●   Bản rời    

Đôi Dòng Tiễn Biệt Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Văn Khê

Đôi Dòng Tiễn Biệt Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Văn Khê

Dương Kinh Thành

http://sachhiem.net/VANHOC/DKTH/DgKinhThanh11.php

27-Jun-2015

Cái tâm của Ông đã là của  dân tộc cho nên cung cách trong cuộc sống, trong giáo dục âm nhạc cũng đã là linh hồn dân tộc. Đó chính là bản chất  sống, tận tụy của Ông. (DKT)

Công lao đóng góp cho nền âm nhạc cổ truyền dân tộc của Giáo Sư-Tiến Sĩ Trần Văn Khê (từ đây xin phép  dùng từ Ông) trong gần cả đời người, tất cả  chúng ta ai cũng đểu nhận rõ. Đó còn là những lợi ích rất quan trọng, làm  tiền đề dấn thân của  rất nhiều thế hệ  văn nghệ sĩ có tấm lòng thiết tha với  âm nhạc dân tộc.

Với riêng cảm nhận cá nhân, có bốn dấu ấn đặc biệt khi nghĩ về Ông mà có lẽ trong suốt cuộc đời mình  luôn phải ghi ơn và nhớ mãi.

Thứ nhất: Vào đầu  thập niên tám muơi thế kỷ trước, khi mà cuộc sống  còn chật vật với những lo toan trước mặt; thì những buổi nói chuyện của Ông về  niềm tự hào  âm nhạc dân tộc trên sóng truyền hình trắng đen, vẫn có sức lôi cuốn nhiều tầng lớp người dân một cách lạ kỳ. Những lúc ấy Ông đi và về Việt Nam như con thoi chỉ để  hỗ trợ và vực dậy  giá trị  truyền thống  của nền âm nhạv dân tộc. Bắt đầu từ buổi nói chuyện về cuộc thi âm nhạc Châu Á (CIM) do Ủy ban Giáo Dục Khoa Học và Văn Hóa  Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tổ chức. Chính Ông là người  tổ chức thu âm và đưa tiết mục Hát Bội “Yến Phi Long Tiễn Chồng” đến với cuộc thi mang tầm cở châu lục này. Kết quả tiết mục ấy đoạt giải nhất trong số 77 tiết mục của 10 quốc gia tham dự. Sở dĩ Ông chọn tiết mục này gởi tham dự  là vì tình tiết độc đáo và bố cục  nội dung  vỡ diễn. Tuy chỉ có 15 phút âm thanh và chỉ với hai nhân vật, nhưng  gói gọn nhiều chi tiết đặc sắc nhất của một câu chuyện, một vở hát. Đó là nhân vật nữ Phi Long, do cố NSND Năm Đồ (1916 – 1992) thủ diễn, với ba ly rượu tiễn chồng là Ô Hắc Lợi do cố nghệ sĩ Châu Kỷ (1926 – 1991) thủ diễn. Ba ly rượu ấy  có đủ đầy những hỷ nộ, ái , ố. Cười đó rồi khóc đó và rồi mạnh mẽ lên trước mặt chồng  ngày ra trận; đã thuyết phục được  Ban Giám Khào cũng như các quốc gia có tiết mục  tham gia.

Giữa lúc phải chạy gạo ăn từng bữa ấy mà  Nhà Nước cũng không quên trân trọng những giá trị quý báu  của gia sản nghệ thuật dân tộc,  đã hết lòng  hổ trợ, giúp đỡ Ông thực hiện hoài bảo cao quý ấy, nên mới có những thành tựu quả ngọt như ngày hôm nay. Thật vô cùng đáng quý biết bao.

Thứ hai: Trong kho tàng âm nhạc dân tộc  khắp cả ba miến Bắc-Trung-Nam Ông đều có những mối quan tâm, chia sẽ đặc biệt. Nhưng nổi bật nhất là  sự am tường về  âm nhạc  trong nghi lễ Phật giáo (Tán Tụng). Trong những lần nói chuyện Ông không ngần ngại  so sánh  những cách tán tụng của Phật giáo  Trung Quốc với cách tán tụng của Phật giáo VN, và minh họa hết sức sinh động. Điều này  làm tăng thêm niềm tự hào về một  duyên mối của Phật giáo gắn liền với dân tộc trong nghệ thuật.

Phật giáo VN chúng ta bây giờ mới cảm thấy  tiếc nuối  khi suốt  một thời gian  dài, với hàng trăm buổi  nói chuyện như thế của Ông, ở  hội trường, sân khấu hoặc tại các chùa v…v…không nhanh nhạy ghi hình hoặc  tối thiểu ghi âm lại để  trao truyền cho các thế hệ  Phật giáo mai sau. Cũng phải thôi vì Phật giáo VN chúng ta chưa có một đài phát thanh hay truyền hình đúng nghĩa để có thể  thực hiện  được những điều mình mong muốn, quá đáng tiếc biết bao!

Thứ ba: Cách phát âm  của Ông  trong  diễn thuyết hay  nói chuyện bình thưởng, nếu chú ý kỹ chúng ta sẽ thấy sự  chính xác có chủ ý của Ông  rất tinh tế. Ông là người con của Nam Bộ, điều đó chưa quan trọng  bằng cách làm sao để  người nghe không cảm thấy khó chịu về  mỗi lời nói  ngọng nghịu và trật lất chính tả. Là một người sống, học tập, định cư ở nước ngoài  hơn nữa đời người mà Ông không  hề để mất  đặc tính  quan trọng này thì thật đáng kính biết bao.

Như đã nói phẩn thứ nhất trên, có lẽ một phần người ta thích nghe những buổi nói chuyện của ông trên tivi  lúc ấy chính là ở điểm này, và từ đó  dạy bảo em cháu trong nhà  thuận tiện hơn vì  “có chứng cớ” đàng hoàng. Thế hệ chúng tôi  ở lứa tuổi mẫu giáo, và ngay cả khi  ở nhà , mỗi lần phát âm  “ngọng” TR thành CH là  bị vả mồm ngay. Cho nên nếu  trên  các phương tiện truyền thông  không chú trọng điều này thì sẽ rất khó cho  các cô mẫu giáo và gia đình dạy em cháu mình phát âm đúng nhất.

Có nhiều ý kiến cho rằng các Phát thanh viên, Biên tập viên của  phát thanh hay truyền hình nên học tập cách phát âm của Ông. Sự cầu toàn thái quá, không theo một tiêu chuẩn nào sẽ gây  khổ lụy cho không ít  người xem - nghe đài, và đương nhiên trong giáo dục  con cái trong nhà nếu chúng có ngồi cùng xem.

Giáo sư Tiến Sĩ Trần Văn Khê khi phát âm từ TR hay TRUYỀN đều rất rõ. Ngay cái chữ VÀ cũng thế, Ông không nói  theo cách người  miền ngoài mà vẫn  phân từ rõ ràng bằng cách đánh đầu lưỡi  phía trên, khi đến chữ DÀ thì thì lại khác,  để  chiếc lưỡi nằm  sát cầm dưới .v..v… Khi Ông nói “CHƠN Lý” (hoặc chơn chánh) để tránh chữ CHÂN là  chân của chi dưới… Chữ TRƯƠNG nó phải khác chữ CHƯƠNG, Ông  nói rất rõ ràng, không  nhầm lẫn.

Thứ tư: Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê  không phải diễn viên nhưng trong các bộ môn kịch hát dân tộc, thậm chí trong lãnh vực ẩm thực, mỗi lời nhận xét của Ông cũng đều được  trân trọng. Những cách minh họa hùng hồn của ông, những cách thị phạm của Ông cũng  khiến  giới mô phạm  nghệ thuật kính nễ. Cái tâm của Ông đã là của  dân tộc cho nên cung cách trong cuộc sống, trong giáo dục âm nhạc cũng đã là linh hồn dân tộc. Đó chính là bản chất  sống, tận tụy của Ông.

Tất cả những điều đó đã thể hiện trong bản di nguyện của Ông trong những ngày cuối đời  ở bệnh viện. Và hãy cứ nhìn lễ tang Ông, nhìn những người đến viếng linh cữu của Ông, để thấy hết cả cuộc đời cao đẹp ấy.

 

Sài gòn 26/6/2915

Dương Kinh Thành


Tin liên quan:

- Giáo sư Trần Văn Khê qua đời ở tuổi 94

- TP.HCM: Lễ nhập quan GS.TS.Trần Văn Khê