●   Bản rời    

Nhật Ký Biển Đông: Thổ Đối Đầu Với Mỹ Tại Syria

Nhật Ký Biển Đông: Thổ Đối Đầu Với Mỹ Tại Syria

Đào Văn Bình

http://sachhiem.net/DAOVB/CT/DaovBinh103.php

08-Feb-2018

... Sẽ là một sai lầm chí tử nếu Hoa Kỳ quyết tâm xây dựng lực lượng người Kurd để chia cắt lãnh thổ Syria và đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ tại đây. Khi Mỹ-Thổ đụng nhau, hai phe thủ lợi chính là Nga và Syria. Họ chỉ cần chờ đợi hai bên đánh nhau lỗ đầu rồi sẽ ra tay theo kiểu “Trai cò cắn nhau ngư ông đắc lợi”. Ngoài ra, quyết định đóng quân vĩnh viễn tại Syria sẽ bị chống đối ngay trong lòng nước Mỹ .... (ĐVB)

Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Giêng ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:

A. Tình hình Hoa Kỳ:

- Huffington Post ngày 19/1/2018: “Hai cậu bé từ 12-13 tuổi đã bị truy tố về tội phá hoại khi đập phá thiết bị nuôi ong, đập vỡ 50 tổ ong, làm chết 500,000 con ong của một trại nuôi ong ở Sioux City, Iowa.”

- Yahoo News ngày 28/1/2018: Một học sinh tiểu học mới 7 tuổi ở Miami, Florida bị cảnh sát còng tay dẫn đi để kiểm tra xem có bị bệnh tâm thần vì đánh bà giáo nhiều lần sau khi bà giáo ngăn cản em phá phách đồ ăn ở nhà ăn. Mẹ của học sinh nói rằng đầu óc của em vẫn bình thường.

Không hiểu sao trẻ con bây giờ hung dữ và làm những chuyện không thể tưởng tượng được. Có thể vì mê trò chơi điện tử (games) hay vì cha mẹ dùng quá nhiều thuốc an thần, thuốc ngừa thai, hút xì ke ma túy cho nên đẻ con rối loạn tâm thần và trở nên hung bạo?

- Huffington Post ngày 19/1/2018: “Thống kê của Viện Gallup đưa ra hôm qua sau khi phỏng vấn 1000 nhân vật của 130 quốc gia cho thấy chỉ có 30% đồng ý về sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong khi vào năm 2016, con số là 48%. Con số có cái nhìn không tốt về sự lãnh đạo của Hoa Kỳ từ 28% tăng lên 43%. Trong lúc đó Hoa Lục đạt 31% tức hơn Hoa Kỳ một điểm về vai trò lãnh đạo”.

http://news.gallup.com/poll/225761/world-approval-leadership-drops-new-low.aspx

Liên-sô và Đông Âu xụp đổ đã 27 năm, Trung Hoa Lục Địa đã gia nhập cộng đồng thế giới. Chiêu bài “Bảo vệ Thế Giới Tự Do” để Hoa Kỳ gom thiên hạ về một mối không còn sử dụng được nữa. Xu hướng toàn cầu hóa khiến không còn chiến tranh ý thức hệ mà tất cả chỉ vì quyền lợi tối thượng của đất nước cho nên bang giao giữa các quốc gia trở nên vô cùng phức tạp. Không thể nào còn dùng chiêu bài “Tôi đến đây để bảo vệ tự do cho anh” mà trở thành “Ông đến đây có lợi gì cho đất nước tôi?”

Chính vì thế mà thế giới nảy ra một trào lưu “ngoại giao đa phương” để phát triển và sinh tồn. Trong dòng chảy của trào lưu đó, Hoa Kỳ kể từ thời Ô. Bush Cha, Bill Clinton, Bush Con, Obama đã không đáp ứng được tình thế. Kể từ thời Ô. Bush Cha, Hoa Kỳ đã tiến hành năm cuộc chiến tranh vào các quốc gia Hồi Giáo kéo dài tới bây giờ chưa chấm dứt. Từ một quốc gia bảo vệ tự do và hòa bình cho thế giới, nhiều lúc Hoa Kỳ biến thành người gây bất ổn trên toàn thế giới. Chính vì thế mà nhãn quan tiêu cực/không tốt về Hoa Kỳ của thế giới mỗi lúc mỗi gia tăng, phản ảnh bởi kết quả thăm dò nói ở trên.

B. Tình hình thế giới:

- USA Today ngày 15/1/2018: “Bộ Trưởng Ngoại Giao Nga Lavrov trong cuộc hội thảo hằng năm về những vấn đề quốc tế của Nga nói rằng Hoa Kỳ và đồng minh tiếp tục gây bất ổn thế giới bằng cách giải quyết những vấn đề của thế giới bằng chỉ thị và tối hậu thư và hiện nay một số quốc gia đang gia tăng sức mạnh quân sự để bảo vệ chủ quyền vì sự suy thoái của luật pháp quốc tế. Ô. Lavrov cũng cho rằng sự bắt nạt của Phương Tây đã gây ra tình hình hiện tại.” Bộ Trưởng James Mattis mới đây nói huỵch toẹt rằng Hoa Kỳ không còn đặt ưu tiên vào việc chống khủng bố nữa mà tập trung nỗ lực đối phó với Nga và Hoa Lục. (Terrorism no longer the military's top priority, Mattis says.) Như vậy Chiến Tranh Lạnh thực sự trở lại nhưng trong bối cảnh mới Nga- Hoa Lục đang đứng chung một tuyến để đối đầu với Mỹ.

- AFP ngày 16/1/2018: “Hoa Lục bác bỏ cuộc họp quốc tế về vấn đề Bắc Triều Tiên do Hoa Kỳ và Gia Nã Đại chủ xướng là bất hợp pháp khi mà một thành viên quan trọng của cuộc khủng hoảng lại không tham dự. Sự vắng mặt của Nga và Hoa Lục trong cuộc họp hai ngày tại Vancouver cho thấy lỗ hổng của Hoa Thịnh Đốn trong nỗ lực đoàn kết toàn cầu để chống lại đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên. Hoa Lục cho rằng cái gọi là Nhóm Vancouver (Vancouver Group) gồm 20 quốc gia tham dự cuộc họp này đã từng cùng Hoa Kỳ tham chiến trong cuộc Chiến Tranh Triều Tiên như Úc, Anh, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Phi Luật Tân và Nam Triều Tiên.”

Sau cuộc họp này Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Tillerson nói rằng nếu Bắc Triều Tiên không chấp nhận đường lối thương thảo để từ bỏ vũ khí hạt nhân khiến đe dọa (tới nền an ninh Hoa Kỳ) thì có thể gây ra một hành động quân sự.”

- AFP ngày 17/1/2018: Liêu Ninh –HKMH duy nhất của Hoa Lục đã băng qua Eo Biển Đài Loan giữa lúc Hoa Lục gia tăng áp lực lên đối thủ dân chủ này. Sự kiện xảy ra sau khi Tổng Thống Đài Loan Bà Thái Anh Văn cảnh báo Hoa Lục bành trướng quân sự khi Hoa Lục gia tăng tập trận hải quân và không quân gần Đài Loan khi bà lên nắm quyền vào Tháng 5, 2016.”

- The Telegraph ngày 17/1/2018: “Thụy Điển chuẩn bị tung ra một cẩm nang trong trường hợp có chiến tranh trong lúc những cuộc tranh luận ở trong nước gia tăng là làm cách nào để đối phó với đe dọa từ Nga. Cẩm nang sắp được phổ biến sẽ được gửi tới 4.7 triệu gia đình để công chúng tham gia vào việc phòng vệ tập thể trong chiến tranh và bảo đảm nước uống, thực phẩm và sưởi ấm. Cuốn sách nhỏ có tiêu đề Nếu Chiến Tranh hay Khủng Hoàng Xảy Ra cũng hướng dẫn cách đối phó với chiến tranh điện tử, khủng bố và biến đổi khí hậu.”

Theo tôi nghĩ, Thụy Điển đã đi quá lố trong việc cảnh báo về một nguy cơ Nga xâm lăng Thụy Điển. Lịch sử và thực tế chính trị giữa Crimea và Thụy Điển hoàn toàn khác nhau. Không thể lấy cái này để suy luận ra cái kia được. Trong tình thế hiện tại Nga không dại gì xâm lăng Thụy Điển để gánh lấy sự lên án của toàn thế giới. Nhưng nếu Thụy Điển là cửa ngõ để NATO tăng cường quân sự đe dọa Nga thì lại là vấn đề khác. Nhìn vào địa thế, muốn đánh Thụy Điển, Nga phải chiếm ba nước vùng Baltic như Latvia, Lithuania và Estonia trước. Nhưng liệu Nga có dám làm thế không? Tôi cho là không.

- Reuters ngày 18/1/2018: “Theo Thông Tấn Xã Tass, Nga bắt đầu giao hệ thống hỏa tiễn chống hỏa tiễn S-400 cho Hoa Lục theo hợp đồng ký kết năm 2014.” Tưởng cũng nên nhắc lại đây, các đồng minh chí cốt của Hoa Kỳ như Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Sê-út cũng đã đặt mua hệ thống hỏa tiễn này của Nga. Còn Ai Cập thì đang trong vòng thương thảo.

- Huffington Post ngày 18/1/2018: “Ấn Độ đã bắn thử thành công hỏa tiễn liên lục địa mà các viên chức coi đây như là lực đẩy lớn cho chương trình phòng thủ chiến lược. Hỏa tiễn Agni-V với tầm bắn 3100 dặm là nỗ lực trong vài thập niên, đã bắn thử thành công từ năm 2012 và hoàn tất vào Tháng 12, 2016.”

- AP ngày 21/1/2018: “Lực lượng an ninh A Phú Hãn nói rằng vào ngày hôm nay họ đã giết chết ít nhất sáu chiến binh Taliban cuối cùng, chấm dứt cuộc bao vây suốt đêm tại International Hotel ở Kabul khiến 18 người chết trong đó có 14 người ngoại quốc. Một số trong số 150 người đã trốn chạy cuộc nổ súng và lửa cháy bằng cách nhảy xuống tấm vải trải giường từ những tầng trên. Nhóm người khủng bố mặc áo vét nhét đầy chất nổ đã kìm giữ lực lượng an ninh suốt 13 giờ đồng hồ sau khi cuộc tấn công bắt đầu lúc 9 giờ tối ngày Thứ Bảy. Các tay súng chạy dọc các hành lang và nhắm vào những người Mỹ ở trong khách sạn sang trọng nằm ở trên đồi. 11 trong số 22 người ngoại quốc là nhân viên của hãng KamAir- một hãng máy bay tư nhân A Phú Hãn.”

Afghan security personnel are seen at the roof of Intercontinental Hotel after an attack in Kabul, Afghanistan, Sunday, 21 January 2018

Cuộc tấn công này cho thấy tình hình an ninh của Thủ Đô Kabul vô cùng tồi tệ mà theo Washington Post, quân đội Hoa Kỳ phải dùng trực thăng để di chuyển tới các căn cứ chỉ cách Kabul hai dặm mà không dám dùng đường bộ.

- AFP ngày 22/1/2018: “Chỉ vài năm trước đây truyền thông quốc tế loan tin cô ta đã bị hành quyết bởi toán xử bắn, nay nữ danh ca nhạc Pop Bắc Triều Tiên lại là viên chức cao cấp của Bắc Hàn gây ngạc nhiên trên những bản tin hàng đầu trước kỳ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông tại Nam Triều Tiên. Hyon Song Wol- một cô gái rất ăn ảnh là người mà lãnh tụ Kim jong Un đích thân lựa chọn làm trưởng đoàn Ban Nhạc Moranbong đã tiến qua Khu Phi Quân Sự như là một viên chức đàm phán và lãnh đạo toán để tiến hành thực hiện những đề nghị bất ngờ của Kim Jong Un tham gia Thế Vận Hội tại Pyeongchang. Giới truyền thông Nam Triều Tiên đã tiếp đãi và đối xử với cô Hyon Song Wol như một ngôi sao nhạc K-pop. Vào ngày hôm nay, cô sẽ kết thúc chuyến thăm cuối cùng và chuẩn bị trở về Bình Nhưỡng. Một đám đông ái mộ đã chờ ở ngoài khách sạn để xem cô ăn điểm tâm. Các phóng viên chỉ nhận được nụ cười mỉm (subtle smile) để đáp lại những câu hỏi trước khi cô hối hả ra đi cùng với phái đoàn Bắc Triều Tiên.”

Sự kiện báo chí các xứ tự do loan tin cô Hyon Song Wol đã bị xử bắn, nay vẫn còn sống nhăn cho thấy bây giờ là thời kỳ cực thịnh của tin tức giả tạo được loan truyền ầm ĩ trên quy mô toàn cầu với mục đích tuyên truyền, bôi lọ, phá hoại và đầu độc dư luận. Một người không phân biệt đâu là tin tức giả mà tiếp tay loan truyền, thì cũng nguy hiểm như người hay tổ chức tạo tin giả. Hình như trong kinh Phật có nói rằng kẻ nào loan tin bịa đặt, ăn gian nói dối chết xuống Âm Phủ sẽ bị Diêm Vương cắt lưỡi.

- AFP ngày 25/1/2018: “Nữ Thủ Tướng Anh Theresa May sẽ viếng thăm Hoa Lục khi Anh Quốc đang muốn đẩy mạnh giao dịch thương mại với nước này trước khi rời Liên Hiệp Âu Châu. Mối liên hệ Hoa-Anh đã lớn lên một cách đáng kể khi Luân Đôn nghĩ ngợi về tương lai kinh tế của mình sau khi chính thức rời Liên Hiệp Âu Châu vào Tháng Ba, 2019. Bà May sẽ lưu lại Trung Hoa từ 31/1-2/2 điều mà Bộ Ngoại Giao Trung Quốc khoe rằng đây là cuộc thăm viếng lịch sử.”

Chúng ta còn nhớ vào ngày 20/10/2015, Ô. Tập Cận Bình viếng thăm Anh Quốc được Nữ Hoàng Anh tiếp đón và Thủ Tướng Cameron lúc bấy giờ gọi đây là “thời kỳ hoàng kim” của mối quan hệ Hoa-Anh. Thế mới hay tiền bạc tạo ra mối liên hệ gắn bó. Anh Quốc là đồng minh truyền thống thân thiết nhất của Mỹ nhưng cũng phải nương tựa vào Hoa Lục để tồn tại kinh tế. Mạnh như Anh Quốc mà còn phải khuất phục trước sức mạnh kinh tế của Hoa Lục thì có thể nói, thật điên rồ khi xúi bẩy các quốc gia nhỏ không làm ăn buôn bán với Trung Quốc.

C. Tình hình Trung Đông:

- AP ngày 19/1/2018: “Hoa Kỳ thúc giục Hồi Quốc không được dung chứa các tổ chức khủng bố, còn Hồi Quốc thì nói rằng Hoa Kỳ nên bàn về khu vực an toàn cho khủng bố ở bên trong lãnh thổ A Phú Hãn và tiền thu được từ việc buôn bán thuốc phiện. Việc hai bên đốp chát nhau xảy ra vào ngày hôm nay tại Hội Đồng Bảo An LHQ khi thảo luận về vấn đề A Phú Hãn quan hệ với các quốc gia Trung Á, mối liên hệ giữa hòa bình và an ninh.” Cũng vào ngày hôm nay, theo Los Angeles Times, chính quyền Hồi Quốc đã đóng cửa một đài phát thanh do Hoa Kỳ tài trợ với lý do đài này chống lại quyền lợi của Hồi Quốc khiến tạo thêm một bước xấu trong bang giao với Hoa Kỳ.”

- Fox News ngày 19/1/2018: “Thành viên của tổ chức Quân Đội Syria Tự Do (Free Syrian Army) đã rời Hoa Thịnh Đôn đêm qua sau một vài ngày hội họp với các viên chức Tòa Bạch Ốc, thành viên Quốc Hội và viên chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Thông điệp mà họ gửi tới Tổng Thống Donald Trump thật rõ ràng: Ngăn chặn Ba Tư và Al Qaeda ở Syria và họ sẽ hợp tác với Hoa Kỳ để đem lại hòa bình cho một đất nước tan nát vì chiến tranh. Saad Fahd Al-Shweish – cựu chủ tịch Hội Đồng Thành Phố Raqqa nói rằng chúng tôi hy vọng Ô. Trump sẽ tiến hành một bước quan trọng để xúc tiến việc thống nhất Syria trong hòa bình, tự do và dân chủ. Quân Đội Syria Tự Do là một phe quân sự đối đầu với Tổng Thống Assad và họ nói rằng họ có khoảng 60,000 tay súng và Hoa Kỳ khó kiếm được một người hợp tác tốt hơn cho việc giải phóng Syria.”

- AP ngày 23/1/2018: “Quân chính phủ Syria với sự hỗ trợ của Nga và chí nguyện quân Ba Tư đã làm chủ căn cứ không quân chiến lược Abu al-Duhur thuộc Tỉnh Idlib như thế đã tách khu vực chiếm đóng của phiến quân ra làm hai, giúp Ô. Assad thêm sức mạnh trong cuộc thương thảo về một giải pháp chính trị cho Syria.”

The photo, taken on January 21, 2018, shows planes at the Abu al-Duhur military airport area in Syria's Idlib province. (Photo by AFP)

D. Tình hình Biển Đông:

- Reuters ngày 18/1/2018: “Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte thúc giục Quốc Hội thông qua đạo luật ban cấp quy chế tự trị cho cộng đồng thiểu số Hồi Giáo và cảnh báo rằng nếu đạo luật không được thông qua có nghĩa là phiến quân sẽ hủy bỏ tiến trình hòa đàm và tuyên chiến. Nhóm phiến quân Hồi Giáo Moro Islamic Liberation Front (Mặt Trận Giải Phóng Hồi Giáo Moro) đã ký một thỏa hiệp hòa bình với chính phủ năm 2014 để chấm dứt xung đột kéo dài 50 năm khiến 120,000 người chết và 2 triệu người phải dời bỏ nhà cửa. Trọng tâm của vấn đề là sự thông qua đạo luật Bangsmoro Basic Law cho phép một khu vực tự trị tại Đảo Mindanao với nhiều quyền hạn chính trị và kinh tế hơn.”

Khu vực tự trị gồm nhiều hòn đảo nhỏ kéo dài tới Mã Lai là xứ Hồi Giáo. Điều này cho thấy khác tôn giáo khó lòng hòa hợp trong lòng một quốc gia.

- Fox News ngày 19/1/2018: “Vào ngày 18/1/2018 các viên chức Việt Nam nói rằng buổi hòa nhạc kỷ niệm bang giao Hoa –Việt phải đình hoãn vì hư hỏng điện. Rất nhiều người trên Facebook đã thúc giục nhà cầm quyền hủy bỏ buổi trình diễn vì nó trùng vào ngày Hoa Lục cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam cách đây 44 năm (19/1/1974) . Ô. Nguyễn Thái Bình -phát ngôn viên Bộ Văn Hóa nói rằng buổi trình diễn của nhóm nghệ sĩ từ Khu Tự Trị Nội Mông không tiến hành được vì trục trặc điện tại Nhà Hát Kịch nằm ở trung tâm Hà Nội. Các viên chức của hai bên sẽ sắp xếp buổi trình diễn vào một ngày khác.”

- AP ngày 20/1/2018: “Nhà cầm quyền Hoa Lục cáo buộc Hoa Kỳ xâm phạm lãnh hải của họ khi một khu trục hạm trang bị hỏa tiễn đạn đạo tiến gần bãi đá đang còn tranh chấp. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Lục nói rằng họ sẽ có biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền sau khi chiến hạm Hopper tiến vào bên trong 12 hải lý thuộc Bãi Cạn Scarborough Shoal (Hoàng Nham) hiện còn đang tranh chấp giữa Hoa Lục và Phi Luật Tân. Bãi Cạn Scarborough Shoal nằm cách Đảo Luzon của Phi Luật Tân 200km và cách Hoa Lục 600km.”

The USS Hopper, pictured in Alaska last April, sailed within 12 nautical miles of Scarborough Shoal on Wednesday evening

Việc chiến hạm Mỹ tuần tra vùng này là hợp pháp vì Bãi Cạn Scarborough thuộc chủ quyền của Phi Luật Tân không thể tranh cãi. Thứ nhất, nó rất gần Phi Luật Tân và rất xa Hoa Lục. Thứ hai, năm 1965 Phi Luật Tân đã xây một tháp sắt cao 8.3 mét tại đây để xác định chủ quyền mà không ai phản đối. Hoa Lục ý lớn hiếp bé, ăn cướp biển đảo của người ta lại còn bày đặt la làng, hăm dọa Mỹ. Trên đời này cái gì Mỹ làm đúng thì phải nói đúng. Cái gì Mỹ làm sai thì phải nói sai, như thế mới là con người có trí tuệ và lương tâm. Thế giới này mặc dù lúc nào cũng hỗn loạn, nhưng để các nước nhỏ tồn tại thì vẫn phải có lương tâm và luật pháp quốc tế.

- AFP ngày 22/1/2018: “Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Jim Mattis bắt đầu chuyến thăm viếng Á Châu trong bốn ngày với hy vọng gia tăng hợp tác quốc phòng với Nam Dương và Việt Nam khi sức mạnh quân sự của Hoa Lục đang từ từ mạnh hơn ở trong vùng. Ô. Mattis nói với các phóng viên tháp tùng chuyến bay rằng chúng tôi cùng chung Thái Bình Dương – một vùng biển tên gọi Hòa Bình nên chúng tôi muốn nó giữ được yên bình để mọi quốc gia được quyền sử dụng và sống trong thịnh vượng. Ô. James Mattis sẽ tới Jakarta vào ngày hôm nay và sẽ có cuộc họp với Tổng Thống Joko Widodo và Bộ Trưởng Quốc Phòng Ryamizard Ryacudu vào ngày mai. Nam Dương là một quần đảo rộng lớn chạy dài từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, Ô. Mattis sẽ hội đàm với người đồng cấp là Tướng Ngô Xuân Lịch về các vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông nơi mà Bắc Kinh đã mở rộng sự khống chế trong những năm gần đây, cũng như quân sự hóa những hòn đảo nhỏ còn đang tranh cãi.” Theo UPI ngày 22/1/2018, Hoa Lục khoe rằng chính sách của họ tại Biển Đông đã được sự hỗ trợ của Nam Dương khi trích dẫn lời tuyên bố của Bộ Trưởng Quốc Phòng Yacudu: “Nam Dương thực sự mong muốn Trung Quốc và ASEAN cùng hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông.

Theo tôi, đây chỉ là sự nhận vơ hay vơ vào và hiểu một cách lệch lạc tuyên bố của Nam Dương. Lời tuyên bố này cũng giống như quan điểm của Việt Nam là: Việt Nam hoan nghênh tất cả các cường quốc hiện diện tại Biển Đông nếu đem lại hòa bình, ổn định và phát triển cho khu vực, nhất là quyền tự do hàng hải. Tuyên bố này phải hiểu là Việt Nam và Nam Dương chống lại tất cả những hành động gây bất ổn như: lấn chiếm trái phép, quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo, độc quyền đánh cá, ngăn cấm các quốc gia khác đánh cá trên vùng biển truyền thống của họ. Lập trường này cũng phải hiểu rằng khi có biến động, khi có bất ổn thì Nam Dương và Việt Nam hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ, Úc Châu, Ấn Độ, Nhật Bản và kể cả NATO… nếu họ tới đây để tái lập trật tự, duy trì ổn định. Lời tuyên bố của Nam Dương cũng là lời nhắn nhủ xin “ông Trung Quốc” hãy hành xử để duy trì hòa bình, ổn định chứ không phải hành xử như những tên cướp biển.

Lời tuyên bố ngoại giao của các quốc gia văn minh, có trình độ văn hóa cao, có tài thao lược thường tế nhị và có tiến có thoái chứ không lỗ mãng, nói rồi bị mắc kẹt, bị lên án hay bị chê cười… như Trung Quốc thường làm. Là một quốc gia khổng lồ với cả tỷ bộ óc mà không hiểu nổi lời tuyên bố của một quốc gia khác, bẻ quẹo để nhận vơ …là hành động bộc lộ thế cô lập, phi chính nghĩa. Sự kiện Việt Nam và Nam Dương tiếp Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis cho thấy họ đâu có ủng hộ và tin tưởng vào “Ông Trời Con”. Nếu họ hùa theo Hoa Lục thì tiếp Ô. Mattis để làm gì? Bộ Ô. Mattis rảnh rỗi quá không biết làm gì bèn du lịch một chuyến qua Nam Dương ăn chà-là, uống cà-phê cứt chồn (*) rồi qua Việt Nam ăn bún chả Hà Nội sao?

- VOV & Fox News ngày 23/1/2018: Theo báo Quân Đội Nhân Dân, Tướng Sergei Shoigu - Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga đã tới thăm Việt Nam và làm việc với người đồng cấp là Đại Tướng Ngô Xuân Lịch với những chi tiết được phía Việt Nam phổ biến rất chung chung như, “Hai bên nhất trí tăng cường chia sẻ quan điểm về các vấn đề quốc phòng, an ninh liên quan; đẩy mạnh hợp tác quốc phòng trong các lĩnh vực truyền thống, thiết thực và tin cậy; thúc đẩy hợp tác kỹ thuật quân sự trên cơ sở lâu dài, bình đẳng, cùng có lợi, vì hòa bình, ổn định trên thế giới và trong khu vực.” Còn theo Sputnik News, “Bộ Trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu tuyên bố Nga sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc sử dụng các thiết bị quân sự trong tác chiến thực tế. Nga xem nước bạn Việt Nam như đồng minh chiến lược, một người bạn cũ và đáng tin cậy. Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất trong việc đảm bảo an ninh ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.”

Sự kiện bộ trưởng quốc phòng Nga-Mỹ liên tiếp tới Việt Nam cho thấy Việt Nam là trọng điểm chiến lược tạo ổn định cho Châu Á. Nếu Việt Nam cho quân Mỹ vào Cam Ranh thì một cuộc chiến với Trung Hoa sẽ nổ ra. Nếu Việt Nam mạnh lên, có khả năng tự phòng thủ biển đảo thì nó là lực cản tự nhiên để không cho Hoa Lục khống chế Biển Đông. Nhưng để thực hiện mục tiêu này, cần có Mỹ hiện diện ở đây. Chính vì thế mà Việt Nam theo sách lược dựa vào Nga để xây dựng sức mạnh quân sự, nhưng lại dựa vào Mỹ để đối đầu với Bắc Kinh tại Biển Đông. Với sự hợp tác của Việt Nam và Phi Luật Tân, Hoa Kỳ có đầy đủ chính nghĩa để tuần tra Biển Đông và yên lòng khi nổ ra cuộc chiến với Hoa Lục mà Việt Nam không phải là kẻ thù của mình. Đó là chính sách ngoại giao đa phương hay “đu dây” cũng vậy. Phi Luật Tân cũng theo chính sách ngoại giao đa phương nhưng lại có tinh thần lừng khừng chống Mỹ.

- UPI ngày 24/1/2018: “Thủ Tướng Gia Nã Đại Trudeau tuyên bố Gia Nã Đại và 10 quốc gia khác đã kết thúc thương thảo để hình thành một thỏa hiệp mới thay thế cho thỏa hiệp TTP (Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương) đã chết. Thỏa hiệp mới mang tên Thỏa Hiệp Hợp Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (The Comprehensive and Progressive Trans-Pacific Partnership) bao gồm các quốc gia cũ ngoại trừ Hoa Kỳ đã rút lui theo lệnh của Tổng Thống Donald Trump năm ngoái.”

Còn quá sớm để nói Ô. Trump đúng hay sai. Nếu thỏa hiệp đem lại sự phát triển đồng đều giữa các quốc gia ký kết thì Ô. Trump thiếu suy tính, đưa tới tình thế tự cô lập. Nếu thỏa hiệp không đem lại gì cả ngoài việc đụng chạm, bất hòa thì Ô. Trump đúng.

- Sputnik News (Bản tiếng Anh) ngày 25/1/2018: “Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc thao diễn quân sự chung lần thứ hai với Căm-Bốt vào Tháng 3, 2018. Cuộc thao diễn tập trung vào việc chống khủng bố và cũng là để kỷ niệm 60 năm bang giao giữa hai quốc gia và là dấu hiệu thắt chặt thêm mối quan hệ Bắc Kinh-Phnom Penh.”

Thực ra Căm-Bốt chẳng có nhu cầu chống khủng bố. Phải chăng cuộc tập trận là để Trung Quốc răn đe Việt Nam và cảnh cáo Mỹ? Theo tôi, cuộc tập trận này bất lợi cho Căm-Bốt. Mình là nước nhỏ, nên sống yên bình, đừng kéo “siêu cường” tới “diễu võ giương oai” tại nhà mình, có hại mà không có lợi.

- Fox News ngày 24/1/2018: “Hoa Kỳ chỉ trích việc Nga chấp thuận bán phi cơ chiến đấu cho quân đội Miến Điện cho dù đã có những chiến dịch gây ra những cái chết cho người Hồi Giáo Rohingya và cảnh báo rằng hành động này chỉ làm cho tình hình xấu hơn. Nhân chuyến viếng thăm Miến Điện tuần này, các viên chức quốc phòng Nga loan báo thỏa hiệp bán sáu phi cơ tiêm kích Su-30 cho quân đội Miến Điện.”

- AP (Hà Nội) ngày 25/1/2018: “Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis nói rằng HKMH Hoa Kỳ hy vọng sẽ viếng thăm Việt Nam vào Tháng Ba và là chuyến viếng thăm đầu tiên sau chiến tranh. Sự ghé thăm của HKMH chắc chắn gây khó chịu cho Hoa Lục hiện chỉ trích Hoa Kỳ gia tăng sức mạnh quân sự trong vùng. Ô. Mattis và người đồng cấp - Tướng Ngô Xuân Lịch đã thảo luận về kế hoạch thăm viếng trong cuộc họp kín. Jeff Davis- phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nói rằng cần chờ đợi sự chấp thuận của giới chức cao cấp hơn nhưng Ô. Mattis nói rằng mọi chuyện coi như xong rồi. Trong lời mở đầu cuộc họp với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Ô. Mattis cảm ơn về sự hợp tác Việt-Mỹ mỗi ngày một gia tăng qua việc HKMH Mỹ thăm viếng Đà Nẵng vào Tháng Ba. Ô. Mattis cũng cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ Hoa Kỳ khi Hoa Kỳ áp đặt cấm vận gay gắt hơn lên Bắc Triều Tiên.” Trong thời gian ở Hà Nội, Bộ Trưởng Jim Mattis và Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã viếng thăm và dâng hương tại Chùa Trấn Quốc xây dựng từ thời Lý Nam Đế cách đây 1500 năm.

Secretary of Defense Jim Mattis in Hanoi, Vietnam, on Thursday. Credit Kham/Reuters

- VOA (Anh Ngữ) ngày 25/1/2018: “Các viên chức Taliban vừa đệ trình bản báo cáo lên lãnh đạo cao cấp của họ sau khi kết thúc một cuộc tiếp xúc với các viên chức Hồi Quốc và đại diện các quốc gia như Trung Quốc, Qatar để tìm một giải pháp cho A Phú Hãn. Cuộc gặp gỡ này hy vọng làm sống lại tiến trình hòa đàm trước chiến dịch tấn công nhau vào mùa hè năm nay.”

- CNN ngày 26/1/2018:Nhân cuộc họp Thượng Đỉnh ASEAN-Ấn Độ họp tại New Delhi, Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte nói với nhà lãnh đạo Miến Điện Bà San Suu Kyi hãy phớt lờ những kêu gào của các nhà hoạt động nhân quyền và Liên Hiệp Quốc chẳng phục vụ cái gì cho nhân loại cả. Họ không ngăn được cuộc chiến tranh nào, họ không ngăn được cuộc thảm sát nào. Và tôi đây đang tự bảo vệ đất nước tôi.”

https://www.cnn.com/2018/01/26/asia/duterte-aung-san-suu-kyi-rohingya-intl/index.html

Myanmar's Aung San Suu Kyi, second from right, with Philippine leader Rodrigo Duterte in New Delhi.

Ít ra thế giới cũng có một ông tổng thống “Trương Phi phổi bò” nói ra những điều lỗ mãng nhưng không phải không có lý. Vận mệnh thế giới không quyết định bởi LHQ hay các nhà hoạt động nhân quyền mà là các siêu cường. Nhân quyền nhiều khi chỉ là vũ khí để triệt hạ kẻ thù, triệt hạ đối thủ, chứ nó không phải là nguyên tắc đạo đức mà mọi quốc gia đều tuân thủ, mà người ta gọi đó là “Chính Sách Hai Mặt” (Double Standard). Phe ta phạm lỗi tày trời thì lơ đi. Phe địch phạm lỗi sơ sơ thì “xé ta to” để triệt hạ.

- AP ngày 28/1/2018: “Các công tố viên Căm Bốt đã truy tố 10 người, gồm đàn ông và đàn bà trong đó có 5 người Anh, hai người Gia Nã Đại, một người Na Uy, một người Tây Tây Lan vì đã tung ra những hình của một cuộc nhảy múa dâm ô sau khi họ bị bắt tại một bữa tiệc tại Tỉnh Siem Reap gần khu Đế Thiên Đế Thích.”

Đây là công dân của các xứ có một nền văn minh rất là cao. Tuy nhiên, văn minh cao không có nghĩa là tư cách và đạo đức cao. Họ du lịch Căm Bốt và có thể nghĩ rằng đây là nước nghèo khổ, cần tiền du lịch để tồn tại cho nên có ý nghĩ khinh thường để rồi tự do làm chuyện bậy bạ.

- Reuters ngày 30/1/2018: “Tối Cao Pháp Viện Căm Bốt từ chối tại ngoại hầu tra cho một nhà làm phim Úc Đại Lợi, đã bị giam bảy tháng vì cáo buộc làm làm gián điệp, nếu bị kết tội sẽ bị phạt 10 năm tù. James Ricketson, 69 tuổi bị bắt vào Tháng Sáu sau khi ông ta dùng máy bay không người lái chụp hình trên đầu một cuộc tập họp của tổ chức chính trị của Đảng Cứu Nguy Dân Tộc. James Ricketson là người thân cận của Sam Rainsy- lãnh tụ của đảng này. Một vị thẩm phán nói rằng vì còn đang tiến hành cuộc điều tra cho nên việc giam giữ là cần thiết. Tuy nhiên hiện chưa rõ James Ricketon làm gián điệp cho quốc gia nào.”

E. Nhận Định:

Chiến dịch “Cành Ô liu” của Thổ Nhĩ Kỳ tấn công qua biên giới Syria bước qua ngày thứ mười.

Tình hình vùng biên giới Thổ-Syria âm ỉ từ lâu nhưng xấu thêm khi Hoa Kỳ đưa ra kế hoạch xây dựng một lực lượng 30,000 quân để cảnh giới vùng đông bắc Syria nằm ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Kế hoạch đã gây tức giận choThổ Nhĩ Kỳ- một đồng minh của Hoa Kỳ vì lực lượng này chủ yếu là các chiến binh người Kurd (YPG) mà Thổ coi đây là những kẻ khủng bố. Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim nói rằng bổn phận của NATO bảo vệ vùng biên giới hay giao cho nhóm khủng bố? Chúng tôi có thể bảo vệ vùng biên giới. Còn Tổng Thống Erdogan cáo buộc Hoa Kỳ phản bội đồng minh và đe dọa tấn công sào huyệt nhóm khủng bố nằm dọc biên giới mà những kẻ dâm sau lưng chúng tôi không thể ngăn cản.

Theo Politico ngày 17/1/2018, Ngoại Trưởng Tillerson tuyên bố Hoa Kỳ sẽ vĩnh viễn hiện diện quân sự tại Syria để chống lại khủng bố và đối đầu với ảnh hưởng gia tăng của Ba Tư đồng thời lót đường cho việc chấm dứt chế độ của Ô. Assad. Còn Bộ Quốc Phòng Mỹ lại nói rằng không có kế hoạch xây dựng lực lượng an ninh biên giới và lực lượng người Kurd YPG cũng không có trong đó. Hai lời tuyên bố này mâu thuẫn nhau.

Theo Reuters ngày 17/1/2018, trong cuộc họp của NATO tại Brussels, Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar nói rằng Thổ sẽ không cho phép lực lượng Kurd tại Syria (Syrian Kurdish YPG) nhận sự hỗ trợ từ NATO và không thế tách rời các nhóm khủng bố (khủng bố là khủng bố, đứng riêng cũng là khủng bố). Trước khi mở cuộc tấn công, các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của quân đội và tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đã đi Nga để xin Nga cho phép Thổ dùng máy bay oanh kích qua biên giới Syria. Sau cuộc họp này lính Nga đã lùi ra xa một chút dù đã triển khai sát Afrin.

Bất chấp lời cảnh cáo của Hoa Kỳ, vào ngày 20/1/2018 tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Thổ hành động tự vệ theo đúng Hiến Chương LHQ và cuộc chiến Afrin đã bắt đầu bằng những cuộc pháo kích vào khu vực trú quân của ba nhóm PKK (Kurdistan Workers’Party), PYD và YPG sau khi nhóm này bắn vào bên trong lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. 72 phi cơ F-16 của Thổ đã oanh kích 150 mục tiêu và bộ binh cùng nhóm phiến quân được Thổ nuôi dưỡng đã tiến vào Afrin chiếm một khu vực rộng lớn để thành lập một vùng trái độn ở khu vực do lực lượng YPG (People's Protection Units) và Nhà Nước Hồi Giáo chiếm giữ. Thổ loan báo đã tiêu diệt tối thiểu 300 chiến binh người Kurd và Nhà Nước Hồi Giáo. Hỏa tiễn từ Syria đã phóng vào một vài thành phố biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ làm 13 người bị thương. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng những ai chống lại chiến dịch này đều đứng về phe khủng bố và sẽ được đối xử như quân khủng bố, ám chỉ Mỹ.

Như thế người Kurd phải chịu hai gọng kìm từ Thổ và quân chính phủ Syia, không biết có thể tồn tại được hay không? Theo tôi, Tổng Thống Erdogan của Thổ là một tay rất ngang tàng dám bắn rớt máy bay Nga rồi cũng “hòa cả làng” cho nên ông dám tấn công lực lượng người Kurd mà không sợ Mỹ. Trước tình thế đó, ngoại trưởng Hoa Kỳ đã gọi điện thoại cho ngoại trưởng Nga và Thổ. Còn Pháp thì kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Hội Đồng Bảo An LHQ để bàn về vấn đề này nhưng không đi đến kết quả nào.

Hành động của Thổ đặt Mỹ vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Vào ngày 22/1/2018, Tổng Thống Assad của Syria nói rằng cuộc tấn công của Thổ nhằm hỗ trợ cho nhóm cực đoan ly khai thân Thổ để chống lại Syria. Ô. Assad muốn thương thảo với lực lượng người Kurd để thành lập một khu vực tự trị cho họ. Vào ngày 25/1/2018 hai Ô. Trump và Erdogan đã nói chuyện với nhau qua điện thoại nhưng nội dung của cuộc nói chuyện lại bị Thổ bác bỏ. Vào ngày 27/1/2018, Bộ Trưởng Ngoại Giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu yêu cầu Hoa Kỳ rút quân ngay ra khỏi Manbij (đông bắc Aleppo) vì quân Thổ sẽ tấn công vào vùng này. Thế nhưng Tướng Joseph Votel – Giám Đốc Bộ Chỉ Huy Trung Ương của Hoa Kỳ nói rằng họ sẽ không rút lui khỏi vùng này, tức vẫn hiện diện để bảo vệ lực lượng người Kurd. Reuters trích dẫn nguồn tin của Nga cho biết đã có cả ngàn người chết, kể cả thường dân trong chiến dịch “Cành Ô-liu” của Thổ.

Hiện nay lực lượng người Kurd đang năn nỉ Hoa Thịnh Đốn tìm cách ngăn chặn cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong lúc có mặt tại Âu Châu, ngày 22/1/2018 Ngoại Trưởng Tillerson lại tuyên bố từ bỏ kế hoạch hiện diện quân sự vĩnh viễn tại Syria bằng đề nghị thiết lập một “vùng an toàn” (a security zone) tại biên giới Thổ và Syria. Không biết “vùng an toàn” này do ai trách nhiệm? Do Liên Hiệp Quốc ấn định hay do Hoa Kỳ đơn phương thành lập? Và số phận của phiến quân do Hoa Kỳ hỗ trợ và lực lượng người Kurd ra sao? Sau khi “vùng an toàn” hình thành, hòa bình có vãn hồi trên đất nước Syria không? Mỹ có tiếp tục viện trợ vũ khí, tài chính và chiến đấu bên cạnh lực lượng YPG không? Ô. Tillerson còn nói rằng Thổ có quyền bảo vệ nền an ninh của mình nhưng nên tự chế. Lời tuyên bố này gây lo lắng cho lực lượng người Kurd vì nó gián tiếp xác nhận sự hiện diện của YPG là mối đe dọa cho Thổ cho nên hành động của Thổ đánh qua biên giới là đúng với luật pháp quốc tế. Nói tóm lại, tình hình Syria vô cùng phức tạp chưa biết sẽ đi về đâu.

Theo tôi, chiến lược của Ô. Trump ở Syria nhằm lật đổ chế độ của Ô. Assad, ngăn chặn ảnh hưởng của Ba Tư để bảo vệ an ninh cho Do Thái chứ không vì quyền lợi sinh tử của Mỹ. Nhà Nước Hồi đang trên đà tan rã, tin vui vừa đến thì Syria lại du vào một trận chiến phức tạp hơn.

Newsweek ngày 16/1/2018 cho rằng Tổng Thống Donald Trump đã đùa với lửa khi thông báo quyết định nói trên. Có thể nói, người hoạch định chính sách an ninh toàn cầu của Mỹ không phải ở Washington D.C. mà ở Tel Aviv, hoàn toàn vì quyền lợi của Do Thái chứ không vì quyền lợi của Hoa Kỳ.

Sẽ là một sai lầm chí tử nếu Hoa Kỳ quyết tâm xây dựng lực lượng người Kurd để chia cắt lãnh thổ Syria và đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ tại đây. Khi Mỹ-Thổ đụng nhau, hai phe thủ lợi chính là Nga và Syria. Họ chỉ cần chờ đợi hai bên đánh nhau lỗ đầu rồi sẽ ra tay theo kiểu “Trai cò cắn nhau ngư ông đắc lợi”. Ngoài ra, quyết định đóng quân vĩnh viễn tại Syria sẽ bị chống đối ngay trong lòng nước Mỹ khi vấn đề A Phú Hãn giải quyết chưa xong. Vào ngày 18/1/2018, TNS. Tim Kaine- cựu ƯCV phó tổng thống của Bà Clinton nói rằng lời tuyên bố của Ô. Tillerson là không thể chấp nhận được vì nó chưa được Quốc Hội cho phép. Ấy là chưa kể khi Nhà Nước Hồi Giáo không còn, sự hiện diện quân sự Mỹ ở Syria khó lòng biện minh.

Tuy nhiên “Chiến Dịch Cành Ô-liu” của Thổ không phải dễ dàng. Bao nhiêu chông gai đang chờ đón Thổ. Để rồi chúng ta sẽ thấy.

Đào Văn Bình

(California ngày 31/1/2018)

(*) Nam Dương nổi tiếng vì khai thác cà-phê cứt chồn.