Viết Sử Như Thế Là Giết Sử

TS. Phan Văn Hoàng

http://sachhiem.net/LICHSU/P/PhanvHoang_03.php

26-Aug-2017

 TS Nguyễn Tiến Hưng.  Ảnh : Wordpress.com

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng từng là phụ tá về Tái thiết của tổng thổng Nguyễn Văn Thiệu (1971-1973) rồi làm tổng trưởng Bộ Kế hoạch và Phát triển (1973-1975). Ông kể: “Là người điều hợp viện trợ trên bình diện kinh tế toàn quốc, [chúng tôi] làm việc trực tiếp với tổng thổng Thiệu trong những ngày tháng cuối cùng [của chế độ Việt Nam Cộng hòa]. Trong cương vị này, hồi 1974-1975, nhiều lúc chúng tôi đã phải dẹp bỏ tự ái, lui tới Quốc hội Hoa Kỳ như một người đi cầu xin” (1).

“KHI ĐỒNG MINH THÁO CHẠY”

Lần đi “cầu xin” cuối cùng của Nguyễn Tiến Hưng diễn ra vào lúc cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đang giành thắng lợi liên tiếp. Đó là thời điểm mà ông gọi là “những ngày tháng đầy tuyệt vọng” (tr. 21) (2) .

Ngày 14-4-1975, tổng thống Thiệu cử ông, cùng với ngoại trưởng Vương Văn Bắc và đại sứ Trần Kim Phượng, mang thư gửi tổng thống Mỹ Gerald Ford để xin vay đô-la. Nhiều lần tổng thống Thiệu viết thư và cử người sang Mỹ xin viện trợ quân sự bổ sung khẩn cấp để đối phó với tình hình đang ngày càng suy sụp, nhưng đều bị Mỹ từ chối. Lần này ông ta không xin Mỹ cho không, mà xin Mỹ cho vay. Thư do Nguyễn Tiến Hưng và một người nữa soạn thảo, “tránh không nói tới tình hình quá tuyệt vọng” (tr. 312) của Việt Nam Cộng hòa lúc đó, được viết với lời lẽ thống thiết: “Tôi trân trọng thỉnh cầu Ngài [Ford] kêu gọi Quốc hội [Mỹ] cho VNCH vay dài hạn 3 tỷ đô-la, chia làm ba năm, lãi suất do Quốc hội ấn định, và xin triển hạn 10 năm trước khi trả vốn và lời. Tài nguyên dầu hỏa và canh nông của VNCH sẽ dùng làm tiền thế chân cho món nợ này… Chúng tôi kêu gọi lương tri và lòng trắc ẩn của nhân dân Hoa Kỳ hãy nghĩ đến một quốc gia đồng minh trung thành trong hai mươi năm sóng gió vừa qua…” (tr.314-315).

TS Nguyễn Tiến Hưng được giao một sứ mệnh không thể thực hiện vì nó diễn ra vào lúc mà bộ trưởng Bộ Quốc Phòng James Schlesinger cũng như những người cầm đầu khác của nước Mỹ “đều tin rằng chiều hướng của cuộc chiến đã hoàn toàn bất lợi cho VNCH và chẳng còn cách nào đảo ngược nó được nữa” (tr.285). Mọi người đều khuyến cáo tổng thống Ford tìm cách rút lui khỏi Miền Nam Việt Nam. Ngoại trưởng Henry Kissinger khuyên: “Có thể Ngài phải bỏ vấn đề Việt Nam ra đàng sau lưng để đất nước [Mỹ] không bị xâu xé thêm nữa” (tr. 291) trong khi Ron Nessen, phụ tá về Báo chí của tổng thống, thì nói: “Tổng thống phải lãnh đạo đưa nước Mỹ ra khỏi Việt Nam, chứ chớ có đưa vào nữa” (tr. 291). Về phía Quốc hội, “các ông nghị ở đó đang phủi tay hoàn toàn đối với Miền Nam Việt Nam” (tr. 317). Ngày 18-4-1975, Ủy ban quốc phòng của Thượng viện Mỹ “bỏ phiếu chống việc tăng quân viện cho VNCH” (tr. 318).

Tổng thống Ford tán đồng ý kiến của các quan chức thân cận của mình. Vì vậy, “sau cuộc rút lui cam go của Quân đoàn II và cuộc di tản kinh hoàng từ Đà Nẵng, ông Ford vẫn bình chân như vại, đi Palm Springs đánh gôn” (tr. 24). Là một chính trị gia già dặn (năm ấy Ford đã 62 tuổi), ông ta không muốn bất cứ ai – bạn cũng như thù – trút cho mình trách nhiệm về sự sụp đổ không thể tránh khỏi của Việt Nam Cộng hòa, nên ngày 10-4, ông ra trước Quốc hội đề nghị cấp thêm viện trợ quân sự cho chế độ Sài Gòn. Cách đề nghị của ông khiến “người ta có cảm tưởng là ông Ford vừa đưa ra thỉnh cầu về quân viện, vừa mở đường cho Quốc hội từ chối” (tr. 292). Tuần báo Time ngày 21-4 bình luận: “Có phải thực sự ông Ford đã yêu cầu viện trợ, nhưng chẳng mong gì Quốc hội chấp nhận. Hay là ông cho rằng quân viện sẽ còn giúp được gì để ổn định tình hình quân sự tồi tệ ở Miền Nam… Hay là ông Ford đã dựng Quốc hội lên như một bung xung để rồi đổ lỗi cho Quốc hội đã không cấp quân viện nên Miền Nam sụp đổ” (tr. 293). Nhà báo đã hiểu thấu tim đen của tổng thống Mỹ.

Thực ra, chuyến đi vay đô-la của Nguyễn Tiến Hưng đã thất bại ngay từ đầu. Ngày 15-4, khi Nguyễn Tiến Hưng chào từ giã Graham Martin thì viên đại sứ Mỹ buột miệng hỏi “bao giờ thì tổng thống của ông [tức Nguyễn Văn Thiệu] từ chức?” (tr. 388). Là một người cộng sự thân thiết của ông Thiệu, Nguyễn Tiến Hưng “hết sức ngạc nhiên” trước “câu hỏi trớ trêu” của người đại diện nước Mỹ ở Sài Gòn. Có bao giờ ông Thiệu có ý định từ chức đâu ? Phải chăng Mỹ đang âm mưu gây sức ép để ông Thiệu rời bỏ chiếc ghế trong Dinh Độc Lập nhằm phục vụ một ý đồ chính trị nào đó của Nhà Trắng? Còn nhớ tướng O’ Daniel, tư lệnh Phái bộ cố vấn viện trợ quân sự Mỹ ở Miền Nam Việt Nam MAAG, đã từng tuyên bố: “Ai chi tiền thì người đó chỉ huy” (Who pays, commands) (tr. 454). Trước đây, Mỹ đã chi tiền cho ông Diệm nên Mỹ có quyền lật đổ ông Diệm. Nay Mỹ chi tiền cho ông Thiệu nên Mỹ cũng có quyền loại bỏ ông Thiệu nếu cần. Theo tiết lộ của Roger Morris, vào cuối năm 1972, khi ông Thiệu chưa đồng ý với một số điểm trong dự thảo Hiệp định Paris, Mỹ đã định “sẵn sàng thanh toán Thiệu” (tr. 90) nên sau đó ông Thiệu phải chấp nhận ký Hiệp định. Rút kinh nghiệm đó nên lần này ông Thiệu miễn cưỡng chấm dứt sự nghiệp chính trị của mình ở tuổi 52 (ngày 21-4) sau khi lên đài truyền hình tố cáo Mỹ đã có “một hành động vô nhân đạo của một đồng minh vô nhân đạo” (tr. 389).

Cùng ngày 21-4, ngoài sự kiện chính trị trên đây, còn có một biến cố quân sự quan trọng: phòng tuyến Xuân Lộc bị chọc thủng, “cánh cổng thép” bảo vệ phía đông của Sài Gòn sụp đổ.

Ngày 23-4 (giờ Mỹ, tức 24-4 giờ Sài Gòn), tại Đại học Tulane (thành phố New Orleans, bang Louisiana), tổng thống Ford chính thức tuyên bố: “Đối với Hoa Kỳ, chiến tranh Việt Nam đã kết thúc rồi” (tr.413). Tuyên bố ấy đặt dấu chấm hết cho chuyến đi vay tiền của Nguyễn Tiến Hưng. Ông quyết định ở lại nước Mỹ: “Nghĩ tới cái cảnh đất nước phải lệ thuộc, cái cảnh ăn nhờ ở đậu, tôi thấy nó chua xót làm sao!” (tr. 316).

Dựa vào các câu nói như “Chúng tôi chỉ quan tâm đến cách rút đi và giải kết mà thôi” (của Brent Scowcroft, phụ tá tổng thống Ford - tr. 293) và “Rút cuộc, chúng ta chỉ lo tháo chạy” (của đại sứ Graham Martin - tr. 25), Nguyễn Tiến Hưng đặt cho quyển sách xuất bản năm 2005 cái tên Khi đồng minh tháo chạy.

Cuốn sách ra đời gặp những phản ứng trái chiều trong độc giả người Việt ở Mỹ. Người khen vì tìm thấy trong sách những chi tiết mà trước đó họ chưa biết; kẻ chê thì cho sách có “nhiều cái không chính xác”, “dịch sai”, “trích dẫn thiếu và suy luận vô căn cứ” v.v… (bbc.com, 3-8-2005).

“KHI ĐỒNG MINH NHẢY VÀO”

Năm 2016, tức 11 năm sau, TS Nguyễn Tiến Hưng cho ra mắt một cuốn sách nữa. Dựa trên câu nói của ngoại trưởng John Foster Dulles “Ta phải tiến tới và phải lao vào”, ông đặt cho sách mới cái tên Khi đồng minh nhảy vào.

Rất tiếc, ông không chịu rút kinh nghiệm từ những nhận xét của độc giả về cuốn sách trước, nên tiếp tục mắc phải những sai sót tương tự trong cuốn sách sau. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu một số sai sót tiêu biểu (3) ,  như:

* Sai sót về ngày tháng:

- “1945… Nhật lật đổ Pháp (ngày 11 tháng 3)…” (tr. 671): đúng ra là ngày 9-3-1945.

- “Thế là chiến tranh bùng nổ tại Miền Nam ngày 11 tháng 10-1945 mà sau này hay gọi là cuộc kháng chiến Nam Bộ” (tr. 38) : ở Việt Nam, bất cứ em học sinh nào cũng biết hát bài Nam Bộ kháng chiến của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn bắt đầu bằng câu “Mùa thu rồi ngày hăm ba…” (23-9-1945).

* Sai sót về tên người (người Việt, người Pháp, người Mỹ) :

- Vũ Quốc Định (tr. 175), Trần Văn Vận (tr. 258)… đúng ra là Nguyễn Quốc Định, Trần Văn Văn…

- Debès (tr. 42, 44) đúng ra là Dèbes…

- Malcomb Brown (tr. 442), Hillsman (tr. 443), James Ball (tr. 450), Neil Seehan (tr. 472)… đúng ra là Malcolm Brown, Hilsman, George Ball, Sheehan…

- Hội nghị Postdam (tr. 33, 34, 37), sách Advise and Support (tr. 113, 143, 144), báo New York Time (tr. 437) đúng ra là Potsdam, Advice and Support, New York Times

* Nhiều chi tiết không đáng sai mà vẫn sai:

“đô đốc Mỹ Mountbatten” (tr. 27) đúng ra là đô đốc Anh; “Trung tướng Anh Douglas Gracey” (tr. 37) đúng ra là thiếu tướng (major-general); “thủ tướng Nguyễn Hữu Trí” (tr. 112) đúng ra là thủ hiến Bắc Việt, “tổng thống Pháp Mendès-France” (tr. 233) đúng ra là thủ tướng Pháp, “tổng bí thư Khrushchev” (tr. 399) đúng ra là bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô, “Giám mục Ngô Đình Thục [là] bào đệ Tổng thống Diệm” (tr. 430) đúng ra là bào huynh v.v…

* Ảnh minh họa cho sự kiện cũng sai.

Chẳng hạn ảnh “ông Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại vườn hoa Ba Đình ngày 2/9/1945” (tr. 50) thật ra đó là ảnh Hồ Chủ tịch cùng 5 đại biểu Quốc hội (khóa I) ra mắt cử tri Hà Nội tại Việt Nam học xá (nay là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) ngày 12-1-1946…

* Báo cáo ở các trang 390-393 được ghi là “Báo cáo của phái đoàn Taylor”, thực ra đó là báo cáo ngày 11-11-1961 của hai bộ trưởng Dean Rusk và McNamara. Để biến nó thành báo cáo của phái đoàn Taylor, tác giả rút ngắn các từ “Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng đề nghị” thành “Đề nghị”.

* Ngay cả dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt cũng không chính xác.

Chẳng hạn: sovereign dịch là “tự trị” (tr. 173), đúng ra là có chủ quyền (autonomous mới có nghĩa là tự trị); Self-Defense Corps dịch là “nhân dân tự vệ” (tr. 393), đúng ra là dân vệ; Female Militia dịch là “đoàn nữ quân nhân” (tr. 469), đúng ra là phụ nữ bán quân sự; Clear, hold, and build dịch là “quét, giữ và phát triển”, đúng ra là quét, giữ và xây dựng; câu của tổng thống Johnson: I am not going to be the first President who saw Southeast Asia go the way China went” dịch là “Tôi sẽ không là người Tổng thống đầu tiên để cho Đông Nam Á sụp đổ giống như Trung Quốc đã sụp đổ” (tr. 551), đúng ra là “Tôi sẽ không là tổng thống đầu tiên chứng kiến Đông Nam Á đi theo con đường Trung Quốc đã đi” v.v…

* Ở trang 267, Nguyễn Tiến Hưng trích dịch một câu trong cuốn Vietnam: A Dragon Embattled của Joseph Buttinger, nhưng không ghi số tập và số trang: “… Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu cũng từ chức cùng với Bộ trưởng Quốc Phòng Hồ Thông Minh…”. Tháng 4-1955, Vũ Văn Mẫu chưa làm ngoại trưởng nên không thể từ chức được. Chả nhẽ J. Buttinger viết sai? Tôi tìm đọc nguyên văn (ở tập II, tr. 875): “… Foreign Minister, Tran Van Don, also deserted him, together with Ho Thong Minh, the Minister of Defense…” Thì ra ngoại trưởng lúc đó là Trần Văn Đỗ (nhưng J. Buttinger viết nhầm thành Trần Văn Đôn). Có lẽ Nguyễn Tiến Hưng cho rằng Trần Văn Đôn chưa từng làm ngoại trưởng bao giờ nên tự tiện thay “Trần Văn Đôn” thành “Vũ Văn Mẫu”. Tự tiện thay đổi nguyên tác (mà không giải thích lý do) là một việc mà không có dịch giả đứng đắn nào dám làm!

v.v…

Những nhầm lẫn về kiến thức là điều mà bất cứ tác giả nghiêm túc nào cũng cố gắng tránh vì điều đó sẽ làm suy giảm sự tin tưởng của độc giả đối với nội dung cuốn sách. Nhưng nghiêm trọng hơn là việc tác giả cố tình viết sai sự thật. Xin nêu ra một ví dụ.

Ở trang 173, Nguyễn Tiến Hưng viết: “Ngày 4 tháng 6, 1954, Quốc hội Pháp phê chuẩn Hiệp ước Độc lập (Treaty of Independence): Việt Nam được chính thức công nhận là “một nước hoàn toàn độc lập và là một quốc gia tự trị với đầy đủ quyền hạn theo luật quốc tế” (tác giả vừa in nghiêng, vừa gạch dưới trong nguyên tác).

Thật ra, sự kiện này được nhiều nhà sử học nhắc đến, chẳng hạn:

  • “Ngày 4 tháng 6, hai hiệp ước được ký tắt” (Le 4 Juin, les deux traités sont paraphés – Jean Lacouture và Philippe Devillers, La fin d’une guerre - Indochine 1954, Nxb Seuil, Paris, 1960, tr. 193).
  • “Điều không may là hiệp ước đã nói đó chỉ được ký tắt và không được phê chuẩn, điều đó khiến cho nó chỉ có một giá trị pháp lý tương đối” (Le malheur, c’est que ledit traité n’a été que paraphé, et non ratifié, ce qui ne lui confère qu’une valeur juridique relative – Georges Chaffard, Les deux guerres du Vietnam de Valluy à Westmoreland, Nxb Table Ronde, Paris, 1969, tr. 178).
  • “Cho đến nay, cả Pháp lẫn [Quốc gia] Việt Nam chẳng quan tâm đệ trình các hiệp ước cho lập pháp phê chuẩn” (To this day, neither France nor Vietnam has bothered to submit them to legislative ratification – Bernard B. Fall, The Two Viet-Nams, Nxb Frederick A. Praeger, New York, 1966, tr. 222-223).

Như vậy, hai hiệp ước – Hiệp ước Độc lập (Traité d’indépendance) và Hiệp ước liên kết Pháp-Việt (Traité d’association Franco-Vietnamienne) chỉ được ký tắt. Chính thủ tướng Quốc gia Việt Nam Bửu Lộc đã nói với phó thủ tướng Pháp Paul Reynaud: “Chúng ta sẽ chỉ ký tắt thôi, việc ký thuộc về phần hai người đứng đầu Nhà nước của chúng ta” (Nous parapherons seulement, signer incombe à nos deux chefs d’ État – J. Lacouture và P. Devillers, sách đã dẫn, tr. 193). Vả lại, hiệp ước dù được ký hay ký tắt, nhưng nếu không được Quốc hội phê chuẩn thì cũng không có giá trị pháp lý gì.

Ở phần Tài liệu và sách tham khảo, Nguyễn Tiến Hưng có ghi hai cuốn sách The Two Vietnams (tr. 842) và End of a War – Indochina 1954 (tr. 842). Vậy tại sao ông lại viết “Quốc hội Pháp phê chuẩn Hiệp ước Độc lập” ? Có thể có hai cách giải thích:

  • Ông ghi, nhưng không đọc, nên không biết các sách ấy viết gì.
  • Ông có đọc, có biết, nhưng vẫn viết theo ý mình.

Cách giải thích thứ 2 có lẽ đúng hơn, vì ở trang 218, ông viết: “Trong quá vãng, ông Bảo Đại đã mời ông Diệm làm thủ tướng tới ba lần (…). Cả ba lần, ông Diệm đều từ chối, cho rằng ông không thể làm được việc gì khi người Pháp còn dính líu vào chính trị Việt Nam. Tới năm 1954, sau khi Quốc hội Pháp đã thông qua Hiệp ước Độc lập (Treaty of Independence) ngày 4 tháng 6, ông Diệm mới chấp nhận”. Thì ra Nguyễn Tiến Hưng bịa đặt việc “Quốc hội Pháp phê chuẩn Hiệp ước Độc lập” chỉ để hợp lý hóa chuyện ông Diệm chấp nhận làm thủ tướng! Một việc xuyên tạc sự thật lịch sử có ý đồ!

Ông vừa cho in nghiêng, vừa gạch dưới câu “Việt Nam được chính thức công nhận là một nước hoàn toàn độc lập và là một quốc gia tự trị với đầy đủ quyền hạn theo luật quốc tế” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp ước, xem đó như một bước ngoặt trong quan hệ Pháp – Việt.

Sự thật không phải như vậy. J. Lacouture và P. Devillers cho biết đó là “lần thứ 5 [Quốc gia] Việt Nam được Pháp công nhận độc lập!” (Pour la cinquième fois, le Viet-Nam voit reconnaître par la France son indépendance! - sđd, tr. 193). Nếu tính cả những lời tuyên bố thì, như François Mitterand đã nói, “Từ 1949, chúng ta đã 18 lần ban cho Việt Nam “nền độc lập hoàn toàn” (We have granted Viet-Nam “full independence” eighteen times since 1949 – B.B Fall, sđd, tr. 221).

Hiệp ước Độc lập ngày 4-6-1954 không những không có giá trị pháp lý mà cũng chẳng có hiệu lực gì trong thực tế. Nhấn mạnh tầm quan trọng (không có thực) của nó, Nguyễn Tiến Hưng đã tự mâu thuẫn với chính mình khi ông mô tả tình hình Việt Nam sau hiệp ước ấy: “Khi ông tân thủ tướng [Ngô Đình Diệm] về tới Sài Gòn thì trên thực tế, tất cả các quyền hành về quân sự, chính trị, xã hội, kinh tế còn do người Pháp kiểm soát hoặc trực tiếp hay gián tiếp… Ngân sách thì eo hẹp vì tiền bạc còn do Pháp quản lý… Banque de l’Indochine (Ngân hàng Đông Dương), một ngân hàng Pháp in tiền cho cả ba quốc gia liên kết [Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia], rồi tới Service Douanier (Sở Đoan) do Pháp thu thuế nhập cảng, tức phần lớn nhất của ngân sách nội địa… Quân đội Việt Nam thì còn nằm trong Liên hiệp Pháp, và viên Tổng tham mưu trưởng, Tướng Nguyễn Văn Hinh, con trai của cựu Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm, lại là một sĩ quan cũ trong Không quân Pháp…” (tr. 222, 223).

Chúng tôi không thể tiếp tục nêu tất cả những sai sót trong cuốn sách của TS Nguyễn Tiến Hưng, vì không một tờ báo nào nhận đăng một bài phê bình dài hàng chục trang. Chúng tôi chỉ chọn thêm hai sự kiện trong cuộc tranh đấu của Phật tử và đồng bào các thành thị miền Nam trong năm 1963, mà Nguyễn Tiến Hưng gọi là “cuộc khủng hoảng Phật giáo”.

Chuyện xảy ra đã hơn nửa thế kỷ. Trong khoảng thời gian ấy, đã có hàng chục cuốn sách, hàng trăm bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà báo và nhất là của những chứng nhân có mặt tại Huế và Sài Gòn vào lúc các sự kiện diễn ra. Tuy nhìn từ những góc độ khác nhau, song các tác giả ấy hầu như thống nhất với nhau về những gì đã thực sự xảy ra. Song Nguyễn Tiến Hưng không chịu tin như thế nên viết: “Cho tới nay, sự thật về biến cố Phật giáo vẫn còn là một vấn đề tranh luận” (tr.431)! Khi không muốn tin vào sự thật thì người ta cứ tiếp tục tranh luận, nhưng xin đừng ngụy tạo hay xuyên tạc lịch sử !

TỪ VỤ “XÔ XÁT GIỮA CHÍNH QUYỀN VÀ PHẬT TỬ” TỐI 8-5-1963…

TS Nguyễn Tiến Hưng viết: Năm 1963, “vào dịp mừng Lễ Phật đản kéo dài từ ngày 8 tới 15 tháng 4 âm lịch, lệnh trung ương lại bắt phải theo chỉ thị đã ban hành, đó là cấm treo giáo kỳ nơi công cộng. Có thể đây là hoàn toàn trái ý muốn của Tổng thống Diệm” (tr.430 – 431).

Ai cũng biết lệnh cấm ấy nằm trong bức công điện số 9195 ngày 6-5-1963 mang chữ ký của viên đổng lý Văn phòng Phủ tổng thống. Công điện đó hiện còn được giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia số 2 ở thành phố Hồ Chí Minh dưới ký hiệu SC.04-HS.8352.

Công điện ấy bắt đầu bằng câu: “Văn phòng Phủ tổng thống trân trọng chuyển đến quý ông [đô trưởng, tỉnh trưởng, thị trưởng…] chỉ thị sau đây của Tổng thống…”.

Ngay cả cựu tổng thống Mỹ Richard Nixon, người vẫn ca ngợi ông Diệm là “lãnh tụ có năng lực nhất Nam Việt Nam” (South Vietnam’s most capable leader) (4) và không tán thành việc lật đổ ông Diệm, đã viết trong hồi ký của mình: “Diệm, một tín đồ Công giáo, đã ban hành một đạo luật nhằm ngăn ngừa việc hạ thấp tầm quan trọng của quốc kỳ trước giáo kỳ” (5) .

Thế mà, để bênh vực “cụ Ngô” của mình, Nguyễn Tiến Hưng bình luận: “Có thể đây là hoàn toàn trái ý muốn của Tổng thống Diệm” (tr.431). Một lời bênh vực kỳ lạ: “chỉ thị của Tổng thống” ban ra mà lại “hoàn toàn trái ý muốn của Tổng thống”! Viết như vậy, Nguyễn Tiến Hưng đã bất chấp sự thật lịch sử, không cần tham khảo tài liệu thành văn, chỉ viết theo ý định chủ quan của mình mà thôi.

Thật ra, lệnh cấm nói trên chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn cái ly đầy. Cuộc tranh đấu của Phật tử và đồng bào các thành thị miền Nam năm 1963 bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa hơn. Bị áp bức dưới chế độ độc tài, gia đình trị và kỳ thị tôn giáo của Ngô Đình Diệm, Phật tử miền Nam rất phẫn uất, nên khi lệnh cấm treo giáo kỳ ban ra, cờ Phật giáo bị gỡ xuống chỉ 2 ngày trước lễ Phật đản, lòng phẫn uất biến thành hành động tranh đấu. Arthur M. Schlesinger Jr., giáo sư Đại học Harvard, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Kennedy, nhận định: “Tuy lấy cớ là tôn giáo, cơn biến động có nguồn gốc xã hội và nhanh chóng có những mục tiêu chính trị” (6) . John H. Richardson, trưởng chi nhánh CIA ở miền Nam Việt Nam, có ý kiến tương tự: “Cuộc khủng hoảng Phật giáo đã kết tinh nỗi bất mãn rộng lớn hơn, ngấm ngầm trong một thời gian” (7) .

Hàng năm, vào tối của hai ngày lễ tôn giáo quan trọng – lễ Phật đản và lễ Giáng sinh – Đài phát thanh Huế có chương trình đặc biệt dành cho các tín đồ Phật giáo và Công giáo. “Như mọi năm, vào lúc 20 giờ ngày Phật đản [8-5-1963], Đài Phát thanh Huế sẽ dành riêng [một chương trình] để phát thanh về Phật giáo và các Phật tử sẽ đứng quanh khu đất trống của Đài để nghe”, tác giả Quốc Oai đã viết như vậy trong một cuốn sách xuất bản ở Sài Gòn năm 1964 (8) . Họ tập hợp một cách trật tự và im lặng để chờ nghe buổi tường thuật lễ Phật đản vừa được cử hành sáng hôm ấy tại chùa Từ Đàm, đúng như nhà nghiên cứu Stanley Karnow tường thuật: “Nhiều ngàn người tập họp một cách ôn hòa (peacefully) trước đài phát thanh của thành phố để lắng nghe loa phát thanh một diễn văn của nhà lãnh đạo Phật giáo Trí Quang” (9) . Không phải mít-tinh hay biểu tình, vì không có giăng biểu ngữ hay hô khẩu hiệu gì cả.

Nhưng chính quyền Huế cấm chương trình phát thanh Phật giáo tối hôm đó vì trong phát biểu tại lễ Phật đản, thượng tọa Thích Trí Quang, hội trưởng Hội Phật giáo Việt Nam tại Trung Phần, phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo mà điển hình là lệnh triệt hạ cờ Phật giáo đúng vào dịp đại lễ của Phật tử .

Thiếu tá Đặng Sỹ, phó tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên phụ trách nội an, đến tận Đài phát thanh để ra lệnh giải tán. Giữa lúc mọi người chưa kịp ra về thì, theo lệnh của Đặng Sỹ, xe chữa lửa xịt nước, binh lính ném lựu đạn hơi cay (lựu đạn làm chảy nước mắt) và lựu đạn nổ, bắn trực tiếp vào Phật tử, lái xe thiết giáp lao thẳng vào đám đông… như tường thuật của các nhà nghiên cứu sau đây:

Tám trong số chín người bị thảm sát

- “Binh lính được gởi tới để chống lại [Phật tử] và khi họ không thể giải tán được những người biểu tình bằng hơi làm chảy nước mắt, viên chỉ huy nhẫn tâm của họ, người được Ngô Đình Cẩn chọn, đã ra lệnh cho họ bắn vào đám đông từ các xe thiết giáp. 9 người bị giết, trong số đó có 3 phụ nữ và 2 trẻ em, người cuối cùng bị bể đầu vì đạn” (Joseph Buttinger) (10)

- “… Sỹ bảo lính của ông ta bắn. Lính bắn trực tiếp vào đám đông và ném ít nhất 15 lựu đạn. Kết quả là một cuộc tắm máu: 9 người bị giết và 14 người bị thương. Hai trong số những người chết là trẻ em. Họ bị nghiền nát dưới bánh xích của xe thiết giáp” (Seth Jacobs) (11)

- “… Người của Đặng Sỹ ném hơn một tá lựu đạn vào đám đông, tiếng nổ chát chúa và mảnh vụn như viên đạn khiến [nhiều người] lao ra như điên dại khỏi nơi khói phủ mịt mờ. Một quả lựu đạn nổ ở cổng đài phát thanh, giết chết 1 phụ nữ và 4 trẻ em. 15 người biểu tình khác bị một loạt vết thương, kể cả gãy tay chân và bể đầu. Vào lúc bạo lực lắng xuống, có 8 người bị giết và 4 người bị thương nặng. Hai trẻ em bị xe thiết giáp nghiền nát, [thịt da] nát tả tơi, nằm trên đường”. (Howard Jones) (12)

- “… Lính của Diệm bắn bừa bãi vào đám đông, bỏ mặc những người chết và bị thương kêu rên” (Athur M. Schlesinger, Jr.) (13)

- “… Viên phó tỉnh trưởng, một người Công giáo, ra lịnh cho binh lính của ông ta bắn vào đám đông (ngày 8-5). Sáng hôm sau, khi câu chuyện trở nên sáng tỏ, viên lãnh sự Mỹ ở Huế John Helble tường thuật 7 người chết, bao gồm 2 trẻ em bị xe thiết giáp nghiền nát và 15 người bị thương” (John M. Newman) (14)

- “Lính của thiếu tá Đặng Sỹ bắn vào đám đông và một xe thiết giáp nghiền nát vài người phản đối; 8 người bị giết” (John Prados) (15)

- “9 người bị giết và 14 người bị thương khi họ bị xe thiết giáp nghiến nát” (Hedrick Smith) (16)   v.v…

Nguyễn Tiến Hưng viết hoàn toàn khác. Ông không hề nói tới những hành động của binh lính của Đặng Sỹ, mà chỉ viết một câu: “Thế là có sự xô xát giữa chính quyền và Phật tử, kết quả là 7 người chết, 1 thường dân và 5 binh sĩ bị thương” (tr.431). Người đọc tự hỏi: làm sao có thể có “sự xô xát” giữa một bên là những người dân thường (phần đông là phụ nữ và trẻ em) trong tay không một tấc sắt và bên kia là những binh lính trang bị súng, lựu đạn, hơi cay… ngồi trên xe thiết giáp? Một lần nữa, để bênh vực “cụ Ngô”, Nguyễn Tiến Hưng bất chấp sự phi lý đó, sẵn sàng xóa đi ranh giới giữa nạn nhân và thủ phạm vụ thảm sát.

… ĐẾN “CUỘC BIỂU TÌNH KÊU GỌI LẬT ĐỔ CHÍNH PHỦ” ĐÊM 20 RẠNG 21-8-1963

Sự kiện quan trọng này được nhiều nhà nghiên cứu tường thuật. Xin trích dẫn:

- “Không bao lâu sau nửa đêm ngày 21-8, ông [Diệm] tấn công.

Được trang bị với súng trường, súng tiểu liên và lựu đạn hơi cay, xe chở người của Nhu phóng thật nhanh qua các con đường yên tĩnh ở Sài Gòn đến bao vây chùa Xá Lợi, ngôi chùa chính của Phật tử thành phố. Họ tấn công sau khi cảnh cáo, lục soát ngôi chùa được trang trí đẹp đẽ, rồi bắt đi khoảng 400 tăng ni, trong đó có vị hội chủ Phật giáo Việt Nam già 80 tuổi… Nhu mở các cuộc tấn công tương tự ở các thành phố khác, vây bắt hơn 1.000 tăng ni, các sinh viên hoạt động tích cực và công dân bình thường. Nhiều người bị thương, một số khác mất tích, có thể đã bị giết trong lúc lộn xộn”. (Stanley Karnow) (17)

- “Lực lượng Đặc biệt Việt Nam mở cuộc đột kích bi thảm vào lúc nửa đêm vào các chùa Phật trong cả nước [miền Nam Việt Nam]. Các cuộc tấn công là tàn bạo. Mặc dù không ai bị giết, nhưng nhiều Phật tử bị đánh đập và 1.400 người, phần đông là tu sĩ, bị bắt” (Thomas D. Boettcher) (18)

- “Lính Lực lượng Đặc biệt của Nam Việt Nam đội mũ sắt trắng tiến hành cuộc đột kích vào lúc nửa đêm vào các chùa Phật trong cả nước. Hơn 1.400 người, phần lớn là tu sĩ, bị bắt, nhiều người trong họ bị đánh đập” (Hedrick Smith) (19)

- “… Ngày 21-8, Lực lượng Đặc biệt của Nhu - do Mỹ huấn luyện - tiến hành những cuộc đột kích ồ ạt ở Huế, Sài Gòn, và những thành thị khác, lục soát các chùa và bắt đi hơn 1.400 Phật tử” (George C. Herring) (20)

- “Không bao lâu sau nửa đêm ngày 21-8-1963, chỉ vài phút sau khi tình trạng thiết quân luật có hiệu lực, các đơn vị Cảnh sát chiến đấu và Lực lượng đặc biệt mở một loạt các cuộc tấn công vào các chùa Phật trên cả nước. Những đội quân xung kích của Nhu nhận lệnh trực tiếp từ Dinh [Độc lập] hơn là từ hệ thống chỉ huy quân sự thông thường, xông vào chùa chiền ở Sài Gòn, Huế, Quảng Trị và Nha Trang. Họ bắt đi hơn 1.400 tăng và ni, lấy mất phần lớn các lãnh tụ của phong trào” (William J. Rust) (21)

- “Chưa đầy một tuần lễ sau ngày Nolting bay khỏi sân bay Tân Sơn Nhất, lực lượng chính phủ trang bị với súng trường, súng tiểu liên, lựu đạn và lựu đạn hơi cay, mở các cuộc đột kích vào chùa chiền khắp miền Nam Việt Nam vào lúc giữa đêm. Ở Sài Gòn, các nhóm lính phá đổ cổng chùa Xá Lợi, xông vào chùa, bắt đi hàng trăm tăng và ni. Ai mà chống cự thì bị đạp bằng gót giày ống và bị đánh bằng báng súng với lưỡi lê. Chuông trên ngôi tháp của chùa vang lên báo động, nhưng liền bị át đi bởi những loạt đạn vũ khí tự động, bởi tiếng gào thét của những người bị kéo lê ra khỏi phòng, bởi tiếng lựu đạn nổ và tiếng kính vỡ” (Seth Jacobs) (22) .

- “Chẳng bao lâu sau nửa đêm ngày 21-8-1963, lực lượng chính phủ sử dụng súng lục, súng tiểu liên, súng các-bin, súng săn, lựu đạn và hơi cay mắt bắt đầu đàn áp thẳng tay một cách tàn bạo các chùa Phật trong toàn miền Nam Việt Nam. Tình trạng thiết quân luật trong cả nước mà Diệm tuyên bố trước đó ít lâu đã mở đường cho Cảnh sát chiến đấu đội mũ sắt mặc quân phục giả làm lính, kết hợp với Lực lượng Đặc biệt đội mũ bê-rê đỏ của đại tá Lê Quang Tung, bắt hơn 1.400 tu sĩ Phật giáo và cáo buộc họ có vũ khí” (Howard Jones) (23)  v.v…

Nói chung, các tác giả đều tường thuật giống nhau trên những nét lớn. Ngay cả những người từng ưa thích Ngô Đình Diệm và phản đối việc lật đổ ông ấy, như cựu tổng thống Richard Nixon và cựu bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara, cũng không viết khác:

- “Cuộc khủng hoảng Phật giáo leo thang một cách bi thảm vào ngày 21-8 khi Diệm gửi các đơn vị Lực lượng Đặc biệt của ông ta đi đột kích chùa chiền vào giữa trung tâm của cuộc tranh đấu của Phật tử” (The Buddhist crisis escalated dramatically on August 21 when Diem sent units of his special forces to raid the pagodas at the center of the Buddhist rebellion - Richard Nixon) (24) .

- “Thình lình, ngày 21-8, chính phủ thẳng tay đàn áp. Với sự chấp thuận của Diệm, Nhu ra lệnh cho một đơn vị quân sự tinh nhuệ đột kích vào chùa chiền trong những giờ đầu ngày. Họ phá đổ các cánh cửa mà người ta dùng để chặn họ vào và đối xử thô bạo với các nhà sư chống cự lại họ. Hàng trăm người bị tống vào nhà tù” (Suddenly, on August 21, the government craked down. With Diem’s approval, Nhu ordered an elite military unit to raid the Buddhist pagodas in the early hours. They smashed down doors barricaded against them and roughed up monks who resisted. Several hundreds were hauled off to jail - Robert McNamara) (25) .

Ngày 21-8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi cho Tòa Đại sứ ở Sài Gòn bức điện số 226/449: “Căn cứ trên thông tin từ Sài Gòn, dường như Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã tiến hành những biện pháp đàn áp nghiêm trọng chống lại các vị lãnh tụ Phật giáo Việt Nam. Hành động đó thể hiện một sự vi phạm trực tiếp của Chính phủ Việt Nam đối với những cam kết theo đó họ theo đuổi chính sách hòa giải với Phật tử. Hoa Kỳ lấy làm tiếc về những hành động đàn áp kiểu đó” (26) .

Tuy nhiên, trong cuốn Khi đồng minh nhảy vào, Nguyễn Tiến Hưng tường thuật hoàn toàn khác về sự kiện mà ông gọi là “Biến cố chùa Xá Lợi”: “Đêm ngày 21-8, chỉ khoảnh khắc sau khi kim đồng hồ ở chợ Bến Thành chỉ 12 giờ, một đám đông tới 20.000 người biểu tình chung quanh chùa Xá Lợi. Nhiều người tham gia biểu tình kêu gọi lật đổ chính phủ” (tr.436).

Chùa Xá Lợi    (Ảnh : Võ Văn Tường)

Tác giả hoàn toàn không nói tới các cuộc tấn công vào chùa Xá Lợi và những ngôi chùa lớn khác trên toàn miền Nam. Ngược lại, ông ngụy tạo “cuộc biểu tình của 20.000 người kêu gọi lật đổ chính phủ”, điều này hoàn toàn không được bất cứ nhà nghiên cứu nào đề cập tới vì sự kiện này không có thật.

Điều ngụy tạo của Nguyễn Tiến Hưng có nhiều điểm phi lý:

- Chùa Xá Lợi nằm ở ngã ba của hai con đường nhỏ Bà Huyện Thanh Quan và Lê Văn Thạnh (nay là Sư Thiện Chiếu), không đủ chỗ cho 20.000 người tụ họp.

- Biểu tình là hành động “để bày tỏ ý chí, nguyện vọng và biểu dương lực lượng chung” (27) , do đó không ai dại gì đi biểu tình vào lúc nửa đêm cả!

Lờ đi việc đột kích chùa chiền, bắt bớ tăng ni và bịa đặt cuộc “biểu tình vào nửa đêm”, TS Nguyễn Tiến Hưng không phải không có dụng ý: ông vừa che đậy tội lỗi của “cụ Ngô”, vừa hợp lý hóa việc tăng ni và Phật tử bị đàn áp thô bạo: đi biểu tình, kêu gọi lật đổ chính phủ trong giờ thiết quân luật thì bị đánh đập và tống vào nhà tù là chuyện đương nhiên!

***

Nhà hùng biện La Mã cổ đại Marcus Tullius Cicero (106 – 43 TCN) đã viết trong tác phẩm De oratore: “Ai mà không biết rằng luật thứ nhất mà nhà viết sử phải tuân theo là không dám nói điều gì sai sự thật và luật thứ nhì là dám nói tất cả những gì có thật, tránh bị nghi ngờ là đã thiên vị, đã ưu ái hay đã thù ghét? Đó là cơ sở của một nền sử học tốt, như không ai không biết (Nam quis nescit primam esse historiae legem, ne quid falsi dicere audeat? deinde ne quid veri non audeat? ne quae suspicio gratiae sit in scribendo? ne quae simultatis? Haec scilicet fundamenta nota sunt omnibus – De Oratore, liber II: 15) (28).

Dù ở đâu và ở thời nào, trung thực vẫn là đức tính hàng đầu của người viết sử. Nếu một người để cho sự ưu ái bên này, thù ghét bên kia làm mất đi tính khách quan và sự tôn trọng chân lý, chắc chắn người ấy sẽ vẽ lại bức tranh quá khứ không chính xác, cung cấp cho người đọc – nhất là người đọc trẻ tuổi – những kiến thức lịch sử bị bóp méo, sai sự thật. Điều đó thật vô cùng  nguy hại.

Viết sử mà như thế chẳng khác gì giết sử.

TS. Phan Văn Hoàng

____________________

Chú thích:

(1) Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng minh tháo chạy, Cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh, San Jose, California, 2005, tr. 21-22.

(2) Những số trang ghi sau các trích dẫn trong phần này là của sách Khi đồng minh tháo chạy nói trên..

(3) Những số trang ghi sau các trích dẫn trong phần này là của sách Khi đồng minh nhảy vào (Cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh, San Jose, California, 2016)

(4) Richard Nixon, No More Vietnams, Nxb Avon, New York, 1985, tr.47, 63.

(6) Arthur M. Schlesinger, Jr. , A Thousand Days: John F. Kennedy in the White House, Nxb Fawcett, New York, 1967, tr.900.

(7) Trích dẫn bởi Robert S. McNamara, In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam, Nxb Times Books, New York, 1995, tr.75.

(8) Quốc Oai, Phật giáo tranh đấu, Nxb Tân Sanh, Sài Gòn, 1964.

(9) Stanley Karnow, Vietnam – A History, Nxb Penguin Books, New York, 1987, tr.279.

(10) Joseph Buttinger, Vietnam: A Dragon Embattled, Nxb Frederick A Praeger, New York, 1967, tập II, tr.993.

(11) Seth Jacobs, Cold War Mandarin, Nxb Rowman & Littlefield, New York, 2006, tr.143.

(12) Howard Jones, Death of a Generation, Nxb Oxford University Press.

(13) Arthur M. Schlesinger, Jr., sđd, tr.900.

(14) John M. Newman, JFK and Vietnam, Nxb Warner Books, New York, 1992, tr.332.

(15) John Prados, Vietnam – The History of an Unwinnable War, 1945 – 1975, Nxb University Press of Kansas, 2009, tr.76

(16) Hedrick Smith, “The Overthrow of Ngo Dinh Diem: May – November, 1963” trong The Pentagon Papers as published by  The New York Times, Nxb Bantam Books, New York, 1971, tr.165.

(17) Stanley Karnow, sđd, tr.285.

(18) Thomas D. Boettcher, Vietnam – The Valor and the Sorrow, Nxb Little, Brown and Company, Boston, 1985, tr.193.

(19) Hedrick Smith, sđd, tr.166.

(20) George C. Herring, America’s Longest War, Nxb McGraw – Hill, New York, 1996, tr.107.

(21) William J. Rust, Kennedy in Vietnam, Nxb Da Capo Press, New York, 1985, tr.107.

(22) Seth Jacobs, sđd, tr. 152-153.

(23) Howard Jones, sđd, tr.297.

(24) Richard Nixon, sđd, tr.67.

(25) Robert McNamara, sđd, tr.51.

(26) John M. Newman, sđd, tr.339.

(27) Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển Ngôn ngữ xuất bản, Hà Nội, 1992, tr.80.

(28) M. Andrieux (người dịch), Oeuvres complètes de Cicéron, Nxb Panckoucke, Paris, 1830, tr.280-281.

Nguồn: tác giả Phan V Hoàng gửi


Trang Lịch Sử