KHI NHÀ VĂN LẠM BÀN LỊCH SỬ

- Nguyễn Mạnh Quang -

http://sachhiem.net/NMQ/KNV/PhulucII.php

10-07-2008

Toàn tập: 0  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14

 



PHẦN III

PHỤ LỤC 2

MỘT SỐ NHỮNG SAI LẦM TRONG CUỐN VIỆT NAM 1945-1995 CỦA TÁC GIẢ LÊ XUÂN KHOA

 

Đây không phải là một bài điểm sách. Chủ điểm của bài viết này là chỉ nêu lên trước công luận “một số những sai lầm” của tác giả Lê Xuân Khoa trong cuốn Việt Nam 1945-1995. Hy vọng rằng tác giả và quý độc giả cao minh lên tiếng để cho mọi người trong nước cũng như ở hải ngoại cùng nhận ra những điều người viết cho là “sai lầm” trong tác phẩm của ông. Cũng có thể những sai lầm này là có chủ tâm để “bưng bít và bóp méo sự thật lịch sử”)

Bản Việt Nam 1945-1995 Tập I của tác giả Lê Xuân Khoa được sử dụng trong bài viết này do nhà xuất bản Tiên Rồng phát hành vào năm 2004 (Không đề giá tiền). Sách dầy 568 trang, được chia ra làm 3 phần và Lời Kết:

 

Phần I: Những Nguyên Nhân Gốc của Tị Nạn. (Từ Chương 1 đến Chương 3)

Phần II: Chiến Tranh Chống Pháp và Tị Nạn 1954. (Từ Chương 4 đến Chương 9)

Phần III: Nội Chiến hay Chiến Tranh Ủy Nhiệm? (Từ Chương 7 đến Chương 10)

Ngòai 3 phần trên đây và lời kết, còn có các bản Phụ Lục A, B, C, D, E.

Bình thường, nếu chỉ viết một bài viết khoảng 15 hay 20 trang nói về một khía cạnh nào trong cuộc chiến Việt Nam mà không nói tới bàn tay của Giáo Hội La Mã trên vũ đài chính trị và quân sự ở Việt Nam trong thời cận và hiện đại, thì cũng không sao. Đằng này, ông Lê Xuân Khoa biên sọan cả một bộ sách nói về một giai đọan lịch sử từ 1945 trở về sau. Trong giai đoạn đó, nhân dân ta đã:

1.- Kinh qua một đại thảm họa  với hai triệu người chết đói trong mấy tháng mùa xuân năm Ất Dậu 1945. Nguyên nhân của nạn đói lịch sử này là do việc chính quyền Liên Minh Pháp – Vatican đã thi hành chính sách bóc lột dân ta đến tận xương tận tủy, rồi lại cố ý đẩy dân ta vào thảm họa chết đói với dã tâm làm cho người dân kiệt quệ, không có đủ thực phẩm để ăn, nhiên hậu sẽ không có tiền và gạo tiếp tế cho các lực lương cách mạng đang hoạt động mạnh ở vùng Việt Bắc vào lúc bấy giờ. [i] 

2.-  Theo đuổi hai cuộc chiến giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

Viết về một giai đoạn lịch sử quan trọng như thế mà lại không nói đến vai trò của Giáo Hội La Mã thì chẳng khác nào như một vị công tố viện đưa ra trước tòa án xét xử một vụ sát nhân, lại chỉ truy tố tên sát thủ mà không truy tầm “chân hung” là kẻ chủ mưu đã bỏ tiền ra thuế mướn tên sát thủ này thi hành việc giết người vậy.

Viết sử như vậy thì quả thật là viết tài tử hoặc là viết theo đơn đặt hàng, không hiểu gì về nguyên tắc viết sử nếu không muốn nói là có gian ý bưng bít và giấu nhẹm những tội ác cho một thế lực mà tác giả muốn bao che.

Vì không có mục đích điểm sách, mà chỉ nêu lên một số những sai lầm của tác giả Lê Xuân Khoa, cho nên chúng tôi chỉ nêu lên một số những sai lầm mà thôi. Dưới đây là một số những sai lầm này:

1.- Không nói đến vai trò của Giáo Hội La Mã trong thời cận và hiện đại, đặc biệt nhất là trong các chính quyền miền Nam Việt Nam trong những năm 1954-1975. Những người đã đọc nhiều sách sử cũng đều biết rõ, trong giai đoạn này, đâu đâu cũng có bàn tay của Giáo Hội vươn tới. Xin xem mục nói về vấn nạn Giáo Hội La Mã trong phần Nội Tình Miền Nam Việt Nam trình bày ở trên.

2.- Sai lầm khi nói rằng,“Cuộc chiến thứ nhất là kháng chiến chống Pháp và chống Quốc Gia Việt Nam do Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tức Mặt Trận Việt Minh) lãnh đạo 1945-1954.”  (Trang 29). Trong thực tế, đây là cuộc kháng chiến chống Liên Minh Pháp – Vatican. Cuộc chiến này chỉ là cuộc kháng chiến nối tiếp các cuộc kháng chiến của nhân dân ta từ đầu thập niên 1860 cho đến lúc bấy giờ và có mục đích số 1 là giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của người ngoại bang. Chính vì cái mục đích số 1 này mà  gần như toàn thể nhân dân ta (ngoại trừ một nhóm thiểu số “thà mất nước, chứ không thà mất Chúa”)  đã hăng say nô nức lũ lượt lên đường đi đòi lại núi sông  từ trong tay giặc.

 

Ông Lê Xuân Khoa hiểu như thế nào về cụm từ “Quốc Gia Việt Nam” và ông sử dụng, nhất là tình trạng Việt Nam từ khi triều đình Huế ký các Thoả Hiệp Nhâm Tuất 1862, Giáp Tuất 1874 và Giáp Thân 1884?

Nếu còn Việt Nam là Quốc Gia Việt Nam thì làm sao tổ tiên chúng ta lại phải lao vào gia nhập các lực lương nghĩa quân chống giặc xâm lăng dưới quyền lãnh đạo của các nhà ái quốc như Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Phan Tôn, Phan Liêm, Huỳnh Mẫn Đạt, Thiên Hộ Dương, Mai Xuân Thưởng, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Hòang Hoa Thám, Lương Ngọc Quyến, Trịnh Văn Cân và các đảng phải Cách Mạng như Tâm Tâm Xã, Việt Nam Quốc Dân Đảng (dưới quyền lãnh đạo của nhà ái qyuốc Nguyễn Thái Học, Đảng Cộng Sản Việt Nam dưới quyền lãnh đạo của cụ Hồ Chính Minh, v.v…

Đối với đại khối dân tộc, vì triều đình Huế đã cúi đầu ký vào các Hoà Ước Nhâm Tuất 1862, Hoà Ước Giáp Tuất 1874, Hòa Ước Hiệp Quí Mùi 1883  và Hoà Ước Patenôtre Giáp Thân 1884, thì nhà Nguyễn đã bị xoá tên trên sân khấu chính trị Việt Nam và nước Việt Nam ta đã hoàn toàn mất vào tay Liên Minh Pháp – Vatican:

“Pháp thành ông chủ cơ đồ,

Vua thành tượng gỗ, dân nô lệ người.

 

Ở vào hoàn cảnh mất nước như vậy, tất nhiên là bất kỳ cá nhân hay thế lực nào có khả năng tổ chức được lực lượng theo đuổi mục tiêu đánh đuổi giặc xâm lăng giải thoát cho đất nước thoát khỏi ách thống trị của người ngoại bang, thì cá nhân hay thế lực đó sẽ được toàn dân nhiệt liệt ủng hộ và tích cực tham gia để cùng họ chiến đấu cho đại cuộc cứu nước. Trong thực tế, Đảng Cộng Sản Việt Nam dưới quyền lãnh đạo của cụ Hồ Chí Minh đã hoàn thành được sứ mạng lịch sử cao cả này. Như vậy là cụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam  đã đáp ứng được khát vọng của dân tộc là đòi lại giang sơn từ trong tay giặc.

Thực tế lịch sử đã rõ ràng  như vậy.

Vậy xin hỏi ông Lê Xuân Khoa nghĩ như thế nào về vai trò ông Bảo Đại trong suốt thời gian từ khi ông được Liên Minh Pháp – Vatican đưa lên ngồi trong ngai vàng từ ngày 6/11/1925  cho đến ngày 23/10/1955 khi ông bị tên phản thần Ngô Đình Diệm truất phế?

Trong suốt thời gian này, ông ta mang danh nghĩa là ông vua (6/11/1925 – 23/8/1945) cũng như khi nắm giữ vai trò quốc trưởng (2/6/1948 – 23/10/1955) của một nước mà tất cả mọi thứ quyền lực chính trị quân sự, ngoại giao, kinh tế, tài chánh và quản trị nhân dân đều nằm trong tay liên minh Pháp – Vatican.  Làm vua như vậy có phải là vua gỗ, vua hề không?

Muốn biết rõ những sự thực về ông Bảo Đại và cái mà chính quyền quốc gia do ông ta lãnh đạo, xin mời quý vị theo dõi bản văn trích ra từ cuốn Thối Nát của ông Bùi Nhung (Houston, TX, Xuân Thu, 1976) với nguyên văn như sau:

“Khi nhà học giả Trần Trọng Kim xách chiếc va ly từ Nam Kinh trở về Hương Cảng, thì ông Bảo Đại đương hồi “ba đào”. Học giả  Trần Trọng Kim kể lại rằng:

“Lúc tôi tới nhà hàng “Ngài” trọ, hỏi được số phòng ngài ở, tôi vội vã leo thang chân lên lầu, vì thang máy đông người đợi. Ngài đương đánh “mặt chược” ở phòng bên, mình trần trùng trục. Ngài thấy tôi, liếc mắt ra hiệu, bảo cứ vào ngồi đợi trong phòng ngài. Ý hẳn ngài không muốn cho ai biết hành tung chăng?”

 

Có người bào ông Bảo Đại đánh “mặt chược” cao lắm, nên khi ở Hương Cảng “hoạnh tài” giúp ông đỡ túng. Điều đó không biết có thực không, nhưng tôi được biết ông Bảo Đại đã có lúc phải cầm cố, bán chác cả đồ dùng để lấy tiền ăn. Một số người “tòng vong” lẻ tẻ như các ông Đặng Văn Sung, Đỗ Đình Đạo, Bùi Diễm, v.v… đều bữa nhịn, bữa ăn..

 

Đến cuối năm 1947, thời cuộc xoay chuyển, thực dân Pháp lại dùng ông Bảo Đại làm một con cờ! Tại Bắc Việt, một viên quan cai trị cũ, tên Cousseau được thực dân giao phó chức vụ điều động các chính khách và chính đảng để tôn ông Bảo Đại làm Quốc Trưởng. Ông Mao Trach Đông đánh ông Tưởng Giới Thạch càng mạnh, thì thực dân Pháp càng hoạt động dữ, để mau mau nắm trọn quyền điều động Việt Nam, kẻo lỡ ra Việt Minh được Cộng Sản Tàu giúp thì thêm khó - một khi đảng này làm chủ lục địa Trung Quốc. Vì thế, Cousseau luôn luôn tiếp xúc với Hoàng Đế lưu vong Bảo Đại tại Hương Cảng. Các chính khách Việt Nam “đánh hơi” thấy mùi, liền đổ xô tới. Giữa Việt Nam và Hương Cảng thuộc địa của Anh, phi cơ và tầu thủy chở các chánh khách Việt Nam đi lại như mắc cửi! Béo bở quá! Các chánh khách dâng tiền cho “ngài” tiêu xài! Các ông ấy tranh nhau lối buôn bán của Lữ Bất Vi và vô số kẻ đã thành công.

 

Một chánh phủ lâm thời được thành lập vào năm 1948. Thủ Tướng là Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân, một võ quan pháo binh kỳ tài, người Việt, quốc tịch Pháp. Chức Thủ Hiến Trung Phần và Nam Phần lọt vào tay hai ông Phan Văn Giáo và Trần Văn Hữu, còn chức Tổng Trấn Bắc Phần vào tay ông Nghiêm Xuân Thiện. Ông Bảo Đại được tháo khoán. Nhưng có lẽ số tiền Pháp thực dân tháo khoán cho ông Bảo Đại không được rộng rãi lắm, thành thử các vị cao cấp trong chính phủ trung ương tạm thời tháng tháng trích một số tiền ở quỹ đem ra gửi cho ông Bảo Đại như sau:

 

Thủ Tướng Xuân 50 ngàn đồng.

Thủ Tướng Trần Văn Hữu 50 ngàn đồng.

Tổng Trấn Nghiêm Xuân Thiện 30 ngàn đồng.

 

Còn Thủ Hiến Phan Văn Giáo bao nhiêu không biết. “Thị Trường” bán quan mua tước tại Việt Nam trong giai đọan này càng nhộn nhịp lắm. Năm 1948, tôi vớ được ba bản danh sách chánh quyền, chi chít những tên tuổi. Cả ba bản, tên một ông luật sư người Việt, vợ đầm, những vẫn Việt tịch bị ông Bảo Đại gạch ở chức vụ Bộ Trưởng Kinh Tế!, Một chức vụ bở nhất, hái ra tiền! Không phải ông Bảo Đại ghét gì ông luật sư đâu, nhưng cái chức đó  khi đem “bán đấu giá” ngầm, có nhiều kẻ tranh giành quá! Ông luật sư mua hụt…

.

Ông Bảo Đại nằm tại Hồng Kông, cho nguyên Thủ Tướng Trần Trọng Kim về tiếp xúc với Cao Ủy Pháp tại Sàigòn. Cụ Kim kể lại đoạn này với tôi, lúc tôi từ Hà Nội vào thăm cụ ở Nam Vang, đường Lasana số 4: “Tôi trở về nước có nhiệm vụ dọ dẫm xem Pháp có thật tình không, nghĩa là có cho Việt Nam tự do, độc lập thật sự như trong khối thịnh vượng chung của Anh không? (commonwealth). Tôi gặp ông Cao Ủy ở Sàigòn. Sau một giờ chuyện trò, tôi biết rõ cái dã tâm của thực dân! Liên Hiệp Pháp chỉ là một thứ cái cũi chó mạ vàng! Ông Cao Ủy, lúc tiễn tôi ra cửa, có nhã ý, muốn nhân danh chính phủ Pháp giúp tôi một số tiền mở nhà in, để theo đuổi con đường văn hóa. Tôi cảm ơn, không nhận! Cũng tiền của dân Việt Nam, chứ tiền đâu của Pháp! Hồi Nhật đầu hàng Đồng Minh, các cố vấn Nhật biếu tôi một lúc cả 50 triệu để làm vốn mở mang văn hóa, tôi cũng kiếu, huống hồ của thực dân.”[ii]

3.- Sai lầm khi khẳng định cuộc chiến 1954-1975 giữa hai miền Nam và miền Bắc là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm, ông viết:

“…một cuộc tranh chấp hai mươi năm mà phe quốc gia gọi là cuộc chiến đấu chống chế độ cộng sản của dân tộc Việt Nam, còn phe cộng sản thì gọi là chiến tranh chống Mỹ - Ngụy để cứu nước. Thực tế thì đây là một cuộc chiến giữa hai phe người Việt theo đuổi những lý tưởng khác nhau, đồng thời cũng là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh giữa hai khối quốc tế tư bản và cộng sản, với sự tham dự trực tiếp của Hoa Kỳ.”  (trang 271)

 

Về vấn đề ông cho rằng cuộc chiến 1954-1975 là “một cuộc chiến tranh ủy nhiệm", Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với ông, và khẳng định rằng đây là “cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.” Trong cuộc chiến này, nếu miền Nam có chính nghĩa và nếu thành công thay vì miền Bắc, thì chúng tôi cũng gọi nó là “cuộc chiến tranh thống nhất đất nước.”  Thế nhưng miền Nam đào đâu ra được chính nghĩa khi mà ba ông Da-tô  Bảo Đại, Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu đều được Giáo Hội La Mã  cùng với Pháp hay Mỹ lần lượt đưa lên lãnh đạo chính quyền?

4.- Sai lầmtránh né, không nói đến ông Ngô Đình Diệm là một tín đồ Da-tô cuồng tín như trong sách The Two Vietnams đã nói ở nơi trang 236, vì tránh né không nói đến cái bản chất “tuyệt đối trung thành với Tòa Thánh Vatican” như  các sách sử đã ghi nhận.

Ông Lê Xuân Khoa cũng không hề nói tới việc ông Ngô Đình Diệm tổ chức một cuộc đại lễ vô cùng long trọng để dâng nước Việt Nam cho Đức Mẹ Vô Nhiệm (tức là Vatican) vào tháng 2 năm 1959. Buổi lễ này được Linh-mục Trần Tam Tỉnh nói rõ ở nơi các trang 126-127 trong cuốn Thập Giá Và Lưỡi Gươm (Paris, Sudestasie, 1978).  Hành động này chứng tỏ rằng ông Ngô Đình Diệm và chính quyền của ông ta chỉ là làm tay sai của Vatican.

5.- Sai lầm vì suy tôn ông Ngô Đình Diệm là một nhà ái quốc và khen tụng là người có lý tưởng (trang 432).

Xin hỏi ông Lê Xuân Khoa đây là thứ lý tưởng gì khi mà chính miệng ông Ngô Đình Diệm tuyên bố công khai với các chính khách có thế lực trên sân khấu Hoa Kỳ rằng ông ta “tin tưởng vào Tòa Thánh Vatican”? 

Chẳng lẽ là một sử gia viết về thời cận và hiện đại của đất nước mà ông lại không biết Vatican là một đế quốc thực dân  xâm lược và là một kẻ thù lâu dài nhất ghê tởm nhất của dân tộc Việt Nam hay sao?

Chẳng lẽ ông Lê Xuân Khoa không biết chủ đích của Vatican đưa ông Diệm sang Hoa Kỳ vận động để đưa ông ta lên cầm quyền ở Việt Nam là nhằm phục vụ cho quyền lợi của Vatican hay sao?

Cũng nên biết là, trong khi đó, thì trong cuốn TYRANTS History 100 Most Evil Despots & Dictators (London: Arcturus, 2004, pp. 167-168)  sử gia Nigel Cawthorne lại ghi nhận ông Ngô Đình Diệm là một  trong số 100 tên bạo chúa ác độc nhất trong lịch sử nhân loại.

6.- Sai lầm vì cố tình lờ đi không nói đến khối tài sản riêng của ông Diệm như các sách sử đã công bố. Đã thế ông còn gộp chung ông Diệm vào một nhóm với hai ông Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Hải Thần  (trang 419) để khen tụng.

Làm như vậy thì chẳng khác nào ông Khoa suy tôn ông Ngô Đình Khả  và Trần Lục là nhà ái quốc rồi gom chung hai tên Da-tô Việt gian này vào một nhóm với cụ Phan Đình Phùng và cụ Đinh Công Tráng rồi ca tụng tất cả nhóm là những vị anh hùng dân tộc.

7.- Sai lầm vì tránh né, cố tình không nói đến con số nạn nhân ở miền Nam bị sát hại như các sách Thập Giá Và Lưỡi Guơm (trang 130-131), Vietnam: Why Did We Go? (trang 88-89) và Đảng Cần Lao (trang 133)  đã đưa ra.

8.- Sai lầm vì cố tình giảm con số nạn nhân bị sát hại ở Rwanda và không nêu đích danh các ông tu sĩ Da-tô chịu trách nhiệm trong vụ tàn sát người tập thể vì tôn giáo này.  Ông viết như sau:

“Mặc dầu đã có từ lâu, dân di tản nội địa (IDPs) được nói đến nhiều nhất từ sau Chiến Tranh Lạnh, thường do những cuộc tranh chấp về tôn giáo, chủng tộc và vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống, mạnh mẽ nhất vào đầu thập kỷ 1990. Chẳng hạn như vụ dân Hutu tàn sát người Tutsis ở Rwanda (500,000 người bị giết trong vòng vài tháng) hay những vụ thanh tẩy “chủng tộc” (ethnic cleansing) ở Bosnia-Hercegovia với tổng số trên 200,000 người thiệt mạng. Riêng hai cuộc chiến này vào những lúc cao điểm gây ra trên 4 triệu dân di tản.”(trang 240).

Người viết xin khẳng định cuộc tàn sát hơn 800 ngàn người ở  Rwanda vào mấy tháng giữa năm 1994 là cuộc tàn sát người vì tôn giáo vì rằng vai trò của ông Giám Mục Augustin Misago của Giáo Hội La Mã ở trong đó.

Xin xem trong sách này, Phần II, Mục III, đoạn C-4  Vấn Nạn Giáo Hội La Mã.

9.- Sai lầm trong đoạn nói đến vụ Phật giáo (Tr 449-450 và 451), nhưng lại cho rằng ông Diệm không có trách nhiệm trong vụ này..

10.- Sai lầm vì tránh né không nói đến vai trò Hoa Kỳ trong việc thúc giục chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành chương trình cải cách ruộng đất và tránh né không nói đến việc chính quyền Diệm không rớ tới khối ruộng đất không lồ của Giáo Hội La Mã như sách Việt Nam A Dragon Embattled đã nói rõ ở trang 932-933.

11.- Sai lầm vì có xác nhận tội ác của Ngô Đình Cẩn (trang 454), nhưng lại không nêu rõ những tội ác tầy đình của Ngô Đình Cẩn như các tội giết người, đoạt của, bắt giam và tra tấn người trái phép, thủ tiêu nhiều người vô tội và cũng không nói đến tội ác của chính quyền Ngô Đình Diệm đã không đưa Ngô Đình Cẩn ra trước công lý.

12.- Sai lầm vì không đả động gì đến vụ chính quyền Ngô Đình Diệm yêu cầu Hoa Kỳ sử dụng chất da cam rải trên ruộng đất canh tác và đất rừng ở miền Nam Việt Nam từ năm 1962.

Trên đây là những sai lầm mà người viết tin rằng là những sai lầm có chủ ý của tác giả Lê Xuân Khoa vì rằng tác giả đã bỏ ra mất nhiều năm trời, tìm đọc và điều nghiên cả hàng mấy trăm cuốn sách và tài liệu lịch sử để biên soạn nên tác phẩm này, chẳng lẽ tác giả lại không biết đến những sự kiện lịch sử mà tác giả đã diễn dịch không đúng với sự thật lich sử  như đã nêu lên ở trên? Và chẳng lẽ tác giả lại không biết đến những sự kiện lịch sử mà chúng tôi cho rằng tác giả đã có chủ tâm tránh né không nói tới?

Mong rằng ông Lê Xuân Khoa lên tiếng giải thích những vấn đề này. 


 

 

CHÚ THÍCH

 

[i] Hoàng Trọng Miên, Đệ Nhất Phu Nhân, Tập1 (Los Alamato s, CA: Xuân Thu, 1989), tr. 79-84

[ii] Bùi Nhung, Sđ   d., tr 97-100.