●   Bản rời    

Về Nhân Vật Hướng Dẫn TT Obama Viếng Chùa Ở Việt Nam

Về Nhân Vật Hướng Dẫn TT. Obama Viếng Chùa Ở Việt Nam

Trần Quang Diệu

http://sachhiem.net/LICHSU/TR/TQD52.php

29-May-2016

Quả thật là điều lý thú. Nếu không nhờ trang mạng www.sachhiem.net đã quyết định cho đăng tải lời kể của ông Dương Ngọc Dũng thì có lẽ cho đến hôm nay tôi chưa có cơ hội để biết ai là hướng dẫn viên cho ông Obama viếng thăm chùa trong chuyến đi VN vừa qua của vị Tổng thống Mỹ.

Việc ông Obama đến thăm chùa Phước Hải (còn gọi là chùa Ngọc Hoàng) ở T.P Hồ Chí Minh, VN hôm 24.5.2016 đã gây ra nhiều “bức xúc” (?) dẫn đến có nhiều người tham gia phê phán, tranh cãi về một số những chi tiết trước cũng như sau khi vị Tổng thống Hoa Kỳ đến thăm chùa rồi ra đi?

Tôi cũng xin được thử tham gia chia sẻ vài ý kiến và nhận xét của mình như sau:

Thứ nhất,

Ông Obama khi đến Việt Nam, trong lĩnh vực tôn giáo, vị Tổng thống Hoa Kỳ không thực hiện chương trình của mình về việc viếng thăm bất cứ một giáo đường hay một nhà nguyện nào của “Công giáo” hay Tin lành (mặc dù ông Obama là người đạo Tin lành?), mà chỉ đến viếng thăm một ngôi chùa?

Căn cứ vào  sự am tường về văn hóa lịch sử của dân tộc Việt Nam được điểm xuyết trong lời phát biểu của vị Tổng thống, chắc không khó mấy để chúng ta nhận ra lý do vì sao ông Obama không có chương trình thăm bất cứ một nhà thờ thờ Chúa nào mà chỉ viếng thăm một ngôi chùa Phật giáo. Ở điểm nầy, chắc chắn hội đồng cố vấn lẫn bản thân ông Obama đã phải biết rõ về vô số những  thảm họa đau đớn, nhục nhã ê chề mà dân tộc Việt Nam đã phải gánh chịu (như mất nước, như chiến tranh...) do liên lụy đến tôn giáo Kitô trong lịch sử.

Thứ hai,

Quyết định đến thăm ngôi chùa nào là do ý muốn của phái đoàn Hoa Kỳ (và phải có người gợi ý, giới thiệu? Ai?) hay do chính quyền Việt Nam nêu ra và buộc ông Obama chỉ phải nên đến thăm chỗ đó? (Chùa Phước Hải – Ngọc Hoàng).

Thứ ba,

Tại sao không một người nào khác làm hướng dẫn viên cho ông Obama khi đến thăm chùa mà phải là ông “GS Dương Ngọc Dũng”? Ông Dũng do chính phủ Việt Nam chỉ định mà Mật Vụ Hoa Kỳ cũng buộc phải chấp nhận (để rồi cũng “làm việc trước”) hay phái đoàn Hoa Kỳ đã có quyết định liên lạc tìm hướng dẫn viên cho buổi viếng thăm như vậy? Căn cứ vào lời thuật của ông Dương Ngọc Dũng:

“Trong suốt ba tuần làm việc trước đó, họ đều nói với tôi là: “Giáo sư, ông đừng nên hi vọng quá nhiều về việc này. Mọi thứ có thể thay đổi. Ông không được nói với ai hết trừ vợ ông. Chúng tôi vẫn thường thay đổi vào giờ chót”.

16h Tổng thống Obama ghé chùa thì đến 10h30 họ mới thông báo chắc chắn tôi là người được chọn làm hướng dẫn viên. Ngay lập tức, tôi phải chạy tới họp ngay với an ninh và mật vụ, họp xong lại đến chùa để kiểm tra lần cuối cùng.”?

Tại đấy, nó chứng tỏ rất cụ thể rằng ông Dương Ngọc Dũng nầy là người do phái đoàn Hoa Kỳ lựa chọn làm hướng dẫn viên và báo tin trực tiếp chứ không phải “phía Việt Nam” (?). Tại sao? Có gì ẩn nghĩa về những mưu đồ chính trị liên quan đến tôn giáo qua lĩnh vực bang giao, qua chuyện thăm chùa hay không? – Vì ông Dương Ngọc Dũng, người ta gọi ông ấy là “nhà tôn giáo học”?

Nhà "tôn giáo học" Dương Ngọc Dũng nầy từ lâu đã tỏ ra một thứ tâm cảnh rất là gian xảo đối với Phật giáo (khi Phật giáo bị một ông Giáo hoàng tấn công...!) mà cả hàng thập niên qua hầu như giới trí thức ai cũng đã biết. Nhưng lần ông hướng dẫn Tổng Thống Obama đến chùa Ngọc Hoàng, cám ơn ông đã lên tiếng bênh vực một tăng sĩ Phật giáo, là thầy trụ trì. Tạm xem như ông đã làm một việc tốt.

- “Có tờ báo đăng trụ trì Thích Minh Thông gợi ý với Tổng thống Obama rằng ông hãy cầu xin một đứa con trai đi. Thông tin đó hoàn toàn sai sự thật. Tôi là người trong cuộc và sư thầy Thích Minh Thông không nói câu gì trong suốt hôm đó.” ?

Vâng, có những nhà báo, tờ báo thỉnh thoảng phịa (“...nói láo ăn tiền”?) phóng tin tầm bậy không kiểm chứng để nó rơi vào tình trạng xuyên tạc, mạ lị, phỉ báng, gây hại đến nhân phẩm người khác? Ở Mỹ là rất dễ bị gõ búa phạt tiền, nếu nạn nhân người ta khiếu kiện đến tòa án.

Thứ tư,

Thư của tác giả Tương Lai gởi cho Đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội có đoạn viết:

Theo bản tin của BBC ngày 21.5.2016 về “Lịch trình của Tổng thống Obama ở Việt Nam”,dẫn lời của Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes khi đến Thành phố Hồ Chí Minh thì “ngay lập tức, Tổng thống sẽ đến thăm Chùa Ngọc Hoàng (Phước Hải) để “bày tỏ thành kính và ngưỡng mộ truyền thống văn hóa Việt Nam”.” ?

Tôi đồng cảm về những nội dung mà tác giả Tương Lai đã phản ảnh trong lá thư của ông về việc phái đoàn Hoa Kỳ đã chọn không phù hợp với thể diện truyền thống văn hóa Việt Nam khi quyết định chọn Chùa Ngọc Hoàng mà không là một ngôi chùa nào đó khác để viếng thăm – tỏ lòng “ngưỡng mộ truyền thống văn hóa Việt Nam”. Thí dụ như Chùa Giác Lâm ở Sài gòn là một ngôi chùa cổ được xem như là Tổ Đình Phật Giáo tại miền Nam (“khai sơn’ – kiến tạo năm 1774).

Tôi cũng cảm hứng về đoạn sau đây của ông Tương Lai:

Sự bất bình dẫn đến phẫn nộ là điều dễ hiểu nhưng lại hoàn toàn có thể cởi bỏ chuyện đó một cách đơn giản với đầy đủ ý thức tôn trọng truyền thồng văn hóa của dân tộc Việt Nam, một dân tộc chưa hề biết cúi đầu.”

Đương nhiên phong độ (Phù Đổng) Việt Nam đó – “chưa hề biết cúi đầu” – là phải khác với cung cách nhục nhã như khi anh em ông Ngô Đình Diệm trước đây chỉ vì niềm tin tôn giáo mà ông đã làm chuyện sỉ nhục quốc thể bằng cách cúi đầu hôn tay hôn nhẫn ngoại bang rồi tuyên bố đem miền Nam Việt Nam (vì miền Bắc lúc bấy giờ thì ông Diệm không có quyền) dâng cho họ.

Tôi chỉ có một điều duy nhứt muốn thắc mắc về tác giả Tương Lai là không biết ông Tương Lai nghĩ sao về việc phục hồi “danh dự” cho ông giáo giặc Đắc Lộ một khi ông Tương Lai là Nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên thành viên Tổ Tư vấn Võ Văn Kiệt.” ? Vì có lẽ ông Đắc Lộ được “phục hồi” “danh dự” là bắt đầu vào thời cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt (?).

Thứ năm, trở lại với ông Dương Ngọc Dũng:

- Ông Dương Ngọc Dũng lý luận rất khập khiễng về việc chọn chùa Phước Hải –Ngọc Hoàng là vì chùa nhỏ, hẻm nhỏ, ít cư dân xung quanh nhằm dễ bố trí an ninh cho ông Obama. Nói như vậy thì Tổng thống Hoa Kỳ không dám đi những nơi thoáng, rộng, nhiều đường sá và đông dân cư hay sao?

- “Nhà tôn giáo học” Dương Ngọc Dũng này đã giải thích tùy hứng và rất tầm bậy về ý nghĩa người Phật giáo mỗi khi dâng lên điện Phật bằng 3 cây nhang. Người “Công giáo” trước đây bị mấy ông giáo sĩ ngoại bang cấm không được đốt nhang thờ cúng, giỗ quải ông bà thành ra không có “tinh, khí, thần”? Riêng người Phật tử mỗi khi dâng 3 cây hương (nhang) thường ý thức bằng những lời nguyện như sau đây:

người dân TP.HCM dự Giỗ tổ Hùng Vương

“Nguyện thử diệu hương vân,

Biến mãn thập phương giới,

Cúng dường nhứt-thiết Phật,

Vô lượng hương trang nghiêm

Cụ túc Bồ Đề Đạo

Thành tựu Như Lai hương”

Để rồi, tin tưởng rằng mình sẽ cố gắng nhằm đạt đến cảnh giới:

“Viễn-ly chư vọng-nghiệp,

Viên-thành vô-thượng đạo.”

Những lời “Nguyện Hương” là như thế. “Nhà tôn giáo học” Dương Ngọc Dũng đừng có  liên kết ý nghĩa 3 cây nhang với “3 thứ tinh, khí, thần” tầm phào như thế!

Xưa nay, truyền thống Phật giáo, người Phật tử đều ý thức rằng 3 cây hương là tượng trưng cho

- 3 ngôi Tam Bảo - Phật, Pháp, Tăng; hoặc

- Giới, Định, Tuệ (“Giới hương, Định hương, dữ (cùng với) Huệ hương”)

Nhà tôn giáo học Dương Ngọc Dũng” lẽ ra đừng có nên làm cho Tổng thống siêu cường Hoa Kỳ phải ngạc nhiên “lý thú” về những giải thích lang bang và tào lao về 3 cây hương  của ông như vậy.

Thứ sáu, việc ông Dương Ngọc Dũng "khuyên" Tổng Thống Obama đừng thắp nhang. Ông cho rằng mình thông thạo hết các tôn giáo, nên giải thích cho một Ki-tô hữu chính hiệu rằng: "Tôi nói, tổng thống là người theo đạo Tin lành, cho nên việc thắp nhang không tốt sau này cho ông ấy. Nguyên tắc Tin lành không thờ ai ngoài Thiên Chúa. Do vậy, tôi đề nghị tổng thống chỉ nên cúi đầu để bày tỏ sự tôn trọng với tôn giáo khác."

Ông Dũng tài lanh hơi quá rồi đó. Xin ông nhìn rõ những bức ảnh dưới đây ở các nhà thờ đạo Công Giáo tự xưng, họ là sư tổ của các hệ phái Tin Lành, cũng "không thờ ai ngoài Thiên Chúa"

các linh mục thắp nhang

Hình dưới: thánh lễ cầu cho người có AIDS đã qua đời, TGP.Sài gòn. Ảnh của Ngọc Dũng

Họ cũng cho giáo dân thắp nhang trước ảnh cha mẹ (xem Thắc Mắc Quanh Bàn Thờ Gia Tiên của người Công giáo của Lm Giuse Nguyễn Ngọc Bích): "Việc đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ Tổ tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm... Ðược tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng quen gọi là phúc thần tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải là mê tín như đối với các "yêu thần, tà thần"."

Xin nhờ nhà tôn giáo học Dương Ngọc Dũng đến các nhà thờ "Công Giáo tự xưng" ở Việt Nam giải thích giùm các linh mục, ngăn cản họ thắp nhang, kẻo rồi "không tốt cho họ sau này." Phản ứng của ông trong việc này bộc lộ sự thiếu tự tin, thiếu bản lãnh và mơ hồ về tôn giáo.

Cuối cùng, có phải “nhà tôn giáo học” Dương Ngọc Dũng là ông đã trâng tráo bênh vực cho vị chủ chăn Gioan-Phao-Lồ II mà GS Trần Chung Ngọc phải nêu lại "chuyện cũ" như tại đây: http://giaodiemonline.com/2012/04/chuyencu.htm ?!

Tôi rất tiếc không hiểu vì lý do gì mà các vị có thẩm quyền (...?) lại chọn ông Dương Ngọc Dũng nầy phụ trách vai trò thông dịch khi ông Obama đến thăm một cảnh chùa? Lý do: Tôi không nghĩ là hầu hết những Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam đều không ai có thể nói và nghe được Anh ngữ đối với ông Obama.

Trần Quang Diệu

_________________________________

Date: Thu, 26 May 2016 23:01:59 +0200
Subject: Re: Người Hướng Dẫn Ông Obama Ở Chùa Ngọc Hoàng Kể Gì ?...RE: Tại Sao Tổng Thống Obama Chọn Chùa Ngọc Hoàng Của Lưu Dân Người Hoa Để Ghé Thăm?
From: hoangthucan@gmail.com

Theo tôi tất cả đều đoán mò lý do gì TT Obama viếng chùa Ngọc Hoàng, một ngôi chùa, đúng ra là ngôi đền (trước đây) của người Hoa.

1. Việc tìm kiếm lai lịch ngôi chùa này không khó chỉ cần truy cập tự điển bách khoa mở với từ khóa "Chùa Ngọc Hoàng" là có ngay.

2. Về cái gọi là "gợi ý của sư thầy Minh Thông là tin của báo Người Lao Động được cho là tin của hãng thông tấn AP, (xem tại link: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/cau-noi-bat-ngo-cua-ong-obama-trong-chua-ngoc-hoang-20160524202144321.htm)

Thế nên, nếu ai đó cho rằng 2 sự kiện có nguồn gốc đầy đủ trên kia là "ngộ nhận" hoặc "cố tình xuyên tạc" là không đúng. Nếu có ngộ nhận thì lỗi đó nằm ở báo NLĐ hay hãng tin AP, và Wikipedia. Còn lên án rằng : "cố tình xuyên tạc" thì hoàn toàn không có lý.

Về 2 lý do "an ninh" của Giáo sư Dương Ngọc Dũng trả lời câu hỏi của người phỏng vấn :"tại sao chùa Ngọc Hoàng lại được chọn để trở thành điểm đến của Tổng thống Mỹ?" cũng chỉ là lý lẽ đoán già đoán non của riêng ông mà thôi, hoàn toàn không có gì làm chứng. Thử hỏi chi phí an ninh cho 1 chuyến đi hàng chục thậm chí hàng trăm triệu mỹ kim chẳng lẽ lực lượng bảo vệ TT không thực hiện nỗi cho 1 địa điểm nào đó lớn hơn địa chỉ chùa Ngọc Hoàng sao? GEM center nơi TT giao lư với giới trẻ ở Sàigòn không lớn hơn chùa Ngọc Hoàng sao? Lý giải được 2 nghi vấn này sẽ thấy rõ lý do Giáo sư Dũng đưa ra là vô lý.

Trong khi lý do chính thức được Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes đưa ra là : Tổng thống sẽ đến thăm Chùa Ngọc Hoàng (Phước Hải) để “bày tỏ thành kính và ngưỡng mộ truyền thống văn hóa Việt Nam”. Thế nhưng lý do này đã bị Giáo sư Tương Lai với sự đồng thuận của Giáo sư Cao Huy Thuần phản bác với những lý lẽ rất thuyết phục (xem THƯ GỬI ĐẠI SỨ MỸ bên dưới).

Ngoài việc lý giải lý do TT Obama thăm chùa Ngọc Hoàng, Giáo sư Dũng còn cho chúng ta biết thêm một sự kiện khá lý thú, ông kể rằng : "tổng thống Obama hỏi tôi ý nghĩa của ba cây nhang. Tôi nói: Nhang là tượng trưng cho tinh, khí và thần. Phải giữ lửa liên lục như là nguồn sống, do đó, đền chùa thường phải đốt nhang cả ngày." Giải thích này khá ngộ, đây là lần đầu tiên tôi được nghe như vậy.

Lời giảng này trái ngược với ý nghĩa bài Niệm hương trong thiền môn, nhứt là 4 câu đầu"Nguyện đem lòng thành kính /Gởi theo đám mây hương / Phưởng phất khắp mười phương / Cúng dường ngôi Tam Bảo" ở đây "đám mây hương" được hiểu như chiếc cầu nối giữa người niệm với Tam Bảo. Nhờ đám mây hương lan tỏa khắp mời phương chuyên chở tấm lòng thành kính của con dâng lên Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Tương tự như thế, giới bình dân Á châu quan niệm rằng : "nén hương khi đốt lên, cũng như một nhịp cầu vô hình nối kết hai thế giới hữu hình và vô hình với nhau".

Nhà Phật không bị bắt buộc phải thắp bao nhiêu nén hương là đủ, quan trọng là ở tâm thành của từng người, chỉ 1 nén cũng đã đủ. Tuy nhiên về mặt biểu tượng người ta chia làm 5 loại hương là : Giới hương, Định hương, Tuệ hương, Giải thoát hương, và Giải thoát tri kiến hương.

Thông thường người ta hay thắp 3 nén nhằm tượng trưng cho Giới, Định và Tuệ tức là Tam vô lậu học của người Phật tử xuất sĩ cũng như cư sĩ.

hta.

___________________

THƯ GỬI ĐẠI SỨ MỸ

Tp Hồ Chí Minh ngày 22.5.2016

Kính gửi Ngài Đại sứ Ted Osius,

Đã từng quen biết và tin tưởng ngài qua những lần tiếp xúc với Ngài và với những quan chức ngoại giao của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi muốn trao đổi với Ngài một vấn đề mà theo nhận thức của tôi là hết sức cấp bách và tế nhị vào dịp Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam và thăm TP Hồ Chí Minh.

Theo bản tin của BBC ngày 21.5.2016 về “Lịch trình của Tổng thống Obaa ở Việt Nam”, dẫn lời của Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes khi đến Thành phố Hồ Chí Minh thì “ngay lập tức, Tổng thống sẽ đến thăm Chùa Ngọc Hoàng (Phước Hải) để “bày tỏ thành kính và ngưỡng mộ truyền thống văn hóa Việt Nam”.

Chúng tôi hết sức ngỡ ngàng về tin này. Vì sao các ngài lại chọn chùa Ngọc Hoàng (Phước Hải tự) để Tổng thống đến thăm để “bày tỏ thành kính và ngưỡng mộ truyền thống văn hóa Việt Nam"? Vậy “Chùa Ngọc Hoàng” có lai lịch ra sao?

Theo Wikipedia [Bách khoa toàn thư mở] thì:

“Ngôi chùa vốn là một điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế do một người tên Lưu Minh (pháp danh là Lưu Đạo Nguyên, người Quảng Đông, Trung Quốc) xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20 …Năm 1982, Hòa thượng Thích Vĩnh Khương đến tiếp quản điện thờ. Kể từ đó điện thờ này thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đến năm 1984, thì điện Ngọc Hoàng được đổi tên là "Phước Hải Tự". Chính điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Huyền Thiên Bắc Đế với các thiên binh, thiên tướng. Có phối thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát và một số thần linh quen thuộc trong tín ngưỡng của người Hoa như: Thiên Lôi, thần Môn Quan (thần giữ cửa), thầnThổ Địa (thần đất đai), thần Táo Quân (thần lò bếp), thần Hà Bá (thần sông nước), Văn Xương và thần Lã Tổ (thần văn chương), Thái Tuế (sao giải hạn), Lỗ Ban (thầy dạy nghề), Nữ Oa Thánh Mẫu, 12 bà mụ, 13 đức thầy [4], v.v... Ngoài ra, chùa còn thờ thần Thành hoàng..

Một ngôi chùa như vậy liệu có tiêu biểu cho “truyền thống văn hóa Việt Nam” không?

Đành rằng trong quá trình tiếp biến văn hóa, với sự giao thoa của văn hóa tín ngưỡng, những ngôi chùa Việt Nam không thể không chịu ảnh hưởng của những kiến trúc của các ngôi chùa Ấn Độ, Trung Hoa, song bản sắc Văn hóa Việt Nam vẫn là nét chủ đạo trong các chùa cổ của Việt Nam. “Đất vua, chùa làng”, “trẻ vui nhà già vui chùa”, từ xa xưa khi Phật giáo giữ vị trí độc tôn, thì ngôi chùa làng không chỉ tọa lạc ở nơi linh thiêng có cảnh quan đẹp nhất của một làng quê mà còn tọa lạc ngay chính trong tâm hồn cả cư dân trong làng đó.

Bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam một phần lớn, nếu chưa muốn nói là nhân tố quan trọng nhất thường được hun đúc, nuôi dưỡng và phát huy từ những ngôi chùa đó.

Trong quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa, với nhiều biến đổi và chịu tác động của nhiều yếu tố, vai trò và ảnh hưởng của những điều vừa nói tuy không còn nguyên vẹn, nhưng ở những phần giá trị cốt lõi, thì những ngôi chùa muốn được xem là tiêu biểu của văn hóa Phật giáo Việt Nam vẫn phải giữ cho được. Ở giữa Tp Hồ Chí Minh đương nhiên không có ngôi chùa làng, nhưng cũng không quá hiếm những ngôi chùa thuần Việt hoặc đậm sắc thái, tính cách Việt để có thể giới thiệu cho những ai muốn hiểu về “truyền thống văn hóa Việt Nam”.

Đó là thiển ý của chúng tôi muốn gửi đến ngài Đại sứ. Xin được nói thêm rằng, tôi vừa trao đổi nội dung thư này với giáo sư Cao Huy Thuần, một nhà nghiên cứu uyên bác về Phật giáo, tác giả của nhiều tác phẩm viết về đề tài này, hiện là giáo sư về ngành chính trị học tại Đại học Picardie, Pháp. Gs Cao Huy Thuần đã hoàn toàn nhất trí với những ý kiến trình bày trong thư và muốn qua lá thư này, nhờ tôi chuyển đến Ngài Đại sứ ý kiến của ông.

Chúng tôi mong rằng, với trách nhiệm và sự hiểu biết khá kỹ về văn hóa Việt Nam, Ngài sẽ có sự can thiệp kịp thời về một sự kiện có thể sẽ gây nên những phản ứng khó lường. Đó là những phản ứng khi người Việt Nam cảm thấy bị xúc phạm. Đặc biệt là những Phật tử khắp cả nước sẽ hết sức bất bình dẫn đến phẫn nộ khi ngôi chùa đang được ngộ nhận là tiêu biểu cho bản sắc văn hóa truyền thống đáng tự hào của mình, ngôi chùa duy nhất được Ngài Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đến thăm để “bày tỏ thành kính và ngưỡng mộ truyền thống văn hóa Việt Nam” lại “vốn là một điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế do một người Quảng Đông, Trung Quốc xây”, đang thờ nhiều “thần linh quen thuộc trong tín ngưỡng của người Hoa”.

Sự bất bình dẫn đến phẫn nộ là điều dễ hiểu nhưng lại hoàn toàn có thể cởi bỏ chuyện đó một cách đơn giản với đầy đủ ý thức tôn trọng truyền thồng văn hóa của dân tộc Việt Nam, một dân tộc chưa hề biết cúi đầu.

Xin gửi đến Ngài Đại sứ lời chào trân trọng của chúng tôi.

Tương Lai,

Nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên thành viên Tổ Tư vấn Võ Văn Kiệt.

http://boxitvn.blogspot.com/2016/05/thu-cua-giao-su-tuong-lai-gui-ai-su-my.html