●   Bản rời    

Có Thực Mới Vực Được Đạo

Có Thực Mới Vực Được Đạo

Trần Trọng Sỹ

http://sachhiem.net/TTS/TG/TranTrongSy03.php

23-Oct-2014

Viết ra những giòng này với tư cách một Phật tử, tôi không nhằm tôn vinh hay hạ bệ tôn giáo nào, mà chỉ muốn nhân dịp phân tích tại sao đã xảy ra hai hiện tượng khá nghịch lý như vậy trong cùng một hoàn cảnh xã hội tại VN. (TTS )

LTS: Người Phật tử thường thẳng thắn lên án các thầy tu "mất nết" bên Phật giáo, dù chỉ là "bị hôn", dù chỉ le lưỡi, hay để móng tay dài,... Danh từ như "sư hổ mang" từ xưa đã sẵn có để trừng trị những thầy tu không xứng hạnh. Thầy Thích Thanh Cường trong bài này chẳng những đã bị các Phật tử phản đối và đã bị các phương tiện truyền thông lên án dữ dội, lại còn bị tác giả đem ra tiếp tục "tẩy chay" không chấp nhận một kẻ tu hành bất xứng. Trái lại, người Ki-tô ngoan đạo là những kẻ luôn "tốt khoe, xấu che" và càng "tuyệt đối che" nếu Cha của họ "tuyệt đối xấu" như loạn dâm, hãm dâm, lường gạt, hiếu chiến,...Khi có chuyện động trời nào thì bảo nhau: "Cha làm thì có Chúa phán xét, mình không có quyền phán xét". Thế là êm re, xóm đạo nào cũng "thánh thiện"! Không có báo chí nào động đến ông linh mục nào cả, vì ông nào cũng là "Chúa thứ hai" !

Thỉnh thoảng có chuyện hiếm hoi như Cha Tường như trong bài, biết khôn khéo đem triết lý nhân quả và văn hóa Phật Giáo gán vào lời của Chúa để giảng trong nhà thờ, dạy ăn rau cỏ, dạy thắp nhang cho cha mẹ, cho phép lạy xác chết,... Những điều dạy đầy văn hóa Á Đông đó cộng với sự gần gũi, đơn giản, và thẳng thắn, toát ra từ con người nhiệt thành của ông, được giáo dân yêu mến và ca tụng, nhưng lại là tội phạm của Hội Thánh Vatican! Lúc đầu có nhiều người đã thắc mắc không hiểu vì sao Cha Tường bị Giáo Hội "treo chén" (xem Tìm hiểu sự thật về một linh mục bị vạ tuyệt thông). Qua những phân tích của tác giả Trần Trọng Sỹ cho thấy, chỉ vì Cha "kết" mọi chuyện cho Chúa nhưng không chịu "kết" cho Giáo Hội, đã vậy còn chối bỏ vai trò trung gian, toàn quyền của Giáo Hội nữa.

Xem ra, các giá trị đạo đức của Giáo Hội La Mã "tông truyền" thường đi ngược với xã hội bên ngoài! (SH)

 

Gần đây, trong địa phận tòa giám mục tỉnh Vĩnh Long xuất hiện một vị linh mục thật độc đáo mà có lẽ chưa bao giờ chúng ta được nghe tận tai, được thấy tận mắt những gì ông rao giảng trên các youtube về giáo lý trong Thánh kinh. Tên của ông là Phêrô Nguyễn Văn Tường.

Rồi trong đầu tháng 10 vừa qua bên phía Phật giáo xuất hiện một ông sư cũng độc đáo không kém, nhưng chúng ta không thể tận mắt tận tai nghe và thấy, chỉ có thể đọc các bài báo và hình ảnh để hiểu rõ về một vị 'tu sĩ' mang tên là Thích Thanh Cường.

Lúc mới đọc và xem những youtube hoặc những bài báo về các sự việc này, như thường lệ, tôi vẫn chẳng quan tâm, vì chúng cũng như chuyện rất thường hôm nay cướp của giết người ở nơi này, mai các quan to lạm dụng quyền chức để hà hiếp dân lành ở chỗ nọ, đọc để biết tình hình VN nói riêng, và thông tin của thế giới nói chung vào thời đại cách mạng tin học cho phép 'ngồi ở lều cỏ mà biết hết chuyện trong thiên hạ'.

Tôi xin trình bày về trường hợp thầy Cường trước, vì chuyện của ông này chả khác chuyện trộm chó mất gà, dễ bình luận và cho ý kiến hơn hơn chuyện của vị linh mục.

Vậy xin hầu chuyện cùng quý vị về ông thầy chùa trước chuyện ông linh mục.

Vào ngày 02/10/2014, trên báo Dân Trí có bài viết Xem xét kỷ luật sư thầy “đập hộp iPhone 6” http://dantri.com.vn/xa-hoi/xem-xet-ky-luat-su-thay-dap-hop-iphone-6-950521.htm

Vốn là Phật tử hạng 3, tôi không ưa các 'sang tăng', nên vội lướt vào xem nội dung bài viết, và thấy một khuôn mặt khá quen, tôi nhớ ra đây là vị sư nuôi các em bé mồ côi có bàn tay để móng dài như phụ nữ mà khi nhìn thấy lần đầu trên một youtube về các việc làm từ thiện tôi đã mất ngay thiện cảm mặc dù bản chất của tôi thường hay kính phục những tấm lòng cao cả hy sinh hạnh phúc cá nhân để làm từ thiện, như tôi khâm phục cô Tim Rebeaud, cô Huỳnh Tiểu Hương, sư thầy chùa Bồ Đề, sư cô chùa Từ Ân, sư cô Chùa Diệu Giác...

Sau đó tôi cũng thấy những hoạt động khác của chùa Cương Xá nên dần dần tôi tự cảm thấy có lẽ tôi không nên quá nhạy cảm với bề ngoài.

Cho đến khi cái khuôn mặt ấy xuất hiện lên báo Dân Trí, hình ảnh cũ đập ngay vào trí nhớ của tôi, tôi vội vào mạng truy cập lại hình ảnh vị sư bồng em bé có móng tay dài như phụ nữ. Tôi đã không lầm, chính là ông sư trẻ mà tôi đã tình cờ được xem trên một clip từ thiện có móng tay rất trau chuốt như phụ nữ làm dáng chùa Cương Xá  (https://www.youtube.com/watch?v=JVVpb5VjVRo).

Khi còn trẻ tôi đã từng quen với một vị sư cùng học đại học văn khoa SG cũng để móng tay hơi dài, nhưng chỉ bên phải thôi, còn bên trái thì chai cứng được cắt rất sát, vì thầy chơi đàn guitar classic, nhưng bàn tay của vị sư ấy đối với tôi lại rất đẹp, xương gầy, và đầy tính nghệ sĩ, đi học với chiếc xe đạp cọc cạch, chiếc áo nâu có chỗ bạc đến muốn biến thành màu trắng mà bây giờ sắp được xếp vào danh sách các vật thể sắp biến mất trên trái đất, tuy vậy vẫn rất may là nó còn được phái thiền Làng Mai của sư ông Nhất Hạnh mặc, và dĩ nhiên đối với tôi, không chiếc áo nào đẹp bằng chiếc áo sờn rách bạc màu trên vai của một tu sĩ.

Dưới đây là hình ảnh xuất hiện trên facebook của thầy Cường với những dòng chữ ''được chạm tay vào và mang về 1/9 âm có lộc''. Nghĩa là; trong khi mà dân tộc VN có người ngày làm không ra 50 nghìn để nuôi con ở các vùng sâu vùng xa, có cô gái học rất xuất sắc với thành tích được trúng tuyển vào nhiều trường đại học, mà chỉ vỏn vẹn 5 triệu đồng lệ phí để nhập học đối với gia đình em là một gia tài trong mơ ước; thì ông sư này, không chảy mồ hôi sôi nước mắt, lại sống như đại gia, mua sắm điện thoại xịn mà ngay kỹ sư bác sỹ ở Âu Châu cũng chắt chiu không dám xài, trừ trường hợp vì quá nuông chìu con.

Đọc tiếp báo Dân Trí, ông sư này mua điện thoại vertu đến 600 triệu (30,000 $USA). Với số tiền này, dù sau đó ông từ chối sự việc, có thể xây một chiếc cầu nhỏ bắt qua sông rạch để các em học sinh nhà nghèo được hằng ngày đến trường mà không sợ hiểm nguy trong mùa mưa lũ.

Đọc truyện Tam Quốc Chí, Hoa Hâm khi còn hàn vi, thấy vàng dưới đất thì bốc xem rồi liệng xuống vẫn bị Quản Ninh tuyệt giao và khinh thường. Sau quả nhiên Hoa Hâm theo Tào Tháo bày mưu giết Phục hoàng hậu là người trung nghĩa, như sau:

Hoa Hâm vốn là người có tài danh. Khi xưa cùng với Quản Ninh. Bình Nguyên kết bạn thân với nhau. Người bấy giờ gọi bọn ba người là con rồng: Hoa Hâm là đầu, Bình Nguyên là bụng, Quản Ninh là đuôi. Một bữa, Ninh với Hâm bừa đất giồng rau, thấy một cục vàng, Ninh cứ bừa gạt cục vàng ấy đi, không thèm nhìn đến. Hâm thì nhặt lên xem, rồi mới vất đi. Lại một bữa, hai người đang ngồi đọc sách, bỗng ở ngoài cửa có tiếng hò reo, có một ông quan to ngồi xe đi qua. Ninh mặc, cứ ngồi chững chạc xem sách. Hâm thì bỏ sách, chạy ra xem. Từ đó Ninh khinh Hâm là người hèn hạ, không chơi với nữa.Về sau, Quản Ninh nhân thời loạn, lánh mình ở xứ Liêu Đông, thường đội mũ trắng, nằm ngồi một cái gác, chân không mấy khi bước xuống đất, trọn đời không chịu làm quan với nhà Nguỵ. Còn Hâm thì trước theo Tôn Quyền, sau về với Tào Tháo, đến nay lại có chuyện bắt hoàng hậu.

Ấy đó là Nho giáo mà còn vậy, huống chi Phật giáo mà lại xem trọng vật chất như nhà sư này thì cái dự cảm về đôi bàn tay có ngón trau chuốt của tôi quả đã ứng nghiệm. Chỉ cầm vàng lên xem mà có thể biết được tính tham trong con người, đằng này chụp hình lên facebook sử dụng điện thoại Vertu hơn nửa tỉ đồng thì cái lòng tham Hoa Hâm của ông sư này phải được nhân trăm.

Ông sư này không vô danh, ông ta kiêm chức trụ trì chùa Cương Xá, chức trưởng ban trị sự giáo hội Phật giáo huyện Tứ Kỳ và hình như còn nằm trong ban trị sự giáo hội PG tỉnh Hải Dương.

Dưới đây là hình ảnh ông sư này đăng lên facebook :


Nhưng với bức hình sau đây mới thấy tính cách dâm đãng hiện ra với khuôn mặt thịt của ông sư trẻ đầy nhựa sống cần hoàn tục này:

 

Người đọc báo Dân Trí bình luận rất gắt gao về ông sư này, và gần như mọi người đều nhất trí yêu cầu lột áo trả ông lại với đời thường. Đọc sâu và kỹ những bình luận thì lại được biết là Phật tử đã chán ngán và rất ác cảm với các sư đi ôtô, đi xe tay ga hoặc SH sang trọng, như các kinh sư ở Huế.

Bài báo đăng lời tuyên bố của Hòa Thượng Thích Quảng Tùng ngày 02/10 như sau:

“Ban trị sự chúng tôi muốn thông báo rõ là Đại đức Thích Thanh Cường hiện nay không còn giữ cương vị Chánh văn phòng trong Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương và ông này cũng đã không có tên trong Ban trị sự Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ 2012 -2017, cho đến khi xảy ra sự việc gần đây nhất là sử dụng điện thoại đắt tiền, tung hình ảnh phản cảm như công luận đã nêu”  

Hòa thượng Thích Quảng Tùng cho biết thêm, thường trực Ban trị sự đã họp bàn và “quyết định” bãi miễn chức Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Tứ Kỳ và cảnh cáo trước toàn Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương đối với nhà sư Thích Thanh Cường.

Nhưng lạ lùng thay, ngay sau đó, cũng vị Hòa Thượng này lại tuyên bố như sau :

“Do nhà sư đã làm được nhiều việc tốt nên BTS đã thống nhất vẫn để Đại đức Thích Thanh Cường tiếp tục giữ chức trụ trì chùa Cương Xá”, thầy Thích Quảng Tùng cho biết thêm.

Thông tin mới nhất sau cuộc họp chiều nay 2/10, do thầy Cường đã nhận khuyết điểm, hứa sẽ tu dưỡng tốt nên Ban trị sự quyết định rút bãi miễn cách chức Trưởng Ban trị sự Phật giáo huyện Tứ Kỳ.

Vậy là trống kèn phèng la đánh inh ỏi lúc mở màn kịch, nhưng khi kéo màn lại thì gần như rằng màn kịch chưa được diễn bao giờ!

Ông Cường đòi kiện Hòa Thượng Quảng Tùng vì ngài dọa cách chức ông, như sau:

Báo Người đua tin ngày 02/10 đưa tin:

''Đại đức Thích Thanh Cường nói: “Tôi làm ô danh giáo hội cái gì? Tôi ăn trộm ăn cắp gì? Tôi nuôi 2 trẻ mồ côi. Trong phòng tôi chỉ có chiếc giường, xe máy không, xe đạp không, thỉnh thoảng đi đâu tôi đi taxi. Tôi có cái điện thoại Nokia và iPad để dùng thôi…”.

Nhà sư Thích Thanh Cường cho biết đang đề nghị luật sư kiện Đại đức Thích Quảng Tùng về phát ngôn này bởi ông Cường cho rằng mình không vi phạm gì, khi chưa hỏi rõ ràng, sư Tùng đã tuyên bố “cách chức”..

Nói về việc mình lập nhiều Facebook cá nhân và đăng tải các thông tin về đời sống cá nhân, sư Cường cho biết, hiện nay Trung ương giáo hội Phật giáo có một Ban Truyền thông, nghĩa là rất coi trọng việc tuyên truyền. Nếu nói với nhau thì chỉ một người nghe thấy còn đưa lên Facebook có nhiều nghìn người theo dõi thì nhiều người được truyền bá đạo Phật.

“Tại sao thầy có 5.000 người bạn, có 54.000 người theo dõi? Tức là một con người rất nổi tiếng. Tôi không phải hot ở iPhone mà nổi tiếng ở tư cách”, sư Cường khẳng định và cho hay, đây là lần đầu tiên ông gặp sự cố khi đăng thông tin lên Facebook, còn trước đó toàn các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo.

“Thầy có 9 huy chương, kỷ niệm chương, 45 bằng khen, huy chương. Chưa có ai nhiều thành tích như thế ở Hải Dương. Mình phải hoạt động xã hội như thế nào mới được thế chứ?”, sư Thích Thanh Cường tự hào.''

Chỉ riêng lập luận rẻ tiền này cũng có cái gì không trôi chảy. Tự mình đăng clip khoe có lộc iphone 6 được tận tay chạm vào và đem về ngày 01/09 âm lịch, sao ở đây ông lại nói tôi có cái điện thoại Nokia, xe đạp không, xe máy không.....

Hãy xem ông sư này khoe đập hộp iphone 6 với đôi bàn tay đồng bóng đầy móng nhọn trau chuốt như phụ nữ sau đây:

http://www.meme.vn/video/video-su-thay-dap-hop-iphone-6-gay-xon-xao-gWcekER1IZ

Ông Cường phạm quá nhiều giới cấm Phật môn cùng một lúc: giới vọng ngữ khi nói mình chỉ có Nokia, không xe máy không xe đạp, xài tiền thập phương tín để mua Iphone 6, tức là không giữ giới trộm cắp, không được sở hữu tiền bạc, mà ông lại có quá nhiều.

Ông khoe có 45 bằng khen, 9 huy chương...thực hư chưa biết, nhưng cho dù nếu có, thì cơ quan nào cấp phát những thứ này cho ông chắc là do đút lót hoặc có đầu óc không mấy bình thường. Sự khoe khoan này không bao giờ được thấy nơi một người thế tục có liêm sỉ chứ chưa nói là nó lại có thể phun ra từ miệng một nhà sư, nên điều này lại càng tố cáo tính ham danh trục lợi của ông Cường, làm nhơ nhớp thêm hình ảnh của tu sĩ Phật giáo mà trước hết là chính cá nhân của Cường.

Bây giờ tôi xin hầu chuyện cùng quý vị về vị linh mục trẻ Phêrô Nguyễn văn Tường.

Vị linh mục ?

Điều này có lẽ ngược lại với cách gọi 'ông sư' khi nói về ông Thanh Cường, và cũng ngược với những gì tôi thường viết về Catô Rôma giáo. Nhưng Thánh kinh cũng có câu rất hay:

Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.
Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.(Gioan 16:12-13).

I have much more to say to you, but you are not able to grasp it now. When the spirit of truth comes, he will guide you into the whole truth. He will not speak on his own but will tell you what he has heard. He will tell you what is to come. (John 16:12-13)

Bỏ qua tính cách thần bí trong cách dùng từ và cách diễn đạt, cứ hiểu một cách nhẹ nhàng Thần khí sự thật chính là nắm bắt thực tại, mà thực tại thì không bao giờ chen tạp bất cứ điều gì của tư riêng ích kỷ, không chia cắt, không trước sau hay thêm bớt và dĩ nhiên chẳng liên hệ gì đến giáo điều của tôn giáo. Nắm bắt được thực tại thì cánh cửa tự do sẽ mở ra, và dĩ nhiên, ngay khoảnh khắc ấy, trí tuệ vỡ bùng.

Thỉnh thoảng ta vẫn có thể tìm trong Thánh kinh cái hay cái đẹp của Kitô nguyên thủy như vậy.

Tôi cố tình trích câu kinh Gioan trên để giới thiệu một câu chuyện có thực về một vị linh mục dạy con chiên ăn chay, không sát sanh và tôn trọng luật nhân quả, tương phản một cách đậm nét ngược lại hình ảnh ông sư chính tông Phật môn mà lại có những hành vi làm hoen ố thanh danh Phật Đà.

Nếu xét về thể hình thì cha Phêrô vừa trẻ vừa đẹp trai hơn sư Cường rất nhiều.

Chuyện như thế này: tôi rất thường xem youtube về các chương trình từ thiện như Khát Vọng Sống, Ngôi Nhà Mơ Ước, Bếp Yêu Thương, Vượt Lên Chính Mình. Các sư cô nuôi trẻ khuyết tật và mồ côi, tình cờ một hôm xuất hiện một video có tựa đề « Cho Bắp, Bầu, Rau Muống, Cha Phêrô Nguyễn Văn Tường, Nhà Thờ Thành Thới », tôi click vào xem vì nghĩ là công tác từ thiện, những có vẻ như không phải. Xem chưa được bao nhiêu, tôi lại thấy một clip khác với nhan đề: « Lời Trần Tình Cuối Cùng Của Cha Tường - Tâm Tình Giáo Dân - Ý Kiến Chính Quyền Địa Phương » tôi vào xem mới biết linh mục Tường bị 'treo chén' và bị trả về đời thường. Tôi thấy rất nhiều giáo dân khóc sụt xịt, và một không gian buồn rũ rượi trong buổi nói của vị linh mục trẻ mang kiếng cận đặc biệt có mái tóc dài như mái tóc trong hình Chúa.

Cha Tường đã tường thuật về gia thế nghèo nàn của mình từ thuở thơ ấu đến khi học xong phổ thông, khi cha đã chết và các người anh chị em khác đã lập gia đình ra riêng, ông đã ở với mẹ già và người em gái nhỏ, đã từng bắt ốc bắt cua, nuôi vịt lấy trứng bán để phụ mẹ nuôi gia đình. Như vậy cha Tường nằm trong nhóm hình ảnh mà tôi thường xem qua các phóng sự từ thiện được nhắc đến ở trên.

Ông cha này bị treo chén, mà theo tôi, là vì ba nguyên nhân chính sau đây:

  • Cuộc sống quá thánh thiện so với đời sống của tăng lữ trong giáo hội Catô Rôma trên toàn thế giới, đặc biệt là VN, những nơi mà chính giáo dân Thành Thới cùng với cha Tường tố cáo. Do có cuộc sống khá đạo đức, cha đã có cái ngã cách xa cọng đồng tu sĩ trong giáo hội, và đôi khi, cha hứng chí thách thức họ trong lúc rao giảng.
  • Rao giảng Thánh kinh theo điều mà cha tự cảm thấy đúng với giáo lý, như khuyên giáo dân phải ăn chay trường, mà theo cách của ông gọi là ''ăn cây cỏ mang hạt giống'' như sách Sáng Thế Ký dạy. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề giáo lý một cách chi tiết hơn.
  • Phủ nhận sự thống trị của giáo hội, và cho rằng con người có thể được mạc khải trực tiếp với Thiên Chúa không thông qua hội Thánh.

Đúng ra nếu LM Tường chỉ sống thanh bạch riêng cho mình và dạy giáo dân ăn chay hoặc làm phước thì cũng ít làm người ta sốc, đằng này ông muốn cả giáo hội Rôma phải thay đổi cách hiểu về đức tin, về kinh Thánh; phải tu theo cách của ông, như ông, ngay cả giáo hoàng!

Mà cách của ông là làm đúng lời Chúa dạy, việc đầu tiên là không được ăn thịt động vật, sau đó thì không uống rượu say sưa, phải siêng năng lo cho giáo dân, không gái gú cờ bạc hút sách và thậm chí không được đá gà (nghe tới đó tôi phì cười, chắc có cha nào đó đi đá gà mà ông biết).

Tôi không xem hết những clips giảng đạo của cha Tường, chỉ xem chừng 4,5 clips, tôi tạm đưa ra những nhận xét về giáo lý mà cha Tường rao giảng sau đây, nếu có gì thiếu sót, mong cha tha thứ :

● Ăn cây cỏ mang hạt giống mà không ăn thịt động vật, nói nôm na là ăn chay như bên đạo Phật, và đó là điều Thiên Chúa dạy trong Sáng Thế Ký: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất." Thiên Chúa phán: "Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. (STK1:28-30).

[SH bổ túc -nhưng Cha Tường không giải thích ý nghĩa chữ "quản trị" ở câu 28: Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất.]

● Sự cứu chuộc của Chúa không phải do mạc khải và tha thứ là hết tội. Không ai có quyền tha tội cho ai, vì chính Chúa Giêsu cũng phải làm gương chịu chết trên Thập giá để chịu tội vì đã làm phép hóa bánh cho 5000 ngàn người ăn (lời cha giảng), vậy ngài không thể tha tội cho người khác, mà chỉ giảng dạy và làm gương soi sáng. Con người, hay anh em theo Chúa, phải tự biết tha lấy tội lỗi của chính mình, đó là sống đúng với sự dạy dỗ của Chúa. Có lúc cha lại giảng Chúa Cha và Chúa Con có quyền ban phước giáng họa, nhưng các ngài không lạm quyền, mà bắt buộc mọi người phải tu để đi qua cửa hẹp.

● Nơi nào có chân lý, nơi nào thờ phụng Chúa trong thần khí và sự thật thì nơi đó có Chúa chứ không phải toà giám mục hay nhà thờ Đức Bà

● Thánh Phêrô không có quyền tha tội cho ai, ông ta chỉ có quyền tự tha tội cho chính mình mà thôi, bởi vì ngay lúc Giêsu rao giảng về ngài là ai thì chỉ mình Phêrô hiểu được Giêsu là con của Thượng Đế (kiểu như Niêm hoa vi tiếu của Ca Diếp bên Phật giáo). Cho nên, nếu ai cũng nhận chân được Chúa là ai như Phêrô, thì người ấy cũng như Phêrô, có được chìa khóa vào thiên đàng.

● Khi Phêrô không còn quyền tha tội và ban phúc, cha Tường đã đồng thời phủ nhận vai trò trung gian của giáo hội La Mã, trả lại sự thức tỉnh và tự cứu chuộc cho chính con Chúa bằng vào sự thực hành giáo lý (hành đạo). Chính vì vậy, trong cuộc họp mà tòa giám mục Vĩnh Long mời cha Tường lên để tra vấn, một bề trên của giáo hội địa phương đưa ra câu hỏi cha có muốn thành lập một giáo hội mới hay không. Cha Tường cho rằng giáo hội La Mã chỉ là phàm nhân, ngay cả giáo hoàng.

● Không chấp nhận đức tin thiếu hiểu biết. Nhiệt thành năng động mà thiếu hiểu biết đồng nghĩa với phá hoại. Đức tin không hiểu thì sẽ không biết đi về đâu (Clip Bóng Chiều Tà ).

● Từ lâu giáo hội dạy không tin vào nhân quả, vì Chúa trời đứng trên cả nhân quả, nhưng linh mục Tường dạy giáo dân đó là sai lầm, không gì có thể thoát khỏi nhân quả, dựa trên câu kinh kẻ nào sử dụng gươm sẽ chết vì gươm, Ai gieo gió sẽ gặt bão. Nên nhớ lý nhân quả là một trong những giáo lý cơ bản của Phật giáo, kinh Pháp Hoa có câu, như thị nhân như thị quả, không sai chạy đâu được.

● Phá ngã chấp (Clip Xuân đến xuân đi). Có lúc phá ngã chấp là không tự cao tự đại, nhưng hầu hết lại mang ý nghĩa không chấp tội kẻ khác, kiến thủ, giới cấm thủ. Cha còn giảng rằng, từ giáo hoàng trở xuống, ai không có 3 điều : tuyệt đối tin Chúa, tuyệt đối tin nhân quả, tuyệt đối phá ngã chấp là tiên tri giả.

● Xem vật chất phù du như huyển mộng, vì cuộc đời không đợi ai, khi vô thường đến rước thì đã quá trễ cho nên phải gấp tu. Chữ dùng của cha Tường trong Clip Bóng Chiều Tà (# phút 23:50). Lo hơn thua sự đời, lo công danh lợi lộc, đời mất Chúa rồi (Clip Cạm Bẩy Cuộc Đời). Ngoài từ vô thường, cha Tường còn sử dụng từ bi, và nói rằng từ này cũng của đạo Chúa. Trong clip Gieo và Gặt cha không ngần ngại sử dụng từ bố thí. Cha khuyên nên gieo trồng phước báu. Chúng ta không nên tranh luận về nguồn gốc các từ này, nhưng có lẽ ít ai có thể từ chối rằng, ngay cả văn học Trung Quốc cũng đã chịu ảnh hưởng lớn từ văn học Phật giáo.

Nói chung, những giảng dạy của cha Tường, theo cái nhìn của một người theo đạo Phật thì không có gì mới, cái mới mẻ mang tính cách mạng chính là chúng được giảng dạy trong nhà thờ từ miệng một vị linh mục trẻ.

Điều làm tôi ngạc nhiên nhất trong Video Trả Lại Sự Thực, chính là cha chiếu cho giáo dân xem sư cô Hương Nhũ đang thuyết trình về đề tài Trái Tim Rộng Mở, sư cô không phủ nhận Chúa tạo ra loài người, còn nhấn mạnh rằng Chúa chỉ tạo ra điều tốt chứ không tạo điều xấu, cha Tường cũng đồng ý với sư cô. Dĩ nhiên khi được mời thuyết trình trước chức sắc Catô giáo, chẳng lẽ sư cô Hương Nhũ lại nói xấu về Chúa. Nhưng mục đích của cha Tường khi cho giáo dân nghe sư cô Hương Nhũ là để tán dương một vị cha người Pháp sống ở Di Linh, nơi sư cô hình như sinh ra và khôn lớn. Đó là cha Jean Cassaigne lập ra trại cùi ở Di Linh và chết vì bị lây bệnh cùi ở đó, sư cô khen cha Cassaigne có trái tim Bồ Tát.

Điều ngạc nhiên kế tiếp, cũng trong Video này là cha cho giáo dân nghe thầy Thích Chân Quang giảng dạy về Chúa Giêsu. Thầy Chân Quang giảng kinh Thánh, thầy khen Chúa mới 13 tuổi đã tỏ ra xuất chúng, siêu việt. Thầy cho rằng Chúa Giêsu đã làm cách mạng chuyển hóa những ác độc của Cựu Ước răng đền răng mắt đền mắt thành Tân Ước đầy tính nhân văn và từ ái, đưa Thượng Đế đi vào lòng con người thay vì là một thần linh xa cách. Thầy khen Chúa dùng nhiều phép lạ, có thần lực cứu nhiều bệnh, phán biển yên thì biển phải yên. Thầy có vẻ cũng rất thích thú và khâm phục các phép lạ, như khi diễn đạt Chúa hóa phép thổi người tốt về trời và hô biến người xấu xuống hỏa ngục... Thầy giải thích về cách Chúa lau chân cho tông đồ và rao giảng tình yêu của Chúa đối với nhân loại kêu gọi tông đồ phải yêu thương mọi người và kết luận đạo Chúa có giáo lý cao siêu độc đáo. Cha Tường thỉnh thoảng khen ngợi thầy Chân Quang với con chiên, rằng bên Chúa có dám khen bên Phật như thầy Chân Quang đang khen Chúa hay không. Thầy Chân Quang còn giảng về Tuệ giác, về thuyết luân hồi trong Thánh Kinh và cho rằng nếu không có sự xuất hiện của Constantine lập ra đạo Công giáo như  một thế lực chính trị cực kỳ tinh vi có tổ chức chặt chẽ như một đế quốc thì tôn giáo của Giêsu có thể đã tạo ra hòa bình trên thế giới.

Cái ngạc nhiên cuối cùng là cũng trong Video clip Trả Lại Sự Thực, cha đã cho giáo dân nghe ông Bùi Hữu Dược, vụ trưởng vụ Phật giáo ban tôn giáo chính phủ, nói chuyện tại Chùa Quan Âm Bình Dương đề tài Vài Nhận Xét về Phật giáo. Ông BHD đã nhắc lại hai sự kiện trọng đại mang tầm vóc         văn hóa toàn cầu, đó là vào ngày 15-12-1999 tại hội nghị thứ 54 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Phật Giáo được bầu làm tôn giáo tiêu biểu, và ngày hòa bình thế giới được chọn là ngày đức Phật Đản Sanh. Sự thực này bên Thiên Chúa giáo ít ai dám nói cho dân Chúa nghe, nhưng cha Tường đã đưa ra trong buổi giảng, và còn nhấn mạnh rằng không phải tự Phật giáo bầu cho mình, mà cả nhân loại đều bầu cho Phật giáo, và quay lại tự trách cùng với giáo dân rằng, nếu Thiên Chúa giáo không được bầu, dù được thầy Chân Quang và sư cô Hương Nhũ ca ngợi hết lời như vậy, là do ''các ông nhà mình ngủ gục và lo ăn nhậu, nhất là ăn nhậu''.

Tôi không cùng một nhận định với cha Tường về lý do quá tiểu tiết mang tính cá nhân tiêu cực này, mà cho rằng, có lẽ cha Tường không biết, tôi nói có lẽ, rằng lịch sử của giáo hội La Mã từ lúc được Constantine đưa lên làm quốc giáo cho đến ngày nay với lời xưng thú về bảy núi tội của giáo hoàng Gioan Phaolồ II.

Khi tôi xem đĩa giảng này của cha thì tôi đã nghĩ rằng cha bị tòa giám mục Vĩnh Long đuổi không oan, vì một đàng là đức tin mù quáng nô lệ và một đàng là đức tin có tự do lựa chọn. Tư tưởng của cha Tường quá cách mạng đối với giáo hội La Mã luôn chỉ muốn hạ nhục các tôn giáo khác biệt, đừng nói Phật giáo, ngay cả Tin Lành cũng được xem như kẻ thù không đội trời chung. Chúng ta có thể đọc được sự tàn bạo, quỷ quyệt và hung ác này qua lời thề của Dòng Tên mà đại diện của Dòng tu này lại chính là đức đương kim Giáo Hoàng (xin lỗi cha Tường, tôi chỉ đành nói sự thực, không hề có tâm muốn nói xấu giáo hội khi viết bài này, xin cha hãy đọc http://sachhiem.net/SACHNGOAI/HoangKhoi.php).

Mặc dù giảng kinh Thánh và tán thán Giêsu, nhưng nội dung các bài giảng của cha là tu theo thập thiện của đạo Phật, ăn chay, giữ năm giới, bố thí, làm việc thiện, thương yêu chúng sanh. Ngoài ra nếu phá được ngã chấp, thì cha đã thực sự đạt được tuệ giác vô thượng của Phật đà (vô ngã tức niết bàn).

Chỉ cần 3 điều mà tôi nêu ra ở trên đủ để cha bị mất phép thông công chứ chưa cần tới các phê phán, khiêu khích và thách thức giáo hội trong hầu hết các đĩa giảng của cha.

Giáo hội không thể chịu đựng được cha, nhưng tín đồ thì rất yêu thương cha, họ cho rằng cha mới thực sự là mục tử xứng đáng mà Chúa ban cho họ, nên ngày giáo hội đến để tuyên bố rút phép thông công của cha, giáo dân đã phẫn nộ lên án giáo hội, đến nỗi các chức sắc giáo phẩm hàng tỉnh không dám ngồi lại nghe dân trình bày mà cùng nhau lẳng lặng ra xe hơi ''rất sang trọng'' bỏ về như những kẻ trộm, mặc cho dân nài nỉ kêu ca https://www.youtube.com/watch?v=W9wePxSbnAI.

Báo UCAN VIETNAM ngày 20/6 đăng một một số chi tiết đáng suy gẫm:

“Tại sao các cha không dám nghe chúng tôi nói?” các giáo dân hỏi. “Tại sao không xử lý những linh mục có quan hệ với phụ nữ hay dùng tiền giáo dân quyên góp đem cho các phụ nữ của họ?” một nữ giáo dân hét lớn tiếng.

Tôi thích thú nhất là không khí đầy yêu thương của nhà thờ nơi cha giảng đạo, đặc biệt kiểu giảng dành cho các học trò nhỏ với lối nói bỏ lửng chữ cuối để học trò lắp vào. Trong clip Bóng Chiều Tà các em gái nhỏ còn tỏ ra rất năng động hát vang và trả lời cha bằng chất giọng ngây thơ hồn nhiên trong sáng làm một người rất ít có cảm tình với đạo Chúa từ lúc đọc sách vở của Charlie Nguyễn như tôi cũng cảm thấy nhà thờ Thành Thới Bến tre trở nên thân thuộc dễ mến.

Thú thật, tôi không biết người khác nghĩ gì, riêng tôi, nếu cha nào người VN cũng như cha Tường, không tự tôn, biết tương kính các văn hóa khác biệt, không nghe giáo lệnh của Vatican, thì sachhiem.net sẽ rất ít người đọc, và dần dần người Việt sẽ quên đi danh hiệu bán nước cho giặc Pháp. Nói đến đây tôi nhớ lại lời của cha Tường mà suýt phì cười, trong một clip nào đó, cha nói rằng con Chúa được quyền lạy ông bà tổ tiên, và thanh minh vì sao có lời đồn Công giáo cấm đốt nhang và thờ lạy ông bà là vì ''thằng Tây nó không biết lạy''.

Ảnh hưởng của cha Tường rất lớn trong hàng ngũ giáo dân tại VN, nhất là đối với những ai đã từng đến nhà thờ Thành Thới Bến Tre. Tôi cảm điều này qua các bình luận. Tất cả các đĩa trên youtube của Cha Tường đều có bình luận, nhưng dân Chúa gần như không một lời chưởi rủa văng tục với các lời bàn vào của Phật tử nếu đem so các youtube khác khi có dịp bàn luận về hai tôn giáo lớn nhất VN. Đây là một dấu hiệu rất tích cực mà tôi không hiểu ban tôn giáo tỉnh Vĩnh Long có nhận biết được hay không, khi họ cùng với tòa GM Vĩnh Long đến đuổi cha Tường ra khỏi nhà thờ.

Cha Tường, với cách giảng dạy của ông, sẽ làm giảm bớt hiềm khích tôn giáo vốn đã ăn sâu vào xã hội VN từ lúc Alexandre de Rhodes có mặt tại VN cho đến nay. Một tâm hồn như vậy rất cần thiết cho VN, cho sự đoàn kết dân tộc, cho sự cởi bỏ ảnh hưởng trực tiếp của Vatican, cho một văn hóa có thực chất đạo đức đi vào lòng người của kinh Thánh Phúc Âm. Tiếc thay cha trẻ và kém kinh nghiệm quá, lộ liễu sớm quá, tạo khác biệt sớm quá, trong khi thực tế là phải biết ẩn mình, nhập giang tùy khúc, tiềm long vật dụng, đợi cho uy tín lên cao đến đẳng cấp quốc gia, lúc ấy mới bắt đầu hô hào đổi mới thì làm sao ai dập tắt được.

Đó là những gì đã xảy ra trong bối cảnh tôn giáo tại VN trong một vài tháng của năm 2014; một bên là ông sư khá trẻ thích xa hoa đàng điếm (hình le lưỡi trên facebook đủ chứng tỏ đĩ tính của vị sư, ngay người trần tục còn rất xấu hỗ không dám chụp một tấm hình như vậy- loại hình này chỉ thường thấy nơi các cô người mẫu tình dục trong tạp chí playboy; một bên là vị linh mục khả kính, chín chắn tu hành, trường chay khắc khổ, cúi mình rửa chân cho giáo dân https://www.youtube.com/watch?v=oEqMvy79St4 và tha thiết mong dân tu hành theo lời Chúa mà nội dung được soạn thảo không khác đạo Phật.

Viết ra những giòng này với tư cách một Phật tử, tôi không nhằm tôn vinh hay hạ bệ tôn giáo nào, mà chỉ muốn nhân dịp phân tích tại sao đã xảy ra hai hiện tượng khá nghịch lý như vậy trong cùng một hoàn cảnh xã hội tại VN.

Xin mở dấu ngoặc nhỏ về các hoạt động từ thiện của ông Thanh Cường. Những việc làm của ông đáng khen, nhưng chúng chỉ có giá trị thực sự nếu không có sự lạm dụng tiền bạc cho cuộc sống riêng tư của ông. Dân bình luận trên báo Dân Trí hầu như ai cũng cho rằng tại sao họ phải đầu tắt mặt tối làm ăn không đủ sinh nhai, chi bằng vào chùa cạo đầu làm sư mặc sức mà xài bạc tỉ và rượu chè gái gú đầy đủ. Chỉ bấy nhiêu bình luận là Tam Thế Phật mắc hàm oan rồi thưa ông và xin thưa luôn cả với ban tôn giáo nơi ông trụ trì. Nếu ông Cường thực sự có tài, hãy trả áo nhà Phật, rồi muốn nuôi trẻ hay làm từ thiện và nếu được bằng khen thì ông có mọi quyền hạn thế tục. Chừng nào mà  ông còn khoát pháp y của Như Lai thì ông nhờ vào oai đức của Phật mà có tiền, đừng hợm hĩnh về tài năng của mình.

Nếu xét về giới luật của tì kheo so với linh mục thì 250 giới bên Phật khó thực hành hơn các điều răn mà Chúa dành cho mục tử rất nhiều.

Chỉ riêng việc cạo đầu và không được mặc thường phục là đã khó làm, chưa nói đến không được nhậu nhẹt rượu thịt gái gú say sưa thậm chí không được giữ tiền bạc, phải ăn mặc sô gai hoại sắc vi phục.

Bên Chúa cho ăn thịt, uống rượu, quần áo sang trọng, lên xe xuống ngựa, người hầu kẻ hạ. Chỉ cần tạm cổi chiếc áo dòng là có thể sống một vài khoảnh khắc của một người đàn ông như mọi đàn ông khác.

Vậy thì đệ tử Phật phải quen với tịnh hạnh khắc khổ hơn môn đồ Chúa xét theo bản chất.

Nhưng qua hai hiện tượng đã xảy ra ta có cảm tưởng ngược lại, cha Tường là thầy, còn thầy Cường lại là Cha.

Không thấy hình cha Tường mặc thường phục ăn chơi, dù cha có nhiều điều kiện để ăn chơi; như có xe hơi, có tiền, tuổi trẻ, khá đẹp trai, đầu tóc dài lúc giảng kinh tựa như chúa, bước vào vũ trường lại bồng bềnh như sao Hàn, cùng với tài biết ăn nói; mà lại thấy nhiều hình ảnh phản cảm mà chính thầy Cường tự đăng lên Facebook le lưỡi, mặc quần áo quân sự, đi chơi thể thao như đại gia, ăn xài sang trọng trước mặt quần chúng. Từ đó ta suy ra, mà sự suy luận rất logíc, sau lưng quần chúng e rằng say sưa nhậu nhẹt gái gú không thể thiếu. Câu hỏi nên đặt ra với ông Cường là, ông hám đời như vậy, sao ông lại cạo đầu làm sư?

Một bên phạm Phật giới nặng nề tuy bị thổi còi inh ỏi nhưng không hề bị chế tài, một bên thiết tha tu tập rao giảng lời Chúa lại bị đuổi. Điều này chẳng phải là hai hiện tượng tuy mang tính cá biệt, nhưng biểu hiện thành hai thái độ mang tính phổ quát của hai giáo hội và hai thời kỳ suy thịnh rất tương phản: Công giáo rất nghiêm mật trong việc vệ đạo, Phật giáo lại rất lỏng lẻo trong việc hành xử nội bộ, mạnh ai phất cờ được thì phất, và người phất cờ mỗi người có mỗi cách rất riêng. Phật giáo hình như đang thịnh, ít ra là bề mặt; và Công giáo dù có bề mặt rất thể thống còn sót lại từ thời Pháp, lại rất suy vi ở bên trong.

Sự cường thịnh của Phật giáo được thể hiện qua cách ăn xài của thầy Cường nói riêng, các sư sãi sử dụng ôtô, SH hoặc điện thoại xịn bay bướm ra đường nói chung. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng rất khó so sánh cách sống của đôi bên, các chức sắc bên CG ra đường không ai biết.

Vì sao mà tôi cho rằng PG cường thịnh?

Kinh tế là dấu hiệu tiêu biểu nhất cho thấy sự cường thịnh của các đơn vị xã hội, từ gia đình, tổ chức doanh nghiệp cho đến quốc gia.Thói đời nếu kiếm tiền dễ quá thì tiêu xài cũng dễ, từ đó phát sinh xa hoa lãng phí và các tệ nạn làm băng hoại: con cái gia đình giàu, các quan tham ô, và cuối cùng là tu sĩ bị hủ hoá của các tôn giáo. Khi tôn giáo sở hữu nhiều vật chất cũng cho thấy đời sống xã hội khá sung túc, vì tôn giáo được nuôi dưỡng từ vật chất của quần chúng và biểu hiện được mức sung túc của quần chúng. Tới đây ta sẽ rùng mình mà nhớ đến sự giàu có của quốc đảo Nauru và sự ăn xài phung phí đã biến dân tộc này thành một xã hội béo phì và phá sản vào bực nhất thế giới đến nỗi ngày nay gần như chỉ còn biết sống nhờ trên sự thương xót của nước Úc. Có thể nói rằng, nước VN đang trong giai đoạn giàu có nhất từ khi lập quốc.

Hãy về quê đi vào vùng sâu vùng xa, ta sẽ thấy VN quá nghèo, nghèo đến độ không thua những người sống lênh đênh trên Biển Hồ ở Campuchia, nhưng nếu đi dọc theo xương sống của nước VN, qua các vùng miền trên các quốc lộ hay sông ngòi có lưu lượng kha khá, nhìn sự khang trang bề thế của chùa chiền đình viện, các Thánh đường và nhà thờ hoành tráng, ta có thể khẳng định rằng VN không nghèo, nhưng sự phân chia lợi nhuận quốc gia không được hợp lý và thiếu công bình. Vào thời VNCH còn có nhà thờ hoặc chùa bằng cây và tranh đơn sơ, ngày nay những cơ sở lợp tranh là những kiến trúc thời thượng của các địa điểm du lịch thu hút nhất. Ngôi nhà thờ rất khiêm tốn ở Thành Thới Bến Tre của cha Tường, theo như lời cha, nó nằm ở vùng sâu và xa, nhưng cũng xinh xắn và khang trang, và người dân đến nghe giảng cũng có người khá sung túc chứ không đến nỗi nghèo như chính cha Tường khi chưa làm linh mục.

Dài dòng như thế để vẽ ra bức tranh cường thịnh của hai tôn giáo lớn nhất VN, dù vẫn bị các tổ chức chống vô thần bên Mỹ chưởi rủa không ngớt rằng nhà nước đàn áp tôn giáo.

Tuy nhiên, cái bề ngoài ấy vẫn có những ẩn số khó đọc.

Tại sao ông Thanh Cường vẫn nhởn nhơ tiếp tục nắm giữ những vai trò quan trọng của Phật giáo ở tỉnh Hải Dương sau những scandal ầm ĩ như vậy?

Hay là ông Cường đã đút lót cho cả giáo phẩm Phật giáo lẫn ban tôn giáo nhà nước? Dám bỏ ra 600 triệu để mua điện thoại Vertu, thì nhằm nhò gì mà ngài Thanh Cường không dám xài bạc tỉ để đút lót cho mọi việc được trôi chảy? Nhất là đút lót lại đang là trào lưu văn hóa lớn của cả một thời đại.

Nhưng câu hỏi được đặt ra là: chẳng lẽ Phật giáo không lo sợ áp lực của quần chúng?

Hãy khoan trả lời câu hỏi này trước khi phân tích tình hình của giáo hội Thiên Chúa.

Phật giáo thịnh thì Công giáo phải suy, như lúc xưa Nho giáo thịnh thì Phật giáo phải ẩn về chốn thôn dã. Chỉ khác một điều, Công giáo là một tôn giáo quá lớn, không phải ở VN, mà đã mọc rễ gần 2000 năm ở Âu châu và hơn 400 năm ở Bắc Mỹ, cho nên, dù nó có suy yếu, với một di sản đồ sộ theo thời gian và biên giới như vậy, sự tàn lụi của nó nếu có, cũng phải mất ít nhất 500 năm tính từ cách mạng Pháp 1789.

Công giáo VN dù suy yếu vẫn giữ được phong độ và bề thế của ngày xa xưa thực dân Pháp và các chính quyền Nam triều để lại, cọng thêm với quyền uy và nhất là tài chính của giáo hội La Mã không ngừng trợ giúp. Vậy làm sao đo được mức độ suy yếu của giaó hội La Mã tại Việt Nam?

Con tàu lớn khó thấy được chỗ nứt nhỏ, nhưng qua câu chuyện của linh mục Phêrô Nguyễn Văn Tường, ta có thể thấy được những chiếc lỗ rất li ti báo hiệu một tương lai không mấy sáng sủa của giáo triều La Mã tại VN.

Hiện tượng cha Tường hé mở ra cánh cửa đấu tranh cách mạng chống lại tình trạng suy đồi đạo đức trầm trọng của giáo hội Catô Rôma nói chung và của Công giáo VN nói riêng. Cha Tường, trong khi diễn giảng, luôn hướng con Chiên đặt đức tin vào Giêsu hay vào Thiên Chúa mà không qua trung gian bất kỳ một chức sắc thế tục nào, điều này cũng có nghĩa rằng, giáo hội La Mã sẽ dần dần mất quyền lực với con chiên, như người tiêu thụ có quyền mua sắm trực tiếp với nhà sản xuất mà không cần qua trung gian một đại lý độc quyền.

Lối giảng đạo này bị tố cáo giống với Tin Lành, nhưng Tin Lành không tin vào lý nhân quả, mà cha Tường lại dắt dân Chúa đến với lý nhân quả, và nhân quả theo cái nhìn của cha, tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của Chúa Trời cả Chúa con Giêsu cũng không được ngoại lệ.

Vậy Chúa Trời này là ai? Ngài không đứng bên ngoài hay trên nhân quả, ngài phán quyết nhân quả bình đẳng cho mọi người. Nếu tạm quên đi Cựu Ước, đây là vị Trời khá mới mẻ chỉ nhìn thấy thấp thoáng trong Tân Ước. Nếu con người phải thường trực đối diện với một Thượng Đế đầy quyền năng, phán xét không thiên vị đúng với luật nhân quả của ngài, thì mão mũ bằng vàng của giáo hoàng hay các hình tượng Thánh giá bằng quý kim đeo trên cổ của các hồng y hay giám mục, chỉ mau đẩy thêm họ đi sâu vào hỏa ngục. Ta thấy qua phim ảnh đời sống của Giêsu như thế nào ? Quần áo sô gai, di dép đơn sơ bình dị, trên người không có một hơi hướng trần thế, không sở hữu được một vật khả dĩ nếu đói có thể bán đi mà mua một chén cơm, rồi nhìn lại hình ảnh các giáo hoàng, các hồng y, các giám mục, các linh mục? Có thể nói kẻ đại diện cho Chúa sống xa hoa từ hằng nghìn năm trên mồ hôi nước mắt của dân nghèo, và nếu đọc thêm lịch sử thực dân và chế độ nô lệ thì cũng có thể nói họ hưởng thụ trên xương máu của nhân loại.

Cho đến thế kỷ XX, XXI, hưởng thụ như vậy vẫn chưa đủ, báo chí và truyền thông của khắp thế gian nói gì về tội ác mà các cha các giám mục đang làm và đã được La Mã tìm đủ cách, thậm chí trả những món tiền kếch sù để bịt miệng, để che dấu tội ác như ấu dâm loạn dâm và lạm dâm.

Trong sự suy đồi của Công giáo qua lời giảng của cha Tường, ta có thê hiểu ngầm rằng chính sự suy đồi về hình ảnh của Thiên Chúa đã khiến giáo hội lạc lối. Vậy Thượng Đế của cha Tường và của con chiên theo cha là ai? Có phải cùng là một Thượng đế của tòa Thánh La Mã không? Chắc chắn là không, vì Thượng Đế của cha Tường chính là luật nhân quả. Cha luôn nói rằng, ta có thể thoát khỏi luật thế gian, nhưng không ai thoát được luật nhân quả.

Vậy cái gì phán xét, cái gì cầm cân nảy mực cho sự phán xét ấy?

Chắc chắn là nó không nằm trên một thiên quốc xa xôi trên mây trong gió, vì nó biết tất cả hành động của ta, từ những suy nghĩ thầm kín đến những thể hiện ra hành động trong bóng tối, trong mưu mô thâm độc được che kỹ dưới các tín điều, các rêu rao đầy nhạc Thánh. Nó là gì nếu không phải là luơng tâm của chính ta ? nơi mà dù tin hay không tin vào nhân quả nó cũng luôn xuất hiện, viết hoa hay không viết hoa, nó vẫn là nó, cầu xin nịnh nọt nó không làm nó chao đảo, lãng quên hay khinh thường nó không làm nó bỏ đi; và theo cha Tường, khi con người chết, con người phải đối diện với sự thực, sự thực ấy chính là nó, là su phán xét, là tàng thức trong duy thức học Phật giáo tùy theo cách gọi khác nhau do văn hoá dị biệt - đồng quy nhi thù đồ. Đối với tàng thức, các chủng tử đưọc gieo cấy và ẩn tàng, khi con người chết sẽ phải thu lại trong thức này - đối diện với sự thật, chủng tử nào mạnh sẽ đẩy con người tái sinh vào cõi mà nhóm mạnh đang có ưu thế, chủng tử giết chóc chắc chắn sẽ đi vào nơi dáo mác máu đổ đầu rơi theo nguyên tắc mắt đền mắt răng đền răng. Trong tàng thức của người nắm bắt được thực tại, không một chủng tử nào hiện hành; tất cả đều lặng yên như bên kia không gian, hoàn toàn không có sự chuyển đổi năng lượng và vì vậy không có sự khởi đầu của một biểu thức mới.

Trở lại với vận thịnh suy của Phật giáo và Công giáo VN qua hình ảnh hai tu sĩ trẻ tuổi danh tiếng của đôi bên.

Là Phật tử ai đọc chuyện ông Cường cũng cảm thấy nhục. Và tôi nghĩ ai đọc chuyện cha Tường cũng sẽ có thiện cảm với ngài và người Công giáo tu theo ngài: không chưởi bới các tôn giáo khác, xem Giáo Hội cũng chỉ đơn thuần là người thế tục, nên suy ra không cần vâng theo nếu trái với lẽ đạo, từ đó tháo gỡ được đức vâng lời ngu xuẩn có thể dẫn đến việc bán nước như trong quá khứ. Ăn chay không sát sinh, bố thí làm phước. Tin vào nhân quả, dọn mình qua cửa hẹp.

Là giáo dân thì rất nhiều người hãnh diện về vị mục tử trẻ Nguyễn Văn Tường, một số ít hơn lại trách ông ta lạc đạo đáng bị vạ. Người giáo dân (theo tôi phỏng đoán) biết chuyện ông sư hám đời thì bào chữa giúp rằng ông chỉ là người bình thường không phải thánh, nên việc ông làm chẳng gây tác hại lớn lao cho xã hội, hòng khuyến khích thêm những hiện tượng tiêu cực này trong nội bộ Phật giáo.

Sự hưng thịnh của đạo Phật còn được ghi nhận qua hình ảnh các sư giả đi bán nhang dọa người phải mua bùa chú để lấy tiền; sư giả khất thực ngoài chợ tiền lẻ để yên trong bình, tiền chẵn chuồi ngay vào tay nải; giết người rồi cạo đầu làm sư...

Hình ảnh sư sãi có hiệu lực hái ra tiền nên sư giả rất nhiều: http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/su-thay-hu-doa-phat-tu-de-ep-mua-hang-gia-cao-a38232.html

Sư giả như tên bán nhang, tên khất thực là hạng kém lém lỉnh kém gỉảo quyệt dễ lộ chân tướng, sư giả như Thích Thanh Cường mới là hạng cao tay ấn. Chỉ cần nuôi vài trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, làm vài việc từ thiện phước đức, và dĩ nhiên biết làm quảng cáo trên mạng thông tin, thì tha hồ lùa vàng bạc vào két sắt. Sờ sờ giả ra đấy mà ngay cả giáo hội cũng ngậm miệng, chính quyền thì lại ban biết bao bằng khen và huy chương. Một tấm hình le lưỡi chụp đăng lên mạng còn hại đạo hơn 5 sư đoàn khủng bố trang bị súng ống gặp Chùa là đập phá gặp sư là giết. Sư càng có huy chương và bằng khen lại càng hại đạo hơn mấy tên bán nhang gấp nghìn lần. Thử tưởng tượng một ngày Phật tử biết được Đức Đạt Lai Lạt Ma là một sư giả hám đời như sư Cường thì danh thơm và thực lực của Phật giáo bị tổn hại đến mức nào ! Thực là một đại ác mộng ! Cũng may Phật pháp y pháp bất y nhân, nên nơi nào còn giáo pháp, nơi ấy sẽ mọc ra những gốc Đại Bồ Đề.

Nếu bên Công giáo xuất hiện chừng năm mười cha như cha Tường, công cuộc rao giảng Thánh kinh trở lại thời nguyên thủy, thì chắc chắn sẽ đạt kết quả lớn, sẽ đưa đạo Công giáo đến gần với dân tộc, sẽ tạo tình đoàn kết tôn giáo, và Công giáo sẽ phát triển hưng thịnh không cần chịu sắc phong từ Vatican.

Và nếu bên Phật giáo tiếp tục sản xuất hoặc cho xuất hiện những sư giả như Thích Thanh Cường, hoàn toàn thờ ơ hay bất lực trước những hiện tượng sư giả suy đồi đạo đức thì sớm muộn Phật giáo cũng sẽ suy, các chùa chiền đình miễu đồ sộ sẽ được rao bán như các nhà thờ đang được rao bán cùng khắp ở Bắc Mỹ và Âu Châu:

http://www.loopnet.com/Churches-For-Sale/

http://www.patrice-besse.com/chateaux-demeures-manoirs-appartements-a-vendre/eglises-a-vendre/

Sáu chữ vàng để kết luận bài viết này: có thực mới vực được đạo.

 


PHỤ LỤC:

Các youtube giáo dân phản kháng khi cha Tường bị đuổi:

https://www.youtube.com/watch?v=W9wePxSbnAI

https://www.youtube.com/watch?v=W3AoFWG2Fjw

Youtube Cứu Chuộc:

https://www.youtube.com/watch?v=DhgBRdZ6TFw

phút 58 : Giáo hội không tin Nhân Quả , PG tin Nhân Quả, các cha cho rằng Chúa trên cả nhân quả.

59 : Các cha ăn thịt uống rượu....

01:01  Các cha ăn thịt chó, tui đang giáo dục mấy ổng cho đúng đường...ko biết có gái ko ?

01:05 đem CD này đưa cha sở đi, cha nghe để cứu cha (thách thức bể trên)

01:07  thách ông cha nào phản ứng, phản ứng là chết với tôi liền.

01:13  Hội Thánh giảng sai về cứu chuộc, phải có nhân quả. Các cha làm lễ còn say rượu, cả đá gà đánh bài.

01:14  Ghệ gum gái gú cho dễ, ăn nhậu linh đình.

Youtube Trả Lại Sự Thực

https://www.youtube.com/watch?v=w5n00KY8seg

Phút 01:15:16  Không có Chúa ở tòa giám mục, nhà thờ đức bà.

01:18:42   Đừng nói về Tàpao là có Chúa.

01:20:29   Fatima Vĩnh Long mà bán sữa dê sữa bò gà Thái là dẹp.

01:54:57   Ông lớn CG ngủ và ăn nhậu nên làm hư đạo

01:57:26   Hồng Y giám mục giáo hoàng làm gì mà để người ta bầu Phật giáo ngày 15-12-1999

01:58:36   Tại đời sống của hàng giáo phẩm.

02:04:37   Các đấng nhà mình muốn dùng quyền để thống trị...

02:10:40   Miễn là con chiên đưa tiền, Amen.

02:14:30   Bắt người khác theo đạo mình qua hôn nhân là sai với Chúa.

02:32:35   Đạo chúa có chiên và chủ chiên theo LM Tường là sai.

Thờ ta bằng môi miệng, ko ai là cha, là thầy, là lãnh đạo(Ông tự mâu thuẫn trong Clip Lòng Mẹ 00:29:28 khi chấp nhận ngoài Chúa thì mục tử còn là linh mục và  giáo dân là chiên)

02:32:48   Hồng y giáo hoàng giáo hoéc gi cũng sai ráo ! Mong lời của mình được dịch ra tiếng Ý cho giáo hoàng nghe thấy.

Youtube Lòng Mẹ :

https://www.youtube.com/watch?v=Y3lDpD8Eyl0:

30:52    150 lá đơn thưa cha Nguyễn Văn Tường.

Phải tin luật nhân quả, ăn thịt là gây nợ máu. Không chấp tội kẻ khác.

Một là tuyệt đối tôn kính thiên chúa, tuyệt đối tin nhân quả, ko chấp tội kẻ khác, nếu ko làm được vậy thì ko phải là mục tử, ngay cả giáo hoàng, nếu ko làm được như vậy là dê chứ ko phải là chiên. Cha sở ko làm mục tử vì uống rượu lái xe đi chơi và tối làm lung tung.

 

Nguồn: tác giả gửi

___________________

Mời đọc thêm:

- Tìm hiểu sự thật về một linh mục bị vạ tuyệt thông (mục Thư, ý kiến ngắn)

___________________

Các bài của Trần Trọng Sỹ: link http://sachhiem.net/TTS/ListTTS.inc.php

Tác Giả Trần Trọng Sỹ

Thư Mục Trần Trọng Sỹ