KHI NHÀ VĂN LẠM BÀN LỊCH SỬ

- Nguyễn Mạnh Quang -

http://sachhiem.net/NMQ/KNV/PhanI1.php

10-07-2008

Toàn tập: 0  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14

 


PHẦN I

LỜI TUYÊN BỐ CỦA ÔNG NGẠN TRONG CUỐN VIDEO PARIS BY NIGHT SỐ 81 (5)


I.- VỀ CÂU NÓI “BẮC HÀN KHÔNG XÂM LĂNG NAM HÀN.”

 

Như đã nói ở trên, trong cuốn băng nhạc Paris By Night 81, ông Nguyễn Ngọc Ngạn tuyên bố:

 

“Sau Đệ Nhị Thế Chiến thứ II, trên thế giới có ba nước giống hệt nhau, cùng bị chia đôi, Cộng Sản chiếm đóng một nửa, và một bên là quốc gia, là: Đức, Triều Tiên (tức là Bắc Hàn và Nam Hàn) và Việt Nam. Chúng ta thấy là ba quốc gia giống hệt nhau. Tây Đức đứng đầu thế giới về khoa học kỹ thuật. Nam Hàn phát triển cực nhanh và trở thành một tiểu cường quốc trên thế giới, và ngày nay thống trị về điện ảnh.  Chỉ còn có mỗi Việt Nam là còn lẹt đẹt mãi.

Tại sao như vậy? Là vì Bắc Hàn không xâm lăng Nam Hàn, Đông Đức không đánh sang Tây Đức, mà người ta lo kinh tế. Nếu miền Bắc Việt Nam không đánh vào miền Nam, tôi nghĩ, Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta ngày nay không thua gì Nam Hàn, là vì trí thông minh của người Việt chúng ta có thể nói là không thua  các quốc gia nào tại Á Châu.”

Người viết xin khẳng đinh rằng lời tuyên bố trên đây của ông Nguyễn Ngọc Ngạn hoàn toàn không đúng với sự thật lịch sử. Có thể sự sai lầm này là do ông Ngạn đã không được học lịch sử thế giới, rồi cũng không tìm đọc lịch sử thế giới trong thời cận và hiện đại, nếu không phải là có chủ đích nào khác.

North Korean soldiers

Sự thật trong lịch sử, Bắc Hàn đã tấn công Nam Hàn và gây nên cuộc chiến vô cùng khốc liệt kéo dài cả hơn ba năm trời. Cuộc chiến tranh này được gọi là Chiến Tranh Triều Tiên và được các sách sử thế giới cũng như sách sử Hoa Kỳ đều nói tới. Sách Đệ Nhị Thế Chiến Và Chiến Tranh Lạnh (cùng tác giả Nguyễn Mạnh Quang) ghi lại cuộc chiến tranh này khá đầy đủ. Dưới đây là phần tóm lược:

Ngày 25/6/1950, đại quân Bắc Hàn với sự yểm trợ của không lực và thiết giáp binh ào ào vượt vĩ tuyến 38 tràn vào lãnh thổ Nam Hàn, tiến thẳng xuống thành phố thủ đô Nam Hàn. Quân đội Nam Hàn không chống cự nổi, phải tháo chạy xuống phía Nam

Cũng vào ngày 25/6/1950, Tổng Thống Truman đưa việc quân đội Bắc Hàn xâm lăng Nam Hàn ra Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Chiều hôm đó, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhóm họp khẩn cấp và lên án việc Bắc Hàn xua quân xâm lăng Nam Hàn, đồng thời kêu gọi Bắc Hàn hãy chấm dứt những hành động thù nghịch chống Nam Hàn và lui binh về phía bắc vĩ tuyến 38.

Trong khi Đại Hội Đổng Bảo An Liên Hiệp Quốc biểu quyết lên án chính quyền Bắc Hàn thì đại biểu Liên Xô tẩy chay cuộc họp. Vì vậy, quyết định của Đại Hội Đồng Bảo An can thiệp vào cuộc chiến không bị Liên Xô phủ quyết. Ngay khi đó, các đại biểu các đại cường đều tiên đoán rằng rất có thể Liên Xô và Trung Cộng sẽ nhẩy vào vòng chiến bên cạnh Bắc Hàn nếu các nước Tây Phương nhẩy vào cứu Nam Hàn….

Ngày 26/6/1950, Hoa Kỳ ra lệnh cho hải, lục và không quân Hoa Kỳ tại Viễn Đông phải hỗ trợ cho quân đội Nam Hàn chống lại quân Bắc Hàn. Hạm đội số 7 được phái đến vùng biển Đài Loan để đề phòng có thể có những biến cố bất ngờ do đối phương gây ra. Tổng Thống Tưởng Giới Thạch cũng được khuyến cáo là phải chấm dứt mọi hành động quân sự chống Trung Hoa lục địa. Nói một cách khác là Hoa Kỳ đã trung lập hóa hải đảo Đài Loan.

Ngày 27/6/1950, Hội Đồng Bảo An lên tiếng kêu gọi các quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc hãy tích cực góp phần (góp quân đội) vào cuộc viện trợ cứu Nam Hàn.

Trong khi đó, quân đội Nam Hàn bị dồn về phía Nam và đang cố gắng thiết lập phòng tuyến tại phía Nam Hán Thành. Ngày 29/6/1950, Tướng Doughlas MacArthur, Tư Lệnh Tối Cao Lực Lượng Đồng Minh tại Viễn Đông, báo cáo về Hoa Thịnh Đốn rằng từ khi Bắc Hàn khởi sự xâm lăng (ngày 25/6/1950) Nam Hàn, quân đội Nam Hàn bị thiệt hại tới 50%. Bộ Tham Mưu Hoa Kỳ quyết định cần phải dùng biện pháp mạnh. Ngay khi đó, các chiến tầu và các chiến đấu cơ của Hoa Kỳ được lệnh oanh tạc các căn cứ quân sự của Bắc Hàn. Lục quân Hoa Kỳ được lệnh phải triệt để bảo vệ hải cảng Phú Sơn (Pusan). Hai sư đoàn Hoa Kỳ đang trú đóng tại Nhật được lệnh di chuyển cấp tốc tới Nam Hàn. Tướng MacArthur được chỉ định giữ chức vụ Tổng Tư Lệnh Lực Lượng Liên Hiệp Quốc tại Triều Tiên. Các nước Anh, Pháp, Bỉ, Hy Lạp, Columbia, Ethiopia, Gia Nã Đại, Úc Đại Lợi, Hy Lạp, Hòa Lan, Tân Tây Lan, Thái Lan, Liên Bang Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Phi Luật Tân lần lượt gửi quân tới tham chiến dưới cờ Liên Hiệp Quốc…

Sau những cuộc thăm dò, ngày 10/7/1951, đại diện hai phe đối nghịch nhóm họp tại Kaesong để bàn về việc ngưng bắn. Tuy nhiên, tại hội nghị Cộng Sản lại tỏ ra không sốt sắng tiến đến một thỏa hiệp đình chiến. Cuộc thương thuyểt kéo dài năm này qua năm khác, trong khi ngoài mặt trận quân đội Liên Hiệp Quốc vẫn tiếp tục ác chiến với Hồng Quân. Súng vẫn nổ, bom vẫn rền vang thi nhau tàn phá đất nước Triều Tiên, khói lửa vẫn mịt mù. Thanh niên nam nữ vẫn tiếp tục ngã gục ngoài chiến tuyến. Ông già, bà cả cùng những bà mẹ lếch thếch bồng bế con thơ, dắt dìu nhau chạy trốn cảnh binh đao, lang thang trên khắp ngả đường xó chợ, sống cò bơ cò bất không biết nơi đâu là chỗ an toàn. Cho mãi tới tháng 7/1953, hai bên mới đạt được thỏa hiệp ngưng bắn, theo đó thì lệnh ngưng bắn sẽ được thi hành vào 10 giờ đêm ngày 27/7/1953. Tính ra cuộc thương thuyết đã kéo dài 2 năm 17 ngày.” [i]

Xin được mở ngoặc nói thêm ở đây là người viết có biên soạn một tập tài liệu về sử thế giới tựa đề là “Đệ Nhị Thế Chiến và Chiến Tranh Lạnh” khi được đưa về dạy tại Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức (KMTD) ở Sài Gòn bắt đầu từ niên khóa 1970-1971. Tập sách này được dùng làm tài liệu giáo khoa cho các lớp 12 tại trường trung học này trong những năm 1970 - 1975.  Nhà xuất bản Sáng Tạo Sài Gòn xuất bản quyển sách này vào năm 1972. Ở Mỹ, tập sách này được đánh máy lại và được Tacoma Public Schools tái xuất bản nhiều lần. Lần chót tái bản là năm 1994.

Ngoài tập sách này, ông Ngạn có thể vào bất kỳ một thư viện ở bất kỳ quốc gia nào, tìm đọc sách sử nói về chiến tranh Triều Tiên để kiểm chứng vấn đề lịch sử này.

 


[i].  Nguyễn Mạnh Quang, Đệ Nhị Thế Chiến Và Chiến Tranh Lạnh (Tacoma, WA: Public Schools, 1994), tr. 280-286.