PHÚT THĂNG HOA

- tiểu thuyết -

Nguyễn Văn Thịnh

CHƯƠNG BỐN

Hà Nội đã sang thu. Có những ngày mưa dài lê thê. Giọt mưa thu nặng hạt rả rích gieo vào lòng người cảm giác lạnh buốt và buồn tê tái. Những ngày nắng lên, trời đẹp. Cái nắng vàng hoe dìu dịu se se. Gió hiu hiu thổi nghe lòng bâng khuâng. Mặt nước Hồ Gươm lăn tăn những con sóng nhỏ. Những chiếc lá vàng bay bay lả tả trên mặt đường lẫn với những tờ truyền đơn trắng xóa.       

Truyền đơn rải khắp thành phố đã thành chuyện thường ngày. Người ta công nhiên lượm lên coi. Có người xem xong lại vứt xuống đường. Có người lặng lẽ bỏ vào trong túi. Truyền đơn của Mặt trận Việt minh kêu gọi: Cứu đói – Đánh đuổi phát xít Nhật – Giành chính quyền về tay nhân dân! Truyền đơn của Mặt trận quốc gia thống nhất kêu gọi: Chống đế quốc Pháp và chống ngoại xâm – Bảo vệ trị an – Bài trừ phản động! Những cuộc diễn thuyết đột xuất, chớp nhoáng ở chỗ đông người. Diễn giả là những thanh niên học sinh, công nhân và cả những vị công chức sang trọng tranh nhau ảnh hưởng tới đám đông dân chúng. Người dân được nghe nhiều từ cũ mới lẫn lộn: quốc tế, quốc gia, tự do, dân chủ, độc lập, tự cường, liên minh, giải phóng, thợ thuyền, dân cày, lập hiến, nghị viện, cách mạng, tư sản, địa chủ, cường hào, tay sai, phản quốc, đổi đời… Dù sao thì đó cũng là những cơn gió lạ tạo nên luồng sinh khí mới làm tan dần đi bầu không khí ngột ngạt và ảm đạm đang bao trùm từ thành thị cho đến thôn quê. Người ta chờ đợi và hy vọng.

Tại ngã tư trước cửa Chợ Hôm, một chiếc xe ô tô từ từ dừng bánh. Mấy vị mặc đồ sang trọng bước ra nhanh chóng toả ra vẫy gọi mọi người hội lại. Gái vừa gánh mớ hàng rau tới bị ép vào một góc hè. Một ông trèo lên mui xe, cầm loa phóng thanh hét to lên:                

- A lô!… A lô! Hỡi đồng bào các giới chú ý lắng nghe đây! Chúng tôi là người của Tổng Hội Viên chức, trong Mặt trận quốc gia thống nhất kêu gọi đồng bào đừng nghe lời Việt minh cộng sản tuyên truyền kích động làm phương hại tới khối đại đoàn kết các dân tộc da vàng Đông Á. Chúng tôi chủ trương “Quốc gia chủ nghĩa độc lập” chống “Quốc tế chủ nghĩa liên minh”. Chúng tôi kêu gọi đồng bào hãy ủng hộ chính phủ do Đức Kim thượng đích thân chỉ định. Chính phủ đó đã nhận được quyền độc lập do người Nhật trao cho. Chính phủ đó cũng nhận được từ tay người Nhật đất Nam kỳ bao lâu nay đã là thuộc địa của nước Pháp. Đất nước ta được độc lập và thống nhất mà không tổn hao xương máu của đồng bào! Nước ta theo chính thể “quân chủ lập hiến” như những nước văn minh Âu Á hiện nay. Nhà vua biểu trưng cho sự thống nhất quốc gia. Mọi quyền lực nằm trong tay Nghị viện do nhân dân bầu cử tự do. Chính phủ điều hành công việc quốc gia và chịu sự phán quyết của cơ quan dân cử…           

Gái chợt nhận ra bên kia đường Nghĩa đi xe đạp trờ tới, phía sau chở người con gái tay ôm cặp sách. Gái né khuất cho em không nhận ra mình. Ông diễn giả cố gào to lên:         

- Hỡi toàn thể đồng bào       

Hãy tin tưởng vào một nước Việt Nam độc lập và thống nhất do Chính phủ của cụ Cử Trần Trọng Kim là người thông kim bác cổ, cùng với đức độ của mình cụ đã tập hợp được nhiều vị sỹ phu trí thức cựu học tân học tuổi trẻ tài cao thức thời tân tiến đầy uy tín điều hành đất nước!

Đồng bào hãy cùng chúng tôi đồng lòng:

- Chống Đế quốc xâm lăng! 

- Chống kẻ gây rối, giữ gìn trị an cùng cương thường phép nước!           

- Bài trừ bọn phản động tay sai Quốc tế liên minh!    

- Việt Nam độc lập vạn tuế!          

Vị diễn giả nói xong đứng nhìn mọi ngưòi rồi ông không biết nói gì nữa, cứ đứng trơ ra đó. Mọi ngưòi ngang nhiên bàn tán

- Đám này thân Nhật!                    

- Hoàng đế con hoang, nói chuyện với mẫu hậu phải có người thông ngôn qua tiếng Pháp chỉ đam mê săn bắn và sắc dục còn biết dân với nước là gì!

- Người chết như rạ, người đói nhăn răng mà toàn nói những chuyện đâu đâu.

Diễn giả và mấy ông đồng nghiệp đang lúng túng bỗng đám đông nhốn nháo xôn xao. Cả chục người mặc đồ màu xanh công nhân ào tới, xô mấy vị vào trong xe, đóng xầm cửa lại và đứng chặn ở bên ngoài. Một thanh niên trắng trẻo đẹp trai nhẩy lên mui xe, giật chiếc loa phóng thanh của vị diễn giả, cùng lúc người đứng dưới lôi ông ta xuống. Có tiếng la lên: Việt minh! Việt minh! Gái run lên nhận ra đó là em trai mình. Anh thanh niên nói to dõng dạc:

- Thưa toàn thể đồng bào! 

Gần trăm năm nay, Đế quốc Pháp xâm lược nước ta. Chúng đàn áp, khủng bố, bóc lột và đầy đọa dân ta như thế nào, đồng bào đã rõ.

Mấy năm nay, vì quyền lợi ích kỷ của chúng, bọn thực dân Pháp ở Đông Dương tỏ ra bất lực đã đầu hàng nhục nhã, để cho phát xít Nhật đặt thêm một ách đô hộ nữa lên đầu lên cổ nhân dân ta.

Thế là dân ta một cổ hai tròng, càng thêm điêu đứng lầm than!

Kết quả là gần một năm nay, trên địa phận Bắc kỳ, hàng triệu người đã chết đói và hàng triệu triệu sinh linh đang thống khổ!

Dân tộc ta đang bị dồn tới bờ vực thẳm!

Bộ máy cai trị tàn ác, tham lam và hèn nhát của bọn thực dân thuộc địa Pháp cũng bị lật đổ và tàn sát dã man bởi chính bàn tay phát xít Nhật.              Người ta dồn tới lúc một đông, nín lặng lắng nghe những lời nói thấu gan thấu ruột. Gái nhìn thằng em tay cầm loa phóng thanh quay qua quay lại bốn bề, tay kia huơ lên huơ xuống, giọng trầm bổng thiết tha:    

- Hỡi đồng bào!

Ở nông thôn, dân cày không có ruộng phải làm tá điền con ở mà vẫn chịu cảnh đói rét cơ hàn! 

Ở thành phố thợ thuyền thất nghiệp lo lắng hoang mang. Ai tạm kiếm được việc làm thì đồng lương không đủ sống. Người lao động trăm nghề lam lũ tối ngày vẫn không đủ ăn nói chi đến việc cho con cái học hành.                          

Trước cảnh đất nước nguy nan, dân tình điêu đứng thảm thiết như vậy mà triều đình nhà Nguyễn ngoảnh mặt làm ngơ, chỉ biết nhắm mắt ngửa tay trông chờ vào sự bố thí ban ơn của giặc thù xâm lược. Vua quan mải mê rong chơi trong thú vui săn bắn hoặc đắm say hưởng lạc chốn cung đình mặc cho dân tình nheo nhóc điêu linh!

Đám người đứng bên Gái xầm xì:

- Họ nói đúng quá rồi!

- Triều đình, Chính phủ chỉ là lũ mọt dân bán nước!

Gái thấy em nhìn về hướng mình, cô giơ chiếc nón lên che khuất mặt cho thằng em không nhận ra chị để nói được tự nhiên. Nghĩa hăng hái càng nói to hơn: 

- Hỡi đồng bào! Toàn thế giới đang liên kết lại chống họa phát xít đe dọa nền văn minh nhân loại. Ở Châu Âu, phát xít Đức, Ý đã bị đánh bại; lực lượng Cách mạng và Dân chủ đang phát triển chưa từng thấy! Ở Châu Á, phát xít Nhật đến ngày tận số; các nước nhược tiểu đang vùng lên mạnh mẽ!

Hỡi đồng bào!

Phải làm Cách mạng ta mới hy vọng được đổi đời! Tự ta giải phóng cho ta! Không thể trông chờ vào ai ban phát cho ta nền độc lập. Có chăng chỉ là lá bùa trừ yêu dối lừa những người nhẹ dạ cả tin!

Hỡi anh chị em dân cày, thợ thuyền và những người lao khổ! Hãy cùng nhau tay nắm chặt tay đứng lên lật đổ mọi áp bức bất công, xây dựng xã hội mới: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.

Hỡi toàn thể đồng bào! Mặt trận Việt minh kêu gọi đồng bào không phân biệt già trẻ gái trai, giàu nghèo, tôn giáo hay chính kiến hãy:

- Tích cực tham gia vào các Đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt minh!

- Tịch thu các kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo!

- Ủng hộ Đồng minh đánh đuổi phát xít Nhật. Không cho vũ khí của Nhật lọt vào tay quân Pháp đang âm mưu quay trở lại nước ta!

- Lật đổ chính quyền Đế quốc – Thực dân – Phong kiến và tay sai! Thành lập chính thể cộng hoà do nhân dân làm chủ!

- Việt Nam độc lập thống nhất muôn năm!

Đồng bào hãy can đảm đứng lên!

Anh vừa dứt lời, cô gái cùng đi hồi nẫy mở cặp tung ra những mớ truyền đơn bay phấp phới. Trong khi người ta tranh nhau nhặt xem những tờ truyền đơn ấy thì Nghĩa nhanh như con sóc nhẩy vọt xuống chạy tới chỗ người con gái. Hai người cùng nhẩy lên xe phóng vọt đi. Nhiều người nhìn theo trầm trồ:    

- Con cái nhà ai mà gan thế!                    

- Việt minh giỏi thật!                               

Đám người tản đi nhanh chóng. Chỉ còn lại chiếc xe đỗ giữa đường. Mấy ông công chức ngồi trong xe ngơ ngáo nhìn ra. Ông diễn giả sửa lại bộ áo quần xốc xếch, chui vào trong xe. Chiếc xe lạch bạch chuyển bánh không ai thèm để ý…              

Hai viên đội xếp lững thững đạp xe tới thì đám đông đã rã rồi. Họ vẫn ngồi trên xe, chống chân xuống đất, ngó quanh, không hỏi han chi rồi lại lững thững đạp xe đi.

Những cuộc diễn thuyết, giải truyền đơn như thế xẩy ra như cơm bữa. Người ta công khai bàn luận. Nó mang đến cho mọi người một tình cảm mới, một niềm tin mới và thật sự người ta mong muốn một sự đổi thay.       

Gái đứng bên gánh rau bàng hoàng nhìn mọi động thái của thằng em. Cô vừa vui sướng vừa lo sợ. Ở nhà sao nó hiền lành thế! Mỗi lần bị bà mắng, nó cứ ngồi yên hoặc đánh trống lảng quay ra quay vào. Lâu lâu lại gãi tai xin tiền chị gái. Cậu Tú tài kia đấy! Vậy mà nó dám một mình trèo lên cao giữa đám đông người, đẹp ngồn ngộn, chẳng sợ ai! Nó nói những gì mà người già người trẻ đều khen lắm! Nhưng sao nó liều mạng thế? Nếu mấy ông phú lít bắt được chắc phải vào nhà săng đá thì sống làm sao được! Chú mà biết nó đi theo người ta làm những việc này thì chắc chết quá! Gánh rau còn đầy, cô cứ đi loanh quanh khắp phố phường. Cô không thấy đói bụng, đầu óc cứ luẩn quẩn nghĩ đến thằng em và cô càng thấy lo lắng quá! Có nên mách với chú việc này không? Đôi chân cô dẻo dai quen thuộc đi qua Bờ Hồ, lên gần tới Chợ Đồng Xuân, vòng ra bờ sông, xuôi về Nhà Hát Lớn… khi trời đã ngả về chiều rồi.                                                             

Nghĩa đang đứng giữa mấy người công nhân ở vườn hoa bên Nhà Hát Lớn. Họ là những đội viên Đội tự vệ cứu quốc hỗ trợ cho anh diễn thuyết sáng nay. Bây giờ họ đang băn khoăn như người chơi cờ bí nước!

Người mai mối đã hẹn với tốp lính Nhật đứng gác Nhà máy A.V.I.A.T. vào giờ đầu chiều nay sẽ đem hàng hiếm tới đổi lấy súng đạn. Nghĩa đã sắp xếp Hương Giang  đóng vai nữ sinh, mang cặp đi ngang qua đấy, nhận ám hiệu là ghé vào thay ruột thật nhanh. Nhưng không may, lúc sáng, Nghĩa phóng xe vội vã quá đụng phải người đi đường. Hương Giang ngã xây sát mặt mày, khá đau, phải đưa vào Nhà thương Phủ Doãn, đến lúc này vẫn chưa về mà giờ hợp đồng sắp tới nơi rồi! 

Nghĩa nhìn ra giữa quảng trường nhận ra cái bóng thân quen của người chị, anh réo to lên:        

- Chị Gái… Chị Gái …ơi!              

Gái quay lại nhận ra em mình. Cô vứt đôi quang gánh tồng tuyềnh xuống, mấy quả ổi, doi trái mùa chưa bán hết rơi lăn long lóc trên mặt đường, cô chạy lại nắm tay em:

- Nghĩa… Trời ơi, mày làm tao sợ tưởng chết đi được! – và tự nhiên nước mắt cô chảy trào ra, miệng cô giật giật không nói được thành lời.               

Nghĩa líu ríu giúp chị vào bóng mát chỗ vườn hoa. Mấy người lạ đứng đó lảng ra. Gái nói mà giọng còn run trong hơi thở hào hển:                   

- Cậu chết nhé! Tôi biết hết rồi! Tôi mách bà, mách chú là cậu hết chối tội đấy nhé!     

- Em làm gì nào?                           

- Sáng nay cậu làm gì ở ngã tư Chợ Hôm? Tôi vừa gánh hàng tới đó. Tôi thấy hết từ đầu!       

Nghĩa trố mắt nhìn chị. Biết là không thể chối quanh được nữa, anh gãi đầu năn nỉ:                  

- Thôi, Thôi… Chị ơi… Em xin chị! Cùng lắm chị mách chú, em chịu nhận mấy cái roi. Chứ chị đừng mách bà… lỡ bà làm sao thì chị em mình cùng chết!

Gái thở dài, nhìn em thương hại:   

- Thế cậu còn đứng làm gì ở đây mà chưa chịu về nhà?

Nghĩa bật ra một ý táo bạo, anh cầm tay chị:

- Em có việc này… Chị chờ em một tý!

Và anh chạy về phía mấy người bạn đang đứng ở xa xa. Họ nói gì mà ra vẻ nôn nóng lắm, lắc gật cái đầu lia lịa. Rồi Nghĩa chạy nhanh về với chị trong khi mấy người kia nhìn cô như trông đợi lắm.

Nghĩa nhìn chị, cười gượng:                     

- Chị có tiền không?

Vừa nói tay anh vừa nắn túi áo chị, một cử chỉ xưa nay anh chưa từng làm. Gái nghĩ là em mình đang gặp việc gì khó lắm, cô thò tay vào túi, vừa móc ra mớ tiền lộn xộn thì Nghĩa đã vội chộp lấy:  

- Chị cho em mượn hết đi… Em không tiêu bừa đâu. Hôm nào có em sẽ trả!

Và anh chạy vội lại nơi mấy người bạn đang chờ. Mấy người chụm đầu lại vẻ hớn hở lắm. Rồi một người nhẩy lên chiếc xe đạp của Nghĩa phóng đi. Nghĩa tươi cười đi về phía chị. Anh kéo chị cùng ngồi xuống:     

- Chị ơi… Chị phải giúp em một việc này…      

Gái nhìn em chờ đợi…                   

- Chị thấy việc em làm có đúng không?

- Tao không biết!

Gái tự nhiên giận dỗi.           

- Chị không biết thì chị cứ phải giúp em. Không thì em chết!

Vẻ mặt Nghĩa ra vẻ trầm trọng lắm làm cô cũng sợ.

Gái biết Nghĩa là đứa ngoan, cả nhà ai cũng tin và thương. Nó không thể nào làm việc gì bậy bạ đâu. Mà bây giờ nó cuống quýt lên thế này chắc là có việc gì hệ trọng lắm đây. Cô ngồi trên chiếc đòn gánh đặt nằm ngang, tay cầm chiếc nón phe phẩy quạt cho em, lâu lâu mới hướng quạt về mình lắng nghe thằng em nói nhỏ những điều gì đó.

Một lúc sau, người kia quay xe trở lại. Anh ta lôi từ trong bị ra mấy chai rượu trắng. Hai người lôi đôi quang gánh của Gái ra, xếp đều những chai rượu vào hai bên rồi lấy hai mẹt quả chồng lên. Nghĩa trao lại đôi quang gánh cho chị:

- Chị cứ làm đúng như lời em dặn! 

- Cô yên tâm đi! Có chúng tôi giúp đỡ!

Lúc này Gái mới để ý tới người ấy. Anh ta dáng cao, gầy, nước da xanh mai mái, đôi mắt to hơi buồn mà giọng nói lại ấm áp, hồn nhiên khiến người nghe tin tưởng.    

Gái ghé vai quẩy đôi quang gánh bước đi mà lòng cứ phân vân hồi hộp: Không biết thằng quỷ xứ này nó bảo mình làm việc gì đây mà cứ úp úp mở mở thế nào. Cô hướng xuôi về qua cổng nhà máy A.V.I.A.T ở không xa đây lắm.

Gái gánh đôi quang lỏng chỏng lơ chơ mấy quả doi, quả ổi đã heo héo đi theo sát lề đường cùng bên nhà máy. Mấy thằng lính Nhật súng khoác trên vai, đi đi lại lại, mắt hau háu nhìn người qua đường. Gái run quá. Mọi khi bao giờ Gái cũng đi né phía bên kia đường cho nó xa ra nên không nhìn thấy đôi mắt quàu quạu của nó. Giáp lề đường, một bà quẩy gánh hàng rong, có mấy người đàn ông mặc áo công nhân đang chụm lại. Bà bán hàng thấy Gái đến sát bên cất tiếng hỏi:           

- Có rượu trắng bán không?                    

Gái quýnh quá, quên béng mất:              

- Có mấy trái ổi đây! Các anh mua hết đi, tôi bán rẻ cho.

Rồi chợt nhớ ra lời thằng em dặn, cô nói với thêm:

- À! Mà có mấy chai rượu nếp quê đây. Ai mua tôi cũng bán hết cho!

Trong ngực cô tim đập thình thình như trống ngũ liên.

Mấy người thanh niên công nhân kia kéo luôn cả đôi quang gánh của cô vào sau cái cổng bên. Chỉ một loáng thôi, họ kéo sền sệt đôi quang gánh ra trao trả lại cô và giục

- Đi ngay đi!                                  

Gái hấp tấp ghé vai nhấc lên mà sao nặng thế. Cô chần chừ đặt lại đôi quang gánh xuống, chưa kịp nói điều thắc mắc thì tên lính Nhật đi tới, nó giương khẩu súng ra với lưỡi lê sáng quắc hét lên:                 

- I kê! I kê! (Đi đi! Đi đi!)                

Gái quýnh đôi chân, lại nghe tiếng mấy anh công nhân hối giục:                     

- Quẩy gánh mau đi!                      

Gái ghé vai đứng vội lên kĩu kịt quẩy đôi quang gánh lạ lùng vừa đi vừa chạy. Được một khúc xa, anh thanh niên cao gầy lúc nãy từ bên kia đường rảo bước qua, nhẹ nhàng nói cho cô yên tâm:   

- Cô bình tĩnh đi! Chúng tôi vẫn theo bảo vệ cô đây. Không có chuyện gì đâu!                 

- Có người an ủi gái bớt lo đi, rồi lại phân vân: Mình làm cái gì mà phải có người bảo vệ? Hàng gì mà nặng thế này? Hay là hàng ăn cắp? Nhưng nghĩ tới thằng em, cô không tin nó dám làm việc ấy. Vậy là hàng gì đây? Lòng cô thắc thỏm.

Trời đã ngả chiều rồi, phố phường không còn nhiều người qua lại. Tại ngã năm Hàm Long – Lò Đúc, ngôi nhà như cái mũi tàu kia ở ngay đầu phố là kho gạo Nhật. Mấy người đói rách lèo khèo cầm cây chổi cùn quét đi quét lại mấy hạt gạo rơi vương vãi, dúm từng mớ cát nhiều hơn gạo luồn tay đặt vào đáy bị. Thằng lính Nhật léo nhéo xua đuổi mấy lượt mà một ông già chắc là không nghe thấy vẫn cứ cặm cụi vét từng hạt gạo. Nó xăm xăm đi tới, miệng chửi “Đôrôbô!” (Đồ ăn cắp!), chân tung lên đá… phốc, ông già lộn đi mấy vòng, cái bị văng ra, gạo đất tung toé. Nạn nhân không gượng dậy được nữa, mắt trợn lên, miệng ngáp ngáp trào bọt hồng ra mép. Mấy người đói loanh quanh ở đấy lao ngay tới, người giật cái bị, người vơ vội chút gạo vãi vung ra đó. Mấy thanh niên vừa đi đến đấy lặng lẽ bảo nhau khiêng người xấu số đặt lên thềm hè. Chắc sáng mai người ta lại quẳng ông già lên xe bò rác chở đi.

Gái cố ý đi né qua bên kia đường giáp vào bờ tường, vậy mà thằng lính Nhật còn nhìn thấy, nó giơ tay vẫy vẫy, miệng hét :

- ÔnanôhitồCô-i…! Cô-i…! (Cô gái… Lại đây! Lại đây!)

Gái quýu chân muốn khụy xuống. Hay là nó biết mình gánh hàng gian? Gái cố bước dài như chạy. Tiếng quát “Cô-i…! Cô-i…!” (Lại đây!... Lại đây!) càng như giận giữ, thằng Nhật sải dài chân ra. Anh thanh niên cao gầy đi bên Gái nhanh trí cúi xuống, vét cả số doi, ổi trên sàng, vòng tay bo hết vào lòng chạy qua đường đến ấn vào tay thằng lính Nhật. Nó vơ vội cho hết vào mấy cái túi quần, túi áo, miệng cười hài lòng! Cầm quả ổi trên tay, nó quệt lau vào áo và đưa ngay lên miệng, vừa đi lại vừa nhai nhồm nhoàm.

Gái hồn vía như bay hết lên mây. Cô quẩy quang gánh vừa đi vừa chạy. Sau lưng cô hai anh thanh niên lạ lẫm kia cứ bám theo lẵng nhẵng.                    Qua đầu ô, tới trước cửa nhà ông Phán, Gái như người hết hơi. Cô vứt bịch đôi quang gánh xuống bên đường và chạy vào nhà. Thấy chú, cô chỉ kịp kêu lên:       

- Chú ơi!

Rồi cô ngồi bịch xuống đất tưởng như không thở được nữa. Ông Phán chưa hiểu ra sao chạy ra cửa nhìn lên đường thấy hai thanh niên đang loay hoay với đôi quang gánh. Ông vẫy tay gọi lại. Anh lớn tuổi hơn, người cao gầy chạy tới…    

- Có chuyện gì ?

Ông trừng mắt lên và nghiêm giọng hỏi.               Anh thanh niên lúng túng. Ông Phán quay vào nhà. Anh thanh niên đi theo sau. Gái bây giờ mới hoàn hồn, vừa thở vừa nói như muốn khóc:      

- Chú ơi! Thằng Nghĩa nó lấy hết tiền của cháu mang đi mua rượu đổi cho lính Nhật. Nó bắt cháu gánh cái gì mà nặng trình trịch! Lại có mấy anh này theo bám riết về đây!            

Anh thanh niên ngập ngừng chưa biết thanh minh thế nào nhưng thấy nét mặt ông Phán bớt căng thẳng rồi, anh đành phải nói thật ra:                        

- Chúng cháu là người cùng… với anh Nghĩa… đi theo để bảo vệ cô ấy!

Ông Phán gần như đã hiểu ra, vui vẻ bảo cháu:

- Thôi! Cháu cứ mang mấy thứ đó về nhà đi! Thế nào thằng Nghĩa cũng về.

Gái quay ra, lại quẩy gánh trên vai đi xuống đường làng. Bây giờ thì hai anh công khai đi theo sát bên cô. Gái cúi đầu ráng bước cho mau. Hai anh phải sải dài chân bám theo cô.

Anh lớn tuổi vừa cười vừa nói:      

- Thôi… Bây giờ hết sợ rồi, đi từ từ lại thôi!

Gái đi chậm lại, trách nhẹ một câu:

- Các anh cũng thấy mệt à?           

Anh ta cười làm lành:                    

- Cô tên gì nhỉ?                    

- Tôi tên Gái!                                 

- Là gái thì rõ rồi! Có ai bảo cô là trai đâu!

Gái bật cười, hơi đỏ mặt:               

- Ông bà cha mẹ đặt cho tên gì thì mình biết vậy chứ sao!

- Chẳng qua lúc sinh mình ra, các bà đau quá, thấy con trai, con gái là cứ gọi bừa đi thôi chứ có ý định đặt tên đâu! Lớn lên mình phải đặt một cái tên theo ý mình chứ!

- Mà biết đặt tên gì bây giờ?

Gái thấy anh này nói có duyên nên bắt chuyện.

- Thì đặt tên là Bình đi!                 

- Thế anh tên gì?                            

- Nói thật cô đừng cười nhé! Lúc mới sinh ra, tôi cũng chịu chung số phận như cô ấy. Thầy đẻ tôi cứ gọi tôi là thằng… C… o… ò!

Gái đỏ mặt quay đi, lấy tay bịt miệng. Anh chàng cùng đi khoái quá cười ha hả.               

- Lớn lên, hiểu ra, biết nghĩ mới tự đặt cho mình cái tên Bình đấy! Cô thấy có được không?       

Gái liếc nhìn anh ta rồi bước đi nhanh hơn. Anh chàng đi bên cười hì hì hưởng ứng.

- Cái tên Bình hay lắm đấy cô ạ! Mình là người bình thường làm ăn lương thiện nhé! Mình mong muốn yên bình thì mới có hạnh phúc chứ!

Gái càng bước nhanh hơn nhưng cô có cảm giác anh này nói chuyện vui mà thật lòng.          

Gần về tới cổng nhà, Gái chợt nhớ ra: Tự dưng mình dắt mấy người lạ về nhà, nói làm sao với bà nội đây? Thấy cô cố ý chần chờ, anh Bình hỏi:       

- Sao? Cô sợ à? Nhà có đông người không?

- Chỉ có bà tôi với một thằng em!            

- Thì tôi nhận là tôi đem đến những thứ này đến cho anh Nghĩa!                     

- Thôi! Bà tôi càng nghi ngờ, lục vấn khó trả lời lắm. Tôi không nói gì hết, cứ giấu đi, chờ thằng Nghĩa về giao cho nó. Các anh biết nhà đây rồi còn gì.        

Hai anh trước khi quay đi còn dặn dò cẩn thận:

- Cô giấu kín đi nhé! Nhớ đừng mở ra vì hàng này dễ hư hỏng lắm!

Trời tối mịt rồi Nghĩa mới về.

Bà nội vẫn ngồi lần tràng hạt tụng kinh. Tiếng mõ cốc… cốc… cốc… đều đều lâu lâu lại điểm tiếng chuông bo… ong… đúng nhịp nghe yên ả mà càng sâu lắng tưởng như khối đêm đen dầy đặc bỗng nhẹ hẫng bay lên bồng bềnh lơ lửng.    

Gái xua tay ra hiệu cho em giữ yên cho bà tĩnh lặng. Ba anh em kéo nhau xuống dười nhà ngang.

- Thằng quỷ, mày làm  tao một phen hú vía!

Nghĩa cười hì hì:                            

- Em xin chị… Em bí quá. Vậy mà lại hay!

- Hay cái gì? Mày bảo tao chở hàng gian à?

Nghĩa không trả lời, bảo thằng Chu cùng khiêng ra hai cái bọc và anh mở tung ra: Toàn những quả lựu đạn tròn xoe và những viên đạn vàng choé, đỏ au, cả khẩu súng ngắn cùng với mấy con dao lê sáng lạnh rợn người. Gái và Chu run cầm cập chạy xô về một góc…

- Trời ơi… Mày bảo tao chở hàng quốc cấm… Nó mà bắt được thì tao bỏ đời!

Nghĩa an ủi chị:                             

- Chỉ có thằng tây, thằng Nhật mới cấm mình không được quyền có những thứ này thôi. Nhưng Tổ quốc mình lại đang rất cần có nó!

Và anh cầm từng trái lựu đạn nhấc lên giải thích:

- Đừng sợ. Không có gì là nguy hiềm cả. Nó chỉ nổ khi mình mở cái chốt an toàn này thôi!

Rồi anh giơ tay lên miệng làm hiệu:

- Nhưng phải bí mật tuyệt đối. Lộ ra là chết cả nhà!

Gái dậm chân, nói rít qua kẽ răng:          

- Nhưng mày rước cái của nợ này về nhà làm gì?       

Nghĩa đứng lên phát cáu với chị:             

- Để chuẩn bị đánh Nhật, đánh Tây! Chúng nó hành hạ dân mình như thế, chị không tức sao?

Rồi như biết mình lỡ nóng là không đúng, anh dịu giọng xuống:                      

- Phải gom góp nó bằng nhiều cách. Tích trữ thật nhiều vào! Khi cần mình cũng có súng đạn chọi lại với chúng nó!

Anh nhìn chị và em, nói ngọt động viên: 

- Bây giờ mấy chị em mình đem nó giấu vào một nơi thật kín. Nhớ đừng nói cho bà biết nhé!     

- Chú mà biết việc này là không xong đâu đấy!

- Miễn là ta đừng lộ ra. Mọi việc để em lo!

Nghĩa cúi xuống, lễ mễ nhấc một bọc lên. Chu muốn giúp anh nhưng sợ, cu cậu lò dò:             

- Có làm sao không ?

- Con trai mà nhát như cáy! Rồi mày cũng phải tham gia vào những chuyện này! – Nghĩa mắng nhẹ em.                                                                           

Mãi khuya ba anh em mới lên nhà trên. Bà vẫn ngồi trên chiếc phản giữa nhà lần tràng hạt. Nghĩa chạy đến vịn vai bà:        

- Sao bà chưa đi ngủ?                    

Bà cụ đặt giây tràng hạt xuống, hai tay bà giơ lên quờ quạng, giọng bà run run:               

- Thằng Nghĩa đấy à? Thảo nào mà từ tối đến giờ, bà tụng kinh niệm Phật mà trong lòng cứ thấy nao nao không ngủ được! Cháu về từ lúc nào? Ăn uống gì chưa?

Nghĩa thương bà quá:

- Cháu về thấy bà đang tụng kinh, cháu xuống bếp ăn rồi!

- Trời ơi… Tội nghiệp cháu tôi! Con Gái đâu… Mày để cho em nó ăn gì? Có gói ruốc bông với mấy con cá khô chú mày cho, bà vẫn cất trong buồng để dành cho nó đó!

Bà lại quay qua Nghĩa:

- Cháu học hành thi cử thế nào?

- Tốt lắm bà ạ!

Bà thở dài dặn cháu:

- Học gì cũng vừa phải thôi. Như thằng cha mày học hành ngày đêm quên ăn quên ngủ mới lấy được mảnh bằng. Làm quan chưa được hưởng lộc, cha mẹ, vợ con, anh em chưa được nhờ vả gì thì đă ôm bệnh mà chết. Để hận cả đời!

Nghĩa an ủi bà:                                                       - Cháu không làm quan đâu! Cháu chỉ làm dân thôi! Làm dân của một nước độc lập, bà biết không?

Anh chợt biết mình lỡ lời thì đã buột miệng ra rồi.

- Tao chẳng cần biết độc thật độc giả là gì. Tao chỉ cần chú cháu, anh chị em chúng mày thương yêu đùm bọc lẫn nhau là tao dù có chết cũng sướng rồi!

Sáng ra, Nghĩa chào bà ra đi. Bà lần tìm cái hầu bao, kêu thằng cháu đích tôn lại. Bà run rẩy mãi mới lần ra một cục tiền giúi vào tay cháu:

- Nhớ phải chịu khó ăn uống tẩm bổ nhiều vào cho nó khoẻ lên!

Nghĩa biết tính bà. Anh không bao giờ dám từ chối những thứ bà cho. Bà dễ tủi thân nghĩ mình già vô dụng, con cháu chẳng cần mình. Anh chỉ cầm một nửa số tiền bà cho thôi, còn đưa lại cho chị gái:              

- Em trả nợ chị ngày hôm qua đây!

- Chút nữa tao lại nộp cho bà chứ gì!

Ông Phán Thanh bàn với ông Tham Phú:

- Trong lúc đất nước ngả nghiêng như thế này mà vua tôi cứ ru rú ở Huế cãi cọ tranh công, tiêu dao chờ thời! Thằng Nhật thì buông tay súng chờ ngày bị áp giải về nước! Quần thần thì ngáo ngáo ngơ ngơ như rắn mất đầu. Dân tình càng thống khổ mà nhìn về tương lai mờ mịt xa khơi. Công việc quốc gia không có ai chủ trương quyết đoán cả!

Ông Tham theo dõi tình hình sát lắm:

- Hội nghị tứ cường ở Posdam quyết định lấy vĩ tuyến 16 làm giới tuyến. Ở phía Nam là quân Anh-Ấn, ở phía Bắc là quân Tàu Tưởng sẽ vào giải giới quân Nhật và lôi cổ chúng nó về nước!

Ông dừng lại, giọng ông thấp xuống:      

- Toa còn nhớ lời moa nói không? Thừa dịp này thằng láu cá De Gaulle nó lại thọc vào!

Ông Phán muốn lảng chuyện:

- Nhưng trong cuộc họp ở khách sạn Métropol vừa rồi của các phái đoàn Đồng minhđến tiếp quản sự đầu hàng của Nhật, thằng Pháp đâu có được xía vào!

- Toa thật thà quá! Moa đã nói rồi: Những thằng giàu tuy vẫn chành chọe nhau nhưng khi không nhai được thì chúng nó cũng cứ xí phần cho nhau… Đó, rồi toa xem !

- Cũng có thể vì thế mà ngày 13 tháng 8, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc đã phát Lệnh tổng khởi nghĩa rồi!

Ông Tham vỗ đùi đánh đốp:

- Tuyệt quá đi chứ! Đang lúc quân vô tướng hổ vô đầu này mà không làm gì thì xôi hỏng bỏng không hết!

- Nhưng còn trở ngại trước mắt, anh biết không?

Ông Tham giương mắt nhìn ông Phán. Ông Phán vẫn giọng đều đều:

- Không ngon cơm ngọt canh lắm đâu! Thằng Nhật trước khi cuốn gói cút đi, nó còn muốn hà hơi dựng dậy cho cái Chính phủ mà nó nặn ra…

Ông lấy từ trong túi ra một tờ Thông báo:

- Tuyên cáo ngày 14 tháng 8 mới nhất của Chính phủ Trần Trọng Kim đây!

Ông Tham giật lấy, giơ lên đọc:

- … Toàn thể nội các chúng tôi nhất quyết không lùi một bước trước một sự khó khăn nào cả để làm tròn sứ mệnh là kiến thiết quốc gia, củng cố nền độc lập của Tổ quốc. Muốn đạt được mục đích ấy chúng tôi vẫn hợp tác chặt chẽ với Nhà đương chức Nhật Bản !

Ông Tham vừa hạ tờ giấy xuống, ông Phán bồi thêm luôn:

- Phụ họa vào, đám Mặt trận Quốc gia thống nhất cũng mới họp bất thường. Chúng nêu ra ba khẩu hiệu: Chống đế quốc ngoại xâm – Bảo vệ trị an và Bài trừ phản động!… Ý chúng nó nói phản động là ám chỉ Việt minh mình đây!

Ông Tham đứng bật dậy quát lên:

- Đám bị thịt ấy moa không lạ gì! Thằng kỹ sư Quốc! Thằng giáo Thỏa! Thằng dược sỹ Anh! Một bọn háo danh, hoạt đầu! Nhưng toa nói anh em mình cứ yên tâm đi, lúc nước sôi lửa bỏng là chúng nó lặn biệt tăm ngay chứ không như Việt minh chịu đứng đầu sóng ngọn gió bấy lâu nay đâu. Dân chúng người ta biết hết!                                                                    

- Vấn đề là bọn chúng nắm được cánh chóp bu ở Tổng hội viên chức của mình. Chúng muốn dựa vào đấy để làm áp lực hậu thuẫn cho đám thân Nhật ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim!

Ông Tham đi lại đùng đùng, dậm chân thình thịch… 

- Anh biết không… Ngày 17 tháng 8 này, chúng nó dự định tổ chức một cuộc mít tinh ở quảng trường Nhà Hát Lớn gây thanh thế đấy!

Ông Tham dừng ngay lại, chỉ thẳng vào ông Phán, cắt ngang lời: 

- Tại sao ta không nhân dịp này lấy gậy ông đập lại lưng ông ?

Ông ngửa mặt lên trời cười khà khà:                 

- Oh! Voil-à! (Ô! Thế đấy!)

- Anh tinh ý lắm! Đó cũng là chủ trương của Mặt trận Việt minh. Biến bị động thành chủ động. Cũng nhân dịp này ta huy động thật đông người tham gia và ta sẽ vạch mặt bọn nó ra cho mọi người biết rõ trắng đen!

- Moa ủng hộ cả hai tay! – Ông Tham sôi nổi.

Ông Phán nhắc nhở thêm:

- Các cơ sở của ta phải áp đảo bọn hoạt đầu, lôi kéo anh em về phía mình!          

- Ô! Trong Ban đại diện Hội viên chức của mình ở đây moa trị được! Thằng Tham Lợi, thằng Thông Khoan giờ mũ ni che tai rồi! Có toa Việt minh làm quân sư hỗ trợ vào, moa làm được!       

Thời gian gần đây, ông Tham nể trọng ông Phán hơn. Lúy ít nói mà chắc chắn, chân thành, thuyết phục. Ông biết mối liên hệ của ông Phán với Việt minh sâu chắc lắm.

Hai anh em rì rầm bàn chuyện và chia tay nhau phấn chấn lắm…

Trưa ngày 17 tháng Tám.

Quảng trường Nhà Hát Lớn thành phố đông nghịt những người. Cả hai Mặt trận đều vận động người của mình đi thật đông để phô trương thanh thế áp đảo nhau. Người ta rủ nhau đi từng tốp hoặc kéo đến từng đoàn. Người trang phục đĩnh đạc chỉnh tề ra dáng công chức. Người lớn tuổi mặc áo the thâm, mũ cát trắng. Những thanh niên nam nữ dáng vẻ học sinh. Có những người trai trẻ mặc áo quần công nhân đứng chen vào khối nhân viên công chức. Ông Phán nhận ra một người dáng quen quen. Anh ta cao, gầy, nước da mai mái. A! Đúng rồi… Người của Nghĩa! Ông thấy yên tâm, nói nhỏ với ông Tham:             

- Có nhiều người đằng mình lắm!            

Trên bao lơn Nhà Hát Lớn mấy người vận đồ sang trọng đi lại, nhìn xuống đám đông. Ước chừng có tới khoảng hai vạn người đang chờ đợi. Rồi họ vẫy nhau chụm lại như bàn bạc quyết định điều gì.

Bỗng từ các loa phóng thanh phát ra những âm thanh rồ… rồ… ré… ré… nghe chói tai. Một ông tiến tới trước micro tay gõ cọc… cọc… miệng thổi phù… phù… và nói những gì, người ta nghe câu được câu chăng:        

- Đồng bào… Tổng hội viên chức… mít tinh… công bố… thế giới… trong nước… giới thiệu ngài… đại diện… rè… rè… rè…                   

Có ai đó nói tiếng Pháp rất rõ, mọi người đều nghe được:

- Approchez-vous du micro pour parler, on ne vous entend pas bien! (Anh hãy đến gần micrô mà nói. Người ta không nghe anh rõ đâu!)

Một ông đeo kính trắng, tóc chải mượt lắm, tay cầm tờ giấy tiến lên. Ông ta vừa dừng lại trước micro, ngước đầu lên, đằng hắng lấy giọng vừa định nói thì đột nhiên một lá cờ đỏ sao vàng tung ra. Lá cờ rất to, phủ kín cả khoang trước tòa nhà. Cả biển người nhốn nháo. Tiếng reo hò vang lên:

- Cờ Việt minh… Cờ Việt minh!

- Hoan hô Việt minh!

Cùng lúc ấy trong đám đông người đứng tại quảng trường, hàng trăm lá cờ đỏ sao vàng các cỡ được giấu trong người bây giờ người ta giơ cao nó lên phất phất. Ông Phán Thanh cũng tung ra một lá cờ to. Ông Tham Phú nhanh nhẹn đỡ lấy một đầu. Hai anh em cùng giơ cao lên. Lá cờ che khuất hai người nhưng nó làm đỏ rực lên một góc khiến những người đứng đó phấn chấn reo hò ầm ĩ.

Mấy thanh niên học sinh và công nhân giương cao lá cờ đỏ sao vàng chạy quanh khắp đám đông trong khi một anh Tự vệ cứu quốc tiến tới chân cột cờ vung kiếm lên chặt một nhát đứt phăng chiếc dây của lá cờ quẻ ly phất phơ đứng đó mà không ai ngó tới. Lá cờ lập tức rũ xuống, rơi ngay tại chân cột cờ và người ta chạy qua xéo đạp lên tã nát! 

Trên bao lơn Nhà Hát, ba đội viên Tuyên truyền xung phong ào lên, giơ súng, dồn các vị trong Ban Tổ chức vào một góc sau. Hai cán bộ Việt minh – một nam, một nữ, đứng trước micro huơ huơ hai tay lên chứng tỏ sự hiện diện của mình. Một giọng nữ Huế ấm áp ngọt ngào mà tự tin cất lên:              

- Thưa toàn thể đồng bào !

Quảng trường đang ồn ào như gió bão bỗng im phăng phắc. Một cảm giác thật trang nghiêm:

- Chúng tôi là người của Mặt trận Việt minh. Chúng tôi kêu gọi đồng bào cả nước đồng tâm hiệp lực đánh đổ chính quyền đế quốc – phong kiến và tay sai bán nước giành độc lập tự do…                          Tiếng reo hò không ngớt. Bao lâu nay nghe nói có Việt minh nhưng họ vẫn ẩn hiện chưa rõ thật giả thế nào. Bây giờ rõ ràng thấy mặt nhau đây… Chính họ thay mình nói lên những điều mong ước. Hai anh em ông Tham, ông Phán giơ cao lá cờ, nhẩy tưng lên tưởng như hồi còn trẻ… 

- Hỡi quốc dân đồng bào

Giọng một người nam đứng bên vang lên. Tất cả lại lắng xuống và im phăng phắc…         

- Hàng trăm năm nay, Đế quốc Pháp thôn tính nước ta, đàn áp dã man và bóc lột nhân dân ta thậm tệ! Năm năm nay, Phát xít Nhật xâm lược Đông Dương, bắt nhân dân ta chịu thêm một ách nô lệ nữa! Chúng đã gây nên bao nhiêu đau thương tang tóc cho đồng bào ta! Đất nước ta xơ xác tiêu điều! Cũng mấy năm nay, Mặt trận Việt minh luôn ở bên cạnh đồng bào, cùng chia sẻ mọi khổ đau và hăng hái đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng Tổ quốc. Lực lượng võ trang du kích của Mặt trận đã mở rộng những khu căn cứ giải phóng và trừng trị những tên cướp nước và bán nước!

Nay giặc Pháp đã bỏ chạy! Giặc Nhật đã thua trận và chịu đầu hàng Đồng minh vô điều kiện! Đây là vận hội lớn để nhân dân ta giành lại giang sơn gấm vóc, mang lại đời sống ấm no hạnh phúc cho đồng bào! Mặt trận Việt minh kêu gọi đồng bào:

- Đoàn kết trong Mặt trận Việt minh!

- Lật đổ Chính quyền tay sai bán nước!

- Giành Chính quyền về tay nhân dân!

- Xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc!

- Việt Nam độc lập muôn năm!               

Cả khối người đông đảo cùng thét vang lên:

- Đánh đổ phát xít Nhật!               

- Đánh đổ chính quyền bù nhìn thân Nhật!

- Ủng hộ Việt minh!                       

Có vài tiếng hô cố to lên:               

- Đả đảo Việt minh!                      

- Ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim!     

Nhưng nó bị lấn át đi trong những tiếng hô vang dậy. Ông Tham đứng gần đấy trừng mắt lên, vung tay nạt lại:

- Ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim sao được? Anh chị em có biết không… Nội trong hai tháng đầu năm nay, chính quyền thực dân Pháp nộp cho thằng Nhật 100 triệu PIASTRE (Đồng tiền Đông Dương lúc đó). Nhưng chỉ từ sau ngày 9 tháng Ba đến tháng Tám này, Chính phủ được mang tiếng là độc lập của Trần Trọng Kim đã giao cho giặc Nhật 720 triệu Đồng! Thử hỏi làm sao mà đồng bào ta không chết? Đó đích thực là một chính quyền tay sai của Nhật!

Những người đứng đó biết rõ những lời vừa tố cáo là chính xác. Họ lại la ầm lên:

- Chính phủ Trần Trọng Kim bán nước!

- Việt minh vì nước vì dân thực sự!

Biển người rùng rùng chuyển động tủa ra tuần hành dọc theo các đường phố. Lá cờ Việt minh trương lên giữa Nhà Hát trong lúc mít tinh giờ được chuyển xuống căng rộng ra, dẫn đầu đoàn người chập chùng như sóng biển. Đoàn người vừa đi vừa phất cờ hò reo náo động lòng người theo phố Tràng Tiền ra Bờ Hồ, ngược lên Hàng Đào, Hàng Ngang, qua Chợ Đồng Xuân, Vườn hoa Hàng Đậu, qua Cưả Bắc thành, tới Phủ Toàn quyền, vòng về Cột Cờ, Hàng Bông Đệm, Hàng Gai và dừng lại ở Bến xe điện Bờ Hồ thì trời tối đã lâu lắm rồi. Có nhiều cụ già, đàn bà con gái cùng đi theo đoàn cả chặng đường dài mà không biết mệt. Mọi người quây quần lại đứng ngắm lá cờ đỏ sao vàng trải rộng ra tưởng như nó mênh mông lắm và gửi gắm vào đó cả niềm tin và lòng hy vọng.

Trước khi chia tay tạm biệt lá cờ, mọi người đứng nghiêm cùng hướng về đó chào một lần nữa lá cờ chiến đấu và thầm hẹn quyết bảo vệ lá cờ thiêng liêng đó. Các khẩu hiệu lại vang lên:

- Việt Nam độc lập muôn năm!     

- Đả đảo bù nhìn!                          

- Ủng hộ Việt minh!                       

- Việt Nam hoàn toàn độc lập!

- Việt Nam muôn năm!

- Việt Nam vạn tuế!

Người ta cảm thấy như hồn Tổ quốc đã về đây.

Việt Nam ta sống dậy rồi!

Ông Tham, ông Phán đều phấn chấn. Không ngờ tình cảm của dân chúng đối với Việt minh lại lớn lao như thế. Hai ông tự cảm thấy dù sao thì bấy lâu nay mình cũng chưa thật sự vào cuộc! Vậy thì các ông phải lăn lóc vào với mọi công việc của Đoàn thể như đó chính là công việc của mình. Thành bại mình chịu chung với nó. Các ông tin tưởng vào những việc mình đã làm là hữu ích. Bao lâu nay mỗi người một tâm trạng, tưởng như có lúc đã quên đi. Có dịp được đem tài sức của mình cống hiến thiết thực cho Tổ quốc là một cơ may đời người hiếm  gặp. Còn có sung sướng nào hơn.

Suốt ngày 18, từ sáng tới chiều, người ta đi hàng đoàn kéo tới Phủ Khâm sai biểu dương khí thế. Có tin loan báo Khâm sai đại thần Phan Kế Toại đã đào nhiệm bỏ về quê ở Sơn Tây, giao quyền lại cho Ủy ban chỉ đạo chính trị của mấy anh trí thức muốn chia quyền cai quản đất nước! Lực lượng Bảo an binh chưa biết vào tay ai nhưng qua nhân mối, ta đã liên hệ với viên quan ba chỉ huy của trại, nhiều binh sỹ mất tinh thần, giao động và được ta cảm hoá. Nhiều người đổ về Hỏa Lò đón người thân là tù chính trị bị giam giữ bao lâu rồi, hôm nay được thả ra. Người ta ôm lấy nhau khóc khóc cười cười và hối hả giục nhau về như có bao nhiêu công việc đang chờ. Cờ Việt minh lớn nhỏ công khai xuất hiện khắp mọi nơi. Người đi đường cầm trên tay lộ liễu không cần phải giấu. Các Đội tuyên truyền xung phong công nhiên đi khắp các phố phường phát truyền đơn và vận động bà con may cờ đỏ sao vàng, gọi loa hô hào khởi nghĩa. Một sự chuyển biến lớn lao tới nơi rồi, ai cũng thấy. Ông Phán, ông Tham đi đi về về như con thoi.

Khuya rồi, bà Phán còn cặm cụi may cờ. Bao nhiêu vải đỏ, vải vàng, bà nghe lời ông mang hết về nhà sẵn sàng phát không cho những ai cần đến để may cờ. Còn tính toán hơn thiệt làm gì trước một việc nghĩa lớn lao như vậy

Ông Phán đặt mình mà cứ bồn chồn không ngủ được. Có tiếng giật chuông gấp. Như trước kia thì ông còn phải nghe ngóng hồi lâu xem động tĩnh thế nào, phải cùng bà xét đoán rồi mới quyết. Nhưng bây giờ thì ông bật dậy ngay và lao ra cửa.

Nghĩa trở về phờ phạc, hai mắt trõm sâu, áo quần phong sương nhưng nét mặt hồ hởi lắm. Anh nói trong hơi thở gấp:

- Chú thím ơi… Giờ phút quyết định đến rồi!

Anh kể cho chú thím nghe lý do vắng mặt của anh: Anh được theo bảo vệ bác Trịnh lên chiến khu Việt Bắc dự Đại hội quốc dân do Tổng bộ Việt minh triệu tập, có đủ các đại biểu trong Nam ngoài Bắc. Đại hội quyết định cả nước khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Đại hội đã bầu ra Ủy Ban dân tộc giải phóng Việt Nam do nhà đại cách mạng Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và nhà cách mạng danh tiếng Trần Huy Liệu làm Phó chủ tịch, quyết định quốc kỳ, quốc ca của Nhà nước mới. Anh hào hứng nói:         

- Ủy ban khởi nghĩa của Hà Nội đã được thành lập và quyết định ngày mai – 19 tháng Tám toàn thể nhân dân Thủ đô vùng lên cướp chính quyền! 

Ông Phán cũng muốn chia sẻ với cháu niềm hy vọng của mình:                             

- Cả thành phố như đang sôi lên. Không khí khởi nghĩa công khai nhộn nhịp. Mọi người đều mong đợi. Các trại lính Nhật không thấy động tĩnh gì vì cũng không ai trêu chọc nó. Bỗng chiều nay nó rầm rập đổ quân từ ga xe điện Bờ Hồ đến Nhà Hát Lớn. Đứa nào cũng mặt hầm hầm, miệng ré lên những tiếng nghe ghê rợn, tay súng lăm lăm giương lê sáng loáng. Mấy chiếc xe tăng gầm gừ chạy quanh khu Nhà Hát Lớn và Bộ Tổng Tham mưu Nhật ở bờ sông, súng liên thanh nhăm nhắm. Nhưng dân chúng không khiếp sợ, càng xô đến thật đông vây chặt bọn sỹ quan, nói chuyện và tán phát truyền đơn viết bằng tiếng Nhật…

- Cháu có vào Ủy ban quân sự thành nhận nhiệm vụ. Anh em mình một số hăng hái quá, mang súng ống lộ liễu nghênh ngang, nó nghĩ rằng mình khiêu khích nên phản ứng lại. Nhưng mọi chuyện đã giải quyết xong rồi!

- Cách đây mấy hôm, anh Bình đã mang đi hết số súng đạn rồi. Các anh trong Ủy ban khởi nghĩa đã giao việc cụ thể cho Hội viên chức cứu quốc.               

- Chú thấy bác Tham có tham gia tích cực không?     

- Bác ấy hăng hái lắm. Nhưng bác ấy vẫn dè chừng thằng Pháp. Bọn Pháp từ trong các nhà tù của Nhật mới được thả ra tụ tập nhau lại hầm hè…       

- Bác ấy nghĩ đúng đấy! Nhưng bây giờ mình nhằm vào công việc khẩn thiết trước mắt là vận động toàn dân khởi nghĩa cướp chính quyền.

Nghĩa phấn khởi kể cho chú nghe:

- Trong khi bác Trịnh lo chuyện hội nghị, cháu được trên cho học một lớp Quân sự cấp tốc.

Anh nhìn chú rất vui:                             

- Chú có nhớ anh sỹ quan người Nhật Hashimoto không nhỉ?

Và anh trả lời luôn thay chú:

-  Anh hàng binh Nhật chú đã gặp hôm qua bên Bắc xin cụ Tuần tha cho cháu đó! Anh ta bây giờ là huấn luyện viên quân sự cho ta. Anh vẫn nhớ chú đấy và tin tưởng rằng cuộc đấu tranh giành độc lập của ta nhất định thắng lợi và anh hứa sẽ làm hết mình giúp đỡ chúng ta, coi như một sự lấy công chuộc tội!

- Nhưng tội lỗi đâu có phải do anh ấy gây ra! – Ông Phán thở dài:

- Con người ta hay dở nhiều khi cũng tùy vào thời thế!

- Cũng có cả mấy sỹ quan người Mỹ dạy về kỹ thuật điện báo nữa.                 

- Thế người Mỹ có ủng hộ Việt minh không? – Ông Phán ngạc nhiên.   

- Cháu nghe bác Trịnh nói Cụ Hồ là nhà cách mạng quốc tế lão luyện. Cụ nhìn xa trông rộng lắm. Cụ đã từng sang Côn Minh tiếp xúc với phái bộ Mỹ ở Hoa Nam tranh thủ sự đồng tình của họ. Tháng trước họ có cho một nhóm năm người nhẩy dù xuống Việt Bắc và đã liên hệ được với ta. Đáng tiếc là trong nhóm đó có cả sỹ quan người Pháp! Các nước lớn họ vẫn dính dấp với nhau về quyền lợi.        

- Thế Nga Xôcó ủng hộ mình không?    

- Từ trước thế chiến, Quốc tế Cộng sản giải tán thì Đảng Cộng sản ở các nước tùy hoàn cảnh mà đề ra các đối sách cho thích hợp. Trong chiến tranh, công việc trọng tâm của những người cộng sản là tích cực tham gia vào các liên minh chống phát xít. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng vậy. Bản thân nước Nga phải gồng gánh quá sức tưởng tượng và bị tổn thất nặng nề nhất thế giới. Trong khi nước mình lại ở hẻo lánh bên đây bờ Thái Bình Dương cho nên họ cũng không giúp gì được cho mình.

- Cháu có phải là đảng viên cộng sản? – Ông Phán hỏi thẳng.                         

- Nếu cháu là cộng sản chú có sợ không?

Nghĩa nhìn thẳng vào chú.            

Ông Phán trầm ngâm một lúc rồi nói trong vẻ suy tư:                                                                      

- Chú cũng chưa biết tương lai của chủ nghĩa cộng sản thế nào nhưng như người ta kể những chuyện về  giai cấp đấu tranh thì ghê quá!   

- Tất nhiên là đế quốc, thực dân, phát xít không bao giờ ưa cộng sản!

- Nhiều người vẫn còn nhắc tới cái Xô viết đỏ…

- Thực ra từ vua quan đến hào lý chức dịch, địa chủ, tư bản đều dính dấp tới thực dân đế quốc. Chúng nó dựa dẫm vào nhau cho nên rút dây phải động đến rừng. Nhưng chú có biết bọn nó triệt hạ thảm khốc cả vùng quê Nghệ–Tĩnh như thế nào không? Lại càng nung nấu thêm mối hận thù!

- Bác Trịnh Huy trước đây theo đảng ông Nguyễn Thái Học. Khi những người cầm đầu Quốc dân đảng bị lên máy chém và hàng ngàn đảng viên của họ bị giết chóc và đưa đi đày biệt xứ, bác ấy cũng bị đày ải phát vãng chán ở Côn Lôn mà sao bây giờ lại theo cộng sản?

- Bác ấy giảng cho cháu kỹ lắm về chuyện này. Từ khi quân Pháp sang đây, dân ta chưa bao giờ hết người đứng lên chống giặc ngoại xâm kể cả vua, quan, sỹ, dân, binh. Vũ trang súng ống trọi không nổi thì kéo nhau họp thành đoàn như đoàn chống sưu, đoàn đồng bào cắt tóc và hội như Hội Duy tân, Hội Đông Du, Hội Việt Nam quang phục, đến Đảng Việt Nam Quốc dân lúc ấy là thanh thế lắm. Nhưng sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, nhiều đảng viên bị giết hại hoặc đi đày biệt xứ. Số còn lại thì bạc nhược, thối chí, an phận, thậm chí bị giặc chia rẽ hoặc mua chuộc đứng ra làm tay sai cho chúng. Trong khi đó Đảng Cộng sản có mối liên hệ chặt chẽ với quốc tế, học cách xây dựng đảng kiểu mới: Bên ngoài thì có sự ủng hộ của các phong trào tiến bộ trên thế giới, bên trong thì gắn bó với quảng đại quần chúng nhân dân, cốt yếu là những người lao động, nên đảng phát triển rất nhanh và mạnh. Dù có bị đàn áp nhưng gốc rễ vẫn sâu chắc, lại được các tổ chức quốc tế bênh vực và giúp đỡ. Số người Quốc dân đảng còn nhiệt tâm nhiệt huyết sớm nhận ra điều đó và hăng hái bắt tay với người cộng sản. Tuy nhiên không ít người hoang mang, bi quan, bế tắc, lại hẹp hòi tự ái, sỹ diện, tranh giành nhau ảnh hưởng quyết liệt lắm, Đảng bị phân hóa thành nhiều phe phái nên tác dụng và uy tín giảm đi rất nhiều.       

Ông chú thở dài:                  

- Người Anh, người Mỹ có ưa gì cộng sản đâu mà họ cũng bắt tay với Nga Xô chống phát xít! Bên nước láng giềng Trung Hoa, Quốc – Cộng đang hợp tác cùng nhau đánh Nhật! Mấy năm nay ai cũng thấy những người cộng sản Việt Nam hăng hái chống ngoại xâm. Đã là người yêu nước thì phải gác bỏ những nghi kỵ tị hiềm mà hợp tác với nhau chống thực dân, phát xít vì đại nghiệp quốc dân.

Nghĩa nói cho chú yên lòng:          

- Thời gian học ở trên đó, cháu được nghe mấy anh kể lại Cụ Hồ là người của Quốc tế cộng sản nhưng Cụ căn dặn các anh:“Dân tộc không giải phóng được thì ngàn đời cũng không thể giải phóng được giai cấp”! Trước mắt là độc lập cho dân tộc mình. Mọi chuyện về sau còn dài.    

- Chỉ sợ khi có độc lập rồi, mình đã nằm trong tay họ khác chi cá nằm trên thớt!              

Nghĩa cười hồn nhiên:                    

- Chú lo xa quá!

Anh cười, huýt gió mấy câu trong bài ca quen thuộc cho chú yên lòng: 

- Que sera sera… Qui vivra vera! (Điều gì đến sẽ đến… Cứ sống đi khắc biết!)          

Anh hối hả ra đi:                           

- Cháu không thể về thăm bà được!                  

Bà thím nói cho chu yên lòng:

- Anh Nghĩa cứ yên tâm đi! Mấy hôm nay chú anh cũng đi suốt ngày. Thím tạm nghỉ chợ ít hôm. Nhốn nháo thế này cũng không ai bận tâm mua bán. Ngày nào khơng chú thì cĩ thím cũng về bà.   

Nghĩa mở rộng cửa bước ra đường hiên ngang vội vã không còn phải nghe ngóng rụt rè như trước nữa.

Cả Hà Nội đêm nay thao thức xôn xao…     

Ngày 19 tháng 8 năm 1945 trùng vào ngày Chủ nhật, các sở làm công tư đều nghỉ việc.

Từ sáng sớm, nghìn nghịt người ngoại thành qua các cửa ô kéo vào thành phố hoà nhập với đông đảo những người dân sống trong nội thành tạo nên những dòng người như rồng rắn chảy vào cái biển người cuồn cuộn sôi lên trên quảng trường Nhà Hát Lớn. Nhiều đoàn vừa đi vừa hát vang bài Diệt phát xít, bài Tiến quân ca làm cho lòng người càng thêm náo nức.     

Người ta hội về đây đông hơn cả chục lần hôm trước, phải dồn ứ lại ở các phố chung quanh.

Trời hôm nay phong quang thật đẹp. Vòm trời như rộng ra cao xanh bao la. Nắng cuối thu dìu dịu sóng sánh một màu vàng nhạt. Quảng trường đặc nghẹt người nhưng trật tự xếp theo từng khối: công nhân, viên chức, học sinh, sinh viên, tiểu thương, nông dân, tự vệ chiến đấu… Bỗng nghe rào rào từ phía Bờ Hồ, chuyến tầu điện chạy từ Chợ Mơ lên, dừng lại trước nhà Godard, những thanh niên trai trẻ, mũ chào mào rất duyên, đồng phục gọn gàng, ai cũng mang vũ khí: súng ngắn bên hông, súng trường khoác vai, kiếm dài lủng lẳng bên sườn, người cầm khiên, người mang mã tấu trong đội hình đại đội hành quân, xếp hàng ba, oai phong, hùng dũng theo tiếng còi hiệu lanh lảnh bước đều rầm rập dưới ngọn cờ khổ lớn bằng xa tanh viền tua vàng với hàng chữ thêu kim tuyến óng ánh: Đoàn Thanh Niên Xung Phong Thành Hoàng Diệu. Người ta vỗ tay, hò reo, nhẩy lên tung cao mũ nón hoan hô và đặt cả niềm tin vào đội nghĩa quân non trẻ mới ra đời. Đoàn quân tiến thẳng vào giữa quảng trường trước con mắt trầm trồ ngưỡng vọng của rừng người. 

Hương Giang nhận ra Nghĩa đang giương cao lá cờ nổi bật nhất ở quảng trường lúc ấy. Cô nhẩy lên reo hò đến khản cổ… nhưng Nghĩa đứng đó thật trang nghiêm, mắt anh lúc nào cũng ngước nhìn lên lá cờ như sợ nó bay đi mất. Ông Tham Phú, ông Phán Thanh cũng nhận ra con cháu của mình.

Đúng 11 giờ, cuộc mít tinh bắt đầu.

Một vị trong Ban Tổ chức với giọng trang nghiêm cảm động:

- Thưa toàn thể đồng bào! Hôm nay hàng chục vạn đồng bào thay mặt toàn thể nhân dân Thủ đô, hưởng ứng lời hiệu triệu của Mặt trận Việt minh tập trung ở quảng trường này để thể hiện ý chí quyết tâm chiến đấu đánh đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập tự do cho Tổ Quốc. Chúng tôi đề nghị đồng bào dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ tới bao nhiêu anh linh các đấng tiên liệt, những chiến sỹ oanh liệt hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc Việt Nam!

Cả quảng trường im phăng phắc, bao trùm không khí thiêng liêng tưởng như vong linh các đấng tiền nhân cũng về đây chứng kiến con cháu quyết noi gương các vị bước vào cuộc chiến đấu cho sự tồn vinh của nòi giống. Bỗng ba phát súng vang lên đánh thức những người đứng đó đang chìm đắm trong phút giây tưởng niệm. Cùng lúc Đoàn nhạc vang dội cử bài Tiến quân ca. Mọi người bừng tỉnh, ngước lên nhìn và thành kính chào lá cờ đỏ sao vàng đang từ từ được kéo lên cây cột cờ giữa quảng trường và hai lá cờ lớn nữa cũng được căng ra hai bên bao lơn Nhà hát. Bao nhiêu lâu chờ đợi, Tổ quốc đang hiển hiện về đây. Bao nhiêu trái tim dồn dập. Bao nhiêu tấm lòng sục sôi. Bản nhạc vừa dứt thì từ trên cao hàng vạn tờ truyền đơn tung ra phấp phới như muôn ngàn cánh chim vỗ nhịp tung bay sau bao năm dòng khao khát một bầu trời khoáng đãng. Quảng trường ầm ầm lên muôn đợt sóng xô tưởng như nó dập vùi đi tất cả những đêm dài tăm tối. Trời đất cùng chia sẻ với lòng người: Cả một bầu trời cao xanh lồng lộng không gợn chút mây mênh mông bao la.     

Một vị lãnh đạo Ủy ban khởi nghĩa đọc lời hiệu triệu. Sau khi kể tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật bằng những thủ đoạn tàn bạo và độc ác đã làm cho nhân dân ta thống khổ, đất nước ta khánh kiệt, vị diễn giả nêu rõ:

- Nhiệm vụ trước mắt cần kíp của nhân dân ta lúc này là tập trung ý chí và sức mạnh đập tan ách thống trị của phát xít Nhật và Chính quyền bù nhìn tay sai của nó, đồng thời tỉnh táo đề phòng bọn thực dân Pháp còn nuôi cuồng vọng tái chiếm nước ta một lần nữa.           

Ông kêu gọi:                                  

- Chúng ta phải thành lập ngay một Chính phủ cộng hoà dân chủ Việt Nam trong đó dân chúng được tham dự chính quyền để tự định đoạt số phận của mình.

Giọng diễn giả thiết tha:                          

- Hỡi quốc dân đồng bào! Hãy tự lực tự cường! Tự ta giải phóng cho ta để toàn thế giới biết rằng dân tộc Việt Nam ta dồi dào sức sống, luôn luôn tồn tại và tha thiết với độc lập tự do. Dù phải đương đầu với mọi trở lực chông gai, chúng ta cũng tỏ rõ ý chí chiến đấu kiên cường mãnh liệt, xứng đáng với quá khứ oanh liệt của tổ tiên còn ghi trong sách sử: Thà chết đứng chứ không chịu sống quỳ!

Cả biển người đứng đó trào sôi lên hưởng ứng bằng những tiếng thét vang rền:                 

- Việt Nam hoàn toàn độc lập!

- Đánh đổ mọi lực lượng xâm phạm đến nền độc lập của Việt Nam!                      

- Không cho thực dân Pháp trở lại Việt Nam một lần nữa!

- Đánh đổ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim!

- Thành lập chính phủ cộng hoà dân chủ Việt Nam!

- Việt Nam vạn tuế!

Biển người lại rùng rùng chuyển động toả ra thành hai khối lớn đi đánh chiếm các cơ sở chính: Một khối có lực lượng Tự vệ chiến đấu làm nòng cốt đi chiếm lĩnh Phủ Khâm Sai, Kho bạc, Nhà thông tin , Bưu điện, Toà Đốc lý  và Sở Cảnh sát Hàng Trống. Một khối có lực lượng Thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu làm nòng cốt đi chiếm lĩnh Trại Bảo An Binh ở phố Hàng Bài và Ty Liêm phóng ở đường Trần Hưng Đạo (Boulevard Gambetta).   

Tại Phủ Khâm Sai, cánh cổng ngoài khoá chặt nhưng tinh thần binh lính rã rời, nhiều thanh niên tự vệ trèo qua rào ùa  vào. Trước khí thế áp đảo và những lời kêu gọi tinh thần yêu nước, binh lính Bảo an phải ra mở cổng và chất súng thành đống đầu hàng nhân dân, nhiều binh sỹ hoà ngay vào dòng thác người ấy đi giành lại chính quyền.

Tại toà Đốc lý, Bác sỹ Trần văn Lai đã chuẩn bị trước, vui vẻ ra tận cổng đón đoàn. Ủy Ban Khởi Nghĩa xếp ông Tham Phú tham gia vào đoàn tiếp quản nơi đây và ông Phán Thanh tiếp quản Sở Thông Tin thành phố.         

Đến xế trưa, công việc được hoàn thành, duy chỉ có Trại Bảo An Binh còn trắc trở. Dòng người lại như thác đổ dồn về đây vây chặt hai phía trại giáp với mặt đường. Viên chỉ huy trại dùng dằng muốn chờ đợi sự chi viện của quân đội Nhật nhưng Ban chỉ đạo đã chủ động cho lực lượng vũ trang và quần chúng ào vào chiếm lĩnh trại, tước vũ khí và giải tán binh lính Bảo an trước khi xe tăng và binh lính Nhật tới tiếp ứng. Trước khí thế sục sôi của hàng vạn người chặn trước các xe tăng và họng súng sẵn sàng chiến đấu xả thân cùng với sự thương lượng khôn khéo với Bộ Tổng tham mưu Nhật của Đoàn đại biểu Ủy ban khởi nghĩado nhà cách mạng Trần Đình Long dẫn đầu, cuối cùng toàn bộ xe tăng và binh lính Nhật cũng phải rút lui. Lúc đó vào khoảng năm giờ chiều ngày 19 tháng Tám. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Thủ đô do Mặt trận Việt minh lãnh đạo đã hoàn toàn thắng lợi.                           

 Người người tỏa ra khắp các phố phường. Người ta la hét mà không sợ khản cổ. Người ta cười. Người ta nói. Người ta hát…

Anh sinh viên nghệ sỹ phòng trà Xuân Oanh đi trong đoàn người biểu tình dọc theo phố Huế đổ về trung tâm, với khí thế hừng hực vùng lên của những người mất nước khao khát tự do. Trong những bước chân dồn dập, tay cầm cây guitar anh vừa đàn vừa ứng tác và ngay lập tức được mọi người đồng cảm hưởng ứng cùng hát vang lên:

Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày / Nguyền đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai / Mười chín tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét / Đứng lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung…

Một bài hát mới ra đời ngay trên đường phố.

Không ai muốn về nhà. Trước mắt mọi người tất cả đều bừng lên khác thường. Những ánh sáng từ các ngọn đèn đường hôm nay không còn âm u nữa mà nó toả rực lên không phải chỉ vì các chụp đèn phòng không vừa được Chính quyền mới lệnh cho gỡ bỏ hết ra. Những con đường, hàng cây, nhà phố hôm nay cũng khác, nó như rộng ra, cao hơn, đẹp hơn vì từ nay nó thật sự là của ta. Nét mặt mọi người hôm nay cũng khác, nó không còn nhăn nhúm tái xanh u uất nữa mà nó sáng tươi rạng rỡ tự hào vì từ nay ai cũng cảm thấy mình là người tự do thật sự. Ngay cả những người rách rưới vai bị tay gậy hôm nay họ cũng không co ro sợ sệt, bước chân dài ra, dáng người thẳng lên, mất đi những vẻ yếu hèn, họ đi chen vai hoà lẫn trong dòng người đông đảo đang chan chứa niềm vui đến tột cùng. Đôi mắt mỗi người mở to trong veo tưởng như mọi người có thể soi mình nhau trong đó… Người ta bỗng cảm thấy mọi người chung quanh đều trở nên thân thiết, đáng yêu và tin cậy vào nhau như anh em ruột thịt. Họ càng thấy thấm thía hai chữ đồng bào.

Nghĩa và Hương Giang lần đầu tiên nắm tay nhau đi tung tăng trước mọi người, lòng họ phơi phới tưởng như có thể bay lên. Trên nét mặt, trong ánh mắt của họ ánh lên những niềm vui hạnh phúc không phải chỉ cho riêng họ. Họ sải những bước thật dài quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Cô gái vừa đi vừa chạy nhưng không hề níu kéo chàng trai chậm bước cứ như là những cô cậu học trò ở tuổi ấu thơ nhởn nhơ bên hồ trong những ngày vui lễ hội. Không phải chỉ có một đôi như thế, mà nhiều đôi như thế và cũng không ai để ý đến tuổi tác của họ làm gì. Họ nhìn nhau cười, rồi lại nhìn qua người khác nhưng không để ý riêng một người nào vì  ai cũng đẹp. Hôm nay là ngày hội lớn bao nhiêu người từng một đời mong đợi.

Trên đường phố vẫn những đoàn người đi hân hoan phới phới cất cao lời hát  khắc ghi mãi một ngày lịch sử :

Mười chín tháng Tám / Ánh sao tự do đem tới / Cờ bay nơi nơi / Muôn ánh sao vàng / Máu pha tươi hồng trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn /  Người Việt Nam đều thống nhất reo vang lời thề /  Mười chín tháng Tám chớ quên là ngày khởi nghĩa /  Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam.

Hà Nội hôm nay vui suốt ngày đêm…

(trang 181)

 

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_PTHc.php

ngày 24-Dec-2016

_________________

• Các bài của Nguyễn Văn Thịnh: link http://sachhiem.net/VANHOC/N/ListNVTh.inc.php

Trang Văn Học