Nửa Thế Kỷ Đi Về

Lý Thái Xuân

http://sachhiem.net/LTX/LyThaiXH00.php

22 tháng 3, 2009

Toàn tập:  1   2  3  4  5  6  7  8  9  10

LTS: Đây là tập ký sự của Lý Thái Xuân đã đăng trên giaodiemonline.com năm 2006. Tuy chỉ là những dòng nhật ký, bằng một cách chân thật, tác giả đã ghi lại hết cả những cảm xúc tích cực cũng như tiêu cực. Người đọc như được đi theo khắp các nẻo đường đất nước, dù là một cách vội vã. Ít nhiều, tập ký sự cũng đã vẽ lên vài nét văn hóa Việt Nam ngày nay rải rác nhiều nơi từ thành thị đến thôn quê, ở các địa danh lịch sử, và cả các nơi đèo heo hút gió. Sachhiem.net xin đăng lại và mượn những đoạn đầu bài dưới đây để thay cho lời giới thiệu còn lại (SH).

 

Tim chúng tôi rung một nhịp Việt Nam
Hồn chúng tôi hồn bốn nghìn năm cũ
(Trần Trung Đạo)

Những ngày đầu ở Hà Nội

Bài viết này chỉ là một quyển nhật ký, ghi lại một chuyến đi của chúng tôi về thăm quê nhà và các di tích lịch sử văn hóa ở Việt Nam. Những nét phác thảo vội vàng cố gắng ghi lại các cảm xúc cũng như những gì đã được nhìn tận mắt và nghe tận tai cảnh và người thực đang sinh sống trong xã hội. Thời gian có đến 4 tuần nhưng so với lịch trình đã đi thì thật quá ngắn ngủi. Mỗi nơi, anh Tinh và tôi lưu lại một ngày, chỉ có vài trường hợp kẹt nhiều chương trình một nơi mới ở lại 2 đêm. Do thế, chúng tôi đã được đi rất nhiều nơi từ đồng ruộng đến núi đồi, và được thăm khá nhiều khía cạnh của cuộc sống nhất là ở miền Bắc. Chương trình miền Trung bị đình trệ và cắt giảm đôi ngày vì cơn bão cấp 6, đó là bão Xangsane.

Hậu quả liên đới là chương trình miền Nam cũng trở nên rất khiêm tốn. Tuy nhiên chúng tôi không cảm thấy thiếu vì đã được sống ở miền Nam cả nửa đời người. Vả lại, chúng tôi vẫn thường được nghe những người bạn tha hương kể lại mỗi lần họ về thăm các tỉnh thành ở miền Nam, hay miền Trung. Người viết không có tham vọng cho rằng mình khách quan, dù với một nghĩa tương đối. Thực ra không một cá nhân nào có thể khách quan vì tư tưởng và quan niệm mỗi người đều đã được điều kiện hóa hay được thích ứng với những tập quán, văn hóa của xã hội mà mình đã sống.

Hơn 30 năm quen với những tập quán, môi trường, hệ thống luật lệ của một nước được xem là giàu mạnh, và tiền tiến nhất về kỹ nghệ, không ít thì nhiều, sinh lý và tâm lý có lẽ cũng đã thay đổi mà chính mình không hay. Khi đứng trước cùng một tình huống xã hội nào đó, chắc chắn cảm nghĩ ngày nay sẽ khác với ngày xưa. Vậy nếu có đoạn nào có vẻ tiêu cực, chẳng qua đó chỉ là những xúc động tự nhiên của người đã bị hay được "điều kiện hóa" nói ở trên mà thôi, chắc chắn không phải là chủ ý chê bai hay có mục đích nào cả. Tuy nhiên, người viết cố gắng nhớ lại những cảnh sống thời trước năm 1975, ở tỉnh lẻ, nông thôn, hay ở thành thị mà chính mình đã từng kinh qua để so với tình trạng ngày nay, may ra như thế sẽ vô tư hơn.

Ngược lại, nếu có những nhận xét lạc quan, thì điều này cũng có nguyên nhân. Thời gian ở hải ngoại, hàng ngày chúng tôi thường đọc các tin tức nói lên đầy những điều tiêu cực cho đất nước và dân tộc Việt Nam từ các diễn đàn, các báo chí, sách vỡ, hay những nhóm email. Vậy nếu được thấy tận mắt một số những điều tích cực, những hy vọng cho đất nước mình, thì sự bộc lộ cảm giác vui mừng cũng không có gì phải ngạc nhiên cho lắm.

Nhờ có phương tiện đặc biệt, chúng tôi có thể đi thăm được nhiều nơi, lộ trình cá nhân, kế hoạch từng ngày như ý muốn. Thêm vào đó, một phần cũng nhờ có nhiều đường xá mới được mở mang, xe ô tô (tiếng miền Bắc gọi xe hơi, 4 bánh) có thể chạy đến khắp các nơi từ làng quê đến miền sơn cước, lượn quanh các đồi núi chập chùng miền thượng du. Chuyến đi của chúng tôi bắt đầu như sau.

 

Ngày thứ nhất (Cuối tháng 9, 2006) -

Người cháu mới gặp

Chiếc xe Van từ phi trường Nội Bài về đến Cầu Gỗ (phố cổ Hà Nội) đỗ khách xuống. Vài cậu thanh niên chồm vào xe gạ chúng tôi đi đến khách sạn của họ, vừa chê bai các khách sạn khác. Chúng tôi hơi cảm thấy phiền vì đã quen từ lâu không bị cảnh quấy rầy như thế, nhưng cố gắng giải thích rằng chúng tôi đã hứa với khách sạn này rồi, phải giữ lời. Cũng may, sau khi nghe giải bày như thế, các cậu đó thôi không bám nữa, chúng tôi bước ra khỏi xe, đã có các em trai của khách sạn ra khuân giúp mấy chiếc vali lên lầu.

Đứa cháu trai con anh cả (Chương) đến tận khách sạn thăm chúng tôi. Lúc đó chúng tôi còn đang bỡ ngỡ loay hoay trong cái phòng nhỏ hẹp, chỉ vừa đủ kê chiếc giường đôi, ba chiếc vali để vào cạnh tường đã đủ lấp lối đi trong phòng. Tinh xuống phòng khách để nói chuyện với cháu Chương trong lúc tôi lo làm quen với kiểu phòng tắm ở đây. Biết được ý định đi thăm người bạn thân cũ của Tinh mà 50 năm chưa gặp lại, Chương tình nguyện đưa đi, và chẫm rãi tâm sự :

"Bảy năm trước chú về, chúng cháu không có điều kiện, chú cũng vội quá nên chú cháu chưa hề gặp nhau. Lần này chú có báo tin, và đúng lúc chúng cháu vừa có điều kiện. Mấy năm gần đây, sau chính sách đổi mới, vợ cháu làm giám đốc công ty một cửa hàng bách hóa của gia tộc, gia cảnh giờ xem như đầy đủ, tậu được nhà xe, xây được khách sạn. Cháu có mấy chiếc xe. Kỳ này sẽ dành riêng một xe cho chú thím đi bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam cũng được. Bây giờ đất nước mình rất tự do, không còn thời đại bao cấp nữa, chú thím không cần phải lo ngại gì cả"

Nghe thế chúng tôi nửa vui mừng nửa ngại ngùng. Vui mừng con của anh mình đã thành người chửng chạc, vững vàng về vật chất lẫn tinh thần, vợ con vui vầy hạnh phúc. Ngại ngùng vì trong câu nói Chương có thể hiểu như trách chú thím không gặp cháu lần trước. Lúc về lần trước tất bật với mấy đứa con mang theo, lại thêm chưa rõ tình cảnh quê nhà, chúng tôi vội vã đến độ đã không gặp được đủ hết con cháu. Nào phải tại vì con cháu không có điều kiện thì không đến thăm, Chương ơi, trái lại là khác. Thế nhưng chúng tôi không đính chính gì cả, vì tin rằng gặp nhau còn nhiều chuyện hàn huyên, tâm tình sẽ tự nhiên cởi mở mà thôi. Còn một ngại ngùng khác, đó là vì việc cháu định hy sinh cả chiếc xe và tài xế cho chúng tôi gần như không giới hạn số dặm đi và thời hạn. Việc hiến xe (và tài xế) như thế để đi vài ngày trên đường xa lộ phẳng lì như đất Mỹ đã là quá nhiều. Đàng này gần 10 ngày hay lâu hơn, lại chạy xộc xạo trên những con đường gập ghềnh cong queo trong hang cùng ngỏ hẽm ở một quốc gia còn đang mở mang, thì làm sao chúng tôi không áy náy. Nhưng Chương và anh cả nhất quyết làm theo ý định, và mãi lập lại câu: "Chú thím từ nửa vòng trái đất về đến đây mà. Cả đời có được bao nhiêu lần như thế".

Người bạn 50 năm

Ông bạn hơn 50 năm, Tiến, ra đón chúng tôi tận ngoài đường chính. Xe Chương chở chúng tôi chậm chậm ngoằn ngoèo theo sau. Tinh nhìn kỹ đằng sau lưng, vóc dáng người bạn vẫn mảnh khảnh như dạo trước, gương mặt mất hết tính liến thoắng ngày xưa, lại mang vẻ khắc khổ, nghiêm trang. Chương chép miệng: "một trí thức cộng sản tiêu biểu". Bước lên mấy bậc thang xi-măng, chúng tôi đã thấy vợ ông Tiến đang lúi húi làm đủ các món ăn trong bếp.

Ông Tiến mời ăn chiều tại nhà, Chương quay sang chúng tôi bảo: "Chú thím cứ ở đây, khi nào xong cho cháu hay để cháu đón về". Đôi bạn kể nhau chia vui về những thành đạt của gia đình, con cái. Tinh tỏ ý với ông bạn để gặp một người ở gần đây, tên Danh để trao món tiền học bổng của một anh bạn từ Mỹ gửi về cho một số trường học. Chị Tiến mang món canh, gỏi cuốn, lúp xúp dọn lên bàn. Tôi chú ý nhất là món mà chị không quảng cáo, đó là món "ngồng tỏi" xào.

Chẳng mấy chốc, anh Danh đã đến, mang một gói lê theo và tháp tùng vào bửa ăn chiều ở nhà anh Tiến. Chuyện này tiếp đến chuyện khác liên hệ đến nghề giáo, học đường, nghề ngỗng, thỉnh thoảng họ xen kẻ những phê phán chính sự một cách vô tư, cởi mở như không hề sợ ai thóc mách.

 Anh Danh nói rằng ngày xưa chính anh cũng tham dự vào phong trào đấu tố. Anh tự cho rằng vì hăng say quá nên làm nhiều việc mà anh nghĩ lại là "không đúng". Trong khi đó, gia đình anh Tiến lại là nạn nhân trong chiến dịch này, với gương mặt sạm buồn, anh nhìn lên bàn thờ cha mẹ để phía tường xoay hướng ra ngoài phòng khách.

Tinh phá tan sự xúc động bằng nụ cười tươi, nhắc chuyện xưa: "Anh cả của moa nói ngày xưa lúc còn học lớp ba, thầy Trưng đặt hy vọng ở hai đứa mình nhiều nhất trong trường làng. Sau đó chúng mình đi mỗi người mỗi ngả chẳng ai biết tin ai.". Tiến tiếp theo: "Đâu ngờ, đứa du học ở Nga, đứa học ở Mỹ." Đôi bạn nhìn nhau cười loát toát. Tinh nghiêm lại một chút : "Anh nên hãnh diện vì đã đóng góp cụ thể cho đất nước. Còn tôi vất vả cả đời, cố gắng cũng chỉ dạy học mà thôi. Nhưng tôi lúc nào cũng thanh thản lương tâm, và chỉ mong được nói lên tiếng nói của dân tộc mình."

 

Ngày thứ hai -

Lạ lẫm

Trưa nay, người anh cả từ Lào Cai về Hà Nội để gặp chúng tôi, nhưng chúng tôi lại có thêm một cuộc hẹn gặp vài người bạn chưa quen ở phố Khâm Thiên để giao lại ít món quà của người bạn khác. Chương mướn cho ông bố một phòng trong khách sạn Kim Liên, nên chúng tôi lại dọn đến ở gần ông. Chương bảo ở đây có lẽ giá cả rẻ hơn ở Cầu Gỗ, chú thím cứ dọn về và đi đâu cháu sẽ đưa đi. Thật ra phòng có rộng hơn, nhưng điều kiện môi trường rất kém.

Nghe nói chủ công ty khách sạn này sắp xây lại mấy dãy này nên không trùng tu nữa. Thật ra chỉ trên dưới 10 đô mỗi đêm không là bao nhiêu, nhưng muỗi mòng ở đây cứ bay đua với tiếng động của máy lạnh. Nếu không vì mấy chiếc vali nặng nề, chúng tôi sẽ chịu khó dời khách sạn lần nữa, dù chỉ có một hai đêm. Dường như các phòng tắm của những khách sạn này đều thiết kế giống nhau. Hai miếng bánh xà phồng nhỏ xíu đến đỗi không thể gọi là "bánh xà phồng" được, có lẽ gọi là viên mới đúng. Bù lại, khách sạn nào cũng cho bàn chải đánh răng, và một ống kem bé tí ti đi kèm, đôi khi có cả lược chải đầu, (những vật mà các khách sạn trung bình ở Mỹ không có). Còn cái khoản khăn tắm thì chúng tôi đã biết qua lần trước, và đã có chuẩn bị vài miếng khăn tắm riêng trong kiện hành lý.

Tôi hỏi thăm khách sạn chỉ cho các tiệm bán điện thoại di động để tiện việc liên lạc với bạn bè thân nhân từ Bắc chí Nam. Cậu trai làm quản lý chỉ tay xéo qua bên trái cách hai góc phố. Tôi tìm cách thay SIM card để xài trong nước, nhưng máy Cingular của tôi không chịu. Thế là tôi quyết định mua một cái Nokia đơn giản và đóng một số tiền đủ xài trong một tháng. Ở đây Nokia rất thông dụng. Ngoài ra, rất nhiều tiệm Internet Services, điện thoại di động (tiếng ở quê nhà gọi cell phone), máy ảnh, v.v., … mọc lên như nấm. Hà Nội ngày nay không chỉ Hàng Bún, Hàng Mắm, Hàng Bông, Hàng Bạc, Hàng Gai… mà có đủ các thứ máy móc điện tử cũng như các vật dụng kỹ nghệ hiện đại khác.

Buổi sơ ngộ đậm đà

Xe của Chương chen chúc giữa các đường hẻm trong phố Khâm Thiên. Chúng tôi tìm anh Tùng, để trao vài món quà của một người bạn từ Mỹ gửi biếu. Ông anh chúng tôi không chịu đi theo, ở lại khách sạn một mình, đùa rằng "các ông nói chuyện văn chương tôi biết gì mà nói." Xuyên qua cánh cửa xe, tôi nhìn ra đường phố, các thúng rau cải của người bán gánh đặt gần bên những đống rác chưa hốt, người quét phố còn đang cầm chổi. Xe bấm còi "bíp bíp … bíp bíp" liên hồi để người đi bộ dạt sang bên lề.

Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần về cảnh người đi bộ trên đường lẫn trong dòng xe Honda, xe ô tô ào ạt như thế này qua kinh nghiệm của bảy năm trước, nhưng chưa quen với việc bấm còi, có vẻ "lấn lướt" đối với xã hội bên Mỹ. Chúng tôi nhìn số nhà thử cố gắng đoán cách tìm nhà ở đây. Không phải chuyện dễ. Đường quẹo vào ngõ, ngõ lại quẹo vào trong ngách, ngách lại quẹo vào trong hẽm nữa! Xe có thể vào ngõ, nhưng ngách và hẽm có lẽ chỉ có xe gắn máy 2 bánh mới có thể lọt vào.

Câụ trai trạc hơn hai mươi tuổi, cháu nội của anh Tùng, phong thái lễ độ ra đón xe hỏi có phải đúng người để dẫn chúng tôi. Xe Chương lại quay đi để chúng tôi ở lại tự nhiên với các bác cùng thế hệ. Sau khi quẹo vào ngõ trong, cháu trai của anh Tùng lại leo lên mấy cấp thang xi măng mới vào được nhà. Sống chật vật như thế nhưng ai cũng thản nhiên, không than phiền chi cả.

Chỉ có mấy lọ thuốc bổ do anh bạn gửi về làm duyên, tuy chưa hề biết mặt nhau, nhưng cả anh lẫn chị Tùng đều vui vẻ ân cần với chúng tôi như người thân, và chúng tôi đã nhận lời mời ở lại ăn trưa. Nhà anh Tùng dường như lúc nào cũng có nhiều bạn đến không chừng, uống vài ly trà, nói dăm ba câu chuyện, rồi đi. Chúng tôi cố gắng lắm chỉ nhớ mặt một vài anh. Bạn mới, nhưng những tấm lòng gần nhau, vừa nói ít câu đã như quen, và các câu chuyện trở nên đậm đà theo hương vị của các món ăn đặc biệt của Hà Nội, trong đó món bún ốc thật là trứ danh.

Chúng tôi ngồi khoanh chân trên sàn nhà lát đá sạch sẽ, cụng ly chào nhau. Nhìn lên vách tường đối diện, tôi thấy trên bàn thờ một chữ Tâm rất to, viết thảo theo chữ Hán. Chị Tùng là người quán xuyến nhanh nhẹn, lo đủ mọi mặt trong gia đình từ bếp ra sân. Thấy chúng tôi đã đến giờ từ giả, chị dùng cell phone gọi xe taxi dùm cho chúng tôi trở về khách sạn.

Lúc ở Mỹ nghe một người bạn cùng sở nói: "Nghe nói Việt Nam của bà bây giờ tiến bộ ghê lắm, ai cũng có cell phone." tôi chưa dám tin, nhưng giờ thì chính chị Tùng đã nói lên điều đó.