●   Bản rời    

Xin giữ cho đạo Phật được trong sáng (Nguyễn Trí Cảm)

Xin giữ cho đạo Phật được trong sáng

Nguyễn Trí Cảm

http://sachhiem.net/TONGIAO/NGTRCAM/NguyenTriCam14.php

04 tháng 12, 2009

 

Một nhân vật khi được công chúng biết đến nhiều hay nói cách khác là đã “nổi tiếng” thì thường là thần tượng của một số đông người, cũng như là đối tượng bị nhiều xét nét, bè phái chống đối, chụp mũ, bất kể đúng sai. Nói chung, những nhân vật này đã trở thành con người của công chúng vì vậy, những hành vi, suy nghĩ của họ đều trở thành “mẫu mực” cho những người sùng bái thần tượng cá nhân noi theo, cả khi dám sống và chết cho thần tượng của mình. Mẫu người thứ hai là những người có khuynh hướng nhìn nhận sự việc theo hướng khách quan, dựa trên cơ sở khoa học, xem trọng lý tính, tránh để cảm tính chi phối ở mức độ có thể có được. Ở đây, ta không đề cập đến những người không có chính kiến hoặc giữ yên lặng, không màn chuyện thế sự. Bài viết này chỉ liên quan đến một phạm vi nhỏ của đạo Phật, một hiện tượng biến tướng của Phật giáo, và sự ngạc nhiên đối với sự im lặng của GHPGVN trước hiện tượng này.

Người viết đọc sách Phật không nhiều, tuy nhiên, kể từ khi kinh sách được phổ biến rộng rãi, cộng vào thêm nhiều trang mạng điện tử Phật giáo xuất hiện, người viết bỗng dưng thấy Phật giáo trở nên hiện đại như “thế giới phẳng”, Phật giáo ít nhiều không mang hình ảnh đặc thù nữa, nhất là xem một số sách báo xuất phát từ Làng mai. Không riêng gì người viết, các bạn bè, đạo hữu đôi khi hàn huyên cũng cảm thấy lạ, khi thấy làng Mai như muốn “lồng ghép” Ki-tô giáo vào Phật giáo để hình thành nên một pháp môn mới của Phật giáo thời hiện đại. Họ ngại đề cập, họ giữ im lặng vì cho rằng vị thầy đã thành danh kia như cái bóng núi quá lớn, và cho rằng có thể đó là một trí tuệ siêu việt mà họ không đủ tầm để hiểu, cũng như khi nói về “thần tượng” của một bộ phận công chúng thường gặp ý kiến nhiều chiều, nên ngại. Nhưng vẫn có những phật tử lên tiếng, họ trân trọng những ai đóng góp cho Phật giáo, nhưng vẫn không thỏa hiệp với sự biến tướng, lệch lạc.

Sư ông Làng mai là một thiền sư, hòa thượng có thể nhìn thấy “rác là hoa và hoa là rác”, nhưng đại đa số  Phật tử là người “sơ cơ”, đang trên đường tu học, chưa đạt được cái nhìn “tương tức” như thiền sư được, vẫn nhìn thế giới với cái tâm phân biệt trắng đen, thiện-ác một cách rõ ràng. Bồ tát Thích Quảng Đức vẫn phải xả bỏ thân mình để cảnh tỉnh chính quyền của gia đình ông Ngô Đình Diệm nhằm bảo vệ đạo pháp cũng vì cái ác này. Nhân dân Việt Nam nói chung, và Phật giáo nói riêng, đã học nhiều bài học lịch sử trong việc chống lại sự nô dịch của ngoại bang, của văn hóa Thánh kinh, nên vẫn phải cảnh giác với những sách lược của Vatican và Tin lành trong việc “chiên hóa” người dân của họ, điều này có nghĩa là khi đánh mất bản sắc dân tộc thì khả năng giữ nước cũng không còn. Mất nước không phải ở dạng thời kỳ thuộc địa của thế kỷ 19, 20 mà ở dưới nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, khi đặt Ky-tô giáo ngồi cùng tòa với Phật giáo, người phật tử không thể không nghĩ đến chuyện “sói và cừu” nói chuyện sống chung hòa bình, và nghĩ về tương lai của Phật giáo.

Những chiêu bài quen thuộc như “đạo nào cũng tốt, cũng dạy con người ăn ngay ở lành”, vậy sao khi cho người gặp khó khăn một ít gạo, một vài gói mì, giúp đỡ người hoạn nạn một ít tiền mà họ lại chiêu dụ những người này cải đạo trong lúc miệng vẫn thuyết giảng rằng đạo nào cũng tốt, hoặc dưới một vài hình thức tinh tế hơn như thông qua hôn nhân, cho vay vốn, bảo lãnh định cư v.v.. Vì vậy, để hỗ trợ cho chính sách truyền đạo theo Tông huấn Giáo hội tại Châu Á năm 2000 của cố Giáo hoàng  John  Paul II, Vatican thừa nguồn tài lực để thực hiện chương trình này. Sự tiếp tay dù vô tình hay hữu ý khi vận dụng, vin vào cái nhìn tương tức, tâm không phân biệt, hay theo cái thấy mà hòa thượng thường giảng dạy như bản môn, tích môn mà thuyết giảng Phúc âm cho Phật tử đều không thích hợp, một nửa tòa sen không phải dành cho Giê-su.

Sau đây một trích đoạn phát biểu của TS. NH trong dịp đến thăm nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình vào sáng ngày 30/04/2007 như sau:

 “Ở Mai Thôn Đạo Tràng tại Pháp, mỗi năm đến ngày giáng sinh, chúng tôi luôn luôn tổ chức lễ Giáng Sinh rất long trọng, tại vì đa số các thiền sinh đều có nguồn gốc Ki Tô giáo. Ngày giáng sinh rất nhiều thiền sinh Tây phương về Đạo Tràng Mai Thôn như con cháu về nhà tổ phụ. Vì vậy vào đêm Giáng Sinh tôi luôn luôn  giảng một bài về Phật và về Chúa.

 (trích nguồn: http://phusaonline.free.fr/PhatHoc/TinTuc/TDTS_3 ...)

Hình kỷ niệm chụp chung giữa các tăng ni sinh Làng mai và các linh mục, bà sơ trước nhà thờ Phát Diệm.

Những phát biểu trên tạo cho người đọc cảm thấy đây có vẻ như là một tôn giáo thờ chung “Phật & Chúa” mới được hình thành, hay còn gọi là pháp môn Làng Mai, mà Sư ông vừa đóng vai trò là tu sĩ Phật giáo để giảng về đạo Phật, vừa đóng vai trò của một linh mục để giảng về đạo Chúa,  xem tu viện Phật giáo như là nhà tổ phụ của các đạo Chúa -Tổ phụ Abraham, hay nhà của tổ phụ là Làng mai, tùy theo cách hiểu của mỗi người . Và cũng có thể hiểu ngược lại là xem nhà thờ cũng như là chùa!

Có phải vì thế mà khi sự việc xảy ra ở Bát Nhã, thì có một nhà thờ Công giáo ở Bảo Lộc đề nghị cho các nạn nhân là tu ni sinh vào cư trú đúng như tinh thần “ Về Nhà thôi: Giê-su và Phật là hai anh em”-"Going Home: Jesus and Buddha as Brothers"- như tựa một cuốn sách do Thiền sư viết hoặc “Living Buddha, Living Christ”, tiếng Việt là: “Bụt Ngàn Đời, Chúa Ngàn Đời”.  Người viết không có cơ duyên để đọc các cuốn sách này, nhưng đề tựa của chúng tạo nên cảm giác “đạo nào cũng tốt”. Trong nước cũng có một tác phẩm của Thiền sư được xuất bản với đề tựa “Hiệu lực Cầu nguyện”, trong đó cũng có cả một chương “Cầu nguyện trong đạo Ki tô” đề cập đến bản kinh “Lạy Cha”. Thiền sư là một học giả uyên bác, nên viết một câu, một đoạn, một chương đều có chủ định nhất định, để nhắm tới đối tượng đọc.

Thuận theo lẽ vô thường, khi sư ông giải nghiệp thì mai sau, khi các giáo thọ có nguồn gốc Ki tô giáo hoặc thấm nhuần giáo lý Ki tô, những hạt giống của Làng mai, sẽ đưa giáo pháp của Phật giáo đi xa đến tận đâu khi  thầy Chân Pháp Đệ, một tu sĩ Phật giáo của Làng Mai, nhân ngày lễ “Đức Mẹ Vô Nhiễm” đã viết trong Lá thư Làng mai số 32 với tựa bài là “Tin Mừng”, ngay khi sư ông vẫn “ngồi yên như núi” ở đó, và xin trích một đoạn:

Ngày xưa, ai ai cũng dừng lại khi nghe chuông nhà thờ đổ và niệm ba lần kinh Lạy Mẹ Maria. Ngày nay, chỉ có các Thiền tăng dừng lại. Tôi yêu tiếng chuông và tôi niệm một lần kinh Lạy Mẹ. Nghe hồi chuông cầu Kinh Đức Bà cũng giống như nghe tiếng gọi của đức Ki-tô, gọi tôi quay về với chân tâm và mời tôi làm như Mẹ Mary: mang năng lượng Chúa Thánh Thần, sản sinh ra đức Ki-tô trong cuộc đời mình, trong thân và tâm mình.”

(Trích nguồn:  http://langmai.org/images/stories/lathulangmai/pdf/ltlm_32_A4Size_part01.pdf )

Vâng, ngày xưa khi nghe tiếng chuông nhà thờ thì mọi người ở cái nôi Ki tô giáo châu Âu, châu Mỹ, có thể có cả các con chiên Việt Nam dừng lại để đọc ba lần kinh “Lạy Mẹ Maria”, và ngày nay không ai đọc nữa, tại sao họ không đọc nữa? và chỉ có các thiền tăng dừng lại, dừng lại để làm gì ? Để đọc ba lần kinh Lạy Mẹ Maria ? Đó là chưa kể Làng mai tổ chức lễ Giáng sinh, hát thánh ca trong thiền viện mỗi mùa giáng sinh rất long trọng như chính lời Sư ông nói. Một nỗ lực để làm mới một Ki tô giáo mà ngày nay người ta không còn dừng lại để đọc kinh khi nghe tiếng chuông nhà thờ đổ, lại thông qua các “thiền tăng”!

Người viết không dám vọng ngữ, chỉ đọc bài Kinh Phật dạy người Kalama [*] mà y pháp, viết những điều theo nhận thức hạn hẹp của mình. Người viết cũng tự hỏi phải chăng pháp môn Làng mai từng bước muốn “làm mới” Phật giáo bằng cách “Ki-tô hóa Phật giáo”, nhưng liệu có đúng thời và đúng pháp trong một đất nước mà vấn nạn Ki tô giáo vẫn chưa phai mờ trong ký ức, khi mà nhiều cao tăng nước nhà vẫn im lặng nhìn danh vọng là phù vân, vô ngã là niết bàn, và người viết vô phép bắt chước Thiền sư Tuệ Trung Thượng Sĩ mà lộng ngôn, nhại lại rằng: ‘Phật là Phật, Chúa là Chúa. Phật không cần là anh em với Chúa. Chúa không cần là anh em với Phật”. Đạo Phật vốn lấy trí tuệ làm sự nghiệp –Duy tuệ thị nghiệp- vốn đã trong sáng, tròn đầy, nên không cần dùng một thứ tôn giáo ngoại lai nào khác để làm sáng tỏ thêm cái không thể sáng tỏ thêm. Nếu bài viết có điều gì không đúng, bất kính là do căn trí còn trì độn, xin đọc giả lượng thứ cho.

 

SG, 1-12 .2009

Nguyễn Trí Cảm


* - "Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình."

 "Khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau’, quý vị hãy từ bỏ chúng. ... Khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là thiện; các pháp này là đáng khen; các pháp này được người trí ca ngợi; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc’, quý vị hãy đạt đến và an trú".

 ** Lúc Hoàng hậu Thiên Cảm khi thấy anh mình là Tuệ Trung Thượng sĩ  “ngã mặn” trong bữa tiệc nên hỏi: - Anh tu Thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được?
Ông cười đáp: - Phật là Phật, anh là anh. Anh không cần thành Phật, Phật không cần thành anh. Em chẳng nghe cổ đức nói: "Văn thù là Văn thù, giải thoát là giải thoát đó sao"?