Trương Vĩnh Ký tâu với thực dân Pháp

về vua Đồng Khánh như thế nào?

Nguyễn Đắc Xuân

http://sachhiem.net/NDX/NDX031.php

17-Sep-2020

[http://www.gactholoc.com/printer.php?id=598&tbl=contents]

Trong một lá thư viết tại Huế đề ngày 24 tháng 4 năm 1886, gủi cho ông Pène Siefert, Trương Vĩnh Ký dành riêng để nói về vua Đồng Khánh. Bức thư bằng tiếng Pháp nầy có giá trị như một báo cáo mang tính chính trị nên đã được đăng trong sách "LE TONKIN, son Commerce et sa mise en exploitation" của Ernest Millot xuất bản tại Paris năm 1888, tại các trang 242 - 243. 


H.1. Vua Đồng Khánh

Bản dịch nghĩa lá thư “chân dung” vua Đồng Khánh:
“Vua Đồng Khánh, nay được 23 tuổi, con của hoàng tử Kiên Quốc Công – con trai Thiệu Trị (thân sinh vua Tự Đức), anh cả cùng mẹ khác cha (frère ainé utérin) [1] với Kiến Phước, là người nối ngôi từ tháng 8 năm 1885, đồng thời cũng là anh em cùng cha khác mẹ với người em thứ (puiné) Hàm Nghi.

Tự Đức không có con, nên đã nuôi dạy Đồng Khánh trong Nội cung hai năm (pendant deux ans) [2], coi như hoàng dưỡng tử, và được ban tước như đã từng ban cho Dục Đức - con của hoàng tử  Kiến Thoại Vương và  Kiến Phước, để sau này truyền ngôi.

Nhà vua đương kim [3] được người em Kiến Phước thương yêu trìu mến, một tính cách trái ngược với những gì thường xảy ra trong các hoàng gia Á châu. Khi Kiến Phước dạo chơi, người anh cả âu yếm bồng em trong tay, hoặc đi kèm hai bên Kiến Phước. Suốt thời trẻ, Đồng Khánh ở trong một dinh thất (résidence) đặc biệt gọi là Chánh Mông đường, vùi đầu vào việc học tập (để đạt đến) cái danh vọng của xứ An Nam. Ngày đêm ông hoàng miệt mài đọc sách, tranh thủ tiếp thu chữ nghĩa một cách khó nhọc tại thư phòng. Nhờ thế, ông tỏ ra thông hiểu triết học, lịch sử và văn chương Viễn Đông, giỏi hơn một nhà nho trung bình. Ông chỉ có một cách nghỉ ngơi giải trí duy nhất là  tập cưỡi ngựa. Ông cũng được Tự Đức quan tâm chăm sóc, mỗi tháng ba lần nhà vua cho phép Đồng Khánh vào Nội các để nghị luận về kinh truyện cổ điển, tập làm tấu chương, để sau này tham gia tu chỉnh điển chương, chính sự. Trong các cuộc hội họp của Nội Các, ông hoàng nổi bật do sự mẫn tiệp đánh giá đúng người đúng việc của ông.

Ông hoàng trẻ này dường như không hề có tham vọng ngai vàng (l’ambittion du trône), nên chẳng quan tâm đến những xung đột giữa các triều thần và những lạm dụng quyền hành cần phải kiềm chế, mà chỉ giữ thái độ vô tư, chẳng bận lòng về những mối cừu hận giữa các phe phái.

Sống giữa lòng dân tộc, ông hoàng có thể có những quan sát cá nhân để lượng định tình trạng khốn khổ của dân chúng.

Về phần phẩm hạnh, ông hoàng giữ ý tứ giữa các anh em cũng như các đấng sinh thành, mối hoà đồng mà Khổng Tử đã khuyến dạy. Ông hoàng trẻ này có vẻ thông tuệ và nhã nhặn, dễ dàng thích nghi với những tập tục ngoại lai xét ra ưu việt hơn những lề thói của người bản xứ.


H.2.Trương Vĩnh Ký

Những gì tôi nói ở đây là do mắt thấy và tai nghe. Trong cái nhìn đặc biệt vì lợi ích nước Pháp, việc Đồng Khánh lên ngôi quả là hoan hỉ (Ce que j’en dis là est à titre de témoin, oculaire et auriculaire. Au point de vue spécial des intérêts francais, il est heureux que Dong-Khánh occupe le trône)”.

Nhận xét:

Trương Vĩnh Ký giới thiệu vua Đồng Khánh với thực dân Pháp “trong cái nhìn đặc biệt vì lợi ích nước Pháp” như ông đã tự bạch thì không thể khách quan, không khách quan thì không thể đúng được.

Trong tài liệu nầy, Trương Vĩnh Ký bộc lộ sự không hiểu thấu đáo về triều Nguyễn và con người mà Trương Vĩnh Ký đang “phục vụ”. Xin dẫn chứng một số chi tiết sai:

1)    Sai về lịch sử:
- Đồng Khánh và Kiến Phước là anh em cùng cha khác mẹ (frère consanguin) nhưng Trương Vĩnh Ký lại viết là cùng mẹ khác cha (frère ainé utérin);   

- Lúc mới 2 tuổi (1864-1865), Ưng Biện – sau nầy là vua Đồng Khánh, được vua Tự Đức chọn làm con nuôi và nuôi dưỡng trong Đại Nội. Đến năm 15 tuổi ông được ra nhà học Chánh Mông. Như thế lúc còn là con nuôi vua Tự Đức, vua Đồng Khánh đã ở trong Đại Nội đến 13 năm, chứ không phải chỉ hai năm như Trương Vĩnh Ký đã viết.   

2) Sai về nhận định:

Trương Vĩnh Ký cho rằng: “Ông hoàng trẻ này dường như không hề có tham vọng ngai vàng (l’ambittion du trône)”. Thực tế thì ngược lại. Vua Đồng Khánh là một người rất ham chiếc ngai vàng. Vì ham như thế cho nên ông mới thân hành qua Toà Khâm sứ Huế để được thực dân Pháp đặt lên ngôi.  

Nói tóm, “chân dung” vua Đồng Khánh qua con mắt của Trương Vĩnh Ký hoàn toàn không có giá trị về lịch sử. Tuy nhiên, đối với các nhà nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký thì đây là một tư liệu quý tô đậm thêm cái vai trò tham mưu cho thực dân Pháp “bình định” nước Nam của Trương Vĩnh Ký.     

___________
 [1]  Sự thật, Đồng Khánh và Kiến Phước là anh em cùng cha khác mẹ (frère consanguin).
[2]  Sự thật là đến 13 năm
[3]  Chỉ Đồng Khánh

 

 

 Nguồn: Tác giả gửi MS Word,

                   

Trang Lịch Sử