●   Bản rời    

Đọc Bài TNHH, Nhớ Tố Hữu: Đời Đời Nhớ Ơn Ông!

Đọc Bài TNHH, Nhớ Tố Hữu: Đời Đời Nhớ Ơn Ông!

Bảo quốc Kiếm

http://sachhiem.net/TONGIAO/BQK/BQK08.php

03-Nov-2013

Hôm nay tình cờ khi lang thang trên NET, gặp được hai bài tương đắc, tương thân, nên viết lại vài đoạn chia vui với độc giả.

- Bài thứ nhất là: CỐ TỔNG THỐNG VIỆT NAM CỘNG HOÀ NGÔ ĐÌNH DIỆM, của Tôn Nữ Hoàng Hoa;

- một bài thơ của Tố Hữu: ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN ÔNG.

Ngang đó, bỗng nhiên nhớ tới Mệ Liên Thành đã viết rằng Tố Hữu còn có tên Tôn thất Lành. Hì hì…

Trước đây tôi viết là ông này nói bậy, vì Tố Hữu chưa bao giờ dùng tên này, mà chỉ có Lê tư Lành thôi. Bây giờ mới hiểu được thâm ý của ngài Liên Thành ! Chúng ta thử xem hai TÔN này nó tương hợp chỗ nào không ? Đây chỉ là chuyện dài Nhân dân Tự vệ.

Trong bài Cố Tổng thống VNCH:Ngô đình Diệm, bà Tôn Nữ Hoàng Hoa viết:

“Khi tôi hạ hình Cụ xuống bất giác tôi khóc…Từ đó hình ảnh của Cụ Diệm đi vào trong ký ức của tôi với những nỗi thao thức bất an và một niềm thương mến bất diệt”.

Đọc ngang đây, tôi thấy lòng mình se lại như anh chàng quân cảnh nào đó đã “cau mày áo não” với cô nàng. Chỉ tiếc…Lòng hiếu trung của nàng thật chân thành cảm động. Con của ông Phó Tỉnh Bình Định đấy mà.

Chỉ mấy chữ “thương mến bất diệt”, hay nói như ngày trước là “đời đời nhớ ơn Ngô Tổng thống”, Tố Hữu cũng không thua trong cảm giác ấy:

“Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin”

Hai TÔN này gặp nhau thiên thu bất tận. Niềm đau của Hoa làm sao, thì niềm đau Tố cũng vậy. Trong tận cùng tâm khảm, Tố Hữu gào lên:

“Ông Stalin ơi, Ông Stalin ơi !
Hỡi ơi ! Ông mất đất trời có không
Thương cha thương mẹ thương chồng
Thương mình thì một thương ông thì mười”

Bà Tôn Nữ Hoàng Hoa ở tượng đài Việt Mỹ (Cali) 22 tháng 4, 2006

Cố gắng suy nghĩ để hiểu được hai tác giả, hai nỗi lòng, hai biên giới, tại sao họ lại giống nhau đến thế ? Có lẽ chỉ có một câu trả lời”

Vì họ đã “đầu phục cả thân thể, linh hồn và trí khôn cho lãnh tụ”

Tôn Nữ Hoàng Hoa lại tiến xa hơn một chút:

“Cho đến nay tôi vẫn chắc chắn rằng Việt Nam trong quá khứ không có ai có thể so sánh với cố Tổng thống Ngô đình Diệm”

Đây là một đoạn văn làm tôi ứa nước mắt. Bốn chữ “Việt Nam trong quá khứ” cho thấy Từ Lạc Long Quân, Mẹ Âu Cơ, 18 đời Hùng vương..cho đến Quang Trung… Nguyễn thái Học…đã chết hẳn trong lòng nàng. Theo sử liệu, Việt Nam đã trải qua gần năm mươi thế kỷ không một ai dính dáng đến lòng nàng cả.

Chỗ này đã vượt xa Tố Hữu ! Chàng Cộng sản này cố gắng hết sức thì cũng chỉ viết được:

“Yêu con yêu nước yêu nòi,
Yêu bao nhiêu lại yêu người bấy nhiêu”.

Còn trong lòng nàng không còn ai cả. Tất cả Tổ phụ, anh hùng liệt nữ không ai bằng Cụ của nàng ! Than ôi ! Không biết khi cảm hứng lên cao như vậy, nàng có biết rằng chỉ trong thời gian chống thực dân Pháp, thì các ngài Đinh công Tráng, Nguyễn thiện Thuật…Nguyễn thái Học, Cô Giang, Cô Bắc…đã tận hiến đời mình cho Tổ quốc hay không ?

Ngược lại cha Ngô đình Diệm đã nhẫn tâm đào mả Cụ Phan đình Phùng đốt xương tro bắn ra biển.

Tố Hữu và nàng Hoa có lẽ đã gặp nhau trong đoạn này:

“Ngày xưa khô héo quạnh hiu
Có Người mới có ít nhiều vui tươi
Ngày xưa đói rách tơi bời
Có người mới có được nồi cơm no”

Vâng, chỉ vì nồi cơm thôi, cả hai đã quên đi tiền nhân đã đem bao xương máu ra để gìn giữ và phát triển quốc gia này. Thế nhưng, giờ đây trong lòng hai đưa con bất hiếu chỉ thấy người cho cơm, mà quên mất Tổ tiên chúng. Vì vậy, cả hai phe đua nhau đạp đổ bàn thờ ông bà cha mẹ chúng.

Nhưng chỗ hơn của Tố Hữu là dám thẳng mặt nhìn nhận mình theo chủ nghĩa Cộng sản. Còn nàng ? Để thâm hiểu chỗ này, xin cùng chia xẻ với nàng qua một đoạn ngắn này:

“CSVN đã dùng Phật giáo làm phương tiện để phá nát chính quyền độc lập của dân Nam VN mà đáng lẽ ra dân ta lúc đó đang an hưởng thanh bình cũng như dân Miền Bắc di cư vào cũng đang dần dần lớn lên trên khu trù mật” .

Thế nhưng, lâu nay nàng tự gọi mình là Phật tử, nhiệt liệt ủng hộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Đàm bảo Kiếm, người cộng tác thân thương của nàng cũng vậy. Khi cho rằng Phật giáo là “phương tiện” do Cộng sản điều khiển để giết Cụ nàng, lật đổ chế độ của Cụ nàng, thì nàng đang đóng vai gì hiện nay ? Xin nhớ rõ là nàng Hoa viết hai chữ “Phật Giáo”, chứ không phải một cá nhân nào.

Đọc câu này của Tố Hữu, chúng ta lại thấy chàng đã thệ nguyện thay cho nàng, khi nàng là con của Phó Tỉnh trưởng, công thần nhà Ngô:

“Con còn bé dại con ơi
Mai sau con nhé trọn đời nhớ ông”

Khi đã thệ nguyện như thế, thì làm sao không trả thù cho ông được chứ, khi mà Cụ căn dặn: “Tôi chết trả thù cho tôi” ?

Tố Hữu không bị dày vò, vì Stalin là người nước ngoài và không phải do “phương tiện Phật giáo” giết, nên không có hận thù ai cả. Còn nàng ?

Tôi không biết sự liên hệ thế nào, mà Tố Hữu đi trước rất lâu lại hiểu được lòng người sau mồn một:

“Dù ông đã mất không còn
Chân ông còn mãi dấu son trên đường”

Hoa thì viết:

“Hình ảnh thấp nhỏ trong bộ Complet trắng với những bước chân đi dài hơn chân cố Tổng thống Ngô đình Diệm giơ tay chào đón dân chúng…”

Tố Hữu chỉ diễn cảm một chút “dấu son”, nhưng Tôn Nữ Hoàng Hoa đã nhớ một cách kỳ lạ thiên phú: “BƯỚC CHÂN ĐI DÀI HƠN CHÂN”.

Đây là một diễn tả kỳ thú độc nhất vô nhị trong thế giới con người. “Bước chân đi dài hơn chân”, phải chăng khi đi, ông Cụ nằm xuống nối hai chân lại một mà bước ? Thật dễ thương và ngộ nghĩnh !!!

Riêng chuyện kinh lý làm tôi nhớ lại thuở học trò. Mẹ kiếp trời đày dân chúng. Ngày mai mười hai giờ trưa Tổng thống mới đến, thế mà tối nay mười giờ đã nghe gõ mõ tập trung. Kiểm tra khẩu hiểu con bướm, con ke trên nón, trên ngực. Băng cờ các thứ. Mười hai giờ đêm vô tập trung ở Xã. Hai giờ sáng cuốc bộ lên quận. Sắp hàng dài mấy cây số đứng chờ.

Có một lần ông Quận bị kêu ra chửi cho một trận, vì khi Cụ đi trên xe Cụ nghe mùi….Ông Quận thiệt thà trả lời: “Rứa đông người thì họ “ẻ” vô mô”. Nguyễn văn Đông, Tỉnh trưởng tái mặt.

Lúc ấy, tôi là Liên toán trưởng toàn trường nên cả mấy ngày lo hết hơi, hết sức. Lỡ sơ suất là ăn đòn thấy mẹ. Cám ơn Hoàng Hoa nhắc tôi nhớ lại một câu bất hủ:  “ẻ vô mô”.

Sự thành kính của Hoàng Hoa qua chuyến công du hay kinh…gì đó cũng đã được Tố Hữu ghi dạy nàng trước:

“Bữa trước mẹ cho con xem ảnh
Ông Stalin bên cạnh nhi đồng”.

Không biết Stalin bên cạnh nhi đồng thì sao, chứ Cụ Diệm đoái thương dân thì chết cha cả lũ: “ẻ vô mô”.

Đúng vậy.

BQK-28-6-10