PHÚT THĂNG HOA

- tiểu thuyết -

Nguyễn Văn Thịnh

CHƯƠNG NĂM

Sáng ngày 2 tháng 9 năm 1945.              

Một ngày thu tuyệt đẹp.      

Bầu trời xanh cao lồng lộng. Nắng vàng dìu dịu. Làn gió mát rượi thổi tung bay phất phới lá cờ đỏ sao vàng chính thức tượng trưng cho một nước Việt Nam mới đã thoát khỏi xiềng gông nô lệ.

Cả biển người có mặt tại quảng trường Ba Đình hôm nay mãi mãi trở thành những chứng nhân lịch sử cho cả một dân tộc trong giờ phút thiêng liêng chuyển mình từ kẻ vong quốc nô trở thành chủ nhân thật sự của Tổ quốc và vận mệnh của chính mình.

Người ta không để ý tới thời gian vì ai cũng chỉ nghĩ tới một con người đang mong đợi. Có mấy ai từng  được diện kiến Người? Nhưng ai cũng dành sự kính yêu và gửi niềm tin vào con người ấy qua đủ thứ nguồn tin. Họ rì rầm to nhỏ kể chuyện về con người ấy như chính họ đã từng được biết. Người này truyền người kia, tốp này truyền tốp nọ say sưa mải miết… Quá trưa, một đoàn vệ binh đạp xe hộ tống chiếc ô tô đen bóng chở Người công dân số một từ phía dinh Toàn quyền cũ tiến vào quảng trường thì tiếng hò reo nổi lên vang dậy. Mọi người chăm chắm hướng về một phía…

Trên kỳ đài, những người đứng đó thật sự đại diện cho ý chí tự lập tự cường của một dân tộc trải hàng nghìn năm dựng nước liên tục phải chiến đấu với những quốc gia bành trướng lớn hơn mình rất nhiều lần để bảo tồn nòi giống, giữ gìn non sông.

Người đứng đầu Nhà nước Việt Nam mới thử máy phóng thanh bằng câu hỏi thân tình giản dị:

- Tôi nói đồng bào nghe rõ không?

Không ai ngờ nhà đại cách mạng vang lừng tên tuổi khắp năm châu bốn biển, nhà lãnh đạo tối thượng của quốc gia, lần đầu tiếp xúc với quảng đại dân chúng ngưỡng vọng mình đang đợi nghe những lời hô hào kêu gọi vang dậy núi sông lại có phong cách bình dị, mộc mạc thấm đượm hồn quê hồn nước bao lâu tưởng đã mất đi. Hàng ngàn vạn con người ngơ ngác nhìn nhau, lặng đi vì bất ngờ rồi bùng lên tràn dâng niềm cảm xúc dạt dào. Tiếng đáp dồn lên cộng hưởng âm vang như gió reo sóng vỗ:

- Có… Có ạ!

- Rõ… Rõ ạ!

Sau hơn 80 năm mất nước, hôm nay người đại diện chân chính cho dân tộc ấy đứng đó giữa mênh mông là trời, bao la là đất, bạt ngàn là người… dõng dạc tuyên bố với muôn người trên trái đất này một chân lý vĩnh cửu:

- Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng. Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do !

Docteur Bửu Quốc rưng rưng nói với những người đứng bên:                                

- Đó là sự thật hiển nhiên của tiêu ngữ được ghi trên lá cờ của nước Pháp: Liberté – Égalité – Fraternité! (Tự do – Bình đẳng – Bác ái!)

Người đại diện vinh quang ấy thay mặt cho dân tộc khẳng định một lời          

- Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và thật sự đã thành một nước tự do độc lập!

Ông Tham Phú bật lên:

- C’est la vérité! (Đó là sự thật!)

Vị đứng đầu của nước Việt Nam mới thay mặt hơn hai mươi bốn triệu con cháu Lạc Long – Âu Cơ từ trên rừng tới miệt biển, trang nghiêm long trọng thề với hồn núi sông và anh linh tiên tổ:   

- Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy !

Cả biển người xôn xao ồn ào như muôn làn sóng dậy hưổng ứng lời thề thiêng liêng ấy:

- Xin thề…!

- Xin thề…!

- Xin thề…!                                   

Ông Phán Thanh không kìm được nước mắt, vừa vung tay lên vừa gào to lời thề giữ nước như cùng xuất phát từ gan ruột với mọi người… 

Cùng đứng trong khối công chức, ông Phán Thanh lại gần Docteur Bửu Quốc giọng run run xúc động:         

- Cụ Hồ Chí Minh có phải là ông Nguyễn Ái Quốc không?

- C’est lui! (Chính Người đó!)

Vào những năm hai mươi, anh sinh viên quý tộc xứ Huế đã từng gặp người thanh niên yêu nước xứ Nghệ ở Hội quán sinh viên Paris, từng đọc những bài báo và nghe anh diễn thuyết về tình cảnh khốn cùng của đồng bào ở quê hương. Tên tuổi của những Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh được nhiều người Việt tha hương hâm mộ và kính trọng. Anh sinh viên Bửu Quốc cũng trọng thị những người ấy nhưng ở thời điểm đó anh chưa nhận ra ý nghĩa quí giá của sự độc lập tự do. Phải qua một thời gian dài sau đó, khi đã trưởng thành anh mới nhận ra rằng chính mình cũng là một thân nô lệ! Nhưng anh đành bất lực, bó tay trong phẫn uất.

Rồi mỗi người một thuyền bập bềnh trên sóng thời gian trôi nổi, hôm nay số phận hai người đã khác.

Anh thanh niên hoàng tộc Bửu Quốc đã là một thầy thuốc danh tiếng, được đồng nghiệp nể trọng và nhiều người mang ơn ông cứu độ. Nhưng từ trong tâm khảm ông vẫn cảm thấy bức bối tủi hận với thân phận cá chậu chim lồng!

Và anh thanh niên Nguyễn Ái Quốc từ nhà hoạt động yêu nước hôm nay đã là Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người khai sáng của nước Việt Nam cộng hoà dân chủ đang đứng đó, thay mặt cho cả dân tộc đọc lời Tuyên ngôn Độc lập cho Tổ quốc mình, có nghĩa là từ nay đồng bào mình được Tự do, Bình đẳng với người! Có khác chi người phá cản mở rào cho cá vượt ao tù ra biển rộng, cho chim xổ lồng tung cánh bay lên trời cao, cho mỗi nhân sinh được hưởng quyền làm Người thật sự!

Ôi! Cố nhân đứng đó trên kỳ đài phất phới cờ bay, chói ngời hình ảnh một ông già trán cao mắt sáng, chòm râu đen và thưa, dáng gầy khắc khổ với giọng Nghệ trầm ấm đúng âm Việt ngữ không pha tạp dù trải qúa nửa đời bôn ba tứ xứ. Vẫn là con người ấy miệt mài từ trẻ đến già cho một mục tiêu cao cả vì nước vì dân mà giờ đây đã thành hiện thực. Bác sỹ cảm động quay qua nói với mọi người:

- C’est un homme vraiment patriote et courageux! (Đó là người thật sự yêu nước và dũng cảm!)

Ông Tham lớn giọng trầm trồ:                

- Tuyệt diệu! Tuyệt vời! Vĩ đại! Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới cùng mang tinh thần với Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, với Bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Cách mạng Pháp! Mục tiêu của cuộc Cách mạng chân chính nào cũng giống nhau là giải phóng con người.

Ông giơ tay cả quyết:

- C’est un grand homme! (Đây là một vĩ nhân!)

Trên đường về, ông Tham, ông Phán gặp Phan Lê Tôn và Nghĩa đang trong hàng quân trở về doanh trại. Trang phục của họ thật gọn gàng, lạ mắt mà oai phong: đồng bộ kaki màu vàng nhạt, mũ ca lô, quần lửng, áo ngắn tay có cầu vai, giầy săng đá, súng ngắn bên hông. Đó là một trung đội Giải phóng quân, Đội Tôn là Trung đội trưởng, Nghĩa là Chính trị viên.

Tôn mừng rỡ lắm, nhắn vội:

- Mời các chú về nhà cháu đi… Có thầy cháu ở nhà!

Nhà ông Tuần trên đường Quan Thánh cũng gần đây thôi.

Người mở cổng cúi đầu lễ phép:

- Thưa… cụ con ở trong nhà!

Hai ông đi thẳng lên phòng khách. Cả nhà lớn bé bận đồ đẹp như ngày tết, đứng ngồi vui vẻ. Mâm cỗ thịnh soạn bầy trên bàn. Ông Tham giơ cả hai tay lên:

- Ô… Chúc mừng ngày độc lập của chúng ta!

Mọi người tươi cười đáp lễ rồi tản ra. Chỉ còn lại ông bà Tuần ở lại tiếp khách. Ông Phán Thanh vẫn lễ phép:

- Kính chào cụ Thượng!

Ông Tuần ngửa mặt lên trời cười khà khà:

- Hết thời rồi! Bây giờ là dân thật sự rồi! Quan nhất thời, dân vạn đại là đúng quá rồi!

Ông Tham vẫn bô bô:

- Bây giờ vuy hết là cụ Thượng! En hết là bà Tuần! Moa hết là ông Tham! Toa hết là ông Phán! Lúy hết là thằng (tay ông chỉ ra sân). Tất cả mọi người đều  bình đẳng. Nous somme citoyens, nous avons le droit de vote! (Chúng ta là công dân, chúng ta có quyền bầu cử).

Cả ba ông đều bật lên cười ha!… ha!… ha!… mấy tiếng. Bà Tuần buồn ra mặt, đi vào nhà trong không thấy ra nữa.

Trên nét mặt ông Tuần vẫn còn xúc động. Ông nói như với những người bạn tâm giao:           

- Kể ra đột ngột mất đi cái ghế vẫn ngồi bao lâu nay cũng thấy hụt  hẫng! Nhưng coi như đời mình cho qua! Con cháu mình từ nay không còn chịu cảnh cười ra nước mắt nữa. Coi như hết nhục! Tôi lắng nghe hết lời Ngưòi. Thật là một bản hùng văn. Nam quốc ca của danh tướng Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sỹ của Đại vương Trần Quốc Tuấn, Cáo Bình Ngô của danh thần Nguyễn Trãi và Tuyên ngôn độc lập hôm nay của Chủ tịch Hồ Chí Minh hào hùng dũng khí mỗi thời một vẻ.

Ông trầm ngâm suy nghĩ một hồi rồi nói ra nỗi khúc mắc sâu kín trong lòng: 

- Dù sao mấy đời nay cha ông từng ăn lộc của triều đình. Mình dù trong lòng có trách Hoàng thượng không xứng Đấng quân vương nhưng không thể vì thế mà ngay một lúc quên đi những ân sủng của triều đình…

Và nét mặt ông vui lên, đưa ra tờ báo:    

- Xem Chiếu thoái vị này, phận bầy tôi rất mừng là Hoàng thượng ta đã thức tỉnh rồi! Thế là vua tôi, quần thần, muôn dân cùng một ý, thật là hả dạ!

Ông Tham, ông Phán cùng chúi vào đọc chung tờ báo:

Tuyên cáo thoái vị của Vua Bảo Đại

Việt Nam Hoàng đế ban chiếu:

       Hạnh phúc của muôn dân

       Độc lập của Việt Nam

Muốn đạt đến mục đích ấy, Trẫm đã tuyên bố: Trẫm sẵn sàng hy sinh hết tất cả mọi phương diện và cũng vì phương diện ấy nên Trẫm muốn sự hy sinh của Trẫm phải có bổ ích cho Tổ quốc.

Xét thấy điều bổ ích cho Tổ quốc lúc này là sự đoàn kết toàn thể quốc dân, Trẫm đã tuyên bố ngày 22 tháng 8 vừa rồi rằng: Trong giờ nghiêm trọng này đoàn kết là sống, chia rẽ là chết!

Nay thấy nhiệt vọng dân chủ của quốc dân Bắc bộ lên quá cao, nếu Trẫm cứ ngồi yên mà đợi Quốc hội thì không thể nào tránh khỏi nạn Nam – Bắc phân tranh đã thống khổ cho quốc dân lại thuận tiện cho người lợi dụng.

Cho nên mặc dầu Trẫm hết sức đau đớn nghĩ đến công lao liệt thánh vào sinh ra tử trong gần bốn trăm năm để mở mang giang sơn đất nước từ Thuận Hoá tới Hà Tiên.

Mặc dù Trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm Vua trong hai mươi năm, mới gần gũi quốc dân được mấy tháng chưa làm gì được ích lợi cho quốc dân như lòng Trẫm muốn, Trẫm cũng quả quyết thoái vị để nhường quyền điều khiển quốc dân lại cho một Chính phủ dân chủ cộng hoà.

Trong khi trao quyền lại cho Chính phủ mới, Trẫm chỉ mong ước có ba điều này:

Điều thứ nhất: Đối với tông miếu và lăng tẩm của các liệt thánh, Chính phủ mới nên xử trí thế nào cho có sự thể.

Điều thứ hai: Đối với các đảng phái đã từng tranh đấu cho nền độc lập quốc gia nhưng không đi sát theo phong trào dân chúng, Trẫm mong Chính phủ mới sẽ lấy sự ôn hoà xử trí để những phần tử ấy có thể giúp vào việc kiến thiết quốc gia và tỏ rằng Chính phủ dân chủ cộng hoà nước ta đã xây đắp ở trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân.

Điều thứ ba: Đối với quốc dân, Trẫm khuyên hết cả các giai cấp, các đảng phái cho đến cả người Hoàng phái cũng vậy đều nên hợp nhất mà ủng hộ triệt để Chính phủ dân chủ, giữ vững nền độc lập của nước chứ đừng vì lòng quyến luyến Trẫm và Hoàng gia mà sinh chia rẽ.

Còn về phần Trẫm, sau hai mươi năm ngai vàng bệ ngọc đã biết bao ngậm đắng nuốt cay. Từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập chứ Trẫm nhất quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của Hoàng gia mà lung lạc quốc dân nữa.    

Việt Nam độc lập muôn năm!                  

Dân chủ Cộng hoà muôn năm!

                                   Khâm thử.                                                             Phụng ngự ký: Bảo Đại. 

              Ban chiếu tại lầu Kiến Trung

    ngày 18 tháng 7 năm Bảo Đại thứ hai mươi     

  – Nhằm ngày 25 tháng 8 năm 1945.

      

Ai cũng bùi ngùi và như cũng được an ủi nữa: Đến như Hoàng đế còn chẳng luyến tiếc gì ngai vàng bệ ngọc huống chi là ai nữa.                         

Ông Phán Thanh đứng lên vui mừng rõ trên nét mặt:

- Vậy là trong đời ta được chứng kiến sự chấm dứt vương quyền trải hàng ngàn năm của các triều đại vua chúa Việt Nam một cách thật ôn hoà!

- Sau ngày 19 tháng 8, một nhóm mấy ông: Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum, Hồ Hữu Tường thay mặt giới trí thức Bắc Hà gửi thỉnh nguyện thư  tới  Hoàng đế Nam triều đề nghị quân vương thoái vị. Vậy là Vua Bảo Đại đã thoát được số phận bi đát của Vua Louis XVI trong Cách mạng Pháp năm 1789 và của Sa hoàng Nicolai II trong Cách mạng Nga đỏ năm 1917! –  Ông Tham hân hoan và vung tay lên:

- Bravo la Révolution! (Hoan hô Cách mạng!)

- A bas les colonialites! (Đả đảo lũ thực dân!)

Ông Tuần lẳng lặng thắp nén nhang và đứng trước bàn thờ cúi đầu kính cẩn rất lâu. Ông trở lại với người anh em, nét mặt còn đầy cảm xúc:

- Niềm vui này lớn qúa! Con người từng trải cẩn trọng sắt gang như bậc đại chí sỹ họ Huỳnh cũng đã reo lên: «Sướng ơi là sướng! Thoát thân nô mà làm chủ nhân ông / Vui thật là vui! Đổi quyền vua làm dân quốc mới». Lòng tôi chạnh nhớ người thầy khai tâm là Cụ Ôn Như Lương Văn Can. Quê Cụ ở làng Nhị Khê, Thường Tín gần ta đây. Năm 21 tuổi Cụ thi Hương, đậu Cử nhân. Năm sau thi Hội thì không cập đệ. Cụ không ra làm quan mà ở nhà dậy học. Học trò đông lắm. Năm 1907, Cụ cùng với các cụ Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Đào Nguyên Phổ, Đặng Kinh Phong, Hoàng Tăng Bí và ông chú của tôi là Phan Tuấn Phong…

Ông dừng lại trầm tư nhớ về một quá khứ xa xăm:

- Ông Phan đây cũng người Đông Ngạc, Từ Liêm ta, là hậu duệ của Cụ Phan Phù Tiên – từng đậu hai bằng Tiến sỹ thời Trần và thời Lê. Ông là anh em với Luật sư Phan Văn Trường nổi danh trong giới người Việt ở Ba lê – từng giúp đỡ ông Nguyễn Ái Quốc rất nhiều khi ông còn là một thanh niên yêu nước mới chân ướt chân ráo tới kinh đô nước Pháp. Các cụ hợp nhau mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại tư gia cụ Lương ở số 4 phố Hàng Đào. Các cụ dậy học trò bài trừ hủ tục và khơi dậy lòng yêu nước. Danh tiếng Trường vang lừng khắp xứ. Nhiều người lắm chữ nghĩa rồi mà vẫn tìm đến xin thụ giáo. Chỉ hơn nửa năm trời mà nhà đương cục Pháp đã thấy là bất lợi bắt dẹp bỏ ngay, coi đó như cái lò phiến loạn, bắt các Cụ lưu đầy. Ông chú tôi bị đưa qua Tân Calédonie, chắc đã để nắm xương tàn ở đó! Gần hai chục năm bị giam ngoài Côn Đảo rồi đưa về an trí ở Nam Vang, cụ Lương mới được hồi cố hương và Cụ lại ngồi nhà dậy học. Cụ là người khí phách, khảng khái, cương trực lại trầm tĩnh và hoà nhã, đúng phong độ một vị tôn sư. Cụ dậy học trò luôn lấy chữ Liêm - Sỉ làm trọng. Trong một buổi bình về luân lý - nghĩa khí, Cụ kể lại vụ Hà thành đầu độc thất bại, tây nó mang ra chém bêu đầu chín người ở Bãi Gáo, có đủ cả các ông Cai, ông Đội, ông Đồ, bà Đồng, bà Nhiêu, anh Bếp… Trước khi chết có người còn dặn lại: “Bao giờ nước nhà độc lập thì nhớ đến chúng tôi nhé!”.

Ông Tuần nước mắt chứa chan vẫn nghẹn ngào kể tiếp:

- Trước các môn sinh, Cụ cảm khái quăng đi chén rượu và gục đầu xuống bàn khóc nấc lên. Nhiều lúc bên tai tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng nấc nghẹn ngào đau đớn cùng với hình dáng của người thầy gầy gò, râu tóc bạc phơ, cả đời đăm đuối đeo nặng nỗi đau thời thế. Cụ mất ngày 13 tháng 6 năm 1927. Nhà cầm quyền Pháp không muốn để xẩy ra sự cố như đám tang cụ Phan Tây Hồ năm trước nên phao lên rằng cụ bị bệnh thời khí mà chết, bắt gia dình phải tống táng cụ ngay trong ngày tại nghĩa địa thí gần nhà thương Cống Vọng, không cho đưa linh cữu cụ về an táng tại quê nhà!

Ông ngước nhìn lên bàn thờ… thở dài nuối tiếc:

- Thế mà người ta không quản ngại gì, sỹ phu, học trò, dân chúng… hàng ngàn người vẫn đến đưa tiễn Cụ với lòng ngưỡng vọng bậc chí sỹ kiên trung… 

Ông hướng qua cửa sổ, nhìn xa xăm như dõi theo hình bóng nào:                   

- Các con của Cụ đều nối chí cha… như ông Đội Lương Ngọc Quyến một lòng tử tiết!

Ông quay lại nhìn các em:

- Cụ qua đời để lại cho hậu thế sáu chữ như một di ngôn: Bảo quốc tuý – Tuyết quốc sỷ!  

Ông phấn chấn lên:

- Bây giờ Cụ Hồ rửa được cho ta cái nhục mất nước. Anh em con cháu ta phải bảo nhau giữ trường tồn cái tinh hoa của dòng giống Lạc Hồng mình!    

Nước sông Hồng dâng cao mênh mông không ngừng báo động. Dòng nước đỏ quánh nặng phù sa lừng lững cuộn trôi ra phía cuối trời. Những trận mưa xối xả ào ào rát mặt. Cái đói triền miên dai dẳng làm cho cái rét thấu buốt tới xương.

Những ngày tạnh ráo, trời hửng ấm lên, từng đoàn người lại kéo nhau ra bờ sông, lên cầu Long Biên xem nước. Lòng người thật khó tả. Bao nhiêu nỗi mừng vui khấp khởi cùng ngổn ngang những rối rắm, lo toan. Những nơi này xưa nay ít người dám tới vì người sợ người mà  thành hoang vắng. Hoang vắng mãi càng thêm hoang vắng nên càng ghê sợ. Mọi bất trắc đều có thể xẩy ra với bất cứ ai.

Nhưng bây giờ người ta cảm thấy chồn chân vì bao lâu bị bó gối nên cuồng cẳng. Ai cũng có cảm giác như người mình bỗng tự nhiên nhẹ hẫng, đôi chân muốn nhẩy tưng lên, thèm được như chân sáo chạy nhẩy trên khắp các nẻo phố đường quê, trên những con đường mòn bờ sông bãi mía, trên những con đường cái quan thênh thang tít tắp cho thoả cảnh bị tù túng bấy nay.

Khi nhìn dòng sông cuồn cuộn chẩy với những xoáy nước to nhỏ xoay tít, dập dềnh những thân cây, xác vật, xác người lẫn với bao nhiêu rác rưởi, lòng người trào lên những lo lắng hoang mang.

Những cơn chớp biển mưa nguồn từ phía chân trời mù mờ ảm đạm cứ làm cho nước trên các triền sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Thương… không ngừng dâng lên như giặc Thủy Tinh.

Tức nước vỡ bờ. Hàng trăm đoạn đê xung yếu cả hai bên bờ tả hữu sông Hồng không chịu nổi cơn lũ tràn sạt lở. Nước ngập trắng ruộng đồng của tám tỉnh đồng bằng Bắc bộ: Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình. Các xóm quê càng thêm xơ xác, đìu hiu.

Cái đói vẫn chưa dứt nhưng người ta không còn muốn lang thang vật vờ để chết bỏ xác nơi xứ lạ quê người vì họ cảm thấy chốn quê nhà dù nghèo nhưng vẫn là của họ, không còn sự trà đạp ức hiếp, cướp cạn, cướp ngày của đủ loại hung thần: lưu manh, quan lại, ác bá cường hào, giặc giã da trắng da vàng…

Người ta lục tục kéo về quê quán. Họ tìm lại cái cầy, cái bừa, cái cuốc, con dao… săm soi trên mảnh đất hoang hóa vì thiên tai địch họa bấy nay. Chính phủ mới kêu gọi phải coi cái đói cũng như là giặc. Cái đói, cái rét có cữ có kỳ chứ không như cái họa ngoại xâm. Thoát được cái địch họa truyền kiếp này rồi, cái họa thiên tai qua đi mấy hồi. Đất đấy, từ nó sẽ sinh ra củ, hạt nuôi sống lại người. Trong cái rủi tìm ra cái may: cơn lũ qua rồi, nước đồng rút xuống sẽ là tôm cá, là lớp phù sa bồi lên vườn ruộng, sẽ là tấc đất tấc vàng. Ráng lên ít ngày thôi. Tương lai gần, tương lai xa ngời lên trước mắt.

Người ta cắn răng chịu đói, chịu rét, nghe theo lời Cụ Hồ lao vào tăng gia sản xuất. Trước mắt là trồng hoa mầu ngắn hạn: ngô, khoai, sắn, rau củ… Cụ Hồ còn kêu gọi những ai có ăn thì nhường sẻ cho đồng bào bằng cách cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, bỏ vào “hũ gạo đồng tâm” và Cụ làm gương.

Ông Tham, ông Phán không còn làm chung một sở.

Ông Tham làm ở Văn phòng Toà thị chính. Ông Phán làm công việc Thông tin tuyên truyền dươí quyền của bác Trịnh Huy.                         

Quốc khố khánh kiệt! Trong kho bạc chỉ còn vẻn vẹn hơn một triệu PIASTRE mà có tới phân nửa là tiền vụn rách thu hồi! Chính phủ kêu gọi công nhân viên chức tích cực tự túc, tăng gia. Ai có khả năng tự nguyện đi làm không hưởng lương. Những người hoạt động chuyên nghiệp chỉ được nhận phần cấp phát sít sao.

Ông Tham gia đình sung túc thì trường sức được.

Ông Phán phải xoay xoả khai thác thêm ở ruộng vườn. Không còn những chiều thứ bẩy và ngày chủ nhật ngao du mua sắm hoặc là dẫn vợ con đi xem cinéma, xem hát hoặc là đi ăn tiệm ở khu Hng Buồm, Sầm Công nữa. Đành rằng cái đói thì chưa đến mình nhưng lâu dài sẽ ra sao? Ông cũng lo nhưng lại quên đi trong công việc bộn bề và có lúc vẫn thấy vui.

Nhưng cái sự lo thiết yếu trong nhà đè lên vai bà Phán thì nặng quá! Hàng họ ngày càng ế ẩm vì có ai còn lòng nào mà sắm sanh sắm sửa chưng diện lúc này. Lúc may bán được món nào lại lo nguồn hàng về từ Paris, Thượng Hải, Bom Bay… ách tắc, có ai giao lưu buôn bán với mình đâu! Người bà gầy rộc đi, mắt trõm lại. Bà ít nói, ít cười!

Nghe tin bà Tham mệt, ông bà Phán đến nhà thăm.

Những chiếc xe tuyên truyền cổ động chạy khắp các phố phường, vang lên những bài ca mới kích động lòng người, phấp phới cờ bay, đỏ rực khẩu hiệu: Đồng bào Thủ đô tích cực hưởng ứng Tuần lễ Vàng–Tuần lễ Bạc–Tuần lễ Đồng! Tiếng loa kêu gọi thiết tha:

- Đất nước ta mới giành được độc lập. Giặc Pháp, giặc Nhật vơ vét sạch cả tài nguyên, ngân khố! Trước mắt Chính phủ phải giải quyết bao nhiêu công việc lớn lao: Cứu đói! Phục hồi giao thông! Kiến thiết xã hội mới! Đặc biệt là phải xây dựng quốc phòng, mua sắm súng đạn, nuôi quân… Có thế mới bảo vệ được nền độc lập mà nhân dân ta tốn bao xương máu của nhiều thế hệ mới giành lại được. Bà con người có của góp của, người có sức góp công để nước nhà vượt qua khúc gian nan này. Vạn sự khởi đầu nan, qua được bước thử thách này chẳng mấy nỗi mà nhân dân ta sánh vai ngang bằng các nước năm châu!

Bà Phán đưa tay lần lần lên cổ, cảm thấy bâng khuâng.

Bà Tham vừa mắc bệnh tim vừa mang bệnh tiểu đường, toàn những bệnh của con nhà giầu chứ người nghèo vướng vào chắc chết từ lâu. Bà xuất thân gia đình quí phái đất thần kinh. Ông nội bà là quan Thượng thư đầu triều danh tiếng một thời, đạo gốc. Cha bà là Kỹ sư công chánh tây học. Mẹ bà dòng dõi Công tằng tôn nữ. Bà theo cha mẹ ra Thủ đô từ nhỏ và cùng học một trường Nữ Tiểu học với bà Phán nhiều năm.       

Hai bà tâm sự với nhau. Hai ông lại cuốn hút vào những chuyện thời sự sôi động hàng ngày: 

- Thằng De Gaulle này bảo hoàng hơn cả nhà vua. Y là người hùng giải phóng nước Pháp nhưng nó lại vung lưỡi gươm Damoclette lên đầu những dân thuộc địa. Bọn thực dân kẻ cứơp lại a tòng hùa nhau đè bẹp các dân tôc nhược tiểu này!

Mặt ông Tham đỏ gay, tay ông chém ngang chém dọc vừa đi vừa nói bô bô, uất ức:

- Ngày 24 tháng 8, thằng Đại tá Cédille – Ủy viêncộng hoà Pháp nhẩy dù xuống Tây Ninh. Bọn Nhật rước ngay về Sài Gòn! Ngày 02 tháng 9, hơn nửa triệu người Sài Gòn họp mít tinh ở Quảng trường Nhà Thờ Đức Bà hướng về Thủ đô cùng chào mừng Ngày Độc lập thì hắn bày trò khiêu khích. Chúng liên hệ với đám tiền trạm quân Anh và bọn lính Pháp hiếu chiến xả súng bắn vào đám đông. Hàng chục người chết trong đó có cả các cháu thiếu nhi! Trần Văn Giầu, Phạm Ngọc Thạch hút chết! May mà không có tên lính Anh nào chết để chúng vin cớ Chính quyền ta chống lại Đồng minh. Ngày 12 tháng 9, Tướng Gracey chỉ huy một Trung đoàn quân Gourxas (Anh-Ấn) có khoảng 2.500 binh lính đến Sài Gòn với danh nghĩa để giải giới quân Nhật nhưng chúng lại làm bình phong và tiếp tay cho quân đội Pháp bung rộng ra chiếm đóng nhiều nơi. Chúng thả mười bẩy ngàn kiều dân và binh lính Pháp bị giam giữ trong các nhà tù của Nhật trong số đó có cả Toàn quyền Decoux, Thống đốc Nam kỳ Hoeffel, Tướng Tư lệnh Mordant… và lấy súng tước của Nhật trang bị cho quân Pháp. Chúng ỷ thế lấn lướt chiếm đóng lại Dinh Toàn quyền, Dinh Thống đốc Nam kỳ cũ đang là trụ sở của chính quyền ta. Chúng ép ta phải trao lại cho Đồng minh toàn bộ các bến cảng thương mãi và quân sự, xưởng sửa chữa tầu biển Ba Son và kho bom đạn lớn nhất Đông Dương là Sở Pyrotechnique…

Ông Phán nói thêm vào:

- Sở Thông tin mới nhận được tin từ miền Trung: Ngày 29 tháng 8, ở Hiền sỹ cách Huế về phía Bắc chừng 20kilômét, gần ga xe lửa, ta bắt được một toán sáu tên sỹ quan Pháp nhảy dù xuống, trong cặp tài liệu thấy có một công vụ lệnh của De Gaulle: “Quan tư Castella có nhiệm vụ bắt liên lạc với Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh, các lực lượng Pháp hải ngoại (FFE) và nội địa (FFI) để tổ chức lại các công sở và thành lập chính quyền thuộc địa ở Trung Việt Nam”. Lực lượng khởi nghĩa bắt kịp thời!

Ông Tham tức sùi bọt mép:

- Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, bọn chúng đang gom nhặt bọn trí thức,  quan lại hoạt đầu phản quốc để chuẩn bị thành lập một Chính phủ bù nhìn bán nước. Chính Cédille đã đánh tiếng rằng: Việt minh không đại diện cho nhân dân Việt Nam và do đó Pháp sẽ thành lập một chính phủ phù hợp với tinh thần bản Tuyên bố ngày 24 tháng 3 năm 1945 của tướng De Gaulle!

Ông dừng lại thở dốc một hồi, lại càng phẫn uất:                             

- Được đằng chân lân đằng đầu, chúng đòi ta phải giao lại các Bót cảnh sát trong thành phố, lại đòi ta phải rút hết các lực lượng vũ trang ra khỏi Sài Gòn. Rồi chúng ra lệnh thiết quân luật để chúng tự do hoành hành thao túng. Thực sự là lực lượng ta ở Sài Gòn không phải chỉ đương đầu với hàng chục ngàn binh lính Pháp mà chúng còn có sự tiếp sức của hàng ngàn binh lính Anh-Ấn cùng với các hàng binh Nhật. Ngày 22 tháng 9 chúng bày mưu mở tiệc mời các vị đứng đầu Ủy ban hành chính Nam Bộ tới dự như lừa dụ trẻ con để thừa dịp ấy chúng nhốt luôn vào một giọ. Nhưng anh em ta không lạ gì cái trò Hồng môn hội yến cổ xưa ấy. Và thế là bọn Pháp giở mặt nổ súng công khai đánh chiếm các cơ quan, trụ sở của ta trong thành phố Sài Gòn!

Ông Tham ngưng lại như để nuốt đi những nỗi uất ức đang trào dâng. Ông Phán không kìm được nữa:

- Cả Nam Bộ đã đứng lên kháng chiến với tinh thần “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”! Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, khắp Sài Gòn tràn ngập truyền đơn, khẩu hiệu: “Chừng nào Sài Gòn hóa ra tro tàn quân Pháp mới chiếm được Sài Gòn! Chừng nào Nam Bộ biến thành sa mạc quân Pháp mới chiếm được Nam Bộ”! Cả nước đều hướng về Nam Bộ và gửi vào những đoàn quân Nam tiến.

Vừa lúc ấy còi Nhà Hát Lớn thành phố rú lên. Từ ngày có chiến sự ở miền Nam, hàng ngày cứ tầm 10 giờ cả thành phố lắng nghe hồi còi ấy để nhớ tới miền Nam như sự nhắc nhở mỗi người hãy đề phòng!

Ông Tham mở máy radio, lời ca hùng dũng khí phách của đoàn quân trên nền nhạc trầm hùng:

Mùa thu rồi… ngày hai ba / Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến / Lòng ngút trời… cùng hô vang / Bao quân Nam tiến ra trận tiền / Nóp với giáo mang trên vai mà người người giầu lòng vì nước…

Không khí trong nhà trầm lắng xuống…

Hai bà nghe chồng bàn bạc lộ rõ vẻ lo âu. Bà Phán ngập ngừng hỏi:

- Đất nước mình gieo neo như vậy liệu có chống lại được bầy quỷ dữ đó không?       

Tay bà làm dấu thánh, miệng bà thì thầm:

- A men! Lậy Chúa tôi! Xin Người ban cho sự bằng an!

Bà Tham làm dấu thánh theo bạn. Ông Tham hăng hái lên:                             

- Muốn có bằng an cho đất nước này bây giờ mỗi người hãy tự hỏi: Mình có muốn chịu nhục nữa không?

Ông Phán từ tốn nói:

- Thật may cho dân mình là có Cụ Hồ! Cụ đã vời được Cựu Hoàng Bảo Đại ra đây làm Cố vấn tối cao cho Chính phủ rồi!

Ông Tham nghi ngại:

- Liệu mấy ông vua quan và mấy anh thày tu có ở chung được với cộng sản lâu không?

- Cụ Huỳnh cũng không ưa cộng sản mà xem ra cụ hợp tác với Cụ Hồ tâm đắc lắm! Cụ là nhà chí sỹ nổi tiếng trong Nhóm tam hùng của đất Quảng Nam, từng vào tù ra khám vì dám cổ vũ đồng bào cự sưu – kháng thuế, là bạn tâm giao với cụ Sào Nam, là nhà báo cương trực tiếng tăm. Lung lạc cụ đâu có dễ!

Ông Tham không muốn tranh luận nữa:

- Cụ Hồ là nhà hoạt động quốc tế uy tín và từng trải, là nhà yêu nước chân chính, nhiệt thành và mưu trí.

Bà Tham tươi lên và hoạt bát hơn mỗi khi có ai nói điều hay điều tốt tới triều đình, hoàng tộc và đạo Chúa. Bà luôn tự hào hãnh diện vì trong bà là sự pha trộn những tinh hoa của giới thượng lưu: học thức, quan quyền, hoàng phái và chiên ngoan của Chúa. Bao lâu nay nghe những lời thị phi bởi những việc làm tai tiếng của những người trong hoàng gia hoặc có phẩm trật trong giáo hội cứ làm lòng bà nhoi nhói. Bây giờ hoà trong niềm vui, nỗi lo với chồng với bạn với cả bao nhiêu người chung quanh bởi tiếng đồng bào làm lòng bà náo nức xôn xao. Bà tiếc là mình không còn sức để cùng chen vai góp với mọi người. Bà nói to cho mọi người cùng nghe cũng là khoe với người bạn gái:

- Ôn mệ tôi có đến thăm Ngài! Ngài khỏe mạnh, vui vẻ lắm! Tuy nhiên Ngài có hơi buồn…

Ông Tham trái ngược hẳn với tính nết của vợ. Ông phóng khoáng tự do và bộc trực. Ông không tin vào những chuyện thần linh ma quỷ. Ông không sùng bái một ai, không tôn thờ một niềm tin nào mê hoặc. Ông thích lời của Nietzche: “Thượng đế chết rồi!” và “Tôi chính là vận mệnh!”. Ông đả phá thẳng thừng những gì không hợp ý ông. Ông quyết liệt với những gì ông tin nhưng ông cũng dễ dàng phục thiện một khi ông nhận ra nó là sai. Sự việc hai ông bà thành đôi cũng lạ mà nghĩ cho cùng thì nó cũng là duyên phận.

Một cô gái đài các như bà, bao nhiêu nơi gia thế giầu có, địa vị cao sang nhưng bà không ưng mà anh thanh niên học thức ngang tàng này lại làm bà điêu đứng! Về gia thế thì cũng tương xứng nhưng trắc trở là hai bên khác đạo. Gia đình ông Tham sùng kính đạo Phật lắm. Cũng may là cha mẹ bà từng qua học bên Tây nên cái màu đạo nó cũng nhạt đi và cả hai gia đình đều tân tiến nên cũng dễ chấp nhận cho hai người tự do luyến ái nhưng ai theo đạo nấy. Khó xử nhất là khi làm lễ thành hôn, ông không chịu đi nhà thờ làm lễ hôn phối. Ông phản bác những lời dụ dỗ kiểu dĩ hòa vi quí của cả hai bên: Chúng tôi yêu nhau vì tình chứ không vì đạo! Chúa sinh ra muôn loài. Trên thế gian này ai cũng là con của Chúa. Với đứa con ương ngạnh Chúa vẫn rộng lòng chờ. Chúa biết rõ kẻ dối trước Người! Chúa ở trên Trời. Chúa là cha của chúng con. Chúa không nghĩ và không làm như chúng con – những người trần thế!

Đương nhiên ông cũng không yêu cầu vợ phải lễ gia tiên theo phong tục cổ truyền. Ông giải thích cho gia đình mình: Hiếu đạo chủ yếu tự trong lòng mỗi người. Đừng bắt con ép người khác làm cái việc mà người ta không muốn! Nếu vì sức ép mà người ta phải làm là mình nhắm mắt tự nhận sự dối lòng của người rồi sau chuốc họa!

Bà sinh với ông năm mặt con nhưng ông không chịu cho vợ đem con đến nhà thờ chịu lễ rửa tội. Ông bảo vợ: Chờ cho các con tới 18 tuổi thành nhân, chúng ta sẽ cho chúng tự  quyền lựa chọn. Không ai được phép chọn niềm tin cho người khác! Cưỡng chế nó thì rồi hoặc là nó sẽ oán hận mình hoặc là nó sẽ tung hê đi. Chính mình là người mang tội!

Ông Tham rất xứng đáng là một người chồng nhưng suốt đời bà vẫn mang mặc cảm với mối tình thời con gái đó. Nhiều bà con thân tộc, bạn bè chê trách bà bỏ đạo theo chồng. Bà vẫn đi lễ nhà thờ đều đặn nhưng thường là bà đi một mình. Bà cũng không dám nhìn thẳng vào Đức Mẹ trinh nguyên, Đức Chúa cứu thế và cả vị Cha dẫn dắt phần hồn đang giảng Kinh sáng của Người – Bà không dám tới gần nơi mình Thánh! Bà luôn lo cho con mình thêm gánh nặng cái tội tổ tông!

Mãi tới ngày vua Bảo Đại thành hôn với cô con gái Nam Bộ có đạo, nhà giàu Nguyễn Hữu Thị Lan, được Toà thánh Vatican chấp thuận cho hai người thành vợ chồng mà mỗi người vẫn giữ riêng tôn giáo của mình và đặc biệt cho phép cô dâu được thắp hương lễ bái tổ tiên cha mẹ nhà chồng nhưng các con khi sinh ra phải được rửa tội theo luật của giáo hội và giữ đạo! Ông Tham cười bảo vợ: Chả lẽ Chúa nhân từ rủ lòng thương đến những đứa con lạc loài của Người mà cũng phân biệt kẻ nghèo hèn dân dã với quan quyền vua chúa?! Ông cười mỉa: Rồi đến lúc Thái tử có đạo lên ngôi thì cả dân tộc này sẽ bỏ Đời theo Đạo cả thôi! Và ông kết luận: Thế mới hay cái thần quyền còn sâu xa khắc nghiệt và ràng buộc người ta nhiều hơn cả cái thế quyền! Cũng là con người đấy nhưng ai núp được bóng thánh nhân, sức mạnh của họ sẽ tăng lên nhiều lắm, dù làm điều ác vẫn được chở che ban phước!

Từ đó lòng bà mới nhẹ đi phần nào vì có người san sẻ.

Xưa nay ông coi vua quan triều đình và lũ người có học hiếu danh chẳng là cái gì. Ông gọi họ là lũ người hữu danh vô thực. Bây giờ nghe vợ nhắc đến vị vua vô duyên ấy ông gạt phắt đi:

- Ô, trong lúc mọi người đang như đứng trên lửa như ngồi trên đinh thế này mà lại buồn vì nỗi không được ăn chơi trác táng nữa là đồ bỏ đi!

Bà Tham chưa chịu:

- Ngày 17 tháng 9 khai mạc Tuần lễ vàng. Ở Huế, Bà Nam Phương cổ đeo kiềng vàng, tai đeo bông vàng, hai cổ tay lại đeo hai đôi xuyến vàng, mười ngón tay đeo đủ mười chiếc nhẫn vàng lóng lánh. Lúc đầu ai cũng ngạc nhiên nhưng đến khi Ngài gỡ bỏ ra tất cả để lại trên bàn hiến vào quỹ xây dựng đất nước chống giặc ngoại xâm thì mọi người mới hiểu được lòng Ngài!

- Và bà đã bắt chước hoàng tộc nhà bà rồi bà ngã bệnh… Khổ tôi! – Ông Tham cười trêu vợ.

Trên đường về ông Phán an ủi vợ:

- Sự đóng góp của mình thấm vào đâu? Nhà Lợi Quyền phố Hàng Ngang, Nhà Trịnh Văn Bô phố Hàng Đào, Nhà Đỗ Đình Thiện phố Hàng Gai, nhà Thuỷ tinh Thanh Đức Trịnh văn Kính… góp hàng trăm lạng vàng! Khí thế dân mình quyết tâm cao lắm…

Ông hiểu vợ ông còn băn khoăn lắm về khoản quyên góp vừa rồi trong đó bà có bị động nể chồng. Bà buồn rầu đáp:    

- Mình kiến sao dám bì với voi! Riêng chị Tham có cửa hàng vàng ở phố Hàng  Bạc, có cửa hàng vải ở phố Hàng Đào. Sạp hàng của mình chưa bằng một góc nhỏ của người ta! 

Bà quay đi, mắt bà chớp chớp…

Ông Phán Thanh làm cán bộ tuyên truyền. Công việc của ông là phải nói cho dân chúng biết đất nước mình những ngày này đang diễn ra một cuộc đổi đời: Từ kẻ vong quốc nô trở thành chủ nhân một nước độc lập tự do. Diễn ra cái vế trên thì dễ rồi, từ vua quan đến dân dã ai cũng có thể liên hệ đủ điều. Nhưng thuyết phục người ta đồng cảm với vế thứ hai để mà hướng tới tương lai thì khó quá. Nói mãi một điều thì cũng nhàm mà nói như cuội cung trăng thì không hợp với bản tính của ông. Bác Trịnh bảo:

- Chúng ta tuy giành được chính quyền nhưng đất nước đầy biến động. Cứ vạch ra những âm mưu thâm độc cùng những hành động tàn ác của địch và những khó khăn của ta cho đồng bào nghe, đồng bào sẽ hiểu ra, ủng hộ chúng ta gỡ rối từng bước một. Cuộc cách mạng của chúng ta như dòng thác lũ, hiện nó đang trong vòng xoáy chưa thoát ra chỗ bình lặng được đâu.

Ông Phán nghĩ: Đúng là từ Nam ra Bắc hàng ngày bao nhiêu là chuyện máu chẩy đầu rơi, tiếng binh đao vũ khí loẻng xoẻng đùng đoành. Ông cũng ở trong vòng xoáy ấy. Ông cũng đem hết tâm lực mình ra. Cả ông Tham Phú xưa nay ông từng nể trọng, khi ông đã nặng lòng với Mặt trận Việt minh rồi thì bác ấy vẫn còn hờ hững vậy mà bây giờ bác ấy cũng bị cuốn hút vào.

Thế nhưng trong gia đình ông không còn sự phẳng lặng như ngày xưa nữa. Bà Phán suốt ngày âu lo buồn phiền nhiều mặt. Hàng họ ngày một teo tóp dần đi mà cứ nay quyên mai góp: Quĩ chống đói! Quĩ quốc phòng! Quĩ Nam bộ kháng chiến! Quĩ Độc lập!… Chuyện nào cũng tày đình cả, không lảng ra được. Ông Phán làm việc nước bận tíu tít hơn lại không có đồng lương nào. Cái công tăng gia sản xuất của ông được mấy mớ rau, củ thì bõ bèn gì. Cha bà theo giáo hội, không mặn mà gì với chính quyền mới này, họ bảo bà đừng cho chồng theo đám vô thần! Ông Phán biết rằng cái gánh nặng gia đình cứ ngày càng đè nặng trên vai vợ mà ông thì bất lực.                                         

Ba đứa con đã ngủ cả rồi. Hai ông bà vẫn còn ở nhà ngoài loay hoay mỗi người một việc. Bây giờ bà nhận cả đồ may. Bà khéo tay lắm, việc nữ công gia chánh bà thạo từ thời còn con gái. Ông cắm cúi trên bàn máy chữ. Từ trong nhà vang ra những tiếng học bài của thằng Nhỏ và con Nhài. Thằng Nhỏ đọc làu làu, chắc là nó trổ oai với con Nhài và cũng có thể nó cố tình báo cho cậu mợ chủ biết rằng nó cũng là người có chữ nghĩa rồi đây. Nó đọc oang oang, ngoài nhà này nghe rõ mồn một:

Tổ quốc Việt – Nam ta:

Biển mênh mông trước mặt

       Rừng bát ngát sau nhà

       Ruộng đồng đầy phù sa…

       Rừng cho tiền như… lá

       Bạc dát trắng… biển xa

Phù sa là… vàng đó

       Dân Việt ta cần cù…

       Mà sao người vẫn khổ:

       Nhọc nhằn… ăn chẳng đủ

       Tuổi thơ không học hành

       Cuộc đời buồn tăm tối

Bởi phát xít sài lang

       Bởi thực dân hung tàn

       Vua quan: loài bán nước

       Bọn chủ: giàu tham lam

       Giờ ta có Cụ Hồ

       Chỉ con đường tranh đấu

       Xông pha ngoài mặt trận                 

       Có Việt minh dẫn đầu

       Việt Nam độc lập rồi!

       Dựng xây nền dân chủ.

Đời sung sướng tự do.

       Rực trời bay… cờ đỏ!

Bà Phán dừng tay, quay lại hỏi chồng:

- Ông có nghe chúng nó công nhiên chửi mình không?

- Mợ nó cứ nghĩ vẩn vơ! Đấy là bài học chung cho các lớp Bình dân học vụ. Mà mình đâu có phải là ông chủ. Suy cho cùng thì mình cũng làm tôi mọi cho người thôi!

Bà thở dài đến ngồi bên chồng:     

- Bài học vỡ lòng, người ta nói sao thì nó nghe vậy thôi! Tôi cảm thấy bất an mình ạ! Nhưng thôi, bây giờ tính chuyện trước mắt nhà mình đi.

Bà giơ tay bấm đốt tính với chồng:

- Tất cả là bẩy miệng ăn, chưa kể chu cấp trong nhà! Việc làm ăn buôn bán ngày càng khó hơn. Hai đứa lớn cũng đỡ rồi. Chỉ còn thằng bé con thôi. Mỗi người chịu khó thêm một chút. Ta giảm bớt một người đi!

- Mợ nó tính cho đứa nào nghỉ việc? Chúng nó tứ cố vô thân, chả lẽ mình đẩy chúng ra đường?

- Mình cứ hay thương người. Mình có thương tôi đâu!

Hai mi bà chớp chớp và những giọt lệ rơi xuống:

- Bây giờ chúng nó mười tám đôi mươi cả rồi! Con trai, con gái hơ hớ… Tối rủ nhau đi học ở đâu, ai biết được! Về nhà lại chụm đầu vào nhau to nhỏ, có lúc còn nắm tay nắn chữ cho nhau. Công việc nhà chểnh mảng mà mình nói ra lại mang tiếng nhà chủ ăn hiếp đầy tớ con đòi! Coi chừng đến lúc mình lâm vào thế còn khó xử hơn. Con cái mình nhỏ thì tôi gắng thêm. Tôi chỉ sợ mình không chịu nổi vất vả thôi!

Ông cũng thấy điều này nan giải, thôi đành:

- Việc đó tuỳ mình!

Từ ngày thành gia thất rồi có con, người bận việc công sở, người bận việc bán buôn thì phải có người giúp việc ở nhà. Nuôi người lớn giúp việc cũng lắm chuyện phiền hà: có điều chi không vừa ý mình lỡ nói ra lời nặng nhẹ trong khi chủ thì còn trẻ làm sao tránh được những điều thêu dệt.

Ngày Nhật đánh vào Lạng Sơn, người ta chạy dồn từ Bắc về xuôi. Từ một chuyến tầu đỗ ở ga Hàng Cỏ, đủ các hạng người nhốn nháo ào ra. Có người được thân nhân đến đón. Nhiều người lại hối hả tiếp tục cuộc hành trình. Có người ngẩn ngơ thơ thẩn không biết đi đâu. Vợ lạc chồng! Cha lạc con! Mẹ tìm con! Con tìm mẹ!...

Một thằng bé choắt cheo mếu máo thất thần cứ đứng y nguyên một chỗ. Cũng không ai thèm để ý tới nó nữa. Ông Phán tình cờ đi qua, dừng lại xem, thăm hỏi tình hình loạn lạc. Cũng không ai hơi sức đâu trả lời ông cho rõ ngọn ngành:

- Nhật nó đánh loạn xạ! Thị xã Lạng Sơn, cầu Kỳ Lừa ngổn ngang người chết! Nhà cửa tan hoang! Quan lính Pháp bị quân lính Nhật chém xả thân, phanh thây giữa đường giữa chợ…

Nhìn thằng bé loắt choắt cứ đứng bơ vơ trơ trọi từ nẫy tới giờ, miệng nó bật ra những tiếng i ỉ tỉ ti không ra rên mà cũng không ra khóc. Ông Phán thương hại đến vỗ về nó:

- Cha mẹ cháu đâu?

Nó lắc đầu.

- Cháu chạy về đây với ai?

Đang i ỉ nó bật khóc rống lên.

- Quê cháu ở đâu?

Nó càng nấc lên nghẹn ngào.

Bây giờ cháu định đi đâu?

Nó càng gào to hơn tức tưởi.

Ông Phán không đành lòng bỏ đi được nữa. Ông tặc lưỡi bảo nó ngồi lên phía sau xe, chở nó về nhà.

Để cho nó hoàn hồn lại sức, cả nhà tỉ tê dò la tông tích nó. Thì ra nó vô gia cư, đi ở cho người ta. Nó cũng không biết gốc gác cha mẹ ở đâu, vì sao lại đi ở cho người trên đó. Nó không biết tuổi, chỉ biết ai cũng gọi nó là thằng Nhỏ thì nó nghĩ rằng đó là tên của nó. Nó chạy vặt cho một người bán hàng ăn ở quán chợ và cũng không nhớ là đã được bao lâu. Vào buổi sáng lúc chợ đang đông thì súng lớn súng nhỏ ầm ầm. Một trái đạn rớt trúng quán ăn của chủ, lửa cháy phừng phừng. Nó đang ra giếng múc nước, cứ thế cắm đầu mà chạy. Mấy ngày vất vưởng lang thang trong cảnh côi cút loạn lạc, nhặt nhạnh hoặc ai cho được thứ gì thì ăn cho dạ đỡ trống rỗng. Rồi nó theo người ta nhẩy ào lên tầu mà không biết con tầu ấy đưa nó đi đâu.

Lỡ dắt nó về nhà rồi, ai nỡ lại đẩy ra đường một đứa nhỏ trong cảnh khốn cùng như thế. Áng chừng tuổi nó 13 – 14 cũng có thể phụ với con bé Nhài trông em và sai vặt được. Đủ ăn, nó lớn lên nhanh, phổng phao, sạch sẽ và láu lỉnh. Anh Nghĩa dạy cho nó ít chữ đủ để biết đọc, biết viết, làm bốn phép tính đầu tay. Xem ra thằng này cũng sáng dạ.

Con bé Nhài do một người quen từ quê nội bà Phán dẫn đến. Người ta bảo quê nó ở mãi Thái Bình, bố mẹ nghèo, cho con qua Hưng Yên ở cho một nhà giàu. Nhưng nhà ấy ác quá, chửi bới đánh đập con bé tợn lắm, người ta động lòng thương dắt nó ra giúp việc cho bà. Nó đến trước thằng Nhỏ ít lâu. Chắc là nó nhỉnh hơn thằng Nhỏ nhưng cái vóc con trai vẫn lớn hơn con gái. Nó chậm chạp nhưng được cái thật thà.

Hai đứa trông em và coi việc nhà cũng được, sạch sẽ, gọn gàng. Chúng ở tuổi con cháu, có điều chi mắng mỏ la rầy cũng dễ và chúng cũng biết sợ. Ông bà không có điều chi phiền hà về chúng.

Nhưng dần dà chúng lớn lên. Con trai, con gái vào tuổi dậy thì lại là người dưng, sống chung đụng một nhà là phải xét nét xem chừng lắm. Bà đã suy nghĩ rồi nhưng còn nể chồng. Tính ông thương người và dễ dãi lắm. Nhân dịp này bà thấy phải dứt khoát thôi.              

Bà hỏi thằng Nhỏ:                         

- Bây giờ cháu lớn rồi. Con trai mười tám hai mươi chẳng lẽ cứ đi ở mãi sao được?

- Cháu cũng không biết tính làm sao nữa! Bước ra khỏi nhà cậu mợ thì cháu biết về đâu?

- Giá như thời buổi yên hàn sẽ tìm cho cháu một nghề nào mà học để rồi sau này tự lực nuôi thân. Nhưng thời buổi này khó khăn quá!

Anh Nghĩa ghé về thăm nhà, gợi ý:

- Có dám xung phong vào Vệ quốc đoànNam tiến hay không?

- Nam tiến là đến mãi đâu? – Nó hỏi.

- Đất nước mình dài tới hơn hai ngàn kilômét. Mình ở đầu này là phía Bắc. Đầu kia ở mãi tít phía Nam, có thành phố Sài Gòn được gọi là “hòn ngọc của viễn Đông”. Giặc Pháp nó đang gây hấn ở đấy. Chính phủ kêu gọi thanh niên ngoài Bắc vào tiếp viện cho đồng bào mình trong đó – Anh Nghĩa giải thích.

- Đi với ai? Có đông người cùng đi không?       

- Thằng em không chịu đọc báo! Người ta đi rầm rầm. Từ thành thị đến thôn quê bao nhiêu thanh niên hăng hi ln đường. Nhiều người có học cũng xung phong. Lẽ ra tôi cũng đi rồi nhưng đoàn thể chưa cho. Mà trước sau gì rồi cũng đi thôi!

- Làm thế nào đi được?                                              

- Ở mỗi tỉnh thành đều có một Phòng Nam Bộ. Ai xung phong đến đó ghi danh. Tôi sẽ giới thiệu chú em đi và gửi vào một đơn vị của một người bạn sẽ đi chuyến này.          

- Thế là mình trở thành Vệ quốc  đoàn à?           

Mặt nó tươi như hoa. Vừa thoát cảnh là thằng đi ở vừa được là người lính trông oai hùng lắm. Hai chân nó dập mạnh như đi hành binh, miệng cười toe toét khoái chí lắm

Cả nhà vui lây với nó. Con Nhài cười rũ ra.        

Khi anh Nghĩa đưa nó đến nơi ghi danh tình nguyện, nó thấy người ta khai ra những cái tên hay lắm: Quốc Trung, Anh Dũng, Hùng Cường, Hưng Quốc, Tấn Phong, Mạnh Thắng, Kiên Quyết… Nó chưa kịp nghĩ thì người ta đã đặt trước mặt nó một tờ giấy và ấn cây bút vào tay nó. Nó lúng túng và đầu óc cứ lộn lên. Xưa nay chưa có ai hỏi nó đến cả tên và họ. Thực ra nó cũng không biết họ của nó là gì. Cậu chủ họ Nguyễn nhưng nó có phải con cháu trong nhà đâu mà mang cùng họ. Trên nó là một người ghi tên: Trần Thanh Nhã. Nó cũng ghi theo luôn: Trần Thanh… và quen tay nó điền tên N… h… o… Nó bỗng nhớ ra… chả lẽ lại thêm dấu hỏi… Thế là nó dừng lại đọc: Trần Thanh Nho! Nó sướng quá, thở phào, đẩy luôn tờ giấy qua tay người khác. Nó cầm trong tay tờ giấy hẹn mà lòng khấp khởi. Lần đầu tiên trong đời nó được tự quyết một việc cực kỳ hệ trọng là đặt cho mình một cái tên riêng không liên quan gì tới thằng bé mồ côi bơ vơ và quãng đời đi ở nữa. Nhưng về gần tới nhà nó mới chợt nhớ ra cái chữ Thanh trùng tên cậu chủ! Nó sợ run lên, toát mồ hôi ra. Nhưng sự thể đã rồi. Tờ giấy hẹn ngày nhập ngũ nó đang cầm trong tay đây. Nó lặng đi, suy nghĩ…

Tay nó run run đưa tờ giấy hẹn cho cậu mợ chủ xem, mắt nó không rời xem ý chủ. Ông Phán đọc to cho vợ cùng nghe:

- Trần… Thanh… Nho!

Hai ông bà cùng nhìn nó. Nó cúi xuống nói lí nhí:

- Con đặt tên cậu ở trên tên con là vì con muốn… ghi nhớ ơn cậu mợ đã cứu giúp con! 

Ông Phán cảm động gật đầu cười hài lòng. Bà Phán khen:

- Thằng này láu cá lắm. Biết đâu lại hợp thời!

Bà Phán chuẩn bị cho thằng Nhỏ chu đáo lắm.

Ngày nó lên đường, gia đình làm bữa cơm tiễn nó. Cả vợ chồng nhà thơ Hoa Quý, chị Gái, anh Nghĩa, anh Chu cũng tới chia tay với nó. Bác Trịnh Huy về thăm nhà tình cờ tạt qua. Thật là vui và vinh dự cho nó quá.

Nhìn nó mặc bộ quần áo Vệ quốc đoàn, tấm chăn dạ mỏng khoác chéo ngoài chiếc áo trấn thủ, mũ ca lô đội lệch, bên hông đeo hai trái lựu đạn do anh Nghĩa tặng, đôi giầy săng đá đi lại lộp cộp trông rắn rỏi oai phong lắm. Nó mạnh dạn đứng trước mọi người hát to lên bài ca:

Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi / Dù có gian nguy nhưng lòng không nề / Ra đi! Ra đi! Bảo tồn sông núi / Ra đi ! Ra đi thà chết không lui…

Nó ngước nhìn lên trần nhà, chân dậm mạnh:

Dưới cờ oai nghiêm sao vàng bay / Toàn dân Việt Nam có hay…

Anh Nghĩa mỉm cười dặn nó:

- Oai lắm! Không ai ép mình đi. Mã đã đi không được là thằng hèn đấy nhé!

Con Nhài liếc nó hoài, ánh mắt yêu thương quyến luyến lắm. Bà Phán nghĩ không hiểu tình cảm của chúng nó mặn nồng tới đâu? Bà mừng cho nó và cũng thấy nhẹ lòng.

Chu nhìn thằng Nhỏ vẻ thèm muốn lắm.

Gái mách với chú:

- Chú ơi! Thằng Chu nó cũng muốn đi! 

Ông Phán an ủi cháu:           

- Ở nhà bây giờ mỗi người một việc. Chỉ còn có cháu trông bà. Thôi, ở nhà gắng học đi, vài năm nữa đất nước vẫn cần mình!                       

Nhà thơ Qúy Hoa nâng chúc nó ly rượu nhỏ và tặng một bài thơ. Ông trịnh trọng rút ra tờ giấy thơm và mới cứng. Bài thơ vừa sáng tác đêm qua. Dưới tiêu đề Mãnh hổ sa trường, rành rành ghi mấy lời trang trọng: Thân mến tặng chiến sỹ Vệ quốc đoàn Trần Thanh Nho lên đường chiến thắng, kỳ tích lừng danh! Ông chỉnh lại tư thế, đằng hắng và lên giọng đọc vừa hùng hồn vừa thiết tha bài thơ ông mới nghĩ ra:

Mãnh hổ sa trường

           Uống xong hồ rượu đầy

           Ngửa mặt cười ha… ha…

           Phốc lên ngựa giật cương

            Ra thẳng nơi chiến trận…

           Chỉ tướng giặc thét vang:

           - Ta với mi sống chết

           Quyết một trận thư hùng

           Khoa đao… tung vó ngựa

           Ánh bạc loang như nắng

           Hoa mắt… giặc kinh hồn

           Máu đào tuôn suối chảy

           Tử khí ngút trời mây

Phong ba ào một trận

           Chiến địa nấm mồ hoang

           Trên yên ngựa… vắng người

           Nhạc vàng reo chiến thắng

           Ta là trai tráng sỹ

           Vì nước hiến thân mình

           Chín chữ cù lao sâu

           Xin một lần trả hết

Nhà thơ vẻ mặt lâm ly trân trọng trao cho người chiến sỹ bài thơ và ôm nó vào lòng, tay vỗ nhẹ vào lưng như ru. Bà vợ nhà thơ cảm động đến rơi nước mắt. Con Nhài sụt sịt. Ông Phán nghiêm nghị:

- Chú làm cứ như tiễn biệt Kinh Kha đi giết Tần Thủy Hoàng ấy!

Nhà thơ tỏ ra quan trọng:

- Kinh Kha qua sông Dịch thì bây giờ nó cũng vượt sông Gianh biên cương uất hận bao đời!

Ông vẫn chưa hết phấn kích khích lệ nó:

- Nó tuy là con cháu nhưng nó đã vượt xa ta!

Mọi người ngạc nhiên nhìn nhau. Nhà thơ hăng hái lên:

- Trong con người nó lúc này là ba chiến sỹ… Chiến sỹ diệt giặc dốt – vì nó đã xoá đi được cái cái ngu dốt truyền đời! Chiến sỹ diệt giặc đói – vì nó là người tích cực tăng gia sản xuất! Và bây giờ nó trong đoàn quân xông thẳng ra biên cương diệt thù. Nó không phải là Chiến sỹ diệt giặc ngoại xâm hay sao?

Ông tự tin vững lý nhìn mọi người.

Bà Phán thở dài nhìn chồng:         

- Giá mình để cho chú ấy làm công việc tuyên truyền thì hợp!                         

Bác Trịnh Huy ngồi yên bây giờ mới lên tiếng như lời tâm sự với các em:

- Người làm tuyên truyền đâu phải là tán dóc nói hươu cho người ta khỏi buồn ngủ, tỉnh ra vỗ tay và uống thêm vài ly rượu! Người làm tuyên truyền là phải biết đâu là điều hay-dở-tốt-xấu để nói cho người ta nghe ra mà theo cái đúng, tránh cái sai, làm những việc lợi nhà ích nước. Mình nói đúng người ta đã tin lại càng tin, việc khó mấy họ hè nhau cùng gánh vác. Mình nói sai thì không còn ai tin nữa thế là cá nhân thì mất uy tín mà việc chung cũng không thành. Và chớ quên rằng chiến sỹ tuyên truyền phải xứng là chiến sỹ tiên phong!

Ngày Nho cùng đơn vị lên đường Nam tiến, cả nhà đều ra tiễn ở sân ga Hàng Cỏ. Trong không khí kẻ ra chiến trận người ở lại hậu phương, bao nhiêu những sự bùi ngùi lưu luyến. Con Nhài buồn rõ trên nét mặt. Nho cười hãnh diện và tíu tít chia tay với mọi người nhưng mắt nó vẫn nhướng lên hướng về một người con gái cùng chung thân phận với nó mấy năm nay.

Anh Quốc Dũng – Chính trị viên Trung đội, là bạn của Nghĩa bước đến nói động viên những người thân:

- Gia đình cứ yên tâm! Với tình đồng chí, chúng tôi cùng nhau chia sẻ mọi gian khó lẫn quang vinh.  

Con tầu từ từ lăn bánh trong những âm thanh hỗn độn: Tiếng còi tầu hét lên như giục giã… Tiếng trống ếch của đoàn thiếu nhi rộn rã… Những tiếng hát thúc giục lên đường:

Tiếng súng vang sông núi Việt Nam ầm đất nước Việt Nam / Ta muốn băng mình tới phương Nam xé xác quân tham tàn

Hoà trong những tiếng kèn đồng thúc quân và những tiếng thét xé ruột dặn dò của những người ở cùng những tiếng hẹn hò của những người đi: Đi nhé!… Ở nhà nhé!… Bình an nhé!… Chờ nhé!…            

Con Nhài ôm mặt khóc nấc lên. Bà Phán cũng không cầm được nước mắt. Ông Phán dỗ mọi người:

- Thôi về đi!

Con Nhài chạy xuống nhà dưới, rũ ra, nằm phục trên giường. Nó làm vương ra cái túi nhỏ. Bà Phán nhặt được mở ra: một mớ tiền lành lặn và một bài thơ. Bà đưa cho chồng.           

Thì ra đó là bài thơ Mãnh hổ sa trường mà thằng Nhỏ sao chép lại. Chữ nó viết nắn nót, rõ nét trông cũng đẹp. Nó không đề tên tác giả mà lại có chữ ký loằng ngoằng với tên Trần Thanh Nho cùng mấy lời ghi chú:

“Em giữ cho anh số tiền này, đến ngày gặp lại sẽ là của chung. Nếu như anh làm sao mà không về thì em cứ đi lấy chồng và đây là quà cưới của anh gửi tặng cho em!”

Bà Phán kín đáo đặt lại cái túi bên giường con Nhài.

Nhân một dịp gần gũi, nó thổ lộ với bà:

- Số tiền công mấy năm nay dành dụm được anh ấy gửi lại hết cho con. Anh ấy bảo đi chiến đấu thì chỗ đâu mà cất giữ. Ăn thì đã có người lo rồi. Mớ tiền cậu mợ và mọi người cho dè sẻn cũng đủ tiêu vặt dọc đường. Con giữ đây, nếu Trời cho anh ấy lành lặn mà về thì hai đứa cùng vui. Nếu chẳng may Trời bắt tội anh ấy ốm đau hoặc thương tật mà về thì cũng có chỗ dựa. Con chỉ sợ…

Nó gục đầu xuống thổn thức…      

Lần đầu tiên trong đời bà Phán chia sẻ tình cảm với một người con gái có người yêu ra chiến trận. Lòng bà nao nao nhớ lại hình ảnh người chinh phụ xa xưa, thời bà còn là cô thiếu nữ vô tư thoáng chút động lòng trước nỗi bi thương của người thiếu phụ mòn mỏi ngóng trông chồng. Bây giờ thì nó đang hiển hiện đến đây với đứa con gái tội nghiệp này:

       Nỡ nào đôi lứa thiếu niên

       Quan san để cách hàn huyên sao đành

     … Những mong cá nước xum vầy

       Nào ngờ đôi ngả nước mây cách vời!

Từ mắt bà chảy ra đôi dòng lệ lăn trên gò má rớt xuống tay bà. Bà linh cảm một điều gì và sợ sệt nghĩ tới tương lai của mình. Tự lòng bà bật ra lời than vãn:

Xanh kia thăm thẳm tầng trên

         Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?!…

Trước Đồn Công an Hàng Trống, đám lính Tàu lăm lăm tay súng đứng đầy ở ngã tư đường hầm hè dọa dẫm. Dân chúng đứng chật hai bên lề đường la ó rầm rầm phản đối. Bên bờ Hồ Gươm những tên lính già trẻ hỗn độn nhếch nhác nằm ngồi lê lết trên thảm cỏ héo nát. Đứa miệng nhồm nhoàm nhai ngấu nghiến đủ thứ: ngô, khoai, cơm nắm… Có đứa đứng vạch quần đái tồ tồ xuống hồ, mắt trố lên nhìn mọi người qua lại còn cười nhăn nhở. Bên gốc cây ven hồ, một cái đít nhồng nhỗng chổng lên, ai tò mò dừng mắt thấy rõ một cục đỏ lòm đang rỏ máu giữa đôi mông đùi đen đúa đầy những nốt ghẻ ruồi khiến người nhìn thấy vội quay đi nhổ phì phì vì ghê tởm…

Từ cuối tháng 8 năm 1945, đội quân 180 ngàn người đại diện cho quân đội Trung Hoa dân quốc ào ạt kéo vào miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở ra để tước vũ khí của 30 ngàn bại binh Nhật Bản. Đó là một đạo quân hổ lốn, bát nháo, đói khát không khác gì đám tàn quân thổ phỉ. Tại chiến trường Hoa lục, quân đội Tưởng Giới Thạch đang điêu đứng trong chiến tranh Quốc Cộng. Trên đường hành tiến về phương nam, những đơn vị xộc xệch sau nhiều thảm bại vừa đánh phèng la vừa loa gọi đầu quân. Thế là đám dân binh nhao nhao xung vào lính hòng thoát khỏi cái đói đang dày vò. Kéo theo là đám thường dân nheo nhóc đủ cả người già, đàn bà, con trẻ… quang gánh, thúng, bị lỉnh kỉnh chạy theo vừa hầu hạ quan lính để kiếm miếng ăn vừa là chạy loạn. Chúng đi tới đâu mặc sức vơ vét như đi hôi của, kiếm chác nhũng nhiễu đủ điều và gieo truyền đủ các loại bệnh tật: sốt rét, thương hàn, thổ tả, phong tình da liễu… Dân tình điêu đứng.

Một tên sĩ quan vào cửa hàng may ở đầu phố Hàng Trống đòi cắt may bộ quần áo rồi quỵt tiền cắp gói bỏ đi bị đám thợ tóm cổ dần cho một trận nên thân và kéo vào đồn. Mấy thằng lính hầu chạy về bẩm báo, thế là chúng a thần phù kéo cả bầy tới đây vây kín đồn hung hăng đe dọa, súng ống lăm lăm.             

Trong phòng, người ta giận giữ lao xao. Thằng ăn cướp mặt mày thâm tím mà vẫn vênh lên, tay khư khư ôm chặt gói đồ cướp được vào lòng. Mấy thằng sĩ quan đồng bọn nghênh ngang xí xố xì xồ. Mấy cậu thợ may còn giận tái mặt:

- Đồ ăn cướp!

- Tôi trả tiền tử tế!

Thằng thông ngôn mặc đặc Tàu, súng poọc hoọc trễ bên hông, mặt mày trơ tráo.          

- Tiền này chỉ để chùi đít chứ ai tiêu!

Một cậu thợ may ném xoạch mớ tiền Quan kim xuống giữa nền nhà.     

- Quân đội Trung Hoa có tiền gì thì tiêu tiền nấy!      

- Đây là nước Việt Nam độc lập chứ không phải là nước Tàu! Ngay ở bên Tàu bây giờ đồng tiền này cũng coi như mớ giấy lộn thôi!

Anh cán bộ công an nước da trắng, mặt mày hốc hác, đôi môi mím lại, nét mặt đăm chiêu. Dường như anh cố ghìm mình…

Chiếc xe của Ủy ban hành chính thành phố đỗ xịch trước cửa. Ông Tham Phú bước thẳng vào đồn. Anh cán bộ công an đứng dậy:

- Thưa bác! – Anh chính là Nghĩa.

- Bên Ủy ban biết hết cả rồi, cử tôi qua đây!

Ông Tham bắt tay anh và quay qua viên Đại uý có cấp hàm cao nhất trong đám sĩ quan Tàu đứng đó và thằng thông ngôn đã nhanh chân lùi lại nép vào. Ông làm vẻ ôn hoà cười bắt tay y:

- Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì đây là một sự hiểu lầm của cả hai bên! Với tinh thần Việt Hoa hữu hảo, mọi chuyện đều có thể ôn hoà giải quyết được thôi. Chúng ta là anh em một nhà. Hồ Chủ tịch của chúng tôi với tướng quân Lư Hán, Tiêu Văn là chỗ cố tri thâm tình.

Ông quay qua Nghĩa nói to để mọi người cùng nghe:

- Anh cho thả người này ra!           

Nghĩa từ nãy giờ vẫn đứng im, mặt anh tái đi, môi anh run run. Thằng ăn cướp đứng bật dậy lủi vào đám đồng bọn. Mấy cậu thợ may xông tới giật lại gói đồ. Hai bên giằng co, gói đồ rơi xuống. Thằng thông ngôn nhanh tay vơ lấy, ấn gói đồ vào tay viên Đại uý. Chúng vội vã kéo nhau ra khỏi đồn cười đắc chí. Ông Tham thuận tay nắm cổ áo tên thông ngôn giữ lại. Ông nói rít giữa hai hàm răng:

- Mày là thằng chạy bàn ở tiệm Mã Hoà phố Hàng Buồm? Báo cho chủ mày biết muốn yên ổn làm ăn lâu dài ở đất này thì đừng có giở trò!

Viên thông ngôn vâng dạ rối rít rồi cúi đầu cun cút chạy theo đồng bọn.

Bên ngoài dân chúng bất bình phản đối:

- Đồng minh cái gì? Quân ăn cướp!

- Tống cổ chúng nó đi!         

Trong phòng người ta quay qua ông Tham, dồn mọi uất ức về ông:                

- Làm như vậy còn ra cái thể thống gì của một quốc gia độc lập?!                   

Ông Tham để rơi cả tấm thân đồ sộ xuống ghế làm cái bàn cũng xô lệch đi. Ông thở ra một hơi dài như để trút ra sự dồn nén trong lòng. Giọng ông trầm lắng xuống:

- Tôi chỉ là người thừa hành lệnh của trên thôi chứ trong bụng cũng uất sôi lên! Hồ Chủ Tịch bảo mình phải lấy nhu thắng cương. Ngay từ khi Hoa quân nhập Việt đã kéo theo một bầy phản quốc hoạt đầu. Chúng nó chủ trương diệt Cộng cầm Hồ, bắt tay với Pháp lật đổ Chính phủ Việt minh! Cụ Hồ đã nhân nhượng rất nhiều nhưng chúng vẫn lấn tới! Trong khi ở miền Nam, thằng Pháp dựa vào quân Anh Ấn đang mở rộng vùng chiếm đóng. Giặc trước giặc sau, giặc trong giặc ngoài buộc chúng ta phải nhún nhịn kẻ này để đối phó với kẻ thù kia chính yếu nguy hiểm nhất.                                     

Chiếc xe nhà binh thắng gấp rít lên tiếng dài chói tai. Một người đàn ông mặc âu phục chỉnh tề, đầu chải mượt, kính trắng gọng vàng, xách chiếc cặp đen to tướng đường hoàng bước vào đồn, xăm xăm theo sau là hai tên vệ binh lăm lăm súng. Khách dừng lại giữa phòng, ngạc nhiên nhận ra ông Tham

- Ô… Anh Tham Phú!                                                   

 - Ô… Giáo sư Vũ Văn Chương! À… xin lỗi, ngài Nghị sĩ – Ủy viên trung ương Đảng Quốc dân! – Ông chỉ ghế mời khách.                                                 Khách ngồi xuống, trịnh trong rút ra tấm thẻ Đại biểu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đưa về phía Nghĩa:

- Xin lỗi anh Tham! Tôi đến đây gặp ông Đồn trưởng để hỏi về việc người của chúng tôi vô cớ bị các ông bắt giữ!

Nghĩa đứng bật dậy không cần cầm thẻ, giọng lễ phép nhưng cứng cỏi:

- Thưa ngài Nghị sĩ, chúng tôi không cầm giữ vô cớ một ai! Vừa rồi một tên sĩ quan Tàu quỵt tiền cướp của, người ta lôi cổ nó vào đây với đầy đủ tang chứng và rất nhiều nhân chứng. Bao nhiêu công chúng còn đứng đây kia đều phẫn nộ. Chúng tôi chưa kịp lập biên bản thì mấy người trong lực lượng Bảo an của Đảng ngài xông vào trụ sở quậy phá mưu giải thoát cho tên ăn cướp, ngăn cản chúng tôi thi hành công vụ buộc lòng chúng tôi phải giữ lại chờ giải quyết xong công việc sẽ báo cho các ngài tới nhận người về sau khi chúng tôi cảnh cáo họ. Chúng tôi làm đúng chức phận của mình!

Giáo sư Vũ chựng lại, ông sửa áo và ngồi thẳng người lên:

- Chúng tôi được nghe Ban Quân sự của Đảng báo cho là lực lượng Công an ở đây khiêu khích bắt người của chúng tôi nên phải đến ngay!

Nghĩa đẩy xấp giấy ra phía trước:

- Đây, thưa ngài, biên bản vừa làm xong chưa ráo mực!

Vừa lúc ấy theo lệnh anh, ba người được dẫn ra. Họ đều trang phục lai căng theo kiểu lính Phòng vệ Nhật và Vệ binh Tàu. Ông Nghị sỹ hất hàm hỏi:

- Các anh làm gì mà bị bắt?

- Dạ… Thưa… ngài nghị sỹ Ủy viên trung ương… Chúng tôi có phận sự phải bảo vệ quân đội Đồng minh!

Nghĩa không kìm được nữa, bật đứng dậy, đập bàn quát lên:                           

- Sao các anh không bảo vệ nhân dân mình lại đi bảo vệ quân ăn cướp?

Ông Tham cũng đứng lên đi về phía mấy tên phá rối, tay chỉ thẳng điểm mặt chúng, dằn giọng và nghiêm khắc:     

- Bảo vệ quân đội các nước Đồng minh là công việc của các cơ quan Nhà nước, cụ thể là việc của lực lượng công an. Công việc các anh được làm chỉ là bảo vệ trụ sở, căn cứ của Đảng các anh thôi. Không ai được quyền can thiệp vào đó nếu như chưa có lệnh của Chính phủ. Các anh nghe rõ chưa?

Mấy tên lính bị tẽn tò đứng trơ ra. Vị giáo sư bỗng dưng bị bẽ bực mình cau có phẩy tay đuổi lũ thuộc hạ ra.

Trong phòng chỉ còn lại ba người, mỗi người nhìn theo một hướng. Ông Tham nhìn lên trần. Giáo sư nhìn xuống đất. Nghĩa nhìn xa xăm ra phía hồ.

Ông Tham phá đi sự yên lặng nặng nề:

- Anh Vũ! Toa với moa cùng học lycée rồi mỗi đứa theo một nghề. Toa theo nghề giáo là hợp đấy. Toa có lòng hữu ái, thật thà, cả nể, cả tin. Ngày toa rủ moa vào Đảng Quốc dân của ông Nguyễn Thái Học, moa không theo vì ghét Tây thì ai chẳng ghét nhưng moa thấy cái Đảng ấy nhiều anh thày giáo và thơ lại ngây ngô quá. Mấy con mẹ nhàn cư kháo chuyện rầm lên trên chiếu tổ tôm về buổi kết nạp Đảng một anh Ký. Mấy ngài đóng khăn xếp áo dài, xì xụp làm lễ gia tiên, rì rầm chuyện quốc sự mà cả xóm giềng đều biết! Qua mắt bọn thằng Cousseau sao được! May cho moa và mừng cho toa. Toa chỉ bị thằng Chánh Cẩm gọi lên nẹt cho một trận. Thế mà toa không biết thân an phận với mấy đứa học trò, lại đàn đúm với đám tả pín lù này!

Vị giáo sư nhìn người bạn cũ với vẻ chán chường:

- Cũng là mình lỡ đa mang vào rồi… không nỡ bỏ! Mấy thằng chạy qua Tàu về tìm lại và dụ mình ra! Bước chân vào rồi mới biết. Một mớ hổ lốn không bảo được nhau! Cả đám đầu trâu mặt ngựa của thằng Đinh Xuân Tiếu nữa thì ai bảo được! Bọn nó lộng hành! Cụ Phó chủ tịch Nguyễn Hải Thần bôn ba từ thời Đông Du rồi bôn tẩu mãi ở bên Tàu. Nhưng vì xa nước quá lâu, tuổi tác lại cao, cụ lạc lõng với dân tình thế cuộc nên chỉ là cái bung xung cho người ta thôi!

- Các anh không biết điều! Trong khi người ta dám nhận tù đày chết chóc lo  chống Tây, kháng Nhật thì các anh có hợp tác với người ta đâu! Bây giờ tình thế đang như trứng để đầu đẳng mà người ta dang tay hợp tác, dành cho các anh tới bẩy mươi ghế trong Quốc hội mà không cần tới sự bầu bán nào cả, người của họ rút khỏi nhiều ghế trong Chính phủ để nhường chỗ cho các anh. Ai lạ gì ông Tú Đại Từ, theo Đông Du chẳng nên tích sự gì! Bấy lâu tưởng đến mãn đời hành nghề tướng số ở Vân Nam, bây giờ bám gót thằng Tàu về nước còn trương lên cái Hội Đồng minh để gây thanh thế, nói tiếng mẹ đẻ không khác gì mấy chú khách lai. Ngày đầu năm nghe mấy lời ông ta chúc Tết quốc dân: “Chúc cái lôồng pào lăm mới lầy sinh khí”… mà lộn ruột! Thế mà cũng được ngồi ghế Phó bên cạnh Hồ Chủ tịch! Các ông Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Bích (Hoàng Đạo), Nghiêm Kế Tổ, Trương Đình Chi, Chu Bá Phượng, Vũ Hồng Khanh… đều có ghế vị cao ngất ngưởng. Vậy mà càng ngày các anh càng lộng hành. Dân chúng họ sợ đấy nhưng chán các anh lắm rồi!

Nghĩa nói chen vào:                                

- Hôm trước bà vợ ông Trần Đình Long tay bồng tay mang con nhỏ tới đây hỏi về sự mất tích của chồng bà. Những vụ bắt cóc giết người cả tây cả ta để tống tiền, khiêu khích cứ xẩy ra liên tục!

Ngài nghị sĩ thở dài:                                

- Từ sau khi Cụ Hồ ký Hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng ba với Pháp, nội bộ Đảng càng rối rắm. Mười lăm ngàn quân Pháp sẽ ra Bắc kỳ thay thế cho 180 ngàn quân Tàu Tưởng rút về nước vào cuối tháng ba. Thế là hết chỗ dựa! Cái tài của Cụ Hồ là thuyết phục được Vũ Hồng Khanh với cương vị Phó chủ tịch Đảng cũng đồng thời là Phó chủ tịch Quân ủy hội cùng đặt bút ký vào biên bản. Uy tín của ông ta trong Đảng chẳng còn gì. Người ta bảo ông ta phá Đảng.

Ông Tham nhìn thẳng vào nhà lãnh đạo một Đảng đối lập nguy hiểm nhất của Việt minh:

- Bây giờ thì Đảng các anh đang chơi trò đòn xóc hai đầu: vừa chọc tức cho thằng Pháp thêm ghét Việt minh càng mạnh tay triệt hạ, vừa quấy phá xã hội cho dân chúng xa lánh họ!

- Chúng tôi không muốn đất nước mình lọt vào tay cộng sản!

Ông Tham suy nghĩ một lúc rồi tâm tình với người bạn cũ:

- Trước đây tôi cũng không ưa cộng sản… Nhưng nghĩ lại thế chiến vừa qua nếu không có nước Nga đỏ chắc thế giới còn điêu đứng! Có ai một mình chống nổi Hitler không? Cả liên minh Anh – Mỹ cũng không thể quay mặt đi với họ! Như ở ta, hồi họ nổi lên ở Trung kỳ chống nhà bảo hộ… Trong đám trí-phú-địa-hào thiếu gì thằng mạt cưa mướp đắng theo bọn thực dân! Bị khủng bố, tưởng là tan rã nhưng họ không nản lòng nên mới thành sự ngày nay. Bây giờ họ lại tỏ rõ thiện chí ôn hòa hợp tác. Từ cuối năm ngoái Đảng họ đã tuyên bố tự giải tán rồi. Trụ sở của họ nay đổi tên là “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Marx”. Những người Cộng sản trong Chính phủ và Quốc hội bây giờ không nhân danh cho Đảng, họ chỉ là những cá nhân tranh đấu bao lâu nay ai cũng biết.

Ông trầm giọng xuống:

- Anh có nhớ hồi còn đi học, trong giờ Littérature (Văn chương), tôi bắt chước viết lên bàn mấy chữ Việt Nam muôn năm! Thằng giám thị hỏi: Ai bảo mày làm như thế? Tôi bảo: Alphonse Daudet! Nó bảo: Mày nói láo! Tôi tức quá gí bài Dernière classe (Buổi học cuối cùng) vào mặt nó: Dù xứ Alsace, Lorraine của các ông vào tay người Phổ, trước bao nhiêu học trò ông giáo Hamel vẫn thản nhiên viết lên dòng chữ Vive la  France (Nước Pháp muôn năm) thì sao tôi không làm như thế được? Cả lớp bravo. Nó đỏ mặt lên một lúc rồi vểnh cái râu trê, chỉ mặt tôi, miệng phun ra đầy rớt rãi. Anh có nhớ nó nói gì không?

Ông đứng dậy, mặt cũng đỏ lên:              

- Nó bảo: Vous êtes très bas! C’est pourquoi vous êtes sans patrie! (Chúng mày hèn hạ vì thế chúng mày mất nước!)

Ông cười cay đắng:

- Mấy thằng Annamite tím mặt lại trong khi mấy thằng mắt xanh mũi lõcười ầm lên! Nghĩ cũng đúng thôi. Từ vua quan triều thần đến sỹ phu trí thức, dân đen con đỏ đều cam phận. Quốc gia suy vong mà làm ngơ là hèn chứ gì?

Ông lại ngồi xuống, ghé gần vào bạn thân tình trách nhẹ:

- Bây giờ Tổ quốc về tay mình rồi thì nội bộ lại chém giết nhau rối loạn lên! Cụ Hồ đã công khai bầy tỏ lòng mình: “Vì hoàn cảnh và trách nhiệm, tôi phải đứng ra ngoài mọi đảng phái. Nay tôi chỉ có một tin tưởng vào dân tộc độc lập. Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng Dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập”. Anh nói đi, đương thời có người quốc gia nào nhiệt tâm, tận tụy, long đong với nước, uy tín được như Cụ Hồ không? Nhãn tiền, muốn giữ cho đất nước này thoát họa xâm lăng lần nữa thì ta phải ủng hộ Cụ Hồ, đoàn kết với Việt minh!

Vị giáo sư thở dài, cúi xuống lắc lắc cái đầu:

- Ngày 31 tháng 5 trong lễ tiễn Cụ Hồ sang Pháp, Cụ hứa trước quốc dân: « Hồ Chí Minh không bao giờ bán nước »! Giáo sư Hoàng đã thốt lên: C’est un homme digne de foi! (Con người ấy đáng tin!)        

- Đúng! Ông ta được giới giáo chức các anh nể trọng lắm. Trước ngày 19 tháng 8 năm ngoái, chính ông ta đã cùng với Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, Phạm Hữu Chương thay mặt cho giới nhân sĩ trí thức đến gặp Việt minhđòi quyền được cai quản các thành thị sau khi lật đổ chính quyền bù nhìn thân Nhật. Còn Việt minh thì chỉ được cai quản vùng nông thôn cách xa thành phố 15 kilômét!

Ông nghị sĩ bộc lộ sự nghi ngờ:     

- Nhưng liệu rồi quân Tưởng có chịu rút hết đi không? Hạn rút quân đã qua rồi!

- Để rồi toa xem. Tưởng Giới Thạch lao đao với quân Mao đỏ mà buộc phải ký Hiệp ước Trùng Khánh hồi đầu năm để rút quân về. Tuy nhiên quan lính của nó ở bên này cứ lần khân lấn lứa không muốn quay về cố quốc để chịu ăn đòn trong tình hình Quốc quân đang thất thế. Nhưng chúng không lì lợm mãi được đâu. Thằng Pháp quyết liệt lắm. Nó chịu nhả ra các tô giới ở Thiên Tân, Thượng Hải và khu nhượng địa Quảng Châu thì nó phải đuổi cho bằng được mấy thằng Tàu chết đói đang nằm ăn vạ ở đây. Nó cần sớm đặt chân ra Bắc phần này để bóp chết nền độc lập của ta trong trứng nước!  

- Thế thì Việt minh làm sao chống lại được người Pháp? Một Chính phủ mà Tài chính không có, Quân đội không có, Vũ khí không có hỏi chống được ai? Dù rằng gần một năm nay Chính phủ có làm được một số việc nhờ vào lòng ái quốc cuồng nhiệt của dân chúng nhưng không thấm tháp gì!

Đó cũng là nỗi niềm day dứt trong lòng ông Tham. Ông tựa lưng vào thành ghế nhìn lên trần nhà. Nghĩa đứng bật dậy bước tới trước hai người:    

- Ông không nghĩ rằng chúng tôi đang có trong tay thứ vũ khí mà không kẻ thù xâm lược nào có được? Thứ vũ khí đó là vô địch! Nó đã được tôi luyện và thử thách trong lịch sử. Đó là lòng yêu nước quật cường của nhân dân đã được vực dậy! Có ai muốn quay trở lại sống kiếp nô lệ nữa không? – Anh nhìn hỏi cả hai người.

Ông Tham ngồi bật dậy, mặt tươi lên, hướng về Nghĩa. Vị giáo sư vẫn ngồi yên lắc đầu mệt mỏi. Ông Tham nhìn bạn:  

- Yêu ai ghét ai tùy ở mỗi người. Tin hay không tin cũng tùy thuộc lòng mình. Nhưng moa thành thật khuyên toa đừng có dính dấp với bọn người ma giáo ấy kẻo rồi bị vạ lây! Hãy nhìn những người đang hợp tác với Chính phủ: ở Hà Nội này như các cụ Huỳnh, cụ Nguyễn Văn Tố, cụ Ngô Tử Hạ, các ông: Hoàng Mính Giám, Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Mạnh Hà, Phan Anh, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Văn Bính… Ở kinh thành Huế thì các vị Thượng thư tứ trụ triều đình: Bùi Bằng Đoàn, Ưng Uý, Thái Văn Toản, Đặng Văn Hưởng,  Hoàng thân Bửu Hội và ở Nam bộ nhiều người có ảnh hưởng lớn như Thái Văn Lung, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Thiện Lộc, Cao Triều Phát, Nguyễn Thành Vĩnh, Nguyễn Văn Hưởng, Phạm Văn Bạch, Nguyễn Ngọc Nhựt, Phạm Ngọc Thuần… đã ra bưng biền kháng chiến. Còn nhiều sĩ phu, trí thức, tư sản, điền chủ nổi danh chắc toa cũng biết, chả lẽ họ đều dễ dàng nghe theo cộng sản vậy sao? Ta đừng làm gì hổ ngươi với họ.

Giáo sư cáo từ, cúi đầu uể oải đi ra. Ông Tham quay qua Nghĩa:

- Một giáo sư Văn-Sử giỏi, nổi tiếng cả về thơ văn, từng làm xiêu lòng một giai nhân trường Đồng Khánh, con gái Hàng Gai cành vàng lá ngọc. Coi chừng sẽ chết vì bệnh sĩ quá to!

- Cháu có nghe danh ông ta. Nhưng làm chính trị như thế đã chẳng ích gì cho nước mà có khi còn hại cho nhà!

Ông Tham nhìn Nghĩa với đôi mắt ấm áp thương yêu:

- Hương Giang lâu nay ít về nhà. Bác gái thì yếu quá!

- Chúng cháu bận bịu quá, cũng ít gặp nhau. Cháu chỉ ước ao được sống trong cảnh thanh bình để tiếp tục việc học hành!

- Các cháu có niềm tin thật mãnh liệt! – Ông nắm chặt tay Nghĩa và bước đi thật nhanh.                 

Nghĩa theo ra đến cửa, nhìn qua bên kia đường, hai chú bé khoảng tuổi 9 – 10 đang công kênh nhau nâng cao mình lên bên một gốc cây sấu sần sùi. Thằng đứng trên vai bạn ngả đầu ra, tay cầm cây vợt chụp con ve sầu. Anh chạy vọt qua đường kịp tới sau, giơ hai tay ra, đúng lúc thằng bé vì mải mê với con ve nên mất thăng bằng… ngã  ngửa ra… rơi vào lòng anh…

Anh bỗng thấy lòng bồn chồn nhớ bà và mấy đứa em Anh dặn dò đồng đội mấy câu rồi lấy xe phóng thẳng về nhà. Tiếng ve kêu râm ran rộn rã chạy dài theo anh dọc  đường phố trong một chiều hè sắp bước sang thu…

Mấy đứa bé đang quanh quẩn dưới gốc cây bàng chờ đến lượt mình hớt tóc. Ông phó cạo quen cứ đúng hẹn hàng tháng tới đây cắt tóc cho đám lau nhau xóm này. Ông thuộc tên rành nết từng đứa, biết rõ là con nhà ai nữa và cha mẹ chúng cũng biết rõ ông. Phải ngồi trên cái ghế của ông là một cực hình với chúng. Làm sao giữ yên được cái đầu trong khi mấy đứa đứng quanh làm đủ trò chọc ghẹo. Có đứa nước mắt lưng tròng mà không dám bật lên tiếng khóc vì chúng rất sợ cái nhéo xếch tai đến méo miệng của ông. Thằng em cùng đám bạn nghển cổ tìm bắt con ve nào đang mải mê ca hát chợt thấy anh về, chúng reo lên và chạy tới ôm chầm lấy:

- Ôi! Anh Nghĩa! Sao lâu quá anh không về? Cả nhà nhớ anh!

Nghĩa choàng ôm các em vào lòng. Tiếng ve ngưng một lúc rồi lại rộn lên từng chập từng hồi. Lòng anh nao nao nhớ về những kỷ niệm xa xăm một thời thơ ấu. Anh chợt nhớ tới bài thơ học thuộc lòng từ bé và bật ra như hát với các em: La cigale, ayant chanté… Tout l’été… Các em đồng thanh cùng hát váng lên: Ve sầu kêu ve ve… Suốt mùa hè…

Ông phó cạo dừng tay, nhìn lũ trẻ, cười đắc chí…     

Học trò cả nước vừa được học theo chương trình giáo dục quốc gia độc lập mới một năm nay…

(trang 239)

 

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_PTHd.php

ngày 24-Dec-2016

_________________

• Các bài của Nguyễn Văn Thịnh: link http://sachhiem.net/VANHOC/N/ListNVTh.inc.php

Trang Văn Học