường Tộ trong tất cả các việc làm, ngay cả có thể (?) sát cánh trong việc viết 58 di thảo này. Chúng ta có thể khẳng định rằng, Giám mục Gauthier là một tên gián điệp qua phần thảo luận và dẫn chứng trong tác phẩm, Bùi Kha. Tr. 128.

tham gia thiết kế xây dựng, sửa chữa nhiều nhà cửa, cầu cống ở quê hương Nghệ An

NDL: sử liệu?

Ông lặn lội ra nước ngoài thuê mướn người về đi khai mỏ. Nếu lúc đó các chương trình khai thác thành công thì chúng ta đã đi trước cuộc khai thác, vơ vét nguồn lợi của người Pháp rất lâu [.

Bản thân Nguyễn Trường Tộ lúc ấy thuộc thành phần bị tình nghi, bị loại ra ngoài vòng pháp luật. Ông là người công giáo, đã đi nước ngoài nhiều lần, được các linh mục người Pháp tin dùng. Với "lý lịch" như vậy, ông vẫn dám viết điều trần, gặp các quan đầu triều đình như Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Trần Tiễn Thành... Làm chính trị như Nguyễn Trường Tộ đâu phải ai cũng làm được?

Còn mục đích canh tân của ông thì rõ ràng là để cứu nước, giữ chủ quyền quốc gia. Ông hoàn toàn vì đất nước, dân tộc chứ không hề vụ lợi gì cho mình.

NDL: Để biết tại sao sai, bà Bùi Trân Phượng nên xem bài phản biện của Bùi Kha về Bà Lê Thị Lan (Tiến sĩ, Phó trưởng phòng Triết học Việt Nam, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.Nguồn: Trang nhà Lam Hồng).

“Mời tiến sĩ Lê Thị Lan theo dỏi một số sử liệu dưới đây để biết NTT yêu nước như thế nào. Để cụ thể tôi trình bày tư duy cải cách (nếu có) của Nguyễn Trường Tộ dưới góc nhìn mang tính toán học bằng phương trình 3 chữ T:

    TT= T1+T2+T3 (TT: thành tựu, T1: Tâm, T2: Trí và T3: Tiền (hoặc phương tiện).

Một người muốn canh tân hoặc cải cách phải có tình yêu đối với tổ quốc (T1). Phải có trí tuệ (T2). Và hoàn cảnh cũng như phương tiện để vận hành việc canh tân (T3). Dưới đây là một số sử liệu để xem ông Nguyễn Trường Tộ có ba tiêu chí ấy không?

A. T1 (TÂM, Tình yêu tổ quốc): Ông Nguyễn Trường Tộ có 6 hành động được xem như là tên việt gian không thể chấp nhận, như sau đây:

1. Áp lực để Pháp đánh Huế: Nguyễn Trường Tộ không đi lính để đánh giặc cứu nước, trái lại ông đến Đà Nẳng để đón quân Pháp và cùng làm áp lực để Pháp đánh Huế. Sử liệu:

Ngày ‘16/10/1858), tàu Pháp đến đảo Nhãn Sơn, trước cửa Mành Sơn, để đón Giám mục Gauthier và Linh mục Croc, nhưng “hôm qua hai vị đã lấy thuyền Nhà Chung với 8 người đi rồi”. Khi tàu Pháp trở về Trà Sơn, Đà nẵng, thì thấy thuyền Nhà Chung đã ở đó rồi” Các giáo sĩ Pháp tập trung khá đông đảo tại Đà Nẵng đứng đầu là Giám mục Pellerin, đã cùng nhau làm áp lực để quân Pháp chiếm đánh thẳng Huế cho chóng dứt điểm. Nhưng bộ chỉ huy quân sự Pháp đánh giá là không thể dễ dàng tiến đánh Huế mà phải chuyển hướng về Sài Gòn. Giám mục Gauthier cùng với Nguyễn Trường Tộ và những người tháp tùng đã đi Hồng Kông trong những điều kiện như thế vào đầu năm 1859, (Trương Bá Cần, “Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo”, TP HCM, 1988, tr. 22).

2. Cộng tác với Pháp. Sử liệu:

“…đầu năm 1861 để cùng với Giám mục Gauthier trở về Sài Gòn, theo yêu cầu của Đô đốc Charner viên chỉ huy được giao trách nhiệm gom quân để mở rộng vùng chiếm đóng ở Sài gòn (TBC, Sđd, tr. 22).

3. Lừa dối việc mở trường kỷ thuật. Sử liệu:

Phỉnh gạt triều đình việc mở trường kỷ thuật ở Huế năm 1868. Khai gian khả năng của 4 thầy giáo mời từ Pháp về. Trong đó có hai Linh mục trình độ mới học hết chủng viện, chứ không có năng khiếu kỷ thuật, một ông gọi là Bác sĩ nhưng bị lảng tai, nghe không rõ làm sao dạy học được. Còn ông Ca Xanh (?) đòi lương quá cao không thể thuê mướn (TBC, sđd, tr.49-50).

4. Bày mưu mở viện dục anh và trại tế bần để tạo một cuộc tổng nỗi dậy toàn cỏi Việt Nam. Sử liệu (Xem Bùi Kha, Nguyễn Trường Tộ & vấn đề canh tân, nhà XB Văn Học, 30.3.2011, tr.149-155).

5. Ngày 7.4.1868 viết thư ngăn cản triều đình đi Pháp đòi trả 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ. Sử liệu:

Tình hình Âu châu lúc này rất bất lợi, không cho phép Pháp tiến hành một cuộc chiến tranh mới. Đô đốc La Grandière nhận được lệnh phải từ bỏ mọi dự định chiếm đóng 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ.

Tân Bộ Trưởng Hàng Hải, Rigault de Genouilly, luôn luôn khuyến cáo La Grandière phải tránh tất cả những gì có thể làm cho Triều đình Huế lo ngại. Ngày 10/6/1867, ông còn viết cho La Grandière là: Mặc dầu tình trạng (chính trị Âu châu) bớt căng thẳng hơn, nhưng cho tới khi có lệnh mới, ông đừng nghĩ tới chuyện biểu dương lực lượng đối với 3 tỉnh. Cho nên, phản ứng đầu tiên của Rigault de Genouilly khi được tin quân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây là bất mãn đối với La Grandière... Điều quan trọng đối với ông (La Grandière, BK) là làm sao khiến triều đình Huế chấp nhận sự việc đã xảy ra (đã chiếm 3 tỉnh miền Tây, BK); ngày 30/ 6/1867, ông gởi thư cho vua Tự Đức để đề nghị thương lượng, nhưng vua Tự Đức bằng một văn thư lời lẽ cứng rắn, trách cứ La Grandière đã lạm dụng sức mạnh mà xâm phạm quyền lợi của chính phủ Việt Nam... Nhà vua còn tỏ ý là sẽ phái sứ giả sang Paris để thương lượng thẳng với chính phủ Pháp” (Nguyễn Thế Anh, “Việt Nam thời Pháp đô hộ”. Lữa thiêng Xb, Sài gòn, tr. 54, 58-60).

Vua Tự Đức nhất quyết không chịu thương thuyết với La Grandière. Nếu phái đoàn Việt Nam đi Pháp thì La Grandière có thể bị thượng cấp khiển trách hoặc bãi nhiệm và Việt Nam có thể đã lấy lại được 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Sự cố nầy có thể là lý do để Nguyễn Trường Tộ viết thư khuyên triều đình “Bãi bỏ việc cử sứ bộ đi Pháp” vào năm 1868.

    6. Khắng khít với một tên tình báo: Tiến sĩ Lê Thị Lan (và ông Trần Hữu Tá) có thể vẫn chưa biết ông Nguyễn Trường Tộ giao du chặt chẽ với một Giám mục tình báo Pháp đến gần 20 năm. Nên trong bài, ông Trần Hữu Tá mừng rỡ ca tụng “Do những mối quan hệ tốt đẹp tình cờ, ông được giám mục Gauthier dạy cho tiếng Pháp và các môn khoa học phổ thông”. Ông Tá hiểu nhầm quá lớn!

Mời ông Trần Hữu Tá và tiến sĩ Lê Thị Lan (nay có thêm tiến sĩ Bùi Trân Phượng) xem SÁU sử liệu mật dưới đây về ông Giám mục tình báo nầy:

Sau khi hiệp ước 1862 ký giữa Việt Nam, Pháp và Tây Ban Nha, Triều đình vua Tự Đức kiếm cách chuộc lại 3 tỉnh đã mất. Trong chiều hướng này, một người Công giáo cuồng nhiệt là Trung Tá hải quân Aubaret vận động, được bộ ngoại giao Pháp và vua Napoléon III đồng ý. Vì thế, một hiệp ước mới (thế hiệp ước cũ 1862) được bộ Ngoại giao và bộ Hải quân soạn thảo theo quan điểm của vua Napoléon III, và được ký tại Huế ngày 15/01/1864.

NTT yêu nước nào? Mời đọc thêm “NGUYỄN TRƯỜNG TỘ, ĐỐI LUẬN VỚI Tiến sĩ Giám mục NGUYỄN THÁI HỢP, tác giả Bùi Kha” trên web tongiaovadantoc.com, giaodiemonline.com, chuyenluan.netsachhiem.net.

Sáu sử liệu cho thấy Gm Gauthier, người mà NTT đi đứng nằm ngồi sát cánh với nhau đến 20 năm, là một tên tình báo hạng nặng. Tôi không thể viết ra hết tất cả ở đây. Bà Phượng vui lòng xem Bùi Kha, sđd, tr. 137-147].

Những nhà canh tân như Nguyễn Trường Tộ đã sớm nhận ra những hạn chế, tác hại của Nho giáo với công cuộc đổi mới. Nhưng theo bà tại sao Nho giáo lại "ăn sâu bám rễ" đến vậy ở những quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc?

Từ sau thời Tần Thủy Hoàng trở đi, các triều Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều lấy tư tưởng của Khổng Tử làm chính thống. Bởi tư tưởng của Khổng Tử quá có lợi cho kẻ cầm quyền.

Xã hội yên trị ai mà chẳng muốn. Nhưng muốn yên trị thì dưới phải phục tùng trên, từ trong gia đình cho đến xã hội đều phải có tôn ti trật tự, vợ phục tùng chồng, con phục tùng cha, trẻ phụ tùng già. Ngoài xã hội cấp dưới phải phục tùng cấp trên. Cao nhất là vua: "Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung...". Kẻ cầm quyền nào mà không bám vào đấy để cai trị cho dễ.

Giờ đã là thế kỷ 21 mà một nước như Trung Quốc đã làm Cách mạnh rồi vẫn khôi phục Viện Khổng Tử là vì thế. Thực ra bản thân Khổng Tử dù đề cao tôn ti trật tự trên dưới nhưng ông cũng nhấn mạnh, trên phải xứng đáng nằm trên để dưới toàn tâm toàn ý nằm dưới. Ông đã cẩn thận có ràng buộc như vậy.

Mặt khác, lý tưởng hòa bình của Khổng Tử có cái vĩ đại ở chỗ, thời loạn cần lấy nhân đức để cai trị. Nhưng vế sau này thường bị người cầm quyền lờ đi. Hậu duệ của Khổng Tử, tức là giới Tống Nho đã "hóa thạch" quan hệ trên - dưới và ai ngoi lên bị xem là "làm loạn", chẳng cho phép thay đổi khiến nó trở nên tai hại.

Cái vĩ đại của Nguyễn Trường Tộ là ai cũng bằng lòng với nhận thức lấy xưa làm mẫu mực, lý tưởng thì ông nhận ra sự vô lý đó!

Nguyễn Trường Tộ và Fukuzawa Yukichi

Thế lực bảo thủ, hủ lậu luôn là lực cản

Thưa bà, cùng thời với Nguyễn Trường Tộ, nước Nhật Bản có nhà canh tân Fukuzawa Yukichi (Phúc Trạch Dụ Cát 1835 - 1901). Câu hỏi nhiều người đặt ra là tại sao Nhật Bản, một đất nước khi ấy còn nghèo hơn cả VN, cải cách thành công mà ta lại thất bại?

Thời ấy, vua Tự Đức đã cử các đoàn đi Pháp công tác. Một điều đáng chú ý là những người được chọn đều phải là những người hiểu văn minh phương Tây, thuận với việc giao thiệp với phương Tây.

Trong khi đó, lực lượng bảo thủ thì đông hơn số chấp nhận canh tân, chấp nhận giao thương với phương Tây. Thế lực của họ cũng mạnh hơn, kể cả khi những người canh tân ở vị trí rất cao như ông Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành.

Bởi vậy nên ông Phan Thanh Giản đi sứ về, kể lại những điều mắt thấy tai nghe, sau đó làm bài Tự than rất nổi tiếng, "Từ ngày đi sứ tới Tây kinh; Thấy việc Âu châu phải giật mình; Hết lời năn nỉ chẳng ai tin..." Đây là hậu quả của việc đi sứ mở mang chỉ có người canh tân mới được đi, còn người bảo thủ ở nhà.

Còn Nhật Bản thì khác. Họ cử đoàn đi gồm cả những người canh tân và những người bảo thủ. Ẩn ý sâu sắc của người Nhật cải cách là cho những người bảo thủ tận mắt chứng kiến và nghe thấy, không để họ ở nhà chẳng biết gì rồi cứ phê phán bừa và ngáng trở cải cách.

Hơn nữa, dù suy nghĩ trái ngược, 2 phe vẫn làm việc với nhau được bởi vì họ giống nhau ở lòng trung thành với Nhật Hoàng. Nhật hoàng lúc ấy còn trẻ nhưng nói một tiếng thì canh tân, bảo thủ đều làm theo.

Còn người Việt miệng thì nói trung quân nhưng trong lòng chỉ chờ chực cơ hội để dấy loạn. Phái canh tân không nổi loạn vì lo cải tổ, cải cách vực dậy kinh tế, còn bên bảo thủ có nhiều phe nổi loạn tứ tung, triều đình yếu ớt không có hậu thuẫn.

Một số ý kiến cho rằng, do Nhật Bản tiến hành cải cách từ dưới lên nên thắng lợi, còn ta thì ngược lại, cải cách từ trên xuống nên thất bại? Bà đánh giá thế nào?

Tôi không tán thành nhận định này! Nếu Nhật Bản không có Minh Trị Thiên Hoàng thì làm sao có cuộc cải cách thành công? Minh Trị Thiên Hoàng thực ra là một đứa trẻ, nghĩa là triều đình Nhật phải có một lực lượng nào đó đủ sức mạnh để đưa Nhật Hoàng lên, nhân danh Nhật Hoàng điều hành cải cách, canh tân đất nước chứ không phải đơn độc để đến nỗi phải tự sát như Phan Thanh Giản hay bị giết như đại thần Trần Tiễn Thành ở Việt Nam.

Thời Minh Trị Thiên Hoàng tạo ra môi trường, không khí cởi mở, hoặc ít nhất là để yên, thì các nhà trí thức mới tiến hành các hoạt động cải cách được chứ.

Không chỉ mở trường dạy kiến thức mới, các nhà cải cách Nhật còn dịch sách, phát hành tài liệu, phổ biến tri thức phương Tây rộng rãi cho dân chúng. Thử hỏi dưới chế độ quân chủ tập trung, một vài cá nhân đơn độc có làm nổi những việc đó nếu Nhà nước không đồng ý?

Lịch sử cho thấy, tư tưởng cải cách, hay nói theo ngôn ngữ thời trước là canh tân, không phải là thế mạnh của VN như các nước phương Tây? Thậm chí, ngược lại tư tưởng bảo thủ có vẻ mạnh hơn?

Đúng vậy! Canh tân hay đổi mới ban đầu luôn là thiểu số, còn bảo thủ là số đông. Các nước phương Tây có nhiều tư tưởng canh tân bởi họ đã trải qua cuộc Cách mạnh công nghiệp. Tôi đã nghiên cứu sâu lịch sử nước Pháp và thấy rằng, trước Cách mạng công nghiệp họ cũng chẳng khác gì ta.

Sự sáng suốt "vượt lên chính mình" của Nguyễn Trường Tộ cũng như sự cầu thị của vua Tự Đức và các đại thần trong Cơ mật viện là điều kiện cần nhưng chưa đủ để Việt Nam bước vào canh tân như Nhật Bản. Thế lực bảo thủ, hủ lậu luôn là lực cản, nhân danh những thứ rất dễ lừa mị người dân. Một phần do nhận thức, một phần do đặc lợi. Đó là bài học kinh nghiệm đắt giá mà chúng ta luôn phải ghi nhớ.

Xin cảm ơn bà vì buổi trò chuyện hôm nay!

Duy Chiến (thực hiện)

Về ý kiến lên án vua Tự Đức (1829 - 1883) là người thiển cận, bảo thủ khiến 58 Điều trần của Nguyễn Trường Tộ không được áp dụng, TS Bùi Trân Phượng cho rằng:

Tôi đã đọc được thủ bút của Tự Đức trên bản Điều trần của Nguyễn Trường Tộ. Nhà vua rất trân trọng, lắng nghe những điều mới lạ.

Vua nhà Nguyễn hồi ấy tiến bộ hơn ta nghĩ và sách sử chính thống viết. Thử tưởng tượng, vua Tự Đức được nuôi dạy trong môi trường Nho giáo từ trong trứng nước, làm gì cũng hay sợ phạm Nho phong.

Nhưng bằng tố chất thông minh, Tự Đức đã vượt ra khỏi cái bóng Nho phong đè nặng. Ông trực tiếp đọc kỹ tất cả các bản Điều trần của Nguyễn Trường Tộ, nghiêm túc đánh dấu và ghi chú vào đó. Cái gì quá mới lạ, Tự Đức gọi cận thần lên hỏi rõ. Xong nhà vua đưa ra Cơ mật viện để bàn bạc, thảo luận và căn dặn: "Những gì Tộ gửi từ trước đến nay phải đóng thành tập để không lạc mất". Thử hỏi liệu có nhiều nguyên thủ đứng đầu làm được như vậy?

Xin nói thêm là những điều trần phân tích của Nguyễn Trường Tộ rất "nghịch nhĩ" với Nho giáo, tức là cũng rất trái tai nhà vua

Chưa hết, Tự Đức không chỉ lắng nghe mà còn cử một đoàn đi công tác gồm có Nguyễn Trường Tộ và giám mục Gouchie người Pháp, nhận nhiệm vụ của nhà vua qua Pháp thăm dò về ngoại giao tìm cách lấy lại đất Nam kỳ và mua một số máy móc cơ khí, tuyển người về đào kênh, khai mỏ để về xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế. Đồng thời Nguyễn Trường Tộ được giao mua thiết bị, mời thầy giáo về mở trường dạy nghề tại Huế.

NDL: Như thế bà BTP có đọc các bản điều trần nhưng không đọc sử nên bà lại sai lầm khó chấp nhận với học vị của một tiến sĩ sử. Mời bà xem sử liệu: Sau khi NTT và Gauthier được vua Tự Đức nhờ đi Pháp mua dụng cụ, máy, sách và mời thầy giáo về mở trường kỷ thuật ở Huế. Theo tờ trình của Giám mục Gauthier ngày 23/2/1868 gởi cho vua Tự Đức thì các vị giáo chức có bằng cấp chuyên môn để dạy huấn nghệ, kỹ nghệ. Nhưng theo Hội truyền giáo Paris thì mấy vị này không có các bằng cấp hoặc khả năng mà Giám mục Gauthier mô tả. Nguyên văn:

"Theo một tờ phúc trình của Giám mục Gauthier ngày 30 tháng 2 năm Tự Đức 21 (23/02/1868):

– Linh mục Thông (tức Montrouzies) biết phép toán, bản đồ các nước thiên hạ, in bóng (quang học), điện khí, phân ngũ kim; biết nói có thứ đất thứ đá ấy thì có những giống chi.

Nhưng theo ký sự của Hội Truyền giáo Paris, thì Linh mục Montrouzies trước khi nhập Hội Truyền giáo Paris, ngày 01/5/1867 đã đậu cử nhân văn chương.

– Linh mục Đồng (tức Renauld) biết phép toán, thiên văn, đo độ số mặt trời mà họa đồ bản, đo thiên xích cho được đi biển, biết phép cầu cao cầu viễn, biết đo đất cho biết nơi nào cao nơi nào thấp, biết bản đồ các nước thiên hạ, biết dùng truyền tin thẳng, biết làm thu lôi trụ.

Nhưng cũng theo ký sự của Hội Truyền giáo Paris thì sau khi học xong chủng viện, Linh mục Renauld gia nhập Hội Truyền giáo Paris 14/10/1866 và theo học một khóa đặc biệt về kiến trúc và họa đồ một năm trước lúc lên đường sang Việt Nam.

– Giáo sĩ (tức bác sĩ Hernaiz) không phải linh mục hay tu sĩ mà chỉ là một nhân sĩ tôn giáo nên gọi giáo sĩ như Nguyễn Trường Tô cũng được gọi là giáo sĩ, thì không dạy học trò được vì nặng tai, nhưng cũng giúp Linh mục Thông mà phân tích các tính ngũ kim ngũ hành. Lại biết làm thuốc. Nhưng tới Việt Nam chưa được mấy ngày giáo sĩ này do bệnh cũ tái phát đã xin về Pháp trở lại.

– Còn Ca Xanh (nguyên tên là Ca Sa Nhi) là một người thợ máy, trước đã giúp việc tàu Thuận Thiệp, có lẽ do giám mục gặp ở Sài Gòn đem về giới thiệu với triều đình, nhưng Ca Xanh đòi lương quá cao (320 đồng/tháng, tính ra tiền là 1.760) và đòi hỏi nhiều điều kiện, nên không dùng" (Trương Bá Cần, Sđd, tr. 49-50). Các đối chiếu nên trên chứng tỏ vua quan triều Tự Đức bị thầy trò Nguyễn Trường Tộ dối trá lừa bịp có hậu ý (trích của Bùi Kha, sđd,tr.134-135).

Phái đoàn lênh đênh trên biển mấy tháng trời qua Pháp và trở về. Hay tin tàu vừa cập bến, chở theo nhiều máy móc thiết bị, vua Tự Đức đã hối hả xuống tận nơi xem và lệnh bố trí vào kho cất giữ cẩn thận.

Cái không may của dân tộc là máy móc thiết bị mở trường đã mua về thì vào năm đó, năm 1867 thực dân Pháp chà đạp hiệp ước đã ký, dùng mưu mô cưỡng chiếm tỉnh thành Vĩnh Long và 2 tỉnh thành còn lại, bức tử Phan Thanh Giản (chứ không phải Phan Thanh Giản mở cửa dâng thành cho Pháp lịch sử ghi).

NDL: Việc Pháp bức tử Phan Thanh Giản là điều không có sử liệu. Mời bà xem đoạn bằng tiếng Anh trên Bách khoa mở rộng: …Quân Pháp chiếm các phần còn lại của miền Nam, Thống soái Phan Thanh Giản không hề kháng cự. Rồi  mất luôn cả tỉnh thành Vĩnh Long. Ông từ chức và uống thuộc độc tự tử.

(Upon his return, Tự Đức nominated Phan Thanh Giản governor of the remaining southern provinces. [2] [^ Jump up to: a b c d e Jamieson, p. 46] When France invaded the rest of the southern territories in 1867, Phan Thanh Giản chose to avoid armed resistance and failed to defend the citadel of Vĩnh Long,[7] waiting for orders that never came, resigned from his position and took his own life through poisoning.[2],

(From Wikipedia, the free encyclopedia).

Luận thêm, có lẽ Phan Thanh Giản nghe lời khuyên của NTT là cho lính nghỉ ngơi để Pháp giữ bờ cõi cho mình. Sau đó thấy như vậy là sai, nên uống thuốc độc tự tử. Sau 1975, tên đường tên trường Phan Thanh Giản bị triệt hạ, nhiều cảm tình viên tại địa phương cố khôi phục tên ông nhưng bất lực vì nhiều sử gia không thuận tình.

Rất mong bà tiến sĩ nên tôn trọng lịch sử.

Mất thêm 3 tỉnh miền Tây, quan đại thần Phan Thanh Giản tự sát, thì làm sao mở trường thực hành tại Huế được? Mặt mũi nào, danh dự ở đâu mà có thể mở trường Tây tại Kinh đô được? Không làm là điều dễ hiểu. Tiếc thay, nếu mở được trường thực hành tại Huế vào năm 1867 thì đó sẽ là bước canh tân tương đối sớm cho đất nước

NDL: Mời bà xem đoạn trên, không nên phát biểu tùy tiện thiếu bằng chứng.