Ngày Xuân năm Tân Mão -2011

Gặp Nhà Nghiên Cứu Nguyễn Đắc Xuân

Nguyễn Hồng Trân

http://sachhiem.net/NDX/NDX022.php

ngày 16 tháng 3, 2011

 

Phần I

1. Nguyễn Hồng Trân [NHT]: Chào anh Xuân! Hôm nay vào đầu xuân năm mới Tân Mão - 2011, tôi đến thăm anh, xin chúc anh và gia đình năm mới này được mọi sự an lành, hạnh phúc, có thêm nhiều niềm vui mới và tác phẩm mới. Và nhân gặp anh đây, tôi có một số vấn đề muốn hỏi anh luôn. Có được không anh?

- Nguyễn Đắc Xuân [NĐX]: Xin cám ơn anh đến chơi và có lời chúc tốt đẹp đầu năm mới của anh…Tôi rất bận nhưng cũng rất hân hạnh được tiếp chuyện anh về bất cứ vấn đề gì mà tôi có thể…

2. NHT: Sau ngày hoà bình thống nhất đất nước, tôi về quê hương theo nghề dạy học. Tôi dạy tại trường Đại học Tổng hợp Huế từ năm 1976. Hồi đó tôi mới biết anh Xuân trước đây là một sinh viên Đại học sư phạm Huế. Anh đã từng tham gia phong trào sinh viên đấu tranh chống giặc Mỹ và chế độ Ngô Đình Diệm, chúng đã gây đau khổ cho đồng bào quê hương, đất nước. Và sau đó anh đã thoát ly khỏi Huế cùng nhiều bạn bè theo cách mạng. Xin anh cho biết anh đã suy nghĩ thế nào mà anh đi theo cách mạng?

- NĐX: Bây giờ lớn tuổi đã có nhiều trải nghiệm, nếu ngồi quán chiếu tự phân tích về mình thì cũng thấy được nhiều chuyện có ý nghĩa sâu sắc. Nhưng trong thực tế lúc đó (cho đến năm tôi thoát ly-1966), tôi (cũng như nhiều người bạn cùng thế hệ tôi) suy nghĩ rất đơn giản: Là một người có chút trí thức thấy người Mỹ dựng lên chính quyền VNCH làm tay sai cho Mỹ để tiến hành chiến tranh đi ngược lại khát vọng giải phóng - thống nhất đất nước của dân tộc, chúng tôi tham gia tranh đấu chống Mỹ và chính quyền tay sai Mỹ ở Sài Gòn. Đến khi bị đàn áp khốc liệt, bị truy nã, một số bạn bè của tôi thoát ly theo Mặt trận Giải phóng (cụ thể là anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan), tôi trốn tránh trong các chùa Phật một thời gian rồi cũng theo “tiếng gọi” của bạn bè tôi ra vùng kháng chiến – lối thoát độc nhất lúc ấy của lứa tuổi tôi. Thế thôi.

3. NHT: Khi lên rừng, phải chịu bao nhiêu khó khăn, gian khổ và cực kỳ nguy hiểm do giặc Mỹ càn quét, dội bom, thả chất độc hoá học v.v… Anh có lúc nào hoang mang nản lòng, muốn về cầu an quy hàng dịch không?

- NĐX: Suốt những năm kháng chiến tôi đã được nếm đủ mùi chiến tranh của Mỹ: Các loại B.52, B.57, pháo mặt đất, pháo tàu, moọc-chê, M.79, mìn Cờ-lay-mo, bị phục kích, bị chất độc hóa học rải lên đầu, sốt rét, đói, bị trôi trên sông Hương mùa lũ…cọng lại có đến 15 lần suýt chết, nhưng may mắn là không lần nào bị thương nặng cả. Thú thật với anh, với danh dự của “người sinh viên Huế” thoát ly, chúng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ đầu hàng địch. Tôi đã xác định mình sẽ chết, sẽ hy sinh nhưng chỉ mong sao chết thật ý nghĩa. Các bạn tôi hiện còn sống sẽ chứng nhận điều đó.

4. NHT: Thời gian anh thoát ly đi theo cách mạng, anh đã làm những công việc gì? Anh có thích không? Nguyện vọng của anh lúc bấy giờ như thế nào?

- NĐX: Lúc đầu tôi làm khách ở Thành ủy, cuối năm 1966, bị một trận B52 dội vào cơ quan, tôi và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường được chuyển qua làm báo Cờ Giải Phóng do chị Phan thị Thanh Nhàn (cựu nữ sinh Đồng Khánh), bác Ưng Trí (cháu nội Tuy Lý Vương) và nhà thơ Thanh Hải phụ trách. Cuối năm 1967, tôi và anh Tường được rút về lại Thành ủy tham gia thành lập Mặt trận Liên Minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Thành phố Huế, Tết Mậu thân về Huế tôi được giao nhiệm vụ thành lập Đội Thanh niên tự vệ Thành nội, phục vụ Mặt trận (vận động thanh niên tham gia Mặt trận, lo hậu cần, chôn cất tử sĩ ..) Sau tết Mậu thân 1968, tôi trở lại Trường Sơn, tiếp tục làm báo, mấy năm sau đó được cử về đồng bằng phía nam Huế, làm công tác dân vận, làm báo, tổ chức đường dây vào Thành phố lấy tin tức, tổ chức cơ sở ở đô thị… Được công tác ở vùng hậu địch là tôi thích nhất. Nguyện vọng của tôi lúc đó là sớm giải phóng miền Nam để tôi về Huế làm người cầm bút phục vụ đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất.

5. NHT: Anh có thể cho biết một kỷ niệm sâu sắc nhất của anh trong thời đoạn anh tham gia công tác phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc?

- NĐX: Thời gian kháng chiến lâu (hơn 8 năm ở chiến khu và đồng bằng), trải qua nhiều công tác, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Trong tất cả các hoàn cảnh ấy đều có kỷ niệm sâu sắc. Tôi xin phép trả lời anh bằng một kỷ niệm “đầu đời kháng chiến” mà tôi đã ghi trong tự truyện sau đây:

Ngay buổi chiều lên chiến khu (7-1966), trên đường đưa tôi vô cơ quan Thành uỷ Huế, anh Nguyễn Trung Chính lộ bí mật cho tôi biết tôi vừa đi qua một cái khe khô dẫn đến cơ quan Thanh niên - nơi các sinh viên Huế thoát ly trước tôi đang ở. Các bạn ấy gồm Lê Minh Trường, Nguyễn Đính (tức Trần Vàng Sao), Hoàng Phủ Ngọc Phan...

Ngày đầu tiên lên rừng, bị lăn xuống dốc, trong người sây sát nhiều chỗ, đau đớn, lại trèo đèo, lội suối suốt đêm. Qua đến cả ngày hôm đó, tôi mệt mỏi vô cùng, nhưng đến khi biết có những người bạn ở thành phố của tôi thuở nào hiện có mặt ở đây, tôi vui quá, tỉnh người ngay. Cái đầu mối khe khô trên con đường rừng dẫn vô cơ quan Thanh niên của các bạn tôi trở nên cái địa chỉ rừng xanh thân thiết đầu tiên trong lòng tôi. Mấy hôm sau, tôi xin phép Thành ủy một mình đi thăm các bạn thanh niên. Nhờ cái tuổi thơ thất học, lặn lội trong rừng ở Phụng Sơn (Đa Lạt) bây giờ trở lại với rừng tôi không có gì bỡ ngỡ cả. Tôi đến đúng cái múi khe khô hôm nọ và rẽ phải. Con suối nầy mùa mưa chắc hung dữ lắm, còn bây giờ đang là cuối hè nên trông còn hiền lành lắm. Con suối trườn mình xuống một triền đồi thoai thoải. Dấu chân người nối nhau để lại trên mặt đất sỏi đá một vệt dài. Đó là hiện thân của các bạn tôi giữa vùng rừng núi hoang vu nầy. Tôi nhảy từ tảng đá nầy qua tảng đá khác để sớm gặp bạn.

Trong lúc đang miên man như thế thì tự nhiên một dây bom nổ ùng oàng ngay trên con suối tôi đang đi. Tôi nằm ẹp xuống suối và may mắn ở một cái mép bờ khe khô bên cạnh có một cái rãnh nước xói sâu vào trong bờ làm thành một cái bộng hang, tôi cằn người vào đó như một con thằn lằn. Hết dây bom nầy, đến dây bom khác nổ trên đầu, cây ngã, đá văng ào ào như động đất. Không gian tối mù. Tôi không ngờ mình nhận được sự truy kích của Mỹ sớm đến thế. Tôi có cảm tưởng như bọn lái máy bay B.52 nó thấy tôi vừa rẽ qua đây và chúng đuổi theo tôi. Mùi thuốc bom trộn lẫn với mùi lá rừng bị giã nát hăng nồng phả vào người tôi, làm cho tôi muốn ngạt thở và không nghĩ được gì nữa.

Tôi nằm chờ thần chết đến. Một lúc tiếng nổ xa dần và tắt hẳn. Tôi biết mình đang sống và tin như vừa có một bàn tay vô hình nào đó đã che chở cho tôi. Mà quả thật như vậy, nếu không có cái bộng hang thiên nhiên đã moi sẵn ấy để cho tôi cằn vào nằm đây có lẽ thân xác tôi đã tan thành từng mảnh và rải khắp vùng núi rừng nầy rồi. Tôi cử động để bò ra. Ôi thôi, tất cả chân tay tôi đều bị “khoá” cứng hết, tôi không điều khiển được chúng nữa. Hình như thần kinh trong tôi quá căng thẳng, nó ngưng hoạt động, giống như hiện tượng bị “treo” của máy vi tính ngày nay vậy. Tôi thiếp đi một chút rồi tỉnh lại. Quái lạ, chân tay tôi lại ngọ nguậy trở lại mình thường. Mừng quá, tôi cằn mình bò ra. Nhưng trời ơi ! Không hiểu lúc tôi chui vô bằng cách nào mà bây giờ tôi bò ra không được nữa. Người tôi bị đè dí sát đất, tôi không cựa quậy được. Thôi chết rồi ! Có ai biết mà đến cứu tôi đây.

Một lúc cái bản năng sinh tồn trong tôi thức tỉnh tôi. Tôi dùng mười ngón tay cào cào đất sỏi dưới ngực và nhặt dần từng viên sỏi đẩy ra ngoài. Lúc đầu rất khó khăn, một lúc nó rộng dần và cuối cùng tôi đã cứu được tôi. Hú ba hồn! Tôi giũ người đứng dậy giữa cảnh hoang tàn xa lạ giống như đang ở trên mặt trăng. Cây cối đổ dọc ngang, đất đá, thuốc súng phủ một lớp bụi chết lên lớp lá xanh bị vỏ giã nát. Nhìn lại cái hang tôi vừa chui ra thì biết cái hang nầy xói qua gốc một cây đại thụ có bộ rễ bàng rất to. Khi cây cổ thụ bị bom phạt quật ngã, cái bộ rễ bàng lún xuống đè lên người tôi. May mà nó lún chút đỉnh thôi chứ nó lún hết cỡ thì tôi đã bẹp dí trong hang rồi.

Bom B-52

Đứng tại chỗ, lấy lại bình tĩnh một lúc và tìm phương hướng xem thử mình đang đứng ở đâu, đi đâu và về đâu. Cuối cùng tôi quyết định, chui qua cây lá ngổn ngang xuôi theo khe tiếp tục đi thăm bạn. Và tôi đã gặp được các bạn tôi ở cuối dòng khe nầy. Nghe tôi kể chuyện bị bom giữa đường, một người nào đó bảo tôi: “B.52 nó thả vào cơ quan Thanh niên, nhưng vì nó là bê-quăng-sai nên mới trúng anh đó”. Trận bom làm cho việc gặp bạn của tôi kém vui. Nhưng cũng nhờ cuộc gặp bạn đó mà tôi đã không bị mất tinh thần sau trận bị dội bom. Trong cuộc tìm thăm bạn đầy ấn tượng đó tôi đã gặp thêm một người bạn mới vừa ở miền Bắc vào. Đó là anh Hải Dương (Nguyễn Khoa Điềm)- người mà sau nầy tôi đã có nhiều dịp làm việc chung với nhau”.

6. NHT: Cảm xúc lớn nhất của anh sau ngày đất nước hoà bình thống nhất 1975 như thế nào?

- NĐX: Sau ngày ký Hiệp định Paris , Mỹ rút quân, chuyện giải phóng miền Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên sau ngày 30-4-1975, hòa bình lập lại, chuyện chết chóc, máu đổ chấm dứt, khát vọng hòa bình độc lập thống nhất đất nước đã trở thành hiện thực. Tôi được bình yên trở lại quê nhà, không có hạnh phúc nào có thể so sánh được với tôi lúc ấy.

7. NHT: Anh về Huế và lập gia đình riêng lúc nào? Sau đó vợ con anh sống ra sao? Đến nay chị và các cháu sinh sống, công việc thế nào có thuận lợi không?

- NĐX: Về Huế, đầu năm 1976, tôi lập gia đình với một cô giáo hàng xóm hồi tôi trọ học ở Đập Đá. Người ấy cũng là cháu một bậc đàn anh của tôi ở chiến trường Trị Thiên. Vì tính cách, xuất thân gia đình, ý tưởng xã hội khác nhau, cộng với hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên lúc đầu vợ chồng tôi tưởng rằng không thể ở với nhau được. Nhưng rồi, không ai phủ nhận được cái tốt của nhau - những cái tốt nhất do hai người tạo nên là ba cô con gái ngoan – cuối cùng chúng tôi cũng có được cuộc sống bình thường như nhiều gia đình bạn bè khác. Hồi tôi làm báo ở Đà Nẵng (1993-1998), nhà tôi phải xin hưu trí trước tuổi để giúp chăm sóc ba cô con gái. Nhờ thế ba cô con gái của tôi đều được học hành, có chuyên môn, có tay nghề, làm việc với người trong nước hoặc người nước ngoài đều được tín nhiệm. Hai cô gái đầu đã lập gia đình. Chúng tôi đã có 4 cháu ngoại.

8. NHT: Tôi nghe nói anh là người Thừa Thiên Huế mà sao giọng nói của anh như người miền trong Nam vậy? Anh sinh ra và lớn lên từ nơi khác à?

- NĐX: Mẹ tôi là người Thanh Hóa, ba tôi là người Huế. Tôi sinh ra ở Huế, 3 tuổi lên sống ở Đà Lạt. Lại sống trong một ngôi làng do người Quảng Nam thành lập. Tôi chơi với bạn bè nói tiếng Quảng nên bị ảnh hưởng nói tiếng Quảng.

9. NHT: Anh có thể nói sơ qua về ba mẹ, ông bà, họ hàng, làng quê của anh mà nhiều người muốn biết được không?

- NĐX: Tôi vừa sơ lược về “nhân thân” của tôi với anh ở trên. Để anh hiểu hơn tôi xin “khai” rõ hơn như sau: Quê tôi là làng Dã Lê Chánh, xã Thủy Vân, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông nội tôi phục vụ Nhã nhạc cung đình Huế từ thời Thành Thái cho đến đầu triều Bảo Đại. Ba tôi là con trai độc nhất, không nối nghiệp Nhã nhạc mà đi làm cho Nhà hàng Khách sạn Morin. Mẹ tôi người xóm Thanh, làng Thanh Oai, Đông Sơn Thanh Hóa, biết hát Ả Đào, Ca trù. Mẹ tôi bị tảo hôn nên phải chạy vào Huế đi hát. Ba tôi lúc ấy làm thủ quỹ cho ông chủ Morin đi hát gặp mẹ tôi, hai người phải lòng nhau và sinh ra tôi. Khi tôi ra đời mẹ tôi mới biết ba tôi đã có gia đình ở làng quê và đã có con. Năm tôi 3 tuổi, ba tôi gởi mẹ con tôi lên Đà Lạt ở với một người chị bà con của ba tôi. Sau đó chiến tranh, đứt liên lạc với ba tôi, mẹ tôi đi bước nữa với một người Quảng Ngãi và mẹ con tôi theo người ấy vào sống trong rừng làm nghề cưa xẻ gỗ, làm thợ mộc rồi làm vườn. Đến năm 1952, ba tôi liên lạc được với mẹ tôi. Mẹ tôi cho tôi về thăm quê. Từ sau đó tôi bắt đầu đi học. Hai năm sau tôi về ở hẳn với ba tôi. Tôi có một người anh và một em trai cùng cha khác mẹ ở Huế, và 6 người em trai và gái cùng mẹ khác cha ở Đà Lạt.

10. NHT:  Đến năm 1952 anh đã 15 tuổi mới đi học sao?

NĐX: Đúng như vậy. Tôi sinh năm 1937, để tôi có thể xin đi học được, anh tôi đã làm “Thế vì khai sinh”, khai tôi sinh năm 1943 (trụt cho tôi 6 tuổi) . Năm 1954 tôi đỗ Tiểu học, rút ngắn được ba năm và đuổi kịp nhiều bạn học sinh khác cùng sinh năm 1943.

11. NHT:  Đi học trễ 6 năm, học xong Đại học anh lại đi kháng chiến 9 năm, nhưng qua tiếp xúc và đọc sách của anh, tôi thấy vốn kiến thức của anh không thua kém những người được đi học bình thường. Anh có bí quyết gì để nâng cao sự hiểu biết của mình như thế ?

- NĐX: Do đi học trễ nên tôi luôn mang mặc cảm mình dốt. Cho nên tôi có khát vọng học. Trong kháng chiến tôi cùng ghi chép, cũng học qua Đài Phát thanh và quần chúng những nơi tôi đến công tác. Tôi lại quan niệm vừa học vừa làm. Khi làm (viết, nói, dạy) tôi mới thấy mình thiếu, mình dốt lại phải nghiên cứu, học để bổ sung những chỗ thiếu, chỗ dốt của mình. Cho nên trước cuộc đời tôi luôn luôn là người học trò. Đến bây giờ đã 75 tuổi cũng vậy. Tôi thường nói với các con tôi: Học sớm hay học muộn, đỗ đạt bằng cao hay bằng cấp thấp không quan trọng, quan trọng là học đúng nghề nghiệp của mình và học suốt đời. Có lẽ nhờ thế mà tôi không đến nỗi lạc hậu so với nhiều bạn bè cùng lứa tuổi, cùng học và cùng nghiên cứu, viết lách như tôi. Hiện nay nhiều người cho tôi là “Nhà tư liệu học” có lẽ chính vì tôi muốn học, muốn không ngừng khám phá kiến thức mới nên đã dày công sưu tập tư liệu và đã trở nên…

12. NHT: Tôi được đọc nhiều sách báo của anh, tôi thấy anh là người nhạy bén nắm bắt được nhiều thông tin quan trọng về chính trị, văn hoá, xã hội… với một ý thức, tinh thần chịu khó tìm tòi, khảo sát thực tế để viết bài, viết sách. Tất nhiên sách báo của anh viết có nhiều chỗ hay, cũng có chỗ chưa hay; có chỗ tư liệu khá tin cậy có chỗ tư liệu chưa thật đúng lắm. Chuyện này sẽ nói riêng cụ thể với anh sau. Anh bắt đầu viết báo và viết sách từ khi nào? Bài báo đầu tiên của anh là bài gì? Quyển sách anh viết đầu tay là quyển nào?

- NĐX: Khi viết một bài gì dù ngắn dù dài tôi cũng cố gắng tra cứu tư liệu, viết đúng phương pháp khoa học. Nhưng do trình độ buổi đầu còn hạn chế, tư liệu khoa học sau chiến tranh rất khan hiếm nên những bài viết của tôi buổi đầu không tránh được sự non yếu. Nhưng nếu sau tìm được tư liệu mới chính xác hơn tôi luôn luôn bổ sung và viết lại, tôi phủ nhận nhiều cái chính tôi đã viết để được đến gần với chân lý khoa học hơn. Tôi xuất thân là một người làm thơ. Năm 1959, tôi đang học Quốc Học đã in tập thơ Bướm Lạc Rừng Xuân (cùng với Hà Ly Hải, sau nầy là bác sĩ, hiện đang sống ở Hoa Kỳ). Về báo chí, tôi đã có bài đăng báo từ đầu những năm Sáu mươi.Về nghiên cứu, khảo luận phải lên Đại học Văn khoa (1961) và Đại học Sư phạm (1962) tôi mới bắt đầu. “Công trình” khảo luận đầu tiên là luận văn ra trường Đại học Sư phạm của tôi năm 1966 mang tựa đề “Khảo luận về Hát bội Huế”, do Giáo sư Lê Hữu Khải hướng dẫn.

13. NHT: Sau ngày anh về hưu, tôi biết anh cũng chịu khó nghiên cứu viết được thêm một số sách nữa. Anh cho biết quyển sách nào anh dày công biên soạn nhất và quyển nào là quyển anh tâm đắc nhất?

- NĐX: Xin nói rõ hơn với anh điều nầy: Thời kháng chiến tôi công tác ở Ban Tuyên huấn Thành ủy, viết báo, làm thơ, viết truyện, vận động quần chúng tham gia cách mạng. Sau ngày hòa bình (1975) tôi vẫn tiếp tục làm việc ở Ban Tuyên huấn rồi qua Hội Văn nghệ (1988), rồi làm tạp chí Sông Hương (1990), làm báo Lao Động (1990-1998) cho đến ngày về hưu. Tôi chưa hề làm việc cho một cơ quan, một tổ chức nghiên cứu nào. Việc nghiên cứu viết sách là nghề tay trái của tôi, không liên quan gì đến chuyện tôi tại chức hay hưu trí cả. Trong đời nghiên cứu “nghiệp dư” của tôi, tôi tâm đắc nhất là công trình “Đi tim dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung” Công trình nầy tôi đã bắt đầu từ hơn 10 năm trước khi tôi về hưu.

14. NHT: Từ mấy chục năm nay tôi thấy anh rất theo đuổi việc đi tìm lăng mộ vua Quang Trung. Tôi đã có dịp dự mấy cuộc tọa đàm và Hội thảo về vấn đề đó, nhưng đến nay vẫn chưa đi đến đâu cả. Anh nghĩ thế nào về việc này? Hiện nay tuổi anh đã cao (75), sức khoẻ cũng giảm đi nhiều rồi. Liệu anh còn có sức theo đuổi vấn đề đó nữa không?

- NĐX: Tôi nghĩ trách nhiệm nghiên cứu của người cầm bút tôi đã hoàn thành công trình “Đi tim dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quan Trung”. Còn chuyện khai quật và dựng lại Cung điện Đan Dương là việc của Bộ Văn hóa Thể thao và tỉnh Thừa Thiên Huế. Điều mừng nhất là công trình nghiên cứu của tôi không có vấn đề phát sinh cần phải đối phó nào mà ngược lại càng ngày càng có nhiều tài liệu bổ sung tăng thêm giá trị khoa học của công trình mà thôi.

15. NHT: Tôi biết anh hiện nay một nhà nghiên cứu về Văn hoá, lịch sử có tiếng ở Huế cũng như ở Việt Nam . Anh vừa là nhà báo, nhà văn, nhà lịch sử… nhưng cái đam mê thích thú nhất của anh là “nhà” nào? Thế mạnh của anh là gì? Anh có muốn đi sâu vào lĩnh vực nào mới nữa không, hay là “buông tay, gác kiếm” nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già?

- NĐX: Chuyện “nhà” nầy “nhà” kia là cách phân chia của chính quyền ta hiện nay. Phân chia như thế để tập trung, giúp cho chuyên môn được nâng cao hơn. Nhưng đối với tôi xưa nay tôi vẫn nghĩ mình chỉ là một người cầm bút (a pen) hoặc như ông Hồ Hữu Tường trong Nam thường nói là “một écrivant” (không phải écrivain = nhà văn). Trong các bài viết của tôi có tư liệu của nhà nghiên cứu, có hình ảnh thông tin báo chí, có chất văn để người đọc dễ đọc. Dù đã đến tuổi 75 nhưng tôi chưa hề nghĩ chuyện gác bút. Vì còn biết bao nhiêu chuyện của Huế mà tôi đã chuẩn bị nhưng chưa viết được. Và có lẽ tôi viết cho đến khi chết cũng chưa chắc đã hết. Cứ làm việc, đến đâu hay đó. “Biết ra sao ngày sau”. Là một người cầm bút tôi muốn được viết đến hơi thở cuối cùng. Tôi ước mong sẽ chết trên bàn phiếm máy vi tính. Giống như một nhạc sĩ, một ca sĩ được chết khi đang biểu diễn trên sân khấu. Được thế tôi hạnh phúc vô cùng.

 

Phần II

16. NHT: Tôi được đọc nhiều bài báo và sách của anh, tôi thích nội dung và những bình luận đánh giá nhận xét của anh rất xác đáng có cơ sở khoa học và có nhiều tư liệu đáng quý. Nhưng tôi không thích một số bài phê phán của anh đối với một số tác giả khác. Tuy anh nói thẳng thắn, nhưng lời phê nặng nề, nhiều khi người ta cho rằng anh “đao to búa lớn” chẳng thuyết phục được lòng người. Trái lại, phê phán kiểu như thế sẽ làm cho đương sự tác giả cảm thấy khó chịu, bực tức mà không tiếp thu. Phải mềm dẻo dùng học thuật phân tích có tình, có lý một cách nhã nhặn thì ai cũng tâm phục, khẩu phục. Dân gian ta có câu: “Mật ngọt chết ruồi, mắm mặn không chết troi bao giờ”. Chắc anh Xuân đồng ý với tôi như vậy chứ?

- NĐX: Nếu được như anh nói thì quý biết mấy. Nhưng nhỡ là “Trời sinh tôi ra, tôi ra như thế”. Bây giờ nên hư cũng đã muộn rồi. Nếu vì…mà tôi phải chịu thiệt thòi thì tôi cũng đành xin chịu vậy. Chỉ xin anh thông cảm cho tôi điều nầy: Tôi nói thẳng, không ngại trước mặt mình là ai. Nhưng không bao giờ tôi “đao to búa lớn” cả.

17. NHT: Anh phê phán mạnh như vậy cũng có cái lý của anh. Tôi có gặp cụ Hoàng Xuân Định ở Huế. Cụ ấy nói rằng: “Người ta hay nói Ông Nguyễn Đắc Xuân hay phê phán chỗ sai sót bài của người khác rất đau, ông ta cứ thẳng tay phang mạnh không nể nang. Nhưng theo tôi, có phang mạnh đau như thế nó mới tỉnh dậy, mới mở mắt ra và chịu rút kinh nghiệm. Như vậy là có ích, còn cái gì cũng xoa dịu, cứ khen cả thì còn gì là khoa học nữa! Và có như vậy thì những người đi sau không lặp theo vết xe đổ như thế nữa! ”. Anh cho biết ý anh thế nào?

- NĐX: Phong cách phản biện thẳng thắn của tôi làm cho nhiều người không thích. Đó là quyền của họ. Đối với tôi mục đích phản biện để đạt được cái gì mới là điều đáng quan tâm. Phản biện để nâng cao chất lượng khoa học, đến gần với chân lý, hoặc chỉ rõ được sự sai lầm để làm lại là điều quan trọng. Ngược lại phản biện để che giấu sự dối trá, phá hoại, lừa bịp thì dù mềm mỏng khéo léo đến đâu tôi cũng không chấp nhận.

18. NHT: Vài năm gần đây, tôi nghe người ta nói rằng anh là một trong những người tung hô tôn vinh quá mức Nhạc sĩ Phạm Duy. Điều đó có đúng không? Anh nghĩ sao? Vì mọi người dân Việt đều biết Phạm Duy là một nhạc sĩ có danh tiếng trong làng âm nhạc Việt Nam, đồng thời cũng có tiếng là một nhạc sĩ hèn nhát, cầu an, chạy về quy hàng giặc để được phú quý… rồi lại còn có những bài hát chống cộng nữa phải không?

- NĐX: Thưa anh Hồng Trân, trước tiên xin cám ơn anh đã đặt cho tôi câu hỏi thứ 17 nầy. Muốn trả lời một cách rạch ròi câu hỏi nầy, chắc phải viết một cuốn sách mới được. Ở đây xin anh cho tôi tách câu hỏi của anh ra làm 3 câu nhỏ để tiện trả lời.

18/1. NHT: Vài năm gần đây, tôi nghe người ta nói rằng anh là một trong những người tung hô tôn vinh quá mức Nhạc sĩ Phạm Duy. Điều đó có đúng không? Anh nghĩ sao?

- NĐX: Tôi chưa bao giờ bị ai đó cười tôi là “người viết thuê” (écrivain public), “văn nô”, “chuyên gia nâng bi”, “chuyên gia bốc thơm”, ai cả. Tôi viết gì là viết tự đáy lòng, viết hết những điều mình suy nghĩ. Trong cảm xúc của tôi không có giới hạn, không có “mức”, tôi cố phấn đấu theo Phùng Quán “Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét”. Thế thôi. Do đó tôi chấp nhận tất cả dư luận không đồng tình với tôi về những bài tôi viết có liên quan đến nhạc sĩ Phạm Duy, và cả nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhiều người nữa. Tôi tôn trọng sự không đồng tình của họ. Nhưng tôi sẵn sàng đối thoại với các bậc thức giả về đề tài nầy. Như anh đã biết qua bài “Thiếu một tấm lòng” của tôi trên Internet[1] có liên quan đến ba nhạc sĩ lớn Trọng Bằng, Phạm Tuyên và Hồng Đăng cách đây gần hai năm, tôi rất sòng phẳng.

18/2 NHT: Vì mọi người dân Việt đều biết Phạm Duy là một nhạc sĩ có danh tiếng trong làng âm nhạc Việt Nam , đồng thời cũng có tiếng là một nhạc sĩ hèn nhát, cầu an, chạy về quy hàng giặc để được phú quý.

- NĐX: Trong một cuộc gặp mặt của Cựu Thiếu sinh quân Việt Nam và nhạc sĩ Phạm Duy ở TP HCM vào năm 2001, nhiều Cựu Thiếu sinh quân VN đã hỏi thẳng nhạc sĩ Phạm Duy (tác giả bài hát Thiếu Sinh Quân từ hồi đầu kháng Pháp) những vấn đề giống như nội dung anh nêu lên trong câu hỏi nầy. Và họ hỏi Phạm Duy có biết nhà văn Huy Phương lúc đó đã làm bài thơ trách chuyện Phạm Duy bỏ kháng chiến chạy về thành không? Phạm Duy đã trả lời bằng cách đọc thuộc lòng bài thơ Huy Phương làm năm xưa và nói rõ hoàn cảnh gia đình vì sao lúc ấy anh phải đào ngũ để về thành. Chỉ có một chi tiết Huy Phương viết không đúng là anh về thành “để hưởng phú quý”. Sự thực anh về thành phải làm việc cật lực mới đủ tiền nuôi vợ con chứ không một chút phú quý nào từ kẻ thù của kháng chiến trao cho anh. Các cựu Thiếu sinh quân mà năm 2001 đã trở thành nhiều cán bộ cao cấp, nhiều tướng tá hữu công đã thông cảm cho hoàn cảnh của Phạm Duy. Thế hệ của tôi đi kháng chiến, nếu lúc ấy có một đồng đội bỏ chúng tôi, cũng “dinh tê” về thành như Phạm Duy thì chúng tôi cũng lên án, cũng nguyền rủa không thua gì các bậc đàn anh của tôi đã dành cho Phạm Duy. Nhưng nay, Việt Nam có Nghị quyết 36, đất nước hội nhập, chuyện cũ giao lại cho lịch sử, các nhà nghiên cứu có đủ thông tin lịch sử để nhìn vấn đề cũ sát với thực tế hơn để văn hóa dân tộc phát triển theo kịp đà phát triển của kinh tế hội nhập. Chuyện Phạm Duy dinh tê không hay ho gì nhưng nếu anh ở lại thì lịch sử âm nhạc VN có hàng trăm bản tình ca bất hủ, có Con đường cái quan, có Mẹ Việt Nam như hiện có không? Phạm Duy có khác gì Văn Cao và những người ở lại như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán và hàng chục nhạc sĩ tài giỏi khác không dinh tê năm ấy không? Câu trả lời đã có sẵn trong thực tế mấy chục năm qua. Bao giờ cách tư duy cũ một chiều ấy chưa được phản biện thì những người tài mà không gặp vận “được tham gia kháng chiến đến cùng” sẽ còn đứng bên lề công cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc hiện nay.

18/3 NHT:… lại còn có những bài hát chống cộng nữa phải không?

- NĐX: Năm 2000 nhạc sĩ Phạm Duy về nước lần đầu, có người đến báo với ông Tố Hữu – người đã từng lãnh đạo ngành tư tưởng văn hóa cách mạng VN, rằng: “Phạm Duy đã có nhiều bài hát chống Cộng”. Hồi đầu năm 2001, trong giờ giải lao Hội thảo khoa học “Bản sắc dân tộc trong văn hóa văn nghệ” tại Hội trường dinh Thống Nhất, tôi hân hạnh được gặp ông Tố Hữu và bà Thanh. Nhân nói chuyện nhạc sĩ Phạm Duy, ông Tố Hữu cho biết:

-“…Năm ngoái Phạm Duy về Hà Nội có đến thăm mình. Nếu Phạm Duy có về lại thì anh em nên tạo điều kiện cho anh ta thâm nhập thực tế để sáng tác tiếp. Phạm Duy là một người rất có tài. Còn chuyện thời gian anh ta ở miền Nam có làm việc nầy việc nọ thì cũng dễ hiểu thôi, anh ta cũng phải làm để sống và nuôi vợ con chứ !”

Tôi đã nhắc lại ý kiến của ông Tố Hữu trong bài viết “Anh Tố Hữu” đăng trên báo Văn Nghệ lúc ông Tố Hữu còn tại thế. Bài viết về sau được chọn in trong cuốn Tố Hữu sống mãi trong lòng nhân dân & đất nước (Nxb Văn Hoc, 2002).

Thưa anh Trân, chuyện trước đây Phạm Duy làm nhạc “chống Cộng” không phải là tôi không biết. Nhưng cứ nhắc lại chuyện ấy thì làm sao tôi có thể tạo được điều kiện tinh thần để Phạm Duy sáng tác tiếp theo lời dặn của người lãnh đạo, người anh lớn của thế hệ yêu nước chúng tôi? Đối với văn nghệ sĩ mà không có sự cảm thông, không có sự bao dung, thiếu một tấm lòng thì không bao giờ có văn nghệ cả.

19. NHT: Một số bạn bè anh thời học phổ thông trường Quốc học Huế đang ở khắp nơi trong nước và nước ngoài, có người rất khâm phục anh về tinh thần yêu nước và chịu khó viết nên những bài báo quyển sách đáng quý để cống hiến cho đời những gì mà xã hội, đất nước và con người của quê hương đất mẹ Việt Nam đã làm nên trang sử hào hùng của dân tộc. Đồng thời cũng có một số bạn của anh trước đây đang sống ở Mỹ lại luôn luôn cố ý tìm cách nói xấu anh nhiều chuyện. Không biết những kẻ đó bực tức anh chuyện gì vậy mà có ác tâm như thế? Hay là họ “giận cá chém thớt”? Anh nghĩ sao về những thông tin ấy? Có lẽ anh đã làm được nhiều việc có ích cho đồng bào, cho xã hội Việt Nam mà họ không làm được nên có chuyện ganh ghét muốn tìm cách hạ thấp uy tín anh chăng? Thật ra điều đó chẳng có gì đáng sợ! Ai như thế nào thì mọi người đã biết. Ai tốt, ai xấu, ai chính nghĩa, ai phi nghĩa đều phải trả giá cả. Có phải thế không anh?

- NĐX: Cám ơn anh đã có lời chia sẻ những thông tin ác đã lẫn vào đời sống cầm bút của tôi. Đối với trí thức miền Bắc những thông tin ác ý ấy hơi “cợm”, nhưng đối với những anh em trong các phong trào đấu tranh ở đô thị miền Nam đã được nhiều người biết tên lại có quá trình đi theo kháng chiến hoặc hoạt động bí mật ở đô thị thì không lạ gì. Tôi là một Phật tử, một sinh viên Huế, tham gia đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm, theo kháng chiến chống Mỹ, về Huế lại nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế. Dù muốn dù không sau năm 1975, ít nhất có 5 xu hướng chính trị chống tôi. 1. Những tín đồ Thiên chúa giáo phù Ngô Đình Diệm và hiện nay đang phấn đấu chạy tội độc tài gia đình trị, đàn áp Phật giáo của anh em nhà họ Ngô; 2. Những công bộc của gia đình họ Ngô thù hận những Phật tử đã đấu tranh đưa đến việc chấm dứt chế độ Ngô Đình; 3. Những người tự hào ăn tiền viện trợ Mỹ xây dựng miền Nam “tự do” chống lại cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; 4. Những người chống Cộng biết tôi là người Huế - người miền Nam, lại là người nghiên cứu văn hóa lịch sử biết rõ họ là ai, nên họ tìm mọi cách vu oan giá họa cho tôi để thỏa mãn lòng thù hận của họ; 5. Đặc biệt họ chống cuộc tấn công nổi dậy của Mặt trận Giải phóng hồi tết Mậu thân 1968 ở Huế, nhưng họ không biết tổ chức của Mặt trận nên thấy tôi và những người Huế nổi tiếng khác có tên trên báo chí liên quan đến cuộc tấn công đó họ tập trung vu khống, thêu dệt oan trái cho tôi.

Đặc điểm cuộc đời tôi như nêu trên nên tôi xem 5 xu hướng chính trị chống tôi, nói xấu tôi như vừa nêu là chuyện tất nhiên, chuyện bình thường. 5 xu hướng chính trị ấy mà hiểu được tôi, hiểu được những gì tôi đã đóng góp với dân chúng, với văn hóa lịch sử mới là chuyện lạ, chuyện bất bình thường. Những người trước đây là bạn học Trung học, Đại học với tôi nếu họ nằm trong 5 xu hướng chính trị nêu trên họ nói xấu tôi cũng là chuyện bình thường. Nếu có khác là họ có được một chút quen biết cũ để tô màu cho ý tưởng nói xấu tôi mà thôi.

20. NHT: Anh có “phản biện”những gì mà 5 xu hướng chính trị phản động ấy viết xấu về anh không ?

- NĐX: Thưa không.

21. NHT: Vì sao vậy?

- NĐX: Những hoạt động của đời tôi là sự thật, tôi là nhà nghiên cứu lịch sử có tên tuổi, nói, viết, tranh luận trên cơ sở tư liệu thực, trên lý tưởng của khát vọng kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng hòa bình. Những người chống tôi không cần biết sự thật, họ nói, viết, tranh luận lấy được, họ tự hào được Mỹ viện trợ để chống lại việc giải phóng miền Nam để xây dựng cái gọi là VNCH của “thế giới tự do”. Hiện nay họ đang tỵ nạn ở nước ngoài, ăn lương hưu hoặc tiền trợ cấp xã hội của nước ngoài, có sẵn máy vi tính nối mạng ở khắp nơi, họ nói ngang, viết ngược gì mà không được! Có phản biện đúng họ cũng không nghe. Vậy, phản biện họ làm gì cho mất công!...

22. NHT: Anh có nghĩ rằng những thông tin xấu ấy họ đã tung lên Net mà anh không phản biện thì sẽ có ảnh không tốt đối với anh sau nầy không?

- NĐX: Có chứ. Có đối với những người thiếu thông tin, những người nhẹ dạ, những người đã nuôi sẵn định kiến chống tôi. Nhưng không sao, số người viết xấu về tôi không có uy tín, không đông đảo bằng những người viết, nói đúng về tôi ở trong và ngoài nước lâu nay. Hơn nữa, tất cả những người đương đại tiêu biểu cho Việt Nam thế kỷ XX nầy có ai không bị nói xấu, viết xấu đâu ? Nếu nói xấu, viết xấu, vu vạ cho những người yêu nước chân chính mà thành công thì đâu đến nỗi những người theo ngoại bang ấy phải sống lưu vong như hiện nay! Tuy nhiên, không rõ họ có nghĩ tới điều nầy: Dân chúng Việt Nam, độc giả Việt Nam biết rõ tôi là người như thế nào, họ vu khống tôi, viết láo về tôi, tức là họ tự phơi bày sự xảo trá, láo khoét của họ trước độc giả Việt Nam, cũng có nghĩa họ chứng tỏ họ là kẻ thù của những người chân chính. Và, như anh Trân đã biết: tôi cũng là một người cầm bút có độc giả. Việc của tôi làm không ai biết bằng tôi. Người đời muốn hiểu tôi trước nhất họ phải đọc những gì tôi đã viết (kể cả những gì sẽ công bố sau khi tôi giả từ cõi tạm nầy). Nếu tôi viết những gì không thật mới đáng sợ cho tôi. Đời người là một dòng sống, nó phát triển hài hòa, dù có những khúc quanh, khúc uốn lượn do tác động của hoàn cảnh nhưng vẫn theo một lô-ríc nhất định cho đến khi kết thúc. Đối với lịch sử không ai lừa ai được.

23. NHT: Qua tiếp xúc lâu nay cũng như qua những gì anh vừa nói trên đây chứng tỏ anh theo dõi thông tin trên Internet-trên diễn đàn ảo khá kỹ.Vậy anh có nhận xét gì về thông tin, báo chí điện tử, về các diễn đàn ảo hiện có ?

- NĐX: Đối với tôi, Internet là một phát minh nhân văn vĩ đại nhất của nhân loại. Nó giúp cho con người xích lại bên nhau, thông tin quá khứ được kéo về với hiện tại, con người có điều kiện bộc bạch hết tư duy của mình. Tôi rất hạnh phúc cuối đời mình được sống trong thế giới có Internet. Nhưng ở đời không có gì tốt mà không bị lợi dụng. Mỗi lần nghĩ về vai trò của Internet trong đời sống hiện nay tôi rất vui nhưng cũng tràn ngập nỗi buồn. Vui: Liên lạc, gởi đi, nhận về nhanh chóng, ít tốn kém, thu được nhiều tài liệu, hình ảnh quý hiếm để phục vụ nghiên cứu, biết được phần nào tư duy, xu hướng của nhiều người mình muốn biết. Buồn: Bên cạnh bài viết, các công trình nghiên cứu của nhiều bậc thức giả thì cũng có không ít diễn đàn dựng lên để các “…tổ chức, phe đảng chính trị hoạt đầu đã lợi dụng diễn đàn ảo, tổ chức một nhóm giấu mặt, giấu tên để bịa điều, đặt chuyện, phỉ báng mạ lỵ bất kể ai, coi những lời lẽ nhớp nhúa bẩn thỉu hạ cấp như là một thứ vũ khí để tranh thắng.” (Lời một thức giả đã nêu trên Internet). Tôi không ngờ đến bây giờ trong cộng đồng người Việt còn có những người Việt táo tợn, hung dữ, bố láo, ác độc, lưu manh, hạ cấp đến như vậy. May mắn là họ múa may với nhau ở nước ngoài chứ ít ảnh hưởng đến đời sống dân chúng trong nước.

24. NHT: Trong năm mới Tân Mão 2011 này, anh có định viết quyển sách nào nữa không? Tôi thấy dạo này anh không được khỏe lắm. Anh nên nghỉ ngơi, an dưỡng một thời gian cho lại sức.

- NĐX: Trước mắt tôi phải lo bổ sung bài và hình ảnh cho cuốn Trịnh Công Sơn có một thời như thế để kịp tái bản nhân kỷ niệm 10 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời vào đầu tháng 4-2011 nầy. Sau đó phải viết tham luận cho các hội thảo chùa Phật Tích ở Bắc Ninh, Nguyễn Phúc Chu ở TP HCM, Thương hiệu du lịch ở Huế… nên chưa dám nghĩ đến một cuốn sách nào mới nữa. Do đó dù tôi không được khỏe như anh biết nhưng cũng khó nghỉ dưỡng một thời gian cho lại sức. Thôi, đến đâu hay đó vậy.

25. NHT: Tôi được biết anh đang viết Hồi ký có phải không? Hiện nay anh tiến hành đến đâu rồi? Anh định bao lâu nữa thì hoàn thành? Tôi tin rằng trong hồi ký của anh có nhiều trải nghiệm và tư liệu thực tế lắm! Tôi rất mong được đọc.

- NĐX: Dạ đúng. Tôi đã khởi thảo hồi ký (nói tự truyện thì đúng hơn) từ hồi còn làm báo Lao Động ở Đà Nẵng. Cách đây một năm tôi đã viết được một nửa (từ khi tôi sinh ra – 1937- cho đến năm tôi đi kháng chiến về - 1975). Một nhà xuất bản ở TP HCM đã nhận in. Nhưng bao giờ in xong thì còn tùy. Phần còn lại tôi đang viết tiếp. Nhưng viết để khỏi quên chứ chưa nghĩ đến chuyện in. Hy vọng được viết dòng kết trước khi giải nghiệp.

26. NHT: Cuốn sách đầu tiên và cuốn sách xuất bản mới nhất về “Triều Nguyễn và Huế xưa” của anh tên gì và anh đã cho xuất bản vào năm nào? Cho đên nay anh đã cho ra đời được bao nhiêu cuốn ?

- NĐX: Như trên tôi đã thưa với anh, tôi đã in thơ từ năm 1959, nhưng mãi đến năm 1986 cuốn sách đầu tiên chuyên về “Triều Nguyễn và Huế xưa” mang tựa đề Hương Giang Cố Sự mới được Tạp chí Sông Hương cho ra đời. Từ đó đên nay (đầu năm 2011) tôi đã xuất bản trên 50 đầu sách (không kể những đầu được tái bản nhiều lần có bổ sung thêm nhiều bài và nhiều hình ảnh mới). Như anh đã có trong tay, cuốn mới nhất mang tựa đề Nhánh tùng vườn An Hiên vừa ra đời vào cuối năm ngoái (2010.)

   

27. NHT: Trong một bài báo nào đó tôi nhớ anh có nói trong ngăn kéo của anh còn nhiều tác phẩm chờ xuất bản, trong đó có bản thảo nào dành cho chuyên đề về “Triều Nguyễn và Huế xưa” nữa không ?

- NĐX: Cũng có một vài cuốn như “ Nguyễn Đắc Xuân phản biện”; “Nguyễn Đắc Xuân tham luận”, “Nguyễn Đắc Xuân phỏng vấn và trả lời phỏng vấn”, “Danh nhân và nhân vật lịch sử xứ Huế” . v.v.

28. NHT: Anh cũng đã quá cái tuổi “cổ lai hy”, với ngần ấy đầu sách về “Triều Nguyễn và Huế xưa” (đã xuất bản và đang chờ xuất bản), theo anh, anh đã đóng góp được gì cho “Triều Nguyễn và Huế xưa” ?

- NĐX: Qua các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, tôi cũng đã nhiều lần “báo công” với quê hương tôi rằng tôi đã:

1. Làm rõ được thời gian lưu đày và lưu vong của các vua nhà Nguyễn Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân và Bảo Đại;

2. Làm rõ thêm phần nào về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế;

3. Tìm được dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung ở Huế;

4. Giải mã một số bí ẩn của lịch sử - văn hoá triều Nguyễn và Huế;

5. Mở ra ngành Huế học ở Huế.

Ngoài ra, tôi cũng đã sưu tập được một kho tư liệu lịch sử văn hoá triểu Nguyễn và Huế mà xưa nay hiếm thấy một cá nhân nào có được.

- NHT: Hồng Trân rất cám ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trao đổi,chuyện trò thực lòng và rất thoái mái giữa tôi và anh. Chúc anh mạnh khoẻ để thực hiện được những điều mong ước cuối đời của mình.

- NĐX: Tôi cũng xin cám ơn anh đã bỏ thì giờ hỏi và nghe chuyện của tôi. Nhờ anh hỏi mà tôi có thể bộc bạch được tâm sự của mình. Hy vọng sẽ còn nhiều dịp được thưa chuyện với anh nữa. Năm mới Tân mão, kính chúc anh chị và gia đình an lạc, vạn sự cát tường.

- NHT: Xin cám ơn anh và chào tạm biệt.

 

Nguyễn Hồng Trân

(Cựu GV Đại học Khoa Học Huế)

Huế, xuân Tân Mão -2011

 

http://vn.360plus.yahoo.com/hongtran.nguyen ngày: 16-03-2011 02:39

 


Trang Lịch Sử