Cái Họa Của Người Nổi Tiếng

Thanh Tùng/ (VNTP) thực hiện

ngày 3 tháng 2, 2011

Trước chiến thắng mùa Xuân năm 1975 thống nhất đất nước, chiến dịch Tấn công nổi dậy Tết Mậu thân 1968 có ý nghĩa lịch sử lớn nhất trong chiến tranh chống Mỹ. Do đó sự phản kích của đối phương về mặt quân sự và tâm lý chiến cũng vô cùng ác liệt. Vết thương chiến tranh: thiệt hại về vật chất bốn mươi năm qua đã hàn gắn nhưng những di hại về chiến tranh tâm lý gây nhiễu thông tin vẫn còn tồn tại trong sách vở và các cơ quan truyền thông chống đối cách mạng Việt Nam ở nước ngoài. Những người nổi tiếng tham gia cách mạng bị vu vạ dai dẳng một cách tàn ác vẫn chưa được “bồi thường” về mặt thiệt hại danh dự. Để biết đâu là sự thực, PV Tiền Phong trực tiếp hỏi chuyện nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, những người trong cuộc “gặp nạn” chỉ vì họ là người nổi tiếng

Bài 1:

Cái giá phải trả của ông Tổng Thư ký Liên minh các lực lượng dân tộc - dân chủ và hoà bình TP Huế

Phóng viên (PV): Nhiều người vẫn rất bất ngờ về việc anh mới “lên rừng” hai năm, nhưng đã trở thành một nhân vật quan trọng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP)?

Hoàng Phủ Ngọc Tường (HPNT): Có những công việc thích ứng với vai trò của một người. Ví dụ, chỉ kể riêng trong MTDTGP thôi thì tôi cũng chưa phải là người quan trọng nhất. Trong phong trào đấu tranh ở đô thị Miền Nam thì Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình (LMCLLĐTC&HB) là phù hợp nhất vào thời điểm đó. Trong LMCLLĐTC&HB Thành phố Huế thì tôi cũng mới chỉ là Tổng thư ký. Ở Tổng hội Sinh viên Huế trước khi lên rừng, tôi cũng đã là Tổng thư ký rồi. Hơn nữa ở thời điểm ấy, trong số những trí thức Huế đi theo Cách mạng, tôi là người phù hợp nhất với vai trò ấy - so với giáo sư Lê Văn Hảo là Chủ tịch Liên minh; bà Nguyễn Đình Chi và Hoà thượng Thích Đôn Hậu là Phó Chủ tịch.

Hơn nữa, bảo rằng tôi được cách mạng “tin cậy” là một điều không hoàn toàn chính xác so với sự thật. Thứ nhất, như vừa mới lăn lội rừng núi suốt 10 năm, tôi được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc Hội thì không hiểu tại sao trong dân gian lập tức lan truyền rằng : Lan-Đính- Chính -Tường / Bốn tên phản động tìm đường mà đi. Tôi rất bực mình, tự hỏi :

- Ai là phản động ? Tại sao dám bảo tôi là phản động ? Tôi dám thách bất cứ ai có thể đưa ra một bằng chứng nhỏ chứng tỏ rằng tôi là người phản động- Các người chỉ giỏi bôi nhọ người khác để được việc mình !

- Thứ hai, có lần tôi được mời sang dự hội thảo ở nước Đức, đã có vé máy bay trong túi, nhưng đến giờ chót phải huỷ chuyến đi do vé máy bay bị thu hồi.

- Thứ ba, rồi đến chuyện Tạp chí Cửa Việt do tôi làm Tổng biên Tập, bị đình bản….

Nhưng tôi vẫn làm việc vui vẻ, “ bất đắc chí độc hành kỳ đạo” - Mạnh Tử đã nói như thế. Sống ở đời một người trí thức cũng có một cái giá phải trả cho việc mà người khác cứ tưởng là mình được tín nhiệm.

PV: Một số bạn bè ở cố đô Huế cho biết, họ yên tâm lên đường khi nhận được thư thăm hỏi động viên, cổ vũ của anh. Anh gửi thư về cho bạn bè theo gợi ý của Tổ chức hay là hay là từ tấm lòng chân thành của mình ?

HPNT: Cả hai. Tổ chức chỉ đặt yêu cầu chung và chịu trách nhiệm đưa thư vào nội thành. Cá nhân tôi chọn từng đối tượng cụ thể. Và tôi đã viết thư cho bạn bè với cả tấm lòng. Ví dụ trường hợp anh Lê Văn Hảo là người tôi chọn viết thư từ nửa năm trước. Bà Nguyễn đình Chi thì hình như Tổ chức liên lạc từ trước. Theo lời bà kể thì trong kháng chiến chống Pháp bà đã được mời gặp anh Nguyễn Chí Thanh. Bà lên rừng trong khoảng mùa thu năm 1966. Còn tôi lên trước, vào mùa hè năm đó. Trường hợp anh Nguyễn Đắc Xuân tôi cũng viết thư liên lạc sau khi lên rừng một tháng. Lúc ấy anh Xuân đang lúng túng, sau khi cuộc nổi dậy của phong trào Phật Giáo mùa hè 1966 bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu thẳng tay đàn áp.

PV: Trong chiến dịch Tổng tấn công Tết Mậu Thân, nhiều “nhà văn cầm súng” như Xuân Thiều, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Quang Hà… theo các cánh quân về bám trụ nội thành Huế và vùng đồng bằng rộng lớn. Tại sao trong đội hình ấy không có anh ?

HPNT: Không nên kể anh Xuân Thiều vào đây. Anh ấy là cán bộ của Trung ương đưa vào đi thực tế chiến trường. Nhiều người đã trở thành nhà văn sau này, nhưng trong phong trào cách mạng thời ấy thì chúng tôi chỉ là cán bộ cơ sở. Việc phân công bám địa bàn hoạt động là do tổ chức bố trí cho từng người cụ thể. Thành thực nói rằng, tôi chưa được phân công về đô thị cũng như về đồng bằng một chuyến nào cả. Có lẽ tổ chức “để dành” sử dụng tôi trong những công việc cần thiết hơn sau này.

PV: Không về Huế trong chiến dịch Mậu Thân, nhưng vì sao anh lại viết cuốn “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu” sống động như một bài ký sự của phóng viên chiến trường, tại sao vậy?

HPNT: Nói rằng “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu” sống động thì e quá lời. Trong 4 tập sách của Tuyền Tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi không chọn trang nào của tác phẩm này cả. Thực tâm mà nói tôi tự đánh giá đó là một tác phẩm chưa đạt. Nguyên do là nó được viết từ một bản thảo là những ghi chép thực tế chiến trường của anh Nguyễn Đắc Xuân khi gặp những “người giữ cờ” ở Huế. Tôi nhớ bản thảo ấy cũng chỉ độ 5 đến 7 trang. Tôi đã hư cấu thêm theo sự cho phép của thể loại ký - chứ tôi đâu có mặt ở Huế vào thời điểm ấy.

Một hôm tôi đang làm rẫy ở trong rừng thì nhận được một cuốn sách của NXB Giải Phóng. Không hiểu vì sao bản này khi in thành sách tên tác giả lại chỉ có mình tôi. Tôi đã viết thư phản ứng với Giám đốc NXB Giải phóng lức đó là anh Khương Minh Ngọc. Nhưng sau đó tôi được anh Bảo Định Giang, phụ trách Tiểu ban Văn nghệ Miền Nam, ra chiều can ngăn; bảo rằng làm như thế sẽ “có lợi” cho cách mạng hơn.

PV: Anh ấm ức như thế nào về việc phải ở lại tuyến sau, và chỉ biết tình hình chiến sự qua báo cáo và qua radio ?

HPNT: Tôi và anh Lê Văn Hảo đã có tên chính thức tham gia chiến dịch Mậu Thân. Và ngay trong đêm Tổng tiến công chúng tôi đều có mặt ở Sở chỉ huy tiền phương mặt trận Huế, đặt tại núi Kim Phụng. Nghe các anh ở Bộ tư lệnh nói là chờ sáng mai mới vào thành, khi tình hình đã ổn định. Nhưng ngày hôm sau chúng tôi được thông báo lại rằng tình hình diễn biến ngày càng phức tạp, hãy ráng chờ. Chúng tôi cứ chờ mãi như thế và không bao giờ được trở lại thành phố. Lúc bấy giờ Quân giải phóng và nhân dân Huế vẫn phải liên tục đánh trả sự phản công quyết liệt của đối phương.

Ảnh: Hoàng Phủ Ngọc Tường (ngồi xe lăn) Tết Mậu tý.

Lời hiệu triệu kêu gọi đồng bào Huế nổi dậy do tôi viết đã được thu băng và được phát đi khắp các nẻo đường, phố phường của Huế. Có lẽ do sự kiện này mà về sau nhiều người nhầm rằng tôi có mặt ở Huế trong những ngày Tết Mậu Thân. Tôi lấy làm lạ là sự thật về việc này nhiều người cứ cố tình nói sai; bởi tôi đã có dịp làm sáng tỏ vấn đề trên công luận. Ví dụ như tôi đã trả lời phỏng vấn Đài RFI, buổi phát thành này đã được chuyển tiếp qua Đài phát thanh Little SàiGòn ở quận Cam mà nhiều Việt Kiều đã nghe trực tiếp. Bài phỏng vấn cũng được in lại trên tạp chí Hợp Lưu, do anh Khánh Trường làm Tổng biên tập, xuất bản ở Califonia - Mỹ. Thế mà tại sao vẫn có những kẻ xấu miệng cứ tìm cách buộc chặt tôi vào “vụ” Mậu Thân Huế.

 

Bài 2:

Người trong cuộc Nguyễn Đắc Xuân nói gì?

Nguyễn Đắc Xuân - trưởng Đoàn Sinh viên Quyết tử Huế (mùa hè 1966).

PV: Đang là người hùng của phong trào đấu tranh ở đô thị tại sao anh lại tìm đường lên rừng?

Nguyễn Đắc Xuân (NĐX): Mùa hè năm 1966, sau mấy tháng tranh đấu chống Mỹ - Thiệu đòi hoà bình cho dân tộc, một phong trào miền Trung ly khai với chính phủ Sài Gòn dâng lên rất dữ dội. Nhiều nguồn tin cho biết Chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu phải nghĩ đến giải pháp thành lập một chính phủ “trung lập” thay chính phủ Thiệu-Kỳ để thương thuyết với Mặt trận Giải phóng hòng vãn hồi hoà bình tại miền Nam Việt Nam. Chuyện Thiệu-Kỳ phải ra đi chỉ còn là vấn đề thời gian. Nhưng không ngờ các ông Thiệu-Kỳ thế thốt cam kết với Chính phủ Mỹ sẽ dùng mọi biện pháp -kể cả việc ám sát các nhân vật lãnh đạo phong trào ly khai, dẹp tan phong trào tranh đấu để tiếp tục chiến tranh. Và các ông ấy đã thực hiện được lời cam kết vào ngày 19-6-1966. Chiến tranh được đẩy mạnh với cường độ nóng hơn. Ba anh em chúng tôi là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân bị phát lệnh truy nã. Hai anh Tường và Phan là cơ sở cách mạng nên ra chiến khu của Thành uỷ Huế ngay. Còn tôi là một Phật tử nên tá túc trong các chùa Phật như: Kim Tiên, Tường Vân, Thiên Hoà... ở vùng Dương Xuân. Nhiều lần tôi cũng suýt bị bắt nên phải trốn tránh hết sức căng thẳng. Nếu không được các nhà sư và dân chúng bảo vệ hết mình thì có lẽ  tôi cũng đã tiêu đời từ hồi ấy rồi. Tất cả những hiểm nguy của tôi đều được các cơ sở báo cáo lên Thành uỷ Huế. Do đó anh Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết thư rủ tôi lên chiến khu thư giãn một thời gian rồi trở lại tranh đấu tiếp. Anh Tường mà còn đi được huống chi tôi, nên tôi nhận lời một cách sốt sắng. Người tổ chức cho tôi lên rừng là ông Phan Nam (sau 1975 ông Phan Nam làm Chủ tịch UBND TP Huế). Chuyện như thế chứ tôi có biết đường sá lên rừng chi đâu mà tìm! 

PV: Anh Hoàng Phủ Ngọc Tường là Tổng thư ký Liên minh các Lực lượng  dân tộc-dân chủ và hoà bình thành phố Huế, còn anh khi đó giữ chức vụ gì?

NĐX: Lên chiến khu anh Tường và tôi làm khách ở ngay tại cơ quan Văn phòng Thành uỷ Huế cho đến ngày 25-12-1966, cơ quan bị một trận bom B52 tơi bời, sau đó hai chúng tôi mới được chuyển qua công tác Tuyên huấn do chị Phan Thị Thanh (cựu nữ sinh trường Đồng Khanh) làm Trưởng ban và cụ Ưng Trí (cháu nội của Tuy Lý Vương) làm Phó ban. Chúng tôi tập sự làm báo Cờ Giải Phóng do nhà thơ Thanh Hải phụ trách. Mãi cho đến gần cuối năm 1967, hai chúng tôi được điều trở lại Văn phòng Thành uỷ, kể chuyện tổ chức Phong trào tranh đấu làm chủ thành phố Huế gần 100 ngày đêm hồi mùa hè 1966. Sau đó các vị lãnh đạo (chủ yếu là ông Lê Tự Nhiên -khu uỷ viên Trị Thiên và ông Hoàng Phương Thảo - Thường vụ Thành uỷ) đề nghị anh Tường và tôi tham mưu cho các ông tổ chức một Mặt trận đoàn kết theo mô hình Mặt trận Nhân dân Tranh thủ Hoà bình mà Phong trào đấu tranh ở Huế đã thực hiện. Chúng tôi đề xuất nhiều tên nhưng cuối cùng lãnh đạo thành phố chấp nhận tên Liên minh các lực lượng Dân tộc-dân chủ và Hoà bình thành phố Huế. Chúng tôi lại được mời tham gia ý kiến hình thức của lá cờ Liên minh (trên dưới màu xanh, giữa màu đỏ có ngôi sao vàng), viết cương lĩnh của Liên minh. Anh Tường văn hay chữ tốt thảo cương lĩnh, tôi tự chế một cái bàn in Ronéo bằng một tấm kính để in Cương lĩnh và in tập thơ Nổi Lửa của chúng tôi. Anh Tường được cử làm Tổng thư ký Liên minh, tôi vốn là Đoàn trưởng đoàn Sinh viên Quyết tử hồi mùa hè năm 1966 nên được cử làm “uỷ viên thanh niên”.    

PV:  Trong Chiến dịch Mậu thân Huế 1968 anh tham gia với cánh quân nào, được giao nhiệm vụ gì?

NĐX: Tôi được Thành uỷ xem là “nhân sĩ” lại am hiểu đường sá ở Huế nên được đi với Ban tham mưu của cánh Bắc do ông Trần Anh Liên làm Chính uỷ. Nhưng khi về đến Huế thì tôi làm nhiệm vụ vận động thanh niên trong Thành (khu vực từ cửa Đông Ba đến cửa Thượng Tứ) tham gia cách mạng, vận động binh lính, cảnh sát VNCH đang nghỉ tết tổ chức các đoàn nghĩa binh làm công tác cách mạng. Đến khi địch phản kích mạnh, lực lượng giải phóng và dân chúng hy sinh, bị thương nhiều, thanh niên chúng tôi phải lo vận tải thương binh đến các trạm phẫu, chôn tạm tử sĩ bên vệ đường và đặc biệt giúp dân đào hầm trú ẩn tránh đạn bom. Một bộ phận khác lo vận động lương thực, thực phẩm, thuốc men cung cấp cho Mặt trận. 

PV: Người ta nói không có những trang ghi chép của anh trong những ngày bám trụ Huế Tết Mậu thân thì anh Hoàng Phủ Ngọc Tường không viết “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn lâu” ?

NĐX: Sau Chiến dịch Huế Xuân 1968, địch phản kích rất dữ dội. Trong vùng chiến khu giáp ranh Huế thiếu lương thực trầm trọng. Năm 1969, nhân đoàn văn nghệ sĩ Huế đi dự Đại hội Văn nghệ ở Khu Trị Thiên (gần đường 559 tận biên giới Lào), chúng tôi gồm Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Hữu Vấn, Lê Phương Thảo (tức Lê Công Cơ), Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Đắc Xuân được gởi ở lại cơ quan Tuyên huấn Khu uỷ (do nhạc sĩ Trần Hoàn phụ trách) một thời gian. Trong lúc chúng tôi rảnh việc, các vị lãnh đạo đề nghị chúng tôi viết chuyện Tết Mậu thân. Ai biết chuyện gì viết  chuyện ấy. Nhờ công tác thanh niên trong Thành Nội nên tôi biết chuyện tuổi trẻ đã chiến đấu anh dũng ở  Kỳ Đài và cửa Đông Ba. Tôi ghi lại thành hai bản thảo Ngọn Cờ Trên Đỉnh Phu Văn Lâu và Cửa Thành Thép. Khi chiến dịch Mậu thân 1968 diễn ra, anh Tường ở địa đạo Khe Trái trong cánh rừng phía tây huyện Hương Trà, theo dõi cuộc chiến qua đài Phát thanh nên anh không chứng kiến được chuyện gì hấp dẫn để viết cả. Biết thế tôi tặng anh bản thảo Ngọn Cờ Trên Đỉnh Phu Văn Lâu và anh Tường đã hoàn thành bút ký ấy với nhan đề Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu. Vì thế, có thể nói nếu tôi không công tác trong Thành Nội, không ngồi ghi chép lại những điều tai nghe mắt thấy thì chắc chắn anh Tường không viết được quyển sách ấy.    

PV:  Vì sao cho tới tận bây giờ vẫn có những người ác ý với các anh về sự tham gia cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc?

NĐX: Tôi là Phật tử, xuất thân sinh viên tranh đấu chống chính quyền Ngô Đình Diệm và các chính quyền Sài Gòn thân Mỹ, rồi lại tham gia kháng chiến... Vì thế ít ra đã có ba hạng người có ác ý với tôi.

- Một: tín đồ các tôn giáo thân chính phủ Diệm và các chính quyền Sài Gòn do người Mỹ dựng lên;

- hai: những người sợ các cuộc tranh đấu của sinh viên làm ảnh hưởng đến sự tiến thân của họ;

- ba: thành viên các tổ chức chính trị chống Cộng.

Bất cứ ai xuất thân như tôi cũng đều bị “ác ý” cả. Riêng trường hợp của tôi (và cả hai anh Ngọc Tường và Ngọc Phan) còn có thêm một lý do quan trọng khác gây nên sự ác ý với tôi nữa. Như các bạn đã biết: Những người có lập trường kiên định, có quá trình hoạt động và có chức mới có quyền thực sự, còn các thành phần nhân sĩ trí thức trong các Mặt trận chỉ giữ vai trò hiệu triệu, dân vận mà thôi. Tổ chức cách mạng chặt chẽ, ai được phân công việc gì thì biết việc ấy, người có quyền thực thụ bí mật hiện hữu với các bí danh khác nhau, đối phương khó lòng biết được. Bởi vậy bộ máy chiến tranh tâm lý của Mỹ và VNCH không thể bêu riếu được những người lãnh đạo mặt trận nên họ dồn hết ác ý cho những người “nổi tiếng”.

Trong thập niên 60, trong giới sinh viên trí thức đi theo cách mạng, các anh Tường, Phan và tôi thuộc loại nổi tiếng nhất. Nhã Ca -tác giả tập bút ký tâm lý chiến Giải Khăn Sô Cho Huế được giải thưởng văn học của Tổng thống Thiệu (1970) bịa chuyện viết rất ác về tôi. Đầu những năm 80, gặp Nhã Ca ở TP HCM, tôi hỏi “Vì sao chị lại nỡ dựng chuyện ác cho em của một người bạn mình như thế ?” Nhã Ca đáp: “Như anh biết: viết ký thì phải có những con người bằng xương bằng thịt nổi tiếng mà mọi người đều biết rõ ràng thì viết mới hay, chứ anh nghĩ lính giải phóng ở miền Bắc vào tôi nào có biết ai đâu ?”. Chuyện nầy tôi đã kể lại trong bài “Hậu Quả Của Cái Chết Của Tôi” đã đăng báo viết và báo điện tử trong và ngoài nước mười năm nay. Nhiều người thiếu thông tin đọc phải sách của Nhã Ca cũng đâm ra có “ác ý” đối với chúng tôi. Nhưng những ai đã đọc bài “Hậu quả của cái chết của tôi” họ lại đâm ra có ác ý với Nhã Ca.

Tôi tin “Ở đời đã vay thì phải trả”. Thế thôi.  

 

Thanh Tùng  thực hiện,

 

Nguồn:

-Tiền phong, số 18 (từ 28/4-4/5/2008)

 - http://www.nhandanvietnam.org/view.php?storyid=655

Trang Lịch Sử