Tiến Sĩ Lâm Lễ Trinh:

SỰ HÈN HẠ VÀ XẢO TRÁ

Phạm Phú Bổn

Gửi bài này cho bạn bè 19 tháng 7, 2008

nguồn: http://www.chuyenluan.net/2004/200405/0405_32.htm

CẦN TRẢ LẠI SỰ THẬT CHO LỊCH SỬ 

Chúng tôi nhận được từ một bạn đọc chuyenluan.com bài Cần Trả Lại Sự Thật Cho Lịch Sử - Truyền Thông Mỹ Vẫn Bóp Méo Chiến Tranh Việt Nam của Giáo sư Lâm lễ Trinh. Bạn đọc này yêu cầu chúng tôi cho biết ý kiến. Đây là bài tham luận chủ chốt trong đại hội truyền thông VN hải ngoại hay cuộc tụ tập của Làng Báo Bolsa năm ngoái. Bài này đã được đăng lại trong tập kỷ yếu của đại hội này.

Chúng tôi cũng đồng ý với Giáo sư Lâm lễ Trinh là “cần trả lại sự thật cho lịch sử.” Có điều là trước khi trả lại, thì phải minh định thế nào là sự thật? Sự thật có thể là đơn nhất, duy nhất, nếu không thì không phải là thật nữa. Nhưng một thực tế sờ sờ ra đó chưa chắc đã là sự thật. Ví dụ “thực tế Lâm lễ Trinh” trước mắt những người vểnh tai chống mắt thuần thành lắng nghe ông đọc tham luận chắc hẳn là khác với “thực tế Lâm lễ Trinh” mà Nguyễn bá Cẩn vẽ ra trong quyển Đất Nước Tôi từ trang 109 đến 111. Và dĩ nhiên cũng khác xa “thực tế Lâm lễ Trinh” mà Phạm phú Bổn đã nhìn thấy qua một bài viết của chính Giáo sư Lâm lễ Trinh… (Chuyển Luân)

 

SỰ HÈN HẠ VÀ XẢO TRÁ CỦA ÔNG LÂM LỄ TRINH, CỰU BỘ TRƯỞNG NỘI VỤ ĐỆ NHẤT CỌNG HÒA

Phạm Phú Bổn

Bốn Bản Văn

Ngày thứ Hai, 20/10/2003, nhật báo Người Việt (phát hành tại thành phố Westminster, bang California) có đăng trong phần Diễn Đàn một bài dịch của tác giả Lâm Lễ Trinh. Nội dung bài dịch là buổi “Mạn đàm với cựu điệp viên CIA Yung Krall” (tức bà Đặng Mỹ Dung) với tiêu đề trong ngoặc kép là “Hoàng Văn Hoan, Kẻ Tử Thù Của Lê Duẫn, Tiếp Tôi Tại Bắc Kinh”.

Cuối bài viết, ở trang B10, là phần bàn thêm của dịch giả được in nghiêng với nguyên văn như sau: “Mác, Lê, Mao và Hồ thuộc vĩnh viễn về quá khứ. CSVN hiện là một giỏ cua. Giải pháp của họ không phải là giải pháp dân tộc. Vì thế, thất bại là chuyện chắc. Hình ảnh lưu vong của Hoàng Văn Hoan nhắc lại sự rạn nứt trong hàng ngũ cộng sản Bắc Việt đã nổ lớn ngay từ lúc Hồ còn sống. Hiện nay, tình trạng chia rẽ và đối kháng bên trong nghiêm trọng hơn trước bội phần. Từ trên nửa thế kỷ, đất nước càng băng hoại và lún sâu vào vũng lầy chậm tiến. Chưa thấy lối thoát. Trông chờ cộng sản tự sửa đổi là một ảo vọng! Hòa hợp, hòa giải chỉ là độc kế của các tên cướp khoác áo nâu sồng sa vào ngõ cụt.

Ông Lâm Lễ Trinh, ngày xưa, là Bộ trưởng Nội vụ hét ra lửa dưới thời Đệ nhất Cọng hòa. Đến bây giờ ông vẫn còn nổi tiếng vì hành xử bất minh trong vụ án bức tử thiếu tướng Hòa Hảo Lê Quang Vinh (tức Ba Cụt). Từ sau năm 1975, tại hải ngoại, ông viết nhiều bài phân tích rổn rảng về nội tình đảng Cọng sản Việt Nam, và lần nào (nhất là sau những kỳ họp đại hội đảng CSVN) cũng đoan quyết là đảng nầy sẽ tan vỡ vì mâu thuẫn nội bộ nhưng đã chẳng bao giờ trúng cả. Ông cũng dịch nhiều bài báo hoặc phân đoạn (của sách) của các tác giả ngoại quốc. Ngoài ra, ông còn viết nhiều bài binh vực chế độ Ngô Đình Diệm mà ông cho là nguyên nhân của sự sụp đổ chế độ độc tài giáo trị nầy, một phần lớn, là do phong trào đấu tranh cho bình đẳng tôn giáo của Phật giáo năm 1963.

Lời bàn thêm của ông trong bài dịch nói trên, nhất là cụm từ “các tên cướp khoác áo nâu sồng”, đã tức khắc gây nên một làn sóng công phẫn trong và ngoài giới độc giả của báo Người Việt. Do đó, chỉ một ngày sau, vào ngày 21 tháng 10, báo nầy đã phải đăng lời “Minh Xác của Nhật báo Người Việt” ở đầu trang A2 như sau: “Trong số báo ngày hôm qua, 20/10/2003, Nhật Báo Người Việt đã đăng trong mục Diễn Đàn một bài do tác giả Lâm Lễ Trinh gửi đến. Trong bài này, tác giả đã dịch một phần cuốn hồi ký của Yung Krall, được in từ trang B-6 và tiếp theo nhiều trang khác. Tuy nhiên, sau bài dịch trên, ông Lâm Lễ Trinh đã viết thêm một đoạn bình luận với ý kiến của riêng ông trong đó có câu chót, in trên trang B-10 như sau: “Hòa hợp, hòa giải chỉ là độc kế của các tên cướp khoác áo nâu sồng sa vào ngỏ cụt.” Khi nói tới “khoác áo nâu sồng” trong tiếng Việt Nam, mọi người thường hiểu đó là các tu sĩ Phật Giáo. Vì vậy câu trên có thể ám chỉ một số tu sĩ Phật Giáo mà vì không nói rõ ràng đầy đủ nên có thể xúc phạm tới rất nhiều vị tăng ni. Trước hết, Nhật Báo Người Việt xin minh xác ý kiến trên do tác giả bài báo nêu lên không phải là ý kiến của nhật báo nầy. Mặc dầu trang Diễn Đàn là nơi đăng tải nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau, chúng tôi không bao giờ ủng hộ một ý kiến có tính cách xúc phạm đến một tập thể tôn giáo như vậy. Chúng tôi xin quý vị độc giả tha lỗi sơ suất đã không đọc đầy đủ các hàng chữ trong bài lai cảo của một tác giả từng cộng tác lâu năm với báo này."

Ai cũng biết ông Đỗ Ngọc Yến là đầu não của nhật báo nầy. Ông vừa ở trong Hội đồng Quản trị vừa là Tổng Giám đốc Điều hành của công ty Nguoi Viet News, Inc., cơ quan xuất bản ra Nhật Báo Người Việt mà ông cũng là Chủ nhiệm. Và ai cũng biết ông là một tín đồ Công giáo, đồng đạo của ông Lâm Lễ Trinh. Cho nên, ngay cả khi tác giả câu “các tên cướp khoác áo nâu sồng” là ông Lâm Lễ Trinh chưa lên tiếng giải thích gì cả thì nhật báo của ông đã vội “cứu bồ” liền: “Bồ” tôi chỉ muốn “ám chỉ một số tu sĩ Phật giáo” thôi, và biện hộ cho ông Lâm Lễ Trinh là đã “không nói rõ ràng đầy đủ”. Ngoài ra, để tự bào chửa, nhật báo Người Việt còn giả vờ xưng tội là “không đọc đầy đủ” dù đoạn bình luận của ông Lâm Lễ Trinh rất ngắn và đã được đặc biệt in nghiêng để dễ đập vào mắt độc giả. Phải cho đến cuối bài Minh Xác, nhật báo Người Việt mới thành thật khai báo là giữa nhật báo nầy và ông Lâm Lễ Trinh đã có quan hệ “cộng tác lâu năm”. Thì ra là như vậy! Cộng tác lâu năm thì không đồng tình cũng đồng chí thôi.

Tuy nhiên, dù đồng lõa, nhật báo Người Việt đã nhanh chóng nhận ra và “xin tha lỗi sơ suất” thì cũng là điều đáng khen biết ... nhanh trí !

Một tuần sau, ngày 28/10, nhật báo Người Việt lại cho đăng “Thư Minh Xác Của LS Lâm Lễ Trinh” ở cùng một vị trí với Lời Minh xác của Nhật Báo Người Việt một tuần trước đó ở trang A2 với lời lẽ như sau: “Tòa soạn Người Việt nhận được thư minh xác của LS Lâm Lễ Trinh liên quan đến lời minh xác của Nhật Báo Người Việt đối với bài báo nhan đề “Mạn Đàm của Tôi Với Yung Krall” nguyên văn điện thư như sau: “Tôi ngạc nhiên đọc trong số Người Việt sáng 21/10/2003, nơi trang A2 lời Minh Xác của quý báo về câu “Hòa Hợp, Hòa Giải chỉ là độc kế của các tên cướp khoác áo nâu sồng sa vào ngõ cụt (trích trong Mạn đàm của tôi với Yung Krall) vì cho rằng câu này “xâm phạm đến các tu sĩ Phật giáo”.Tôi nghĩ không thể (và không nên) tách câu này ra khỏi 5 câu phía trên trong phần kết luận của tôi vì danh từ “tướng cướp” rõ ràng là để chỉ nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam hiện nay chứ không ai khác. Còn câu “khoác áo nâu sòng” chỉ có nghĩa là Cọng Sản dùng tôn giáo Quốc Doanh để kêu gọi hòa giải bịp bợm và một chiều, điều mà dư luận CHÂN CHÍNH - trong cũng như ngoài nước - không thể chấp nhận được. Tôi không bao giờ có ý biếm nhẽ người CHÂN TU, bất luận thuộc tôn giáo nào. Giải thích câu “Hòa Hợp hòa giải v.v...” nói trên theo cách khác để phao vu tôi nhắm riêng vào Phật Giáo (CHÂN TU) là một sự giải thích lệch lạc và đáng tiếc. (Chấm hết điện thư).

Trong khi đó thì lẫn lộn trong các mẫu quảng cáo của Digital Graphic Printing, L&L Printing, San Hiển Huỳnh Realty & Mortgage, Skynet Financial ở nửa dưới trang B2, nhật báo Người Việt cho đăng lá “Thư Ngỏ Gửi Cựu Luật Sư Lâm Lễ Trinh”, trình bày theo format đăng có trả tiền:

Báo Người Việt ngày 20/10/2003 có đăng bài dịch của ông nói về Hoàng Văn Hoan và Lê Duẫn, trong đoạn kết với ý kiến riêng của ông ở trang B 10 có câu: “Hòa hợp, hòa giải chỉ là độc kế của các tên cướp khoác áo nâu sồng sa vào ngỏ cụt.” Tôi vô cùng ngạc nhiên khi đọc thấy những lời nói hỗn láo của ông đối với chư Tăng Ni Phật Giáo. Ngạc nhiên hơn nữa bởi vì câu kết luận đó không liên hệ gì đến toàn thể nội dung bài viết. Ngạc nhiên vì một người có học vị như ông Lâm Lễ Trinh sao lại tỏ ra thiếu trí thức khi dùng những lời lẽ vô lễ như vậy đối với một tôn giáo; ngạc nhiên vì đạo Phật cũng là đạo Tổ tiên của ông, đạo Công giáo La Mã là đạo ông mới gia nhập năm 1958 mà thôi. Rất tiếc câu kết luận lăng mạ và bất kính mà ông đã viết trên đây nhằm vào thời điểm lễ giỗ của vị ân nhân của ông.

Kính chào ông - Quận Cam, ngày 24-10-2003 - Trần Vĩnh Long.

Cho đến thời điểm viết bài nầy, 1/11/2003, bốn bản văn trên là toàn bộ những dữ kiện công khai của sự cố mà người viết bài nầy, một độc giả ở xa của nhật báo Người Việt, gọi là Sự Hèn hạ và Ngu xuẩn của ông Cựu Bộ trưởng Nội vụ (Đệ nhất Cọng hòa) Lâm Lễ Trinh.

Ba Suy Nghĩ

1- Trước hết là suy nghĩ về hai chi tiết rất sâu sắc của ông Trần Vĩnh Long về cấu trúc văn hóa và căn cước chính trị của ông Lâm Lễ Trinh. Ông theo đạo Công giáo La Mã vào năm 1958, thời điểm cực thịnh của hiện tượng “theo đạo có gạo mà ăn” dưới nền Đệ nhất Cọng hòa. Đó cũng là thời điểm khi chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu tiến hành ý đồ Công giáo hóa miền Nam qua hai chính sách đàn áp trù dập Phật giáo, lực lượng văn hóa nền móng và đa số của xã hội Việt Nam; và phân phát đặc quyền đặc lợi cho những người đồng đạo Công giáo cả ở trong lẫn ngoài chính quyền. Các kế sách Dinh Điền, Khu Trù Mật, (và sau nầy là Ấp Chiến Lược); các tiêu chuẩn kỳ thị về tôn giáo trong chính sách nhân dụng của bộ máy hành chánh và quân đội, trong các lãnh vực kinh tế, giáo dục, xã hội, và quốc phòng, ... đã làm cho không thiếu người từ bỏ truyền thống tâm linh của dân tộc, đổi đạo để tìm bổng lộc và/hoặc để bảo toàn mạng sống.

Ông Lâm Lễ Trinh đổi đạo đúng vào thời gian đó! Và ông đã làm đến chức Bộ trưởng bộ Nội vu, một chức vụ cực kỳ quan trọng trong một chế độ độc tài với mạng lưới công an mật vụ dày đặc của miền Nam. Chế độ Diệm sụp đổ vì đi ngược thời đại và phản lại lòng dân nhưng ông Lâm Lễ Trinh thì cứ một lòng căm thù Phật giáo. Sau kế hoạch Nước Lũ tàn bạo của vợ chồng Ngô Đình Nhu vào đêm 20/8/1963, toàn bộ cơ cấu và nhân sự lãnh đạo của Phật giáo Việt Nam hoàn toàn bị tê liệt trong ngục tù để nhường chỗ cho các lực lượng chính trị của quân và dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh chống độc tài. Nhưng ông Lâm Lễ Trinh bị đui mù lịch sử, cho nên trong một kết luận không liên hệ gì đến chủ điểm bài dịch (là mâu thuẫn nội bộ giữa các nhân sự lãnh đạo trong đảng CSVN), ông không kiểm soát được nên bật miệng “phán” một câu về vấn đề hòa hợp hòa giải dân tộc, do đó làm hiển lộ ám ảnh chính trị thầm kín của ông giữa lúc Phật giáo đang hồi tưởng về 40 năm trước, mùa Pháp nạn dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Ám ảnh bệnh hoạn đó là bọn cướp Phật giáo khoác áo nâu sòng lật đổ Cụ và chủ trương hòa hợp hòa giải nên hôm nay ông mất nước và mất luôn cái hào quang Bộ trưởng hét ra lửa của ông.

Hòa hợp hòa giải dân tộc là một cống hiến văn hóa của Phật giáo cho nhân dân hai miền Nam Bắc Việt Nam trong lòng cuộc chiến đang tàn phá đến cùng cực tổ quốc. Phật giáo đồ không muốn có chiến tranh, nhất là chiến tranh do ngoại bang ủy nhiệm trên thân xác người Việt, nên đã đề nghị một giải pháp của người Việt, hóa giải hận thù giữa người Việt và cho hòa bình của nước Việt. Ông lấy cái văn hóa “đổi đạo” và miếng đỉnh chung chính trị của ông để đánh giá nội dung cao quý và hùng vĩ đó của Phật giáo thì chẳng khác gì se sẻ mà chê phượng hoàng sao được ông Bộ trưởng ơi !

2- Suy nghĩ thứ nhì là hai lời ngụy biện xảo trá của ông Lâm Lễ Trinh trong Lời Minh Xác:

Luận cứ thứ nhất của ông là tính liên hoàn và thống nhất của mạch văn nên không thể tách rời 5 câu trước với từ “tướng cướp” được. Do đó, từ “tướng cướp”, theo ông Lâm Lễ Trinh, phải được hiểu là “nhà cầm quyền Cọng Sản hiện nay”. Khổ nỗi danh từ “tướng cướp” lại không thể tách ra khỏi thuộc từ “khoác áo nầu sồng” được. Và khi đếm ngược lại 5 câu trước, ta thấy có 2 ý chính là “nhà cầm quyền hiện nay” đang làm đất nước chậm tiến thất bại, và nội bộ đảng Cọng sản thì đang rạn nứt chia rẽ. Còn câu sau thì rõ ràng cảnh báo người đọc đừng nghe lời “các tướng cướp nâu sồng” mà hòa hợp hòa giải với “nhà cầm quyền hiện nay”. Đó là hai chủ thể “tướng cướp” và “nhà cầm quyền” khác nhau, hai tập hợp tách biệt, không thể ngụy biện rằng hai tập hợp đó là một được. Vậy thì ông muốn nói “các tướng cướp mặc áo nâu sồng” đó là ai thì cứ công khai nói ra chứ xảo trá tráo bài ba lá vụng về làm gì hỡi ông Lâm Lễ Trinh ?

Điều này lại càng rõ ràng khi ông dùng luận cứ thứ nhì, cho rằng “khoác áo nâu sồng” là “Cọng sản dùng tôn giáo quốc doanh để kêu gọi hòa giải bịp bợm”. Trước hết, trong tiếng Việt, danh từ “tướng cướp” viết liền với thuộc từ “khoác áo nâu sòng” thì vẫn là một thực thể (entity) mà thôi, không thể hiểu từ “tướng cướp” là định chế cầm quyền riêng, còn “khoác áo nâu sồng” là định chế tôn giáo riêng ra được.

Thứ đến, ngay cả ngu xuẩn dùng như thế thì sao không gọi thẳng từ “tôn giáo quốc doanh” ? Hay “bọn bán nước khoác áo quạ đen” để chỉ Công giáo quốc doanh, mà lại dùng một biểu ngữ mà ai cũng biết là để độc nhất chỉ các Tăng Ni Phật giáo. Dấu đầu mà lòi đuôi, như con chó Pavlov phản ứng có điều kiện, ông đã rơi mặt nạ của người nghiên cứu chống Cọng “khách quan” để lộ ra bộ mặt hận thù Phật giáo thâm căn cố đế của ông. Câu viết của ông, “các tướng cướp mặc áo nâu sòng” sẽ đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như câu nói để đời khác của Linh mục Hoàng Quỳnh, “thà mất nước chứ không thà mất Chúa”.

3- Suy nghĩ thứ ba là qua ứng xử chính trị và hoạt động trí thức của ông Lâm Lễ Trinh, một trí thức Công giáo có vai vế, lại quan tâm và thường lập thuyết về các vấn đề chiến lược có quan hệ đến Việt Nam, ta thấy rõ ông tiêu biểu cho một số khá đông những tín đồ Công giáo già nua đã từng nhận ơn mưa móc của chế độ Diệm, và nay đang khống chế các công cụ truyền thông trong các cộng đồng người Việt, để trao lại mối hận thù Phật giáo (mà ông Diệm từng trối trăn là tôi chết thì hãy trả thù cho tôi) cho thế hệ Công giáo tương lai.

Những ai còn có ý định hợp tác với những người Công giáo như ông Lâm Lễ Trinh để mưu đồ chuyện chống Cọng, nhất là những Tăng Ni Phật tử hồ hởi liên tôn chống Cọng, xin đừng xem nhẹ câu viết chắc nịch và lời minh xác xảo trá của ông Lâm Lễ Trinh. Lịch sử sẽ lập lại cho những ai không học được bài học của lịch sử đấy.

Và hai lời kết luận rất ngắn ...

Ông Lâm Lễ Trinh dốt về lịch sử nước ta thì không nên trách, cố gắng học hỏi thêm thì có ngày sẽ khá ra. Nhưng ông lại bóp méo lịch sử để nuôi dưỡng hận thù giữa đồng bào với nhau thì tội xảo trá đó không thể không vạch ra được. Ngoài ra, ông hận thù Phật giáo Việt Nam thì cứ lương thiện và can đảm nói thẳng ra, tại sao lại xảo ngôn minh xác “không biếm nhẽ người chân tu” thì ông hèn thật. Đó là kết luận thứ nhất về hành xử và não trạng Lâm Lễ Trinh.

Kết luận thứ hai là ông hèn hạ và xảo trá như thế thì vì cẩn trọng và chính xác trong lúc viết, tôi đã không thể đặt tựa đề cho bài viết nầy câu gì khác ngoài tựa đề Sự Hèn Hạ và Xảo Trá của ông Lâm Lễ Trinh, cựu Bộ Trưởng Nội Vụ Đệ Nhất Cọng Hòa.

Phạm Phú Bổn


Trang Lịch Sử