●   Bản rời    

Học sinh Mỹ được học như thế nào về chiến tranh Việt Nam? - 1

Học sinh Mỹ được học như thế nào

về chiến tranh Việt Nam? (Kỳ 1)

Amari-TX

http://sachhiem.net/AMARITX/AMI01.php

30-Aug-2012

Posted on Tháng Tám 30, 2012 by amaritx

Cuốn sách THE AMERICANS – The History of a People and a Nation cho biết học sinh Mỹ được học như thế nào về sai lầm không gì khắc phục nổi của những ông chủ Nhà Trắng.

ảnh trang 698 với ghi chú: “Cảnh hàng ngày ở Việt Nam.

Lính Mỹ khiêng đồng đội bị thương tới máy bay trực thăng”

Cuốn sách được một người bạn từ Mỹ, gửi cho chúng tôi khi đang nỗ lực tìm những tài liệu hỗ trợ cho vụ kiện các Cty Hóa chất Mỹ của nạn nhân da cam Việt Nam.

THE AMERICANS – The History of a People and a Nation (tạm dịch: Người Mỹ – Lịch sử về một quốc gia, một dân tộc) cho biết học sinh Mỹ được học như thế nào về sai lầm không gì khắc phục nổi của những ông chủ Nhà Trắng – những kẻ luôn tin rằng đạn bom sẽ mang lại chiến thắng cho các cuộc xâm lược;Trong trường học Mỹ, sự thật về tác hại của chất độc da cam có bị che đậy bưng bít và phủ nhận không.

Lý do để Mỹ nhảy vào Việt Nam

THE AMERICANS – The History of a People and a Nation dày 821 trang, in trên giấy đẹp, có nhiều ảnh màu minh họa, do nhà xuất bản SRA (thuộc tập đoàn IBM) xuất bản năm 1982, được sử dụng giảng dạy cho học sinh các trường phổ thông trung học tại Hoa Kỳ từ đó đến nay.

Cuốn sách “THE AMERICANS – The History of a People and a Nation”Cuốn sách này không đề cập tới sự kiện ngày 20/11/1961, chính Tổng thống John F. Kennedy đã phê chuẩn cho quân đội Mỹ tiến hành chiến dịch mang tên “Operation Trail Dust” dùng chất độc hóa học có chứa dioxin khai quang rừng Việt Nam với sự ủng hộ của Ngô Đình Diệm.

Đồng tác giả:

+Mr. Winthrop Jordan – Tiến sỹ lịch sử, giảng dạy tại trường đại học Berkeley – California từ năm 1963. Ông từng nhận 4 giải thưởng quốc gia cho cuốn sách Trắng lấn át Đen (White over Black) viết về sự phân biệt chủng tộc, nỗi khổ của người da đen từ năm 1550 đến 1820.

+ Mrs. Miriam Greenblatt- Chuyên gia tư vấn chương trình giáo dục. Bà đã viết hơn 25 chương trình Xã hội học cơ bản cho các cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

+ Mr. Jonh S.Bowes – Trưởng ban Xã hội học trường Trung học Bayport, tác giả các cuốn sách Về nguồn Hoa Kỳ, Khám phá quá khứ của chúng ta, Lịch sử Hoa Kỳ.

Cuốn sách thể hiện lịch sử Hoa Kỳ từ lúc những người châu Á cổ đại di cư sang châu Mỹ (20.000 – 40.000 năm trước) cho đến đầu những năm 1980. Để chuyển tải được chừng đó nội dung, nhóm sử gia đã nén các sự kiện lại khá chặt.

Họ dành 2 trang để giới thiệu lịch sử Việt Nam trước khi xảy ra cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Phần này nhấn mạnh nước Việt luôn phải đối mặt với chiến tranh để giành độc lập.

Tóm tắt những cuộc khởi nghĩa của Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền chống lại nhà Hán; kháng chiến chống thực dân Pháp; Tinh thần tranh đấu của người Việt để bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trong suốt 1.000 năm Bắc thuộc và 100 năm người Pháp xâm chiếm.

Sau khi Việt Nam giành được độc lập năm 1945, năm 1946, chiến tranh nổ ra giữa lực lượng Việt Minh và Pháp. Năm 1949, Pháp công nhận sự tồn tại của chính quyền Việt Nam đứng đầu là Bảo Đại, thủ đô đóng tại Sài Gòn.

Thoạt đầu nước Mỹ vẫn giữ thế trung lập, nhưng tới năm 1950 thì Tổng thống Truman quyết định hành động. Ông ta công nhận chính quyền Bảo Đại và trợ giúp họ tiền, vũ khí, chuyên gia.

Tổng thống Eisenhower đắc cử càng tăng cường giúp đỡ về kinh tế và quân sự cho chính quyền Bảo Đại. Eisenhower tin rằng nếu chủ nghĩa Cộng sản lan rộng xuống Đông Dương, tất cả các quốc gia khác ở phía Nam châu Á sẽ lần lượt thuộc quyền kiểm soát của Cộng sản theo kiểu các quân cờ Domino đổ rạp nếu quân đầu tiên bị xô ngã.

Lập luận này sau đó được gọi là Học thuyết Domino. Thế nhưng, Eisenhower vẫn từ chối gửi quân đến Việt Nam.

Năm 1954, Việt Minh vây ráp rất đông quân Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ. Pháp cầu cứu Mỹ gửi quân chi viện. Nhưng chỉ sau đó vài tuần chiến trường Điện Biên Phủ bị sụp đổ. Pháp phải theo gót Nhật rút quân khỏi Việt Nam.

Hiệp định Geneva

Trong thời gian đó, một hội nghị quốc tế về vấn đề Đông Dương được tổ chức tại Geneva. Pháp và Anh đại diện một bên, Trung Quốc và Liên Xô đại diện bên kia. Tất cả các bên đồng ý thỏa thuận ngừng bắn. Sau đó, tương tự như trường hợp của Đức và Triều Tiên, Việt Nam bị chia cắt làm 2 phần tại vĩ tuyến 17.

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tức Bắc Việt Nam) đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việt Nam Cộng hòa (tức Nam Việt Nam) đứng đầu là Bảo Đại. Cuộc tổng tuyển cử để thành lập một chính phủ chung cho cả nước dự định được tổ chức 2 năm sau đó.

Chỉ vài tháng sau, chính quyền Bảo Đại bị lật đổ bởi Ngô Đình Diệm. Diệm tuyên bố không tuân theo hiệp định bởi chính quyền Nam Việt Nam không ký vào hiệp định này. Và năm 1956, đến thời hạn tổ chức tổng tuyển cử, Diệm từ chối tham gia.

Lực lượng chống đối Diệm, gọi là Việt Cộng, đã tổ chức một chiến dịch đấu tranh du kích chống lại chính quyền Diệm. Số khác là Phật tử – những người không ưa thái độ thiên vị Thiên chúa giáo của Diệm. Ngoài ra còn có những người theo lực lượng Việt Cộng chỉ đơn giản vì họ muốn có tự do ngôn luận và xét xử bằng tòa án- những thứ mà Diệm cấm đoán.

Cuối cùng là những người muốn Việt Nam được thống nhất. Khi sự thật lộ rõ rằng phần lớn những người chống đối Diệm là cộng sản, Eisenhower đã ngày càng tăng cường viện trợ cho Diệm.

Từ đầu những năm 1960, chính quyền Nam Việt Nam của Ngô Đình Diệm ngày càng bị lung lay. Việt Cộng thành công trong việc kiểm soát vùng nông thôn.

Chính quyền Diệm chống trả bằng chương trình “ấp chiến lược”. Dân cư của từng làng bị di chuyển đến địa điểm khác trong vòng vây của tường và hào. Có những đội công tác đi từ làng này đến làng khác để khám chữa bệnh, tư vấn cách trồng trọt.

Nhưng những người Việt rất gắn bó với làng quê cũ của họ, hơn nữa họ không thích sống sau những bức tường rào. ấp chiến lược là một giải pháp sai lầm, tạo điều kiện cho lực lượng Việt Cộng ngày một mạnh mẽ ở vùng nông thôn. Trong khi đó, đường lối chính trị hà khắc và tệ nạn tham nhũng của chính quyền Diệm làm cho ngày càng nhiều người chống đối lại ông ta.

Năm 1961, lực lượng đặc nhiệm đã tư vấn cho Kennedy gửi quân đội tới Việt Nam để giúp đỡ chính quyền Diệm. Kennedy thì băn khoăn giữa một bên là học thuyết Domino (sự lan truyền của chủ nghĩa Cộng sản và những thành tựu của nó – ND), một bên là niềm tin : chính quyền Diệm chỉ có một cách duy nhất để duy trì là tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân.

Thay vì gửi quân đội đến Việt Nam, Kennedy đơn giản chỉ tăng thêm số lượng các chuyên gia giúp đỡ huấn luyện quân đội của Diệm, và cung cấp máy bay trực thăng cho họ. Cuối năm 1963, có khoảng 17.000 chuyên gia Mỹ ở Việt Nam (*).

Cũng vào thời điểm cuối năm 1963, sự chống đối trong các tôn giáo đối nghịch với Diệm ngày càng leo thang. Chính quyền Diệm bỏ tù hàng trăm nhà sư và phá hủy vô số chùa chiền, đền thờ. Quan chức Hoa Kỳ cố gắng khuyên nhủ Diệm ngưng hành động ngược đãi các Phật tử – thành phần đa số trong dân số Việt Nam, và bãi bỏ lực lượng cảnh sát chìm do em của Diệm là Nhu đứng đầu.

Nhưng Diệm đã từ chối, và Kennedy cắt viện trợ kinh tế. Ngày 1/11/1963, một cuộc đảo chính quân sự đã chấm dứt thời kỳ của Diệm, hai anh em Diệm, Nhu bị giết chết. Ngay sau đó Kennedy gửi quân nhảy dù đến miền Nam Việt Nam.

Sau khi lên làm Tổng thống, Johnson gửi thêm hơn 500.000 quân đến Việt Nam và chi khoảng 25 tỷ USD mỗi năm trong một nỗ lực phù phiếm nhằm ngăn chặn Chủ nghĩa Xã hội xâm nhập miền Nam Việt Nam.

(còn nữa)

Amari TX (st-net-vkol)

nguồn http://amaritx.wordpress.com/2012/08/30/