Thời Bi Tráng

- tiểu thuyết -

Nguyễn Văn Thịnh

 

CHƯƠNG NĂM

Ngày 05 tháng 8 năm 1964, từ các tàu sân bay của Hạm đội VII đậu ở ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, hơn 40 chiếc máy bay xuất kích hàng trăm lần đánh phá các căn cứ của Hải Quân nhân dân Việt Nam từ Quảng Bình đến Quảng Ninh. Tuy bị đánh bất thần nhưng với sức chống trả quyết liệt, nhiều máy bay của không lực Mỹ lần đầu tiên bị bắn rơi ngay trên vùng trời, vùng biển Việt Nam. Phi công Mỹ bị bắt sống bêu hình trên các báo ngay sớm hôm sau làm nôn nao náo nức lòng người.

Lầu Năm góc thanh minh rằng Hải quân Mỹ buộc phải đánh trả đũa vì trước đó, ngày 4 tháng 8, Tuần dương hạm Telnejoy trong khi làm nhiệm vụ tuần tiễu ở hải phận quốc tế đã bị tàu chiến của quân Bắc Việt Nam khiêu khích, tấn công! Thực sự là từ đêm 31 tháng 7, tàu khu trục Maddox của Hải quân Mỹ đã vượt vĩ tuyến 17 tiến sâu vào vùng biển Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa. Có nơi chỉ cách bờ 5-6 hải lý. Từ các đài quan sát, lính quan trắc dùng ống nhòm có thể nhìn rõ số hiệu DD731 nơi mũi tàu. Ngày 1 tháng 8, pháo trên tàu bắn vào các đảo và dọc theo bờ biển thăm dò.

Trưa ngày 2 tháng 8, ba tàu phóng ngư lôi của Hải quân Nhân dân Việt Nam được lệnh xuất kích tiếp cận tàu Maddox ở gần đảo Hòn Nẹ – Thanh Hóa. Cuộc đụng độ không cân sức. Phía Mỹ tàu lớn lại có không quân yểm trợ, hỏa lực áp đảo. Phía Việt Nam có tổn thất nhưng tàu Mỹ cũng phải tăng tốc rời khỏi hải phận Việt Nam. Đó là cơ hội để Lầu Năm Góc kích động dư luận Mỹ đồng tình đẩy mạnh cường độ cuộc chiến tranh.

Tổng Thống Kennedy lúc sinh thời đã được tướng Taylor khuyến cáo cần phải tấn công ngay Bắc Việt Nam bằng không quân để răn đe Hà Nội. Năm 1963, giữa nhiệm kỳ, lúc đang được nhiều người kỳ vọng, ông bị bắn chết trên đường phố Dallas ở bang Texas. Thế ngôi chủ của Nhà Trắng, ông Johnson vẫn đi theo vết chân của người tiền nhiệm, lập tức thông qua Kế hoạch 34A do thám và đánh phá Bắc Việt Nam bằng không quân và hải quân. Giới quân sự Mỹ hoạch định sẵn 99 mục tiêu cụ thể trên lãnh thổ Bắc Việt Nam và đã thông báo cho chính quyền Sài Gòn trong cuộc gặp tại Honolulu trước đó. Vấn đề là tìm một lý do nào để dư luận thấy là chính đáng. Bây giờ là dịp Lầu Năm Góc dựng lên sự kiện Vịnh Bắc bộ để lấy cớ đòi Chính phủ khiếu kiện ra Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Quốc hội thông qua nghị quyết cho phép Tổng thống được sử dụng những biện pháp cần thiết để đẩy lùi mọi cuộc tấn công vũ trang chống các lực lượng của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ.

Đó là sự cởi trói cho Tổng thống Mỹ mặc sức tung hoành ngang ngược trên khắp lãnh thổ Việt Nam bởi họ nghĩ khi người Mỹ nắm toàn quyền điều hành chiến cuộc họ sẽ xoay trở tình thế dễ dàng, không để dây dưa kéo dài như bấy lâu nay nữa.

Thế là tháng 2 năm 1965, Tổng thống Johnson bằng quyết định ném bom không giới hạn ra toàn miền Bắc đồng thời áp lực Quốc hội Hoa Kỳ chuẩn y việc đưa lục quân Mỹ sang tham chiến ở Việt Nam, buộc người Việt Nam phải lựa chọn giữa hòa bình và chiến tranh. Từ can thiệp từng bước vào cuộc tranh chấp địa phương, người Mỹ lún sâu dần thành cuộc chiến tranh của chính mình ở một xứ Viễn đông xa xôi!

Ngọn lửa chiến tranh đã lan ra cả nước Việt Nam dưới hai hình thức vô cùng khốc liệt: Ở miền Nam là cuộc chiến tranh cục bộ của nước Mỹ và ở miền Bắc là cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân Mỹ nhằm triệt tiêu hậu cứ đối phương.

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Không có gì quí hơn độc lập–tự do như lời thề quyết tâm giữ nước, thôi thúc người người làm việc bằng hai để những chiến sỹ hăng hái lên đường đánh giặc.

Ông Lý Qúy Dân đem hai đứa con sơ tán về quê. Lúc đầu ông lưỡng lự vì thấy khó xử lắm. Cô Ngọt bảo chồng:

- Nếu như bố mẹ tôi còn thì các con về với ngoại. Huống hồ cha nó sờ sờ ra đây mà các con phải đi ăn nhờ ở đậu thiên hạ hay sao? Nhà thờ nội tộc đấy! Cha con ông vừa có quyền, vừa có trách nhiệm trông nom tu bổ nơi thờ tự ông bà tổ tiên. Ai dám đứng ra ngăn trở cấm cản nào?

Nói cứng vậy thôi nhưng cô cũng thông cảm ẩn tình của chồng mà thực bụng cũng là nỗi rối rắm của cô. Nhưng tình thế dồn cô phải thế. Cô nói cho yên lòng chồng:

- Suy cho cùng thì ông cũng không thể từ bỏ quê hương mà đi mãi được. Dòng giống nhà ông nảy nở sinh sôi ra từ đấy. Đây là dịp để ông trở về sớm hơn thôi, mở đường cho con đi lại về sau. Bà ấy mà khôn thì đây là cơ hội để làm lành, về sau còn có chỗ nương thân. Chứ nếu bà ấy cố chấp gây điều khó dễ, trước hết thiên hạ chê cười, sau này hết quyền hết chức cái thân gái già lõ mõ lủi thủi cô đơn có ngày chết thối ra xóm làng mới biết. Ông cứ yên tâm dạy dỗ chăm sóc các con đi. Tiêu chuẩn vật chất tôi sẽ lo chu toàn. Với người ta thì khó nhưng với mình lúc này lại dễ. Khối người không có điều kiện sử dụng tem phiếu các loại đúng theo kỳ hạn thì phải bán rẻ đi. Mình thu gom lại mua vào, bán ra. Dịp này là cải thiện được nhiều lắm đây!

Ông về trước thăm dò ý bà và xóm làng họ tộc. Người thành thị đang sơ tán về các vùng quê có khác gì chạy tản cư thời chống Pháp đâu. Người nhà quê dù nghèo nhưng lúc nào cũng hiếu khách và cởi mở dù là người tứ xứ huống chi cha con ông về với quê hương. Nhà cửa ông mênh mông đó mà tuyềnh toàng hoang lạnh. Bà sinh hoạt tập thể lâu lâu mới đảo về chốc lát lại đi. Bà chẳng có quyền gì cấm cản được ông mặc dù trong lòng bà thấy gai gai chương chướng thế nào. Bà ngăn biệt lập riêng ra một buồng, đừng có ai làm bà vướng mắt.

Cái xe đạp là phương tiện lưu thông và vận tải hữu hiệu nhất trong sinh hoạt thời chiến của người Việt Nam. Một tháng đôi lần, con đường quê-tỉnh cả trăm cây số mà ở tuổi lục tuần ông vẫn đi lại băng băng, đôi chân thêm cứng, gối càng dẻo dai. Ông vừa làm nhiệm vụ vận chuyển hàng tiếp tế nuôi hai đứa con ăn học, tiện thể kết hợp lưu thông hàng hóa giữa thành thị với nông thôn dưới sự điều hành tháo vát của người vợ đảm. Chiếc xe của ông được cải tạo như chiếc xe thồ. Từ thành phố về, xe ông cồng kềnh những hàng nhu yếu phẩm : xà phòng, khăn mặt, dăm mét vải, mấy bộ quần áo trẻ con, bao đường cát vàng, túi kẹo, gói mì chính, bánh thuốc lào, tút thuốc điếu, những bao diêm, tập vở, tá bút Trường sơn… Ở quê ra xe ông lặc lè bao gạo nếp, mớ đỗ xanh, đỗ đen, mấy con gà, con vịt, chục trứng, dăm thẻ đường phên… Người tỉnh, người quê nhờ vào ông khối việc. Ai cũng gian lao vất vả nhưng vợ chồng con cái ông được no bụng ấm thân lại còn có của kín đáo để dành.

  Cẩm Nhung dỡ chiếc mũ rơm rộng vành ra khỏi đầu, móc vào tay lái xe, ngập ngừng đến gần anh lính gác cổng sân bay. Anh lính chăm chăm nhìn cô gái trẻ trên mình đầy bụi cát:

- Chị đến tìm ai?

- Tôi muốn gặp anh Huỳnh Anh Dũng?

- Ở đơn vị nào?

Cẩm Nhung lục trong túi xách đưa ra chiếc phong bì. Anh ta liếc qua rồi nhìn cô gái dò xét :

- Anh ấy làm nhiệm vụ gì?

- Lái máy bay!

Anh lính hỏi vặn :

- Chị với anh ấy là thế nào?

Cẩm Nhung ấp úng :

- Là… bạn!

Anh lính cười :

- Bạn cấp mấy mà dám vượt đường xa nguy hiểm đến thăm nhau lúc này ?

Cẩm Nhung hơi khó chịu nhưng cố làm lành :

- Vâng! Tôi từ Hà Nội lên. Anh thông cảm cho tôi được gặp anh ấy để còn về kịp trong ngày.

Anh lính kiểm tra giấy tờ hợp lệ rồi mới đi vào quay chiếc máy bộ đàm đặt trên nóc tủ trực ban. Khi trở ra, anh ta vui vẻ :

- May đấy, sắp đến giờ người ta trực chiến. Chị đi thẳng đường này, tới ngã ba rẽ phải, đi một khúc qua dãy nhà A, rẽ trái, tới dãy nhà bê (B), hỏi tới nhà xê (C) là nơi dừng chân sơ bộ. Sau đó tuỳ tình hình sẽ được dẫn tới nhà dê (D) hay đê (Đ) gì cũng được

Anh ta tủm tỉm cười dặn với :

- Nhớ khẩn trương tranh thủ mà về, chớ có ham qúa mà xơi bom Mỹ đấy!

Cẩm Nhung đã ra trường, làm cô giáo tại một trường cấp III ở ngoại thành. Cô ở nội trú trong khu tập thể giáo viên, chiều thứ bảy mới về nhà, sớm thứ hai lại đi. Ngoài chuyên môn, cô công tác đoàn thể tích cực và được giao nhiệm vụ Bí thư chi đoàn trường và có chân trong Huyện đoàn nữa.

Ngày 03 tháng 4 năm 1965, Không quân nhân dân Việt Nam bất thần xuất kích bắn rơi hai chiếc máy bay F8-Con ma của Không quân Mỹ trên bầu trời Thanh Hóa khi chúng vào đánh phá cầu Hàm Rồng. Tiếp đó ngay hôm sau, vẫn bằng những chiếc máy bay MIG17, ta lại bắn gục hai chiếc F105-Thần sấm hiện đại nhất của không lực Hoa Kỳ. Bác Hồ biểu dương: Trong lịch sử chiến tranh giữ nước, nhiều lần quân và dân ta đã dầm đầu kẻ địch trên đất liền, trên sông biển. Nhưng đây là lần đầu tiên quân và dân ta dầm đầu kẻ địch ngay cả ở trên không! Cả nước nức lòng.

Trong một buổi mít tinh của nhân dân thành phố chào mừng binh chủng Không quân của ta non trẻ mà đã lập được chiến tích vẻ vang, Cẩm Nhung đại diện cho Đoàn thanh niên khối nhà trường được mời tham dự. Mấy chiến sỹ lái máy bay tiêu biểu được đón chào nhiệt liệt. Các anh báo cáo với bà con về những chiến công mà trước đó chưa hình dung nổi : Máy bay của ta do nước bạn viện trợ đã thuộc loại cổ lỗ đến đời thứ mấy rồi, người ta chỉ dùng để huấn luyện các phi công chiến đấu tập lái lúc đầu thôi. Trong khi máy bay của Mỹ thuộc loại hiện đại đời mới nhất, vượt xa ta về tốc độ, đường dài, thời gian bay và kể cả vũ khí tấn công nữa. Kẻ địch áp đảo ta về số lượng, khí tài, kỹ thuật nhưng ta áp đảo nó bằng ý chí  chiến đấu bảo vệ tổ quốc mình, phát huy tinh thần chiến tranh nhân dân, vận dụng chiến thuật đánh du kích, tiếp cận bất ngờ, bám thắt lưng địch mà đánh, hợp đồng tác chiến dưới đất–trên không, nên những chiến sỹ lái máy bay của ta dám đánh và đã thắng. Cẩm Nhung càng sung sướng và cảm động nhận ra người bạn cùng học ngày nào nay là một trong những phi công anh hùng ấy.

Trường Phổ thông cấp III Nguyễn Trãi ở phố Cửa Bắc có một số bạn học sinh đặc biệt của miền Nam cùng học. Anh Dũng và Cẩm Nhung học chung từ lớp 8 đến lớp 10. Anh chàng Dũng thích thể dục-thể thao. Cô bé Nhung hay văn nghệ. Cả hai cùng là đoàn viên thanh niên tích cực nên còn lưu nhiều kỷ niệm về một thời học sinh sôi nổi. Tuy nhiên học sinh Hà Nội lứa ấy đa phần là con em các gia đình viên chức, binh sỹ, thương nhân… có nhiều dính dáng tới chính quyền cũ và không ít người có quan hệ gần gũi với những người đã bỏ vào Nam. Không như các bạn học sinh miền Nam toàn là con em những người kháng chiến gửi ra miền Bắc đào tạo thành những hạt giống đỏ cho miền Nam sau này. Trong khi xã hội lại kích lên sự đối kháng giai cấp không thể điều hòa, phân biệt đối xử giữa các thành phần xã hội. Cho nên ở tuổi mới vào đời ấy, một bên luôn mặc cảm, một bên lúc nào cũng thấy tự hào. Dù các bạn học sinh miền Bắc rất thương qúy các bạn học sinh miền Nam sớm thiếu vắng tình cảm gia đình nhưng giữa hai bên vẫn có một sự cách biệt khó gần.

Bây giờ gặp người bạn một thời cắp sách trong ánh hào quang của người hiệp sỹ đang chiến đấu bảo vệ đồng bào trong đó có mình, lòng Cẩm Nhung không khỏi bồi hồi xúc động và sung sướng. Chiến sỹ phi công Anh Dũng không ngờ gặp lại người bạn gái xinh xắn năm xưa mà anh vẫn mến mến thương thương nhưng không biết làm sao gần được. Hai người ôm chầm lấy nhau ríu rít như đôi bạn thân tình lắm trước sự vui mừng chia sẻ và cả sự ước ao của không ít bạn trẻ đứng vây quanh. Dù yêu qúy người phi công anh hùng ấy, chẳng những đã dũng cảm hạ gục một Thần sấm Mỹ, lại thông minh khôn khéo đánh lừa địch hạ cánh an toàn trong một tình huống đặc biệt xuống một bìa rừng, vừa thoát hiểm cho mình lại vừa bảo vệ được chiếc máy bay qúi báu. Câu chuyện của anh kể nghe như huyền thoại giữa đời thường. Ai cũng muốn nắm tay anh hoặc chỉ được sờ vào người anh thôi, xem người nhà trời ấy có gì khác với người thường? Nhưng lúc này mọi người tự động dãn ra thành một lối đi dù chật hẹp mà đôi bạn vẫn có thể lách ra một chỗ vắng trao đổi tâm tình chốc lát.

Lá thư đầu tiên ngắn gọn, hơi hoa mỹ nhưng bộc trực của con nhà lính,  cô đọc mấy lần đã thuộc:

Cẩm Nhung mến thương !

Từ ngày xa trường NGUYỄN TRÃI, mình cứ tưởng Cẩm Nhung như một áng mây trời rất đẹp bay qua không bao giờ trở lại ! Nhiều lần bay trên trời, chợt nhớ, mình thử liều bay vượt trên cao độ cho phép để tìm… May ra…

Đột nhiên trong đêm tối, giữa biết bao khuôn mặt mờ nhòa, mình lại được ôm đám mây ấy trong lòng dù chỉ là khoảnh khắc. Hạnh phúc qúa !

Giá như mỗi lần hạ gục một tên giặc trời, mình lại được một lần như thế. Hơn cả huân chương ! Hơn cả mọi lời khen !

Phần thưởng ấy thật là vô giá và chỉ có Cẩm Nhung mới có thể mang lại cho mình thôi !

Mình không hình dung nổi đám mây ấy trắng, vàng, hồng hay là ngũ sắc. Nhưng mà đẹp lắm. Dường như nó từ Cẩm Nhung tỏa ra đấy !

Đôi lúc mình nghĩ hạ một chiếc máy bay giặc không khó bằng được chìm mình trong đám mây tuyệt vời như thế !

Trong mình một chút buồn thoáng qua !

Rất thân thương !

Những lá thư sau không hoa mỹ nữa, ngắn gọn, thận trọng mà chân chất. Lá thư gần đây nhất gửi qua tay một người bạn, chỉ vẻn vẹn mấy dòng thôi:

Cẩm Nhung !

Mình sắp đi xa…

Không được phép tiết lộ.

Rất mong được gặp Cẩm Nhung.

                                       Thân yêu !

Cẩm Nhung thắc thỏm, đêm không ngủ được. Lúc này máy bay Mỹ ngày nào cũng táo tợn bay vào đánh phá nhiều nơi kể cả tận trên Yên Bái giáp ranh Trung quốc nữa. Gần như ngày nào cũng có không chiến. Những lúc nhìn chiếc MIG17 sà ngay trên những nóc nhà, ngọn cây tìm nơi hạ cánh như một cánh nhạn chao nghiêng trước sự hung hãn của bầy ác điểu, lòng cô thắt lại, hồi hộp, lo âu nghĩ tới bạn. Lúc này mà đi xa là đi đâu? Chả lẽ anh ấy lại vào Nam? Lòng cô bồn chồn, trào lên niềm thương nhớ bâng khuâng.

Huỳnh Anh Dũng cảm động lộ rõ trên nét mặt, cử chỉ và lời nói run run. Gửi thư đi liệu có được sự đáp lại như điều mong muốn? Anh nắm bàn tay bạn không biết bao lâu và chợt tỉnh nhận ra Cẩm Nhung cười nhăn mặt thì thào:

- Đừng anh! Đau em lắm !

Đấy không phải lời trách hay sự chối từ vì lời nói và hơi thở nghe da diết yêu thương. Anh sửa lỗi bằng cử chỉ thân thiết phủi đi những vết đất bám trên mình bạn.    

- Chưa hết một buổi sáng mà em phải nhảy xuống hầm cá nhân bên đường tới mấy lần !

Cẩm Nhung đứng yên để bạn phủi đi bụi đất cho mình. Cô cẩn thận lấy ra từ chiếc túi xách một bọc giấy báo đưa cho bạn. Dũng từ từ mở ra và reo lên :

- Hoa hồng đẹp quá !

Cẩm Nhung khoe :

- May quá ! Em chỉ lo bó hoa thôi… Đố anh biết hoa này trồng ở đâu nào ?

- Anh chỉ cần biết hoa em mang đến cho anh là đẹp nhất rồi.

- Còn hơn thế nữa kia… Vì em lên tận Ngọc Hà tìm vườn có hoa đẹp nhất mang lên tặng các anh đấy!

Dũng nhảy tưng lên như trẻ con, chạy vòng quanh khoe các bạn :

- Hoa Ngọc Hà chính hiệu đây! Hoa Ngọc Hà số một đây!    

Đồng đội quây lại cùng ngắm những cánh hồng nhung thật đẹp và chia vui với bạn. Một chàng trai trẻ giơ cao bó hoa nói thật to lên :

- Đây là cách con gái Hà Nội bảo chúng mình phải đánh cho ra trò đấy!

Cẩm Nhung rối rít xua tay:

- Ơ… Em không dám nghĩ thế đâu! Em chỉ thấy các anh mới xứng đáng nhận những đoá hoa đẹp nhất này thôi.

Giọng ai đó xuýt xoa:

- Con gái Hà Nội khéo ghê chưa?!                        Thời gian gặp gỡ không nhiều vì tình huống bất thường có thể xảy ra. Dũng ghé tai bạn nói ra điều anh muốn giấu :

- Chiến sự ngày càng ác liệt. Bạn đồng ý chi viện cho ta phương tiện chiến đấu hiện đại hơn. Dũng được cử đi học cách sử dụng đồng thời mang theo về nước.

Cẩm Nhung thở phào nhẹ nhõm, nắm chặt tay bạn và nheo mắt cười. Chuyện vui nhưng lúc này tuy không nói ra mà cả hai người đều không muốn xa nhau.

Trước khi chia tay Cẩm Nhung trêu bạn:

- Línhnhà trời dồn hết sức văn chương chỉ được một bức thư đầu, sau đó thì… cụt lủn và cộc lốc!

- Chút xíu nữa là rớt một sao đấy! Mấy ông chính trị kiểm duyệt thư kêu lên phê phán là thiếu tính kỷ luật và lập trường giai cấp: Sử dụng một phương tiện hiện đại nguyên tắc là phải chấp hành nghiêm ngặt. Không phần thưởng nào lớn hơn lời khen của Bác! Không có gì cao qúi hơn phần thưởng của Đảng và Quân đội!

Anh chỉ vào một ngôi sao mới trên ve áo :

- Sao này chậm mọc 6 tháng để có thời gian suy nghĩ đấy!

Anh cười xoà:

- Văn chương xin cạch tới già. Tơ vướng vấn vít chỉ ta với… nàng!

Cẩm Nhung dừng lại nhìn vào mắt anh rồi nàng cúi xuống, chân di di trên đất. Anh kéo người bạn gái đã thành thân thiết ôm chặt vào mình và hít hà lâu lắm làn tóc ấy dù vương cát bụi. Cẩm Nhung áp mình trong anh, dụi dụi đầu nơi ngực mà không phân biệt được tiếng tim ai như trống đập rộn ràng.

Tiếng còi rít lên rầm rĩ náo động không trung, báo động máy bay địch xâm phạm bầu trời.

Cái giây phút ấy đã như lời hẹn ướcđinh ninhcả hai người mãi thuộc về nhau. Các bạn chọc anh: Mặc mẹ máy bay, tranh thủ làm một cái hôn đã đời! Thật tình lúc đó anh thấy sung sướng quá, người cứ run lên. Lá thư này như một test trắc nghiệm tình cảm của đối tượng. Cuộc sống của người lính chiến trên không gấp gáp rủi nhiều may ít và trong hoàn cảnh đặc biệt của binh chủng không quân Việt Nam mới lập thành thì mỗi khi chiếc phi cơ chiến đấu bất ngờ rời khỏi một sân bay dã chiến đều khó trở về đúng nơi cất cánh. Người ta chỉ được thông tin về máy bay địch bị đánh tả tơi nhưng mấy ai biết được sự tổn thất của các anh. Như trận chiến hôm ấy, phi đội bốn chiếc của anh trong vòng bủa vây tầng tầng lớp lớp của 24 chiếc máy bay địch, chỉ còn mình anh hạ cánh an toàn trong một tình thế xuất thần may mắn. Lại những lần cất cánh tiếp theo. Những người lính mỗi khi xuất trận đều khát khao được mang theo trong mình một ánh mắt, một nụ cười, một lời thủ thỉ bên tai, một nụ hôn đắm đuối, một vòng tay da diết, một tiếng khóc trẻ thơ… chỉ càng làm cho họ tăng thêm dũng khí lao vào nơi hiểm nguy nhất để giành chiến thắng. Với anh, đây là lần đầu tiên được ôm gọn trong lòng tấm thân mềm nóng của một người con gái mơ ước từ lâu đã là mãn nguyện qúa rồi.       

Cẩm Nhung cười thầm mãi mỗi khi nhớ lại giây phút thần tiên ấy :

- Línhnhà trời oanh liệt thế mà lại… nhát!

                                    ô

Nhà cô Hoa ở xóm Lương Yên chật những người. Ngôi nhà nhỏ càng có cảm giác người ta đông lắm. Cô Hoa nằm bệt trên nền nhà đầu dựa trong  vòng tay của hai cô gái lạ mặc bộ đồ màu xanh rêu. Cô mơ màng lúc gào lên: Con ơi! rồi lại nấc nghẹn, lịm đi. Mọi người tránh ra nhường lối cho ông Thanh bước tơí với người em gái. Cẩm Nhung và Nhân Trí theo sát sau cha. Nhận ra anh, cô Hoa gượng ngồi dậy, hai tay giơ lên như người sắp chết đuối vớ được cái phao, níu chặt ông anh kéo lại và khóc rên thảm thiết:

- Ối anh ơi! Cha mẹ chết rồi. Anh em ruột thịt cũng theo nhau đi hết. Người ta khác máu tanh lòng đành tâm bỏ vợ, bỏ chồng, bỏ con, bỏ cháu… dứt áo mà đi! Con cháu lớn lên gặp thời tao loạn thế này cứ theo nhau lao vào nơi mũi tên hòn đạn chết dần mòn mãi, rồi anh em mình biết ở với ai? Ối cha mẹ, ông bà ơi! 

Ông Thanh quỳ xuống, nắm hai tay em gái vỗ vỗ định nói lời gì an ủi thì miệng ông méo xệch đi, bật lên liên hồi những tiếng Hụ!… Hụ!… cùng với bộ mặt đầm đìa nước mắt. Hai đứa con ông ôm đỡ cha cùng khóc lên rưng rức. Cô Hoa vùi đầu giữa vai hai đứa cháu thở than cho số kiếp con mình:

- Cũng có cha mà con người ta được học hành, đi đó đi đây, tiến bộ, tiến thân. Còn các em cháu thì bơ vơ phải bỏ ngang việc học hành xông vào những nơi lam sơn chướng khí, bom rơi đạn réo. Ối chồng ơi là chồng ơi! Đứa nào cũng Qúy mà có ai qúy các con tôi đâu! Hỏi chúng tội tình gì? Ối trời cao đất dày ơi! Con tôi bị chôn sống giữa ban ngày ban mặt mà không ai cứu nổi hả trời?!   

Nhiều người mủi lòng đang nén khóc thầm cũng bật lên thành những tiếng thút thít sụt sùi lan khắp trong ngoài. Căn nhà nặng trĩu tang thương.

Ngày chồng cô bỏ ra đi, hắn đành lòng để lại năm đứa con lít nhít: con Châu, thằng Ngọc, con Kim, thằng Ngân, con Ngà – đứa nào cũng đệm tên cha là Qúy và một đứa đang nằm trong bụng mẹ,  bây giờ thằng bé cũng đã mười mấy tuổi đầu. Cô đặt cho nó cái tên Qúy Yên – qúy hồ nó được yên thân, mình yên phận và đất nước sẽ yên hàn. Một nách sáu đứa con vào thời buổi khắc nghiệt thế này thì lo cho chúng không chết đói đã là may. Mấy đứa lớn học hành chẳng được tới đâu, vất va vất vưởng bên lề xã hội chớ lý lịch cha đen ngòm như thế thì đến cửa nào xin việc người ta cũng lắc đầu quầy quậy. Ông Thanh vốn sống nặng tình, trước kia có khi giấu vợ giúp em phần nào nhưng bây giờ gặp lúc ngặt nghèo ốc không mang nổi mình ốc nữa, đành chỉ biết an ủi em an phận mỗi khi cô than thở về gia cảnh oái oăm:

- Cô neo đơn nuôi một đàn con là vất vả lắm rồi. Nếu chú ấy ở lại thì cái thân liệu có giữ được yên không? Cô lại thêm một gánh nặng nuôi chồng nữa thì còn khổ biết mấy mươi lần nữa!

Ông hiểu rõ hơn em những người có qúa khứ phức tạp như thế sẽ bị đưa đi cải tạo như tù không án mút mùa mà không ai dám dây dưa đến. Khi được tha về như cái xác ve, báo hại gia đình lại càng thêm chướng.

Thằng Ngọc là con trai lớn, mẹ, chị khuyên nó cố học lên cho hết bậc phổ thông. Song không lọt được vào đại học. Xin vào trường học nghề cũng bị từ chối. Xin vào nhà máy dù làm phụ việc cũng không đâu nhận. Thằng bé vạ vật kiếm sống qua ngày. Khi chiến tranh mở rộng bỗng có giấy gọi nhập ngũ, mẹ nó vừa mừng vừa lo, chạy tới hỏi ông anh:           

- Bao lâu nay thằng bé lao đao lận đận, xin làm thợ cũng không xong mà bỗng dưng được cho làm lính Cụ Hồ vinh döï thế?

Ông anh thận trọng giải thích cho em :

- Bây giờ mọi công dân đều có quyền bình đẳng… đi đánh giặc giữ nước. Việc tuyển quân lúc này không còn khe khắt như trước nữa đâu.

Người mẹ lo lắng cho con :

- Em chỉ mong các cháu lớn lên có việc làm tử tế nuôi thân chứ có dám mơ tới một chức tước gì, huống chi đòi được lãnh đạo ai đâu. Mẹ con làm ăn lương thiện, quây quần bên nhau là phúc qúa rồi. Vinh quang gì đến lượt mình?!

Cô ngậm ngùi. Đã đến nước này cũng đành nhắm mắt đưa chân chứ liều lĩnh trốn chui trốn lủi thì biết lấy gì để sống trong khi người ta quản lý ngặt nghèo đến từng hạt gạo, hạt muối, củ khoai? Dù đau thắt ruột cũng chỉ còn biết trông vào Trời Phật.

Nhưng nó lại bảo:          

- Con cái lớn rồi mà phải dựa vào cha mẹ mới lập thân được là hèn. Đời người sống chỉ một lần thôi, đừng để người khinh. Phải sống cho ra sống, chứ sống hèn, sống nhục thà chết còn sướng hơn!

Nó vào bộ đội cao xạ phòng không, hành quân dọc ngang xuôi ngược biền biệt tháng ngày. Người mẹ ngày đêm thấp thỏm phập phồng lo cho thằng bé cứ giơ mặt ra hứng bom đỡ đạn từ máy bay dội xuống. Nói dại, rồi cũng có ngày... Lâu lâu mới nhận được vài dòng tin ngắn ngủi. Cuối thư nó động viên: Bom rơi bão đạn đùng đùng sá chi… Chỉ lo nỗi mẹ khóc thầm thương con!

Con Châu giúp mẹ chạy bạc mặt đầu đường góc chợ mà vẫn mang tiếng con phe như một lời phỉ báng! Nó xấu hổ với bạn bè, xin vào Thanh niên xung phong đi san rừng bạt núi mở đường. Nó gửi thư về xem như người lớn từng trải dày dạn lắm:

“… Cứ ở nhà với mẹ thì thấy lúc nào mình cũng khổ và gò bó qúa. Con đã gặp không ít người vất vả, khổ ải hơn mình nhiều lắm. Mẹ cấm đoán các con không cho gần người xấu và không được làm việc xấu. Điều tốt-xấu mẹ chọn lọc cho. Ra đời, con được tự do tiếp xúc với mọi điều hay-dở. Nhiều khi lẫn lộn không phân biệt nổi! Có khi lỡ làm điều sai mà lợi cho người vẫn cứ được khen, làm điều mình tưởng rằng hay nhưng không hợp ý người lại càng bị chê trách nặng nề! Ở đây chúng con được tự do cống hiến sức lực, tuổi xanh và cả tính mạng của mình để giành chiến thắng! Mọi điều mong ước mà không có được đều đổ lên đầu giặc Mỹ. Thằng giặc nó gieo họa cho dân mà khối người được nhờ vào nó đấy! Sống bên cái chết cận kề, không ai che đậy nổi cái sự hèn và dối trá. Nhưng khi người ta được quyền dối trá để che đậy cái sự hèn thì thật là ghê tởm! Một ông trùm từng đẻ ra đủ loại phong trào cho thanh niên như là “ba bất kỳ” (Đi bất kỳ đâu–Làm bất kỳ việc gì–Hưởng thụ bất kỳ ra sao), “ba khoan” (Chưa yêu thì khoan yêu–Yêu rồi thì khoan cưới–Cưới rồi thì khoan đẻ)… Riêng cha con ông từng đi bất kỳ nước nào và làm bất kỳ việc gì, sướng thật đấy! Dù các con đã lớn khôn rồi lại gặp được dịp may… vợ chết, lập tức ông ta “khoan” ngay một cô đào trẻ nõn nường! Tất nhiên không có điều gì sai về pháp lý nhưng về đạo lý thì có là ghê tởm hay không? Còn quang minh chính đại nỗi gì? Bao nhiêu bà mẹ phập phồng, mong đợi, xót thương những đứa con gái vào tuổi cập kê đang vùi mình giữa chốn khói bom lửa đạn này mãi thì rồi đời nó sẽ ra sao? Con đã thấy những mối tình… xẹt lửa để rồi tan xác pháo! Con mẹ không bao giờ liều lĩnh thế đâu. Chúng con còn bám trụ ở đây không bởi những lời động viên nhàm chán hay mong đợi một vinh quang hão huyền, mà thật sự vì chúng con thương nhau, thương những đoàn quân kìn kìn như củi trôi mùa nước lũ đêm ngày xuôi chảy về Nam mà không nỡ bỏ rơi nhau để một mình chạy trốn. Nghĩa là còn biết xấu hổ khi lời nói và việc làm trái ngược với nhau. Bây giờ con mới thấy thèm được sống bên mẹ quá để được mẹ mắng mỏ, cấm đoán trong sự  bảo trợ  thương yêu đầy trách nhiệm…”

Hai cô thanh niên xung phong từng chứng kiến cái chết thương tâm của người đồng đội. Rồi đến lượt các cô cũng bị thương, được chuyển về tuyến sau điều trị. Vì hết khả năng chiến đấu, được cho giải ngũ về địa phương, các cô mang theo kỷ vật của người chị mến thương trao lại cho gia đình…

- Trên đường Trường Sơn, đơn vị nữ chúng cháu làm nhiệm vụ thông đường. Chị Châu là cán bộ chỉ huy trung đội mà cũng như người chị lớn tuổi từng trải, gan dạ và tình cảm lắm. Gặp đứa nhát, chị không nói một điều nặng nhẹ mà giao từng việc cho dạn dĩ dần. Nhưng đứa nào liều lĩnh chị lại can ngăn, răn đe nghiêm khắc lắm. Chị bảo muốn chiến thắng dù không sợ hy sinh nhưng thí mạng là vô vị lắm! Đứa nào yếu đau hoặc có chuyện chi khúc mắc chị không ép ra mặt đường. Nhưng riêng chị thì làm việc không biết nghỉ. Lúc nào cần cũng có chị. Việc gì khó chị đi đầu. Đơn vị mấy lần đề nghị kết nạp chị vào Đảng nhưng hình như vướng chuyện cha chị chạy theo giặc vào Nam, chưa ai xác minh được rõ ràng. Tuy nhiên chị không buồn hoặc là bất mãn. Chị bảo cuộc sống cần có nhiều người lương thiện vì họ bao giờ cũng là chỗ dựa cho những người yếu đuối – khổ đau. Họ không nỡ dồn gánh nặng lên vai người khác dù là họ cũng muốn nhẹ mình vì họ thật dạ thương người. Hèn nhát để thoát nạn và lừa dối để hơn người, đó là thói tật xấu xa của phường ích kỷ. Những kẻ ấy ở đâu cũng có, thậm chí nó được lên ngôi. Để mình không bị lây nhiễm nó và làm người lương thiện mới là điều khó!… Hôm ấy đường bị bom phá hỏng lớn quá. Cả đơn vị nhào ra mặt đường. Lúc đường thông, lệnh trên cho rút về căn cứ nhưng chị tình nguyện ở lại canh đường. Đứa nào cũng nhao nhao ở lại cùng với chị. Một tổ tám người cùng chui vào một cái hang trên lưng chừng đèo. Đêm dài yên ắng qúa, mọi người cứ bồn chồn lo đợi một sự gì… Bỗng nhiên, cả một khu rừng núi sáng rực lên, mặt đất lắc lư đung đưa xô đẩy mọi người dồn cục vào nhau, cùng lúc là những tiếng rít ghê rợn của hàng loạt những đợt bom từ máy bay B52 thi nhau xé trời dội xuống. Mọi người choáng váng không còn biết sợ hay nghĩ chuyện chạy đi đâu nữa, cứ ôm nhau, chịu hết đợt này qua đợt khác. Trời vừa sáng, chiếc máy bay hai thân đã lên quần đảo rồi hàng đàn máy bay trực thăng lượn vòng tít trên cao bắn đủ các thứ rốc két, đại liên làm náo loạn lên cả một khu rừng… Trận địa nát nhừ, địa hình ngổn ngang cây cối, đất đá chất chồng không thể nhận ra. Hai ngày sau mới tìm ra vị trí cái hang mấy chị em trú ẩn. Những tảng đá to tướng chồng chất lèn sâu trong đất lấp kín miệng hang. Cả đại đội thay nhau cuốc bới mấy ngày cũng chỉ được như cái hang chồn. Lúc đầu còn nghe văng vẳng tiếng người từ lòng đất vọng ra… Ngày đơn vị tổ chức lễ truy điệu cùng lúc có quyết định truy nạp chị vào Đảng Lao động Việt Nam.

Cô Hoa rền rĩ mơ mơ tỉnh tỉnh và lịm đi trong vòng tay của người anh và các cháu.

Bác sỹ Nguyễn Đức Phúc từ ngôi nhà của vị Bộ trưởng khả kính bước ra đường trong tâm trạng lâng lâng. Bộ trưởng mời mấy vị giáo sư và bác sỹ đầu ngành tới nhà riêng thân tình giao nhiệm vụ trước khi lên đường ra tiền tuyến.

Vị Bộ trưởng người miền Nam, gia thế, học bên tây, lấy vợ đầm, tác phong như dân tây thực thụ. Thế hệ ông, có tấm bằng Bác sỹ lại có thế thần nếu như an phận sẽ có cuộc sống sung sướng đề huề không dễ mấy người có được. Vốn người ta càng biết nhiều càng lớn điều lo. Sự trọng điều “liêm sỷ” luôn mang nặng trong lòng đã như là một đặc tính di truyền của người trí thức Việt Nam chân chính. Càng là người trí giả càng thấm thía sâu xa nỗi nhục mất nước. Cũng như nhiều bạn bè, ông sớm tham gia các phong trào chống đối ách thống trị của ngoại bang và là thủ lĩnh tinh thần của tổ chức Thanh niên tiền phong có ảnh hưởng rộng lớn ở Nam Bộ vào hồi Tây–Nhật. Ông đã ra bưng biền ngay từ những ngày đầu kháng chiến, rồi được Cụ Hồ vời ra chiến khu Việt Bắc tham gia chính phủ. Ông làm việc miệt mài cật lực, cống hiến hết mình trong việc chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh và xây dựng một nền y tế nhân dân. Có được một uy tín lớn trong giới trí thức kỳ cựu của ngành y không dễ vậy mà ông đã có được sự khẩu phục, tâm phục từ nơi họ. Ngôi biệt thự cổ ở khu phố tây cũ yên tĩnh, bề ngoài sang trọng nhưng bên trong thì tuyềnh toàng, giản dị. Nhà ở không khác cơ quan. Ông ăn uống đơn sơ nhanh gọn, triệt để tiết kiệm không bao giờ để dư thừa. Ông chúi đầu làm việc và nghiên cứu trị bệnh lao vừa hiệu quả vừa ít tốn kém hợp với hoàn cảnh một nước đã nghèo lại phải dồn sức chống giặc ngoại xâm, lúc mệt quá có khi chui vào chiếc nóp dân dã Nam Bộ – với ông như một kỷ vật tinh thần vô giá, ngủ ngay trên bàn. Vợ con không chịu nổi cuộc sống qúa giản dị như nhà tu hành khổ hạnh của ông nên lâu lâu mới từ Paris qua thăm ít bữa. Trong giới bạn bè thân cận kháo cho nhau nghe câu chuyện cha con. Một hôm cậu con tây lai vào gara lấy xe ô tô của ông định phóng đi chơi. Ông chặn lại, khoát tay chỉ vào cả nhà và xe nghiêm khắc bảo con :

- Tous ne sont pas à nous mais aux citoyen! (Tất cả đây không phải của chúng ta mà là của nhân dân!)

Cậu con hậm hực bỏ đi sau khi đốp lại bố tự nhiên đúng kiểu tây:

- Tu es un bon communiste mais un mauvais papa! (Ba là một người cộng sản tốt nhưng là một người cha tồi!)

Hôm nay ông căn dặn bác sỹ Đức Phúc rất cặn kẽ về những việc cần làm :                  

- Chiến trường càng mở rộng. Chiến tranh càng ác liệt. Bộ đội tham gia tác chiến và các lực lượng phục vụ ngày càng đông. Phần lớn anh em sống ở rừng và trong điều kiện vô cùng thiếu thốn. Các bệnh ngoài da và truyền nhiễm càng có điều kiện phát triển. Lực lượng cán bộ y tế của ta đào tạo tại chỗ còn nhiều khiếm khuyết và non yếu. Cán bộ chi viện đa phần là trẻ, ít kinh nghiệm. Đưa các anh đầu đàn đi chúng tôi cũng lo nhưng thực tế yêu cầu ta phải làm như thế. Ngoài ra các anh cần để ý phát hiện tác hại của các loại thuốc diệt cỏ khai quang mà quân đội Mỹ đã rải xuống trên diện rộng và kéo dài suốt mấy năm nay. Trong các hội nghị quốc tế, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng tố cáo loại chất độc dioxin có nguy cơ huỷ diệt môi sinh – môi trường và cảnh báo chúng ta đề phòng. Tuy nhiên nói có sách, mách có chứng là điều rất khó với chúng ta.

Từ ngày mắc nạn văn chương, bác sỹ Đức Phúc đã dứt tình với cái nghiệp vaên lỡ vận vào mình để taâm chaêm chuù moät ngheà y, nghiên cứu chuyeân trị các bệnh của vùng nhiệt đới và thuộc lớp đầu đàn có nhiều kinh nghiệm. Anh nhìn vị giáo sư bậc thầy đầy uy tín về những bệnh côn trùng và ký sinh trùng đang ngồi bên cạnh ông Bộ trưởng:

- Tôi sẽ làm hết sức mình theo lời Bộ trưởng. Song chỉ ái ngại một điều… như thầy đây – Anh chỉ vị giáo sư:… Tuổi thầy cũng đã cao, chẳng lẽ vào chiến trường để bắt dăm con muỗi và mấy con bọ chét ? Chúng tôi sẽ thu thập các vật chứng, làm tiêu bản, các dữ kiện in vivo và in vitro gửi ra để thầy nghiên cứu!

Vị giáo sư khả kính có vầng trán cao, đôi mắt sáng, nét mặt thật hiền. Lời ông nói không hoa mỹ nhưng từ tốn, chân chất như vắt ra từ bộ óc ngổn ngang kiến thức và công việc, với cái miệng lúc nào cũng như cười:

- Nghề mình không thể làm như ông Einstein chỉ ngồi trong phòng với cây bút thôi mà tính toán chính xác được đường đi và khoảng cách giữa các hành tinh. Khoa học với ngành y đặc biệt lắm. Môi trường sống – Người bệnh và Phòng thí nghiệm không thể tách rời nhau được. Vả lại nhà khoa học cũng là một công dân, khi cần cũng phải cầm súng chiến đấu trực diện chống quân xâm lược. Huống chi quê hương tôi với bao nhiêu đồng bào, đồng đội đang cần sự có mặt của mình. Chỉ để chữa trị cho anh em, bà con sớm cắt được một cơn sốt rét thôi cũng là hạnh phúc lắm rồi!

Giáo sư Bửu Quốc nhìn ông Bộ trưởng bóng gió:

- Tôi cũng ao ước được đi một chuyến nhưng qúa date rồi thành vô dụng !

Ông Bộ trưởng cười dàn hòa với vị giáo sư cao niên và quay qua nhìn vị giáo sư sắp lên đường gửi gắm lòng tin:

- Anh chỉ cần đi ngắn hạn thôi! Thời du học ở Nhật, anh từng tiếp cận và dành nhiều thời gian nghiên cứu và hieåu bieát sâu ngaønh di truyền – mieãn dòch học. Trong nước ta hiện nay chưa có ai vượt anh đâu. Tuy nhiên bệnh sốt rét làm suy giảm sức chiến đấu của bộ đội ta ghê gớm lắm, thậm chí còn tác hại hơn các loại vũ khí tối tân của địch nữa kia. Anh có ý định chế ra loại vaccin trừ sốt rét là phương pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Nếu thành công sẽ là sự đóng góp to lớn của ngành ta và của riêng anh cho cuộc chiến đấu sinh tử này đấy và cũng là cho khoa học nói chung. Mong anh mã đáo công thành và sớm trở về!     

Là người lãnh đạo sâu sát, ông còn nắm được những khúc mắc trong lòng các nhà khoa học thuộc cấp của mình. Như vị giáo sư này lòng còn vướng bận nhiều điều thế sự. Trong công việc thực hành nghiên cứu, tuy là Viện trưởng nhưng kè kè bên ông lại là một ông Viện phó chính trị nguyên là một cán bộ công an, chẳng những không chia sẻ cùng ông những lo toan lại còn đưa ra những nguyên tắc tổ chức gây khó thêm cho công việc mà ông ta lại được trên tin dưới nể, bao giờ cũng có đa số người theo! Chính ngay vị Bộ trưởng cũng lâm vào tình cảnh ấy nhưng biết làm sao? Cái tổ chức guồng máy xã hội lúc này nó thế, không để bất cứ điều gì cản trở việc điều hành chiến tranh. Mỗi người tự gỡ rối cho mình thôi. Ông biết cả điều tai họa từng giáng lên đầu anh bác sỹ tài hoa phóng khoáng Đức Phúc này nữa và ông đã tạo điều kiện cho anh ta thoát qua ngõ cụt để có được sự tín nhiệm hôm nay. Ông nhìn các đồng nghiệp với con mắt trìu mến thông cảm và chia sẻ :

- Pasteur nói: Sciences sans frontière! (Khoa học không biên giới!). Nhưng mỗi nhà khoa học đều từ mẹ sinh ra dưới một mái nhà, trong một làng quê, một không gian giới hạn gọi là Tổ quốc – Không ai xâm phạm được! Đây là lúc để mỗi chúng ta thể hiện tình cảm với điều thiêng liêng ấy. Những người khoa học chân chính đều mong muốn được góp sức mình cho công cuộc kháng chiến chống giaëc ngoaïi xaâm dù có nguy hiểm đến đâu. Mọi chuyện riêng tư, mơ ước hãy gác lại một bên. Tất cả để giành chiến thắng! Bác Hồ vẫn tha thiết đề nghị Trung ương cho được một dịp đi ra tuyến trước để thăm hỏi động viên đồng bào, chiến sỹ. Riêng tôi, đang chuẩn bị và sớm muộn gì cũng phải thực hiện một chuyến đi. Không chỉ đơn thuần là công việc mà còn là tình cảm cách mạng, tình cảm quê hương nữa.

Ông nhìn anh Đức Phúc thăm hỏi chuyện riêng:

- Chuyện gia đình đã êm xuôi chưa và ra đi có trắc trở gì không?

Giáo sư Bửu Quốc nhếch mép mà không phải là cười, không biết ông biểu lộ sự buồn hay vui, ghé sát tai Bộ trưởng:

- Nó tu tại gia… Thuộc dòng ép xác!

Ngồi quanh cái bàn này: Vị giáo sư già thuộc lớp đàn anh mà ai cũng kính trọng, gia cảnh có thể gọi là êm đềm, hạnh phúc. Ông Bộ trưởng cũng vợ tây về xứ, nhưng năm thì mười họa mới đáo qua ít ngày rồi lại vội vàng chia tay đức lang quân như nhà có ma không ở được. Ông bạn giáo sư kia còn hẩm hiu hơn. Ông góa vợ từ ngày còn ở chiến khu Việt Bắc trước ngày hòa bình không bao lâu. Từ đó ông chung tình ở vậy mặc cho gia đình, bè bạn thúc giục nhắm hỏi người bạn đời mới cho ông. Anh Đức Phúc thì ngẫm ra lời ông thầy nói cũng không ngoa. Từ ngày mắc vào vụ án văn chương tuy không phải đứng trước pháp đình với các ông toà áo xanh áo đỏ nhưng lại khủng khiếp hơn nhiều! Quanh anh, ai cũng là ông Tòa bà Án cả, họ không chỉ phê phán anh trước mặt, mà không có anh họ cũng mang thơ văn của anh ra hành khảo và nêu đích danh cái tên Nguyễn Đức Phúc như là một thằng phản động nguy hiểm lắm. Vợ anh có biết gì đến thơ văn đâu nhưng nghe người ta bình chán, cô ta lúc đầu hoài nghi rồi sau cũng tin là tuy không thấy chồng làm một việc gì phản động cả nhưng trong đầu anh có đấy. Cô oán trách anh, lạnh nhạt với anh, chỉ có điều cô chưa đứng ra đấu tố trước đám đông người nhưng xem ra cô cũng cảnh giác dè chừng một tên kẻ thù giai cấp lẩn khuất trong anh. Bạn bè sợ vạ lây. Cha mẹ anh em ruột thịt chạy vào Nam hết cả. Duy chỉ còn người vợ gần gũi bên mình bao lâu nay mà dường như cô ta nghi ngờ ghê sợ mình. Không một lời nặng nhẹ cãi cọ gì mà vợ chồng gần như lãnh cảm với nhau. Đi làm về mỗi người một việc. Anh khi ăn, ngồi riêng một bàn, khi ngủ, riêng một giường. Vợ con ăn ngủ với nhau. Anh thừa nhận một điều anh hoàn toàn phụ thuộc vào cô là trông nom con cái và lo toan sinh hoạt hàng ngày. Cái tật trưởng giả mang tính giai cấp xấu xa ấy anh không sửa nổi! Tuy nhiên anh có dự phòng rồi. Nếu cô vợ dứt tình không lo cho anh nữa thì anh sẽ ở lại bệnh viện ăn cơm tập thể. Anh biết thờ ơ với con cái là có tội nhưng anh biết dạy nó cái gì trong khi những điều chúng học ở trường khác với những điều anh nghĩ. Để con tố cha là thằng phản động còn là điều oan trái hơn nhiều. Anh giữ sự yên lặng và thận trọng ngay cả với các con anh. Sự xa lánh ấy lâu dần thành quen. Nhà trên gác còn bốn phòng. Vợ kêu tiêu pha túng thiếu, anh đồng ý để vợ cho thuê hai phòng, hàng tháng thêm tiền dưa mắm. Anh một phòng. Ba mẹ con một phòng. Lấy hành lang làm bếp. Tuy nhiên thời gian làm người ta nguôi dần đi. Lăn vào công việc và nghiên cứu lúc đầu để quên sự đời rồi tìm thấy niềm vui trước mỗi thành công cho dù là nhỏ. Anh đam mê tới say xưa với công việc hàng ngày. Nhiều người nghĩ anh là nhà khoa học thuần túy, lập dị, khô khan thành vô tích sự với gia đình. Vợ anh có lúc chủ động làm lành nhưng anh vẫn lờ đi. Khi đã học lên y sỹ, được cơ quan cho đi học bổ túc bác sỹ, cô hỏi ý anh. Anh trả lời thủng thẳng :

- Cô cứ làm hết công việc như hiện nay là cả xã hội và các con được nhờ nhiều rồi!

Có lần anh ngồi đọc sách đến lúc trời khuya lắm, anh tắt đèn lần tới giường đã thấy vợ nằm đó. Anh trở lại bàn bật đèn ngồi đọc tiếp. Vợ anh không nín được nữa giận dỗi bảo:

- Nhớ rằng anh vẫn là chồng của tôi đấy nhé!

Không rời cuốn sách, giọng anh đều đều như nói với ai:

- Đừng để khổ thêm cho nhau nữa! Cái thằng giai cấp cứ rập rình đâu đây để lúc nào đó lại nhảy bổ vào nhau cào cắn, đâu cần phân biệt thân sơ gì ?                                   Nhiều lần anh thấy mắt vợ đỏ hoe, trong lòng cũng thấy nôn nao thương hại. Song nghĩ đi nghĩ lại anh lý sư: Suy cho cùng thì cả hai đứa đều được và đều mất một cái gì đó. Chẳng nên oán giận nhau làm gì!

Duy có một điều anh tự vấn mà không trả lời được: Mình không dám ngỏ ý chia tay nhau đã đành rồi nhưng tại sao cô ta cũng thế nhỉ? Nếu có đáng thương chính là mấy đứa con kia. Có lúc anh nảy ra sự tò mò: Những đứa con sinh ra bởi sự hứng cảm giới tính hoặc bởi cảm xúc tình yêu có gì khác nhau không nhỉ? Có thể người ta tránh nêu ra điều ấy vì một khía cạnh đạo đức gọi là nhân văn nhân bản? Nhìn hai đứa con bề ngoài như bao nhiêu đứa trẻ khác mà tố chất bên trong có gì khác không? Trong lòng anh thấy thương chúng nó và cảm thấy mình có lỗi qúa với con !

Bây giờ cả bốn con người trí thức tầng cao của xã hội ngồi đây đều sẵn sàng hy sinh cho một sự nghiệp chung lớn lao, được người ta gọi là lương tâm của thời đại. Tuy nhiên có ai dở dang một sự gì đó cũng không chia sẻ cho nhau được. Nó thuộc phần đời riêng của mỗi người. Và từng ngày, từng giờ trong họ một sự đòi hỏi nào đó cứ thôi thúc trào lên, quẫy đạp. Chỉ mỗi người một cách khác nhau nén lại cho nó tạm yên dịu đi. Mà có ai dám nói ra cái nỗi khổ cả thể xác lẫn tinh thần ấy của mình? Suy rộng ra cả một-hai-ba thế hệ, ở đó, ở đây, phải vừa sống vừa chiến đấu trong bức bối, dằn vặt đủ điều. Nó hành tâm hành xác mãi chưa biết sẽ chịu nổi tới đâu. Có thể tin ai dù là bậc thánh nhân đang sống giữa đời này ? Giá như người ta có thể tự dối mình mãi để chấp nhận sống như vậy tới cùng đã có thể coi là thánh thiện. Giả như họ vẫn mặc áo cà sa, tụng kinh gõ mõ mà bỏ qua những điều giáo luật thì mọi chuyện thật bi hài!  

Mải mê suy nghĩ, anh bước qua vuờn hoa hướng tới cửa trường đại học. Anh ngước nhìn ngôi trường bề thế mang dáng dấp của một nền văn hóa cổ phương tây nhưng người Á đông vẫn thấy nó hòa hợp với mình, không có gì là xa cách cả. Bước lên những bậc thềm đá xám trắng kia là tòa đại sảnh cao rộng mênh mông và một giảng đường mà ở đấy đã bao nhiêu lần anh tới nghe các giáo sư, diễn giả tây, ta hùng biện. Họ diễn giải đủ điều từ cổ chí kim, từ Âu sang Á. Có lúc họ mơ màng như dẫn người ta vào cõi thần tiên. Có lúc họ nổi khùng lên hò hét như muốn lăn xả vào đánh vật với kẻ thù mơ hồ trước mặt. Hồi ấy anh thờ ơ lắm. Đến nghe để cho biết thôi vì anh chẳng tin ai. Chán chê, anh quay về với những thú vui tiêu khiển đủ kiểu. Tưởng là vô tích sự nhưng nó để lại trong anh những cảm xúc và sự hiểu biết căn bản cho đến hôm nay.

Tiếng cót két phát ra từ một chiếc xe cà tàng khiến cơn hồi ức của anh dừng lại. Một người đàn ông gày gò cắm cúi nhìn xuống mặt đường xải từng vòng chân uể oải mà chiếc xe đạp Liên xô nửa người lớn nửa trẻ con vẫn tỏ ra mệt mỏi không khác gì con la tội nghiệp của chàng Xăng xô trung thành mải miết trên con đường vô định với ngài hiệp sỹ gàn dở của mình. Bác sỹ Đức Phúc gọi to lên:

- Giáo sư Trần!

Vị giáo sư ngước lên, thòng cặp dò dài ngoẵng kéo lê đôi guốc mộc trên mặt đường quay ngoắt lại, bỏ chiếc xe nằm chỏng chơ bên lề, bước lên hè, vừa chìa tay ra vừa hước cặp kính dày cộp lên nhìn người gọi mình:

- A! Chào bác sỹ!

Rồi như chợt nhận ra vị cứu tinh, ông mừng rỡ chỉ vào cuốn sách dày cộp buộc hờ hững sau xe nói liền một hơi:

- Cậu mua cho mình cuốn sách này đi. Kinh điển triết học của mọi thời đại đấy! Mấy thằng có vốn tiếng Pháp đọc được thì coi nó là vô tích sự. Mấy thằng trẻ thì hám của tân thời. Tớ chỉ cần tiền uống cà phê cho tỉnh táo để đọc sách thôi!

Bác sỹ Đức Phúc nâng chiếc xe dựng ngay ngắn lại và liếc nhìn cuốn sách. Anh thở dài nhìn bạn phân trần:

- Nhân dịp gặp anh đây, tôi chào tạm biệt hay là chào… gì cũng được!

Và anh giải thích việc mình sắp đi xa.

Vị giáo sư nước da trắng bủng cười không thành tiếng nắm chặt tay anh lắc lắc:                

- Thế là cậu được tin tưởng lắm rồi đó! Như tớ còn bị người ta tống cổ ra đứng chơ vơ mặc xác giữa đường, không biết đi đâu!

Ông buồn bã quay đi. Bác sỹ níu vai bạn lại, móc ví giúi vào túi bạn ít tiền:

- Tôi mới được ứng trước mớ tiền bồi dưỡng và công tác phí. Chúc anh gặp nhiều may mắn !                               Giáo sư chẳng lộ biểu cảm buồn vui. Đôi chân liêu xiêu mang tấm thân mỏng mảnh, ông uể oải ngồi lên con la còm cõi và nó lại phát ra những tiếng kót két kọt kẹt đều đều tội nghiệp.

Anh quen biết vị giáo sư lừng danh này từ ngày còn ở chiến khu Việt Bắc khi ông mới từ bỏ giảng đường đại học ở kinh thành Paris hoa lệ về nước tham gia kháng chiến. Ngày ấy biết bao gian khổ mà mọi người đều phơi phới hướng về một cuộc sống tự do mà sẵn sàng từ bỏ thậm chí hy sinh tất cả. Thế rồi không ai rủ ai tình cờ dính vào vụ án văn chương nghệ thuật oan nghiệt ấy. Với anh chỉ là sự ngẫu hứng của cảm xúc thôi. Nhưng với vị giáo sư này còn là những vấn đề sâu xa về căn nguyên tư tưởng bởi ông là một triết gia tài năng thực thụ. Anh chợt nhớ từng được nghe câu chuyện của các bậc đàn anh rằng hồi năm 1946 Cụ Hồ đi công cán qua Pháp quốc, nhiều trí thức trẻ tài năng tâm huyết bày tỏ nguyện vọng được trở về quê hương góp phần vào công cuộc bảo vệ nền độc lập mới giành được của nước nhà. Với mấy vị kỹ sư, bác sỹ thì Cụ vui vẻ mời cùng về một chuyến trên con tàu khách của nhà nước Pháp. Nhưng với nhà triết học nổi tiếng với tấm bằng Thạc sỹ hạng nhất của trường Sư phạm phố Ulm danh giá này thì Cụ chỉ nói một câu dí dỏm: “E rằng chú về nước lúc này sẽ không có mảnh đất cắm dùi đâu”! Và bây giờ ông như ngưòi lữ hành cô độc bơ vơ!

Bác sỹ Đức Phúc quen nếp sau giờ làm việc hay đi lang thang trên đường phố vì về nhà cũng chẳng để làm gì. Tình cờ đi ngang qua Viện Triết học, chợt nhớ tới người bạn cũ, anh ghé vào thăm.

- A! Chào thiên thần… gãy cánh!

Anh Hà Giang nhận ra bạn, cười buồn :

- Thiên thần mà gãy cánh có khác gì phế nhân đâu?

Bác sỹ Phúc kéo ghế ngồi và cười vui với bạn:

- Ông gợi cho tôi một ý rất hay. Phế nhân! Họ là ai? Là anh, là tôi, là… Anh có tưởng tượng nổi một buổi chiều nay mà tôi gặp bao nhiêu bậc phế nhân vĩ  đại hay không?

Anh rủ rỉ kể cho bạn nghe câu chuyện vừa nghiêm túc vừa pha hài rồi kết luận:       

- Dù sao tôi vẫn nhớ những ngày đầu lộn xộn anh đã thức tỉnh tôi. Bây giờ chúng ta cùng đi dạo phố vừa để nhớ lại một thời đã xa vừa như một kỷ niệm. Biết đâu?!

Bác sỹ Đức Phúc chủ động đẩy chiếc xe lăn cùng anh Hà Giang thong dong trên đường phố vừa mơ màng hoài niệm về quá khứ. Đến ngã tư Bờ Hồ đầu phố Hàng Khay, nghe nổi lên liên hồi tiếng chuông leng keng… leng keng… và chuyến tàu điện lạch xạch chạy qua, anh Hà Giang nhớ lại:

- Chỗ này, ngày khởi nghĩa, đội Thanh niên vũ trang thành Hoàng Diệu chúng mình từ các toa xe nhảy ào xuống và diễu thẳng vào quảng trường Nhà Hát Lớn, oai ra phết!

Bác sỹ Đức Phúc chỉ vào cửa hàng vàng bạc ngay đầu phố Tràng Tiền, cười tủm tỉm:

- Những ngày đánh nhau ì xèo ở Liên Khu Một mà ở nhà dancing này đám lính tây vẫn nhảy nhót loạn xì ngầu. Mình từ khu Sầm Công chuồn ra, vừa lớ ngớ tới đây bị nó tóm cổ. May mà mình kịp thời xổ ra hàng tràng tiếng tây sành sõi. Mấy thằng sỹ quan hỏi chuyện, mình khai là sinh viên y khoa, biết chơi nhạc nhảy, nó kéo vào đây. Mình trổ ngón đánh trống thổi kèn cho tụi nó nhảy quay cuồng. Sau mình xin về nhà thay quần áo rồi sẽ trở lại ngay. Tụi nó tin và chắc là trông mình lắm. Nếu không gặp ông, buồn chán qúa mình cũng quay lại thật. Lúc loạn lạc ấy kiếm đâu ra nhạc công. Kể ra có chút tài lẻ cũng không phải là vô ích.

- Nhưng cũng có khi là đại họa!

Anh Hà Giang cười khà khà trêu bạn. Nhưng tiếng cười đột nhiên dừng lại, trên mặt lộ rõ nét u buồn, giọng anh nhỏ đi:

- Chắc anh còn nhớ vụ cuốn tiểu thuyết Vào Đời và anh có biết tác giả của nó là ai không?

- Nhớ chứ! Lại một anh nhà văn gãy bút, một thân phận bọt bèo! Thêm một bài học cảnh tỉnh cho sự ngây thơ. Con người vốn là đứa con cưng của Thượng đế nhưng nó mắc “bệnh tôi”bất trị. Ngài biết cha con không thể ở được với nhau nên cho nó xuống cai quản trái đất này là một hành tinh nhiều tiềm năng nhưng khắc nghiệt. Ngài không quên phù phép cho căn bệnh ấy mang thêm đặc tính di truyền! Bản tính liều mạng thông minh, con người đã chế ngự trái đất này, khai phá nó thành một hành tinh giàu có phồn hoa. Nhưng vì nặng “bệnh tôi” nên con người chẳng thể chịu nhau dù chung cốt nhục. Tất nhiên nó phải trị nhau, còn nghiệt ngã hơn Ngọc hoàng trị người thượng giới. Theo đà văn minh, con người sáng tạo ra lắm độc chiêu triệt hạ lẫn nhau. Guồng máy ấy vận hành, nó nghiền nát bất kỳ ai cản trước bánh xe! Thượng đế biết hết nhưng vì có con người thì mới có Trời nên Ngài lờ đi. Cha con cùng làm chúa tể trên Trời dưới Đất! Vì thế  ngôi Hoàng đế bất diệt như ngôi Thượng đế. Chỉ khác nhau cái tên gọi mà thôi. Người cầm bút chưa hiểu ra cái luật nhân sinh muôn thuở ấy sẽ mắc lụy trong vòng thế söï là điều tất nhiên thôi!

- Chắc anh không biết ông ấy từng một thời oanh liệt? Là người chỉ huy Đội thanh niên vũ trang thành Hoàng Diệu từ những ngày tiền khởi nghĩa, một cán bộ chỉ huy dày dạn trận mạc suốt chín năm đánh Pháp từ mặt trận bảo vệ Thủ đô cho đến Điện Biên, một con người đa tài, nhiệt tâm và đầy thiện chí. Một người bạn văn đã mượn danh những tác phẩm của cây bút khả ái này tổng luận thành mấy câu thơ trào lộng rất hợp với cảnh ngộ của ông: Bốn mươi tuổi mới Vào đời / Ăn đòn hội chợ tơi bời xác xơ / Giữa hai trận tuyến ngu ngơ /  Trong lòng Hà Nội bây giờ ở đâu? – Và anh quay qua bạn:… Thế ông có đoạn tuyệt với trò chơi ấy không?

Bác sỹ nhẹ lắc đầu không ra ý dứt khoát hay không: 

- Với mình, đó không phải là trò chơi, càng không phải là nghề, chỉ là cách biểu cảm nỗi lòng thôi. Người viết mà bị treo bút mãi thì sợi tơ rung động trong lòng sẽ thô cứng, mất dần đi sự nhạy cảm và rồi trí tuệ cũng mòn dần, đến lúc được cầm lại bút không chừng dễ nổi điên lên, nếu không thành trò cười cũng là lạc lõng. Tôi đã dứt tình với nó!

- Đã có những người giấu đổi bút danh?

- Thì họ sẽ không còn là họ nữa! Nhu cầu viết của họ như người đi câu cần kiếm cá. Nghĩ lại, mình càng thấy cảm ơn mẹ vì lời khuyên của bà khi các con chọn nghề: Trên đời này có ba nghề được tôn vinh là: thầy tu, thầy giáo và thầy thuốc. Với bản tính, mình chọn nghề thầy thuốc vì cảm thấy nó đạo ít đời nhiều. Vậy mà may. Thời nay thầy tu bị coi như nghề ru ngủ lòng người trong khi cần làm cho nó dậy sóng lên. Thầy giáo dù có cũng như không vì người học chẳng đến đâu cũng có thể thao thao rao giảng giáo thuyết cho các bậc thầy. Chỉ người thầy thuốc cứ chăm chút với nghề, lẳng lặng nhìn nghe thế sự nhân tình là còn sống được.

Hai anh ngẩn ngơ đứng giữa quảng trường Nhà Hát lớn rất lâu lúc bóng đổ về chiều. Bác sỹ nhìn bóng mặt trời đang tắt hỏi bâng quơ:

- Ta đánh Mỹ lúc hai người anh lớn cứ ông chẳng bà chuộc sự thể liệu sẽ ra sao?

Anh Hà Giang nói ra ý của mình:

- Thi đua hòa bình và Đối đầu sống mái đều xuất phát từ nội tình mỗi nước. Riêng ta đang cưỡi trên lưng cọp, phải lựa chiều tranh thủ sự ủng hộ của cả hai bên. Tất nhiên xu hướng bạo lực vũ trang là điều không mơ màng gì nữa. Nói chuyện hòa bình không hợp lúc này!

Bác sỹ nhìn bạn ngao ngán lắc đầu:

- Bệnh tật và chiến tranh song hành với lịch sử loài người. Nó như là định mệnh. Khoa học dù tiến bộ nhưng căn bệnh này bị khống chế thì căn bệnh khác lại nảy ra. Xã hội dù phát triển nhưng hình thức đấu tranh này bị loại trừ thì lại đẻ ra hình thức đấu tranh khác tùy theo thời đại. Chiến tranh là đỉnh điểm của sự tranh giành không nhân nhượng được. Muôn thuở, trong con người vẫn ẩn chứa cái man dại nguyên thủy của sự tồn tại bản năng. Khi nhu cầu vật chất được đáp ứng tạm thời thì lại nổi lên những mâu thuẫn về tín ngưỡng và sắc tộc…

Anh Hà Giang rướn mạnh đôi tay trên thành xe cố cho đôi chân đờ đẫn lắc lư vừa nói trong hơi thở nặng nề:

- Với một nền dân chủ thật sự, con người sẽ có được sự bình đẳng, tự do dù chỉ là tương đối. Lúc đó nhân loại đủ khả năng chôn vùi lũ hôn quân bạo chúa quen thói chuyên quyền bạo ngược áp chế người. Mơ ước của loài người được sống trong một thế giới hòa bình ổn định sẽ không phải là điều không tưởng.

Anh Đức Phúc nhìn bạn thương hại:

- Những người như ông là hay chuốc họa vào mình! Ông bạn vĩ đại láng giềng đang đẩy cuộc Cách mạng văn hóa tới cao trào bi kịch. Liệu rồi ta sẽ lại có những con vật tế thần không?        

Trên đường về, bác sỹ đi bên xe bạn. Anh Hà Giang giọng rủ rỉ đều đều như nói với chính mình, với bạn, với cả qúa khứ và tương lai:

- Hàng ngàn năm nay, chỉ một dòng người xuôi chảy vào Nam. Có lúc âm thầm lặng lẽ là những đám người lẻ tẻ kéo nhau đi tha phương cầu thực hoặc chạy trốn tai ương. Có lúc thành dòng cuồn cuộn là những đoàn quân rầm rập đi mở mang bờ cõi. Đi nhiều, về ít tuy nhiên không phải là vô ích và không hẳn ai cũng gặp điều bất trắc cả đâu. Đời mình chứng kiến hai cuộc Nam tiến lớn lao. Trước đây là những phút thăng hoa của lòng yêu nước, từ một dân tộc nô lệ rũ bùn đứng dậy. Cả một thế hệ tay không xông vào hang bắt cọp! Bây giờ, mọi người chỉ có một con đường ra phía trước để biểu thị lòng ái quốc trung quân. Lớp trẻ phơi phới hồn nhiên như sự tiếp bước cha anh trên con đường trường chinh ngời ánh hào quang chiến thắng một thời bi tráng!

Một tay anh đưa ra nắm chặt tay bạn như muốn chia sẻ:

- Không ít người đi tìm sự giải thoát trong những nỗi bế tắc triền miên…

Và anh thở dài giọng nhỏ hẳn đi:

- Cũng không ít kẻ tưởng như cuộc đi hái lộc cầu may!

Hai người bạn lặng lẽ chia tay không một lời chúc tụng nhưng họ đồng cảm về nỗi trăn trở trong lòng.

Anh Hà Giang cầm tờ giấy gọi của Bộ Công an đưa trình ông bí thư của viện. Ông không nhìn vào tờ giấy, cũng không nhìn thẳng vào anh, nét mặt phẳng lỳ, giọng lạnh tanh như ra lệnh:

- Anh phải đến cho đúng hẹn!

Chuyện này anh đã nghĩ tới rồi nhưng nó đến lúc nào và bằng cách nào thì anh không biết được. Nó khởi đầu từ mấy năm trước khi có nghị quyết trung ương IX của Đại hội III  vào cuối năm 1963 về Chống chủ nghĩa xét lại hiện đại. Một chủ trương có những ý kiến bất đồng là chuyện thường tình. Những quan điểm đó nói là được bảo lưu nhưng những người nắm chức vụ trọng trách mà không đồng chính kiến cứ âm thầm được ngồi chơi sơi nước. Không ít người bị huyền chức, bị cách ly thậm chí bị bắt bớ giam cầm. Kéo theo là số người trung gian cũng bị phân tán và vô hiệu hóa dần. Điều mà người bạn lo lắng cho anh về những con vật tế thần khi liên hệ tới sự ảnh hưởng mang tính truyền thống lịch sử văn hóa – xã hội là điều dự báo không sai.

Anh Hà Giang có mặt đúng hẹn tại nơi triệu tập và tỏ ra lúng túng vì cuộc gặp bất ngờ trước người đại diện cho cơ quan pháp luật lại chính là anh Lê Quốc Trung – người mà anh từng có thiện cảm trong buổi gặp ban đầu mấy năm trước đó taïi nhaø chuù anh. Trái lại là sự rất tự chủ của người thừa hành công vụ với nét mặt bình thản, không tỏ ra thân thiện hay là lạnh nhạt. Giọng anh ta đều đều không ra chào cũng không ra hỏi:

- Anh Hà Giang tức Nguyễn Hữu Nghĩa, nguyên Thiếu tá Quân đội nhân dân Việt Nam, tốt nghiệp loại ưu khoa Triết đại học Lômônôxốp–Maxcơva, chuyên viên nghiên cứu kiêm dịch giả ở Viện Triết học?

Anh Hà Giang nhìn người hỏi, không lắc, không gật ra ý biết rõ rồi còn hỏi làm gì.

- Tôi được cấp trên giao nhiệm vụ làm việc với anh! Anh có đủ sức khoẻ làm việc hay không? – Giọng anh ta tuy nghiêm nhưng có vẻ thật tình.

Anh Hà Giang laáy laïi bình tĩnh, nhìn thẳng vào người đối diện :

- Tôi khoẻ không bằng ai nhưng được cái dai sức nên đến lúc này thần chết vẫn chịu thua!

Anh ta nhếch mép cười tỏ ra hiểu ý người đối thoại:

- Cấp trên cho gọi anh tới đây để làm rõ một số sự việc mà tổ chức cần biết rõ. Đề nghị anh thành khẩn hợp tác với chúng tôi!

- Chỉ với yêu cầu như thế thì cần gì phải gọi tôi tới đây để các anh tốn thì giờ? Tôi là người của tổ chức, đương nhiên lúc nào, ở đâu cũng có trách nhiệm giải trình những điều tổ chức yêu cầu!

Anh ta dướn người lên :

- Trường hợp này có đặc biệt vì tổ chức cần có nhiều thời gian trực tiếp làm việc với anh!

- Có nghĩa là tôi sẽ bị giam giữ ở đây?

- Nơi này không phải là trại giam, chỉ là nơi tạm trú của một vài trường hợp đặc biệt thôi! – Giọng nói và ánh mắt của anh ta có ý nhắc nhở khách được đối xử như vậy đã là một sự chiếu cố lắm rồi.

Anh Hà Giang tỏ ra khó chịu:

- Nhưng tôi còn cần những đồ sinh hoạt!

- Sẽ có người mang đến cho anh đầy đủ!

- Có nghĩa là nơi ở của tôi bị khám xét như tên tội phạm? – Anh Hà Giang đỏ mặt lên, giọng sẵng run run.

Không muốn đối tượng của mình bị kích động, Lê Quốc Trung nói nhưng quay mặt vào phía trong :   

- Bây giờ anh hãy tạm vào nhận chỗ nghỉ đi. Chúng ta còn nhiều thì giờ làm việc với nhau.

Một nữ nhân viên bước ra đẩy nhanh chiếc xe đưa anh Hà Giang vào dãy nhà sâu mãi phía trong.

Anh Hà Giang được dành cho một căn phòng nhỏ đơn sơ cũng không hơn gì cái góc cầu thang nơi anh thường trú tại cơ quan: một chiếc giường cá nhân kết hợp làm ghế với một chiếc bàn kê sát đầu giường, một chiếc tủ con thấp lè tè không cánh để tư trang. Chỉ thiếu cái kệ sách và một cái bếp dầu với cái nồi con và cái rổ đựng chén bát là cuộc sống của anh coi như tạm đủ. Người ta chỉ yêu cầu anh không đi qúa phạm vi của một khu vực nhỏ. Chung quanh không thấy ai gác xách nhưng mọi người đều tất bật trong công việc thầm lặng với bộ sắc phục nghề nghiệp ấy thì đâu dễ bắt chuyện với ai. Việc sinh hoạt cũng đơn giản, mỗi bữa có người mang đến cho anh một cạp lồng cơm  từ bếp ăn tập thể.

Một êkíp làm việc với anh là người của Ban Tổ chức trung ương, Ban bảo vệ nội bộ, Ban văn hóa tư tưởng, Ban cán bộ Tổng cục chính trị nhưng người làm việc thường xuyên là anh Lê Quốc Trung người của Ban an ninh chính trị Bộ công an. Những cuộc đối chất dù người chủ cuộc cố ý gây cảm giác nhẹ nhàng, không ra hỏi cung nhưng nhiều khi căn vặn lúc thì lắt léo lúc thì bộc trực ý ra: Người ta muốn biết khi kẻ thù dùng vũ khí đàn áp, anh có chống lại không? Anh đấu tranh tự vệ kiểu gì? Chính kiến của anh về lập trường giai cấp là có khuyên người bị áp bức buông tay súng? Anh hiểu đối tượng của chuyên chính vô sảnlà những ai? Những ý kiến trên những bài viết là vô tình trùng hợp hay chịu ảnh hưởng của ai? Có sự liên kết nhằm gây ảnh hưởng gì không?...

- Tôi chỉ là một người nghiên cứu phát biểu quan điểm của mình về xu thế chung của xã hội loài người ngày một văn minh. Giá như đôi chân tôi không chống lại tiếng gọi của trái tim thì giờ này tôi không chịu ngồi ở đây đâu!

Anh Hà Giang thường thì giữ thái độ phải chăng nhưng cũng có khi không tự chủ được mình. Lúc đó thường là câu chuyện giữa hai người tạm dứt. Ngày qua tháng lại tưởng như không giới hạn thời gian với những câu chuyện lặp đi lặp lại chán phèo đến phát ngấy lên nhưng cuối cùng anh được yêu cầu viết Bản tự kiểm điểm. Sự việc trở thành gay go đôi co mãi về cái tiêu đề:

- Tôi không làm điều gì vi phạm luật pháp Nhà nước và điều lệ Đảng, không dưng bảo tôi trình Bản kiểm điểm là phi lý! Công việc cơ quan giao cho, tôi làm minh bạch mọi người đều biết cả cớ sao tôi phải làm Bản tường trình?

Dù sao hai người cũng tự hiểu lòng nhau riêng những kính yêu nhưng sự thể mỗi người một cảnh nên họ cùng đồng thuận một tiêu đề là Bản tự bạch nghe ra là hợp lý.

Dù được yêu cầu viết đi viết lại nhiều lần nhưng xem ra Bản tự bạch nào cũng đều một ý mà những bản sau còn sơ sài ngắn gọn hơn bản trước với những nét gạch ngang đầu dòng rồi chỉ nêu lên ý chính với lời chú giải: Đã trình bày chi tiết ở các bản trước rồi cùng với tình trạng tinh thần tôi ngày càng mệt mỏi!

Nội dung Bản tự bạch như sau:

“ Tôi sinh ra lúc non nước điêu linh và lớn lên lúc nước non binh lửa. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ nhưng được ông bà và chú tuy không giàu nhưng đủ sức cho tôi đeo đuổi ý chí lập thân. Hàng ngày, thấy cảnh người ta chết đói đầy đường, người bị hành hình đủ kiểu vì không chịu làm thân nô lệ trong khi kẻ thống trị ngoại bang da trắng, da vàng nhởn nhơ cấu kết với nhau dồn đẩy người dân sa vào cảnh lầm than khổ cực. Truyền thống yêu nước chống ngoại xâm từ các đời Đinh, Lý, Trần, Lê đến Quang Trung… chống giặc Bắc phương vẫn còn ghi trong sử sách. Truyền thống chống giặc Tây vẫn được nghe kể từ các bậc ông cha. Học sinh chúng tôi lòng đầy cảm phục tinh thần quả cảm của các anh hùng hào kiệt như Trương Định, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám cũng như những liệt sỹ Yên Bái tỏ rõ khí phách lẫm liệt trước cỗ máy chém khủng khiếp của bọn thực dân. Các bài thơ khơi dậy lòng yêu nước của các vị sỹ phu, trí thức và cách mạng như Sào Nam, Tây Hồ, Huỳnh Thúc Kháng, Tản Đà, Phạm Tất Đắc, Trần Tuấn Khải, Tố Hữu… càng nung nấu lòng yêu nước sôi lên trong lớp trẻ chúng tôi. Trong bối cảnh ấy, sự hoạt động tích cực của những tổ chức yêu nước đã cuốn hút chúng tôi đến với những người cộng sản. Trong khi những người lớn tuổi còn phân vân đắn đo nghi ngại với những định kiến về sự thanh trừng giai cấp khủng khiếp của những người cộng sản ở Nga, ở Tàu cũng như ở trong nước từng trương khẩu hiệu lúc manh nha: “Trí, Phú, Địa, Hào – Đào tận gốc, trốc tận rễ!”, thì lớp trẻ chúng tôi nghĩ tới một xã hội cộng sản tương lai với thế giới đại đồng như một áng thơ văn lãng mạn không khác gì cõi thần tiên. Chúng tôi đến với Đảng cộng sản với tấm lòng trong trắng trinh nguyên và sẵn sàng xả thân cho sự thắng lợi cuối cùng của nó.

Cuộc chiến tranh tái xâm lược của thực dân Pháp là một hành động cưỡng bức thô bạo xúc phạm tới phẩm giá những người Việt Nam cương chính và những người cộng sản đã xứng đáng là người đi đầu trong cuộc chiến tranh giải phóng.

Điện Biên Phủ là chiến công bất diệt của tinh thần yêu nước bất khuất Việt Nam được cả thế giới khâm phục. Nó dấy lên tình cảm tự hào dân tộc và lòng ngưỡng vọng ở cả những người Việt Nam trước đây vốn yếm thế, tự ty. Cả dân tộc phấn khởi, đặt niềm tin vào tương lai của một nước Việt Nam mới.

Tuy nhiên màu sắc chính trị khuynh tả ngày càng đậm nét đã làm phân hóa một bộ phận không nhỏ nhân dân. Tiếp theo là những sai lầm liên tiếp trong thiết chế xã hội, phát triển kinh tế và việc thực thi các quyền tự do – dân chủ của nhân dân càng làm cho dân chúng chán nản và thất vọng. Cuộc chiến tranh có sự tham gia trực tiếp của lính Mỹ ở miền Nam, đồng thời mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc là lối thoát cho sự bế tắc về nhiều mặt với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Đế quốc Mỹ không chỉ bị lộ diện là tên hung nô thời đại mà cũng bị quy là nguyên nhân của sự đói nghèo về đời sống, thắt ngặt về tư tưởng, trì trệ về văn hóa xã hội và một lần nữa tinh thần chống ngoại xâm lại được lấy làm thước đo nhân cách, lòng yêu nước, sự trung thành của mỗi người, được lồng vào trong đấu tranh quyền lực.    

Gần mười năm sát cánh cùng đồng đội tham gia chiến đấu ở Nam Bộ, được bà con nuôi dưỡng chở che càng hun đúc trong tôi tình cảm sâu nặng gắn bó ruột thịt với nhân dân và đất nước. Dù bị thương tật nặng nhưng tôi không hề ân hận và cũng không muốn mình thành người tàn phế. Tôi phấn đấu miệt mài học tập để mở mang trí tuệ, tiếp thu càng nhiều càng hay kho tàng tri thức vô tận của nhân loại đặng có thể làm việc gì thiết thực như truyền bá cho đồng bào đồng chí những điều mình học được.

Tôi sống và học tập ngay trong nôi của chủ nghĩa xã hội và được sự săn sóc cưu mang dạy bảo tận tình trong tinh thần của những người đồng chí anh em. Ít nhiều tôi đã thấy cả mặt phải và mặt trái của một xã hội tương lai mà chúng ta đang hướng tới. Đúng lúc ấy Đại hội XX của Đảng cộng sản Liên Xô mạnh dạn nói ra những khuyết tật của xã hội đương thời và nguy cơ suy sụp của nó mà người chịu đựng không ai khác chính là nhân dân – những đảng viên chân chính và những người lương thiện lao động, yêu nước và nhân hậu. Tôi tiếp nhận nó với tâm trạng phấn khởi rằng Đảng ta sẽ rút ra được những bài học ấy và nhân dân ta sẽ tránh được những vấp ngã đớn đau không cần thiết.

Loài người càng văn minh tiến bộ, càng xích lại gần nhau, hợp tác toàn diện với nhau để khống chế và cải tạo thiên nhiên phục vụ cho đời sống con người. Chiến tranh sẽ không là định mệnh nếu nhân dân toàn thế giới nhận ra khi một bộ phận dân chúng ở đâu đó bị hủy diệt có nghĩa là những bộ phận dân chúng khác còn đông hơn nhiều lần cũng có thể chung số phận. Lúc đó, mọi thành tựu văn minh chẳng còn ý nghĩa gì. Hòa bình là ứơc mơ của nhân loại. Một nền dân chủ phát triển có khả năng tháo ngòi nổ mọi cuộc chiến tranh.

Khi nền dân chủ được đảm bảo, ý chí của nhân dân được tôn trọng, các dân tộc ở những quốc gia dù có thể chế chính trị khác nhau vẫn có thể chung sống hòa bình hữu nghị. Tùy hoàn cảnh lịch sử, các quốc gia có những bước đi nhanh chậm khác nhau nhưng đích cuối cùng là như thế. Đừng vội coi ta là ưu việt khi năng xuất lao động còn rất thấp như lời của Lénine. Ý tưởng đốt cháy giai đoạn hoặc đón đầu thế giớisẽ đưa đến những việc làm khiên cưỡng tệ hại khó lường.

Khái niệm bạo lực cách mạng cần được định nghĩa lại trong hoàn cảnh mới. Chỉ có ổn định, các quốc gia mới có thể cùng hợp tác thi đua hòa bình. Một quốc gia càng phát triển càng ổn định, hòa bình càng được củng cố.          

Đồng nghĩa với sự đảm bảo quyền dân chủ là các quyền tự do căn bản của con người được tôn trọng và tệ sùng bái cá nhânbị loại trừ. Nó là tàn dư của chế độ phong kiến quan liêu, hẹp hòi, thiển cận, độc đoán, chuyên quyền, chỉ làm cho xã hội trì trệ và lạc hậu. Ngay lúc chế độ phong kiến đang còn là lực lượng tiến bộ thì tư tưởng “Dân vi qúy – Xã tắc vi thứ – Quân vi khinh” là bước tiến dài táo bạo vượt thời đại của loài người. Nhưng thế lực cầm quyền phản động chỉ vì quyền lợi ích kỷ của nó ngang nhiên trà đạp mọi giá trị nhân văn càng làm cho các quốc gia bảo thủ sớm bị tiêu vong.

Trong một quốc gia thống nhất, độc lập, phát triển, một Đảng của một bộ phận dân chúng không thể đại diện cho quyền lợi đa dạng của toàn dân tộc. Ý nghĩa Đảng toàn dân là tập hợp những lực lượng tiến bộ trong nhân dân, điều hòa những mâu thuẫn nội bộ, hòa hợp các khu vực sắc tộc, cư dân, phát huy dân chủ, đảm bảo nhân quyền, đoàn kết toàn dân xây dựng một quốc gia tiến bộ văn minh.

Trên bình diện quốc tế, đó cũng là quan điểm của Tuyên bố chung Maxcơva 1960 được hơn 70 trong số 81 Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế tán đồng, trong đó có Đảng Lao động Việt Nam.

Những ý kiến ấy đã một lúc tưởng như được tôn trọng, lắng nghe nhưng dần thành lạc lõng rồi như vật cản cho quan niệm chính thống đương quyền. Nó bị coi như là chống đối. 

Đồng thuận với quan điểm ấy có nghĩa là nhiều vấn đề cơ bản kinh điển của chủ nghĩa Marx cần được xem xét lại trong bối cảnh thế giới hiện nay và người ta quy kết những ai chấp nhận nó là theo Chủ nghĩa xét lại hiện đại,coi họ như những tội đồ. Luận cương các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin dẫn người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đến với chủ nghĩa Marx. Trên cơ sở của phép Biện chứng và chủ nghĩa Duy vật lịch sử, con người khát khao tìm hiểu ấy đã công khai nhận định: “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung cơ sở lịch sử của chủ nghĩa Marx bằng cách đưa vào đó những tư liệu mà Marx ở thời kỳ mình chưa có được. Marx xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử nhưng lịch sử nào? – Lịch sử Châu Âu. Mà Châu Âu là cái gì? – Đó chưa thể là toàn bộ nhân loại” và Anh đề nghị “Xem xét lại chủ nghĩa Marx về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng vốn dân tộc học phương Đông”. Sau này khi đã từng trải, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc chắt lọc tinh hoa của nhiều môn phái triết học xây dựng nền tảng tư tưởng cho cách mạng Việt Nam từ truyền thống nồng nàn yêu nước của dân tộc ta; từ điều Nhân-Nghĩa của đạo Khổng rút ra tư tưởng lấy “Dân làm gốc” là cốt lõi; lòng Từ-Bi-Hỷ-Xả trong đạo Phật; tinh thần Bác ái vị tha của đạo Cơ đốc; chủ nghĩa tam dân (Dân tộc-Dân quyền-Dân sinh) của Tôn Trung Sơn là sự kết hợp giữa chủ nghĩa dân tộc ở phương Đông với tinh thần nhân bản của của văn hóa phương Tây. Người sớm nhận ra dù trên bình diện quốc tế đã có một tổ chức cách mạng lớn mạnh thì mỗi dân tộc vẫn phải lo tự giải phóng mình. Các nước thuộc địa không thể tự cô lập mình trong cái “khung giai cấp thuần túy”. Phải mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân lấy mục tiêu giải phóng dân tộc và giai cấp là hành động gắn bó thiết thân. Trong bối cảnh cách mạng đang trong xu thế tả khuynh lúc ấy tất nhiên là không hợp với tinh thần chuyên chính vô sản cực đoan, dễ bị coi là thỏa hiệp, hữu khuynh, cách mạng không triệt để. Thực sự là lãnh tụ của chúng ta đã từng gặp khó! Và nó để lại hệ lụy lâu dài tới cả quá trình tiến triển mà chưa biết hậu quả sẽ thế nào.           

Chủ nghĩa Marx không phải là cẩm nang mầu nhiệm cho sự phát triển toàn diện của đất nước này, của thế giới này luôn biến động, muôn màu sắc và vô cùng phong phú. Việc người sáng lập và đứng đầu của Đảng vắng mặt trong ngày bỏ phiếu thông qua Nghị quyết 9/III chứng tỏ vấn đề phức tạp đến mức độ nào và cần có thời gian để suy ngẫm những quan điểm hiện khác biệt nhau.

Nguy cơ bùng nổ chiến tranh sẽ không hẳn từ những quốc gia có thể chế chính trị khác nhau. Nó nằm ngay trong mỗi cơ thể đó một khi chủ nghĩa dân tộc cực đoan bị kích động, các tư tưởng tôn giáo mê mị lòng người đưa đến sự cuồng tín tin rằng khắp trời đất này chỉ có một đấng tối cao linh thiêng duy nhất. Chủ nghĩa Marx bị các giáo phái chống đối kịch liệt vì người ta có xu hướng biến nó thành một tôn giáo mới mà trên hết cũng là vị Giáo chủ quyền uy tối thượng vaø mỗi lãnh tụ ở một quốc gia cộng sản được sùng bái như các vị Bồ tát hay Thánh Tông đồ! Khi nào đời sống vật chất các dân tộc không khác biệt nhau, nền văn minh cùng với ánh sáng trí tuệ bao trùm toàn nhân loại thì cõi tâm linh con người mới được yên ổn để mách bảo nhau cùng giữ gìn phát triển thế giới chung này.

Cuộc đấu giành độc lập dân tộc bị cường điệu lên thành cuộc đấu tranh giai cấp đang phân tán dần lực lượng! Triệt tiêu giai cấp thuộc về tương lai. Giai cấp tồn tại trong sự phân hóa nội thân cùng với sự tiến bộ của xã hội loài người. Nó vừa đấu tranh vừa thoả hiệp với nhau để thích ứng và cùng tồn tại. Các cuộc chiến tranh chỉ bùng nổ ra một thời gian ngắn và chấm dứt khi quyền lợi dân tộc hoặc của một bộ phận nào tạm thời được thoả đáng. Có lúc giai cấp tưởng chừng bị thủ tiêu nhưng thực ra nó biến thể và những mâu thuẫn giàu nghèo, thống trị  bị trị vẫn trầm kha. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể mỗi nước, cộng đồng các dân tộc ở đó tự tìm cách hiệp thương, hòa hợp, dàn xếp để đảm bảo sự tồn tại quốc gia với mục tiêu xây dựng một xã hội phát triển, công bằng, dân chủ, văn minh.

Tiếc rằng sự thức tỉnh muộn màng ấy bị nhiều thế lực chống phá bởi những bộ óc cục bộ hoặc là bảo thủ. Ý nghĩa nhân văn của việc chống tệ sùng bái cá nhân bị lạm dụng để giải quyết những ân oán cá nhân hoặc toan tính một sự thoán nghịch nên mau chóng biến thành một trò chơi chính trị! Cuộc đấu tranh Giáo điều – Xét lại đã làm trò cười cho thiên hạ bởi chẳng những nó gây chia rẽ sâu sắc nội bộ ở nhiều nước mà sau cụm từ nhân danh sự trong sáng của một tư tưởng mới vẫn là chủ nghĩa dân tộc cực đoan cố hữu! Chuyên chính vô sản là sự trừng phạt để giữ vương quyền không khác gì Pie Đại đế ở nước Nga, Tần Thủy Hoàng ở nước Trung Hoa thời trung cổ đại. Nó hoàn toàn trái ngược với tinh thần nhân chính (nền chính trị lấy điều nhân làm gốc) của minh triết phương Đông. Những khuyết tật của chế độ xã hội chủ nghĩa không bị khống chế, đẩy lùi, trái lại nó càng nở bung ra nhanh chóng khiến cho hình ảnh một xã hội mới lý tưởng không còn sức hấp dẫn và tăng lên mối hoài nghi về một học thuyết khả thi cứu rỗi loài người. Marx từng giải thích: “Bản chất của đời sống là thực tiễn và thực tiễn của loài người ngày càng tiếp cận hơn với tự do”. Chủ nghĩa xã hội là hiện tượng khách quan khoa học chứ không thể được nhào nặn bởi ai.

Người làm công tác nghiên cứu khoa học xã hội không chỉ đọc sách báo hay tìm hiểu tâm lý nhân sinh một chiều. Tôi nhiều lần tới sứ quán một nước bạn lớn mà ở đấy từng gợi mở cho tôi đi vào con đường nghiên cứu sự phát triển của xã hội loài người, với mục đích tìm thêm tài liệu và thăm dò chính luận bên nước người ta. Tôi không được nắm một điều bí mật quốc gia đặc biệt nào để có thể ngầm trao cho họ. Những điều tôi biết cũng là những điều xôn xao trong dư luận, sứ quán nào cũng có nguồn thông tin riêng, họ dư sức biết. Tôi tiếp xúc với họ hoàn toàn bởi nhu cầu công việc chứ tôi không nằm trong một tổ chức nào và tôi có đủ bản lĩnh để không thể ai lôi kéo được mình. Một nhân vật quan trọng nào đó mà người ta bóng gió gợi ý về những mối liên hệ thì với tôi thật xa vời vợi. Tôi chẳng là gì và cũng chẳng có tư cách gì để quan hệ với người ta. Một số người bất đồng chính kiến là coù thật nhưng không thể kéo bè thành một tổ chức làm tay sai của ngoại bang nằm sâu trong Đảng và âm mưu thoán nghịch.

Từ söï trì treä veà kinh teá, độc đoán veà toå chöùc keùo daøi ñöa tôùi lãnh đạo chuyên quyền, thao túng nội bộ seõ làm phân liệt Đảng ta. Kẻ cơ hội mượn gió phất cờ ngày một nhiều và càng được tin dùng. Những người kiên trung dễ bị vu oan, cô lập, thất sủng, bất lực dẫn tới co thủ, thờ ơ thậm chí tự thoát ly khỏi Đảng. Đó là nhöõng tieàn trieäu baùo hieäu nguy cơ tha hóa của một Đảng cách mạng tự vô hiệu hóa mình!

Trong sự việc này tôi caûm nhaän coù moät aâm mưu nhắm vào một thế lực đương quyền nào đó mà khoâng ít người do sự tình cờ hoặc do thâm ý của ai ñöa ñaåy vaøo để tạo nên một vụ án coù chuû möu. Neáu bieán coá xaûy ra seõ laø tai hoïa khoâng sao löôøng noåi. Nhưng tôi tin rằng lịch sử sẽ cải chính lại. Khi söï thöïc ñöôïc phôi baøy seõ roõ ra sai đúng, tất nhiên phải trả giá bằng sự đổ vỡ niềm tin mặc dù trước đây ta vẫn nói: Có niềm tin là có tất cả, mà bước đầu đã có những thành công!

Người làm khoa học xã hội lấy mục tiêu là chân lý phải có chính kiến rõ ràng. Đó là phẩm chất đáng trọng nhưng đầy gai góc. Tôi chấp nhận mọi bất trắc bởi tôi vẫn đi trên con đường đã chọn và thấy đời mình đầy đủ, như một nhà thơ nào đó tự thoả mãn với mình: “Sống vì tình yêu và rượu ngon / Chết hy sinh cho tổ quốc / Đời ai được thế này / Đó là người hạnh phúc”. Tôi đã được nhận tình yêu nguyên sơ tuy chưa được hưởng đến tận cùng. Tôi đã say trong men say của nghĩa bạn, tình dân. Tôi đã ngã xuống bởi đạn thù giữa nơi chiến trận. Và bây giờ nếu phải chết trong ngục tù bởi dám nói thật lòng cho sáng ra chân lý thì tôi là người hạnh phúc!

Một người yêu nước chân thành

HÀ GIANG – Nguyễn Hữu Nghĩa ”

Kết thúc buổi nói chuyện cuối cùng, anh Lê Quốc Trung với ánh mắt dịu dàng nói giọng hơi buồn :

- Chuyện với anh đã đến hồi kết thúc. Tuy nhiên anh sẽ không về lại cơ quan cũ nữa mà đi sơ tán về một Trại thương binh ở trên Bắc Giang!

- Có nghĩa là anh cho tôi đi an trí?! – Anh Hà Giang cười mai mỉa.

Người đối thoại đứng lên, một hơi thở dài nén lại:

- Tôi truyền đạt theo lệnh của trên!

- Người ta định quản thúc tôi tới bao giờ?

- Tôi cũng không biết nữa! – Anh ta đi nhanh ra khỏi phòng như tránh một ánh mắt nhìn mình.

Ông Thanh xót cháu, mang nỗi buồn phiền đến than thở với bác Trịnh Huy :

- Chính nó là người dắt em đến với Đảng mà bây giờ nó bị oan khiên em không biết phải làm gì cho nó!

Ông anh thở dài cười:    

- Tôi cũng được mời vào làm chứng nhân trong cái Ban đặc biệt nghị án vụ này. Chứng cớ thì ít, hồ nghi thì nhiều nhưng vẫn luận tội mà không thể đưa ra công khai giữa chốn pháp đình!                     

- Cỡ như cháu nó đâu có nghĩa lý gì. Còn bao nhiêu vị công thần danh tướng từng được giao cho những công việc trọng yếu từ những ngày khai quốc nữa mà sao không có ai đứng ra bênh vực vài lời?

Ông anh cười chua chát:

- Nó lôi cổ vào cái Ban trời ơi ấy toàn những loại cỡ như Nguyên lão nghị viên của nước Anh thời trung cổ. Các vị mũ cao áo dài ngồi nghe nó đọc vanh vách ra đủ thứ tội. Có hay không ai biết? Nó lại trương ra mấy cái Bản trần tình của mấy anh nản chí muốn thoát nợ, tặc lưỡi cho xong, ngoáy nhanh khúc tấu, coi như đó là bằng chứng. Rồi nó giả nhân giả nghĩa nói rằng tội tày đình đó nhưng xét có công lao và thể tình đồng chí nên rộng lượng hải hà, mở lòng khoan dung tha thứ nên chỉ xét xử nội bộ thôi, không bắt tội tù gì cả, cho nghỉ ngơi an trí một nơi để tĩnh tâm suy nghĩ, chừng nào nhận ra lỗi lầm hối cải sẽ được hoàn lương. Điều nào hớ hênh không hợp hiến thì nó bảo bên Quốc hội bổ sung điều luật. Còn ai nói gì được nữa? Coi như trảm trước mà lệnh chỉ ký sau!

- Các vị đều một thời oanh liệt, tù đày sơn lâm hải đảo coi như trò trẻ, lý sự quan tòa, chúa ngục cũng phải kiềng, nhiều vị tướng quân xông pha trận mạc như vào chỗ không người mà sao bây giờ họa đến bạn bè đồng chí từng vào sinh ra tử có nhau lại dễ nghe, dễ gật đến thế?

Ông anh xịu mặt, im lặng buồn bã hồi lâu mới dè dặt nói thật ra cái tình đời kiểu nhà sử học:

- Con người ta mỗi thời một khác. Khi sự nghiệp chưa thành thì tất cả chung một chữ Ta. Nhưng khi công thành rồi  thì chữ Ta thành chữ Tao để cái danh trọn về mình mới toại. Lúc hiển vinh cân đai mũ áo xênh xang thì lại nghĩ chuyện giữ gìn danh gia thể diện. Thế mới có chuyện đời lúc nếm mật nằm gai thì chúa tôi “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” nhưng khi giữa chốn triều đình rồi thì quân thần mỗi người một phận. Xem như Nguyễn Trãi tài danh công đức như thế còn bị chém xả ngang người. Trần Nguyên Hãn khua gươm rụng đầu bao tướng giặc mà lúc yên hàn biết thân treo ấn từ quan về ở ẩn cũng không yên phận, đành ngẩng mặt kêu trời mà trầm mình dưới dòng sông Thao để chết được toàn thân. Xét cho cùng thì trong mỗi con người có bậc anh hùng và kẻ tiểu nhân cùng sống. Tùy hoàn cảnh mà vị này, thằng nọ lộ ra thôi!

Ông Thanh còn nghi hoặc:

- Ta từng dũng cảm nhận sai lầm mà sửa mãi chẳng tới đâu rồi vẫn cứ triền miên sai lầm như thế?!

Ông anh cười không thành tiếng:

- Trong cải cách ruộng đất, người ta kích động bừa bãi để nông dân hăng lên làm loạn, động tới cả triều đình. Bao nhiêu đại thần danh tướng xính vính không yên, người ta vội đình nó lại. Nói vu vơ chủ trương đúng, biện pháp sai, nghĩa là trên vẫn sáng suốt, chỉ có dưới làm sai thôi. Vài anh nhận đòn phủi bụi nhưng rồi lại ung dung tại vị trong khi hàng ngàn người lương thiện trung thành chết oan tức tưởi! Hồi ấy, tại hội nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc, luật gia Nguyễn Mạnh Tường có bài phát biểu thẳng thắn chân tình. Lúy phê phán sửa sai như thế chỉ là biện pháp chính trị hời hợt, xuề xòa, không truy rõ căn nguyên, không truy ra trách nhiệm cụ thể vào ai thì làm sao sửa được?! Lúy phân tích thấu đáo sâu sắc lắm.

Ông lục tìm cuốn sổ tay, lật ra mấy trang ghi tóm ý, đọc cho chú em nghe:

- Mong muốn của loài người gom lại chỉ là một đời sống vật chất tương đối đầy đủ và ổn định, một đời sống tinh thần tương đối thoải mái và êm ấm, có đảm bảo tự do. Hạnh phúc của loài người xây dựng trên cơ sở dân sinhdân quyền. Cốt lõi của dân quyền là dân chủ. Nội dung cụ thể của dân chủ là nhân dân làm chủ đất nước mình, mỗi người được làm chủ bản thân mình và phải được hưởng các nhu cầu thiết yếu chính đáng.

Bác Trịnh dừng lại, nhìn người em đang chú ý lắng nghe, chêm vào ý của mình:

- Người ta tin anh, theo anh cũng là hy vọng một xã hội tương lai như thế. Dù tên gọi của thể chế chính trị ấy là Dân chủ cộng hòa, Xô viết nhân dân hay là Xã hội chủ nghĩa gì cũng được!

Ông lại cúi xuống đọc phần ghi:

- Nguyên nhân của những sai lầm vừa qua trước hết là lãnh đạo ngợp trong hào quang chiến thắng, tự coi mình là người duy nhất tìm ra chân lý và cũng là người duy nhất được quyền bảo vệ chân lý. Gọi là lắng nghe ý kiến nhân dân nhưng phải hợp ý mình! Không nên coi Đảng lãnh đạo như là một cây rất to, lá rờm rà che hết ánh sáng mặt trời khiến một ngọn cỏ cũng không mọc dưới chân nó được. Từ đó xa rời quần chúng, cảnh giác với tất cả mọi người, mơ hồ ta địch, coi chính trị là thống soái, cường điệu chuyên chính tới mức coi nó như hình phạt, xem nhẹ pháp quyền sinh ra tùy tiện, coi nhẹ chuyên môn nên coi thường trí thức. Cụ thể là với anh em trí thức đi theo kháng chiến vẫn hoài nghi, với những người ở lại gọi là lưu dụng thì hợp tác nặng về hiếu hỷ. Trong khi ở các công sở lại có tình trạng chèn ép của chính trị với chuyên môn đưa đến những lời xầm xì “giai cấp này nọ” và “họ Lưu – họ Kháng” làm cho ta đau lòng! Kết quả là không phát huy được tiềm năng tri thức và nhiệt tâm của họ. Đồng thời ta tích cực đào tạo lớp trí thức mới một cách vội vã cả về thời gian và số lượng, không dựa trên nền tảng cơ sở giáo dục hiện có, coi thường chất lượng. Những sản phẩm trí tuệ ấy thời gian sẽ minh chứng được! Bởi ta đi lên từ những bước khởi đầu qúa thấp nhưng lại muốn tỏ ra xã hội ta ưu việt nên sinh ra chứng thích tô hồng, thì phải ham thành tích! Mọi báo cáo đều phóng đại lên, trên dưới đều biết cả nhưng ai cũng hả hê vui vẻ. Các đoàn thể gọi là của quần chúng nhưng thực sự không nói lên được tâm nguyện của số đông dân chúng. Mỗi đại biểu là mối giây liên lạc hai chiều giữa Nhà nước với nhân dân và ngược lại, là yếu tố không thể thiếu để Nhà nước hình thành những chủ trương chính sách sát hợp với thực tế. Thế mà những người đại diện đã thành nếp quen chỉ biết phụ họa, tán đồng theo nghị quyết, họa chăng có ai thỏ thẻ đôi điều khác ý thì lạc điệu! Cội nguồn của nó là từ óc tự ty ở một giai cấp thiếu bản lãnh của người làm chủ, khi nắm chính quyền thì bộc lộ tệ quan liêu, không phân biệt được ai là bạn là thù! Nói rằng cách mạng là tốt đẹp, là mang lại hạnh phúc cho mọi người mà sao vẫn có người xa lánh cách mạng? lo ngại trước cách mạng? đau đớn vì cách mạng? Ngoại trừ số ít  phần tử đối kháng còn số đông họ thuộc thành phần cơ bản trong nhân dân như công nhân, nông dân, những người làm bách nghệ để mưu sinh… Thế thì chân lý ở đâu? Đó là vấn đề phải đặt ra và phải giải quyết! Để giải thoát ách tắc ấy trước hết phải xây dựng một xã hội pháp quyền bình đẳng, công minh. Cải tổ các tổ chức xã hội để nó đúng là tiêu biểu cho dân, đưa lên những người đại diện thật xứng đáng với vai trò của họ. Công khai hóa xã hội bằng cách để tự do ngôn luận kể cả việc cho phép làm thông tin, báo chí tư nhân trên cơ sở pháp luật quy định rõ ràng. Đó là những quyền dân chủ sơ đẳng của một thể chế tự do.

Xếp cuốn sổ lại, ông Trịnh thở dài nhìn em :

- Lúy nói thẳng ra rằng: Tôi cảm thấy ngay hiện thời ta chưa rút được kinh nghiệm đâu. Như thế ta vẫn mở cửa cho các sai lầm tiếp sau còn nguy hại hơn nữa! Sai lầm cải cách ruộng đất chỉ là biểu hiện điển hình và bi đát nhất mà trong nhiều lĩnh vực khác cũng sai lầm nghiêm trọng và sẽ càng tệ hại nếu không kịp nhìn ra và sửa! “Trung ngôn nghịch nhĩ”, bị gán cho là thiếu tinh thần xây dựng, lâu nay pháo tịt ngòiluôn! Nếu người ta thật sự cầu thị và triệt để sửa sai theo tinh thần đó sẽ không có những cuộc cải tạo áp chế và cưỡng bức vào các xí nghiệp công tư hợp doanh nửa đời nửa đoạn và các hợp tác xã trời ơi đất hỡi để nên nỗi sản xuất đình đốn, đời sống thiếu thốn tới mức này! Sẽ không có các vụ án Nhân văn – Giai phẩm, rồi Xét lại chống Đảng gây bao điều oan trái như thế này đâu. Thời nào cũng vậy, giới trí thức và đặc biệt là văn nghệ sỹ rất nhạy cảm với những biến thiên thời cuộc. Họ có thể dấy lên thành cao trào ủng hộ hay phản kháng đòi tự do tư duy, tự do sáng tác, tự do trong sinh hoạt xã hội. Họ có thể qúa khích chứ không là phản quốc, càng không thể lật đổ được ai một khi giới lãnh đạo bản lãnh vững vàng. Tuy nhiên, lần này kẻ chủ mưu khuynh đảo lắm! Muôn thuở, giới trí thức bao giờ cũng là đối tượng bất đắc dĩ của giới cầm quyền. Người cầm quyền thông minh tài giỏi biến họ thành động lực, xã hội sẽ lành mạnh đi lên. Trái lại, dùng cường quyền áp chế hoặc nhử mồi danh lợi, biến họ thành kẻ tội đồ hoặc đám tay sai, xã hội sẽ tối tăm mù mịt, muôn sự nhiễu nhương!

Ông thở ra buồn bã như sự cam nhận thay cho những người bất lực :                           

- Thật ra không phải là hèn hết cả đâu nhưng có chỗ nào mà nói? và ai dám nghe lời mình? Thôi thì đành tặc lưỡi cho xong. Tâm can sâu nặng gì trút ra ngòi bút gửi lại vài trang  cho hậu thế.

Những điều ấy bị ém nhẹm đi, cán bộ cỡ ông Thanh hôm nay mới biết bởi một sự tình cờ!

Người trí thức tâm huyết cũng là nhà cách mạng nhiệt thành nhưng đã già, không còn đủ sức bộc lộ hết ra tâm trạng của mình, mắt đăm đăm hướng về cõi xa xăm như nhìn về quá khứ mà lo cho hiện tại. Ông Thanh chợt nhớ cụ đồ cha ông từng có lần dạy bảo các con: Kẻ sỹ không lo đến sự phú bần, sinh tử của bản thân mình mà chỉ một lòng nghĩ tới sự thịnh suy, tồn vong của quốc gia dân tộc! Đời ông thấy nhiều kẻ sỹ không màng danh lợi, dấn thân vào chốn gian khó hiểm nguy vì không chịu nỗi nhục mất nước. Có người âm thầm gửi thân nơi đáy biển rừng sâu. Có người hiên ngang oanh liệt ngã xuống trước lưỡi gươm họng súng. Mà khi không còn bóng giặc thù lòng họ sao vẫn ngổn ngang trăm mối? Bởi ý nghĩa cuộc đời họ là được cống hiến tài năng trí tuệ cho nhân quần xã hội, nghĩa là được làm những điều nhân nghĩa. Họ không thể là kẻ ngu trung.

Hương Giang chuyển qua làm công tác ngoại giao. Chị đi đó đây tất bật tháng ngày. Dịp trở về biết chuyện, hỏi chồng. Anh Trần Quyết Tâm bảo vợ:

- Mình phải tin vào Đảng. Không kiên quyết làm sao tập trung đánh thắng giặc Mỹ được. Nhiệm vụ của em cũng là một trong ba mũi giáp công (Quân sự–Chính trị–Ngoại giao) đánh Mỹ!

Chị lao vào công việc. Những chuyện rối rắm nội bộ không ai dám nói cho chị biết vì chồng chị là một cán bộ có cỡ của Ban Tổ chức trung ương. Lâu lâu Ban cán sự tổng hợp đại cương tình hình trong ngoài. Những chuyện đó chịu nghe đài, đọc báo người nghe chỉ mất thì giờ vô ích thôi. Một số tin gọi là đặc biệt cũng úp úp mở mở một chiều. Chị là cán bộ mẫn cán, ngoài chuyện công, chị còn phải lo cho bốn đứa con nữa thì cũng không có thì giờ để ý tới những chuyện không phải của mình. Dù sao chị cũng đến thăm chú để muốn biết về anh. Nhưng chú không nói ra vì nghĩ chị biết rõ rồi và chị cũng không dám hỏi vì không biết mở đầu câu chuyện làm sao. Trước khi ra về chị đưa ra một hộp sâm qúy, giọng nghẹn ngào:

- Chú giúp cháu gửi cái này cho anh. Nhưng chú đừng nói là quà của cháu. Anh sẽ không nhận đâu!

Nói rồi chị chạy ra, sợ chú cũng không nhận giúp!

Cẩm Nhung tìm tới Trại an dưỡng thăm anh và báo tin lễ vu quy. Cô kể lại với cha:

- Trại toàn thương binh nặng cả, anh vậy mà vào loại khá đấy. Anh than phiền không có sách đọc, không có thông tin gì ngoài những buổi phát thanh công cộng trên mấy cái loa của Viện phát ra. Ngồi cắm cúi viết là một sự lạ ở đây vì viết gì ? gửi cho ai? và để làm gì?… Để quên thời gian, anh tích cực tham gia dạy văn hóa cho anh chị em thương binh nặng tại giường nên được nhiều người quý mến và tháng nào Viện cũng biểu dương. Mọi tiêu chuẩn và lương xướng của anh vẫn được giữ nguyên. Anh tạm đầy đủ và nhắn chú khỏi phải lo lắng gì cho cháu. Tuy nhiên anh dặn đừng có lặn lội lên thăm vì người ta để ý, có thể sẽ ảnh hưởng tới sự tiến bộ của các em. Anh cũng bảo đừng gửi thư từ vì người ta kiểm duyệt. Sách vở dù có gửi lên cũng không bao giờ đến anh đâu. Anh không tin tức gì về có nghĩa là anh vẫn khoẻ. Có chuyện gì đặc biệt anh sẽ nhờ người tin cẩn báo về.

Ông Thanh lên giường lâu lắm rồi mà trằn trọc không sao ngủ được. Ông thương con gái ông, lấy chồng mà không được mẹ lo. Chồng nó là phi công, giá như thời buổi yên bình thì sung sướng đấy nhưng vào lúc chiến tranh ác liệt thế này, ngày nào cũng bay lên trời quần nhau với hàng đàn máy bay Mỹ… Xem chừng mong manh lắm! Ông lại trăn trở nghĩ tới mấy đứa con xa cha đã lớn… Không chừng cha-con-anh-em hai phe đánh nhau loạn xà ngầu! Ông nghĩ tới cháu ông chịu cảnh đơn côi ngang trái suốt đời. Mọi nỗi khổ nó chịu được hết chỉ còn niềm vui và an ủi ở chữ nghĩa thôi. Thế mà nó không được đọc, không được nghe, không được nói, không được viết thì trí tuệ trở nên vô dụng, teo tóp dần đi và bộ óc sẽ thành bã đậu! Nó chấp nhận tàn tật như một sự hy sinh cần thiết nhưng không chịu để thành phế nhân. Nhưng bây giờ, số phận nỡ nào cay nghiệt với nó thế?! Ông chợt nhớ tới lão chủ sự Jean Debus ngày nào. Hắn vừa là ân nhân vừa là sếp của mình. Thế sự bất thường, mình lại là ân nhân của hắn. Thế mà trong lúc rối ren, hắn công khai đến tìm mình báo nghĩa. Nhân tình thế thái càng nghĩ càng đau đầu quá.

Ông bật dậy, đi đến bàn thờ thắp lên mấy nén hương thơm. Thắp hương vào dịp giỗ tết cha con ông vẫn thường làm, đã như thành lệ phải có mùi hương khói trong những ngày khác thường như thế. Nhưng lần này, ông trang nghiêm đứng trước bàn thờ, tay giơ cao mấy nén hương lên, dưới ánh đèn lờ mờ trong đêm khuya khoắt, ông khấn rõ thành lời cầu cõi linh thiêng gần xa về đây che chở, phù hộ cho con gái ông hạnh phúc yên lành, cho các con ông không sa vào cảnh nồi da xáo thịt, giải thoát cho con của người bào huynh qúa cố là cháu ông vốn hiền lành, lương thiện, thật thà, hiếu nghĩa, thương người, không may gặp họa, sớm được giải oan trở về trong sự đùm bọc thương yêu của tình máu mủ ruột rà.

Dáng ông gầy, cao, hai bàn tay giơ qúa đầu chắp lại, mấy nén hương trong tay rực đỏ đưa những làn khói mờ mờ ảo ảo bay lên. Cái bóng ấy chênh chênh in trên nền nhà… Cả hai cùng bất động cảm như cõi đời này và cõi thiêng kia cùng hội về đây. 

 

(trang 256)

 

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_TBTd.php

ngày 24-Dec-2016

_________________

• Các bài của Nguyễn Văn Thịnh: link http://sachhiem.net/VANHOC/N/ListNVTh.inc.php

Trang Văn Học