Đã Tìm Được Nơi Nhà Thơ Ngô Kha Bị Giết Hại

Hồng Hạc

http://sachhiem.net/VANHOC/N/Ngokha_Honghac.php

25-Feb-2013

 

LGT: Để kỷ niệm 40 năm ngày mất của Ngô Kha (1935-1973), chúng tôi phổ biến một số bài viết như sau:

1. Từ Ngô Kha, soi rọi và giải mã một thế hệ dấn thân (Tiêu Dao Bảo Cự);

2. Thi sĩ Ngô Kha trung thực một đời thơ (Võ Quê);

3. Ngô Kha: trường ca và thơ tự do (Trần thị Mỹ Hiền);

4. Đã tìm được nơi nhà thơ Ngô Kha bị giết hại (báo Thanh Niên).

Nhân dịp này, có cần đòi hỏi Liên Thành, nếu còn là phật tử, hãy sám hối về lệnh bắt giết thi sĩ Ngô Kha và cho biết chôn xác ở đâu? (GDOL)


Tối 8/1/2006, nhân Ngày truyền thống sinh viên học sinh 9/1 và tưởng niệm 33 năm nhà thơ Ngô Kha hy sinh (1973 - 2006), bốn đơn vị: Hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế, Phòng Văn hóa - Thông tin Huế, Nhà Văn hóa TP Huế và Công ty văn hóa Phương Nam tổ chức ra mắt cuốn Ngô Kha - Ngụ Ngôn của một thế hệ (NXB Thuận Hóa) tại 22 Trương Định, Huế.

Sách chứa đựng một số tài liệu mới về tiểu sử, quá trình hoạt động, đấu tranh của Ngô Kha cũng như tập hợp khá đầy đủ các tác phẩm của anh, do một số thân hữu trí thức Huế sưu tầm và biên soạn, nhóm thực hiện: Trần Thức, Nguyễn Duy Hiền, Nguyễn Thanh Văn, Lê Khắc Cầm, Nguyễn Quốc Thái, dày hơn 350 trang.

Vào đầu thập niên 1970, nhà thơ Ngô Kha chủ trương nhóm trí thức đấu tranh Tự quyết (cùng với Trịnh Công Sơn, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Thái Ngọc San, Chu Sơn). Anh cũng là sáng lập viên và là Chủ tịch Mặt trận văn hóa dân tộc miền Trung do Thành ủy Huế chỉ đạo năm 1972. Đến ngày 30.1.1973, Ngô Kha bị nhà cầm quyền Thừa Thiên bắt và thủ tiêu. Anh được Nhà nước công nhận liệt sĩ vào cuối năm 1981. Đến nay, vẫn chưa tìm đích xác nơi nhà thơ bị hạ sát lén lút để dời cốt lập mộ.

Để chuyển đến bạn đọc một số thông tin từ phía gia đình nhà thơ Ngô Kha, ngoài các bài viết của Bửu Ý, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Võ Đông, Võ Quê, Trương Thìn, Nguyễn Phú Yên, Trần Phá Nhạc, Trần Thùy Mai, Ngô Minh, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Thanh Văn, Nguyễn Công Thắng, cuốn sách có bài của Trần Thạnh ghi lại lời kể của anh Ngô Vũ, cháu gọi nhà thơ Ngô Kha bằng chú ruột, cho biết thêm một số chi tiết liên quan đến cái chết của nhà thơ.

Theo đó, chính quyền Sài Gòn đã ngầm ra lệnh cho cảnh sát Thừa Thiên - Huế theo dõi Ngô Kha và có lần đã ra tay hại anh nhưng chưa được. Anh Ngô Vũ cho biết: "Bữa đó, chú Kha dạy ở Hàm Nghi xong, trên đường về thì bị kẻ giấu tay ném đá. May mà chỉ xước qua đầu. Chú dừng lại, lượm cục đá, đem về chưng trên bàn viết. Chắc để cảnh tỉnh mình hơn là kỷ niệm. Sau khi chú mất, mạ đặt lên bàn thờ vì dù gì, nó cũng còn giữ chút hơi hám người chết hoặc ít nữa, cũng gợi nhớ cho người còn sống". Sau này, khi Hiệp định Paris ký kết chưa ráo mực, chính quyền Sài Gòn ra mặt đàn áp ráo riết những người nằm trong lực lượng thứ ba có quá trình đấu tranh đòi tự do và dân sinh dân chủ tại các đô thị miền Nam, trong số đó anh Kha là một trong những nhân vật nổi bật và "nguy hiểm". Chính vì thế, cảnh sát Thừa Thiên - Huế vội vã bắt anh.

Ngô Vũ kể: "Bữa đó là 27 Tết. Có hai người tới đòi giải chú đi. Mạ em hỏi có lệnh không - vì mạ em làm tòa hành chánh mà (cười); rứa là một ở lại, một người đi xin lệnh. Có lệnh rồi, dạ, em không biết ai ký, cái đó hỏi lại mạ em, nhưng mạ em chấp nhận, có điều phải để chú ăn uống đàng hoàng rồi đi. Họ đồng ý chờ. Ra sau nhà, mạ em hối chú trèo tường qua phủ ông Khánh mà thoát đi.

Tại buổi ra mắt tập sách, các tác giả tham gia biên soạn và viết bài đã dành toàn bộ số tiền nhuận bút chuyển giao cho Thành đoàn TP Huế để xúc tiến thành lập Quỹ học bổng Ngô Kha, sẽ được tổ chức trao hằng năm vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống học sinh - sinh viên (9.1) cho các học sinh, sinh viên tài năng của Huế. (Bùi Ngọc Long)

Chú không chịu, nói là mình không tội tình chi mà phải trèo tường thoát thân; hơn nữa cứ đường lớn cửa chính mà đi đàng hoàng, em không can chi mô, chị đừng lo! Nói cho vững bụng nhau thôi, ai ngờ đó là lời cuối cùng: Chú đi không trở về nữa! Chẳng biết chú mất ngày nào chỉ biết kỵ ngày cuối năm. Sau giải phóng, có anh P.K.N, con vợ trước của chồng o em, là phó ty cảnh sát Thừa Thiên cũ, cải tạo về, tới thăm nhà, thắp hương cho chú. Anh nói, biết mà không cứu được! Qua anh, biết đích xác ngày mất của chú là 27 Tết, vùi tại đồng An Cựu.

Từ đó, nhà em đổi lại ngày kỵ là 27 Tết. Dạ, đúng ra là kỵ ngày sống, nhưng mà thôi, thành lệ rồi. Cũng có đi tìm cốt chú. Nhưng thời buổi ấy ai gan ruột mà chỉ cho, sợ liên lụy rắc rối; phần nữa có ai quan tâm mà phụ lực dù chỉ là nghĩa cử với người đã khuất. À cũng có người cho biết, một cách tế nhị - là 27 Tết năm ấy có thủ tiêu một người không biết phải chú không. Người đó mặc áo da rất đẹp. Đúng rồi! Cái áo da nớ do một người bạn mua ở Pháp về tặng chú mà ngày bị bắt, chú mặc vì trời lạnh. Người ta chỉ biết rứa thôi, không biết chôn nơi đâu trên đồng An Cựu".

Như đã nói, cuốn Ngô Kha - ngụ ngôn của một thế hệ ngoài phần văn xuôi và số bài viết của các tác giả nêu trên còn in phần thơ Ngô Kha gồm: Hoa cô độc, Ngụ ngôn của người đãng trí, Trường ca hòa bình, Những bài thơ rời, trong đó có mấy câu thường được nhắc đến như điềm báo trước về cái chết của anh:

buổi chiều phơi thây ngoài cánh đồng
và người tù hát bài ca của đất (...)
con đã đi bao năm
mẹ không rời ngưỡng cửa
và nay
gió cũng tang bồng
nhưng thi sĩ vẫn nằm yên trong nhà tù vĩnh cửu..

 

Hồng Hạc

nguồn http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200601/135021.aspx

 

(xem bài khác về Ngô Kha =>) 1 2 3 4


Trang Tôn Giáo