Bao giờ “Châu về hợp phố”[*]

Nguyễn Đắc Xuân

http://sachhiem.net/NDX/NDX021.php

(FB Nguyễn Đắc Xuân)

ngày 28 tháng 1, 2011

Nhiều báo chí ra trước ngày 24-11-2010 đã đưa tin “Vào lúc 14h15 ngày 24/11/2010, giờ Paris, tại khách sạn Drouot (9 rue Drouot 75009 Paris, M Richelieu Drouot), tác phẩm Chiều tà (Déclin du jour, 35x46cm, sơn dầu, 1915), mã số 41, của vua Hàm Nghi (1871 - 1944) sẽ được đưa ra đấu giá, với mức khởi điểm từ 800 đến 1.200 euro.”

Chiều 20-11, ông Phan Thanh Hải, phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế), cho PV Thái Lộc báo Tuổi Trẻ biết “UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đồng ý chủ trương việc trung tâm này ủy quyền cho Đại sứ quán VN tại Pháp tham gia đấu giá bức tranh của vua Hàm Nghi”.

Ngày 25-11, ông Nguyễn Văn Phúc - Trưởng phòng đối ngoại TTBT -DTCĐ Huế - lại cho PV báo Tuổi Trẻ biết “đã không mua được bức tranh Chiều tà (Déclin du jour) của vua Hàm Nghi ở buổi đấu giá tại Paris diễn ra lúc 15g (giờ Paris) ngày 24-11.” Ông cho biết thêm: “Bức tranh có giá khởi điểm từ 800-1.200 euro, đã được đại diện Đại sứ quán VN tại Pháp (đơn vị được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế ủy quyền đấu giá) và một số bà con Việt kiều (quyết tâm mua để tặng Huế) đẩy lên 8.000 euro, nhưng cuối cùng tranh đã được bán cho một người không tiết lộ danh tính đấu giá qua điện thoại với giá 8.800 euro”. [1]

A.1. Bức tranh Chiều tà (Déclin du jour) của vua Hàm Nghi - Ảnh do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cung cấp

Chuyện tham gia đấu giá mua bức tranh Chiều tà (Déclin du jour) của vua Hàm Nghi “không thành” có thể xem như chuyện đã qua. Những điều cần phải bình luận là những ý tưởng và thông tin thiếu chính xác của ông Nguyễn Văn Phúc - trưởng phòng đối ngoại TTBTDTCĐ Huế - nói với PV báo Tuổi Trẻ tiếp sau đó.

1. Ông Trưởng phòng nói “Trên thực tế, từ trước khi quyết định ủy quyền đấu giá, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế chưa có điều kiện thẩm định hiện trạng và giá trị nghệ thuật của tác phẩm, mà chỉ được quyết định thông qua giá trị lịch sử với tư cách là hiện vật liên quan đến hoàng cung triều Nguyễn.

Bình luận: Quyết định tham gia đấu giá để mua bức tranh vì “giá trị lịch sử với tư cách là hiện vật liên quan đến hoàng cung triều Nguyễn”. Trung tâm BTDTCĐ Huế quan niệm như thế là đúng. Thế thì nói thêm nhận xét: “…một số Việt kiều trực tiếp chứng kiến đã nhận xét tình trạng bức tranh đã xỉn màu, xuống cấp mà nguyên nhân chủ yếu được cho là khi vẽ nó, tác giả đã không phủ lớp sơn lót mà vẽ màu trực tiếp lên toan...” để làm gì ?

Số Việt kiều nào đó phát biểu với ông trưởng phòng đối ngoại Trung tâm BTDTCĐ Huế như thế với con mắt của những người sưu tập tranh hoặc mua bán tranh. Nhưng đối với đa số Việt kiều khác thì lại có một quan niệm khác. Hãy nghe cô Cécile Ritzenthaler, chuyên gia về hội họa thế kỷ XIX và XX, và cũng là người đã dẫn dắt cuộc đấu giá hôm 24-11 nói với Đặng Trà tác giả Phóng sự “Paris bán đấu giá tranh của vua Hàm Nghi” (terparty@gmail.com) như sau:

“Trước hết chúng tôi đã khá ngạc nhiên trước sự hưởng ứng của một số người Việt sống ở Pháp. Trước khi được đem ra bán đấu giá tại Drouot, bức tranh của vua Hàm Nghi đã được trưng bày tại văn phòng của chúng tôi, và những người Việt đến xem đều bày tỏ sự kính cẩn, nể trọng. Tôi không nghĩ là họ có ý định mua đấu giá bức tranh này, mà lại muốn chứng kiến tận mắt tác phẩm của vua Hàm Nghi. Đối với họ, tấm tranh có một giá trị nào đó rất thiêng liêng vượt ra ngoài khuôn khổ nghệ thuật.” (NĐX nhấn mạnh).

Cũng theo ông Đặng Trà: “Trên hơn 150 người có mặt tại buổi bán đấu giá hôm đó, có khoảng 10% là người Việt. Trên hơn 150 người có mặt tại buổi bán đấu giá hôm đó, có khoảng 10% là người Việt.

Cô Nguyễn Thế Thanh, Tổng giám đốc công ty Sài Gòn Media trong lúc đang đi công tác, cũng từ Đức bay sang Paris với hy vọng là sẽ mua được bức tranh Chiều tà, để rồi đưa tác phẩm này của cựu hoàng Hàm Nghi về cố đô Huế”.

Những phản ảnh trên cho thấy Việt kiều cũng như người trong nước quý trọng bức tranh của vua Hàm Nghi không phải vì giá trị nghệ thuật, vì chất lượng của bức tranh mà vì sự “thiêng liêng vượt ra ngoài khuôn khổ nghệ thuật” Mà quả đúng như vậy. Từ ngày vua Hàm Nghị bị lưu đày (1888) cho đến nay (2010), vừa tròn 122 năm (2010 – 1888), đây là lần đầu tiên một sự vật có liên quan mật thiết với ông vua yêu nước được công bố chuyển nhượng làm sao nói hết được sự thiêng liêng của nó? Điều nầy ông Tạ Quốc Tuấn, thư ký thứ nhất sứ quán Việt Nam tại Paris được tỉnh Thừa Thiên Huế gửi gắm để tham gia vào cuộc bán đấu giá cũng đã thấy và có lẽ ông đã phản ảnh lại với tỉnh Thừa Thiên Huế. Tôi nghĩ ý kiến ông Trưởng phòng Đối ngoại TTBTDTCĐ Huế nói thêm ở trên chứng tỏ ông chưa thấy được sự thiêng liêng ấy của bức tranh.

Nếu xét về phương diện nghệ thuật thì sự ra đời của bức tranh ấy vào năm 1915 cũng có một giá trị đặc biệt khác nữa. Sự xuất hiện của bức tranh Chiều Tà với niên đại 1915 cho phép ta ức đoán rằng: Chiều Tà không phải là bức tranh dầu tiên của vua Hàm Nghi. Bởi vì như nhiều tài liệu đã cho biết vua Hàm Nghi học vẽ với họa sĩ Reynaud (giải nhất Roma) từ năm 1890. Ông có khiếu về hội họa, tay nghề của ông tiến bộ trông thấy hằng ngày. Từ năm 1890 cho đến năm 1915 chắc chắn nhà vua đã sáng tác được nhiều bức tranh khác. Qua tài liệu sách báo và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ta đã biết người cùng thời với vua Hàm Nghi (1871-1944) là họa sĩ Lê Văn Miến (1873-1943). Họa sĩ Lê Văn Miến sinh sau vua Hàm Nghi 2 năm và mất trước vua Hàm Nghi 1 năm. Ông vua bị đày sang thuộc địa Pháp ở Bắc Phi, người học trò tuấn tú được triều đình cử sang mẫu quốc Pháp học văn minh văn hóa phương Tây. Thế mà có một sự trùng hợp lạ lùng là cả hai người đều ra đi vào cuối năm 1888. Tại Alger ông vua bị lưu đày mời thầy về học vẽ tại nhà. người học trò tuấn tú ở mẫu quốc Pháp học vẽ ở trường Mỹ thuật Paris, và cả hai người đều đã trở thành họa sĩ. Họa sĩ Lê Văn Miến được ghi nhận là người mở đầu cho Lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam với hai bức Bình văn (1898-1905?) và Chân dung cụ Tú Mền (1896) đã lâu rồi. Cuối năm 2010 nầy, với sự xuất hiện của bức tranh Chiều Tà và những họa phẩm ta nghĩ có thể có trước năm 1915 của vua Hàm Nghi, ta có thể đặt Họa sĩ Hàm Nghi (họa danh là Tử Xuân) bên cạnh Họa sĩ Lê Văn Miến. Như thế xét về phương diện nghệ thuật, giá trị bức tranh Chiều Tà của vua Hàm Nghi không nhỏ. Rất tiếc ông trưởng phòng đối ngoại Trung tâm BTDTCĐ Huế chưa thấy được cái giá trị đó.

2. Báo Tuổi Trẻ viết tiếp: “Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết sắp tới trung tâm sẽ tiếp tục thông qua Đại sứ quán VN tại Pháp, Hội Việt kiều Pháp và Hội người yêu Huế tại Pháp tìm cách tiếp cận công chúa Như Lý (con gái vua Hàm Nghi đang sinh sống tại Pháp, người được xem đang sở hữu khá nhiều tranh của cha mình) đặt vấn đề tặng hoặc sang nhượng tranh của vua Hàm Nghi cho Huế.”

A.2. Nhờ CC Như Lý cho biết về thời điểm
vua Hàm Nghi chụp tâm chân dung nầy. Ảnh HVT.

Bình luận: Việc “thông qua Đại sứ quán VN tại Pháp, Hội Việt kiều Pháp và Hội người yêu Huế tại Pháp tìm cách tiếp cận công chúa Như Lý” là một chủ trương rất tốt. Nhưng rất tiếc là quá chậm rồi. Bởi vì Công chúa Như Lý sinh ngày 22 – 7 – 1908 tại Alger, lập gia đình với Công tước François Barthomivat (Count de La Besse) vào ngày 20-4-1935, từ đó bà mang tên bà Bá tước De La Besse (Comtesse de La Besse). Bà mất vào ngày 9-7-2005, cách đây đã hơn 5 năm. Nhiều sách báo đã viết tin ấy, có cuốn sách đang bán ngay tại các quầy sách trong Đại Nội Huế. Phụ trách đối ngoại của Trung tâm BTDTCĐ Huế - một di sản văn hóa của nhân loại mà thiếu thông tin đến vậy thì thật khó hiểu.

Vua Hàm Nghi có một hoàng tử và hai công chúa. Công chúa Như Mai không lập gia đình, Hoàng tử Minh Đức không có con chính thức, chỉ một mình Công chúa Như Lý có một Công tử và hai Công nương:

1) Công tử Philippe Barthomivat [Viscount de La Besse], sinh ngày 25-2- 1937 tại Lâu đài De La Nauche (19410 Vigeois, France), cưới cô Jane Boardman. Không có con.

2) Công nương Françoise Barthomi -vat de la Besse, lấy ông Jacques Matis de Bisschop, sinh được hai người con trai và một người con gái.

3) Công nương Anne Alice Marie Barthomivat de la Besse, lấy ông Guy Dabat (Ả dưới), thường gọi là Anne Dabat.

Trong chuyến viếng thăm Công chúa Như Lý hồi đầu năm 1999, tôi đã gặp những người ấy. Công chúa Như Lý cho biết sau khi bà qua đời con trai của bà là Công tử Philippe Barthomi-vat sẽ thừa kế tất cả những di sản của vua Hàm Nghi để lại và của gia đình bà. Qua trao đổi với Philippe, tôi cũng được biết những gì vua Hàm Nghi để lại gắn liền với hai lâu đài – một cái của ông và một cái của cha mẹ ông để lại (Lâu đài de La Nauche). Công tử không có ý định chia xẻ những di sản của vua Hàm Nghi cho bất cứ ai.

Có lẽ vì thế mà ước nguyện “Đưa hài cốt vua Hàm Nghi về an táng trên quê hương” của tỉnh Thừa Thiên Huế hồi đầu năm 2008 không thành, và sau đó (4-2008) đoàn làm phim “Đi tìm dấu tích ba vua” (60 tập) do Nguyễn Hồ đạo diễn, cũng không được hậu duệ của vua Hàm Nghi tiếp. Cuối cùng chuyến đi hết sức tốn kém mà đoàn làm phim chỉ quay được cảnh ngôi mộ của vua Hàm Nghi ở làng Thonac mà thôi.

A.3. Hỏi chuyện Công tử Philippe Barthomi -vat
(cháu ngoại của vua Hàm Nghi). Ảnh HVT

Tôi nhắc lại những thông tin trên để khi Trung tâm BTDTCĐ Huế “thông qua” Đại sứ quán VN tại Pháp, Hội Việt kiều Pháp và Hội người yêu Huế tại Pháp tìm cách tiếp cận (các con) công chúa Như Lý […] khỏi bị hố thêm một lần nữa. Tôi nghĩ bao giờ chưa thiết lập được sự truyền thông, sự hiểu biết giữa Việt Nam và hậu duệ của vua Hàm Nghi thì chưa thể đặt bất cứ một vấn đề gì với họ. Theo cách thức tiếp cận mang tính hành chính, kinh tế của TTBTDTCĐ Huế hiện nay thì còn lâu chúng ta mới có được những hiện vật lịch sử đang ở trong tay hậu duệ của vua Hàm Nghi.

Nhân đây cũng xin nhắc lại, ở nước ngoài, triều Nguyễn không chỉ có vua Hàm Nghi mà còn có vua Thành Thái, vua Duy Tân và vua Bảo Đại. Có khi nào TTBTDTCĐ Huế tiếp cận với Hoàng tử Georges Vĩnh San – cháu nội vua Thành Thái - hoàng trưởng tử của vua Duy Tân, tiếp cận với các bà “thứ phi” của vua Bảo Đại là bà Bùi Mộng Điệp và bà Monique Baudot ở Paris để đặt vấn đề “tặng hoặc sang nhượng” hiện vật và tư liệu lịch sử có liên quan đến triều Nguyễn chưa? Như báo chí cho biết bà Mộng Điệp còn giữ rất nhiều tư liệu và hiện vật của vua Bảo Đại, bà Monique Baudot đang giữ chiếc ấn lịch sử mà vua Bảo Đại đã trao cho cụ Trần Huy Liệu – Đại diện cho Chính phủ lâm thời hồi Cách mạng Tháng 8-1945 ấy.

Và, không chỉ ở nước ngoài. Do hoàn cảnh chiến tranh, hơn 65 năm qua (2010-1945) biết bao hiện vật, tài liệu lịch sử quý hiếm của triều Nguyễn đã bị hủy hoại, lưu lạc, một số được lưu giữ trong cấc tủ sách cá nhân, gia đình, bá tánh, hoặc bị phân tán đến các địa phương ngoài Cố đô Huế. Có bao giờ TTBTDTCĐ Huế đặt vấn đề với Tỉnh Lâm Đồng, với TP Hồ Chí Minh, với Thủ đô Hà Nội xin rước một phần Mộc bản triều Nguyễn ở Đà Lạt, Địa bạ Triều Nguyễn ở Dinh Độc Lập TP HCM, Châu Ban triều Nguyễn ở Hà Nội và những Cổ vật Hoàng cung Nguyễn do Có vấn Vĩnh Thụy giao nộp cho Trung ương hồi tháng 9-1945 chưa?

Đó là những chuyện “lớn”. Bên cạnh những chuyện “lớn” ấy cũng còn nhiều chuyện nhỏ nhưng gíá trị lịch sử không nhỏ.

A.4. Ấn vàng “Sắc mệnh chi bảo” của triều Nguyễn
do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam giữ và được trưng bày
trong Đại lễ Nghìn năm Thăng Long Hà Nội (10-2010).

Nếu vừa qua nhà nghiên cứu Phan Thuận An không tự nguyện hiến tặng cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước thì làm sao chúng ta có thể biết được tại Phủ thờ bà Công chúa Ngọc Sơn – con gái thứ hai của vua Đồng Khánh, ở phường Phú Cát Huế đã từng lưu giữ tập bản sao Châu bản triều Nguyễn-triều vua Bảo Đại (1938-1939), gồm 86 văn bản chữ Hán, chữ quốc ngữ và chữ Pháp quý giá ấy ? Có người hỏi bộ Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ phụ biên (viết về hai vua Thành Thái Duy Tân) mà Quốc sử quán triều Nguyễn đã soạn xong hiện nay nằm ở đâu? Tấm mộc bản khắc Bản đồ nước Đại Nam thời Nguyễn bao gồm hai quần đảo Hoáng Sa và Trường Sa từng được nhạc sĩ Vĩnh Tuấn (người thuộc Phủ Tuy Lý) cất giữ trước năm 1980, ngày nay đang nằm trong tay ai? v.v. và v.v.

A.5. Tờ Châu bản có chữ ký của vua Bảo Đại và Ngự tiền Văn phòng Phạm Quỳnh mang nội dung liên quan đến chủ quyền của Nam triều đối với quần đảo Hoàng Sa. Châu bản được ký ngày 27 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (nhằm ngày 15-1-1939). Bản chính đã hiến tặng cho Nhà nước. Bản sao dược phóng lớn và bổ sung ảnh hai người ký, treo trong Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn. Ảnh NĐX

Những việc lớn và việc ở nước ngoài chưa làm được, có lẽ TTBTDT -CĐ Huế nên có chủ trương thực hiện những việc nhỏ trong nước. Nên chăng, TTBTDTCĐ Huế đề nghị Nhà nước phỏng theo cách làm của vua Minh Mạng (vào năm 1821) “hạ dụ” tìm tài liệu lịch sử của triều Nguyễn. Tôi nghĩ chuyện nầy dễ hơn chuyện đề nghị mấy người cháu ngoại lai Tây của vua Hàm Nghi hiến tặng hoặc sang nhượng các tác phẩm nghệ thuật của vua Hàm Nghi cho ta.

Bên cạnh việc trùng tu, tôn tạo, gìn giữ những cung, điện, lăng tẩm đã được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại có thêm một kế hoạch sưu tâp, phục hồi những hiện vật, tư liệu có liên quan đến triều Nguyễn nữa thì cái xác vật chất ấy mới có hồn.

TTBTDTCĐ Huế hãy mở rộng đường cho “Châu về hợp phố”.

Gác Thọ Lộc, 2-12-2010

 

N.Đ.X.

Nguồn: Báo Hồn Việt 43 (1-2011), các tr.64, 65, 66 và 84.



[*] Bình luận về cái tin “Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã không mua được bức tranh Chiều tà (Déclin du jour) của vua Hàm Nghi

[1] http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/412876/Khong-mua-duoc-tranh-cua-vua-Ham-Nghi.html

Trang Lịch Sử