TẢN MẠN XUNG QUANH
MỘT CHUYẾN VỀ VIỆT NAM

Trần Chung Ngọc

đăng ngày 17  tháng 8, 2007


Các bài trong tập này:   1  2  3

 

PHẦN I: Hà Nội, Sapa, Hội An

Để “đáp ứng” sách lược lật đổ Cộng Sản của những người chống Cộng có đầu mà không có óc như Phan Văn Song, Lê Thị Công Nhân v..v.. gần đây hô hào trên Internet : “người Việt hải ngoại không nên tiếp tục gửi tiền về Việt Nam, không về Việt Nam du lịch, không buôn bán với Việt Nam, không mua hàng của Việt Nam v..v.., vì tiếp tục gửi tiền về, tiếp tục đi về thăm, du lịch, buôn bán với Việt Nam, tức là hà hơi tiếp sức ủng hộ chế độ Việt Nam” (sic), tôi và gia đình bèn tổ chức một chuyến về thăm quê hương. Nhóm chúng tôi tất cả chỉ có 14 người [trong số 2 triệu mốt (2.1 million) người từ nước ngoài đã nhập cảnh Việt Nam trong nửa năm đầu 2007]: gồm hai vợ chồng tôi, con trai con dâu, con gái con rể, hai đứa cháu ngoại và một đứa cháu nội trong lứa tuổi từ 8 đến 13, hai ông bà thông gia cùng người con gái, và hai người bạn thân đã từng học cùng lớp 12 Chu Văn An, Saigon, cách đây đã 50 năm. Vì bố mẹ các cháu còn đi làm nên chuyến đi này chỉ có thể kéo dài trong 3 tuần lễ.

Riêng đối với tôi, đây là lần thứ ba tôi về thăm quê hương. Lần cuối cách đây đã 9 năm, năm 1998. Chuyến về thăm quê hương này tôi cũng có đôi phần e ngại. Thứ nhất, những tác phẩm nghiên cứu và bài viết của tôi trên giaodiemonline hay trên báo giấy ở Mỹ không hợp với chủ trương đoàn kết, đại đoàn kết của Nhà Nước, nên tôi cũng lo là rất có thể tôi sẽ bị mời đi “làm việc” trong ít buổi, và như vậy sẽ xáo trộn chương trình đã được xếp đặt từ trước của các con cháu. Nhưng cũng may, việc này không xảy ra, và sau vài ngày ở Hà Nội không nhận được “giấy mời”, tôi cảm thấy rất yên tâm và tận hưởng những giây phút đi chơi cùng bạn bè và con cháu trong chuyến đi. Thứ nhì, đối với tôi thì không có vấn đề, nhưng đối với các con cháu thì đây là lần đầu tiên chúng biết về Việt Nam. Các con thì khi rời quê hương chúng còn nhỏ, còn các cháu thì đều sinh ở Mỹ. Cũng vì vậy mà tôi e rằng, vì chúng đã sống quen ở bên Mỹ, không biết chúng sẽ nghĩ sao về Việt Nam khi phải đối diện với những thực tế khác hẳn, từ khí hậu cho đến những cảnh sinh hoạt v..v.. ở Việt Nam. Nhưng điều tôi không ngờ là chúng lại rất thích thú trong chuyến đi này, và rất thích ăn nhiều món ăn Việt Nam mà ở Mỹ chúng ít khi hoặc chưa bao giờ được thưởng thức… Chúng rất thích Phở 24, Bún Ta, bánh mì kẹp xâu thịt nướng ở Thung Lũng Tình Yêu, hay Cao Lầu ở Hội An v..v.. Đứa cháu ngoại 8 tuổi của tôi mê đi xe xích-lô, ở Hà Nội cũng như ở Phố Cổ Hội An…

Nhưng bài viết này không phải là về chuyện gia đình mà là về những nhận xét của tôi về đất nước, xã hội Việt Nam ngày nay, vì đây là mục đích chính của tôi trong chuyến đi này, ngoài chuyện đưa con, cháu về cho chúng biết chút ít về Việt Nam, gốc gác của chúng. Không nên cho rằng những nhận xét này đầy đủ vì chỉ trong có 3 tuần lễ không có cách nào tôi có thể biết đầy đủ về xã hội Việt Nam ngày nay. Những nhận xét trong bài này, tuy có phần chủ quan trong đó, nhưng tôi tin không xa với sự thật là bao nhiêu, vì là những nhận xét tại chỗ, chứ không phải là những nhận xét từ Bosla, Paris hay Sydney qua cặp kính màu đen hay đỏ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những nhận xét cá nhân trong những hoàn cảnh mà cá nhân tôi đã trực tiếp đối diện, cho nên không thể tổng quát hóa về bất cứ phương diện nào. Ngoài ra, bài viết này cũng không phải là thuần túy tường trình về chuyến đi từ Bắc vào Nam, mà còn có những ý nghĩ lang bang xung quanh nhiều vấn đề như đầu đề của bài viết đã minh định: “Tản Mạn Xung Quanh…”.

*

Sau khi quan sát tình hình Việt Nam, tiếp xúc thăm dò với một số người trong mọi tầng lớp dân chúng, từ trí thức [bác sĩ, giáo sư đại học, nhà văn, nhà nghiên cứu sử v..v..] cho tới dân đen [tài xế taxi, phu xích-lô, người bán hàng rong, người chạy xe ôm, người dân làng v..v..] dù chỉ trong 3 tuần lễ, tôi có hai nhận xét về chính trị có thể gọi là không xa với thực tế là bao.

Thứ nhất, những nhà “chống Cộng cực đoan” hay “chống Cộng cho Chúa” hay các “nhà dân chủ” (sic) ở hải ngoại hay ở trong nước nên tin rằng đến Tết Congo thì chế độ hiện nay ở Việt Nam mới dẹp tiệm. Tại sao? Vì xã hội Việt Nam ngày nay đang vươn lên, có nhiều phát triển đáng kể về mọi mặt. Lẽ dĩ nhiên còn một số mặt khá tiêu cực, thí dụ như về giáo dục, y tế, tham nhũng, và nạn cường hào ác bá ở địa phương hà hiếp chiếm hay cướp đất của người dân v..v… Nhưng những vấn nạn xã hội này không thể là những yếu tố quyết định để có thể làm cho chính quyền hiện nay phải sập tiệm, nhiều nhất là làm cho chính quyền nhức đầu và sổ mũi chút ít. Ở Mỹ, những cuộc biểu tình có cả trăm ngàn người để chống chiến tranh, chống bất công xã hội, chống dự thảo luật di trú cho những cư dân bất hợp pháp v..v… cũng chẳng làm cho chính quyền đổ. Về chiến tranh Iraq, ông Bush vẫn tự tung tự tác, kiên trì tiếp tục cuộc thánh chiến của mình. Nhưng ở Việt Nam, điều chính là tuyệt đại đa số người dân chẳng quan tâm và biết rất ít đến những chuyện chính trị ruồi bu như của Nguyễn Văn Lý, Lê Quốc Quân hay Lê Thị Công Nhân v..v.. ở ngay trong nước, khoan nói đến những luận điệu chống Cộng rất ít có giá trị ở hải ngoại của một số nhân vật chẳng có mấy ai biết đến.

Việt Nam hiện nay là một nước trẻ. Khoảng 60% sinh sau năm 1975, và không mấy người biết đến cuộc chiến khi xưa. Trừ một số đầu cơ chính trị dựa thế ngoại bang, không mấy người quan tâm đến chính trị, và những tiếng nói của những kẻ đầu cơ chính trị tập trung ở vài thành phố và trong tổ chức tôn giáo không có ảnh hưởng gì đến quần chúng. Nguyễn Gia Kiểng và Nguyễn Bách Niên đã viết những bài phân tích thực lực của những tồ chức dân chủ và cho rằng chỉ là những con số không. Nhưng hai tác giả trên không nói rõ nguyên nhân nào đã khiến cho những tổ chức trên không thể có một lực lượng nào. Đó là vì những người cầm đầu những tổ chức đó chưa từng có một thành tích nào đối với quốc gia dân tộc, và không có uy tín gì trong quần chúng, cho nên không thể tạo được sự hậu thuẫn trong quần chúng ngoài một số đồng bọn thuộc loại con chiên, Trần Ích Tắc.. Ngay cả Nguyễn Văn Lý, Lê Thị Công Nhân hay Nguyễn Chính Kết cũng không được mấy người biết đến ngoài một thiểu số trong Công giáo và Tin Lành. Những khoa trương thổi phổng các nhân vật trên ở hải ngoại thường rất xa sự thật. Đa số người dân không hề biết đến những nhân vật này, còn giới hiểu biết thì biết rõ bộ mặt thật của những tổ chức hay cá nhân nấp sau chiêu bài tự do, dân chủ hơn ai hết. Hỏi về Đảng Thăng Tiến chẳng có mấy người biết, nhất là ở ngoài Bắc, nhưng có một ông tài xế Taxi ở Huế chỉ trả lời ngắn ngủi: “Ờ, cái bọn Công giáo đó…” Ông ta không nói tiếp, có thể vì không biết tôi là ai nên cũng e dè, và tôi cũng không hỏi tiếp vì sợ ông khó xử.

Sau một cuộc chiến dài, người Việt Nam ngày nay chỉ muốn được yên ổn làm ăn, càng ít xáo trộn bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Và điều này phù hợp với chủ trương của chính quyền, đặt ưu tiên trên sự ổn định xã hội để phát triển kinh tế. Cho nên, những quậy phá từ trong hay ngoài đều rất ít có ảnh hưởng đến quảng đại quần chúng. Điều rõ ràng là giới hiểu biết ở trong nước đang tranh đấu để sửa đổi những sai lầm của nhà nước và tuyệt đại đa số người dân không thể chấp nhận một cuộc lật đổ chính quyền để thay thế bằng một tổ chức hay một đảng chưa hề có công với dân tộc, đừng nói đến một đảng do một tập đoàn tổ chức bởi và thuộc một tôn giáo đã từng có tội với dân tộc như Công giáo: đảng Thăng Tiến, hay bất cứ đảng nào khác.

Thứ nhì, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, một thuộc hạ của Vatican, mà theo quảng cáo của “Tiếng Nói Giáo Dân”, là người đang phát động chiến dịch phá vỡ huyền thoại Hồ Chí Minh trên toàn thế giới, cũng nên tin rằng ảo tưởng của mình sẽ không bao giờ có thể thực hiện được. Tại sao? Vì không có cá nhân hay thế lực nào, không có luận điệu xuyên tạc nào, không có lý luận nào, không có tài liệu nào viện dẫn bất cứ từ đâu v..v.. có thể phá vỡ được lòng tôn sùng, kính ngưỡng [không phải là huyền thoại] Hồ Chí Minh trong lòng người dân Việt Nam. Tôi muốn nói đến những người Việt Nam yêu nước, không phải đám người “hễ đã phi dân tộc thì thế nào cũng phản dân tộc” mà chắc chắn LM Nguyễn Hữu Lễ là một thành phần cốt cán vì vẫn còn nằm trong ý thức hệ đen tối dày đặc của Ca-Tô Giáo Rô-ma (Dr. Barnado: In the thick darkness of Romanism). Tại sao LM Nguyễn Hữu Lễ không thể thành công?

Vì không một người Việt Nam yêu nước nào có thể phủ nhận sự kiện là Ông Hồ đã lãnh đạo toàn dân đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ, chấm dứt chế độ nô lệ của thực dân Pháp ở Việt Nam, và sau khi ông qua đời, tinh thần Hồ Chí Minh đã đánh bại một cường quốc vào bậc nhất trên thế giới, thống nhất đất nước, mang đến sự vinh quang cho đất nước khiến cho cả thế giới phải nể nang, khoan nói đến chiến thắng Điện Biên Phủ đã châm ngòi cho những công cuộc giải phóng các nước nhược tiểu ra khỏi cảnh nô lệ Tây phương.

Đây là những sự kiện lịch sử bất khả phủ bác, và trong vấn đề học thuật thì bản chất những sự kiện lịch sử là phi Quốc, phi Cộng, không có tính cách bè phái, không có tính cách bênh hay chống. Chúng ta hãy thành thực trả lời câu hỏi: Trước cuộc chiến chống Pháp và sau đó chống Mỹ, có bao nhiêu nước ở Tây phương ngoài Pháp, kể cả Mỹ, biết đến Việt Nam, biết đến Phật Giáo? Và ngày nay, tên tuổi Việt Nam trên thế giới là như thế nào? Có bao nhiêu cuốn sách trên thế giới đã viết về Việt Nam? Và đã viết về Việt Nam như thế nào? Người nào đã làm cho thế giới biết đến Việt Nam và ngày nay, trên diễn đàn truyền thông của Mỹ và các nước Âu Châu, hai chữ Việt Nam luôn luôn được nhắc tới. Việt Nam đã là quốc gia tổ chức Hội Nghị APEC, và trong năm tới, 2008, Việt Nam đã được vinh hạnh tổ chức Đại Lễ Phật Đản Quốc Tế [Lễ Tam Hợp của Liên Hiệp Quốc: Khánh Đản + Thành Đạo + Nhập Diệt] lần thứ 5.

Và chính những sự kiện lịch sử này là những điều đáng kể, đáng trân quý, đối với những người Việt yêu nước, bất kể những người như Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, những người nằm trong một giáo hội nô lệ Vatican, một giáo hội đã từng có một lịch sử ô nhục bán nước, làm tay sai cho thực dân Pháp v.. v.. góp phần quyết định đưa nước nhà vào vòng nô lệ Pháp trong 80 năm, mà sử sách đã ghi rõ, cùng nhóm người thuộc loại “thà mất nước chẳng thà mất Chúa”, hay chống Cộng có môn bài, hay trí thức bất lương, vì miếng cơm manh áo, vì thù hận cá nhân v..v.., dùng bất cứ thủ đoạn gì, lý luận gì, moi móc bất cứ điều gì, dù là sự thật hay bịa đặt, về đời tư của ông Hồ, để toan tính phá vỡ cái mà họ gọi là “huyền thoại Hồ Chí Minh” (sic).

Cái tinh thần “Chống Cộng Cho Chúa” chúng ta có thể thấy rõ trong một bài mới đây của Nguyễn Đạt Thịnh trên tờ Viễn Đông ngày chủ nhật, 29 tháng 7, 2007, trong mục Thời Sự, chủ yếu là chống Cộng nhưng hơi ngu vì tự thú nhận Công Giáo là một tổ chức tôn giáo phản quốc:

Chưa bao giờ Việt Cộng lâm vào thế khó bí hơn bi giờ. Cái khó phải đối diện với cuộc nổi dậy của lực lượng công giáo vô cùng đoàn kết và có tổ chức…

Tôi chưa ngớt lời ca tụng đức hồng y Phạm Minh Mẫn về lá thư viết cho linh mục Nguyễn Thái Hợp, yêu cầu nghiên cứu hai thái độ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, thái độ thứ nhất, cương quyết không cộng tác với Việt Cộng từ 1954 đến 1975, và thái độ thứ nhì, nhân nhượng cộng tác với Việt Cộng từ 1975 đến nay, để tìm xem thái độ nào đúng, và đem kết quả cuộc nghiên cứu này ra làm kim chỉ nam cho đường hướng lãnh đạo giáo hội trong tương lai.

Thật ra còn phải kể đến một thái độ nữa của giáo hội công giáo Việt Nam: thái độ quyết liệt và võ trang chống cộng sản trong thời gian từ 1945 đến 1954

Đọc đoạn trên chúng ta có thể hiểu như thế nào. Thứ nhất, không phải là toàn dân nổi dậy, chỉ có lực lượng thiểu số công giáo nổi dậy chống chính quyền bằng chửi láo, điển hình là vụ Nguyễn Văn Lý. Cũng vì vậy mà cả Vatican lẫn Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đều nín khe trước vụ án Nguyễn Văn Lý và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phải chờ đến một thông tin sơ xuất của báo Tuổi Trẻ, cho đó là sự thật để lên tiếng cải chính những lời không phải là của Chủ Tịch Nước nói mà không hề kiểm chứng với CNN những gì Tuổi Trẻ đăng có đúng với sự thật hay không. Đây là một thủ đoạn vu vạ thấp kém nếu không muốn nói là bất lương trí thức. Chẳng trách là Nhà Nước không buồn lên tiếng, coi lời cải chính của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam như không có và không đáng phải để ý tới. Công giáo vô cùng đoàn kết và có tổ chức vì hoàn toàn lệ thuộc vào cấu trúc toàn trị chặt chẽ của Vatican, đây không phải là niềm hãnh diện của Công Giáo Việt Nam.

Thứ nhì, cương quyết không cộng tác với Việt Cộng từ 1954 đến 1975 vì đất nước chia đôi, có muốn cộng tác cũng không được, vả chăng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đang giữ vai trò những lãnh chúa ở miền Nam, nhưng trong số những chiến sĩ ở miền Bắc chống Mỹ Diệm không thiếu gì những người Công giáo. Thứ ba, cộng tác với Việt Cộng từ 1975 đến nay không phải là “nhân nhượng” (sic) mà là tình thế bắt buộc, và rất có thể cũng đã nhận ra đâu là con đường dân tộc như một số lãnh đạo công giáo đã tuyên bố khi nước nhà thống nhất. Và thứ tư, thái độ quyết liệt và võ trang chống cộng sản trong thời gian từ 1945 đến 1954… chứng tỏ hơn gì hết công giáo là một tập đoàn phản quốc, vì trong khi cả nước kháng chiến chống Pháp trở lại tái lập nền đô hộ Việt Nam, thì công giáo lại nhận vũ khí của Pháp để chống cộng sản, mà trong thời điểm đó, chống cộng sản có nghĩa là chống lại nhân dân, chống lại kháng chiến. Đây là một điều ô nhục mà người công giáo nên quên đi thay vì đem ra mà khoe khoang trong thời buổi này.

Nhưng tại sao ông Nguyễn Đạt Thịnh lại đần độn đến độ mang một vết nhơ của Công giáo đối với dân tộc ra khoe khoang như vậy. Cũng như đa số trí thức Công giáo nghiện đạo, có một điểm mù trí thức trong đầu, ông ta không biết gì đến lịch sử, đến nguyên nhân thái độ quyết liệt và võ trang chống cộng sản trong thời gian từ 1945 đến 1954… Vậy thì để giúp ông Thịnh cũng như những ai quan tâm đến vấn đề này thêm một chút kiến thức về lịch sử đạo công giáo ở Việt Nam trong thời kỳ 1945 đến 1954, chúng ta hãy ghi lại vài nét lịch sử:

Theo Linh Mục Trần Tam Tĩnh trong cuốn Dieu et César thì:

"Cuối năm 1945, Việt Nam giành lại được độc lập từ tay người Pháp, lòng yêu nước của người Gia Tô VN bùng lóe lên với những cuộc biểu tình của hàng chục ngàn giáo dân mang biểu ngữ và hô khẩu hiệu "Giáo Hoàng Muôn Năm", "Giáo Hội Việt Nam của Người Việt Nam", "Việt Nam Độc Lập Muôn Năm" (Vive le Pape, L'Église Vietnamienne aux Vietnamiens, Vive le Vietnam Indépendant.) Nhưng rồi Linh mục Tĩnh viết:

"Vậy, với các giám mục và linh mục dẫn đầu, tín đồ Gia Tô muốn phá bỏ hình ảnh của một giáo hội đã cộng tác với quân xâm lăng, một giáo hội phục vụ nước Pháp, một giáo hội đã sống ngoài lề sự tranh đấu cho chủ quyền và tự do của dân tộc. Một trang sử đã lật qua nhưng khốn thay chẳng được bao lâu"

(Ainsi, avec les évêques et les prêtres en tête, les catholiques voulaient détruire l'image d'une église collaboratrice avec les agresseurs, d'une église au service de la France, d'une église qui avait vécu en marge d'un peuple en lutte pour sa souvenaineté et sa liberté. Une page est tournée. Mais, malheureusement pas pour longtemps.)

Tại sao? Vì theo một sắc lệnh của Giáo Hoàng Pius XII ban hành ngày 1 tháng 7 năm 1949, tuyên bố "tuyệt thông" bất cứ người nào cộng tác với Cộng sản, tuyên truyền cho CS, đọc sách báo CS v...v.. nên giáo hội Gia Tô Việt Nam lại hợp tác với quân đội Pháp, được Pháp trang bị vũ khí để lập những chiến khu "tự trị" như Bùi Chu, Phát Diệm... không những đứng ngoài lề công cuộc kháng chiến để bảo vệ nền độc lập mới thu hồi của dân tộc Việt Nam, mà còn hăng say săn lùng tiêu diệt những người đang kháng chiến chống Pháp.

Về sự kiện lịch sử trên, Tiến Sĩ Cao Huy Thuần cũng viết trong cuốn Les Missionnaires et la Politique Coloniale Francaise au Việt Nam, 1857-1914, bản tiếng Việt: Các Thừa Sai và Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp ở Việt Nam, 1857-1914 (Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội, 2002):

Đó là lần đầu tiên mà đạo Thiên Chúa Việt Nam chịu hòa mình trong cộng đồng dân tộc và gắn liền quyền lợi của họ vào quyền lợi đất nước. Nhưng than ôi! Tia lửa yêu nước vụt tắt ngay mấy tháng sau, Pháp đổ quân vào Việt Nam, chiến tranh Đông Dương bùng nổ và tín đồ Thiên Chúa lại hợp tác với ngoại bang."

Tuân theo lệnh của một ông giáo hoàng ngồi ở La Mã để thêm một lần nữa phản bội nhân dân, phản bội quốc gia, đó là điều mà ngày nay ông Nguyễn Đạt Thịnh đã nêu lên thành tích ô nhục này trên tờ Viễn Đông để quảng cáo cho cái tinh thần chống Cộng của người Công giáo Việt Nam.. Và điều kỳ lạ hơn nữa là ngày nay, những người chống Cộng ở vùng gió tanh mưa máu Bolsa đã triệt để thi hành sắc lệnh của Pius XII, biểu tình khủng bố Viet Weekly mà họ cho là đã cộng tác với Cộng sản, tuyên truyền cho CS, và đang mở chiến dịch hăm dọa để đồng bào không được phép đọc Viet Weekly v...v..

Người Việt Nam bình dân yêu nước chẳng mấy ai quan tâm đến chuyện ông Hồ theo Mác, theo Xít, hay theo Mao, theo Lê. Với tinh thần yêu nước, với lịch sử chống ngoại xâm rất oai hùng của Việt Nam, thì nếu họ đã từng tôn sùng Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Đức Thánh Gióng, Đức Thánh Trần, Lê Lợi, Vua Quang Trung v..v.. thì tất nhiên họ cũng tôn sùng Ông Hồ vì một lẽ rất giản dị là Ông Hồ cũng giống như các tiền nhân, đã thành công trong công cuộc đánh đuổi ngoại xâm, mang lại nền độc lập và thống nhất cho nước nhà. Còn những chủ thuyết, ý thức hệ v..v.. hay những điều giới truyền thông hải ngoại cố gắng khai thác như Ông Hồ đã có vợ có con, hay làm đơn xin học trường thuộc địa Pháp.. thì trước những kết quả Ông Hồ đã mang lại cho đất nước đều trở thành “irrelevant” đối với người dân, và không phải là những vấn đề mà tuyệt đại đa số người dân quan tâm đến. Người dân biết rằng những phong trào chống Pháp trước, của Nguyễn Thái Học, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu v..v.. đều không mang lại kết quả, và Ông Hồ đã mang lại kết quả mà người dân mong muốn. Tuyệt đại đa số người dân Việt Nam không hề “luyến tiếc [thằng Tây] vô chừng” như trong câu vè của Nguyễn Chí Thiện. Nhiều người không hiểu được những điều này cho nên vẫn tiếp tục đi làm công việc của Công Dã Tràng. Điển hình là Linh mục Nguyễn Hữu Lễ. Tốt hơn hết là họ hãy về Việt Nam mà quan sát tìm hiểu, và hãy quan sát tìm hiểu cho thật kỹ. Để hiểu tâm tình của người dân đối với “Bác Hồ” [Theo Duiker thì mỗi tuần có tới 15000 người đến thăm “Lăng Bác”] xin đọc những nhận định về Ông Hồ của các học giả có uy tín ở Tây phương trong bài “Vài Nét Về “Cụ Hồ”” của tôi trước đây trên giaodiemonline.com.

Người ta đã cố tình gán ghép cho Ông Hồ những chính sách của Nhà Nước, không phải là không có những sai lầm nghiêm trọng sau khi nước nhà thống nhất, dưới thời Lê Duẩn, một người có công trong cuộc chiến chống Mỹ , nhưng sau 1975 đã hoàn toàn đi lạc đường xây dựng đất nước vì cuồng tín, yếu kém chính trị, thiếu trí tuệ, thiếu hiểu biết về lịch sử, và thiếu tình người, cho nên đã đưa quốc gia vào một thời kỳ đen tối nhất, làm chậm trễ sự phát triển của quốc gia v..v.. nhưng người dân biết rõ đó không phải là những chính sách của Ông Hồ. Nói chuyện với một số sĩ phu Bắc Hà thì điều rõ ràng là họ đánh giá rất thấp những chủ trương của ông Lê Duẩn sau khi nước nhà thống nhất tuy họ vẫn công nhận công lớn của ông trong cuộc chiến chống Mỹ. Ông Hồ đã mất từ 1969 và những tài liệu hiện hữu đã cho thấy từ cuối thập niên 1950 vai trò quyết định của Ông Hồ trong Bộ Chính Trị cũng đã thay đổi rất nhiều. Lịch sử cũng cho thấy rõ là ông Hồ không phải là con người cộng sản cực đoan, và ông đã dẹp bỏ tự ái cá nhân để mưu đồ lợi ích cho quốc gia qua hành động viết 8 bức thư cho tổng thống Truman của Mỹ để xin Mỹ ủng hộ nền độc lập mới thu hồi của Việt Nam. Vì quyền lợi quốc gia, ông Hồ đã muốn đi với Mỹ. Nhưng vì sự sai lầm chính trị của Mỹ, nên Mỹ đã giúp tới 80% quân phí cho Pháp để Pháp trở lại tái lập nền đô hộ ở Đông Dương trong đó có Việt Nam, và sau khi Pháp thất bại Mỹ lại nhảy vào thao túng ở miền Nam với kết quả là mua lấy sự thất bại nhục nhã chưa từng có trong lịch sử Mỹ trước lòng yêu nước của người dân Việt Nam. Vậy chính vì sự sai lầm chính trị mà Mỹ đã đẩy ông Hồ về phía Cộng sản, và vì nền độc lập và thống nhất của Việt Nam ông Hồ không còn con đường nào khác, không thể không nhờ đến viện trợ của Nga và Trung Quốc để chống lại những cuộc xâm lăng của Pháp và Mỹ. Và nhiều tài liệu lịch sử cũng đã chứng tỏ là ông Hồ đã rất giỏi về chính trị, đứng ở vị thế không ngả hẳn về Nga hay về Tàu, và được cả hai viện trợ quân sự cho mục đích chiến đấu cho nền độc lập và thống nhất của nước nhà [Xin đọc bài "Vài Nét Về Cụ Hồ”].

 


Những bài "Về Thăm Việt Nam" cùng tác giả

- MỘT CHUYẾN VỀ VIỆT NAM -1 (Trần Chung Ngọc)

- CHUYẾN VỀ VIỆT NAM THỨ TƯ CỦA TÔI


Trang Trần Chung Ngọc