John McCain và chuyện ở trại Hoả Lò

nguồn: http://www.vietnamnet.vn/psks/2008/10/808010/

VietnamNet

http://sachhiem.net/LICHSU/N/NguyenTruong.php

12 tháng 10, 2008

Đài kỷ niệm tại hồ Trúc Bạch ghi dấu ngày quân đội Bắc Việt bắn rơi chiếc Skyhawk A4 do thiếu tá phi công John McCain điều khiển. Tóm tắt bia tưởng niệm ghi: "Ngày 26 tháng 10, năm 1967, hải quân thiếu tá phi công John McCain trong chiếc A4 B1 bị bắn hạ bên hồ này." (hình và chú thích của sachhiem.net)

 

 

 

 

Hà Nội đang vào thu. Cho dù cái nắng cuối hè còn đeo bám nhưng mặt hồ Trúc Bạch đã bảng lảng sương khói về chiều. Bên ven hồ, người ta thanh thản ngồi uống nước, đọc báo, tán gẫu... Trong chiến tranh, hồ Trúc Bạch từng được biết là nơi bắt giặc lái Mỹ, nhưng không phải người dân nào cũng biết, thiếu tá không quân Mỹ John McCain lúc đó- ứng cử viên tổng thống Mỹ hiện nay- lần đầu tiên lái máy bay A4 tấn công Hà Nội đã bị bắn hạ và rơi xuống chính cái hồ thơ mộng này...

Hồi ức của 2 nhân chứng                         

Đó là  buổi sáng ngày 26.10.1967

Ông Lê Trần LụaÔng Lê Trần Lụa, 61 tuổi, cựu cư dân phố Trúc Bạch, hiện đang ngụ tại Hào Nam, Hà Nội- một trong những người tham gia bắt giặc lái John McCain - nhớ lại: “ Hôm đó là một buổi sáng nắng nhẹ. Tôi đi làm về từ nhà máy giấy Trúc Bạch. Vừa ăn cơm xong đã nghe còi báo động vang thành phố, tôi vội xuống hầm trú ẩn. Lát sau, nghe tiếng pháo cao xạ bắn vang trời, nhất là phía Nhà máy Điện Yên Phụ. 

Tôi ngó ra ngoài, trên trời, dày đặc pháo, đạn của ta bắn lên. Rồi một chiếc máy bay bốc cháy lao về hướng làng hoa Ngọc Hà.  Một chiếc dù bung ra, rất gần mặt đất. Đoán chắc dù sẽ rơi xuống hồ nên tôi rút vội một con dao góc bếp. Bác Ổn (nay đã mất) ở gần đấy cũng mau chóng cùng tôi chạy ra hồ. Viên phi công Mỹ rơi xuống hồ, cách bờ chừng 20-30m.

Tôi và ông Ổn cùng bơi ra. Là người đầu tiên tiếp cận viên phi công, tôi một tay túm tóc, một tay ghì cổ viên phi công vào cái bương. Đề phòng viên phi công chống cự, tôi hô to “Hô lê manh” (Giơ tay lên). 

Lúc này nhiều người cũng đã bơi đến, giúp chúng tôi đưa phi công vào bờ. Tôi để ý xung quanh chỗ viên phi công rơi, có nhiều hóa chất vàng vàng mà về sau tôi được biết là chất dùng để kêu gọi sự giúp đỡ của đồng bọn .

Trên trời, có một chiếc máy bay bay gần hồ vẻ như muốn cứu đồng đội, nhưng chừng được hai vòng cũng phải rút ngay vì lưới đạn của ta bắn lên rất dữ. Sau khi lên bờ, viên phi công được đưa ngay đến trạm y tế gần đó sơ cứu”.

Bà Nguyễn Thị ThanhNguyễn Thị Thanh, 81 tuổi, nguyên cán bộ y tế quận Ba Đình, hiện đang ngụ ở phố Thụy Khê nhớ lại : “Hôm đó tôi đang trực tại 180 Quán Thánh. Hơn 10h có còi báo động, tôi xuống hầm.

Nửa tiếng sau, tôi nghe tiếng dân reo hò “Có phi công rơi xuống hồ”, nhưng tôi không dám thò ra vì phải chuẩn bị lo công việc của mình. Một lúc sau, đoàn người rất đông có cả công an, bộ đội, dân quân tự vệ khiêng một thanh niên trắng trẻo, đẹp trai, thoạt tiên tôi cứ ngỡ tưởng là người Việt mình! Anh ta mềm oặt người và xanh lả, chân tay không cử động được, mắt nhắm nghiền. Không biết là anh ta có sống được không nhưng tôi trông thấy nguy hiểm lắm rồi.

Với nhiệm vụ của mình, tôi kiểm tra mạch và cho anh ta uống ngay 3 thìa nước cấp cứu. Thấy anh ta cũng nhấp môi uống. Còn hai cái nẹp, tôi nẹp tay phải và chân trái của anh ta để đỡ đau. Lúc đó tôi không biết anh ta là John McCain đâu. Tôi chỉ làm đúng với trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp như Cụ Hồ đã dạy “Lương y như từ mẫu”. Sau đó, viên phi công được chuyển ngay lên bệnh viện tuyến trên.


Các bác sĩ quân y điều trị vết thương cho phi công John McCain. Ảnh: Tư liệu

Phi công John McCain đã nói gì với nhà văn Nguyễn Tuân?

Trong bài ký “Đèn điện phố phường Hà Nội vui sáng hơn bất cứ lúc nào”, nhà văn Nguyễn Tuân có  thuật lại cuộc hỏi chuyện giữa ông và thiếu tá phi công John McCain (mà trong bài cụ phiên âm là Mích Kên) lúc đó trên giường bệnh (Viện Quân y 108-PV). 

Có lẽ John McCain là một trường hợp đặc biệt được cụ Nguyễn để mắt tới vì bố của John McCain lúc đó là đô đốc hải quân chỉ huy Hạm đội VI, đeo lon tướng 4 sao. Ông nội của John McCain cũng từng là đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương.

Cụ Nguyễn tả “Đẩy cửa kính, đứng giữa buồng bệnh trắng lớp lặng tờ, mà cảm thấy như sắc của sự im lặng phải là một thứ màu gì trăng trắng. Trên giường sắt sơn trắng, trên đệm trắng của nhà thương, thẳng cẳng nằm dài một người cứng đờ cánh tay. 

Cánh tay phải kia giơ lên cũng trắng bệch, cứ giơ mãi như thể đã tan loãng vào cái trắng nhời của buồng bệnh thắp đèn hơi thuỷ ngân bóng hình ống. Giữa cái thế giới bệnh bạch lôm lốp ấy, lờ đờ một đôi mắt nhiều lòng trắng và rậm lông mày”.

Đáp ứng lời đề nghị từ John McCain, cụ Nguyễn đã “châm” cho bệnh nhân đặc biệt này điếu thuốc lá Điện Biên . Và sau đây, là trích đoạn trả lời của  John McCain  với cụ Nguyễn cách đây 41 năm:

“- Vâng, tôi nhận được lệnh đánh khu sáu tức Hà Nội vào lúc 10h sáng hôm đó, tính theo giờ Sài Gòn- tính theo giờ Hà Nội thì là 9h. 12 giờ Sài Gòn kém 10 phút thì tôi rời boong hàng không mẫu hạm. Và sự việc những phút sau như thế nào khi tôi bay vào bầu trời miền Bắc thì các ông đã biết cả rồi. Vâng, thưa ông, tôi bay trên miền Bắc tất cả là 23 lần. Ở miền Nam thì chưa được bay lần nào. 

Tôi có bay vào và có đánh Hải Phòng sáu lần. Chưa bay vào Hà Nội, trừ cái lần vừa rồi. Đại đội tôi 14 chiếc là đại đội chuyên đánh thứ bom điện tử định hướng. Tôi chỉ huy một phi đội hai chiếc A4 cường kích. Đó là lần đầu tôi đánh Hà Nội.

- Là lần đầu?

-  Và là lần cuối cùng.

- Nếu anh được cấp trên cho chọn giữa hai mục tiêu nhà máy nhiệt điện và cầu sắt dài trên sông Hồng, thì anh chọn cái nào?

- Cả hai đều là xấu cả, nghĩa là đều nguy hiểm cả, nhưng có lẽ đánh cầu thì tôi nghĩ có phần còn dễ đánh hơn nhà máy đèn. Nhưng tôi tin rằng, nếu chúng tôi có đánh trúng nhà máy đèn thì các ông vẫn có những cách riêng để giải quyết vấn đề ánh sáng cho Hà Nội.

-  Anh đánh nhà máy đèn trung ương Hà Nội mà lúc này, đèn điện vẫn cháy đều trên giường bệnh của anh, cũng như vẫn cháy đều ở khắp nơi khác của Hà Nội ngoài nhà thương này, thì anh có cảm tưởng gì?

-  Thưa ông, tôi không buồn mà cũng không vui. Tôi chỉ mong chiến tranh Việt Nam sớm kết thúc để tôi được tha về...

-  Nếu trong tình hình nào đó mà được trở về Hoa Kỳ  thì người quan tư tàu bay Hoa Kỳ sẽ làm nghề gì?

- Tôi sẽ viết sách.Tôi cũng muốn viết sách.

- Viết sách nhưng viết cái gì? Viết về những cái gì? Viết về Việt Nam, về chiến tranh Việt Nam?
- Không, tôi sẽ viết về châu Âu, những kỷ niệm mấy năm vừa rồi của tôi tại châu Âu. Tôi không viết về Việt Nam và cũng không viết về chiến tranh.

- Tại sao không muốn viết về Việt Nam và chiến tranh ở  Việt Nam?

-  Vì tôi cho rằng tôi chưa biết gì lắm về Việt Nam. Vì tôi nghĩ rằng tôi cũng chưa hiểu gì lắm về chiến tranh...”.

  • Theo Nguyên Trường (báo Văn Hóa)

    Kỳ sau: Hỏi chuyện người quản giáo năm xưa

Trang Lịch Sử