●   Bản rời    

Nhóm Khởi Xướng “Cuộc Cách Mạng Nhân Vị”: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu Và Sự Trổi Dậy Của Đảng Cần Lao

Nhóm Khởi Xướng “Cuộc Cách Mạng Nhân Vị”:

Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu Và Sự Trỗi Dậy Của Đảng Cần Lao

Vĩnh Long dịch

http://sachhiem.net/SACHNGOAI/snT/TranKevin_04.php

04-Jun-2016

(Vanguard of the “Personalist Revolution”: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu and the Rise of the Cần Lao Party)

https://history.state.gov/conferences/2010-southeast-asia/with-friends-like-these

Edward Miller

LỜI GIỚI THIỆUNăm 2010, Văn Phòng Sử Gia (Office of The Historian) thuộc Sở Công Vụ (Bureau of Public Affairs) của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có tổ chức một cuộc Hội thảo quốc tế tại George C. Marshall Conference Center tại Washington DC trong hai ngày 29 và 30 tháng 9 năm 2010 với chủ đề “Kinh nghiệm Hoa Kỳ tại Đông Nam Á, 1946-1975” (The American Experience in Southeast Asia, 1946-1975).

Trong buổi sáng ngày thứ nhì của buổi Hội thảo, đề tài được thảo luận là “Với Bạn Hữu Như Thế: Hoa Kỳ và Đồng Minh” (With Friends Like These: The United States and its Allies) với ba diễn giả. Một trong ba diễn giả là Giáo sư Edward Miller thuộc Đại học Darmouth College (Hanover, New Hampshire) với bài thuyết trình có tựa đề là “Nhóm Khởi Xướng ‘Cuộc Cách Mạng Nhân Vị’: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và Sự Trỗi Dậy của Đảng Cần Lao” (Vanguard of the “Personalist Revolution”: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu and the Rise of the Cần Lao Party).

Phần thuyết trình của Giáo sư Miller gồm phần trình bày miệng và một xấp hình ảnh được phân phát cho cử tọa. Dưới đây là bản Việt dịch từ bản chép lại (transcript) chính thức được đăng trên trang Web của Office of The Historian – Photo và caption Internet.

(https://history.state.gov/conferences/2010-southeast-asia/with-friends-like-these ).- VL/6-2016

[…] Đề tài của tôi hôm nay là một trong những đảng phái chính trị nổi tiếng và ô nhục nhất [the most famous and infamous] trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Tên chính thức của đảng nầy là Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng. Tên dịch tiếng Anh chính thức là “The Revolutionary Personalist Labor Party”. Nhưng đối với người Việt và người nước ngoài, đảng nầy được biết đến đơn giản là Đảng Cần Lao. Đảng Cần Lao là một phần chủ chốt của bộ máy an ninh của chính quyền Ngô Đình Diệm tại Nam Việt Nam vào khoảng giữa năm 1954 và năm 1963. Điều kiện để gia nhập đảng là dựa trên lòng trung thành với Diệm và gia đình họ Ngô. Sự tồn tại của đảng Cần Lao đã được chính thức thừa nhận, nhưng hầu hết các đảng viên giữ bí mật đảng tịch của mình, phần lớn vì các đảng viên Cần Lao được dùng làm mật báo viên cho chế độ trong toàn bộ nhà nước, quân đội, và các định chế khác của Việt Nam. Đảng cũng có những chức năng khác. Đảng thúc đẩy ý thức hệ chính thức của chính phủ Diệm, được gọi là chủ nghĩa Nhân Vị, đảng kiểm soát một mạng lưới các lợi ích kinh doanh. Đảng thực hiện một loạt các nhiệm vụ chính trị và tình báo bí mật.

Thật ra, tất cả những điều này đã được biết đến và thừa nhận từ lâu trong giới học thuật về chiến tranh Việt Nam và về giai đoạn Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên, cho đến nay, các sử gia đã không dành nhiều nỗ lực để thực sự điều tra đảng nầy và để làm giống như bóc những lớp vỏ phía sau lớp màn bí mật che đậy đảng nầy. Vì vậy, bài viết này là một nỗ lực sơ bộ để làm điều đó. Trong cố gắng làm điều này, tôi đã sử dụng một số tài liệu của Mỹ , trong đó có một số tài liệu trong các tập FRUS [ Foreign Relations of the United States ]. Đặc biệt là tập “Việt Nam” cho giai đoạn 1958-1960 có rất nhiều tài liệu thú vị, tài liệu có nhiều tiết lộ về đảng Cần Lao và tổ chức của đảng.

Các tập biên niên FRUS của Bộ Ngoại Giao Mỹ và hình bìa của “CIA and The House of Ngo”

Ngoài ra, còn có một số tài liệu giải mật gần đây rất có giá trị. Thomas Ahern , một sử gia CIA, đã công bố một nghiên cứu về mối quan hệ của Cục CIA với anh em nhà Ngô. Nghiên cứu nầy được gọi là “CIA and the House of Ngo” [CIA và Nhà Ngô]. Tài liệu nầy có sẵn để chúng ta tải về miễn phí trên trang web FOIA của CIA [ http://www.foia.cia.gov/ ]. Nó đã được giải mật khoảng một năm trước đây. Nhờ vậy, tôi đã lấy thông tin từ đó.

Nhưng như Erin đã nêu rõ [Erin Maham, Sử gia cao cấp của Bộ Quốc Phòng Mỹ - Chủ tọa buồi Hội thảo], tôi cũng đã lấy thông tin từ các nguồn khác không phải từ người Mỹ. Có rất nhiều nguồn tiếng Pháp trong các văn khố quân sự và ngoại giao Pháp về đảng Cần Lao. Người Pháp đã thực sự duy trì một mạng lưới tình báo rất tốt ở Nam Việt Nam sau năm 1954. Tôi cũng đã sử dụng rất nhiều tài liệu tiếng Việt, trong đó có hồi ký của những cựu đảng viên đảng Cần Lao. Và như Erin cho biết, điều này được rút ra từ ​​một dự án sách lớn mà tôi đang viết về toàn bộ lịch sử của chính quyền Diệm.

Còn về những gì tôi sẽ trình bày hôm nay, tôi sẽ nói thật ngắn gọn về nguồn gốc của đảng Cần Lao trong cuối thập niên 40s và đầu thập niên 50s, và sau đó tôi sẽ tập trung vào giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1960, là những năm mà quý vị có thể nghĩ đến như những năm hình thành của đảng Cần Lao.

[Liệu mọi người có xấp tài liệu phát tay chưa? Có rồi - Tôi đã in ra - Tốt rồi, thật tuyệt vời.]

Về những nguồn gốc của đảng Cần Lao, có người đôi khi gợi ý rằng đảng Cần Lao là tạo phẩm của CIA hoặc của vài cơ quan khác của Chính phủ Mỹ. Điều này thì đơn giản là không đúng sự thật. Đảng Cần Lao nổi lên khỏi những hoạt động chính trị của Ngô Đình Nhu trong cuối thập niên 40 và những năm đầu thập niên 1950s. Trong thời gian này, Diệm không ở Việt Nam. Ông ta đang sống lưu vong, tự nguyện sống lưu vong tại Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên Nhu, em trai của ông ta, ở lại Việt Nam và tiến hành các hoạt động khác nhau với danh nghĩa của Diệm. Một hoạt động mà Nhu đã tham gia là thành lập một nhóm ở thành phố Đà Lạt vùng cao nguyên tại miền Nam Việt Nam khoảng năm 1949. Nhóm này, về cơ bản, bắt đầu như một nhóm nghiên cứu triết học, [và bức ảnh lớn trên một mặt của xấp tài liệu phát tay là một bức ảnh của nhóm đó]. Trong bức ảnh nầy, quý vị sẽ thấy Ngô Đình Nhu. Quý vị cũng sẽ thấy một linh mục người Pháp tên là Cha Ferdinand Parrell. Parrell và Nhu đều rất quan tâm đến triết thuyết Nhân Vị vốn có liên quan đến, trong số những người khác, một triết gia Pháp tên là Emmanuel Mounier. Và thuyết Nhân Vị sau đó sẽ trở thành học thuyết chính thức không chỉ của đảng Cần Lao mà còn của chính phủ Diệm nữa. Vậy thì, cho những vị nào có biết về lịch sử của chính phủ Diệm thì hẵn cũng biết rằng thuyết Nhân Vị đã được biết đến như một điều gì đó rất sâu sắc, rất khó hiểu. Nhưng điều đó không có nghĩa là thuyết nầy vô nghĩa hoặc rối rắm. Tôi nghĩ rằng thuyết Nhân Vị đã có một ý nghĩa nào đó cho Diệm và Nhu và cho các đảng viên thuộc vòng trung ương, và do đó nó  quan trọng.

Một mặt, thuyết Nhân Vị rất chống Cộng sản. Nó phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa tập sản của Marx. Nhưng nó cũng phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa tự do, đặc biệt là chủ nghĩa cá nhân tự do. Và do đó, những nỗ lực của Mounier trong việc xây dựng học thuyết Nhân Vị này là, về cơ bản, một nỗ lực để chia đều sự khác biệt, để cố gắng tìm một chủ nghĩa trung dung, một lý tưởng cộng đồng. Vấn đề là chuyển hóa quan điểm trung dung đó, hoặc một con đường thứ ba đó, thành một chương trình hành động tích cực. Đây là điều mà chính phủ Diệm luôn luôn gặp khó khăn khi thực hiện. Tuy nhiên, tôi cho rằng thuyết Nhân Vị là quan trọng để đặc biệt hiểu được những suy nghĩ của Ngô Đình Nhu trong giai đoạn khởi đầu này.

Ngoài chuyện triết lý này, Nhu cũng rất bận rộn trong việc xây dựng mạng lưới nhân sự trong những năm đầu của thập niên 50s. Nhu và Cha Parrell cuối cùng đã mở rộng nhóm nghiên cứu này thành một hoạt động trên toàn Đông Dương. Họ đã tổ chức một loạt các sự kiện lớn hơn, các sự kiện công cộng tại Hà Nội và Sài Gòn và tại các thành phố khác, và những sự kiện này đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người Việt chống Cọng nổi tiếng. Và sau đó, Nhu thiết lập các mối quan hệ với nhiều người trong số các người chống Cọng nầy và đã có thể tuyển dụng một vài người trong số họ vào đảng Cần Lao.

Tổ chức trở thành đảng Cần Lao đã không thực sự thành hình mãi cho đến năm 1953. Và vào thời điểm lần đầu tiên xuất hiện, nó đã thực sự chỉ là một liên minh lỏng lẻo. Có những người trí thức, có các nhà hoạt động chính trị, có một ít sĩ quan trong Quân đội Quốc gia Việt Nam. Có rất nhiều người Công giáo trong đảng Cần Lao vào thời điểm này, nhưng thực sự cũng có rất nhiều người không-Công giáo nổi bật. Và một trong những điều thú vị về đảng Cần Lao là nó trở nên tương đối có nhiều người Công giáo hơn sau năm 1954.

 

Đảng kỳ của đảng Cần Lao theo hồi ức của một nhân vật thời đó nhớ lại, với 3 ngôi sao tượng trưng cho tín điều “Tam Vị Nhất Thể” (Chúa ba Ngôi) của thần học Công giáo La Mã, vốn là tư tưởng chủ đạo của thuyết Nhân Vị - Nghị định số 116-BNV/CT do Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Ngọc Thơ ban hành tại Sài Gòn ngày 2-9-1954 “cho phép thành lập Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng”

Đó là tình hình lúc bấy giờ, vào mùa xuân năm 1954, khi CIA lần đầu tiên bắt đầu dính dự với đảng Cần Lao. Trạm CIA tại Sài Gòn đã liên lạc với Ngô Đình Nhu kể từ năm 1951, nhưng lúc đầu Trạm CIA xem Nhu chủ yếu chỉ như một nguồn thông tin về chính trường Sài Gòn. Chỉ đến vào mùa xuân năm 1954, ngay trước khi Ngô Đình Diệm nắm quyền lãnh đạo của vùng đất sẽ trở thành miền Nam Việt Nam, thì Trạm CIA mới đề xuất nâng cấp quan hệ với Nhu. Nhân vật chủ chốt ở đây là cá nhân một sĩ quan của Trạm tên là Paul Harwood, người đứng đầu phân ban hoạt động bí mật. Harwood tìm hiểu về đảng Cần Lao từ Nhu và ông ta đề nghị giúp Nhu biến nó thành một công tác chuyên hoạt động chính trị bí mật. Và điều này đã bắt đầu một thời kỳ dài của CIA dính dự với đảng Cần Lao và các bộ phận liên hệ, vốn kéo dài, lúc có lúc không, cho đến những năm đầu thập niên 1960s.

Một trong những lý do mà CIA quyết định dính dự với đảng Cần Lao là vì tại thời điểm đó, Nhu đang chuẩn bị để tái tổ chức lại đảng Cần Lao hầu làm cho nó có tính cơ cấu hơn và trở thành một công cụ chính trị mạnh mẽ hơn. Và những gì Nhu làm là tạo ra ba bộ phận mới gắn kết với đảng Cần Lao. Vì vậy, tôi chỉ muốn nói ngắn gọn về ba bộ phận nầy và lãnh đạo của chúng.

■ Một vài quý vị có thể quen thuộc với tổ chức đầu tiên của ba bộ phận này, vốn là một tổ chức được gọi là Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia (PTCMQG). PTCMQG là một tổ chức chính trị nổi; nghĩa là, nó hoạt động một cách công khai. Đó là một tổ chức vận động quần chúng. Nó được cho là phương tiện mà chế độ này có thể sử dụng để tranh thủ người dân Việt bình thường ủng hộ chính phủ. PTCMQG sử dụng những kỹ thuật tuyên truyền và tâm lý khác nhau để thực hiện điều này, tổ chức nhiều cuộc biểu tình ủng hộ chế độ, các bài phát biểu, các buổi tuyên truyền. Và cuối cùng nó đã xây dựng được một mạng lưới về tận nông thôn xuống đến cấp làng xã. PTCMQG đã đóng một vai trò quan trọng trong một hoạt động gọi là Chiến Dịch Tố Cộng, vốn là một chiến dịch vận động khối lượng lớn quần chúng, được ra mắt vào năm 1955.

Bề ngoài, PTCMQG là một đảng chính trị độc lập, nhưng trong thực tế, Phong Trào được điều khiển bởi đảng viên cấp cao của đảng Cần Lao và nó thực sự là một tổ chức ngoại vi của đảng Cần Lao. Nhân vật chủ chốt của PTCMQG là một người tên là Trần Chánh Thành. [Và nếu quý vị nhìn vào mặt trái của xấp tài liệu, quý vị sẽ thấy ảnh của ông ta trong đó]. Thành vừa là Chủ tịch của Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia vừa là Bộ trưởng Bộ Thông Tin của chế độ Diệm. Vì vậy, ông ta cơ bản là chuyên viên tuyên truyền cao nhất trong những năm đầu của chế độ. Giống như những người anh em nhà Ngô, ông ta gốc miền Trung Việt Nam. Điều thú vị là ông ta không phải người Công giáo. Một điều thú vị khác về Thành là ông ta nguyên là một cựu quan chức Việt Minh. Ông ta đã gia nhập Việt Minh vào năm 1945. Ông ta đã thực sự phục vụ trong vài năm như một quan chức trong chính phủ của Hồ Chí Minh trước khi vỡ mộng. Cuối cùng, ông ta về Sài Gòn trong những năm đầu thập niên ‘50s và đó là nơi ông móc nối được với Nhu và trở thành một đảng viên sáng lập của đảng Cần Lao.

Trong hai năm 1955 và 1956, Thành xây dựng hệ thống tuyên truyền sâu rộng ở Nam Việt Nam, và trong quá trình đó, quyền lực của ông ta trở nên rất mạnh. Rất nhiều báo cáo tại Nam Việt Nam trong năm 1955 cho Thành là nhân vật quyền lực nhất tại Nam Việt Nam mà không phải là một thành viên của gia đình họ Ngô. Vì vậy, dù sao thì có một lúc, ông ta trở nên khá có thế lực.

■ Tổ chức chi nhánh thứ nhì của đảng Cần Lao mà Nhu thiết lập trong năm đầu tiên Diệm cai trị là một nhóm gì đó mà tên tiếng Việt là Liên Kỳ Bộ Nam-Bắc Việt, đơn giản rút ngắn là Liên Kỳ. Liên Kỳ rất khác Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia. Một điều rõ ràng là Liên Kỳ nhỏ hơn nhiều. Đó là một tổ chức bí mật. Nó chỉ gồm các đảng viên đảng Cần Lao, và nó được trao cho một số trách nhiệm liên quan đến các hoạt động nội bộ của đảng. Điều quan trọng nhất của những trách nhiệm này là kinh tài. Từ đầu năm 1955, Liên Kỳ bắt đầu xây dựng một mạng lưới kinh doanh do đảng Cần Lao kiểm soát, và cuối cùng phát triển thành một đế chế kinh doanh khá đáng kể, đến mức mà đảng Cần Lao đã tham gia vào rất nhiều, nếu không phải hầu hết, các doanh nghiệp và các ngành công nghiệp lớn ở miền Nam Việt Nam.

Người được Nhu chọn để điều hành Liên Kỳ là Huỳnh Văn Lang. [Một bức ảnh của ông ta cũng xuất hiện trên xấp tài liệu]. Ông ta còn rất trẻ. Ông ta chỉ khoảng 26 tuổi vào năm 1955 nhưng đã có vài phẩm chất giúp tiến cử ông ta với Nhu. Ông ta là một người Công giáo. Ông xuất thân từ đồng bằng sông Cửu Long. Ông ta có một bằng cấp cao về kinh tế. Ông vừa du học ở nước ngoài về nên hấp dẫn Nhu. Trước đây, ông ta không phải là đảng viên của đảng Cần Lao. Tuy nhiên, ông ta đã tham dự hội thảo Đà Lạt. [Nếu quý vị lật lại tấm ảnh của buổi hội thảo, nhìn qua hết bên trái của bức ảnh, người đó chính là chàng thanh niên Huỳnh Văn Lang]. Vì vậy, ông ta thực sự có hiểu biết điều gì đó về thuyết Nhân Vị, và điều nầy làm Nhu thấy hấp dẫn .

Lang vẫn còn sống. Tôi phỏng vấn ông ta hai năm trước đây. Ông ta giải thích cho tôi làm thế nào ông ta đã xây dựng mạng lưới kinh doanh Liên Kỳ này. Tôi sẽ không làm quý vị chán với các chi tiết đẫm máu [gory details] ở đây, nhưng về cơ bản, ông ta đã có một việc làm – ông ta đã có một việc làm ban ngày trong vai trò là người đứng đầu của Viện Hối Đoái, và ông ta đã có thể rót tiền mà Viện Hối Đoái thu được như tiền phạt các giao dịch tiền tệ bất hợp pháp chẳng hạn. Ông ta đã có thể rót số tiền này vào các hoạt động của Liên Kỳ. Và trong quá trình đó, ông ta đã có thể xây dựng được mạng lưới các doanh nghiệp nầy.

■ Tổ chức cuối cùng mà Nhu thiết lập vào giữa những năm 1950s dưới sự bảo trợ của đảng Cần Lao là khá kín đáo và có tên là Sở Nghiên Cứu Chính Trị và Xã Hội. Tổ chức này được thành lập như một cơ quan chính thức của Chính phủ Nam Việt Nam, vì vậy nó thực sự - một lần nữa - không phải là một bí mật về mặt cơ chế. Đó là một cơ quan mở. Không giống như các bộ phận khác của đảng Cần Lao, cơ quan này đã gần như luôn luôn được gọi bằng tên tiếng Pháp của nó, và đặc biệt là gọi bằng cách xếp những mẫu tự tiếng Pháp của mình, S-E-P-E-S [Services d' Etudes Politiques Et Sociales], phát âm là "xê-pê".

Các nhiệm vụ chính thức của SEPES là rà soát các ứng viên xin vào làm việc cho chính phủ. Nhưng trong thực tế, SEPES có một bản toát yếu rộng hơn nhiều; thực hiện đủ loại nhiệm vụ bí mật. SEPES tiến hành hoạt động gián điệp và tình báo liên quan đến Bắc Việt Nam, hoạt động phản gián chống lại cán bộ đặc vụ Cộng sản tại miền Nam Việt Nam. Việc giám sát nhà nước Việt Nam, giám sát bộ máy hành chánh, và giám sát quân đội thì chủ yếu do SEPES thực hiện. Rà soát các đảng viên mới của đảng Cần Lao, đào tạo và cải tạo tư tưởng, cũng như thực hiện các loại kinh tài - ví dụ, bán giấy phép nhập khẩu và xuất khẩu. Và cuối cùng, SEPES cũng đã tham gia vào việc bắt giữ - điều tra, câu lưu, tạm giữ những ai bị nghi ngờ là kẻ thù của chế độ, bao gồm một mạng lưới các nhà tù đặc biệt.

Người đứng đầu SEPES là một cá nhân tên là Trần Kim Tuyến. Ông được nhiều người biết đến chỉ đơn giản như là “Bác sĩ Tuyến”. Ông là một người Công giáo Bắc Việt Nam. Ông vốn là một cựu chủng sinh Công giáo. Ông đã từng học y khoa. Ông chưa bao giờ thực sự hành nghề như một bác sĩ, nhưng vì ông đã học y khoa nên tất cả mọi người gọi ông là Bác sĩ Tuyến. Về thể chất, tầm vóc của ông rất nhỏ. [Tấm ảnh trên tập kèm theo có lẽ không hoàn toàn phản ảnh đúng với ông ấy]. Hình như ông cân nặng dưới 45 ký. Nhưng ông đã tỏa một cái bóng lớn trên cảnh quan Nam Việt Nam. Ông là một nhân vật rất có thế lực trong một giai đoạn. Trong cuộc chiến tranh Đông Dương đầu tiên, ông đã tham gia vào những âm mưu chống Cộng trong vùng Công giáo ở Bắc Việt Nam. Đó là lần đầu tiên ông ta gặp anh em nhà Ngô. Sau đó, ông đã được họ tuyển dụng vào năm 1954 rồi bổ nhiệm đứng đầu SEPES năm 1955.

Từ trái: Trần Chánh Thành - Huỳnh Văn Lang - Trần Kim Tuyến

Tóm lại, đó là ba bộ phận chủ chốt của đảng Cần Lao do Nhu thiết lập. Tôi chỉ muốn có hai nhận xét về ba tổ chức nầy. Trước hết, điều quan trọng là cần nhận ra rằng ba tổ chức này chỉ hoạt động ở phần phía nam của Nam Việt Nam, tức là Nam Kỳ cũ, về cơ bản là các khu vực chung quanh Sài Gòn và Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này là vì các phân bộ của đảng Cần Lao miền Trung Việt Nam thì lại dưới trướng của Ngô Đình Cẩn, một trong những anh em nhà Ngô, và lát nữa, tôi sẽ nói thêm về điều nầy.

Điểm khác tôi muốn nhận xét ở đây là CIA đã có mối quan hệ với tất cả ba bộ phận này. Bắt đầu với Paul Harwood và tiếp tục với những người kế nhiệm của ông ta, CIA đã tài trợ và huấn luyện cho Trần Chánh Thành và Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia. Họ cũng hỗ trợ cho Trần Kim Tuyến và SEPES một phần vì họ muốn cộng tác trong lãnh vực thu thập tình báo với SEPES. CIA cũng đã có một mối quan hệ với Huỳnh Văn Lang. Mối quan hệ nầy hình như không liên quan đến việc hỗ trợ vật chất, nhưng họ chắc chắn biết ông ta là ai và đã tiếp xúc với ông ta.

Như vậy, CIA chắc chắn đã dính dự với đảng Cần Lao. Mặc dù vậy, CIA không đạt được những gì họ muốn từ đảng Cần Lao. Và công trình nghiên cứu của Thomas Ahern mà tôi đề cập trước đây thực sự đã trình bày điều này khá rõ ràng. Và dĩ nhiên câu hỏi mà điều này đặt ra là tại sao? Tại sao không xãy ra như cách CIA muốn? Cơ quan này kết luận rằng tại vì Nhu có những ưu tiên khác, rằng ông ta không thực sự quan tâm đến việc hợp tác với họ. Quan điểm của tôi là tôi không nghĩ rằng điều nầy hoàn toàn đúng. Tôi nghĩ rằng, trên thực tế, các quan chức Mỹ và Ngô Đình Nhu đã thực sự không phải khác xa nhau về mục tiêu cho đảng Cần Lao. Tôi nghĩ cả hai bên đều đồng ý rằng xây dựng đảng Cần Lao thành một tổ chức hoạt động chính trị bí mật là một mục tiêu cả hai đều mong muốn. Đối với Nhu, xây dựng được sự hỗ trợ của quần chúng cho chế độ là một điều tốt. Năm 1958 - đây chính là một tài liệu trong tập [FRUS] đầu tiên - Elbridge Dubrow, đại sứ Mỹ tại Nam Việt Nam, nói rằng, xin trích dẫn, ông ta "không phản đối chuyện đảng Cần Lao giúp điều hành đất nước và phối hợp kỷ luật với phát triển."

Vì vậy, vấn đề ở đây không phải là vì người Mỹ thì đang cố gắng thúc đẩy những lý tưởng dân chủ trong lúc Nhu thì lại độc tài toàn trị. Tôi nghĩ rằng vấn đề liên quan đến vài đặc tính của đảng Cần Lao và cách thức mà Nhu lập đảng. Và nói rất ngắn gọn, tôi nghĩ rằng có hai loại vấn đề với đảng Cần Lao. Một là ý thức hệ; hai là một loạt các vấn đề về tổ chức. Về những vấn đề ý thức hệ, không có bằng chứng cho thấy học thuyết Nhân Vị có sức hấp dẫn rộng lớn ở Nam Việt Nam. Và trên thực tế, không thực sự có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy bất cứ ai, ngoài Diệm và Nhu và một vài người khác - một số nhỏ những người ủng hộ chế độ, là có thể thực sự hiểu được những gì Nhu trình bày về thuyết Nhân Vị.

Thực tế là tôi đã không tìm ra được nhiều tài liệu của đảng Cần Lao trong kho lưu trữ tại Sài Gòn, tuy nhiên, có một tài liệu tôi đã tìm ra, vốn phát hành từ năm 1960, là một tài liệu huấn luyện coi như các vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Nhân Vị. Và [trong đó] dường như gợi ý rằng điều quan trọng là các đảng viên cần một khóa học bồi dưỡng bởi vì không ai trong tổ chức thực sự hiểu triết lý chính thức của chủ nghĩa Nhân Vị là gì cả. Vì vậy, tôi nghĩ rằng ý thức hệ là một vấn đề đối với đảng Cần Lao.

Ngoài các vấn đề ý thức hệ, còn có những vấn đề tổ chức. Ngay từ đầu, đảng Cần Lao đã bị bao vây bởi tình trạng bè phái. Các phe phái khác nhau của đảng cạnh tranh ác liệt và gay gắt [fierce and bitter] với nhau. Tình trạng bè phái này không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên. Đúng ra, nó là một hàm số của cách thức mà Nhu lập đảng. Đôi khi, có người gợi ý rằng đảng Cần Lao được tổ chức theo nguyên tắc của Lênin. Người ta nghĩ rằng mặc dù thực tế Nhu là một người chống Cộng nhưng thực sự đã vay mượn chiến lược tổ chức của Lênin. Tôi không nghĩ rằng điều này là đúng. Trong một đảng theo kiểu của Lênin, cuối cùng, quý vị sẽ có một tổ chức rất tập trung. Đảng Cần Lao không bao giờ có một bộ chính trị hay một ủy ban trung ương. Trong nhiều trường hợp, Nhu đã làm điều ngược lại. Ông ta đã thành lập các bộ phận khác nhau với cách làm thế nào để về cơ bản, sẽ bảo đảm những tổ chức nầy chống lại nhau.

Vì vậy, ba bộ phận mà tôi đã đề cập ở trên đã có mối quan hệ với rất nhiều tranh chấp gần như ngay từ đầu. Ví dụ, bắt đầu từ khoảng năm 1956, Trần Chánh Thành thấy mình là đối tượng của một chiến dịch bôi nhọ, mà cuối cùng được truy trở lại từ Bác sĩ Tuyến và SEPES. Thành bị chỉ trích trên báo chí do Tuyến điều khiển. Điều nầy làm nỗ ra một cuộc chiến mà về cơ bản kéo dài cho đến năm 1960. Kết quả là Thành bị lật đổ khỏi vị trí người đứng đầu của Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia. Ông xoay sở để vẫn còn làm Bộ trưởng Thông Tin cho đến năm 1960, nhưng vào thời điểm đó, cuối cùng, Tuyến cũng đã qua mặt ông và Trần Chánh Thành bị gửi đến nhiệm sở mới của mình như là Đại sứ Nam Việt Nam tại Tunisia, vốn ít hấp dẫn một cách đáng kể hơn so với vị trí cũ của mình.

Huỳnh Văn Lang cũng đã đối diện với một cuộc chiến với Bác sĩ Tuyến. Năm 1958, Nhu nói với Lang rằng Nhu sẽ giải tán Liên Kỳ. Lang điều tra và phát hiện ra rằng Nhu đang giải quyết một số khiếu nại của Bác sĩ Tuyến chống lại Lang. Vì vậy, đã có rất nhiều tranh chấp trong các tổ chức do Nhu thành lập.

Hai anh em thủ lãnh đảng Cần Lao:
Ngô Đình Nhu (1910-1963) trái, và Ngô Đình Cẩn (1911-1964)

Thêm vào tình trạng nầy là một cuộc tranh chấp to lớn khác để kiểm soát đảng Cần Lao, diễn ra trong nội bộ gia đình họ Ngô. Và ở đây, hai kẻ đối kháng là Ngô Đình Nhu một bên và người em khác mà tôi đã đề cập trước đó, Ngô Đình Cẩn. Kể từ năm 1954, như tôi đã đề cập, đảng Cần Lao đã có sự phân chia quyền lực theo địa lý. Nhu điều hành phía Nam và Ngô Đình Cẩn là lãnh tụ tối cao ở miền Trung. Lúc đầu, Cẩn đồng ý là chỉ điều hành miền Trung Việt Nam, nhưng khoảng 1957, ông ta bắt đầu xâm nhập vào lãnh thổ của Nhu. Ông ta gửi người trung thành với mình như các tỉnh trưởng để tiếp quản các tỉnh tại đồng bằng sông Cửu Long. Ông ta cũng mở rộng bộ máy bí mật của mình ở phía Nam. Cẩn gửi các cán bộ của mình vào Sài Gòn và họ bắt đầu thực sự cạnh tranh và xung đột với một số người của Nhu. Một số thành viên của nhóm Huỳnh Văn Lang bị bắt, bị bỏ tù vài tháng vì một tỉnh trưởng ủng hộ Ngô Đình Cẩn, và Trần Kim Tuyến và SEPES thực sự phải thu nhỏ tổ chức lại, giới hạn hoạt động lại để nhường chỗ cho Cẩn.

Nhưng, trong dài hạn, nỗ lực của Cẩn tìm cách một mình kiểm soát hết đảng Cần Lao đã không thành công. Vào khoảng năm 1960, ảnh hưởng của Cẩn rơi sâu xuống dốc và Nhu mạnh mẽ trở lại. Và điều này rất quan trọng đối với lịch sử tiếp theo của chế độ Diệm vì Nhu rất có thế lực, thực sự trở thành một nhân vật nổi bật trong chế độ từ năm 1960 trở đi. Tôi sẽ không nói về những lý do của sự trở lại này. Nhưng nếu chúng ta muốn khám phá nó trong phần vấn đáp, chúng ta chắc chắn có thể thảo luận điều đó. Nhưng chúng ta dư sức nói rằng những tác động lâu dài của sự trở lại này là rất quan trọng đối với chế độ Diệm. Những sự ganh đua giữa các anh em họ Ngô sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chế độ, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ vào năm 1963.

Để kết luận, tôi chỉ xin nêu ba điểm.

● Điểm đầu tiên là, như tôi đã chỉ ra, đảng Cần Lao là một tổ chức hết sức bè phái. Và điều này có ý nghĩa lớn đối với cách chúng ta hiểu nền chính trị Nam Việt Nam trong giai đoạn Diệm. Trái ngược với quan điểm phổ biến, đảng Cần Lao không siêu-tập trung kiểu Leninit. Đã có những phân hóa giữa các bộ phận của đảng Cần Lao khi Nhu thiết lập đảng. Và sau đó, ngoài sự phân hóa trên, lại có sự cạnh tranh giữa Nhu và Cẩn.

● Điểm thứ hai ở đây là cách ứng phó của Cơ quan Tình báo Trung ương CIA đối với đảng Cần Lao cần phải được hiểu trong ánh sáng của tình hình bè phái nói trên. CIA chắc chắn ý thức được có các tranh chấp trong đảng Cần Lao, nhưng dường như CIA đã hiểu rất chậm rằng những tranh chấp đó đã ảnh hưởng và phá hoại cái tham vọng mà họ dành cho đảng Cần Lao.

● Điểm cuối cùng, và một cách nào đó cũng là điểm quan trọng nhất, liên quan đến những tác động lâu dài đối với lịch sử của chế độ Diệm từ những phát hiện về đảng Cần Lao. Trong bài thuyết trình này, tôi sẽ không thảo luận về năm 1963 và các sự kiện dẫn tới sự sụp đổ của chế độ Diệm, nhưng ở đây, tôi sẽ cung cấp cho quý vị chỉ một sự kiện thú vị về thời kỳ đó.

Năm 1963, tôi chắc chắn rằng tất cả quý vị đều biết, đã có một cuộc khủng hoảng lớn tại Nam Việt Nam và đã có rất nhiều âm mưu đảo chính đồng diễn ra chống lại chế độ Diệm. Có ba âm mưu đảo chính tiến hành vào mùa thu năm 1963 được coi là đặc biệt có thực chất hoặc nghiêm trọng. Âm mưu đầu tiên, tất nhiên, là âm mưu đã thành công. Âm mưu này được lãnh đạo bởi các tướng hàng đầu trong quân đội miền Nam Việt Nam. Những kẻ cầm đầu âm mưu này là tướng Trần Văn Đôn và Trần Văn Minh [Dương Văn Minh?]. Họ không phải là đảng viên đảng Cần Lao. Tuy nhiên, để âm mưu thành công, họ phải tuyển mộ những sĩ quan quân đội là đảng viên Cần Lao. Và sỉ quan Cần Lao quan trọng nhất trong số này là một vị tướng tên là Tôn Thất Đính, người chỉ huy vùng Sài Gòn. Vậy thì âm mưu đầu tiên đã có một yếu tố Cần Lao quan trọng trong đó.

Hai âm mưu khác cũng đang được tiến hành vào mùa thu năm 1963, một âm mưu do Huỳnh Văn Lang, cựu giám đốc của Liên Kỳ, lãnh đạo. Và âm mưu kia thì được lãnh đạo bởi không ai khác hơn là Bác sĩ Tuyến, người vào năm 1963 đã hoàn toàn thoát ra khỏi Nhu. Vì vậy, tôi nghĩ rằng điều này cho thấy đảng Cần Lao là thực sự quan trọng trong lịch sử của chế độ Diệm, nhưng quan trọng theo cách - theo cách chính trị mà tôi không nghĩ rằng chúng ta đã hiểu rõ, và hy vọng chúng ta sẽ học hỏi thêm khi có nhiều nghiên cứu được thực hiện về chủ đề này.

[Xin cảm ơn nhiều. Vỗ tay]

Dịch từ “Vanguard of the “Personalist Revolution”: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu and the Rise of the Cần Lao Party” của Edward Miller, 2010.

Người dịch: Vĩnh Long

 

● Nguồn tiềng Anh: https://history.state.gov/conferences/2010-southeast-asia/with-friends-like-these

● Nguồn Việt dịch: http://www.danchimviet.info/archives/103416/nhom-khoi-xuong-cuoc-cach-mang-nhan-vi/2016/06

● Sưu tầm, Nhấn mạnh và Hình ảnh thêm vào của Kevin Trần

THE AMERICAN EXPERIENCE IN SOUTHEAST ASIA, 1946-1975

With Friends Like These: The United States and its Allies

East Auditorium, George C. Marshall Conference Center

Washington, D.C. 

September 30, 2010

  • Chair: Erin Mahan, Chief Historian, Office of the Secretary of Defense
  • Edward Miller, Dartmouth College, “Vanguard of the “Personalist Revolution”: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu and the Rise of the Cần Lao Party”
  • Effie Pedaliu, University of the West of England-Bristol, “When ‘More Flags’ Meant ‘No European Flags’: The U.S., Its European Allies and the Vietnam War, 1964–74”
  • Andrew Wiest, The University of Southern Mississippi, “Anatomy of a Flawed Alliance: The Nature of the U.S. Alliance with the Republic of Vietnam Armed Forces during the Vietnam War”
  • Commentator: Fred Logevall, Cornell University

 

 

Trang Thời Sự




Đó đây


2024-04-20 - KHÔNG BIẾT NHỤC - Nhóm Việt Nam vinh danh các liệt sĩ Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam - Chủ nhật ngày 17/3/2024, 1 nhóm Việt Nam đến viếng mộ 5.099 quân nhân Hàn chết trong chiến tranh ở Việt Nam. Dòng chữ trên một tấm có nội dung: “Bởi vì các chiến sĩ của các bạn yên nghỉ ở đây, đất nước chúng ta đứng vững với niềm tự hào.” Thật là không biết nhục!!

2024-04-19 - Israel Tấn Công Trả Đũa Iran -

2024-04-19 - 80 Năm Thực Dân Pháp Đô Hộ Việt Nam - Văn minh hay bóc lột? -

2024-04-19 - HOÀNG NAM: DÂN TA ĐÃ QUÁ NHÂN TỪ VỚI HỌ NGÔ - Gửi Hoàng Nam, chủ kênh Challenge Me.

2024-04-18 - "THUẾ THUỘC ĐỊA" - 60 NĂM CHÂU PHI VẪN LÀ BÒ SỮA NUÔI BÉO NƯỚC PHÁP -

2024-04-18 - Ổi Xanh: 274. Ông Võ Văn Thưởng từ chức. Thái độ của HDH và một số YouTuber... bố đời. -

2024-04-17 - Sidney, Úc: 1 Giám mục bị đâm trong lúc làm lễ - Không biết Chúa làm gì mà bắt các giám mục của Chúa phải đổ vỏ! Các đây mấy năm, có viên chức chính phủ đề nghị treo bảng ở các nhà thờ "Đây là nơi nguy hiểm cho trẻ con"

2024-04-16 - Đọc báo QĐND - Bài viết: Không "chính trị hoá" các vụ án kinh tế -

2024-04-14 - Trực tiếp tại Ấp Chiến Lược Bolsa? Quê hương Nhà dâm chủ cuội Nguyễn Văn Đài Rè - Bạn có tin ở đây là Hưng Yên, gần Hà Nội? Cứ tưởng như một thành phố ở Châu Âu!

2024-04-13 - Nhận Diện Cách Mạng Màu Tại Việt Nam -



▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 >>>




Thư, ý kiến ngắn
● 2024-04-21 - KHÔNG BIẾT NHỤC - Một Nhóm Việt Nam vinh danh các lính Hàn trong chiến tranh Việt Nam! - SH sưu tầm -

● 2024-04-19 - “CỬA LÒ - KHÁT VỌNG TOẢ SÁNG” - Nguyễn Tiến Trung -

● 2024-04-16 - Bất bình trước sự san bằng, trộn lẫn CHÍNH /TÀ của những người mù sử: HOÀNG NAM - Chủ kênh Challenge Me - FB Lý Thái Xuân -

● 2024-04-01 - Phim ĐÀO PHỞ & PIANO -Tại sao không nên đánh dấu người yêu nước bằng biểu hiệu của một tập thể thiểu số - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-21 - CHỐNG CỘNG: Chuyện cười ra nước mắt ở Sở Học Chánh Tacoma, Wa - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-09 - Tổng thống Nga, Vladimir Putin đọc thông điệp gửi Quốc hội Liên bang (29/2/2024) - Gò Vấp -

● 2024-03-09 - Các hoạt động của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc trong những năm 1942-1954 - trích Hồi ký Nguyễn Đình Minh -

● 2024-03-08 - Hồi ký lịch sử 1942-1954 - Liên Quan đến Giám mục Lê Hữu Từ, Khu tự trị Phát Diệm, Công Giáo Cứu Quốc - VNTQ/ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư -

● 2024-02-15 - Trương vĩnh Ký dưới con mắt của người dân - Trần Alu Ngơ -

● 2024-02-14 - Các nhà hoạt động ẤN ĐỘ GIÁO phản đối chuyến viếng thăm của Giáo hoàng John Paul II - FB An Thanh Dang -

● 2024-02-09 - “KHÁT VỌNG NON SÔNG” của VTV1 và chuyện Trương Vĩnh Ký - Nguyễn Ran -

● 2024-02-05 - Góc kể công - Đồng bào Rô ma giáo cũng có người yêu nước vậy! Đúng. - Lý Thái Xuân -

● 2024-02-01 - Câu Lạc Bộ Satan Sau Giờ Học Dành Cho Trẻ 5-12 Tuổi Sắp Được Khai Trương Ở Cali, Hoa Kỳ - Anh Nguyen -

● 2024-01-29 - Giáo hội Rô ma giáo Đức "chết đau đớn" khi 520.000 người rời bỏ trong một năm - The Guardian -

● 2024-01-29 - Một tên Thượng Đế-Chúa ngu dốt về vũ trụ, nhưng thích bốc phét là tạo ra vũ trụ - Ri Nguyễn gửi Phaolo Thai & John Tornado -

● 2024-01-29 - Kinh "Thánh" dạy Con Chiên Giết Tất Cả Ai Theo Tôn Giáo Khác - Ri Nguyễn vs John Tomado -

● 2024-01-29 - Nhân Quyền Ở Nước Mỹ: Vụ Án Oan, 70 Năm Sau Khi Tử Hình Bé George Stinney - - Giác Hạnh sưu tầm -

● 2024-01-29 - NOEL - Ba Giáo Hoàng John Paul II, Benedict XVI, Francis I Thú Nhận Đã Bịp Chiên- Cừu Chuyện Jesus Ra Đời - Ri Nguyen -

● 2024-01-29 - Một dàn đồng ca, ngày càng đặt câu hỏi về quyền lực của Giáo hoàng - John L. Allen Jr. -

● 2024-01-29 - Tỷ lệ phá thai nơi người công giáo lại cao hơn nơi người ngoài công giáo! - Lê Hải Nam -


▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 >>>