Đọc Và Nhận Định Toàn Văn

Phát Biểu Của TGM Ngô Quang Kiệt

Hoàng vũ

http://sachhiem.net/XAHOI/xhH/HoangVu1.php

19 tháng 10, 2008

 

LTS: Chuyện Ông Ngô Quang Kiệt phát biểu ngày 20 tháng 9 năm 2008 lẽ ra đã đi vào quá khứ. Nhưng các con chiên đã cực lực bênh vực và kéo dài việc "tố ngược" những thông tin đã chỉ "trích ra câu nói" gây tổn thương cho nhiều người nhất. Thực ra, ở thời đại này không ai có ý giấu lại bản văn làm gì, khi cuộc nói chuyện đã được công khai diễn ra trong ánh sáng, và sự có mặt của phía Ngài Tổng Kiệt rất đông đảo. Vì thế đã có nhiều người nghe tới nghe lui "toàn văn" và gửi đến sachhiem.net những nhận xét mới. Kính mời quí đọc giả xem những nhận xét thật xúc tích sau đây của tác giả Hoàng Vũ. (SH)


 

GM. NGÔ QUANG KIỆT: Tôi hết sức cám ơn ông Chủ tịch uỷ ban nhân dân thành phố Hà nội cũng như là tất cả các ban ngành trong Thành Phố Hà Nội đã dành cho chúng tôi một buổi tiếp xúc vừa trân trọng vừa cởi mở và chân tình. Những lời ông Chủ tịch nói kết thúc thật là đẹp và tất cả chúng ta ai cũng mong muốn, thật ra có một sự hài hoà trong cái khối đoàn kết thống nhất. Tuy nhiên muốn có cái hài hoà trong cái mối thống nhất thì đâu chỉ có cái tình mà phải có lý nữa, tục ngữ Pháp có nói rằng: những cái tính toán nó đúng mực nó mói là những người bạn tốt được. Muốn bạn tốt với nhau cũng phải tình lý phân minh chứ không phải chỉ có tình mà thôi. Chính vì thế tôi cũng xin có một vài lời cuối cùng trước những lời kết thúc của ông Chủ tịch.

 

NHẬN ĐỊNH: Lời cảm ơn của vị Tổng giám mục giáo phận Hà Nội với vị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bằng ngôn ngữ ngoại giao, cho thấy vị thế của ông Ngô Quang Kiệt không phải là công dân bình thường tiếp xúc với chính quyền, mà là vị thế của một quan chức nước Vatican, đang tùng sự tại một đơn vị hành chính của Vatican có tên gọi là “Giáo phận Hà Nội”. Một cuộc tiếp xúc trực tiếp, song phương mà Vatican vẫn gọi là “Đối thoại”… Mặc dù Việt Nam và Vatican chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng qua cuộc đối thoại này, không khó để nhận ra thế và lực của Vatican rất lớn, chính quyền Việt Nam đã nhường một bước, khởi đầu là động thái “thăm viếng” Tòa giám mục Hà Nội của TT Nguyễn Tấn Dũng, sau đó là khoảng thời gian dài gần một năm, mặc cho truyền thông Công giáo rỉ rả ngày đêm, truyền thông Nhà nước vẫn im hơi lặng tiếng, đồng thời chính quyền Hà Nội âm thầm vận động Tòa giám mục chấp nhận một trong ba khu đất khác thay cho khu đất 42 Nhà Chung. Nhưng họ lại nhận được một câu trả lời gọn lõn của Giám mục Ngô Quang Kiệt: Chúng tôi đòi chứ không xin!... Dù không nói ra, nhưng ai cũng hiểu cuộc tiếp xúc diễn ra ngày 20-9-2008 giữa Giáo phận Hà Nội và UBND thành phố Hà Nội là cuộc đối thoại giữa hai chủ thể đồng cấp, chứ không đơn thuần là buổi tiếp dân của chính quyền đối với công dân…. Cho nên chẳng lạ gì trong cuộc tiếp xúc này, người ta thấy sau lưng ông Ngô Quang Kiệt, vài linh mục đang tác nghiệp với máy ghi ảnh trên tay… Sau những lời cảm ơn bằng ngôn từ ngoại giao, ông Ngô Quang Kiệt đã đi thẳng vào vấn đề không cần tránh né. Rằng: nếu Nhà nước Việt Nam và các quan chức Nhà nước Vatican đang làm việc trong các giáo phận tại Việt Nam “muốn làm bạn tốt của nhau”, “đâu chỉ có cái tình mà phải có lý nữa…”. Ông đã vận dụng một câu tục ngữ của Trưởng nữ Vatican để khẳng định cái ”LÝ”, mà không chấp nhận cái “TÌNH” khi Nhà nước Việt Nam giới thiệu với ông cùng lúc 3 khu đất khác ở Hà Nội cho ông lựa chọn.

 

GM. NGÔ QUANG KIỆT: Trước hết ông Chủ tịch có nói rằng: Uỷ ban nhân dân TP đã tạo rất là nhiều điều kiện cho Giáo hội Công giáo trong những năm qua nhất là dịp Lễ Noel… Chúng ta phải công nhận trong những năm gần đây có nhiều điều kiện thế, tuy nhiên khi như thế, khi nói tạo điều kiện vẫn còn mang cái tâm lý xin cho: tức là cái này là ân huệ tôi ban cho anh đó. Nhưng mà cái tôn giáo là cái quyền tự nhiên con người được hưởng. Và nhà nước vì dân cho dân phải có trách nhiệm tạo cái điều đó cho người dân chứ không phải cái ân huệ chúng tôi xin. Không có. Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là cái ân huệ xin cho.

NHẬN ĐỊNH: Ở đoạn trên, ông Ngô Quang Kiệt nói đến cái “lý”. Trong đoạn này, chắc hẳn ông muốn khẳng định lại cái lý đó khi nêu lên quyền tự do tôn giáo, đồng thời phủ định cái mà ông gọi là “ân huệ xin cho”. “Lý” ở đây, đối với ông Ngô Quang Kiệt, hẳn nhiên không chỉ mang nội hàm pháp lý, pháp luật, mà còn phải được thể hiện qua giáo luật, huấn quyền thành văn như Thư chung, Tông huấn, Sắc lệnh, hoặc bất thành văn như các huấn từ của nguyên thủ quốc gia Vatican mà ông Kiệt vẫn gọi thân thương là “Đức Thánh Cha”…

Để chìu ý ông Ngô Quang Kiệt, tôi thử nương theo “lý” để đặt vấn đề với ông. Ông nói: “tôn giáo là cái quyền tự nhiên con người được hưởng…”, “tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là cái ân huệ xin cho”. Tôi đồng ý với ông ở điểm này, nhưng thắc mắc không hiểu ông đang đứng trên lập trường của “lý-Việt” hay “lý-Va”? (Va=Vatican). Nếu là “lý-Việt”,  phát biểu nêu trên vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa ở chỗ quyền tự do tôn giáo đã được luật pháp khẳng định thành văn. Tất nhiên do hội chứng lạm quyền, quan liêu, đã có một số quan chức nhũng nhiễu vi phạm quyền này. Nhưng ở đây ta đang nói về “lý”, Sở dĩ tôi nói “thừa” vì “lý-Việt” đã khẳng định thành văn quyền này rồi. Đã thừa lại còn thiếu, vì bên cạnh quyền tự do tôn giáo, còn có quyền tự do không theo bất kỳ tôn giáo nào. Điều này không nghe ông Kiệt nhắc đến. Chứng tỏ ông không quan tâm đến “lý-Việt”, mà nhất quyết bám vào cái “lý-Va” của ông,  nên không đả động gì đến quyền tự do không tôn giáo của người khác. Chính vì thế, ông đã không ngần ngại mang đồ thờ cúng đặt nơi công cộng làm rối mắt người khác. Đặt đồ thờ cúng của mình ngoài phạm vi nhà thờ, tổ chức cầu nguyện nơi công cộng, dùng loa phóng thanh công suất cao để kích động giáo dân, làm xáo trộn cuộc sống bình thường của những người không tôn giáo, khiến họ cảm thấy bực mình, khó chịu. Rõ ràng người Công giáo đã xâm phạm vào quyền tự do không tôn giáo của đa số người Việt …

Tại Việt Nam, đa số quần chúng ảnh hưởng văn hóa tâm linh truyền thống là tôn kính Tổ Tiên, thờ cúng Ông Bà, gọi nôm na là “Đạo Ông Bà”, hay “Đạo Hiếu”. Không gian văn hóa này trải dài trên khắp đất nước, họ không theo bất cứ một tổ chức tôn giáo nào, một số chịu ảnh hưởng văn hóa Phật giáo, cũng đi chùa, ăn chay ngày rằm, nhưng không quy y để trở thành Phật tử. Đích thực họ là những người “phi tôn giáo”…

Đối với ông Kiệt, khi bám vào “lý-Va” để đòi hỏi quyền tự do tôn giáo,  tôi đồ rằng, ông muốn dân tộc Việt phải thừa nhận hai tiếng “Xin Vâng”. Tại quảng trường thánh Phê-rô, một huấn từ được ban ra nhân buổi đại triều hàng tuần 25-6-08, nguyên thủ quốc gia Vatican Bê-nê-đi-tô XVI đã dạy rằng: Tự do có nghĩa là biết nói hai tiếng XIN VÂNG… Còn nhớ cách đây không lâu, người tiền nhiệm của Bê-nê-đi-tô XVI là Gioan Phao-lô II cũng đã từng ban  huấn từ “Đừng sợ” nhằm lên dây cót cho tín đồ trên khắp thế giới chống lại chính quyền ở những nơi Vatican cho là không nhân quyền, thiếu dân chủ, mất tự do tôn giáo… Chính ông Kiệt là người thấm nhuần, thực thi lời dạy “đừng sợ” và “xin vâng” một cách triệt để, Ông đã cho giáo dân ngưng cầu nguyện đòi đất để vâng lời một vị bộ trưởng Vatican[1], khi Vatican bật đèn xanh tuyên bố “Việt Nam không giữ lời hứa”[2] thì ông “xin vâng” đòi đất tiếp. Về bài học “Đừng sợ”[3] mà Giám mục Ngô Quang Kiệt và con chiên của ông đang “trả bài” với Vatican, chắc chắn đảng cầm quyền CS thừa biết và họ đã có sách lược thích ứng…

Nếu “tự do” được người Công giáo hiểu là “xin vâng”, thì “tôn giáo” đối với họ là gì? Xin nói ngay đó chính là religion, nguyên ngữ La-tinh là religare, nghĩa biện thần là sự hiệp thông giữa tín đồ Công giáo với độc thần Jê-hô-va. Tóm lại, xin vâng để hiệp thông với thần quyền thông qua huấn quyền là quyền mà ông Kiệt và đồng đạo của ông không hề bị mất. Nhưng ông cố tình đánh tráo khái niệm thành “tự do tôn giáo” để đòi cái mà mình không mất nhằm đánh lừa dư luận.

Quả vậy, đa số người Việt giữ Đạo Hiếu, Đạo Ông Bà, họ đã trân qúy, bảo lưu từ nhiều đời nay, nghĩa của Đạo trong Đạo Việt hoàn toàn khác với huấn quyền về  “tôn giáo” của Vatican như đã giải thích trên. Thế thì khi ông Kiệt la hoảng lên “tôn giáo là cái quyền tự nhiên con người được hưởng, tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là cái ân huệ xin-cho”, ông đã nhập nhằng từ ngữ “tôn giáo” và từ ngữ “tự do”, mục đích hướng dư luận vào chỗ nhầm tưởng ông đang đấu tranh cho tất cả mọi tôn giáo hiện đang hoạt động tại Việt Nam. Phật giáo cũng là một tôn giáo, nhưng là tôn giáo vô thần, hiểu theo nghĩa không thừa nhận độc thần sáng tạo. Phật giáo không biết nói hai tiếng xin vâng, không phải religion, religare thuộc ý hệ Ca-tô, nên đấu tranh đòi quyền “tự do tôn giáo” của ông Ngô Quang Kiệt chỉ dành riêng cho tôn giáo của ông thôi, chứ không cho các tôn giáo khác trong đó có Phật giáo.

Nhân đây xin trích lại lời của một tu sĩ Phật giáo bàn về tự do tôn giáo. Cũng xin nói trước đây là quan điểm cá nhân, chỉ có giá trị tham khảo trên chủ đề đang bàn, không liên quan gì đến lý lịch nhân thân của tác giả. TT Thích Chân Quang[4] đã nói đại ý như sau: Tự do tôn giáo được ghi trong các bộ luật của nhiều quốc gia hiện nay chưa chắc đã là cái đúng, nguợc lại nó chứng minh cho sự bất lực chính quyền và giới làm  khoa học. Tại sao gọi là sự bất lực của khoa học và chính quyền? TT Chân Quang giải thích: các tôn giáo thường có giáo thuyết trái nghịch nhau.  Có tôn giáo dạy  rằng vũ trụ do luật nhân qủa chi phối hình thành, phủ nhận sự sáng tạo từ một vị độc thần. Tôn giáo khác lại dạy có một vị thần sáng tạo, chi phối, nắm quyền sinh sát vũ trụ. Rõ ràng giáo thuyết của hai tôn giáo trên đối lập loại trừ nhau, nếu giáo thuyết của tôn giáo này đúng, thì giáo thuyết của tôn giáo kia phải sai, hoặc là cả hai cùng sai. Theo TT Chân Quang thì trong điều kiện lý tưởng, chính quyền và giới làm khoa học trong các quốc gia phải có trách nhiệm đi tìm cái đúng hướng đạo cho quần chúng, chứ không phải dung dưỡng cái sai.

Nhưng thực tế hiện nay tại các quốc gia, kể cả những quốc gia tiên tiến ở Châu Âu và Bắc Mỹ, giới làm luật và giới làm khoa học cũng còn có những hạn chế nhất định, đặc biệt trong lĩnh vực nhân văn trong đó có tôn giáo. Lấy ví dụ về hai tôn giáo với hai giáo thuyết trái ngược nhau như đã trình bày ở trên, dứt khoát phải có một giáo pháp đúng và một giáo pháp sai, hoặc cả hai cùng sai. Vì nhà nước bất lực trong việc nhận định đúng-sai của mình, nên đành phải làm luật tôn trọng cả hai, bảo vệ cả hai. Tôn trọng và bảo vệ cái đúng đã đành, nhưng tôn trọng và bảo vệ cái sai quả là một nghịch lý!... Chấp nhận khái niệm “tự do tôn giáo” trong trường hợp này chứng tỏ sự nhận thức đúng-sai về các tôn giáo của giới lãnh đạo ở các quốc gia còn rất yếu kém. Nếu trình độ nhận thức về các tôn giáo của giới lãnh đạo được nâng lên ở mức có thể, đúng-sai phân biệt rõ ràng, khái niệm “tự do tôn giáo” trong các văn bản luật pháp cần dẹp bỏ, vì lúc đó luật pháp chỉ thừa nhận một tôn giáo duy nhất đúng cho những công dân có nhu cầu tâm linh tôn giáo, và dứt khoát nói “không” với tôn giáo thiếu chân chính.

 Giới làm khoa học, đặc biệt là khoa học về tôn giáo có thể giúp chính quyền hoàn thiện khung pháp luật về tôn giáo, bằng cách  nghiên cứu để chỉ ra tôn giáo nào đúng nhất. Muốn thế, nhà khoa học phải tu dưỡng đạo đức, trau dồi trí tuệ, liêm khiết trí thức. Lúc đó, khái niệm “tự do tôn giáo” chỉ còn là chuyện của quá khứ, con người không cần đến quyền tự do tôn giáo, nhưng vẫn ung dung tự tại, hành xử hài hòa trong bầu không khí tâm linh tôn giáo hoàn mỹ nhất. Tất nhiêu điều này không dễ và sẽ có người cho là ảo tưởng, nhưng không phải là không có cái lý của nó.

Đây là bài toán khó mà giới khoa học và nhà cầm quyền chưa tìm ra lời giải trước tình trạng tôn giáo bát nháo hiện nay, đành bất lực, buộc phải dĩ hoà vi quý “đạo nào cũng là đạo”?!. Và đây cũng là lý do cho “quyền tự do tôn giáo” có một chỗ đứng trang trọng trong các bộ luật của hầu hết mọi quốc gia. Và cũng chính vì điều này mà một số tôn giáo lợi dụng, thực hiện mưu đồ đạo phiệt, họ đã khuyến khích tín đồ tử đạo, ôm bom liều chết, đánh đổi sinh mạng hàng trăm người vô tội bằng một ơn toàn xá vớ vẩn nào đó để được lên thiên đàng! Lịch sử đã chứng minh điều này và hiện nay nó đang và sẽ tiếp diễn… Hẳn nhiên đây chỉ là quan điểm cá nhân, nhưng nó cũng gợi lên nhiều điều đáng để ta suy gẫm… 

 

GM. NGÔ QUANG KIỆT: Cái thứ hai, ông chủ tịch có nói mọi cư xử phải vừa dựa trên pháp luật và cũng phải trên tình người, và công dân. Cái điều đó tôi rất đồng ý, rất là tâm đắc. Tuy nhiên trong cái thực chúng ta phải làm như thế đó, về phương diện pháp luật chúng ta phải làm theo pháp luật, thì cái gì cũng phải có cơ sở pháp lý. Ông chủ tịch có nói rằng: đất đai thì nó từ ngàn xưa không biết nguồn gốc từ đâu mà đến thời Giáo Hội Công Giáo thì lại được trao cấp cái đó thì chúng tôi công nhận cái đó. Thế nhưng ít ra khi cấp như thế người ta có một mảnh giấy công nhận là đây được cấp. Và đến thời chính quyền sau có thể thay đổi, nhưng phải có giấy tờ để chứng minh cái sự thay đổi và không ai có thể thay đổi được là làm sao? Thế thì trên mảnh đất 42 chúng tôi chưa được cái văn bản nào của nhà nước nói về cái sự thay đổi đó. Không có đi vào cái diện cải tạo tư sản, không có đi vào cái diện cải tạo nông nghiệp, cũng không có cái văn bản nói lên sự tịch thu hay là trưng thu trao cho cơ quan nào… hoàn toàn không có. Thực ra có thể nói việc quản lý của cơ quan nào đó là chưa có hợp pháp, trên cái căn bản là chúng ta phải có giấy tờ, chứ bây giờ kẻ cướp vào nhà chúng tôi rồi ngang nhiên ở đó rồi không có giấy tờ gì hết và họ mạnh chúng tôi không đuổi ra được thì đương nhiên họ chiếm hay sao?! Phải có giấy tờ, cần có văn bản pháp lý. Thế thì về vấn đề pháp luật thì vấn đề đất 42 chúng tôi chưa hài lòng với câu trả lời của ông. Chúng ta phải sống theo pháp luật, thì phải có văn bản giấy tờ của chính quyền. Thời chính quyền này có thể thay đổi, chính quyền sau có thể thay đổi nhưng phải có giấy tờ văn bản rõ ràng. Chúng tôi thấy đất 42 chưa có cái văn bản đó. Cái vấn đề thứ hai, ông chủ tịch có nói ra ngoài vấn đề pháp lý, chúng ta phải cư xử theo tình người, nguyện vọng của người dân thì chúng tôi thấy vẫn chưa được: biết bao nguyện vọng chúng tôi nêu lên, ít nhất là qua 15 lá đơn của Toà Tổng Giám mục Hà nội và hội đồng Giám Mục bao nhiêu lần nữa, nguyện vọng chúng tôi về cái đất đó gắn bó với chúng tôi nó gần gũi với chúng tôi. Nguyện vọng thật là chính đáng nhưng không bao giờ được giải quyết cả. Cho nên có thể nói đó cho chúng tôi thấy cái lý thuyết, nguyên tắc ông chủ tịch đưa ra rất hay nhưng chưa thực hiện được, nguyện vọng cũng như pháp lý. 

 

NHẬN ĐỊNH: Ở đoạn này, Giám mục Ngô Quang Kiệt nhắc lại lời ông Chủ tịch: “Ông chủ tịch có nói rằng: đất đai thì nó từ ngàn xưa không biết nguồn gốc từ đâu mà đến thời giáo hội Công giáo thì lại được trao cấp cái đó thì chúng tôi công nhận cái đó”. Khi nhắc lại những lời này, ông Kiệt đã không đủ thông minh để hiểu rằng đó là lời nói tế nhị, chẳng lẽ ông Chủ tịch dốt sử đến mức không biết nguồn gốc đất?[5] Chẳng lẽ ông ta nói thẳng ra rằng khu đất 42 Nhà Chung và cả khu đất hiện ông Kiệt đang sử dụng là một hệ lụy lịch sử đan chéo hữu cơ giữa ngụy quyền thực dân, tay sai bán nước, thừa sai Pháp, với cái “giáo hội” của ông Kiệt hiện nay. Tôi không muốn nhắc lại chi tiết sự kiện lịch sử này với những cái tên như Nguyễn Hữu Độ, Puginier, Bonnal… Nhưng không thể không nhắc lại lời của Giám mục Nguyễn Văn Sang, ông Sang khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng: nguồn gốc đất là do tổ tiên của người Công giáo để lại?! Hóa ra tổ tiên của người Công giáo là những anh thực dân, thừa sai mắt xanh mũi lõ[6]. Chính vì đã nhận ngụy quyền thực dân và các thừa sai làm cha ông mình, nên họ không ngần ngại đánh đồng các chủ thể lịch sử với kiểu lý luận vô trách nhiệm như: nếu chính quyền nhà Lý vì có cảm tình với Phật giáo nên đã cấp đất xây chùa Báo Thiên, thì chính quyền thực dân Pháp cũng vì có cảm tình với Công giáo mà lấy đất đó để cấp cho giáo hội Công giáo! Từ đây họ hạ một câu chắc nịch: lịch sử đã được xác lập không thể thay đổi…

Lẽ ra ông Kiệt nên biết, đó là cách ứng xử tế nhị để ông tự hiểu, thay vì nói thẳng “cướp đất” thì họ lại nói chệch đi “không biết nguồn gốc đất từ đâu”. Tục ngữ Việt Nam có câu: “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Họ đã tôn trọng ông, mới ông đến “đối thoại” như một chủ thể đồng cấp mặc dù chưa có quan hệ ngoại giao với cơ quan quyền lực cao nhất của ông là Vatican. Họ cũng xét đến tư cách công dân của ông nên đã nói: “mọi cư xử phải vừa dựa trên pháp luật và cũng phải trên tình người và công dân”. Và ông cũng thừa nhận: “Cái điều đó tôi rất đồng ý, rất là tâm đắc”. Thế thì vì cớ gì ông lại phủ nhận  cái “tình người và công dân” đó khi  được họ thể hiện qua việc giới thiệu 3 khu đất khác nếu thực sự ông có nhu cầu cho các hoạt động tôn giáo? Nhưng ông lại khăng khăng đòi cho bằng được khu đất 42 Nhà Chung.

Ông nghĩ họ có thể trả được cho ông sao? khi chính tại nơi đây đã phát ra “Thư Chung 1950” răn đe giáo dân không được hợp tác với các lực lượng cách mạng đánh đuổi thực dân Pháp. Giáo dân nào không nghe sẽ bị “dứt phép thông công”! Ông nghĩ rằng giấy tờ thực dân Pháp cấp cho ông sau khi Pháp bị đuổi cổ ra khỏi Đông Dương vẫn có giá trị pháp lý sao? Ông đòi hỏi phải có văn bản của Nhà nước cho sự thay đổi khu đất 42 Nhà Chung, ngay cả khi bị “tịch thu” cũng phải có “văn bản tịch thu”! Lạ nhỉ! Chính quyền CS tịch thu tài sản của bọn thực dân cướp nước cũng phải làm văn bản gửi cho ông sao? Tuyên Ngôn Độc Lập 2/9 khẳng định chủ quyền Việt Nam trên toàn lãnh thổ. Tài sản của thực dân Pháp và đồng minh của Pháp trong đó có Vatican bị tịch thu là điều đương nhiên. Trước một sự kiện lịch sử không thể phủ bác, tình tiết bi hài ở đây lại xuất hiện ngay trong câu nói của ông Ngô Quang Kiệt: “Bây giờ kẻ cướp vào nhà chúng tôi rồi ngang nhiên ở đó rồi không có giấy tờ gì hết và họ mạnh chúng tôi không đuổi ra được thì đương nhiên họ chiếm hay sao?!”


GM. NGÔ QUANG KIỆT: Chúng tôi không tranh chấp với nhà nước. Bằng chứng đó là, như ông chủ tịch có nói đó, trong tờ kê khai của linh mục Nguyên Tùng Cương, lúc đó là quản lý tòa Tổng Giám Mục, có 95 cơ sở. Chúng tôi có đòi cơ sở nào đâu, vì những cơ sở đó thực sự dùng vào những lợi ích chung. Chẳng hạn như cái trường Hoàn Kiếm, chúng tôi không bao giờ nói tới. Bệnh viện Xanh Pôn chúng tôi không bao giờ dám nói tới. Bệnh viện Bài Lao không bao giờ chúng tôi dám nói tới, vì sử dụng vào lợi ích chung. Nhưng khách san Láng Hạ chúng tôi sẽ nói tới, bởi vì sử dụng vào mục đích kinh doanh. Và cái Tòa Khâm Sứ đã thành cái nơi sàn nhảy, đã thành cái nơi kinh doanh buôn bán, đã có cái dấu hiệu buôn bán chia chác để làm cái trung tâm thương mại. Chúng tôi nói tới bởi vì nó rơi vào tay tư nhân thế nên chúng tôi nói, thế nên chúng tôi không tranh chấp với nhà nước. Nhưng chúng tôi nói lên cái tiếng nói của công lý. Bằng chứng cái trường Hoàn Kiếm bên cạnh, chúng tôi có bao giờ dám đòi đâu. Bởi vì nó phục vụ lợi ích chung, các bệnh viện nó phục vụ lợi ích chung. 

 

NHẬN ĐỊNH: Tôi thật sự “ấn tượng” với cách nói của ông Ngô Quang Kiệt: “không dám nói tới”, “không dám đòi đâu”… Ông Kiệt dùng từ “không dám” rất trơn tru, nhưng người nghe vẫn có cảm giác lám nhám. Tiếng Việt hay tuyệt. “Không dám” có nghĩa là rất thích, rất muốn, nhưng ngại, chưa dám. Khi có điều kiện, cơ hội đến thì “dám” liền. Người nhạc sĩ nắm bắt tâm lý này nơi trẻ con, ham chơi, quên học hành, đã sáng tác bài Không Dám Đâu: “Không dám đâu, em còn phải học bài, không dám đâu em còn phải làm bài”… Nhưng tâm lý một vị chủ chăn như ông Kiệt phức tạp hơn tâm lý trẻ con. Đối với trẻ con: “không dám đâu là hỏng dám đâu!”.  Với ông Kiệt thì khác. Ông nói “không dám” đòi những trường học, bệnh viện  vì nó sử dụng vào lợi ích chung. Nhưng với khách sạn Láng Hạ và tòa khâm sứ thì ông “dám!” vì nơi đây đang có “dấu hiệu buôn bán chia chác” hoặc “rơi vào tay tư nhân”.

Trong phát biểu này, ông Kiệt đã xác lập một đẳng thức: “Dám hoặc không dám = (bằng) không tranh chấp với Nhà nước”. Nếu bỏ qua tư cách quan chức của nước Vatican mà chỉ xét đến tư cách công dân thì đây là một phát biểu có phần dũng cảm, một phản biện xã hội cần thiết mà trách nhiệm của mọi công dân trong đó có ông Kiệt cần thực hiện trước những hiện tượng tiêu cực của các quan chức có thế có quyền. Nhưng ông đã đi chệch mục tiêu công dân của mình. Khi phát hiện những tiêu cực như có “dấu hiệu buôn bán chia chác” để tài sản công “rơi vào tay tư nhân”, lẽ ra ông phải tố cáo đích danh quan chức nào, kể cả khi quan chức đó là Chủ Tịch nước hay Thủ Tướng chính phủ, góp phần loại bỏ những ung nhọt làm nghèo đất nước, ông lại quay sang đòi đất. Nhưng ông đòi cho ai? Không phải cho cá nhân ông thì tất nhiên là cho giáo hội, nhưng giáo hội nào? Giáo hội Công giáo Việt Nam chăng? Rất tiếc trên đất nước này không hề có một tổ chức tôn giáo nào mang tên “Giáo hội Công giáo Việt Nam” mà chỉ có “Hội đồng Giám mục Việt Nam”, là cánh tay nối dài của Giáo hội Công giáo La-mã (Roman Catholic), tức Nhà nước Vatican.

Khác với Trung Quốc, hiện nay họ có hai giáo hội, Công giáo Trung Quốc và Công giáo La-mã. Nhà nước chỉ thừa nhận sự hợp pháp của Giáo hội Công giáo Trung Quốc. Giáo hội Công giáo La-mã luôn hành xử vì lợi ích của nước Vatican mà xem nhẹ lợi ích quốc gia, dân tộc. Chính quyền không thừa nhận sự hợp pháp của họ cũng là điều đương nhiên. Vatican gọi giáo hội của mình trên đất nước Trung Hoa là “Giáo Hội Hầm Trú” cũng là điều mĩa mai cho các tín đồ Công giáo chân chính. Tại VN, Vatican rất nỗ lực trong việc ngăn chặn một giáo hội tự trị như Trung Quốc. Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, quan chức Bộ Truyền Giáo Vatican, là thành viên đoàn Vatican thương lượng với chính quyền VN từ 1989 đến nay, đã xác nhận và biểu dương Hội đồng giám mục VN trong nỗ lực này[7]. Đồng thời họ chỉ trích gay gắt giáo hội tự trị mà họ vẫn miệt thị là “giáo hội quốc doanh”. Điều bi hài là để chống lại mọi khả năng có thể hình thành một “giáo hội quốc doanh” họ đã hết sức, hết lòng, hết trí khôn, bất chấp lợi ích quốc gia, dân tộc, sẵn sàng hy sinh kể cả “tử đạo” cho cái “giáo hội Va-doanh” của họ…

Nếu tại Việt Nam chỉ duy nhất có một Giáo hội Công giáo La-mã, hóa ra Giám mục Ngô Quang Kiệt đang đòi đất cho ngoại bang Vatican! Điều này có thể chứng minh qua trả lời phỏng vấn của Lm Nguyễn Văn Khải với BBC[8]: "Cha Bích và mọi giáo dân đều hiểu không ai được quyền thay Giáo hội giao, nhượng, dâng hay bán đất cho Nhà nước. Nếu làm như vậy tu sĩ đã bị rút phép thông công ngay lập tức". Ai có quyền “rút phép thông công”? Hội đồng Giám mục Việt Nam có quyền này không? “Giáo hội” mà Lm Khải nói ở đây không ai khác hơn là Roman Catholic tức nhà nước Vatican. Lm Khải không tránh né khi nói thẳng tại Việt Nam bất kỳ một tu sĩ nào giao, nhượng, dâng, bán đất cho Nhà nước VN, ngay lập tức người đó sẽ bị Vatican áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất: “Rút phép thông công”! Đến đây, ta có thể hiểu vì sao Giám mục Ngô Quang Kiệt nói Linh mục Nguyễn Tùng Cương chỉ làm tờ kê khai tài sản theo yêu cầu của chính quyền chứ chưa bao giờ Lm Cương làm văn bản bàn giao, hay hiến tặng. Phải chăng cái “phép thông công” mà Vatican áp đặt lên mỗi con chiên buộc họ phải lựa chon, dân Chúa hoặc dân Việt! nước Chúa hoặc nước Việt! và họ chỉ được phép chọn một trong hai…

 

GM. NGÔ QUANG KIỆT: Do đó, chúng tôi xin nhắc lại, chúng tôi rất mong muốn xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng.  Thế nhưng chúng ta không phải chỉ có tình cảm mong muốn là được mà phải có lý luận xây dựng thật là vững chắc trền nền tảng pháp lý. Một lần nữa chúng tôi xin hết sức cám ơn ông chủ tịch và Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội dã dành cho chúng tôi một buổi tiếp đón thật là trân trọng và thân tình và hứa hẹn những trao đổi khác thì chúng tôi thấy hy vọng như thế chúng ta hiểu nhau hơn và mới có thể làm cho Thành Phố Hà Nội chúng ta nói riêng, tiến đến kỷ niệm ngàn năm Thăng Long được vui vẻ, xứng đáng là một thành phố hòa bình và trong hòa bình thì có công lý và làm cho đất nước chúng ta càng ngày càng phát triển. Tôi xin cám ơn.

NHẬN ĐỊNH: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét”. Câu nói kẻ khen người chê làm tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông trong ngoài nước. Kẻ bênh vực cho rằng câu nói trên bị cắt xén ngoài ngữ cảnh nhằm hạ uy tín ông Kiệt, người phê phán lại thấy từ “nhục nhã” dù trong ngữ cảnh nào cũng không thể biện minh cho sự khinh thường dân tộc của ông Kiệt…  Có hai khả năng, khi dùng từ “soi xét” và “nhục nhã”, ông Kiệt muốn chơi chữ đánh đố chính quyền do đảng CS lãnh đạo. Khả năng thứ hai ông đã phát biểu quá vụng về do bị ức chế tâm lý. Nhà báo Ben Stocking của AP nghiên về khả năng này[9]. Cá nhân tôi thấy rằng, khi đã chấp nhận chơi bài ngửa với chính quyền CS, ông Kiệt đã nhiều lần chiếu tướng vỗ mặt buộc đối phương phải vào thế muốn kết thúc cuộc cờ càng sớm càng tốt.

Ông nói “đi đâu cũng bị soi xét” làm nhiều người lầm tưởng sự “soi xét” ở các sân bay cửa khẩu quốc tế. Thực tế tại đây, những chiếc máy soi vô hồn làm việc ngày đêm trên các băng tải không bỏ sót bất kỳ hành lý nào của hành khách. Những nhân viên làm việc ăn lương với thiết bị soi cầm tay đã “soi” vào tận háng, tận nách từng người, đố anh Hàn, anh Nhật nào thoát khỏi! Không cần phải ra nước ngoài mới biết được điều này, chỉ cần mở ti-vi chuyển kênh HBO, kênh truyền hình giải trí chuyên chiếu phim Mỹ, không thiếu những cảnh quay “soi xét” kiểu ấy …

Vậy thì ai soi xét và soi xét cái gì? Để trả lời câu hỏi này, hãy nhớ lại chuyện Hồng y Phạm Minh Mẫn trong Đại hội giới trẻ Công giáo diễn ra cách đây chưa lâu. Hồng y Mẫn đã bị “soi xét” tới bến về chuyện cờ vàng, cờ đỏ mà ông cho rằng có thể làm cản trở sự hiệp thông của giới trẻ Công giáo trong nước với đại hội. Kẻ “soi xét” không ai khác hơn là nhóm Công giáo chống cộng hải ngoại.

Trường hợp Giám mục Ngô Quang Kiệt, khi ra nước ngoài vận động “hiệp thông”, có thể ông đã gặp các giáo phận nước ngoài “kết nghĩa chị em” với các giáo phận trong nước, hoặc những tổ chức Công giáo người Việt hải ngoại “hỏi han” về tình hình nhân quyền, dân chủ, tự do tôn giáo trong nước. Sự “hỏi han” nhiệt tình qúa mức cần thiết khiến ông cảm thấy như đang bị chất vấn. Một vị lãnh đạo tinh thần của một tôn giáo lớn như Giám mục Kiệt sao lại để cho tình trạng thiếu nhân quyền, mất tự do tôn giáo kéo dài trong nước? Sao ngài không làm một cái gì đó để chấm dứt tình trạng này? Đương nhiên ông Kiệt phải chấp nhận sự “soi xét” đó vì bản thân ông chưa làm thỏa mãn những đòi hỏi của Giáo hội Công giáo nói chung, các tổ chức Công giáo chống cộng nói riêng. Bị “soi xét” vì một vai diễn được họ kỳ vọng rất nhiều nơi ông, nhưng ông chưa thể hiện tròn vai, nên ông cảm thấy buồn! “buồn lắm chứ!...”

Kể cũng khó cho Giám mục Ngô Quang Kiệt! Ngoài chuyện bị “soi xét” bởi những tổ chức Công giáo chống cộng, trong quá trình vận động “hiệp thông” ở nước ngoài, có thể ông cũng đã gặp nhiều chính khách như Dân biểu Loretta Sanchez chẳng hạn... Trong khi Hoa Kỳ thừa nhận có sự tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam và không chấp nhận đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách Các Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt (Countries of Particular Concern - CPC), thì nhóm chính khách chống cộng này vẫn tích cực vận động, ủng hộ cho các tổ chức đòi nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận trong nước. Nếu ông Kiệt gặp họ, họ không “soi xét” ông về những vấn đề này mới là chuyện lạ! Đó cũng là một áp lực mà bản thân ông cảm thấy khó vượt qua, nên buông lời: “đi đâu cũng bị soi xét!”.

Nhưng nếu chỉ có thế mà ông thấy “nhục nhã khi cầm hộ chiếu Việt Nam” thì khó cảm thông cho ông được. Có người còn cường điệu nói rằng: ông thấy nhục nhã vì ông quá giận! Cơn giận thánh thiện! (saintes colères)[10]...  Người Công giáo chống cộng cũng chẳng có gì lạ, vì chống cộng là bản chất của họ, vô thần và hữu thần tương khắc loại trừ nhau như nước với lửa, có anh không tôi! Giáo hoàng Piô XII đã khẳng định: Không một ai có thể cùng một lúc vừa là Công giáo vừa là Cộng sản. Ông Kiệt có thể cảm thấy nhục nhã khi hằng ngày phải ứng xử với đảng cầm quyền theo kiểu “bằng mặt chứ không bằng lòng”, với những lời nói đãi bôi như: “một lần nữa chúng tôi xin hết sức cám ơn ông chủ tịch và Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội đã dành cho chúng tôi một buổi tiếp đón thật là trân trọng và thân tình”… Sự nhục nhã ấy có thể lý giải được vì người Công giáo vốn rất tự hào là người “hữu thần”, nay phải ngửa tay xin cái giấy thông hành của anh “vô thần”. Nhục lắm chứ! Thực tế đó cho phép ông “nhục nhã” khi cầm cái hộ chiếu do nhà cầm quyền CS cấp. Nếu đúng vậy sao ông không nói thẳng, cùng lắm ông chỉ “đụng” vào Đảng CS, có thể ông mất điểm với nhà cầm quyền. Khổ nỗi, ông lại nói “nhục nhã khi cầm hộ chiếu Việt Nam”, ông đã bị mất điểm với cả đại khối dân tộc…

Ai cũng biết tấm hộ chiếu nhằm chứng minh xuất xứ, nguồn gốc, quốc tịch của người sử dụng nó. Giả sử một thể chế chính trị mới lên nắm quyền lãnh đạo đất nước thay Đảng CS, thì tấm hộ chiếu do chế độ mới cấp có thể thay đổi đôi chút về hình thức như kích thước, màu sắc… nhưng những điều căn bản nêu trên là không thể thay đổi, tấm hộ chiếu Việt Nam dù chế độ nào cấp cho người dân thì nó vẫn phải làm cái nhiệm vụ chứng minh quốc tịch của người sở hữu nó khi người ấy ra nước ngoài. Ông Kiệt nói thấy nhục nhã khi cầm hộ chiếu VN, ông phải chịu búa rìu dư luận, quần chúng trách ông phỉ báng dân tộc, xúc phạm dân tộc chẳng oan tí nào…

Về chuyện “làm sao như anh Hàn… anh Nhật…” Ông Kiệt nói không sai, nhưng phải hiểu như thế này: Công giáo Hàn Quốc rất mạnh,  Hàn Quốc là đồng minh của Phương Tây trong đó có Vatican, chính phủ Hàn Quốc không những thân Công giáo, đã bổ nhiệm nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo vào các chức vụ quan trọng, mà đôi khi còn đối xử bất công với các tôn giáo khác. Vụ Phật giáo Hàn Quốc yêu cầu chính phủ phải xin lỗi là một điển hình[11] Còn Nhật Bản, quốc gia có thể nói là “phi Công giáo”, Nhật Bản hoàn toàn không có vấn nạn Công giáo. Anh Nhật, Anh Hàn mà bị “soi  xét” như ông Kiệt mới là chuyện lạ!...

Như đã nói trên, lối ứng xử “bằng mặt chứ không bằng lòng” với những lời nói đãi bôi “Chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên… cũng mong đất nước lớn mạnh lắm… đất nước chúng ta mạnh đi đâu chúng ta cũng được kính trọng...” liệu mấy ai tin? Ai cũng thấy mục đích của ông là đòi lại “tòa khâm sứ”. Nhưng đây chỉ là bề nổi, đằng sau chuyện đất cát là sứ mệnh Vatican đặt lên vai Hội đồng giám mục Việt Nam mà vị chủ chăn Giáo phận Hà Nội Ngô Quang Kiệt đóng vai trò tiên phong. Điều này được Lm Vũ Khởi Phụng nói thẳng trong bài giảng của ông tại buổi lễ hiệp thông cầu nguyện cho Tòa Khâm Sứ và Thái Hà tại Dòng Chúa Cứu Thế Saigon, đêm 28-8-2008: “Mảnh đất là một biểu tượng, mảnh đất là một cái cớ, mảnh đất là một cơ hội, để đi tìm một cái gì khác”[12]. “Một cái gì khác” là cái gì? Không cần phải là người thông minh cũng có thể đoán ra…

Vậy nếu đất nước này mạnh lên thật, mạnh như Trung Quốc hiện nay khi họ vừa tổ chức Thế vận hội Olympic hoành tráng tiêu tốn 40 tỉ đô-la, vừa thẳng tay đàn áp Tây Tạng, lại vừa phóng tàu Thần Châu lên vũ trụ thành công, ngay cả Mỹ cũng phải kiêng nễ.  Lại nữa, họ chỉ thừa nhận Giáo hội Công giáo Trung Quốc, còn cái Giáo hội Hầm Trú Vatican, họ cứ để “hầm trú” mãi. Nếu Việt Nam mạnh lên như Trung Quốc, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam cứ nhất quyết biến “tòa khâm sứ” của ông biến thành công viên, liệu ông có thật tâm mong muốn đất nước này mạnh lên thật không?

 

Hoàng vũ


 

[1] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/02/080202_vietcatholic endingvigil.shtml

[2] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/09/080920_vatican _response.shtml Chương trình tiếng Việt của Radio Vatican ra đời từ năm 1979 và tự coi vai trò của họ "trước tiên là cộng đồng công giáo tại Việt Nam, đài Vatican, tự bản chất, được coi là mối dây nối liền Đức Giáo Hoàng, Tòa Thánh với các giáo hội địa phương". Dẫn lại từ BBC Việt ngữ.

[3] “Các con đừng sợ”. Đó là câu nói mà giới truyền thông Công giáo cho rằng “đầy ái lực” của nguyên thủ quốc gia Vatican Gioan Phaolô II với Lech Walęsa, lãnh tụ nghiệp đoàn Solidarność (Công đoàn Đoàn Kết) Ba Lan trong chuyến ông này viếng thăm Vatican vào năm 1979.

 [4] Thích Chân Quang, VCD Sự Giấu Mặt Của Luật Nhân Qủa

 [5] Giới sử học và luật gia Hà nội đã chính thức công bố quan điểm lịch sử này trên truyền thông đại chúng.

Xem video trên VTV:

 http://www.vtv.vn/VN/TrangChu/TinTuc/CKX/2008/9/28/184363/

[6] Quan điểm của Gm Nguyễn Văn Sang được đăng trên hầu hết các website Công giáo trong ngoài nước.

[9] http://www.philly.com/philly/wires/ap/news/nation_world/20080922_ap_ hanoichurchmustendvigilsorfacelegalaction.html. Dẫn lại từ Trương Thái Du. Kẻ thất tiết của lịch sử. sachhiem.net

[11] Có thể tham khảo tình hình Phật giáo Hàn Quốc trên phattuvietnam.net

[12] Trần Duy Nhiên. Hai Gương Mặt Mục Tử http://danchuausa.net/hiep-thong/hai-guong-mat-muc-tu/

 


Những bài cùng tác giả

Linh Vật Rồng Trong Ý Thức Hệ Tin Lành (Hoàng Vũ)
Đôi Điều Về Chiêc “Máy Lọc Tình Yêu” (Hoàng Vũ)
Đọc Và Nhận Định Toàn Văn Phát Biểu Của TGM Ngô Quang Kiệt (Hoàng Vũ)

 

Những bài liên quan đến vụ đòi đất

Trang Xã Hội