LỊCH SỬ HOA KỲ

(3 tác giả)

Nguyễn Mạnh Quang dịch

http://sachhiem.net/NMQ/LSHK/LSHK20.php

| bản rời | «  Xem Mục Lục » | 02 tháng 3, 2010

(tiếp theo Chương mười chín)

pypypy

CHƯƠNG XX

HAI MIỀN NAM BẮC ĐÁNH NHAU RỒI LẠI THỐNG NHẤT

Vào khi cuộc chiến với Mễ Tây Cơ sắp chấm dứt thì nhiều sĩ quan nhóm họp tại một trại đóng quân của Hoa Kỳ gần Mexico City. Trong số những sĩ quan này có hai người trở nên nổi tiếng trong lịch sử Hoa Kỳ. Một người là đại tá, và người kia là một đại úy xốc xếch lôi thôi. Vị đại tá này đã được một vị sĩ quan cho là “một quân nhân giỏi nhất mà tôi chưa hề thấy ở ngoài mặt trận”. Người đó là Robert E. Lee, còn ông đại úy là Ulysses S. Grant.

Mười bảy năm sau, hai người này gặp nhau, nhưng lần này ở trong một căn nhà gạch nhỏ bé ở gần tòa án Appomattox thuộc tiểu bang Virginia. Thời gian đã mang lại nhiều biến đổi. Dù một thời họ là những sĩ quan cùng đơn vị mà bây giờ đột nhiên đối diện với nhau là hai kẻ thù. Ông Lee mặc đồng phục màu xám của quân đội Liên minh các tiểu bang Mỹ châu. Ông Grant trở thành Trung tướng Grant, tư lệnh quân đội Hoa Kỳ, ông Lee trở thành vị tướng Tổng Tư lệnh quân đội Liên minh.

Buổi họp tại căn nhà gạch đánh dấu ngày chấm dứt cuộc chiến đẫm máu giữa hai miền của đất nước. Cuộc chiến tranh này là hậu quả của cuộc tranh chấp giữa hai miền Nam Bắc mà chúng ta đã bàn ở trong chương XIX. Trong chương này, chúng ta sẽ bàn về những trận đánh lớn và sẽ tìm hiểu xem miền Bắc đã chiến thắng như thế nào. Chúng ta sẽ tìm hiểu xem cuộc chiến tranh đã ảnh hưởng đến cả hai miền Nam Bắc như thế nào, và những gì sẽ xảy ra đối với kế hoạch của Tổng thống Lincoln làm cho Hoa Kỳ một lần nữa là “một quốc gia bất khả phân”. Muốn hiểu biết cuộc chiến tranh này và hậu quả của nó, chúng ta hãy nhớ lại những câu hỏi dưới đây:

1. Đất nước chia rẽ như thế nào và mỗi bên có những lợi điểm nào?

2. Bốn năm dài chiến đấu đã mang lại chiến thắng cho miền Bắc như thế nào?

3. Cuộc chiến đã ảnh hưởng đến đời sống của dân chúng hai miền Nam Bắc ra làm sao?

4. Tổng thống Abraham Lincoln đã dự trù đoàn kết quốc gia như thế nào?

5. Những gì đã xảy ra ở miền Nam vào những năm sau chiến tranh?

¨

PHẦN MỘT

ĐẤT NƯỚC CHIA RẼ NHƯ THẾ NÀO VÀ MỖI BÊN

CÓ NHỮNG LỢI ĐIỂM NÀO?

- Chiến tranh chia rẽ đất nước

Vào khi quân đội Liên minh nã súng bắn vào đồn Sumter là khi đất nước bị chia rẽ trầm trọng, thật khó mà có thể hàn gắn lại bằng phương tiện hòa bình. Như các bạn đã thấy, vì nhiều lý do, miền Bắc và miền Nam càng ngày càng cách biệt nhau hơn. Bây giờ thì súng đã nổ. Người Hoa Kỳ phải đương đầu vơi vấn đề trọng đại là liệu rằng Hoa Kỳ vẫn còn là một quốc gia hay sẽ trở thành hai quốc gia?

Cuộc chiến đã không những chia rẽ đất nước mà còn chia rẽ cả bà con lối xóm và cả anh em trong gia đình. Có nhiều người miền Bắc đi xuống miền Nam chiến đấu cho Liên minh và cũng có nhiều người miền Nam chiến đấu cho chính nghĩa của miền Bắc. Đặc biệt là tại các tiểu bang ở vùng biên giới giữa hai miền. Cùng trong lối xóm, kẻ thì đi chiến đấu cho miền Bắc, người thì gia nhập quân đội miền Nam. Điều buồn hơn nữa là chiến tranh còn chia rẽ cả những người trong cùng một gia đình. Ba người anh em của bà Abraham Lincoln, phu nhân của Tổng thống Hoa Kỳ, hy sinh vì Liên minh (miền Nam). Bà con thân thiết của bà vợ của Tổng thống Liên minh (miền Nam) lại chiến đấu cho miền Bắc. Con cái của một vị sĩ quan cao cấp trong hải quân Hoa Kỳ (miền Bắc ) mặc đồng phục xám của quân đội Liên minh.

- Phải chiến đấu cho miền nào?

Người ta lên đường chiến đấu vì nhiều nguyên nhân. Hầu hết nhiều người ở cả hai miền Bắc Nam đi theo chính nghĩa mà bạn bè và anh em lối xóm đã đi theo. Nhiều người ở miền Nam tin tưởng rằng phải có chế độ nô lệ, nên đã đi chiến đấu để bảo vệ chế độ nô lệ. Cũng có nhiều người miền Nam tin chắc rằng lối sống của họ nhờ vào công việc trồng bông vải nên không thể nào sống cùng một quốc gia với các tiểu bang ở miền Bắc chuyên về kỹ nghệ và thương mại. Những người miền Nam này chỉ chiến đấu cho cái quyền tự do ly khai khỏi Cộng đồng Quốc gia để thành lập một quốc gia mới.

Mặt khác, một số người miền Bắc chiến đấu vì rằng họ thù ghét chế độ nô lệ, và hy vọng là chiến tranh sẽ khai tử chế độ nô lệ. Cũng có nhiều người miền Bắc cho rằng cuộc sống trong chế độ dân chủ thì không có vấn đề gì lại khó khăn đến độ không thể giải quyết thỏa đáng được. Họ vững tin rằng Cộng đồng Quốc gia phải mạnh hơn bất kỳ một tiểu bang hay một nhóm các tiểu bang nào khác. Họ chiến đấu để bảo vệ cái chính quyền đã được ông cha tổ tiên họ tạo dựng nên.

- Các tiểu bang nô lệ còn lại chọn hàng ngũ

khi chiến tranh bùng nổ, những tiểu bang nô lệ chưa ly khai buộc phải quyết định gia nhập hàng ngũ miền Bắc hay hàng ngũ miền Nam. Ngay sau khi tiếng súng khai hỏa nã vào đồn Sumter, lại có thêm 4 tiểu bang nữa đứng về phía Liên minh và ly khai. Đó là các tiểu bang Virginia, Arkansas, Tennessee và North Carolina. Nhưng dân chúng sống ở miền Bắc tiểu bang Virginia lại không chịu liên kết với các vùng khác của tiểu bang này để ly khai. Miền này tách rời ra khỏi tiểu bang và thành lập tiểu bang West Virginia, và gia nhập Cộng đồng Quốc gia (Liên bang) vào năm 1863. Bốn tiểu bang nô lệ ở gần miền Bắc nhất Missouri, Kentucky, Maryland, và Delaware- ở lại trong Cộng đồng Quốc gia. Như vậy là ngay khi chiến tranh vừa bùng nổ miền Bắc có 23 tiểu bang, và miền Nam chỉ có 11 tiểu bang.

- Lợi điểm của mỗi bên

Thường thường trong một trận chiến thì bên nào chiếm ưu thế về nhân lực, tài nguyên và tiếp liệu thì bên đó sẽ thắng. Chúng ta hãy so sánh sức mạnh giữa hai miền Nam Bắc.

Miền Bắc có những lợi điểm:

1. Dân số ở miền Bắc đông hơn gấp hai lần dân số ở miền Nam. Miền Bắc có 22 triệu dân, miền Nam chỉ có 9 triệu. Trong số 9 triệu dân miền Nam thì có tới 2/5 là dân da đen và hầu hết những người này là nô lệ. Nô lệ không được kể như là lực lượng chiến đấu. Tuy nhiên, họ có thể làm những công việc trong gia đình để cho thanh niên da trắng lên đường nhập ngũ.

2. Miền Bắc không những có dân số đông hơn miền Nam mà còn có nhiều tài nguyên và quân nhu, quân cụ hơn. Hầu hết các nhà máy kỹ nghệ chế tạo súng đạn, quần áo và các loại đồ trang bị khác đều ở miền Bắc. Miền Bắc có nhiều đường xe lửa hơn để chuyên chở vật liệu chiến cụ và quân sĩ đi chiến đấu. Ngoài ra miền Bắc còn có nhiều phương tiện chuyển vận hơn.

3. Hơn nữa, chính phủ Liên bang đã có sẵn quân đội và Hải quân, trong khi đó thì miền Nam còn phải thiết lập quân đội và hải quân để theo đuổi chiến tranh.

Miền Nam có những lợi điểm:

1. Miền Nam phần lớn chiến đấu ngay tại trong lãnh thổ của họ. Quân sĩ quen với phong thổ và dễ dàng chịu đựng gian khổ để chiến đấu bảo vệ gia đình khi có quân lính tràn vào xâm lăng lãnh thổ của họ.

2. Miền Nam có nhiều tướng tá chỉ huy giỏi đã từ chức trong quân đội Hoa Kỳ để chiến đấu cho Liên minh miền Nam. Ông Robert Lee là một trong những vị tướng tài của miền Nam. Mặc dầu ông Lee thuộc về một gia đình miền Nam cũ, nhưng ông cũng không tin tưởng ở chế độ nô lệ, và ông cũng đã giải phóng hết nô lệ của ông rồi. Đồng thời, ông cũng là người chống lại việc ly khai và chống lại cuộc chiến này. Nhưng ông không thể nào mang vũ khí chống lại tiểu bang Virginia yêu dấu của ông. Cho nên khi tiểu bang này ly khai ông đứng vào hàng ngũ Liên minh. Như vậy là miền Nam đã nắm được vị tướng tài giỏi xuất sắc nhất trong quân đội Hoa Kỳ.

¨

PHẦN HAI

BỐN NĂM DÀI CHIẾN ĐẤU ĐÃ MANG LẠI
CHIẾN THẮNG CHO MIỀN BẮC NHƯ THẾ NÀO?

Sau vụ tấn công vào đồn Sumter, cả chính phủ trung ương lẫn Liên minh các tiểu bang đều tăng cường quân đội. Tổng thống Lincoln kêu gọi cần phải tuyển thêm 75 ngàn quân tình nguyện. Miền Bắc cho rằng cần phải đoạt chiến thắng mau lẹ. Lý do là lãnh thổ của Liên minh ở ngay bên kia bờ sông Potomac, nghĩa là cách thủ đô miền Bắc có một con sông. Thực ra thủ đô của Liên minh là Richmond, thuộc tiểu bang Virginia cũng chỉ cách thủ đô Washington có hơn một trăm dặm.

- Vụ thất bại tại Bull Run thức tỉnh miền Bắc

Mùa xuân năm 1861, dân chúng miền Bắc bắt đầu kêu gọi phải hành động. Tiếng thét “Tiến vào Richmond” vang động khắp mọi nơi. Mặc dầu quân đội mới của chính phủ trung ương có nhiều quân sĩ mới được tuyển mộ thiếu huấn luyện nhưng vẫn được lệnh, nếu có thể, tiến vào miền Nam đánh chiếm Richmond. Đầu mùa hè năm đó, quân đội miền Bắc vượt sông Potomac tiến vào Virginia. Cuộc tiến quân vào đất địch này thật là một cảnh kỳ lạ. Có nhiều người ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn đi theo để xem quân đội miền Bắc đoạt chiến công. Dân biểu quốc hội, phóng viên nhà báo, những người hiếu kỳ, có cả các bà lịch thiệp đi theo trong các xe ngựa lộng lẫy. Quân sĩ thì không quen với kỷ luật quân đội, thường đi ra ngoài hàng ngũ để hái dâu và kiếm nước uống. Trong khi ấy thì quân đội Liên minh tập trung tại Manassas Junction, trên một con sông nhỏ gọi là Bull Rull. Ở gần địa điểm này, cách Hoa Thịnh Đốn chừng 30 dặm, hai đạo quân của hai miền gặp nhau quần thảo. Lúc đầu, quân đội Liên minh hình như sắp bị đánh bại, nhưng họ vẫn quyết chiến để chờ viện quân Liên minh tới. Sau một vài giờ chiến đấu, hàng ngũ quân đội trung ương tan vỡ và phải rút lui trong hỗn loạn, chạy về thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Trận đánh Bull Run làm cho miền Bắc thất kinh và dân miền Nam càng phấn khởi. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của cả hai miền đều cho rằng cần phải tăng cường quân đội để chuẩn bị cho cuộc chiến trường kỳ.

CHIẾN TRANH NAM BẮC

- Cả hai miền Bắc Nam đều thiết lập những kế hoạch để chiến thắng

Có quân sĩ điêu luyện và đầy đủ quân nhu chiến cụ cũng chưa đủ chiến thắng một trận chiến. Điều cần thiết là phải có một kế hoạch rõ rệt để điều khiển chiến tranh. Kế hoạch này theo ngôn từ quân sự gọi là chiến lược.

Chiến lược của miền Nam tương đối đơn giản:

1. Miền Nam dự định là trường kỳ chiến đấu cho đến khi miền Bắc mệt mỏi vì chiến tranh. Dân miền Bắc có thể nói “Nếu Liên minh các tiểu bang miền Nam muốn thành lập một quốc gia riêng rẽ thì hãy để cho mặc họ. Khó mà có thể cưỡng bách họ trở về với Cộng đồng Quốc gia”.

2. Khi nào thuận tiện, quân đội miền Nam sẽ tràn vào miền Bắc với hy vọng sẽ đạt được nhiều chiến thắng quan trọng.

3. Miền Nam trông cậy vào ngoại viện, đặc biệt nhất là của Anh quốc, vì các nhà máy sợi ở Anh cần bông vải của miền Nam cho nên Liên minh các tiểu bang miền Nam hy vọng rằng trong cuộc chiến này, Anh quốc sẽ đứng về phía họ.

Chiến lược của miền Bắc khác hẳn. Muốn chiến thắng cuộc chiến này, quân đội của miền Bắc phải tràn vào để chinh phục miền Nam.

1. Miền Bắc dự trù kế hoạch chia và đánh chiếm. Phần lớn lãnh thổ của Liên minh các tiểu bang miền Nam nằm ở phía Tây sông Mississippi cho nên miền Bắc dự trù là nắm quyền kiểm soát sông Mississippi. Như vậy thì Liên minh không thể nhận được tiếp liệu từ các tiểu bang nằm ở phía Tây sông Mississippi. Sau khi cắt miền Nam ra làm hai tại sông Mississippi, miền Bắc sẽ cố gắng cắt nửa phần lãnh thổ phía Đông của Liên minh ra làm những vùng nhỏ.

2. Miền Bắc cũng dự trù phong tỏa các hải cảng miền Nam để ngăn chặn không cho chuyên chở hàng hóa ra vào miền Nam. Như vậy sẽ chặn đứng được kế hoạch trao đổi bông vải để đổi lấy các đồ tiếp liệu cho miền Nam.

3. Phải chiếm đóng thủ đô của miền Nam và đồng thời phải đánh tan đạo quân bảo vệ thủ đô này.

Bên nào thi hành hữu hiệu chiến lược của mình thì bên đó sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này. Chúng ta hãy xem sự thể sẽ xảy ra như thế nào.

¨ TÌNH HÌNH CHIẾN CUỘC Ở MIỀN TÂY

Sau trận đánh tại Bull Run vẫn còn những trận giao tranh lớn nhưng không xảy ra ở miền Đông mà lại xảy ra ở miền Tây. Bộ binh và hải quân miền Bắc phối hợp chặt chẽ để nắm quyền kiểm soát sông Mississippi.

- Farragut chiếm đóng New Orleans

Muốn nắm được quyền kiểm soát sông Mississippi, miền Bắc cần phải đánh chiếm các thành phố và các giang cảng ở dọc theo con sông này. Quan trọng nhất trong các thành phố này là thành phố New Orleans nằm ở cửa sông Mississippi. Người được trao cho trách nhiệm cầm quân đi đánh chiếm New Orleans là ông Davis Farragut. Ông Farragut gia nhập hải quân trong thời kỳ chiến tranh 1812, khi ấy ông chỉ là một thanh niên nhỏ tuổi. Bây giờ ông đã 60 tuổi.

Mùa xuân năm 1862, Farragut cho đoàn chiến tàu đi ngược dòng sông Mississippi. Ông liều cho tàu chạy trong làn hỏa pháo của quân đội Liên minh từ các đồn ải hai bên bờ sông bắn ra. Sau đó, ông đánh bại được hạm đội bảo vệ New Orleans và chiếm được thành phố này. Miền hạ lưu sông Mississippi bây giờ hoàn toàn nằm trong tay kiểm soát của quân đội miền Bắc. Sau này, ông Farragut được phong chức đô đốc trong hải quân.

- Tướng Grant đoạt được một vài chiến thắng lúc đầu cho miền Bắc

Trong khi đó, một đạo quân khác của miền Bắc tiến ngược dòng sông Mississippi đi vào các sông Tennessee và sông Cumberland để tấn công các đồn ải của quân đội Liên minh ở xa hơn về phía Bắc. Vị chỉ huy đạo quân này là ông Ulysses S. Grant. Ông Grant tốt nghiệp trường võ bị West Point và đã chiến đấu trong trận chiến với Mễ Tây Cơ, nhưng ông không được nổi danh như ông Robert E. Lee và những người khác. Sau trận chiến với Mễ Tây Cơ, ông xin giải ngũ. Cuộc chiến tranh giữa các tiểu bang này khiến cho ông phải tái ngũ và cũng là cơ hội cho ông chứng tỏ tài điều khiển chiến trận của ông. Là một người khiêm tốn, ông sẵn sàng nghe theo những lời khuyên tốt, dù rằng ông có đủ khả năng để quyết định đúng và mau lẹ. Hơn nữa, ông Grant là người có ý chí sắt đá. Một khi ông đã quyết định hành động thì không bao giờ ông chịu lui bước.

Đầu năm 1862, tướng Grant cho tấn công đồn Henry và đồn Donelson ở miền Tây Tennessee. Nhờ sự trợ lực của các chiến tàu nên ông đã chiếm được cả hai đồn này. khi vị chỉ huy của đồn Donelson xin điều kiện để đầu hàng thì tướng Grant trả lời rằng: “Đầu hàng vô điều kiện ngay tức khắc”. Từ đó, ông Grant có biệt hiệu là “Grant đầu hàng vô điều kiện”. Sau khi chiếm được hai đồn này rồi, ông cho quân quay xuống tiến về phía Nam. Thình lình, đạo quân của ông bị quân đội Liên minh tấn công tại Shiloh ở miền Nam Tennessee. Trong trận kịch chiến này, lúc đầu quân đội Liên minh gần như đã chiến thắng, nhưng khi viện quân chính phủ trung ương tới, tướng Grant buộc quân đội Liên minh phải rút lui.

- Việc chiếm giữ thành phố Vicksburg khiến cho miền Bắc có thể kiểm soát được sông Mississippi

Sang năm 1863, quân đội miền Bắc đã làm chủ được toàn thể sông Mississippi, ngoại trừ một quãng dài chừng 250 dặm nằm giữa Vicksburg và giang cảng Hudson. Công việc chính của tướng Grant bây giờ là tiến chiếm thành phố Vicksburg. Thành phố này nằm trên một dốc đứng ở bên bờ phía Đông sông Mississippi và chung quanh là đầm lầy. Tướng Grant cho rằng không thể tấn chiếm thành phố này bằng một cuộc tấn công trực tiếp, ông chuẩn bị một cuộc bao vây trường kỳ. Chiến tàu của quân đội miền Bắc được lệnh tuần phòng ở dưới sông, và trên bờ có đạo quân canh chừng để cho mọi việc tiếp tế cho quân đội miền Nam không thể nào tới thị trấn này được. Ngày mùng 4 tháng 7 năm 1863, viện chỉ huy Nam quân tại Vicksburg phải đầu hành theo lệnh của tướng Grant. Ít ngày sau, giang cảng Hudson cũng đầu hàng theo.

Bắc quân bây giờ có thể kiểm soát toàn thể sông Mississippi. Một phần trong chiến lược của miền Bắc đã thành công. Lãnh thổ của Liên minh miền Nam đã bị cắt ra làm hai. Tổng thống Lincoln vui mừng loan báo: “Người cha của biển cả lại trở ra biển cả mà không còn phải bực tức nữa”.

¨ CÁC TRẬN ĐÁNH Ở NGOÀI KHƠI

- Hải quân của miền Bắc cắt đứt mọi việc thủy vận của miền Nam

Hẳn các bạn còn nhớ là một phần chiến lược của miền Bắc là bóp nghẹt miền Nam bằng cách phong tỏa các hải cảng. Khi chiến tranh bùng nổ, hải quân miền Bắc chỉ có 90 chiến tàu. Tuy nhiên, miền Bắc có thể huy động đủ mọi loại tàu thuyền để chuẩn bị chiến dịch phong tỏa này. Chẳng bao lâu, các chiến tàu của Bắc quân đã canh phòng tất cả các hải cảng quan trọng của miền Nam từ Virginia tới Texas.

Dĩ nhiên là cuộc phong tỏa này không được toàn hảo. Bờ biển miền Nam dài hơn 3 ngàn dặm nên không thể nào tuần phòng từng mỗi dặm một được. Để chọc thủng đoàn chiến tàu của miền Bắc bao vây phong tỏa, miền Nam phải dùng loại tàu đặc biệt gọi là Blockade Runner được chế tạo ở Anh quốc. Nhờ đêm tối, các tàu này lẻn chạy vào tiếp tế cho các hải cảng của miền Nam đang cần súng đạn, quân nhu và các đồ chiến cụ khác. Nhưng dù rằng mọi cố gắng để chọc thủng vòng vây, công cuộc thủy vận của miền Nam dần dần cũng bị bót nghẹt. Hầu như miền Nam không thể nào tiếp nhận được trà, cà phê, xà bông và diêm quẹt. Miền Nam cũng không thể nào xuất cảng được bông vải, cho nên không biết bao nhiêu là bông đóng thành kiện để hàng đống ở tại các bến tàu.

Để thắt chặt cuộc phong tỏa này, quân đội và hải quân miền Bắc tiến chiếm các hải cảng của miền Nam. Vào khi cuộc chiến gần chấm dứt thì tất cả các hải cảng quan trọng của miền Nam đều nằm trong tay của miền Bắc. Đô đốc Farragut tạo thêm chiến công nữa bằng cách tấn chiếm hải cảng Mobile thuộc tiểu bang Alabama. Hơn bất kỳ kế hoạch nào khác, cuộc phong tỏa của miền Bắc đã khiến cho miền Nam phải thất bại.

- Tàu bọc sắt xuất hiện ở ngoài khơi

Trận đánh đầu tiên giữa các chiến tàu đã diễn ra trong cuộc chiến Nam Bắc này. Trước chiến tranh, các chiến tàu của hải quân đều được đóng bằng gỗ. Tuy nhiên, ngay từ đầu cuộc chiến, miền Nam đã sửa đổi lại tàu gỗ Merrimac [12] bằng cách bọc ở hai bên tàu bằng hai tấm sắt. Mỗi bên được trang bị bằng 5 khẩu súng. Tháng 3 năm 1862, chiếc Merrimac tiến đến tấn công những chiến tàu phong tỏa của miền Bắc tại hải cảng Hampton Road thuộc tiểu bang Virginia. Đạn của các chiến tàu Bắc quân bắn ra không ăn thua gì với chiếc tàu kỳ lạ Merrimac này. Chiếc tàu này đã tiêu diệt hai chiến tàu của Bắc quân và đuổi một tàu khác chạy dạt vào chỗ nước cạn rồi rút lui. Thủy thủ đoàn của chiếc tàu Merrimac còn định trở lại thiêu hủy những chiếc tàu còn lại. Nhưng hôm sau chiếc Merrimac phải đương đầu với một chiến tàu bọc sắt Monitor của miền Bắc. Chiếc tàu này do một người Hoa Kỳ gốc Thụy Điển tên là John Ericson bí mật chế ra. Chiếc tàu này nhỏ hơn chiếc tàu Merrimac và có boong tàu bằng sắt bằng phẳng và thấp. Trong chòi lớn có thể xoay quanh được và được trang bị bằng hai ô súng có hỏa lực rất mạnh. Chiếc Monitor trông giống như “Chiếc hộp thiếc ở trên một tấm ván”.

Trong trận đánh giữa hai chiến tàu Merrimac và Monitor thì không tàu nào có thể làm tàu nào bị trọng thương được. Cuối cùng, cả hai tàu cùng bỏ cuộc. Miền Bắc có đủ khả năng để đóng thêm nhiều tàu bọc sắt nữa, nhưng miền Nam thì không thể làm được như vậy. Mặc dù là trận chiến giữa hai tàu Merrimac và Monitor đã chấm dứt nhanh chóng, nhưng trận đánh này rất quan trọng trong lịch sử Hải quân. Những chiến tàu bọc sắt kỳ lạ này chứng tỏ rằng những chiến tàu bằng gỗ chỉ là những vật dụng đi vào quá khứ, và nó mở đường cho việc đóng những chiến tàu to lớn vĩ đại bằng thép.

BẮC QUÂN CHIA CẮT LÃNH THỔ MIỀN NAM Ở PHÍA TÂY

CÁC CUỘC TẤN CÔNG VÀO MIỀN ĐÔNG THẤT BẠI

¨ MẶT TRẬN MIỀN ĐÔNG

Tới đây các bạn đã được biết rằng Bắc quân đã nắm được quyền kiểm soát sông Mississippi, và phong tỏa bờ biển miền Nam như thế nào. Trong khi đó thì các đạo quân khác ở miền Bắc và ở miền Đông đang cố gắng tấn chiếm thủ đô Richmond.

- Cuộc tấn công của tướng McClellan vào Richmond bị thất bại

Sau trận thất bại của Bắc quân ở Bull Run, tướng George B. McClellan được giao cho trách nhiệm tổ chức lại quân đội và huấn luyện một đạo quân mới. Trong một vài tháng, đạo quân gồm 100 ngàn binh sĩ trở thành một đạo quân có kỷ luật và được trang bị đầy đủ. Nhưng tướng McClellan quá thận trọng nên chưa cho tấn công quân địch. Mãi tới mùa xuân năm 1862, khi Tổng thống Lincoln hạ lệnh, ông mới tiến quân tấn công đạo quân Nam bảo vệ thủ đô Richmond. Ông cho đạo quân dùng đường thủy để đổ bộ vào bán đảo James để có thể từ phía Đông tấn công vào Richmond. Tuy nhiên, cuộc tiến quân vào bán đảo James quá chậm cho nên quân Nam đã có đủ thì giờ phản công đánh lui quân Bắc. Tướng Lee gửi tướng “Stonewall” Jackson cùng đến chỉ huy trận đánh này. Tướng Jackson được biệt hiệu này trong khi chống cự “như bức tường đá”chống lại Bắc quân trong trận đánh đầu tiên tại Bull Run. Hai tướng Lee và Jackson bắt buộc Bắc quân phải rút lui trong những “Trận đánh Bảy ngày” lừng danh. Lần thứ hai cố gắng đánh chiếm thủ đô Richmond của Bắc quân bị thất bại.

- Lại phải gánh chịu thêm những thất bại nữa, miền Bắc nản lòng

Trong những tháng tiếp theo đó, ở mặt trận miền Đông, quân Nam thắng hết trận này đến trận khác. Một đạo Bắc quân khác tiến đến tấn công Richmond lại cũng chấm dứt trong thất bại chua cay lần thứ hai tại Bull Run. Tướng Lee chỉ huy đoàn quân áo xám vượt sông Potomac tiến vào Maryland. Đoàn quân của ông gặp Bắc quân tại suối Antietam. Sau một trận đánh đẫm máu, tướng Lee phải cho quân trở lại Virginia, nhưng ông vẫn có thể chặn đứng Bắc quân đuổi theo và chiến thắng vẻ vang tại Fredericksburg và Chancellorsville. Trong trận đánh tại Chancellorsville, tướng Jackson chẳng may bị ngay quân sĩ của ông vô tình bắn trúng tử thương. Khi hay tin này, tướng Lee buồn rầu nói: “Tôi đã mất đi cánh tay mặt”.

Có những ngày chán nản đối với miền Bắc, tướng Robert Lee đã chiến thắng các đạo Bắc quân đông đảo hơn đạo quân của ông. Sau vụ tướng McClellan thất bại, Tổng thống Lincoln đã cố gắng thử nhiều tướng lãnh để thay thế, nhưng vẫn không tìm được ai có thể đương đầu với biệt tài quân sự của tướng Lee. Chính Tổng thống cũng bị chỉ trích dữ dội. Dân chúng quy trách nhiệm cho ông về những thất bại quân sự. Tuy nhiên, Tổng thống Lincoln vẫn cương quyết thi hành sứ mạng trong những ngày đen tối để cứu nguy cho tổ quốc.

- Quân đội miền Nam tràn vào Pennsylvania

Sau chiến thắng tại Chancellorsville, tướng Lee quyết định cho quân tràn vào miền Bắc lần thứ hai. Ông hy vọng quyết đánh một trận quyết liệt để chấm dứt cuộc chiến. Khi đoàn quân của ông quay về hướng Bắc vượt Maryland tiến vào Pennsylvania thì quân đội của miền Bắc đã theo dõi và cũng tiến về phía Bắc nằm án ngữ không cho quân đội của tướng Lee tràn vào thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Ngày 27 tháng 6 năm 1863, tướng Lee cùng các sĩ quan của ông nghiên cứu bản đồ. Chỉ vào làng Gettysburg thuộc Pennsylvania ở trong bản đồ, nhà lãnh đạo của Liên minh các tiểu bang miền Nam tuyên bố: “Chúng ta sẽ gặp địch quân ở đây, và sẽ quyết chiến trong một trận đánh quyết liệt, và nếu trời cho chúng ta thắng thì cuộc chiến này sẽ chấm dứt, chúng ta sẽ hoàn thành được nền độc lập của chúng ta”.

- Trận đánh Gettysburg chặn đứng bước tiến của quân Nam

Ngày mùng 1 tháng 7, hai đạo quân của hai miền Nam Bắc gặp nhau, và trận đánh quyết liệt tại Gettysburg mở màn. Bắc quân cố thủ trên các ngọn đồi ở gần Gettysburg. Nam quân chiếm giữ các ngọn đồi đối diện. Hai bên kịch chiến ác liệt liên tiếp trong hai ngày rưỡi. Trưa ngày mùng 3 tháng 7, bỗng dưng chiến trường im tiếng súng. Tướng Lee đang chuẩn bị đánh một nước liều quyết liệt tấn công vào cứ điểm của Bắc quân. Chừng 15 ngàn Nam quân do tướng George Pickett chỉ huy băng qua khu đồng ruộng tràn vào tấn công Bắc quân ở tại nghĩa địa Ridge. Theo lệnh đoàn quân này băng qua hỏa lực của Bắc quân để tiến vào và bám sát tuyến quân của miền Bắc. Một toán quân đã hoàn thành được việc cắm cờ lên một ngọn đồi, nhưng liền khi đó phải thoái lui. Hỏa lực của Bắc quân quá mạnh khiến cho con số thương vong của đoàn quân Nam tấn kích ở đây lên đến 75%. Trận đánh chấm dứt và quân Nam bị thảm bại trong trận này. Hôm sau, tướng Lee cho lui quân vào miền Nam.

- Tổng thống đến nói chuyện tại Gettysburg

Sau trận Gettysburg, người ta phải dành ra 17 mẫu để làm nghĩa địa chôn cất quân lính đã bỏ mình trong trận đánh này. Tổng thống Lincoln được yêu cầu đến tận nghĩa địa để lưu lại một vài lời lưu niệm. Những “lời lưu niệm” của Tổng thống Lincoln tại Gettysburg vào ngày 19 tháng 11 năm 1863 còn mãi mãi được mọi người nhớ đến, vì rằng chỉ có một vài lời nhưng rất hàm xúc. Bài diễn văn của ông ở tại Gettysburg là một trong những tài liệu quan trọng trong lịch sử dân chủ Hoa Kỳ. Bài diễn văn này đã nói lên những lý tưởng mà nhân dân Hoa Kỳ phải luôn luôn ghi nhớ, nếu muốn đất nước Hoa Kỳ mãi mãi trường tồn.

- Trận đánh Gettysburg đánh dấu một khúc quanh của cuộc chiến

Tin chiến thắng tại Gettysburg gây vui mừng trong khắp miền Bắc, và tin này được loan tiếp theo ngay sau khi tin chiến thắng tại Vicksburg. Nếu chiến thắng của tướng Grant tại Vicksburg đã cắt miền Nam ra làm hai phần thì chiến thắng của Bắc quân ở tại Gettysburg đã đánh bại được đạo quân Nam tấn công vào miền Bắc. Những chiến thắng này của miền Bắc là khúc quanh trong cuộc chiến. Ở Mỹ châu cũng như ở các nước khác, những người sáng suốt đều hiểu rõ tầm quan trọng của các chiến thắng này. Mặc dầu miền Nam vẫn còn có thể tiếp tục chiến đấu, nhưng hình như khó có thể thắng được cuộc chiến này.

- Tướng Grant đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh quân đội miền Bắc

Chúng ta hãy nhìn vào mặt trận miền Tây, trong những năm 1862 và 1863, quân Bắc đã mở những chiến dịch quyết liệt và đẫm máu ở Tennessee. Mục đích của chiến dịch này là đánh chiếm thành phố quan trọng Chattanooga ở miền Tây Nam tiểu bang này. Sau vụ đầu hàng ở Vicksburg của quân Nam, tướng Grant chỉ huy tất cả các đạo Bắc quân ở miền này. Cuối mùa thu năm 1863, ông đánh bại các đạo quân ở miền Nam tại Chattanooga. Nam quân phải rút lui về Atlanta, Georgia. Cảm nhận được khả năng quân sự của tướng Grant ở miền Tây, Tổng thống Lincoln bổ nhậm ông làm Tổng Tư lệnh toàn thể quân đội miền Bắc. Tổng thống Lincoln đã tìm được vị tướng lãnh có thể đưa miền Bắc đến chiến thắng cuối cùng.

Tướng Grant bắt đầu thiết lập kế hoạch, theo đó thì ông hy vọng sẽ sớm chấm dứt cuộc chiến:

1. Miền hạ Nam sẽ bị tách rời ra khỏi lãnh thổ Liên minh miền Nam. Để hoàn thành kế hoạch này, tướng Grant hạ lệnh cho tướng William T. Sherman, người đã cộng tác với ông trong công cuộc đánh chiếm Chattanooga, đem quân tiến đánh thẳng tới Atlanta để lại cắt miền Nam ra làm hai nữa.

2. Về phần tướng Grant, chính ông sẽ đảm nhận trách vụ nặng nề khó khăn nhất. Ông sẽ đem quân tấn công tướng Lee ở Virginia, tấn chiếm Richmond với bất cứ giá nào.

- Tướng Sherman dẫn quân tiến ra bờ biển để cắt đôi miền Nam

Tháng 5 năm 1864, tướng Sherman dẫn một đạo quân gồm 100 ngàn quân sĩ khởi tiến từ Chattanooga. Mặc dầu bị quân Nam chặn đánh từng bước, nhưng đạo quân của tướng Sherman vẫn từ từ vững tiến. Tháng 9 năm đó, tướng Sherman chiếm được Atlanta.

Ít bữa sau, tướng Sherman lại dẫn quân đi tiến đánh để chẻ đôi miền Nam ra nữa. Với 60 ngàn quân, ông dẫn đi tiến chiếm Savannah, Georgia, một thành phố cách bờ biển Đại tây dương chừng hơn hai trăm dặm. Trên đường tiến quân từ Atlanta ra bờ biển, tướng Sherman ra lệnh triệt hạ tất cả những tài sản, nhà cửa, mùa màng của miền Nam. Dân chúng ở vùng này không bao giờ quên được hành động tàn ác của ông. Tất cả những khu đất rộng chừng 60 dặm ở hai bên đường tiến quân của ông từ Atlanta đến Savannah chỉ còn lại là một giải đất trơ trụi đầy tro tàn gạch vụn. Quân sĩ của ông đã đốt hết tất cả những nhà cửa, kho lúa, mùa màng và thành phố. Đi đến đâu họ cũng phá gỡ hết các đường rầy xe lửa, giết hết các nông súc. Cuối tháng 12 năm 1864, tướng Sherman điện về cho Tổng thống Lincoln “Tôi xin trình lên Tổng thống thành phố Savannah như là một món quà Giáng sinh”. Miền Nam một lần nữa lại bị xé nhỏ thêm hơn nữa.

- Chiến tranh chấm dứt

Trong khi đó, tướng Grant đang tấn công dữ dội đạo quân của tướng Lee ở Virginia. Trận đánh mở màn ở trong khu rừng phía Đông Bắc thủ đô Richmond. Tướng Grant không thể nào chọc thủng được phòng tuyến của tướng Lee. Mặc dầu quân đội của ông bị tổn thất nặng nề, nhưng ông vẫn tiếp tục giáng những đòn chí tử vào Nam quân. Dần dần, quân đội của ông tiến dần về phía Đông và phía Nam thành vòng cung bao vây thủ đô Richmond. Cuối cùng, bị đối phương xiết chặt vòng vây, tướng Lee phải bỏ Richmond, đem quân về phía Tây Nam để rút về vùng núi, nhưng lại bị Bắc quân chặn đường. Tướng Lee buồn rầu nói rằng: “Tôi không có gì để làm được nữa ngoài việc đi gặp tướng Grant, và tốt hơn hết tôi sẽ chết, một ngàn lần chết”. Ngày 19 tháng 4 năm 1865, tại tòa nhà thẩm phán của làng Appomattox, vị tướng lãnh dũng cảm tài ba này phải đem quân đầu hàng tướng Grant.

Tướng Grant rất kính trọng tướng Lee, vì ông là một chiến sĩ can trường. Hai vị tướng lãnh lại bắt đầu nói chuyện với nhau về những kinh nghiệm quân sự trong trận chiến với Mễ Tây Cơ. Sau đó tướng Lee nhắc nhở tướng Grant về mục đích của buổi họp mặt và xin điều kiện để đầu hàng. Tướng Grant cho phép các sĩ quan miền Nam được mang vũ khí (kiếm và súng lục). Ông cũng để cho quân sĩ được giữ lại lừa ngựa. Ông bảo rằng, những lừa ngựa này sẽ cần cho vụ cày trong mùa xuân này. hay tin quân sĩ của tướng Lee đang đói, ông hạ lệnh gửi thực phẩm đến cho họ. Ông cấm không cho quân sĩ dưới quyền ông bắn súng chào mừng chiến thắng, và chỉ nói rằng: “Chiến tranh đã chấm dứt”.

Vào khoảng hai tuần sau đó, tại North Carolina, đạo quân lớn của miền Nam đầu hàng tướng Sherman, người đã từ Savannah tiến lên miền Bắc để gặp tướng Grant. Miền Nam đã chiến đấu anh dũng, nhưng bây giờ thì cuộc chiến đau thương giữa những người cùng một quốc gia đã chấm dứt. Một lần nữa, cờ sao sọc lại phất phới tung bay trên toàn thể “quốc gia bất khả phân chia”.

¨

PHẦN BA

CHIẾN TRANH ĐÃ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐỜI SỐNG
NHÂN DÂN HAI MIỀN NAM BẮC NHƯ THẾ NÀO?

Trong thời chiến, nhiều thanh niên đã phải lên đường tòng ngũ, những người ở lại đều có công ăn việc làm. Những người ở hậu tuyến phải sản xuất thực phẩm và các đồ tiếp liệu cho quân sĩ chiến đấu ngoài mặt trận. Mọi phương tiện chuyên chở đều được huy động để chuyển vận các đồ quân nhu, quân cụ và thực phẩm cho quân đội. Mọi người đều phải đóng góp tiền bạc để chi phí cho cuộc chiến. Giờ làm việc của mọi người đều được kéo dài để trợ giúp cho công cuộc chiến đấu.

- Miền Nam trong thời chiến

So với dân chúng miền Bắc thì dân chúng ở miền Nam còn chịu đựng khó khăn gian khổ hơn trong cuộc chiến này. Tất cả nam công dân có khả năng chiến đấu đều được gọi nhập ngũ. Như vậy có nghĩa là tất cả mọi công việc ở hậu tuyến của miền Nam đều do nô lệ và chị em phụ nữ đảm nhiệm cả. Nhưng khi mà cuộc chiến càng kéo dài nô lệ bắt đầu bỏ trốn khỏi đồn điền. Rồi thì cũng vì bị phong tỏa cho nên miền Nam không thể mua được hàng hóa, quần áo, máy móc, thuốc men và các đồ gia dụng khác mà trước kia vẫn nhập cảng từ ngoại quốc hay của miền Bắc. Các bà nội trợ miền Nam phải liều mình dũng cảm đương đầu với những hoàn cảnh thật là vô cùng khó khăn này. Họ cắt vải màn may quần áo, xé vải trải giường để làm khăn tắm và băng vải để băng người bị thương. Dù rằng phần lớn họ không phải làm những công việc nặng nhọc, phụ nữ miền Nam phải làm việc ở trong các đồn điền cũng như ở trong các nhà thương.

Dần dần nông trại, đồn điền và nhà cửa trở nên hoang vắng. Đường xá hư hỏng không được sửa chữa. Đường hỏa xa, đầu máy xe lửa, xe cộ hư cũ không được thay thế. Việc chuyển vận thực phẩm cùng các đồ tiếp liệu trở nên khó khăn. Nhiều vùng bị tàn phá do các đạo quân đối phương tràn ngập và vì bị quân đội hai bên quần thảo. Nhà cửa bị thiêu rụi, thành phố bị pháo kích, mùa màng và gia súc ở đồng quê bị cướp phá. Khắp trong miền Nam, ở đâu cũng có dấu vết tàn phá của chiến tranh. Hàng ngàn gia đình phải ngậm ngùi thương tiếc những người ruột thịt đã bỏ mình nơi chiến địa.

- Miền Bắc trở nên thịnh vượng trong thời kỳ chiến tranh

Nhiều gia đình miền Bắc cũng lâm vào cảnh đau khổ do chiến tranh gây nên. Tuy nhiên, nếu so sánh với dân chúng ở miền Nam thì dân chúng miền Bắc ít phải chịu cơ cực nhọc nhằn hơn. Có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là ít có giao tranh ở trên lãnh thổ miền Bắc. Thứ hai là vì dân số đông hơn nên miền Bắc có nhiều thanh niên còn được ở lại hậu tuyến. Thứ ba nữa là miền Bắc có nhiều đường xe lửa và xí nghiệp kỹ nghệ hơn miền Nam. Các nhà máy kỹ nghệ cũ phải làm việc tối đa và thiết lập thêm nhiều xí nghiệp để sản xuất quần áo, chăn màn, lều, súng, đạn cũng như biến chế thực phẩm cho quân đội. Các nhà máy đồng thời cũng chế tạo xe chạy trên đường rầy, đường hỏa xa và đầu máy xe lửa cùng các toa xe lửa để chuyển vận các đồ quân trang, quân cụ tiếp liệu cho quân đội. Sự phát triển kỹ nghệ ở miền Bắc tạo nên biết bao nhiêu công việc làm trong khi số nhân công không đủ đáp ứng nhu cầu. Các ông chủ cần mướn nhân công, cho nên đồng lương được nâng lên cao. Phải trả lương công nhân cao nên các nhà doanh thương buộc phải tăng giá hàng. Giá hàng cao khiến cho các nhà buôn bán kiếm được nhiều lời. Thế nên, dù phải chịu thiệt hại và đau khổ vì chiến tranh, nhưng ở miền Bắc nhiều người trở nên giàu có vì chiến tranh.

- Cả hai miền Nam Bắc đều phát hành tiền giấy

Cả hai miền đều cần tiền để chi phí cho cuộc chiến. Miền Bắc cũng như miền Nam, cả hai chính quyền đều phát hành tiền giấy để trang trải phí tổn. Tuy nhiên, có nhiều người sợ rằng những đồng Mỹ kim này có thể không bao giờ có đầy đủ giá trị bằng vàng hay bằng bạc được. Trong những ngày đen tối trong năm 1864, khi mà cuộc chiến hình như không bao giờ chấm dứt, một đồng Mỹ kim tiền giấy chỉ trị giá có 40 xu. Vì rằng người ta phải xài Mỹ kim bằng giấy nhiều hơn để mua hàng hóa cho nên giá cả hàng hóa càng ngày càng lên cao. So với miền Bắc, miền Nam còn tệ hơn nhiều. Để theo đuổi cuộc chiến, miền Nam buộc phải phát hành rất nhiều tiền giấy. Giá trị của đồng tiền miền Nam mất giá nhanh chóng hơn tiền miền Bắc rất nhiều. Vào khi cuộc chiến gần chấm dứt, một Mỹ kim tiền giấy của miền Nam chỉ còn đáng giá ba xu thôi. Tình trạng này đã tạo ra biết bao nhiêu khó khăn cơ cực cho hầu hết dân chúng miền Nam.

¨

PHẦN BỐN

TỔNG THỐNG LINCOLN ĐÃ DỰ TRÙ VIỆC THỐNG NHẤT

ĐẤT NƯỚC NHƯ THẾ NÀO?

Ngay khi còn diễn ra các trận đánh quyết liệt, Tổng thống Lincoln cũng đã nghĩ đến việc tái lập hòa bình. Giống như chúng ta ngày nay, ông hiểu rõ rằng chiến thắng hòa bình còn khó hơn là chiến thắng một cuộc chiến. Những lúc về khuya, khi mà tòa Bạch Ốc đã chìm vào bóng đêm của thành phố thì Tổng thống Lincoln vẫn còn suy tư về những gì sẽ xảy ra vào khi mà tiếng súng hận thù không còn nữa.

­ Tổng thống Lincoln tuyên bố giải phóng nô lệ ở trong các tiểu bang Liên minh

Suy tư về chiến tranh và hòa bình, Tổng thống Lincoln đã nghĩ đến việc phải làm những gì cho những người nô lệ. Liệu rằng họ sẽ phải tiếp tục sống đời nô lệ hay là ông sẽ phải giải phóng họ. Nhiều người ở miền Bắc, đặc biệt là những người theo chủ trương xóa bỏ chế độ nô lệ cho rằng mục đích chính của cuộc chiến là giải phóng nô lệ. Họ thúc giục Tổng thống Lincoln phải hành động như vậy. Nhưng Tổng thống đã làm sáng tỏ mục đích của cuộc chiến theo quan điểm của ông. Ông viết:

“Mục tiêu cao cả của cuộc chiến này là cứu nguy tổ quốc … Nếu tôi có thể cứu nguy được đất nước mà không cần phải giải phóng nô lệ thì tôi sẽ làm ngay. Nếu tôi có thể cứu nguy được đất nước bằng cách giải phóng tất cả nô lệ thì tôi cũng sẽ làm ngay, và nếu tôi có thể cứu nguy được đất nước bằng cách giải phóng một số nô lệ thôi, và những người nô lệ còn lại để mặc họ thì tôi cũng làm. Tôi phải làm gì cho nô lệ và dân da màu là tôi phải làm, vì rằng tôi tin là làm như vậy là cứu nguy đất nước”.

Tuy nhiên, Tổng thống Lincoln nghĩ rằng giải phóng tất cả các nô lệ trong các tiểu bang Liên minh là một cú đánh mạnh vào miền Nam và sẽ giúp cho chiến tranh mau chấm dứt. Vì thế cho nên mùa thu năm 1862, khi mà khắp nơi trong đất nước còn đang chiến đấu, thì ông loan báo rằng: “Kể từ ngày mùng 1 tháng 1 năm 1863, tất cả những ai còn bị cầm giữ như là nô lệ… từ đây sẽ mãi mãi được tự do”. Lời tuyên bố này được coi như là bản tuyên ngôn giải phóng nô lệ [13]. Ngày nay, dân chúng ở đất nước Hoa Kỳ và ở cả Âu châu đều hiểu rằng công cuộc chiến đấu cho cuộc chiến này không những là cứu nguy cho quốc gia Hoa Kỳ mà còn là giải phóng nô lệ. Vì rằng người Anh vốn không tin tưởng ở chế độ nô lệ, cho nên cảm tình của họ đối với miền Nam càng ngày càng tỏ ra lạnh nhạt. Bản tuyên ngôn này cũng là mở cửa đón nhận dân da đen vào quân đội Hoa Kỳ, và cũng từ đó có hàng người da đen xin đầu quân phục vụ chính nghĩa miền Bắc.

- Kế hoạch hòa bình của Tổng thống Lincoln

Tiên liệu trước khi chấm dứt chiến tranh, Tổng thống Lincoln đã nhận thấy rằng cần phải giải quyết nhiều vấn đề khác. Ông tin chắc rằng khi mà miền Bắc chiến thắng cuộc chiến này thì xáo trộn sẽ lan tràn khắp cả miền Nam. Ngày mà chiến tranh chấm dứt thì chính quyền Liên minh sẽ tan rã, sẽ không còn có Tổng thống, Quốc hội, chính quyền các tiểu bang, cảnh sát và cũng không có tiền bạc gì nữa. Tổng thống Lincoln quyết định phải hành động để đối phó với tình thế. Ông muốn rằng sẽ phải tạo cơ hội dễ dàng cho các tiểu bang ly khai tái thiết lại miền Nam và trở về với Cộng đồng Quốc gia. Ông đề nghị một kế hoạch theo đó thì bất kỳ một tiểu bang miền Nam nào (trước kia đã ly khai) nếu có đủ mười phần trăm số người đã đi bầu vào năm 1860 mong muốn thiết lập một chính quyền trung thành với chính phủ Liên bang thì họ sẽ được làm như vậy.

Tổng thống Lincoln hy vọng rằng tất cả mọi người dân Hoa Kỳ sẽ quên đi cuộc chiến càng sớm càng hay. Ông mong muốn đất nước này sẽ đem hết sức lực ra xây dựng lại cơ đồ cho tốt đẹp hơn. Ngày mùng 4 tháng 3 năm 1865, khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2, ông đã biểu lộ tư tưởng này bằng những lời lẽ không bao giờ quên được:

“Chúng tôi tha thiết hy vọng – và nhiệt thành cầu nguyện- rằng tai họa ghê gớm của cuộc chiến này sẽ không còn nữa..

Sẽ không còn có ai bị đối xử tàn ác, và mọi người sẽ đối đãi với nhau bằng lòng bác ái nhân từ. Với sự cương quyết trong lẽ phải như Thượng đế đã cho chúng ta nhận thấy, chúng ta hãy cố gắng hoàn thành sứ mạng của chúng ta là hàn gắn lại những vết thương của đất nước, săn sóc những người đã phải đau khổ vì chiến tranh, săn sóc những bà góa phụ và những trẻ thơ không cha mẹ, làm tất cả những gì để có thể hoàn thành được một nền hòa bình công bằng và vĩnh cửu ở ngay trong chính chúng ta và hòa bình với tất cả các quốc gia khác”.

- Tổng thống Lincoln bị ám sát

Tổng thống Lincoln không còn sống để thi hành kế hoạch hòa bình của ông. Vào trung tuần tháng 4 năm 1865 thì cuộc chiến đấu trường kỳ đã diễn tiến tới hồi kết cuộc. Tổng thống Lincoln cảm thấy cần phải giải trí sau những tháng dài mệt mỏi lo cho đất nước. Chiều ngày 14 tháng 4, ông cùng đi với vợ và hai người khách đến hí viện Ford tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Tại hí viện này, ông và các người khách của ông được mời ngồi tại hàng ghế đã được dành sẵn.

Ngoài rạp hát có một gã đi đi lại lại với vẻ nóng nảy bồn chồn. Tên gã là John Wilkes Booth. Booth là người Virginia rất nghĩ ngợi và chán nản về sự thất bại của miền Nam. Hắn cho rằng chỉ cần nếu ông Lincoln không đắc cử Tổng thống, hay là chỉ cần ông Lincoln không làm Tổng thống thì miền Nam sẽ tốt đẹp. Hắn quyết định giết ông Lincoln và hắn đã thuyết phục các bạn bè của hắn để giết các viên chức của chính phủ. Chính Booth cũng là một kịch sĩ. Hắn cũng đã từng diễn kịch trong hí viện Ford, cho nên hắn rất quen thuộc với tòa nhà hí viện này.

Khi khán giả còn mải miết xem diễn kịch thì hắn lẻn vào hí viện tới chỗ cửa chắn ngang của hàng ghế dành cho Tổng thống Lincoln ngồi. Thình lình, hắn mở cửa bước vào hàng ghế chỗ Tổng thống ngồi và bắn vào sau ót Tổng thống. Sau đó, hắn nhảy ra và phóng qua hàng tay vịn nhưng bị té xuống bục. Khi ngã quỵ xuống hắn kêu lên một câu bằng tiếng La tanh có nghĩa là “Những người độc tài phải như vậy”. Hắn đứng dậy, kéo lê ra sân khấu chạy qua cửa hậu của hí viện, nhảy lên ngựa biến mất. Ít ngày sau, hắn bị một toán lính được phái đi tìm bắt và hắn bị tóm cổ rồi bị giết.

Tổng thống Lincoln bị thương, được mang sang một căn nhà ở phía bên kia đường đối diện với rạp hát, nhưng ông đã trút hơi thở cuối cùng vào khoảng 7 giờ sáng ngày hôm sau. Cuộc đời của một vĩ nhân Hoa Kỳ không còn nữa. Abraham Lincoln đã hoàn thành được sự nghiệp một cách vẻ vang là bảo toàn được đất nước. Sự nghiệp này để lại cho những người khác phải tiếp tục hàn gắn lại những vết thương của đất nước.

Nhân dân khắp trong miền Bắc thương tiếc Lincoln. Ngay cả những người miền Nam cũng bắt đầu nhận thức được rằng bậc vĩ nhân chân thành này đã từng là người bạn của họ. Chính ông Jefferson Davis (nguyên là Tổng thống Liên minh miền Nam) cũng nói: “Sau sự đại bại của Liên minh miền Nam thì đòn nặng nhất giáng xuống miền Nam là việc ám sát ông Lincoln”. Trong những trang dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu sự thật sẽ như thế nào?

¨

PHẦN NĂM

NHỮNG GÌ ĐÃ XẢY RA Ở MIỀN NAM SAU CHIẾN TRANH?

¨ MIỀN NAM ĐƯƠNG ĐẦU VỚI THỜI KỲ KHÓ KHĂN

- Dấu vết tàn phá của chiến tranh ở miền Nam

Bây giờ là lúc chập tối ở trong một đồn điền tại Virginia vào cuối năm 1865. Mấy năm trước chiến tranh, giờ này ở đây là một nơi vui nhộn, thanh lịch, sống động. Trong ánh đèn lấp lánh, các ông bà thanh lịch mang sang trọng ngồi bên những chiếc bàn đầy những thực phẩm ngon lành, lại có những nô lệ da đen phục dịch. Nhưng đêm hôm nay, một bầu không khí mờ nhạt bao trùm trong gia đình này. thay vì có những gia nô cầm đèn cầy bằng bạc, có đồ chén đũa đắt tiền và các món ăn ngon lành như thời kỳ trước chiến tranh, thì lại chỉ có một vài món ăn tầm thường để trên bàn. Chỉ có một người gia nhân với đôi vai xuôi xuống và mái tóc đã bạc muối tiêu lại càng làm cho hắn già hơn tuổi, đi đi lại lại trong phòng. Tại bàn ăn, còn lại những chiếc ghế trống, không có người ngồi, là những gì gợi cho biết rằng những người con của gia đình này đã bỏ mình cho cuộc chiến vừa qua. Ông bà chủ đồn điền thì giờ đây cũng ăn bữa cơm đạm bạc với người bạn lối xóm. Trên mặt họ còn lại những vết nhăn ưu tư, và quần áo của họ thì xác xơ tơi tả. Họ nói chuyện trong niềm đau đớn thất vọng. Nào là bị mất hết nô lệ, đồng ruộng bị tàn phá, nào là nông súc và nông cụ bị thiêu hủy. Họ đặt ra câu hỏi: “Chúng ta sẽ như thế nào? Làm thế nào để chúng ta tái thiết miền Nam yêu dấu của chúng ta?”

- Những vấn đề phải giải quyết

Khắp trong miền Nam, thanh niên, phụ nữ đều đặt ra cùng một câu hỏi là phải giải quyết bao nhiêu vấn đề:

1. Người miền Nam hiểu rằng dầu sao thì họ cũng phải tái thiết miền Nam, sửa chữa những gì đã bị chiến tranh tàn phá, và phải trở lại cuộc sống của thời bình.

2. Một trong những vấn đề quan trọng là phải giải quyết vấn đề quan hệ liên lạc giữa các tiểu bang ly khai với chính quyền trung ương. Họ sẽ phải làm thế nào để lại trở về với Cộng đồng Quốc gia. Liệu rằng các tiểu bang này có được đối xử một cách rộng lượng hay là lại bị trừng phạt như là kẻ thù bị bại trận.

3. Vấn đề khác nữa là phải thiết lập các chính quyền tiểu bang. Những người trước kia đã chiến đấu chống lại miền Bắc có được phép đi bầu không? Và họ có được phép làm việc tại các công sở không? Nếu không, thì ai sẽ là những người điều khiển và làm việc trong các chính quyền tiểu bang.

4. Vấn đề trầm trọng khác nữa là vấn đề giải phóng nô lệ. Tự do quả là một điều mới lạ đối với họ (nô lệ). Họ vốn quen với lối sống được ông chủ phát lương thực và quần áo cho họ. Bây giờ họ được tự do. Nhiều người không nhà, không cửa, và cũng không có tiền dính túi, đi lang thang trong các đồng quê. Ai sẽ săn sóc họ? Trong thời kỳ còn chiến tranh, chính quyền miền Bắc đã cho thiết lập “Văn phòng trông coi những người được giải phóng”. Nhưng cơ quan này đã không được chuẩn bị để trông coi một số lớn người da đen không biết làm gì vào khi chiến tranh chấm dứt, và họ sẽ được giải phóng.

¨ QUỐC HỘI CHỐNG LẠI TỔNG THỐNG JOHNSON VÀ ĐẢM TRÁCH CÔNG CUỘC TÁI THIẾT MIỀN NAM

- Kế hoạch của Tổng thống Johnson bị bác bỏ

Dân chúng miền Nam thấy rằng mối lo sợ của họ đã trở thành sự thật vào khi Quốc hội nhóm họp vào tháng chạp năm 1865. Sau khi Tổng thống Lincoln chết đi thì trách vụ nặng nề khó khăn được trao cho ông Andrew Johnson, nguyên là Phó Tổng thống. Tổng thống Johnson khởi sự thi hành kế hoạch hào hiệp tái thiết miền Nam của Tổng thống Lincoln để lại. Nhưng Quốc hội lại chặn đứng kế hoạch này. Nhiều dân biểu quốc hội thuộc đảng Cộng hòa vẫn còn căm giận miền Nam. Họ cho rằng cần phải trừng phạt dân miền Nam về tội nổi loạn chống lại quốc gia. Họ muốn rằng những người da đen vừa được giải phóng sẽ không còn bị tước đoạt mất các quyền tự do. Làm như vậy là họ hy vọng những người da đen sẽ là những người bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa. Sự bất đồng chính kiến giữa Tổng thống Johnson và Quốc hội đưa đến sự tranh chấp dữ dội. Cuối cùng Quốc hội tự ý tiến hành kế hoạch riêng của Quốc hội để tái thiết miền Nam.

- Quốc hội thông qua tu chính án thứ 14

Năm 1866, Quốc hội chấp thuận tu chính án số 14, theo đó thì khi có đủ túc số tiểu bang chấp thuận thì tu chính án này sẽ thành một phần của Hiến pháp. Tu chính án này xác nhận quyền công dân của người da đen bằng những lời tuyên bố: “Mọi người sinh ra hay được nhập tịch là công dân Hoa Kỳ…đều là công dân Hoa Kỳ. Đồng thời tu chính án này cũng quy định rằng các viên chức của các chính quyền trước kia đã đứng về phía chính quyền Liên minh chống lại chính quyền Quốc gia thì sẽ không được quyền làm việc tại các công sở cho tới khi nào được Quốc hội miễn xá. Mục đích của tu chính án này là không cho các nhà lãnh đạo của Liên minh cũ được tham dự vào chính quyền, và cũng là để bảo vệ quyền lợi của những người da đen vừa mới được giải phóng.

- Quốc hội thông qua đạo luật tái thiết

Vì chỉ có một tiểu bang trong các tiểu bang Liên minh- Tennessee – chấp thuận tu chính án thứ 14, cho nên Quốc hội quyết định dùng biện pháp mạnh, bằng cách cho thông qua đạo luật tái thiết 1867. theo đạo luật này thì chính quyền của 10 tiểu bang không chấp nhận tu chính án thứ 14 bị dẹp bỏ, và các tiểu bang này sẽ bị chia ra thành những khu quân sự, mỗi khu được đặt dưới quyền cai trị của một chính quyền quân sự. Trong khi chờ đợi thành lập chính quyền thân hữu với Quốc hội, quân đội Liên bang sẽ đảm nhiệm công việc duy trì trật tự. Quốc hội cũng quyết định rằng những người da trắng ở miền Nam trước kia đã chiến đấu chống lại đất nước sẽ không được đi bầu. Tuy nhiên, dân da đen sẽ được bảo đảm quyền đi bầu và quyền được làm việc tại các cơ quan công quyền. Chỉ khi nào các tiểu bang đã ly khai trước kia thỏa mãn những điều kiện dưới đây thì mới được thâu nhận lại vào Cộng đồng Quốc gia. Những điều kiện đó là:

1. Hiến pháp mới của các tiểu bang này phải được Quốc hội chấp thuận.

2. Chính quyền mới của các tiểu bang này phải chấp thuận tu chính án thứ 14.

- Ban hành tu chính án thứ 15

Đồng thời, Quốc hội cũng cho thông qua tu chính án thứ 15 với mục đích là bảo vệ dân da đen được hữu hiệu hơn. Tu chính án thứ 15 định rằng không có công dân nào lại không được đi bầu chỉ vì khác biệt chủng tộc, khác biệt màu da hay vì đã một lần họ đã là nô lệ.

- Những người phiêu lưu ích kỷ nắm quyền kiểm soát chính quyền các tiểu bang

Nhờ đạo luật tái thiết này mà nhiều người chỉ mới mấy năm trước kia còn là nô lệ mà bây giờ đã có thể đi bầu và làm việc tại các cơ quan công quyền. Trong đám người này có những người không biết đọc, biết viết, và cũng không thể hiểu được các công việc làm của chính quyền. Họ dễ dàng trở thành nạn nhân của bọn người da trắng ích kỷ muốn nắm quyền kiểm soát chính quyền mới ở các tiểu bang miền Nam. Những người da trắng này được người miền Nam gọi là carpetbaggers và scalawags. Những người carpetbaggers là những người ở miền Bắc muốn thi hành những kế hoạch tái thiết của Quốc hội. Nhiều người thấy rằng đây là cơ hội cho họ lợi dụng miền Nam để làm giàu một cách mau chóng. Vì rằng họ hăm hở đi xuống miền Nam và chỉ vội vã gói ghém được ít hành lý trong một cái bị gọi là “carpetbag” cho nên người ta gọi họ là carpetbaggers. Mặt khác scalawags (có nghĩa là tên vô lại) là những người da trắng ở miền Nam đã chủ trương chống lại việc ly khai, hay là những người cho rằng kế hoạch tốt nhất là cộng tác với miền Bắc. Nhiều người carpetbaggers và scalawags thích làm giàu và nắm quyền hành trong tay hơn là muốn tái thiết cho miền Nam.

- Chính quyền carpetbag thực hiện công cuộc tái thiết

Những người carpetbaggers và scalawags đã nắm được quyền điều hành các chính quyền của các tiểu bang như thế nào? họ kết hợp với những người da đen để thành lập đảng Cộng hòa ở miền Nam bằng cách hứa hẹn tiền bạc hoặc quyền hành để cho người da đen bầu họ vào các cơ quan công quyền ở các tiểu bang. Dân da đen, những người scalawags và những người carpetbaggers nắm quyền kiểm soát các cơ quan lập pháp ở các tiểu bang. Chính các chính quyền carpetbaggers thi hành các thi hành các điều khoản của các đạo luật tái thiết. Vào khoảng năm 1870, một lần nữa, hầu hết các tiểu bang miền Nam đã ly khai lại được thâu nhận vào Cộng đồng Quốc gia.

Dưới quyền thao túng của những người carpetbaggers và scalawags, cơ quan lập pháp của các tiểu bang bỏ phiếu chấp thuận những ngân khoản khổng lồ để xây công ốc, trường học, đường xá và các đường xe lửa. Miền Nam đã bị chiến tranh tàn phá nên rất cần phải thiết lập các công trình kiến thiết trên đây, nhưng họ đã tiêu tiền phí tổn một cách điên rồ. Chẳng hạn như việc xây tòa nhà lập pháp cho tiểu bang South Carolina, người ta đã cho dùng những tấm kính nhập cảng từ Pháp với giá 650 Mỹ kim, những chiếc ghế giá tới 60 Mỹ kim, những chiếc đồng hồ giá tới 600, và những cái ống nhổ nhập cảng từ Trung Hoa giá tới 60 Mỹ kim. Cơ quan lập pháp của các tiểu bang của các chính quyền carpetbaggers đã bỏ phiếu đánh thuế nặng để lấy tiền chi tiêu. Gánh nặng thuế khóa này phần lớn giáng lên đầu lên cổ những địa chủ da trắng giàu có ở miền Nam. Nhiều địa chủ đã phải bán đất đai vì không thể trả được thuế.

- Dân da trắng ở miền Nam phản ứng lại

Trước hết, hình như là người da trắng miền Nam không có cách nào để thoát khỏi hay làm nhẹ được gánh nặng của chính quyền tồi tệ như vậy. Hầu hết các lãnh tụ của họ không được phép làm việc tại các cơ quan công quyền. Tuy nhiên, dần dần họ thành lập những hội đoàn bí mật. Tổ chức Ku Klux Klan là một trong những hội đoàn hăng say nhất. Mục đích của tổ chức là để dọa những người da đen khiến cho họ không dám bầu hay ủng hộ chính quyền carpetbag. Hội viên của tổ chức Ku Klux Klan đội mũ trùm đầu và áo dài trắng trông như bóng ma, đi lang thang khắp đồng quê trong giữa đêm khuya và làm đủ mọi cách cho dân da màu khiếp sợ. Và nếu những lời cảnh cáo của họ không đủ để làm cho dân da đen sợ hãi thì họ sẽ dùng bạo lực. Tổ chức Ku Klux Klan đã thành công trong việc đe dọa dân da đen rất nhiều khiến cho Quốc hội phải gửi quân đội Liên bang đến để dẹp tan tổ chức này.

¨ DÂN DA TRẮNG Ở MIỀN NAM TRỞ LẠI NẮM QUYỀN KIỂM SOÁT CHÍNH QUYỀN

- Công cuộc tái thiết chấm dứt ở miền Nam

Dần dần dân da trắng ở miền Nam chiếm lại được nhiều quyền hành. Trong khi còn chiến tranh, có những người chỉ còn là những đứa trẻ con thì bây giờ đã tới tuổi 21. vì rằng những người này trước kia đã không chiến đấu chống lại chính phủ Liên bang nên họ được phép đi bầu và được làm việc trong các cơ quan công quyền. Đồng thời vào năm 1872, Quốc hội lại cho thông qua một đạo luật nhằm phục hồi quyền đi bầu của tất cả mọi người, trừ một thiểu số cựu lãnh tụ của Liên minh miền Nam. Dần dần chính quyền Carpetbaggers cũng chấm dứt, và những người da trắng ở miền Nam lại chiếm được quyền kiểm soát các chính quyền tiểu bang miền Nam. Năm 1877, quân đội Liên bang đồn trú trong tiểu bang chót ở miền Nam được lệnh rút ra khỏi.

Người miền Nam lại cho rằng cần phải ngăn chặn không cho dân da đen đi bầu. Họ tìm cách tránh né tu chính án thứ 15. Họ thông qua nhiều luật lệ đòi hỏi mọi cử tri phải cư ngụ tại một chỗ trong nhiều năm, và phải trả thuế mới được hợp lệ đi bầu. Một vài tiểu bang đòi rằng các cử tri phải biết đọc, biết viết để diễn giảng Hiến pháp liên bang. Tất cả những luật lệ này là nhằm tước đoạt quyền đi bầu của những người da đen.

- Miền Nam trở thành địa phương nòng cốt ủng hộ đảng Dân chủ

Dân chúng miền Nam cho rằng khó có thể tha thứ cho Quốc hội được về việc bắt họ phải chịu đựng cơ cực khổ nhục do chính quyền Carpetbaggers gây nên. Hầu hết những dân biểu quốc hội chủ trương dùng biện pháp mạnh đối với miền Nam là thuộc đảng Cộng hòa. Cho nên dân miền Nam quy trách nhiệm cho đảng Cộng hòa về những xáo trộn khó khăn của họ, và họ trở thành những người nhiệt thành ủng hộ đảng Dân chủ. Trong các cuộc bầu cử, các tiểu bang miền Nam dồn phiếu rất nhiều cho các ứng cử viên của đảng Dân chủ. Khi người ta nói đến “miền Nam vững mạnh” có nghĩa là miền Nam được kể như là chắc chắn sẽ bầu cho đảng Dân chủ. (Tuy nhiên trong những kỳ bầu cử gần đây, việc này không còn xảy ra đúng như vậy nữa).

s “MIỀN NAM MỚI” PHÁT TRIỂN SAU CHIẾN TRANH

Thời gian trôi qua, dần dần dân miền Nam trùng tu sửa chữa những gì đã đổ vỡ do chiến tranh gây nên. Đô thị được tái thiết, đường xe lửa được trùng tu, công việc doanh thương buôn bán được phát triển. Đồng thời, sau chiến tranh, còn có những thay đổi khác ở miền Nam nữa.

- Các đồn điền lớn bắt đầu biến mất

Có một sự thay đổi rõ rệt là sự xóa bỏ hệ thống đồn điền cũ. Các ông chủ các đồn điền rộng lớn không còn có đủ tiền và cũng không có đủ nhân công nô lệ để khai thác đồn điền như hồi trước chiến tranh. Phần vì hầu hết các người nô lệ da đen đã được giải phóng cũng không muốn ở lại làm việc lãnh lương ở các đồn điền nữa. Thật ra là họ muốn khởi lập cuộc đời mới. Vì thiếu nhân công và phải đóng thuế cao, cho nên có nhiều ông chủ buộc lòng phải bán đi phần lớn các ruộng đất. Hầu hết, những ruộng đất được chia cắt ra thành những lô nhỏ vài ba mẫu để bán. Hậu quả là các đồn điền rộng lớn trở thành nhỏ bé đi trong khi số nông trại nho nhỏ rời rạc lại càng tăng lên nhiều.

- Chế độ cho cấy rẽ trở nên thông dụng

Thay vì đem ruộng đất bán đi thì có nhiều ông chủ đồn điền lại cho tá điền mướn đất. Có những tá điền phải trả tiền mướn ruộng đất bằng tiền mặt hay bằng hoa màu tương đương với số tiền mướn. Nhưng cũng có nhiều tá điền là dân da trắng nghèo hay dân da đen chỉ biết đem sức lao động ra làm ruộng chứ không có tiền mua sắm nông cụ cần thiết. Họ trở thành những người lãnh canh hay cấy rẻ. Các ông địa chủ cung cấp cho họ thực phẩm, hạt giống, nông cụ và một căn nhà. Người lãnh canh phải chia cho ông chủ một phần hoa lợi. Tỷ lệ phân chia thay đổi từ 1/3 đến 2/3. Nhiều người lãnh canh chỉ sống nhờ vào phần hoa lợi thôi. Thường thì họ phải mang nợ các ông chủ về các khoản tiền thực phẩm và các đồ dùng.

- Miền Nam trồng thêm nhiều cây mùa mới

Không phải chỉ có đồn điền là biến mất, mà còn có sự thay đổi trong việc trồng cấy các cây mùa nữa. Bông vải vẫn còn là nông sản chính. Người ta vẫn còn tiếp tục trồng thuốc lá, lúa gạo và mía. Vì việc chuyển vận đã được cải thiện cho nông dân thấy rằng họ có thể kiếm được nhiều tiền bằng cách trồng cây ăn trái và các loại cây khác như là các loại rau, nhất là các loại cây này lại thích hợp với khí hậu và đất đai ở miền Nam. Nhiều nông dân ở miền Nam bây giờ còn trồng đậu phộng, hồ đào, các loại cây rau và các loại cây ăn trái như đào, cam, chanh,bưởi và dưa hấu. Nhiều người khác thì lại nuôi bò.

- Kỹ nghệ bắt đầu phát triển ở miền Nam

Trước khi xảy ra chiến tranh thì hầu hết dân miền Nam sinh sống bằng nghề làm ruộng. Sau chiến tranh, nông nghiệp vẫn còn là nghề chính, nhưng người ta bắt đầu thích làm nghề kinh doanh buôn bán và kỹ nghệ. Miền Nam có nhiều tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác. Vì rằng việc sử dụng nô lệ để trồng bông vải hình như có nhiều lợi hơn, cho nên từ trước tới giờ người ta chỉ chú ý đến việc trồng bông vải thôi. Thí đụ như có nhiều khu rừng có thể sản xuất được rất nhiều gỗ. Miền Nam có nhiều mỏ sắt, mỏ than và mỏ dầu rất cần thiết cho kỹ nghệ. Miền Nam lại có bông vải và nhiều nhân công rất thuận lợi cho các nhà máy dệt.

Miền Nam đã được phát triển từ hồi chiến tranh cho nên khác biệt rất xa với “Vùng đất trồng bông”. Ngày nay hệ thống đường xá, đường xe lửa và các đường hàng không tỏa ra bao trùm kín cả miền Nam. Ít nhất có tới 1/3 tổng số sản lượng gỗ tại Hoa Kỳ là do miền Nam sản xuất. Số lớn than đá và sắt đang được khai thác ở vùng này. Birmingham thuộc tiểu bang Alabama trở thành trung tâm sản xuất thép, và đã trở thành cái tên “Pittsburg” của miền Nam. Những giếng dầu và các máy dầu đang hoạt động ở nhiều nơi trong các tiểu bang Texas, Louisiana và Arkansas. Các thị trấn kỹ nghệ được phát triển ở trong vùng này đã lôi cuốn công nhân vào các nhà máy biến chế bông vải, thuốc lá và hạt bông. Các nhà máy kỹ nghệ mới vẫn tiếp tục bành trướng ở miền Nam. Các hải cảng như New Orleans ở Louisiana, Houston và Galveston ở Texas; Mobile ở Alabama và Norfolk ở Virginia là những trung tâm thương mại nhộn nhịp.

Qua ít năm sau, những hận thù do chiến tranh và thời tái thiết gây ra đã mờ dần trong trí nhớ người dân. Dân chúng miền Nam đã chiến đấu cho những gì mà họ cho là phải. Chính nghĩa của họ đã bị đánh bại. Dù cho có những bất công của thời kỳ tái thiết thì dân chúng miền Nam cũng dần dần trở lại trung thành với Cộng đồng đất nước. Đôi khi có những dị biệt, nhưng ngày nay người miền Nam và người miền Bắc - tất cả là người Hoa Kỳ đều đoàn kết và trung thành với đất nước.

*

Chú thích:


[12] Miền Nam đặt tên lại chiếc tàu Virginia là Merrimac.

[13] Bản tuyên ngôn giải phóng nô lệ được ban hành vào thời kỳ chiến tranh dưới thời Tổng thống Lincoln. Bản tuyên ngôn này không áp dụng cho những dân nô lệ ở trong các tiều bang nô lệ không ly khai. Năm 1865, bản tu chính án thứ 13 mới mãi mãi xóa bỏ chế độ nô lệ trong toàn thể lãnh thổ Hoa Kỳ.

 

(xem tiếp : Chương XXI) sẽ đăng sau

Trang Lịch Sử