LỊCH SỬ HOA KỲ

(3 tác giả)

Nguyễn Mạnh Quang dịch

http://sachhiem.net/NMQ/LSHK/LSHK05.php

| bản rời | «  Xem Mục Lục » | 12 tháng 9, 2009

(tiếp theo Chương bốn)

pypypy

CHƯƠNG V

DÂN CHÚNG SINH SỐNG Ở
CÁC THUỘC ĐỊA ANH NHƯ THẾ NÀO?

In Adam’s fall

We sinned all.

Thy life to mend,

This Book attend.

The Cat doth play

And after slay.

A Dog will bite

A Thief at night.

An Eagle’s flight

Is out of sight.

The idle Fool

Is whipt at School.

Bài thơ trên đây trích từ một cuốn sách vỡ lòng ở miền Tân Anh (tạm dịch như sau: "Vì lỗi Adam/ Chúng ta phạm tội/ Đời ngươi phải hối/ Học quyển sách này/ Con mèo chơi dai/ Rồi sau khi giết/ Con chó sẽ xơi/ Ăn trộm ban tối/ Đại bàng đánh trận/ Ở chốn xa xôi/ Trò nào lười biếng/ Vô lớp bị đòn). Nếu các bạn sống ở miền Tân Anh vào thế kỷ XVIII thì có lẽ các bạn cũng đã phải học và đánh vần như sự chỉ dẫn trong cuốn sách vỡ lòng này. Như các bạn đã biết, các sách giáo khoa trong thời thuộc địa không giống như sách giáo khoa của chúng ta ngày nay. Thực ra, đời sống người dân trong thời thuộc địa rất khác với đời sống của chúng ta ngày nay về nhiều phương diện.

Để hiểu rõ đời sống của người dân trong các thuộc địa Anh thì chúng ta cần phải biết những gì? Chắc chắn là chúng ta phải tìm hiểu để biết người dân thời thuộc địa cư ngụ trong những căn nhà như thế nào, họ sinh nhai ra làm sao, họ ăn mặc và ăn uống những loại quần áo và thực phẩm nào. Chúng ta cũng sẽ tìm hiểu về trường học, tôn giáo và những cách giải trí của họ. Chương này cũng nói rõ sự khác biệt về lối sống ở trong các thuộc địa. Khi đọc chương này, chúng ta theo dõi từng phần dưới đây:

1. Dân thuộc địa miền Tân Anh sinh sống ra sao?

2. Đời sống ở các thuộc địa miền Nam như thế nào?

3. Đời sống ở các thuộc địa miền Trung ra sao?

4. Dân chúng miền biên cương sinh hoạt như thế nào?

¨

PHẦN MỘT

DÂN THUỘC ĐỊA MIỀN TÂN ANH SINH SỐNG RA SAO?

Phương cách sinh sống ở nhiều nơi trên địa cầu ngày nay bị chi phối bởi các yếu tố địa lý như là vũ lượng, nhiệt độ, đất đai, mặt đất, v.v…Thí dụ như chúng ta tin rằng người Eskimos ở miền Bắc cực lạnh lẽo sinh sống không giống như những người trong các bộ lạc ở miền Trung phi nóng nực. Tương tự như vậy, lối sinh hoạt của dân chúng trong 13 thuộc địa của Anh cũng khác biệt nhau. Dĩ nhiên là các yếu tố địa lý ở các thuộc địa Anh không đến nỗi quá khác biệt như các miền ở Bắc cực và các miền Trung Phi. Tuy nhiên, những sự khác biệt về địa lý ở đây cũng đủ ảnh hưởng đến đời sống của dân chúng.

- Sự khác biệt về địa lý giữa miền Tân Anh và miền Nam

Nhìn vào bản đồ trang 106b chúng ta sẽ thấy rằng ở phía trong bờ biển Đại Tây dương là một dãy đồi núi chập chùng chạy dài theo hướng Đông Bắc Tây Nam. Càng tiến gần về phía Bắc thì dãy núi này càng nằm gần bờ biển hơn. Như vậy là các thuộc địa miền Nam có nhiều đất đai bằng phẳng để canh tác hơn là ở các thuộc địa miền Bắc. Ở miền Bắc, đất đai có nhiều sỏi đá cho nên nông dân phải canh tác cực nhọc hơn. Mùa Đông ở miền Bắc dài hơn và lạnh lẽo hơn.

Lúc đầu thì việc canh tác đều quan trọng ở khắp các thuộc địa. Tuy nhiên vì sự khác biệt về địa lý, cho nên nông nghiệp ở các thuộc địa miền Nam vẫn còn giữ vai trò quan trọng lâu dài hơn so với các thuộc địa miền Bắc.

Một lần nữa nhìn vào bản đồ ta thấy sông ngòi chằng chịt chạy từ các dãy núi đến bờ biển giống như những sợi chỉ trong một miếng vải. Lúc bấy giờ vì không có đường bộ nào tốt cho nên những sông ngòi này là những đường giao thông trong các thuộc địa. Tại các cửa sông, nhất là ở miền Bắc, thường có những hải cảng tốt. Nhờ các hải cảng này mà việc giao thương và chuyển vận ở miền Bắc trở nên quan trọng.

Ghi nhận những yếu tố địa lý trên đây, ta hãy căn cứ vào đó mà tìm hiểu đời sống người dân trong các thuộc địa Anh, thí dụ như ở miền Tân Anh, rồi so sánh với các thuộc địa khác.

- Dân miền Tân Anh sinh sống bằng nhiều phương cách khác nhau

Mặc dù đất đai khô cằn, sỏi đá và mùa đông giá lạnh, nhiều người dân miền Tân Anh vẫn theo đuổi nghề nông. (Các bạn nên nhớ rằng thời thuộc địa việc chuyển vận thực phẩm đi xa rất là khó khăn, cho nên mỗi miền phải tự trồng trọt, sản xuất nông phẩm để tự túc). Tuy nhiên, cũng có một số người sinh sống bằng nghề chài lưới. Người ta có thể bắt được nhiều cá ở ngoài khơi vùng bờ biển miền Tân Anh đến nỗi họ không thể nào tiêu thụ hết. Cho nên họ phải đóng những tàu thuyền lớn để chuyển vận cá đem đi bán ở các thuộc địa khác hoặc là ở Âu Châu hay ở vùng West Indies (Tây An). Những tàu thuyền này chở cá đi bán, lại chuyên chở những hàng hóa mua được đem về bán. Công cuộc buôn bán này đưa đến việc đòi hỏi người ta phải đóng tàu và chế tạo các đồ trang bị như buồm, giây thừng, cột buồm và neo, và cần phải có những nhà buôn để bán các hàng hóa do các tàu trên đây chuyển vận từ các nơi khác đưa về. Trên đất liền thì cũng có nhiều người khác bắt đầu chế tạo các sản phẩm khác. Như vậy miền Tân Anh đã trở nên một vùng gồm đủ các loại người sinh sống như các ngư phủ, thủy thủ, thương gia, thợ thủ công nghiệp và nông dân.

Nhiều người ở Tân Anh học nghề bằng cách đi tập việc. Người tập việc thường là một cậu con trai đi học nghề với một ông chủ, thí dụ như người thợ làm buồm, người thợ mộc hay thợ rèn – Cậu trai này làm việc cho ông chủ trong nhiều năm và ở ngay trong nhà ông chủ. Trong khi còn học nghề, cậu ta chỉ nhận được một số tiền lương ít ỏi, và khi hoàn thành xong thời gian tập sự, cậu ta sẽ được một số tiền nhỏ và ít quần áo. Bây giờ thì cậu ta đã thạo nghề và có thể làm việc cho chính cậu ta.

­ Nhà cửa ở các thuộc địa miền Tân Anh như thế nào?

Dân miền Tân Anh sống trong các hải cảng và ở trong các làng nhỏ có các nông trại bao quanh. Nhà cửa của họ được xây cất rất đơn sơ, giản dị, nhưng rất vững chắc. Nếu các bạn có dịp đi vào trong những căn nhà này, các bạn sẽ thấy như là đi vào một cái phòng. Một đầu là nhà bếp, vừa là phòng ăn, vừa là phòng khách. Phía bên kia là phòng ngủ, và có thể có một phòng ngủ khác ở trên lầu. Một cái lò sưởi khá lớn có thể chứa được cả những khúc gỗ to đến nỗi phải cần tới hai người khiêng. Họ nấu nướng bằng cách treo cái nồi trên ngọn lửa hay trên đống than. Đồ đạc trong nhà đều đơn giản và thường thì do chính họ làm lấy. Không có nhiều đồ dùng nhà bếp hay chén đĩa.

Thực phẩm ở miền Tân Anh thì rất nhiều và rất ngon. Nhà nào cũng nuôi gia súc để lấy thịt như heo, gà… Thức ăn càng ngày càng có nhiều hơn nhờ thịt rừng do các cậu con trai đi săn bắn mang về. Hầu hết mọi gia đình đều có một mảnh vườn trồng nhiều loại rau để ăn hàng ngày. Dĩ nhiên họ không có tủ lạnh, và đồ ăn không được đóng hộp để dành như chúng ta ngày nay. Dân thuộc địa thời bấy giờ thường muối dưa và phơi khô các loại rau cũng như giữ trái cây trong các bình, lọ bằng đá đậy kín để dùng vào mùa đông.

Quần áo của gia đình cũng do chính họ may lấy. Người ta nuôi cừu sản xuất len, và các bà quay chỉ dệt vải và len. Họ thuộc da để làm giày và yên ngựa hay may quần áo cho đàn ông. Mùa đông, đàn ông mặc quần áo da ống túm và áo choàng dầy. Người nào có tiền thì mua những quần áo đẹp nhập cảng từ Anh để mặc đi lễ ngày chúa nhật. Những loại quần áo này gồm có những đai, viền xếp nếp và thường thì màu sáng chói.

Tại các hải cảng, người ta thường thấy nhà cửa rộng lớn hơn của các thương gia giàu có và các ông chủ tàu. Những gia đình này có những đồ đạc rất đẹp và đắt giá do những thợ tài ba sản xuất. Bếp chỉ dành cho việc nấu nướng. Và gia đình sống trong các phòng khách rộng rãi và đầy đủ tiện nghi. Chúng ta nên nhớ rằng thời bấy giờ nhà cửa ở các thuộc địa đều thiếu tiện nghi mà ngày nay chúng ta coi đó là tự nhiên phải có. Họ không có hơi đốt, điện, và cũng không có nhà tắm, nước máy, điện thoại, màn cửa cũng như thảm lót nhà…

- Tín ngưỡng ở miền Tân Anh thời thuộc địa rất quan trọng

Vì dân miền Tân Anh là những người mộ đạo nên tại trung tâm của mỗi làng ở miền này đều có một ngôi nhà thờ. Đa số là các tín đồ Thanh giáo. Họ là những người có lương tâm và tin rằng phải sống cho có nhân có nghĩa, rằng Thượng đế rất công bằng. Người sẽ trừng phạt những kẻ bất lương. Đối với người Thanh giáo thì cái gì cũng tội lỗi. Mọi người phải sống cho có đạo đức, mực thước. Họ không chấp nhận những trò giải trí nhộn như khiêu vũ, đánh bài, và những thú vui tiêu khiển hung bạo. Đối với họ nhà thờ là trung tâm của đời sống xã hội, và những ngày chủ nhật, ngoài giờ lễ ra mọi người vui họp bạn bè và nghe tin tức. Các vị mục sư Thanh giáo phải là những người nghiêm trang biết sợ Thượng đế, phải là những người có nhiều ảnh hưởng, và dân chúng thường đến tham vấn các vị này khi có việc gì cần đến.

Có lẽ bạn chưa có dịp tham dự ngày chủ nhật hay những ngày lễ của những người Thanh giáo. Trong nhà thờ không có lò sưởi, ghế ngồi thì thô, nhám kệch cợm không thoải mái. Một bên dành cho đàn ông, con trai ngồi, và một bên dành cho các bà và chị em phụ nữ. Thường thường các cậu con trai ngồi với nhau ngoài hành lang. Nếu ai ồn ào sẽ bị phạt ngay trong nhà thờ trước mặt mọi người. Luật bắt mọi người phải đi nhà thờ. Sáng cũng như chiều mọi người đều phải nghe những bài thuyết giảng dài lòng thòng. Chỉ đọc kinh thôi cũng thường kéo dài đến 45 phút. Thời gian còn lại trong ngày không ai có thể làm việc hay giải trí cho riêng mình bằng bất cứ cách nào. Thật ra mọi người đều phải đọc kinh thánh và suy ngẫm về tôn giáo. Dù rằng chúng ta không muốn sống như người Thanh giáo nhưng chúng ta không thể nào không khâm phục họ được. Dù khó khăn thế nào đi nữa thì họ cũng sống theo lối sống mà họ cho là phải.

Dĩ nhiên không phải tất cả những người dân ở miền Tân Anh đều là Thanh giáo. Trong chương IV các bạn đã biết rõ ông Roger Williams đã thành lập thuộc địa Rhodes Island như thế nào. Thuộc địa này được mở rộng cho những người thuộc các tôn giáo khác nhau đến định cư. Luật lệ về ngày chủ nhật ở Rhodes Island ít nghiêm khắc hơn như là ở Massachusetts của người Thanh giáo.

- Sự trừng phạt ở miền Tân Anh vào thời thuộc địa rất nghiêm khắc

Người Thanh giáo cố làm cho người dân thuộc địa sống đời đạo đức bằng cách thông qua nhiều đạo luật khắt khe. Họ hy vọng mọi người đều tôn trọng các luật lệ này. Nếu ai vi phạm các luật lệ này thì có thể bị trừng phạt bằng những phương cách mà ngày nay chúng ta cho rằng rất là tàn ác. Có 15 tội hình có thể bị xử tử. Cũng có những hình phạt nặng nề dành cho những tội phạm ít trầm trọng hơn. Tội chửi thề có thể bị đâm bằng một thanh sắt nóng qua lưỡi. Tội say sưa phải mang một chữ D to tướng quanh cổ cho tất cả mọi người có thể thấy.

Một vài loại hình phạt khác được áp dụng rộng rãi ở thời kỳ thuộc địa. Ai nói dối phải ngồi trong một cái cây gọi là “cùm” (stocks) tay chân đều bị cột vào đó. Hoặc là tội nhân phải đứng trên một cái bục mà đầu và tay đều bị khóa vào một miếng ván gọi là “gông” (pillory). Lại còn có một cái trụ roi da nữa, nơi mà tội nhân bị đánh vào lưng trần với một số roi ấn định. Đàn ông hay đàn bà đều bị kết án với hình phạt ngồi ghế dìm (ducking stool) thì bị cột vào một cái ghế đặt ở cuối một cây sào dài rồi bị dìm vào hồ nước. “Cùm”, “gông” và “trụ roi da” thường đặt trước nhà thờ nơi mà những người đi lại có thể chế nhạo hay ném bất cứ thứ gì vào tội nhân bất hạnh.ư

Dĩ nhiên chúng ta cũng cần nhớ rằng các hình phạt này cũng thông dụng ở Anh quốc vào thời bấy giờ. Vì thế cho nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ta thấy những người Thanh giáo nghiêm khắc này tin tưởng rằng những hình phạt khắt khe trên đây là cách duy nhất để giữ cho người dân khỏi vi phạm luật lệ.

- Người dân miền Tân Anh tin tưởng ở giáo dục

Vì việc đọc thánh kinh rất quan trọng cho mọi tín hữu Thanh giáo nên số trẻ em ở miền Tân Anh đi học nhiều hơn các nơi khác. Thật ra vào đầu năm 1647, ở Massachusetts đã thông qua một đạo luật bắt buộc các làng nếu có đủ một số gia đình ấn định thì phải có một trường cho trẻ em đi học. Bấy giờ người ta chỉ dạy đọc, viết và số học. Trẻ em thời đó không học nhiều như các em ở các lớp tiểu học ngày nay, nhưng chúng hiểu tường tận những gì chúng được dạy. Sách “Hornbook” dạy các mẫu tự a, b, c… Hornbook là một cái khung bằng cây giữ các tờ giấy bài học được bao bằng bìa trong suốt. Sách giáo khoa thì khó hiểu và tẻ nhạt. Các sách như vỡ lòng đã nói ở trang 105 có dạy về tôn giáo và cách cư xử kèm theo bài học. Thầy giáo rất nghiêm khắc. Cậu học trò nào vô lễ sẽ bị đánh đòn ngay tức khắc.

Trong các cộng đồng rộng lớn hơn, có vài trường cao cấp hơn gọi là trường dạy tiếng Latin (Latin grammar school). Năm 1636, tức là chỉ có 6 năm sau khi Massachusetts được thành lập, thuộc địa này đã có trường đại học. Một vị mục sư tên là John Harvard đã tặng hết các sách của ông và một nửa số tiền của ông để khởi lập trường đại học này. Đại học Harvard là đại học lâu nhất ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong những lúc đầu, quan niệm về đại học không giống như quan niệm của chúng ta ngày nay, vì mục đích chính của trường là đào tạo thanh niên trở thành những mục sư.

- Số lượng sách báo gia tăng đồng thời với sự phát triển của miền Tân Anh

Ở những nơi mới định cư, mỗi người đều phải làm cực nhọc để mưu sinh. Họ chỉ có ít thời giờ nhàn rỗi để đọc sách. Vì thế nên không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy dân thuộc địa trong bao nhiêu năm mà chỉ có thể có số ít sách báo và tạp chí. Nhưng sau năm 1700, sự làm ăn cực nhọc khó khăn nhất không còn nữa, và sách, báo, tạp chí càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Vì dân miền Tân Anh rất chú ý đến đạo giáo cho nên một vài cuốn sách lúc đầu là những sách thuyết giáo và các sách bàn về vấn đề tôn giáo. Niên giám là một hình thức tài liệu đọc phổ thông đặc biệt, trong đó dân chúng có thể đọc những tin tức hữu ích về mùa màng, thời tiết, v.v.. Niên lịch hay niên giám thường chỉ là tài liệu đọc ở các quận thuộc đồng quê. Càng ngày dân chúng càng thích đọc lịch sử vào buổi khởi lập của thuộc địa. Khi các thuộc địa càng trở nên rộng lớn hơn, dân chúng lại càng đọc báo chí nhiều để hiểu biết những gì đang xảy ra ở ngoài nơi cư ngụ của họ. Tuy nhiên, báo chí thời thuộc địa rất khác với báo chí thời nay. Tờ báo lúc bấy giờ rất nhỏ và chỉ phát hành một tuần một lần thôi. Tin tức thường được loan chậm trễ nhiều ngày có khi tới hàng vài tuần.

Lối sống ở miền Tân Anh khác hẳn với lối sống ở các thuộc địa khác. Chúng ta đã biết đời sống ở miền Tân Anh, vì vậy chúng ta có thể so sánh đời sống ở miền này với đời sống ở các vùng khác.

¨

PHẦN HAI

KHÍ HẬU VÀ ĐẤT ĐAI Ở MIỀN NAM THUẬN LỢI
CHO VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC ĐỒN ĐIỀN

- Đời sống ở miền Nam khác hẳn với đời sống ở miền Tân Anh

Toàn bộ miền Nam hiện lên khác hẳn. Đồng ruộng bát ngát dọc theo bờ biển miền Nam không còn có những nông trại và những làng quê như những vùng quê đồi núi trập trùng như ở miền Tân Anh. Thực ra các nông trại rộng lớn mênh mông gọi là đồn điền phủ kín cả các vùng đồng bằng phì nhiêu. Cho nên các thuộc địa miền Nam thường gọi là “ Các thuộc địa đồn điền”.

Dân định cư ở miền Nam không gặp phải khí hậu gay gắt và đất đai cằn cỗi bất thuận lợi cho việc canh tác như ở miền Tân Anh. Đất đai ở miền Nam phì nhiêu rất thuận lợi cho việc trồng mùa. Thuốc lá được trồng ở đây trước nhất và là nông phẩm quan trọng nhất. Sau này người ta trồng lúa gạo và cây chàm (dùng để nhuộm) ở các thuộc địa miền cực Nam. Các nông phẩm này được bán giá cao cho nên các nhà trồng tỉa muốn khai thác được càng nhiều càng tốt. Vì việc canh tác các loại cây trên đây đã làm cho đất đai mau kiệt quệ, cho nên họ thường để đất hưu canh mỗi năm để cho đất phục hồi màu mỡ. Vì những lý do trên đây mà các nhà điền chủ càng ngày càng có khuynh hướng mua thêm nhiều đất đai. Theo chiều hướng này mà các đồn điền lớn được phát triển.

- Các đồn điền cần nhiều nhân công

Các đồn điền rộng lớn có khi tới hàng trăm hàng ngàn mẫu, cho nên không có nhà điền chủ nào có thể tự mình canh tác được. Họ cần phải có nhân công để giúp việc. Một mặt họ mướn người da trắng nghèo khó ở Âu châu do các công ty mậu dịch tài trợ chuyên chở sang Tân thế giới. Như chúng ta đã biết, những người công nhân da trắng có ký giao kèo này (indentured servants) là những người nghèo ở Âu Châu cam kết sẽ làm cho bất kỳ ông chủ nào ở Châu Mỹ trả tiền phí tổn cho họ vượt Đại tây dương đi Tân thế giới. Mặt khác các ông chủ đồn điền tìm kiếm nhân công bằng cách mua những người nô lệ da đen. Người nô lệ trọn đời thuộc quyền ông chủ và hoàn toàn bị kiểm soát. Thường thường thì các ông chủ thích các nô lệ da đen hơn các công nhân da trắng, vì các công nhân da trắng chỉ làm việc cho họ một vài năm rồi sẽ được tự do. Vì thế nên nô lệ đã lan tràn khắp nơi ở miền Nam, nhất là vào thời kỳ sau năm 1700.

Cung ứng cho nhu cầu của một số đông đảo nhân công trong đồn điền rộng lớn là một công việc phải được xếp đặt. Nhiều người được huấn luyện thành những công nhân cần thiết cho nhu cầu. Chúng ta hãy theo dõi đoạn văn dưới đây do chính người con của một vị chủ đồn điền viết:

“Trong đám nô lệ của cha tôi có những người thợ mộc, thợ đóng thùng, thợ cưa, thợ rèn, thợ nhuộm da, thợ thuộc da, thợ đóng giày, thợ quay sợi, thợ dệt vải, thợ đan, v.v....Những người thợ mộc và thợ cưa thì lo việc xây nhà xây cửa, kho chứa, các chuồng gia súc, cày, bừa, cống v.v... Thợ đóng thùng thì làm những thùng lớn để chứa thuốc lá... Thợ thuộc da và thợ nhuộm thì thuộc và sửa các da sống... cho con số tiêu thụ lớn lao của đồn điền, và cho những người thợ đóng giày dùng để đóng giày cho nô lệ da đen... Thợ rèn thì chế tạo và sửa tất cả các đồ nguội (đồ sắt), cần dùng cho đồn điền như cày, bừa, dây xích, răng bừa, đinh chốt, v.v...Thợ quay sợi, thợ dệt vải và thợ đan thì lo dệt may những vải thô và bít tất cho người da đen dùng và những đồ khá hơn cho các gia đình người da trắng....

Ba tôi không giữ một người nào để làm quản lý hay thư ký cho chính ông. Ông lo giữ gìn sổ sách của ông, và trong việc điều hành ngôi nhà nói trên với sự trợ giúp của một vài người nô lệ thân tín hoặc đôi khi một vài người con của ông. Mọi việc điều hành trong nhà đại khái là như vậy...”

Dĩ nhiên, không phải tất cả các đồn điền đều rộng lớn như vậy, và còn có nhiều nông trại nhỏ ở miền Nam. Chính vì vậy mà lối sống ở miền Nam rất khác biệt với miền Tân Anh.

- Thương mại bành trướng và phát triển ở miền Nam

Các nhà trồng tỉa ở miền Nam thấy rằng việc trồng thuốc lá và các nông phẩm khác rất dễ bán cho người Anh quốc và rất có lời. Nhờ những tiền lời này họ có thể mua ở Anh những đồ dùng cá nhân như các đồ đạc và quần áo đẹp. Theo chiều hướng này, nền giao thương trở nên thịnh vượng giữa các chủ đồn điền ở thuộc địa và các thương gia ở Anh quốc. Các hải cảng như Charleston, South Carolina, Savanah và Georgia trở thành các trung tâm thương mại.

- Đời sống ở các đồn điền miền Nam không giống như ở miền Tân Anh

Thay vì quây quần với nhau trong làng như những người ở thuộc địa miền Tân Anh, những người giàu có ở thuộc địa miền Nam sống riêng ở các đồn điền xa xôi của họ. Vị trí thuận lợi nhất của các đồn điền là ở gần bờ sông, nơi mà tàu bè có thể ghé vào để bốc thuốc lá lên tàu. Ngôi nhà của chủ đồn điền được xây ở gần bờ sông, thường là nhà rộng rãi và đắt tiền. Nhà bếp thường được cất riêng để mùa hè không bị hơi nóng làm khó chịu. Các túp lều của tôi tớ hay nô lệ ở cách đó một khoảng trống. Chủ đồn điền thường cưỡi ngựa đi dọc theo ven sông để cai quản công việc.

Chủ đồn điền và toàn thể gia đình đều sống đời sung túc. Thời giờ nhàn tản của họ dùng để đi thăm viếng và giải trí, hoặc săn bắn, hoặc cưỡi ngựa và chơi các môn thể thao. Nhà họ lúc nào cũng rộn tiếng cười của bạn bè hoặc thân nhân. Đi ăn tiệc, đàn ông thì mặc áo choàng nhung, quần ngắn đến đầu gối bằng nhung hay sa tanh, mang vớ dài bằng lụa, đôi giày có các khóa rộng bằng bạc. Đàn bà thì lại còn chưng diện sang trọng hơn nữa. Các bà mặc áo lụa hoa, đi giày gót cao bọc sa tanh. Đời sống đầy đủ và cách ăn mặc theo thời trang của người miền Nam thật là trái ngược với đời sống khắc khổ và cách ăn mặc lam lũ đơn giản của người Thanh giáo miền Tân Anh.

- Miền Nam còn khác hẳn với miền Tân Anh về các vấn đề giáo dục và tôn giáo

Bạn có thể nhận thấy sự khác biệt về giáo dục và tôn giáo nữa ở các thuộc địa miền Nam và miền Bắc. Mỗi làng gọn ghẽ ở miền Tân Anh đều có thể có một trường riêng, nhưng ở các đồn điền thênh thang ở miền Nam trẻ con ở phân tán rải rác nên chỉ được dạy tại nhà. Hay trong vài trường hợp lẻ tẻ, các thầy giáo từ Anh quốc đến dạy trẻ em tại các đồn điền. Con trai của các chủ đồn điền giàu có được cho học đại học ở bên Anh. Tuy nhiên, những người khác thì đi học ở đại học Williams và đại học Mary ở Virginia. Đây là trường đại học thứ nhì được thành lập ở các thuộc địa Anh. Vì đời sống nhộn nhịp, các nhà địa chủ ở miền Nam ít thích đọc sách hơn những người ở Tân Anh. Không có một cố gắng đáng kể nào để giúp cho việc giáo dục các trẻ con của những người nô lệ và của các công nhân.

Cũng như sự khác biệt giữa vấn đề giáo dục của hai miền, tôn giáo cũng khác nhau… Hầu hết những người ở miền Nam đều thuộc giáo hội Anh hơn là thuộc giáo hội Thanh giáo khắc khổ ở Massachusetts. Mặc dù những người miền Nam đều đi lễ ngày chúa nhật, tôn giáo vẫn không ảnh hưởng đến đời sống của họ như đã ảnh hưởng đến những người ở Tân Anh. Cũng không có những mục sư đầy uy tín như ở Tân Anh. Những hình phạt cũng nghiêm khắc, nhưng dân chúng chưa hề bị phạt vì những tội lầm lẫn nhỏ nhặt.

¨

PHẦN BA

ĐỜI SỐNG Ở CÁC THUỘC ĐỊA MIỀN TRUNG NHƯ THẾ NÀO?

Các thuộc địa miền Trung nằm giữa miền Tân Anh và miền Nam. Miền này không giống hẳn miền nào trên đây. Không những miền Trung nằm giữa hai miền Bắc và Nam, mà đời sống ở miền Trung có nhiều điểm giống cả hai miền.

Thí dụ như đất đai và khí hậu ở các thuộc địa miền Trung phì nhiêu và thuận lợi cho việc canh tác hơn ở miền Tân Anh nhưng không hoàn toàn tốt và thuận lợi bằng đất đai và khí hậu ở các thuộc địa miền Nam. Về phương diện kỹ nghệ và thương mại, các thuộc địa miền Trung được xếp hàng thứ nhì sau Tân Anh. Công việc mậu dịch buôn bán được xúc tiến tại hai hải cảng lớn: hải cảng New York nằm ngay ở cửa sông Hudson, và hải cảng Philadelphia ở gần cửa sông Delaware.

Các thuộc địa miền Trung còn là một sự pha trộn của hai miền Tân Anh và miền Nam về nhiều phương diện khác. Ở đây không những có đồn điền rộng lớn như ở miền Nam mà còn có những nông trại nhỏ và các làng quê giống như ở Tân Anh. Thay vì chỉ có một tôn giáo như người Thanh giáo ở Massachusetts, các thuộc địa miền Trung có những người Quakers, người công giáo và những người thuộc các tôn giáo khác. Thực ra ở vùng này tư tưởng tự do tôn giáo đã được minh xác ngay từ lúc đầu ở Pennsylvania, nơi mà những người theo đạo Thiên Chúa được tự do định cư lập nghiệp. Các thuộc địa ở miền Trung có nhiều trường học hơn ở miền Nam nhưng không nhiều bằng ở miền Tân Anh. Ngay chính những người dân cũng mang tính chất pha trộn hơn bất kỳ nơi nào. Những người đến các thuộc địa miền Trung định cư lập nghiệp là những người thuộc nhiều quốc gia khác nhau ở Âu Châu. Ở đây có hàng ngàn người Đức và Tô Cách Lan (đã sống ở Ái Nhĩ Lan một thời gian). Dĩ nhiên cũng có hàng ngàn người Pháp, Ái Nhĩ Lan, Tô Cách Lan, Thụy Điển và người Hòa Lan như các bạn đã thấy. Các thuộc địa miền Trung đã được đặt tên theo đúng ý nghĩa của nó.

¨

PHẦN BỐN

ĐỜI SỐNG DÂN CHÚNG Ở MIỀN BIÊN CƯƠNG RA SAO?

Cho tới đây, chúng ta đã đọc qua về đời sống thuộc địa ở các miền định cư lâu đời và được định cư yên ổn hơn, đó là những miền dọc theo bờ biển Đại tây dương. Về hướng Tây, có một miền khác gọi là biên thùy ở về phía Tây sau lưng các thuộc địa trên. Nếu chúng ta muốn có một bức tranh trung thực về đời sống các thuộc địa Anh quốc vào thế kỷ thứ 18, chúng ta cũng nên biết rõ về miền Tây này.

- Tại sao dân chúng di chuyển về miền biên cương?

Miền biên cương là một miền ven biển xa các làng định cư nhất, nơi đó toàn là người da trắng sinh sống. Rừng rú ở miền Tây chứa đầy cạm bẫy của thần chết. Người ta phải làm lụng vất vả mới có ăn và nơi trú ngụ. Thế thì tại sao cả đàn ông lẫn đàn bà lại dám lìa bỏ các cộng đồng định cư an toàn của họ để đến sống trong cảnh hoang dã như vậy?

Đây là một vài nguyên do:

1. Như chúng ta biết, lúc nào cũng có những người thích phiêu lưu. Vùng biên cương đã lôi cuốn những người này, mặc dù họ phải đương đầu với bao nhiêu nguy hiểm khó khăn.

2. Có những người khác không thích những cộng đồng định cư, nơi mà suốt quanh năm ngày tháng họ phải nghe người ta bảo phải nên làm những gì và tránh những gì. Những người này mong mỏi được sống một mình nơi hoang dã. Họ tin vào trí thông minh của chính họ và bất chấp các luật lệ nhà nước. Họ đi về miền Tây để được tự do sống theo ý họ.

3. Tại các dòng sông, dòng suối và trong rừng rậm ở miền Tây có những thú vật có những bộ lông có thể bán được giá cao ở miền Đông. Vì thế nhiều người khác di chuyển về phía Tây để bắt thú bán lông.

4. Lại có những người khác di chuyển về miền biên thùy vì đất đai ở đây rất rẻ. Đất rẻ là yếu tố hấp dẫn những người không đủ tiền mua đất gần nhà cũ của họ ở duyên hải Đại Tây dương. Thí dụ những công nhân khế ước da trắng thường đi về vùng biên cương để lập cuộc đời mới khi mãn hạn phục vụ chủ nhân.

5. Sau cùng, nhiều người Âu Châu không hài lòng với cuộc sống nên đã lên đường thẳng tiến tới miền biên cương để tự do sống và thờ phượng theo ý mình. Với những trường hợp riêng, rất đông người Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan đã băng qua các thuộc địa miền Trung để tới miền biên cương lập nghiệp.

- Những người khai phá đã tiến về phía Tây bằng cách nào

Khi những người khai phá tiến về phía Tây thì họ đi theo con đường dễ nhất để tiến sâu vào nội địa. Họ cố tìm những con đường không có dốc (Luật lệ rừng xanh ngày xưa là không bao giờ vượt qua cái gì nếu có thể đi vòng quanh được, và đừng dẫm lên cái gì nếu có thể bước qua được). Sông ngòi vẫn là những thông lộ tốt hơn hết. Dân đi định cư lập nghiệp có thể dùng bè hay tàu thuyền đi trên sông thì tốt hơn là phải tìm đường đi xuyên qua rừng rú. Thứ nữa là người ta thường đi qua các thung lũng và các vùng lòng chảo giữa các ngọn đồi. Bản đồ trong trang 106b cho ta biết rõ những con đường chính mà dân đi khai phá thường dùng để tiến sâu vào nội địa.

Một số người lại đi ngược dòng sông Connecticut. Nhiều người khác lại đi ngược dòng sông Hudson để tiến vào sông Mohawk rồi ngược dòng sông này đi về hướng Tây. Nhóm khác thì lại đi theo sông Susquehanna. Nhóm khác nữa thì lại ngược dòng sông Potomac để đi vào sông Shenandoah. Họ tiến vào thung lũng Virginia nằm giữa hai dãy núi Blue Ridge ở phía Đông và Allegheny ở phía Tây. Vào năm 1760, tất cả các đất đai dọc theo các giang lộ này đã hoàn toàn được chiếm cứ (xem bản đồ trang 106b).

Trước khi cách mạng Hoa Kỳ bùng nổ vào năm 1775, dân định cư đã bắt đầu tiến qua các vùng đèo nằm trong dãy núi Allegheny tới vùng sườn núi thoai thoải và tiến tới tận sông Mississippi. Họ đi từng nhóm, khi dùng đường sông, khi dùng đường bộ. Họ đi bộ và đi ngựa. Các đồ gia dụng được gói bằng các bao da và được mang trên lưng ngựa. Khi họ tới nơi nào họ muốn lập nghiệp thì họ dừng lại. Người định cư càng tiến dần về phía Tây thì đường biên giới của các làng định cư cũng tiến dần về phía Tây.

­- Đời sống đầy nguy hiểm ở vùng biên cương

Dân định cư phải đương đầu với không biết bao nhiêu là hiểm nguy. Vì một phần họ ở rất gần lãnh địa của người Pháp ở Gia Nã Đại và thung lũng sông Ohio. Nếu chiến tranh bùng nổ (với người Pháp) thì họ sẽ là người đầu tiên bị tấn công. Mối nguy hiểm khác nữa là những người da đỏ. Người da đỏ thù ghét người da trắng vì đã đốn cây rừng và giết hại thú rừng của họ. Bất kỳ lúc nào người da đỏ cũng có thể tấn công bất ngờ vào các làng định cư lẻ loi, cho nên dân định cư phải luôn luôn canh chừng bọn người man rợ tiến vào làng.

Để tự phòng chống lại những nguy hiểm thường trực trên đây, dân định cư thường phải xây các công sự tăng cường phòng thủ làng xóm. Họ trồng những khúc gỗ đẽo nhọn để làm hàng rào gọi là Stockade. Tại mỗi góc của hàng rào (Stockade) họ xây một cái chòi hai tầng gọi là Blockhouse (lô cốt) để canh chừng lúc bình yên, và chiến đấu khi có chiến tranh. Họ phải tích trữ lương thực, nước uống và đạn dược trong hàng rào để sử dụng vào khi có người da đỏ tấn công. Dân định cư dũng cảm phải thiết lập các chòi canh, khai hoang các vườn ruộng ở ngoài hàng rào, và khi người da đỏ hiếu chiến tới gần thì ẩn náu ở bên trong.

Khi không có chiến tranh với người da đỏ thì các làng định cư được dùng như là một thương điếm, nơi mà người da trắng đổi chác hàng hóa với người da đỏ để lấy da thú. Tuy nhiên, có một số người da trắng thích tự đánh bẫy bắt thú rừng hơn là mua da thú của người da đỏ. Những người này thường luôn luôn vắng mặt ở làng định cư, và đối với họ làng định cư chỉ là một cơ sở hành dinh, một nơi để mua những gì họ cần và bán những da thú mà họ bẫy được.

- Nhà cửa và đồ đạc trong nhà của người dân miền biên cương

Dân đi khai phá phải sống ở nơi hoang dã xa nơi làng định cư cũ. Họ phải chế tạo và trồng trọt tất cả những gì họ cần dùng. Nhà ở của họ thường là nhỏ bé, có lẽ chỉ rộng chừng mười hai bộ, và mười bốn bộ chiều dài, và được làm bằng những khúc gỗ mà đường kính chỉ lớn hơn một bộ hay hơn được gắn vừa khít với nhau ở các góc. Khe hở giữa các khúc gỗ thì được trét bằng đất sét dẻo. Mái nhà thì được lợp bằng những tấm ván dài. Cửa thì gồm những tấm gỗ lớn tách ra làm hai gọi là puncheon. Mặt cong của các tấm gỗ này thì quay ra ngoài, tức là mặt ngoài của cửa. Mặt phẳng quay vào bên trong và phía bên trong thì có cây xà vững chắc đóng chéo ngang. Người ta cắt bỏ một hay hai khúc gỗ để làm cửa sổ. Chiếc lò sưởi to lớn chiếm gần hết một đầu nhà. Xuyên qua bên trong ống khói có buộc một cái sào móc sợi dây xích để treo nồi nấu.

Hầu hết các đồ đạc trong nhà là do chính họ chế tạo lấy. Vì đồ đạc quá nặng nên mỗi khi di chuyển họ không thể mang theo được. Giường ngủ thì được làm bằng cây dương đào, lạch giường thì dùng các vỏ cây du hay những mảnh cây hồ đào kết lại. Người ta làm ghế đẩu bằng cách gắn ba chân vào một mảnh gỗ cưa đôi. Cái chân ghế thì được cố ý làm cho hơi khác nhau một chút để có thể thích hợp với nền nhà không bằng phẳng. Bàn thì được làm bằng nhiều mảnh gỗ cưa đôi. Các chân thì được lắp vào phía mặt cong và nhám, như vậy thì mặt bằng phẳng được dùng làm mặt bàn. Họ làm tủ chén bằng cách đóng ghép những thanh gỗ dựa vào tường nhà.

- Thực phẩm và quần áo của người biên cương thì thanh đạm và đơn giản

Ở nơi hoang dã rừng rú có đầy thú rừng để cho dân ở đây có thể săn bắn dùng làm thực phẩm. Không thiếu gì rùa, cá ở các sông ngòi và chim muông ở đó đây. Sau khi đã khai hoang các khu rừng, họ có thể trồng bắp và lúa mì. Họ cũng có thể nuôi một con bò, vài con heo. Vào thế kỷ thứ XVIII, một số nông dân ở miền biên cương bắt đầu nuôi gia súc. Giống như các đồ đạc trong nhà, quần áo của họ đều do chính họ may lấy và thường là được may bằng da thú. Người ta may áo bằng da dê và mũ bằng da gấu. Đó là dấu hiệu của người ngoài biên cương. Đôi khi họ mặc áo bằng vải do gia đình dệt lấy, và các bà vợ cũng thường ăn mặc như vậy.

۞

Các đoạn văn trên đây đã cho các bạn thấy rằng lối sống ở nhiều nơi trong các thuộc địa khác hẳn nhau. Sự khác biệt này càng rõ rệt, vì người dân ở vùng này không có cùng hoạt động với người dân ở vùng khác. Sự đi lại rất khó khăn nên nhiều người từ khi sinh ra đời cho đến lúc chết không đi ra khỏi ngoài thuộc địa của mình. Người dân thuộc địa tự coi mình là người Virginia, người Pennsylvania hay là người New York hơn là họ tự coi họ là người Mỹ. Các tổ chức chính quyền rất giống nhau. Hầu hết người dân thời thuộc địa đều nói được tiếng Anh, và vì việc nói cùng một ngôn ngữ khiến họ dễ dàng kết hợp lại với nhau. Những điều làm cho các thuộc địa Anh liên kết chặt chẽ hơn cả là vì họ có những vấn đề giống nhau cần phải giải quyết. Đó là nhu cầu mưu sinh ở một nơi xa xăm cách Âu châu hàng ba ngàn dặm... là phải đốn cây phá rừng, trồng trọt và phải đương đầu với người da đỏ. Chính vì có những công việc giống nhau như vậy và vì phải giải quyết những vấn đề chung mà cả 13 thuộc địa sau này đã có thể thống nhất thành một quốc gia.

 

(còn tiếp : Chương VI)

 

Trang Lịch Sử