●   Bản rời    

VATICAN:CH48 - Những Yếu Kém Của Chính Quyền Kháng Chiến Việt Nam

GIÁO HỘI LA MÃ:

LỊCH SỬ VÀ HỒ SƠ TỘI ÁC

- Nguyễn Mạnh Quang -

http://sachhiem.net/NMQ/HOSOTOIAC/CH48.php

CHƯƠNG 48


Những Yếu Kém Của Chính Quyền Kháng Chiến Việt Nam


Vào thời điểm cuối năm 1946, ngoài việc phải đối phó với giặc ngoài, thù trong, giặc đói và giặc dốt như đã rtrình bày ở trên, chính quyền Kháng Chiến Việt Nam còn có nhiều yếu kém trầm trọng khác nữa. Thí dụ như:

Cơ cấu tổ chức chính quyền: Chính quyền mới được thành lập vào đầu tháng 9 năm 1945, tính ra mới được hơn một tuổi. Cơ cấu tổ chức chính quyền chưa được hoàn bị, nhân sự thiếu thốn và không được huấn luyện. Ở cấp trung ương cũng như các địa phương đều được tiến hành theo sáng kiến riêng để thích hợp với nhu cầu của tình thế và ứng phó với hoàn cảnh, chứ không có quy luật hay luật lệ hành chánh gì cả. Cả đến luật pháp cũng vậy.

Vấn đề ngoại giao và ngoại viện.- Khi chiến tranh bùng nổ, thế ngoại giao còn phôi thai chưa có mấy nước công nhận chính quyền Việt Nam. Ngay cả Liên Sô cũng chưa chính thức công nhận Việt Nam độc lập, chỉ ủng hộ một cách bán chính thức mà thôi. Trung Hoa thì ở trong tình trạng nội chiến chưa phân thắng bại giữa Quốc Quân dưới quyền lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch và Cộng Đảng dưới quyền lãnh đạo của Mao Trạch Đông.

Phe Quốc Dân Đảng Trung Hoa dưới quyền lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch còn hùng cứ một phần lớn Hoa Bắc và toàn bộ Hoa Nam nằm sát nách với Việt Nam. Phe này có thái độ thù nghịch với chính quyền ta (như đã nói ở trên). Các cường quốc như Anh, Mỹ, Gia Nã Đại và các nước khác như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hòa Lan, Bỉ, Ba Tư, Hồi Quốc, v.v.. đều ủng hộ Liên Minh Thánh Pháp Vatican.

Chính quyền Kháng Chiến chỉ được cảm tình của  nhân dân các nước cựu thuộc địa của các đế quốc Âu Châu như Nam Dương, Ấn Độ, Miến Diện. Tất cả  chính quyền Việt Nam phải tự lực cánh sinh, chứ không thể trông cậy vào một quốc gia nào giúp đỡ.

Khả năng tài chánh.- Chính quyền vừa mới ra đời, ngân quỹ trống rỗng, nhân dân vốn đã điêu linh khốn khổ dưới ách thống trị tham tàn và bạo ngược của Liên Minh Pháp - Vatican cả gần 100 năm, rồi lại rơi vào bàn tay bọn xâm lược quân phiệt Nhật. Cả ba đế quốc xâm lược (Pháp, Vatican và Nhật) này đều tham tàn, đều gian manh, đều thâm độc, và đều dã man như nhau cả, cùng thi nhau áp bức và bóc lột nhân dân ta, và cùng là thủ phạm gây nên thảm họa của hai triệu người chết đói trong mùa xuân năm đó.


Một trong những cảnh chết đống trong nạn đói 1945.

Việt Nam mới trải qua nạn đói với hai triệu người chết thảm vào mùa xuân năm Ất Dậu, rồi tới tháng 8/1945 lại xẩy ra nạn lụt hủy hoại toàn thể vụ lúa mùa của các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Phủ Lý và hủy hoại không biết bao nhiêu là nhà cửa, đường xá và cầu cống cùng hàng ngàn công trình kiến trúc khác.

Trước tình cảnh ấy, mọi việc chi tiêu của chính quyền và quân đội kháng chiến đều trông cậy vào sự đóng góp của nhân dân. Cũng may là lòng ái quốc của nhân dân ta rất cao. Có lẽ vì mang mối nhục bị khinh rẻ là “dân mọi rợ”,  “dân tà giáo”, uất ức và căm thù vị bị áp bức và bóc lột đến độ dân ta phải chết đói, xác người rải rắc khắp cả đầu đường xó chợ như đầu năm Ất Dậu 1945, cho nên hầu như toàn dân ta, kẻ giầu cũng như người nghèo đều dốc lòng đem vàng bạc, châu báu,  tiền  của, vật liệu và  gạo ra ủng hộ kháng chiến đánh đuổi quân cướp xâm lăng. Sự kiện này được sách Lịch Sử Đảng Cộng Sản Việt Nam ghi nhận như sau:

Trong điều kiện nền kinh tế, tài chính khó khăn, kiệt quệ, Đảng và Chính Phủ dựa vào dân để tăng cường thực lực. Việc phát động “Tuần Lễ Vàng”, xây dựng “Qũy Độc Lập” (từ ngày 17 đến ngày 24/9/1945) đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Kết quả, nhân dân đã đóng góp được 370 kg vàng và hơn 60 triệu đồng. Nhiều gia đình công thương ở Hà Nội đã ủng hộ hàng trăm lạng vàng và hàng triệu đồng.” [1]

Cũng do lòng uất ức và căm thù Liên Minh Pháp - Vatican đã khinh miệt dân ta là “tà đạo”, là “man di”, “mọi rợ”, cấy lên thân thể Việt Nam ta cái “ung nhọt Ca-tô”, và đã gây ra cái chết thảm thương của hai triệu người trong nạn đói trong mùa xuân năm Ất Dậu 1945, cho nên, hầu như toàn dân ta hăng say tình nguyện đi theo Mặt Trận Việt Minh tham gia hoạt động trong chính quyền và mới có lớp lớp người trai nô nức tình nguyện gia nhập quân đội mà không đòi được lĩnh tiền lương hàng tháng hay phụ cấp gì cả, chỉ được nuôi ăn bằng gạo hẩm với rau muống, muối mè do nhân dân tình nguyện đóng góp và ủng hộ. Nhờ vậy mà chính quyền Kháng Chiến mới qua khỏi những cái khó khăn ngặt nghèo của cái buổi “vạn sự khởi đầu nan” này. 


19/12/1946: Phát lệnh toàn quốc kháng chiến

Quân đội và nhân sự.-  Chinh quyền mới được thành lập được hơn một năm, cho nên quân đội lúc đó mới có một số đơn vị được tổ chức thành đại đội, dù là sử dụng danh xưng là tiểu đoàn hay trung đoàn. Nói là những đơn vị quân đội, nhưng thực tế về khả năng chiến đấu còn quá yếu kém, vì không được huấn luyện chu đáo, lại chưa có kinh nghiệm chiến đấu, chỉ được trang bị bằng những vũ khí hết sức thô sơ. Nói chung, quân đội thì chỉ là tập hợp những người tạp nham, hổ lớn, gom lại thành từng nhóm theo đó mà gọi là những đơn vị tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, v.v....

Tệ hơn nữa là không có người có khả năng chuyên môn huấn luyện quân sự theo đúng những quy tắc hay bài vở như các trường huấn luyện quân sự như miền Nam Việt Nam trong những năm 1954-1975. Những sĩ quan chỉ huy từ cấp trung đội trở lên cũng ít ai xuất thân từ một trung tâm huấn luyện quân sự hay một trường võ bị nào. Ngay cả Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, và các tướng lãnh khác  như  Chu Văn Tấn, Vương Thừa Vũ, Lê Trọng Tấn, Hoàng Sâm, Lê Trọng Tấn, Vương Thừa Vũ, Trần Độ, v.v.. cũng vậy.  Tất cả  đều được phong chức và trao cho nắm quyền chỉ huy trong hoàn cảnh cấp bách sau ngày Tuyên Ngôn Độc Lập được công bố để đáp ứng cho nhu cầu của tình thế.

Vũ khí và các đồ trang bị.- Vì nước nghèo và không có ngoại viện, cho nên quân đôi chỉ được trang bị bằng những vũ khí thô sơ với những khẩu súng trường của Nhật, súng mousqueton của Pháp, súng Mauser của Đức, mã tấu  và lựu đạn chày (có hình dáng như một trái lê có cái cán  dài khoảng 20 phân Tây giống như cái cổ nậm rượu.) Nhiều đơn vị du kích không có lựu đạn, mà chỉ có mã tấu và cung hay nỏ với những mũi tên bằng tre vót nhọn.


Nhân dân Hà Nội dùng đồ đạc, tài sản dựng chiến lũy trên đường, cản bước xe tăng địch ( Phố Mai Hắc Đế tháng 12-1946). Ảnh: TTXVN - http://www.lhu.edu.vn/

Người anh của người viết là một trong những đội viên trong trung đội du kích bắn nỏ của xã Tô Công, huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình vào cuối năm 1949 và đầu năm 1950 cũng chỉ có cái nỏ và các mũi tên bằng tre do chính bản thân sản xuất. Trong Nam Bộ, dân quân du kích được trang  bằng gậy tầm vông.

Nhận xét về Quân Đội Kháng Chiến Việt Nam vào lúc đó, Linh-mục Trần Tam Tỉnh viết:

Quân Pháp cố tình gây ra những đụng độ tại Hải Phòng (giàn pháo hạm đội của họ bắn như mưa vào thành phố, làm 6.000  người chết) tại Hà Nội và tại nhiều tỉnh, dẫn tới cuộc bùng nổ gây chiến toàn diện ngày 19/12/1946.

Lời kêu cầu toàn quốc kháng chiến của cụ Hồ Chí Minh để lộ rõ sự yếu kém về mặt quân sự của đất nước, đối diện với quân thù và quyết tâm của chính phủ không nhượng bộ:

“Người có súng thì cầm súng, kẻ có gươm thì dùng gươm. Và nếu không có gươm thì dùng cuốc và gậy gộc. Mỗi người hãy đem hết sức mình đánh trả bọn thực dân để cứu lấy tổ quốc”. 

Đạo quân cách mạng hầu như chẳng có ai là sĩ quan chuyên nghiệp, nhà giáo dạy sử Võ Nguyên Giáp bỗng nhiên thành vị tổng tư lệnh. Và đối với nhiều người khác cũng thế: Mới hôm qua chỉ là chuyên gia, học sinh, công nhân, nông dân, nay trở thành sĩ quan và bộ đội.” [2]

Tình trạng quân đội Kháng Chiến Việt Nam trong những ngày tháng từ 19/8/1945 cho đến cuối năm 1949 chẳng khác đạo quân kháng chiến của Tướng Trình Minh Thế trong cuộc diễn hành được tổ chức ở Sàigòn vào ngày  13/5/1955 trong buổi lễ sáp nhập đoàn quân này vào Quân Đội Miền Nam trong thời ông Diệm làm thủ tướng chính phủ. Chúng tôi xin ghi lại đây đoạn văn của Cựu Tướng Edward G. Lansdale nói về đoàn quân của Tướng Trình Minh Thế để độc giả có thể hình dung ra quân đội Kháng Chiến Việt Nam vào cuối năm 1946:

"Binh sĩ bận đồ bà ba đen của nông dân đã bạc mầu thành màu xám sắt rỉ, đội mũ rừng bằng vải, vành may lại giống như loại nón gấp của thủy thủ hoặc loại nón làm việc của quân đội Mỹ hồi xưa. Đó là đồng phục hay quân phục duy nhất của họ. Phần đông đi chân không vì vậy những người có giầy cao su loại thể thao phải đi phía ngoài gần khán giả để che cho đồng đội đi chân đất bên trong. Sự vắng bóng của những đôi giầy bót nặng nề làm cho cuộc diễn hành có vẻ ma quái.” [3]

Chiến thuật .- Biết rõ những điều yếu kém này, các nhà lãnh đạo chính quyền Kháng Chiến Việt Nam quyết định rút lui khỏi các thành phố nằm dưới áp lực của Liên Quân Pháp – Vatican để bảo toàn lực lượng  theo chiến lược “lấy nông thôn bao vậy thành thị”,  tiến hành du kích chiến, lấy ít đánh nhiều theo chiến thuật “Thập Lục Tự” (Địch tiến, ta lui; địch dừng (đóng quân), ta bám (quấy phá); địch mệt, ta đánh; địch rút, ta truy). Chiến thuật này đã được Cộng Đảng Trung Hoa áp dụng triệt để trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Nhật và chống lại Quốc Quân Trung Hoa trong những năm 1937-1949.

Nói về thực trang của Quân Đội Kháng Chiến Việt Nam vào thời điểm chiến tranh bùng nổ, sách Quân Sử 4 ghi nhận như sau:

“Trở lại quá trình thành hình của quân đội Việt Minh từ năm 1946. Trong năm này, bộ đội Việt Minh chỉ mới tổ chức những đại đội độc lập, lấy chiến tranh du kích làm nền tảng và kể từ năm 1947, những đại đội này họat động sau lưng địch để làm hao mòn tiềm lực đối phương. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng quân đội Việt Minh dưới chiêu bài "quân đội giải phóng" đã quy tụ hầu hết những người yêu nước nên đánh rẩt hăng. Ngoài ra, những đội dân quân tự vệ và dân quân du kích mọc lên khắp nơi, được các ủy ban hành kháng địa phương huấn luyện nhanh chóng về chiến thuật du kích, cách phá họai, v.v... Cuối năm 1948, Việt Minh đã tổ chức được các trung đoàn nhưng sự thật chỉ là những tiểu đoàn được tăng cường. Người ta nhận thấy trong vùng Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Cao Bằng có 6 trung đoàn - trong vùng Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên có 8 trung đòan - hữu ngạn sông Hồng có 11 trung đòan - giữa Thanh Hóa và Vinh có 5 trung đòan. Tất cả các đơn vị chính quy có một quân số không quá 40.000  người. Năm 1949-1950 Việt Minh thu được một vài chiến thắng như trận đánh trên đường số 4 và lưu vực sông Mã, tiêu diệt đồn Châu Sơn và chiếm lại tỉnh Bắc Kạn và gần hết tỉnh Cao Bằng.

Với những thành tích kể trên, bộ đội Việt Minh được tổ chức mỗi ngày một chu đáo và các binh chủng truyền tin, pháo binh, công binh bắt đầu xuất hiện. Các đơn vị nhỏ được tập trung lại để thành lập các đại đơn vị. Phía Bắc với Trung Đoàn 308 là nòng cốt và tại Thanh Hóa với Trung Đoàn 304 để thành lập ra các Đại Đoàn 308 và 304."[4]

Tuy là yếu kém về huấn luyện và vũ khí trang bị, những quân đội Kháng Chiến Việt Nam có một sức mạnh vô cùng mãnh liệt mà ít có quân đội trên thế giới sánh bằng. Sức mạnh này là lòng yêu nước, tinh thần kỷ luật và được nhân dân thương mến. Nhờ vậy mà quân đội Kháng Chiến Việt Minh đã đánh bại được Liên Quân Thánh Xâm Lược Pháp – Vatican và quân thập tự Việt Nam trong cuộc chiến giải phóng đất nứoc 1945-1954. Và sau đó,  cũng chính quân đội này được tổ chức lại thành Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, không những có đủ sức  mạnh đương đầu kháng cự với hơn nửa triệu quân Hoa Kỳ được trang bị bằng những vũ khí hết sức tối tân, được yểm trợ của không lực và hải lực hùng mạnh nhất thế giới, mà còn đánh bại hơn một triệu quân của hai chế độ đạo phiệt Ca-tô ở miền Nam trong cuộc chiến thống nhất đất nước 1954-1975.

Lòng yêu nước, tình quân dân thắm thiết như cá với nước và sự tích cực ủng hộ của nhân dân Việt Nam đối với chính quyền Việt Minh Kháng Chiến đều được sách sử ghi lại rõ ràng. Sách Việt Nam Quốc Dân Đảng của tác giả Hoàng Văn Đào ghi rõ sự kiện này như sau:

 “Sau 80 năm bị lệ thuộc, dân tộc Việt Nam chỉ thèm khát độc lập, và không biết gì đến khuynh hướng chính trị của phe này với nhóm khác. Người dân Việt Nam nghĩ rằng: miễn là nước được độc lập, còn đảng phái nào lãnh đạo cuộc tranh đấu giành độc lập hay cầm chính quyền cũng vậy, cốt là “Nước Việt Nam của người Việt Nam!”

Một yếu tố khác nữa, ngót hai triệu đồng bào chết đói vừa qua, là chết để đem linh hồn thức tỉnh ý chí những kẻ còn sống cũng phải phục thù rửa hận cho toàn dân. Đó là hoàn cảnh tạo nên cuộc cách mạng âm ỷ trong đầu óc mọi người dân Việt, khác nào như một kho thuốc nổ, chỉ còn đợi người nào hoặc đoàn thể nào châm ngòi lửa là nổ bùng. Lò thuốc súng đã có người châm, ngòi đã nổ, quần chúng ùa chạy theo Việt Minh Cộng Sản.”[5]

Sách Việt Nam 1945-1995 - Tập I của tác giả Lê Xuân Khoa ghi rõ như sau:

Tình hình chính trị Việt Nam vào thời điểm 1945-1946 cho thấy Việt Minh dưới dsự lãnh đạo của Hồ Chí Minh đã giành được chính nghĩa chống Pháp và lôi cuốn được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng.” [6]

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chính nghĩa chống Pháp đã được dồn hết sang phía chính phủ kháng chiến do Hồ Chí Minh lãnh đạo.”[7]

Công bằng mà nói, thắng lợi này đạt được chính là nhờ sự điều động của  Đảng Cộng Sản ở đằng sau Mặt Trận Việt Minh, với những ưu điểm về tổ chức  và tinh thần kỷ luật, lý tưởng cách mạng, kỹ thuật chiến tranh, nghệ thuật tuyên truyền và nhất là sức mạnh lôi cuốn quần chúng của Hồ Chí Minh qua hình ảnh cúa một nhà cách mạng một lòng vì dân vì nước, đã tranh đấu gian nan ở hải ngoại trong suốt mấy chục năm. Chiến tranh chống Pháp là một cuộc chiến có chính nghĩa và Việt Minh đã giành được chính nghĩa đó.” [8]

Ngay cả sách Quân Sử 4 do Phòng 5 của Bộ Tổng Tham Mưu  của miền Nam, vốn thù nghịch với Việt Minh cũng phải xác nhận rằng:

“Quân đội Việt Minh dưới chiêu bài quân đội giải phóng đã quy tụ hầu hết những người yêu nước nên đánh rẩt hăng.[9]


Quân và dân Hà Nội chiến đấu, giành giật với địch từng góc nhà, đường phố ( tháng 12-1946). Ảnh: TTXVN - http://www.lhu.edu.vn/

Về tinh thần kỷ luật.- Quân đội Kháng Chiến Việt Nam của Mặt Trận Việt Minh đều được các nhà viết sử công nhận là một quân đội có kỷ luật nhất trong lịch sử quân đội trên thế giới. Người viết có thể khẳng định rằng cho đến này chưa có tài liệu hay cuốn sử nào có một lời lẽ lên án quân đội Kháng Chiến Việt Minh về một hành động nào để cho nhân dân phải phiền trách cả.

Sở  dĩ quân đội Kháng Chiến Việt Minh có tinh thần kỷ luật cao như vậy là vi ngay từ khởi đầu khi thành lập quân đội, các nhà lãnh đạo Việt Minh đã giáo dục cho mọi người, quân cũng như dân đều biết rằng:

“Quân từ dân mà ra, do dân mà có, được dân nuôi dưỡng để phục vụ và chiến đấu cho  tổ quốc và nhân dân. Tình quân dân như cá với nước. Không có nước thì cá sẽ không sống được, không có dân thì quân sẽ không có lý tưởng để phục vu và khồng còn lý do để tồn tại. Vì vậy mà quân đội ta được gọi là “Quân Đội Nhân Dân.” Do đó, khi chiến đấu thì hết lòng hăng say giết giặc; khi dưỡng quân và khi thao diễn ở nơi hậu cứ, quân ở với dân, nếu có thì giờ phải hết lòng giúp dân làm mọi công việc giống như người trong gia đình. Tuyệt đối không được lăng nhăng với phụ nữ, không được hà hiếp hay chiếm đoạt của nhân dân một vật gì, dù là cái kim hay sợi chỉ cũng không được tơ hào tới. Nếu vi phạm, sẽ bị nghiêm trị theo kỷ luật, bất kể là chức vụ hay thuộc thành phần nào.”

Những lời lẽ nặng tình nước vô cùng thiết thực trên đây được phổ biến sâu rộng qua những lớp học chính trị trong các đoàn thể trong Mặt Trận Việt Minh tại các làng thôn trong những năm 1945-1954, thiết tưởng rằng bất kỳ người nào có tham dự những lớp học này vẫn còn nhớ roc mồn một là như vậy.

Vì có tinh thần kỷ luật sắt thép như trên, nhờ có chính nghĩa giải phóng dân tộc, và nhờ  có tình thắm thiết giữa quân và dân như cá với nước,  cho nên Mặt Trận Việt Minh được toàn dân vô cùng thương mến, nhiệt liệt ủng hộ và tích cực tham gia, ngoại trừ những tín đồ Ca-tô cuồng tín và những thành phần trong giai cấp quan lại thời “Trăm năm nô lệ giặc Tây”. Sự kiện này được ông Lê Xuân Khoa ghi nhận trong cuốn Việt Nam 1945-1995 với nguyên văn như sau:

Cuộc kháng chiến chống Pháp thành công do Việt Minh lãnh đạo đã chứng tỏ truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam quyết chống lại mọi sự đô hộ của ngoại bang để giành lại chủ quyền tự chủ. Trong suốt tám năm trời kháng chiến, các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam, dưới danh nghĩa Mặt Trận Việt Minh và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, luôn luôn nêu cao mục tiêu tranh đấu cho độc lập, tự do, và giải phóng dân tộc ra khỏi chế độ cai trị bóc lột tàn ác của đế quốc thực dân. Đó là chính nghĩa đã lôi cuốn được đông đảo nhân dân, quân đội và cán bộ hết lòng chiến đấu, chịu đựng bao gian khổ, hi sinh bao nhiêu của cải và xương máu cho công cuộc cứu nước.”[10]

Trong thực tế, trong những năm đầu kháng chiến, các gia đình có thân nhân tình nguyện đi bộ đội hay cán bộ thoát ly đều phải cung cấp tiền chi phí vặt và có khi còn phải cung cấp cả quần áo cho con em của họ đi làm lính cụ Hồ. Những người tình nguyện trong các đơn vị tự vệ, du kích, dân quân và các nhân viên hành chính và các đoàn thể trong Mặt Trận Việt Minh tại các địa phương đều luôn luôn là những người “ăn cơm nhà lo việc nước mà người Việt Nam ta thuờng nói là “ăn cơm nhà vác ngà voi.


Pháo của bộ đội tại trận địa Láng - Hà Nội chuẩn bị khai hoả - http://www.lhu.edu.vn/

Trong khi đó thì quân lính trong các đạo quân Liên Minh Thánh Xâm Lược Pháp – Vatican (Liên Hiệp Pháp) và quân thập tự Việt Nam (lính đạo) trong các thời 1858-1945, 1945-1954, cũng như  quân đội của các chế độ đạo phiệt Ca-tô tại miền Nam Việt Nam và quân đội Hoa Kỳ trong những năm 1954-1975 đều được Pháp hay Hoa Kỳ trả lương hàng tháng cùng với phụ cấp vợ con mà lại có những hành động vô cùng kinh tởm với những hành động giết người, đoạt của, hãm hiếp đàn bà con gái, đốt nhà, đốt đình, phá chùa, phá miếu. Những hành động ghê tởm này vốn là bản chất của các đạo quân thập tự hay Liên Minh Thánh Xâm Lược trong đó có Vatican là thành viên chủ chốt.

Muốn biết Quân Đội Viễn Chinh Liên Minh Pháp – Vatican và lính đạo Việt Nam đã có những hành động tàn tặc dã man như thế nào xin đọc các sách sử nói về:

1.- Các đạo quân thập tự trong thời Trung Cổ,

2.- Các đao quân Liên Minh Thánh Tây Ban Nha - Vatican khi đánh chiếm Châu Mỹ La-tinh vào thế kỷ 16,

3.- Các đạo quân Liên Minh Thánh Pháp – Vatican đánh chiếm Việt Nam trong thế kỷ 19, trong cuộc chiến giải phóng dân tộc 1945-1954

4.- Quân đội miền Nam Việt Nam và quân lính  Hoa Kỳ  trong cuộc chiến thống nhất đất nước 1954-1975.

6.- Xem cuốn phim “Chiến Tranh Việt Nam - Những Điều Chưa Biết”  do tác giả Daniel Costell biên soạn,  Isabelle Clarke đạo diễn, và Việt Nam Films (714) 555-2515) phát hành để kiểm chứng vấn đề này (http://www.youtube.com/watch?v=tqhzLeXAk2c).

KẾT LUẬN

Nhìn vào lịch sử đánh đuổi quân cướp xâm lăng từ trong quá khứ của tiền nhân, chúng ta thấy:

Khi Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán vào năm 938, dân ta chỉ có một kẻ thù duy nhất là đạo quân xâm lăng của quân Tàu.

Khi nhà Lý đánh đuổi quân Nam Tống vào năm 1076 với hơn 80 ngàn quân, dân ta chỉ có một kẻ thù duy nhất là quân thù Nam Tống.

Khi nhà Trần đánh đuổi quân Nguyên ba lần vào nửa cuối thế lỷ 13, dân ta chỉ có một kẻ thù duy nhất là  khoảng nửa triệu quân Nguyên.

Khi người anh hùng đất Lam Sơn khởi binh đánh đuổi quân Minh vào năm 1418 và thành công vào năm 1427, dân ta chỉ có một kẻ thù duy nhất là quân Minh .

Khi Nguyễn Huệ đem quân vào miền Nam đánh đuổi 20 ngàn quân Xiêm La vào năm 1784, dân ta chi có quân thù Xiêm La và đám tàn quân của Nguyễn Ánh đang bôn đào.

Khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc vào đầu năm 1789 trong những ngày Tết năm Kỷ Dậu, dân ta chỉ có một kẻ thù duy nhất là 280 ngàn quân Thanh cùng với đám ngụy quân hủ hóa vong bản tôn thờ tên vua Việt gian Lê Chiêu Thống.

Trong các cuộc xâm lăng trên đây, ngoài trừ quân xâm lăng Xiêm La, lần nào quân địch cũng mạnh hơn quân ta gấp cả trên mười lần. Lần nào dân ta cũng ở trong tình trạng khó khăn, phải quyết chiến hết sức gay go và cuối cùng dân ta cũng đại thắng.

Trong cuộc chiến đánh đuổi Liên Minh Pháp – Vatican để giữ vững chủ quyền độc lập vừa mới giành lại từ trong tay quân Nhật, khởi đầu Mặt Trận Việt Minh tứ bề thọ địch,  cùng một lúc phải đối phó với đủ mọi thứ giặc, giặc trong, giặc ngoài, giặc dốt, giặc đói, đặc biệt là thế lực địch quân mạnh hơn quân ta tới cả trăm lần, và tất nhiên là dân ta phải chiến đấu trong những hoàn cảnh cực kỳ gian khổ và hết sức khó khăn.

Nếu tất cả những lần chống xâm lăng của tiền nhân đều đại thắng là nhờ chiếm được lòng dân, được toàn dân hết lòng ùng hộ và tích cực tham gia vào cuộc chiến, thì cuộc chiến đánh đuổi Liên Quân Pháp – Vatican xâm lăng trong những năm 1945-1954  đạt thắng lợi cũng là nhờ dựa vào thế nhân dân, được nhân dân nhiệt tình ủng hộ cả tinh thần lẫn vật chất, tích cực tham gia vào các lực lượng vũ trang để cứu nước và nhờ vào tài lãnh đạo của cụ Hồ Chí Minh đã biết xoay sở lèo lái con thuyền Việt Nam thoát khỏi những cơn phong ba bão táp hiểm nghèo kéo dài cả chín năm trời.

 


CHÚ THÍCH

[1] Học Viện  Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh…, Lịch Sử Đảng Cộng Sản Việt Nam (Hà Nội: Đại Học Quốc Gia Hà Nội, 2002), tr. 82.

[2] Trần Tam Tỉnh, Thập Giá và Lưỡi Gươm (Paris: Nhà Xuất Bản Trẻ, 1978), tr.  68-69.

[3] Edward G. Lansdale, Tôi Làm Quân Sư Cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm - L.T chuyển dịch sang Việt Ngữ (Sàigon, 1972), tr. 81-82.

[4] Phòng 5 Bộ Tổng Tham Muu, Quân Sử 4: Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Trong Giai Ðoạn Hình Thành 1946-1955 (Glendale, CA:: Đại Nam (in lại, không đề năm), tr. 104.

[5] Hoàng Văn Đào,  Việt Nam Quốc Dân Đảng (Sàigòn: TXB, 1970), tr. 255-256.

[6] Lê Xuân Khoa, Việt Nam 1945-1995 - Tập I (Bethesda, MD: Tiên Rồng, 2004), tr.205.

[7] Lê Xuân Khoa, Sđd., tr. 210.

[8] Lê Xuân Khoa, Sđd.,  tr. 190.

[9]   Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu, Sđd.,  tr .-104

[10] Lê Xuân Khoa, Sđd., tr. 189.