Đừng Dùng Ngụy Lý Để Biến Giả Thành Chân

Nguyễn Văn Thịnh

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_26.php

03-Dec-2018

Trong bối cảnh “loạn sử” hiện nay, người bàn xuôi kẻ phán ngược về lịch sử nước nhà, khiến dư luận không khỏi phân tâm. Tuy nhiên nhiều ý kiến trái chiều lại là của những người có chức sắc, phẩm hàm, nắm những địa vị có nhiều khả năng chi phối công luận, càng thêm phức tạp.

Người viết tóm lược vài sự kiện đang gây bức xúc trong số không nhỏ công chúng trong và ngoài nước.

I/ TRÒ TÍCH HỢP SỬ-THI;

Cuốn sách Toàn cảnh thơ Việt Nam 1945-1975, dày mấy trăm trang (Nguyễn Bá Thành – NXBĐHQG Hà Nội – 2016). Nói về thơ của giai đoạn lịch sử cực kỳ sôi động ấy thì vô cùng, nhưng chỉ mấy dòng đá sang sử lại như liều thuốc độc:

Giai đoạn 1945, khi Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, chính thể Dân chủ cộng hòa phải rời thủ đô, sơ tán về chiến khu Việt Bắc hoạt động như một chính thể bất hợp pháp tổ chức kháng chiến chống Pháp. Hoạt động như một chính thể bất hợp pháp cũng đồng nghĩa như một chính thể bất hợp pháp (!)… Trong khi đó thì phía Pháp cùng với các nhóm chính trị thân Pháp lại tái lập một chính thể quân chủ lấy tên là Quốc gia Việt Nam, Quốc trưởng là cựu hoàng Bảo Đại sống và làm việc tại biệt điện ở Đà Lạt. Thủ đô đặt tại Sài Gòn. Chính phủ này sau hiệp định Geneva đã tập kết về phía Nam sông Bến Hải, từ vĩ tuyến 17 trở về Nam. Cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1955 tại miền Nam đã phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, đưa Thủ tướng Ngô Đình Diệm lên làm Quốc trưởng. Sau đó Quốc trưởng Ngô Đình Diệm tổ chức bầu Quốc hội lập hiến cho Quốc gia Việt Nam. Quốc hội này ban hành Hiến pháp đổi tên Quốc gia Việt Nam thành Việt Nam Cộng Hòa”. Những dẫn dụ trên nhằm mục đích cuối cùng là “xác định” Việt Nam Cộng Hòa là chính thể hợp pháp!

Trên tuần báo Văn nghệ TPHCM số 521, ông Chu Giang cho rằng ông Nguyễn Bá Thành nếu không đạo văn thì đạo ý trong cuốn “Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ” (Nguyễn Thế Anh - Lửa thiêng Sài Gòn – 1970), coi cuộc Cách mạng tháng Tám như là một phong trào phá hoại phát khởi ở ngoài nước Việt Nam bởi Nga Xô để gây khó khăn cho chính phủ Pháp (!)… Vào tháng 7/1947 chính phủ Pháp đòi hỏi Việt Minh phải đầu hàng vô điều kiện thì Việt Minh rút vào rừng núi và tự coi là chính phủ lưu vong (!) trong các chiến khu”.

Chỉ một đoạn chừng 400 từ mà đã có nhiều điều rất sai lịch sử. Cụ thể là:

1- Nói Cách mạng tháng Tám  như là “một phong trào phá hoại phát khởi ở ngoài nước Việt Nam bởi Nga Xô để gây khó khăn cho chính phủ Pháp, không phải là xuyên tạc mà là ngu xuẩn. Trong suốt chiều dài lịch sử từ năm 1858 cho đến ngày 30/4/1975, trải qua nhiều thế hệ, tiền nhân ta đã liên tục nối tiếp nhau đứng lên giữ nước. Từ lãnh binh Trương Công Định cho đến các vị anh hùng nghĩa sĩ tiếp bước như Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học… nhưng tất cả chỉ thành nhân mà không thành công. Mãi cho đến khi Mặt Trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, dân ta mới giành lại được độc lập chủ quyền cho dân tộc, đánh cho Pháp thua ở Điện Biên Phủ, tiếp đó là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, kết thúc ngày 30/4/1975 thống nhất đất nước. Nhờ vậy, nước Việt Nam mới có chỗ ngồi ngang hàng với các quốc gia khác trong tổ chức Liên Hiệp Quốc, và có vị trí xứng đáng trong cộng đồng quốc tế như ngày nay. Đó là dòng chảy liên tục của lịch sử Việt Nam.

2-  Nói “một nhóm chính trị thân Pháp tái lập một chính thể quân chủ lấy tên là Quốc gia Việt Nam” là xuyên tạc.

Trước dã tâm tái xâm lược của thực dân Pháp, Chính phủ Việt Nam non trẻ càng nhân nhượng thì giặc Pháp càng lấn tới. Ngày 23/9/1945, Nam Bộ nổ súng kháng chiến. Ngày 19/12/1946, tiếng súng kháng chiến lan ra toàn quốc. Trước sức đề kháng quyết liệt của những người không chịu làm nô lệ lần nữa, ngày12/5/1947, Bollaert cử cố vấn riêng Paul Mus, tới Thái Nguyên gặp Hồ Chủ tịch và Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám, đưa ra những điều kiện mà Chính phủ Pháp đòi:

Một là: Ngừng ngay mọi hành động chiến tranh, khủng bố và tuyên truyền.

Hai là: Nộp một phần quan trọng vũ khí.

Ba là: Tự do đi lại cho quân Pháp trong toàn bộ lãnh thổ của Việt minh.

Bốn là: Trả lại các con tin, tù binh và hàng binh.

Hồ Chủ tịch đã trả lời khiêm nhường nhưng thẳng thắn: “Trong khối Liên hiệp Pháp không có chỗ cho những kẻ hèn nhát. Tôi sẽ là kẻ hèn nhát nếu tôi chấp nhận”!

Thực dân chủ trương “tốc chiến tốc thắng”. Cuối năm 1947, tướng Salan tập trung đại quân đánh vào vùng căn cứ Cao-Bắc-Lạng-Thái-Hà-Tuyên với niềm tin chỉ cần ba tuần lễ là truy lùng đến tận sào huyệt, bắt gọn cơ quan đầu não của Việt Minh, bịt kín biên giới, cắt đứt sự chi viện từ ngoài vào, tiềm lực kháng chiến sẽ không còn! Thực tế là quân đội viễn chinh thì điêu đứng mà lực lượng kháng chiến càng mạnh hơn.

Đã không thể giải quyết gọn vấn đề Việt Nam trong khi Khối Liên hiệp Pháp rùng rùng chuyển động với những dấu hiệu bất an, người Pháp thấy rõ việc phải đánh lâu dài và họ muốn chuyển dần gánh nặng chiến tranh lên vai người Việt. Đó là chiến lược “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Song song với những hành động quân sự, người Pháp ráo riết tiến hành những hoạt động chính trị để thực hiện chủ trương “Dùng người Việt đánh người Việt” của họ.                                   

Trong số con bài có trong tay, người Pháp tính Bảo Đại vẫn là hơn. Ngày 5/8/1948, Bollaert ký cái gọi là Hiệp định Hạ Long với người đại diện của Bảo Đại: “Nước Pháp thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, để quyền thống nhất lãnh thổ cho người Việt Nam tự quyết và nước Việt Nam nằm trong Liên hiệp Pháp” – Đây là những đòi hỏi của Chính phủ Việt Nam độc lập trong những cuộc đấu tranh trước đó.

Vua Bảo Đại ký Hiệp Ước Vịnh Hạ Long với Bollaert
trên chiến hạm Duguay Trouin ngày 5 tháng 6, 1948
Ảnh Flicker

Mưu toan gạt Chính phủ Hồ Chí Minh ra, người Pháp muốn tìm đại diện cho nhân dân Việt Nam theo ý của họ! Và cái gọi là Liên hiệp Pháp lúc này theo nhận xét của sử gia Trần Trọng Kim “chỉ là một thứ cũi chó mạ vàng”! Cái chính phủ ấy chỉ gồm một lũ bán rẻ quyền lợi của tổ quốc, cam tâm làm tay sai cho giặc. Quốc trưởng Bảo Đại sống và làm việc tại biệt điện ở Đà Lạt nhưng Thủ đô vẫn là Hà Nội. Tiếp đó ngày 8/3/1949, Tổng Thống Pháp Vincent Auriol bày trò ký Hiệp định Élysée với cựu hoàng Bảo Đại, tái xác nhận lập trường của Pháp tại Hiệp định Hạ Long. Sau đó, “Nghị viện Nam kỳ thuộc địa” nhóm họp, bỏ phiếu tán thành việc sáp nhập Nam kỳ vào nước Việt Nam. Với kịch bản ấy coi như nước Pháp đã hoàn thành thủ tục về pháp lý để có được một nước Việt Nam thống nhất giao cho Bảo Đại làm Quốc trưởng và thành lập nội các với đầy đủ các Bộ và ba viện Thủ hiến Bắc, Trung, Nam.

Ngay lập tức Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tuyên bố cảnh cáo rằng: “Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ theo pháp luật nước nhà trừng trị bọn phản quốc ấy. Đối với các nước trên thế giới, tôi thay mặt Chính phủ và nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trịnh trọng tuyên bố không bao giờ thừa nhận những giấy tờ gì do bọn bù nhìn ấy ký kết với bất cứ nước nào”.

Theo Daniel Grand Clément thì chẳng gì lúc đầu ông (Bảo Đại) cũng gây tác hại không nhỏ với sự nghiệp chính nghĩa của Việt Minh. Dù được ngồi ngai Quốc trưởng mà Bảo Đại vẫn dửng dưng vì biết mình chẳng có thực quyền gì. Sau này, khi Thái tử Bảo Long trưởng thành, xin về Việt Nam theo học Trường sỹ quan Đà Lạt thì phụ vương lắc đầu bảo: “Làm gì có giải pháp Bảo Đại, chỉ có một giải pháp của người Pháp mà thôi!”. Có nghĩa cái quốc gia ấy chỉ là một trò hề.

Nhiều người còn nhớ trong Chiếu thoái vị, vua Bảo Đại nói: “… Sau hai mươi năm ngai vàng bệ ngọc Trẫm đã biết bao ngậm đắng nuốt cay!”. Khi được Cụ Hồ thành tâm mời ra giữ chức Cố vấn tối cao của Chính phủ, ông Vĩnh Thụy đã gửi thư cho chính phủ Pháp nói ra sự thật:

“Hà nội, 16 Septembre 1945

“Trước hết, tôi gửi lời sang cho Chánh phủ Cộng-hòa Pháp quốc. Tôi trịnh trọng báo cáo cho Chánh-phủ biết rằng Chánh-phủ Cộng-hòa Dân-chủ Việt-nam đã thành lập.

 “Năm 1940, Chánh-phủ Pháp ở Đông-dương đã hiến một cách vô sỉ đất đai của chúng tôi cho phát-xít Nhật, nhưng chúng tôi đã giành được nền độc-lập hoàn-toàn ngày 2 tháng chín năm 1945”... (Điều 15 trong hòa ước Patenôtre  ghi: “Nước Pháp cam kết từ đây sẽ bảo đảm sự nguyên vẹn lãnh thổ của Đức Vua An Nam, bảo vệ Đức Vua chống lại những cuộc tấn công từ bên ngoài và những vụ nổi loạn bên trong”, rõ ràng một cách gián tiếp, Hiệp ước này đã bị người Pháp xé bỏ).

Từng học Trường cao cấp chính trị ở Paris, làm sao ông Bảo Đại không biết về mặt pháp lý, nước Việt Nam chẳng còn giàng buộc gì với nước Pháp nữa. Đây chỉ là trò bịp! Nhưng trong vị thế của ông lúc này, chỉ còn biết cười trừ!

Thế nhưng vị giáo sư đứng đầu ngành sử học nước Việt Nam đương đại Phan Huy Lê, lại hóng hớt đẩy đưa: “Cũng vì cơ sở lịch sử và pháp lý đó (?) mà năm 1949, Tổng Thống Pháp ký với Bảo Đại hiệp ước Élysée trả lại đất Nam bộ cho Quốc gia Việt Nam chứ không phải một chủ thể nào khác đang vận động vùng đất này, làm cho không ít người ngộ nhận rằng nhờ có Bảo Đại và thiện tâm của đế quốc Pháp mà Nam kỳ mới được trở về với mẹ! Nếu ở thế giới bên kia, phế đế biết chuyện này, hẳn ông tự an ủi mình: “Gặp lúc mạt vận, tau đành nhắm mắt đưa chân. Chừ gặp nước dâng gió đẩy mà kẻ ngồi thuyền còn làm điều trái đạo. Đời ni kỳ thiệt!”.

3- Thế nào gọi là chính phủ lưu vong? Thời gian 1940-1945, nước Pháp có hai chính phủ – Một là, chính phủ Vichy ở phía Nam, thực chất là chính phủ đầu hàng phản bội. Và hai, là chính phủ kháng chiến lưu vong ở Bắc Phi do tướng De Gaulle thành lập, hợp tác với phe Đồng minh chống phát xít. Khi nước Pháp được giải phóng, những người trong chính phủ phản quốc Vichy từng hợp tác chặt chẽ với Đức Quốc xã đều bị trừng trị bằng những bản án nặng nề. Trong khi Chính phủ Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống ngoại xâm ngay trên tổ quốc mình, sao gọi là chính phủ lưu vong?! Chẳng lẽ ngày trước vua tôi nhà Trần ba lần chống quân Nguyên Mông, từng di đô về căn cứ Thiên Trường, cũng là triều đình lưu vong sao? Người có chữ mà nói không suy nghĩ!

4- Chính phủ nào hơp pháp và chính phủ nào bất hợp pháp? Những người Viêt Nam sống vào thời kỳ lịch sử 1945-1946 đều không quên ấn tượng sâu sắc lần đầu tiên được thực hiện “quyền công dân phổ thông đầu phiếu”. Quốc hội bầu ra Chính phủ liên hiệp gồm đủ các thành phần trong xã hội: Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Trần Huy Liệu, Nguyễn Mạnh Hà, Phạm Văn Đồng, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Tường Tam, Chu Văn Tấn, Dương Đức Hiền, Vũ Trọng Khánh, Cù Huy Cận, Trương Đình Chi, Đào Trọng Kim, Lê Văn Hiến, Nguyễn Văn Xuân.

Khi thực dân Pháp mở rộng chiến tranh, chính phủ ấy phân hóa không là điều lạ. Người bỏ cuộc theo gương Quốc trưởng, người theo kháng chiến tới cùng, người chẳng theo ai. Người viết tra cứu văn bản gốc của hai hiệp định lịch sử mang tầm quốc tế và dẫn ra một số ý chính liên quan tới nhận định này:

a/ Hiệp định Geneva ngày 21/7/1954 về vấn đề phục hồi hoà bình tại Đông Dương, có 6 chương (Chapter), 47 điều (Article), được ký bởi:

Một bên là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng TẠ QUANG BỬU, ký thay Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Một bên là Thiếu tướng (Lữ đoàn trưởng) DELTEIL, ký thay Tổng Tư lệnh quân lực Liên Hiệp Pháp tại Đông Dương (mà quân đội quốc gia Việt Nam là một thành viên).

Ông Trần Văn Đỗ lúc đó là Ngoại trưởng của nội các Ngô Đình Diệm do Bảo Đại vừa chỉ định, được cử đến Paris đứng ngó. Trong thư đề “Ngày 30 Aout 1983”, ông kể với Tướng Đỗ Mậu rằng: “Tôi sang Genève, không ai đả động gì đến ta cả. Trong lúc đó có tin ngoài hành lang nói đến việc chia xẻ đất đai. Tin đồn không biết thiệt hư, ở đâu ra. Bạn với thù họ đã thỏa thuận với nhau rồi để chia đôi đất nước. Từ năm 1946 đến 1954, dù trải qua các hiệp ước gọi là "công nhận nền độc lập": Hạ Long I (7/12/1947), Hạ Long II (5/6/1948), Elysée (8/3/1949), Matignon (4/6/1954) thì tất cả chỉ là lời hứa hẹn suông, chỉ là thủ đoạn lừa bịp của Pháp về một nền độc lập kiểu ban ơn, tiết lộ rằng thực chất QGVN cũng chỉ là một chính phủ bù nhìn, sinh ra vì quyền lợi, và mưu toan quay lại nền thực dân của Pháp ở Việt Nam”!

  b/ Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Chính phủ Hoa Kỳ, ngày 27/01/1973, có 9 chương (Chapter), 23 điều( Article), dựa trên căn bản Hiệp định khung được ký tắt giữa ông LÊ ĐỨC THỌ và ông HENRY KISSINGER sau 24 phiên họp kín rồi mới đưa ra Trung tâm hội nghị quốc tế trên phố Kléber để bốn bên bao gồm Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa + Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ + Việt Nam Cộng Hòa (dưới sức ép của Hoa Kỳ) cùng ký.

Trong ảnh tài liệu ngày 13 tháng 6, 1973, Henry Kissinger (trái), Cố vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ của Tổng Thống Nixon, và Lê Đức Thọ, Ủy Viên Chính Trị của Hà Nội ở ngoại ô sau buổi đàm phán. Lúc đó Kissinger là Tổng Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, lẽ ra được cùng chia giải thưởng Hòa Bình Nobel với lãnh đạo miền Bắc nước Việt Nam là Lê Đức Thọ vì đã làm trung gian để ngưng bắn trong chiến tranh Việt Nam. Lãnh đạo Việt Nam là người từ chối , không lãnh giải trước tiên, rồi Kissinger cũng không đi nhận giải thưởng nữa.

Trong hai mươi năm, hai Hiệp ước mang tầm cỡ thời đại được quốc tế thừa nhận, đã chứng tỏ trước nhân dân toàn thế giới rằng Chính phủ Việt nam dân chủ cộng hòa là đối tác chính danh của Pháp quốc và Hoa Kỳ quốc. Vậy thì ai thật sự đấu tranh cho quyền lợi của quốc gia dân tộc? Ai theo gót ngoại bang chống lại dân tộc và tổ quốc mình? Vấn đề  ai hợp pháp và ai bất hợp pháp? Câu trả lời quá rõ!

5- Nói rằng “cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1955 tại miền Nam đã phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, đưa Thủ tướng Ngô Đình Diệm lên làm Quốc trưởng” là không trung thực với lịch sử. Trong bối cảnh chính phủ Pháp đã “hết hơi” để theo đuổi cuộc chiến ở Đông Dương, tháng 7/1954, Hoa Kỳ áp lực bổ nhiệm Diệm làm Thủ Tướng thay Bửu Lộc là người của Pháp. Chưa đầy một năm sau Bảo Đại truất phế Diệm bằng một bức công thư gửi về từ Paris: “Ông được tôi chọn để điều hành một chính phủ đoàn kết dân tộc. Mặc dù đã có chỉ thị của tôi, ông đã góp phần gây phương hại đến quan hệ thân hữu với nước Pháp và đẩy nhân dân Việt Nam vào tình trạng nội chiến (giữa quân đội Diệm với các phe phái và những người kháng chiến – NV). Tham vọng của ông đã làm đổ máu nhân dân vô tội. Lẽ ra phải hành động như một nhà chính khách , ông đã đem lại tai họa cho đất nước. Vậy ông phải rời ngay Sài Gòn trong chuyến bay sắp tới, sang báo cáo với tôi về tình hình hiện tại” (Daniel Grand Clement: Bảo Đại hay Những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam).

Bây giờ thời thế khác rồi, sẽ không có việc Diệm chịu khuất phục ra đi như hơn 20 năm trước dưới thời thuộc Pháp. Bởi đã có chỗ dựa là người Mỹ vững hơn bàn thạch, ông ta có cách loại trừ đấng quân vương bằng một trò chơi chính trị cực kỳ tinh quái, là phát động những cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố Sài Gòn, đốt hình nộm Bảo Đại và kết thúc bằng một cuộc bàu cử “Phiếu xanh ta bỏ vô thùng – Phiếu đỏ Bảo Đại ta thời bỏ đi”. Tất nhiên là thắng lợi cực kỳ viên mãn thuộc về kẻ hạ thần với tỷ lệ áp đảo 98,2% / 1,1%! Hội đồng Hoàng tộc hưởng ứng tức thì họp nhau ở Huế, tuyên bố phế truất Bảo Đại khỏi cương vị Quốc trưởng và cấm ông không được lấy danh nghĩa hoàng gia và sử dụng tước hiệu Hoàng đế. Nền Đệ nhất cộng hòa Việt Nam khởi từ đây. Cũng từ đây, thành phố Sài Gòn mới được gọi là thủ đô của Việt Nam cộng hòa. Tuy nhiên cái gọi là quốc gia ấy cho đến lúc chết, nó chưa từng được ngồi tại Liên Hiệp Quốc! Tiếp đó, tháng 6/1956, Tân Quốc trưởng đòi quân Pháp đã hết thời rút ngay về nước, để người Mỹ độc quyền chi phối miền Nam Việt Nam. Với “thành tích” ấy, Ngô Đình Diệm ra sức mị dân, tuyên truyền rầm rĩ rằng: Tổng Thống cùng một lúc làm hai cuộc cách mạng “phản đế” và “phản phong” thắng lợi mà không tổn hao xương máu!

Thực ra, thời kháng chiến trước đó, 2/3 diện tích nông thôn nằm trong vùng Việt Minh kiểm soát, ruộng vườn đã được chia cho nông dân canh tác. Đường lối “cải cách điền địa” mà Ngô Đình Diệm đề ra đã phục hồi giai cấp địa chủ. Đến cuối trào Đệ nhất cộng hòa, 2% đại điền chủ sở hữu 45% tổng số ruộng vườn trong khi 73% tiểu nông chỉ nắm giữ 15%, còn khoảng phân nửa số người cày không có ruộng. Số đất thu được của thực dân chủ yếu là chia cho người Thiên Chúa giáo di cư từ miền Bắc vào. Đất của các giáo xứ Công giáo thì được miễn thuế và hạn mức. Nông dân phải trả lại đất cho địa chủ rồi phải thuê lại đất. Khế ước quy định mức tô tối đa là 25% nhưng trong thực tế thì mức nộp tô phổ biến là 40% hoa lợi (theo Wikipedia). Còn như việc đuổi được quân đế quốc cướp nước đi, là công của Việt Minh (Pháp gọi là VEM). Trước thực tế hiển nhiên ấy, Ngô Đình Diệm chỉ thị phải “giành lại chính nghĩa” từ tay đối phương. Để xóa đi ảnh hưởng quá lớn của Việt Minh trong lòng dân chúng, đám thuộc hạ bày ra cặp từ “Việt Cộng” và ra sức kích động sự đố kỵ, hằn thù.

II/ HÃY CẢNH GIÁC VỚI CHIÊU TRÒ MỚI:

Thầy tung thì trò hứng. Bộ sách “Lịch sử Việt Nam” 15 tập gây sự ồn ào. Nhà sử học Lê Văn Lan nói: “Mặc dù nó in thử từ mấy năm rồi. Bây giờ nếu nó có hiệu ứng, có tiếng vang thì là do thủ thuật tuyên truyền, thế thôi”. Thực sự tiền của dân đã vào túi họ, nay cần cái danh. Đó là chiêu thức PR thời hiện đại! Lại hợp với ý đồ của các thế lực thù địch.

Nhiều ý kiến phản bác, người viết trích dẫn hai ý kiến: một ở trong nước và một ở ngoài nước:

1- Thạc-sĩ Kinh doanh quốc tế Hoàng Hữu Phước, ông còn nhận là nhà “ngữ sử học”, viết trên FB: “Sau khi cùng quân đội Mỹ vất bỏ tất tần tật chạy khỏi Việt Nam, đến khi hú vía hoàn hồn mới mạnh miệng lôi cái “ngụy quân và ngụy quyền” ra để đòi lại cái chính danh chính nghĩa nào đó của cái “chính quyền” Việt Nam Cộng Hòa đã bị tiêu diệt sạch sành sanh.

Trong tiếng Anh gọi chính quyền một quốc gia là government. Hai từ trái nghĩa là degradation tức hạ cấp và upgradation tức nâng cấp. Ngoài ra có từ lóng nặng nề slang (non-offensive) dùng khi đấu khẩu, chưởi bới nhau, làm nhục nhau.         

Việt Nam Cộng Hòa gọi đối phương là “Việt Cộng” được giải thích là cụm từ viết tắt “Việt gian Cộng Sản” với ý khinh bỉ, khinh rẻ, khinh khi, khinh thường, xuất hiện sau năm 1954 nhằm xóa bỏ cặp từ Việt Minh.

“Việt Cộng” là tiếng lóng, nên không chuyển tải được sang tiếng Anh. Khi quân đội Mỹ tham chiến tại Việt Nam nhằm ý nghĩ coi thường, khinh bỉ khi nói về các chiến sĩ của “Quân đội nhân dân Việt Nam” hoặc “Quân đội Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam” (tham chiếu bảng mã sử dụng trong Khối NATO, theo đó Viet Cong = VC = Victor Charlie). Sau một thời gian dùng tiếng lóng Victor Charlie, quân Mỹ thất kinh khi nhận ra Victor có nghĩa là “Nhà chiến thắng”, hèn chi mà quân cộng sản đánh tới đâu thắng tới đó như chẻ tre, bèn chỉ gọi là Charlie hoặc VC (đọc là vi xi), bỏ luôn Victor. Còn đối với các nhà báo Mỹ, họ vẫn dùng “Vietcong”.

Trái lại, phía Việt Nam kháng chiến luôn gọi cái chính phủ và quân đội do ngoại bang dựng nên là “ngụy quân” và “ngụy quyền”. Đó không phải là tiếng lóng, mà là từ Hán-Việt, đúng nghĩa với một chính quyền, quân đội không từ dân, do dân, vì dân mà phụng sự. Người Tây gọi nó là “puppet government” (chính phủ bù nhìn). Người Việt Nam có chế ra cụm từ slang gọi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa là “ngụy quyền” (fake government).

Khi “Việt Cộng” còn được sử dụng, thì “ngụy quân” và “ngụy quyền” là từ đốp chát chiếm thế thượng phong đương nhiên được sử dụng một cách tự nhiên mà tất cả những ai ở các quốc gia văn minh hiện đại có nền ngôn ngữ học phát triển đều xem là chuyện thường tình chẳng có chi mà ầm ĩ.

Còn kẻ nào bù lu bù loa rằng không được dùng “Ngụy Quyền” và “Ngụy Quân” vì sẽ bất lợi trong đấu tranh chính trị về chủ quyền biển đảo thiêng liêng gì gì đó thì đích thị kẻ đó (a) quân ngu dốt tiếng Việt, (b) bọn kiếm cớ để xạo xạo ca ngợi “chính nghĩa” của Việt Nam Cộng Hòa mà Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã phạm tội xâm lược tiêu diệt một chính quyền của một đất nước Việt Nam Cộng Hòa có chủ quyền, và (c) đám vừa ngu vừa kiếm cớ  như đã liệt kê để lăm le “làm chính trị”.

Còn muốn đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng thì hãy dành nhiều ngân sách giao cho Bộ Quốc phòng mua thêm vũ khí, nếu Trung Quốc động binh bất chính thì gióng cờ giong buồm ra khơi thẳng tiến tái chiếm Hoàng Sa, chớ hơi đâu mà ve vuốt từ ngữ “ngụy quân” với “ngụy quyền” với bọn ngu muội phản dân tộc”.

2- Ông Trần Khách Quan, đang ở Hoa Kỳ, trong bài Sự thật về “Người Quốc gia” (nguồn http://sachhiem.net/) viết:Độc Lập, Tự Do là những giá trị thiêng liêng nhất của mọi quốc gia trên thế giới. “Việt Cộng” hay “VC" đã được Rand Corporation, một cơ quan nghiên cứu cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nhằm phục vụ chiến tranh Việt Nam, đã đưa ra kết luận nghiên cứu như sau: “Việt Cộng là những người tận tụy chiến đấu cho Độc Lập, Chủ Quyền và Tự Do của Quốc Gia Việt Nam, muốn thắng họ thì phải trả một cái giá rất lớn”.

Các thế lực đế quốc Pháp và Mỹ khi chọn ra một danh xưng mỹ miều “Quốc Gia” để mị dân mà thực chất chỉ là công cụ tay sai bản xứ đắc lực của bọn xâm lăng. “Việt Nam Cộng Hòa” chỉ là một biến thể từ cái “Quốc Gia Việt Nam” do Pháp tạo ra. Chính quyền và quân đội VNCH là tiếp nối của chính quyền và quân đội Quốc Gia do Pháp để lại. Do đó, người của VNCH thời Mỹ cũng là “Người quốc gia” tay sai thời Pháp.

Ông Phan Huy Quát đã từng là Bộ Trưởng Giáo Dục năm 1949, rồi Bộ Trưởng Quốc phòng 1950-1954 của “Quốc gia Việt Nam” thuộc Pháp. Nhưng sau đó, ông Quát lại là Thủ Tướng VNCH năm 1965. Điều này chứng tỏ “Việt Nam Cộng Hòa” chỉ là sự tiếp nối của “Quốc gia Việt Nam” bù nhìn tay sai của giặc Pháp. QGVN và VNCH đều bị nô lệ vào viện trợ của ngoại bang (Pháp và Mỹ). Vậy nên “Người Quốc gia” không thể nhân danh cho dân tộc Việt Nam để tranh đấu cho Nhân Quyền, Dân Chủ và Tự Do”.

Người viết dẫn ra những ý kiến trên bởi hai vị này hoàn toàn không dính dấp gì đến giới chức đương quyền Việt Nam Cộng sản, hẳn có những chính kiến vô tư.

III/ MŨI TÊN NHẮM ĐÍCH NÀO?

Những người khởi xướng sự “rối rắm sử” này nhằm mục đích là coi cuộc chiến tranh giải phóng vừa qua của nhân dân ta chỉ là một cuộc “nội chiến” hay là một cuộc chiến tranh “xâm lược” của miền Bắc với miền Nam –  nghĩa là của hai quốc gia đối nghịch! Đi xa hơn nữa là đòi hỏi Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đương đại phải “sám hối” và “thương lượng bình đẳng” với cái “thây ma Việt Nam cộng hòa” đang ở dưới âm ty địa ngục. Để thành lập cái gọi là Chính phủ liên hiệp hòa hợp và hòa giải dân tộc, thì nước mới yên chăng?! Quá bi hài!

1- Là cuộc “nội chiến”?

Mời bạn đọc xem ý kiến của Tiến sĩ Daniel Ellsberg, sĩ quan Lầu Năm Góc và là cố vấn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã viết:

"Không hề có chiến tranh Đông Dương thứ nhất và thứ nhì, chỉ có một cuộc xung đột nối tiếp trong một phần tư thế kỷ. Dùng ngôn từ thực tế, đứng về một phía (Mỹ), ngay từ đầu nó đã là một cuộc chiến của Mỹ: mới đầu là Pháp - Mỹ, sau đến toàn là Mỹ. Trong cả hai trường hợp, nó là một cuộc đấu tranh của người Việt Nam – không phải là tất cả người Việt Nam nhưng cũng đủ để duy trì cuộc đấu tranh – chống chính sách của Mỹ và những kinh viện, ủy nhiệm, kỹ thuật gia, hỏa lực, và cuối cùng, quân đội và phi công, của Mỹ... Cuộc chiến đó không có gì là "nội chiến", như nó đã không là “nội chiến” trong cuộc tái chiếm thuộc địa của Pháp được Mỹ ủng hộ. Một cuộc chiến mà trong đó một phía hoàn toàn được trang bị và trả lương bởi một quyền lực ngoại quốc – một quyền lực nắm quyền quyết định về bản chất của chế độ địa phương vì những quyền lợi của mình – thì không phải là một cuộc nội chiến... Theo tinh thần Hiến chương Liên Hiệp Quốc và theo những lý tưởng mà chúng ta (nước Mỹ) công khai thừa nhận, đó là một cuộc ngoại xâm, sự xâm lược của Mỹ". Đồng thời, tô son điểm phấn cho những cái gọi là “chính quyền quốc gia”, “chính nghĩa quốc gia” và những “người Việt quốc gia yêu nước” đều do bàn tay phù thủy thực dân đạo diễn (sách "Những bí mật về chiến tranh Việt Nam – Hồi ức về Việt Nam và Hồ sơ Lầu Năm Góc" – Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon papers).

Đó là tiếng nói của một người Mỹ có lương tri, từng liên quan trực tiếp tới cuộc chiến tranh bẩn thỉu của nước Mỹ tại Việt Nam.

2- Là cuộc chiến tranh “xâm lược” giữa hai quốc gia đối nghịch?

Hiệp ước Patenôtre (1884) xóa sổ nước Việt Nam trên bản đồ thế giới. Hàng thế kỷ, cộng đồng thế giới chỉ biết ở vùng Viễn Đông, giữa hai nước Ấn Độ và Trung Hoa có một xứ thuộc địa của Pháp, gọi là Indochina (Đông Dương) gồm năm vùng lãnh thổ: Cochinchin (Nam Kỳ – là một tỉnh của Pháp), Tonkin (Bắc Kỳ), An Nam (Trung kỳ), Campuchia, Lào. Người Pháp dùng từ “Annamit” tỏ ý khinh bỉ dân bản xứ này! Cách mạng tháng Tám 1945, nhân dân ta đã giành lại Tổ quốc và chủ quyền dân tộc, thống nhất đất nước, phục hồi quốc danh Việt Nam. Thực dân Pháp tái xâm lược nước ta. Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Chính phủ kháng chiến do Hồ Chí Minh đứng đầu, “thà hy sinh tất cả chứ quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Kết cục là năm 1954, Pháp thua to ở Điện Biên Phủ. Nhưng ta thì “đường giải phóng mới đi một nửa”.

a/- Hội nghị Geneva về vấn đề phục hồi hoà bình tại Đông Dương. Tuyên bố cuối cùng của hội nghị, ngày 21/7/1954, ghi rõ:

- Điều 2/ Hội nghị minh định sự toại ý về sự chấm dứt tình trạng chiến tranh tại Cam-pu-chia, Lào, và Việt Nam.

- Điều 6/ Hội nghị thừa nhận rằng, mục tiêu cốt yếu của bản hiệp định liên quan đến Việt Nam là để giải quyết những vấn đề quân sự với ý định chấm dứt tình trạng chiến tranh, và rằng, đường ranh quân sự sẽ không cách nào được giải thích như sự thiết lập một biên giới lãnh thổ và chính trị.

Tập đoàn những kẻ chống lại quyền lợi của quốc gia dân tộc, đứng đầu là Ngô Đình Diệm, dựa vào sức mạnh của Hoa Kỳ, âm mưu chia cắt đất nước lâu dài, tự xẻ  đôi đất nước, thành lập một quốc gia riêng gọi là Việt Nam Cộng Hòa.

Dựa trên căn cứ pháp lý nào để nói: “Việt Nam Cộng Hòa được hình thành trên cơ sở hiệp định Geneva? “Ở Nam vĩ tuyến 17 có một quốc gia độc lập là VNCH với thủ đô là Sài Gòn và ở Bắc vĩ tuyến 17 có một quốc gia độc lập khác là VNDCCH với thủ đô là Hà Nội”?

Những người không chịu theo đám phản dân hại nước ấy bị tàn sát dã man, buộc phải cầm súng chống lại. Tham vọng bá chủ hoàn cầu, Hoa Kỳ can thiệp và ngày càng lún sâu vào. “Chiến tranh đặc biệt” –  dùng đội quân tay sai bản xứ với sự chi viện tối đa của Mỹ, thất bại. Hoa Kỳ chuyển thành “chiến tranh cục bộ” –  là cuộc chiến tranh của nước Mỹ ở miền Nam và mở rộng “chiến tranh phá hoại” ra toàn miền Bắc Việt Nam. Sự chi viện của miền Bắc với đồng bào ruột thịt ở miền Nam là điều tất nhiên, hợp cả tình và lý. Cuộc chiến tranh xâm lược tốn hao nhiều người và của, ngày càng lộ rõ bản chất phi lý vô nhân, bị nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới và ngay cả ở nước Mỹ quyết liệt phản đối. Sau này, ông Chuck Hagel (Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ triều B.OBAMA), tiết lộ: “Điều thật sự làm tôi thay đổi hoàn toàn là việc công khai đoạn băng của Tổng thống Johnson (Lyndon B.). Đó là một sự lường gạt và dối trá khủng khiếp. Khi một Tổng thống Mỹ nói rằng “Tôi không thể là vị Tổng thống đầu tiên thua một cuộc chiến. Tôi biết là chúng ta không thể chiến thắng, nhưng chúng ta cứ đưa những thanh niên của chúng ta vào chỗ chết”! Thật lòng mà nói tôi đã sững sờ khi nghe những lời đó vào những năm 1990. Người dân Mỹ đã bị lừa dối, và tôi cũng vậy. Bởi vậy mà rất nhiều người Mỹ đã chết và đau khổ” (Daniel P. Bolger: Our Year of War – Những năm tháng chiến chinh). Giới cầm quyền hiếu chiến bế tắc, phải tìm lối thoát ra trong danh dự.

b/- Hiêp định Paris ngày 27/1/1973, Chương I (Các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam), Điều 1 ghi rõ: “Hoa kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Geneva năm 1954 về Việt Nam đã công nhận. Có chữ ký của Ngoại trưởng nội các Việt Nam Cộng Hòa.

Tinh thần cốt yếu chỉ một quốc gia Việt Nam thống nhất của Chính phủ Hồ Chí Minh từ ngày đầu lập nước: “Nam Việt Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không thể nào thay đổi được” luôn nhất quán! Nếu không là ngu thì chỉ kẻ vong bản mới lu loa rằng miền Bắc xâm lược miền Nam.

Mưu đồ xâm lược bị đánh tan thì bọn người vị kỷ coi thường độc lập, chủ quyền của tổ quốc, dân tộc cũng thảm bại theo. Ông Dương Văn Minh là người có lương tâm, trên cương vị Tổng Thống chính danh của cái ngụy quyền kia, ông đã ký giấy khai tử cho nó bằng lời nói của một nhân cách lớn khi có kẻ “gạ” tìm cách giúp ông thoát nước cờ tàn: “Suốt đời tôi làm tay sai cho Pháp rồi cho Mỹ.Nay tôi không thể là tay sai cho ai được nữa”. Đó là truyền thống, là dòng chảy liên tục của cuộc trường chinh giữ nước trong lịch sử Việt Nam.

Tại cuộc mít tinh lớn chào mừng chiến thắng vĩ đại 30/4/1975, Diễn văn của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn – người có công lớn đưa sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thắng lợi hoàn toàn, nêu rõ: “Trong 4.000 năm lịch sử của dân tộc ta thì hơn 100 năm lại đây là chặng đường đấu tranh chống ngoại xâm gay go nhất, quyết liệt nhất, nhưng cũng thắng lợi vẻ vang nhất. Thắng lợi này là thắng lợi của ngọn cờ độc lập dân tộc, thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước oanh liệt, phát huy lên đỉnh cao mới “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

“Xã tắc từ đây bền vững / Giang sơn từ đây đổi mới / Càn khôn bỉ mà lại thái / Nhật nguyệt hối mà lại minh / Muôn thuở nền thái bình vững chắc / Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu”. Ấy là nhờ trước hết ở truyền thống quật cường của tổ tiên ta, sau là sự hy sinh vô bờ bến của các đấng tiền hiền tiên liệt, của các anh hùng liệt sỹ và của toàn dân ta sẵn lòng nồng nàn yêu nước, vượt mọi khó khăn gian khổ, một lòng vì sự trường tồn của tổ quốc, giống nòi.

3- Vấn đề hòa hợp và hòa giải dân tộc:

Học giả Hoàng Xuân Hãn – một chứng nhân thời đại và cũng là một trí thức bậc thầy của nhiều thế hệ, được giới trí thức trong và ngoài nước mọi thời đều kính trọng, nói ra điều chân lý: “Cái kết quả tức thì nước mình bây giờ mà có độc lập, có thống nhất thì ấy là cái công của Hồ Chí Minh to lắm. Dẫu người ta dùng một chính sách gì, cộng sản hay quốc gia, thì cái công ấy sau này đối với người viết sử, người ta xét lại không khác gì đời Lê Lợi mà rồi quân Minh phải về nước… Rồi xảy ra chuyện 1975 thì dẫu nói thế nào nữa cũng là nước của mình, độc lập và thống nhất. Cái công ấy của Việt Minh từ đầu. Đối với một người chỉ có óc lịch sử không, sau này phán xét, tôi nghĩ không thể nghĩ cách khác được đâu”.   

Trong lịch sử ngàn năm dựng nền độc lập, nhân dân ta đã hơn chục lần chiến thắng quân xâm lược mọi thời. Nhưng ngay trong lúc kháng chiến đang rất gay go, tiền nhân ta đã nghĩ đến chuyện hiếu hòa. Nguyễn Huệ từ Nam kéo quân ra Bắc, đến Tam Điệp, dù tin cuộc hành binh thắng lợi nhưng ông đã thấy trước: “Đuổi được giặc đi, nhưng nghĩ chúng là nước lớn gấp mấy mươi lần nước mình, sau khi bị thua một trận ắt lấy làm hổ thẹn mà lo mưu báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân. Đến lúc ấy chỉ có lời lẽ mới dẹp được binh đao”.

Ngay sau ngày chiến thắng 30 tháng Tư, nhà lãnh đạo tối cao Lê Duẩn đã nói: “Với tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc, nhân dân ta tỏ rõ lượng khoan hồng đối với tất cả những ai bất kể quá khứ của họ như thế nào, nay trở về với dân tộc miễn là họ thành tâm mang hết tài năng ra phục vụ Tổ quốc, thì vị trí của họ trong lòng dân tộc sẽ được bảo đảm”. Thế cho nên đã không hề có chuyện “tắm máu” trả thù mà quân xâm lược rất mong nó xảy ra.

Dựa vào cái gọi là đổi mới tư duy, dường như các nhà sử học hậu sinh bỏ qua chuyện đó. Như người ngòai cuộc, họ đề cập đến nhiều vấn đề vốn được coi là "nhạy cảm" như là “trại cải tạo”, “thuyền nhân”, Hoàng Sa, Trường Sa xảy ra trong hoàn cảnh hậu chiến vô cùng phức tạp; xa hơn là những cái gọi là "khoảng trống lịch sử" như Cải cách ruộng đất, Nhân văn-Giai phẩm, vụ xét lại chống Đảng, cải tạo tư bản tư doanh ở miền Bắc, miền Nam… Nhưng họ có cố tình quên không, cùng thời gian ấy, Hoa Kỳ đã hậu thuẫn cho chính quyền và quân đội ngụy ở miền Nam đơn phương tiến hành cuộc chiến đàn áp những giáo phái và tàn sát những người kháng chiến (theo sử liệu ghi 68.000 người bị giết hại, gần 500.000 người bị bắt bớ tù đày)? Và cuộc cải cách điền địa đem lại ruộng đất cho ai? Thực sự nền kinh tế ở miền Nam thế nào? Riêng về cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, thì đó thuộc lĩnh vực khoa học quân sự nghiên cứu chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, cách đánh, thời cơ… Chưa biết các sử gia sẽ nói gì nhưng chỉ cần nghe cách đặt vấn đề: “…cả sai lầm của miền Bắc trong tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968” đã là không ổn! Trong chiến tranh có nhựng trận tưởng thua mà thắng, lại có những trận tưởng thắng mà thua. Sự thật khẳng định rằng: Có Mậu Thân mới có hiệp định Paris và mới có chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng.

Ông GS.TSKH Vũ Minh Giang nhắc đến ba hành trang quan trọng để bước vào đời: “Khả năng tư duy – Tiếng mẹ đẻ, và – Biết mình là ai. Chỉ có học và đọc lịch sử mới có thể trả lời câu hỏi: Mình là ai?”. Vậy các sử gia đương đại đã biết mình là ai chưa? Rõ ràng là những người làm sử đương thời chưa tạo được niềm tin trong lòng công chúng!

Ông Trần Đức Cường – một quan chức trong ngành sử học nói "Bản chất chính quyền Sài Gòn và quân đội Sài Gòn là một chính quyền được dựng lên từ đô la và vũ khí, thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ, ngăn chặn chủ nghĩa Cộng Sản lan xuống vùng Đông Nam Á, đồng thời chia cắt đất nước Việt Nam một cách lâu dài, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Điều đó không có gì nghi ngờ cả. Thứ hai, quân đội Sài Gòn thực chất được Mỹ trang bị hoàn toàn và quan trọng hơn là thực hiện mưu đồ của Mỹ. Đó cũng là một đội quân đi đánh thuê. Nhưng về cách gọi, chúng tôi nghĩ rằng trong một văn bản khoa học, mình gọi trung tính vẫn hơn là ngụy quân, ngụy quyền. Bởi vì cách gọi này mang tính biểu cảm, miệt thị cho nên chúng tôi gọi là quân đội Sài Gòn và chính quyền Sài Gòn”.

Phần trên không ai có thể nói khác đi. Nhưng phần sau là cái lập luận xoay chiều thật trí trá! Nếu như bạn đọc đã xem Phan Huy Lê “xịa” chuyện Lê văn Tám, càng thấy lời cổ nhân: “Thầy nào trò nấy” chẳng sai! Các ông làm sử hay làm chính trị? Chính trị có thể mưu mẹo với đối phương. Nhưng chính trị mị dân chẳng thể bền. Khoa học cần sự rõ ràng, minh xác, không thể nửa vời, trung tính. Lịch sử là nói chuyện đã qua, để đời sau biết đâu thật-giả. Cái không thật gọi là “ngụy”, ai cũng hiểu. Nó là tay sai, là bù nhìn – đó là sự thật. Cần chi phải dùng “ngụy lý” mị đời. Vấn đề không phải ở cái “từ”, mà chính là ở cái “tâm” người nói và cách ứng xử với nhau.

Nói ra điều này, người viết bỗng chút gợn lòng vì một thời sau 1954, ở phía Bắc, ai mang họ LƯU (lưu dụng) thật lép vế với người họ KHÁNG (kháng chiến)! Lòng cha tôi thương con mà ngậm ngùi với tiếng “hàng thần” chỉ vì yêu cái chính nghĩa của Cụ Hồ. Nhưng mọi sự đời dịu dần theo dĩ vãng. Đại sự thành là được. Nay người viết cũng có 50 năm tuổi Đảng, ấy là còn thiệt mấy năm cần thử thách. Chẳng có chi đáng để tự hào vì con đường đi đã được những vị tiền hiền khai sơn phá thạch, rồi gặp được những người lớp trước từng trải chỉ đâu là chân lý? đâu là thời thế lẽ đời, nên cứ đường ngay lối thẳng, thuận chiều lịch sử mà đi. Đã ở tuổi “cổ lai hy” rồi, lời khen chẳng giúp gì, chỉ cần thanh thản.       

Thực tế là cái tổ chức “ngụy quyền” và “ngụy quân” đã tự tan rã non nửa thế kỷ rồi. Mọi người trong nước Việt Nam hòa bình thống nhất độc lập hiện nay, đều là những công dân bình đẳng. Nhìn ra bà con ta ở ngoài nước, hoặc đã mang quốc tịch của nước sở tại mà còn lưu luyến cái gốc rễ Việt; nếu ai chưa nhập tịch thì gọi là Việt kiều, thế thôi! Đáng buồn là phải tổn hao bao máu xương, nước mắt mới lột bỏ đi được cái áo “ngụy” tai tiếng, mà nay lại có người vơ choàng lên mình “của nợ” lỗi thời ấy để tự hào, ỉ ôi, yêu sách, khuấy động nhân tâm!

Nhiều học trò của ông Phan Huy Lê giờ thay thầy ngồi trên cái ghế sử quan, cất lên những lời lạc lõng. Tóm gọn vào hai chủ đề chính như sau:

- VNCH tồn tại 20 năm, được nhiều quốc gia trên thế giới lúc bấy giờ thừa nhận và được định danh trên các văn bản quan phương, nên công nhận sẽ rất có lợi, mới có cơ sở pháp lý để đòi lại cái gì đã mất.

- Phải công nhận VNCH thì mới có thể "hòa giải, hòa hợp dân tộc" được.

Xin thưa:

+ Dựa vào sự được nhiều quốc gia công nhận và tồn tại lâu dài tất phải là chính danh, chính nghĩa, có đúng không trong thế giới hỗn mang này? Hẳn mọi người chưa quên thời tổ chức “Khmer đỏ” với lý tưởng đồng thời thực hiện ba mục tiêu phản đế, phản phong và xây dựng chủ nghĩa cộng sản kiểu “ăngka”: gần 2 triệu người (bằng 2/5 dân số Campuchia lúc đó) bị giết bằng những hình thức thời trung cổ; Người Chăm theo Đạo Hồi bị săn lùng như Đức Quốc xã với người Do Thái; Hàng ngàn thường dân Việt Nam bất kể già, trẻ, gái, trai ở các tỉnh dọc biên giới, bị sát hại đã man, bằng chứng nay còn lưu ở xóm núi Ba Chúc – An Giang. Cái lý tưởng bất nhân vô đạo ấy có thể tồn tại được không? Vậy mà cả trăm quốc gia vẫn để cái “Khmer dân chủ” ghê tởm ấy vênh váo ngồi trong LHQ! Phải chăng nó còn được các nước lớn vuốt ve? Mời bạn đọc nghe Kissinger nói trong buổi chiêu đãi do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức tiếp các đại diện Thái Lan ngày 26/11/1975:

“Chúng tôi nghĩ là mối đe doạ lớn nhất đối với Đông Nam Á hiện giờ, đến từ Bắc Việt Nam. Chiến lược của chúng tôi là lôi kéo Trung quốc đến Lào và Campuchia để ngăn chặn Việt Nam. Hãy nói với những người Khmer rằng chúng tôi sẽ là bạn của họ. Họ là những tên côn đồ sát nhân, nhưng nói riêng giữa chúng ta thì điều đó không quan trọng. Chúng tôi sẵn sàng cải thiện quan hệ với họ”, và sau đó, ngày 11/10/1978 Bộ Ngoại giao Mỹ gửi công điện đến 6 đại sứ quán Mỹ tại châu Á, như sau: Chúng tôi tin rằng một nước Campuchia  phải tồn tại ngay cả khi chế độ Pol Pot là chế độ vi phạm quyền con người tồi tệ nhất thế giới! Khác chi trước đó John F. Kennedy từng nói về Ngô Đình Diệm:“ Đó là con đẻ của chúng ta - chúng ta không thể bỏ rơi nó, chúng ta không thể không biết tới những nhu cầu của nó”?! Nhu cầu của nó là chia đôi đất nước.

Người Việt Nam buộc phải cầm súng chiến đấu để bảo vệ mình và cứu cả dân tộc Campuchia thoát họa diệt chủng, đã phải đau đớn ôm vào lòng gần 50 ngàn binh sĩ thương vong và những khó khăn kinh tế càng thêm chồng chất! Mà cộng đồng quốc tế làm ngơ? Chưa bao giờ nước Việt Nam bị “đánh hội đồng”, bị “phạt vạ” và cô lập trước thế giới như lúc bấy giờ! Khi nước Campuchia hồi sinh, không thể ngó lơ được nữa, Tòa án đặc biệt tại Campuchia do LHQ bảo trợ (ECCC) mới được lập ra. Tòa này kéo dài từ 2005-2018, tốn 318,9 triệu USD, khi lũ đầu sỏ Polpot, Noun Chea, Ta Mokok, Ieng Sary, Khieu Samphan, Kaing Guek Eav – quá nửa đã chết, hai tên còn lại “thở hắt ra”, thì Tòa mới ra phán quyết cuối cùng: ”Khmer đỏ phạm tội diệt chủng và những tội vi phạm nhân quyền”. Đồng nghĩa là “Việt Nam đưa quân tình nguyện vào Campuchia phải được coi là quyền tự vệ chính đáng và là sự can thiệp nhân đạo kịp thời. Những kẻ đồng lõa và tòng phạm, trong đó có cả Liên Hiệp Quốc qua “Chương trình lương thực”, đã hà hơi tiếp sức cho Khmer đỏ trong suốt 20 năm, góp phần nuôi sống những kẻ diệt chủng, đã không được nhắc tới! Giờ thì cộng đồng thế giới đã quên đi. Phải – Trái – Chính – Tà – Chính nghĩa – Phi nghĩa, với kẻ tà tâm là thế! Người Việt Nam không thể quên và những nhà sử học Việt Nam càng không được phép quên!

+ Những gì con sói đã nuốt rồi, sẽ chẳng bao giờ chịu nhả ra trừ khi biến cố bất thường. Cổ nhân nói: Thiên hạ Tan rồi lại Hợp – Hợp rồi lại Tan – Mạnh rồi lại Yếu – Yếu rồi lại Mạnh. Vừa do lẽ trời, vừa tại mình.

Muốn không để xảy ra cái lỗi tại mình, cần phải hòa giải hòa hợp dân tộc. Nhưng không thể là chuyện xảy ra giữa người sống với cái bóng ma; Cũng như không có sự “hòa hợp bằng mọi giá”. Đó là chuyện nghiêm túc giữa những người Việt Nam, dù đang sống ở bất kỳ đâu mà còn có những chính kiến, quan điểm khác nhau về việc xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, thịnh vượng, thì ngồi lại với nhau, bình đẳng trao đổi để hiểu nhau, đi đến sự tương đồng, cùng chung sức chung lòng lo cho tương lai đất nước.

Ông Nguyễn Cao Kỳ là người thế nào, mọi người đều biết. Nhưng cuối đời ý kiến của ông rất chân thành xây dựng, được dư luận đồng tình: "Những ai muốn quay về dĩ vãng, thật là không tưởng. Tôi nghĩ rằng, nhiệm vụ của mỗi công dân Việt Nam trên toàn thế giới là đoàn kết nhau lại, hợp sức xây dựng đất nước. Hãy quên quá khứ để nhìn về tương lai".

IV/ CƠ SỰ TỪ ĐÂU?

Trong lịch sử ngàn năm từ ngày dựng nền độc lập, nhân dân ta đã phải tiến hành mười mấy cuộc chiến tranh giữ nước, trong đó có hai cuộc chiến tranh giải phóng trường kỳ gian khổ hy sinh lớn nhất là cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh đầu thế kỷ XV và cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương tây kéo dài từ giữa thế kỷ XIX đến gần cuối thế kỷ XX.

Làm chiến tranh giải phóng nghĩa là phát động nhân dân đứng dậy trong cảnh nước đã mất, giặc đã vào nhà, Tổ quốc thành sân sau của giặc. Nhân dân nếu không muốn chết chóc hoặc mang thân tù tội thì phải chấp nhận tiếp tay cho giặc dưới nhiều hình thức. Trong lúc kháng chiến đang rất gay go, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi rất đau lòng thương xót đồng bào lâm vào hoàn cảnh ấy, vì lũ thực dân hung ác, nhưng một phần cũng vì tôi, người phụ trách số phận đồng bào, chưa lập tức xua đuổi được loài thú dữ và cứu vớt ngay đồng bào ra khỏi địa ngục thực dân”.

Nhưng với “chủ nghĩa thực dân mới”, ông chủ ngoại bang cho người bản xứ lâp nên một chính quyền khá hoàn chỉnh để thực thi ý đồ của họ, dễ làm lẫn lộn chính tà. Công cuộc giải phóng dù là “thuận thiên hành đạo” mà khi thắng lợi thì việc thu phục lòng người không dễ dàng êm thấm và những hệ lụy của nó còn sâu xa, dai dẳng.

Giặc kiếm cớ vào nhà bao giờ cũng trương lên cái chiêu bài theo lời “cầu viện” hoặc “khai hóa”, rồi là bảo vệ “nhân quyền” để hợp thức hóa hành động xâm lăng, cùng với nền kinh tế mạnh, nền văn hóa lớn, tổ chức xã hội chặt chẽ và cuộc sống văn minh. Cuộc chiến càng kéo dài, càng dễ làm mờ nhòa đi cái ranh giới giữa kẻ xâm lược và người bị xâm lược, sẽ làm một bộ phận không nhỏ dân chúng khó nhận ra thân phận “chủ hờ” mà thực ra là “vong quốc”. “Bọn xâm lăng không nhằm cá nhân tôi mà xúc phạm. Chúng đã xúc phạm tới cả một dân tộc! Tôi thấy tôi không thể tách rời khỏi dân tộc mà có được sự kính nể của ngoại bang” – lời nói của Nhà văn Thiếu Sơn, tiêu biểu cho những nhân sỹ lớn, trong giờ phút thăng trầm của lịch sử, trước sứ mệnh cao cả của tổ quốc, đã vượt qua mọi thử thách cam go, đồng hành cùng dân tộc đi tới mục hòa bình, độc lập, thống nhất giang sơn. Thật đáng trân trọng biết bao.

Thời xưa, giặc chịu về nước rồi thì nhà ai nấy biết, dù hậm hực cũng phải chờ cơ hội. Thời đại “không gian phẳng” thì không một xó xỉnh nào trên thế giới này có thể che đậy được. Các phương tiện thông tin hiện đại không chỉ làm một việc truyền thông, mà còn là thứ vũ khí tinh thần, như một đạo quân cực kỳ nguy hiểm. Người ta dễ lúng túng hoang mang trước biến thiên thời cuộc, khó định ra phương hướng.

Quá trình “hòa giải hòa hơp” ngoài sự chân thành, cần yếu tố thời gian. Thời gian có ủng hộ ta hay không là từ nội lực của mình. Nội lực quốc gia lúc này tùy thuộc vào hệ thống lãnh đạo các cấp, trước hết là cấp lãnh đạo thượng tầng. NĂNG LỰC – BẢN LĨNH – LIÊM CHÍNH – TÂM HUYẾT là những phẩm chất phải có ở những người nắm vận mệnh quốc gia. Nghị quyết về “Chiến lược cán bộ” đã có từ lâu, mà sao để “đồng chí N”, “đồng chí X” kẻ vô cảm, người tự tung tự tác, thao túng cả hệ thống chính trị khổng lồ, vô hiệu hóa “tính chiến đấu” của một Đảng cầm quyền có truyền thống chiến đấu vẻ vang oanh liệt?! Giật mình tỉnh ra, mới có NQTƯ 7/XII, xây dựng đội ngũ “Cán bộ chiến lược” – dù quá muộn nhưng là cấp thiết. Cái bệnh hình thức trầm kha sinh ra tệ giả dối, vô can, hậu quả khôn lường.

Tiếng nói sử học cần sự minh triết của những cái đầu uyên bác ở những con người tâm huyết. Sách sử ghi đậm lời Vua Lê Thánh Tông từng mắng nhiếc mấy sử quan ăn ở hai lòng: “Các ngươi bảo nước ta là hàng phiên bang đời xưa, thế là người theo đạo chết, mang lòng không vua. Các ngươi nay thờ chủ này mai thờ chủ khác chỉ vì lợi lộc, sao trong lòng không tự xấu hổ mà chết ư”?

 

TP. Hồ Chí Minh, những ngày cuối năm 20018 

Nguyễn Văn Thịnh