Các Giáo Sĩ

Trích từ

“Bước Mở đầu của sự Thiết lập Hệ thống
Thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897)”

(trang 84 - 91)

Nguyễn Xuân Thọ

http://sachhiem.net/TONGIAO/tgN/NguyenXTho.php

05 tháng 1, 2008

 

Linh mục Pellerin

Chúng tôi vừa phác họa qua loa những nét lớn về tình trạng tinh thần và những phản ứng sau hiệp ước 1862 của ba thành viên tham gia vào cuộc viễn chinh và vào hiệp ước: Pháp, Tây Ban Nha và Việt Nam.

Còn có một thành viên thứ tư, ít nhất cũng quan trọng ngang với 3 thành viên kia, mà chúng ta không thể bỏ quên trong bóng tối.

Duyên cớ của cuộc viễn chinh, đó là các giáo sĩ. Trong hiệp ước, một phần quan trọng của các điều khoãn thì liên hệ đến các vị giáo sĩ và đến cái tự do tuyệt đối mà họ phải có trong việc truyền bá Kitô giáo. Trong mỗi một ngày quan trọng, trong mỗi một hành vi chính trị, và dĩ nhiên mỗi hành động tôn giáo, người ta đều thấy ở bình diện thứ nhất, hoặc rất tích cực đằng sau sân khấu, là các giáo sĩ. Họ cho rằng họ phải có mặt ở mọi nơi, họ cần phải nói tiếng nói của họ mọi nơi, họ phải được người ta đặt cho họ lên hàng đầu ở mọi nơi.

Thực tế là họ có mặt trong mọi chuyện rối ren phức tạp, trong mọi tình huống căng thẳng giữa nước Pháp và nước Việt Nam.

Các giáo sĩ có thể thỏa mãn với hiệp ước đã ký, trong đó mọi yêu cầu của họ đã được chấp nhận. Trong một nước Nam kỳ trở thành thuộc địa Pháp, họ chắc chắn có thể vào sâu mọi hang cùng ngõ hẻm, thực hiện đưa được nhiều người theo đạo Kitô.

Nhưng mặc dù họ được thỏa nguyện, họ lại hầu như ngay lập tức, tìm được một cơ hội chỉ trích: Đô Đốc Bonard dám tổ chức lại công việc hành chính bằng cách cắt bỏ các sĩ quan Pháp hoàn toàn không hiểu gì về phong tục tập quán Việt Nam ấy khỏi các trách nhiệm dân sự mà coi như họ đã đảm nhiệm mấy lâu nay sao? Ông ta không dám tuyên bố công khai rằng người Việt Nam sẽ trở lại điều hành công việc của họ, chỉ cần các sĩ quan phụ trách “công việc bản xứ” giám sát từ trên mà thôi sao?

Hơn nữa, chẵng phải ông ta đã đích thân tỏ ra muốn có một đường lối chính trị theo Nho giáo? các giáo sĩ đã nổi giận. Một vị phát ngôn của các giáo sĩ, là linh mục Launay, tuyên bố:

“Bonard tổ chức lại việc dạy chữ Hán và phục hồi các chức vị tiến sĩ và cử nhân mà không tự hỏi xem có nên tách người Annam ra khõi tất cả những tư tưởng quốc gia dân tộc, nghĩa là những tư tưởng chống Pháp?”(6)

Vậy là đối với họ, vốn quen thói áp đặt quan điểm của mình trên kẽ khác, và coi mọi thứ lễ nghi trước khi họ đặt chân sang đều như không có. Họ thấy đó là một nguy cơ cho sự nghiệp truyền đạo của họ, và là điều quan trọng hơn tất cả.

Đây không còn là câu chuyện truyền đạo nữa. Họ đã cố tình vượt ra ngoài khuôn khổ sứ mệnh tôn giáo của họ để đi vào linh vực chính trị. Họ hoạt động nhằm nô lệ hóa dân tộc Việt Nam, áp đặt tôn giáo của họ vào Việt Nam, [đồng thời] loại trừ mọi tôn giáo khác.

Các giáo sĩ cho rằng địa vị của họ là ở tất cả mọi nơi, rằng họ được quyền lo lắng mọi sự, được quyền ra lệnh và khuyên nhủ mọi người. Họ hiến mình cho sự nghiệp tinh thần cũng như vật chất.. Chúng ta đã thấy một giám mục, Pigneau de Behaine, không những trở thành đặc phái viên toàn quyền của ông vua ngoại đạo, tuyễn mộ một số quân tình nguyện nhằm ngăn cản cái mà ông ta coi như một sự bất lực của chính phủ Pháp, mà còn trở thành đích thực một “chiến sĩ” không phải nhằm đánh đuổi quân ngoại đạo, mà nhằm đặt lên ngôi vàng Việt Nam một kẻ ngoại đạo do mình lựa chọn.

Chúng ta đã thấy một ông giáo sĩ khá kỳ quặc, là một tay du lịch bốn phương trời, linh mục Huc, không ngần ngại viết thư cho Napoleon III để nhắc Hoàng đế nhớ rằng nước Pháp cần chiếm đóng Việt Nam. Một điều cần chú ý là ông linh mục này chưa hề đặt chân lên đất Việt Nam bao giờ, [ông] không biết một chút gì về xứ sở này. Nhưng có sao đâu! Không những ông ta tự coi mình là kẻ đủ tư cách bàn bạc chuyện đó, mà bởi ông ta là linh mục, cho nên cuộc vận động của ông đã được hoàng đế xem như một đề nghị tối quan trọng; nếu đề nghị ấy do một người khác đưa ra thì chắc chắn là chẵng bao giờ được chuyễn đến tay Hoàng đế.

Dĩ nhiên là khi một giáo sĩ bình thường mà cũng tự cho mình có tư cách đề đạt những chính kiến lên với Hoàng đế thì tập thể những giáo sĩ ở Việt Nam ngại ngùng gì mà không quấy nhiễu các ông đô đốc cầm quyền, về bất cứ chuyện gì và bất cứ lúc nào?

Những ông đô đốc cầm quyền này là những kẻ ngoan đạo, ai cũng biết bắt đầu họ đã cố gắng sống hòa hợp với những vị đồng hương mang một sứ mệnh tinh thần cao cả ấy. Họ cũng tranh thủ lợi dụng các giáo sĩ để có được những thông tin về nội bộ nước Việt Nam, về những phong trào này nọ, về các tài nguyên v.v... nhưng thường là những chỉ dẫn thiếu chính xác; đã nhiều lần, các ông đô đốc phải khẳng định rằng các giáo sĩ không thể làm những nhân viên do thám có thể tin cậy được.

Trong công cuộc bình định của họ, không những các đô đốc cầm quyền không thể dựa vào các giáo sĩ được mà còn phàn nàn một cách chua chát về thái độ cư xử của họ và những khó khăn họ thường gây ra cho các nhà chức trách quân sự và dân sự.

Ngay từ ngày 25/12/1859, Đô đốc Page đã viết cho Bộ trưởng Hải quân:

“Những năm đầu mới lên ngôi, vua Tự Đức có một thái độ đối xử khá ân cần với họ (các giáo sĩ). Nhà vua đã ra lệnh cho các quan lại địa phương có thái độ khoan dung, rộng rãi với họ trong những chuyện làm trái pháp luật, những vụ phạm pháp nhỏ. nhưng rồi các giáo dân, do các giáo sĩ lãnh đạo đã ngày càng xấc xược ngạo mạn đến mức độ họ không thèm biết đến cả chính quyền địa phương. Họ công khai nổi loạn; họ tuyên bố người Kitô giáo không thể vâng lời những kẻ theo một tôn giáo khác (...)“Đâu đâu cũng loạn ly. Họ (các giáo sĩ) cưỡng ép bắt đi những em bé, những thiếu nữ ra khỏi gia đình để được Kitô hóa. Do những hành động và những phản ứng ấy (tôi tóm tắt lại trong hai từ này tất cả những lời buộc tội) các giáo sĩ nghiễm nhiên trở thành người lãnh đạo, hoặc bao che cho tất cả những cuộc nổi loạn này: tất nhiên họ tham gia vào tất cả những hoạt động bí mật chống lại nhà vua, kể cả những hoạt động khủng khiếp nhất: sự sụp đổ của nhà nước và của non sông đang có nguy cơ xảy ra dưới ảnh hưởng một tình thế như vậy. “Để giữ gìn an ninh trật tự tại Sàigòn, tôi đã phải thiết lập một tòa thị chính. Ngạc nhiên biết bao khi ngày hôm sau, các giáo sĩ đã tới gặp tôi và tuyên bố rằng giáo dân Annam không thể tuân phục một chính quyền ngoại đạo. Chính những “từ” mà họ dùng.“Sao, không tuân phục, kể cả đối với cơ quan cảnh sát của thành phố? Nhằm ngăn chặn bọn trộm cắp lưu manh và bọn phiêu lãng cướp bóc thành phố hay sao?“Và tôi lấy làm xấu hổ mà phải thú nhận với ngài Bộ trưỡng rằng những nguyên lý ấy được các giaó sĩ thuyết giãng công khai! “Thực tình tôi không muốn nói thêm những chi tiết khác, do những người nhất thời có địa vị to lớn trong nước khẳng định với tôi. Tôi chỉ muốn tin khi nào tôi được đích thị chứng kiến. Ngoài ra không một người công giáo Việt Nam nào là không xin được đăng ký dưới lá cờ của chúng ta. ông vua ngoại đạo của Nam kỳ không phải vua của họ!“Bây giờ thì ngài Bộ trưỡng đã hiểu vì sao cả nhà vua, lẫn các quan lại, đều coi các giáo sĩ Kitô như những kẻ thù...” 

Trong một bức thư khác đề ngày 24/7/1862 viết cho đại bản doanh Pháp ở Sàigòn và cho ông Bộ trưởng Bộ Hải quân, người kế nhiệm của Page, đô đốc Bonard cũng xác nhận những điều sai trái ấy.

...”Chính là từ phía các giáo sĩ mà các vụ rắc rối nghiêm trọng nhất có thể xảy ra nếu người ta không tự giới hạn mình trong việc bảo đảm che chở cho họ một cách công bằng, và nếu người ta không dựa cớ tôn giáo để đỡ họ trong những âm mưu chính trị lật đổ chính phủ hiện hành, những âm mưu, trong đó không may, nhiều giáo sĩ đã bị lôi cuốn tham gia, mà chẵng thấy ai từ chối! Nâng đỡ họ trên một đường lối như vậy sẽ là nguy hiểm, bởi vì họ sẽ trở thành những kẻ phiến loạn thực sự, chứ không phải những kẻ tuẫn tiết vì đạo.“Sư đánh giá tình hình trên đây của tôi, thưa Bộ trưởng, đã được căn cứ trên những nhận xét dưới đây:“Cuộc chiến tranh Nam kỳ, không ai có thể phủ nhận được rằng nó đã được gây ra do những yêu sách của các giáo sĩ Tây Ban Nha và Pháp phàn nàn kêu ca trước những sự khủng bố bất côngcủa triều đình Huế, mà đối tượng chính là họ.“Thực ra, cách tổ chức và trạng thái tinh thần của các vị giáo sĩ đó như sau:“Đất Nam kỳ được chia thành nhiều địa phận, mỗi địa phận do một giám mục lãnh đạo. Tất cả các giám mục đó có thể chịu – đây là điều mà tôi không được biết – sự lãnh đạo chung của trung tâm truyền giáo tại Châu Âu. Nhưng mỗi giám mục trong địa phận mình hầu như làm gì tùy ý, và rất đối kỵ không muốn cho một giám mục địa phận láng giềng can thiệp, dù trong một việc nhỏ nhoi không đáng kể, vào nội bộ cái địa phận mênh mông mà họ coi như  mình có trách nhiệm phải cai trị về mặt tinh thần. Tất cả đều ôm ấp ước mơ sẽ trở lại thời kỳ mà bất cứ việc gì nhất nhất đều phải thi hành theo lời khuyên nhủ hoặc sự cho phép của ông ta.“Để đạt được mục đích ấy, họ đã dùng những biện pháp sau đây:“Trong bọn họ, người nào cũng thấy các ông vua kế ngôi vua Gia Long không tuân theo đúng nguyện vọng của họ, nên họ đã phản đối tính chất chính thống của các vua trên, và tìm cách đề cử một người khác có khả năng bảo đảm cho họ đạt tới mục đích hơn, nếu như người đó lật đổ được ông vua đương vị.“Một số trong bọn họ, nhằm mục đích chiếm ngôi, đã viện cớ rằng vua Gia Long đã chỉ định kế ngôi mình, không phải người con trai đầu lòng mà là người con trai thứ hai – như thông thường các triều đại viễn đông vẫn làm. Các giáo sĩ vùng Hạ Nam kỳ theo xu hướng này. Các giáo sĩ vùng đất của vương quốc Annam, lân cận Huế, nằm trung gian giữa Bắc kỳ với Nam kỳ, còn đi xa hơn nữa trong việc phản đối tính chất chính thống của chi nhánh hoàng gia đang trị vì. Ngay cả Gia Long, họ cũng coi như một kẻ tiếm vị, và họ đã tìm một người con cháu nhà Lê, mà các vua biến chất thành hạng “vua lười”, đã bị một ông thừa tướng lật đổ.“Tôi nghỉ rằng các tu sĩ dong Dominicain Tây Ban Nha, còn hăng hái và cực đoan hơn cả những giáo sĩ Pháp, đều đã liên quan với những phe đảng ấy. “Một người con cháu nhà Lê, thật hay giả, đã được đón nhận tại các nhà dòng Trung quốc, và sau khi đã giày vò hành hạ anh ta trăm đường đến mức bắt cả anh ta làm người gác cổng của nhà dòng; các giáo sĩ cấp trên ấy dự định dựng anh ta lên ngôi vua, vì tin tưởng họ vẫn có một ảnh hưởng sâu sắc đối với anh ta, một khi họ thực hiện được dự định. “Trong tình thế hiện nay, và dựa trên những lời nói và việc làm của các tầng lớp giáo sĩ Pháp vùng Nam kỳ, họ đang cố gắng từ bỏ những tham vọng chính trị của họ, vì họ hy vọng rằng dưới ảnh hưởng sự chiếm đóng và sở hữu thuộc địa của chúng ta, tuy chưa mang đến cho họ cái quyền uy tuyệt đối của giám muc Adran, ít ra cũng cho phép họ tỏ ra hài lòng trong giai đoạn trước mắt. Vậy, người ta có thể, bằng một chính sách vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn, buộc họ phải nằm yên trong những giới hạn hợp lý hợp tình của cái uy tín mà họ đang mong có được.“Các giáo sĩ vùng lân cận Huế còn lâu mới chịu chấp nhận biện pháp giãng hòa này. Một vài vị tán thành một cách uể oải, nhưng đại đa số thì qua những chuyện bất hòa, qua hành động có chiều hướng muốn chứng minh rằng họ chưa khước từ những tư tưởng cực đoan của mình. Giám mục, cùng với một vài người cộng sự thông minh nhất, tiếp thu lời tôi khuyên không nên vội vàng trong bất cứ vấn đề gì, còn ở lại Nam kỳ và sẽ hành động khôn ngoan, một khi họ trở lại địa phận của họ, sau khi hòa bình đã được củng cố vững vàng.“Nhưng, những người sôi nổi hăng hái đều đã ra đi, tay làm dấu thánh giá, theo sau họ là những lũ cướp thật sự. “Từ thái độ ấy có thể xảy ra nhiều khó khăn nếu người ta không biết hành động một cách thận trọng. Với tư cách là người Pháp hoặc người công giáo, họ chắc chắn sẽ yêu cầu được bảo vệ, một khi họ bị dính líu vào những mưu đồ chính trị, bất chấp những lời khuyên bảo chí tình chí lý của tôi.Còn những tu sĩ Dominicains người Tây Ban Nha, thường hay ở vùng Thượng du Bắc kỳ, họ còn khó cai trị hơn gấp mấy lần: hăng hái và cuồng nhiệt đến mức độ tột cùng, một số lớn xuất thân từ những đảng du kích và những phần tử Carlistes (phái quân chủ chuyên chế theo Don Carlos), đã rời bỏ Tây Ban Nha ra đi, tự nguyện, với thanh kiếm, khẩu súng, cùng với cây thập tự trên tay, tham gia bằng cả tâm hồn lẫn thể xác vào những cuộc nổi loạn đang làm điêu đứng xứ Bắc kỳ.(8)  

Sau bức công hàm, Bonard ghi thêm mấy lời tái bút nhấn mạnh với ông Bộ trưởng rằng nước Pháp sẽ chịu phải nhiều tai họa nếu tiếp tục nâng đỡ các giáo sĩ. Và ông chứng minh một cách hùng hồn trách nhiệm của các giáo sĩ tại Việt Nam:

“P.S. Tôi vừa nhận được những thông tin mới, và vội vàng chuyển tới cho Bộ trưởng. Tôi trân trọng yêu cầu ngài đặc biệt quan tâm một cách nghiêm túc những ý kiến đánh giá trên đây của tôi. Bởi vì qua lời nói và việc làm của các giáo sĩ ở Nam kỳ, có thể thấy rõ ràng họ đang tìm cách đưa chính phủ vào con đường tai họa mà họ đang đeo duổi: sự lật đổ vua Tự Đức. “Bất chấp mọi lời cảnh cáo của tôi, mặc dù tôi đã bảo họ phải kiên trì chờ đợi những ý kiến của chính phủ Hoàng Đế về việc chuẩn y hòa ước (5/6/1862) và hậu quả của nó, họ vẫn không ngừng gởi đi về vùng Huế những phái viên mang nặng những ý đồ xấu xa và tinh thần xảo trá.“Tôi đã dứt khoát từ chối không cấp thông hành cho họ đi về ngã ấy (Huế), cho đến lúc nào tôi nhận được chỉ thị từ Pháp. Họ không màng quan tâm gì đến và chắc hẳn Ngài đã nhận được nhiều khiếu nại của họ về vấn đề này, bởi vì họ đi hành quân, bất chấp những lời khuyên răn thường xuyên của tôi, họ không giấu ý đồ của họ và thái độ coi thường của họ đối với các điều khoản của hiệp ước. Đây là một mối nguy cơ tôi mà nêu lên lại với Ngài không phải là thừa sai bởi vì nếu không cảnh giác trước những bản báo cáo của các giáo sĩ đó, thì họ sẽ không lùi trước một thủ đoạn nào để đi tới mục đích bằng cách lôi kéo cả chính phủ vào con đường tai hại cho những lợi ích chân chính của nước Pháp.”(9) 

Thái độ chống đối của các vua, các quan lại và của nhân dân Việt Nam không nhằm vào lý tưởng tôn giáo nào, mà nhằm vào cái ý thức bạo động và thống trị của những kẻ phụng sự nhà thờ Kitô giáo. Thái độ chống đối ấy được chứng minh là đứng đắn, do sự phá hoại chính quyền quốc gia một cách chậm rãi, dần dà, và sự xâm lấn lần lần lãnh thổ Việt Nam mà chúng ta chứng kiến và công cuộc thực dân hóa hoàn toàn Việt Nam, của nước Pháp. Công cuộc truyền giáo và chủ nghĩa thực dân đi đôi với nhau.

Tại hội đồng quốc gia, phiên họp ngày 22/5/1804, Napoleon I đã định nghĩa vai trò của các nhà truyền giáo trong cuộc thực dân hóa như sau:

“Ý định của ta là ngôi nhà các hội truyền giáo đối ngoại phải được thiết lập trở lại. Những tu sĩ ấy sẽ rất có ích cho ta tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Ta sẽ gởi họ đi thăm dò tin tức về tình hình các nước. Chiếc áo thầy tu của họ sẽ bảo vệ cho họ và dùng để che dấu những ý đồ chính trị và thương mại. Bề trên của họ sẽ không ở La Mã nữa mà ở Paris. Giới giáo sĩ được mãn nguyện và tán thành việc cải cách này. Ta sẽ cấp cho họ một số tiền trợ cấp đầu tiên là 15.000 Franc. Người ta đã rõ sự lợi ích của các tu sĩ dòng Lazaristes của các hội truyền giáo trong tư cách mật vụ của phái đoàn tại Trung quốc, Nhật Bản và cả châu Á.. Tại châu Phi và tại Syrie nữa cũng có. Không phải mất nhiều tiền cho họ. Họ được dân dã man trọng vọng, lại họ không có một cương vị gì chính thức, nên họ không làm ảnh hưởng gì đến chính phủ, cũng chẵng gây cho chính phủ tai tiếng gì bất lợi. Nhiệt tình tôn giáo chan chứa trong lòng các linh mục khiến họ làm được những công việc và coi thường hiểm nguy mà các nhân viên dân sự khó lòng vượt nổi. Các giáo sĩ có thể phục vụ cho những ý đồ thực dân của ta tại Ai Cập và trên các bờ biển của châu Phi...” (10) 

Opinion de Napoleon

Nguyên văn tiếng Pháp: Séance du 22 Mai 1804.

« Mon intention est que la maison des Missions étrangères soit rétablie; ces religieux me seront très-utiles en Asie, en Afrique et en Amérique; je les enverrai prendre des renseignements sur l'état du pays. Leur robe les protége et sert à couvrir des desseins politiques et commerciaux. Leur supérieur ne résidera plus à Rome, mais à Paris. Le clergé est satisfait et approuve ce changement; je leur ferai un premier fonds de quinze mille francs de rente. On sait de quelle utilité ont été les lazaristes des Missions étrangères comme agents secrets de diplomatie,en Chine, au Japon et dans toute l'Asie. Il y en a même en Afrique et dans la Syrie; ils coûtent peu , sont respectés des barbares, et n'étant revêtus d'aucun caractère officiel, ils ne peuvent compromettre le gouvernement , ni lui occasioner des avanies; le zèle religieux qui anime les prêtres leur fait entreprendre des travaux et braver des périls qui seraient au dessus des forces d'un agent civil.

« Les missionnaires pourront servir mes vues de colonisation en Egypte et sur les côtes d'Afrique. Je prévois que la France sera forcée de renoncerà ses colonies de l'Océan. Toutes celles d'Amérique deviendront , avant cinquante ans, le domaine des États-Unis; c'est cette considération qui a déterminé la cession de la Louisiane : il faut donc se ménager les moyens de former ailleurs de semblables établissements. Je veux aussi rétablir les sœurs de la charité, et que leur installation se fasse avec une grande solennité. Leur supérieure générale résidera à Paris ; toute la corporation sera ainsi sous la main du gouvernement. Je les ai fait remettre déja en possession de leurs maisons. Je crois qu'il faudra également, quoi qu'on en dise, rétablir les frères ignorantins. »

Privat Joseph Claramont Pelet, comte Pelet de la Lozère, est un homme politique français né à Saint-Jean-du-Gard (Gard) le 12 juillet 1785 et mort à Villers-Cotterêts (Aisne) le 9 février 1871.

Pelet de la Lozère a rédigé un très intéressant ouvrage à partir de notes prises durant les séances du Conseil d'Etat présidées par Napoléon Ier auxquelles il a assisté sous le titre Opinions de Napoléon sur divers sujets de politique et d'administration recueillies par un membre de son Conseil d'État (1833).

On lui doit aussi un Précis de l'histoire des États-Unis d'Amérique depuis leur colonisation (1845) et un recueil de Pensées morales et politiques (1873).

Còn việc các giáo sĩ can thiệp vào các vấn đề quân sự và dân sự của nước Pháp thì một bức thư của đô đốc Rigault De Genouilly, viết cho bộ trưởng Hải quân, từ Đà nẵng, ngay 29/1/1859 đã miêu tả rõ ràng:

“... Điều mà ngài Bộ trưởng khó lòng tin được là cuộc viễn chinh Sàigòn cách đây một tháng, yêu cầu bởi giám mục Pellerin, giám mục Biblos, đến đây chỉ với tư cách là một người phiên dịch, về phía vị giáo chủ ấy, ngay từ khi nó được giải quyết, đã là mục tiêu những cuộc tấn công mảnh liệt nhất, những lời đả kích sôi động nhất.“Bị linh mục Gaentza mua chuộc, linh mục bề trên của các tu sĩ Dominicains (Tổng tuyên úy các đội quân Tây Ban Nha) dĩ nhiên là người chỉ mơ ước chiếm Bắc kỳ và phất cờ Tây Ban Nha tại đó một cách đắc thắng, vị giám mục đó đã công khai giảng thuyết trong phòng ăn của các sĩ quan trên tàu biển chông lại những dự định của tổng chỉ huy quân đội, trái với ý định của ông ta và thông báo rằng tôi không biết gì về những ý đồ của chính phủ, rằng ông ta là người được chính phủ gởi gắm tâm tư, và rằng tôi phải chịu trách nhiệm về hạnh kiễm của tôi.“Tình thế căng thẳng đến mức độ suýt nữa tôi đã cho bắt giám mục Pellerin dẫn sang Hồng Kông. Tuy nhiên trước khi quyết định một sự việc tai tiếng rất bất lợi cho một cuộc viễn chinh, mà mục đích chủ yếu là tôn giáo, và sẽ gây một tiếng vang lớn tại Pháp như vậy, tôi đã cố gắng thông qua các giáo sĩ đồng nghiệp của ông và qua linh mục Pelletier, tuyên úy trung đoàn, là người có một ảnh hưởng nhất định đối với giám mục Pellerin, thuyết phục cho ông ta nhận ra rằng ông đã có thái độ không ai chịu nổi, và điều tốt nhất cho ông ta lúc này là qua Hồng Kông.“...Tin giám mục Pellerin sắp đi đã xoa dịu được những lời đả kích của đại tá Lanzarote (chỉ huy đội quân Tây Ban Nha). Và cũng có lý do để nghỉ rằng những đội quân viễn chinh ấy bị kích động do tinh thần năng động và trầm tư của linh mục Gaentza là người trong thực tế đã chi phối giám mục Pellerin, hơn là chịu giám mục Pellerin chi phối.“Ngài Bộ trưởng đã thấy rõ những khó khăn nhiều mặt mà tôi đang vấp phải trong công tác của mình.”(11)

Cả người Tây Ban Nha cũng đã bao nhiêu lần phàn nàn những hành động quá khích của các giáo sĩ. Chính Palance, khi thông báo việc ký kết hiệp ước 1862 cho chính phủ, đã viết về các giáo sĩ như sau:

“...Hiệp ước thỏa thuận rằng người ta không được bắt buộc ai phải theo đạo.“Đôi khi một hành vi nhiệt tâm có thể đẩy người ta vượt qua giới hạn của sự vừa phải và dẫn đến những hậu quả tai hại, làm cớ cho chính phủ Annam thực hiện các biện pháp quyết liệt. Các giáo sĩ Nam kỳ được coi như là những kẻ xúi giục dân nổi loạn, và như những tên mật vụ chính trị của một triều đại nào đó, đang tìm cách làm sụp đổ triều đại hiện đang thống trị, và như một mối đe dọa đối với an ninh trật tự chung... Một vài giáo sĩ và giám mục Nam kỳ có ý đòi hỏi những quyền được miễn sai dịch và các đặc lợi đặc quyền quá đáng cho bản thân họ và cho cả giáo dân; để đạt những yêu sách trong đó lợi ích chính trị lẫn lộn lợi ích tôn giáo...”(12)

Những tư liệu chúng tôi vừa dẫn đã được chọn lọc từ bao nhiêu tư liệu khác, bởi vì những tư liệu này không thể để cho ai nghi ngờ rằng mang nặng những thành kiến hoặc khuynh hướng chống lại tôn giáo. Tự nó nói lên sự thật một cách hùng hồn.

Các đô đốc Pháp thời đó chắc phải có những tình cảm buộc một chính phủ và những nhà vua thấm nhuần tư tưởng Kitô giáo phải chấp nhận những tư liệu trên đây: mỗi lần báo cáo là họ báo cáo với ông bộ trưởng cấp trên trực tiếp của họ bằng những lời lẽ cụ thể, rõ ràng sự bất đồng tình của họ đối với các giáo sĩ nói trên.

Hầu như không ai có thể tưởng tượng được ràng một đại tá quân đội của “Đức Vua ngoan đạo”, mà sau này sẽ được phong thống chế, tức là được sự tín nhiệm hoàn toàn của triều đình, dù có dùng lời lẽ khôn khéo đến bao nhiêu đi nữa khi đề cập tới vấn đề mà ông ta muốn phê phán, trong một bức công hàm, lại dám đưa ra những lời phê phán đối với các linh mục Tây Ban Nha bao giờ!

Lâu nay, khi nói về các giáo sĩ ấy ở Việt Nam, phần lớn các nhà sử học và các nhà văn chương Tây đều đã giới thiệu họ như nạn nhân những cơn thịnh nộ khủng khiếp của các vua, quan. Theo họ, nhiều giáo sĩ đã ngã xuống như những vị “thánh tử vì đạo.” Người ta không muốn nói lên đúng sự thật; không một ai muốn tiết lộ những điều sai trái mà các giáo sĩ đã làm và những lý do thực mà tòa án Việt Nam thời đó đã kết tội họ một cách rất phải lẽ. 

Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và chính phủ của họ đã không lầm khi họ có cùng một ý nghĩ như Lamartine (nhà thơ Pháp đứng đầu chính phủ lâm thời của Pháp năm 1848 – LND) tuyên bố ngày 3/8/1844:

“Trong tư tưởng của tôi, tôi thấy sự phồn vinh của tất cả mọi loại Hội tôn giáo đều tai hại, nguy hiểm và gây sạt nghiệp cho quốc gia va gia đình.”

Họ có lý, khi họ cũng kết luận, giống Guizot (nhà sử học và nhà hoạt động chính trị Pháp): “Quốc gia phải mang tính chất thế tục,” hoặc với Cavour (nhà hoạt động chính trị Ý – thế kỷ XIX): “Quốc gia phải thật sự tự do.” Đó là biện pháp duy nhất hiệu nghiệm để tiến lên giải phóng dân tộc Việt Nam.

_____________________________________

CHÚ THÍCH:

(6) F. Chesneaux. “Contribution à l’histoire de la nation vietnamienne”, Paris, 1955. trang 115.

(7), (8), (9) “Hồi ký và tư liệu Á châu” (Mémores et documents Asie), quyển 27, trang 426-434, và quyển 28, trang 85-88. (Tài liệu chưa xuất bản).

(10) “Opinions de Napoléon”, Bá tước Pelet, Paris, 1833.

(11) Lưu trữ quốc gia, Paris, loại BB, quyển 769.

(12) Tài liệu ngoại giao Tây Ban Nha, Madrid.

Trích dịch từ trang 84 đến 96 của tác phẩm  Les Debuts de l’Installation du Système Colonial Francais au Viet Nam (1858 – 1897) của Nguyễn Xuân Thọ, xuất bản năm 1995.

 Nhận định về tác phẩm nầy: 

GS Hoàng Xuân Hãn (Paris 26/12/91):“Sự sụp đổ của Điện Biên Phủ, ngày 7 tháng 5 năm 1954, giữa tiếng nổ vang tan tành của các loại vũ khí, loan báo cho thế giới biết răng xứ sở nhỏ bé này mới vừa tự giãi thoát, trong máu đào, khỏi ách thống trị của thực dân, áp đặt trên toàn dân, từ gần một thế kỷ nay (1858-1954).“Bằng cách đưa vào cuốn sách này những văn kiện ngoại giao, mà phần lớn chưa được tiết lộ, tác giả cố gắng góp phần vào sự xác định một số giai đoạn của lịch sử những buổi đầu trong sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam.“Công tác rất có giá trị...“Bản thảo này quả là độc đáo, hơn hết các công trình nghiên cứu của các sử gia khác.” 

Maurice Beaumont, thành viên Hàn Lâm Viện Pháp, Giáo sư danh dự Đại học Sorbonne (Ngày 15/11/1966)“Về phương diện trí thức, ông [Nguyễn Xuân Thọ] đã bắt đầu sưu tập ở Pháp và ở Tây Ban Nha (cũng gọi là Y Pha Nho), tư liệu cho một luận án Tiến sĩ, mà ông đã thuyết trình và bảo vệ tại Đại học Sorbonne, vào tháng 7 năm 1956, về ‘Cuộc viễn chinh Pháp – Tây Ban Nha tại Nam bộ Việt Nam (mà người Pháp gọi là Cochichine) nam 1858-1862’. Cuộc sưu tập ấy đã tỏ cho thấy như công trình của một sử gia đủ tư cách, cả về mặt chính xác của phương pháp, lẫn về mặt tao nhã của hình thức (cách trình bày). Lúc ấy, tôi là một thành viên trong ban khảo thí, có trách nhiệm sát hạch và đánh giá luận án đó, luận án đã được xếp hạng ‘Très Honorable’ (Tối Ưu).“Và ông Thọ đã tiếp tục công trình của ông, bằng cuộc nghiên cứu này, về sự thâm nhập của người Pháp vào Việt Nam (1858-1897). Công trình này, trong đó, ông Nguyễn Xuân Thọ đã dành một phần lớn cho các tài liệu chính thức, phần nhiều là chưa được tiết lộ, giúp chúng ta hiểu rõ hơn, một số giai đoạn trong lịch sử những liên hệ giữa Pháp và Việt Nam vào thế kỷ vừa qua. Đồng thời, công trình này cũng soi sáng chúng ta về tấn thảm kịch đang chia cắt mảnh đất đau khổ này của Á Châu, trên cả hai bình diện chính trị và tôn giáo.”

Link: http://www.giaodiemonline.com/noidung_detail.php?newsid=1902

 

Trang Tôn Giáo