Giê Su Là Ai?

Giảng Dạy Những Gì?

Trần Chung Ngọc

http://sachhiem.net/TCN/TCNtg/Giesu/Giesulaai3.php

đăng ngày 25 tháng 8, 2007

Toàn bộ :   0   1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

--Ba bằng chứng ngụy tạo:

Trong lịch sử Ca-Tô Giáo Rô-Ma có nhiều bằng chứng có thể dùng để chứng minh những nhận định của Lockhart và Ellerbe ở trên. Sau đây tôi chỉ đưa ra vài trường hợp điển hình.

(1). Bằng chứng ngụy tạo thứ nhất:

Giả mạo Bản Văn Hiến Dâng Của Constantine (The Donation of Constantine). Về trường hợp này, Lockhart viết:

Trong cuốn “Sự Suy Thoái Của Rô-Ma”, sử gia Joseph Vogt lưu ý chúng ta về Bản Văn Hiến Dâng Của Constantine, một tài liệu đề ngày 30 tháng 3, năm 315, nhưng thực ra được viết trong triều đại của giáo hoàng Stephen III (năm 752-757) với mục đích thuyết phục Pepin, vua của dân Franks, phải bảo vệ giáo hội để chống dân Lombards. Là một tài liệu giả mạo từ đầu tới cuối, Bản Văn Hiến Dâng viết rằng Constantine, đang bị bệnh hủi (cùi), đã có một thị kiến trong đó Thánh Phê-rô (Peter) và Phao-Lồ (Paul) nói với Constantine là hãy tiếp xúc với Giáo Hoàng Sylvester. Khỏi bệnh vì tuân theo lệnh từ trên trời ban xuống, để tạ ơn, Constantine hiến dâng lâu đài mình đang ở cho Giáo hoàng Sylvester và đặt toàn thể Vương Quốc Miền Tây thuộc quyền Tòa Thánh. Tòa Thánh của Phê-rô phải được đặt lên trên Vương Quốc và Ngai Vàng của Vua, và Sylvester là người cai trị Antioch, Alexandria, Jerusalem, Constantinople và tất cả các giáo hội trên thế giới. Tài liệu trên được chấp nhận không bàn cãi cho đến năm 1440, khi Lorenzo Valla, một người hầu cận Giáo hoàng, chứng minh rằng, không còn nghi ngờ gì nữa: Bản Văn Hiến Dâng là giả mạo. Cuốn sách của Valla được xuất bản năm 1517, và mặc dầu tất cả các học giả khác khi nghiên cứu riêng rẽ đều đồng ý với Valla, Tòa Thánh vẫn phủ nhận sự giả mạo này trong vài thế kỷ tiếp theo..

Tuy nhiên, Vua Pepin, khi đọc Bản Văn Hiến Dâng, rất lấy làm khâm phục, vì có vẻ như là Bản Văn đã chứng minh chắc chắn rằng Giáo Hoàng là người kế thừa Phê-rô và Constantine, do đó có toàn quyền trên trái đất, và đàng sau hậu trường là sự hậu thuẫn của quyền lực từ trên trời. Đánh bại dân Lombards, Pepin dâng tất cả đất đai viết trong Bản Văn Hiến Dâng, một hành động làm cho Tòa Thánh trở nên toàn năng. 16

Chúng ta có thể thấy ngay rằng, bản văn hiến dâng của Constantine đúng là do giáo hội giả mạo để tạo quyền lực về tinh thần cũng như vật chất cho giáo hội. Mục đích của tài liệu giả mạo này là đưa ra quan niệm thần quyền đứng trên thế quyền, và quyền thống trị, cai quản thế giới của Giáo hội. Nhưng tiến hóa là một định luật của nhân loại nên những quyền tự phong của Giáo hội mà một thời bao trùm Âu Châu càng ngày càng suy giảm và ngày nay đã trở nên vô nghĩa và bất lực trước sự tiến bộ của nhân loại. Ngày nay, đất đai và quyền hạn của giáo hội chỉ còn thu hẹp trong phạm vi của Vatican, rộng bằng vài cái sân đá banh, và trong đám tín đồ thấp kém mà tổng số chưa tới 1/6 dân số trên thế giới.

Giáo sư Thần học Uta Ranke-Heinemann, khi nghiên cứu trường hợp giả mạo Bản Văn Hiến Dâng trên, cũng viết trong cuốn Hãy Dẹp Đi Những Chuyện Trẻ Con (Putting Away Childish Things) như sau:

Một chuyện bất ngờ rất đặc biệt phát xuất từ Thánh Linh là cái gọi là Bản Văn Hiến Dâng Của Constantine. Trong bản văn này, Hoàng Đế Constantine (chết năm 337) đã bày tỏ tấm lòng quá rộng rãi đối với Giáo hội: “Chúng tôi đã chuyển nhượng lâu đài (Lateran) và tất cả tỉnh lỵ, nơi chốn, thành phố thuộc thị trấn Rô-ma, thuộc nước Ý, và thuộc khắp miền Tây..cho giáo hoàng tối cao, cha Sylvester của chúng ta, giáo hoàng của mọi người, và cho uy quyền và sự thống trị của giáo hoàng – hoặc những vị kế thừa ông ta.” Ngày ghi trên bản văn (30 tháng 3, năm 315. TCN), dấu ấn chính thức (của giáo hoàng [papal seal]. TCN), và chữ ký (của Constantine. TCN) đã chứng thực bản văn trên. Constantine, quốc vương tuyệt đối đã hiến dâng cho giáo hoàng toàn thể miền Tây của đế quốc Rô-ma; và các giáo hoàng trở thành những kế thừa của các vua Rô-ma ở miền Tây. Constantine tự thỏa mãn với miền Đông, bởi vì “các vua trên trần không thể có quyền năng ở nơi nào mà người cầm đầu giáo hội Ki Tô (giáo hoàng) đã được vua ở trên trời (Giê-su) bổ nhiệm.”

Nhưng thực ra, tất cả chỉ là một sự bịp bợm, một sự giả mạo của giới giáo sĩ trong nôi bộ giáo hội bày đặt ra. Lẽ dĩ nhiên, với bản văn ngụy tạo này, giáo hội đã chiếm được quyền lực tinh thần và vật chất to lớn không thể ước tính được trong nhiều thế kỷ. Sự giả mạo văn bản trên đã được xào nấu trong cung đình Vatican vào khoảng giữa thế kỷ thứ 8 (vào khoảng hơn 400 năm sau khi Constantine chết. TCN) và chỉ bị phanh phui vào thế kỷ thứ 15. Người khám phá ra sự gian lận này là một viên chức cao cấp trong cung đình Rô-ma (Vatican), theo chủ nghĩa nhân văn, một phê bình gia về chế độ giáo hoàng, tên là Lorenzo Valla (chết năm 1457). Nhưng mãi tới năm 1517 công cuộc khám phá ra sự gian lận trên của Valla mới được Ulrich von Hutten xuất bản, vào đầu thời kỳ cải cách. Sách “The Lexikon fur Theologie und Kirche” viết, “từ giữa thế kỷ 19..nội dung Bản Văn Hiến Dâng Của Constantine đã được coi như là giả mạo theo sự nhìn nhận của Ca-Tô” ([1961] VI, 484). (Sau nhiều thế kỷ phủ nhận. TCN) 17

Từ những tài liệu trên, chúng ta thấy ngay rằng, quyền lực tinh thần cũng như vật chất của Giáo hội Ca-Tô được xây dựng trên sự gian dối ngụy tạo. Trong Ca-Tô giáo có cả một trường phái chuyên ngụy tạo (school of forgery) những bản văn mới, và sửa đổi, viết lại những bản văn cũ cho hợp với đường lối dối trá để đạt được mục đích tạo quyền lực tinh thần và vật chất của Giáo hội.

Thật vậy, Douglas Lockhart viết như sau:

“Vào khoảng năm 1187 sự giả mạo các tài liệu đã trở thành một dịch vụ có lợi, với cả một trường phái các chuyên gia làm giả mạo, cặm cụi tạo ra sự phê chuẩn những tham vọng của giáo hoàng Gregory III; có ngay cả chính sách biến đổi những tài liệu cũ nói ngược hẳn lại những điều thực sự viết trong tài liệu. Điều thú vị là, de Rosa (Tổng Giám mục Peter de Rosa, tác giả cuốn “Vicars of Christ: The Dark Side of The Papacy”. TCN) vạch ra rằng chính những tài liệu cũ này cũng là giả mạo và phê phán rằng cái trường phái những kẻ chuyên làm tài liệu giả mạo này “..đã xào xáo tất cả những văn kiện cũ, bất kể là giả hay thực, với một tính bất lương như nhau.”

De Rosa, khi đứng trước tình trạng lạ lùng này, đã thẳng thắn phơi bày sự kiện là, vào giữa thế kỷ 12, sắc lệnh Decretum, hay Giáo Luật, đã được rắc vào trong đó những văn kiện giả mạo suốt trong 3 thế kỷ và những kết luận dẫn xuất từ chúng. Một trong những kết luận này là giáo hoàng đứng trên và là nguồn gốc của mọi giáo luật mà không có cần đến khả năng chuyên môn; một sự kiện mà theo sự diễn giải của de Rosa, giáo hoàng theo định nghĩa thì bằng vai với Con của Thiên Chúa. Và đây là giáo hội mà chúng ta phải có, cái định chế sáng lập ra bởi Thiên Chúa qua vai trò Constantine để soi sáng cho một thế giới tối tăm” 18

Có lẽ trong lịch sử nhân loại chúng ta không thể thấy một sự lừa bịp nào trắng trợn và hoang đường hơn. Ấy thế mà cho tới ngày nay vẫn còn nhiều người, kể cả những người thường được gọi là trí thức, vẫn còn tin vào luận điệu quái gở của giáo hội như trên, và rất lấy làm hãnh diện được hôn giày hôn dép “đức Thánh Cha”, đại diện của Chúa trên trần.

Nhưng Constantine là người như thế nào? Lịch sử đã viết rõ. Trong cuốn Những Sự Lừa Dối Và Huyền Thoại Trong Thánh Kinh, Loyld Graham viết:

Hắn ta đích thân giết hai người anh em rể, sai người giết vợ, giết đứa con tên là Crispus và 2 đứa cháu, giết những kẻ kẻ đối lập chính trị, quẳng những người không tin đạo Chúa xuống giếng, và làm cho nhiều ngàn người chết trên chiến trường. 19

Từ những sự kiện trên, và sau khi khảo xát về lịch sử thành lập, và lịch sử phát triển của Ki Tô Giáo, bắt đầu bằng sự ủng hộ của Constantine, Lloyd Graham đã bình luận như sau:

Trong gần 2000 năm nay, Ki Tô Giáo toan tính cứu rỗi chúng ta thay vì văn minh hóa chúng ta, và nó đã đi đến một thế kỷ man rợ, một thời đại trong đó có tới 250 triệu tín đồ Ki Tô chết trong những cuộc chiến của Ki Tô Giáo.

..Đó là Ki Tô Giáo, một tôn giáo đặt căn bản trên sự gian dối, thành lập bởi những kẻ điên và được củng cố bởi một tên sát nhân – Đại đế Constantine. 20

Tại sao Graham lại có thể viết như trên về một tôn giáo lớn nhất trên hoàn cầu như Ki Tô Giáo? Sự phân tích bằng chứng ngụy tạo thứ hai sau đây sẽ chứng minh cho chúng ta thấy rõ vấn đề. Chúng ta cũng nên biết rằng, sau nhiều thế kỷ phủ nhận những công trình nghiên cứu về Bản Văn Hiến Dâng của Constantine và giữ nguyên tính cách xác thực (authenticity) của Bản Văn, cuối cùng Tòa Thánh Vatican và các nhà Thần học Ki Tô Giáo cũng phải thú nhận rằng Bản Văn Hiến Dâng của Constantine thật ra là một bản văn giả mạo. Nhưng Giáo hội đã thực hiện được mưu đồ của mình và thành công trong việc tạo cho giáo hội quyền lực thế gian trong hơn 1000 năm, và tiếp tục duy trì quyền lực này bất kể đến liêm sỉ và đạo đức con người như lịch sử đã chứng tỏ.

(2). Bằng chứng ngụy tạo thứ hai:

Giáo hội dựa vào một câu trong Thánh Kinh, Matthew 16: 18, cho là của Giê-su nói: “Và ta cũng nói cho ngươi biết, ngươi là Phê-rô, và trên phiến đá này ta sẽ xây dựng giáo hội của ta...và Ta sẽ cho ngươi những chìa khóa của thiên đường” (King James Version: “And I also say to you that you are Peter, and on this rock I will build My church...and I will give you the keys of the kingdom of heaven”) và đưa ra thuyết Chúa Giê-su chính là người sáng lập ra Giáo hội nhưng chỉ đứng tên, còn Thánh Phê-rô mới là người được Giê-su trao cho nhiệm vụ thành lập giáo hội với chức vụ đứng đầu giáo hội (giáo hoàng đầu tiên), và các Giáo Hoàng đều là kế thừa của Phê-rô và như vậy đương nhiên là “đại diện của Chúa” (Vicars of Christ) ở trên trần, nắm trong tay những chìa khóa mở cửa thiên đường. Do đó, các tín đồ Ca-Tô không thể hiệp thông thẳng với Chúa mà phải đi qua ngả trung gian là giáo hội, giáo hoàng và Tòa Thánh Vatican . Ngoài ra, giáo hoàng còn có quyền tuyệt thông bất cứ tín đồ nào, ở bất cứ cấp bậc nào, nghĩa là giữ chặt chìa khóa mở cửa thiên đường trong tay, không mở cửa thiên đường cho bất cứ ai mà giáo hoàng không ưa, bất kể vì lý do gì. Giáo hoàng cũng còn trao quyền tuyệt thông cho các thuộc hạ thân tính như hồng y, tổng giám mục đối với đám tín đồ thấp kém bên dưới.

Tuy nhiên, thuyết Giê-su thành lập giáo hội, Phê-rô làm giáo hoàng đầu tiên v..v.. như trên chỉ có giá trị trong đám tín đồ Ca-Tô vốn không bao giờ đọc Thánh Kinh, thường không mấy khi dùng đến đầu óc để suy nghĩ, và đã bị nhồi sọ từ nhỏ để tin tất cả những gì giáo hội nói. Đối với các học giả nghiên cứu Thánh Kinh và đối với giới trí thức ở trong cũng như ở ngoài giáo hội thì câu ở trong Thánh Kinh ở trên rõ ràng là được thêm thắt sau này với mục đích thiết lập quyền lực tinh thần cũng như quyền lợi vật chất của giới lãnh đạo Ca-Tô trước đám đông tín đồ ở dưới. Thật vậy, các chuyên gia nghiên cứu Thánh Kinh đã vạch ra rằng câu trên hoàn toàn mâu thuẫn với nhiều đoạn trong Thánh Kinh, với tư tưởng của Giê-su, và nhất là vai trò của Phê-rô.

Thứ nhất, đọc Thánh kinh, chúng ta thấy rõ ràng là những người viết Tân Ước đều tin rằng Giê-su sẽ trở lại trần gian trong một tương lai rất gần, ngay trong thời điểm của Giê-su. Thí dụ (Trích dẫn từ Thánh Kinh: Cựu Ước Và Tân Ước, Hội Quốc Tế xuất bản, 1994; và Holy Bible: The New King James Version, American Bible Society, New York, 1982):

Matthew 16: 27-28: “Ta (Con của Người: Giê-su) sẽ trở lại với các thiên sứ trong vinh quang của Cha ta để thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm. Ta cho các con biết: một vài người đang đứng đây sẽ còn sống cho đến khi nhìn thấy ta vào trong Nước ta”. (For the Son of Man will come in the glory of His Father with His angels, and then He will reward each according to his works. Assuredly, I say to you, there are some standing here who shall not taste death till they see the Son of Man coming in his kingdom.)

Matthew 24:34: “Ta quả quyết, thời đại này chưa chấm dứt, các biến cố ấy đã xảy ra rồi” (Assuredly, I say to you, this generation will by no means pass away till all these things are fulfilled)

Mark 9: 1: Chúa bảo các môn đệ: “Ta cho các con biết, một vài người đang đứng đây sẽ còn sống cho đến khi nhìn thấy nước trời thiết lập với uy quyền vĩ đại” (And He said to them, “Assuredly, I say to you that there are some standing here who will not taste death till they see the kingdom of God present with power.”)

Mark 13:30: “Ta quả quyết, thế hệ này chưa qua đi thì các biến cố đó (các biến cố xung quanh sự trở lại của Giê-su. TCN) đã xảy ra rồi”. (Assuredly, I say to you, this generation will by no means pass away till all these things take place.)

Luke 21: 27, 32: “Bấy giờ nhân loại sẽ thấy ta giáng xuống trong mây trời với vinh quang và uy quyền tuyệt đối.. Ta quả quyết: thế hệ này chưa qua, các biến cố ấy đã xảy ra rồi”. (Then they will see the Son of Man coming in a cloud with power and great glory.. Assuredly, I say to you, this generation will by no means pass away till all these things are fulfilled.)

John 14: 3: “Ta đi chuẩn bị chỗ ở cho các con. Khi chuẩn bị xong, ta sẽ trở lại đón các con về với ta để các con ở cùng ta mãi mãi.” (And if I go and prepare a place for you, I will come again and receive you to myself; that where I am, there you may be also).

Qua những đoạn trích dẫn ở trên từ Thánh Kinh, chúng ta hãy tự hỏi: Giê-su thành lập giáo hội và trao chức vụ giáo hoàng chăn dắt tín đồ cho Phê-rô để làm gì khi mà ông ta tin rằng ngày tận thế gần kề, ngay trong đời ông, khi ông và một số môn đồ của ông còn sống? Có phải rằng giáo hội đã thêm thắt câu “..ngươi là Phê-rô, và trên phiến đá này ta sẽ xây dựng giáo hội của ta...” vào trong Thánh Kinh để lừa dối tín đồ là giáo hội do chính Chúa Giê-su thành lập và các giáo hoàng đều là kế thừa của Phê-rô?

Thứ nhì, đọc kỹ Thánh Kinh, chúng ta còn thấy, sau khi trao chìa khóa thiên đường cho Phê-rô (Matthew 16:19), chỉ 4 câu sau, Matthew 16: 23, Giê-su gọi Phê-rô là Satan: “Chúa quay lại và nói với Phê-rô: “Hãy đi ra đàng sau ta, Satan, ngươi là một sự xúc phạm đối với ta” (But he turned and said to Peter, “Get behind me, Satan! You are an offence to Me..”) Cũng vì sự mâu thuẫn và phi lý trong hai câu gần sát nhau trong Thánh kinh mà Lloyd Graham đã bình luận như sau:

Như vậy là giáo hội Ca-Tô được thành lập bởi Phê-rô, người mà, chỉ 4 câu sau trong Thánh Kinh, Chúa gọi là Satan. Vậy, nếu giáo hội Ca-Tô được thành lập bởi Phê-rô thì giáo hội đó đã được thành lập bởi Satan – một sự kiện mà chúng ta đã nghi ngờ từ lâu. (Xét đến lịch sử đẫm máu đầy tội ác của Ca-Tô Giáo mà giáo hoàng John Paul II và Tòa Thánh Vatican đã vừa xưng thú 7 núi tội lỗi và xin được tha thứ thì câu bình luận của Graham ở trên không phải là không có căn bản. TCN).

Câu chuyện về Phê-rô thậm vô nghĩa – một người chết như mọi người mà lại có quyền lực trên khắp nhân loại trong muôn đời muôn kiếp. Trong những vấn đề tôn giáo, tín đồ Ca-Tô thật là nhẹ dạ, cả tin, nhưng họ có thể nhẹ dạ đến mức tin rằng, trước khi có Ki Tô Giáo, những bậc thông thái như Pythagoras, Plato, Socrates...cần đến cái tên đánh cá Do Thái ngu đần này (Phê-rô) để đầy đọa hay cứu vớt linh hồn họ hay không? Nhất định là không, và chúng ta cũng vậy (Lẽ dĩ nhiên, người Việt Nam chúng ta cũng không cần đến bất cứ cái gì từ tên đánh cá Do Thái không những ngu đần mà còn hèn nhát này, như Thánh Kinh đã viết rõ. TCN) 21

Thứ ba, Phê-rô là mẫu người coi lời Chúa như không có, phản phúc và hèn nhát. Trước ngày Chúa bị bắt, Chúa bảo Phê-rô hãy thức chờ Chúa đi cầu nguyện, rồi Chúa đi cầu nguyện, khi trở lại thì Phê-rô đã ngủ khì. Khi Chúa bị bắt, vì sợ bị kết tội đồng lõa, Phê-rô đã ba lần chối Chúa, không nhận là mình đã biết Chúa. Khi Chúa bị đóng đinh trên thập giá thì Phê-rô trốn biệt. Một người tư cách như vậy mà Chúa lại chọn để thành lập giáo hội hay sao? Chúa không có môn đồ nào tốt hơn và hiểu biết hơn tên đánh cá Phê-rô hay sao?

Trước những bằng chứng không thể phủ bác, Joseph L. Daleiden, một học giả Ca-tô, trong cuốn Sự Mê Tín Cuối Cùng (The Final Superstition), trang 83, cho rằng “câu chuyện ủy quyền cho Phê-rô xây dựng giáo hội là một chuyện tiếu lâm” (On the face of it, I would take it as a joke) và trích dẫn lời của Albert Camus, cho rằng “Giê-su đã riễu cợt cái tên nghèo khổ, hèn nhát Phê-rô khi bảo Phê-rô là vững như phiến đá” (Camus pointed out, Jesus must have been making fun of of poor, cowardly Peter by referring to him as a rock of steadfastness.). Rồi Daleiden kết luận:

Do đó, chúng ta không lấy gì làm ngạc nhiên khi biết rằng nhiều học giả chuyên về Thánh Kinh tin rằng câu chuyện về Phê-rô, giống như nhiều chuyện khác trong Tân Ước, đã được người ta thêm thắt vào sau. 22

Nhưng không phải chỉ có các học giả mới nhận ra sự phi lý trong câu chuyện về Phê-rô, mà chính những nhà Thần học nổi danh trong giáo hội Ca-Tô cũng phải thừa nhận rằng thuyết Chúa thành lập giáo hội và trao quyền cho Phê-rô chỉ là ngụy tạo.

Hans Kung, Giáo sư Thần học tại trường đại học nổi tiếng Tubingen ở Đức, cũng phải viết như sau:

Con người Giê-su lịch sử, tin chắc rằng ngày tận thế phải xảy ra ngay khi ông còn đang sống. Và vì sự sắp tới của Nước Trời này, không còn nghi ngờ gì nữa là ông ta không muốn lập ra một cộng đồng đặc biệt khác với nước Do Thái, với giáo lý, nghi thức thờ cúng, định chế, cơ quan chỉ đạo riêng. Tất cả những điều trên có nghĩa là khi còn sống Giê-su không bao giờ sáng lập một giáo hội nào. Ông ta không hề có ý tưởng thành lập và tổ chức một hoạt động tôn giáo đại qui mô như được tạo ra về sau. 23

Và nữ Giáo sư Thần học Uta Ranke-Heinemann cũng viết:

Giáo hội đã biến Giê-su thành một dụng cụ tuyên truyền. Vì lý do này mà chúng ta tin vào mọi điều biện minh cho sự thành lập một giáo hội như được thêm thắt vào những lời Giê-su nói bởi những tác giả các phúc âm. Sự thêm thắt này gồm có điều Giê-su ca tụng Phê-rô như một phiến đá làm nền tảng để Giê-su xây dựng giáo hội của ông ta (Matt. 16:18), vì Giê-su không bao giờ có ý thành lập một giáo hội... Ở đây, không phải là Giê-su nói, mà là giáo hội ban khai muốn tạo cho mình một địa vị lãnh đạo và một khuôn mặt quyền lực vì sự tăng trưởng của cấu trúc lãnh đạo theo cấp bậc.

Trong chương 21, chương ngụy tạo trong phúc âm John – nghĩa là chương được thêm vào phúc âm chính sau này – ý tưởng về một vai phó đã được phát triển rõ ràng. Phê-rô trở thành kẻ chăn đàn chiên của Giê-su. Như là đại diện của Giê-su, người chăn chiên thực sự lúc đầu, hắn thay thế Giê-su trong nhiệm vụ này. Ngay sau đó, giáo hội nghĩ rằng điều quan trọng không phải là con người Phê-rô. Giáo hội quyết định rằng chức vụ của Phê-rô là nền tảng của Giáo hội, do chính Giê-su thiết lập vĩnh viễn. Với quan niệm này chúng ta có những giáo hoàng là kế thừa Phê-rô và là phụ tá của Giê-su, và chế độ giáo hoàng là nền tảng của giáo hội. 24

Ngoài ra, chúng ta cũng nên biết, Hội Nghiên Cứu Về Giê-su (The Jesus Seminar) gồm nhiều học giả thuộc mọi hệ phái Ki-tô, sau nhiều năm nghiên cứu, cũng đưa ra cùng một kết luận, nghĩa là, Giê-su không hề có ý định thành lập giáo hội cũng như không hề ủy quyền cho Phê-rô xây dựng giáo hội. Tất cả chỉ là những điều giáo hội bịa đặt để tạo quyền lực cho giáo hội mà thôi.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, ngoài sự vạch ra sự gian dối trên, các chuyên gia nghiên cứu Thánh Kinh còn chứng minh rằng Giê-su, với những lời hứa hẹn hão huyền đầy tính chất tự tôn, tự cao, tự đại như trên, là người mắc bệnh tâm thần hoang tưởng, và thực tế đã cho các môn đệ ăn bánh vẽ vì ông ta đã ra đi và không hề trở lại. 2000 năm qua, những người tin là Giê-su có quyền phép “cứu rỗi” họ và cho họ lên thiên đường ở cùng ông đã dài cổ ra ngóng chờ “ngày trở lại” của Giê-su, nhưng năm này qua năm khác, thế hệ này qua thế hệ khác, thiên niên kỷ này qua thiên niên kỷ khác, Giê-su vẫn biệt tăm. Làm sao ông ta có thể trở về được khi ông ta đã bị đóng đinh trên thập giá, chết, và táng xác? Lời hứa hẹn vô trách nhiệm đầy tính cách lừa dối những kẻ nhẹ dạ như trên có giá trị gì khi những điều ông hứa không hề mảy may thực hiện được đã 2000 năm nay.

Sự ngụy tạo ra tín điều "Chúa chọn Phê-rô là người thừa kế" cho chúng ta thấy rõ thủ đoạn của Giáo hội Ca-Tô để tạo quyền lực trên đám tín đồ đầu óc yếu kém, không bao giờ đọc Thánh Kinh. Biết chắc là Giê-su đã bị đóng đinh trên thập giá, chết, và táng xác nên không bao giờ có thể trở lại trần gian được nữa, Giáo hội mới phịa ra chuyện Chúa chọn Phê-rô. Nhưng mục đích của sự ngụy tạo này cũng không phải là để vinh danh Phê-rô mà thực ra chỉ dùng Phê-rô làm một bình phong thần học, một bàn đạp để tạo nên thần quyền cho giáo hoàng và giáo hội. Giáo hội bày đặt ra chuyện Chúa chọn Phê-rô để thiết lập giáo lý buộc các tín đồ phải tuyệt đối tin và tuân phục giáo hội thì mới được Chúa cứu rỗi. Theo sự diễn giảng của giáo hội thì Phê-rô là người tuyệt đối tin Chúa nên được Chúa chọn bất kể là Phê-rô ngu đần và hèn nhát. Và vì Phê-rô cũng đã chết rồi, cho nên quyền lực của Chúa nằm trong tay những người kế thừa Phê-rô, một chức vị tự phong của các giáo hoàng. Qua học thuật Ca-tô (Catholic scholarship), các tín đồ Ca Tô đều được nhồi sọ từ khi mới sinh ra đời tín điều hoang đường là "Giáo Hoàng là đại diện của Chúa" (Vicar of Christ), nắm trong tay những chìa khóa mở cửa thiên đường và có quyền tuyệt thông tín đồ, hoặc "giáo hội do Chúa Giê-su thành lập nên không thể sai lầm" v..v... Do đó điều kiện tiên quyết cho các tín đồ muốn được Chúa cứu rỗi là phải tuyệt đối tin vào giáo hoàng, giáo hội. Điều bất hạnh cho nhân loại là ngày nay vẫn có hàng triệu người tin như vậy, không hề quan tâm đến những điều phi lý nằm trong những thủ đoạn thần học này..

(3). Bằng chứng ngụy tạo thứ ba:

Giáo hội dựa vào câu trong Thánh Kinh, Matthew 28: 19, 20, cho là lời của Giê-su dạy các môn đồ: “Hãy đi đến mọi quốc gia để làm cho họ thành tín đồ của ta, làm lễ rửa tội họ nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, dạy cho họ biết phải vâng giữ mọi điều răn ta dạy các ngươi; và ta sẽ ở với các ngươi cho đến ngày tận cùng của thời đại” (Go therefore and make disciples of all the nations, baptizing them in the name of the Father and of the Son and of the Holy Spirit, teaching them to observe all things that I have commanded you; and lo, I am with you always, even to the end of the age.) để viện cớ thi hành sách lược truyền đạo bằng bạo lực và cưỡng bách trên khắp thế giới.

Trước hết, chúng ta nên biết rằng câu trong Thánh Kinh trên không phải là câu Giê-su nói khi còn sống mà là khi đã chết rồi, và theo lý luận của nền Thần học Ca-Tô, đã sống lại sau ba ngày ba đêm (nhưng thực ra chỉ có hơn một ngày và 2 đêm : từ 3 giờ chiều thứ Sáu đến sáng sớm Chủ Nhật), và hiện ra trước các tông đồ, ra lệnh cho họ đi khắp thế giới truyền đạo, nếu chúng ta có thể tin được chuyện “sống lại” đầy tính cách hoang đường này. Ngày nay, ngoài đám tín đồ thấp kém, không còn ai, ở trong cũng như ở ngoài giáo hội, tin vào chuyện “sống lại” của một xác chết. Các nhà Thần học đã tìm cách giải thích khác đi sự “sống lại” (resurrection) của Giê-su và gọi đó là sự sống lại của tinh thần (spiritual resurrection).

Thứ đến, tất cả các chuyên gia nghiên cứu Thánh Kinh ngày nay đã cho rằng câu mà giáo hội đặt vào miệng Giê-su sau khi ông ta đã nằm yên dưới mồ là do chính giáo hội thêm thắt vào Thánh Kinh sau này để thực hiện âm mưu bành trướng đạo với mục đích chính yếu là tạo quyền lực trên đám dân ngu dốt và vơ vét của cải thế gian. Chúng ta chỉ cần nhìn vào tâm cảnh nô lệ Vatican của các tín đồ và tài sản của giáo hội trên khắp thế giới là thấy ngay nhận định như trên của các học giả không phải là vô căn cứ.

Ngoài ra, trong phần phân tích bằng chứng ngụy tạo thứ hai ở trên, chúng ta đã thấy rõ, Thánh Kinh viết rằng Giê-su tin rằng ngày tận thế sắp tới, sẽ xảy ra ngay trong thời đại của ông, vậy bảo các tông đồ đi truyền đạo trên thế giới để làm gì?

Sau cùng, ngay trong Thánh Kinh cũng có nhiều điều trái ngược hẳn với tinh thần của câu ngụy tạo trên. Chứng minh?

Thứ nhất, tín đồ Ki Tô Giáo nói chung tin rằng Thánh Kinh là những lời mạc khải không thể sai lầm của Chúa, Chúa Cha cũng như Chúa Con. Thánh Kinh viết rằng trái đất phẳng và dẹt, đứng yên một chỗ, ở trên có một vòm trời bằng đồng thau v..v.. Vậy, ngay cả Chúa Cha cũng không biết là quả đất tròn và cho đến thế kỷ thứ 4, Thánh Augustine, bậc Thánh của Ca-Tô Giáo được coi là ông tổ của nền Thần học Đức Tin Ca-Tô, có trí tuệ siêu việt v..v.. cũng còn không quan niệm nổi một trái đất có hình cầu qua lời phát biểu: “Không thể nào có chuyện có người ở phía bên kia của trái đất, vì Thánh Kinh không ghi lại bất cứ một giống người nào như vậy trong các hậu duệ của Adam” (It is impossible there should be inhabitants on the opposite side of the earth, since no such race is recorded by Scripture among the descendants of Adam). Vậy, trước đó gần 400 năm, Chúa Con (Giê-su) bảo các tông đồ đi đến “mọi quốc gia” thì đó là những quốc gia nào? Hiển nhiên đó không phải là những quốc gia ở phía bên kia của một trái đất hình cầu, mà chỉ là những quốc gia giới hạn trong tầm nhìn của Giê-su, nghĩa là không ra ngoài những quốc gia trong miền Trung Đông. Điều này thật là rõ ràng khi chúng ta đọc nhận định sau đây của giáo sư thần học Uta Ranke-Heinemann:

Giê-su không hề có ý định thành lập một “giáo hội”, nhất lại là một “giáo hội phổ quát”. Thí dụ chân thực về quan điểm của Giê-su, chúng ta hãy xét đoạn văn trong Thánh Kinh, Matthew 10: 5-6, nội dung đối ngược hẳn với nhiệm vụ truyền giáo trên thế giới: “Mười hai tông đồ Giê-su phái đi để truyền đạo với lời dặn dò: “Không được đi đến nơi nào có dân Gentiles, và không được vào thành phố nào của dân Samaritan, mà chỉ đi đến những con dân Do Thái bị lạc” (nghĩa là chỉ đi rao truyền đạo Chúa trong dân Do Thái mà thôi. Và câu tiếp theo trong Thánh Kinh, Matthew 10:7 là “Trong khi đi hãy rao truyền tin Nước Trời đã gần đến rồi”. TCN). Hai đoạn khác là trong Matthew 15:24: “Ta được phái xuống trần chỉ để cứu đàn chiên Do Thái bị lạc mà thôi”, và 10: 23: “Ta bảo đảm với các ngươi, các ngươi chưa đi hết các thành phố của Do Thái thì Con của Người (nghĩa là Ta: Giê-su) đã đến rồi”.

Chính Giê-su - và ngày nay mọi nhà thần học đều biết vậy – tin rằng Nước Chúa sắp tới. Điều này đối ngược với nhiệm vụ truyền bá đạo một cách đại qui mô trên thế giới. 25

Cũng vì những bằng chứng không thể chối cãi được ở ngay trong Thánh Kinh mà khi được hỏi rằng: “Giê-su có ý định thành lập một tôn giáo mới, tôn giáo mà ngày nay chúng ta gọi là Ki Tô Giáo, hay ít nhất là tạo ra một giáo hội Ki Tô tách biệt (ra khỏi Do Thái giáo. TCN) không?” (Did Jesus intend to found a new religion, the one we now call Christianity, or at least create a separate Christian church?), linh mục John Dominic Crossan đã trả lời: “Câu trả lời cho câu hỏi đó là một chữ “Không”quyết định” (The answer to that is an emphatic NO).

Có lẽ chúng ta cũng nên xét qua đến tác dụng của sách lược ngụy tạo này trên nhân loại. Giáo hội ngụy tạo những văn kiện trên để dựa vào đó mà đi truyền đạo trên thế giới. Nhưng giáo hội không truyền đạo bằng phương pháp hòa bình mà bằng chiến tranh, bạo lực, cưỡng ép cho nên đã gây ra cho nhân loại những thảm cảnh vô tiền khoáng hậu mà không có bất cứ một tôn giáo nào có thể sánh ngang. Bỏ qua chính sách đốt sách vở và những tài liệu ngoại đạo, những cuộc Thánh Chiến đẫm máu, những Tòa Hình Án man rợ, sau đây là vài tài liệu bắt nguồn từ sự ngụy tạo lời Chúa ở trên.

Năm 1452, giáo hoàng Nicholas V ban sắc lệnh Dum Diversas nội dung như sau:

“Bằng vào những văn kiện này, chúng tôi, với quyền hành của các tông đồ, cho các ngươi (Vua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) được toàn quyền và tự do xâm lăng, lục xoát, bắt giam, và chinh phục dân Sacarens và dân ngoại đạo, và bất cứ người không tin Chúa hay kẻ thù nào khác của Chúa Ki Tô bất cứ ở nơi nào, cũng như đất nước, địa phận, hạt, công quốc, và mọi tài sản của chúng và bắt chúng làm nô lệ vĩnh viễn.” 26

Sau đó giáo hoàng Calixtus III xác định lại sắc lệnh này năm 1456, giáo hoàng Sixtus IV nhắc lại sắc lệnh năm 1481, năm 1493 giáo hoàng Alexander VI mở rộng địa hạt xâm lăng trên khắp thế giới, từ Phi Châu đến Mỹ Châu, và giáo hoàng Leo X cũng ban lại sắc lệnh này năm 1514 (Context: Pope Calixtus III confirmed this decree in 1456. Sixtus IV renewed it in 1481. Alexander VI extended it from Africa to America in 1493, and Leo X renewed it in 1514.) Chúng ta cũng biết rằng:

Vào cuối thế kỷ 15, năm 1493, giáo hoàng Alexander VI, tự cho Ca-Tô Giáo quyền thống trị hoàn cầu, đã chia thế giới ra làm hai vùng ảnh hưởng: 1) toàn thể Mỹ Châu, trừ Ba-Tây (Brazil), thuộc Tây Ban Nha; 2) còn Bồ Đào Nha thì được Ba-Tây và tất cả những đất đai nào chiếm được ở Á Châu và Phi Châu. Sắc lệnh phân chia vùng ảnh hưởng này quy định rằng, song song với việc chiếm cứ đất đai là bổn phận phải cải đạo các dân địa phương vào Ca-Tô giáo. Do đó, đi cùng với những đoàn quân xâm lăng là những linh mục. Sự có mặt của giới linh mục đã biện minh cho những hành động áp chế dân địa phương cũng như bất cứ thủ đoạn cưỡng ép nào được coi là cần thiết để kéo họ vào đức tin Ca-Tô 27

Từ những sự kiện lịch sử trên, giáo sư Huntington đã viết:

..và trong thế kỷ 16 Tây phương đã đi chinh phục thế giới cho Chúa và để cướp vàng. 28

Không đọc lịch sử hay cố ý xuyên tạc lịch sử nên ông Nguyễn Gia Kiểng trong nhóm Thông Luận đã viết trong cuốn sách có cái tên quái gở Tổ Quốc Ăn Năn, trang 190, là “Không làm gì có chủ ý chính trị của các nước Âu Châu (và Pháp nói riêng) để chiếm đóng các nước Châu Á.”, việc xâm chiếm chỉ do các công ty thương mại chủ trương, để chạy tội cho “mẫu quốc Pháp” và vai trò “truyền giáo cho Chúa và cho vàng” của các thừa sai Ca-Tô. Nếu ông Kiểng đã đi đến Lisbon ở Bồ Đào Nha thì sẽ thấy trên mặt đất, gần đài kỷ niệm Henri The Navigator, người dẫn đầu đoàn con buôn, linh mục, binh lính đi xâm chiếm các nước khác, có vẽ bản đồ thế giới và ghi những nơi mà Bồ Đào Nha đã xâm chiếm làm thuộc địa. Trong cuốn sách trên ông Kiểng cũng còn theo đúng sách lược Ca-Tô, đả phá tất cả những giá trị truyền thống và nhiều danh nhân lịch sử Việt Nam, tôn xưng nền văn hóa Tây phương là cao nhất, phản ánh rõ tâm cảnh của một trí thức Ca-Tô mê muội, nô lệ, cuồng tín, vọng ngoại v..v.. với một kiến thức rất hời hợt về bản chất và lịch sử các nền văn minh trên thế giới nói chung, lịch sử Việt Nam nói riêng.

Cho tới đây, chúng ta thấy rằng mọi quyền lực của giáo hội Ca-Tô đều được xây dựng trên một nền tảng ngụy tạo gian dối, từ sự ngụy tạo Bản Văn Hiến Dâng của Constantine cho đến thuyết Giê-su thành lập giáo hội, trao quyền cho Phê-rô, và đến huấn lệnh của Giê-su “nói sau khi chết” là phải đi khắp thế giới để truyền đạo v..v... Ngoài ra, giáo hội còn đặt ra những tín điều như “Giáo hoàng không thể sai lầm” và những “bí tích” để nắm giữ đầu óc tín đồ (xin đọc cuốn Đức Tin Công Giáo của Trần Chung Ngọc, Giao Điểm xuất bản, 2000). Nhưng đây không phải là những điều tôi muốn bàn tới. Trong cuốn sách này, tôi muốn tìm giải đáp cho câu hỏi then chốt: Chúa Giê-su Là Ai?

Câu trả lời có tính cách quyết định là: xuyên qua những công cuộc khảo cứu về nhân vật Giê-su của nhiều chuyên gia, học giả lương thiện ở trong cũng như ở ngoài giáo hội trong vài thế kỷ nay thì “nhân vật Giê-su lịch sử tuyệt đối không phải là Giê-su của nền Thần học Ki Tô Giáo, đồng nghĩa với Chúa Ki-Tô của đức tin (Christ of Faith)”. Trong phần mở đầu cuốn Jesus, A. N. Wilson viết như sau:

Giê-su của lịch sử và Chúa Ki-Tô của đức tin là hai nhân vật khác biệt với những câu chuyện rất khác nhau. Thật là khó mà có thể tái tạo nhân vật Giê-su lịch sử, và trong toan tính này, chúng ta chắc chắn là làm hại đến Giê-su của đức tin một cách không thể hàn gắn được. 29

Vậy Giê-su của nền Thần học Ki Tô Giáo là Giê-su như thế nào? Đó là Giê-su “là con một của Thiên Chúa”, “sinh ra từ một trinh nữ ở trong một chuồng súc vật ở Bethlehem để cứu nhân loại ra khỏi tội lỗi”, “làm nhiều phép lạ”, “tình nguyện hi sinh chịu chết trên giá gỗ hình chữ thập để chuộc tội cho nhân loại”, “là đấng cứu thế của cả nhân loại”, “chết đi rồi lại sống lại, xác bay lên trời ngồi bên phải của Thiên Chúa”, “trở lại trần trong ngày tận thế để phán xét mọi người, làm cho xác chết những kẻ tin Giê-su sống lại đoàn tụ với linh hồn trên thiên đường và đầy những người không tin xuống hỏa ngục vĩnh viễn” v..v.. Đó là những niềm tin chính mà nền thần học Ki Tô Giáo đã thành công cấy vào đầu óc của tuyệt đại đa số tín đồ thấp kém. Tuy nhiên, chúng ta nên biết rằng, những niềm tin này ngày nay đã không còn chỗ đứng trong giới hiểu biết. Tất cả những thuộc tính thần thánh, siêu nhiên mà giáo hội Ca-Tô gán cho Giê-su ngày nay đã hoàn toàn bị bác bỏ trước những sự kiện khoa học và qua những công cuộc nghiên cứu rất công phu của một số đông học giả ở trong cũng như ở ngoài giáo hội trong suốt hai thế kỷ nay. Tuy nhiên, như Russell Shorto đã viết ở trên, sự thực này các giới lãnh đạo Ki Tô Giáo nói chung, Ca-Tô Giáo Rô-Ma nói riêng, đã biết, nhưng vẫn dấu kín không cho đám tín đồ thấp kém ở dưới biết, sợ gây nên một xúc động không thể vãn hồi, và nhất là, để duy trì quyền lực trên đám đông, do đó, những người còn sống trong bóng tối là những tín đồ bình thường. Thật là tội nghiệp cho họ, phải sống trong một sự lừa dối hào nhoáng mà không biết rằng mình bị lừa dối.

Còn Giê-su lịch sử (historical Jesus) thì như thế nào? Có thể nói, không có nhân vật nào trong lịch sử nhân loại được nghiên cứu, phân tích, mổ xẻ v..v.. kỹ như là Giê-su. Không có một khía cạnh nào của Giê-su mà không được để ý tới trong những công cuộc nghiên cứu của hàng trăm học giả, tất cả đều là những người có uy tín trong lãnh vực khảo cứu tôn giáo. Hiển nhiên là không ai có thể trình bày đầy đủ những kết quả khảo cứu về nhân vật Giê-su trong suốt mấy thế kỷ nay, trong một chương của một cuốn sách. Do đó tôi chỉ có thể tóm tắt vài kết quả nghiên cứu điển hình mà ngày nay tuyệt đại đa số những nhà nghiên cứu đều đồng ý.

Trước hết là kết luận của Douglas Lockhart trong cuốn Cái Mặt Đen Tối Của Thiên Chúa:

Trong chương 14 chúng tôi đã cứu xét khía cạnh nhân bản của Giê-su và kết luận rằng ông ta cũng là một người như mọi người khác. Ông ta cũng không thoát ra khỏi những tình cảm như giận dữ, đau đớn, khát, mệt mỏi, buồn rầu, sợ hãi và sự chết. Ông ta cũng phạm phải những lỗi lầm; điều này có nghĩa là kiến thức của ông ta cũng là kiến thức của con người, hệ thống tín ngưỡng của ông phản ánh nền văn hóa và thời đại khi ông sinh ra. Ông ta không có một kiến thức nào về vật lý hiện đại. Ông ta không biết đến những siêu vi trùng (virus) hay vi trùng hay thuốc sát trùng, không biết gì về động cơ nổ, và không thể dạy con người là Hỏa Tinh di chuyển trên một quỹ đạo hình ellip. Xét toàn thể, đây là một sự hạ giá tất cả những gì mà người ta thường nói về ông (nghĩa là tư cách thần thánh của Giê-su. TCN). Nhưng không phải là một sự bác bỏ. Không dễ gì bác bỏ cái con người quá đặc biệt này mà ý thức độc nhất về Thiên Chúa đã tách riêng ông ta ra khỏi đám người sùng tín cùng thời. Thật vậy, ông ta thật là đặc biệt, và chắc chắn là duy nhất, nhưng không đến độ mà chúng ta phải tưởng tượng quá mức đến độ như toàn hảo hay toàn trí mà các tư tưởng gia Ca-Tô đề xuất về sau.” 30

Tiến sĩ Hugh J. Schonfield, một học giả chuyên về khảo cứu Thánh Kinh (Biblical scholar) đã nghiên cứu về nhân vật Giê-su trong 40 năm và cho ra đời, ngoài những tác phẩm nổi tiếng khác, hai cuốn sách bán chạy nhất: cuốn The Passover Plot trong đó tác giả trình bày những chi tiết rút từ Thánh Kinh và từ những Cuộn Kinh Nơi Biển Chết (Dead Sea Scrolls) mới tìm thấy và chứng minh rằng Giê-su đã tự mình xếp đặt những chuyện như : bị bắt, bị đóng đinh trên thập giá, rồi sống lại v..v.. để phù hợp với điều tiên tri về đấng cứu thế trong Cựu Ước; và cuốn Those Incredible Christians trong đó tác giả tái tạo lịch sử 150 đầu tiên của Ki Tô Giáo và giải thích tại sao một phong trào bắt nguồn từ quan niệm về một Cứu Tinh của dân tộc Do Thái, tranh đấu để tồn tại trong dân gian, đã biến thành một tôn giáo không bao giờ có trong ý định của Giê-su và trái ngược với chính những điều giảng dạy của Giê su, trong tôn giáo này Giê-su được thờ phụng như một Thiên Chúa. Tác giả viết, Those Incredible Christians, trang xi:

Trong cuốn Âm Mưu Trong Ngày Lễ Vượt Qua (The Passover Plot), sau khi nghiên cứu kỹ và lâu dài tôi đã bác bỏ bức tranh mô tả truyền thống về Giê-su và chứng tỏ rằng ông ta là một người Do Thái, ở một tình trạng tâm lý trong lịch sử Do Thái, đã can đảm, kiên trì, và với sự nhận thức sâu xa, hành động với sự tin tưởng rằng ông ta là đấng cứu thế mà dân tộc đau khổ của ông đang chờ đợi. Tôi đã chứng tỏ rằng ông ta là một người có một đức tin, nhưng chỉ là một người thường, một người đã dùng sự thông minh tự nhiên của mình để mang lại những kết quả của những điều tiên tri mà trong thời đại của ông, ông ta tin rằng chúng phải được hoàn thành. 31

Nhận định của Tiến sĩ Schonfield như trên rất phù hợp với những kết quả nghiên cứu về khía cạnh tâm thần của Giê-su. Thật vậy, ngày nay, qua các công cuộc nghiên cứu Thánh Kinh để tìm ra con người thực của Giê-su, đa số học giả đã cho rằng nhiều chuyện trong Thánh Kinh là những chuyện hoang đường, và đối với một số học giả trong ngành phân tâm học thì những điều Giê-su tự nhận như: “con duy nhất của Thiên Chúa”, “có khả năng chuộc tội cho nhân loại”, “đấng cứu thế”, “sẽ trở lại trần phán xét thiên hạ trong tương lai gần thời Giê-su” v..v.. đều là những ảo tưởng của một người bị bệnh tâm thần, mắc bệnh chứng hoang tưởng (paranoia). Bệnh chứng này bắt nguồn từ một nguồn gốc lý lịch không mấy tốt đẹp của Giê-su, một tâm cảnh cuồng tín tôn giáo của Giê-su khi ông đọc và tuyệt đối tin những điều trong Cựu Ước, sinh ra nhiều ảo giác và tự cho mình những quyền năng thần thánh, vai trò cứu thế, rửa sạch tội lỗi nhân loại v..v.. Đó là kết luận của những nhà phân tâm học như các bác sĩ George de Loosten, William Hirsch, Binet-Sanglé, tiến sĩ Emil Rasmussen v..v.. Công cuộc nghiên cứu về vấn đề tâm thần của Giê-su các các khảo cứu gia như trên thường là dài và đi vào nhiều chi tiết để chứng minh. Hiển nhiên là tôi không thể nào trình bày đầy đủ những kết quả nghiên cứu sâu rộng của họ. Cho nên sau đây tôi chỉ tóm tắt những điểm chính.

Trong cuốn Sự Nghiên Cứu Về Tâm Thần Của Giê-su bác sĩ Albert Schweitzer viết:

Trong thập niên qua sự nghiên cứu lịch sử càng ngày càng nhận thức ra rằng niềm tin chắc về sự trở lại trần (second coming) của một đấng cứu tinh (của dân tộc Do Thái. TCN) là trọng điểm trong ý nghĩ của Giê-su. Tư tưởng này ngự trị cảm tính, ý chí và hành động của ông ta chặt chẽ hơn là là chúng ta trước đây thường tưởng...Giê-su tự coi như là đấng cứu tinh và tin chắc rằng ông ta sẽ trở lại trần trong sự huy hoàng từ những đám mây trên trời. 32

Công cuộc nghiên cứu của bác sĩ George De Loosten cũng đưa tới những kết quả tương tự chính như sau:

Giê-su hiển nhiên là một đứa con lai giống (hybrid: có nghĩa là mẹ Giê-su, bà Maria, là người Do Thái nhưng bố Giê-su không phải là người Do Thái), nhơ nhuốc do di truyền (tainted from birth by heredity), ý thức bản thân quá lố, do đó ít phát triển ý niệm về gia đình. Ý thức bản thân của ông ta dần dần đi lên đến độ thành một hệ thống hoang tưởng cố định mà những đặc tính của nó được xác định bởi những khuynh hướng tôn giáo mãnh liệt trong thời đại của ông ta và sự bận tâm một chiều của ông ta về những điều viết trong Cựu Ước. Do sự xuất hiện của Gioan Ba-ti-xi-ta (John the Baptist), Giê-su bị thúc đẩy để phát biểu những tư tưởng của mình. Rồi từng bước một, sau cùng ông ta đi đến độ đặt chính mình vào những lời hứa hẹn trong Cựu Ước, những lời này đã trở thành chủ yếu vì sự bất hạnh của quốc gia (Do Thái), và sự hoàn thành một cách vinh quang những hứa hẹn này mà mọi người Do Thái đều trông đợi,

Giê-su tự coi mình như là một đấng siêu nhiên. Chỉ như vậy chúng ta mới hiểu được cách xử sự của Giê-su khi ông ta tự nhận vơ những thần quyền thí dụ như quyền tha mọi tội lỗi. (Matt. 9:2; Mark 2:5-12; Luke 5:20, 7:48) 33

Nghiên cứu kỹ hơn về tâm bệnh của Giê-su, William Hirsch nhận định như sau:

Chúng ta thấy một đứa trẻ với những khả năng tâm linh đặc biệt, tuy nhiên, trong đầu hắn đã có sẵn những nhiễu loạn tinh thần, và dần dà những hoang tưởng được lập thành. Hắn dùng toàn thể những thì giờ nhàn rỗi vào việc nghiền ngẫm Cựu Ước, điều này tất nhiên góp phần vào tâm bệnh của hắn. Khi hắn bắt đầu xuất hiện trước quần chúng lúc 30 tuổi, căn bệnh hoang tưởng của hắn đã hoàn toàn ăn sâu vào đầu óc. Đây hiển nhiên là một trong những trường hợp mà đầu óc đã sẵn có những ý tưởng tâm linh vô hình dạng và mơ hồ, tuy nhiên cần có một kích động từ bên ngoài và một cảm xúc mãnh liệt để có thể tạo thành một cơ cấu hoang tưởng có hệ thống điển hình.

Sự kích động từ bên ngoài này được đem tới cho Giê-su bởi một một người mang bệnh hoang tưởng khác, người này, không ngoài ai khác, chính là Gioan Ba-ti-xi-ta (John the Baptist). Khi đó, những ảo tưởng của Giê-su đã lên tới mức độ hoàn toàn vững chắc, và khi Giê-su nghe tin có một "người mang dấu hiệu sẽ có đấng cứu thế xuất hiện" đang rửa tội cho những kẻ tội lỗi ở trên giòng sông Jordan thì Giê-su vội vã tới nơi để cũng được rửa tội.

Sau khi rửa tội, Giê-su đi vào vùng hoang dại trong 40 ngày. Đối với chúng ta, thời gian 40 ngày này thật là đáng chú ý, vì nó nằm giữa 2 giai đoạn khác hẳn nhau trong cuộc đời của Giê-su. Những ảo tưởng của Giê-su, cho đến lúc này, có tính cách cô lập và không liên hệ mấy tới nhau, đã hợp với nhau thành một cơ cấu những ảo tưởng một cách có hệ thống; chắc hẳn là Giê-su trong thời gian 40 ngày này đã đàm thoại nhiều lần với Chúa Cha, vị Thần đã giao phó nhiệm vụ cho Giê-su giảng dạy giáo lý của ông ta. Sự phát triển tâm bệnh của Giê-su như vậy, một sự chuyển tiếp từ giai đoạn tiềm tàng sang giai đoạn hoạt động của bệnh hoang tưởng, đích thực là đặc tính của loại bệnh tâm thần này.

Trong 3 năm giảng đạo cho quần chúng của Giê su, cái Tâm Lý Bệnh Hoạn về Những Ao Tưởng Hão Huyền về Quyền Lực hay Toàn Năng [tác giả dùng từ Megalomania = A psycho-pathological condition in which fantasies of wealth, power or omnipotence predominate] không ngừng tăng gia một cách khó có thể đo lường được, và đã tạo thành tâm điểm mà mọi hành động của Giê-su đều xoay quanh.

Tất cả những điều Giê-su nói, giáo lý, bài giảng đều đưa tới một đơn từ: "Ta" . (John 6:29, 35, 38, 40, 47-58; 8:12; 11:25ff; 14:6, 13 v..v..) 34

Công cuộc nghiên cứu về nhân vật Giê-su của Binet-Sanglé có thể tóm tắt sơ lược những điểm chính như sau:

Qua những sự việc khác nhau có tính cách gợi ý, qua Gioan Ba-ti-xi-ta ... và qua sự thích thú của những người theo, Giê-su đã bị đưa tới tình trạng tin rằng mình là đấng cứu tinh (của dân tộc Do Thái), là Vua của dân Do Thái, con của Thần Ki Tô, người giải thích ý Thần, nhân chứng của Thần, và sau cùng tự cho mình là Thần. Những sự đe dọa của dân Pharisees và Scribes cũng gây trong ông khái niệm ông chính là vật hy sinh tế Thần để xóa hết tội lỗi của dân Israel, và rằng sau khi sống lại ông ta sẽ lên thiên đường hoàn toàn vinh quang. Binet-Sanglé tìm thấy trong Thánh Kinh 7 trường hợp Giê-su phát sinh ảo giác, 2 ảo giác nhìn thấy Thần, và 5 ảo giác vừa nhìn thấy vừa nghe thấy tiếng Thần nói. 35

Thật ra, căn bệnh hoang tưởng của Giê-su cũng không lấy gì làm lạ. Trên đời không thiếu gì người nhìn đâu cũng thấy Giê-su hay Maria, hoặc nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Báo chí Hoa Kỳ đã đưa lên những trường hợp người ta thấy Giê-su hay đức Mẹ Maria trên những đám mây, trên vách ngoài của một vựa chứa ngũ cốc, trên mui một chiếc xe ô-tô, trên vết loang của một bức tường, và trên cả mặt một cái bánh Pancake trong một tiệm ăn v..v... tuy rằng không ai thực sự biết rõ mặt mũi của Giê-su và Maria ra sao. Mỗi khi có tin như vậy, thiên hạ lại đổ xô đến nơi mà người ta cho rằng Giê-su hay đức Mẹ Maria đã hiện ra, quỳ lạy van vái. Người nào đến coi mà tỏ ý nghi ngờ liền bị những tín đồ cuồng tín mạ lỵ hành hung. Đó là tình trạng xảy ra ngay trên đất Mỹ, một đất nước được coi là văn minh tiến bộ nhất. Tình trạng này phản ánh trình độ tôn giáo của những tín đồ Ki-Tô luôn luôn tự cho là mình đang theo một tôn giáo thiên khải, không như các tôn giáo mê tín dị đoan khác.

Tưởng chúng ta cũng nên nhớ, gần đây có những nhân vật như James Jones, David Koresh, cùng mang một bệnh chứng tâm thần hoang tưởng như Giê-su ngày xưa, đều thuộc làu Thánh Kinh và nghĩ rằng mình là hiện thân của Giê-su, mang trên người chức năng cứu thế. Kết quả là những thảm cảnh xảy ra ở Jonestown và Waco làm cho hàng trăm con người ngu muội tin theo bị chết thảm. Ở Phi Luật Tân, mỗi năm đến ngày lễ Phục Sinh đều có người tình nguyện chịu đóng đinh trên thập giá vài tiếng đồng hồ giống như Giê-su ngày xưa, tin rằng làm như vậy để cứu nhân loại, đến nỗi một Tổng Giám Mục địa phương phải than rằng: “Nếu tôi ngăn cản sự mê tín này, họ sẽ ném đá cho tôi chết.”

Theo những kết quả nghiên cứu sâu rộng về Giê-su, nếu Giê-su chỉ là một người như mọi người khác, với những giới hạn của một con người, thì khi đánh giá một nhân vật có tên tuổi trong lịch sử, chúng ta phải xét đến những khía cạnh đạo đức, trí tuệ và ảnh hưởng của nhân vật đó trên nhân loại. Đạo đức và trí tuệ của Giê-su, chúng ta có thể suy ra từ Thánh Kinh. Còn ảnh hưởng trên nhân loại thì chúng ta phải xét đến lịch sử Ki Tô Giáo nói chung, Ca-Tô giáo nói riêng. Vì, những gì mà Ki Tô Giáo mang đến cho nhân loại trong hai ngàn năm nay đều là nhân danh Giê-su. Dù Giê-su có muốn hay không, Giê-su cũng không thể từ bỏ trách nhiệm của mình là nguồn cảm hứng cho Ki Tô Giáo. Và, theo như nền thần học Ca-tô thì tất cả những hành động của giáo hội Ca-tô là do Thánh Linh, hay đức Chúa Thánh Thần, một bộ mặt khác của Giê-su, hướng dẫn, chỉ đạo.

Thứ nhất, về vấn đề đạo đức và trí tuệ của Giê-su thì không một người nào trong giới trí thức không biết đến nhận định của Bertrand Russell, một triết gia và khoa học gia nổi tiếng trên thế giới trong thế kỷ 20:

Riêng tôi, tôi thấy trong cả hai lãnh vực trí tuệ và đạo đức, Chúa KiTô không thể đứng ngang hàng với những vĩ nhân khác của lịch sử. Tôi cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Socrate đứng cao hơn Ngài trong hai lãnh vực này. 36

Và, không phải chỉ có mình Bertrand Russell nhận định như trên mà giám mục John Shelby Spong cũng đưa ra một nhận định tương tự như sau:

Có những đoạn trong 4 Phúc Âm mô tả Giê-su ở Nazareth như là một con người thiển cận, đầy hận thù, và ngay cả đạo đức giả. 37

Và, nhận xét về một vài trong số nhiều hành động của Giê-su được mô tả trong Tân Ước, giám mục Spong đưa ra ý kiến:

Chúng ta có thấy hấp dẫn đối với một Chúa (Giê-su) phải giết cả một bày heo (vào khoảng 2000 con. TCN) để đuổi một con quỷ ra khỏi thân người hay không? Chúng ta có nên khâm phục và kính trọng người mà chúng ta gọi là Chúa đã nguyền rủa một cây sung khi nó không ra trái lúc trái mùa không?..

Cuốn Thánh Kinh đã làm cho tôi đối diện với quá nhiều vấn đề hơn là giá trị. Nó đưa đến cho tôi một vị Thần mà tôi không thể kính trọng, đừng nói đến thờ phụng. 38

Tại sao Bertrand Russell, giám mục Spong, và không biết bao nhiêu người khác nữa, lại chê trí tuệ của Giê-su? Vì trong Thánh Kinh có nhiều bằng chứng chứng tỏ như vậy. Sau đây là một thí dụ:

Bác Sĩ Nguyễn Văn Thọ, một tín đồ Ca-Tô trong khoảng 30 năm hồi thiếu thời, viết trong bài nghiên cứu rất đặc sắc "Ít Nhiều Nhận Định về Thiên Chúa Giáo", đăng trong cuốn Tại Sao Không Theo Đạo Chúa, Tập I, trang 18:

Ngày nay các học giả đã chứng minh được rằng: Ngũ Kinh (Genesis, Exodus, Numbers, Deuteronomy, Leviticus) là do nhiều môn phái, nhiều người sống trong nhiều thế kỷ khác nhau viết. Những môn phái đó là:

- Phái Yahwistic (viết tắt là J - J là đầu chữ Jehovah),

vì gọi Chúa là Yahweh hay Jehovah, viết vào khoảng thế kỷ IX trước kỷ nguyên.

- Phái Elohistic (viết tắt là E) vì gọi Chúa là Elohim, viết ít lâu sau trường phái trên...

- Phái Deuteronomic (viết tắt là D) viết vào khoảng 622 đời Josiah.

- Phái Priestly (viết tắt là P) viết sau khi dân Do Thái đi lưu đày, tức là sau 500.

Như vậy Moses sống vào khoảng 1250 (TTL), người mà ta vẫn được dạy dỗ là tác giả Ngũ Kinh - ngay Chúa Giêsu cũng tin vậy (John 5:46 - Luke 24:27 - Luke 16:31) - thực ra lại không phải là tác giả, mà tác giả lại là vô số người viết, cách nhau nhiều thế kỷ, bộ Ngũ Kinh như vậy đã được viết ra trong vòng 400 năm.

Cũng vì vậy mà Rubem Alves đã đặt vấn đề trong cuốn Protestantism and Repression:

Ai viết Ngũ Kinh? Câu trả lời của giáo hội Ki Tô lịch sử cho câu hỏi trên là khẳng định: "Moses viết". Nếu Moses không hề viết Ngũ Kinh (theo những kết quả nghiên cứu của các học giả mà Bác Sĩ Nguyễn Văn Thọ đã trình bày ở trên. TCN) thì các tông đồ (Paul và John) đã sai lầm khi họ nói rằng Moses viết. Nếu họ sai lầm trong vấn đề này thì làm sao chúng ta có thể tin họ khi họ nói về những vấn đề như thiên đường và đời sau? Nếu Moses không viết Ngũ Kinh thì Giê-su đã nói láo hay sai lầm khi ông ta nói rằng Moses viết. (John 5:46 - Luke 24:27 - Luke 16:31). Nếu Giê-su thực sự không biết ai viết, tuy rằng ông ta nói rằng ông ta biết, làm sao chúng ta có thể tin ông ta được khi ông ta nói những chuyện trên trời? 39

Vài tài liệu trên cũng đủ để chứng minh rằng trí tuệ của Giê-su cũng không có gì đặc biệt, khác thường, không thể so sánh với trí tuệ của các học giả ngày nay, những người khám phá ra rằng Ngũ Kinh không phải do Moses viết, và lẽ dĩ nhiên không thể là trí tuệ của một vị Thần toàn trí, nghĩa là cái gì cũng biết, kể cả quá khứ vị lai.

Nhưng vấn đề không phải là trí tuệ của Giê-su kém cỏi, mà nhận xét phân tích Thánh Kinh

(xem chú thích >>)

bản electronic do tác giả cung cấp cho sachhiem.net