HÀ NỘI BỂ DÂU

- truyện ký -

BS Nguyễn Văn Thịnh

TÌNH THƠ

Tặng chị G.V.

Chị bảo đứa nào tìm được lá Diêu Bông

Từ nay ta gọi là chồng!

Từ thuở ấy em cầm chiếc lá

đi đầu non cuối bể

Gió quê vi vút gọi

Diêu bông hời... 

Hỡi Diêu bông!

Hòang Cầm

C hàng trai để lại mái trường Bưởi soi bóng đáy Tây hồ đầy những kỷ niệm thân yêu và kinh thành bốc cháy sau lưng, ra đi kháng chiến. Hằn sâu trong ký ức lớp người thời ấy là những ngày cả nước rực rỡ cờ sao thóat xiềng gông nô lệ nhục nhã và những hành động bạo ngược của bọn xâm lăng hung tàn khiến người người trào sôi uất hận.

Tổ quốc vừa rũ bùn đứng dậy thì họa xâm lăng trở lại. Đã tưởng thanh bình mà lại trao quan vũ áo nhung! “Chí làm trai bọc ngòai da ngựa / Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao”. Bao người trai trẻ xếp bút nghiên rời chốn thư phòng. Ngọc Ẩn khóac lên mình bộ chiến y xung vào đội quân cảm tử băng mình tới phương Nam xé xác quân tham tàn. Đơn vị nhỏ bé của anh sớm tan tác ở mặt trận Nam Trung bộ trước thế giặc áp đảo.

Vết thương trên mình chưa liền da, người chiến sỹ trẻ trở lại Thủ đô lúc ngọn lửa chiến tranh lan rộng không thể kìm được nữa. Lời hịch truyền cứu nước: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” thôi thúc lòng người. Nhiều chàng thư sinh lại có mặt trong hàng ngũ những chiến sỹ “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, giành nhau với giặc từng mái nhà góc phố, bảo vệ Thủ đô trong thế không cân sức. Một đêm tối trời, trong căm căm rét lộc đầu năm, đoàn Vệ quốc quân âm thầm lặng lẽ rút khỏi Thủ đô. Khi lội qua dòng sông Hồng buốt giá, người lính chiến đau lòng nghiến răng ghì chặt dây súng trên vai, chợt nao nao lòng nhớ Kinh Kha với lời thề sông Dịch :

Kiếm sắc chỉ hang hùm

Cầu vồng bừng khí uất

Dòng sông Dịch tái tê

Tráng sỹ thề không về

Rứt áo ra đi lúc 17 tuổi. Con đường trường chinh vạn dặm chông gai không thể chồn chân những tráng sỹ thành Hòang Diệu nhưng lòng vẫn khôn nguôi hướng về một góc trời bảng lảng ánh vàng trong những đêm thương nhớ bâng khuâng:

Con đường lên Bưởi qua trường cũ

Xe điện dồn toa chuyến cuối cùng

Phòng ai còn sáng đèn… thấp thóang

Bóng giai nhân mờ sau cánh song

  Năm năm dỗ nhằng gai góc bàn chân trên các chiến trường Trung Du, Việt Bắc, Đông Bắc… Rồi một ngày u ám, vì thương tích và bệnh tật, anh không thể cùng “đoàn quân không mọc tóc” đi tiếp trên con đường tây tiến!

Ai hiểu được nỗi đau của người chiến sỹ tình nguyện hiến thân giữa đường bỗng phải rời đội ngũ:

Lênh đênh đời lính chiến

Biết bao chuyện buồn vui

Và cũng nhiều đêm trắng

Thao thức nhớ chơi vơi

Có những phút chao lòng chàng trai trẻ u ẩn nỗi quan hòai. “Rừng sâu lục lọi ba lô… tìm một chút gì Hà Nội” ?

Kỷ niệm xưa lưu giữ trong lòng nhưng tháng năm dầu dãi phong sương kỷ vật nào giữ được?!

Châu Sơn, Nho Quan – phố thị cửa rừng. Chiều mờ gió hút. Sông Hòang Long sóng xanh man mác hiu hắt buồn. Lữ khách dừng chân quán vắng đợi chuyến đò ngang. Bát nước chè xanh xua đi nỗi nhọc, ấm lòng người lữ thứ. Cô hàng bé nhỏ thơ ngây. Khách nhìn đắm đuối. Ánh mắt trẻ hững hờ theo đám mây trôi. Một cánh chim chiều ngơ ngẩn tìm chốn dừng chân. Trong bóng tịch dương lòng xao xuyến vấn vương hồn thu thảo.

Nàng chớm tuổi 13, phận út chịu mồ côi mẹ lúc lên 10! Cha nàng là nhà văn nổi tiếng làm sao trách được gà trống không thể nuôi con. Hai người anh lớn theo nối nghề cha, người anh thứ ba đành phải giã từ đồng đội đảm trách phận sự người cha trước hai đứa em niên thiếu. Hai chàng trai trẻ Hà thành nhận ra nhau từng là đồng môn, giờ đồng cảnh ngộ, tình cờ gặp nhau, mau chóng kết giao thành đôi tri kỷ.

Chỉ biết họ là trai kinh đô

Ra đi từ độ khởi sao cờ

Áo xanh dàu dãi sờn vai lính

Trong nghèo xơ xác vẫn thương nhau

Quán trọ đơn sơ mái tranh lọt nắng, phên vách gió lùa nhưng vẫn đầy nhà tiếng hát, lời thơ, tiếng cười trong trẻo. Bốn anh em thân mỏng vai gầy, đỡ nhau qua ngày. Đôi lúc thắt ngặt, mắt có thể đói vàng nhưng mộng vẫn treo vàng trước mắt.

Biết Bích Thủy sáng dạ tươi xinh chăm chỉ, đa cảm giống cha và đa sầu vì sớm chịu nỗi đau mất mẹ, mau thân với người anh nho nhã văn nhân. Ngọc Ẩn nhận chân giáo làng dạy chữ cho đám trẻ bơ vơ thất học. Thù lao cho thầy không tính theo tháng mà tính theo mùa vụ nhà nông hoặc những chuyến ngược xuôi chạy chợ thất thường của dân tản cư tứ xứ. Lương bổng có thể là mấy tờ bạc mỏng, là lưng lửng những túi thóc, gạo, ngô, khoai… Bích Thủy ngòai giờ đi học vừa trông quán nước vừa lo chuyện nhà. Bé lớn khôn trước tuổi, lại thêm nết truyền văn chương từ bố và đặc biệt có giọng ngâm thơ truyền cảm. Bé tần tảo, đảm đang mọi việc cửa nhà. Nhà văn lâu lâu đáo về cho một lời khen:

- Con này tuy bé mà đảm trách được cả việc của người chị, người mẹ trong nhà!

Trước sự im lặng của mọi người, bé càng thấy trách nhiệm của mình với cha anh lớn nhiều hơn thế.

Thời gian qua mau. Bé lớn vượt lên. Các anh già đi. Chừng hai mươi mấy mùa xuân thôi… mà thấy hình như tóc bạc rồi !

Cảnh quan không đổi mà lòng người chuyển động :

Đỉnh non Cối mờ sương buổi sớm

Dòng Hòang Long xanh ngắt chiều chiều

Mây ngàn vơ vẩn liêu xiêu gió

Ràu trăng nội cỏ ánh vàng rung

Đôi lúc lòng vơ vẩn bâng khuâng:

Từ hôm rời tay súng

Tôi về trọ nơi này

Ngập đường hoa trẩu trắng

Chập chờn bóng nhỏ bay

Thiếu thốn và bệnh tật là cặp lữ khách đồng hành không rời nhau được. Con ma rừng sốt rét không trừ một ai, vô tình ngay cả với bé em tội nghiệp! Hai tấm chăn bông mỏng của cả nhà dồn lại phủ trên mình mà bé vẫn rung lên, hai hàm răng va đập vào nhau bật lên những âm thanh khô khốc não nùng. Anh giáo thương em, chòang ôm chặt cái bọc chăn cố giữ cho người bé khỏi rung lên lung lay cái giường ọp ẹp. Hai anh em cùng nhau chống lại cơn sốt rét.   Cơn rét chưa dứt, cơn nóng trong người tỏa ra như lò phát nhiệt. Tóc em ướt đầm trên trán. Áo chăn xô lệch. Ngọc Ẩn chăm cho em như những lúc em chăm sóc các anh.

Trận sốt qua đi, cả hai anh em đều thấy mình kiệt sức. Bé nhìn anh, cảm như người anh trôi nổi bồng bềnh:

- Anh ơi, đừng đi! Hãy ở lại đây. Em cần có anh lúc này và mãi mãi!

Bé giơ tay níu lại. Lòng Ngọc Ẩn trào lên tình âu yếm yêu thương. Anh cúi xuống. Đôi mắt ai mơ màng thăm thẳm như dòng sông  sâu? Bàn tay em ghì chặt kéo anh gần lại. Hai khuôn mặt sát nhau nóng bừng lên hơi thở nồng nàn. Không cưỡng nổi sự ngập ngừng e ngại, hai đôi môi chạm sát vào nhau… để rồi xa nhau mãi!

Gặp nhau mới mười ba

Thương nhau em mười bốn

Vành vạnh trăng rằm

Em chớm tuổi mười lăm

Thì chia ly !

Ôi cuộc chia ly kỳ lạ

Không ai tiễn đưa ai

Không một lời từ giã!

California–Sanfrancisco, một buổi đầu ngày, người tiếp tân khách sạn lịch sự báo tin:  

- Trong đoàn các vị có bà mang qúy danh Bích Thủy con của cố nhà văn Lân Trưởng? Có một vị khách đến từ phương xa xin được gặp vào lúc 15 giờ chiều nay. Vị khách cố tình giấu tên dường như muốn đem lại một sự bất ngờ!

Lần đầu tiên theo một tour du lịch thăm Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Đoàn lại đang chuẩn bị cuộc xuất hành theo lịch trình nên chúng tôi đầy bỡ ngỡ và nghi ngại. Dùng dằng nửa ở nửa đi, cuối cùng vì là chỗ thân tình bà kéo tôi cùng nán lại.

Một người đàn ông đứng tuổi, dáng nhỏ nhắn văn nhân, nhanh nhẹn bước vào. Chỉ một phút bất chợt ngỡ ngàng, như đôi chim lạc nhận ra nhau, hai đôi cánh xải rộng sà vào nhau mừng vui nức nở. Tôi nhặt lên bó hoa hồng tươi rực rỡ chưa kịp trao tay đứng làm chứng nhân trước cuộc trùng phùng cảm động và chợt nhớ chuyện mối tình già của cụ Phan Khôi:

Tình cờ đất khách gặp nhau

    Đôi cái đầu đều bạc

    Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được… 

Cuộc gặp gỡ có cả câu cười tiếng nấc mà an tòan nhưng tôi thật lúng túng không biết làm sao để hai người hòan tòan tự do đây. Giá như ở bên nhà thì đơn giản quá nhưng ở đây xứ xa, người lạ, ngôn ngữ bất đồng, bước ra khỏi cửa là bị cuốn ngay mất hút vào dòng người miệt mài cuồn cuộn như sóng đại dương kia. May thay vẫn người tiếp tân lịch thiệp gỡ rối cho tôi.

Cuộc du lịch ngắn ngày đã được nửa lộ trình. Quãng đường còn lại bà khách đặc biệt như người mộng du khiến nhiều người trong đoàn phải lưu tâm tới. Tôi không là thân thích ruột rà nhưng hai gia đình là chỗ thâm giao từ khi chúng tôi còn thơ ấu, tôi vẫn coi bà như chị của mình. Thật may mắn, một chuyến đi cho tôi biết nhiều điều, biết sự lạ của người ta và biết thêm điều u ẩn thâm sâu của những người thân sơ hàng ngày vẫn sống bên mình…       

Hơn nửa thế kỷ, gần hết một đời người, nhiều cái qua đi coi như đã vùi sâu trong bóng đen đặc nặng nề của thời gian, nhiều cái mới ào ạt dồn dập xô tới tưởng không chịu nổi. Vậy mà chuyện này không theo về quá khứ. Nỗi đau xưa còn nguyên đây.

- Sáng hôm sau tỉnh dậy, cơn sốt bỏ đi lúc nào? Tưởng mình là con chim nhỏ được bay lên từ một giấc mơ đẹp lắm. Ngòai kia nắng tươi quá, trời cao quá và mây xanh quá. Em muốn chạy ra giữa cánh đồng trơ gốc rạ hét vang lên. Nhưng khi thấy anh Hai mang cho bát cháo, em bừng tỉnh: Sao không phải là anh?! Phải cố nuốt hết bát cháo để anh Hai khỏi bận tâm mặc dù nơi cổ như tắc nghẹn. Anh Hai vẫn lặng lẽ với các em đầy tình yêu thương và trách nhiệm. Trong sung sướng mà em sợ hãi! Bao nhiêu ngày không dám hỏi. Chỉ một lần em ướm lòng người anh kế vẫn có mộng làm thi sỹ về anh, được câu trả lời trong nỗi nhớ: “Người như anh ấy không ai giữ nổi”! Ngay cả với tình yêu đầu đời của một con bé thơ ngây? Lúc ấy với em, ngày ngày anh là người gần gũi thân thiết nhất, đêm đêm anh là người trong mộng. Gần quá mà xa quá, lẫn thực lẫn hư. Nhận tình yêu anh trao, em bàng hòang chưa biết thực hay mơ lại lo mình không giữ nổi! Với đứa con gái nhỏ đơn côi luôn sống trong mơ ước đợi chờ thì tình yêu chợt đến chợt đi gây ra cơn choáng hụt hẫng đến ghê người:

Mây vờn trên đỉnh núi

Mây ơi bay về đâu?

Gió lùa qua vách nứa

Anh của em về đây!

Mây hững hờ không nói

Gió hôn em rồi đi

Chỉ mình em ở lại

Anh đi đâu không về?

Bây giờ nghĩ lại những ngày ấy em vẫn còn thấy sợ!

- Rung cảm trước một người đẹp, với anh đấy không phải lần đầu. Nhưng tình cảm tự nhiên thấm dần từ vô thức tới ý thức để tin rằng hai trái tim có thể hòa chung một nhịp đón nhận niềm vui nhân tình, sẻ chia nỗi đau thế sự thì cho đến nay vẫn chỉ có em là một dầu anh đã mòn gót đường đời và còn một khoảng ngắn nữa thôi là tới nơi cùng trời cuối đất! Cuộc đời là thế. Anh không trách ai. Có thể chúng mình sinh ra lạc ánh sao trời!

Lúc anh bước ra, bạn đang ngồi đọc sách. Anh giật mình không biết lúc bạn về! Bạn ngồi đấy, lẳng lặng mải mê. Linh cảm nhắc anh một sự khác thường! Em vẫn thiếp đi trong giấc ngủ say. Anh không dám tự nhiên chăm sóc em như trước nữa. Hai thằng con trai chìm đắm trong suy nghĩ của mình nhưng thực ra đầu óc để đi đâu. Dầu trời đã khuya mà không ai muốn nghỉ. Cuối cùng bạn lên tiếng trước:

- Này ông... Tôi hỏi… ông yêu con bé thật không?

Vào thời nay câu trả lời thật dễ. Nhưng thời ấy sao không dám nói thật lòng mình ra nhỉ? Hai đứa là bạn tâm giao. Với thầy anh kính như cha. Với các em anh rất yêu qúy và cùng sẻ chia trách nhiệm. Mặt anh nóng bừng lên, cảm như mình có lỗi, không thể nói ra một lời. Sự im lặng trong day dứt nặng nề lắm. Mãi tới lúc tiếng gà gáy lên thảng thốt. Bạn kết thúc bằng những lời chắc gọn:

- Tôi không trách gì ông. Nhưng tôi còn trách nhiệm với em tôi dù rằng tôi rất thông cảm với ông. Tôi nêu hai điều kiện tùy ông lựa chọn: Nếu như ông thật sự thương yêu nó thì ngay từ bây giờ tôi giao hai đứa lại cho ông. Ông phải lo cho chúng được như tôi! Sớm mai tôi sẽ lên đường. Vì chúng nó mà tôi giữa đường đứt gánh! Bằng không thì ngay lúc này ông phải ra đi để sáng ra con bé không chứng kiến cảnh chia ly! Chúng ta như cánh chim trời. Nhưng nếu ông nghĩ tới cái tình bấy lâu nay thì tôi yêu cầu ông đừng ở quanh quẩn đâu đây để con bé không biết ông ở nơi góc bể chân trời nào nữa! Ông vừa là người lính vừa là người thơ. Tình yêu của người lính đơn sơ mà quyết liệt và tình yêu của người thơ bất kể nông sâu mà nó dầm dề dai dẳng lắm. Ai lỡ vướng vào khó thóat! Tôi vẫn tin ông là người bạn tốt. Mong ông hiểu lòng tôi!

Trên đời này đã ai gặp tình huống bất ngờ trớ trêu như vậy?! Tôi được vội vã giao khóan một tình yêu chớm nở đồng thời phải bảo lãnh cho các em đang tuổi ăn không biết no mà lo chưa tới với một tương lai mơ hồ trong khi hiện tại của tôi chợp chờn mỏng manh như cánh bướm!. Danh dự và trách nhiệm không cho phép tôi liều lĩnh để phương hại tới thân phận hai đứa trẻ. Tôi chỉ là một anh giáo thời vụ bất đắc dĩ nghèo và yếu đuối, lo một thân mình chưa nổi! Bạn là người mạnh mẽ cả về tinh thần và thể chất, tháo vát trong việc mưu sinh. Tình cảm bột phát của tôi dù sao cũng làm mất niềm tin của bạn. Trong tâm trạng hoang mang, vừa cảm thấy mình có lỗi vừa tự ái, tôi lẳng lặng mang ba lô, khóac lên mình chiếc áo tơi lao ra ngòai trời lúc còn mờ tối đang mưa phùn gió bấc! Đường trơn lép nhép, chân không dép lội trong bùn, tôi đi thẳng ra bến sông theo đò về chợ Đầm Đa. Ngồi trong con thuyền chao đảo theo nhịp chèo đưa đẩy, mặt sông mờ hơi sương, gió lay phần phật run người. Tôi chạnh lòng nhớ lời thơ của người bạn thân ứng vận vào mình:

Tôi chỉ là anh giáo nghèo xơ xác

Mũ lá gồi rách nát không tiền thay

Ngọn gió khuya thấm lạnh tấm vai gầy

Trời buốt giá lội bùn chân không dép…

Em, em còn xanh mái tóc

Em còn hồng đôi môi

Còn một nụ cười hoa nở

Có sớm không em ngày gặp gỡ?!

Như kẻ vô hồn, tôi nhập vào đoàn người đi lên Lạc Thủy. Tới đất Hòa Bình trong đói rét và cõi lòng u ẩn tái tê, tôi không làm chủ được thể xác của mình. Người ta vực tôi lên một nhà sàn, sưởi ấm và hồi sức cho tôi.

Khi hồi tỉnh lại, thấy lòng trống rỗng. Không còn em! Tôi biết làm gì? Bây giờ tôi mới nhận ra sự hiện hữu của em đã là nguồn sống của đời tôi! Khoảng trống ấy càng lớn ra mênh mông quá! Tình yêu trong tôi bấy lâu nay bị chính tôi tự dồn nén lại và bây giờ nó bật dậy, đạp tung ra. Tim tôi nhức nhói vỡ òa. Nỗi nhớ em cồn cào cháy bỏng. Tôi yêu em! Tình yêu ấy có chi là tội lỗi? Tại sao tôi để mất em? Có lúc tôi đã khăn gói định ngược đường về lại chốn xưa. Nhưng chân tôi nặng nề không nhấc nổi. Một thằng người khác trong tôi cản  lại bước chân tơi! Nó là ai? Cho đến nay tôi vẫn chưa nhận diện ra chính nó. Nó dấu mặt nhưng nó cứ thì thầm. Ma quái!

Tôi sống trong dằn vặt, nhớ thương, day dứt, người tọp đi, thẫn thờ. Đến lúc ấy tôi mới hiểu thế nào là ốm tương tư và cơn đau ấy đeo bám dai dẳng vật vờ theo tôi mãi. Bấy giờ người ta ngỡ tôi bị ma ám! Chủ nhà tối tối thắp hương, đốt lửa huơ quanh chỗ tôi nằm, miệng rì rầm như phù thủy đuổi âm binh rồi bỗng dưng bật dậy ném tàn lửa ra sân, trợn mắt hét ầm lên làm người tôi sởn lên những gai ốc. Họ đuổi đi con ma rừng nhập vào tôi!       

Tình cờ gặp mấy người từ mạn ngược tìm đường xuôi Trung. Cũng là khách tha hương trên đường thiên lý. Miền Trung lúc ấy là vùng kháng chiến tự do không bóng giặc. Trước tôi đất trời mênh mông, đường đi vô định. Xứ thùy dương ngợp bóng dừa xanh hấp dẫn hơn vùng núi rừng ma thiêng nước độc tôi đã từng qua. Khách lãng du lữ thứ đường trường dễ hòa nhập với nhau.     

Tôi dừng lại ở Thanh, dễ tìm được nơi dạy học qua ngày. Sự vất vả về vật chất chẳng là chi nhưng lòng tôi luôn chơi vơi chống chếnh. Nét mến thương của riêng em trên đời này chưa ai có được! Tôi ước ao, tơ tưởng, đợi chờ…

Ngày hòa bình, tôi bổ ngay về Hà Nội trong tâm trạng phập phồng hy vọng. Ba năm rồi! Tôi tin em không thể quên tôi. Nhưng Hà Nội lúc này chộn rộn nhốn nháo, người mừng kẻ sợ, người tứ xứ đổ về, người thành phố kéo nhau bỏ đi, niềm vui xen lẫn nỗi buồn. Chưa tìm thấy em. Gặp một số người quen biết cũ, người vồn vã, kẻ hững hờ. Có người phao lên lúc gian khổ khó khăn tôi đào ngũ về hậu phương ẩn náu, bây giờ ló mặt ra nhận chiến công! Tôi cảm thấy bị xúc phạm, chán nản, không muốn lặn lội tìm em nữa. Tôi nhụt chí, xuôi lòng, cùng gia đình theo đoàn người di cư vội vã. Coi như một dịp đi xa tới nơi mình chưa từng biết! Thêm hai năm nữa, cả em và tôi vẫn còn đủ sức  đợi chờ. Đất nước yên bình thống nhất chắc những sự đố kỵ tầm thường sẽ nhạt mờ đi. Chiến tranh chỉ là sự cố nhất thời, rồi mọi người phải tìm sự yên ổn trong an cư lạc nghiệp. Tôi sẽ về với em cùng sống những ngày thanh thản. Nào ngờ khi con tàu quay mũi rời bến cảng Hải Phòng lao ra biển cả thì đời tôi từ đó lênh đênh chưa bến đậu!

Vào Sài Gòn tình cờ tôi lại gặp thầy! Nhà văn cũng muốn làm một chuyến lãng du cuối đời hồi nhớ thời trai trẻ. Nhưng thế sự đổi thay nhiều qúa, bắt nhịp theo nó không dễ chút nào! Thầy sống bất đắc chí, lạc lõng cô đơn, vất vả lắm. Tôi tự thấy trách nhiệm của mình thay bạn và em nhưng đỡ thầy chẳng được bao nhiêu. Thầy không biết chuyện tình cảm của chúng tôi. Lúc lâm bệnh, thầy nói cảm động lắm:

- Nhìn anh tôi nhớ mấy đứa quá! Sao anh không lấy vợ đi? Giá như con bé ở đây tôi gả nó cho anh! Nó mà õng ẹo, tôi cho mấy roi quắn đít là phải chịu thôi!

Thầy mất, tôi lo hậu sự. Bầy mèo được thầy nâng niu ấp ủ và cho hưởng khói phù dung như người bạn thủy chung gắn bó với thầy cứ quẩn quanh cùng tôi ở lại nơi thầy nằm cho tới khi đắp thành nấm đất, chúng gào lên như bầy con mất mẹ thật là thảm thiết rồi tan đàn tản lẫn vào đám mộ rậm rì những cỏ.   

- Sinh thời thầy sống phóng khoáng, bao dung độ lượng, nhiều văn hữu lớp sau coi thầy như người anh cả! Ngày nước nhà thống nhất, em vào tìm được mộ phần và thay áo cho thầy. Biết chuyện anh tận tình tận nghĩa với thầy em cũng nhớ thương và xót xa nghĩ  kiếp này ta chỉ được gần nhau đến thế thôi! Mãi lâu sau, một ngày anh Hai tới thăm và trao cho em tờ giấy ố: “Tình cờ anh thấy nó giữa quyển vở nằm sâu trong một ngăn bàn. Dù vô tình hay cố ý cũng là dành cho em. Anh giữ lại vì lúc ấy em còn thơ dại quá! Khi em đi lấy chồng, anh lại không muốn em bị phân tâm! Bây giờ để châu về Hợp phố! Tình yêu là sự mời gọi vô thức của con tim nhưng vợ chồng là duyên số. Đừng buồn đừng trách ai!”.

Tờ thơ ấy trong số những kỷ vật sẽ cùng em ra đi lúc từ biệt cõi đời này. Còn những lời thơ đã hóa vào tim óc em rồi:

Ngọc phơi mình trên núi

Mây phủ sương mù che

Bao năm chờ tháng đợi

Một bàn tay vuốt ve…

Trận mưa rào xối xả

Thành muôn dòng nước tuôn

Ngọc theo dòng suối chảy

Chìm dưới lòng sông sâu…

Một ngày cô bé nọ

Bơi trong dòng nước xanh

Như Bích Câu kỳ ngộ

Gặp ngọc sáng long lanh…

Bé vui vì có ngọc

Ngọc xanh càng biếc xanh

Ngày cùng chung bàn học

Đêm cùng chung gối chăn…

Ngọc phơi trên đỉnh núi

Hay chìm đáy sông sâu

Không tay người thương mến

Ai biết là ngọc đâu!

Bích Thủy và Ngọc Ẩn. Duyên kỳ ngộ mấy khi thành!

- Ngựa phi nước đại cũng thua thời gian dù nó chỉ lững lờ trôi! Nghề dạy học mới đầu tưởng là tạm bợ nhưng rồi thành nghiệp của đời mình. Song thân tôi qua đời. Vào tuổi “chi thiên mệnh” tôi hiểu ra sự chờ đợi đã thành vô vọng và đến lúc cần phải làm gì. Tôi lập gia thất với một đồng nghiệp chênh nhau gần “nhị thập niên”! Được vài năm thì đất nước nhập về một mối! Tôi vừa mừng vừa tủi, mặc cảm là người bỏ cuộc trước những người đắc thắng! Bỏ đi thì lòng vấn vương mà ở lại khác chi phận “hàng thần lơ láo”! Tôi ngậm ngùi cùng vợ con ào theo người ta leo lên con tàu di tản! Gia đình tôi thuộc lớp người sớm được định cư trên đất Hoa Kỳ, cuộc sống mau ổn định. Bây giờ các con đã đủ sức tự lập nhưng vợ tôi không may vắn số! Tôi lại độc thân và sống trong hòai niệm.

Ngày chúng tôi kết thúc chuyến du lịch trở về nhà, ông ra tiễn tận sân bay, tặng tập thơ Lại mục hương quan của ông, bùi ngúi nói lời chia tay:          

- Nỗi đau lớn nhất của một đời người là phải sống tha hương. Ông Vũ Bằng nói đúng: “Con tim của người khách tương tư cố lý cũng đau ốm y như là gỗ mục”! Hòan thành tập thơ Việt Nam mến yêu tôi sẽ mang về quê làm quà dâng mẹ, như tấm lòng thành tạ tội của một đứa con bỏ xứ đi xa!

Ông bắt tay tôi và nắm chặt tay bà, muốn nói mà nghẹn ngào, đôi mắt hoe hoe đứng nhìn chúng tôi lên xe ra đường băng bịn rịn lưu luyến lắm.

Tập thơ khá dày, bìa in đẹp cảnh bãi ngô ven sông Hồng dằng dặc trong mờ mờ sương khói. Thay lời đề tặng cho tôi là mấy dòng thơ hò hẹn:       

Bến cũ thuyền xưa  ta sẽ đậu về

Vùi cốt tủy trong phù sa đất mẹ

Gửi hồn vào nơi ngọn cỏ lá cây

Và dòng sông xưa sóng nước vơi đầy

Và lời đề tặng cho bà như lời thệ ước :

Ta sẽ về xứ sở của yêu thương

Cả cay đắng giận hờn từ nơi ấy

Nơi không chọn để hòai thai sinh hạ

Một tình yêu mới mãi chẳng vuơng tròn

Tới mấy chục bài, chia làm hai phần Cố hương viết thời còn trong nước và Ly hương viết thời xa xứ. Có một bài đề Tặng vợ hiền ca ngợi ngừời vợ đảm đang tần tảo như Tú Xương khen vợ “quanh năm buôn bán ở ven sông” và một bài đề Nhớ hiền thê xót thay tình phu-phụ sớm đoạn trường, cũng tình nghĩa như Nguyễn Khuyến khóc bạn “nước mây tan tác ngậm ngùi lòng ta” vậy! Còn khá nhiều bài với tựa đề hoặc lời chua ẩn ý mơ hồ chỉ người trong cuộc mới hiểu ra xuất xứ: Tặng B.T, Đợi, Nhớ mùa hoa trẩu, Một chiều gió bấc, Ô kiều, Mặt trời nhỏ nhoi, Tiếng đàn đứt dây, Cuộc chia ly kỳ lạ, Giọng ngâm trầm trong gió đông khuya… Dường như nó động đến nỗi niềm riêng sâu xa lắm mà bà chị tôi mỗi khi đọc lên cứ trào ra nước mắt.

Bà bước vào ngưỡng tuổi cổ lai hy, ông tròm trèm bát thập. Cháu nội ngoại của ông bà liệu có biết chăng mối tình xưa vẫn âm ỷ cháy khi các cháu thơ ngồi lọt thỏm trong lòng hoặc âu yếm trong vòng tay của những người tôn kính?!

Ai biết mối tình nặng sâu đến thế? Chuyện đời nói lời nôm na. Chuyện mình nói trên mảnh giấy. Nét chữ vuông thành sắc cạnh. Thư hay là thơ?

- Ôi cuộc chia ly kỳ lạ / Em đâu biết anh buồn đến thế / Vì lúc đó em còn là cô bé / Chỉ biết yêu thương chỉ biết đợi chờ / Tha thiết tình người và rất mê thơ / Em đâu biết cuộc đời cay nghiệt thế / Mấy mươi năm sau ngồi nghe anh kể / Em đã khóc nhiều rất xót thương anh.

- Nếu một ngày kia em không gọi điện / Không nhắn tin, không một dòng thư / Nếu một ngày kia em không về nữa / Để mây trời, đường sắt cũng bơ vơ /  Nếu một ngày kia em ngại ngần mệt mỏi / Quên tên anh, quên nơi chốn đợi chờ /  Nếu một ngày kia thế gian không ai biết / Chuyện Ngưu lang Chức nữ với Cầu Ô /  Nếu một ngày đưa em về Chiêm quốc / Chẳng Ô Kiều chỉ ảm đạm mưa ngâu / Thì nối mạng qua tầng xanh bát ngát / Đừng bao giờ để nghẽn sóng lòng nhau / Và một ngày… lục tìm kho lưu trữ / Biết chuyện mình rô bốt cũng ngẩn ngơ !

Bởi nỗi đau của mối tình đầu giữa chàng trai tráng sỹ thời nào với bóng ai thuở huy hòang thiếu nữ đã khắc vào bia đá :                                   

- Tưởng im ngàn năm tiếng đá / Thở dài gió bấc cũng thôi / Chợt tỉnh lối xưa cỏ biếc / Mái tranh Vô Hốt bồi hồi / Nhớ chi đắng đót lòng nhau / Cơn sốt giường chiều vụng dại / Hoang ảo ngày xanh đốt mãi / Gạn chưng bỏng buốt nhân tình.   

- Anh ra đi âm thầm im lặng / Bỏ mình em bé nhỏ bơ vơ / Thời gian ngưng trôi vai em trĩu nặng / Nỗi nhớ nhung và sự đợi chờ / Ngày em đi… chân bước hững hờ / Tim đau nhói nhớ… thời xa vắng / Phút nhận ra anh tim em rộn rã / Băng giá tan đi trào dậy tình thương / Em bỗng sợ những ngày đơn độc / Lại bơ vơ giữa nẻo đường đời / Để tơ tằm giăng mắc khắp nơi / Đời nghiệt ngã hay tình yêu vốn thế / Một tinh cầu nào… ta sẽ hẹn nhau?

Tất cả rồi sẽ ra đi…

Chỉ còn thơ với tình yêu ở lại!

(đón đọc Chương 14: ĐƯỜNG TRẦN LÀ THẾ)

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_HNBDl.php

11-Nov-2017

• Các bài của Nguyễn Văn Thịnh: link http://sachhiem.net/VANHOC/N/ListNVTh.inc.php

Trang Văn Học