●   Bản rời    

Đôi Lời Về Cuốn Sách Của Max Hastings, Viết Về Việt Nam

Đôi Lời Về Cuốn Sách Của Max Hastings, Viết Về Việt Nam

Nguyễn Xuân Ba

http://sachhiem.net/LICHSU/N/NguyenXuanBa_02.php

14-Oct-2018

Mục tiêu đối thoại: BBC ngày 20 tháng 9 năm 2018, đăng bài "Max Hastings về cuộc chiến VN: 'Không phe nào đáng chiến thắng'." (Xem Phụ Lục)

Ý kiến của tôi - người đọc - về nội dung cuốn sách, từ bài báo của BBC.

Tôi chưa tìm được cuốn sách này, chỉ căn cứ vào bài của BBC để nói đôi điều khi đọc cuốn sách này.

Ông Max Hastings cho rằng 'thiếu tin cậy' từ tư liệu Việt Nam, nhưng đã sử dụng tư liệu này đưa vào cuốn sách, như:

●         Tác giả: "Phương Tây 'hiểu lầm về cuộc chiến', "Trong lúc chiến tranh diễn ra, Washington và Phương Tây luôn tin rằng hành vi của miền Bắc, tức Hà Nội, là do Trung Quốc và Nga giật dây. Nhưng khi bạn nghiên cứu về chuyện này, bạn thấy không đúng. Thực tế cả Liên Xô và Trung Quốc đều không mấy nhiệt tình với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam...Cả Bắc Kinh và Moscow đều không hào hứng với cuộc chiến, khác với điều các chính trị gia phương Tây tưởng".

Người đọc: Đây là tư liệu đã được công bố ở Việt Nam sau khi thống nhất đất nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể rõ khi ông sang Liên Xô gặp tranh thủ sự ủng hộ của họ thì lãnh đạo Liên Xô hỏi Việt Nam có bao nhiêu sư đoàn, đánh với Mỹ được bao lâu? Võ Nguyên Giáp trả lời: Nếu đánh theo cách của các đồng chí thì lực lượng của chúng tôi chỉ chiến đấu trong vài giờ, nhưng Việt Nam đánh Mỹ theo cách của mình và sẽ thắng Mỹ. Việt Nam phải khéo vận động và chứng minh thực tế là có cách đánh Mỹ để giành chiến thắng, dần dần họ tin tưởng mới ủng hộ. Trung Quốc cũng không đồng tình Việt Nam tiến hành cuộc chiến giải phóng miền Nam. Họ muốn Việt Nam "án binh bất động" ở miền Nam. Khi không cản được, Việt Nam quyết tâm giải phóng miền Nam, họ lại tham gia ý kiến: không được đánh lớn, chỉ đánh cấp đại đội thôi. Nhưng rồi với khéo tranh thủ của lãnh đạo Việt Nam, Trung Quốc cũng ủng hộ, viện trợ cho Việt Nam thực hiện cuộc chống Mỹ giải phóng miền Nam.    

-- Vai trò của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn:

Ngày nay các nhà nghiên cứu Việt Nam, trên thế giới đều hiểu rõ ông Lê Duẩn là một trong nhiều người lãnh đạo hàng đầu quyết tâm rất lớn làm cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam. Điều này cũng dễ hiểu, vì ông Lê Duẩn là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử vào lãnh đạo miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông không chỉ hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân miền Nam, muốn thống nhất đất nước, Nam Bắc phải về một nhà dưới lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn đau đớn vì nhiều người dân miền Nam bị chính quyền tay sai Mỹ là Ngô Đình Diệm tàn sát dã man. Quyết tâm giải phóng miền Nam của ông Duẩn là trách nhiệm với miền Nam, phải thực hiện cho được là đương nhiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao tài năng lãnh đạo của ông Lê Duẩn nên gọi ra Bắc để đảm đương chức vụ Bí thư thứ nhất của Đảng thay ông Trường Chinh sau sai lầm Cải cách ruộng đất. Với trách nhiệm ấy, ông Lê Duẩn là người vừa lĩnh hội ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa thể hiện trách nhiệm của mình trong sự nghiệp cách mạng, giải phóng miền Nam, xây dựng miền Bắc tiến lê xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng chỉ đạo của Lê Duẩn và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng thống nhất trong lãnh đạo công cuộc giải phóng miền Nam. Tất nhiên khi về già, tuổi càng cao, sức càng yếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều năm phải dành thời giờ trị bệnh, tĩnh dưỡng, chỉ tham gia quyết định những việc đại sự, còn việc chỉ đạo giao cho ông Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất của Đảng - là đúng vị trí, không có gì gọi là Lê Duẩn lấn quyền Hồ Chí Minh như có những ý kiến của Phương Tây nhận xét.

-- Vai trò Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Suốt thời kỳ đấu tranh giải phóng miền Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương. Ông Giáp chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đủ sức chiến đấu giải phóng miền Nam bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đó là vai trò cá nhân của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nghiên cứu về Việt Nam cần phải thấy điều này: Đảng Cộng sản lãnh đạo trực tiếp, toàn diện ở tất cả mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, lực lượng quân sự, công an nhân dân... Nguyên tắc  tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách của Đảng, cấp dưới phục tùng cấp trên, toàn Đảng phục tùng Trung ương, mọi người phải chấp hành nghiêm. Thay mặt tập thể lãnh đạo, ông Duẩn quyết định, chỉ đạo cả về quân sự, chỉ đạo vào Nam thực hiện chủ trương của Trung ương theo hệ thống của Đảng. Ông Giáp về mặt Đảng phải xin ý kiến, chỉ thị của ông Lê Duẩn. Với nguyên tắc làm việc như trên, khi có việc chưa thống nhất, nếu cần phải quyết định ngay thì ông Lê Duẩn là người có quyền tối cao đưa ra quyết định. (Nên nhớ ông Lê Duẩn từng nói, khi làm việc có trường hợp nội bộ chưa thống nhất với nhau thì phải chờ đợi để tạo sự thống nhất).

Giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, ông Duẩn là người có công lớn trong vai trò lãnh đạo.

●        Tác giả: "Trong cuốn sách, tôi cho rằng mình đã trình bày công bằng về tầm mức thất bại, sự ngu đốt (stupidity) của người Mỹ, những điều tệ hại mà họ làm".

Người đọc: Tiếc rằng tác giả không dẫn cụ thể những điều tai hại ra đây. Chắc trong sách có đủ những việc không tốt do người Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam?

●        Tác giả:  "Nhưng chúng ta cũng cần nhận ra sự tàn bạo (brutality) của miền Bắc: sự thờ ơ của Lê Duẩn trước tầm mức thương vong của quân miền Bắc để đạt được mục tiêu thống nhất; tầm mức các chiến dịch gây khiếp sợ ở miền Nam và cả ở miền Bắc sau 1954 như cải cách Ruộng đất, hợp tác hóa."

Người đọc: Phần này có hai vấn đề cần trao đổi:

Một là, "tầm mức thương vong của quân miền Bắc".

Trước tiên cần nói: dân tộc Việt Nam là một dân tộc có truyền thống chống ngoại xâm hàng ngàn năm đối với Phương Bắc, hàng trăm năm đối với Phương Tây. Để giành lại độc lập con dân người Việt phải đổ máu không sao kể xiết. Riêng với thực dân Pháp, từ khi Pháp tiến đánh Đà Nẵng năm 1858 cho tới Cách mạng tháng Tám 1945, máu của người Việt Nam đã chảy có thể nói thành sông, vì sự dã man, tàn bạo của thực dân Pháp. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn ngăn không để xảy ra chiến tranh, phải tương nhượng người Pháp nhiều điều, phải chấp nhận hai từ "tự do" thay cho "độc lập", "nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới", buộc chiến tranh phải nổ ra, ngày 19-12-1946 toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi tranh thủ duy trì hòa bình thất bại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với một tướng lĩnh của Pháp: Người Pháp giết chúng tôi mười người, chúng tôi giết lại người Pháp một người, nhưng cuối cùng chúng tôi chiến thắng. Người hình tượng cuộc chiến Việt Nam chống Pháp như hổ với voi, tưởng voi dày chết hổ, nhưng hổ khôn lanh ẩn nấp trong rừng chờ voi sơ hở nhảy ra cắn xé rồi chạy vô rừng, cuối cùng "voi lòi ruột ra". Đúng như vậy, Việt Minh đã chiến thắng thực dân Pháp. 

Mỹ, ngụy không thi hành Hiệp định Genève 1954, việc thống nhất đất nước bằng phương pháp hòa bình bị đối phương xóa bỏ, bắt buộc miền Bắc phải ủng hộ nhân dân miền Nam làm cuộc chiến tranh giải phóng để thống nhất đất nước.

Một nước nhỏ, kinh tế nghèo nàn, dân số không đông như Việt Nam phải chống Pháp rồi tiếp tục chống Mỹ, là hai "đế quốc to" tất nhiên phải chấp nhận hy sinh nhiều người và của cải để giành lấy độc lập. Giữa hy sinh mất mát lớn, với quỳ gối làm tay sai cho ngoại bang, người Việt Nam chấp nhận hy sinh. Vì vậy mới có biết bao gương anh hùng trong kháng chiến ôm bom tấn công xe tăng giặc, sẵn sàng lấy thân mình chèn pháo, chấp nhận hy sinh bản thân cứu đồng đội. Câu khẩu hiệu: "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" được chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam tự giác thực hiện đã làm nên lịch sử vẻ vang cho dân tộc. 

Cái giá phải trả khi Việt Nam dám chống Mỹ, một nước có vũ khí hiện đại nhất thế giới thì không thể so sánh tỷ lệ như tác giả nêu trên kia. Với thế mạnh bao trùm, quân Mỹ làm chủ bầu trời, sông biển, cả khi chiến sự diễn ra trên mặt đất, với vũ khí dồi dào trút đạn như mưa vào lực lượng quân giải phóng; Mỹ có trực thăng cấp cứu thương binh nhanh chóng, hạn chế tỉ lệ chết ở chiến trường. Việt Nam phải khiêng thương binh bằng sức người mất nhiều thời gian mới đưa tới bệnh xá thì số hy sinh cao là khó tránh. Mặt khác, sống ở rừng núi bệnh tật, thú dữ cũng góp phần tăng tỉ lệ người chết của Quân giải phóng. Như thế làm sao so sánh tỉ lệ như tác giả nêu trong sách? Nhờ đường lối chiến tranh nhân dân nên Việt Nam mới thắng Mỹ và hy sinh ít nhất. Ông Max Hastings có biết không chỉ chiến sĩ chiến đấu hy sinh mà người dân cũng bị giết chết? Việc quân đội Mỹ và chư hầu đã sát hại nhiều dân thường Việt Nam cả hai miền Nam Bắc, nhiều lần mỗi lần hàng trăm người chết, điển hình là vụ quân đội Mỹ tàn sát 504 người dân toàn là đàn bà, người già và trẻ con, thiêu hủy 274 căn nhà ở Mỹ Lai, Quảng Ngãi (năm 1968). Những cái chết ấy do đâu, ai gây ra đã rõ, có nằm trong tỉ lệ 1/40, sự nhìn nhận này là thế nào?     

Còn chuyện này nữa: Từ năm 1955 đến 1959, trước Đồng khởi, ở miền Nam Việt Nam chỉ có chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành cuộc "chiến tranh đơn phương", tự do bắn giết, tù đày nhiều chục vạn người kháng chiến cũ chống Pháp, dân thường; người các tôn giáo trong đó có Phật giáo (cho tới khi chế độ này bị lật đổ) thì tác giả "tính" thế nào?

Chắc ông Max Hastings biết nhiều về Thế chiến thứ hai? Tôi nêu vài điều ra đây so cuộc chiến tranh Việt Nam 1945-1975.

- Thời gian thế chiến chỉ có 7 năm (1939-1945), chiến tranh Việt Nam kéo dài hơn 30 năm.

- Không gian thế chiến rộng lớn, cuộc chiến tranh Việt Nam (1955-1975) đất hẹp hơn nhiều, nhưng chứa đựng một lượng bom đạn nhiều gấp hai lần thế chiến thứ hai (Mỹ: 6.700.000 tấn, VNCH, Úc, New Zealeand...1.400.000 tấn.

- Thế chiến thứ 2: Đồng Minh rải bom ở châu Âu, châu Á: 3.400.000 tấn). Số người chết trong Thế chiến thứ hai gấp nhiều lần chiến tranh Việt Nam, (Theo thống kê năm 1965 của Liên hiệp quốc, chỉ riêng số người thiệt mạng do chiến tranh ở châu Âu đã lên đến 49.257.000 người.) Gồm:

Liên Xô: 21.000.000 người (theo tài liệu nghiên cứu của Krivosheev năm 2005, con số này có thể lên 26, 6 triệu người, bao gồm 8,7 triệu quân nhân và hơn 18 triệu thường dân.)

Đức: 9,7 triệu người (theo tài liêu nghiên cứu năm 2000 của tiến sĩ Rudiger Overmans, con số này bao gồm 5,3 triệu quân nhân, 3,170 triệu thường dân và 1,4 triệu người Đức ở các quốc gia khác.)

Ba Lan: 6,028 triệu (theo tài liệu của Viện IPN - Ba Lan năm 2000, con sốn này là 5,6 triệu đến 5,8 triệu người, trong đó có khoảng 3 triệu người Do Thái.)

Nam Tư: 1,6 triệu người.

Pháp: 629 ngàn người.

Italia: 890 ngàn.

Tiệp Khắc: 364 ngàn.

Hoa Kỳ: 325 ngàn.

Anh: 320 ngàn

Ở châu Á, Hoa Kỳ chết khoảng 300 ngàn người, v.v... (Số liệu lấy từ Wiki).  

Vậy, ông Hastings hãy suy ngẫm, có phải nhờ cách đánh của mình mà Việt Nam hạn chế được tổn thất về người không?

Hai là, vấn đề hợp tác hóa.

Hợt tác hóa là một trong hai thành phần kinh tế của chế độ Xã hội Chủ nghĩa. Thực tiễn cho thấy việc tổ chức Hợp tác xã ở miền Bắc trước 1975, và ở miền Nam sau 30-4-1975, có nơi làm chưa tốt, nhưng thời chiến thanh chống Mỹ, hợp tác xã ở miền Bắc đã giải quyết hợp lý sử dụng sức lao động, có hợp tác xã chính sách hậu phương quân đội được thực hiện tốt đã tạo thuận lợi cho việc huy động lực lượng trai tráng đi chiến đấu. Hợp tác hóa không gây "khiếp sợ" như tác giả viết.

●        Tác giả: "Hồ Chí Minh và Việt Minh luôn xứng đáng được người Việt Nam ngưỡng mộ, biết ơn vì đấu tranh loại bỏ người Pháp khỏi Việt Nam".

Người đọc: Đây là nhận xét chính xác.

●        Tác giả: "Nhưng tôi cho rằng người dân Việt Nam cần tự hào về lòng dũng cảm, ý chí của nhân dân cả hai phía trong một cuộc chiến áp đặt lên họ bởi cả người cộng sản và Phương Tây". "Trong sách, tôi viết cả hai phe đều không xứng đáng chiến thắng. Cả hai phe đều xử tệ với nhân dân Việt Nam".

Người đọc: Cuộc chiến tranh nào cũng phải hy sinh mất mát, người dân phải gánh chịu cảnh dau khổ là khó tránh. Cuộc chiến nào rồi cũng kết thúc, có bên thắng bên thua. Bên thắng bao giờ cũng được ngợi ca vì những điều họ làm được. Chiến thắng của Việt Nam giành độc lập, thống nhất sau hàng trăm năm bị đô hộ càng có ý nghĩa to lớn không chỉ với dân tộc mình mà còn là tấm gương hiệu triệu cho các dân tộc bị áp bức noi theo giành độc lập thì ý nghĩa của chiến thắng ấy không thể cho là "Không  phe nào xứng đáng chiến thắng".

Cái giá phải trả cho thắng lợi dù có đắt mấy cũng không thể xóa đi thành quả đã tạo được.  

●        Tác giả: Mỹ 'thua quân sự, thắng văn hóa, kinh tế'.

Người đọc: Mỹ thua về quân sự là rõ ràng. Còn Mỹ thắng về văn hóa, kinh tế?

Xin nêu vài điều sau:

Việt Nam có bốn ngàn năm văn hiến, cả dân tộc tự hào về điều đó, "gạn đục khơi trong" bảo vệ, thừa kế vốn quý, truyền thống tốt đẹp nền văn hóa của mình, gạt bỏ những hủ tục. Người Việt Nam vốn ham học hỏi, tiếp thu tinh hoa của dân tộc bạn làm giàu cho mình, tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người mang cốt cách văn hóa dân tộc cao nhất, cũng là người học hỏi tiếp thu văn hóa, văn minh Đông - Tây, kim - cổ, văn hóa ứng xử của Người là tấm gương tiêu biểu văn minh lịch sự, tôn trọng, nhân ái với mọi người, người tiến bộ trên thế giới kính yêu, kẻ thù cũng phải nể phục.

Hồ Chí Minh học điều hay của tất cả các nước, không phân biệt cộng sản hay tư bản. Việc Hồ Chí Minh trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776, và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789, (có giá trị không chỉ về chính trị mà còn về văn hóa nữa) chứng minh điều đó.   

Sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào xây dựng "Đời sống mới": Đoàn kết; Cần, Kiệm, Liêm, Chính: Thi đua ái quốc trong cả nước. Đây là nét văn hóa đẹp của con người Việt Nam.

Về kinh tế cũng vậy, khi cuộc chiến chống Mỹ đang diễn ra gay gắt nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rằng: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đón tiếp Tổng thống Johnson đến Hà Nội, nhưng đừng mang theo Tướng lĩnh và Đô đốc, hãy mang vợ con, đầu bếp và các nhà kinh doanh để làm ăn, hợp tác kinh tế.

Như vậy, mọi người thấy rõ tư tưởng lãnh tụ Việt Nam chống xâm lược Mỹ, không chống hợp tác kinh tế cùng có lợi với nhân dân Mỹ. 

Ngày nay Đảng, Nhà nước Việt Nam chủ trương hội nhập làm bạn với tất cả các nước, việc trao đổi, học hỏi nét văn hóa đẹp của các nước, trong đó có Mỹ, là chuyện bình thường. Về kinh tế, Việt Nam là nước vốn có nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tất nhiên cần học hỏi kinh nghiệm của các nước có nền kinh tế hiện đại, trong đó có Mỹ.

Nên nhớ Việt Nam chỉ học hỏi ứng dụng những điều tốt, không học Mỹ cũng như của nước khác những đìều không phù hợp với văn hóa của Việt Nam. Mỹ cũng có những việc chưa tốt, như  cho người dân sử dụng súng, đã dẫn đến nhiều ttường hợp bắn giết  gây cảnh tang thương khủng khiếp mà vẫn không cấm được. "Văn hóa súng đạn" của Mỹ không chỉ gây chết chóc từ người dân mà ngay cả cảnh sát Mỹ cũng đưa mâu thuẫn giữa dân với cảnh sát. Mâu thuẫn giữa dân thường và cảnh sát ở Mỹ chưa bao giờ có dấu hiệu lắng dịu. Số người bị cảnh sát Mỹ bắn chết gấp 18 lần so với Đan Mạch và 100 lần so với Phần Lan. Năm 2015, số người bị cảnh sát Mỹ bắn chết từ 465 người trong 6 tháng đầu năm tăng lên 491 người trong nửa đầu năm 2016. Năm 2016, 20 cảnh sát bị bắn chết trong 6 tháng đầu, tăng 4 người so cùng kỳ năm 2015 (1).

Việt Nam chủ động tiếp thu điều hay, không học điều dở, nhưng ngày nay với truyền thông của thế giới phẳng những điều không tốt của văn hóa Mỹ và Phương Tây lan sang khó tránh khỏi ảnh hưởng đến con người Việt Nam, nhất là tuổi trẻ.  

Để ngăn ngừa ảnh hưởng văn hóa nước ngoài không hợp với văn hóa Việt Nam, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 125/2918/NĐ-CP quy định về thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phong tục, tập quán, văn hóa của Việt Nam...       

●        Tác giả: "Trong sách tôi cũng nói một lý do đằng sau thất bại của Hoa Kỳ ở Việt Nam là ở mọi giai đoạn, người Mỹ không hành động dựa theo mong muốn, lợi ích của nhân dân Việt Nam. Lúc nào chính sách của họ cũng  xuất phát từ lợi ích của Mỹ. Như thế Hà Nội có lợi thế tuyên truyền to lớn".

"Lý do căn bản người Mỹ đã thua, người cộng sản thắng là vì người Việt căm ghét sự can thiệp của nước ngoài. Rõ ràng sự can thiệp của Mỹ đã đem lại đau khổ cho nhân dân Việt Nam".

Người đọc: Bao trùm lên tất cả - những nhận định đan xem "đúng", "sai" theo tôi, đây là nhìn nhận đúng đắn nhất của Sir Max Hastings. Chính sách của người Mỹ đối với nhân dân Việt Nam từ 50 năm trước nay họ vẫn chưa thay đổi khi đối xử với người dân các nước Irak, Libya, Syria, v.v...  

Trong một cuộc phỏng vấn với báo The Hill mới đây Tổng thống Donald Trump tuyên bố: "Sai lầm riêng lẻ, tồi tệ nhất từng xảy ra trong lịch sử đất nước chúng ta (của Mỹ) là tham chiến ở Trung Đông và nó do Tổng thống Bush gây ra. Ông Obama có thể sai khi rút binh sĩ (Mỹ) khỏi đó nhưng đưa quân tới khu vực này, đối với tôi, là một sai lầm lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ từ trước tới nay". Dù nhìn nhận như vậy, nhưng ông Trump mấy lần tuyên bố rút quân khỏi Syria nhưng đến nay vẫn chưa rút mà có ý còn đưa thêm khí tài chiến tranh đến Syria. Tất cả các Tổng thống Mỹ đều "Vì nước Mỹ trên hết", họ không tôn trọng quyền lợi chính đáng của nước khác vì nước đó chống Mỹ. Chỉ có khác nhau cách thực hiện của từng Tổng thống Mỹ mà thôi. Thiết nghĩ người Mỹ  nên tiếp thu ý kiến của Max Hastings, điều chỉnh chính sách của mình đối với các nước nhất là những nước nhỏ trên thế giới.               

●        Kết luận:

1. Với cách nhìn áp đặt của người viết hơn tập hợp tư liệu tổng hợp từ các nguồn, nhất là của Việt Nam để đánh giá vấn đề chiến tranh Việt Nam nên ông Max Hastings nghiêng về chủ quan hơn là tìm hiểu nghiên cứu sâu, đặt mình vào vị trí của người Việt Nam để "thẩm định" cuộc chiến vì độc lập của một dân tộc: "Thề hy sinh tất cả, quyết không làm nô lệ"; "Không có gì quý hơn độc lập tự do"; "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết phải giành cho được độc lập" (Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Nghiên cứu cuộc chiến tranh Việt Nam, ông Max Hastings viết: "Tôi muốn khác đi, để đây là cuốn sách chủ yếu về người Việt Nam...". Thế mà tác giả không tin tư liệu của Việt Nam, người trong cuộc, có nhiều tư liệu đáng tin như văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam, Thư vào Nam của Lê Duẩn, Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam, v.v... là những tài liệu trung thực, chính xác, tác giả  nên khai thác.

Có một người nước ngoài nhận định:

"Chủ tịch Hồ Chí Minh là người giỏi nhất thế giới về dùng người. Có nhiều nhà lãnh đạo thừa hưởng cả một đế chế hùng mạnh, nhưng chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng một quân đội hùng mạnh, một tập thể nhân dân hùng mạnh, một đất nước hùng mạnh từ con số không, và chiến thắng trong danh dự, vẻ vang; có uy tín với nhân loại và làm thay đổi cả dòng chảy lịch sử nhân loại. Người đó không ai khác là Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Nhiều người trên thế giới kinh ngạc vì Việt Nam một nước nhỏ, từ hai bàn tay trắng dám đứng lên đánh và đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Họ ca ngợi hết lời ý chí của một dân tộc, tài năng của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Cuộc chiến này nhân dân Việt Nam chiến thắng. Nhưng theo tác giả: "Không phe nào đáng chiến thắng" là sao? Không thể nói hy sinh nhiều người là không xứng đáng thắng; ngược lại, hy sinh nhiều giá trị của chiến thắng càng phải được quý trọng hơn. Quả là cái nhìn của ông Max Hastings bị chủ quan che lấp nên không thấy như người khác! Vì vây, cuốn sách của ông chưa đưa ra nhận định đúng đắn, phù hợp với chiến thắng đã có.     

2. Bên cạnh những hạn chế nói trên, tác giả cũng nhìn nhận chính xác về Tinh thần dân tộc bất khuất của người Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Minh được người dân kính phục vì đã đánh đuổi được thực dân Pháp giành độc lập cho đất nước. Người Mỹ mắc phải sai lầm trong chính sách đối với Việt Nam.

3. Nếu tác giả dành nhiều hơn việc tiếp cận với những người có trách nhiệm, những tư liệu của Việt Nam, nghiên cứu sâu hơn về lịch sử dân tộc này, chắc sẽ thu nhận được những kết quả khác xa những gì đã có. Và chắc sẽ có cái nhìn khác hơn, đánh giá sâu sắc hơn về chiến thắng của người Việt Nam trong chiến tranh 1945-1975. Hy vọng sau này Max Hastings có điều kiện cho ra đời cuốn sách khác xác đáng hơn.

TP. Hồ Chí Minh, 22- 9-2018.                                             

Nguyễn Xuân Ba  

Chú thích:

(1). Xem bài "Vì sao cảnh sát Mỹ bắn chết nhiều người nhất thế giới?", của Quang Minh trên Dân Việt Online (Thứ Bảy, ngày 09-07-2016).  http://danviet.vn/the-gioi/vi-sao-canh-sat-my-ban-chet-nhieu-nguoi-nhat-the-gioi-692765.html

 

__________________________

PHỤ LỤC

BÀI BÁO CỦA BBC

"Max Hastings về cuộc chiến VN: 'Không phe nào đáng chiến thắng'."

Chép theo bài đăng trên BBC ngày 20 tháng 9 năm 2018 (https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45574592)

         Mỹ "thua" về quân sự nhưng rốt cuộc "chiến thắng" ở Việt Nam về văn hóa và kinh tế, theo đánh giá trong cuốn sách mới về chiến tranh Việt Nam.

         Sử gia nổi tiếng người Anh, Sir Max Hastings, vừa ra mắt cuốn sách hơn 700 trang, Vietnam: An Epic Tragedy 1945-1975 (Việt Nam: Một bi kịch vĩ đại 1945-1975).

         Sinh năm 1945, ông Max Hastings lần đầu tới miền Nam Việt Nam khi mới 24 tuổi với tư cách phóng viên.

         Ngày 20-3-1975, ông có mặt ở Sài Gòn và như ông kể, nghĩ rằng ông chỉ tường thuật một chiến dịch nữa mà không biết cuộc chiến sắp sửa kết thúc.

         Trong sự nghiệp báo chí của mình, Max Hastings từng là tổng biên tập của tờ Daily Telegraph (1986-1995) và Evening Standard (1996-2002).

         Ông cũng là một sử gia quân sự, đã viết 26 cuốn sách về các cuộc chiến lớn như Thế chiến thứ Nhất và thứ Hai.

         Ông được Anh phong tước hiệp sĩ năm 2002 và nhận giải thưởng 100.000 đô la cho thành tựu cả đời từ Thư viện Quân sự Pritzker của Chicago năm 2012.

         Xem Việt Nam là nơi ông từ bỏ "ảo tưởng thơ ấu về vinh quang quân sự", Sir Max Hastings bắt đầu có những chuyến đi Mỹ và Việt Nam năm 2016 để phỏng vấn cho cuốn sách.

         Sir Max Hastings trả lời BBC Tiếng Việt về cuốn sách Vietnam: An Epic Tragedy 1945-1975:

         Đã nhiều sách do người Pháp và người Mỹ viết, nhưng thường họ có xu hướng họ đặt người Mỹ là nhân vật chính hay nạn nhân chính trong cuộc chiến. Tôi muốn khác đi, để đây là cuốn sách chủ yếu về người Việt. Đã có ước tính cứ một người Mỹ chết ở Việt Nam, thì có hơn 40 người Việt chết.

         Khi nghiên cứu cho sách, tôi tập trung vào người Việt cả cộng sản và chống cộng. Tôi đã đọc hàng ngàn trang bản dịch các tài liệu và hồi ký, tôi làm phỏng vấn ở Mỹ và cả Việt Nam.

'Thiếu tin cậy' tư liệu từ Việt Nam

         Một vấn đề cho người viết sử là có vô số tư liệu trong kho của Mỹ, Pháp, nhưng ở Hà Nội không có nhiều tư liệu hàm chứa các nguồn đáng tin cậy. Đọc hồi ký của những người lính miền Bắc, phỏng vấn người Việt - những điều đó rất có ích. Nhưng nhiều diễn giải chính thức của Hà Nội không đáng tin.

Sài Gòn ngày 30/4/1975. AFP/AFP/GETTY IMAGES

Max Hastings tường thuật từ đảo Falklands/Malvinas năm 1982 khi Anh có cuộc chiến với Argentina

 Phương Tây hiểu lầm về cuộc chiến

         Trong lúc chiến tranh diễn ra, Washington và Phương Tây luôn tin rằng hành vi của miền Bắc, tức Hà Nội, là do Trung Quốc và Nga giật dây. Nhưng khi bạn nghiên cứu về chuyện này, bạn thấy không đúng. Thực tế cả Liên Xô và Trung Quốc đều không mấy nhiệt tình với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Một phần là vì họ luôn lo lắng Mỹ sẽ can thiệp quân sự. Trong giai đoạn đầu họ thậm chí lo ngại Mỹ có khi dùng vũ khí hạt nhân. Cả Bắc Kinh và Moscow đều không hào hứng với cuộc chiến, khác với điều các chính trị gia phương Tây tưởng.

         Ở phương Tây, người ta hiểu rằng Hồ Chí Minh, cho đến khi qua đời năm 1969, luôn là người chỉ đạo cuộc đấu tranh của miền Bắc. Dĩ nhiên giờ đây thì chúng ta biết từ khoảng năm 1962, mặc dù Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục quan trọng, ông Lê Duẩn đã chỉ đạo các nổ lực chiến tranh. Có một số bằng chứng từ giữa thập niên 1960, một phe ở Hà Nội - có thể ở trong đó có ông Hồ - cân nhắc khả năng có thỏa hiệp hòa bình. Nhưng Lê Duẩn luôn khẳng định phải đạt được chiến thắng.

         Một việc mà nhiều người phương Tây chưa biết: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường được cho là người chỉ đạo chính cho hoạt động quân sự của Hà Nội. Nhưng trong một giai đoạn dài, Tướng Giáp mất uy thế, thậm chí ở nước ngoài trong lúc một số lượng đáng kể người thân tín của ông ấy bị bắt tù.

Sử gia Max Hastings nói về vai trò của Tướng Giáp ra sao trong chiến tranh. GETTY IMAGES

 'Sự tàn nhẫn của miền Bắc'

         Trong cuốn sách, tôi cho rằng đã trình bày công bằng về tầm mức thất bại, sự ngu dốt (stupidity) của người Mỹ, những điều tệ hại mà họ làm.

         Nhưng chúng ta cũng cần nhận ra sự tàn bạo (brutality) của miền Bắc: sự thờ ơ của Lê Duẩn trước tầm mức thương vong của quân miền Bắc để đạt được mục tiêu thống nhất; tầm mức các chiến dịch gây khiếp sợ ở miền Nam và cả ở miền Bắc sau 1954 như Cải cách Ruộng đất, hợp tác hóa.

         Hồ Chí Minh và Việt Minh luôn xứng đáng được người Việt Nam ngưỡng mộ, biết ơn vì đấu tranh loại bỏ người Pháp khỏi Việt Nam. Nhưng mặt khác, sự tàn nhẫn và thất bại về kinh tế theo sau việc đưa chủ nghĩa cộng sản vào miền Bắc và sau này trên cả nước đã áp đặt một cái quá lớn lên người Việt.

Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson và Đại sứ Mỹ ở Nam Việt Nam Maxwell Taylor năm 1965. GETTY IMAGES

Mỹ 'thua quân sự, thắng văn hóa, kinh tế'

         Với tôi, một trớ trêu người Mỹ đã thất bại về quân sự nhưng ngày hôm nay về văn hóa và kinh tế, các giá trị và văn hóa Mỹ lại chiến thắng.

         Mặc dù một chính thể độc đoán vẫn đang cai trị, mọi người được phép kiếm tiền theo kiểu Mỹ. Những nhà cách mạng thời kỳ đầu hẳn phát hoảng nếu họ nhìn thấy Sài Gòn hôm nay vì thành phố trông hệt như cách mà người Mỹ muốn thấy. Nên thật trớ trêu khi người Mỹ thất bại về quân sự nhưng họ đã chiến thắng về văn hóa và kinh tế.

         Nhưng tôi cho rằng người dân Việt Nam cần tự hào vì lòng dũng cảm, ý chí của nhân dân ở cả hai phía trong một cuộc chiến áp đặt lên họ cả người cộng sản và Phương Tây.

         Trong sách, tôi viết cả hai phe đều không xứng đáng chiến thắng. Cả hai phe đều cư xử tệ với nhân dân Việt Nam.

         Trong sách tôi cũng nói một lý do đằng sau thất bại của Hoa Kỳ ở Việt Nam là ở mọi giai đoạn, người Mỹ không hành động dựa theo mong muốn, lợi ích của nhân dân Việt Nam. Lúc nào chính sách của họ cũng xuất phát từ lợi ích của Mỹ. Như thế Hà Nội luôn có lợi thế tuyên truyền to lớn.

         Lý do căn bản người Mỹ đã thua, người cộng sản thắng là người Việt ghét sự can thiệp của nước ngoài. Rõ ràng sự can thiệp của Mỹ đã đem lại đau khổ cho nhân dân Việt Nam.

Một hình ảnh cuộc chiến ở Nam Việt Nam. GETTY IMAGES

Triển lãm Xuân 1968 ở Huế. GETTY IMAGES

__________________

Nguồn: tác giả gửi

Trang Thời Sự




Đó đây


2024-04-17 - Sidney, Úc: 1 Giám mục bị đâm trong lúc làm lễ - Không biết Chúa làm gì mà bắt các giám mục của Chúa phải đổ vỏ! Các đây mấy năm, có viên chức chính phủ đề nghị treo bảng ở các nhà thờ "Đây là nơi nguy hiểm cho trẻ con"

2024-04-16 - Đọc báo QĐND - Bài viết: Không "chính trị hoá" các vụ án kinh tế -

2024-04-14 - Trực tiếp tại Ấp Chiến Lược Bolsa? Quê hương Nhà dâm chủ cuội Nguyễn Văn Đài Rè - Bạn có tin ở đây là Hưng Yên, gần Hà Nội? Cứ tưởng như một thành phố ở Châu Âu!

2024-04-13 - Nhận Diện Cách Mạng Màu Tại Việt Nam -

2024-04-12 - 326-2: Vì Sao Không Thể Đặt Tên Đường Lê Văn Duyệt Ở Quãng Ngãi? -

2024-04-12 - 326-1: Người Việt Theo Đạo Ki-tô La-mã Nhớ Ơn Lê Văn Duyệt -

2024-04-12 - Tại Sao Bộ Giáo Dục Chọn Ông Trùm Lật Sử Vũ Minh Giang Làm Tổng Chủ Biên - Xuyên Suốt Sách Giáo Khoa Lịch Sử.

2024-04-10 - Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican - Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher thăm Việt Nam từ ngày 9 - 14/4, theo lời mời của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Đây là chuyến thăm đầu tiên cấp Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican đến Việt Nam.

2024-04-10 - Lm Tây Ban Nha qua đời vì bỏng khi đốt lửa Phục sinh. Thay đổi lớn ở Giáo phận Rôma -

2024-04-08 - Đạo là gì? Chúa và các Cha còn chẳng biết đạo là gì mà đòi dạy đạo - Theo linh mục Nguyễn Khắc Hy thi "ĐẠO" ở trong các nhà thờ. Ai vào nhà thờ thì mới CÓ ĐẠO, ra khỏi nhà thờ thì HẾT ĐẠO!



▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 >>>




Thư, ý kiến ngắn
● 2024-04-16 - Bất bình trước sự san bằng, trộn lẫn CHÍNH /TÀ của những người mù sử: HOÀNG NAM - Chủ kênh Challenge Me - FB Lý Thái Xuân -

● 2024-04-01 - Phim ĐÀO PHỞ & PIANO -Tại sao không nên đánh dấu người yêu nước bằng biểu hiệu của một tập thể thiểu số - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-21 - CHỐNG CỘNG: Chuyện cười ra nước mắt ở Sở Học Chánh Tacoma, Wa - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-09 - Tổng thống Nga, Vladimir Putin đọc thông điệp gửi Quốc hội Liên bang (29/2/2024) - Gò Vấp -

● 2024-03-09 - Các hoạt động của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc trong những năm 1942-1954 - trích Hồi ký Nguyễn Đình Minh -

● 2024-03-08 - Hồi ký lịch sử 1942-1954 - Liên Quan đến Giám mục Lê Hữu Từ, Khu tự trị Phát Diệm, Công Giáo Cứu Quốc - VNTQ/ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư -

● 2024-02-15 - Trương vĩnh Ký dưới con mắt của người dân - Trần Alu Ngơ -

● 2024-02-14 - Các nhà hoạt động ẤN ĐỘ GIÁO phản đối chuyến viếng thăm của Giáo hoàng John Paul II - FB An Thanh Dang -

● 2024-02-09 - “KHÁT VỌNG NON SÔNG” của VTV1 và chuyện Trương Vĩnh Ký - Nguyễn Ran -

● 2024-02-05 - Góc kể công - Đồng bào Rô ma giáo cũng có người yêu nước vậy! Đúng. - Lý Thái Xuân -

● 2024-02-01 - Câu Lạc Bộ Satan Sau Giờ Học Dành Cho Trẻ 5-12 Tuổi Sắp Được Khai Trương Ở Cali, Hoa Kỳ - Anh Nguyen -

● 2024-01-29 - Giáo hội Rô ma giáo Đức "chết đau đớn" khi 520.000 người rời bỏ trong một năm - The Guardian -

● 2024-01-29 - Một tên Thượng Đế-Chúa ngu dốt về vũ trụ, nhưng thích bốc phét là tạo ra vũ trụ - Ri Nguyễn gửi Phaolo Thai & John Tornado -

● 2024-01-29 - Kinh "Thánh" dạy Con Chiên Giết Tất Cả Ai Theo Tôn Giáo Khác - Ri Nguyễn vs John Tomado -

● 2024-01-29 - Nhân Quyền Ở Nước Mỹ: Vụ Án Oan, 70 Năm Sau Khi Tử Hình Bé George Stinney - - Giác Hạnh sưu tầm -

● 2024-01-29 - NOEL - Ba Giáo Hoàng John Paul II, Benedict XVI, Francis I Thú Nhận Đã Bịp Chiên- Cừu Chuyện Jesus Ra Đời - Ri Nguyen -

● 2024-01-29 - Một dàn đồng ca, ngày càng đặt câu hỏi về quyền lực của Giáo hoàng - John L. Allen Jr. -

● 2024-01-29 - Tỷ lệ phá thai nơi người công giáo lại cao hơn nơi người ngoài công giáo! - Lê Hải Nam -

● 2024-01-29 - Kinh Khải Huyền Cho Biết Jesus Là Một Tên Ác Qủy Đê Tiện, Man Rợ - Ri Nguyễn -

● 2024-01-29 - Vatican Cho Phép Linh Mục Hiếp Dâm Trẻ Con - Đó là chính sách! - Ri Nguyen -


▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 >>>