Làm Báo Tự Do, Đi Tù Thời Cộng Hòa

Trích từ Hồi ký “Một Hạt Đời”

Mặc Thu Lưu Đức Sinh

(1920-2002)

Nguồn https://vietbao.com

Link http://sachhiem.net/VANHOC/MacThuLDS.php

15-Mar-2017

Lời Giới Thiệu - Tạp chí Việt Báo số Xuân Đinh Dậu (2017, Westminster, California) có đăng bài “Làm báo Tự Do, Đi Tù Thời Cộng Hòa” mà chúng tôi xin hân hạnh đăng lại để giới thiệu với quý bạn đọc dưới đây. Bài nầy vốn được trích từ Hồi ký “Một Hạt Đời” của nhà văn Mặc Thu Lưu Đức Sinh, kể lại chuyện ông (và một số văn hữu chủ trương báo Tự Do) bị đi tù dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa. Nhật báo Tự Do là tờ báo mà vào năm 1963 đã nổi tiếng với hình bìa Xuân Canh Tý 1963, vẽ 5 con chuột gậm nhắm quả dưa hấu để hàm ý 5 anh em nhà Ngô đục khoét miền Nam, nên báo bị tịch thu, tòa soạn bị Mật vụ đập phá và nhân viên thì bị nhốt vào nhà lao để tra khảo. Qua hai sự cố nầy của báo Tự Do, chúng ta cũng biết được một khía cạnh về mặt trái của sinh hoạt báo chí dưới thời gọi là “Cộng hòa Nhân vị”.

Độc giả nào muốn biết rõ hơn về toàn cảnh hoạt động báo chí dưới thời ông Diệm, xin đọc bài Báo Chí Thời Ngô Đình Diệm (trích từ “Bốn Mươi Năm Nói Láo”, Sống Mới, Sài Gòn, 1969 của nhà báo kỳ cựu Vũ Bằng), và bài  Tình trạng báo chí thời Ngô Đình Diệm có thể tóm tắt qua Lời Hiệu triệu của ba nhà báo tên tuổi là Từ Chung (báo Chính Luận), Hiếu Chân (tên thật là Nguyễn Hoạt làm báo Tự Do) và Chu Tử (tên thật là Chu Văn Bình làm báo Sống), đăng trên báo Ngôn Luận mấy ngày sau khi chế độ Diệm sụp đổ.

Mặc Thu Lưu Đức Sinh là một khuôn mặt đặc biệt của miền Nam trước 1975. Ông sinh hoạt trong nhiều lãnh vực văn học nghệ thuật khác nhau: nhà văn, nhà báo, nhà làm phim, nhà quản lý cơ sở ấn loát, phát hành …và rất quảng giao nên biết sâu và biết rộng về xã hội miền Nam.

Trong tác phẩm biên khảo “Nhà Văn Tiền Chiến, Lược sử Văn nghệ Việt Nam, 1930-1945” của nhà nghiên cứu và phê bình văn học Thế Phong, ta tìm được khá đầy đủ thông tin về nhân thân và sự nghiệp trước tác của nhà văn Mặc Thu. Đặc biệt, tác giả Thế Phong còn cho ta biết thêm rằng ông Mặc Thu đã từng lấy bút danh là Chu Bằng Lĩnh khi viết tác phẩm “Đảng Cần Lao”, một bút ký với nhiều chi tiết về công cụ chính trị và an ninh của hai anh em ông Diệm và Nhu để đàn áp đối lập dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa.

Chương Hai, Tiết 2, Tiểu mục b. của tác phẩm biên khảo “Nhà Văn Tiền Chiến” nói trên đã giới thiệu nhà văn Mặc Thu như sau:

“1. MẶC THU (1920-2002) - Tên thật Lưu Đức Sinh. Sinh năm 1920 ở Bắc Việt. Còn ký bút danh Chu Bằng Lĩnh mang tựa đề Đảng Cần Lao (Sài Gòn, 19??). Khởi sự viết văn từ ngày đầu kháng chiến. Cộng tác với các báo Đây Sài Gòn xuất bản ở Hà Nội trước 1954. Là một người chủ trương nhật báo Tự Do (Sài Gòn sau 1954), chức vụ cuối cùng là Chủ nhiệm tuần báo Văn Nghệ Tự Do (Sài Gòn). Tác phẩm: Thằng Bé Thợ Rèn (Hà Nội, 1953), Bão Biển (1951), Đêm Trừ Tịch (Sài Gòn 1955), Người Chép Sử (1956), ...”

Riêng tác phẩm “Đảng Cần Lao” thì cũng đã trải qua nhiều “biến động” khác thường. Theo trí nhớ của một số người từng sống ở Sài Gòn sau năm 1963 thì tác phẩm được ông Mặc Thu hoàn thành vào khoảng cuối năm 1964 sau gần một năm thu thập tài liệu và phỏng vấn các nhân chứng. Tác phẩm đã được chờ đón với rất nhiều hào hứng vì những thông tin phong phú và khả tín và cũng vì uy tín của tác giả. Nhưng khi sắp xuất bản thì có người đến liên lạc với tác giả Mặc Thu để muốn mua lại tác quyền và toàn bộ số lượng ấn phẩm dự trù sẽ phát hành. Giới báo chí Sài Gòn lúc đó đồn đoán rằng ông Trương Vĩnh Lễ (cựu Chủ tịch Quốc Hội khoá đầu tiên thời ông Diệm), nhưng cũng có người nói là một vị Linh mục, chính là nhân vật bí mật tìm mua mấy nghìn ấn bản “Đảng Cần Lao” để tiêu hủy.

Không biết cuộc “thương thảo” đó kết quả như thế nào nhưng một số “bản thảo” của “Đảng Cần Lao” vẫn được luân lưu trong giới báo chí và đảng phái chính trị tại miền Nam Việt Nam. Sau 1975, ông Chu Văn Trình, một đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng trong Nhóm Nghiên cứu Văn-Sử-Địa tại bang Florida, cho biết đã mang theo được một “phiên bản Ronéo” của “Đảng Cần Lao” trong lúc vượt biên. Sau đó, ông đã cho phóng ảnh tác phẩm nầy thành nhiều bản để phổ biến hạn chế trong một số nhà nghiên cứu quan tâm đến lịch sử đảng chính trị nầy trong quá trình sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa.

Mãi đến cuối thập niên 1980’s, tác phẩm “Đảng Cần Lao” mới được Nhà xuất bản Mẹ Việt Nam (San Diego, California) in ấn đàng hoàng và công khai phát hành ra quần chúng. Từ đó, độc giả mới đọc được trong các sách nghiên cứu cũng như bài viết tại hải ngoại, những tham chiếu trích dẫn từ cuốn “Đảng Cần Lao” với nhiều thông tin quý giá nầy.   

–  Sưu tầm của Kevin Trần

Bìa trước và bìa sau của tác phẩm ĐẢNG CẦN LAO
của Chu Bằng Lĩnh (tức Mặc Thu Lưu Đức Sinh), với Lời Giới thiệu của Lê Trọng Văn, do nhà xuất bản Mẹ Việt Nam (San Diego, California) in ấn và phát hành cuối thập niên 1980s – Photo: Internet

LÀM BÁO TỰ DO, ĐI TÙ THỜI CỘNG HÒA

Mặc Thu Lưu Đức Sinh

[Nguồn: Việt Báo, số Xuân Đinh Dậu, 1/2017]

Từ trái, Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Mặc Thu Lưu Đức Sinh, Trần Dạ Từ, Phạm Duy tại nhà Vương Anh-Mặc Lan khi Ông Bà Mặc Thu vừa từ Saigon tới Hoa Kỳ tháng 7, 1996.

Sinh tại Phúc Yên miền Bắc năm 1920, Mặc Thu Lưu Đức Sinh là nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn, nhà báo tài ba, đã dự phần định hình nhiều sinh hoạt văn học, báo chí, từ chiến khu miền Bắc chống Pháp tới miền Nam chống Cộng, 1954-1975.

Ngay năm đầu di cư, Ông là một trong 5 người chủ trương nhật báo Tự Do ấn hành tại Sàigòn, gồm Tam Lang, Mặc Đỗ, Đinh Hùng, Như Phong, và Mặc Thu. Trong khi Như Phong lãnh phần tổng thư ký tòa soạn, Mặc Thu Lưu Đức Sinh là quản ly,ù chủ nhiệm tuần báo Văn Nghệ Tự Do, và đứng tên chủ nhân mọi cơ sở liên hệ do ông tổ chức và trực tiếp điều hành, gồm nhà in, nhà xuất bản, nhà nhập cảng giấy, nhà phát hành... Trên đà phát triển, năm 1956, Quản nhiệm Mặc Thu ký với Cathay Film hợp đồng sản xuất phim ảnh giữa Hồng Kông- Saigon. Mọi việc đang tiến triển tốt đẹp thì “vụ án báo Tự Do bùng nổ”, sau đó là tờ báo đổi chủ.

Sang thời Đệ Nhị Cộng Hòa, Mặc Thu Lưu Đức Sinh là người cùng sáng lập cơ sở Thách Đố, do Đặng Văn Bé chủ nhiệm, gồm nhật báo, tuần báo và nhà in Web Print tối tân thành công tại Sàigòn. Sau Tháng Tư 1975, máy in tối tân của Thách Đố bị chở về miền Bắc và Mặc Thu đi tù cùng các văn nghệ sĩ miền Nam.

Một Hạt Đời (Thủ bút / Thay Tựa)

Ông bà Mặc Thu định cư tại California từ tháng Bẩy 1996. Hồi ký “Một Hạt Đời” viết trong vườn nhà vùng Little Saigon, là tác phẩm sau cùng của ông. Báo xuân Việt Báo 1997, 1998 từng được vinh dự giới thiệu một số chương trích từ hồi ký Mặc Thu. Sau đây là phần hồi ký đặc biệt về “Vụ Án Báo Tự Do năm 1956”.

Di cảo quí của nhà văn được bảo quản nhờ tấm lòng của ông bạn họ Trần. Một số hình ảnh kèm theo những trang hồi ký này được trích từ bài viết của Giáo sư Trần Huy Bích về “Nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến”. Việt Báo trân trọng cám ơn Ông bạn họ Trần và Giáo sư Bích.

***

Ở Hongkong, nắm được tờ hợp đồng ký với Cathay, tôi sửa soạn về nước để chuẩn bị đón tiếp phái đoàn chuyên môn quay phim và nhóm tài tử Hongkong qua Việt Nam, thực hiện cuốn phim thứ nhất "Bát cơm, bát máu". Giữa không khí phấn khởi như thế, một buổi nọ tôi được ông Bùi Công Văn mời tới gặp tại Toà Lãnh Sự có việc khẩn cấp. Tôi hấp tấp tới ngay Toà Lãnh Sự Việt Nam. Ông Lãnh Sự đưa tôi xem bức điện tín của Bác sĩ Bùi Kiến Tín đại ý bảo ông Bùi Công Văn khuyên tôi nên ở lại Hongkong ít lâu, vì trở về lúc này có thể bị bắt. Bức điện cũng cho biết có vụ lộn xộn ở nhà báo Tự Do

Mặc dầu có lời khuyên ân cần của ông Văn và Bác sĩ Tín, tôi vẫn quyết định phải trở về vì tất cả đời sống của bao nhiêu nhân viên đều ở trong tay tôi, và tôi cũng tin dẫu có việc gì xảy ra, tôi cũng có thể thu xếp nổi.

Tôi tin rằng lòng tôi trong sáng, tôi không làm gì nên tội mà phải trốn tránh. Thật chủ quan! Đấy cũng là chỗ yếu thiếu bản lãnh của tôi. Và với tư tưởng ngây thơ, ấu trĩ như thế, tôi đã trở về.

Tới nhà, tôi được rõ ngay mọi chuyện xảy ra khi tôi vắng mặt. Nguyên do: Trong thời gian tôi đi Hongkong, nhật báo Tự Do đã mở một loạt bài tấn công (đả kích) ông Bộ Trưởng Thông Tin Trần Chánh Thành về tội: "làm hư hỏng tinh thần dân chủ của chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà, đẩy chế độ Ngô Đình Diệm tới chỗ độc tài, phản dân chủ…", và kêu gọi TT Ngô Đình Diệm loại Trần Chánh Thành ra khỏi chính phủ… Những bài báo đầy "chất nổ" này đều được chạy tới 6 hoặc 8 cột trên trang nhất nhật báo Tự Do.

Vào lúc này, Luật sư Trần Chánh Thành đương được Thủ Tướng Ngô Đình Diệm rất mực tín nhiệm, và ông Thành lại đương giữ chức Bộ Trưởng Thông Tin thì, quả thật toà soạn nhật báo Tự Do đã chơi một trò quá nguy hiểm. Nguy hiểm tới độ "tự đút đầu vào máy chém của ông Đội Phước". 

Khi đọc lướt qua một số tờ Tự Do xuất bản trong những ngày tôi vắng mặt, tôi hiểu ngay vì sao lại xảy ra chuyện "Tình nguyện tự sát" đó, và cũng biết ngay rằng tình thế của cơ sở Tự Do đã tới chỗ "vô phương cứu vãn". Tờ Nhật báo Tự Do, tờ Tuần báo Văn Nghệ Tự Do, cơ sở phát hành Vô Tư đều đã bị Bộ Thông Tin rút giấy phép.

Đó là ngày thứ nhất tôi về nước. Ngày thứ hai, tôi nhận được giấy mời của Đại Úy Minh, Trưởng phòng Tư Pháp Hình Sự Sở Công An Nam Việt, ở đường Catinat, cạnh Bưu Điện Sài Gòn (Sở Mật Thám cũ của Pháp). Hai Chề, tài xế của nhà phát hành Vô Tư lái xe traction đưa tôi tới Sở Công An vào lúc 9 giờ sáng.

Đại Úy Minh tiếp tôi một cách lịch sự. Ông Đại Úy này tỏ vẻ buồn rầu, phàn nàn về những bài báo đả kích quá mạnh với ông bộ trưởng đương nhiệm là ông Trần Chánh Thành. Ông Thành vào lúc này lại đương có thế mạnh, gần như một phó Thủ Tướng trong nội các Ngô Đình Diệm.

Đại Úy Minh cũng tỏ vẻ không vui gì phải thi hành nhiệm vụ "làm việc" với chúng tôi về việc này. Ông gọi thuộc hạ lấy "bia" liên tiếp mời tôi uống, hết chai này tới chai khác. Có lẽ ông đã phải gạt bỏ hết mọi công việc thường lệ của ông để tiếp chuyện tôi suốt mấy tiếng đồng hồ buổi sáng hôm đó.

Khi chiếc đồng hồ trên tường đã điểm 13 giờ và cũng đã thấy anh Hai Chề thập thò trước cửa phòng, có ý nhắc tôi "đã trễ", tôi dợm đứng dậy, ngỏ ý muốn cáo từ ra về. Lúc ấy tôi mới để ý thấy Đại Úy Minh có vẻ lúng túng, như muốn nói ra điều gì mà khó nói. Sau cùng, ông cũng phải nói, Đại Úy: rất tiếc phải theo lệnh trên, tạm giữ tôi ở lại trại giam ngay trong Sở Công An, và quay bảo anh Hai Chề: cứ trở về, thu xếp mang vào cho tôi quần áo ngủ, khăn mặt, bàn chải, thuốc đánh răng, thuốc hút,v..v…

Hai Chề xanh mặt, lúng túng chào tôi rồi quay ra. Bấy giờ, tôi mới biết: tình trạng tôi đã ngã ngũ, đúng như Bác sĩ Bùi Kiến Tín đã dự liệu.

Đại Úy đích thân đưa tôi xuống trại giam. Tôi thấy một nhà giam có khung sắt, có lưới sắt cao sát mái nhà, có khoá lớn trên một cánh cửa nhỏ. Bên trong lố nhố đầy những người tù. Người Công an phụ trách nhà giam toan mở khoá, nhưng Đại Úy Minh gạt đi, bảo đi lấy một cái chiếu nhỏ, trải ra phía bên ngoài, dưới đất, ngay sát khung sắt, cho tôi được đặc cách nằm bên ngoài cái lồng sắt nhốt người đó.

Khi Đại Úy Minh chào tôi, quay đi, tôi mới để ý tới đám tù nhân nhốt trong lồng. Kìa, một người vẻ mặt trí thức với đôi kiếng gọng đen nặng nề giữa mặt, miệng đang nhếch cười, cái cười méo xệch thảm não, nhìn tôi đăm đăm. Hai tay người đó nắm vào khung sắt, chân leo lên một thanh sắt, giống như một con dã nhân trong sở thú. 

Tôi bàng hoàng kêu lên: "Anh Bình! Làm sao cũng vào đây? Vào tù bao giờ?"

Thì ra người đó là Chu Văn Bình, một bạn rất thân của tôi. Lúc này Bình vẫn chưa có tên "Chu Tử". Tôi có nghe nói anh đã lên Tây Ninh, hợp tác với giáo phái Cao Đài của Đức Hội Pháp Phạm Công Tắc, được phong Đại Tá (cùng một lượt với Hồ Hán Sơn, cũng Đại Tá). Bình được phân công làm Hiệu trưởng trường Trung học Lê Văn Trung ngay tại Tây Ninh. Tôi đang mừng cho anh đã tìm được chỗ yên thân.

Anh nói ngắn gọn cho tôi biết anh bị kết tội: "tổ chức ăn cắp và tàng trữ 500 xe Lambretta" mà anh chưa hề biết mặt mũi cái xe Lambretta nó ra thế nào.

Kẻ ở bên trong lồng sắt, kẻ ở bên ngoài, chúng tôi thò tay, nắm lấy tay nhau, cùng xiết chặt một cảm thông, vừa cay đắng, vừa chua chát.

Bình vẫn cười, như anh vẫn cười xưa nay, an ủi tôi:

- Thôi! Hãy cứ biết thế! Mặc nó đến đâu hay đấy! 

Cái vẻ của người trí thức, từng nhiều gian truân lên voi, xuống chó ấy, vẫn là cái vẻ của một con người coi thường sự đời, bất cần đời, không vui, không buồn, không hốt hoảng, sợ hãi trước bất cứ chuyện gì. Tôi nhìn theo Bình. Anh quay lưng chậm rãi đi vào một góc phòng giam, nằm xuống một chiếc chiếu rách, nơi mà dăm người đã cùng nhích ra, nhường chỗ cho anh nằm. Tôi thấy anh cũng chẳng cám ơn họ, cũng chẳng cười xã giao với họ, lại thản nhiên rờ rờ mấy ngón tay lên nhổ râu cằm.

Tôi thì buồn tê tái ruột gan, tự biết không có được bản lĩnh như anh.

Tới khoảng 4 giờ chiều, cửa phòng giam lại mở.

Hai người cảnh sát mặc sắc phục có phù hiệu, đưa hai người tù mới vào.

Đó là Nguyễn HoạtPhạm Tăng.

Hai anh cũng được nằm ngoài lồng sắt như tôi. Thấy tôi đã ở đó, Tăng và Hoạt có vẻ yên lòng hơn.

Tới bữa ăn, bữa sáng cũng như bữa trưa, bữa chiều, Đại Úy Minh thường xuyên cho mời Tăng, Hoạt và tôi, lên phòng làm việc của ông và gọi mua thức ăn cho chúng tôi được ăn ngay tại đấy. Bữa nào cũng có bia uống. Tuy là tội nhân nhưng chúng tôi được Đại Úy Minh tiếp đãi thật chu đáo. 

Đây cũng là một ân tình mà tôi chưa hề có dịp đền đáp. Tôi cũng thường tự hỏi: mình đã làm được gì tốt như những người đó đã làm tốt cho mình, trong những cơn hoạn nạn?

Sau đó hai ngày, chúng tôi nhận được xe của cảnh sát đưa ra Toà Án Sài Gòn. Tôi được đưa vào phòng ông Chánh Án Nguyễn Huy Đẩu. 

Sau một buổi làm việc: thẩm vấn về những chi tiết của vụ án "nhật báo Tự Do đả kích ông Bộ Trưởng Thông Tin Trần Chánh Thành", lúc đứng dậy tiễn tôi ra khỏi phòng, ông Nguyễn Huy Đẩu đã nói với tôi một cách trân trọng, đại ý: "Tôi vì nhiệm vụ phải phụ trách vụ án này, sẽ phải thi hành một án quyết có vẻ nặng nề đối với những nhà báo như các ông. Nhưng riêng cá nhân tôi, tôi rất cảm phục và đồng tình với những bài báo đòi xây dựng một nền dân chủ chân chính cho chế độ của các ông. Xin các ông thông cảm điều đó cho tôi!"

Tôi vừa sững sờ, vừa cảm động về những lời đầy chân tình, thẳng thắn của một ông chánh án, người phải ngồi ở vị trí kết tội chúng tôi. Tuy chỉ nói có bấy nhiêu lời, nhưng ông chánh án Nguyễn Huy Đẩu cũng đã bộc lộ được cái "dũng" của một kẻ sĩ thời đại. Điều mà ít người làm được. Không ai bắt ông phải nói ra những lời như thế, những lời mà, nếu tiết lộ, có thể làm ông bay chức chánh án như chơi. Mãi về sau, tôi vẫn giữ được hình ảnh tốt đẹp đó của ông chánh án Nguyễn Huy Đẩu.

Hai nhà văn Hiếu Chân, Mặc Thu và họa sĩ Phạm Tăng bị đưa từ khám Catinat ra Viện Giảo hình để đo mặt, lấy dấu tay trước khi bị tống giam (hình do nhà báo Như Phong chụp, họa sĩ Phạm Tăng cung cấp).

Tiếp theo là những ngày ba chúng tôi (Tăng, Hoạt và tôi) phải ra trước các phiên xử của Tòa Án Sài Gòn, nghĩa là phải đứng trước "vành móng ngựa" với đầy đủ nghi thức của những phiên toà quan trọng về hình sự, đúng hơn về chánh trị. 

Vụ bắt giam "ba nhà báo" đã gây ra một không khí sôi nổi trong giới truyền thông quốc tế. Các đài phát thành và báo chí ngoại quốc đã liên tiếp loan tin về vụ này vì là vụ đàn áp báo chí đầu tiên của chế độ Ngô Đình Diệm. Chính vì thế mà ông Trần Chánh Thành đã phải dàn xếp để có những phiên tòa chánh thức xử tội "ba nhà báo phản loạn" đó.

Nhà báo Như Phong.

Ở vòng ngoài, các anh như: Như Phong Lê Văn Tiến, Thực Đức Trần Văn Mai, Nguyễn Đình Vân (Mai Đen) đã nhờ Luật sư Vũ Văn Huyền biện hộ cho chúng tôi trước toà, và luật sư Nguyễn Văn Chí lo cho chúng tôi về mọi giấy tờ thủ tục, đồng thời lo bảo vệ cho giấy phép xuất bản nhật báo Tự Do không để cho người khác được mạo nhận để tái bản, lúc này đã có tin: ông Bộ Trưởng Trần Chánh Thành đương chuẩn bị cho người đứng tên chủ nhiệm Nhật báo Tự Do là ông Tam Lang Vũ Đình Chí được phép tái bản nhật báo này, với một cơ sở vật chất khác do ông Thành thu xếp. [Ông Thành lúc hồi cư về Hà Nội (trước 1954) đã coi ông Tam Lang như người chú ruột và đã được ông Tam Lang cấp dưỡng. Ông Thành là cháu ông Trần Nguyên Anh, ông T.N. Anh là bạn thân của ông Tam Lang]. Nhờ có bản hợp đồng ký kết giữa những người trong Ban Chủ Trương công nhận: giấy phép xuất bản Nhật báo Tự Do là sở hữu chung của những người trong Ban Chủ Trương, chỉ ủy nhiệm ông Tam Lang Vũ Đình Chí đứng tên, nên luật sư Chí đã ngăn cản được về mặt pháp lý, không để cho ông Tam Lang được trí bản Nhật báo này. 

Trở lại chuyện những phiên toà xử vụ án "ba chúng tôi".

Những phiên toà này là những phiên toà có một không khí nhộn nhịp khác thường. Phòng xử án luôn đầy ắp những phóng viên ngoại quốc với những rừng máy ảnh, máy quay phim. Lính quân cảnh, mật vụ, cảnh sát mặc sắc phục, đứng vòng trong, vòng ngoài, canh gác nghiêm mật.

Sau những lời buộc tội gay gắt của Ủy Viên Công Tố, buộc chúng tôi những tội: "phản nghịch quốc gia, tuyên truyền có lợi cho Cộng Sản…", luật sư Vũ Văn Huyền đã trổ tài hùng biện, cãi cho chúng tôi với lý luận cứng rắn, đầy tính thuyết phục.

Nhiều khi Luật sư Vũ Văn Huyền đã "hài hước hoá" những lời buộc tội của Ủy Viên Công Tố, khiến dân chúng tham dự phiên toà đầu ắp cả phòng xử, phải cười ồ nhất loạt. Lại phải bao nhiêu tiếng búa gỗ của ông Chánh Án gõ liên hồi xuống mặt bàn vô tội, mới chấm dứt được những trận cười thoả mãn của khán thính giả trong phòng xử?

Vở hài kịch cứ luôn luôn bị gián đoạn như thế!

Luật sư Vũ Văn Huyền đã biện hộ cho chúng tôi với tài năng của một "nghệ sĩ biện thuyết" chứ không chỉ là một Luật sư. Tôi còn nhớ một trong nhiều đoạn lý luận của Luật sư Huyền, đại ý như sau: "Nếu quí toà bảo những nhà báo di cư như các ông Mặc Thu, Nguyễn Hoạt, Phạm Tăng đang ngồi đây, những cây bút chủ chốt của nhật báo Tự Do, tờ báo tích cực chống Cộng Sản như thế là những người "tuyên truyền cho Cộng Sản" thì thử hỏi những người trong chúng ta ở đây ai dám tự nhận là người tích cực chống Cộng hơn các ông này nữa?"

Nhưng dù có nói hay, nói hợp tình, hợp lý, hợp luật như luật sư Huyền trước phiên xử đi nữa, thì án quyết cũng không hề được thay đổi. Án quyết đã được định trước cả rồi.

Sau phiên toà, ba chúng tôi được xe bít bùng, có quân cảnh đi kèm, đưa về Khám Chí Hoà mà không trở lại Sở Công An Nam Việt nữa. Do thế, chúng tôi cũng không có cả một dịp chào từ biệt và cám ơn Đại Úy Minh. Chắc ông ta cũng chẳng trách gì chúng tôi ở điểm khiếm khuyết này. Tội của ba chúng tôi được định là: "phá rối trị an, tuyên truyền có lợi cho Cộng Sản."

“Manchette” báo Tự Do, 1954-56 do Thi sĩ Đinh Hùng trình bày.

Nhật báo Dân Chủ ngày 2-7-1956 loan tin về vụ án báo chí.

Gặp Sơn Vương, “Chúa đảo Côn Lôn”

Nguyễn Hoạt, Phạm Tăng và tôi vừa bước vào Khám Chí Hoà, đã thấy ngay gần cửa ra vào, tầng dưới đất, một người mặc quần áo bà ba lụa trắng, ngồi trên một ghế mây có bành để tay, gương mặt gầy gò, hơi dài, đầu tóc chải bóng láng. Chung quanh người này, một vài tù nhân có vẻ xun xoe hầu hạ. Tôi nghĩ hẳn đây là một ông trùm! Trên tay ông ta còn đeo mấy chiếc nhẫn kim cương lóng lánh, và cổ tay để lộ ra một chiếc đồng hồ vàng sang trọng. Thấy ba chúng tôi bước vào, ông ta lớn tiếng hỏi:

- Đây là mấy tay nhà báo Tự Do phải không?

Mấy tù nhân đàn em của ông ta đồng thanh đáp "dạ". Câu hỏi của "ông trùm" này, đầy vẻ đe dọa. Ông ta không có vẻ gì là người tù.

Chúng tôi bị đẩy vào một căn buồng ở cuối hành lang có cửa sắt kín mít, bên ngoài một bóng đèn ánh sáng vàng mờ.

Căn buồng tối om mặc dù đang giữa ban ngày. Trong buồng có nhiều người nằm ngồi la liệt, chật ních.

Thì ra đây là một phòng tạm giam. Tất cả những người tù mới vào khám Chí Hòa đều được đưa vào đây, nằm tạm một ngày, có khi đôi ba ngày, chờ đợi Ban Giám Đốc Khám quyết định sẽ đưa lên giam tại phòng giam nào, trên tầng lầu hay tầng dưới.

Giám đốc Khám Chí Hòa lúc ấy là Đại Tá Phạm Văn Tất. Những người tù cũ xê xích nhường một chỗ đủ cho ba chúng tôi nằm. Định thần nhìn lại, tôi thấy trong buồng đủ mọi hạng người, già có, trẻ có, đặc biệt toàn nam, không có nữ. Người mặc sơ mi, quần tây, lại có nhiều người mặc bà ba đen, cổ vắt khăn quàng rằn ri, kiểu người đồng quê miệt Hậu Giang, Tây Ninh gì đó. Làm quen với mấy người nằm cạnh, hỏi chuyện mới hay trong buồng có nhiều tín đồ Hòa Hảo, tín đồ Cao Đài bị bắt vì tội "làm loạn, chống chánh phủ…". Tôi thấy phần đông họ đều có vẻ chất phát của người đồng ruộng. Ăn gì họ cũng muốn chia cho chúng tôi cùng ăn. Nhưng, chúng tôi ăn gì được, bụng còn đương hoang mang, lo lắng cho những đoạn đường sắp tới.

Tôi còn đang nghĩ ngợi về người mặc quần áo lụa, đã hỏi "những tay nhà báo Tự Do" một cách thiếu thiện cảm, có vẻ gì như đe dọa, là ai đây, thì có tiếng mở cánh cửa sắt, rồi một người tù gầy ốm, mắt sâu, má gồ đã lách vào, ngồi xụp xuống bên cạnh tôi, rỉ tai:

- Tôi là Đào Kim Long đây! Tôi là cộng tác viên của các anh Hoàng Nguyên, Mai Đen bị bắt về vụ "ăn chặn tiền trợ cấp của đồng bào Bắc Việt di cư vào Nam" cùng chung vụ với các anh Đàm Quang Thiện, Tẩy Xin… Người mặc áo lụa hỏi tới các anh hồi nãy ở hành lang là Nguyễn Phú Đốc, Giám Đốc Sở Di Cư cũng bị bắt về vụ ấy. Đốc đã bị các anh lôi lên trang nhất báo Tự Do, đề nghị một bản án tử hình đối với hắn, nên hắn căm thù các anh lắm đấy! Vào đây, nhờ có nhiều tiền hắn đã mua chuộc được tất cả, từ giám thị trở xuống các cai tù. Hiện thời, các anh đang đứng trước một mối hiểm nguy rất lớn đấy! Đốc đã dùng tiền vận động đưa các anh lên một phòng mà trong đó, hắn đã bố trí các đàn em rất hung tợn của hắn. Theo hắn dự liệu, các anh sẽ bị trùm mền đánh hội đồng cho tới mang thương tật, hoặc cho tới chết, cũng sẽ chẳng có gì quan trọng. Tôi đương phải tính kế để cứu các anh đây! Tôi cũng đã có phương cách của tôi rồi. Các anh cứ nằm yên chờ tôi! Đây là mấy mẩu bánh mì thịt và vài bao thuốc hút, các anh dùng đỡ! Đừng lo lắng, đã có tôi ở gần! Thôi tôi phải đi đây!

Nói rồi Đào Kim Long lại lách ra khỏi cửa phòng tạm giam nhanh như con chuột lắt!

Tôi, Hoạt và Tăng chụm đầu thì thào bàn với nhau về chuyện Long vừa tiết lộ. Tôi nằm suy nghĩ vẩn vơ, không khỏi lo lắng: không biết Đào Kim Long có đủ tài giúp chúng tôi thoát hiểm phen này không? Tôi chưa hề quen biết, cũng chưa gặp Long ngoài đời lần nào. Nhưng tôi cũng yên lòng phần nào vì thấy Long ra, vào phòng tạm giam một cách dễ dàng như vậy, hẳn anh ta cũng phải có thế lực chi đây trong cái khám này.

Để quên chuyện lo lắng, tôi bắt đầu quan sát những người tù chung phòng. Họ đã xán lại gần chúng tôi hỏi chuyện, chuyện riêng của chúng tôi, chuyện ngoài đời. Tới lúc đó tôi mới được biết thêm: tù trong phòng này, phần đông là người miền Nam, nhiều thành phần tội phạm khác nhau, đa số là tội chính trị: Hòa Hảo có, Cao Đài có, Bình Xuyên có, Việt Nam Quốc Dân Đảng có, Đại Việt có, Duy Dân có, Việt Minh Kháng Chiến cũng có. Họ nằm lẫn lộn với nhau, không phân biệt tội trạng, không phân biệt giáo phái, đảng phái, người nọ nằm sát người kia, có khi chân gác lên nhau, tay ôm ngang lưng nhau mà trò chuyện. Qua những câu chuyện nhỏ của họ, tôi thấy dường như họ có một nỗi cảm thông cùng chung một tội, tội phản động đối với chánh quyền đương trị. Họ cùng chung một nỗi căm giận. Căm giận chính quyền Ngô Đình Diệm. Họ cho rằng ông Diệm đã phản bội lại họ.

Họ sẵn sàng chia nhau mẩu bánh tét, mẩu cơm vắt, từng chiếc bánh ít, bánh bao, hay nhúm thuốc rê Gò Vấp, Gò Đen để cùng phì phèo hút làm ngập ngụa cả căn phòng chật hẹp, thiếu không khí.

Hôm nay, họ có vẻ thương xót nhau thật sự, cảm thông nhau thật sự, nhưng ngày mai, ngày mốt hay một ngày nào đó, được trở về trận tuyến của họ, rất có thể họ lại sẵn sàng đâm chém nhau, bắn vào nhau chỉ vì khác nhau chánh kiến, khác nhau mục đích tranh đấu. Thật đau thương cho một dân tộc đương đứng giữa một thời thế đầy sương mù lịch sử.

Mặc Thu Lưu Đức Sinh

(Trích “Một Hạt Đời”, hồi ký)

Trích đoạn từ: https://vietbao.com/a264323/lam-bao-tu-do-di-tu-thoi-cong-hoa

 

Link http://sachhiem.net

Trang Thời Sự