Cảm nghĩ sau bài "Một bài viết thiếu tiêu chuẩn ..."

của ông Nguyễn Tường Tâm  

Lý Thái Xuân

http://sachhiem.net/LTX/LyThaiDT00.php

11 tháng 11, 2007

LTS:  Các bài viết liên hệ liệt kê nơi đây, xin bấm vào các chữ nổi màu khác để dẫn đến đường nối. Đó là

- bài của tiến sĩ Trần Chung Ngọc nhan đề "Vấn Đề Đạo Đức Trong Khoa Học [Nhân Đọc Những Bài Viết Về Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh]", và

- bài của ông Nguyễn Tường Tâm, nhan đề "Một bài viết thiếu tiêu chuẩn khoa học của ông Trần Chung Ngọc".  

Xin đọc thêm bài phản hồi đến tác giả Nguyễn Tường Tâm của tác giả Trần Chung Ngọc, nhan đề: "VÀI NHẬN XÉT VỀ BÀI: Một bài viết thiếu tiêu chuẩn khoa học của ông Trần Chung Ngọc - Của Nguyễn Tường Tâm  (SH)


Khi một người dân viết bài lên án ông Tổng thống việc này việc nọ liên quan đến công chúng, hoặc phê bình một nhân vật nổi danh, thuộc về công chúng, thì đó là bài viết mà mọi người công khai đăng, đọc cho vui hay để quan tâm.  Nhưng khi một cá nhân dùng lời thóa mạ cá nhân khác một cách vô cớ, người đó phạm tội mạ lỵ.  Đó là sự khác nhau giữa bài viết của ông Trần Chung Ngọc và bài của ông Nguyễn Tường Tâm.  Bài viết "Một bài viết thiếu tiêu chuẩn khoa học của ông Trần Chung Ngọc" của tác giả Nguyễn Tường Tâm mang đầy sắc thái của các loại tấn công cá nhân, thóa mạ cá nhân, chỉ là ở một cấp bậc cao hơn những lời mạ lỵ của các bài báo lá cải một chút xíu.  Sau khi đọc xong bài của ông do mấy người bạn lấy ra từ website Talawas, người đọc tôi nghe lùng bùng lổ nhĩ, chuyện bất bình chẳng thể cho qua, bèn lấy tư cách người đọc để nói lên cảm tưởng của mình.  Xin được vào đề ngay.

 

Về mục "hình thức" và "nội dung" trong bài của ông Tâm.

 

Hãy nghe những gì ông Tâm nói, đừng xem những gì ông Tâm làm!  Ông Nguyễn Tường Tâm trả bài "Em học làm văn" nghe ron rót.  Tôi không phê phán luận văn của ông Tâm như ông đã làm đối với ông Trần Chung Ngọc, nhưng nếu lấy chính cái tiêu chuẩn mà ông Tâm vừa "dạy người ta" để soi lại bài viết của chính ông, thì người và vật đôi nẻo đôi đàng! Câu "Một bài viết thiếu tiêu chuẩn khoa học của ông Trần Chung Ngọc" là một câu tuyên bố, một phán đoán, một kết luận, thế mà ông Tâm đem làm đề tài cho được.

Ông Tâm lại tán về phần nhập đề, tán về "topic sentence" nhưng ông không làm được một câu topic sentence. Ông thử đọc lại hai câu đầu của cái phần nhập đề của ông xem, rồi đọc luôn câu thứ ba thứ tư nữa.  Câu chủ đề của ông là câu nào trong cái nhập đề cuống quít này?  Hay là ông quên áp dụng bài ông dạy?  Có lẽ tác giả Nguyễn Tường Tâm chưa từng đứng trước một tấm gương soi để thấy mình cao thấp ra sao.

Người đọc tôi suốt đời thích làm học trò, không dám chỉ dạy ông, chỉ biết mở sách này sách kia ra học, nên thấy rằng sách này và sách kia có hơn kém nhau về nội dung rất nhiều.  Trong một quyển sách tôi đang đọc, viết cho học sinh lớp mười một, thấy dạy cách viết những đề tài khoa học "cẩn thận" hơn sách của ông Tâm rất xa, nhưng quyển giáo khoa cũng chỉ gọi đó là "những lời hướng dẫn".  Ngoài việc chọn và thu hẹp đề tài, người viết phải sắp xếp những dữ kiện theo thứ tự diễn biến, và thứ tự nơi chốn nếu cần, mục đích là để giúp những người cùng có kinh nghiệm và được huấn luyện giống nhau trong cuộc nghiên cứu giống nhau sẽ tránh lập lại những quá trình người trước đã làm. Còn nhiều hướng dẫn tương tự khác nữa, không liên hệ đến phạm vi bài cảm tưởng này, nên không cần bàn đến.

Trong các chi tiết đó, có một điều là học sinh viết đề tài về khoa học còn phải "đoán trình độ của người đọc" để giới hạn từ ngữ chuyên môn,  vân vân… Người đọc tôi công nhận rằng "việc đoán trình độ người đọc" của ông Ngọc có lẽ còn thiếu sót, nên có những đọc giả như ông Tâm than rằng ông đã "làm mờ mắt người đọc", "để hù doạ người đọc" bằng những trích dẫn ông này ông kia.  Ở xứ tự do và giàu có này, ông Tâm có quyền và có thể dễ dàng tìm các quyển sách mà ông Ngọc nói để tìm hiểu thêm, hoặc có thể không cần đọc cho mệt xác, như trường hợp người đọc bình dân tôi đây, mà không hề cảm thấy bị "hù dọa" hay "mờ mắt" chi cả.

Người đọc tôi nghĩ rằng bình dân bá tánh có cả triệu triệu trình độ khác nhau, người đọc thấy bài nào thích hay dễ hiểu thì đọc tiếp, không thích hay khó quá thì thôi.  Bước vào ngưỡng cửa đại học cũng thế, một người có thể thích học "đàn", nhưng lại không có năng khiếu, người đó nên chọn môn khác mà học vậy, học "làm bomb" chẳng hạn, biết đâu lại chẳng thành công hơn.  Cái cảm tưởng "bị hù dọa" bằng một môn học khó, hay đề tài khó chỉ có bên trong lòng người đó thôi, không phải là tác dụng từ bên ngoài.  Người ta sợ ma, sợ Chúa, sợ xuống địa ngục … đều phát xuất từ bên trong tâm hồn yếu đuối của mình mà thôi.

Những điều người đọc tôi trình bày ở trên chỉ là ở cấp trung học thôi.  Trình độ của người đọc tôi hãy còn thấp kém, chưa có cơ hội để đọc quyển sách dạy viết luận án tiến sĩ khoa học, cho nên chẳng thể bàn thêm, sẽ lại dẫm lên bước chân của ông Tâm.  Vả chăng, bài dạy "viết đề tài khoa học" của ông Tâm đã "lạc đề" quá xa rồi, vì cả ông Ngọc và ông cũng đâu phải viết về đề tài khoa học!  Ông dư biết, không phải hễ cái đề tài nào có chữ "Khoa Học" là bài đó phải là bài nghiên cứu khoa học. 

Đã cưỡng ép cho rằng bài viết của ông Ngọc phải là bài Nghiên Cứu nên ông Tâm đã tiến lên khai triển phần "nội dung" theo chiều hướng lạc đề đó.  Ông Tâm không cho phép ông Ngọc nói đến chữ đạo đức con người "Nói tới vấn đề đạo đức trong nghiên cứu khoa học, người ta chỉ nên bàn tới các vấn đề đạo đức riêng biệt trong lãnh vực này chứ không nên bàn rộng ra những vấn đề đạo đức chung của con người (NTT)".  Nhưng "đạo đức con người" đó mới là chủ đề chính yếu của ông Ngọc.  Cái phụ đề "Nhân Đọc Những Bài Viết Về Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh" có tác dụng thu hẹp đề tài tranh luận nhan nhãn nằm trên cùng bài của ông Trần Chung Ngọc, Thế mà ông Tâm tảng lờ bỏ bớt câu phụ chú đó, rồi giả bộ không hiểu, để có lý do làm thầy (!) thêm phần "nội dung".  Cho nên cả phần nội dung của ông Tâm cũng lạc đề nốt, vì được khai thác theo cái đề tài bị bẻ cong rồi. 

Vì bẻ quẹo phạm vi bài viết của tác giả Trần Chung Ngọc, nên ông mới ngớ ngẩn bù lu bù loa : "Tại sao chỉ một mình bà Dương Nguyệt Ánh bị ông lấy ra lên án trong khi trên thế giới có biết bao nhiêu (có thể tới hàng vạn) khoa học gia đang chế tạo vũ khí (NTT)", hoặc vô cớ bực dọc rằng: "Tác giả dùng hai chữ đạo đức và khoa học trong ý nghĩa quá rộng mà ông lại không phân tích kỹ hai ý niệm đó (NTT)".  Ông Tâm nên gỡ cái tựa bài hắc ám "Một bài viết thiếu tiêu chuẩn khoa học của ông Trần Chung Ngọc (NTT)" bỏ xuống đi, kẻo nó di họa đến suốt đời viết lách của ông.

Ông Tâm đọc và hiểu nội dung bài viết của ông Ngọc theo nguyên văn, nghĩa đen, từng chữ (literally).  Những người không có tư kiến đều hiểu rất rõ ràng ông Ngọc nói gì từ hàng đầu tiên trên trang nhất.  Nhưng ông Nguyễn Tường Tâm cho rằng "không tìm được đâu là quan điểm của ông (Trần Chung Ngọc). Cho mãi tới trang 10 ...."  Thực ra ông Tâm chỉ muốn tìm cái gì mà ông muốn thấy, nhưng chưa thấy.  Đợi khi ông Ngọc nói "Ðây chính là điều tôi muốn viết về vấn đề đạo đức trong khoa học trong phần tiếp theo" thì ông Tâm mới chộp bắt như vớ được trộm.  Sau đó, ông lại đem cán cân "lằn ranh Quốc Cộng" để cân những điều ông Ngọc phát biểu, và giao cho phe chống Cộng cực đoan đem đi "xử chém" bằng câu "Như vậy về thực chất đây là một bài chính luận của một cán bộ cộng sản, hay ủng hộ cộng sản (NTT)".  Vấn đề chính và ngầm theo đuổi ngòi bút ông là đây, nhưng e ngại mãi mới lấp ló hé mở trong trang thứ 4 trong 6 trang giây khổ 8.5x11 in.

Người đọc tôi tạm ngưng phần này vì không có mục đích dùng miếng đòn của ông Tâm đối với ông Ngọc để trả lại ông, chỉ "qua loa" cho ông thấy ngón đòn như thế nặng nề và mất lòng biết bao.  Đó là những lý do mà người đọc tôi sẽ "không thèm" theo cái bố cục "ba chỉ" của ông đâu, nhưng bạn đọc sẽ hiểu tót lọt những gì tôi nói.  Vả lại, kiểu hạch sách loanh quanh về hình thức như ông Tâm chỉ là một trong những mưu kế tấn công hay ám sát cá nhân, thật không đáng và không nên đi vào văn tự. Đó là hạ sách của những người không dám bàn thẳng đến những vấn đề chính, những vấn đề luôn luôn ngầm ám ảnh và điều khiển cái tình cảm và ý tưởng từ bên trong hay phía đàng sau ngòi bút, nhưng không đủ bản lĩnh để bàn, hoặc ngại nói ra thì sẽ đuối lý.

 

Những mâu thuẩn trong bài viết của ông Tâm

 

Gần phân nửa bài viết ông Tâm nhằm chê bai bài viết của ông Ngọc khó hiểu, nhưng ông lại nói ông lại "đọc một mạch" (xem câu đầu tiên của bài ông Tâm).  Người đọc quá một trang mà không hiểu thì dẹp sách hay bấm bài khác mà đọc.  Chẳng những ông Tâm "đọc một mạch", mà lại khổ công phân tích cả 6 trang giấy, mà cho là bài viết của ông Ngọc thiếu hình thức, thiếu nội dung, không ra gì thì kể ra ông Tâm cũng hơi khác thường (không muốn nói là bất bình thường).

Trong phần nội dung, ông Tâm cho rằng ông Trần Chung Ngọc lạc đề (vì chỉ trích quan điểm chống cộng của bà Dương Nguyệt Ánh, và chỉ trích Hoa kỳ trong chiến tranh Việt Nam) trong lúc chính ông chẳng những lạc đề, mà còn cố tình lạc đề nữa, như đã đề cập ở trên (khi cột buộc ông Ngọc không được nói đến đạo đức con người, trong khi đó là đề tài bình luận của ông Ngọc).  Thật ra, hai sự kiện mà ông Ngọc đề cập rất liên quan mật thiết với nhau trong mặt đạo đức mà ông Ngọc phê phán.  Người đọc tôi sẽ có cơ hội trở lại vấn đề này ở phần sau.

Ông chống lại việc ông Trần Chung Ngọc "lòa mắt" ngưòi đọc, khoe khoang…" Nhìn lại bài của ông cũng khoe khoang khá lắm chứ.  Ông chua đầy tiếng Anh trong bài, nào là Ethics in Science, bias, fraud, peer review, plagiarism, duty, honesty, misconduct, responsibility, Theoretical science & Applied sciences,... không phải để biện minh cho lập luận vì đó không phải là lời của nhân vật nào, không phải những từ chuyên môn mà tiếng Việt chưa có (chính ông đã ghi tiếng Việt đàng trước,). Vậy ông để làm gì, nếu không phải hy vọng lòe mắt những người đọc ít tiếng Anh (!).

Ông Tâm viết một đề mục "phong cách" (đạo đức của người viết) cốt để cật vấn những thái độ của ông Ngọc mà ông không hài lòng, nhưng từ đầu đến cuối ông Tâm đã vi phạm lĩnh vực đạo đức rất nhiều lần. Như đã đề cập, ông Tâm méo mó, cắt xén, biến hóa đề tài của ông Ngọc, giải ông Ngọc đến địa phương khác, rồi thẳng tay tấn công túi bụi. Ông tự hỏi, làm như thế có phải là đạo lý của một người ngay thẳng hay không? Sau khi thắt cà vạt (cột sai mối) thuyết giảng theo cách lạc dẫn loanh quanh về "cách làm luận, ông ngang nhiên bước cao lên bục giảng lên giọng "lớn lối" ở cuối bài "phân tích này sẽ phần nào giúp ông thêm nhiều thành công."   Gương mẫu đạo đức và phong cách của ông Tâm là như thế hay sao?

 

Những quan niệm nông cạn và nông nổi.

 

Người đọc tôi không hiểu tại sao ông Tâm rất khó chịu về những trích dẫn của ông Ngọc.  Ông hơi quá hồ đồ khi cho rằng việc trích dẫn hai tác giả Matthieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận là vi phạm đạo đức (!), là khoe khoang.  Bằng một giọng điệu ganh tỵ, ông Tâm bảo rằng ông Ngọc có thái độ “cáo mượn oai hùm”. Tiếp theo đó, ông lại trèo lên một bậc cao hơn và nói "vì hai vị giáo sư này không nhằm viết cho quảng đại quần chúng. Vì thế rất ít người biết tiếng hay đọc tác phẩm của hai ông."  Vậy ông Tâm lấy cái mốc nào để phân biệt sách dành cho quần chúng, và sách không cho quảng đại quần chúng đây hở ông Tâm?  Ông cho rằng ông không thuộc về giới quảng đại quần chúng, cao siêu hơn, hay là "giới trí thức" cao hơn quần chúng chăng?  Vừa phải thôi ông Tâm ơi, một trí thức thực sự luôn khiêm nhượng và để cho người ta đánh giá. Xếp loại, xếp hạng sách và tự đứng vào chỗ mình đã sắp hạng thì ... ngửi không được đâu.

Trong một thí dụ “con người cần có tâm thiện” ông cho đó "như là một chân lý hiển nhiên" không cần phải trích dẫn.  Cá nhân người đọc tôi có thể đồng ý với ông điều này, nhưng chưa chắc đã đúng cho tất cả.  Người đọc tôi tin rằng còn có rất nhiều người trên trái đất này cho rằng: "Vô độc bất trượng phu."  Chắc ông còn nhớ hai câu nói trái ngược nhau rất cổ xưa của hai nhà hiền triết Mạnh tử và Tuân Tử : "nhân chi sơ tính bản thiện", và "nhân chi sơ tính bản ác" chứ?  Người đọc tôi rất cần những trích dẫn sơ đẳng này để nói với ông Tâm về những kết luận rất có "tính bản ác" của ông Tâm đối với bài viết của ông Ngọc.

Không biết ông Tâm đặt chữ lễ vào mô hình nào khi ông cho rằng ông Ngọc đã nhục mạ bà Dương Nguyệt Ánh trong câu “Sau đây là một vài con số thống kê để mở mắt Dương Nguyệt Ánh về cuộc chiến (TCN)”; cho rằng ông Ngọc đã xách mé gọi DNA là “chính thị”, “bà ta”, cho rằng ông Ngọc đã vô lễ khi ông viết trống không “Dương Nguyệt Ánh”, “hai chính quyền Diệm, Thiệu (TCN)”.  Ông hãnh diện về việc làm của bà Dương Nguyệt Ánh thì ông chọn chữ cho xứng đáng, ông Ngọc không hãnh diện thì ông gọi "bà ta" như thế không có gì là vi phạm đạo đức nào cả.  Lằn ranh đạo đức này thật là chủ quan đó ông Tâm ạ.

Người đọc tôi hiểu rằng ông Ngọc quen đọc các bài báo của Mỹ.  Người Mỹ vẫn thản nhiên gọi "Nixon administration", "Bush administration."  Người Việt Nam không có thói quen gọi bằng họ, mà gọi bằng tên, thì "chính quyền Diệm , chính quyền Thiệu" cũng không khác nhau mấy.  Các nhân vật có tiếng sẽ phải chịu sự phê phán của dân chúng.  Đáng nể thì dân gọi một cách kính cẩn, nhưng khi chính quyền làm tôi mọi cho ngoại bang thì dân khinh chê, chứ không thể "lễ phép" ngang hàng với các người đáng nể được.  Vả lại, gọi nguyên tên họ cũng chưa chắc đã là kính nể. Xin ông nghe thử đoạn kế tiếp.

Trần Bá Lộc được chức Tổng đốc do việc giúp quân Pháp bắt được cả nhóm nghĩa quân kháng chiến, và anh hùng Nguyễn Trung Trực.  Những người dân biết căm thù con người gian ác này có thể gọi "tên Việt gian Trần Bá Lộc" (tên và họ) khi vắng mặt, rất ư là hợp lý. Ông Ngô Đình Khả làm tới chức tổng quản cấm thành, từng có thành tích cùng Nguyễn Thân dẫn quân đi đánh nghĩa quân Văn Thân (dưới quyền lãnh đạo của cụ Phan Đình Phùng), và phạm tội đào mã nhà ái quốc Phan Đình Phùng. Với thành tích như thế, có được gọi cả tên họ lẫn chức vụ "Tổng quản Cấm thành Ngô Đình Khả" liệu có được nhân dân kính nể hay không? Dưới mắt con dân Việt Nam yêu nước Ngô Đình Khả là một tên Việt gian không hơn không kém. Chỉ có những người quay lưng với dân tộc mới muốn vớt vát phục hồi (!) lại danh dự cho dòng họ của con người phản quốc và ác độc này.

Chính thời ông Diệm, con của ông Ngô Đình Khả (lại xin lỗi ông, người mà ông quí thì ngưòi đọc tôi lại không quí chút nào) đã làm bích chương dán khắp nơi gọi Vua Bảo Đại ngang xương là "bù nhìn Bảo Đại", và gạch mặt chéo bằng dấu chữ thập lên miếng phiếu bầu cử vẽ sẵn như thế.  Có lẽ ông thích ông Diệm nên không nhìn thấy cách gọi "rất vô lễ", hành động bội bạc phản trắc đối với một cựu hoàng (mà ông Diệm đã từng làm thủ tướng ở dưới trướng) đó thôi.

Người đọc tôi thấy ông Tâm cũng "rất vô lễ" khi viết cả một bài đầy méo mó vẽ vời loanh quanh của ông với mục đích để thóa mạ một giáo sư dạy khoa học đã về hưu và đã có nhiều tác phẩm đáng nể.  Ông Trần Chung Ngọc không phải là một con người của quần chúng (public figure), ông cũng không có thành tích giết hại dân chúng, trái lại đem lại những nghiên cứu giúp sáng tỏ những sự thật đã bị các thế lực lấp liếm. Như vậy, khi ông viết bài thóa mạ ông Ngọc thì tư cách của ông thế nào? Xin đọc về tác giả Trần Chung Ngọc trong hàng nối sau đây http://sachhiem.net/TCN/Ndir.php

 

So sánh khập khiểng vì quan niệm lệch lạc.

 

Để bênh vực cho "đạo đức làm bomb tấn công nước khác" của bà Dương Nguyệt Ánh, ông Tâm đem ví dụ "việc làm của kỹ sư Trần Ðại Nghĩa."  Ông Tâm có hiểu đó là việc làm của những người dân ái quốc bảo vệ đất nước đang bị kẻ thù đến xâm chiếm.  Ông lại còn so sánh cả với "2 quả bom nguyên tử trên đất Nhật" là hai quả bom trả đũa cho cuộc oanh kích của Nhật vào Trân Châu Cảng của Mỹ.  Những trường hợp "chống chế" khác với những chủ trương tấn công, ông không phân biệt nổi hay sao?

Ông lập luận khập khiểng khi đánh đồng hai mục đích chế tạo vũ khí nhập làm một bằng cách đơn giản hóa việc so sánh bằng nhóm từ "cùng là những người sản xuất ra những vũ khí mục đích để tiêu diệt đối phương."  Người đọc tôi nhìn thấy cái lưng của ông đang quay nghịch với phía dân tộc ngay chỗ này.  So sánh như thế mà cũng dám nói ra không ngại miệng chút nào.  Chả trách chi ông cứ chúi mũi vào cái "lằn ranh Quốc Cộng" do thế lực ngoại bang tô đậm và nuôi dưỡng, mà không xem lại mình đã nói tiếng nói của dân tộc nào.  Không ai trách một người thô thiển quê mùa chẳng hiểu sâu về chính trị, bị các phong trào do ngoại bang chi phối, và chạy theo cái ảnh hưởng "Tăng Sâm giết người", làm công cụ cho những thế lực đó. Một người đã học hết đại học (tôi hy vọng ông có thể ở trong nhóm này), và biết đọc nhiều sách báo thì phải biết khá hơn một chút.

Đối với ông Tâm, việc ông Trần Chung Ngọc "ghép vào bài một đoạn dài chỉ trích Thiên Chúa giáo" hay Công giáo nói riêng là lạc đề, là vi phạm đạo đức, nhưng đối với những người hiểu rõ Thiên Chúa Giáo hơn, thì quan niệm Chống Cộng, nhất là về ý thức hệ, chính là sản phẩm của Công Gíáo, nên có liên hệ rất mật thiết với nhau (thánh lệnh của giáo hoàng Pius XII , 1939 - 1958).  Người đọc tôi hay đọc những gì người ta cấm hay bị tuyên truyền chê bai nhưng xét ra có giá trị tài liệu, đem lắp vào những khoảng trống của dòng lịch sử mà nhiều người như tôi được học ở miên Nam ngày trước, bỗng nhiên thấy được bức tranh lớn hiện ra với nhiều câu trả lời.  Câu trả lời cho người đọc là những liên hệ giữa cái "khí tiết chống Cộng" và cái "niềm tin Công giáo" này bắt đầu từ một lý do không mang giá trị nhân bản nào hết.  Do đó người đọc rất thông cảm với người chống Công giáo.

Người đọc tôi thấy nhiều tài liệu chống Cộng lên án và kết luận rằng Cộng sản là một tôn giáo.  Nếu cho rằng chống Công Giáo là vi phạm đạo lý chống một tôn giáo, thì "chống Cộng" cũng vi phạm một đạo lý tương tự.  Cũng vậy, nếu cho rằng chống Cộng vì Cộng sản độc tài, tàn bạo, thì những người chống Công giáo đã chứng minh được họ có chính nghĩa hơn nhiều, vì những thành tích độc tài và tàn ác của bên Công giáo trội hơn rất nhiều.  Thêm nữa, người đọc tôi không cần chứng minh một điều mà ngày nay ai cũng biết: Công giáo La Mã là một thể chế chính trị, độc đoán, và là một đế quốc trên quả đất hình tròn quay quanh mặt trời này.  Hiểu như thế nên ngưòi đọc tôi cho rằng việc chống Thiên Chúa Gíáo không hề vi phạm một phạm trù đạo đức nào cả, mà lại còn là hành động nhân đạo như "cho người khác biết cái hố sâu mà tránh khỏi bị lọt chết."  Hoặc giả, ít nhất, việc chống Công giáo là một thái độ chính trị tương xứng với việc chống Cộng mà thôi.

 

Kết luận

 

Thật ra tôi không vì một bài viết của ông Tâm mà cho rằng ông là người ở trục ác.  Nhưng một người dù ngay lành đến mấy, cũng có thể ám sát đối phương vì bị nhồi sọ hay vì nghe quen tai, đọc quen tai một số truyện, một số từ ngữ hay những tin tức phiếm diện, hay không có căn cứ, rồi dần dà xem đó là lý đương nhiên, hay Chân lý.  Người ta có thể hại người khác vì "lý tưởng" sai lầm do quan niệm Chân lý sai lầm mà vẫn cho rằng mình làm điều thiện. 

Việc ông muốn hạ thủ ông Trần Chung Ngọc ngày hôm nay trong nụ cười, có thể trở thành một ám ảnh cho ông một ngày nào đó nếu ông là một người biết xét lại việc làm đã qua của mình.  Nếu ông thay đổi các quyển sách, thử tránh tiếp xúc một thời gian với những người ông gặp hàng ngày, đọc những quyển sách mà không thích đọc trước đây, chưa biết chừng ông sẽ thấy rằng: không phải mặt trời quay quanh trái đất như thánh kinh nói, mà chính là trái đất quay quanh mặt trời đó ông ạ.

Xin chào tạm biệt tác giả Nguyễn Tường Tâm.

 

Lý Thái Xuân

10 tháng 11, 2007

 

Tái bút: Xin lỗi ông Tâm về việc người đọc tôi đã hơi nặng lời nếu ông lỡ có thái độ bất xứng trong bài của ông. Nhưng nếu ông cho rằng ông đã kỹ lưỡng cẩn thận chọn thái độ trong mỗi việc làm của ông, thì lời của tôi trong bài cảm tưởng này vẫn còn hơi quá nhẹ nhàng.

 

Trang Đối Thoại