Chân Dung "Người Việt Quốc Gia"

Và Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ

Nguyễn Mạnh Quang

http://sachhiem.net/NMQ/ChanDungVNCH/QMN10a.php

bản in mục lục đăng ngày 08 tháng 8, 2008

Toàn tập: Dàn bài

Chương 10: 1  2 

CHƯƠNG 10

Di Lụy Của Chính Sách Ngu Dân

Đối Với Những Người Miền Nam

(tiếp theo)

Về việc các ông tác giả cuốn sách này diễn dịch lươn lẹo để bóp méo và xuyên tạc lịch sử Việt Nam trong thời cận và hiện đại, người viết xin ghi lại dưới đây một vài đoạn văn do chính họ viết trong cuốn sách này để chứng minh những việc làm bất chính của họ. Có thể là bị ảnh hưởng bởi cái cung cách hành xử lươn lẹo của Giáo Hội La Mã, cho nên khi viết sử họ cũng lươn lẹo một cách vô cùng trắng trợn giống như Giáo Hội đã hành xử trong gần hai ngàn năm qua. Nói phải có sách, mách phải có chứng. Người viết xin ghi lại nguyên văn một số những đoạn văn vừa lươn lẹo, vừa được thêm thắt của mấy ông sử nô này, để hoặc là tô son điểm phấn cho bọn Việt gian bán nước cho Vatican, cho Pháp và cho Mỹ, hoặc là vu khống với dã tâm sỉ nhục chính quyền Việt Minh Kháng Chiến và những người đi theo Việt Minh chiến đấu cho đại cuộc đánh đuổi quân cướp ngoại thủ đòi lại núi sông cho dân tộc. Dưới đây là mấy đoạn văn do chính họ (5 tác giả của cuốn sách này) viết:

1.- “Cũng trong ngày 17/8/1945, Tổng Hội Công Chức biểu tình tại Nhà Hát Lớn Hà Nội ủng hộ Tuyên Ngôn Độc Lập và Nội Các Trần Trọng Kim. Cán bộ Cộng Sản đã dùng vũ lực cướp diễn đàn, biến cuộc mít tinh này thành ủng hộ Việt Minh.” (tr. xii)

2.- “Ngày 18/8/1945, các đội tuyên truyền Việt Minh công khai đến khắp mọi nơi trong thành phố và phụ cận hăm dọa, ép buộc dân tham gia cuộc biểu tình võ trang vào ngày 19/8/1945 với cờ đỏ sao vàng. Dân tình hoang mang, các đảng phái quốc gia lo lắng, về âm mưu cướp chính quyền của Việt Minh là tổ chức mà đa số thành viên là đảng viên cộng sản trá hình để điều khiển.” (tr. xii)

3.- “Lúc 10 giờ ngày 19/8, cán bộ cộng sản từ đoàn biểu tình tiến vào Phủ Khâm Sai của Nam triều dùng súng uy hiếp ông Phan Kế Toại và bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, Khâm Sai Bắc Kỳ, bắt mở của phủ. Bác sĩ Chữ đã phải ra lệnh Bảo An Binh mở cửa. Việt Minh vào tước khí giới Bảo An Binh và sau đó mời bác sĩ Trần Văn Lai lên xe chở về giam giữ tại một vùng quê phía cầu Long Biên. Mãi đến tháng 6 năm 1946, đưa về giam tại Nha ông An Hà Nội, rồi phóng thích). …” (tr. xii)

4.- “Ngày 21/8/1945, cán bộ cộng sản hô hào, vận động và ép buộc thanh niên, sinh viên và nhân sĩ Hà Nội ủng hộ Việt Minh và đưa kiến nghị đòi vua Bảo Đại thóai vị trao quyền cho chính phủ lâm thời do Việt Minh thành lập.” Tr. xii và xiii)

5.- “Ngày 23/8/1945, lúc 12 giờ trưa, vua Bảo Đại được tối hậu thư từ nhóm Việt Minh địa phương Huế, đòi nhà vua phải trao tất cả quyền bính từ trung ương đến địa phương khẩn cấp để bảo đảm tính mạng của hoàng gia kỳ hạn trong vòng 1 giờ 30 phút cùng ngày….” (tr. xiii).

6.- Một sự kiện lịch sử bi thảm nhất đó là chính Hồ Chí Minh và Cộng Sản Việt Nam vào năm 1946, đã thương lượng mời quân Pháp trở lại chiếm đóng đất nước để họ rảnh tay thanh toán những người quốc gia không chấp nhận cộng sản. Hành động này đã làm cho các chính phủ quốc gia từ ngày Hoàng Đế Bảo Đại hồi loan về chấp chánh và Chánh Phủ Ngô Đình Diệm đã phải đương đầu cùng một lúc với hai thế lực thực dân Pháplực lượng Việt Minh cộng sản đang vào rừng lập chiến khu đánh phá sát hại nhân dân.” (tr. xvii).

Những dòng có gạch ở dưới được ghi nhận là đã bị các tác giả diễn dịch lươn lẹo.

Người viết nhận thấy cả 6 đoạn văn trên đây đều được diễn đạt một cách lươn lẹo để bóp méo sự thật lịch sử và có những đoạn lại có thêm thắt nữa. Những người am hiểu lịch sử Việt Nam thời cận và hiện đại đều biết rằng những biến cố lịch sử dồn dập xẩy ra ở Việt Nam từ ngày từ 15/8/1945 cho đến tháng 6 năm 1946 đều được ghi rõ trong các sách sử hay hồi ký của các chứng nhân lịch sử như:

Sách Việt Sử Toàn Thư (Glendale, CA: Đại Nam, năm xuất bản?) của nhà viết sử Phạm Văn Sơn.

Sách Việt Nam Máu Lửa  (Los Alamitos, CA: Xuân Thu, 1989) của cụ Nghiêm Kế Tổ.

Sách Hai Mươi Năm 1945-1964 Việc Từng Ngày (Los Alamitos, CA: Xuân Thu, ?)  của cụ Đoàn Thêm.

Sách Việt Nam 1920-1945 (Montreuil, Pháp: Chuông Rè / L’Insomaniaque, 2000)  của cụ Ngô Văn.

Sách Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử của (Sàigòn: Nguyễn Đình Vượng, 1958) của ông Nguyễn Kiên Trung.

Sách Việt Nam Quốc Dân Đảng (Sàigòn: Tuần Báo Tân Dân, 1970) của ông Hoàng Văn Đào.

Sách Trả Ta Sông Núi, Tập 1 (Houston, TX: Văn Hóa, 2002) của cựu Đại Tá Phạm Văn Liễu.

Sách Thăng Long Hà Nội Một Nghìn Sự Kiện Lịch Sử (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Hà Nôi, 2007) của các học giả Vũ Văn Quân, Đoàn Minh Huấn, Nguyễn Ngọc Phúc, Phạm Đức Anh, Tống Văn Lợi và Vũ Đường Luân. 

1.- Trong sách Việt Sử Toàn Thư, ông Phạm Văn Sơn viết:

Lúc này, tại Bắc Việt, hai lực lượng cách mạng tranh nhau cướp chính quyền: Đại Việt Quốc Gia Liên Minh, một mặt trận quốc gia có nhiều đảng phái và quan trọng hơn cả là Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Quốc Xã của các ông Nhược Tống (Nhượng Tống?), Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Văn Tiếu, v.v… và Mặt Trận Việt Minh do các lãnh tụ Đông Dương Cộng Sản Đảng là Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp điều khiển. Dân chúng hướng cả về các lực lượng và trong khi Việt Nam là cái nhà bỏ ngỏ, dĩ nhiên ai vào truớc thì người ấy làm chủ. Việt Minh có nhiều kỹ thuật cách mạng và thủ đoạn sâu sắc đã đi bước trước sau khi tổ chức được nhiều cuộc biểu tình cổ động quần chúng từ ngày 15/8/1945 đến ngày 19/8/1945, nắm được hậu thuẫn của các tầng lớp dân chúng.

Ngày 25/8, vua Bảo Đại thoái vị, chính phủ Trần Trọng Kim bị giải tán và một chính phủ lâm thời do ông Hồ Chí Minh làm chủ tịch ra mắt quốc dân ngày 2/9 (1945)[10]

2.- Trong sách 20 Năm 1945-1964 Việc Từng Ngày, cụ Đòan Thêm viết:

Ngày 15/8/1945: Nhật Hoàng phải đích thân kêu gọi quân đội và dân chúng chịu nhận đầu hàng.

Tướng Mac Arthur được cử làm Tổng Tư Lệnh Đồng Minh tại Thái Bình Dương.

Bộ Tư lệnh Nhật giao trả phủ Toàn Quyền cũ ở Hà Nội cho phủ Khâm Sai Bắc Bộ, và tha nhiều người đã bị Hiến Binh Nhật bắt giam vì lý do an ninh.

Tướng Leclere Hautecloque được De Gaulle cử làm Tư Lệnh Lục Quân Pháp tại Đông Dương.

Ngày 17/8 Nam Dương tuyên bố Độc Lập. Lãnh tụ Sookarno được bầu làm Tổng Thống.

Đô Đốc Thierrry d’ A rgenlieu được De Gaulle cử làm Cao Ủy Pháp kiêm Tổng Tư Lệnh tại Đông Dương. Vua Bảo Đại gửi điện văn kêu gọi Tổng Thống Mỹ Truman, Đồng Minh và cả De Gaulle, yêu cầu bảo vệ Độc Lập của Việt Nam: Dân Việt Nam quyết tranh đấu đến cùng để giữ nước.

Công chức Hà Nôi tổ chức biểu tình khổng lồ, tuần hành qua các đường lớn để tỏ ý chí bảo vệ đất nước. Cuộc biểu tỉnh lại biến ra cuộc biểu tình ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng. Các đoàn Dân Quân Giải Phóng chiếm đoạt chinh quyền ở nhiều địa phương.

18/8/1945.- Bắc bộ phủ bị quần chúng ùa tới bao vây. Khâm Sai Phan Kế Toai vắng mặt, rồi loan tin từ chức. Một Ủy Ban Nhân Dân thành lập tại Hà Nội, nhưng dân chúng chưa có vị lãnh đạo.

19/8/1945.- Quân Nhật vẫn canh gác trên nhiều ngả đường Hà Nội. Biểu tình lớn trước nhà Hát Lớn để nghe tuyên bố của Mặt Trận Cứu Quốc Việt Minh. Dân Quân Giải Phóng và cờ đỏ sao vàng xuất hiện nhiều nơi, chiếm đóng các công sở. Đê Đồng Lao ở Hà Đông bị vỡ, nước tràn ngập nhiều vùng.

20/8/1945.- Việt Minh chiếm đài vô tuyến điện Bạch Mai, Hà Nội, và phát thanh cổ động trên làn sóng 32 thước.

21/8/1945.- Một số thanh niên trí thức nhóm họp tại Đại Học Xá Hà Nội, và biểu quyết gửi điện văn yêu cầu vua Bảo Đại thoái vi.

22/8/1945.- Mặt Trận Việt Minh xuất hiện ở Hà Nội và Sàigòn. Tại Sàigòn, Thanh Niên Tiền Phong tuyên bố gia nhập. Vua Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị.”[11] 

3.- Cụ Nghiêm Kế Tổ viết trong cuốn Việt Nam Máu Lửa như sau:

Chiều ngày 17/8, Tổng Hội Công Chức triệu tập một cuộc mít tinh ở Nhà Hát Lớn Hà Nôi để tranh đấu đòi độc lập, trong Tổng Hội Công Chức đó cũng đã có nhiều phần tử Việt Minh họạt động. Giữa lúc các diễn giả đang hô hào dân chúng, một lá cờ đỏ sao vàng vĩ đại bỗng nhiên xuất hiện và quốc kỳ quẻ ly từ từ hạ. Từ các ngả, đội Xung Phong Tuyên Truyền Việt Minh tiến tới, đồng thời vang lên những khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh.” Các cán bộ Việt Minh đàng hoàng chiếm máy phóng thanh để nói trước dân chúng. Cô Tâm Kính, một cán bộ phụ nữ người Trung Việt thuộc Dân Chủ Đảng, sau được bầu làm Đại Biểu Quốc Hội, hăng hái kêu gọi dân chúng tham gia và ủng hộ phong trào. Cuộc mít tinh biến thành biểu tình tuần hành, đi qua Bờ Hồ, Hàng Đào, Hàng Ngang, giải tán ở Quan Thánh trước thái độ yên lặng của quân đội Nhật.

Ngày 18/8, các đội tuyên truyền Việt Minh công khai chia nhau đi các phố, các ngả, dùng loa kêu gọi toàn thể dân chúng nội ngoại thành chuẩn bị dự cuộc biểu tình tuần hành võ trang sẽ được tổ chức tại công trường Nhà Hát Lớn vào ngày hôm sau.

Hà Nội hồi hộp sống giữa rừng biểu ngữ, truyền đơn, cờ đỏ sao vàng la liệt. Thành phố như lên cơn sốt rét, chỗ nào cũng bàn tán xôn xao, mong đợi ngày mai chóng tới để được biết mặt Việt Minh, những con người ngang tàng đã từng đùa rỡn Hiến Binh Nhật, đã từng chiến thắng quân đội Nhật.

Ngày 19/8/1945! Tại Công Trường Nhà Hát Lớn, hàng mấy chục vạn dân chúng rầm rộ từ khắp các ngả đường kéo tới, tập hợp dưới sự hướng dẫn của Ủy Ban Khởi Nghĩa. Người ta thấy những Đội Xung Phong Tuyên Truyền võ trang bằng súng lục, dao găm đứng trên thềm cao, ở dưới có những đội cảnh sát với y phục trắng, những đoàn hướng đạo, học sinh v.v… Trước mặt Nhà Hát Lớn, một hàng cờ đỏ nghễu nghện, san sát bao vòng lấy vườn hoa, ở giữa cắm một cờ cao vút. Giữa mầu không khí rực hồng, những vũ khí thô sơ đủ kiểu, đủ hình, từ dao bầu, kéo sắc, kiếm thờ, bù long, cày, cuốc, bồ cào cho đến mã tấu, đinh ba, gậy gộc, súng săn, thôi thì đủ thứ, cái gì có thể đánh người được, đều được mang ra để biểu dương ý chí.

Sau khi nghe lời hiệu triệu của Ủy Ban Mặt Trận, dân chúng bị khích động, rầm rộ kéo đến Dinh Khâm Sai theo sự hướng dẫn của các Đội Xung Phong Võ Trang, yêu cầu ông Phan Kế Toại trao lại chính quyền cho nhân dân. Không tốn một viên đạn, chính quyền được trao lại cho các Ủy Viên đại diện (thực ra, đã có cuộc điều đình từ đêm trước). Đoàn người như nước vỡ bờ, vừa đi vừa hô những khẩu hiệu mạnh mẽ, tràn đến Tòa Đốc Lý. Đến đây, Thị Trưởng Trần Văn Lai thức thời, bước ra niềm nở đón tiếp.

Khi dân chúng tiến đến trại Bảo An Binh, quân lính Nhật thoạt tiên còn khăng khăng không chịu giao những kho vũ khí, viện cớ phải để trao trả Đồng Minh, dân chúng phẫn nộ bao vây hàng mấy tiếng đồng hồ. Sau đó, quân lính Nhật đành để cho dân chúng chiếm trại. Công việc chiếm đoat chính quyền tại các tỉnh tiến hành rất dễ dàng. Riêng tại Hà Đông, khi dân chúng tiến vào Dinh Tỉnh Trưởng bị Quản Dưỡng hạ lệnh cho binh lính bắn chết và bị thương một số, nhưng sau Quản Dưỡng cũng bị bắt. Khi chính quyền đã hoàn toàn về tay Việt Minh, Quản Dưỡng bị xử tử hình.” [12] 

4.- Trong cuốn Việt Nam 1920-1945, Cụ Ngô Văn viết:

Được tin Nhật thất trận, Hồ Chí Minh triệu tập Hội Nghị Quốc Gia ở Tân Trào (Thái Nguyên) Hội Nghị thành lập một Ủy Ban Giải Phóng Dân Tộc và phát (ra) lệnh Tổng Khởi Nghĩa nhằm thiết lập “Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” như Việt Minh đã công bố từ năm 1941. Lực lượng du kích “Giải Phóng Quân” tiến về Hà Nội

Quân đội Nhật đang chiếm đóng Đông Dương không phản ứng. Ngày 16/8, Nhật thả một số tù nhân chính trị và chuyển giao nhiệm vụ Toàn Quyền Đông Dương cho Khâm Sai Phan Kế Toại, theo thỏa thuận vào giờ cuối cùng mà Trần Trọng Kim rốt cuộc giành được trong tay lãnh sự Nhật Tsuchihashi.

Ngày 17/8, 20.000 (20 ngàn) người biểu tình tập họp trước Nhà Hát Lớn thành phố Hà Nội. Trên khán đài, lãnh tụ Việt Minh hô hào quần chúng giật cờ của triều đình xuống, kéo cờ Việt Minh lên. Trùng trùng cờ đỏ sao vàng phất phới khắp thành phố.

Ngày 18/8, “Giải Phóng Quân” vào Hà Nội, quan Khâm Sai nhường cho Ủy Ban Việt Minh.

Ngày 19/8, xe tăng Nhật Bản chạy dọc các thành phố nhưng không can thiệp ở nơi nào. Như vậy, không nổ một phát súng, Việt Minh đã chiếm được hầu hết các công sở hành chánh. Quân Nhật nhượng cho họ những vũ khí trong Sở Vệ Binh Đông Dương. Chỉ riêng Nhà Ngân Hàng Đông Dương là quân Nhật không để cho Việt Minh chiếm. Thế là Việt Minh đã làm chủ mọi công sở ở Hà Nội thay thế Phan Kế Toại.

Hai ngày sau, các ủy ban Việt Minh chiếm đóng các nhà hội làng ở Bắc Kỳ, và ngay ở Hà Nội, các nhà trí thức tập họp tại Khu Đại Học lấy danh nghĩa “đại biểu mọi tầng lớp dân chúng” gởi điện tín yêu cầu Bảo Đại thoái vị.

Ở Huế, ngày 22/8, Bảo Đại Yêu cầu Việt Minh lập một chính phủ mới. Hà Nội buộc Bảo Đại thoái vị trước đã, và dường như thử thách hoàng gia, bèn đem bắn Phạm Quỳnh, cựu thủ tướng chính phủ Bảo Đại, ở một nơi gần Huế.. Ngày 25/8, hoàng đế trao ấn kiếm triều đình cho đại biểu Việt Minh và ký vào chiếu thoái vi.

Vài hôm sau, Hồ Chí Minh phong Bảo Đại chức “Cố Vấn Tối Cao”, người trước kia là hoàng đế thì nay trở thành công dân Vĩnh Thụy.”[13]

5.- Sách Thăng Long Hà Nôi Một Nghìn Sự Kiện Lịch Sử viết:

Cuộc biểu tình lớn mở đầu cho Tổng Khởi Nghĩa ở Hà Nội: Ngày 17/8/1945: Sau khi nhận được tin Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh, ngày 17/8/1945, Hội Đồng Tư Vấn Bắc Kỳ (một tổ chức thân Nhật) đã tổ chức cuộc họp ở trụ sở Khai Trí Tiến Đức (nay ở phố Lê Thái Tổ) âm mưu phá vỡ cuộc khởi  nghĩa của Việt Minh bằng cách tổ chức một cuộc mít tinh tại Quảng Trường Nhà Hát Lớn, hô hào quần chúng ủng hộ chính phủ bù nhìn. Một cuộc mít tinh lớn đã được tổng hội viên chức tổ chức ngay buổi chiều hôm đó. Nhận định tình hình, Ủy Ban Quân Sự Cách Mạng Hà Nội đã quyết định phá vỡ cuộc mít tinh này, chiếm lấy diễn đàn để tuyên truyền cách mạng, hô hào quần chúng nổi dậy khởi nghĩa. Những tiểu tổ tự vệ chiến đấu, những đoàn viên tuyên truyền xung phong, hội viên các tổ chức cứu quốc,… đã hòa trong đoàn người kéo về quảng trường để thực hiện nhiệm vụ. 

Đúng 2 giờ chiều, cuộc mít tinh bắt đầu. Nhưng sau khi lời khai mạc, khi một “diễn giả” của Tổng Hội Viên Chức chưa kịp phát biểu, thì một đội viên tự vệ đứng bên cạnh đó đã lập tức giương cao lá cờ đỏ sao vàng trên lễ đài. Cả biển người reo hò trong niềm hân hoan, vui mừng đón nhận lá cờ Việt Minh và lập tức hạ lá cờ “quẻ ly” của chính phủ bù nhìn.

Sau lời phát động khởi nghĩa của đồng chí Nguyễn Khang, cả đoàn người reo hò hưởng ứng và cuộc mít tinh nhanh chóng biến thành cuộc biểu tình, tuần hành khắp thành phố. Dẫn đầu bằng lá cờ đỏ sao vàng lớn, đoàn biểu tình xuất phát từ phố Tràng Tiền kéo sang phố Đinh Tiên Hoàng, qua Hàng Đào, Hàng Ngang, Đồng Xuân rồi sang phố Phan Đình Phùng, qua Cửa Bắc rẽ sang phố Hùng Vương, qua phủ Toàn Quyền, xuống phố Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ) tới Cửa Nam thì tản ra các phố. Bất chấp trời đổ mưa rào, đoàn người biểu tình mỗi lúc một thêm đông. Đây thực sự là những giờ phút đầu tiên của cuộc tổng khởi nghĩa ở Hà Nội.

Tổng Khởi Nghĩa Giành Chính Quyền ở Hà Nôi.- Ngày 19/8/1945: Sau thắng lợi của cuộc biểu dương lực lượng cách mạng 17/8, không khí cách mạng ở Hà Nôi càng trở nên sôi sục. Công nhân các nhà máy nghỉ việc, cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa nghỉ buôn bán, các phiên chợ ngừng họp…Cà Hà Nội đổ ra đường tham gia khởi nghĩa.

Từ mờ sáng ngày 19/8/1945, mọi nẻo đường Hà Nội rực bóng cờ đỏ sao vàng. Khắp các cửa ô, từng đoàn người từ các huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận kéo đến. Thực hiện chủ trương của Xứ Ủy Bắc Kỳ và Thành Ủy Hà Nội, nhân dân các huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận đã được huy động để tạo thêm thanh thế và hỗ trợ lực lượng cho cuộc khởi nghĩa của nhân dân nội thành. Lưc lượng này tiến vào nội thành từ nhiều phía: Phía nam, nhân dân các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên (Hà Tây) theo Quốc Lộ số 1 lên Văn Điển, qua Hàng Cỏ, Cửa Nam… từ Gia Lâm, qua cầu Long Biên sang bờ Hồ…, từ Hoài Đức, Đan Phượng, Hà Đông và Ngã Tư Sở…, tất cả đều đổ dồn về phía quảng trường Nhà Hát Lớn thành phố. Họ mang theo gậy gộc, mã tấu, dao phát bờ, câu liêm, liềm hái và các loại vũ khí thô sơ khác; nêu cao khẩu hiệu: “Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”, “Thành lập chính phủ Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”… Có thể nói, cùng với lực lượng chính là nhân dân nội thành, lực lượng nhân dân ở ngoại thành đã góp phần tăng thêm khí thế và sức mạnh cách mạng của Thủ Đô, tạo nên thế áp đảo, đưa cuộc Tổng Khởi Nghĩa tháng Tám ở Hà Nội giành thắng lợi nhanh chóng.

Đúng 11 giờ sáng ngày 19/8, cuộc mít tinh thành lâp chính quyền cách mạng Hà Nội đã diễn ra tại Quảng Trường Nhà Hát Lớn, thu hút hơn 10 vạn đồng bào tham gia. Sau phút mặc niệm tưởng nhớ các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh, ba tiếng súng báo hiệu lễ chào cờ, khúc Tiến Quân Ca vang lên, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên quảng trường, đồng chí Nguyễn Huy Khôi (Trần Quang Huy), đại diện Ủy Ban Quân Sự Cách Mạng Hà Nội đọc lời hiệu triệu nhân dân khởi nghĩa trước loa phóng thanh. Dưới sự chỉ đạo của Ủy Ban Quân Sự Cách Mạng, cuộc mít tinh nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình vũ trang, quần chúng phối hợp với các lực lượng vũ trang chia nhau đi chiếm giữ công sở, cơ quan đầu não của chính quyền địch.  Một đoàn do đồng chí Nguyễn Khang chỉ huy chiếm giữ Phủ Khâm Sai (phố Ngô Quyền, nay là Nhà Khách Chính Phủ), Tòa Thị Chính (nay là trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố, phố Đinh Tiên Hoàng), Sở Cảnh Sát Trung Ương (nay là trụ sở Công An Quận Hoàn Kiếm, phó Lê Thái Tổ). Một đoàn khác do đồng chí Nguyễn Quyết chỉ huy chiếm trại Bảo An Binh (phố Hàng Bài, trước rạp chiếu phim Tháng Tám).

Đên tối ngày 19/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã toàn thắng. Hà Nội sau gần 80 năm dưới ách nô lệ lầm than, nay đã giành được chính quyền.” [14]

Qua những đọan văn trích dẫn từ những sách sử trên đây, chúng ta thấy:

1.- Không có chỗ nào cho thấy “Cán bộ Cộng Sản đã dùng vũ lực cướp diễn đàn”, mà chỉ có “giương cao lá cờ đỏ sao vàng trên lễ đài.”

2.- Không có chỗ nào cho thấy “Các đội tuyên truyền Việt Minh công khai đến khắp mọi nơi trong thành phố và phụ cận hăm dọa, ép buộc dân tham gia cuộc biêu tình võ trang vào ngày 19/8/1945 với cờ đỏ sao vàng.”

3.- Không có chỗ nào cho thấy “Cán bộ cộng sản từ đoàn biểu tình tiến vào Phủ Khâm Sai của Nam triều dùng súng uy hiếp ông Phan Kế Toại và bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, Khâm Sai Bắc Kỳ, bắt mở của phủ.”

4.- Không có chỗ nào cho thấy “Cán bộ cộng sản hô hào, vận động và ép buộc thanh niên, sinh viên và nhân sĩ Hà Nội ủng hộ Việt Minh và đưa kiến nghị đòi vua Bảo Đại thóai vị trao quyền cho phính phủ lâm thời do Việt Minh thành lập.”

Ấy thế mà các ông tác giả cuốn sách Việt Nam: Cuộc Chiến Tranh Quốc Gia - Cộng Sản lại khơi khơi đưa ra những lời tuyên bố khẳng định chắc nịch một cách lươn lẹo “nói không thành có” như đã trình bày trên.

Ngoài những đoạn văn trên đây,  đặc biệt là các ông tác giả của cuốn sách này còn đưa ra lời tuyên bố xuyên tạc lịch sử như sau:

Một sự kiện lịch sử bi thảm nhất đó là chính Hồ Chí Minh và Cộng Sản Việt Nam vào năm 1946, đã thương lượng mời quân Pháp trở lại chiếm đóng đất nước để họ rảnh tay thanh toán những người quốc gia không chấp nhận cộng sản. Hành động này đã làm cho các chính phủ quốc gia từ ngày Hoàng Đế Bảo Đại hồi loan về chấp chánh và Chánh Phủ Ngô Đình Diệm đã phải đương đầu cùng một lúc với hai thế lực thực dân Pháp và lực lượng Việt Minh cộng sản đang vào rừng lập chiến khu đánh phá sát hại nhân dân.” (Trang xvii).

Đoạn văn trên đây chứng tỏ các tác giả này có chủ tâm bóp méo lịch sử và cũng không biết gì về những ý đồ và công việc chuẩn bị của Liên Minh Đế Quốc Thực Dân Xâm Lược Pháp – Vatican tái chiếm Đông Dương được công bố từ ngày 24/3/1945.

Những người am tường lịch sử Việt Nam trong thời cận và hiện đại đều biết rằng, không phải đợi đến năm 1946 khi được ông Hồ Chí Minh mời rồi Đế Quốc Pháp mới đem quân tấn công và chiếm đóng Việt Nam. Sự thật lịch sử là Đế Quốc Pháp đã có dã tâm tái chiếm Đông Dương ngay từ cuối tháng 3 năm 1945 với lời tuyến bố của ông Charles de Gaulle vào ngày 24/3/1945 (The March Declaration) theo đó ông ta khẳng định rằng,“Tương lai Đông Dương nằm trong Cộng Đồng Pháp như là một thuộc địa..”

Sau hơn một năm nghiên cứu của một ủy ban đặc biệt, Chính Quyền Pháp tuyên bố rõ ràng về tương lai của Đông Dương là trong Cộng Đồng Pháp Quốc. Bản tuyên bố này được gọi là Bản Tuyên Ngôn 24/3/1945. Bản tuyên ngôn này được công bố vào hai tuần lễ sau khi người Nhật  lật đổ ách thống trị của Pháp ở Đông Dương và đã để cho người Việt Nam tuyên bố quyền độc lập cúa họ, nhưng  Bản Tuyên Ngôn 24/3/1945  lại  không nói gì đến cả hai biến cố này.” Nguyên văn: “Aftter more than a year of study by a special commission, the French Government made an explicit statement about the future of Indochina within the French Community, as the colonial empire were henceforth euphemistically called.)This was  the so-called Declaration of March 24, 1945. Published exactly two weeks after the Japanese put an end to French rule in Indochina and had allowed the Vietnamese to proclaim their independence, the March Declaration took no notice  of either event. Independent was not even mentioned.”[15] .

Rồi sau đó, ngày 16/8/1945, Tướng Leclerc được lệnh đem quân sang Việt Nam, và ngày 17/8/45, chính quyền de Gaulle thỏa thuận (cấu kết) với Tòa Thánh Vatican bổ nhậm cựu Linh-mục Thierry D’ Argenlieu nắm giữ chức vụ Cao Ủy Đông Dương kiêm nhiệm chức vụ Tổng Tư Lệnh Đoàn Quân Viễn Chinh tái chiếm Đông Dương. Sự kiện này được sử gia Joseph Buttinger ghi nhận trong cuốn Vietnam: A Political History như sau:

Ngày 16 tháng 8, Tướng Leclerc được lệnh đem quân sang Việt Nam. Ngày 17 tháng 8. Paris bổ nhậm Đô Đốc Thierry d’ Argenlieu giữ chức Cao Ủy Đông Dương lo việc quản lý Đông Dương.” Nguyên văn: “On August 16, troops under the command of General Leclerc, a military hero of the European war, were ordered to proceed from France, Madagascar, and Calcutta to Vietnam. On August 17, Paris appointed Admiral Thierry d’ Argenlieu High commissioner of the new Frenh administration for Indochina.”[16]

Tháng 10/1945, một trung đoàn quân Pháp dưới quyền chỉ huy của Tướng Massu đổ bộ vào miền Nam tăng cường cho thế lực Liên Minh Pháp-Vatican đã có sẵn ở đây để chuẩn bị mở những cuộc hành quân tiêu diệt các lực lượng Kháng Chiến Việt Nam ở miền Nam. Sự kiện này được sử gia Bernard B. Fall ghi lại trong cuốn The Two Vietnams  như sau:

Tướng Massu lúc đó đang chỉ huy quân đội ở miền Đông nước Pháp, được lệnh chỉ huy trung đoàn đầu tiên tiến vào lãnh thổ Việt Nam vào tháng 10 năm 1945.Nguyên văn: “General Massu, who now commmands French troops in eastern France, commanded the first regimental combat team that landed in Vietnam in October, 1945.”)[17]

Việc Pháp đem quân ra Bắc và việc ông Hồ Chí Minh cùng ông Vũ Hồng Khanh ký bản Thỏa Hiệp Sơ Bộ 6/3/1946 được Giáo-sư Lê Xuân Khoa ghi nhận trong cuốn Việt Nam 1945-1975 như sau:

“Ngày 28 tháng 2 năm 1946, Trung Hoa ký với Pháp bản thỏa ước Trùng Khánh, đồng ý cho quân đội viễn chinh Pháp tới thay thế quân đội Trung Hoa ở miền Bắc Việt Nam để đổi lấy việc Pháp trả lại các đặc quyền và nhượng địa đã chiếm đoạt từ thế kỷ trước. Ngoài ra, Trung Hoa cũng được Pháp dành cho một số quyền lợi về kinh tế ở Việt Nam. Đại Tướng Leclerc, tư lệnh Đoàn Quân Viễn Chinh Pháp tới Sàigòn, lập tức ra lệnh cho chiến hạm chuyển quân ra Bắc, dự liệu sẽ tới cảng Hải Phòng ngày 6 tháng Ba. Để tránh đụng độ quân sự, Hồ Chí Minh vội vã chấp thuận các điều khỏan trong Hiệp Định Sơ Bộ, theo đó Việt Nam được nhìn nhận là một nước “tự do” trong Liên Bang Ðông Dương và Liên Hiệp Pháp, có chính phủ riêng nhưng chỉ được chia một phần cai trị về đối nội. Việt Nam bằng lòng cho 15 ngàn quân Pháp tới thay thế quân Trung Hoa. Pháp đồng ý tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề thống nhất ba miền đất nước. Ngày ký Hiệp Định Sơ Bộ là ngày 6 tháng Ba. Bộ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Tường Tam không chịu tham dự. Phó Chủ Tịch Quân Ủy Vũ Hồng Khanh phải ký tên cùng với Hồ Chí Minh trên bản Hiệp Ðịnh. Mặc dù đã có sự chia sẻ trách nhiệm như vậy, dư luận đã tỏ ra bất mãn và các đảng phái quốc gia chỉ trích Hồ Chí Minh rất nặng, thậm chí lên án ông “bán nước cho Pháp.” Ngày hôm sau, Việt Minh phải tổ chức một buổi mít tinh trước Nhà Hát Lớn thành phố để Chủ Tịch Hồ Chí Minh giải thích thích. Ông kết luận bằng một lời thề: “Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước.” [18]

Cũng nên biết là  vào thời gian  này (cuối năm 1945), ý đồ của Toà Thánh Vatican chống lại chính quyền Việt Nam dưới quyền lãnh đạo của cụ Hồ Chí Minh và Mặt Trận Việt Minh với mưu đồ phục hồi vương quyền nhà Nguyễn  bằng cách đưa ông vua gỗ Bảo Đại trở lại chính quyền. Hành động bất chính này được  vị khâm sứ đại diện Vatican tại Hà Nội là Tổng Giám Mục Antoni Drapier công khai tuyên bố vào ngày 28/12/1945. Lời tuyên bố ngược ngạo này đã đưọc ghi lại nơi Chương 2 ở trên.

Lời tuyên tuyên bố trên đây của viên đại diện Tòa Thánh Vatican  thực sự chỉ là mưu đồ dùng người Việt đánh người Việt và dùng tín đồ Ca-tô để cai trị đại khối nhân  ta thuộc các tôn giáo cổ truyền của dân tộc. Mưu đồ này được dự tính và tiến hành từ tháng 12/1945 và cho đến tháng 6/1948 mới trở thành cụ thể. Sự kiện lịch sử này đều được sách sử ghi lại rõ ràng và đã được trình bày khá rõ ràng nơi Chương 2 ở trên.

 

Chú Thích


[9] Mười tác giả, Bản Chất Các Phản Ứng về Bài Giảng  h.t Nhất Hạnh (Garden Grove, CA; Giao Điểm, 2001), tr. 146-151.

[10] Phạm Văn Sơn, Việt Sử Toàn Thư (Glendale, CA: Đại Nam, năm xuất bản?), tr. 706-707.

[11]Đoàn Thêm,  Hai Mươi Năm 1945-1964 Việc Từng Ngày (Los Alamitos, CA: Xuân Thu, ?), tr. 10-11.

[12] Nghiêm Kế Tổ, Việt Nam Máu Lứa (Los Alamitos, CA: Xuân Thu, 1989), tr.42-44.

[13] Ngô Văn, Việt Nam 1920-1945 (Montreuil, Pháp: Chuông Rè / L’Insomaniaque, 2000), tr. 314.

[14] Vũ Văn Quân, chủ biên, Thăng Long Hà Nội  Một Nghìn Sự Kiện Lịch Sử (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Hà Nôi, 2007), tr. 358-360.

[15]Joseph Buttinger, Vietnam: A Political History (New York: Frederich A. Praeger, 1968), p. 212.

[16] Joseph Buttinger. Ibid, 215.

[17] Bernard B. Fall, The Two Vietnams (New York: Frederick A. Praeger, 1967), p 69-70. 

[18] Lê Xuân Khoa, Viêt Nam 1945-1995 (Bethesda, MD: Tiên Rồng, 204), tr..66-67.

 

 


Trang Nguyễn Mạnh Quang