Tự Do Cho Mẹ

Tự Do Cho Mẹ

Lý Thái Xuân

http://sachhiem.net/LTX/LyThaiXH25.php

đăng lại 21-Dec-2015

 

Có phải Mẹ chỉ trở nên đẹp và đáng yêu khi ta xa mẹ, hoặc mẹ già hay mẹ chết? Chứ không à? Từ xưa nay, những bài viết về Mẹ thường là do những tác giả đã bị mất mẹ hay xa mẹ sáng tác mà thôi.

Đọc thử vài đoạn thơ  đăng đó đây ..

..."Nếu mai mốt Ba có về thăm lại
Con chỉ dùm căn láng nhỏ bên sông
Nơi Mẹ sống trong chuỗi ngày hiu quạnh
Nặng oằn vai một nỗi nhớ thương chồng"...
("Lời Trối Trăn Của Mẹ" của Trần Trung Đạo)

...Năm ngoái mẹ chưa mất
trăng sáng ba gian nhà
năm nay không còn mẹ
trăng tan thành lệ sa ...
("Trăng Tháng Tám” của Trần Mộng Tú)

...Đêm nay con đứng ngắm vầng trăng
Nhớ mẹ quê xưa trĩu nặng lòng
Lúc tiễn con đi trăng và mẹ
Giờ mẹ xa rồi chỉ có trăng  ...
("Mẹ Và Trăng" của Quan Dương)

Điều này chứng tỏ hình ảnh của mẹ lúc còn sinh thời chưa bao giờ được đóng khung trân trọng.

Chúng ta tiếc thương những gì đã mất. Những kỷ niệm còn trong ký ức về mẹ dù có đơn sơ cũng biến thành thần thoại. Cũng giống như những vĩ nhân của loài người, người Mẹ chỉ được ca ngợi lúc chết, hay bị xa cách khỏi tầm tay! Cũng giống như một chiến sĩ chết trận, tên của anh được thăng cấp, khi xác thân anh trong chíêc hòm cây có thể không trọn vẹn.

Đã có bao nhiêu lần con trao cho mẹ một lá thư tâm tình, hay đứng trước mặt mẹ ca ngợi công đức của mẹ một cách trực tiếp? Những bài văn, những bài thơ ca ngợi kể lể công đức mẹ lúc mẹ không đọc được hay không nghe được, cũng giống như mua hoa hồng đem về để trên bàn thờ mẹ cho đẹp nhà của mình mà thôi. Thật là vô nghĩa!

Tâm, một cậu bé trai 15 tuổi, làm lỗi với mẹ của nó. Sau khi nghe chị nó giải thích rằng nó nên xin lỗi mẹ, Tâm trả lời:

- "Mẹ là Mẹ mà! Mẹ đã biết lúc nào em hối hận!!!".

Đúng lắm, Tâm thực sự đã diễn tả tấm lòng bao la dung thứ của mẹ. Có thể Tâm dã thử thách xem mẹ có đúng như nó tưởng tượng không. Có thể Tâm đã lạm dụng cái tánh hiểu người và hay dung thứ của người mẹ để tránh né sự xin lỗi. Cũng có thể cậu bé này không thích cái hình thức xin lỗi rất bề ngoài. Dù thế nào đi nữa, tình mẹ luôn luôn bị lợi dụng vì không có đền bù nào xứng đáng.

Thế thì đem tiền về cho mẹ thường xuyên có là sự đền bù xứng đáng không? - Chưa chắc, nhưng thật ra việc này đôi khi cũng giúp cho nhiều bà mẹ thoải mái một phần nào vật chất, nhưng đồng thời tinh thần mẹ lại bị tổn thương.

Khi ta còn bé, ta hưởng tất cả những gì ba mẹ cho ta mỗi ngày mà không hề có một mặc cảm mang ơn mắc nợ: cơm nước quà bánh, tiền nong, chưa kể đến những nụ hôn nồng thắm, những vòng tay ấp ủ bao che,.... Nhưng khi mẹ trở thành già yếu, không tự túc được, phải nhờ đến con, mỗi việc giúp mẹ dù nhỏ cách mấy cũng làm cho mẹ cảm thấy như thêm gánh nặng đối với con. Sống nhờ con, người làm cha mẹ rất khổ sở trong lòng.

Thật ra càng nghĩ, càng thấy ta như ở dưới đáy thác nước của tình mẹ. Múc nước lên để trả lại hết cho nguồn là một việc không thể nào xảy ra được. Nhưng nếu không đền bù thì y như là một động vật không có trái tim. Vậy ta cần làm gì ngoài việc giúp đỡ cha mẹ phần vật chất?

Nói cho mẹ biết mẹ vĩ đại ngay lúc mẹ còn trong vòng sinh hoạt của ta. Nói với mẹ những lời ta thương mến. Tặng mẹ thật nhiều nụ cười. Để mẹ thấy ánh mắt tha thiết của ta. Ôm mẹ trong vòng tay trìu mến. Ngồi xem phim với mẹ, nói chuyện trên trời dưới đất cho mẹ nghe. Hát cho mẹ nghe. Kể cho mẹ nghe những khó khăn của ta trong cuộc sống cũng không hẳn là làm cho mẹ lo, mà trái lại làm cho mẹ hãnh diện rằng mẹ vẫn là nguồn an ủi của ta. Kể công mẹ cho chính mẹ nghe.

".... Mẹ ơi,

Con là người có phúc nhất. Con có mẹ lúc con còn thơ. Con có mẹ lúc con lập gia đình. Lúc xa nhau vì con chạy tỵ nạn, mẹ chạy đôn chạy đáo cầu lạy cho con được bình yên. Không tin chắc thượng đế sẽ bảo bọc cho con, mẹ lại đi xem bói toán đón số phận của con. Con lại được đón mẹ đoàn tụ sang ở chung với con.

Mẹ là người làm vườn không lương. Mẹ trồng rau salad rất xanh, trồng hoa hồng, hoa cúc đầy vườn,... Có một lúc rau húng lên nhiều quá tụi con không ăn kịp phải cho người ta bớt. Mẹ làm babysitter không tiền. Mẹ làm bà ngoại tuyệt vời. Con nhiều lúc phải than phiền là mẹ làm hư mấy đứa cháu. Mẹ cũng làm đầu bếp cho con. Mẹ lại cứ lén giành giặt đồ cho chúng con. Có lúc con nói đùa rằng chắc mẹ thích xài thử mấy cái máy tối tân của Mỹ. Mẹ giữ gìn đồ đạc trong nhà con như một ông thần giữ của.

Trước sự tiêu xài xối xả của các con, mẹ cần kiệm chắp bóp dùm con, sợ có lúc thiếu mấy cái bọc ny-lon đựng rác, thiếu mấy cái lọ đựng thức ăn dư. Hàng xóm của con đều biết mẹ làm nhiều việc cho con, và có khi họ ao ước được như con, và còn ghen với con nữa.

Sung sướng nhất là những lúc con về nhà, có thêm người chia xẻ những cái giận cái vui từ trong sở. Ai làm con giận thì mẹ giận người đó. Ai làm con vui thì mẹ thương người đó. Không cần con vận động hay thuyết phục, mẹ lúc nào cũng ở bên "phe" con. Mẹ là đồng minh, là "cận vệ tinh thần" trung thành suốt đời con. Có những lúc con làm mẹ giận. Nhưng, cũng như cậu bé kể trên kia, con không cần nói thì mẹ cũng biết lúc nào con hối hận mà! Rồi mẹ cũng quên tội của con. Có khi mẹ còn thích thú khi nhớ về những cái nghịch ngợm đã qua của con. Mẹ thật là thông minh. Mẹ là hoa hồng trên áo con. Ôi sung sướng biết bao!!

......"

Ai ơi, đừng bao giờ nghĩ là mẹ đã già, và nhất là đừng bao giờ để mẹ nghĩ rằng ta cho là mẹ không còn làm được việc gì ích lợi cho đời. Người Âu Tây lịch sự không bao giờ để cho người đàn bà, nhất là mẹ của họ có cái mặc cảm già. Hãy vẽ một người mẹ trẻ trong lòng, và đừng nói những câu thương xót mẹ như một người không làm gì nổi. Có nhiều khi, mẹ rất hãnh diện vì thấy mình còn được việc.

Cũng không nên biến mẹ thành một bà tiên, hay một bà thánh.

Sao thế?

Để cho mẹ làm người trần, cho mẹ tự do giận dỗi, cho mẹ có quyền la rầy con cái, cho mẹ có những khuyết điểm của một người đàn bà trần tục. Để mẹ được hưởng nhiều ... tự do!

Kính tặng mẹ nhân ngày Mother Day.

Mến tặng những người con còn mẹ.

May 13, 2001