Kỷ Niệm 55 Năm Tổng Tiến Công Và Nổi Dậy Xuân Mậu Thân 1968

Nguyễn Quang Chánh

http://sachhiem.net/LICHSU/N/NguyenQuangChanh.php

12-Jan-2023

LTS: Đọc bài này, chúng tôi vô cùng xúc động, không chỉ vì những cảnh đau thương chua xót mà những người bộ đội phải gánh chịu trong cuộc chiến tranh giành độc lập lúc mà bình minh chưa thấy ló dạng, cũng không chỉ vì những người ấy lại là những đóa hồng xinh đẹp, chân yếu tay mềm, mà còn cảm thấy nghẹn ngào vì sự vinh danh của chính phủ dường như đến quá trễ.

Thời hòa bình thịnh vượng hôm nay, mỗi lần những chiến sĩ của ta bị bỏ mình vì cứu lụt, hay chỉ cần cứu một em bé bị rơi lầu, thì toàn đân đều nao nức chờ một sự khen thưởng của Nhà Nước. Thực ra, khi đổ xương đổ máu cho chính nghĩa, không một người anh hùng nào nghĩ đến chuyện được ai ban phát cho một cái danh dự nào cả.

Những gian khổ và hy sinh của các vị anh hùng trong thời chiến đó quá lớn lao, quá sức tưởng tượng, quá nhiều, nhưng lại quá thầm lặng... Những người anh hùng này đứng sau lưng những thành công về chính trị, ngoại giao, quân sự của sứ mạng lịch sử nước ta. Nhân dân phải biết ơn họ. Đừng để bất cứ ai trong họ phải mãi mãi đứng phía sau.. (SH)

 

Bi Hùng Của Chiến Tranh Và Lòng Dũng Cảm

Hôm rồi, trong buổi họp mặt cuối năm cựu chiến binh của Phòng tình báo Miền B2, chú Tư Cang đã kể câu chuyện rất xúc động về sự hy sinh của quân giải phóng trong đợt 2 tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu thân 1968.

Bà Võ Thị Tâm và ông Tư Cang

Chú kể, Cụm H.63 của tình báo Miền B2 do chú phụ trách đã cung cấp thông tin tình báo mang tính chiến lược cho tổng hành dinh để chúng ta đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo ra bước ngoặt của cuộc chiến có lợi cho ta, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào phòng đàm phán để rút quân trong danh dự.

Ngày 4/5/1968, chúng ta nổ súng đợt 2 cuộc tổng tấn công với quy mô đánh cấp trung đoàn rất quyết liệt chủ yếu tập trung vào Sài Gòn. Sau đợt 1, lực lượng biệt động Sài Gòn của anh Tư Chu (Nguyễn Đức Hùng) đã bị thiệt hại tới 80%, không còn lực lượng để phối hợp tham gia.

Cuộc chiến đấu không cân sức vô cùng ác liệt giữa ta và địch diễn ra trên các con phố của Sài Gòn và chúng ta đã chịu nhiều mất mát và hy sinh. Có trung đoàn 31 của phân khu 2 do đồng chí Võ Văn Điều (tức Hai Hoàng) chỉ huy hơn một ngàn chiến sĩ, giao tranh quyết tử với địch trên từng con phố trong đô thành Sài Gòn ở khu vực chợ Thiếc và quận 6, 10 và 11, tất cả họ đã anh dũng hy sinh sau hơn một tháng cầm cự trừ một cô gái tên Võ Thị Tâm được cải trang và thoát ra theo lệnh của chỉ huy Võ Văn Điều.

AHLLVTND Võ Thị Tâm

Người con gái ấy giờ vẫn còn sống ở tp.Hồ Chí Minh, gần 80 tuổi, là thương binh nặng 1/4, mất 81% sức khoẻ, cô ấy là nhân chứng sống, được tuyên dương danh hiệu AHLLVTND.

1- Trận Đánh Sinh Tử

Tôi đã tìm gặp bà Võ Thị Tâm theo sự giới thiệu của chú Tư Cang.

Hôm nay, bà đã tiếp tôi trong ngôi nhà nhỏ của mình ở Gò Vấp.

Bà Võ Thị Tâm và tác giả

Bà bảo, giờ tôi yếu quá, thương tật đầy mình, hai cái chân đứng không vững nên mấy năm nay không tham dự được mấy cuộc gặp mặt với cựu chiến binh. Giờ nhiều thứ cũng hay quên. Vậy mà đã 55 năm trận Mậu thân 68 đã sau lưng chúng ta rồi...

Nghe bà Võ Thị Tâm kể sự kiện Mậu thân 1968

Bà kể: xã Phước Hiệp, Huyện Mỏ Cày (tỉnh Bến Tre) là nơi bà chôn nhau cắt rốn. Bà sinh năm 1944, nghe mọi người kể lại như thế và cũng chẳng biết má sanh ra mình ngày tháng nào nên trong đời không biết tổ chức mừng sinh nhật bao giờ cả. Khi bà được 2 tháng tuổi thì mẹ bà bệnh, không tiền chạy chữa và mẹ đã qua đời. Bà phải ở với bà con hàng xóm, gia đình bà cũng đông con, mỗi người một nơi, cha cũng tham gia cách mạng và ông hy sinh.

Năm 1960, bà tham gia cách mạng ở quê nhà, làm liên lạc mang thư mật từ cơ quan tỉnh đội Bến Tre đến 6 huyện trong tỉnh. Tháng 9/1963, bà được kết nạp vào Đảng. Từ tháng 10/1964, bà được giao nhiệm vụ công tác võ trang (đơn tuyến) trong nội thành Sài Gòn (thuộc ban an ninh T4 Sài Gòn-Gia Định). Cuối năm 1967, chuẩn bị cho trận tấn công Mậu thân 1968, bà được điều về Phân khu 2 làm liên lạc và trinh sát cho tiểu đoàn 6, Bình Tân thuộc Trung đoàn 31 Đồng khởi. Với sự thông thạo đường phố ở Sài Gòn, bà là trinh sát dẫn đường cho tiểu đoàn 6, Trung đoàn 31 mũi nhọn của Phân khu 2 trong đợt 2 Tết Mậu thân. Những trận đánh ác liệt của Trung đoàn 31 đã diễn ra không cân sức trong nội đô Sài Gòn, không chỉ tham gia chiến đấu mà bà còn giúp chăm sóc thương binh.

Cầm cự gần cả tháng trời với hy sinh rất lớn về phía ta. Trang bị của chúng ta phần lớn là trang bị vũ khí bộ binh nhẹ, trong khi quân địch có pháo, xe tăng, trực thăng, máy bay phản lực ném bom và bắn rốc két. Chúng bao vây xung quanh các điểm giao tranh để cắt đứt mọi tiếp tế của ta và chặn đường rút.

Hãy nghe bà kể tiếp:

- Con biết không, những ngày ấy thật kinh khủng, các chiến sỹ của ta phải chiến đấu trong đói khát, chiến đấu trên từng góc phố, cố thủ trong từng căn nhà, tử sỹ không biết chôn cất ở đâu, đau thương ngút ngàn. Nguyên cả Trung đoàn 31, tới ngày 10/6/1968 hy sinh gần hết, chỉ còn lại chưa tới 2 tiểu đội với người chỉ huy là chú Hai Hoàng (bà Tâm nói chú Hai lớn hơn bà gần 30 tuổi). Tới ngày 15/6, chú Hai Hoàng cũng bị thương và gãy chân. Còn tôi, sau khi cùng đồng đội đẩy lui đợt tấn công của địch, tiêu diệt được 1 xe bọc thép và nhiều tên địch thì cũng bị tụi nó pháo kích, sập nhà. Tôi và nhiều chiến sỹ bị vùi trong đống đổ nát, tưởng mình đã hy sinh. Sau khi tỉnh lại, tôi thấy đầu và mặt bê bết máu, đau nhức toàn thân. Cố gắng ngồi lên được sau khi chui ra khỏi đống đổ nát. Trời ơi, con mắt trái của tôi không nhìn thấy gì nữa rồi. Sao con mắt lại bị lồi ra trong máu bê bết thế này? Làm thế nào bây giờ? Giữa cái sống và cái chết, tôi cố gắng vuốt máu xung quanh, cứ thử ấn con mắt vào bên trong hố mắt nhưng đau buốt tới xương, nước mắt và máu cứ thế tứa ra ướt hết cả tay.

Không hiểu, từ đâu tôi có thêm sức mạnh, cứ thế tôi từ từ hơn chục lần thì đã đẩy được con mắt trở về hố mắt trong nỗi đau thấu xương tê hết cả nửa khuôn mặt và tôi đã ngất đi sau đó. Khi tỉnh lại, tôi sờ mắt trái thì thấy đã ở trong hố mắt, máu me ra nhiều lắm. Tôi có cảm giác ướt nơi đũng quần, lấy tay sờ xuống dưới thì quần đã ướt sũng vì nước đái. Ừ, đau tới phát đái mà tôi không hề hay biết? Tôi bắt đầu bò lết đi, toàn thân ê ẩm. Biết rằng mình đã bị thương rất nặng, nhìn thấy 2 miểng đạn trên đầu gối chân phải, nhưng mấy ngón tay của tôi không đủ sức để kéo nó ra.

Tôi gập mình xuống, dùng hàm răng cắn chặt và lôi giựt hai miểng đạn đó ra. Giờ nghĩ lại, tôi cũng không hiểu sao tôi có thể chịu đựng được đau đớn trong thời khắc như vậy, chắc là sinh tồn giữa sống và chết? Tôi lết được về căn nhà sau đó, đồng đội nhìn thấy đã chạy tới đỡ tôi dậy.

Trong buổi chiều tạm ngưng tiếng súng, tụi địch biết chắc chắn rằng chúng tôi không còn bao nhiêu người và sức lực cũng đã cạn kiệt, chúng bắc loa kêu gọi đầu hàng. Chú Hai Hoàng cho tập hợp tất cả mọi người lại. Giờ cả Trung đoàn 31 chỉ còn đúng 12 chiến sỹ và ai cũng bị thương, gương mặt hốc hác. Chú Hai hỏi:

- Giờ tất cả chúng ta có dám chiến đấu tới viên đạn cuối cùng không?

- Chiến đấu,- mọi người đồng thanh trả lời.

- Vậy có dám chấp nhận tất cả hy sinh không?

- Chấp nhận,- mọi người đồng thanh đáp.

Quay sang nhìn tôi, chú Hai nói: cháu phải cải trang thành dân thường để tới tối sẽ thoát ra ngoài, cháu phải sống, hiểu chưa? Tôi khi đó chỉ còn nhìn chú Hai với một con mắt phải và nói trong nước mắt: không, chú Hai ơi ! Con không đi đâu hết, con sẽ ở đây cùng chú và anh em chiến đấu hy sinh tới viên đạn cuối cùng, chú cho con ở lại. Tôi nhìn thấy nước mắt đã lăn trên gương mặt chú, quay sang đồng đội của mình, tôi thấy gương mặt nào cũng đỏ hoe cặp mắt chực chờ lăn những giọt nước mắt thật buồn.

Sau hồi lâu, như chợt bừng tỉnh, chú Hai kêu tôi lại gần rồi nói như ra lệnh: đồng chí Tâm ! Thay mặt chỉ huy trung đoàn 31, tiểu đội 6, tôi ra lệnh cho đồng chí phải cải trang và rời khỏi nơi này vào sáng sớm mai trước khi tụi nó tổ chức tấn công vào đây. Đồng chí có nghe rõ không?

- Rõ, tôi đáp rắn rỏi.

Chú Hai rút cây súng lục ra, đưa tay tháo chiếc đồng hồ ở cổ tay trái và đưa cho tôi, rồi nói: đồng chí hãy cố gắng thoát, cầm khẩu súng lục này và chiếc đồng hồ của tôi về trao lại cho anh Hai Lâm và nói, “trung đoàn 31 đã hoàn thành nhiệm vụ !”.

Đỡ cây súng lục và chiếc đồng hồ từ chú Hai, tôi đã đổ gục xuống đất. Mấy chiến sỹ đứng kế bên đã kịp dìu tôi đứng thẳng dậy. Chú Hai quay mặt sang trái, cố giấu đi hai hàng nước mắt đang tuôn rơi mà ông không thể cầm được. Mọi người đã lục được trong căn nhà đổ nát này cho tôi một bộ quần áo bà ba, một đôi guốc nữa để tôi đi. Mấy chiến sỹ đã kiếm cho tôi một cái giỏ (làn ) nhỏ, trong đó để thêm một bộ đồ nữa, mấy cái khăn nhỏ và để lên trên một sấp tiền của VNCH.

Gần sáng, khi tôi chuẩn bị rời đi, mọi người vây xung quanh tôi. Tôi lên đạn khẩu súng lục rồi nhét vào thắt lưng. Chiếc đồng hồ thì tôi đeo vào cổ chân. Tất cả 10 chiến sỹ đều xếp hàng, ôm hôn tôi và nói: Vĩnh biệt ! Chú Hai là người cuối cùng ôm tôi. Tôi oà khóc nấc lên từng tiếng.. chú...Hai, chú...Hai ! Ôm lấy hai bờ vai gày của tôi, đầu chú gục xuống, trong im lặng, nước mắt chú đã tuôn ra rất nhiều, ướt hết cả một bên vai của tôi, phải rất lâu chú mới nói được câu:

Chú thương con nhiều lắm, Tâm à ! Dũng cảm nghe con, thôi đi đi. Vĩnh biệt !

Đó là câu nói sau cùng của người chỉ huy, tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh của ông và đồng đội trong trái tim tôi trên cuộc đời này. Tôi quay lưng rồi lê từng bước chân đi, trên tay là chiếc giỏ quần áo để ngụy trang, không dám quay đầu nhìn lại chú Hai và đồng đội. Kể tới đây, giọng bà Tâm chùng xuống, bà im lặng thật lâu.

Tôi đã cảm nhận được tình cảm của bà khi kể câu chuyện này, nó đã động tới trái tim của người nghe, mắt tôi cũng đỏ hoe rơm rớm nước mắt. Tôi khẽ nói, thưa cô, thế rồi sao cô lại ra thoát được?

- Ừa, tôi men theo mấy căn nhà đổ nát rồi đi ra đường cái nơi tụi nó đang lăm lăm súng chĩa về phía chúng tôi. Khi tới gần, một thằng hỏi: con kia, đi đâu? Việt cộng hả? Tôi bình tĩnh trả lời, tôi sống trong căn phố bên kia, các ông bắn nhau, sập nhà, tôi bị thương sắp chết rồi. Tôi đi nhà thương để cứu chữa. Nhìn gương mặt thâm đen sưng vù nơi mắt trái, vết máu còn đầy trên đầu cộng với dáng mệt lả của tôi, tụi nó lục cái giỏ, thấy không có gì khả nghi, nhìn thấy sấp tiền nó hỏi, sao mang nhiều tiền vậy? Dạ, tôi đi nhà thương cấp cứu phải có tiền ! - Thôi, đi đi, cẩn thận tiền bạc đó ! Thế là bà cứ lê lết như thế nhích từng bước, mà có muốn đi nhanh cũng không đi được?

Tới khúc cuối, một tốp lính nữa lại chĩa súng ra kêu bà dừng lại. Linh tính mách bảo, nếu tụi nó xét người thì bà cũng rút súng lục ra bắn luôn tiêu diệt tụi nó rồi cũng hy sinh chứ không thể chạy thoát được. May quá, tụi nó cũng chỉ xét cái giỏ và cũng không muốn làm phiền để bà sớm đi tới bệnh viện. Thế là bà đã thoát ra được. Có bà bán gánh cháo phía bên kia đường, bà ghé lại kêu tô cháo ăn tạm, nhưng vừa cầm lên thì tô cháo đã rơi xuống đất vì tay bà run. Thấy vậy, hình như cũng đoán được người của phía đằng mình thoát ra được khỏi vòng vây, bà bán cháo kêu luôn cái xích lô máy đang đứng cách đó không xa để cho bà đi. Bà đã chỉ đường cho anh xích lô chở tới một cơ sở của bà ở cách đó không xa.

Trưa ấy, sau khi kêu gọi đầu hàng không được, tụi nó cho trực thăng vũ trang bắn rốc két, bắn pháo tự hành hủy diệt cả khu phố có mấy căn nhà mà 11 chiến sỹ đang ẩn náu. Tất cả 11 chiến sỹ đã hy sinh, trong đó có chú Hai. Đêm đó, cơ sở cũng đã đưa bà ra khỏi thành phố, giao cho toán giao liên và họ đã cáng bà về căn cứ của Phân khu 2, bà trao tận tay khẩu súng và chiếc đồng hồ cho đồng chí Hai Lâm và báo cáo trung đoàn 31 đã hoàn thành nhiệm vụ như lời dặn của chú Hai Hoàng !

2- Rơi Vào Tay Giặc Và Đắng Cay Của Cuộc Đời

Câu chuyện chiến đấu của bà Tâm và đồng đội làm tôi không ít lần rơi nước mắt khi có mặt ở nhà bà và được lắng nghe bà kể. Những ký ức về chiến tranh thật bi hùng và sự hy sinh dũng cảm của cả trung đoàn của chú Hai Hoàng.

Tôi cũng không biết mình có thể viết lại như thế nào đây để mọi người hiểu được sự ác liệt của chiến tranh, nơi ấy những người yêu nước họ sẵn sàng hy sinh để giành độc lập và thống nhất đất nước. Lật dở cuốn sách nhỏ mà bà trao cho tôi, thấy nhiều tấm hình của bà thời thanh xuân thật đẹp, tôi hỏi:

- Cô ơi, trong hồ sơ trích ngang của cô có ghi, cô tốt nghiệp trường ca múa Lam Giang của tuyên huấn Trung ương Cục năm 1963. Hẳn khi đó cô rất xinh, sau cô về công tác ở đoàn văn công An Giang. Cơ duyên nào mà cô lại không làm văn công nữa lại đi vô thành tham gia công tác biệt động, an ninh T4 đầy hiểm nguy và hy sinh? Nhìn bà cười rất vui, bà nói, đó là ngã rẽ của cuộc đời tôi, của một người con gái mới mười chín đôi mươi.

Tôi chứng kiến sự bạo tàn của chế độ Ngô Đình Diệm sát hại những người kháng chiến cũ ở Nam bộ không đi tập kết. Chúng chặt đầu, mổ bụng moi gan họ như thời Trung Cổ. Tôi muốn được cầm súng để đánh đuổi tụi nó, đi theo lá cờ của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, không còn lựa chọn nào khác nơi chúng tôi khi ấy. Nếu như không có chiến tranh, bà cười rất hiền, rồi bảo: biết đâu tôi cũng theo con đường hoạt động nghệ thuật, có khi cũng nổi tiếng chứ bộ?

Trở lại sự kiện sau Mậu Thân 68, bà Tâm khi ấy 24 tuổi, chỉ cân nặng có 33 - 34 kg. Bà nằm điều trị vết thương ở căn cứ trong thời điểm vô cùng khó khăn ở chiến trường sau trận Mậu Thân. Thuốc men không có, mọi nguồn cung từ trong thành vào căn cứ đều hết sức khó khăn. Các y bác sỹ đã phải bàn tính việc phải móc đi con mắt trái bị thương nơi bà vì không có thuốc để điều trị nhiễm trùng và như thế, bà phải dời về tuyến sau như một thương binh, sẽ không được tiếp tục tham gia chiến đấu nữa. Gương mặt đẹp của bà sẽ thiếu một con mắt thì sẽ như thế nào nhỉ? Bà đã khóc rất nhiều đêm, không chỉ bị mất đi một con mắt mà giờ đây không còn được ra trận cầm súng để đánh giặc, trả thù cho đồng bào, đồng chí của mình đã bị chúng sát hại. Có đoàn cán bộ lãnh đạo của Phân khu 2 ghé thăm bà, họ đã can thiệp để có thể mua được thuốc men chăm sóc cho bà ngõ hầu không phải móc bỏ đi con mắt ấy. Sau hơn 3 tháng chữa trị, sức khỏe của bà cũng phần nào bình ổn, cơ bản nhất là giữ lại được con mắt trái, dẫu thị lực không còn nữa.

Tháng 3/1969, bà được lệnh trở vào thành hoạt động công khai, xây dựng lại cơ sở trong thành sau sự kiện Tết Mậu thân. Giấy tờ đi lại là giấy tờ giả do chúng ta làm trong căn cứ, lại thêm có chiêu hồi chỉ điểm, bà đã bị bắt tại Hóc Môn khi vào thành. Từ đây, những ngón đòn tra tấn như thời Trung Cổ, quân thù đã trút xuống đầu người con gái tội nghiệp. Sau hơn 4 tháng tra tấn, thẩm vấn, bà không hé răng nửa lời khai báo, giữ khí tiết của người Đảng viên buộc địch phải điều chuyển bà vào các trại giam từ Thủ Đức tới Chí Hoà, Tân Hiệp rồi sau cùng chúng đày bà ra Côn Đảo, giam ở chuồng cọp.

Trung kiên với Đảng, nơi ngục tù trần gian ấy, người đảng viên trẻ phải chịu biết bao cực hình để rồi sau 6 năm 1 tháng kể từ ngày bị bắt, bà đã được địch chở từ Côn Đảo về trại giam Tân Hiệp rồi trả tự do vào giữa tháng 4/1975. Trong khí thế sục sôi giải phóng Sài Gòn, bà đã theo đoàn quân từ căn cứ Tân Túc (Bình Chánh) đánh vào nội đô và vào tiếp quản Quận 11. Sau giải phóng, bà tham gia lãnh đạo chính quyền ở Phường 3, phường 5 của Quận 11. Từ năm 1977, bà về công tác tại toà án nhân dân Quận 11, sau làm thẩm phán và về nghỉ hưu năm 1990.

Nếu thoạt xem qua quá trình công tác của bà sau giải phóng thì không có gì đặc biệt. Tôi đã hỏi bà:

- Cô ơi, thế tại sao mãi tới năm 1986 cô mới lấy chồng ở tuổi 42? Cô vẫn có thể xây dựng gia đình ngay sau khi chiến tranh kết thúc, khi ấy cô mới ngoài 30 tuổi? Xoay xoay tấm hình của mình chụp sau ngày giải phóng, bà nói nhỏ nhẹ:

- Là thân phận phụ nữ, tôi cũng muốn có một gia đình hạnh phúc với bầy con nhỏ tung tăng nô đùa trong sự bình yên của đất nước mà vì lẽ đó mà cả cuộc đời thanh xuân của tôi và biết bao nhiêu người đã vào trận không sợ hy sinh để chiến đấu. Tôi là người tù được sống sót trở về từ Côn Đảo, thương tật mang đầy trên mình không chỉ bị thương do đụng độ với quân thù trong chiến dịch Tết Mậu thân 68 mà còn là di chứng của những cực hình tra tấn, đối xử vô nhân đạo của lũ giặc đối với người tù cộng sản. Tôi là thương binh nặng 1/4, mất 81% sức khỏe. Đau ốm triền miên, nhất là những ngày trái gió trở trời, sao dám nghĩ đến chuyện làm vợ hoàn hảo sinh con đẻ cái bình thường cho người đàn ông khi họ đến với mình?

Rằng không biết mình có thể còn sinh đẻ được nữa không? Biết bao nước mắt cuộc đời này bà đã rơi sau khi im tiếng súng, rằng bà có quyền được làm mẹ hay không và khi nào điều đó có thể xảy ra?

Phải rồi, chiến tranh nó đã cướp đi tất cả tuổi xuân của bà và tất cả sức khỏe của một đời người. Nhiều lúc bà không dám nghĩ đến hạnh phúc riêng mà mình có thể có? Cũng như là số phận của những người lính đi qua chiến tranh, bà đã may mắn gặp được ông qua nhiều người giới thiệu.

Như 2 mảnh ghép muộn của cuộc đời nhiều duyên số để rồi bà giờ đây mơ được làm mẹ. Chồng bà là ông Nguyễn Phú Hằng, sinh năm 1942 tại xã Bình Hoà Đông, huyện Mộc hoá (tỉnh Long An). Ông cũng tham gia kháng chiến ở quê nhà Long An. Sau thoát ly, là quân giải phóng của quân khu 8, tham gia chiến đấu cho tới ngày 30/4/1975. Ông là cán bộ quân đội của Quân khu 7, năm 2005 về nghỉ hưu với cấp bậc đại tá.

Bà đưa cho tôi xem giấy đăng ký kết hôn của ông bà ngày 13/9/1986. Thôi thì, tôi nói với bà, hạnh phúc rồi cũng đã mỉm cười với cô và gia đình rồi đó. Đó cũng là cái kết có hậu trong cuộc đời nhiều nước mắt nơi cô. Lạ thay, bà vẫn ngồi im, không nói câu nào, con mắt phải của bà đã đỏ hoe và để rơi những giọt nước mắt. Tôi chợt nghĩ, mình đã nói đến hạnh phúc gia đình, hạnh phúc được làm mẹ của bà nên làm bà xúc động chăng?

Tôi lại bình thản nói tiếp như thể làm bà vui hơn.

- Con nhớ, những năm tháng ấy ở nước ta sau đại hội Đảng lần thứ 6, công cuộc đổi mới bắt đầu, mọi người bung ra sản xuất, cô chú sanh được em bé thì thật hạnh phúc. Cô là người phụ nữ xinh đẹp một thời, chắc con của cô cũng được thừa hưởng những nét đẹp đó?

Bà cười rồi lại nhỏ nhẹ, cũng như bao cặp vợ chồng hiếm muộn sau tuổi 40, tôi cũng cấn bầu , mang thai sau đó. Vợ chồng vui mừng lắm, không hạnh phúc nào có thể tả nổi để chuẩn bị được đón đứa con quý hiếm chào đời khi mẹ nó đã ở tuổi 44 vào năm 1988. Thương tật đầy người, sanh được một đứa con quả là một món quà mà thượng đế ban tặng cho gia đình bà, hạnh phúc vỡ oà.

Nhưng, số phận của cuộc đời nó đâu có mỉm cười với vợ chồng tui đâu? Tôi sanh thằng con trai, chưa kịp đặt tên thì nó lại mất. Tôi sanh nó ra ở Từ Dũ, nó bị dị tật rất nặng và qua đời khi được 11 ngày tuổi. Nó bị di chứng của nhiễm chất độc màu da cam. Đây là hậu quả mà chú bị nhiễm độc khi đồn trú ở rừng trong thời gian chiến tranh bị thằng Mỹ nó thả chất độc Dioxin. Các bác sỹ đã khuyên chúng tôi không nên đẻ nữa, những đứa trẻ sinh ra cũng sẽ bị dị tật như vậy ! Con người sanh ra, rồi có mất thì cũng phải có tên. Nghĩ vậy, vợ chồng tôi đã đặt tên cho đứa con không may mắn đó là Nguyễn Vĩnh Biệt.

Thế là mơ ước được làm mẹ đã tắt trong bà, không từ ngữ nào có thể nói lên sự thất vọng nơi người đàn bà này. Họ đã không bao giờ được nghe tiếng khóc của đứa con Nguyễn Vĩnh Biệt.

Sức khỏe của bà sau đó cũng bị suy sụp rất nhiều, năm 1990 bà đã được giải quyết cho nghỉ hưu khi tuổi đời mới 46. Thương binh nặng 1/4 mất 81% sức khoẻ.

Giọng thật buồn, bà bảo: không biết đây có phải là số phận của chiến tranh tàn khốc trên đất nước này mà không chỉ gia đình tôi phải hứng chịu, mà còn biết bao gia đình đau thương như thế không? Những đứa trẻ tật nguyền do di chứng của thứ chất độc quái ác Dioxin đã được sinh ra trên đất nước này là nỗi đau vô cùng tận nơi trái tim yêu thương của những bậc làm cha, làm mẹ sau khi chiến tranh đã khép lại.

Rồi nỗi khát khao được làm mẹ, được chăm sóc cho đàn con vẫn không tắt nơi bà. Bà đã bàn với chồng đi xin những đứa trẻ con nhà nghèo về nuôi. Bà tâm sự, mình không sanh được tức không có công sinh thành thì có công nuôi dưỡng, cái đó cũng là để đức cho đời.

Nói là làm, ông bà xin được 3 đứa nhỏ về nuôi, 1 trai 2 gái với cơm rau của nhà nghèo nhưng tình yêu thương thì không thiếu. Bà nói với tôi, những đứa con này không chung dòng máu, không chung máu cha, không cùng huyết mẹ. Năm tháng trôi đi, thằng con trai bị bệnh rồi mất, ông cũng đau yếu vì di chứng của chất độc Dioxin rồi bỏ bà và các con mà ra đi sau đúng 6 năm nghỉ hưu vào năm 2011. Bà bảo, đau thương cũng nhiều rồi, giờ phải sống qua những ngày tháng bão giông thôi khi trong ngôi nhà ấy chỉ còn 3 người phụ nữ, một mẹ già thương tật mất 81% sức khỏe và 2 cô con gái nuôi.

Thôi thì, tôi thưa với bà, chiến tranh tàn nhẫn quá, nhắc lại mà quặn đau trong tim, hậu quả của nó tới giờ này gần nửa thế kỷ trôi qua vẫn chưa khắc phục được, nỗi đau còn đó trong lòng nơi mỗi người lính bộ đội cụ Hồ , dẫu họ muốn quên đi. Giờ cô kể cho con nghe 2 cô con gái của cô đi?

Im lặng thật lâu, mãi bà mới nói:

- Cứ tưởng, mình không sanh thành được mấy đứa con thì cũng có công nuôi chúng, dành tất cả tình cảm cho chúng, bởi chúng là những đứa trẻ con nhà nghèo, mồ côi cả cha lẫn mẹ đang chịu rất nhiều thiệt thòi. Thằng con trai bị bệnh rồi mất, còn 2 đứa con gái. Ngày con gái lớn trưởng thành, sức khỏe của nó cũng nay ốm mai bệnh, vợ chồng tôi cũng lo cho nó dữ lắm. Nó yêu một thằng thanh niên có gia cảnh nghèo xác xơ, cũng chỉ đi làm công nhân đủ tiền nuôi chính mình. Vợ chồng tôi làm đám cưới cho nó rồi bọn chúng ở luôn cùng với chúng tôi.

Năm 2000, chúng nó sinh được một cháu gái. Sau 7-8 năm, sinh thêm được thằng con trai. Con bé gái cháu ngoại cũng không được khỏe, đi khám bệnh thì bác sỹ bảo có biểu hiện của bệnh trầm cảm, thần kinh? Chạy chữa mấy cũng không khỏi, nó đang học tới lớp 9 thì nghỉ học, ở nhà tới giờ luôn.

Cách đây 3 năm, đứa con gái lớn của tui bị bệnh rồi mất, bỏ lại cho tôi 2 đứa cháu ngoại, một đứa thì ốm đau, bố nó đi làm công nhân có lương cũng không đủ nuôi 2 đứa con? Một mình tôi với lương hưu ít ỏi của trung úy có vài triệu cũng phải chia sẻ để nuôi con, nuôi cháu trong cơm rau của nhà nghèo.

Đứa con gái thứ 2 thì cũng mới gả chồng cho nó rồi 2 vợ chồng chúng nó phải đi thuê nhà ra ở riêng vì trong ngôi nhà nhỏ này chật chội, tụi nó đâu có chỗ ở?

Ngước nhìn lên trần nhà như để tìm cái gì đó, rồi cô nói trong nước mắt rưng rưng:

- Trời cao có mắt, sao lại để tui chịu cảnh đắng cay tột cùng của người làm mẹ như thế này?...

Bà Võ Thị Tâm và con nuôi

Trở lại việc làm thủ tục xét phong tặng danh hiệu AHLLVTND cho bà, tôi được đọc rất nhiều lời đề nghị từ những người có trách nhiệm từ cuối những năm 90.

Bà bảo, sau giải phóng người ta cũng bảo tôi làm hồ sơ thì làm, làm rồi thì cứ để đó, vả lại tôi đi làm cách mạng đâu phải để đi tìm kiếm danh hiệu đó đâu? Khi nào Nhà nước tuyên dương thì đó là việc ở ngoài Trung ương. Ngày chồng bà còn sống, ông ước ao được nhìn thấy vợ của mình được Nhà nước tuyên dương danh hiệu AHLLVTND, chứ sức khỏe của bà yếu thế này, lỡ đi xa rồi sau đó Nhà nước mới truy tặng danh hiệu cho bà thì cũng đau lòng người ra đi lắm.

Bà cười rất nhẹ và nói, tháng 1/2011 tôi được tuyên dương anh hùng sau đúng 43 năm sự kiện Tết Mậu thân 68 thì cũng năm đó, tháng 11/2011 chồng tôi ra đi. Thôi như thế cũng được, coi như ông ấy được chứng kiến sự kiện vinh dự này của tôi trước khi về với ông bà.

Tôi vô cùng kính phục chú Hai Hoàng- trung đoàn trưởng trung đoàn 31 đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu AHLLVTND. Hôm nay ở Củ Chi, quê hương của chú Hai Hoàng có con đường mang tên chú - VÕ VĂN ĐIỀU.

Để biết thêm về người anh hùng này, tôi xin cung cấp cho các bạn thông tin: Võ Văn Điều tức Hai Hoàng chính là người chỉ huy trận đánh Ấp Bắc lẫy lừng năm 1963 làm phá sản chiến tranh đặc biệt của Mỹ, đánh bại chiến thuật trực thăng vận và thiết xa vận của Mỹ, là một trong 2 người được tặng thưởng huân chương chiến công hạng nhất của quân giải phóng sau trận đánh. Người kia chính là nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn xuất sắc của Cụm tình báo H.63 anh hùng đã cung cấp những thông tin tình báo quý giá và cách đánh để ông Điều và đồng đội làm nên chiến thắng vang dội.

Hãy đừng lãng quên họ, tất cả những người đã ngã xuống trong cuộc chiến ấy họ đều xứng đáng là những người ANH HÙNG!

Ngày 12/1/2023.

Nguyễn Quang Chánh

Bà Võ Thị Tâm cùng 2 người anh hùng tình báo Tám Thảo và Tư Cang

Nguồn FB Nguyễn Quang Chánh ngày 17 tháng 1, 2023

____________________

Bài khác, cùng tác giả:

- Kỷ Niệm 55 Năm Tổng Tiến Công Và Nổi Dậy Xuân Mậu Thân 1968

_____________________

Nhận xét của bạn đọc:

 

Trang Thời Sự